1.
Sau ba phát súng bắn đáp lại lời yêu cầu của Sứ, mọi người trong hang không nghe thấy gì nữa. Họ không rõ những gì đã xảy đến với Sứ ngoài đó nữa. Đứng tại chỗ của mình, tay họ ghìm chặt súng, mắt rưng rưng. Anh Ba Rèn và một số anh em đòi đánh ra giải thoát cho Sứ. Nhưng anh Hai Thép lắc đầu không cho.
Hai Thép mím chặt môi, lẩm bẩm:
- Chắc tụi nó giết cô Sứ rồi!
Không ai nói sao cả. Nhưng ai cũng nghĩ là Sứ đã hy sinh.
Hôm nay, lần đầu tiên trong cuộc chiến đấu, sao người nào cũng cảm thấymình như vừa mất đi một cái gì hết sức quý giá. Mà đồng thời họ lại như tiếp nhận được một cái gì rất đỗi lớn lao. Trong trái tim của từng người đang cầm súng này vừa chứa nỗi đau, vừa chứa đầy căm oán. Tưởng chừng mỗi trái tim đều đang tuôn ra khắp châu thân những luồng máu nóng sôi, cứ trào lên, trào lên không ngớt. Chưa có ai, dù chỉ một đôi khi, lại được nghe cái tiếng tuyệt diệu như tiếng nói của Sứ vừa nói với họ. Chưa có ai, dù chỉ là một lần, mà lòng lại yêu thương nhiều đến thế, căm thù và siết chặt ý chí chiến đấu của mình mạnh đến thế.
Trong hang, Quyên đã khóc. Nhưng bây giờ thì cô không thể khóc nữa. Cô phải gạt nước mắt, vì con Thúy lại bíu lấy cô mà hỏi má nó đi đâu, mà nó đi chừng nào về? Quyên lại nói dối con Thúy rằng má nó ra xóm công tác rồi sẽ về thôi. Cô không thể nói thực với cháu mình. "Nó còn bé quá, nó không thể kìm giữ như mình đâu!" Quyên nghĩ thế. Trong hang tối, Quyên ôm cháu, đau đới nghĩ rằng lần này chắc nó mất mẹ thực rồii. Nâng trên tay mình tấm áo của chị Sứ còn để lại, nước mắt Quyên cứ ứa ra. Cô đưa chiếc áo đó lên miệng day day, dứt dứt. Từ tấm áo, Quyên nghe rõ mùi mò hôi âm ấm. Mùi vị này sao mà âu yếm, sao mà dịu ngọt, hệt như chính cái hơi thở của chị Sứ thường khi vẫn phả vô mặt Quyên. Chiếc áo bà ba đen này chính mẹ cô đã dệt mót những sợi tơ càng, vừa đủ may một cặp áo, cho cô một chiếc và chị Sứ một chiếc. Chiếc áo của cô thì cô đang mặc trong mình. Mà chiếc áp của chị Sứ thì chị ấy cũng còn đang để lại đây. Lúc ra suối, chị đã cởi đắp cho con. Đêm hôm qua, chắc chị lạnh lắm. "Chị Sứ ơi, mặc chiếc áo má may cho chị em mình một lươợt này, em sẽ nhớ chị lắm thôi. làm sao em quên được chị hồi nhỏ, chị hồi còn con gái, và lúc chị làm người mẹ nuôi con. Thôi thì từ nay em sẽ phải là chị, nuôi má, nuôi con Thúy, em phải là người con gái như chị, người đảng viên như chị, rồi em cũng sẽ phải là một người mẹ như chị vậy!"... Trong cơn thổn thức, tay Quyên mày mò túi áo chị, đụng nhằm cái thơ. Nhưng hang mờ tối,cô không biết, liền móc cất vào áo của mình.
Bên ngoài chợt có tiếng gì lanh lảnh, ồm ồm. Nghe đâu như lại có tiếng loa. Quyên giằng con Thúy ra:
- Con ở đây, dì ra ngoải một chút!
Quyên chạy ra hang. Tiếng ồm ồm không còn nữa. Cô gặp Ngạn. Mắt Ngạn long lên coi rất dữ tợn. Anh hổn hển bảo:
- Tụi nó mới bắc loa vô nói là đã chém chị Ba rồi treo lên. Nó lại kêu mình đầu hàng nữa!
Quyên kêu "trời ơi" rồi chạy xổ ra miệng hang. Anh Hai Thép chồm người kéo cô lại. Cô khóc tức tưởng trên vai anh Hai Thép. Bấy giờ Ngạn, anh Ba Rèn và bốn anh em khác lại đề nghị cho họ đánh thốc ra. Anh Hai Thép vẫn lắc đầu.
Ngạn nói:
- Tôi phải ra, tôi không chịu nỗi nữa đâu!
- Tôi cũng vậy - Anh Ba Rèn xốc cây súng lên - Tôi chết tôi chịu, chớ nó giết cô Sứ, tôi ở đây tôi chịu không nổi.
Anh Hai Thép nói:
- Vì cuộc chiến đấu cần phải được giữ vững, tôi nhắc lại, không anh nào được tự ý xông ra hết!
Bốn năm người, trong đó có Ngạn và Ba Rèn, đều khựng lại. Anh Hai Thép nói:
- Trở về chỗ của mình ngay đi!
Dừng lại một giây, anh dứ dứ bàn tay:
- Trả thù cho Sứ phải là ở đây, là phải đánh thắng trận này!
Bốn năm người không ai bảo ai, kẻ trước người sau lặng lẽ lui về chỗ. Quyên cũng đã bớt khóc. Anh Hai Thép đến bên, để tay lên vai cô, khẽ nói:
- Thôi, vô trong hang đi Quyên! Vô trỏng với con Thúy. Đừng khóc nữa em, đừng thèm khóc...
Quyên nghe lời anh Anh, cắn cắn ngón tay, bước từng bước một đi vào hang trong. Khi Quyên đi rồi, Anh Hai Thép ngồi xuống tảng đá, vê một bộ râu mép mấy bữa không cạo mọc ra rất rậm, nói giọng như thường:
- Tụi này nó bắt đầu đem loa phóng thanh gắn trước hang để chơi cái trò tâm lý chiến rồi đó. Không dè vừa rồi bị Sứ mượn loa phóng thanh nói chuyện với mình, cổ võ mình; thành ra phản tác dụng ráo trọi. Sứ khá lắm cứng lắm. Tội nghiệp, Sứ cứ tưởng mình chưa biết nuối suối có thuốc độc, Sứ dặn mình đừng uống. Anh em coi Sứ còn dặn tụi mình đừng buông súng, đừng bao giờ buông súng...
- Còn lâu mình mới buông súng - Anh Ba Rèn nói - Trừ phi mình chết hết...
Chú Tư Nghiệp bĩu môi:
- Chừng nào mình mới chết hết? Còn một cái be sườn, tôi cũng chơi với nó hết cái be sườn đó. Mà nhắm có chết, mình cũng tháo súng vụt bỏ chớ ai thèm để cho nó lấy!
- Chú Tư nói phải quá! Cháu cũng làm y như chú, nhưng bây giờ chú còn nước cho ... cho cháu uống miếng đi, khát quá!
Đạt nhỏ nói, rồi chú Tư cười "ngoại giao". Chú Tư Nghiệp bảo:
- Cái thằng uống nước thiệt dữ, uống như là trâu uống...
Chú Tư Nghệp trao bi-đông cho Đạt. Đạt cầm bi-đông đưa lên miệng. Trong bi-đông không chảy ra một giọt nước nào cả. Đạt định la: "ối, ông già chơi không sướng!" nhưng Đạt ghìm lại không la. Đạt giả dò chép miệng như mới tu xong ngụm nước, rồi cậu chuyển bi-đông qua Tới nói:
- Anh Tới làm tạm một miếng cho thông cổ đi!
Tới bị mắc lừa, đỡ bi-đông kề miệng uống. Đạt nón không được, cười rũ. Tới đỏ mặt, liệng cái bi-đông vô hốc đá. Chú Tư Nghiệp cũng cười ngất, rồi còn hỏi:
- Uống "đã" chưa?
- ổng cho tụi mình uống bi-đông không mà ổng còn hỏi nữa chớ!
Chú Tư Nghiệp càng cười lớn:
- Hồi sáng tôi đã nói là hết rồi. Ai biểu mấy ông...
Chú Tư Nghiệp đứng tuổi rồi, mà lắm khi vẫn cứ gọi bọn nhỏ bằng ông. Chú trước vốn là tín đồ Hòa Hảo, mới cắt tóc và ăn mặn hai năm nay. Con người ấy vừa tin Trời Phật, nhưng lại rất nghịch ngợm. Sự thật cái bi-đông của chú đã hết nước từ đêm hôm qua. Đêm hôm qua thì còn một chút, chú đã dốc hết cho thằng Bé.
Bây giờ cả hang đều hết không còn một giọt. Cơn khát càng vò xé cổ họng mọi người. Anh Ba Rèn nói:
- Cứ mửng này chắc đái mà uống quá!
- Chắc giống la-ve lắm. Hồi kháng chiến có đồng chí mình vượt Côn Đảo, ra giữa biển khát quá cũng phải đái mà uống.
Năm Tấn lắc đầu:
- Cái gì chớ thứ la-ve đó tôi không ghé. Thà là nhịn khát:
Anh Ba Rèn bảo Năm Tấn:
- Ông sao khó tánh quá? Thời buổi giặc giã đâu phải lúc nào ông cũng ngồi tréo ngoảy sai vợ con pha trà cho ông uống được.
Mọi người đều cười. Tới xế chiếu, sau khi nhai mấy vốc gạo rang. Ba Rèn khát quá không chịu được, anh ta đái vô bi-đông. Nhân lúc anh Hai Thép đã đi vào trong, anh cầm bi-đông nước đái lắc lắc, rủ mọi người uống. Chưa ai hưởng ứng theo, anh liền uống trước. Tợp xong một ngụm anh "khà" một cái ra vẻ khoái trí, rồi kêu lên:
- Khá quá, anh em ơi!... Cứ việc làm đi, chết tôi chịu cho.
Dần dà có mấy anh cũng uống theo. Lúc đó, anh Hai Thép đi ra, thấy thế muốn can họ nhưng anh không mở miệng can họ được. Bản thân anh, anh cũng khô khát cả cổ. Với lại, cái chuyện đó đối với anh cũng không có gì là ghê gớm. Năm đen tối, tuy chưa phải đái ra để uống, nhưng có lần anh phải nhịn đói bốn hôm liền, bắt con còng sống nhai rau ráu., Có đêm anh bị cảm nặng trong "cứ’ rừng, chính Ba Rèn đây đã cắt máu cho anh bằng một con dao phay. Đêm ấy, trong chòi không đèn đóm. Ba Rèn phải bật lửa xành xạnh. Khổ nỗi, cái bật lửa của Ba Rèn lúc đó cũng đã mòn tin cứ phải rút gòn ở đít. Quẹt phừng lên được một cái thì Ba Rèn lại vội vàng kề dao phay cắt vào sống lưng anh, nặn vọt máu bầm ra. ấy thế mà rồi anh cũng qua khỏi cơn cảm đó. Thuở giờ, người ta nói ăn tấm heo như nói đến một thức ăn tồi tệ, nhưng tấm heo thì anh củng đã ăn. Cái bàn chân trái bị thương cụt mất hai ngón của anh buộc anh dạo đó cứ mỗi lần mò ra xóm, anh đều phải trần mình lội dưới rạch, vì bọn địch đã có lần nhận được dấu chân anh trên đường đi cề xóm, nên chúng lùng anh ráo riết. Kể ra thì còn không biết bao nhiêu gian khổ khác mà anh đã trải qua. Vì vậy, cái chuyện khát quá phải đái để uống, tuy khiến anh bơi bất nhẫn, nhưng không khiến anh ghê gớm.
Nhưng đột nhiên anh sực nhớ mang máng đâu hình như bữa trước anh nhác ngó thấy trên tảng đá nào đó trong hang có đọng vài vũng nước. Anh bảo anh em:
- Thôi, đừng uống nữa. Để tôi đi kiếm coi có nước vũng không, may ra.
Nói rồi anh đi vào hang, bấm đèn dọi coi từng tảng đá một. Kiếm mải mới gặp trên một tảng đá hơi trũng mặt, còn đọng lại một vũng nước mưa hàng hai bụm tay. Anh khoát thử một miếng nước đưa lên ngửi. Từ vốc nước bốc lên mùi lá mục, nghe thôi thối. Anh chặc lưỡi nghĩ: "Ăn thua gì?". Anh rời tảng đá trở ra kêu người nào khát nhất đi theo anh. Tất cả năm người trong đó có cả anh Ba Rèn, chú Diệp nhỏ. Riêng anh Năm Tấn thì không đi. Anh ta nói:
- Thôi mấy ông đi đi, thứ nước thúi hoắc đó, tôi không chơi!
Đứng trên tảng đá, anh Hai Thép với tay kéo từng người lên. Anh bấm đèn chỉ vũng nước. Anh Ba Rèn nói: - Đỡ quá! - Đoạn anh vỗ vai cậu Diệp học sinh:
- Thôi, nhường chú em đẹp trai này làm trước.
Diệp nhìn vũng nước vàng màu cà phê, do dự. Anh Ba Rèn bảo:
- Làm đi chú em, có bịnh tôi chịu cho. Thuở giờ tôi biết chú em ở Sài Gòn uống rặt la-ve xá xị, bây giờ lâm cảnh ngặt nghèo, chú em phải nhắp đỡ vài hớp đặng chịu động. Còn đánh lâu lắm đa, chú em!
Cậu thanh niên học sinh nhoẻo miệng cười, rồi ngoan ngoãn khuỵu hai gối chân, nằm sấp xuống tảng đá. Dưới ánh đèn pin, bộ mặt trắng trẻo của cậu ta nhóng tới bên vũng nước. Cậu thè lưỡi uống ực ực hai ba hớp rồi đứng nhổm ngay dậy. Một tay phủi đít quần "đạc-cơ-rông", một tay cậu ta đưa lên quẹt mép, cười chành bành cái miệng. Anh Ba Rèn nháy mắt hỏi:
- Có khá không bồ?
- Cũng đỡ...
- Thì tôi nói đỡ lắm mà. Tới tôi...
Anh Ba Rèn lại nằm sấp xuống y như cậu Diệp. Anh tợp hai hớp, đứng dậy khoát tay bảo người bên cạnh:
- Làm đi!
Người đó cũng làm y như động tác của anh Ba Rèn. Cứ thế lần lượt hết người này tới người khác. Vũng nước phút chốc cạn queo. Cuối cùng, khi đến phiên anh Hai Thép thì nước chỉ còn lấp xấp, thành ra anh phải thè lưỡi liếm.
Anh Hai liếm khô chỗ nước đọng, đứng dậy. Chợt anh nghe phía trong vẳng ra tiếng thằng Ba Phi ho khúc khắc. Anh Ba Rèn hất hàm về hướng có tiếng ho"
- Tôi đã nói thế, để thứ đó chỉ tốn gạo hao nước. Thôi, cứ giao tôi, tối nay tôi đưa nó đi theo ông bà ông vải cho rồi!
Anh Hai Thép nói:
- Chưa được, muốn xử nó phải có trên thông qua. Vả lại, để có đủ mặt bà con thì tốt hơn. Ông nóng quá! Giết một thằng, dù thằng đó là ác ôn, cũng phải để quần chúng hỏi tội rõ ràng. Có cái là tôi thấy để nó ở hốc hang này không ổn, mình bàn công chuyện nó nghe ráo. Có lẽ tối nay phải dời hai đứa nó vô sâu hơn chút nữa.
- Phải đó, tối nay nên dời nó đi!
Ra ngoài, anh Hai Thép gọi Ngạn đến bàn:
- Lát tối, cho một tổ bám ra ngoài coi sao? Với lại kiếm cách leo bẻ một ít dừa. Bẻ được dừa thì đỡ lắm, vừa có nước uống, lại vừa có cái để nhấm nháp.
Ngạn bảo để Ngạn đi với Tới và Trọng. Anh Hai Thép hỏi:
- Hai cậu đó leo dừa giỏi không?
- Leo khá.
- Vậy thì được. Nhưng phải hết sức cẩn thận, dò dẫm từng bước. Đêm nay trăng còn tỏ, phải thận trọng mới được.
- Tôi sẽ chú ý, anh đừng lo - Ngạn nói.
Ngạn dạy sang anh Ba Rèn cười cười:
- Nè, tụi tôi có công thộp thằng Ba Phi. Có xử thì tôi phải xử nó, chớ việc đó không phải phần anh đâu! Ba Rèn trề môi:
- Chú mà chém chắc nổi gì, chú chém run tay đâu có ngọt bằng tôi được!
- Không, nếu tôi chém, tay không không run đâu!
Ngạn nói thế và anh đi gọi Tới, Trọng chuẩn bị.
Ba người lột áo ra, buộc ngang đầu. Mỗi người chỉ mặc độc cái quần cụt, thắt mấy băng đạn tôm-xông và mấy quả MK3 nơi sườn. Họ cầm tôm-xông ngồi chồm hổm dưới hốc đá đợi trời tối.
Ngạn nhìn cái lối mòn ngoằn ngèo ngoài miệng hang cứ mỗi lúc một đẫm bóng chiều hôm. Nắng đã tắt từ lâu, và ngày cũng sắp không còn nữa. Xa xa ngoài kia, vườn dừa bỗng rì rào. Những tàu lá dừa ngả sang màu biếc sẫm, lả lay trong gió, trong lúc âm vang của sóng biển vẫn mạnh mẽ, ầm ã. Vườn dừa ngan ngát như đắm mình trong sương khói. Chẳng mấy chốc, cả vườn dừa nổi gió và cái lối mòn ngoằn ngoèo ấy nhòa đi - Đêm tối tràn ngập. Địch bắt đầu bắn súng. Bây giờ Ngạn nghe tiếng sóng rõ hơn. Anh thấy bóng đêm như cái bàn tay có phép vỗ im được mọi tiếng động nhỏ khác để cho biển, chỉ mỗi mình biển là được cất cao giọng nói. Triệu triệu lớp sóng từ ngàn khơi vỗ vào bờ lộng đó, muôn đời vẫn là cái tiếng nói lớn lao bền bỉ nhất của quả đất.
Mấy đêm qua, đêm nào mà Ngạn lại không nghe tiếng biển dội vào, và anh nghe tiếng biển ấm hẳn hơn trước. Anh có cảm tưởng vách hang như là chất da thịt mặt trống, mà sóng dội liên hồi vào đó thì nghe rùng rùng chứ không gầm gào và rền rĩ.
Hôm nay mới mười tám tháng chạp âm chạp, nên đêm không đen lắm. Mới vào đêm một chốc, ngoài hang đã tái nhợt. Ngạn lại trông thấy cái lối mòn mờ mờ hiện ra và những tàu lá dừa ngoài kia lại đung đưa, lấp lánh.
Ngạn xách súng, nhổm dậy, khẽ nói qua hơi thở:
- Đi được rồi!
Tới và Trọng đứng vụt lên. Họ cùng dừng lại miệng hang một giây, rồi mới bước thoát ra ngoài. Súng cắp nách, Ngạn khom lưng, tay trái đưa ra phía trước. Anh không đi theo lối mòn, mà đi một lối khác, ngang đó. Cả ba lom khom, bò vào ven vườn dừa. Họ vào được tới ven vườn một cách êm thấm.
Mới lẩn vô được mươi thước, bỗng Ngạn nghe mấy phát ga-răng nổ sát bên. Địch bắt đầu bắn cầm canh. Sau đó, nghe trong vườn tụi lính nói chuyện lào xào, Ngạn rỉ tai Tới và Trọng:
- Nó bắn cầm chìa không có gì đâu!
Tới nói:
- Bẻ dừa đi. Bẻ để đây, một chốc mình quẩy về!
- Bẻ thì bẻ!
Tới và Trọng chọn hai cây dừa thấp, ở trên chóp loáng thoáng những quày dừa rất sai quả. Hai anh đưa súng cho Ngạn, sửa soạn leo lên. Ngạn khẻ dặn:
- Đợi nó bắn súng hẵng buông xuống, để tụi lính khỏi nghe thấy!
Tới gật đầu.
Hai anh leo dừa giỏi, nên không cần có nài. Trong nháy mắt, cả hai đã biến mất trên chót ngọn. Tới và Trọng vặt cuống dừa trèo trẹo. Đợi lúc súng giặc vừa bắn "bóc đùng", hai anh thả dừa rớt xuống. Tiếng dừa rụng bị tiếng súng át mất. Trong vòng ba phát súng nổ, họ buông xuống đất sáu trái. Trái dừa nào rớt xuống Ngạn cũng lượm gom lại, để một đống. Thấy bẻ nhiều không thể mang hết. Ngạn khẽ vỗ bộp bộp vào thân dừa. Tới và Trọng biết ý, tuột xuống. Ngạn đưa súng lại cho họ. Cả ba để đống dừa ở đấy, men vào vườn sâu hơn chút nữa. Mới đi được vài bước, bỗng Ngạn giơ tay ra sau chặn Tới và Trọng lại. Anh ngó thấy phía trước có ba bốn chấm lửa bằng đầu đũa. Đó là bọn lính đang ngồi buồn hút thuốc. Mùi thuốc lá Thủ bay thoảng tới, găn gắt. Ba người nép mình sau cây dừa, ngồi thụp xuống. Ngạn chĩa họng súng về hướng đó. Mấy tên địch ngồi rất gần, đến nỗi khi chúng rít thuốc thì đầu những điếu thuốc đỏ rực lên, soi rõ từng cái sống mũi, từng bộ mặt nhờn nhờn của chúng. Những bộ mặt đó lúc biến đi, lúc lại hiện lên. Chợt Ngạn nghe một thằng nói:
- Đ.mẹ, hôm rồi tụi nó bắn đại úy mình tè bật ngửa miệng hang ngó ớn quá! Liệng gần một ngàn trái MK3 vô đó mà không ăn nhậu gì hết!
Một tên khác thở ra:
- Nấn ná ở đây hoài rầu thấy mẹ! Tụi nó núp ở trỏng coi bộ quyết lòng sanh tử với mình quá. Bốn bữa rày tụi nó tém mình gần một trăm đứa chớ ít sao?
- Còn mình chỉ bắt được một đứa phụ nữ. Thiếu tá dự dỗ nó hết lời mà không ăn thua. Con nhỏ đó mặt mũi hiền lành dễ coi mà thiệt là gan mật! Đưa micro để nó kêu tụi kia đầu hàng thì nó lại kêu tụi kia đừng buông súnb. Thiếu tá cho treo nó lên cây dừa rồi bắt dẫn bà già nó tới. Ngó thấy bà già, con nhỏ rưng rưng nước mắt. Ông thiếu tá tưởng nó xiêu lòng, hạ dây cho nó xuống, biểu nó kêu gọi tụi trong hang lần nữa ai dè nó co chân đá cái micrô văng đi... - Ngừng một chút, tên lính tiếp: - Nói thiệt với tụi bay, lúc trung úy Xăm rút dao chém, sao tao mắc cỡ hết sức...
- Trung úy Xăm chém cô ta không chết mà ông bị chấn thương ộc máu coi ghê quá!
Một tên lính chép miệng:
- Không biết bây giờ chết chưa?
- Ai chết?
Cái cô đó đó!
- Chết rồi. Nghe đâu mới chết hồi tắt nắng...
Ngạn gục mặt xuống bãi cỏ, cổ nghẹn lại. Tên lính lại nói:
- Trung úy Xăm chém bốn dao mới trúng một dao. Lúc đó cổ chưa chết, ông thiếu tá sai treo lên, tính để cô oằn oại rên la cho Việt cộng trong hang nghe mà thối chí. Nhưng từ đó cho tới chiều, cổ không rên la chi hết.
- Không, hồi gần chết cô có la. Tao nghe cổ giãy mình trên dây rồi la với đám dân chúng ngoài xóm lúc đó vừa tràn tới: - "Cô bác ơi, hãy trả thù cho con!" Cổ la vậy, lại kêu cụ Hồ, giãy mấy cái nữa mới chết!
Đang nói, giọng tên lính bỗng hổn hển:
- Tao chỉ... chỉ kịp nghe vậy... rồi bỗng thấy đám dân chúng hét lên, rần rần xổ tới. Toàn là đờn bà với ông già, con nít. Họ cấu xé, chửi rủa, đánh đạp tụi tao không sợ gì súng ống. Có một bà Thổ vác dao dâu nhào vô tính chém trung úy Xăm. Tụi biệt kích cản lại bị bả chém xoạc vai một thằng.
Tụi lính tính bắn trả thì trung úy Xăm kêu: "Đừng bắn, đừng bắn!". Nghe nói bà Thổ đó là bà già ruột trung úy Xăm... Còn tao mới hoạn nạn chớ, tao bị họ xô té ngửa, rồi một con mẹ mập ú chạy đạp lên người tao... muốn nín thở. Lúc tao ngồi dậy được thì dân chúng họ đã chặt dây hạ xác cô phhụ nử xuống. Họ cùng bà mẹ cổ cõng xác cổ chạy đi. Thiếu tá ra lệnh giựt xác lại. ổng la" - "Tôi bắn mấy người không còn một con đỏ bây giờ! Mấy người bao bọc chôn thây Việt cộng hả?". Dân chúng họ trả lời: "Chúng tôi chôn con cháu chúng tôi chớ chúng tôi không biết là Việt cộng gì hết!". Họ nói vậy rồi cứ khiêng đi. Thiếu tá phải nhượng bộ, để họ khiêng. Mà không nhượng bộ sao được, họ bất kể súng đạn, cứ rần rần, rần rần!... Lúc đó, tụi tao mà bắn thì thế nào họ cũng có chết, nhưng tụi tao không bắn...
Tên lính ngừng nói. Chúng lại im lặng mồi thuốc, hút thuốc. Lát sau, có mấy thằng đứng dậy. Một tên bảo:
- Chưa tới phiên gác, mình thả bậy vô xóm chơi. ở trong xóm có một ông già mù đờn độc huyền hay lắm...
Mấy thằng lính đi về phía Ngạn. Anh nín thở, nép sát sau gốc dừa. Chúng đi ngang, nhả khói thuốc bay tạt vào mũi anh.
Khi chúng đi khỏi rồi, chỗ ban nãy cũng còn lại vài tên. Một tên thở ra cái "khì":
- Cha... Tết này không biết mình ăn Tết ở đâu đây?
- Tao ngán nhứt là xuống miệt Cà Mau!
- Nói Cà Mau chi cho xa! Mình mà còn láng cháng ở đây, thì Tết này cũng không về được với vợ con đâu!
- Thôi thì ráng né, đừng vô cái hang thảm thiết đó nữa. Hết võng khiêng rồi nghe, mậy?
- Biết làm sao mà né, nó bắt vô mày không vô mà được à?... Trời ơi, hôm qua tao đi ngang trường học, nghe tụi bị thương nằm đó kêu la dữ quá?
- Tao thấy nghe theo hạ sĩ Cơ thì may ra mới toàn tánh mạng được!
- Chín Cơ hả? Y nói sao?
Đến đây, hai tên lính cùng hạ thấp giọng, thì thào. Ngạn không còn nghe rõ chúng nói gì với nhau. Anh mằm in một lát rồi đưa chân khèo Tới,Trọng, ra ý bảo họ bò lui ra. Ba người lần mò trở lại chỗ để đống dừa ban nãy. Trong bóng tối, họ tước vỏ dừa, hì hục buộc lại thành cặp. Mỗi người khoác lên cổ mình một cặo, rồi theo đường cũ, đi về phía hang. Suốt quãng đường trở lại hang, Ngạn đau đớn nghĩ: "Thế là chị Sứ không còn nữa, chị ấy chết thiệt rồi!". Nỗi thương tiếc và căm oán ngập ngụa lòng anh. Trong khi đó,hai quả dừa anh vắt qua cổ cũng mỗi lúc một thêm nặng trĩu.
2.
Nơi hốc đá tận cùng mà vợ chồng thằng Ba Phi bị trói bỏ đấy không lúc nào có ánh sáng, dù là thứ ánh sáng hiếm hoi mờ ảo của hang động. Trong hốc hang này, ngày cũng như đêm, chỉ có bóng tối, thứ bóng tối ở chỗ hẹp tuồng như đặc sệt lại. Mỗi ngày một lần, khi thì Quyên, khi thì Năm Nhớ, đem đến cho vợ chồng tên gián điệp đó những vốc gạo rang. Nước lúc nàp chúng cũng được uống. Quyên nói với chúng.
- ở đây không có nước nhiều đâu!
Lúc Quyên đi khỏi, thằng chồng rít lên trong cổ họng:
- Không có nước? Nó không muốn cho mình uống chớ không có!
Mụ vợ nín im, lo sợ và rầu rĩ. Thằng Ba Phi lại nói, giọng nó pha tiếng cười:
Mấy bữa rày bị vây siết dữ rồi...Mẹ, chịu không thấu đâu! Sớm muộn gì mấy "ổng" cũng tràn vô hang cho coi!
Y còn vỗ về vợ:
- Tao bảo đừng có khóc, đừng có lo, không chết đâu mà sợ! Mấy "ổng" mà tràn vô hang là mình sống, nhứt định sống!
Rồi y gầm gừ:
- Đ.mẹ, chừng đó rồi biết tay tao!... Tao chặt không chừa một đứa. Thứ nhất là thằng Hai Thép, thằng đó cầm đầu ở đây, rồi ến mấy thằng bắt mình đêm nọ, rồi thằng Ba Rèn, chặt ráo!
- Trời oi, im đi ông ơi!... Tôi sợ lắm! Tôi sợ tới cùng mấy "ổng" tràn vô thì mình cũng không còn. Thế nào họ cũng giết mình trước.
Nghe vợ nói, thằng chồng nín lặng. Câu nói của mụ vợ một lần nữa lại tới bên nỗi lo sợ trong lòng y khiến mấy bữa nay y vẫn phập phồng. "Có thể như vậy lắm. Có thể tụi nó sẽ ra tay xử mình trước lắm". Mỗi khi nghĩ tới điều đó, đôi khuỷu tay bị trói chặt của y bỗng dưng run lên cầm cập. Nhưng trong nỗi kinh sợ, y vẫn hy vọng được giải thoát. Và y bấu níu lấy hy vọng đó, bằng cái tâm địa bất lương cố hữu của y, bằng tất cả sự căm oán và hằn học lúc nào cũng rắp sẵn, nung nấu. Trong con người thằng chỉ điểm hói trán này đang diễn ra một tâm trạng đợi chờ thấp thỏm. Khi thì hy vọng thúc y chồm lên, khi thì thất vọng xô y khuỵu xuống. Con cáo độc mắc bẫy thế nào, y cũng thế ấy. Nhưng còn hơn con cáo, y chẳng những muốn thoát bẫy,mà lại còn muốn cấu xé sau khi xổ ra được. Sự hy vọng cùng sự thất vọng của y lộ ra rõ nhất lúc địch mở các đợt đột kích vào hang. Lúc súng hoặc lựu đạn nổ ầm ầm,là lúc y chồm dậy, khấp khởi. Tay chân y lúc ấy tưởng như mọc móng mọc vuốt. Trong bóng tối xó hang, y không ngớt lấy cẳng hích đùi vợ, tính đâu cái giờ phút thoát bẫy đã đến. Nhưng khi nghe những phát súng lẻ nổ chắc chắn từng phát một, y lại hoài nghi. Rồi, các đợt đột kích bị đánh bật, trả về cho hang động sư yên tĩnh thường lệ. Đợi mãi vẫn không có ai vào mở trói, lúc đó y lại thất vọng lại vật lưng vào vách đá mà thở hổn hển. Mỗi lần anh em trong hang phản xung phong thắng lợi là một lần mối hy vọng độc ác giãy giụa trong người thằng Ba Phi bị dập tắt. Và tấn bi kịch của y vẫn hoàn nguyên. Vẫn là vòng dây siết lấy đôi khủyu tay, vẫn là hốc hang sâu thẳm đầy bóng tối chớ không hé ra được một tia sáng.
Song dù thế, y vẫn chờ đợi. Với hai lỗ tai giảo hoạt, y rình nghe mọi lời nói và mọi tiếng động từ bên ngoài lọt vào. Vì thế, tuy bị giam cầm ở hốc hang trong cùng, nhưng y vẫn biết được phần lớn cái gì đã xảy ra trong bốn ngày đêm quyết chiến.Y đã bắt đầu có cái thói quen nhổm dậy kể từ khi loạt súng thứ nhất của bọn giặc nổ ran. Buổi sáng lựu đạn nổ ngót một ngàn trái là một trong những buổi sáng mừng rỡ của đời y. Đêm chặt tay thằng Bé đối với y là một đêm hả hê. Hôm Quyên bị bất tỉnh về những quả lựu đạn MK3 và Năm Nhớ bị trúng độc, y khoái trá. Cả về việc chị Sứ ra đi không trở về hang, y cũng biết. Rồi cái chuyện giặc bắc loa buộc chị Sứ kêu gọi đầu hàng cũng gieo vào lòng y nỗi mừng khấp khởi, nhưng y rất dỗi kinh ngạc và hậm hực khi biết bị Sứ đã nói ngược lại. Không có nước uống, cổ họng y cũng khô khát như ai. Nhưng trong nỗi khổ thiếu nước, lòng y cũng vẫn dấy lên cái hy vọng độc địa là nếu không có nước thì mọi người trong hang này không thể chống trả lâu được. Riêng khi biết rằng chị Sứ có thể chết đi thì y lo nơm nớp. Không phải lo cho tính mệnh Sứ, mà lo cho tính mệnh của y: "Chắc tụi nó giết mình để trả thù". Đôi khi y cũng không muốn đám người trong hang bị đánh nột quá, vì thế theo sự suy đoán của y, một khi nột quá họ có thể xử tội y trước.
Ngày cũng như đêm, y cứ lo quẩn về số phận của vợ chồng y, nhất là của y. Trước sự đe dọa của cái chết,thằng chỉ điểm ác ôn này có nhiều ý nghĩa diễn biến hết sức lạ lùng. Tất cả mọi ý nghĩa đó đều đen như chính cái bóng tối đang vây quanh y.
Đêm này, giữa lúc mụ vợ thở dài sườn sượt. Trước sự đe dọa của cái chết, tên Ba Phi bỗng giật mình thấy có cái chi rọi sang sáng trước mặt.
Thì ra đó là ánh nến. Người cầm nến đi xồng xộc về phía y. Mấy bữa nay, trước mặt y chỉ tuyền là bóng tôi nên y bị lóa chưa kịp nhận ra ai, thì đã nghe:
- Đứng dậy!
Người nói ấy là anh Hai Thép
Tên Ba Phi vội vã đứng lên. Cả mụ vợ cũng rối rít đứng lên theo. Nhưng anh Hai Thep giỡ ngón tay ngăn mụ lạibảo mụ cứ ngồi đó. Anh quắt mắt nhìn tên Ba Phi:
- Nghe tao hỏi, mấy bữa nay mày đã thấy ra tội của mày chưa? Như vậy mày đáng chết chưa?
Thằng chỉ điểm cúi thấp chiếc đầu hói, im lặng:
- Nói - Anh Hai Thép lớn tiếng giục.
Bây giờ, y đáp một tiếng cụt ngủn:
- Đáng!
Anh Hai Thép gật đầu:
- ờ, đáng chết!
Ngừng một giây, anh nhìn y nói tiếp:
- Thôi đi!
Tên Ba Phi thoạt nghe thế thì liền lúc đó, hai gối chân y tự nhiên rủn xuống. Nhưng ở phía sau, anh Ba Rèn đã lách tới, lẹ làng đưa cánh tay lực lưỡng xốc ngay nách y dậy.
Anh Ba Rèn chợt thấy thằng Ba Phi như không còn có chân nữa. Đôi chân đó giờ cứ như cái gọng bún, cứ ngoặt ngoẹo rủn xuống.
Anh Hai Thép giơ cao ngọn nến soi lối cho Ba Rèn vừa lôi xốc thằng Ba Phi đi vừa càu nhàu:
- Thằng này sở quá, chưa chi đã xỉu rồi!
Anh Ba Rèn đem nó vào cuối hang. Chỗ này ở gần chỗ để một cái lu mái lớn màu thổ chu đựng di cốt sáu đồng chí bị giặc thảm sát. Đó là những xương cốt mà hồi năm ngoái chị em Sứ đã lén lút mò nhặt từ trong bàu rừng.
Bọn giặc đập đầu các đồng chí ta bằng cột chèo rồi liệng xác xuống tàu. ba ngày trời, Sứ và Quyên đi kiếm không gặp. Tới bữa trưa ngày thứ tư, hai cô mò vô rừng tràm thì bỗng nghe tiếng chó hoang tru từng hồi dài. Hai cô lẩn tới đó, thấy một bầy chó bốn năm con từ dưới tàu chạy lên, mồm ngoạm những chiếc xương tước thịt lòng thòng. Chính Sứ vác cây tất tả đuổi đánh bầy chó, giật lại từng cái xương, còn Quyên thì xăng quần lội xuống quờ tay mò. Hai người mò hết tất cả những xương dưới bàu, túm vào vải nhựa vác về Hòn giấu. Bấy giờ thì chẳng còn nhận ra xương là của ai nữa. Đồng khởi lên rồi, xương đó mới được đặt vào lu mái để ở đây.
Xốc thằng Ba Phi quá khỏi cái lu để xương một chút, anh Ba Rèn đặt dựa y vào vách đá. Đầu thằng chỉ điểm vẫn nghẹo xuống. Anh Ba Rèn và anh Hai Thép đứng đợi mãi, một lát sau y mới tỉnh dậy.
Hai người lôi y vào tận trong cùng. Lúc trở ra, Anh Hai Thép nói với anh Ba Rèn:
- Tôi coi tụi ác ôn thì đứa nào cũng vậy, ông à.Tụi nó có gan giết người, chớ không có gan chịu chết. Hồn nãy, nó ngỡ mình đưa nó đi giết nên nó chết giấc đó!
- Thì thứ đó mà gan góc mẹ gì! Có tài chỉ chọc chớ nhát hít thôi.
Hai người ra tới ngoài miệng hang thì Ngạn cũng vừa về tới. Anh liệng cặp dừa xuống đất giữa tiếng vỗ tay hoang hô rôm rốp của mọi người. Tới và Trọng cũng vào đến nơi, tháo cặp dừa trên cổ để xuống. Quyên sờ soạng tìm đến bên Ngạn. Ngạn đứng hồi lâu mới nặng nhọc nói:
- Chị Ba hy sinh rồi!
Tất cả mọi người đều đứng sững lại ở cái động tác của mình. Có những bàn tay đang vỗ trong bóng tốt, chợt từ từ để xuống, Ngõ hang bỗng chốc trở nên hết sức im lặng. Anh Hai Thép đến sát bên Ngạn, khẽ hỏi giọng đau đớn:
- Chú lần tới được chỗ cô Sứ chết à?
- Không, chị ấy không còn ở đó nữa, bà con đã đem chị về xóm rồi. Tụi tôi nghe bọn lính nói chuyện với nhau.
... Ngạn ngồi bệt xuống giữa ngõ hang, kể lại với anh em câu chuyện mấy tên lính trò chuyện ban nãy. Đến cuối, lúc lặp lại lời chị Sứ gọi bà con, gọi Bác trước lúc giãy mình chết, Ngạn nghẹn ngào không nói được nữa. Quyên vùng khóc nức nở. Cô gục vào vai Ngạn, Đầu cô cứ rung lên trên chiếc vait rần rịn ướt mồ hôi của Ngạn. Mọi anh em đều úa nước mắt. Nhưng ai cũng cố nén không để bật khóc thành tiếng, dù trước đó, họ vẫn nghĩ là Sứ khó sống được, nhưng họ chưa biết chắc Sứ đã chết và biết chết như thế nào. Bây giờ nghe Ngạn kể, họ mới thấy đau đớn thật sự. Và cùng một lúc, ai cũng chợt nhận ra hình như tình yêu mến và sự hiểu biết của bản thân mình trước nay đối với Sứ đều là không đủ. Dường như người con gái đó đang ở trên cao, mà họ còn đứng thấp, nên với lên chưa tới. Đức kiên trinh và cái vẻ đẹp dịu dàng của người con gái đó chừng như bây giờ mới lộ ra hết, mà lại rất gần, rất quen. Kìa, chị đang khẽ mỉm cười và lặng lẽ. Kia, khuôn mặt trái xoan thon thả của chị đang mở to đôi mắt đẹp đẽ chân thật. Kia là mái tóc óng mượt tươi tốt mà cả Hòn Đất ai cũng lấy làm hãng diện. Những nét đó từ nay chẳng thể phôi pha trong lòng họ. Những tiếng nói sau cùng của chị củng không sao tắt được giữa lòng họ.
Thế là một lần nữa trong đời, anh Hai Thép cảm thấy tim mình như bị những móng sắc vô hình quào cấu. Anh từ từ đứng dậy, run run nói:
- Các đồng chí thấy không, sống với anh em đồng chí Sứ lo từng miếng cơm giọt nước, hiền lành nhường nhịn tất cả, nhưng giáp mặt với kẻ thù, Sứ thiệt cứng cỏi, thiệt không chịu thua chúng nó một tấc? Sự dặn chúng ta đừng buông súng, chúng ta phảinhớ lấy. Sứ dặn chúng ta trả thù cho Sứ, chúng ta cũng phải nhớ lấy!
Dưới ánh nến chập chờn, mọi người không ai bảo ai đều đứng lên, im phăng phắc. Đầu họ hơi cúi xuống. Họ hình dung ra Sứ, nghĩ đến chị với tất cả tình yêu mến. Trong phút đó, họ nắm chặt súng, lòng càng riết siết cái quyết tâm chiến đấu tới giọt máu chót.
... Từ đấy trở đi, không ai khóc nữa. Họ gạt những giọt lệ còn sót lại trên mi mắt.Họ móng lòng mang đêm qua mau, để rạng ngày địch tấn công vào, họ có cơ hội trả thù cho Sứ lập tức.
Anh Ba Rèn nói:
- Vậy mới biết vàng thiệt không sợ lửa. Cô Sứ là vàng thiệt đó, anh em à! Đâu có như thằng Ba Phi ban nãy, chưa chi mà đã té chết rồi.
- Chết thiệt à? - Ngạn hỏi.
- Không, chết giấc thôi!
Anh Hai Thép day hỏi Ngạn:
- Bẻ được mấy trái dừa chú?
- Sáu!
- Bẻ dễ không?
- Cũng dễ. Nhưng ở sát bên vòng vây tụi nó, phải đợi nó bắn súng mới dám buông dừa rớt xuống. Nghe tụi lính nói chuyện không sót một câu. Tụi nó hút thuốc, rít thở phào phào, thấy mặt mũi hết ráo. Coi bộ tụi nó hoang mang dữ. Thằng nào củng sợ vô hang. Tụi nó gọi cái hang mình đây là cái hang thảm thiết...
Anh hai nói:
- Nó đặt tên như vậy cũng phải, nhưng thảm thiết đây là thảm thiết đối với tụi nó, chớ đối với mình thì đây vẫn là hang Hòn Đất thôi.
Chú Tư Nghiệp gật đầu:
- Phải, tên Hòn Đất nghe hiền khô, vậy mà thằng nào ăn hiếp ăn đáp thì không được, dứt khót không được!
Ngạn nói:
- Nè, trận này có tụi Mỹ theo nữa. Chết một thằng rồi!
- Vậy sao?
- Nghe tụi lính nó là ngày hôm qua trực thăng xuống chở thằng Mỹ và mấy thằng sĩ quan ngụy bị thương về rồi. Tụi lính tức lắm, vì mấy thằng Mỹ lái trực thăng từ chối không chịu chở lính bị thương nặng!
- Tụi chó đẻ quá!
- Vậy cho lính nó sáng mắt ra chút đỉnh chớ! Tưởng đi theo Mỹ sướng lắm! Mỹ may ra chỉ có tình nghĩa với chó thôi, chứ cái thứ lính mướn mỗi tháng từ tám trăm tới một ngàn hai đó bị cụt cẳng đổ ruột thì nó dại gì mà cứu. Có cứu sống cũng là lính bị loại khỏi vòng chiến rồi, đánh cách mẹ gì được!
Ngạn nói:
- Tình hình này tôi coi bộ tụi lính thối chí dử.
Phải chi mình vừa đánh vừa kêu gọi cho tụi nó rã tinh thần thì hay quá!
Anh Ba Rèn bảo:
- May ra chỉ trông cậy ông Tám Chấn và bà con ngoài xóm làm chuyện đó, chớ mình ở đây hễ thấy thằng nào nhào vô là mình phải "bửa" lật thôi, chớ còn kêu rèo gì nữa?
- Không, mình cũng có thể làm được chớ - Chú Tư Nghiệp nói - Phải chi mình có vài cái loa!... Một mặt đánh, một mặt kêu. Như vậy tụi nó mau rã đám hơn.
- Có lý lắm, hay lắm. Nhưng làm sao kiếm được loa? - Ngạn hỏi.
Chú Tư Nghiệp ngẫm nghĩ một lúc rồi bảo:
- Không có loa bằng thiếc thì làm như vầy cũng đặng... Tôi để ý thấy trên nắp cái lu mái đựng hài cốt các anh em hy sinh có đậy nhiều tầm mo cau. Lấy mo cau đó làm loa tàm tạm được. Tôi chắc vong linh anh em cũng không buồn phiền gì mình đâu!
Ba Rèn bảo:
- Buồn gì, phải chi mình đội mo cau đó đi đầu hàng thì mấy chả mới buồn, chớ đằng này... Mà chết rồi còn buồn khỉ gì nữa, cha nội!
- ấy, đừng nói vậy chớ Ba Rèn - Giọng chú Tư trở nên nghiêm trang thật sự - Anh em khuất rồi thì phải để anh em yên nghỉ, tôi ngại là ngại mình mó máy làm động xác thể anh em, tội nghiệp...
Anh Ba Rèm im đi một chốc rồi nói nhỏ, giọng hơi kéo dài ra:
- Sao lóng rày tôi để ý thấy ông đâm mê tín trở lại quá!
- Không phải mê tín, tôi... tôi... - Chú Tư Nghiệp ấp úng cãi.
Anh Hai Thép cười, xua tay:
- Thôi đi!... Anh Tư nói vậy không hẳn là mê tín đâu. Nhưng thấy tấm mo cau có thể dùng làm loa, thì cứ lấy làm, không sao. Vong linh anh em đồng chí mình còn mừng nữa chớ không buồn đâu. Anh cứ lấy mo cau đó làm loa đi anh Tư!
- Được để tôi làm... Nhưng nói là nói..
Chú Tư Nghiệp bằng lòng làm loa bằng những tấm mo cau nọ, nhưng vẫn còn tấm tức về câu nói của Ba Rèn. Đối với chữ "mê tín", chú không chịu, mặc dù từ lâu chú vẫn tin rằng có Trời, có Phật. Trong một cuộc nhậu nào đó, đã có lần chú cào sườn nói: "Nè, giả tỷ trên mặt địa cầu ba ngàn triệu con người ta đều không tin có Trời, Phật thì vẫn sót một người còn tin nghe đa!". Đoạn chú Tư trỏ vào ngực mình, nhấn mạnh từng tiếng một: "Người đó là Tư Nghiệp". Bây giờ chú Tư Nghiệp không còn ăn chay nữa, vì như chú nói - "Tôi tu tại bụng, chớ không tu tại miệng. Ăn chay cày ruộng đuối lắm, mà mặt mày xanh rời, coi kỳ quá!".
Lạ thay, con người còn tin Trời tin Phật đó lại có cái nguyện vọng hết sức tha thiết là được kết nạp Đảng. Nhiều lần, chú thắc mắc, hỏi anh Hai Thép liệu như chú có thể được vô Đảng không. Anh Hai Thép bảo: - "Được chớ, nhưng muốn làm người Đảng thì phải thực tế. Người Đảng tôn trọng sự tín ngưỡng của tín đồ các đạo, nhưng không tin có Chúa, có Phật, có Trời. Cái đó tôi nói thiệt, không giấu giếm ông làm chi. Nhưng tụi tôi tin là có kẻ bóc lột và người bị bóc lột. Tụi tôi tin là nếu mình đồng lòng đánh Mỹ - Diệm thì mình sẽ sung sướng, nông dân có đất càt, đạo giáo được gìn giữ".
Cái gì chứ đánh Mỹ - Diệm thì chú Tư Nghiệp chịu lắm. Nhưng nghe anh Hai Thép nói kiểu người Đảng như thế thì chú nghĩ mình khó vô Đảng được. Bởi vậy chú lấy làm đau khổ.Vì chú chưa rút được cái này nhưng lại muốn với tới cái kia.
Lời nói của anh Ba Rèn vừa rồi tự nhiên khơi lại nỗi khổ tâm đó của chú, chớ chú không giận anh Ba Rèn. Tánh chú không giận ai đâu. Lát sau, chú đã mò mẫm vào trong hang, thắp nến đi lấy mo cau. Rồi đến sau phiến đá mà mọi đêm mẹ con Sứ vẫn ngủ, chú lựa chỗ cắm nến, và bắt đầu hì hục gò mo cau lại để làm thành những cái loa.
... Bên trên phiến đá đó, Quyên vừa đặt lưng xuống cạnh con Thúy. Con bé đã ngủ. Nó vẫn chưa hay biết gì về cái chết của mẹ nó. Nằm bên cháu, Quyên mở mắt nhìn lên vòm hang tối đen. Đôi mắt Quyên ráo hoảng cay nóng. Cô lăn qua, ôm cháu vào lòng. Trên người con Thúy đêm nay vẫn đắp thêm chiếc áo của mẹ nó. Và dưới lần tay ve vuốt của mình, Quyên thấy mớ tóc xấp xõa trên đầu đứa cháu chừng như cũng đã mọc dày, mườn mượt, hệt như mái tóc chị Sứ ở một ngày xa xôi mà cô mang máng nhớ.
3.
Nhà vợ chồng Hai Thép có một cái hầm bí mật. Hầm này nguyên đã sẵn có hồi mấy năm đen tối. Sau khi đồng khởi lên rồi, anh Hai Thép chẳng những không lấp mà còn ra sức củng cố. Hầm trổ miệng ngay giữa nhà, nhưng có còn có tới ba bốn nhánh ăn thông ra ruộng. Nếu địch có khui miệng, cũng không dễ gì phăng ra được. Mấy hôm nay anh Tám Chấn ở dưới hầm, đêm đêm anh mới lên thở hít không khí cho khỏe rồi cũng trở xuống đốt nến làm việc. Chiều hôm ấy, vừa lúc trời vừa tắt nắng, chị Hai Thép từ ngoài xóm về giậm khẽ mấy gót chân xuống miệng hầm, và dở hầm. Anh Tám Chấn mới trồi lên, chị nghẹn ngào nói:
- Cô Ba Sứ chết rồi!
Anh Tám đau đớn lặng đi giây lát. Lát sau, anh mới khẻ hỏi:
- Chết hồi giấc nào?
- Mới chết hồi nãy, cách đây gần non một tiếng Thằng Xăm chém cô ấy. Tụi tôi đã cùng bà con giành được xác cô. Cô Sứ chết làm cả xóm đều khóc, bà con kéo ra đường ùn ùn. Lúc giành giật xác cô Sứ, đã xảy ra một cuộc ẩu đã giữa tụi tôi và lính.
- Hiện thi thể của Sứ để ở đâu?
- ở nhà má Sáu. Bà con bây giờ đã kéo tới đó đông lắm! Anh Tám Chấm đứng thẳng lên, hai tay choàng qua hai mé miệng hầm, ngó đăm đăm vào khoảng không trước mặt. Chốc sau, anh nói:
- Bây giờ thím phải ra đó ngay. Tổ chức hàng ngũ bà con lại cho chặt chẽ để đưa đám Sứ. Cần phải biến đám tang thành một cuộc biểu tình, đi khắp xóm, nhơn đó mà làm cho bà con căm thù thêm.
chị Hai Thép đáp:
- Tụi tôi cũng tính vậy. Để tôi trở ra ngoài liền...
Nói rồi, chí đứng nhổm lên định sửa soạn đậy nắm hầm. Chợt nghe anh Tám chấn lại bảo:
- Khoan đã!... Thím Hai, theo tính, liệu có thể nào điều động đám tang cô Sứ đi qua cận cửa hang Hòn được không?
Chị Hai Thép tỏ vẻ ngạc nhiên?
- Chi vậy anh?
Anh Tám Chấn không đáp, kéo áo chị ngồi xuống. Và anh dặn điều gì rất khẽ, rồi hỏi:
- Sao, thím nhắm liệu bề có được không, nếu được thì rất tốt!
Chị Hai Thép im đi một lát mới nói:
- Để tôi bàn với chị em coi, hễ có cơ hội thì kết hợp làm luôn. Thôi, tôi đi nghen anh?
- Thím Hai, thím phải cân nhắc cho kỹ, không nhường bước và cũng không để căng quá, đừng để xảy ra tình trạng ẩu đã với binh sĩ nữa... Phải tranh thủ lôi kéo họ là chánh... Mà thím nè, mấy đứa nhỏ đi đâu mất hết rồi.
- Tôi gửi tụi nó ở nhà bên rồi.
Chị Hai Thép đáp, và khi anh Tám tụt xuống, chị lẹ làng đậy nắp hầm lại, rồi lấy chổi quét qua mấy nhát. Chị Hai Thép ngắm nghía coi lại nắp hầm lượt nữa rồi dựng chổi, bươn bả đi tới nhà mẹ Sáu.
Bây giờ trời đã chập choạng. Trước sân và quanh nhà mẹ Sáu, bà con lối xóm đến đông nghịt.
Chị Hai Thép đến một lúc thì cuộc tẩm liệm bắt đầu. Khi chị và chị Ba Rèn sắo sửa đặt Sứ vào hòm, mẹ Sáu gác nhẹ đầu Sứ trên đùi, rồi cầm cái lược chải tóc cho con. Mẹ chải kỹ lưỡng, như mọi bữa mẹ vẫn chải cho Sứ. Cũng với chiệc lược thưa bằng sừng trâu đen huyền ấy! Nhưng lần này, mẹ chải rất lâu, chải mãi. Vừa chảy mẹ vừa lần gỡ hết các món tóc rối. Chải xong, mẹ bảo chị Hai Thép với giọng tỉnh hắn:
- Vợ Hai Thép coi phía sau tủ thờ có chai dầu bông bưởi, lấy dùm tao! Con Sứ nó ưa xức thứ dầu đó lắm. Hôm rồi nó kiếm ở đâu đem về để đó, chắc tính xức mà chưa kịp xức...
Chị Hai Thép mò tìm được chai dầu, mở nút, đem lại đưa cho mẹ Sáu. Mẹ Sáu cầm chai dầu, nhểu mấy giọt vào giữa lòng bàn tay, xức lên tóc con gái. Dỗu bông bưởng thoảng khắp nhà mùi hương thơm dìu dịu, trinh bạch. Mẹ sáu xức cạn chai dầu, rồi cầm lược chải lại tóc con một lần nữa. Chừng đó mẹ mớt bắt đầu bới tóc cho con, nhẹ nhàng và khéo léo. Biết bao lần mẹ đã bới mái tóc ấy, nên mẹ quen lắm. Chiều bài và tính nết của làn tóc ấy ra sao mẹ thuộc lắm.
Mẹ Sáu bới cho đứa con mình một đầu tóc thực là khéo. Đầu tóc đó trò trịa, đầy đặn hơn cả khi Sứ còn sống. Có lẽ đây là cái đầu tóc khéo nhất của Sứ, kể từ thời tóc kẹp đuôi gà của Sứ qua đi, kể từ lúc Sứ biết ham bới tóc và có đủ tóc để bới. Đầu tóc đó được bới khéo như vậy tưởng cũng không lạ. Vì đây là lần cuối cùng mà một người mẹ bới cho con, với đôi bàn tay trút hết tình âu yếm.
Bới xong, mẹ Sáu cũng chưa yên tâm rời con ra được. Mẹ với tay ra sau đầu tóc mình, rút chiếc lông nhím đồng, ghim vào đầu tóc con. Còn mớ tóc của Sứ bị thằng Xăm chém đứt hồi trưa, bà con đem về, mẹ nâng đặt lên mặt bàn thờ.
Bây giờ, mẹ mới bắt đầu khóc lặng.
Bà con nới nhẹ tay mẹ Sáu ra, dìu mẹ đến bên giường. Chị Hai Thép và chị Ba Rèn đỡ lấy Sứ, đặt Sứ vô chiếc hòm sơn màu chu. Bà con chuyền tay nhau những súc vải mùng trắng tinh đắp liệm lên mình Sứ.
Khi nắp hòm sắp sửa đậy lại, mẹ Sáu giằng mọi người ra, chạy đến. Nhưng mẹ khưng còn thấy gì nữa. Trong tiếng khóc nấc của mẹ, nắp hòm đậy xuống, liền mí, và cái hòm bấy giờ hoàn toàn đỏ, đỏ thẫm. Cái hòm trong đó có Sứ đặt giữa san nhà gỗ, nơi chị sinh ra và lớn lên, nơi chị đùa giỡn thuở còn tấm bé. Tại đây chị đã khóc, đã cười, đã chơi đánh búng và chuyền đũa. Bây giờ, tại đây chị ngủ rồi, chị ngủ mãi mãi. Nhưng cả cuộc đời hai mươi bảy năm thì chị vẫn để lại, nhất là những giờ phút chót của cuộc đời ấy.
Người ta nghe tiếng chị Hai Thép dõng dạc ra lệnh cho những bà con ở trong nhà và đứng dài từ bậc thang đổ xuống sân:
- Đốt đuốc lên!
Các bà các chị bắt đầu đốt đuốc lá dừa và đuốc rơm đánh vội. Nhiều người, trong đó cá cả Cà My, đang bó túm những vật gì vào vạt áo. Lát sau, ánh đuốc cháy sáng sân nhà.
Mẹ Sáu xin cho chôn Sứ bên mộ cha chị. Đáng lẽ bà con đưa Sứ đến thẳng chỗ mộ cha chị dưới chân Hòn thì gần hơn. Nhưng bà con không đi cái lối gần đó. Bà con đưa Sứ qua các vườn, đi qua xóm. Đám đưa tang biến thành một cuộc diễu hành đi ngang các nhà, đi ngang vườn cây, quê hương yêu dấu của người con gái đã chết. Toán lính tuần đêm đầu tiên bắt gặp đám người đó giữa một khu vườn vú sữa. Chúng thét:
- Giờ thiết quân luật mà mấy người kéo đi đâu rần rần vậy?
Thím Ba ú bước sấn lên:
- Mấy người giết con cháu chúng tôi, thì chúng tôi phải đi chôn chớ đi đâu!
Tên cầm đầu tpán đi tuần nghe nói, đưa hai tay về phía trước:
- Được, cứ đi đi!... Mấy người biểu tình luôn cũng được nữa.
Tên này nói xong, quay lưng thoát tay ra hiệu toán lính gạt ra hai bên. Đoàn người dẫn đầu là chị Hai Thép và thím Ba ú, lại tràn tới. Đuốc lá dừa trên tay họ cháy kêu lép bép. Đuốc rơm cháy dáng trên tay, họ còn cầm theo một bó đuốc dự trữ, chưa đốt. Đoàn người và lửa đuốc, cứ ồ ồ, phừng phừng, lũ lượt tốp trước tốp sau nối đuôi cái hòm ghè đầy những vai phụ nữ. Lửa đuốc chiếu cái hòm đỏ chói giữa đường đêm lòa sáng. Lửa đuốc còn rọi óng ánh những mái tóc bạc phơ của các mẹ, rọi bóng nhãy vòm lá trên đó từng chùm vú sữa tím căng da bóng lưỡng.
Mẹ Sáu đi ngay sau cái hòm, bên chị Ba Rèn và các mẹ Hòn Đất. Hai chị dìu mẹ. Nhưng mấy lần mẹ gạt tay hai chị ra, bươn tới. Giờ mẹ không khóc. Cuốn theo dòng người ồ ạt, mẹ không còn muốn khóc nữa. Có cái gì đó cứ nóng sôi trào lên trong bộ ngực già nua lép kẹp của mẹ. Ban nãy, mẹ đau đớn chia lìa con gái. Giờ đây, đi giữa đoàn người, mẹ thấy hình như không phải chỉ có mỗi con của mẹ hy sinh. Biết bao người cùng đi với mẹ đây có chồng con, anh em đã chết hoặc bị đánh dập phổi, dập gan, kẻ không còn chân, người không còn tay! Có biết bao thân nhân ruột thịt với họ giờ còn trong lao tù hoặc bị đọa đáy ngoài hải đảo! Bảy năm nay cả Hòn Đất không có mấy gia đình thoát khỏi cảnh tang tóc, khảo tra, bức hiếp. Xương người còn đó, máu người còn đây.
... Không, không phải chỉ có mỗi mình mẹ riêng chịu cảnh ấy, mà là tất cả xóm giềng. Không phải chỉ có mỗi mình mẹ tranh đấu, mà còn có trăm, ngàn người ở Hòn Đất, triệu người ở miền Nam đi tranh đấu. Sóng biển đánh ầm ầm sau lưng mẹ như bảo mẹ hãy dấn lên đau khổ mà đi. Vườn lá rào rào nỗi gió như giục giã mẹ thù kia phải trả. Xương đòi xương, máu đòi máu. Không phải chỉ có mẹ và bà con đang đi đây, còn đám con đám cháu của mẹ đang bị vây trong hang kia nữa! Năm ngày đêm ròng rã, đám con cháu đó nhịn đói nhịn khát chống trả quyết liệt. Chỉ có một người bị sa vào tay giặc, nhưng người đó không đầu hàng, người đó là con gái ruột củamẹ. Còn đứa cháy mới mồ côi, còn con rể, còn chồng hai người đàn bà đang đi bên mẹ đây - chị Hai Théo và chị Ba Rèn - còn thằng Bé con chú Tư Râu, còn bao nhiêu người mà mỗi lần nghĩ tới, thì mẹ thấy yên yên trong dạ.
Đoàn người đã kéo đến bên bờ con suối Lươn. Quân giặc đóng trên bờ suối khi nhìn thấy ánh đuốc như một đám cháy lớn trườn về phía chúng, chúng liền la lên và chạy xổ ra. Tên đại úy Cao, chỉ huy tiểu đoàn lính chủ lực vừa ở trong lều chui ra, nhác trông thấy đám người khiêng cái hòm đỏ chói thì gã hiểu ngay. Gã lập tức ra lệnh cho bọn lính cầm súng dàn hàng ngang, chắn lấy một quãng suối. Rồi gã chạy xồng xộc tới trước đoàn người, khoát mạnh tay:
- Không được đi tới!
Thím Ba ú vẫn nhẹ nhàng:
- Ông à, cháu chúng tôi bị mấy ông giết, phải để chúng tôi đem chôn chớ!
- Thiếu tá cấm chôn ba đêm.
Giọng thím ú vẫn nhẹ nhàng:
- Ông à, cháu tôi bị mấy ông giết thế đó, để lâu đâu có tiện!
- Không tiện thì mặc kẹ. Việt cộng mà cho chôn là quý rồi!
- Thưa ông, cháu tôi có theo Việt cộng đi nữa thì nó cũng là cháu tôi. Chúng tôi đem chôn nó ở chân Hòn thì có mất mát gì mấy ông đâu? Tội nghiệp, nó bị mấy ông giết cách thảm thiết quá mà!
- Con mẹ mập này ăn nói cà xốc dữ hôn? Đã nói là ban đêm ban hôm, thiếu tá không cho ai léo lánh đi đâu hết, nghe chưa?
Thím Ba ú buông tay xuội lơ, vẻ thất vọng:
- Vậy mà tôi tưởng ông có quyền ở đây, té ra ăn thua ở ông thiếu tá! Thôi đươc, vậy ông cho tôi gặp thiếu tá đổ tôi xin ổng!
Gã đại úy Cao niễng đầu qua, niễng đầu lại như để nhận dạng thím Ba ú, đoạn gã gằn giọng:
- Đòi gặp thiếu tá đặng đấu tranh hả! Coi bản mặt chị, tôi biết là dân cầm đầu đấu tranh liền mà!
Một tên lính nói chen vào:
- ối, cái chị này tôi gặp chị đi biểu tình ở Rạch Giá hoài đây!
- Ê, đừng nói bậy nghe! Tôi đang nói chuyện với ông đại uý, mấc mờ gì anh mà anh xía vô?
Thím Ba mắng tên lính xong, lại bóp bóp hai bàn tay nói với tên đại uý, vẫn với giọng nhẹ nhàng như trước:
- Ông làm ơn để chúng tôi gặp ông thiếu tá đi, thế nào ổng cũng cho. Mấy ông đánh nhau với Việt công trong hang, mấy ông bắt được họ đem giết là đủ rồi, lẽ nào lại không cho chôn?
- Không cho, gã nạt - cứ nói dai nhách!
Không nhịn được nữa, thím ba ú thét:
- Chẳng cho chúng tôi cũng đi!
Rồi bước thoắt qua mặt tên đại uý, thím khoát tay kêu mọi người tiến lên. Đoàn người ồ theo, xô rẹt những tên lính, tràn xuống suối. Gã đại uý gào lên:
- Đứng lại không tôi bắn!
Đoàn người vẫn không dừng lại. Ho giơ cao đuốc. Lội sồn sộn qua suối. Lòng suối phút chống sáng rực ánh đuốc. Tên đại uý chạy lại bảo khẽ mấy tên lính:
- " Bắn bổng đi!" Bọn lính tuân lệnh cất cao họng súng bắn "đoành đoành". Dòng người đuốc vẫn lội qua suối, tràn tới bờ bên kia. Chiếc hòm đỏ đã được đưa lên bờ. Chị Hai Thép nới chuyền ra sau:
- Nó bắn bổng, đừng sợ, đi đi!
Kinh nghiệm các cuộc đấu tranh đã từng dạy cho mọi người rằng giữa giờ phút này chỉ có tiến chớ không được lùi. Mà họ cũng nghe những phát súng bắn bổng kiểu đó nhiều lần rồi, nên họ vẫn bình tĩnh. Vả lại, mỗi người đi đây đều biết rõ ngoài việc đưa Sứ, họn cò có mục đích khác hết sức quan trọng là nhân lúc kéo tới chân Hòn, một số chị em sẽ chạy đến miệng hang liệng vào đấy những gói cơm, thức ăn và những chai nước mà họ đã chuẩn bị, đã bó chặt và giấu kín trong người từ lúc chạng vạng.
Gã đại úy Cao là một tên đã từng có kinh nghiệm đàn áp các cuộc đấu tranh nên việc hạ lệng bắn thẳng vào đoàn người gồm cả ngàn phụ nữ này là việc gã rất thận trọng. Đã đôi lần, chính gã suýt chết vì những quả đấm, những gậy gộc hoặc đá cục liệng vào ngườo khi gã cho nổ súng giết chết mấy người trong đoàn biểu tình nị. Ban đầu, gã cứ ngỡ là nếu bắn một người chết, ngàn người phải chùn lại. Lạ thay, lần nào hễ có một người chết, ngàn người đều tràn tới, đấm đạp, cấu xé vào gã và đồng bọn một cáh dữ dội. Nên bây giờ sau sáu phát súng bắn bổng, gã vẩn chưa dám hạ lệnh bắn thật. Hơn nữa, ngay từ hôm tới đây, tên thiếu tá đã căn dặn bọn gã: "Muốn tiêu diệt được tụi Việt Cộng trong hang, cần nhứt là không nên để nổ ra một cuộc đấu tranh chánh trị nào tại đây. Chọc ổ tụi đàn bà thì bô bối lắm!... Có gì mấy anh cũng phải đợi lệnh của tôi!"
Hôm đó, gã thầm phục thiếu tá là người sân sắc, thấy đơợc sự lợi hại. Bây giờ thì ổ đã động, đám đờn bà lội qua suối ùn ùn không chờ lệnh gì cả, gã biết làm sao được. Chỉ còn cách là gọi điện thoại cho thiếu tá.
Nghĩ thế, gã liền chạy tới lều truyền tin, chui vào vơ lấy ống điện thoại quay liên hồi. Bên kia đầu dây vọng lại tiếng ồ ồ ngái ngủ của tên lính trực máy:
- Ai kêu?
- Tôi đây, đại uý Cao ở tiểu đoàn ba đây. Cho tôi nói chuyện gấp với thiếu tá:
- Thiếu tá à, ổng ngủ rồi!
- Kêu dậy, kêu ổng dậy!.. Dân chúng họ biểu tình tràn qua suối rồi, mau đi!
Gã để ống nói nơi tai chờ. Tới năm phút sau, tờ bên kia mới có tiếng tên thiếu tá hỏi:
- Sao, dân chúng biểu tình hả?
- Dạ, phải. Họ đòi đem con nhỏ bị chém đi vô chân Hòn chôn, tôi không cho, họ kéo lại qua suối.
- Bắn dọa cho họ lui lại. Bắn đi!
- Thưa, bắn rồi mà họ vẫn không lui. Thưa, cho phép tôi bắn thật may ra...
- Bắn thiệt à... không, không, rắn rối lắm! Họ đã qua suối rồi hả, rượt theo, rượt theo ngăn cắt họ lại!
- Dạ dạ...
Gã đại uý bỏ ống nói ra, chạy ra ngoài, nhưng đã muộn rồi... Đứng trên bờ suối, gã chẳng còn thấy bóng một người bào nữa. Ngọn đuốc cuối cùng đã khuất vào vườn dừa. Chỉ còn thấy ánh đuốc hắt lên lá dừa chập chờn, loang loáng.
Khi gã đại úy dẫn một trung đội vượt suối rượt kịp khúc đuôi đoàn người thì cũng đúng lúc từ trong đoàn người vụt tách ra nhiều cái bóng đen, chạy riết về phía hang Hòn. Đó chính là những chị em đã được chị Hai Thép giao cho nhiệm vụ đem cơm nước vô miệng hang.
Cái bóng vụt lên trước tiên là Cà Mỵ. Một tay cô xách chai nước đã được bó lại bằng rơm, còn tay kia cô xách một gói cơm nếp nén chặt. Cà Mỵ chạy nhào tới, tất cả theo sau cô là những cô, những chị khác cũng xách nước xách cơm như cô.
Lúc Cà Mỵ chạy gần tới miệng hang, thình lình một phát súng từ trong bắn ra, nổ vang. May cho cô, viên đạn chỉ bay sướt qua tóc. Cô hoảng quá, đứng khựng lại, la ré lên, giọng lơ lớ:
- Tui đây, tui là Cà Mỵ đây, mấy anh ơi!... Tui tui đem cơm cho mấy anh mà!
Trong hang, người vừa bắn phát súng là một du kích. Anh rụng rời chúi mũi súng xuống:
- Trời ơi, Cà Mỵ đó hả? Có sao không?
- Không sao, không sao...
Cà Mỵ lắp bắp. Bóng cô lao tới miệng hang. Và cô chuồi nhẹ chai nước, gói cơm vào hang
- Mấy anh còn đủ không?
- Còn.
- Chị Sứ chết rồi, tụi tui đi đưa chị Sứ đây!
Cà Mỵ chỉ kịp hỏi và nói thế rồi chạy ngược trở ra. Người sau lại tới. Cứ thế mà liệng cơm, liệng chai nước vào. Mỗi một bóng người đều xưng tên, hỏi thăm trong hang ai còn ai mất, rồi chạy đi. Thoáng thấy bóng đen nào, từ trong cũng vẳng ra tiếng nhắn nhủ.
- Nói bà con yên tâm, tụi tôi chỉ bị thương có hai, tụi còn chiến đấu như thường!
- Bà con ngoài đó ráng đấu tranh với tụi nó. Phải đòi bồi thường tài sản bị phá. Phải làm rã ngũ tụi lính. Nhớ nghe, nhớ đấu tranh gắt lên, nghe!
- ờ, nhớ rồi, nhớ rồi!
Chợt có tiếng chú Tư Nghiệp thốt lên:
- Trời ơi, ai phải má con Lụa không?
- Phải... Phải, tía nó đó hả?... Tôi đây nè, tía nó ơi!.... Thôi tôi đi!...
Những câu hỏi hấp tấp và những câu trả lời vội vã. Người bên ngoài hỏi dồn người trong hang. Người trong hang nhắn gởi người ở ngoài. Tiếng những chai nước, gói cơm rơi lịch bịch xuống ngõ hang. Rồi tiếng thở hổn hển, tiếng chân phụ nữ lụi dụi chạy tới. Cái miệng hang sáng ánh trăng trong phút chốc đổ dồn hết bóng người này tới bóng người khác, mà bóng người nào cũng quen, cũng có kẹp tóc, búi tóc cả. Anh em du kích nhận ra em họ, con họ, vợ họ. Còn từ ngoài trông vào, các chị và các em gái chỉ thấy hang tối om, thấy những bàn tay chĩa ra chụp lấy họ. Tuy vậy, nghe tiếng nói, họ biết liền là chồng mình, là anh mình hay họ hàng lối xóm. Đều là những tiếng người thân thiết với mình cả. Năm ngày qua, họ không gặp mặt nhau, lo lắng cho nhau. Đêm thứ năm này, vầng trăng đã chứng kiến cái cảnh họ gặp nhau. Một nguồn cổ vũ kỳ lạ truyền đến cho từng người, ở trong cũng như ở ngoài, tại cửa hang mà năm ngày năm đêm địch không vào nổi. Nhữg người trong hang lòng náo nức biết rằng mình không cô độc. Những chị em sau khi vội vã chạy đi, họ mang theo cả niềm hy vọng rằng hang sẽ được giữ vững. Họ tin rằng đêm gặp gỡ hôm nay sẽ không phải là đêm cuối cùng.
Nhưng khi chị em đã chạy đi hết thì vẫn còn một bóng đen thấp bé ở lại với bóng một con chó chạy quẩn theo. Cái bóng đó tọt vào hang, đụng nhằm anh Ba Rèn.
Anh túm lấy, hỏi:
- Ai đây, sao không chạy đi?
- Tui, tui không về, tui có một trái lựu đạn!
Anh Ba Rèn chợt kêu:
- Trời ơi thằng út, mấy ông ơí
- Tui ở lại, tui không về đâu
Thằng út nói thế rồi luồn ra khỏi tay anh Ba Rèn, xớn xác quờ tay đi tới, đụng ai nó ôm nấy, ngọ ngoạy cái đầu trọc xửng bông gáo vô bụng những người đó. Nó cười khúc khích vẻ đắc chí.
- Mấy thím đó về thấy mất tui chắc hoảng hồn dữ
- út, út, mày đó hả út?
Bên trong có nhiều tiếng hỏi mừng rỡ. Thằng út nhận ra anh Năm Tấn. Nó nói:
- Chú Năm hả? Eo ơi, thím Năm ở nhà sợ chú chết rồi cứ thắp nhang vái tối ngày!
- Cái thằng dóc quá.... Nè, anh mày bị thương nằm trong kia, vô thăm anh mày đí
Thằng út đáp, giọng thản nhiên:
- Tui biết rồi, gấp gì, chút xíu tui vô thăm ảnh. Ba tui cũng biết nữa, ba tui nói đánh giặc bị thương là thường... à mà quên, tui chộp được của tụi lính một trái "láng", tui có đem theo đây nè. Mai, hễ tụi nó đánh vô tui rút chốn chia hai!
Trong hang mọi người nghe nói đều cười ồ:
- Mày thiệt con nít, chừng nào nột quá mình mới làm vật, chớ nó còn ở xa thì cứ liệng thôi, chia hai chi cho uổng mạng?
- Thằng út ậm ờ, nhưng nó nói bọc theo ngay:
- Thì... thì tui nói là gặp nột đó chớ
- ồ, nếu vậy thì được. Nhưng ở đây không đến nỗi ngặt quá phải chơi vậy đâu, bồ ơi! Hễ tụi nó vô là mình bắn hoặc liệng lựu đạn thôi!
- Vậy thì ngon quá
Thằng út xắng xở nói. Nó chợt hỏi:
- Chị út Quyên đâu mấy chú, chị út Quyên đâu?
- ở trong hang
Chợt thằng út đứng sững lại. Thình lình, mọi người nghe nó khụt khịt mũi liên tiếp mấy cái. Bỗng dưng nó nức nở òa lên kêu: - "Mấy chú ơi, chị Ba chết rồi...ư...ư....ư...".
Đứng giữa ngõ hang, nó khóc hù hụ. Ai kéo tay nó dỗ, nó cũng vùng ra, càu nhàu, tuồng như giận dỗi mọi người lắm vậy. Rồi cũng như lúc bắt đầu khóc, nó đột ngột ngưng khóc, đưa tay quệt nước mắt, hít mũi sẹt rẹt. Anh Hai Théo kéo tay nó, nói:
- út à, thôi, bây giờ mày ở lại đây với tụi tao. Nhưng tao dặn sau đây vô trong hang, có gặp con Thúy, mày không được hở miệng nói má nó chết nghe chưa? Nó mà biết thì nó khóc tụi tao dỗ không xiết đâu... à, còn mày nói mày có một trái láng hả? Đâu, đưa đây, đưa tụi tao cất cho!
Thằng út móc trái lựu đạn MK3 lộn ở lưng quần cụt ra đưa co anh Hai Théo. Nó dặn.
- Chú cất giùm tui. Hễ mất thì tui mắc đền chú!
- ừ, mất tao đền trái khác cho mày. Tụi tao có thứ này thiếu gì?
Anh em đã lượm gom lại số lương thực của đồng bào tiếp tế. Họ bấm đèn kiểm lại thấy có tới mười hai chai nước, mười hai gói ốp bẹ chuối bọc cơm nếp, cơm tẻ, và vài cái gói mo cau non bọc sáu bánh thuốc lá giông, một túi thuốc thơm hiệu Ru-bi, Những ốp bẹ chuối đựng cơm còn in dấu dau rọc tươi rói, rỉ nước. Anh em mở thử ra một ốp thì thấy cơm nếp nén, bên trong còn ấm... Giữa cơm nếp, nhét đầy những miếng thịt gà chiên vàng, thơm sực mùi tỏi sả. Anh em reo lên.
Phen này tươi rồi, nghe!
Anh Ba Rèn bảo:
Tối nay, phải bù lại mới được! Cho anh em ăn no, uống đã khát rồi tính gì thì tính. Sau đó mình hút Ru-bi, phun khói ra ngoài cho tụi lính ngửi chơi!
Anh Hai Thép nói:
Ru-bi thì có thể hút, nhưng ăn thì phải dè xẻn và uống đỡ khát thôi. Phải để dành... Có thể tụi nó còn vây mình lâu. Đề nghị giao tất cả những thứ này cho út Quyên giữ, để cô ta trọn quyền phân phối!
Phải, để út Quyên giữ, nhưng còn thuốc hút tôi lãnh giữ cho!
Chú Tư Nghiệp bảo. Mọi người đều cười rộ và đồng ý. Anh Ba Rèn le lưỡi.
Chú Tư Nghiệp nghiêm giọng:
Đừng nói vậy chớ Ba Rèn!... Tui coi trọng của chung chớ có "cá nhơn" cho tui đâu!
Ba Rèn cười hà hà