Xem bài viết đơn
  #2  
Old 13-04-2009, 07:03 PM
hungdolau hungdolau is offline
Nhập Môn Tu Luyện
 
Tham gia: Aug 2008
Bài gởi: 22
Thời gian online: 662053
Xu: 0
Thanks: 7
Thanked 0 Times in 0 Posts
LĂNG KHÔNG TAM KIẾM

Hồi 1 Hoài kinh kỳ đồng


Một buổi sáng nọ, mặt trời mới mọc.
Trước căn nhà là của lão tiều phu, một thiếu niên tuổi trạc mười ba, mười bốn, mặt rất thanh tú. Tay cầm một cuốn sách mỏng, đang ngồi ở dưới mái hiên, vừa xem vừa đọc.
Thiếu niên ấy bỗng ngửng đầu lên, mặt lộ vẻ thắc mắc. Đôi lông mày kiếm cứ rung động hoài, hình như chàng đang nghĩ ý nghĩa của của những câu văn viết ở trong sách.
Trong căn nhà lá bỗng có tiếng rên rỉ khẽ vọng ra. Nghe thấy tiếng kêu ấy, thiếu niên tỏ vẻ lo âu ngay, vội vàng đứng dậy đẩy cửa đi vào trong nhà, vừa đi Chàng vừa lẩm bẩm nói :
- Ông ta... không biết bị bệnh gì mà đã ba hôm trời rồi mà chỉ thấy càng ngày càng trầm trọng thêm...
Đồ đạc ở trong căn nhà lá ấy rất giản dị, chỉ có một cái giường nằm được hai người với một cái bàn gỗ nho nhỏ thôi, đến ghế cũng không có nốt.
Thiếu niên từ từ tới trước giường, với giọng dịu dàng nói :
- Ông đã thấy đỡ tí nào chưa?
Lão tiều phu nằm trên giường sắc mặt nhợt nhạt, nếp nhăn lại càng rõ rệt hơn lúc y lên trên đỉnh núi Thiên Sơn, nên trông y càng già thêm. Y khẽ ho một tiếng rồi đáp :
- Không sao cả Vân nhi, cháu đừng lo. Cháu hãy ngoan ngoãn cho ông chén nước.
Thiếu niên đang cầm cuốn sách mong mỏng, nghe nói vội đặt cuốn sách xuống giường, rồi đi ngay vào phía trong nội thất...
Chàng đang rót nước, bỗng nghe thấy người ông kêu la một tiếng rùng rợn, chàng lo âu và hoảng sợ đến rớt cả cái chén xuống đất. Chén ấy liền vỡ tan.
Chàng vội chạy ngay ra nhà ngoài, đến trước giường của lão tiều phu. Chàng thấy ông mình tay cầm cuốn sách mong mỏng kia, chân tay mình mẩy run lẩy bẩy, mặt càng nhợt nhạt đáng sợ thêm.
Chàng cả kinh với giọng thất thanh vội hỏi :
- Ông... làm sao thế?
Lão tiều phu nghe thấy tiếng kêu hỏi của chàng thiếu niên, thần trí mới tỉnh táo lại được phần nào, nhưng cuốn sách mong mỏng ở trong tay ông ta hình như đã hiện lên một tấn thảm kịch. Y liền hoảng sợ vô cùng và vội đáp :
- Không có gì cả!
Rồi y từ từ cất cuốn sách vào trong cái gối trúc.
Tuy thiếu niên cảm thấy thắc mắc vô cùng, nhưng chàng thấy thái độ của người ông hoảng sợ như thế, chàng không nhẫn tâm hỏi tiếp. Chàng đảo ngược một vòng liếc nhìn vào nhà trong một cái, mới cố ý nói lảng sang chuyện khác :
- Ông hãy nằm nghỉ để Vân nhi đi hái củi nhé?
Lão tiều phu tươi cười, với vẻ mặt hiền từ khen ngợi rằng :
- Được, cháu cứ đi đi. Cháu ngoan lắm... Nhưng phải cẩn thận đấy nhé...
Thiếu niên thấy ông mình đã tỉnh táo hơn trước, trong lòng cả mừng, nói tiếp :
- Ông! Cái búa bổ củi để ở đâu thế?
Lão tiều phu nhắm mắt lại, với giọng yếu ớt đáp :
- Để dưới gầm bàn ấy...
Thiếu niên nghe nói hơi ngạc nhiên, và không thấy chàng đi tới gần bàn, cũng không thấy tìm kiếm gì hết, vì chàng đã biết dưới gầm bàn không có, nên bụng bảo dạ rằng :
- Ta đã tìm kiếm đến trên mười lần rồi. Dưới gầm bàn làm gì có cái búa nào?
Thì ra chàng đã tìm kiếm cái búa ấy từ ba hôm trước rồi.
Tiều phu sống về nghề đốn củi, nên cái búa còn quý hơn là tính mạng mình.
Thiếu niên cảm thấy việc khác thường. Chàng bỗng liên tưởng buổi sáng nọ, cách đây ba hôm, ông mình lên trên núi thật sớm, khi trở về sắc mặt nhợt nhạt và uể oải vô cùng. Vào tới trong nhà đã nằm ốm ngay. Chàng còn nhớ trong ba ngày hôm nay, ông mình cứ nằm liệt giường liệt chiếu. Trong lúc ngủ say lại nằm mơ thốt ra những tiếng kêu la rùng rợn.
Chàng không sao nhịn được nữa, liền buột miệng nói :
- Thưa ông, cái búa không có trong nhà.
Lão tiều phu nghe thấy chàng nói như thế, mặt liền biến sắc, bỗng đứng dậy, nhưng lại nghĩ đến tấm thảm kịch của ba hôm trước và nghĩ đến cái búa bỏ quên trên đỉnh núi.
Thiếu niên giật mình kinh hãi, vội nhảy xổ lại và hỏi :
- Ông mau kể cho Vân nhi nghe câu chuyện ấy đi...
Lão tiều phu lại giật mình đến thót một cái, nhưng vẫn gượng đè nén những sự kinh khủng kia và gượng cười đáp :
- Vân nhi, cháu đừng có đoán bậy đoán bạ nữa. Ông không có việc gì đâu, tuy mấy ngày hôm nay ông hơi khó chịu thực, nhưng chỉ vài ngày thôi sẽ khỏi liền.
Thiếu niên nghe nói suýt tí nữa khóc ra tiếng, bèn năn nỉ tiếp :
- Chắc thế nào cũng có việc gì? Ông nói cho cháu nghe đi!
Lão tiều phu bỗng trợn trừng hai mắt lên, mặt lộ vẻ giận dữ quát mắng :
- Vân nhi, Vân nhi... cháu đừng có kêu la nữa, để ông nghỉ ngơi một chút có được không?
Hình như thiếu niên chưa hề thấy người ông giận dữ như thế này bao giờ, trong lòng cũng phải kinh hãi không dám nói nhiều, liền từ từ đứng dậy vẻ mặt còn nghi ngờ liếc nhìn người ông một cái, rồi bỗng trợn ngược đôi lông mày lên, bụng bảo dạ rằng :
- Chắc thế nào cũng có người đả thương ông ta rồi? Lôi Vân ta thế nào cũng nghĩ cách tìm cho ra người đả thương ông ta...
Nghĩ tới đó, chàng liền quay người đi ra ngoài nhà luôn.
Lão tiều phu chờ Lôi Vân đi khuất mắt rồi, vẻ mặt rầu rĩ hết sức. Ông ta thở dài lẩm bẩm nói :
- Thằng nhỏ này tội nghiệp thực! Hà... một tháng... ta chết rồi, thằng nhỏ nay sẽ chơ vơ một mình, thì làm sao...
Nói tới đó, y cảm thấy mình mẩy đau nhức. Nơi giữa ngực nóng như thiêu nhưng y vẫn cố chịu nhịn, và nghĩ thầm :
- Thể nào ta cũng nghĩ cách xếp đặt cho nó...
Lôi Vân ra khỏi căn nhà lá ấy, trong lòng bối rối vô cùng, rồi chàng cứ chạy hết chỗ này đến chỗ nọ. Chàng lại nghĩ đến cuống sách mong mỏng và kỳ lạ ấy, liền tự nhủ :
- Ông ta kêu la một cách kinh khủng luôn luôn như vậy, không biết có phải là do cuốn sách mong mỏng kia gây nên không? Tại sao ông lại không để cho ta đọc cuốn sách ấy? Và trước kia ông làm gì có cuốn sách...
Chàng là người thông minh tuyệt đỉnh, ngẫm nghĩ một hồi liền quyết định thầm :
- Chắc cuốn sách kỳ lạ ấy, thể nào cũng có cái gì đặc biệt đây, ta phải kiếm cách xem trộm mới được.
Nghĩ đoạn, chàng lại từ từ đi về nhà, rón rén bước tới gần giường, khẽ lôi cái gối trúc...
Lúc ấy lão tiều phu đã ngủ say. Lôi Vân hết sức cẩn thận và tốn cả công rất nhiều mới rút được cuốn sách mong mỏng ấy ra.
Chàng lấy được cuốn sách ấy rồi, vội chạy ra ngoài cửa ngồi dưới mái hiên giở sách kỳ lạ ấy ra xem.
Chàng thấy cuốn sách chỉ có năm trang, trang nào cũng vậy, bên góc trái có khâu một miếng giẻ nho nhỏ, nhưng không miếng giẻ nào giống màu sắc của miếng nào, và miếng cuối cùng lại không có dính giẻ ở trên góc. Trang nào cũng vậy, đều có viết những câu có ý nghĩa rất thâm ảo, có trang lại còn vẽ một hình người nho nhỏ, trên hình người ấy lại còn vẽ rất nhiều chấm do một mũi tên xuyên qua những chấm đen xuyên qua những chấm đen nho nhỏ ấy.
Chàng đang xem, bỗng cảm thấy có mùi tanh hôi xông lên tận mặt. Chàng vội xem kỹ, mới hay mùi tanh hôi ấy là ở trang cuối cùng đưa ra. Chàng giật mình kinh hãi, lại nhìn kỹ giây lát, mới hay những chữ ở trên đó viết bằng máu người.
Chàng đang kinh hoàng, và thắc mắc, thì bỗng nghe tiếng chân người nhẹ nhàng đi tới. chàng vội ngửng đầu lên nhìn, mới hay đằng trước có một nho sinh áo trắng tuổi trạc trung niên đang từ từ đi tới.
Lôi Vân càng ngạc nhiên thêm, vì nơi đây rất hiu quạnh, ít khi người lạ mặt xuất hiện. Vì vậy mà chàng cứ ngơ ngác nhìn người kia.
Nho sinh trung niên nọ, mặt rất anh tuấn, bước đi nhẹ nhàng, thái độ rất tao nhã, hai mắt cứ chăm chú nhìn vào cuốn sách nhỏ trong tay Lôi Vân và cất giọng rất dịu dàng hỏi :
- Cậu em đang đọc sách đấy à? Có thể cho tôi mượn xem một chút không?
Lôi Vân sực nghĩ đến, khi ông mình trông thấy cuốn sách này liền có một thái độ rất đặc biệt, nên chàng cho cuốn sách này không phải sách thường. Chàng thấy nho sinh hỏi thế, liền giật mình kinh hãi, vội đưa hai tay về phía sau tỏ vẻ cự tuyệt.
Nho sinh trung niên nọ cất tiếng cười rất dòn, rồi vội nói tiếp :
- Cậu em khỏi lo, nếu cậu thích đọc sách và chăm chỉ như vậy, ta mới thấy rất có hứng thú vậy mà.
Lôi Vân thấy đối phương không đòi xem cuốn sách nữa, chàng mới vội giấu cuốn sách vào trong lòng, và nhanh nhẩu trả lời :
- Đại thúc đi lạc lối phải không? Nếu đại thúc cứ đi nữa, phía trước sẽ không có lối nữa đâu.
Trong lúc nói chuyện, mặt chàng không có vẻ gì là sợ hãi cả.
Nho sinh trung niên, bỗng trợn to đôi mắt lên ngắm nhìn Lôi Vân một hồi, vẻ mặt ông ta lộ ra những vẻ kỳ dị, và bụng bảo dạ rằng :
- Ta đã bấy nhiêu tuổi đầu, mà vẫn chưa có một người đồ đệ nào. Mấy chục năm nay tìm kiếm mãi, và phen này ta đi vân du khắp mọi nơi vẫn chưa kiếm được người nào thích đáng cả. Không ngờ tại chốn thâm cốc ở ngoài quan ngoại này, lại có một thiếu niên tư chất và gân cốt đều hơn người thế này. Chẳng lẽ ông trời run rủi để cho ta một người đồ đệ tốt này chăng?
Lôi Vân cũng trố mắt lên nhìn, thấy thái độ của đối phương khác lạ, trong lòng rất thắc mắc, vội lên tiếng hỏi :
- Đại thúc không đi lạc lối, thì chắc là định tới nơi đây kiếm người phải không?
Nho sinh trung niên nọ từ từ gật đầu, rồi vừa cười vừa lẩm bẩm nói :
- Thằng nhỏ này quả thực là một nhân tài thượng thừa, ta chỉ dạy bảo ít lâu sẽ trở nên...
Ông ta càng nói vẻ mặt càng hớn hở vui tươi, hình như là đã tìm được người để tử để truyền thụ lại những tuyệt nghệ cu/a mình rồi?
Lôi Vân cứ ngẩn người ra không biết nho sinh nói những gì bỗng nghe thấy phía sau có tiếng ho vọng tới, chàng vội quay người lớn tiếng hỏi :
- Ông đã dậy rồi ư?
Nho sinh trung niên ngó vào trong nhà, trông thấy sắc mặt của lão tiều phu nhợt nhạt như vậy, nét mặt của ông ta hơi thay đổi ngay và không thấy ông ta cất bước gì hết, chỉ thoáng cái đã lướt tới cạnh lão tiều phu và đỡ ông già ấy ngồi dậy, và vội hỏi :
- Lão trượng bị thương phải không?
Nho sinh đã nhận ra sắc mặt của lão tiều phu không phải là đau ốm. Nhưng nhợt nhạt và trắng như giấy như thế, chắc trong người thế nào cũng có chỗ bị thương nên mới hỏi như vậy.
Thoạt tiên, thấy một người lạ mặt xuất hiện ở cạnh mình, lão tiều phu đã giật mình sợ hãi. Sau khi nhìn lại, thấy nho sinh nọ rất đứng đắn và hiền lành, nên y mới đỡ sợ, liền đáp :
- Thưa ông, tôi không bị thương gì hết. Có lẽ đó là bệnh cũ lâu năm bây giờ lại tái phát đấy thôi.
Nho sinh không hoài nghi gì cả, lại tưởng là mình hiểu lầm, ông ta nghĩ thầm :
- Thiếu niên này có một thân nhân lắm bệnh như vậy, nếu ta thâu y làm đồ đệ, chỉ e...
Ông ta chưa nghĩ xong bỗng thấy lão tiều phu tỏ vẻ hớn hở và phấn khởi hỏi :
- Ông có phải là người ở quan ngoại không?
Thấy lão tiều phu hỏi một cách đột ngột như vậy, trong lòng thư sinh ngạc nhiên vô cùng, vội vã lắc đầu đáp :
- Lão phu họ Âu Dương tên Tử, người ta thường gọi lão phu là Trung Nhạc Chi Chủ.
Lão tiều phu cả mừng, nhưng chỉ thoáng cái, mặt lại lộ vẻ lo âu rầu rĩ ngay.
Thì ra y nghĩ tới nho sinh trung niên có thể trông nom đứa cháu Lôi Vân hộ mình, nhưng y lại lo âu chỉ sợ nho sinh không nhận lời. Y còn nghĩ sợ nho sinh nhận lời rồi, người cháu ở với mình từ nhỏ đến giờ, nay lại sắp phải chia tay đến nơi, vả lại... từ giờ trở đi không còn hy vọng được trông lại mặt cháu nữa...
Y đang nghĩ ngợi thì Trung Nhạc Chi Chủ Âu Dương Tử thấy thái độ của y khác lạ như vậy, vội đỡ y ngồi dậy và khẽ rỉ tai hỏi :
- Có phải lão trượng có lời lẽ gì muốn nói với lão phu?
Lão tiều phu ngạc nhiên, rồi khẽ gật đầu và bụng bảo dạ rằng :
- Mình chỉ còn sống được một tháng nữa thôi, chỉ bằng cứ để Vân nhi theo ông ta đi...
Nghĩ tới đó, y lại tỏ vẻ rầu rĩ vô cùng.
Xem sắc mặt, Âu Dương Tử đã biết lão tiều phu thể nào cũng có những sự bí ẩn rất khó nói, nhưng ông ta không tiện lên tiếng hỏi.
Lúc ấy lão tiều phu lại hớn hở nói tiếp :
- Tiên sinh đi sâu vào trong núi này chắc bây giờ thế nào cũng mỏi mệt lắm. Mong tiên sinh ở lại đây nghỉ ngơi một ngày, để ông cháu lão đỡ buồn bã... Nếu tiên sinh nhận lời cho, như vậy lão phu rất cảm ơn.
Âu Dương Tử hai mắt sáng như điện, liếc nhìn căn nhà một lượt, mặt lộ vẻ ngạc nhiên, bụng bảo dạ rằng :
- Nhà này đồ đạc thô sơ như vậy, chỉ có một cái giường để cho hai ông cháu nằm thôi, thì làm sao mà giữ khách ở lại nghỉ ngơi được?
Nghĩ tới đó, ông ta đưa mắt nhìn lão tiều phu thấy ông già sơn dã nay lộ vẻ cầu khẩn van lơn, nên ông ta động lòng thương và nghĩ tiếp :
- Chắc ông già này yêu cầu mình như vậy, thể nào cũng có thâm ý gì đây?
Ông ta nghĩ tới đó, liền mỉm cười đáp :
- Đằng nào lão phu cũng nhàn rỗi, dù có ở lại một vài hôm cũng không sao nhưng chỉ sợ quấy quả lão trượng thôi.
Lão tiều phu thấy ông ta đã nhận lời, mừng rỡ khôn ta, vội đỡ lời :
- Không sao đâu...
Vừa nói Y không đợi chờ Âu Dương Tử nói tiếp, đã vội đi vào trong ngay.
Nho sinh trung niên nọ đã có biệt hiệu là Trung Nhạc Chi Chủ, chính là người trong nhóm Giang Hồ tam kỳ, là ông ta với Giang Nam Hiệp Cái cùng Thiên Mục Kỳ Tăng.
Âu Dương Tử là người rất kiêu ngạo về mặt thi tự ca phú, cầm kỳ thi họa môn nào cũng tinh xảo hết, võ học cao siêu hơn người, nhất là cơ trí ít người sánh kịp nên mới được nổi danh trong võ lâm như thế.
Ông ta thấy thần thái của lão tiều phu như vậy cũng phải hoài nghi nhưng lúc này lão tiều phu đã thay đổi hẳn thái độ, và vẻ mặt cũng tươi tỉnh hơn trước nhiều.
Tuy vậy, Âu Dương Tử vẫn nhận xét thấy ông già hái củi thể nào cũng có một sự lo âu gì chưa dám nói ra.
Lúc bấy giờ, trong căn nhà lá đó, không khí đã vui tươi hơn trước nhiều.
Lôi Vân cũng vui vẻ khôn tả, mồm cứ thao thao bất tuyệt nói cho khách lạ biết ông mình đã dạy mình đọc những sách gì, và làm những điều gì...
Tuy trong lòng vẫn còn thắc mắc, nhưng Âu Dương Tử thấy Lôi Vân ngây thơ và nhanh nhẩu như vậy trong lòng cũng cởi mở hết sức.
Trời tối dần, Lôi Vân vẫn nói luôn mồm làm cho lão tiều phu và Âu Dương Tử phải phì cười.
Lão tiều phu bỗng ngửng đầu nhìn sắc trời, thở dài gượng sức cười bảo với Lôi Vân :
- Khuya lắm rồi, cháu cũng nên đi nghĩ đi.
Lôi Vân mồ côi cha mẹ từ hồi còn nhỏ, nhờ có người nuôi cho đến giờ, nên chàng rất ngoan ngoãn. Thấy ông bảo vậy, liền vâng lời cởi áo tắm rửa xong lên giường đi ngủ ngay.
Chàng cảm thấy phấn khởi, tuy sáng hôm nay thấy thái độ của người ông hơi khác nên trong lòng chàng bối rối vô cùng, nhưng từ khi có Âu Dương Tử xuất hiện đến giờ, chàng lại vui vẻ vô cùng.
Chàng bỗng thấy trống ngực đập rất mạnh không sao ngủ được, hình như vó một dự cảm rất xui xẻo đang ám ảnh đầu óc chàng, nên chàng hé mở mắt ra nhìn Âu Dương Tử và ông mình. Chàng hoảng sợ nhảy bắn người lên, vì thấy trong nhà ngoài mình ra thì không còn một người nào nữa. Chàng vội mặc quần áo đẩy cửa đi ra ngoài nhà.
Thấy bên ngoài cũng không có một người nào cả, chàng càng kinh ngạc thêm.
Hãy nói lão tiều phu thấy Lôi Vân đã lên giường ngủ rồi liền nói với Âu Dương Tử rằng :
- Âu Dương tiên sinh, lão có một việc này muốn thỉnh cầu, mời tiên sinh theo lão phu ra bên ngoài trò chuyện.
Nói tới đó mắt y lộ vẻ thành khẩn lắm.
Âu Dương Tử biết thế nào lão tiều phu cũng sẽ nói cho mình biết chuyện bí ẩn của y, nên ông ta mỉm cười gật đầu, và đứng dậy đáp :
- Lão trượng có việc gì cứ nói thẳng ra đi, nếu muốn lão phu giúp sức...
Ông ta mới nói tới đó đã thấy lão tiều phu đẩy cửa đi ra ngoài nhà, ông ta cũng vội theo ra ngay.
Lão tiều phu cứ thế mà đi thẳng xuống thâm cốc. Âu Dương Tử ngạc nhiên vô cùng, nhưng sau một ngày quan sát ông ta đã biết hai ông cháu nhà này chỉ là tiều phu tầm thường thôi, chứ không phải là nhân vật võ lâm gì cả. Tuy vậy, ông ta thấy hành động và thần thái của lão tiều phu rất khó nghĩ, nên ông ta vừa đi vừa đề phòng.
Đột nhiên lão tiều phu ngừng chân quay người lại, nước mắt nhỏ ngay.
Âu Dương Tử thấy vậy sắc mặt càng kinh ngạc, vội hỏi :
- Chẳng hay có chuyện gì thế?
Lão tiều phu thở dài, lắc đầu đáp :
- Chúng ta xưa nay không quen biết nhau, nhưng tình thế bắt buộc, lão nhờ vả tiên sinh một cách quá liều lĩnh như vậy, mong tiên sinh lượng thứ cho...
- Lão trượng có việc gì cứ nói trắng ra đi! Nếu việc ấy lão phu có thể giúp đỡ được, không bao giờ từ chối hết.
- Tiên sinh xem Vân nhi là một đứa nhỏ như thế nào?
Âu Dương Tử rất ngạc nhiên, thấy lão tiều phu nhìn ông mãi mới hỏi câu đó.
Ông ta định trả lời , thì bỗng đằng xa có tiếng kêu gọi rất thánh thót vọng tới :
- Ông ơi...! Đại thúc ơi...! Hai người ở đâu thế?
Lão tiều phu liền biến sắc mặt, vội nói tiếp :
- Thế ra Vân nhi nó vẫn chưa ngủ.
- Ông ơi!.... Ông ơi!....
Tiếng kêu gọi ấy bên trong có vẻ lo âu và đang gọi thì bỗng ngưng hẳn. Âu Dương Tử liền biến sắc mặt, và lớn tiếng đáp :
- Cháu hãy chờ ở đó, chúng ta về ngay đây.
Không thấy ông ta cử động gì hết, người đã nhảy lên trên cao như con chim bay lượn, và nhanh như điện chớp chỉ thoáng cái đã mất dạng ngay.
Lão tiều phu rất lo âu, nhưng y biết Lôi Vân không có việc gì xảy ra đâu, có lẽ là vướng phải cây hay đá rồi té ngã đấy thôi. Đột nhiên y đau lòng vô cùng bụng bảo dạ rằng :
- Ta chỉ còn sống được hơn hai mươi ngày nữa thôi. Nếu người nay không nhận lời trông nom dạy bảo Vân nhi, thì ta biết làm sao?
Nghĩ tới đó, y liền nhìn về phía trước, bỗng phát hiện một cây cổ thụ, trong lòng quyết định rằng :
- Ta cứ làm như thế, chả lẽ ông ta trông thấy Vân nhi trơ trọi một mình lại bỏ mặc thằng nhỏ không lý gì tới nó hay sao? Hơn nữa nếu ông ta nhận mang thằng nhỏ đi rồi, chỉ còn lại một mình ta, hơn hai mươi ngày đó ta sống...
Nghĩ tới đó, hai hàng lệ của y lại nhỏ dòng xuống, y cứ sụt sùi khóc hoài.
* * * * *
Âu Dương Tử phi thân nhanh như bay, chỉ thoáng cái đã tìm thấy Lôi Vân liền. Ông ta thấy thằng nhỏ vướng phải tảng đá ngã lăn ra đất vẻ mặt nó đang lo âu. Tuy đầu gối nó bị va vào đá sướt da chảy máu nhưng nó vẫn nghiến răng chịu đựng không tỏ vẻ sợ hãi gì cả. Vừa trông thấy Âu Dương Tử, nó như là trông thấy thân nhân của mình vậy, Lôi Vân vội nhảy xổ lại hỏi :
- Đại thúc! Ông cháu đâu?
Thấy thái độ của Lôi Vân như vậy, Âu Dương Tử cũng cảm động hết sức, vội an ủi rằng :
- Vân nhi đừng lo, ông cháu sắp trở về đấy... Ủa, cháu bị thương đấy à? Để đại thúc băng bó cho rồi đi kiếm ông cháu sau.
Không ngờ Lôi Vân giằng tay ra và nói :
- Đại thúc hãy đưa cháu đi kiếm ông cháu đã, cháu không sao đâu.
Nói xong, chàng chạy thẳng về phía trước liền. Âu Dương Tử thấy vậy cũng phải khen ngợi và cảm động hết sức, bụng bảo dạ rằng :
- Nếu ta nhận được thằng nhỏ này làm đồ đệ...
Ông ta vừa nghĩ tới đó đã thấy Lôi Vân chạy được sáu bảy bước, những bước đi khó khăn như ảnh hưởng bởi vết thương vậy, nên ông ta vội phi thân lại cắp chàng vào nách rồi lăng không tiến về phía trước.
Chỉ trong nháy mắt đã tới chỗ lúc nãy đang nói chuyện với lão tiều phu. Âu Dương Tử ngửng đầu nhìn, liền biến sắc mặt, vội buông hai tay ra, Lôi Vân liền rớt xuống đất kêu đến bộp một tiếng.
Thì ra, Âu Dương Tử đã thấy một người treo lơ lửng ở trên cành cây, người đó chính là lão tiều phu. Ông ta liền giậm chân thở dài và nói :
- Sao lại phải làm như thế?
Lôi Vân đã trông thấy ông mình đang treo lơ lửng ở trên cây, liền nhảy xổ lại kêu gào khóc lóc.
Trung Nhạc Chi Chủ tung mình nhảy lên, giơ tay trái ra đánh mạnh một chưởng, cơi dây lưng đang đeo ở thân cành cây bị chặt đứt làm đôi như bi đao kiếm sắc chém đứt vậy. Lão tiều phu rơi xuống trước mặt Lôi Vân.
- Ông ơi! Ông ơi!
Lôi Vân nằm phục bên xác của ông kêu gào khóc lóc nghe rất não nùng.
Trung Nhạc Chi Chủ cau mày lại thở dài, bụng bảo dạ rằng :
- Y nỡ bỏ đứa cháu còn non nớt này mà treo cổ tự tử như vậy bên trong thể nào cũng có ẩn tình gì đây, nhưng y sống ở trong thâm sơn cùng cốc này, thì còn có chuyện rắc rối gì khó xử xảy ra nữa?
Lôi Vân khóc lóc hồi lâu, bỗng dưng đứng dậy mồm lẩm bẩm nói :
- Phải! Nhất định là cuốn sách ấy rồi. Chính cuốn sách ấy đã giết hại ông ta! Hừ, thể nào cũng có ngày Lôi Vân này phải kiếm cho ra chủ nhân của cuốn sách này.
Âu Dương Tử thấy vẻ mặt của Lôi Vân thảm thiết như vậy, và thấy chàng ta lẩm bẩm nói những gì không hay, liền ngạc nhiên hỏi :
- Vân nhi, cháu nói gì thế?
Lôi Vân mặt bỗng biến sắc, bụng bảo dạ rằng :
- Chắc cuốn sách này thế nào cũng có bí ẩn gì, nên ông ta mới chết vì nó?
Ta không nên đưa ra cho đại thúc xem nữa.
Chàng liền dùng tay áo lau chùi nước mắt, rồi cương quyết nhìn bốn phía chung quanh một lượt rồi nói :
- Đại thúc! Ông cháu đã chết! Xin đại thúc để cháu chôn cất ông cháu đã.
Âu Dương Tử mặt vẫn lộ vẻ hoài nghi, và ngẫm nghĩ lại lời nói của Lôi Vân vừa rồi, đồng thời ông ta thấy Lôi Vân cương quyết không thổ lộ, đoán chắc chàng ta quá đau đớn nên tạm thời không chịu nói ra đấy thôi, nên ông ta cũng không hỏi nữa, liền từ từ đi đến bên cạnh xác của lão tiều phu.
Đột nhiên, Âu Dương Tử múa song chưởng chỉ nghe thấy kêu “ùm” một tiếng, cát bụi và đá bay mù mịt, trên mặt đất đã hiện ra một cái lỗ lớn. Lôi Vân liền tiến lên ẵm xác của ông từ từ đặt xuống cái lỗ ấy, rồi dần dần vun những đất cát ở quanh đó che lấp xác của lão tiều phu.
Chôn cất xong người ông, Lôi Vân không sao nhịn được, bỗng khóc òa lên, nước mắt chạy ra như suối. Trông cảnh tượng thật là não nùng.
Trung Nhạc Chi Chủ thấy vậy cũng phải mủi lòng, và bỗng nghe thấy Lôi Vân lẩm bẩm nói :
- Ông! Ông... cháu thế nào cũng kiếm cho ra chủ nhân của cuốn sách ấy... chắc y đã làm hại ông đấy.
Chàng hãy còn ít tuổi mới tưởng lầm cuốn sách da người mong mỏng kia đã làm cho ông mình hoảng sợ, thì chắc chủ nhân của cuốn sách ấy đã giết hại ông mình.
Trung Nhạc Chi Chủ thấy Lôi Vân khóc lóc đến nước mắt đã có xen lẫn cả máu tươi, sợ cứ để cho chàng ta khóc như vậy mãi sẽ bị ảnh hưởng đến sức khoẻ, cho nên ông ta lẹ làng tiến lên ra tay điểm vào yếu huyệt của chàng một cái. Chờ chàng đã mê man bất tỉnh rồi, ông ta liền cắp chàng vào ngang lưng phi lên trên cao hai trượng lượn một vòng đi mất dạng.
Cái chết của lão tiều phu là do y tự muốn. Y nghĩ làm như thế thì Trung Nhạc Chi Chủ thế nào cũng phải thâu nhận đứa cháu duy nhất của mình, và đồng thời làm như thế, tuy y chết sớm hơn hai mươi mấy ngày, nhưng cũng đỡ phải đau khổ thêm.
Còn một việc rất quan trọng như y đã quên, đó là cuốn sách da người của Tam tuyệt Nhị quân để lại mà y chưa kịp nói rõ cho Âu Dương Tử với người cháu hay. Y cũng không ngờ cuốn sách đang nằm ở trong người của y và sau này cuốn sách ấy sẽ giúp ích gì cho cháu mình, và ảnh hưởng đến giang hồ như thế nào?
Tài sản của hungdolau

Trả Lời Với Trích Dẫn