Xem bài viết đơn
  #3  
Old 03-12-2013, 10:30 PM
Gấu Vương's Avatar
Gấu Vương Gấu Vương is offline
Sống không giận, không hờn, không oán trách
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
 
Tham gia: Oct 2008
Đến từ: Hoa Phượng Đỏ City
Bài gởi: 5,928
Thời gian online: 3344910
Xu: 0
Thanks: 488
Thanked 62,775 Times in 5,368 Posts
Phong vị Cổ Long trong Nhất Đại Tông Sư

Vốn là fan cuồng của Vương Gia Vệ, bất luận khen chê thế nào chắc chắn cũng có chỗ thiên vị, vì vậy tôi không review Nhất đại tông sư, nhưng trong đầu ăm ắp ý tưởng, cuối cùng không sao dẹp yên được, đành viết theo hướng này, chủ quan mà cảm tính, không liên quan nhiều đến Vương Gia Vệ, đa phần liên quan đến Cổ Long.

Vương Gia Vệ luôn sở trường võ hí văn xướng, nếu muốn xem Diệp Vấn đánh gục cùng lúc mười tên Nhật Bản, thì nên xem Ip Man Chân Tử Đan. Giống như muốn thưởng thức võ công từng chiêu từng thức, thì nên đọc Kim Dung chứ không phải Cổ Long.

Tín ngưỡng của Vương Gia Vệ dành cho Cổ Long, từ lâu rồi, đã không còn là điều bí mật. Đông Tà Tây Độc chính là một tác phẩm nguyên chất Cổ Long. Còn với Nhất đại tông sư, chỉ thoáng nhìn tôi cũng nhận ra bóng dáng của Lục Tiểu Phụng truyền kỳ (canh rắn, cuộc chiến trong nhà giữa Lục Tiểu Phụng và Kim Cửu Linh), Trường Sinh kiếm (bốn hạng người đại kỵ trên đường hành tẩu giang hồ: đạo sĩ, hòa thượng, nữ nhân, trẻ nhỏ), Đa tình kiếm khách vô tình kiếm (Đinh Liên Sơn châm thuốc cho Diệp Vấn, gợi nhớ trận chiến Trường Đình giữa Thiên Cơ lão nhân và Thượng Quan Kim Hồng). Lời thoại, tư tưởng kế thừa càng là vô số…

1. Tiêu hồn xứ Anh hùng địa

“Chân ý của đao không phải ở sát, mà là ở tàng.”

Tiểu ẩn vu lâm đại ẩn vu thị, nếu từng đọc Cổ Long hẳn sẽ thấm thía điều này. Bất luận lầu vàng hay phố thị, dưới ngòi bút Cổ Long đều là nơi ngọa hổ tàng long. Đinh Liên Sơn ẩn mình trong Kim lâu, lại là một cao thủ kinh người. “Ngoài mặt mời người một điếu thuốc, mà trong lòng có khi đã trừ bỏ một người.” Chỉ với sự ẩn nhẫn đó, họ Đinh đã tỏ ra mình không phải hạng tầm thường.

“Canh rắn không phải thức ăn mùa đông ư?” “Đó là thức ăn của mấy chục năm rồi.” Vào khoảnh khắc viết ra những câu thoại này, Vương Gia Vệ đã nghiễm nhiên thừa hưởng được phong cốt Cổ Long. “Hỏa hầu bất đáo, chúng khẩu nan điều, hỏa hầu quá liễu, sự tình tựu tiêu.” Hỏa quang ánh hồng cả nhà bếp. Món ăn này, Vương tiên sinh đã phải nấu trong tám năm. Không biết hỏa hầu này là non, là già, hay là vừa vặn, không biết giang hồ mộng của Vương tiên sinh là túy, là tỉnh, hay là ái tình.

Nhưng tôi ngẫm lại, mới hiểu ra rằng nhan đề của phim đã khiến mình lạc hướng. Vương tiên sinh vẫn là Vương tiên sinh, vẫn là một người quật cường đem huyết và hồn Cổ Long lồng vào từng giấc mộng võ hiệp của mình. Con người ấy bao nhiêu năm trước, đối với nhân gian, có lẽ là một lãng tử lưu lạc giữa cõi tiêu hồn, nhưng trong trái tim chúng ta lại là một anh hùng dệt nên thế giới kiếm ảnh đao quang ân thù khoái ý.

Giấc mộng lần này, không giai tửu, không ân oán, có chăng chỉ là một đoạn duyên phận. Ở cõi tiêu hồn lầu son gác tía, giữa chốn anh hùng cọp núp rồng nằm, duyên phận len lén tìm đến, sóng sánh nửa chừng, nhưng đủ để ta hoài niệm một thời đọc sách của người anh hùng ấy.

2. Nhất điều yêu đái nhất khẩu khí

“Dù có túng đói thật, tôi vẫn còn bạn bè, mỗi người mời tôi ăn một bữa thôi, cũng đủ để tôi cầm cự sáu tháng một năm.”

Văn chương Cổ Long chưa bao giờ vắng bóng tình bằng hữu, tình bằng hữu vĩ đại nhất không cần đến nhiều lời, cũng không cần trưa sớm bên nhau. Lục Tiểu Phụng và Hoa Mãn Lâu là đạm thủy chi giao. Lục Tiểu Phụng và Tây Môn Xuy Tuyết là trầm mặc chi giao… Dưới ngòi bút Cổ Long, bằng hữu với nhau là coi nhẹ sinh tử xem trọng biệt ly “Khi anh đi, có lẽ tôi không tiễn chân, nhưng nếu anh còn đến, dù cho mưa gió bão bùng, tôi cũng sẽ tự thân đi đón.” Bằng hữu với nhau, còn là một câu ân cần bình đạm lần đầu tương kiến giữa Lý Tầm Hoan và A Phi, “Tôi mời anh một chung”. Cũng như cuộc gặp gỡ bèo nước trên tàu hỏa giữa Cung Nhị tiên sinh và Nhất Tuyến Thiên, chỉ là mặc ước, không cần đa ngôn mà bất chấp an nguy, đó là thứ hiệp nghĩa can vân chỉ người giang hồ mới có, là thứ thiết đảm nhu tình chỉ người giang hồ mới hiểu.

3. Niệm niệm bất vong, tất hữu hồi ứng

Tam thiếu gia đích kiếm là tiểu thuyết đầu tay của Cổ Long, kể chuyện thân bất do kỷ của người giang hồ. Giang hồ tức là thế giới ngoài kia, thân tức là chính mình, Cổ Long lấy bút làm kiếm, mượn thân phận tam thiếu gia của nhà họ Tạ để kể lại số mệnh và nỗi buồn riêng. “Vì sao các cô ấy, không thấy mặt một người nào?” Cổ Long lúc lâm chung, trên giường bệnh vẫn nhung nhớ chẳng quên, nhung nhớ chẳng quên, mà không ai hồi đáp. “Tôi dựa vào một ngọn bút, có được tất thảy. Đến thứ không nên có, là tịch mịch, tôi cũng có.” Đạo khả đạo, phi thường đạo, tầm đạo phụng đạo tất phải hi sinh, nhưng có một số người, có lẽ là do gánh nặng thân bất do kỷ, có lẽ là do tín điều thiên chấp quật cường, lại khiến họ nảy sinh dũng khí đối mặt với tịch mịch, nỗi tịch mịch cao xứ bất thắng hàn, nỗi tịch mịch của kẻ thuận đạo, đấy là tịch mịch của Tạ Hiểu Phong, là tịch mịch của Tây Môn Xuy Tuyết, là tịch mịch của Cổ Long, là tịch mịch của Cung Nhị tiên sinh, cũng là tịch mịch của mỗi con người ở giang hồ. Không biết chính nỗi thiên cổ tịch mịch bồi đắp hết núi này đến núi khác, hay hết núi này đến núi khác lại đóng băng thành nỗi tịch mịch thiên sầu.

4. Thế gian sở hữu đích tương ngộ, giai thị cửu biệt trùng phùng

“Hát mãi Dương môn nữ tướng đã ngán rồi, thì đổi sang Du viên kinh mộng xem sao.” Nếu gặp được đúng người đúng thời điểm, thì đó là vận khí. Nếu quen biết nửa đời nhưng vẫn chẳng thể hiểu nhau, đành chỉ coi là hữu duyên vô phận. Có lẽ thật sự đã chán võ rồi, nhưng nếu người tưởng ta chuyển sang hát văn, thì cho dù ta có biếu vé, liệu người có nghe hiểu được vở Du viên kinh mộng chưa hề thay đổi này của ta không. Người mà lòng ta nhung nhớ chẳng quên, có lẽ chính là Dương môn nữ tướng chi diệp lý tàng hoa nhất độ này. Thiên hồi bách chuyển, nhất bi nhất hỉ, quả thực là kịch như nhân sinh, nhân sinh như kịch. Tưởng đâu người không rời đường hổ không rời núi, bèn muốn quay về cố thổ, kỷ vật cúc áo này, ta dùng để thương tưởng người, mà người không biết, lần này cửu biệt, quả thực không còn trùng phùng.

“Công phu hai chữ, một dọc một ngang.” Nhưng một dọc một ngang, cuối cùng lại không viết nổi một chữ “tâm”, cũng không viết đủ một chữ “ái”.

5. Lang tâm tự hữu nhất song túc, cách giang cách hải hội quy lai

“Quyền không thể chỉ có nhãn tiền lộ, mà còn có thân hậu thân, làm người cũng như vậy.” Sớm chiều của người giang hồ dài như vậy, sinh tử lại ngắn ngủi như vậy, có khi ly biệt một lần là mãi mãi. Diệp Vấn là người giang hồ, người trong giang hồ chính là có chỗ bất lực, chiến loạn, ân cừu, cuộc sống, cho dù chân tâm, thì quay đầu cũng không còn bờ. Con người lệ giàn giụa dưới mưa trong ký ức ấy, con người luôn thắp một ngọn đèn chờ ta trở về ấy, con người luôn trầm mặc chỉ vì sợ nhiều lời sẽ làm tổn thương người khác ấy, con người ý nhị êm đềm như ngọc ấy, chỉ có thể trân trọng trong ký ức. Không có quay về, nơi nào là gia hương. Có phải từ nay bất kể đi đâu, cũng đều là lưu lạc.

Alex chú: Trong phim có hai lần nhắc đến “nhãn tiền lộ” và “thân hậu thân”. Lần đầu là khi Diệp Vấn và Cung Nhị tỉ võ xong, Diệp Vấn tiễn Cung Nhị về, Cung Nhị cười nhẹ mà rằng, “Diệp tiên sinh, không thể chỉ có nhãn tiền lộ, mà còn cần thân hậu thân.” Lần thứ hai là tiếng ngoài hình, là khi Trương Vĩnh Thành chết ở lục địa, Diệp Vấn nói mình từ nay chỉ có “nhãn tiền lộ”, không có “thân hậu thân”. Thế nào là “nhãn tiền lộ” và “thân hậu thân”?

Vương Gia Vệ giải thích rằng, lời Cung Nhị nói Vịnh Xuân quyền của Diệp Vấn chỉ có “nhãn tiền lộ”, là chỉ căn bản của quyền này là đường thẳng, yếu lĩnh là mặt đối mặt, tuân theo nguyên lý rằng khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm được tạo nên bằng đường thẳng. Nhưng Bát Quái chưởng của Cung Nhị thì cho rằng quảng cách ngắn nhất giữa hai điểm không nhất định là khoảng cách nhanh nhất. Bát Quái chưởng có thể đánh vòng, vòng đến sau lưng đối thủ rồi xuất kích. Hai môn này tượng trưng cho hai thái độ sống, có những người mắt vĩnh viễn đều nhìn ra trước, mà Cung Nhị thì vĩnh viễn nhìn đằng sau, cuối cùng cô đành lòng lưu lại, vì cuộc sống của cô luôn là quay về.

Vì sao Diệp Vấn nói “tiên sinh còn thiếu một lần chuyển thân”, bởi vì Cung Nhị không hề nhìn ra phía trước. Vì sao Diệp Vấn nói mình không có “thân hậu thân”, vì Trương Vĩnh Thành đã qua đời, ông không còn lý do gì trở về nữa.

6. Thời thế sử nhiên

“Phóng mắt nhìn ra, đây chẳng là võ lâm đấy ư?” Võ quán dựng khắp phố phường, có đăng hỏa huy hoàng, phong quang vô hạn, nhưng trước sau vẫn tịch mịch. Bóng lưng hai người trầm mặc, một tiếng chó sủa trơ trọi trên đường, càng làm tăng thêm nỗi thê lương khó tả. Phóng mắt nhìn võ lâm, chẳng phải cũng như vậy sao, dù ai từng thanh xuân nhiệt huyết, dù ai từng thiếu niên khinh cuồng, cuối cùng vẫn không cưỡng được năm tháng. Mới hiểu ra rằng chiêu thức mạnh nhất trên thế gian này, lại là dòng chảy lặng lẽ của thời gian. Võ lâm điêu tàn, giang hồ lãnh mạc, là chúng ta đến muộn rồi, đừng nói lục thập tứ thủ, mà nhất thủ cũng nhìn không được nữa.

7. Chân chính tông sư

Cung Nhị là tông sư, Nhất Tuyến Thiên là tông sư, Cung Bảo Sâm là tông sư, Đinh Liên Sơn cũng là tông sư. Nhưng tông sư thì sao đây, Cung Nhị tín thủ thệ ngôn, không xuất giá, không lưu danh, không truyền nghệ, “Cái gọi là thời đại lớn, chẳng qua chỉ là một lựa chọn, tôi lựa chọn lưu lại những năm tháng thuộc về tôi.” Lục thập tứ thủ bách chiến bách thắng từ nay thất truyền, Cung Nhị tiên sinh cuối cùng đã lựa chọn chịu thua sự quật cường của mình. Bát Cực quyền cương kình của Nhất Tuyến Thiên, cuối cùng đại ẩn trong màn tung hoành của chiếc kéo cắt tóc tiệm Bạch Mai Khôi. Đinh Liên Sơn “làm quỷ” hơn hai mươi năm, nhuệ khí giao thủ với hậu bối cũng bị mài mòn đến cạn kiệt.

“Người luyện võ có ba giai đoạn, nhìn mình, nhìn đất trời, nhìn chúng sinh.” Nhìn chúng sinh như thế nào, chỉ có trái tim phổ độ mới có thể nhìn chúng sinh. Khi các tiền bối còn phân nam bắc hơn thua, Diệp Vấn trong lòng đã xây dựng một thế giới hoàn chỉnh, “Đối với tôi mà nói, võ thuật là đại đồng.” Nhìn chiếc lá rụng biết thu sang, nếu thiên hạ đại đồng, một chiếc bánh tự khắc là cả thế giới. Nếu trong tim có thiền ý, thì làm sao không nhìn được chúng sinh. Diệp Vấn, người trông như thể lấy tư cách một kẻ bàng quan kể lại câu chuyện võ lâm, thì ra lại là tông sư chân chính, hệt như chư thần cúi nhìn chúng sinh qua điểm điểm Phật quang, lắng nghe thế giới, tham ngộ thế giới, dựa vào một hơi thở, thắp một ngọn đèn, có đèn là có người.

“Năm 1972, Diệp Vấn ốm chết tại Hương Cảng, một đời truyền đăng vô số, Vịnh Xuân quyền nhờ ông mà hưng thịnh, từ đó lan rộng khắp thế giới.”

Về bộ phim, bản công chiếu này chỉ đáng coi là bản nháp, nếu có may mắn xem nguyên bản dài 4 tiếng, tin rằng đại cảnh trải ra trước mắt chúng ta nhất định là một võ lâm hoàn chỉnh, 130 phút làm sao có thể duyệt tận giang hồ. Thoắt cái nghĩ lại, co ngắn thành một võ lâm ngắt đoạn, chẳng phải cũng chứa đựng một thứ phong tình khác hay sao. Nơi có người tức là có giang hồ, có giang hồ là có câu chuyện, hà tất truy cầu một sự hoàn chỉnh chân tơ kẽ tóc, nhân vật đều đã có mặt, dùng ánh mắt của chính mình đi ngắm giang hồ hoàn chỉnh, đi nhìn chúng sinh, chẳng phải lại tốt hơn sao. Giống như luôn có người lưu luyến trong những câu chuyện nói chưa hết lời của Cổ Long, Lục Tiểu Phụng rốt cuộc đã yêu cầu hoàng đế điều gì, A Phi rốt cuộc có phải hậu nhân của Thẩm Lãng và Bạch Phi Phi, Phong Tứ Nương hạ lạc nơi nào… Nhưng khi một chiếc bánh trong mắt bạn đã là cả thế giới, thì những câu hỏi này còn cần trả lời hay là không?


Alex
Tài sản của Gấu Vương
BUIBI Phu nhân tóc hồng
Chữ ký của Gấu Vương
Ta lãng khách lỡ mang hồn du mục
Dấu thời gian theo nhịp bước lang thang
Ta phiêu du trong thiên đường địa ngục
Hồn vô định không dừng chân ghé bến
Trả Lời Với Trích Dẫn