Trương mơ màng nghe có tiếng người gọi ở ngoài buồng:
Dậy thôi, anh Trương. Hơn bảy giờ rồi.
Chàng định thần mới nghĩ ra hiện mình đương ở nhà quê mà hôm nay là ngày cưới của Lan, cô em họ chàng. Trương cất tiếng hỏi: Mấy giờ đúng nhà trai đến?
Mười giờ anh ạ. Anh dậy ăn sáng rồi sắm sửa thì vừa.
Trương ngồi dậy, dựa lưng vào thành giường rồi kéo tấm chăn mỏng lên ủ lấy ngực. Ánh nắng chiếu in vào bóng các lá cây trên bức tường phía trong, Trương đưa mắt ngắm bóng cây bị xóa nhòa mỗi lần có một làn gió thoảng qua vườn rồi tẩn mẩn ngồi đợi cho gió im bóng lá dần dần trở lại rõ hình. Chàng ngẫm nghĩ:
Lan có vẻ hí hởn tệ. Hai cô cậu chắc yêu nhau lắm.
Trương chưa biết mặt chú rể, còn tên chú rể chàng có đọc trong bức thư của một ông chú gởi cho, nhưng vì không để ý nhớ nên chàng cũng quên baÜng đi. Thực ra không phải vì cô em gái lấy chồng mà Trương về thăm quê nhà. Từ ngày hai thân chàng mất đi, chàng chưa về lần nào mặc dầu có nhiều chuyện quan trọng hơn: lần bán nhà cho hàn Thoại, chàng cũng chỉ viết thư về nhờ ông chú thu xếp hộ. Lấy cớ là bận việc. Chàng nói với ông chú cần tiền để ở chung với một người bạn thân hiện đang làm trạng sư, chàng sẽ chia lãi và có chỗ để tập làm việc dần, trước khi thi ra. Trương chắc ở nhà ai cũng tin như vậy vì hôm qua khi về tới nơi thấy chàng gầy, ai cũng tỏ vẻ ái ngại khuyên chàng không nên ham sự học hành quá độ.
Trương mỉm cười nghĩ đến cuộc chơi liều lĩnh của chàng trong nữa năm gần đây.
Nếu mà họ biết rõ sự thực!
Bức thư mời chàng về ăn cưới nhà giây thép đưa đến vừa đúng một buổi chiều mưa, chàng đương buồn bã và mỏi mệt sau một đêm thức suốt sáng ở Khâm Thiên. Chàng cảm thấy mình trơ trọi trước một cuộc đời không bạn hữu, không cha mẹ anh em và trí chàng tự nhiên nghĩ đến quê hương, tìm một nơi căn bản như người sắp chết đuối tìm một vật để bám víu.
Trương thấy ngứa cổ và ho hắt lên mấy tiếng cho đỡ ngứa. Đưa mắt nhìn không thấy có ống phóng, chàng liền đứng vội dậy ra phía cửa sổ mở hé một cánh cửa để nhổ ra ngoài. Chàng toan quay vào, bỗng ngừng lại, chàng thấy có một sự gì khác, và chăm chú nhìn bãi đờm vướng ở cánh cửa.
Hình như có máu!
Trương không biết mình đã kêu thốt ra câu ấy hay chỉ nghĩ thầm trong trí, nhưng chàng nghe thấy rõ ràng lọt vào tai như tiếng của một người vô hình đương sợ hãi nói cho chàng biết một sự gì khủng khiếp.
Trương lấy ngón tay gạt đờm xuống cửa sổ, trên nền vôi xanh chàng nhìn thấy rõ là máu: máu loang ra gần một nữa bãi đờm, máu đỏ tươi và thắm như còn giữ nguyên cái tươi sống của thân thể chàng.
Trương lấy làm ngạc nhiên sao mình sợ hãi đến thế tuy chàng đã biết chắc chết từ lâu rồi. Mọi khi chàng chỉ cảm thấy mình sắp chết chứ chưa bao giờ như lần này chàng nhìn thấy cái chết hiện rõ ràng trước mắt. Chàng lẩm bẩm nói bằng tiếng Pháp: Hừ sắp chết đến nơi rồi.
Chàng có cái mừng rỡ đau đớn của một người bị tử hình sắp lên máy chém, sắp được thoát nợ.
Có tiếng chân người bước vào buồng. Trương sợ hãi quay vội lại, một tay vịn lấy thành giường, một tay vuốt tóc, đứng có ý chắn đường cho Tuyển, người em họ của chàng, khỏi đi ngang qua cửa sổ.
Tuyển hỏi:
Anh làm gì đấy?
Tôi vừa ngủ dậy. Ngủ một giấc ngon quá.
Lúc nãy em gọi anh dậy ăn sáng. Anh đã trả lời nhưng em sợ anh ngủ lại nên phải vào đánh thức.
Không, tôi dậy ngay lúc đó.
Tuyển nói: Mười giờ nhà trai đến… Sao anh không mở to cửa ra cho sáng. Hôm nay trời đẹp quá.
Trương vội can: Tôi mới ngủ dậy, sợ chói mắt.
Tuyển nói luôn: Đêm qua, lúc nữa đêm thấy trời chớp luôn em đã sợ hôm nay mưa. May quá. Hôm qua em thức đến hai giờ sáng. Bác cả nói chuyện quê lạ. Em kiếm cho cụ một chai bố với một đĩa lạc, thế là tha hồ chuyện cả đêm.
Trương không nghe Tuyển nói, mắt chàng nhìn vào cửa sổ hé mở để lộ ra một khu vườn nắng. Chắc không bao giờ chàng quên được cái cảnh vườn nắng lúc đó, những chòm lá lấp lánh ánh sáng và màu vàng của một bông hoa chuối tây nở ở góc giậu. Hình như trời nắng ở bên kia thế giới. Tai chàng không nghe thấy tiếng Tuyển nói bên cạnh, nhưng nghe rõ cả những tiếng rất nhỏ ở ngoài kia, tiếng gió trong lá cây, tiếng một con chim sâu bay chuyền trong giậu và cả tiếng một cái ghế hay cái chõng người ta kéo ở bên hàng xóm với tiếng một đứa trẻ con nói giọng: Cho tôi óm nước.
Trương thấy hiện ra trước mắt cũng một cảnh trời nắng một tháng trước ở Hà Nội. Chàng đã giữ được sáu tháng không lại nhà Thu và chàng chắc sẽ xa được Thu mãi mãi. Cuối mùa hè, có người nói chuyện cho chàng biết là Mỹ đi nghĩ mát ở Sầm Sơn đã về Hà Nội: chàng dửng dưng như một hôm tình cờ chàng trông thấy mặt Thu, chỉ được trông thoáng qua vì chàng ngồi trên xe ô tô của một người bạn từ Phủ lý về. Xe đi ngang qua một cái phố nhỏ và vừa lúc đó Thu ở trong nhà đi ra. Nàng lấy tay che trán cho đỡ nắng nên không nhìn thấy Trương. Cái cảnh gặp gỡ không có gì đặc biệt ấy trong lúc chàng biết mình sắp chết này hiện rõ ràng hình như Thu vừa đi ngang khu vườn nắng ngoài cửa sổ. Hôm ấy nàng mặc một chiếc áo màu hoàng yến, căn nhà nàng đến chơi là một căn nhà cổ có một bức tường dài quét vôi trắng và ở trong vườn nhô ra mấy ngọn lựu lấm tấm hoa đỏ. Cảnh gặp Thu đi trong nắng chỉ thoáng qua, nhưng vì thoáng qua nên Trương thấy Thu đẹp lên bội phần và cảnh ấy khiến chàng ăn năn hối hận và thương cho mình, mỗi lần nghĩ đến.
Đột nhiên chàng ngắt lời Tuyển: Mấy giờ thì ở tỉnh có chuyến ô tô về Hà Nội?
Tuyển hơi ngạc nhiên đáp: Hôm nay thì anh đi Hà Nội thế nào được.
Không, tôi hỏi để mai đi sớm.
Chàng thấy Tuyển đứng lâu quá, Tuyển đứng dậy làm cho chàng khó chịu vì không được tự nhiên, cố giữ gìn trong một lúc chỉ muốn tự do đắm mình vào trong đau đớn. Vì có Tuyển, chàng thấy mình đau đớn như vậy chưa đủ, chưa thấm thía và ngoài cái đau đớn lại thêm một cái khó chịu nữa. Chàng bảo thằng Tuyển: Chú ra để tôi mặc quần áo. Tôi cũng ra ngay.
Tuyển ra được một lúc, chàng khóa cửa cẩn thận rồi mở tủ tìm một cái lọ con. Chàng gạt chỗ đờm vương ở cánh cửa vào lọ. Vẫn thấy ngứa cổ, chàng lấy một tờ giấy trắng, và cố gắng ho như nạo cổ họng rồi nhổ vào tờ giấy. Lần này đờm chỉ còn rây có ít máu: chàng cho cả chỗ đờm ấy vào lọ đậy nút lại cẩn thận bỏ vào va li.
Khi ra đến ngoài, chàng thấy cảnh trời đẹp rực rỡ sáng lạn. Lá cây chàng thấy xanh hơn và màu các bông hoa trong vườn tươi thắm như ướt nước. Chàng tiến về phía nhà ngang chỗ đông người đứng, gió và ánh sáng làm chàng chói mắt và say sưa bàng hoàng như người uống rượu.
Ăn sáng xong, thấy ông chú đứng ngoài, chàng lại gần hỏi khẽ: Thôi, chú cứ bán theo cái giá ấy: không cần nài thêm nữa. Cháu cần ngay và như thế cũng đủ rồi, để lâu sợ chậm việc của cháu mà lúc đó bán được giá cao, cháu cũng không biết dùng tiền làm gì? …
Bao giờ anh cần đến?
Càng sớm ngày nào càng hay ngày ấy.
Trương mỉm cười nghĩ đến cái chết sắp đến. Ông chú còn đứng nghĩ ngợi: Tôi còn hơi phân vân về chỗ năm mẫu để cho dì Thiêm cày và ở nhờ. Bán đắt thì dì ấy phải dỡ nhà đi nới khác.
Bà Thiêm, Trương gọi là dì, nhưng chàng không rõ sự liên lạc về họ hàng của bà với chàng ra sao. Từ ngày ông ấy mất, bà Thiêm về làng ở nhờ miếng đất của nhà Trương. Thấy mẹ bảo gọi là dì, chàng cũng gọi vậy, và không bao giờ hỏi xem liên lạc thế nào. Nghe ông chú nhắc đến bà Thiêm, Trương nghĩ ngay đến Nhan, cô con gái bà Thiêm mà chàng gọi đùa là "hồng nhan đa truân". Chàng nghĩ thầm.
Đến năm nay "Hồng nhan đa truân" đã mười tám, mười chín.
Tự nhiên chàng thấy vui vẻ trong lòng. Chàng nói tới ông chú: Việc ấy chú không lo để chiều cháu vào chơi dì Thiêm và cháu sẽ liệu nói:
Thấy Mai đi qua, Trương hỏi:
Thế nào cô dâu đã trang điểm xong chưa?
Mai nói:
Mời anh vào xem cô dâu.
Chàng chỉ cốt xem mặt các cô phù dâu nên vừa đi theo Mai vừa hỏi:
Những ai phù dâu?
Chắc anh chẳng biết ai cả. Nhưng này anh Trương… cái áo nhung lam. Em chỉ nói thế thôi, chắc anh đã hiểu.
Trương đoán Mai bảo mình chú ý đến cô mặc áo nhung màu lam xem có bằng lòng cô ấy không?
Vừa bước vào buồng cô dâu, Mai đón ngay:
Cô dâu đâu. Có anh Trương vào mừng cô.
Trương đoán Mai nói câu ấy để giới thiệu mình với cô áo nhung lam. Chàng đưa mắt nhìn tìm cô áo nhung lam và khi đã thấy mặt, chàng quay vội đi nơi khác và bắt đầu mỉm cười vì cô áo lam vừa xấu vừa rỗ lại vừa béo. Chàng nhìn Mai rồi tự nhiên rũ ra cười: chàng thấy muốn cười, cười thật nhiều, cười thật mạnh, hình như cơ thể chàng đột nhiên cần đến cười cũng như cần đến thở. Mai cũng cười theo nên mọi người đều cho hai anh em cười với nhau vì một chuyện riêng bắt đầu từ lúc chưa vào đây. Cười xong, Trương thấy trong người khoan khoái, nhẹ nhõm.
Trương muốn ngồi mãi ở đây. Chàng không thấy ngượng vì các cô phụ dâu không cô nào đẹp cả, chàng muốn ngồi lại vì cái cảnh tấp nập của các cô phụ dâu trang điểm lẫn cho nhau trông vui mắt và mùi phấn, mùi nước hoa bay trong không khí lần đầu chàng thấy có vẻ nhẹ nhàng, trong sạch, không như những hương thơm thô tục ở các nơi ăn chơi. Trước cái cảnh ấy, Trương thấy nảy ra một ý tưởng, chàng ngồi lặng người suy nghĩ:
Hay ta hỏi Thu làm vợ? Bây giờ còn có thể được lắm. Ai biết. Mình bảo với Hợp đãø khỏi bệnh rồi, chỉ việc lấy giấy đốc tờ đưa cho Hợp xem là giấy thì dễ như không. Phải đấy. Tội gì, sung sướng với Thu một, hai tháng rồi có chết thì chết.
Trương nghĩ đến những ngày vui trước khi cưới, đến cái phúc được Thu về với mình hoàn toàn về riêng của mình trong một căn phòng thơm và đẹp như một động tiên. Chàng nghĩ đến đôi môi của Thu hôm mới gặp nhau, lúc nàng ở trên xe điện xuống, đôi mắt kiêu hãnh đương hé mở ngậm một góc vải mấn.
Giá ngay trong lúc đó ai để ý nhìn kỹ Trương chắc sẽ thấy hai con mắt Trương sáng quắc, có vẻ đau khổ và dữ tợn.
Rồi được chết trong tay Thu còn hơn… còn hơn là chết dần chết mòn không ai thương, chết một cách khốn nạn như bây giờ.
Nhưng ngay trong lúc nghĩ như vậy, chàng vẫn biết có một tiếng ngầm bảo chàng:
Làm như thế xấu lắm.
Chàng tự bảo đối với chàng thì không có cái xấu cả, chàng là một người sắp chết đến nơi cần gì xấu với tốt. Tuy không cần gì cả, tuy việc xấu đến đâu chàng cũng có thể làm được không bao giờ mình tự khinh mình, mà chàng vẫn thấy trước rằng không thể nào làm việc cưới Thu, Trương đứng lên, trong trí bối rối những tư tưởng trái ngược về sự xấu sự tốt của hành vi ở đời.
Chiều đến, Trương xuống cuối làng thăm mộ hai thân chàng. Trương không muốn chết quê nhưng chàng mong khi chết rồi người ta sẽ đem chàng mai táng ở nghĩa địa nhà, chàng thấy nằm ở các nghĩa địa gần Hà Nội có vẻ tạm thời không được vĩnh viễn và ấm ấp như ở đây, cạnh những người thân thuộc. Chàng hơi buồn nghĩ đến chẳng bao lâu nữa lại có những đứa trẻ như chàng hồi còn bé, chạy nhảy trên mộ chàng, hoặc thả diều, hoặc bắt châu chấu những buổi chiều hè lộng gió. Chàng sẽ không biết đau khổ là gì nữa: trên mặt đất, chỗ chàng nằm chỉ còn có mấy ngọn cỏ may hồng rung rung trước gió thờ ơ và ở một nơi nào đó Thu mà chàng không bao giờ quên vẫn đi lại, cười nói, sống tự nhiên trong ánh sáng của thế gian trên kia.
Khi trở về, Trương đi ngang qua nhà bà Chiêm. Sáng ngày lúc trả lời ông chú, chàng cũng chưa định cách xử trí với bà Chiêm thế ra sao. Chàng nhận thấy việc ấy vì ngầm ý của chàng là muốn nhân dịp gặp Nhan.
Có nhiều người không có liên lạc gì lắm với mình, song những lúc có việc buồn tự nhiên mình nghĩ ngay đến và muốn gặp lại để giải khuây. Nhan là một người thuộc loại ấy đối với Trương lúc đó.
Bà Thiêm trông thấy Trương biết ngay là chàng đến vì việc bán đất. Bà mời Trương ngồi và bắt đầu than thở, Trương không nói câu gì và cũng không tỏ ý định của mình ra sao, chàng đợi Nhan một lúc lâu. Nhan ở ngoài vườn đi vào. Trương ngửng lên thấy vui hồi hộp:
Ai như cô "Hồng nhan đa truân"?
Nhan đứng lại, nàng chớp mắt luôn mấy cái làm ra bộ một người đương cố nhìn cho rõ, rồi mỉm cười nói:
À ra anh Trương, trông anh độ này…
Không muốn nghe. Nhan nói đến vẻ gầy của mình, Trương vội gạt đi:
Độ này tôi vẫn đi học như trước. Tôi trông cô độ này đẹp ra.
Chàng nói đùa luôn cho đỡ ngượng vì câu khen?
Đẹp ra và trông có vẻ người lớn lắm rồi.
Nghĩ đến việc bán đất, Nhan buồn rầu nói:
Lớn rồi cho nên mới phải lo. Hôm nay trông thấy anh đến em mừng, nhưng vừa mừng vừa lo chứ không như ngày trước.
Bà Thiêm bảo Nhan rót nước uống. Trong khi Nhan sửa soạn ấm chén, Trương nói với bà Thiêm:
Về việc bán đất…
Chàng thấy Nhan ngừng lại nghe ngóng. Chàng nghĩ thầm:
Mình cũng chẳng mất gì cho nhiều lắm. Thế là lại đem cho Nhan một sự vui mừng rất lớn.
Chàng nói tiếp:
Cháu định chừa lại năm mẫu để cho dì và cô Nhan cứ ở như trước. Dì cứ việc giữ lại mà cấy coi như là của dì…
Không quay lại, nhưng chàng biết rằng bà Thiêm đương kéo vạt áo lau nước mắt. Chàng nói đùa với Nhan:
Thế là lúc nãy cô Nhan tưởng lầm. Lớn rồi nhưng trông thấy cô vị tất đã phải lo.
Nhan đặt khay chén xuống phản, đứng thẳng người nhìn bà Thiêm nói:
Mẹ em lạ quá. Buồn cũng khóc, vui cũng khóc thành thử khóc cả ngày.
Nàng quay lại phía Trương:
Hôm nọ bàn đến việc dọn nhà đi, mẹ em cũng khóc mất nữa buổi. Đã định lên Hà Nội nói với anh để lại cho chỗ ở. Không ngờ bây giờ…
Trương ngắt lời:
Bây giờ tất cả năm mẫu là về haÜn dì với cô cho đến khi tôi chết.
Nhan mỉm cười:
Như thế, em cứ mong anh sống mãi.
Trương nói:
Đến khi tôi chết thì đất ấy về hẳn dì và cô. Thành thử cô lại mong tôi chết ngay. Mà tôi cũng có thể chết ngay được lắm. Có phải không cô?
Anh chỉ nói dại.
Nhưng giá tôi chết ngay thật thì cô bảo sao?
Nàng ngơ ngác nhìn Trương vì nàng thấy Trương hơi lạ lùng. Trương cũng chợt thấy mình trống trải quá. Chàng vội vàng nói chữa:
Vì thế, nên muốn cho dì và cô yên tâm, tôi sẽ viết giấy cẩn thận. Cô nhớ đừng cho ai biết cả. Bây giờ thì cô lo cho tôi uống nước chứ. Ấm chén đã mang ra nhưng cô quên chưa pha nước.
Khi trở về nhà, Trương tự thấy bằng lòng mình. Mất mấy trăm bạc đất chàng cũng không thiết gì cả, vì chàng đã được một lúc sung sướng hoàn toàn sướng ít khi có.
Chàng nhận thấy mình sung sướng không phải vì đã làm một việc tốt, nếu người chịu ơn là một người khác không phải Nhan, chưa chắc chàng đã sung sướng. Nhưng thực tình lúc đó chàng cũng ngầm mong ở Nhan một thứ gì khác.
Trong lúc ăn cơm, đông đủ cả mọi người, Trương lơ đãng nghe họ nói chuyện, chàng rạo rực không yên. Chàng nghĩ đến câu nói của Nhan khi Nhan tiễn chàng ra cổng:
Nói thực với anh, em không muốn sang bên ấy vì mới đây ông Đắc với mẹ em có chuyện xích mích. Cũng vì thế, em không sang ăn đám cưới cô Lan. Vậy đúng chín giờ anh ra cái quán cốc cây đa, em sẽ anh ở đó để lấy tờ giấy. Như thế có được không? Sợ phiền anh chăng?
Chàng nhận lời ngay:
Được, đúng chín giờ. Không có gì phiền cả.
Nói xong chàng chào Nhan đi một cách vội vàng.
Bây giờ Trương nghĩ lại mới biết lúc chàng chỉ phấp phỏng sợ Nhan đổi ý kiến.
Mai đưa cho chàng đĩa quả ăn tráng miệng mỉm cười nói:
Thế nào anh Trương, anh nhất định không ở lại? Từ nãy đến giờ em thấy anh lơ đễnh tệ, chắc anh nhớ người nào ở Hà Nội.
Trương sẽ nói cho một mình Mai nghe:
Nhớ cô áo nhung lam.
Rồi hai anh em lại cười với nhau một lúc. Trương vừa cười vừa tự nhủ: Nhan đối với ta có họ rất xa, nhưng cũng là có họ.
Chàng bực tức đứng lên, nhìn đồng hồ thấy hơn tám giờ, chàng về phòng ngủ rồi viết tờ giấy bán đất cho bà Thiêm.
Khi chàng ra tới quán gốc đa, Nhan đã đứng đợi chàng ở đấy. Chàng làm như chưa nhìn rõ thấy Nhan, lấy tay che miệng gọi rất nhỏ:
Cô Nhan.
Nhan khẽ đáp lại:
Em đấy. Anh Trương đấy phải không?
Hai người cũng thoáng nghĩ đến cuộc gặp gỡ lẩn lút của đôi trai gái. Nhan nói:
Anh nghĩ phải. Không có tờ giấy này, khi bán đất, ông Đắc bán hết cả thì rầy rà.
Trương ngẫm nghĩ:
Sao Nhan lại nói thế?
Hai người đã đến gần nhau. Nhan nói:
Em cứ lại ngoài cổng mãi không trông thấy anh.
Trương thấy Nhan vừa nói vừa thở mạnh như người sợ hãi hay cảm động quá. Chàng cố lấy giọng âu yếm:
Em sợ gì mà thở mạnh thế?
Em cũng biết nữa.
Trương đã nhìn thấy hai con mắt của Nhan đen như hai chấm nhung trong bóng tối mờ mờ. Trương bàng hoàng như người say rượu cố nhìn như không nhìn rõ nét, hình như khuôn mặt Nhan có một làn sương mù phủ qua. Nhan nói trong hơi thở:
Tờ giấy đâu, anh?
Trương chợt nghĩ đến lúc đưa thư cho Thu, chàng có cái cảm tưởng là đương trao cho Nhan một bức thư tình. Trương đặt tờ giấy vào lòng bàn tay Nhan trong tay mình. Nhan để yên. Trương ngẹn ngào chỉ nói được một tiếng:
Em…
Chàng giơ tay vòng lấy cổ Nhan kéo về phía mình. Chàng lấy làm lạ thấy Nhan cứ việc theo chàng. Môi chàng chạm vào một làn tóc, rồi đặt trên cổ Nhan đã đẫm mồ hôi. Chàng giơ tay gạt mớ tóc rồi tìm đôi môi của Nhan.
Trương nhăm mắt lại, lần đầu tiên chàng trao hôn với một người con gái trong sạch mà chàng yêu nên chàng muốn để hết cả tâm hồn hưởng cái thú ngây ngất nó đương làm chàng mê dại.
Nhưng không hiểu lúc đó chàng nghĩ ra sao, tự nhiên chàng sợ hãi đẩy vội Nhan ra:
Xin lỗi em… Em về ngay. Em về ngay đi.
Nói vậy xong, chàng lại muốn Nhan không đi. Chàng đợi Nhan cất tiếng nói, nếu Nhan nói lên một tiếng chắc chàng sẽ giữ lại. Nhưng Nhan vẫn chỉ yên lặng đứng cạnh chàng, một lúc lâu nàng ngoan ngoãn lặng lẽ đi ra khỏi quán.
Trương dựa lưng vào thành tường, vẫn còn ngây ngất vì cái thú bất ngờ được hôn Nhan. Chàng vui sướng nhưng trong thân tâm tự thấy xấu hổ đã lợi dụng cơ hội để bắt một người con gái thơ ngây chiều mình. Chàng lẩm bẩm:
Lòng tốt, làm ơn, thương người để sau cùng lấy một cái hôn.
Trương hối hận đã vội giục Nhan về ngay không kịp dò ý xem Nhan có thực tình bằng lòng không.
Nếu Nhan thực tình bằng lòng?
Nghĩ vậy, chàng hơi tiếc rằng đã ngừng lại một cái hôn suông, chàng tự mắng mình lần nào cũng vậy, cứ bị những cái trách móc vô lý của lương tâm ngăn cản.
Giá mình ngừng lại được trước kia thì cầm lấy tay Nhan thì hơn. Nhưng đã hôn Nhan rồi mà thôi thì vô lý hết sức.
Chàng thấy nẩy ra ý kiến ở rốn lại nhà quê ít bữa với Nhan.
Nhưng khi về tới nhà, đứng trước ngọn đèn sáng, chàng như người tỉnh giấc say và nom thấy rõ sự thực: chàng không còn sống được bao lâu nữa, đối với Nhan như thế đã quá lắm rồi.
Mai ta nhất định đi sớm.
Chàng ngáp một cái bảo Tuyển:
Ta đi ngủ đi. Mai tôi phải dậy đi thật sớm.
Lúc ra xe, Trương cẩn thận chào đủ mọi người. Chàng hơi tức thấy mọi người vẫn thản nhiên nhìn chàng và không ân cần đáp lại nhưng câu nói từ biệt tha thiết chàng.
Khi đi ngang qua chỗ Mai đứng, chàng nói khẽ:
Gửi lời vĩnh biệt cái "áo nhung lam" của cô.
Lên ngồi trên xe nhìn mọi người một loạt, chàng mỉm cười ngầm nghĩ:
Vài tháng nữa… họ sẽ hiểu rằng hôm nay mình chào họ lần cuối cùng.
Trên giậu ruối nhô ra cái mái nhà cũ của chàng ngày trước: vẫn cái mái nhà màu nâu sẫm ẩn sau mấy cây soan ra dáng thanh thoát mà trước kia nghỉ học về thăm quê, mỗi lần chàng nhìn thấy là trong lòng vui hồn hộp. Chàng ngẫm nghĩ:
Chắc ở cái cột phía bàn thờ vẫn còn những vết dao đánh dấu để đo xem mình cao lên được bao nhiêu.
Tự nhiên chàng nghĩ đến con mối đen mà chàng đem lòng yêu mến và nhớ tìm xem nó bò ở đâu trước khi nhắm mắt ngủ.
Bây giờ chắc nó chết đã lâu rồi.
Chàng giơ tay chào mái nhà, chào hết cả những kỷ niệm êm đềm hồi thơ ấu.
Xe gần đến nhà bà Thiêm, chàng mong Nhan ở ngoài vườn, nhưng đến thấy Nhan, chàng cứ nhìn thẳng làm như không để ý đến. Nhan cất tiếng gọi:
Anh Trương, anh đi đấy à?
Trương xuống xe chạy lại phía Nhan đứng. Chàng sung sướng được biết Nhan không giận mình. Hai người đứng cách nhau một hàng xương rồng. Trương thấy Nhan đẹp quá: tóc nàng chưa chải, lơ thơ rủ xuống trán và cả một bên mái tóc lệch xuống vai, mắt nàng sáng và trong như không khí buổi sáng hôm đó. Trương nhìn mắt và đoán là đêm qua nàng đã khóc nhiều, khóc nhưng sung sướng, vì hai con mắt đẹp hẳn lên như thế kia là hai con mắt của một người sung sướng.
Chàng chưa dám tin chắc hẳn, chàng đợi Nhan nói trước. Chàng nhìn vào đôi môi của Nhan và nhớ lại đôi môi của Nhan và nhớ lại đêm qua ở trong quán.
Nhan nhắc lại câu hỏi:
Anh ấy đi đấy à?
Vâng tôi đi đây.
Độ bao giờ anh lại trở về?
Trương không đáp lại câu hỏi của Nhan. Chàng nói đến chuyện hôm qua:
Anh xin lỗi em. Em không giận anh chứ?
Nhan cuối mặt ngẫm nghĩ một lúc lâu. Nàng nói rất khẽ:
Em đợi anh trong ba năm nay. Anh viết thư về cho em nhé!
Nàng mỉm cười:
À, nhưng không biết viết thế nào để em nhận được mà không…
Trương ngắt lời:
Em đừng đợi thư của anh. Anh không bao giờ viết đâu.
Tại sao thế?
Anh van em. Em quên anh đi.
Nhan mở to hai mắt, ngơ ngác:
Làm sao thế anh?
Không sao cả, rồi em sẽ hiểu. Em quên anh đi. Xin lỗi em.
Chàng muốn ngắt câu chuyện, nhìn vào trong nhà, hỏi:
Dì đâu?
Mẹ em ra sau vườn.
Chàng đưa mắt mhìn người phu xe rồi nắm lấy bàn tay Nhan:
Thôi chào em. Chỉ ít bữa nữa em sẽ hiểu.
Chàng vội quay đi, nhưng chàng cũng đã thoáng thấy Nhan rươm rướm nước mắt sắp khóc.
Tới Hà Nội đi lẩn vào trong đám đông. Trương thấy mình đỡ trơ trọi, chàng thấy cái chết của mình không quan trọng lắm với đời sống chung ồ ạt của mọi người xung quanh.
Gặp ngày chủ nhật, chàng đành rẽ vào nhà một bác sĩ Pháp quen thân, đưa lọ đờm cho bác sĩ xem. Ông ta điềm tĩnh nói:
Để tôi sẽ đưa đi thử. Còn như máu thế này không hẳn là máu lao, có lẽ vì đứt mạch máu ở phổi hoặc cổ. Có khi chỉ vì đổ máu mũi đêm nó đọng ở cổ rồi sáng ho ra. Đờm ho lao có những tia máu như sợi lẫn trong đờm chứ không loang như thế này. Ông ho ra chỗ đờm này về buổi sáng?
Chính thế.
Trương mừng rỡ quá. Bác sĩ ngồi thảo đơn đưa cho Trương nói:
Dẫu sao anh cũng nên cẩn thận lắm vì ông bị đau phổi.
Chàng nhìn vào đơn và thấy tên những thứ thuốc quen dùng không có gì lạ.
Khi ra ngoài, Trương như người trút được một gánh nặng: chàng thấy vui vẻ sung sướng.
Về tới nhà, chàng ngạc nhiên thấy các cửa sổ để ngỏ. Người đầy tớ chạy ra nói:
Có cô Phương… Con bảo cậu đi vắng, cô ấy cứ vào.
Cô ấy đến từ bao giờ?
Cô ấy đến từ sáng và nhất định đợi cậu về. Cô ấy ăn cơm sáng ở đây và vừa ngủ trưa đây.
Có tiếng Phương trong nhà nói ra:
Em đợi anh mãi:
Trương hỏi:
Đợi để đi đâu?
Đi quần ngựa. Đi gỡ gạc, lần trước thua cay quá.
Trương bước vào phòng và đến chỗ Phương ngồi cúi xuống hôn nhẹ một cái vào má Phương, vui vẻ nói:
Ừ nhỉ! Mình quên baÜng đi mất. Nhưng sao Phương không đi trước, đợi anh làm gì?
Phương vỗ vào hai túi:
Hết mẹ nó tiền rồi còn gì nữa.
Tớ cũng gần hết.
Nói câu ấy, chàng lặng người ngầm nghĩ:
Bán được chỗ đất ấy, đủ tiền sống được dăm tháng. Thế rồi sao? Ngộ mình không chết.
Chàng mỉm cười:
Nếu không chết thì còn hơn nữa.
Chàng bảo Phương:
Đợi anh một lát anh thay quần áo khác.
Đương tháo giày, Trương nhác thấy có bóng người ngừng lại sau khung vải xanh ở cửa sổ.
Phương hỏi:
Cái gì thế anh?
Trương đi dép lại phía cửa sổ, kiễng chân nhìn ra. Trông sau lưng nhưng chàng cũng nhận được người ấy là Thu. Chàng cuống quýt quay trở vào. Phương hỏi:
Ai thế?
Chàng vừa buộc vội dây giày vừa đáp:
Thu.
Thu là ai? Mà sao anh cuống lên thế kia?
Đi giày xong, chàng vội chạy ra ngoài phố. Ý chàng định đi vòng ra phía sau thật nhanh để đón đầu là như tình cờ gặp Thu, không biết là Thu vừa đi qua. Chàng muốn Thu tự ý đến với chàng chứ không phải chính chàng muốn tìm gặp Thu để sau không có thể trách mình được.
Nhưng ra đến cổng, Trương không thấy Thu đâu nữa.
Chắc Thu đã lên xe.
Chàng đứng ngơ ngẩn nhìn theo hút một chiếc xe chạy ở xa, trên xe có một người mặc một chiếc áo màu hoàng yến.
Một là Thu đi ngang qua nghe tiếng mình nên ngừng lại. Hai là Thu định đến thăm mình. Lạ quá, Thu tìm đến thăm mình. Vì lẽ gì?
Chàng tươi hẳn nét mặt:
Phải rồi. Chắc Thu định đến thăm mình nhưng vì nghe có tiếng Phương nên lại đi. Nếu không, vì cớ gì đến đây nàng mới thuê xe.
Trương vừa đi vào vừa lẩm bẩm tức Phương.
Thu, con nào thế?
Câu hỏi hỗn xược của Phương làm Trương không chịu nhịn được nữa.
Câm miệng đi. Chỉ tại cô.
Ô hay, tại tôi làm sao?
Trương cởi áo vứt mạnh xuống ghế.
Lại còn cãi cái gì. Có im ngay không. Thôi không đi đâu nữa cả.
Chàng ngồi thừ một lúc rồi kéo mặc áo, bảo Phương:
Nào thì đi. Thế có đi không thì đứng dậy chứ ngồi ỳ thần xác ra đó à?
Trương đứng dậy và trở lại vui vẻ. Chàng chỉ còn nghĩ một điều là Thu đã đến với chàng, chàng tin chắc như vậy tuy không tìm ra được vì lẽ Thu lại tìm đến nhà chàng. Chàng bá lấy cổ Phương vừa hôn vừa nói:
Khi tớ sung sướng quá, tớ hay sinh ra gắt gỏng. Phương đừng giận nhé.
Xe gần đến nhà, Thu mới nguôi cơn tức. Nàng không phải tức vì nghe thấy có tiếng đàn bà trong nhà Trương, nàng vẫn đã biết vậy đã lâu. Nàng tức chỉ vì được một lúc có đủ can đảm đến lại lúc không tiện vào nhà Trương.
Nàng đã định đến hơn một tháng nay. Trước kia, sau ngày Trương đột ngột bỏ ấp ra đi, Thu về Hà Nội, yên trí là thế nào Trương cũng đến chơi. Nàng đợi Trương mãi và cứ lần nữa như vậy hơn ba tháng. Sau nàng lấy làm lạ cố đoán không dám hỏi ai. Có một lần Mỹ nói với Hợp:
Lâu nay sao không thấy anh Trương lại chơi. Chắc bận học thi.
Nàng hồi hợp đợi Hợp trả lời. Vừa lúc đó có khách lạ đến chơi. Hợp chạy ra tiếp khách. Câu chuyện về Trương bỏ dở. Thu mấy lần gợi đến Trương với Hợp, nhưng cái cớ sao Trương không đến thì nàng không biết và cũng không ai cả.
Vụ hè đến, theo thường lệ ra Sầm Sơn nghỉ mát. Thu rất có hy vọng được gặp Trương ở ngoài ấy. Nàng yên trí rằng không thể nào Trương xa nàng được. Trương chắc vẫn trông thấy nàng luôn, nhưng Trương cố ý không cho nàng biết đấy thôi. Ở Sầm Sơn, nàng vẫn sống một cuộc đời ngoài mặt rất bình thản, nhưng thật ra trong lòng nàng lúc nào cũng sôi nổi tưởng nhới tới Trương. Nhiều khi nàng đi thơ thẩn một mình bên hòn Trống Mái hay vào rừng thông ngầm mong được gặp Trương một cách bất ngờ. Đối với nàng Trương lạ lắm và ái tình của chàng cũng lạ lùng như tính nết chàng, lạ lùng làm nàng ghê sợ nhưng có một sự quyến rũ rất mạnh. Thu ở Sầm Sơn có nhiều bạn trai hay nói cho đúng, những bạn trai của Mỹ nhưng so sánh với Trương, Thu thấy họ điều tầm thường. Những câu nói chuyện, những lời tán tỉnh, ái tình của họ, và cả đến vẻ mặt họ Thu cũng thấy nhạt nhẽo.
Thế rồi một hôm, vào cuối hè sắp đến lúc cả nhà trở về Hà Nội, nàng và Hợp với mấy người nữa đứng ở bãi cát gần rừng thông nghịch thả cỏ kim cho chạy thi. Một người quen mới ở Hà Nội ra nhắc đến Trương.
Trương độ này hỏng, đâm ra chơi dữ.
Cũng chả mấy lúc nữa thì bương.
Thu sắp chạy đuổi theo một bông cỏ bỗng ngừng hẳn lại. Gió đưa vẳng vào tai nàng từng mẩu chuyện.
Chắc anh ta có chuyện buồn bực lắm nên chán đời, đâm ra liều. Trước có thế bao giờ đâu. Liều dại dột quá.
Thu nhận ra tiếng ông Trăm nói giọng Huế.
Liều một cách phi lý.
Rồi đến tiếng Hợp nói đều đều:
Trương nếu có chết thì cũng tại đốc tờ. Anh ấy cũng chỉ ho xoàng thôi, đi hết đốc tờ nọ đến đốc tờ kia, rồi đâm hoàng bỏ học. Anh ấy giờ như người liều muốn chơi cho chóng chết. Tôi khuyên mãi không được mà anh ấy lánh cả tôi nữa.
Thu đã mon men lại gần chỗ mấy người nói chuyện. Nàng lưỡng lự không biết có nên hỏi không, nhưng điều này nàng muốn biết, nàng cần biết quá nên nàng không thể đừng được.
Nàng hỏi Hợp:
Anh ấy bỏ học bao giờ?
Hợp đáp:
Đã lâu. Hình như vào quãng mùa đông năm ngoái.
Một cơn gió mạnh thổi lên, Thu chỉ mấy bông cỏ kim đương lăn trên cát bảo Hợp:
Ngựa của anh Hợp chắc về nhất.
Nàng chạy ra để được tự do nghĩ ngợi, lấy cớ là gỡ bông cỏ kim của nàng vướng vào một mô cát, Mỹ nói:
Gió mạnh quá. Có lẽ trời sắp bão, về thôi.
Thu đi chậm lại. Nàng quặt hai tay ra sau gáy giữ chặt nón, ngửa mặt đón lấy gió, mắt lim dim và trong lòng hồi hộp. Nàng đã hiểu được vì cớ gì Trương bỏ đi. Nàng sung sướng lẩm bẩm.
Phải rồi, Trương đi vì không muốn mình khổ. Trương liều vì mình.
Nàng sung sướng vì cái cảm tưởng thấy mình rất cao quý đối với Trương. Trương yêu nàng và tôn trọng nàng một cách siêu việt chứ không như những người bạn của Mỹ chỉ con nàng như một người con gái thường, tán tỉnh để thỏa một sở thích riêng hay vì mong mỏi lấy một người vợ có nhan sắc hoặc giàu. Thu ngầm trách Trương sao không bảo cho nàng biết. Nàng thốt nghĩ đến việc cứu Trương và bồi hồi thấy trước cái oanh liệt của công việc nàng.
Bây giờ cũng chưa chậm. Mình phải đến với Trương. Đợi anh ấy thì không biết bao giờ vì anh yêu nhưng anh ấy kiêu ngạo lắm kia.
Thu bàng hoàng với cái ý tưởng tìm đến Trương vì cái ấy hợp với sự mong mỏi không tự thú bấy lâu của nàng. Thu giễu là Trương kiêu ngạo, nhưng chính Thu trước kia sở dĩ không đến với Trương cũng chỉ vì nàng kiêu ngạo, cho mình làm việc ấy là từ hạ đối với Trương. Giờ thì nàng đã có một cớ để khỏi tổn hại đến lòng tự cao là đến để mong vớt v ra khỏi vòng truy lạc.
Về Hà Nội, dò hỏi mãi Thu đã biết được chỗ ở của Trương, nhưng hơn một tháng sau nàng mới thấy can đảm tìm đến nhà Trương. Nàng đứng lại trước cửa, lưỡng lự, qủ tim đập mạnh quá khiến nàng hao mắt phải chống tay vào gốc cây trên hè. Nàng đương nghĩ không biết có nên vào không thì thoáng nghe trong nhà Trương có tiếng đàn bà. Nàng không lưỡng lự nữa; sắn có cái xe nàng lên ngồi bảo kéo đi thật mau.
Hụt vào một lần, Thu vẫn định tâm là sẽ trở lại, trước khi lại, nàng viết cho Trương một bức thư.
Anh Trương,
"Em muốn đến thăm anh ngày thứ hai sau, 16 tháng 10. Vì lẽ gì rồi anh sẽ hiểu. Anh nhớ cho đúng mười giờ sáng hôm đó anh nên có ở nhà một mình".
Thu cắn bút mãi không biết ký tên là gì cho khỏi lộ nếu có ai xem lộ thư, mà Trương xem lại biết được là nàng. Thu toan ký: "Người chỉ nhận được của anh một bức thư", bỗng mỉm cười chớp mắt một lúc ngẫm nghĩ rồi đặt bút quả quyết viết: "Người để quên chiếc áo cánh ở đầu giường".
Thế này thì hẳn chỉ mình Trương biết và biết Chắc chắn là ai. Chắc Trương hoàng sợ không hiểu tại sao mình biết được.
Nghĩ vậy, nàng lại thấy yêu Trương hơn lên một chút, nàng mỉm cười, tinh nghịch nhắm một bên mắt và lẩm bẩm như nói với Trương: Chắc anh phải phục em là tài.
Ngày thứ hai, Thu dậy thật sớm. Nàng muốn sắp sửa đi ngay, sợ ở lại nhà đến gần giờ thì có việc bất thần ngăn trở chàng. Nàng mở cửa sổ nhìn trời: Hôm nay chắc trời nắng. Mình có thể mặc áo màu sáng được.
Nàng ngầm nghĩ không biết Trương thích màu áo gì. Sau cùng nàng chọn chiếc áo nhã nhất của nàng, một chiếc áo lụa trơn, cúc thủy tinh trắng.
Thế này, để khỏi lẫn với những cô gái giang hồ vẫn đến nhà Trương.
Nàng thấy hơi chán nản.
Kệ xác anh ấy. Anh ấy sướng chán. Cần gì đến mình. Hơi đâu.
Vừa nghĩ vậy, nàng vừa thoa phấn lên má, nàng vui sướng thấy hai con mắt nàng trong gương có phần sáng và trong hơn mọi ngày. Nàng nhờ đến hôm ngồi trên xe điện, lần đầu nhận thấy hai con mắt Trương có một vẻ đẹp là lạ và não nùng như có một ẩn một nỗi đau thương không cội rễ. Nàng nghĩ thầm: Chắc anh ấy cũng thấy mắt mình đẹp.
Ra đến ngoài, bà Bát hỏi:
Cô đi sớm thế?
Cháu đi mua cái khăn quàng.
Bà Bát nói đùa:
Phải, cô đi mua bán sắm sửa cái gì thì phải đi thật sớm, nêu không thì không kịp về ăn cơm.
Dì cứ nói thế, chứ cháu có thích diện lắm đâu. Đấy dì xem, cháu ăn mặc thế này này.
Bà Bát nhìn Thu mỉm cười:
Ấy cô ăn mặc thế là đẹp. Mà độ này tôi trông cô có phần đẹp hơn.
Thu sung sướng vui như hoa nở:
Thế à dì? Con có về muộn, dì đừng đợi cơm nhé. Có lẽ con chơi đằng chị Thuận hay đằng chị An. Có lẽ thôi…
Thu đi bộ ra hàng khay để mau khăn quàng. Đương đứng vơ vẫn ngắm vào cửa hiệu, nàng thấy họa sĩ Vân đi qua.
À may quá. Anh vào đây với tôi.
Thấy nàng mừng cuống quýt và ân cần vồn vã mình, Vân hơi sửng sốt. Chàng mở trừng hai con mắt hỏi dồn:
Cái gì thế? Cái gì thế?
Anh vào đây chọn cho tôi cái khăn quàng nào thật đẹp. Loại mỹ thuật các anh chỉ ích lợi cho loài người những lúc này thôi.
Nàng có ý mua cái khăn mất thật nhiều thì giờ, để khỏi nóng ruột đợi đến giờ nhà Trương. Vân tuy có việc cần nhưng chàng cũng vui vẻ chiều Thu. Chàng sung sướng đoán là Thu mến mình nên chàng chùng chình không chịu mua cho xong ngay chiếc khăn.
Chàng nghiệm thấy Thu vui tươi hơn mọi lần gặp ở Sầm Sơn và nhất là hai con mắt nàng hôm nay trông có duyên lạ lùng.
Thu trả tiền, quàng ngay khăn lên cổ mỉm cười chào Vân, rồi đi lướt qua một vài hiệu khác mua các thứ lặt vặt. Nhìn đồng hồ thấy mười giờ kém năm, nàng vội gọi xe thuê đến phố Trương ở. Lên ngồi xe Thu mới thấy bắt đầu nóng ruột. Nàng tự nhủ:
Mình sợ hãi điều gì. Ai biết được. Còn đối với anh ấy? Nếu mình đến nhà một người đàn ông khác có lẽ đáng sợ thật, nhưng đối với Trương…
Thu tin Trương yêu nàng lắm, yêu một cách tôn kính, nên nàng chắc Trương không dám xúc phạm đến mình.
Trong lúc đó, Trương đứng sau một cánh cửa mở hé nhìn ra đầu phố. Chàng mong Thu đến sớm, nên chàng đứng như vậy hơn một khắc đồng hồ, chàng đứng yên mặc dầu đã chồn chân vì chàng không muốn bỏ lỡ cái phút sung sướng được trông thấy một bóng thân yêu hiện ra ngoài ở đường. Trông mấy hôm chờ đợi, chàng không thể ngồi yên ở nhà, rủ anh em đi suốt ngày đêm. Chàng không biết khổ sở đến bực nào nếu phải đợi Thu dăm ba hôm nữa.
Lỡ Thu không đến…
Vừa nghĩ thế xong thì chợt thấy bóng Thu hiện ra ở một gốc cây bàng. Nàng giở ví trả tiền xe rồi đi về phía nhà Trương. Tới nơi Trương thấy nàng đi thẳng hình như không định rẽ vào, bỗng nàng ngừng lại nhìn ngang nhìn ngửa một lúc.
Trương lấy tay mở cánh cửa sổ cho mở rộng để Thu biết là có mình đứng đợi, rồi chạy ra phía cửa buồng khách, Thu đã vào tới nơi, đến lúc gặp nhau hai người ấy thản nhiên như không: Thu chào trước và Trương nghiêm trang hơi cúi đầu chào lại hình như trong một cuộc đến thăm rất thường của hai người quen.
Thu đi ngang qua mặt Trương tiến thẳng vào chỗ đặt bộ "sa lông". Nàng đứng nhìn một bức tranh vẽ mấy người Thổ đứng cạnh một con ngựa trắng, lẩm bẩm:
Tranh này của anh Vân vẽ.
Có tiếng dây xích động ở ngoài cổng, Thu đoán ngay là Trương khóa cửa vườn; nàng bất giác lo sợ tuy nàng đã biết cần phải đóng cửa phòng khi có khách đến. Thấy trên bàn đã để saÜn ấm chén, Thu biết là trong nhà không có đầy tớ. Lại có cả một hộp bánh ngọt mua ở cửa hiệu Charles. Chàng giật mình nghĩ:
Suýt nữa thì hai người chạm trán nhau ở hàng Khay. Cũng may.
Mời cô ngồi.
Anh để mặc em.
Thu ngồi xuống ghế, mở ví lấy chiếc khăn tay khi Trương rót nước mời nàng uống. Hai người uống thong thả, từng ngụm nhỏ một và hình như đương chú ý ngầm nghĩ đến hương vị của nước chè.
Thu hỏi:
Anh ở đây từ bao giờ?
Từ độ ấy.
Thế à?
Trong trí hai người cùng thoáng hiện ra cái cảnh về ấp ăn mừng thọ. Trương thầm trách mình sao ngồi cạnh Thu lại ngượng nghịu nhút nhát một cách vô lý như thế. Chàng muốn bắt đầu nói với Thu những câu thân yêu nhưng vẫn không dám, vì thấy vội vàng quá, chưa phải lúc bắt đầu. Chàng lại nhắc chén nước lên, uống từng hụm nhỏ: bàn tay chàng cầm chén hơi run. Thu hỏi:
Em đến chậm để anh phải đợi có phải không?
Trương nói:
Anh nhận được thư của em hôm kia.
Trương ngẫm nghĩ không biết có nên nói rõ cả sự thực về cái chết sắp đến nơi của mình hay cứ để Thu tưởng là mình chỉ đau xoàng? Chàng nhìn Thu và sao lúc đó chàng thấy Thu đẹp thế, đẹp hơn hết từ xưa đến nay, chàng lại chắc Thu yêu chàng cũng như chàng yêu Thu, nói ra chỉ thêm đau khổ. Hai người lặng lẽ nhìn nhau một lúc lâu Trương nói:
Lúc này anh không muốn nghĩ gì khác cả. Nhờ em, anh như người sống lại… được một lúc như lúc này rồi mai có chết cũng cam tâm.
Lần đầu tiên Trương xưng hô "anh em" với Thu, nhưng chàng không để ý đến.
Em đến làm gì nữa. Khổ anh quá.
Câu nói ruồng rẫy của Trương khiến Thu sung sướng và càng gợi nàng thấy việc mình đến là cần thiết cho Trương.
Từ trước đến nay em có biết gì đâu.
Trương ngạc nhiên hỏi:
Em biết gì cơ?
Thu ngỏ luôn cái cơ xui nàng đến để nàng khỏi ngượng với Trương và Trương khỏi tưởng lầm mình.
Vì thế đến giờ em mới hiểu sao trước kia anh đột nhiên bỏ đi. Anh cũng chẳng nên thất vọng. Chịu khó chữa thì khỏi. Tại sao anh lại cứ liều, hình như không muốn khỏi.
Nghĩ đến cái tên ký của Thu trong bức thư chàng mỉm cười hỏi nhỏ Thu:
Này, làm thế nào Thu biết được?
Thu đáp:
Anh Hợp biết.
Trương thấy người như tê dại hẳn đi.
Anh Hợp biết? Anh Hợp nói?
Nói cho đúng, em có hỏi gì đâu. Anh ấy nói chuyện với mấy người khác, em nghe lỏm được.
Trương nhẹ hẳn người:
Không, em làm anh hềt cả hồn vía… Anh định nói chuyện đến… đến cái áo cánh… hôm ấy cơ mà…
Đố anh đoán được.
Xin chịu.
Hai nguời trở nên thân mật như đôi tình nhân và từ lúc đó không đá động đến chuyện ốm đau nữa, cũng nhắc lại những việc xảy ra hồi mới quen nhau, Trương nói:
Thu để ý anh hồi lúc nào?
Ngay hôm trên xe điện.
Thế mà anh tức mãi đến giờ vì lúc xuống xe em không thèm nhìn anh.
Nhưng giá hôm đó em nhìn anh thì có lẽ không có ngày hôm nay.
Trương mỉm cười:
Anh tức lắm nên anh muốn báo thù, quyết tâm làm khổ em, quấy rầy em đến chơi.
Nhưng anh chỉ làm cho anh khổ thôi, có phải thế không?
Trương nói giọng nửa đùa nửa thật:
Em Thu này, đã có lúc anh có ý kiến rất hay là giết em đi.
Thu mỉm cười một cách kiêu hãnh. Trương thốt nhớ lại cái mỉm cười của Thu hôm ở ấp, chàng nói cới Thu về Hà Nội trước. Nàng đưa cao hai đuôi lông mày như người khêu khích:
Anh tưởng em sợ à?
Trương hỏi:
Nhưng tại sao em lại cứ yêu anh?
Thế giờ em cũng hỏi lại anh câu ấy thì anh bảo sao?
Anh không biết. Tự nhiên như thế, không dừng được. Ngay từ lúc anh nói câu…
Chàng ngừng lại, hỏi Thu:
Em có nhớ câu nói trên xe điện không.
Thu mỉm cười nói:
Nắng mới trông ngon lạ.
Anh chắc không phải câu nói ấy mà em để ý đến anh. Chắc vì số kiếp…
Chàng mời Thu:
Em ăn bánh?
Phải đấy. Để em sửa soạn cho.
Nàng đứng lên lấy hộp bánh, cởi dây và đặt ra đĩa tự nhiên và lanh lẹ như khi dọn bánh thết khách ở nhà.
Trong lúc Thu ăn bánh. Trương ngồi nhìn chăm chú vào đôi môi của Thu. Thu ăn dở một chiếc vừa đặt xuống. Trương cầm ngay lấy chiếc bánh dở ăn nốt:
Cả đời anh chưa bao giờ ăn chiếc bánh nào ngon hơn.
Thu thẹn nóng bừng cả mặt. Nàng hơi lo sợ, bất giác đưa khăn tay lên lau miệng. Trương hiểu ý:
Em không sợ, anh không dám xúc phạm đến em, anh chỉ xin em cho phép anh cầm lấy bàn tay em trong một lúc, một lúc thôi.
Thu vẫn để yên chiếc khăn tay che miệng, nàng như người bị thôi miên thong thả giơ bàn tay phải ra cho Trương nắm lấy. Trương nắm rất nhẹ lấy bàn tay Thu, bàn tay mà trước kia chàng chỉ được nhìn trộm trên nền khăn trắng. Tự nhiên Thu có một cử chỉ thân mật như vợ với chồng, kéo hai bàn tay của Trương đặt lên đùi mình. Trương nhận thấy hơi ấm của người Thu thấm dần dần vào hai lòng bàn tay và đoán thấy cái êm ái của làn lụa trên da thịt. Chàng nghĩ sẽ được thấy rõ hơn nếu động bàn tay nhưng chàng sợ hãi nín thở và cố giữ bàn tay thực yên lặng. Hai người không nói câu nào, cũng không nhìn nhau, cứ lặng lẽ ngồi như thế lâu lắm. Từ ngoài phố tiếng còi một chiếc xe ô tô vụt qua và tiếng rao của một đứa trẻ bán sấu.
Thu khẽ nói:
Thôi, em đi về thôi.
Trương bỏ tay Thu ra:
Phải đấy, em nên về.
Chàng thở dài một cái khẽ, hỏi tiếp:
Bao giờ em trở lại?
Không chắc. Nói trước làm gì. Sao anh không lại chơi đằng nhà, anh lại thì tiện hơn.
Trương ra cổng nhìn hai đầu phố rồi trở vào bảo Thu:
Phố vắng, em ra được rồi.
Thu cúi chào Trương, nét mặt bỗng trở nên nghiêm trang. Khi Thu đi ngang qua, chàng đã toan cầm lấy tay một lần nữa rồi hôn Thu, nhưng chàng cố giữ lại được. Chàng nói: Em cho anh xin chiếc khăn tay của em.
Thu không đưa chuyền tay chiếc khăn cho Trương, nàng đặt vội chiếc khăn lên mặt ghế vội đi ra.
Trương lại phía cửa sổ đứng nhìn theo Thu qua bức màn rèn rồi ngồi xuống ghế ôm đầu nghĩ ngợi. Thu đi rồi, chàng không thấy sung sướng gì cả, điều mà trước kia chàng không dám tới nay đã thành sự thực, sao chàng vẫn không thấy lòng mình thỏa mãn.
Chỉ có thế thôi à? Sao mình lại khốn nạn không nói rõ hết cả cho Thu biết và thôi hẳn có hơn không. Mình hãy còn tiếc và mong ở Thu. Mong mỏi thứ gì mới được chứ?
Giá lúc nãy khi định nói, chàng không thấy Thu đẹp hay chàng nhìn mặt Thu không thấy yêu lắm thì có lẽ chàng đã nói rồi.
Ô, nếu nói được ra, hay nếu Thu không yêu mình thì mình nhẹ nhàng làm sao.
Nghĩ đến chiếc khăn của Thu, Trương với cầm lấy vò nát trong hai bàn tay rồi đưa lên miệng. Chàng vừa cắn mạnh chiếc khăn vừa thầm nói với Thu, rưng rưng muốn khóc:
Em Thu yêu anh làm gì. Khổ anh lắm.
Thu về đến nhà vừa lúc sắp dọn cơm lên. Thấy mẹ mình và bà Bát ngồi ở buồng ăn, nàng dừng lại hỏi:
Anh Mỹ em đi học đã về chưa?
Về rồi. Cô đã mua khăn quàng chưa?
Mua rồi.
Nàng không có ý tránh câu hỏi của bà Bát, nhưng nàng cũng không láu táu nói nhiều như mọi lần sợ có câu nào vô ý chăng. Đi đi lại lại dọn dẹp trong nhà. Thu lại thấy cái yên ổn của cuộc đời sống hàng ngày rất bình thường. Nhưng nàng bàng hoàng nhận thấy đời sống của nàng có ý vị hơn trước; đậm đà hơn, một vị hương âm thầm không rõ rệt, ấm áp như hương thơm đọng trong một quả cam mới hái ngoài nắng vào, chưa bóc vỏ.