Mùa nắng ở Đôn Châu Trà Vinh.
Cát phủ trên mặt ruộng khô lấp lánh dưới ánh mặt trời thiêu đốt.
Mặt trậm im ắng. Thỉnh thoảng tiếng súng bắn tỉa nã vào lỗ châu mai nào đó ở đồn Đôn Châu đang bị vây để tiếp nhận lại vài tràng tiểu liên của Pháp bắn trả. Để rồi lại im ắng.
Chiếc máy bay trinh sát "đầm già" tì tì lượn đi lượn lại gieo cơn buồn ngủ đây đó trong anh em chiến sĩ đang dấu mình dưới hầm cát nóng như nung.
Có lẽ nó thắc mắc với loại địa hình không giống bất cứ ở đâu của vùng đất giồng này. Từng cụm lũy tre rộng, hẹp không đều nhau nhô lên giữa đồng mênh mông như những hòn đảo nhỏ giữa biển khơi, muốn đến với nhau phải vượt qua cái khoảng cách trống trải. Con đường Trà Vinh nối liền với Đôn Châu vạch một con đường thẳng trên mặt ruộng xuyên qua cụm dân cư theo khoảng cách không đều. Mặt trận phục kích của Tiểu đoàn 307 gài theo thế của các đảo tre, che kín sườn và chi viện cho nhau để hợp đồng bao vây tiêu diệt quân giặc tiếp viện, lấy con đường và lũy tre bên đường làm cái túi để bẫy giặc.
Nhưng địa hình thực tế luôn trớ trêu với người cầm quân. Có một chùm mả lạng lơ thơ mọc vài bụi dứa gai, mấy cây duối, bề rộng không đủ ém một đội quân, tán cây không đủ che mắt giặc, khi trận chiến xảy ra, ai chiếm được nơi đây là quấy rối nguy hiểm vào sườn của đối phương.
Một tiểu đội mười hai người, ba khẩu trung liên và một cơ số đạn dồi dào do Trung đội phó Tâm phục ở nơi tử địa này, đơn độc dưới các hố cá nhân. Muốn liên lạc với chỉ huy sở chỉ có con đường mòn cách xa vườn gần ba trăm thước, hoàn toàn trống trải.
Đánh nhau ở vùng đất trống Trà Vinh này dù có thắng cũng không thể rút lui ngay sau khi thu chiến lợi phẩm như ở các trận địa khác. Đánh xong, nhất thiết phải cố thủ tại chỗ, chịu đựng tiếp các cuộc tiến công mới, chờ đến đêm mới bí mật rút đi được. Ai cũng biết, Đôn Châu bị bao vây ba ngày rồi, sáng nay mới có tin giặc Pháp tiếp viện. Thời gian đủ để chúng tập trung quân lớn.
Pháo binh bắn dọn đường xong, xe bọc thép tiến lên có bộ binh theo sau. Chiếc đi đầu trúng mìn. Đội hình còn lại mười một chiếc áng ngữ cho bội binh xung phong. Từ sau các lũy tre, xuyên qua những cửa mở dưới chân lũy, chỉ vừa người lách qua, các cỡ súng của ta nổ. Ngoài đồng, giặc nhìn vào chẳng trông thấy ai bên trong lũy tre, ta nhìn ra thấy rõ từng cái khuy áo. Cả trăm tên giặc phơi xác, xe cơ giới buộc phải lùi xa tầm súng để giữ trục lộ và bắn kìm chế quân ta.
Một cánh quân bọc hậu của giặc tấn công cùng lúc với chính diện, không ngờ bị xuyên sườn khi xung phong qua chòm mả lạng. Ba khẩu trung liên, mười hai tay súng của ta từ dưới đất chui lên bất ngờ quét vào giữa đội hình, cánh quân bị tiện ngang như bẽ gãy một cành đã khô, quân giặc phía sau bị ghìm lại, quân phía trước không thể lui, bị một đại đội ta tràn lên tiêu diệt.
Thua keo này, giặc Pháp cố thủ gọi thêm viện binh. Giờ đây chúng đã hiểu rõ địa hình bố trí của đối phương. Oỏc thông minh quân sự nhắc chúng cần nhổ cái gai, cái gai nhỏ bé nhưng rất nhọn của toán quân phục ở chòm mả lạng.
Con "đầm già" lại tì tì. Bốn chiếc máy bay săn giặc lao xuống, chòm mả lạng hứng tám quả bom tạ và hàng loạt đại bác hai mươi ly. Máy bay vừa vút lên, pháo binh lại bắn cấp tập. Chòm mả lạng mờ trong khói. Từ xa, bộ binh Pháp xuất kích, vừa tiến vừa bắn như trấu rải.
Từ chỉ huy sở Tiểu đoàn, phản xạ nhạy bén với tình hình, Tiểu đoàn trưởng không an tâm. Anh giao chỉ huy sở cho tiểu đoàn phó, đeo xà cột xách súng lao lên. Xuyên qua các con đường ngoằn ngoèo, anh đến lối mòn dẫn ra chòm mả lạng.
Đúng như anh đoán, từ phía bên kia anh em đã rút lui. Không thể chần chừ, mất gò mả lạng là toàn mặt trận sẽ tan vỡ, anh băng mình dưới lửa đạn bằng tốc độ nước rút. Giặc nhắm bắn vào anh, anh lao tới và khi đối mặt với đoàn quân rút lui, anh giang rộng hai tay, trông như bức tượng. Anh thét :
- Xấu mặt chưa ! Trở lại ! Trở lại giữ vững trận địa !
Và để tăng thêm hiệu lực, anh chĩa thẳng họng súng vào Trung đội phó Tâm, trợn mắt quát :
- Đồng chí rút lui tôi bắn !
Trung đội phó Tâm sa sầm nét mặt một thoáng. Rồi tự kiềm chế, anh quay về các chiến sĩ :
- Anh em theo tôi !
Anh dẫn đầu đơn vị trở lại trận địa.
Tiểu đoàn trưởng xốc người thương binh do anh em khiêng ra để lại, cứ thế anh cõng người đồng đội trở về khu vườn. Anh ra lệnh tăng cường thêm cho lực lượng ta ở chòm mả lạng một tổ súng máy.
Bộ binh giặc đã đến gần, chúng xung phong tiến chiếm gò mả lạng. Có tiếng anh em chiến sĩ giục Tâm xuống hầm. Anh cứ đứng nguyên bên gốc duối điều khiển, với tâm trạng vừa nặng nề vừa quyết liệt, anh tỏ ra khinh suất :
- Bắn !
Ba khẩu trung liên và các khẩu súng trường tăng cường bắn cùng lúc. Giặc rụng xuống, bọn sống sót dán mình xuống đất, không dám ngóc đầu lên. Có thằng bỏ chạy, tức thì bọn chỉ huy của chúng từ phía sau bắn tới. Bọn chúng còn cho nhiều hỏa lực liên thinh buộc binh sĩ hướng vào thế phải tiến, tên nào lùi là chết. Nhưng cả quân quan chờ nhau xem có ai xông lên, không tên nào có gan làm việc ấy. Súng từ sau lưng chúng vẫn bắn tới tuốt trụi hết lá cây. Ruộng dưa hấu trước trận địa không còn quả nào lành lặn. Cùng lúc mặt trận chính nổ rộ. Mọt chê do trinh sát chỉ điểm bắn vào các ổ súng đại liên. Và khi phát hiện thấy các ổ súng máy này đã câm họng, không ai bảo ai bọn lính địch sống sót kéo chạy như vỡ tổ.
*
* *
Bây giờ tôi mớ bắt đầu vào đề câu chuyện.
Trở về vùng căn cứ sau chiến dịch, vào dịp Ban chấp hành Đảng bộ tiểu đoàn mãn nhiệm kỳ, đơn vị tổ chức đại hội Đảng bộ để kiểm điểm nhiệm kỳ qua và bầu các ủy viên Ban chấp hành mới. Hội trường tổ chức tại nhà thím Ba, nơi Ban chỉ huy tiểu đoàn ở.
Lần đầu tiên đây là cuộc họp có nước mắt.
Sau khi Tiểu đoàn trưởng tự phê, nhiều ý kiến xác nhận lòng tin của mọi người với anh về tinh thần chiến đấu dũng cảm, về tính linh hoạt cơ trí của người cán bộ cầm quân. Tiểu đoàn trưởng xứng đáng là linh hồn của đơn vị.
Trung đội phó Tâm, cánh tay bị thương ở chòm mả lạng còn băng bó treo trước ngực xin phát biểu :
- "Anh Bảy - Tâm không xưng hô với tiểu đoàn trưởng theo cấp bậc. Nếu hôm ở chòm mả lạng một viên đạn vô tình nào đó đã ghim vào anh khi anh phải xông pha lửa đạn lên ngăn chúng tôi lại vì tôi tự động cho rút lui và nếu phát súng của thằng giặc bắn vào cánh tay tôi đây chỉ chỉnh đúng hơi vài phân nửa vào giữa tim tôi thì hôm nay, giữa anh em mình, tôi không còn đứng ở đây mà để nói tiếng ân khuất trong lòng tôi với anh, cho nên, tôi góp ý với anh điều này trong tình đồng chí đồng sanh đồng tử".
Trong cử tọa có vài anh chàng lém lỉnh xì xào "dội bom rồi !", "văn nghệ quá bây !". Nhưng mọi người chờ mong điều gì đó hệ trọng.
Tâm ôn tồn nói :
- "Tôi phê bình anh không có nghĩa là tôi không có khuyết điểm, tôi sẽ tự kiểm điểm ở chỗ khác, hôm nay chỉ cho phép tôi nói về anh. Trong trận Đôn Châu, đang rút lui, thấy anh lao ra tôi sực tỉnh liền và không cần phải suy nghĩ cân nhắc gì hết, tôi cũng biết rằng mình đã dao động, đã làm sai rồi. Lúc đó chỉ cần anh nói câu đầu tiên, ra lệnh trở lại, là đủ cho chúng tôi vâng lệnh thi hành. Sao anh còn chĩa súng dọa bắn để chúng tôi trở lại. Súng ống để bắn Tây sao anh dùng làm chi với nội bộ anh em mình. Mà cũng có thể lúc đó anh không cần phải hét, không cần nói chỉ cần sự có mặt của anh với một cái khoát tay là đủ sức điều khiển mười hai đứa chúng tôi quay ngược lại. Chỉ huy tiểu đoàn này bao nhiêu lâu nay, anh lại không hiểu sự gương mẫu của người chỉ huy các cấp ngoài mặt trận có sức mạnh tuyệt đối như thế nào hay sao ! Lúc ấy tôi thấy bất nhẫn. Cùng anh em quay ra trận địa tôi không ngập ngừng chút nào đâu, anh Bảy à ! Vì tôi đã hiểu ra nhiệm vụ của mình là ở chỗ nào rồi, nhưng mà trong ngực tôi có cái gì đó xót xa bất mãn. Tôi thấy giận thêm, đâm ra liều mạng : đánh cho đồng chí ấy biết rằng thằng Tâm này không phải là thằng hèn nhát. Và tôi đã tỏ ra khinh suất trong đánh đấm. Cũng may là thằng Tây nó chỉ huy tồi, nó quân phiệt với lính nó bằng hàng loạt liên thinh để bức tiến, chứ không phải bằng một khẩu súng lục chỉ dọa mà không bắn của anh. Mặt trận chòm mả giữ được là nhờ thằng Tây nó quân phiệt nặng hơn mình nhiều".
"Tôi nói chỗ nào trật, xin anh Bảy bỏ qua. Trong tiểu đoàn ta anh em cấp dưới rất tin tưởng yêu mến anh, cũng như tin tưởng các đồng chí chỉ huy khác đã tỏ ra xứng đáng là người chỉ huy. Cả tiểu đoàn coi anh là linh hồn của đơn vị, không thể thiếu anh, anh em có thể đưa thân mình che đạn cho anh, để anh mạnh khỏe nắm vững vận mệnh của Tiểu đoàn".
... Nhưng thú thật bên cạnh lòng tin yêu ấy, anh em sợ anh...".
"Ôi ! Đối với người cán bộ cách mạng, chữ sợ này sao mà đáng sợ. Sợ có nghĩa là có sự ngăn cách giữa mình và anh em chiến sĩ. Sợ là sự hụt hẫng trong tình cảm của con tim. Sợ là sự phôi pha trong tình đồng đội và đồng chí".
Không khí hội trường sôi động hẳn lên. Mặt trận đấu tranh tư tưởng phê bình và tự phê bình đâu khác gì mặt trận ngoài chiến trường, trong tình thế cam go, chỉ cần một người dũng cảm xông lên trước dù chỉ nhỏ như em bé Xe phất cờ xong lên trong trận Bắc Sa Ma, là mọi người ào lên san bằng đồn giặc. Nhiều anh em cán bộ Đại đội có, Trung đội và Tiểu đội có, đứng lên phân tích thống nhất ý kiến cho rằng vì nghiêm khắc quá, có phần nào khô khan nên đồng chí chỉ huy của mình có xa rời quần chúng.
Hôm nay là lần đầu tiên từ khi sống chung trong đơn vị, tôi thấy Tiểu đoàn trưởng, người mà chúng tôi hằng cho là có trái tim "dạ sắt gan vàng" đã khóc, khóc mùi mẫn như đứa em bé bỏng xin lỗi mẹ khi biết mình có tội.
Thím Ba chủ nhà, nơi tổ chức cuộc họp, bê cái rổ may ra bộ ván vừa xỉa trầu vừa khâu vá :
- Bữa nay coi bộ chú buồn, phải không chú Bảy ?
- Cũng hơi buồn chị ạ !
- Mấy chú họp hội nghị, tôi ngồi sau nhà, có nghe.
- Chị thấy sao ? Làm cán bộ hiểu cho đúng bản thân mình là khó, chị Ba à !
- Có gì đâu chú ! Chuyện nhà binh của mấy chú tôi không dám bàn. Nhưng gẫm ra, sao mà nó giống chuyện của nhà của tôi cũng y chang. Hồi nẳm, vợ chồng tôi gả con nhỏ lớn về bên anh chị suôi gia cũng có chuyện rắc rối. Gả tháng trước, tháng sau con nhỏ tự động cắp quần áo bỏ về. Có gì đâu, chỉ là chuyện trẻ con giữa chị dâu em chồng với nhau, rồi tự ái bỏ về. Tôi giận quá, làm dữ. Nó đang nằm trên võng không dằn được, tôi rút con dao phay chặt phụp vào cột nhà, sợi dây võng đắt, con nhỏ rớt phịch xuống đất. Tôi quơ dao trước mặt nó thét : "Mày có chịu trở về nhà chồng, hay là để tao chém mày một dao cho khuất mắt ?". Đe vậy thôi chứ ai nỡ giết con. Cũng như chú ngoài mặt trận, chú dọa thôi, chứ chú đâu có bắn lính. Vậy mà con nhỏ nó gan lỳ, nó cứ ôm chân tôi : "Má cứ chém con đi ! Cho con chết! Chết cho rảnh nợ !".
Tôi lỡ bộ buộc lòng phải quăng con dao xuống đất : "Tao không thèm chém mày cho dơ tay tao ! Đồ con bất hiếu". Mắng con mà mẹ đau, tôi khóc. Nó lượm con dao, quỳ trước mặt tôi, dâng con dao lên : "Má cứ chém con đi! Để con được báo hiếu với má !". Chú thấy có phải xé ruột gan mình ra không ?
Ông nhà tôi, ổng ngồi coi cho đã, đến lúc đó ổng mới lên tiếng : "Thôi đi ! Đủ rồi ! Con Hai rửa mặt mày sạch sẽ, đi mà ăn cơm". Nói xong ổng cứ tỉnh bơ như không có chuyện gì xảy ra. Sáng hôm sau, ổng soạn một cái khay, một nhạo rượu, mươi lá trầu, vài trái cau, ổng chỉ nhìn mà con nhỏ run, chú à : "Hai nghe lời ba ! Nghe lời, con vô gói quần, áo đi với ba qua xin lỗi anh chị ở bển !".
Chỉ có vậy mà con nhỏ líu ríu đi theo ổng. Đến bây giờ có bứt ra nó cũng không chịu buông thằng chồng nó. Chú thấy không ? Nếu xử sự theo kiểu tôi, làm sao bây giờ tôi có hai đứa cháu ngoại, một đứa bốn tuổi, đứa hai, mỗi lần dắt nhau về là bi bô ngoại ơi ! Ngoại !
Gió ngoài sông, nước lớn thổi vào nhà mát rượi, thím Ba xỉa trầu, lòng lâng lâng.
- Tướng như chú, anh em trong tiểu đoàn ai không nể trọng, chú phán một câu, có ai dám cãi lệnh, cần chi tới súng ống. Tôi thấy chú Tâm phê bình chú cũng đậm, nhưng không có chút ghét khinh. Không biết chú có để ý không? Khi chú vừa khóc, ở sau nhà tôi thấy chú Tâm cũng chảy nước mắt.
Câu chuyện của người đàn bà, từng lời ôn tồn và mộc mạc như thể rót vào lòng người cán bộ chỉ huy, mà giờ đây vai trò như đảo ngược : người chỉ huy hóa thành người học trò nhỏ, người mẹ nông dân lại trở thành Chính ủy. Mọi thứ triết lý sâu sắc ở đời phải chăng xuất xứ từ cuộc sống thực mà ra, để cho dù là thánh hiền cũng phải lắng tai nghe lấy.
Tiểu đoàn trưởng thấm thía từng lời. Cái điều mà mình đã từng lên lớp cho anh em về ý nghĩa thế nào là phê bình xây dựng đã thể hiện rõ trong cách phê hán của cậu Tâm. Tâm phê phán mình rồi lại khóc vì tình đồng chí, phê bình xong lại bỏ thăm tín nhiệm bầu mình vào ủy viên chấp hành, một trăm phần trăm số phiếu bầu tín nhiệm, cậu Tâm có một lá trong đó.
Mà cũng phải ! Cuộc đời là sự tiếp nhận, ai không tiếp nhận là xuẩn ngu. Bài học của cậu Tâm, của thím Ba thật là bổ ích. Phải tiếp nhận, biết tiếp nhận con người mới trưởng thành.
*
* *
Tiểu đoàn lại chuyển quân từ Trà Vinh sang Vĩnh Long, Sa Đéc để trở lại vùng Cao Lãnh. Chuyện cũ tưởng đã trôi qua, cho đến một trận chống càn quét, các đại đội phải bố trí trên một địa bàn rất rộng vì bọn giặc hành quân cướp lúa đi thành nhiều hướng không ra bài bản chiến thuật gì. Phía xa xa có tiếng súng tao ngộ. Bên sông trước mặt đại đội 931 có một toán quân khác băng đồng. Nhận được báo cáo, đại đội 931 sắp được nổ súng. Tiểu đoàn trưởng cùng một trinh sát đi về phía ấy. Dọc đường đi, hai người nghe súng nổ.
Trinh sát viên đột nhiên kêu lên : "Báo cáo có đơn vị nào rút lui". Tiểu đoàn trưởng trông thấy một lực lượng ta lom khom theo cây cầu ván tìm cách về bên này sông. Hiện tượng lạ, làm máu nóng dồn lên, tiểu đoàn trưởng xông tới:
- Đi đâu ? Sao lại chạy ?
Thói quen khó bỏ, khi mặt giáp mặt với người lính đi đầu, ông thét :
- Có trở lại không ? Các đồng chí không trở lại thì tôi...
May quá, trực giác đã kịp thời nhắc lại chuyện cũ làm cho tiểu đoàn trưởng giật mình, trong khi khẩu súng đang vung lên, lời nói đã thốt ra, "tứ mã nan truy", không còn kịp rút lại, ông quay luôn họng súng sắp hướng vào đồng đội, chĩa ngược vào ngực mình, đồng thời nắn lại lời nói:
- Thì tôi... bắn tôi chết trước !
Chiến sĩ lém lỉnh đứng đối mặt với thủ trưởng nghĩ thầm: thì ra phen này thủ trưởng trút cái tính quân phiệt của mình vào bản thân mình. Mặt cậu ta tỉnh bơ trông rất hóm:
- Khoan ! Khoan, anh Bảy !
Cậu ta vừa nói vừa cười thản nhiên như quanh đây không có súng nổ.
- Anh còn sống, em đã không dám qua, anh chết rồi, em làm sao dám bước qua xác anh được ! (Chẳng là trong vở kịch nào đó mà cậu chiến sĩ ta có được xem, sân khấu đã diễn cảnh Trần Hưng Đạo can vua : "Nếu bệ hạ trở về Thăng Long cầu hòa xin hãy bước qua xác kẻ hạ thần mà đi...").
Trung đội trưởng chỉ huy cánh quân bước tới báo cáo quan sát thấy có một bộ phận khác của giặc đang hướng vào xóm trên. Ban chỉ huy đại đội đã phân công cho trung đội của anh di chuyển lên đón đánh. Nếu mình tiến theo bờ bên kia có một khoảng trống, giặc sẽ trông thấy. Nên trung đội phải qua cầu sang bên này bờ sông nương theo vườn tược rậm rạp để giữ bí mật và sẽ qua sông đón giặc bằng cây cầu của xóm dưới.
Tiểu đoàn trưởng nghe ra, né sang bên nhường đường cho anh em. Ông không quên thân mật vỗ vai anh chàng lém lỉnh.
*
* *
Sau trận đánh, về nơi đóng quân mới, tiểu đoàn tổ chức liên hoan văn nghệ. Đại đội 931 đóng góp một vở kịch mà anh chàng lém lỉnh lại đóng vai tiểu đoàn trưởng. Vai đeo xà cột, súng lục cầm tay, vòng quanh đống lửa có một tốp lính cầm súng chạy vòng vòng như đang chuyển quân ngoài mặt trận. Vai tiểu đoàn trưởng xông ra chặn đầu, xòe hai cánh tay ngăn họ lại thét :
- Ôi cha cha ! Táo gan nhỉ ! Tại sao các nhà ngươi lại rút lui ? Nếu kẻ nào rút lui thì tôi... Ấy chết (nói với khán giả) tôi quên ! Tôi đã tự phê bình là tôi thề khi xung trận không dọa bắn anh em. Bởi vậy cho nên.. thì tôi bắn tôi !...
Lúc đó người lính đi đầu bèn quỳ xuống can gián bằng một bài sáu câu : Khoan, khoan bớ đồng chí chỉ huy yêu mến ! Xin chớ có vội hủy mình - vì anh em, chiến sĩ chúng tôi cần có đồng chí chèo lái chúng tôi, trên còn thuyền giữa cảnh phong ba, bão táp để tiểu đoàn ta phát huy truyền thống trên dưới yêu nhau như anh em đồng chí ơ....ơ...ơ...
Lời ca kể cũng hay, nhưng nghệ sĩ hát dở quá.
Từ trong khán giả, một số chiến sĩ bê ra cái băng ca đặt bên cạnh nghệ sĩ :
- Thưa với bà con khiêng được rồi phải không ?
Khán giả cười ngặt nghẽo hưởng ứng :
- Khiêng ! Khiêng ! Khiêng !
Nghệ sĩ để cho người ta quẳng nằm dài lên băng. Người ta khiêng kịch sĩ đi một vòng giữa tiếng reo hò châm chọc, rồi bất ngờ đặt xuống trước mặt tiểu đoàn trưởng.
Anh chàng lém lỉnh đứng nghiêm chào kiểu nhà binh. Tiểu đoàn trưởng ôm anh, vỗ vỗ vào lưng. Hai người bắt tay nhau bằng bốn bàn tay nắm thật chặt và lắc lia lịa.
Thoáng thấy trên gương mặt khắc khổ của tiểu đoàn trưởng ánh lên những giọt nước mắt. May mà ông kịp nghiêng vai, lau vội trước khi vở kịch hạ màn.