Đã 6 ngày kể từ cái ngày định mệnh ấy. Cái ngày định mệnh chỉ một màu đỏ tươi và thống khổ. Cái ngày mà tôi vẫn bị ám ảnh suốt 3 ngày rồi. Và có lẽ suốt cả phần đời còn lại tôi không thể nào quên.
Nằm trên giường bệnh với phần đầu quấn vải cầm máu, chân trái kẹp nạng vì bị gãy, tôi thổn thức và sầu khổ không nguôi. Nhiều lúc tôi tự hỏi mình sẽ sống quãng đời còn lại như thế nào? Vì sao có câu hỏi ngớ ngẩn ấy? Bởi vì tôi bắt đầu sợ hãi.
Tôi sợ cảnh máu tanh, tôi sợ tiếng la hét đầy đau đớn của đồng đội, tôi sợ mất đi những người chiến hữu đồng hành bấy lâu, và trên hết, nội tâm tôi bắt đầu dao động, tôi trở nên sợ... chết. Mọi người chắc chắn sẽ cười nhạo tôi nếu biết tôi có ý nghĩ này, chắc chắn. Song tôi không thể xóa đi sự sợ hãi đang xâm trí tâm trí mình.
Tôi sợ chết... Tôi sợ chết...
Tôi sợ mình không còn khả năng trở về quê hương thăm người mẹ già. Tôi sợ mình không thể nhìn thấy bầu trời trong xanh. Tôi sợ mình không còn nghe thấy những tiếng chim gáy mỗi buổi trưa hè. Nhưng đó chưa phải tất cả. Tôi thật sự sợ bản thân mình sẽ giống như những đồng đội đã hi sinh: chết không nhắm mắt, chưa nói được lời cuối cùng, thân thể mỗi nơi mỗi ngả...
Tôi sợ... Tôi rất sợ...
Nhưng tôi phải làm gì bây giờ? Chắc chắn khi tôi khỏe lại, tôi sẽ được điều đi tiền tuyến, nơi ngọn lửa chiến tranh bao phủ, nơi bom đạn oanh tạc ngày đêm,... nơi mà tôi vô cùng sợ hãi khi nghĩ đến.
Tâm tư tôi trở thành một mảnh lạnh giá, trái tim tôi chỉ một màu hèn nhát. Biết là vậy, cũng hiểu rằng đối với chiến sĩ thì chết trên sa trường là vinh quang, đối với một người con của đất nước thì chết vì đất nước là niềm tự hào, đối với người mẹ già đang trông ngóng tôi ngày đêm thì thực hiện lời hứa là nghĩa vụ thiêng liêng. Nhưng có nói thế nào thì vào giờ khắc này, nội tâm tôi đang là chiến trường khốc liệt nhất, hai ý chí trái ngược giữa làm người và mạng sống đang không ngừng chém giết. Và không biết nên vui hay nên buồn, không biết có phải tạo hóa trêu ngươi hay không mà phần mạng sống đang chiếm ưu thế tuyệt đối.
Tôi cứ như vậy. Nội tâm bất ổn khiến tôi dễ nóng nảy và cáu gắt. Chiến trường nội tâm càng khiến tôi trở nên khó chịu. Tôi như là một cái bờ ruộng bao quanh hai con nước đang ầm ầm dậy sóng, không biết lúc nào tôi không còn chịu được nữa thì có lẽ tôi sẽ điên mất.
Chìm trong chiến trường nhưng tôi cũng đang nghĩ cách thoát ra.
May thay mất một buổi sáng, cuối cùng tôi quyết định giải tỏa nội tâm bằng cách viết ra những gì mình nghĩ. Và tôi bắt đầu viết nhật ký.
Nhật ký đến với tôi chỉ là nơi tôi trút bầu tâm sự, những điều mà tôi không thể nào có thể nói ra ngoài. Do đó tôi định mỗi khi có tâm sự nặng nề, tôi lại viết nhật ký. Nói như mẹ tôi: “Nói ra cho nhẹ lòng con ạ”. Phải, viết ra cho nhẹ lòng tôi ạ.
Tuy nhiên tôi cũng biết đối với bản thân thì cảm xúc là cái gì đó khó kìm giữ, vậy nên có thể đôi lúc tôi viết những điều không nên viết mà tạo nên tai họa thì sao? Ngẫm lại nếu chỉ có mình tôi bơ vơ trên cõi đời này thì tôi có cái gì phải sợ? Giống như đồng đội, cùng lắm là chết! Vậy nhưng tôi còn mẹ già. Vì lẽ ấy, tôi chú trọng việc kiềm chế bản thân mình bằng cách viết ngắn gọn là hàm súc. Nói chính xác là viết cộc lốc và không đi quá sâu vào những chủ đề “tế nhị”.
Và hôm nay, tôi bắt đầu viết dòng nhật ký đầu tiên với những con chữ gà bới, chó chạy luôn bị chê cười của mình:
“Ngày 4 tháng 2 năm 1954, ngày đầu tiên tôi bắt đầu viết nhật ký. Tôi rất muốn viết những điều tươi đẹp ca ngợi cuộc sống, tôi càng muốn viết những câu chữ đầy trí tuệ ca ngợi Đảng vinh quang. Nhưng đứng trước nội tâm đầy sóng gió của mình, đứng trước cuộc đời trúc trắc, tôi đang suy nghĩ và viết ra cảm nhận đầu tiên lại không mấy hay ho của mình.
Tâm trạng tôi vẫn chưa ổn định. Chính là thế. Tất cả cũng bởi vì cái cuộc đời khốn nạn này. Tất cả cũng bởi vì cái chiến tranh ngu ngốc này.
Chiến tranh là gì? Chiến tranh đến như thế nào? Tôi không hiểu nhiều, nhưng tôi biết thực dân Pháp xâm chiếm và chà đạp Tổ quốc mình, thực dân Pháp áp bức và gieo tai vạ khắp nơi. Và bởi vậy, chúng tôi không phải là những người mang đến chiến tranh, mà chúng tôi chỉ là những người đòi lại những thứ cao cả thuộc về Tổ quốc.
Tôi được dạy thế, và tôi cũng cảm nhận được thế.
Với một người nông dân đầu lấm tay bùn trước kia, trở thành chiến sĩ chiến đấu bảo vệ Tổ quốc mình là cỡ nào vinh quang? Khi đó với tôi, chỉ cần cầm súng lên chiến trường, cố gắng giết địch càng nhiều là đã mãn nguyện rồi.
Song khi chân chính bước vào thế giới chiến tranh ấy, trải qua thực tế lần đầu tiên, tôi mới nhận ra ý nghĩ khi xưa là cỡ nào buồn cười.
Hãy nhìn, chiến tranh ác liệt hơn những gì tôi tưởng tượng. Cả tiểu đội lính mới chúng tôi còn chưa kịp biết chiến trường là gì, còn chưa kịp lập công cho Tổ quốc thì đã ngã xuống. Không một ai thoát khỏi, ngoài một kẻ may mắn là tôi.
Hãy tiếp tục nhìn, ở đâu đó cho rằng chiến tranh chỉ diễn ra trên những khu vực giao tranh cũng đã sai rồi. Quân địch sẵn sàng xông vào hậu phương mà tập kích như vừa rồi.
Tôi thậm chí rất tức giận vì tin tình báo không đúng dẫn đến cái chết của cả tiểu đội. Tức giận nhưng chẳng làm được gì, cũng chẳng thay đổi được gì. Dẫu sao tôi cũng là một gã binh nhất quèn.
Nhưng nỗi giận giữ cũng tan biến khi nhận tôi ra đây là chiến tranh.
Mà chiến tranh lại là nơi con người ta không biết lúc nào mình chết và có thể còn chẳng biết chết vì lý do gì.
Bởi vậy mà trải qua lần đầu đối mặt với chiến tranh, tôi đâm ra sợ chết.
Là một người lính, nó thật đáng thẹn. Tuy nhiên có gì đó chặn ở cổ họng tôi mà bảo rằng tôi sợ chết không có sai.
Tôi sợ chết... Tôi cũng không có sai... Tất cả cũng bởi vì cái chiến tranh ngu ngốc này! Tôi ghét chiến tranh! Tôi hận chiến tranh!”