Xem bài viết đơn
  #44  
Old 08-09-2009, 11:12 PM
A Lìn
Guest
 
Bài gởi: n/a
Thời gian online:
Cây thuốc lá trồng ở nước ta từ đâu đến và khi nào?

Trích:
Hỏi: Cây thuốc lá từ đâu đưa đến và trồng ở nước ta từ hồi nào? (Ô. Lê Thạnh Đức – Bình Dương)

Trả lời: Trong sách Vân đài loại ngữ (1773), phần “Phẩm vật”, Lê Quý Đôn có đề cập việc trồng và hút thuốc lá như sau:

“Nước Nam ta lúc đầu không có cây thuốc lá ấy. Từ năm Canh tý, tức niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) đời vua Lê Thần Tông người Ai Lao đem đến, nhân dân nước ta bắt đầu trồng cây thuốc lá. Quan dân, đàn bà con gái tranh nhau hút thuốc lá, đến nỗi có câu: “Có thể ba ngày không ăn, chớ không thể một giờ không hút thuốc lá”.

Năm Ất tỵ, niên hiệu Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông, triều đình đã hai lần xuống lệnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc và lén hút thuốc, nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt được. Người ta phần nhiều khoét cột tre làm ống điếu và chôn điếu sành xuống đất. Tro than thuốc lá lắm lần gây thành hỏa hoạn. Lâu dần lịnh cấm bãi bỏ. Nay thì việc hút thuốc lá đã thành thói thông thường” (Sđd, Tạ Quang Phát dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn, 1973, Tập III, tr. 197-198).

Nhưng sách Địa dư chí của Nguyễn Trãi viết năm 1438 đã ghi: “Tại các vùng Hải Dương, Sơn Nam và Thuận Hóa đều có trồng thuốc lá. Đó là một thổ sản nằm trong danh mục cống phú, tức phải dâng nạp cho triều đình hoặc phải chịu thuế”. (Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, Nxb Khoa học Xã hội, 1976, tr. 217-219, 222-233 và 234). Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn dưới thời Tự Đức, trong phần thổ sản tỉnh Nam Định, có dẫn lời ghi trong sách trên: “Địa dư chí của Nguyễn Trãi chép: Nam Chân, Chân Định hỏa dược”, nghĩa là huyện Nam Chân và Chân Định trồng thuốc Lào” (Sđd, Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb Thuận Hóa, 1997, Tập 3. tr. 370). Điều cần chú ý là từ “hỏa dược” ngày nay được dùng để chỉ “thuốc đạn”, còn thuốc lá thì dùng từ “yên thảo” hoặc “yên diệp”. Nhưng ở đây không thể hiểu “hỏa dược” là thuốc đạn như bản dịch của Hoàng Khôi (Ức Trai tập, Phủ QVK đặc trách Văn hóa, 1972 và Nxb Văn học, 1994; Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Thông tin, HN, 2001) vì trong phần tập chú về thổ sản ở Thuận Hóa, ngay dưới chính văn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiện Tùng là người đồng thời, đã giải thích “hỏa dược” là “chỉ dược” với cách sử dụng: “Chỉ dược là thứ cây lấy lá cuộn vào giấy rồi châm lửa hút” (Nguyễn Trãi toàn tập, Viện sử học, sđd, tr.134). Sách Từ nguyên của Trung Quốc giải thích hỏa dược là: viên thuốc dùng để dẫn lửa hoặc bắn đạn. Có thể vào thời Nguyễn Trãi, người Việt mượn từ “hỏa dược” theo nghĩa “dẫn lửa” để chỉ thuốc lá.

Như vậy, theo Địa dư chí của Nguyễn Trãi, đầu thế kỷ XV, thuốc lá đã được trồng tại nhiều nơi ở nước ta, nhưng không rõ từ đâu đến và khi nào. Song, sách này bị thất lạc, đến thời Minh Mệnh, Dương Bá Cung mới sưu tầm được, chép vào vào bộ Ức Trai di tập (q. 6), thời Tự Đức (1868) được khắc in với tên Ức Trai tập; vì thế khi viết Vân đài loại ngữ (1773), Lê Quý Đôn không tham khảo được sách này.

(KTNN số 654, ngày 10.10.2008)
Tài sản của A Lìn

Trả Lời Với Trích Dẫn