Xem bài viết đơn
  #3  
Old 04-04-2008, 10:16 AM
ngoctulaa's Avatar
ngoctulaa ngoctulaa is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Mar 2008
Đến từ: Nơi có Tình Yêu em dành cho anh
Bài gởi: 617
Thời gian online: 56
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 27 Times in 16 Posts
CHƯƠNG THỨ BA

ĐỐI TƯỢNG CỦA KHÍ CÔNG

Mục-lục

1. Phụ trợ trong võ học.
2. Dùng khí-công trị bệnh.
2.1. Giúp thân thể kiện khang.
2.2. Dùng trị bệnh.
3. Dùng khí-công phù chính.
4. Kết luận.

ĐỐI TƯỢNG KHOA KHÍ CÔNG

Qua định nghĩa trên, thì đối tượng của khoa khí-công rất rộng. Nó bao gồm cả võ học y học, lẫn tôn giáo và đạo lý. Nhưng trong mỗi lĩnh vực, nó chỉ làm một số nhiệm vụ mà thôi, chứ không bao trùm toàn bộ các lĩnh vực đó.

Khí-công có hai loại là tĩnh-công và động-công. Chương sau sẽ trình bày chi tiết về hai loại này. Dưới đây là những đối tượng của khoa khí-công.

1. Phụ trợ trong võ học

Nguyên thủy của khí-công là để luyện tập cho cơ thể khang kiện. Sau được dùng trợ giúp điều hoà hơi thở khi tập võ cho khỏi mệt, rồi tiến tới điều hoà hơi thở trong khi xử dụng võ. Từ khi có sự du nhập của Thiền-công, việc phụ trợ cho võ-học tiến thêm một bước nữa: Dẫn khí tập trung tại điểm này để chịu đòn, vào chỗ kia để điều giải những chỗ bị đánh đau, dẫn khí tích tụ lại chỗ đau đi nơi khác để chống đau.

Sau khi có sự tổng hợp y-học vào khí-công, thì khí-công trở thành khoa học để kiểm chứng lại những chỗ sai lạc trong võ học. Hơn nữa biết vận khí tùy theo kinh mạch để điều hoà hơi thở.

Tỷ dụ như khi xử dùng quyền cước. Nếu đánh hư chiêu thì không cần vận khí ra, khi thực chiêu mới cần vận khí cho có sức mạnh. Khi tập võ, thì tạp khí sinh ra , khí-công dùng để tập trung điều giải tạp khí ra ngoài.

Vậy khí-công dùng trong võ-học là:

- Giữ cho tinh thần thăng bằng, không rối loạn, không sợ hãi.
- Điều hoà hơi thở cho cơ thể thăng bằng.
- Tập trung chân khí, phát lực, chuyển chân khí để tấn công cho có thần lực.
- Dùng chân khí để chống đỡ đòn khi bị đánh, cho khỏi đau.
- Dùng để dẫn những chỗ đau, cho khí khỏi tụ lại, “Thông tắc bất thống” nghĩa là thông thì không đau.
- Chuyển, dẫn giải trừ những tạp khí do tập võ sinh ra.
- Luyện cho nội-công mạnh hơn lên.

Khí-công là khoa tối cần thiết cho võ-học. Không có khí-công thì võ-học cũmg giống như một chiếc phi cơ bị tháo hết máy móc, nó trở thành một đống sắt rất tầm thường. Khí-công giúp cho võ-học tiến triển, bởi không có Khí-công thì võ-học chỉ xử dụng được một số đòn đẳng tầm thường, không có những chiêu thức mãnh liệt, thần tốc và nhất là làm cho cơ thể nhẹ nhàng lâu mệt.

Đối với cổ-nhân, khí-công có một tầm mức tối quan trọng trong võ-học. Võ-học là một thứ vũ-khí quốc-phòng. Cho nên người ta bắt đầu dậy võ, kí-công cho trẻ nhỏ từ lúc 6 tuổi, “văn ôn vũ luyện” đến khoảng 20 tuổi thì “tiểu thành”, sau 30 tuổi thì “khả thành” sau đến 40 tuổi thì “đại thành”. Ngày nay võ-học không quá cần thiết tới trình độ đó, nên ít người ai để cả cuộc đời luyện võ như vậy. Những thức để phụ trợ võ-học tuy thư tịch còn đầy đủ, mà không được dùng tới. Võ-học ngày nay chỉ là môn thể thao, tuy đôi khi cũng có người coi đó là một thứ chuyên nghiệp, nhưng không cần tới trình độ quá cao như ngày xưa.

2. Dùng khí công trị bệnh

Vấn đề thực dụng trước mắt là khí-công phục vụ sức khoẻ con người.

Trong các lãnh vực thực dụng của khí-công thì vấn đề dùng trị bệnh được mỗi thời coi như là cần thiết. Đối với y-học hiện tại, thì khoa khí-công trở thành một nghành trị bệnh quan trọng. Bởi phạm vi trị bệnh của khí-công gần như phụ trợ hẳn cho y-học Tây-phương: Những gì y-học Tây-phương không trị được, thì khoa khí-công trở thành một loại đắc dụng. Như trị bệnh thần kinh, áp huyết cao, có thể suy nhược, tiêu hoá bất lương, tý chứng (phong thấp), và tối quan trọng trong khoa trị liệu thần kinh.

Dùng khí-công trị bệnh, có hai phần được phân ra rõ rệt:

– Một là bệnh nhân tập để tự trị bệnh, trị “vị bệnh” và trị “dĩ bệnh”. Phần trị vị bệnh tức tập cho cơ thể khỏe mạnh, phòng bệnh. Điều này y học nước nào cũng nói tới ích lợi của nó. Trị dĩ bệnh là trị bệnh đã xẩy ra rồi, điều này thì y học Tây-phương tỏ vẻ nghi ngờ.

– Hai là dùng khí-công tối cao, truyền sang trị bệnh cho người khác. Khoa này còn quá mới lạ đối với Tây-phương. Hiện trên thế giới, đôi khi có những người không hề tập khí-công, mà tự nhiên có chân khí vào tràn đầy, chỉ cần mó vào người khác là truyền khí sang chữa bệnh cho bệnh nhân. Những người này hoặc do thể tố chân khí mạnh hoặc do có cơ duyên ăn những thức ăn kỳ lạ hoặc ở trong vùng khí hậu đặc biệt cấu thành. Họ trở thành những thầy lang đặc biệt. Do những cơ duyên mà họ không giải thích được, nên bị xếp vào loại huyền hoặc, huyền bí, gần như hoang đường. Nhưng khoa khí-công thì có biện chứng luyện tập rõ rệt, dùng hình nào, khí nào chữa bệnh nào.

Đối với những châm cứu gia, dù chưa luyện khí công, dù cơ thể không có chân khí mạnh, nhưng sau một thời gian hành nghề, chân khí lưu thông trong kinh mạch nhiều lần, khiến kinh mạch đã thông, tự nhiên có chân khí; mỗi khi trị bệnh, chân khí từ cơ thể qua kim, truyền vào cơ thể bệnh nhân. Chính vì vậy, những châm cứu gia luyện khí-công, chân khí mạnh, khi trị bệnh, mau có kết quả hơn.

Dùng khí-công cao truyền trị bệnh cho người khác, có thể trị “dĩ bệnh” mà thôi . Vậy bệnh nhân tự luyện tập thì trị được dĩ bệnh và vị bệnh . Còn khí-công gia dùng khí-công trị dĩ bệnh.

Lịch-đại y-học Á-châu rất chú trọng phương tiện bảo kiện dự phòng bệnh tức trị vị bệnh. Khí-công được dùng để trị cả vị bệnh lẫn dĩ bệnh. Những y thư tối cổ đã từng đề cập tới. Danh y đời nào cũng có người nghiên cứu về khoa khí-công trị bệnh. Đầu tiên trong bộ Hoàng-Đế Nội-kinh Tố-Vấn các chương:

- Thượng cổ thông thiên luận.
- Tứ khí điều thân đại luận.
- Sinh khí thông thiên luận.
- Kim quĩ trấn ngôn luận.

Qua các chương trên, đủ thấy sự chú trọng vào vấn đề dùng khí-công trị bệnh của cổ nhân đến như thế nào.

”...Tâm an mà không sợ hãi.
Hình tươi thì không mệt mỏi.
Khí theo đó mà thuận,
Tất cả đều đạt đến như ý muốn”.

Bốn câu trên kết luận rằng Khí-công có tác dụng tốt, làm cho lực của não kiện toàn, gân cốt kiên-cường. Đồng thời cổ nhân lại chú trọng vào luyện công phối hợp với thiên nhiên, thích ứng với hoàn cảnh trong vấn đề ẩm-thực. Đó là nói về tối cổ y gia chú trọng vào Khí-công trị bệnh vậy.

Bên Trung-quốc, Đại-hàn, Nhật-bản thì các Đạo-gia, Phật-gia, và Y-gia đồng thời chú ý vào khí-công trị bệnh. Mỗi nhà đều có những sở trường sở đoản riêng biệt. Nhưng tại Việt-Nam thì khác hẳn: Dù Đạo-gia, Y-gia, Phật-gia hay võ-học-gia đều qui vào những sự tổng hợp giống nhau, thái dụng lẫn của nhau. Trong thời gian 1945-1990 khoa Khí-công dường như tê liệt.. Khi tôi viết những giòng này (1993) dường như đã có sự phục sinh. Nhưng biết bao giờ mới được như xưa?

Vậy bản chất trị bệnh của khí-công là gì?
2.1. Giúp thân thể kiện khang

Giúp thân thể kiện khang, tinh thần minh mẫn, để trị vị bệnh, tức là luyện tập cho thân thể thăng bằng sức khoẻ điều hoà đó là ở trình độ thấp. Còn luyện đến sức lực vượt hẳn thông thường, thì không bệnh tật nào làm hại cơ thể được. Khí-công luyện cao thì vệ khí càng mạnh, lục dâm không tác dụng vào thân. Mà công năng khí huyết tạng phủ mạnh, không có bất thường sinh bệnh.

2.2. Dùng trị bệnh

Tức trị dĩ bệnh. Bệnh có thực có hư! Thực bệnh thì tập để đưa ngoại tà (vi trùng, ý nghĩ đen tối, lo sợ vô lý) ra ngoài và bồi dưỡng chính khí bị tà khí làm hại. Hư bệnh thì phải dùng biện chứng để biết rõ tạng phủ cơ phận nào hư, để tập những loại khí-công nào bồi dưỡng chỗ hư đó.

Đây là đại cương, nhưng trên thực tế, hiện nay khí-công dùng trong lãnh vực y khoa như thế nào? Nếu tổng hợp y học Âu-Á mà trị, thì khoa khí-công ít được xử dụng đến. Bởi những thiếu sót của Âu được Á phù trợ, thiếu sót của Á được Âu phù trợ. Nhưng vấn đề trị vị bệnh thì dù y-học Á hay Âu cũng phải cần dùng đến cả.

3. Dùng khí công phù chính

Đây là một vấn đề có tính cách tôn giáo nhiều hơn. Mỗi gia mỗi phái quan niệm về ma-nghiệp khác nhau, chính đạo khác nhau. Nhưng tựu chung, luyện khí-công để cho:

– Tinh, thần, khí vững mạnh.
– Cơ thể khang kiện, giữ được bản ngã,
– Khắc kỷ mạnh để giữ được những luật lệ qui tắc từng phái từng gia.
– Tức là luyện khí-công để đi đến tinh, thần, khí được sung thịnh.
– Tinh ở đây phải hiểu là cơ thể khang kiện, hoặc tinh-khí.
– Thần tức để chỉ sinh hoạt của linh hồn và khí thì là chân khí vậy.

Nguyên lý căn bản khí-công làm sao cho ba lực lượng tinh, thần, khí thăng bằng. Khi tinh, thần, khí thăng bằng tinh tiến, thì có thể giữ được chính khí, đuổi tà kiến. Như phương pháp của phái Thiếu-lâm, Tiêu-sơn lấy “bỏ vọng tâm” làm căn bản, mà bỏ vọng tâm thì lại đặt cơ sở ở Thiền-công. Thiền-công chủ yếu là kinh Kim-cương, lấy tĩnh công tọa thiền làm khởi đầu để đi đến “nhân ngã tương thông, tứ đại giai không” và đi vào kiến tính để “đắc pháp” tức là đắc đạo vào Vô-thượng Bồ-Đề. Chính pháp của Thiếu-lâm, Tiêu-sơn là dứt bỏ thất tình: Hỷ (vui), nộ (giận), ưu (lo), tư (suy nghĩ), bi (buồn sầu), khủng (sợ hãi), kinh (Hoảng hốt). Khi buồn sầu nhiều quá, không dứt được thì đi vào ma-nghiệp, muốn dứt ma-nghiệp phải nhờ khí-công. Sau thất tình đến tham, sân, si, ba ma-nghiệp đó cũng làm hại chính pháp. Ngoài ra còn nhiều giới khác cần kiêng cữ nữa.

4. Kết luận

Phạm vi và đối tượng của khí-công đại lược có ba. Đó là phụ trợ cho võ-học ngoại-công, được xưa dùng rất nhiều, hiện nay ít dùng. Thứ đến là dùng dể trị bệnh thì đời nào cũng cần thiết cả. Còn kKhí-công dùng để đi vào chính pháp đắc đạo, thì mỗi tôn giáo, mỗi địa phương có một quan niệm khác nhau, nhưng mục đích tối thượng vẫn là làm cho tinh, thần, khí tăng tiến, cơ thể khoẻ mạnh thông sướng, thì dứt bỏ được mọi phiền tạp thất tình, hầu khắc kỷ, giữ bản ngã khỏi đi vào ma-nghiệp.

Khí-công dùng để áp dụng vào ba vấn đề trên các gia các phái đều có những phương pháp đặc biệt, nếu biên tập vào thì không biết bao giờ mới hết. Bởi vậy trong sách này chúng tôi chỉ trình bày những phần lý thuyết tổng cương. Còn phần thực hành thì thu lại một vài điển hình mà thôi.

Như về động-công, tại Việt-Nam không mấy người mà không biết đến Thập-thức bảo kiện pháp, Yên-tử ngọa công bát pháp, Đông-hải thập nhị thủ. Bên Trung-Quốc (1948-1985), trên khắp giải lục địa võ thuật bị nghi ngờ, không được khuyến khích, gần như bị diệt hẳn, nhưng vấn đề tập khí-công đã được đưa vào đại học y khoa, nhất là tập Thái-cực-quyền để bảo kiện và trị bệnh được các y gia coi rất trọng và phổ biến.

Người ta thường quan niệm rằng khí-công xuất từ Phật-gia, Đạo-gia nên các tôn giáo khác thường kỳ thị, đó chẳng qua là không hiểu thực sự bản chất mà thôi. Qua những năm dạy học chúng tôi thấy áp dụng vào Hồi-giáo, Thiên-chúa-giáo còn dễ dàng hơn cả đối với Đạo-giáo, Phật-giáo. Tu-sĩ Thiên-chúa-giáo thường phải ngồi tập trung tinh thần, suy ngẫm về Chúa Cứu-thế, nếu tu sĩ biết khí-công, trấn nhiếp tâm thần thu liễm mọi phiền tạp bỏ ra ngoài, ý thủ vào Chúa, thì thực còn gì tốt đẹp hơn? Như một tu sĩ khoẻ mạnh bị tình dục đòi hỏi, thì dùng “Tiêu-sơn hoá tinh pháp” để đốt tinh khí, dùng ngũ-khí triều nguyên để xóa bỏ sự cám dỗ của ngoại cảnh thực vừa dễ vừa tốt đẹp.

Bởi vậy kết lại khí-công là khoa học vừa có tính chất y-khoa vừa có tính chất của thể thao lại có tính chất luyện tập trấn nhiếp tâm thần rất tốt.
Tài sản của ngoctulaa

Chữ ký của ngoctulaa
[SIZE="6"][COLOR="Blue"] nhớ nhà[/COLOR][/SIZE]
Trả Lời Với Trích Dẫn