Câu chuyện mà chúng ta đang kể đến, không thể nói cho chính xác là vào ngày nào tháng nào năm nào nữa rồi, đại khái chỉ biết là vào khoảng hai mươi tám tháng sáu âm lịch. Dân gian thường nói hai mươi tám tháng sáu âm lịch, lão Lý cụt đuôi về nhà khóc giỗ mẹ. Tương truyền trước kia có một người đàn bà họ Lý sinh ra một con rắn đen nhỏ, sau đó đóng cửa cắt mất đuôi rắn. Mà con rắn đen này vốn là rồng đen dưới sông Hắc Long đầu thai, cũng chính là lão Lý cụt đuôi mà mọi người vẫn nhắc, sau khi người đàn bà này mất thì rồng đen cũng đi biệt tăm, mỗi năm đến ngày hai mươi tám tháng sáu âm lịch, lão Lý cụt đuôi mới về khóc thăm mộ mẹ một lần. Mấy bữa trước đúng là mưa dầm không ngớt, nhưng hôm đó không mưa mà sắc trời chỉ âm u nặng trĩu, sau khi về tới nghĩa trang thì cũng đã đến lúc lên đèn.
Vài ngày nay nghĩa trang không có người chết, Quách sư phụ dùng xe đẩy xác đứa bé vào phòng trong, gian phòng này cũng chính là nửa phần sau của đại điện thuộc miếu Hà Long thuở ấy. Thi thể được đặt lên giường đá, chiếu manh không mở ra mà trước tiên thắp đèn rồi đốt thêm hai nén nhang ở cạnh đầu. Theo thuyết pháp mê tín dị đoan, quỷ đói ngửi mùi nhang có thể đỡ xót ruột, cho người chết nén nhang cũng tức là cho hồn dùng bữa, hắn thương cho đứa trẻ chết yểu, lúc thắp nhang còn cố ý đốt thêm một nén.
Bận bịu lo chuyện người chết xong thì cũng tới lúc người sống dùng cơm rồi. Mọi người vẫn gọi Quách sư phụ là Quách Nhị gia, người ở thành Thiên Tân đặc biệt coi trọng hai chữ Nhị gia, gặp ai không quen biết thì vẫn cứ gọi là Nhị gia hoặc Nhị ca, còn những người vốn quen biết thì dựa vào ngôi thứ trong nhà mà xưng hô cho tương xứng, từ anh cả Nhị gia, kế đến là Tam gia, Tứ gia rồi sau nữa.
Quách sư phụ không phải Nhị gia mà chỉ là con thứ trong nhà, anh cả nhà hắn đang ở trong phòng này đây. Nói như vậy có thể khiến cho người ta cảm thấy sợ, như trên đã nói Quách sư phụ chỉ ở nghĩa trang có một mình, vậy từ đâu bỗng lòi ra thêm một người anh? Còn sống hay là đã chết?
Thực ra anh cả của Quách sư phụ chỉ là một con búp bê đất sét nhỏ xíu. Cái gọi là búp bê anh cả này, theo như phong tục của xã hội cũ, vợ chồng sau khi kết hôn một thời gian đã lâu mà vẫn chưa có con thì có thể đến miếu Mẹ tổ cầu tự. Trên bàn thờ Thiên Hậu nương nương có rất nhiều búp bê con nít, toàn bộ đều đã được nung kỹ, tướng mạo không giống nhau, có lanh lợi hoạt bát, có ngây thơ đáng yêu, vợ chồng cầu con đưa đủ tiền nhang đèn, chọn xong búp bê rồi thì buộc dây đỏ lên trên mang về nhà nuôi như con của mình. Sau này nếu như có thể sinh con, vậy búp bê con nít sẽ làm con cả, đứa mới sinh thì là con thứ, phải gọi búp bê là anh. Rồi thì cách vài năm phải tắm rửa cho búp bê con nít một lần, sau đó còn phải mời nghệ nhân về thay quần áo cho nó, dung mạo cũng phải thay đổi dần cho hợp tuổi tác, thậm chí còn phải cưới vợ cho anh cả búp bê, tức là rước thêm một em búp bê con nít thuộc nữ giới vào nhà, đặt cùng một chỗ, ghép thành một cặp. Tại vì con cái trong nhà có hai đứa, nếu như anh cả còn chưa cưới, em thứ lại thành thân trước thì không hợp với quy củ cho lắm.
Như thời buổi ngày nay không mấy ai tin, nhưng đặt vào xã hội ngày đó thì lại có rất nhiều, mặt khác, cũng vì năm này nối tháng nọ, anh cả búp bê do thường xuyên tiếp xúc với khói lửa nhân gian nên khó tránh khỏi làm dấy lên một số chuyện lâm ly kỳ quái. Lớp người già khi đó vẫn thích kể về những chuyện đại loại như con búp bê anh cả mà tôi nuôi ở nhà đấy, nửa đêm nó bật sống dậy ăn vụng cơm …
Quách sư phụ cũng có một vị đại ca búp bê như thế, cha mẹ ở nhà mất sớm, từ nhỏ đã xem người anh búp bê này như anh ruột, mỗi lần về nhà đều chào anh em mới về, khi ăn cơm cũng không quên đặt cho anh hai một đôi đũa, ban ngày gặp chuyện gì không thoải mái hoặc khó xử, không phân biệt chuyện tốt hay là xấu, cứ về nhà lại tỉ tê cùng với anh mình. Hôm nay cũng như thường lệ, cơm nước với anh trai búp bê xong thì sắc trời đã tối mịt, trời đêm oi bức không mưa, hắn dọn bát đũa xong thì quay người nhìn lại, đột nhiên phát hiện ông anh búp bê ở trên bàn đã biến mất.