Người Âu tây sẽ nghĩ: "Họ có thì giờ mà!". Không, họ không có thì giờ, mà rất cần thì giờ, chịu khó bỏ thì giờ ra. Hoặc người Âu tây sẽ bảo: "Họ quá cầu kỳ!". Không , họ rất muốn được không cầu kỳ. Hoặc có người hỏi: "Tất cả điều đó đưa đến cái gì?", và câu trả lời sẽ là ai kiên nhẫn, chịu khó trong những việc nhỏ nhoi tầm thường, và biết kềm chế mình thì có ngày cũng tự chủ được như thế trong những vấn đề lớn lao quan trọng. Bởi vậy, việc làm cho mình có giá trị lớn nhờ vào tính đạo đức cùng sự tôn trọng trật tự luân lý và xã hội, được người Nhật xem là giai đoạn khởi đầu, chứ không phải là mục đích cuối cùng - Thiền vượt qua khỏi lập trường này.
Sự rèn luyện ý chí và tâm trí này được hổ trợ bằng một lối ăn uống thanh đạm đơn giản (như Thiền sư Deshimaru viết trong cuốn "Chân Thiền", người tu Thiền nên ăn uống theo phương pháp Thực Dưỡng Oshawa là tốt nhất - LND), cộng với việc vận động thân thể để khí huyết lưu thông, giải trí, và ngủ nghỉ không quá thời gian cần thiết trên giường cứng. Kỷ luật phải giữ nghiêm. Phải đúng giờ giấc, tận tâm, chu đáo, biết tự kềm chế và phải có khả năng chịu đựng nóng bức lẫn lạnh lẽo bất kể thời tiết.
Xét theo quan điểm này, ảnh hưởng của Thiền tông Phật Giáo đối với giới hiệp sĩ Nhật Bản (samurai) là điều dễ hiểu. Thực sự thì tinh thần hiệp sĩ được un đúc phần lớn bởi Thiền. Ngay cả ngày nay, việc huấn luyện trong môn bắng cung và đánh kiếm cũng nổi bật về kỷ luật nghiêm khắc, những giờ đầu buổi sáng được dành để luyện tập, lúc mà đầu óc người ta vẫn còn trong sáng. Mùa tiết thay đổi chẳng làm bận tâm; và người ta thích chọn những thời điểm nóng nhất và lạnh nhất trong ngày.
Việc huấn luyện đối với những đệ tử nhỏ tuổi thì khác, vì họ là những người mới bắt đầu trong mọi phương diện giống như những trang giấy trắng chưa viết chữ nào. Đầu tiên, vị Thầy phải tìm hiểu họ trước khi đưa vào đường Thiền. Do đó, lúc ban đầu , những sinh hoạt của những đệ tử này có thể hoàn toàn khác hẳn với sự mong đợi. Họ phải quét chùi phòng ốc, làm việc trong bếp, lao động ngoài ruộng, ngoài vườn. Lúc nào họ cũng bị ông thầy âm thầm theo dõi, không chỉ về sự nhanh nhạy, khéo léo và sở thích, mà còn quan trọng hơn nữa là về thiện chí, nhiệt tình, sự chu đáo, tính không vị kỷ và sẵn sàng phục vụ. Họ phải trải qua một thời gian thử thách dưới cặp mắt coi ngó tinh tường của ông Thầy. Ít ra, ông cũng xem xét họ cư xử với ông ra sao. Đó không có nghĩa là họ phải tỏ ra kính cẩn với ông, vì điều này chưa đủ; hoặc xét cách họ cư xử với bạn đồng môn và những điều họ nói cũng chưa đủ xác định được tính khí, vì khi ở trong nhà chùa với cách sống và không khí tập thể, họ có thể dễ dàng thích nghi, bắt chước, đóng kịch. Do đó, chú ý đến những gì người ta không làm thường trọng hơn lưu tâm đến những gì họ làm. Ngoài ra, cách cầm nắm đồ vật, dụng cụ v.v... nhất là khi các đệ tử tưởng là mình không bị theo dõi, sẽ cho vị Thầy biết nhiều điều. Ông đã biến việc xem xét thành một nghệ thuật tinh vi và nhờ đó ông có thể nhìn thấy rõ hơn một nhà nhân tướng học xét đoán chữ viết của người ta. Đối với đệ tử, người Thầy không hề khoan nhượng mà rất nghiêm khắc, đôi khi tàn nhẫn như đối với kẻ địch không bằng, nhưng đấy là sự nghiêm khắc của lòng lành, không bị tình cảm vụn vặt và tính khí bất thường chi phối. Trong lịch sử Thiền tông Phật có nhiều thí dụ điển hình về sự nghiêm khắc cay nghiệt của một vị Thầy, nhưng người học trò lúc đó chưa hiểu được, như lúc sau này, là mọi sự thầy làm đều phát xuất bởi lòng từ bi.
__________________
|