“Cạch”.
Nắp hộp nhỏ đóng lại trong lòng bàn tay siết chặt của cậu thanh niên, dường như có điều gì đó vừa thay đổi trong căn hầm này.
Người Hoàng cảm giác kỳ lạ như có một dòng nước nhỏ xíu khẽ chảy liu riu trong lồng ngực. Dòng nước nhỏ ấy đang tiếp sinh lực và niềm tin cho hắn, tuy còn chưa hoàn toàn hết run, chưa thấy được sự tươi sáng ở phía trước, nhưng Hoàng biết rằng mình không thể chết như thế được. Máu anh hùng là một thứ rất ít nam nhi không bị nhiễm, nó cũng đang hòa trong huyết quản của Hoàng. Cuộc đời hắn còn biết bao mong ước và hoài bão, ít nhất cũng không thể chết một cách mập mờ được.
“Mình đã có thể vượt qua, thì còn có thể tiếp tục vượt qua. Làm sao dễ dàng chấp nhận như thế được, mình còn có bạn bè, phải cố lên!”
Cho sợi dây về chỗ cũ, hắn với tay lấy một chai nước trong thùng Aquafina gần đấy, bóc vỏ tu ực ực cho đỡ khát, tiện thể vã nước lạnh lên đầy mặt, rồi vén áo chùi sạch. Trước mắt Hoàng là hình ảnh gia đình, đám bạn vui tính, trong đó có cả cái mặt hay cười, rất hay cố gắng trong mấy chuyện ganh đua của một đứa bạn có tên là Thạch Trung Kiên. Thầm nhủ muốn gặp lại mọi người thì phải giữ được cái mạng đã, hắn thở mạnh rồi đứng bật dậy.
– Ái!
Một tiếng “cốc” rõ to làm Hoàng kêu ré lên vì đau, hắn vội quá mà quên mất rằng cái hầm vốn chỉ cao tới cổ mình. Cũng may đầu hắn thuộc dạng đầu sỏi nên không bị quay đơ ra. Dù sao thì như vậy càng khiến đầu óc tỉnh hơn, một kế hoạch gấp gáp liền được vạch ra trong suy nghĩ của hắn.
“Hiện tại nơi này rất nguy hiểm, muốn sống trước tiên phải đi khỏi đây ngay lập tức. Đúng rồi, mình phải gặp nó. Không còn ai khác giúp được mình, tìm nó là cách duy nhất, vậy mà lại quên khuấy đi.”
Gương mặt đứa bạn thân nhất bỗng hiện lên trong đầu, kẻ mà lẽ ra Hoàng phải nghĩ tới trước tiên, khiến cho hắn càng thêm quyết tâm, nhanh chóng vơ mấy bộ quần áo cho vào một cái ba lô, đem theo một số vật phòng thân khác như con dao, bật lửa, chai nước, kẹo, một ít tiền tiết kiệm trong tủ. Cho rằng thế là đủ, Hoàng thay tạm cái áo và quần dài treo trên mắc, xong xuôi thì khoác ba lô lên vai, đã sẵn sàng.
“Có lẽ tên kia còn chưa biết là mình đã nhận ra hắn. Hoặc là ở chốn đông người, hoặc vì hắn chỉ có một mình nên mới chưa vội ra tay, phải tranh thủ cơ hội này thôi.”
Nghĩ vậy, Hoàng khẽ mở cửa hầm, có tiếng ồn rung rung vọng vào, không thấy ai ở ngoài cả. Hắn rón rén bước ra, ngó quanh, dưới nhà có mỗi cô Lan Anh đang ngồi ghế đọc báo, trên gác thì không có ai. Hắn liền nhảy xuống gác xép, bước chân vẫn nhẹ như sóc, xách thêm cái ba lô quẳng trên giường của thằng Tiên với thằng Trung, rồi nhanh như cắt vòng lên gác hai, nhẹ nhàng mở cửa trước. Tiếng máy móc inh inh của nhà bên ập vào mặt, lúc này mới cảm nhận rõ căn nhà đang rung nhẹ. Hoàng bước ra lan can, ngó tứ phía, xung quanh không có người, dưới sân cũng vậy, hắn liền ném luôn hai túi quần áo xuống cái ngách nhỏ trước nhà, phía ngoài bờ tường.
“Bịch bịch”.
Nghe loáng thoáng tiếng rơi là Hoàng lập tức quay vào trong ngay, không để ý tới cái căn phòng chẳng bao giờ đỡ bừa bộn hơn của ông bà chủ, hắn thận trọng đi xuống dưới. Bước tới gác xép, nhòm qua khung cửa kính thấy mọi thứ không có gì thay đổi, ngoài tiếng ồn ào vọng sang từ hàng xóm thì có vẻ rất tĩnh lặng. Bỗng một cảm giác hồi hộp vượt lên xâm chiếm chút can đảm mới gây dựng không lâu khiến Hoàng phải nín thở, rõ ràng là bảo vệ tính mạng của mình mà như thể đang đi ăn trộm.
“Dũng cảm lên nào!”
Lấy hết vẻ ung dung và tự nhiên có thể nặn ra, hắn cố tạo hình một nụ cười sẵn trên mặt, rồi đứng thẳng dậy và thong thả đi tiếp.
Cô Lan Anh ngồi ở chiếc ghế lớn phía trong của bộ bàn ghế đồ sộ làm bằng gỗ gụ. Bên cạnh là cây quạt đang xối vù vù cho khô tóc, đầu thì khuất sau tờ báo Nhân Dân to tổ chảng, chỉ thấy lấp ló những dải tóc đen nhánh bay lất phất, không rõ nét mặt và thái độ ra sao. Cô này có sở thích đọc báo An Ninh, báo Nhân Dân, báo Thời Trang Trẻ, xem bóng đá, và chăm sóc tóc. Mùi nước hoa nhè nhẹ theo gió lan khắp phòng, nhưng Hoàng không để ý, chỉ thấy lạ là tai cô ấy đôi khi rất thính nhưng lại không quay ra nhìn hắn theo lẽ thường.
“Càng tốt”.
Hoàng nghĩ thế, và bước thật mau ra ngoài.
– Này, đi đâu đấy?
Vừa đặt chân tới cửa thì cái giọng văn vẻ với những điệu nhấn rõ ràng của cô Lan Anh cất lên. Hoàng dừng đứng người, nhưng lại nghĩ bụng hình như cô ấy chỉ buột miệng hỏi vậy thôi, liền cố giữ bình tĩnh nói nhanh:
– Cháu ra ngoài một lúc ạ.
Quả nhiên, cô Lan Anh đang xem tin gì đó mà chăm chú đến mức không động đậy, chỉ đáp gọn lỏn:
– Ừ!
“Phù!”
Hoàng khẽ thở phào trong lòng, các khớp chân nhẹ hẳn, định đi liền. Nghĩ ngợi thế nào, để khỏi bị nghi ngờ hắn lại hỏi thêm, giọng cố gắng tự nhiên mặc dù không được trôi chảy lắm:
– Chú… chú Thích… đâu ạ?
– Chú ấy đi đâu đó có việc rồi. À, bọn chúng nó, thằng Tiên, thằng Phong, thằng Trung hình như chơi ở ngoài ngõ cả đấy. Đi đâu nhớ về sớm, xong thì xem dắt con bé Cà chua về cho cô, sáng mới ăn cái bánh mì chắc nó đói!
– Hơ hơ… vâng, vâng.
Đúng là thế thật, ngoài sân chỉ có một chiếc xe ga lớn màu đỏ, cổng đang mở toang, chiếc xe xanh mà chú Thích vẫn dùng thì tên giả dạng ấy đã lấy đi mất rồi.
“Hắn đi đâu, mà sao lại đi xe máy?… Ờ, cũng có thể để tạo vẻ tự nhiên như thật chăng. Càng hay, hắn nới lỏng thì mình càng có cơ hội trốn… Không chừng là hắn đi gọi quân đồng bọn đến. Chết rồi, mau lên!”
“À, còn cô Lan Anh, có nên nói cho cô ấy biết không nhỉ?… Mà khoan, liệu… liệu cô ta… có phải là người không?… Hic, nếu chẳng may bị lộ thì toi đời. Không được, phải đi ngay!”
– Này, đi đâu nhớ phải về đấy. Chú Thích dặn mấy đứa không được đi lung tung, hôm nay nhất định phải ở nhà, làm một bữa ra trò!
Giọng cô Lan Anh lại vút lên, không hiểu sao đang chúi mũi vào tờ báo mà đột nhiên lại chuyển sang nhiều lời như vậy. Một ý nghĩ run sợ chạy qua đầu, hai chân lẩy bẩy, cảm giác không thể ở đây thêm một giây nào nữa, Hoàng gồng mình lấy hết can đảm dắt xe một mạch ra khỏi cổng, không dám ngoái đầu.
Vừa nhặt hai chiếc ba lô chất vào giỏ xe, chuẩn bị phóng đi thì có tiếng hỏi:
– Hoàng à, đi đâu mà túi nọ bị kia to thế?
Hoàng giật mình quay lại, nhưng hóa ra chỉ là ông bác hàng xóm, chủ của xưởng cơ khí nhỏ đang tra tấn lỗ tai làng nước. Một người đàn ông đứng tuổi, khá cao, giọng nói rắn rỏi nhưng hiền hòa và khá vui tính với bọn trẻ, trên tay là mấy cuốn sổ đang ghi chép. Đứng cạnh có một anh thợ mặc đồ công nhân màu xanh, tạng người thấp, tay đeo một đôi găng bẩn dính toàn dầu mỡ đen xì. Hai người nhìn Hoàng cười, vẻ như công việc của họ không bận lắm, mặc dù những người khác trong xưởng vẫn đang hết sức chú tâm vào khâu của mình.
Hoàng có cảm giác cả người tê tê, bên trong lồng ngực có một áp lực nào đó ép vào tim rất khó chịu, nhưng vẫn đáp ngay:
– Dạ, bọn… bọn cháu… đi cắm trại ạ.
– Vậy hả, đi với lớp à. Ừ, chúng mày học lắm, cũng phải vui chơi giải trí cho nó thoải mái chứ.
– Vâng…
Ông bác chỉnh lại gọng kính, cúi xuống một cái rồi lại ngẩng lên ngay:
– À đúng rồi, lúc nãy mày có để ý khi trời tối không cháu, lúc ấy đã dậy chưa, vừa mới đây này?
– Dạ có. Lúc ấy, cháu ở ngoài… mua quyển sách, cũng có thấy.
– Ừ, khiếp nhỉ. Phải đến mười mấy hai mươi phút ấy chứ, ở ngoài kia có chỗ còn náo loạn hết cả lên. Tao mù tịt thiên văn khoa học, chả hiểu tại sao, mấy đứa học nhiều có biết là hiện tượng gì không?
Đương nhiên Hoàng chẳng thể hiểu đấy là hiện tượng khỉ gì, đành ấp úng:
– Cháu… cũng không biết nữa,… chưa nghe nói đến kiểu này bao giờ cả.
Anh thợ kia thì tặc lưỡi, xuýt xoa lại cảm giác khi trước, nói:
– Thật từ nhỏ tới lớn em cũng chưa thấy vụ trời đất tối sầm này bao giờ. Đúng là, chậc chậc, không chứng kiến khó mà tin được. Chẳng biết ở nơi khác có bị không, kiểu này có khi lại có chuyện gì to ấy.
Một tiếng nói từ trong xưởng vọng ra:
– Thấy ông khách lúc nãy bảo, có hẳn một cơn lốc mạnh chạy về thành phố này đấy chứ, nhưng không thiệt hại gì nhiều thì phải.
– Thế cơ à!
Thấy chân mình vẫn chưa hết run, áp lực chưa hề giảm, Hoàng xen vào:
– Vậy… cháu, cháu đi…
– Ừ. Đi đi cháu, mà chú ý không khéo trời lại mưa đấy. Thời tiết bất ổn thế này khó nói trước lắm. Chơi vui nhé… Thật là lạ, chà!
Bác hàng xóm vừa nói vừa gật gù, nheo mắt đánh mấy dấu vào quyển sổ. Dường như thái độ hơi thiếu tự nhiên của Hoàng không gây chú ý. Anh thợ bên cạnh cũng ghé nhòm vào mấy con số, ngoắc một ngón tay chỉ trỏ, vừa cười:
– Công nhận bọn trẻ bây giờ sướng thật, còn có du lịch pic-nic nọ kia. Thời em, học cũng khổ, đến giờ thì cả ngày máy móc, chẳng chơi bời đâu.
– Ừ, xã hội ngày một đổi mới mà. Thằng Dũng nhà này mấy năm trước cũng thấy hay đi chơi với lớp lắm.
– Chà, cái số mình nó đã máy móc rồi. Ha ha ha…
Hoàng nghe chuyện cũng cười nhưng sượng ngắc, không nói thêm tiếng nào, quay đầu chạy hộc tốc ra ngõ.
Ngoài ngõ vẫn vắng như thế, chỉ có hai đứa kia ngồi chờ bên gốc cây bàng nom có vẻ yên vị lắm. Một đứa chăm chú đọc sách, lật giở qua lại từng trang, ánh mắt say sưa như đang bị cuốn vào những dòng chữ. Còn một thằng thì cắm cúi bấm bấm cái máy tính, bên cạnh là một cái vỏ hộp mở tung và cuốn Phong Vân thì lật úp, thậm chí có chiếc lá bàng bị sâu ăn rỗ rụng xuống đầu mà không hay. Thế nhưng, vừa nghe tiếng xe thì chúng nó cùng ngẩng cả lên. Vẻ khá thích thú, An Tiên giơ cuốn sách cầm trên tay ra nói:
– Mày tắm hay sao mà lâu vậy? Quyển Vật lí thời hiện đại này có vẻ hay đấy. Toàn máy móc công nghệ cao, mà còn có chú thích, hướng dẫn khá dễ hiểu. Ơ, sao lại dắt xe ra nữa…
Nhìn thái độ của Hoàng, nụ cười trên mặt An Tiên nhạt dần, chuyển sang ngạc nhiên. Còn Hoàng thì đã rối lên, vội nói như quát:
– Nhanh, lên xe ngay, mau lên!
An Tiên nhét cuốn sách trở vào cái túi to bên tay kia, nheo mày hỏi:
– Có chuyện gì thế?
Thằng Trung cũng nhảy xuống khỏi bệ hiên, vứt chiếc máy tính đấy chạy lại:
– Sao anh lại đem hết ba lô ra đây?
Hoàng ngó nghiêng trước sau, vừa thở đầy lo lắng vừa nói thật gấp:
– Đừng hỏi nhiều, lên xe đi!
An Tiên kêu lên:
– Cái gì, tự dưng lên xe làm gì?
Rồi nó ngóng cổ tới gần, dòm dòm mặt Hoàng, miệng thoáng nét cười tinh ranh:
– Mày làm sao vậy? Bị ông Thích oánh à?
Da mặt Hoàng tái đi, khóe mắt giật giật, miệng run run, lần này thì hắn nghiến răng quát thật:
– Ông Thích ông Thích cái gì. Tao bảo chúng mày nhanh lên cơ mà, chết đến nơi rồi!
Sự kích động của Hoàng có lẽ không phải trò đùa, hai đứa kia nhìn nhau nhưng sau đó cũng thu dọn vội rồi ngồi ngay lên xe. Thằng Trung thì khỏi nói, chỉ thấy kêu đau đít, còn thằng Tiên vẫn rất khó nuốt một thứ chẳng có đầu có đuôi này:
– Nhưng cái gì chết?
Hoàng chỉ hừ lạnh, vòng tay đưa một cái ba lô về phía sau cho nhẹ lái, rồi gù lưng đạp cái xe nặng trịch lao như điên ra đường lớn. Xe phi lóc cóc trên con ngõ gập ghềnh, vẫn có mấy đứa trẻ chạy nhảy phía trước, nhưng Hoàng không dừng mà cố tránh, và vẫn giữ tốc độ. Điều khiển cái xe đạp chở hai người này lượn lách thật khó, vừa đạp vừa gắng giữ chút bình tĩnh, lúc này hắn mới đáp lại bằng giọng khe khẽ:
– Có chuyện lớn xảy ra rồi. Nhưng tí nữa tao sẽ nói, bây giờ phải rời khỏi đây ngay lập tức. Không còn thời gian nữa.
Thế là hai đứa kia chịu im lặng, ngay cả khi xóc đến ê mông cũng chịu nhịn để Hoàng một mạch phóng đi trên con đường sáng nay. Tâm thần bấn loạn, với cảm giác sự sống treo lơ lửng trước mặt, Hoàng luồn lách đầy nguy hiểm giữa những luồng xe giờ này đã đông hơn nhiều, chỉ mong sao thoát càng xa khỏi tầm khống chế của lũ âm binh càng tốt. Cũng may, cái xe thuộc loại khỏe và chắc chắn nên chỉ lóc xa lóc xóc chứ không sụm thành một đống.
(hết chương 4)