Ông ta đi về phía chúng tôi, dừng lại nhưng thân hình vẫn còn chao đảo và nói:
Cha là Mục sư mới?
Phải – tôi trả lời và chìa tay về phía ông ta – Tôi tên là Roger Hargreaves.
Ông ta nắm bàn tay tôi và cứ lắc hoài mà không thả.
Roger Hargreaves, - ông ta trịnh trọng nói. Ông ta dừng lại một chút như để suy ngẫm điều gì – Đúng là tên của cha rồi!
Vâng tên của tôi đấy! – tôi trả lời – tôi biết mọi người quanh tôi cũng mỉm cười xem sự thể một mục sư mới đang phản ứng với một ông già say rượu.
Dừng được một lúc ông ta nói tiếp.
Tôi biết rõ rồi đấy, thưa cha Roger Hargreaves. Họ gọi cha như thế mà !.
Đúng đấy – tôi nhấn mạnh thêm – Tên tôi đấy !
Ông ta đứng bất động, còn nắm bàn tay tôi, trong lúc ý nghĩ của ông ta đã thay đổi
Con có nghe nói về cha, một người gốc Anh, chắc cũng ghê gớm lắm!
Ê, im cái miệng anh lại - Jim Maclaren đứng cạnh tôi nói – cha Hargreaves đã ở Queensland hai mươi năm rồi. Stevie, anh biến đi cho và cần nhậu thêm bia thì cứ việc! Tôi đã gọi cho anh rồi!
Cha Hargreaves – ông già càu nhàu, vẫn còn cầm tay tôi – Nếu cha nói đúng, tại sao anh không gọi bằng tên mà gọi bằng họ?
Thì cha nói đúng chứ sao! – Jim trả lời – tôi gọi cha Hargreaves vì cha là một mục sư. Anh biến mà đi nhậu bia cho người ta nhờ!. Nói với Albert là tôi đã gọi bia cho anh đấy. Một phút nữa tôi sẽ đến.
Tôi quay sang phía Jim:
Ông ta cũng đúng thôi! – Rồi quay về phía ông già tôi hỏi – Tên anh là gì?
Stevie, -Ông ta trả lời.
Stevie gì?
Stevie –Ông ta lập lại – Tôi la Stevie còn cha là Roger. Để bia đó cho tau, thằng bạn chí cốt.
Ông ta lắc mạnh tay tôi, nhìn chòng chọc vào mặt tôi, mùi bia nồng nực phả vào mũi tôi
Bạn bè cả mà, phải không cha?
Đúng vậy, - Tôi trả lời – Anh là Stevie và chúng ta là bạn.
Cuối cùng ông ta thả tay tôi ra và vẫn còn lảo đảo trước mặt chúng tôi. Ông ta quay về phía Jim.
Cha nói đúng cho dầu cha có là gốc Anh đi nữa! – ông ta quay về phía tôi đầy thiện chí – Cha cá cược con ngựa nào?
Tôi mỉm cười:
Tôi là mục sư, hai lần hai ngàn là quá lắm rồi!. Tôi nghĩ Frenzy sẽ thắng.
Đừng đánh con đó – ông ta phản đối – Cha đánh con Ô Lạc đi cha, đánh con Ô Lạc là trúng chắc!
Anh điên rồi sao Stevie? – Fred Hanson nói – Này lại đằng kia, tôi kêu cho lon bia!
Anh ta xách bổng cánh tay ông già lôi về quán rượu.
Tôi nhìn Jim Maclaren, cả hai chúng tôi cùng cười. Tôi hỏi:
Ai vậy?
Stevie? À, anh ta luôn luôn thế. Anh ta sống với một người Hoa cách đây mười dặm. Giờ chẳng còn làm được vì quá già. Ngày trước, một thời cũng là tay tháo vát, người ta bảo thế. Nghe nói cách đây lâu lắm có làm quản lý cho trại Wonamboola – anh ta nhìn tôi ngần ngại nói tiếp – Thỉnh thoảng cũng gây phiền hà một chút.
Tôi quay lại nhìn bảng tổng kết tiền sau lưng chúng tôi. Vào lúc ấy chỉ có một người đánh cá con Ô Lạc.
Đánh con Ô Lạc có được không? – Tôi hỏi
Anh ta đùa đấy! – Jim trả lời – Cha cứ yên tâm với con Frenzy đi!
Tôi bỏ đi trước khi cuộc đua bắt đầu để xem cho biết những con ngựa chạy nước kiệu đến điểm xuất phát. Frenzy là con ngựa độc nhất với giống rất lạ. Ô Lạc thì gầy nhom, có vẻ đói khát với cái đầu to tướng và mông nhỏ. Tôi đi về phía bảng tổng kết tiền cá cược, vẫn chỉ có một người ủng hộ cho ý kiến của Stevie, trong lúc hơn bốn chục người khác đánh cá cho con Frenzy. Bài toán chia, chắc chắn tỉ lệ thắng rất mong manh. Tôi nghĩ đến ông già Stevie mà tôi chắc chắn rằng ông ta sẽ hỏi tôi đánh con nào và y như rằng hai lần tôi phải cá cho được con Ô Lạc. Đôi khi tôi cũng nghĩ rằng địa điểm đua ngựa Ascot còn thiếu một điều gì đó nên không thể thành công như Landsborough. Anh Tommy Ford đang cưỡi con Frenzy và anh quyết định phải thắng cho được cuộc đua này. Mỗi lần xuất phát, anh quất ngựa vụt nhanh về phía trước nên đã làm hỏng đến sáu lần, phải xuất phát lại, vì tiến qúa đà. Mỗi lần như thế, các con ngựa đều nhảy chồm lên và đứng trên hai chân sau làm cho người nài ngựa mất thăng bằng, nên người ban lệnh xuất phát thủ sẵn một hòn đá trong tay. Lần xuất phát thứ bảy, anh ta vụt mạnh hòn đá vào anh Tommy để kiểm tra còn xuất phát sớm thì lãnh đủ nhưng hòn đá nặng gần một kí chỉ đi sớt qua tai trong gang tất, nhưng một con ngựa khác lại làm hỏng cuộc xuất phát. Vào lần xuất phát thứ tám, Tommy lại lướt đi nhanh một lần nữa và người ra lệnh lại ném một hòn đá khác, lần này nó xẹt qua đầu Frenzy ở giữa cự ly hai lỗ tai và trúng ngay ngực của Tommy. Frenzy giật mìnnh vì cú ném hụt, miệng bị giật mạnh, chạy thẳng vào bụi cây bên đường. Cuộc xuất phát lần này thành công nhưng Frenzy lạc đường chạy, đến năm mươi mét và đâm phải con Daisy Bell ngã xuống, trên chân con Coral Sea, đang do dự thì con Frenzy nhảy qua dãy hàng rào thấp làm bằng cây bạch đàn. Tommy đứng thẳng trên bàn đạp, vừa quất roi, vừa chửi đổng. Còn lại một mình con Ô Lạc đua tài với một con ngựa cái nhỏ bé tội nghiệp tên là Cleopatra và cuối cùng Ô Lạc đã thắng vì dài đòn hơn. Tôi thu được cả thảy hơn trăm ngàn.
Tôi nhìn quanh tìm kiếm Stevie, nhưng chẳng thấy ông già đâu cả. Tôi cũng mừng thầm, vì nếu gặp ông ta, tôi không thể tránh khỏi mời một chầu bia, mà ông già thì đã say khướt. Sau đó Jim nói cho tôi biết, ông ta đã ngủ say trong một chuồng ngựa, trong một hốc tối. Hầu hết ngựa trong chuồng đều đi tham dự cuộc đua có các công nhân của trại giám sát qua đêm. Khi Stevie thức dậy, trời còn tối và đầy sao, đó là một đêm tuyệt vời ở Queensland, trời hơi se lạnh, nhưng rất dễ chịu. Khi sao đã lặn về phía chân trời, đó là lúc ngủ thích thú nhất trên đất lạnh. Mấy cậu nhóc da đen nhóm một bếp lửa và nói chuyện khào. Chúng mang lại cho Stevie cốc cà phê nóng nấu bên lửa và một đĩa thịt. Ăn xong Stevie bỏ đi về phía thị trấn để đến quán rượu.
Đêm ấy tôi không còn gặp Stevie nữa. Uống cà phê ở khách sạn xong, tôi giúp họ rửa bát đĩa. Sau đấy tôi trở về toà Cha sở, nhưng khi đi qua quán rượu, Jim Maclaren thấy tôi, thế là tôi buộc phải vào uống với họ, và trả một xuất vì tôi thắng cá ngựa. Tôi vỡ lẽ là cuộc cá ngựa của tôi là đề tài cho họ tranh cãi tối hôm ấy, không chỉ một trận đua cuối làm cho họ vui say giải trí mà là tất cả những ai đang la cà ở quán rượu, trong đó có Tommy Ford. Nhưng họ thật sự bày tỏ niềm vui một cách vô tư vì biết một vị mục sư đã mất công theo dõi một cuộc đua ngựa từ đầu chí cuối mà chỉ trúng có một trăm ngàn bạc. Miền Bắc Queensland là nơi thưởng nhiều nếu chịu khó cá cược.
Tôi cố gắng tìm hiểu thêm về Stevie, trong thời gian gần nửa giờ, tôi có mặt ở quầy rượu, trước khi tôi trở về lại giáo phận, để khỏi phải ân hận, nhưng vẫn không tìm được gì khác hơn. Ông ta là người lớn tuổi nhất trong số đàn ông có mặt ở đây và ông ta cũng đã cư ngụ tại Gulf Country từ thuở nào đến giờ mà cũng không ai nhớ ra. Chỉ có một truyền thống vẫn còn giữ đối với người phi công lái máy bay cứu hộ mà Stevie đã phục vụ ở không lực Hoàng gia trong thế chiến 14 – 18 và ông ta đã là sĩ quan hoa tiêu. Người ta còn cho biết là ông đã từng làm quản lí cho trại chăn nuôi gia súc Wonamboola trong những năm 1920, có lẽ là sau chiến tranh, nhưng chẳng có cá nhân nào già đến như thế để kể lại mọi chuyện. Rồi sau đó ông ta bỏ núi xuống đồng bằng, khi thì làm nghề đóng yên cương, khi thì nấu bếp cho các trại nuôi gia súc khác nhau vào các thời điểm khác nhau. Chẳng ai trong quán rượu biết được họ của ông ta và cũng chẳng có người nào biết được bà con thân thuộc của ông ta cả. Ông bây giờ là người thất nghiệp, nhưng cũng có chút lương hưu, lâu lâu lại đến bưu điện lấy ra.Ông ta sống với một ông già Tàu tên là Liên Chi, làm chủ một vườn rau cách thị trấn mười đến mười hai dặm. Ông già Stevie giúp bạn làm vườn để tự nuôi sống. Hai người đều độc thân. Stevie không bao giờ có tiền trong túi, vì có thói quen là, mỗi lần đi bưu điện, là thẳng đến quán rượu, để uống cho hết số tiền hưu, trước khi về nhà, nhưng khi áo quần ông già quá tàn tệ, Trung sỹ Donovan, thuộc lực lượng cảnh sát mã vận đã đợi sẵn ở ngoài bưu điện, đưa ông đến cửa hàng bách hoá, mua cho ông một cái quần dài mới trước khi để ông đi vào quán rượu.
Tôi cũng hiểu một chút ít về ông già Liên Chi bởi vì ông chính là nguồn rau cải tươi sống của Landsborough. Vào thời ấy, tôi chưa được thấy căn nhà của họ nhưng sau này tôi đã đến thăm rất nhiều bận. Nhà của ông Liên Chi ở giữa hai hồ nước dài cách trại chăn nuôi Dorset Downs cũng khá xa và cách các nhà vườn khác độ mười lăm dặm. Hai hồ nước này thật ra là một phần của con sông chảy vào mùa mưa và nối với hạ lưu của sông Dorset. Vào mùa khô, vùng đất giữa hai hồ nước rất phì nhiêu vì nó tiếp cận với nước khi cần làm thuỷ lợi. Ở đây ông Liên Chi trồng được hai ba sào gì đó, đủ các loại rau cải. Ông ta có cối xay gió bằng sắt đã cũ để bơm nước, và ông làm việc từ rạng đông cho tới tối mịt.Ông cũng có dựng một căn nhà trên một nỗng đất gần đấy, cao hơn mức nước lụt. tuần hai lần thứ Tư và thứ Năm, ông tự mình đánh chiếc xe bò hai bánh do con ngựa già kéo, về thị trấn bán rau cải và rồi đi thẳng về nhà chẳng ghé lại quán rượu vì ông không uống.