Xem bài viết đơn
  #1  
Old 02-04-2008, 12:18 PM
XuyVuu's Avatar
XuyVuu XuyVuu is offline
Tiếp Nhập Ma Đạo
 
Tham gia: Mar 2008
Bài gởi: 451
Thời gian online: 2219882
Xu: 0
Thanks: 453
Thanked 24 Times in 13 Posts
Nhã nhạc cung đình Việt Nam

Nước ta có nhạc từ rất sớm, sử liệu còn ghi vào thời Lê Hoàn (năm 980), khi duyệt binh có đánh trống đồng. Thời kỳ nhà Lý (1010 - 1225), các vua Lý Thánh Tông, Lý Thái Tông, Lý Cao Tông đều có sáng tác nhạc để thưởng thức...

... Thời kỳ nhà Trần (1225-1400) đã xây dựng được hai hình thức dàn nhạc là Đại nhạc và Tiểu nhạc.

1- Dàn Đại nhạc có các nhạc cụ:

- Tất lật
- Tiểu quản
- Tiểu bạt
- Phạn cổ

2- Dàn tiểu nhạc có các nhạc cụ

- Đàn Hồ
- Đàn Cầm
- Đàn Thất huyền
- Đàn Tỳ bà
- Đàn Tranh
- Đàn Tam
- Tiêu, sáo
- Tiêu bạt và trống cơm.

Đại nhạc để phục vụ các ngày lễ trọng đại, còn Tiểu nhạc dùng phục vụ trong các cuộc vui.

Nhiều ông vua ở các triều đại này yêu nhạc và rất giỏi nhạc. Sử sách còn ghi vua Lý Nhân Tông “đặc biệt giỏi về âm luật, những bài ca, khúc nhạc mà nhạc công tập luyện đều do Vua chế tác” (Đại Việt sử lược - quyển II).

Tuy nhiên, các triều đại trên đây vẫn chưa định rõ được các khái niệm về nhã nhạc mà phải đợi đến thời Lê, vua Lê Thái Tông (1434-1442) giao cho Lương Đăng định Nhã nhạc cho triều đình. Lương Đăng sắp đặt hai dàn nhạc dựa theo các hình thức dàn nhạc của nhà Minh đó là dàn Đường thượng chi nhạc và dàn Đường hạ chi nhạc.

Dàn Đường thượng chi nhạc gồm có:

- Đại cổ (trống cái)
- Biên chung (thứ nhạc khí gồm 16 cái chuông ăn khớp với 12 chính luật và 4 bội luật).
- Biên khánh (thứ nhạc khí gồm 16 chiếc khánh ăn khớp với 12 chính luật và 4 bội luật).
- Thược (loại sáo ngắn có 3 lỗ)
- Trì (sáo ngang)
- Huân (huyên) nhạc cụ thổi làm bằng đất nung
- Chúc (nhạc khí làm bằng gỗ giống cái đấu dùng để gõ)
- Ngữ (giống với mõ quẹt hình con hổ)
- Tiêu
- Quản (nhạc khí thổi)
- Sinh (nhạc cụ có 13 lưỡi gà, giống hình thân chim phượng)
- Đàn Cầm (nhạc khí có 7 dây)
- Đàn Sắt (nhạc khí có 50 dây)

3- Dàn Đường hạ chi nhạc gồm có:

- Phương hưởng (nhạc cụ có 16 tấm kim loại, mỗi tấm có 1 âm)
- Không hầu (giống cây đàn sắt nhưng nhỏ hơn)
- Sinh (loại nhạc cụ thổi nhiều ống có lưỡi gà)
- Trống
- Địch (sáo).

Hai dàn nhạc này đã biểu diễn một nhạc mục là các bản: nhạc tế giao, nhạc tế thái miếu, nhạc Ngũ tự (thờ năm thần), Câu mang (thần cây cối), Nhục du (thần loài Kim), Huyền minh (thần nước), Chúc dung (thần lửa) và Hậu thổ (thần đất).

Song cũng phải đợi đến 30 năm sau, vào đời Hồng Đức (1470-1497) “các ông Thân Nhân Trung, Đỗ Nhuận, Lương Thế Vinh bắt đầu kê cứu, tìm tòi Bắc nhạc đế hiệp với Nam âm, soạn ra hai bộ Đồng văn, Nhã nhạc, chia ra 7 loại âm luật gồm: Hoàng chung, Đại thực, Dương kiều, Âm kiều, Hà nam, Hà bắc, Bát đoạn cẩm”. Khoảng đời Quang Hưng (1578-1599) triều vua Lê Thế Tông, giáo phường bắt đầu sáng chế ra các loại nhạc cụ: Ngưỡng thiên cổ, Xuý quản (ống thổi), Long sinh, Long phách, Tam huyền, Trúc địch (sào trúc), Đơn diện cổ (trống một mặt), Yêu cổ (trống lưng eo), Xuyên tiền, để dùng trong Đồng văn và Nhã nhạc. (Khởi đầu sự lục - thư viện Hán Nôm VHV.2696). Nước ta chính thức có Nhã nhạc từ đấy và Nhã nhạc cũng có con đường tiến thoái, thăng trầm cùng lịch sử của các triều vua sau này.

Theo sách Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ thì đến thời nhà Nguyễn âm nhạc cung đình Việt Nam có hai hình thức âm nhạc lớn là Nhã nhạc và Tụng nhạc (có lẽ Nhã nhạc là nhạc không lời, còn Tụng nhạc là nhạc có hát). Nhã có nghĩa là chính đính, tụng có nghĩa là khen ngợi, ca tụng công đức của các vua đời trước, hát ở nơi tông miếu. Tổ chức dàn nhạc, lấy tổ chức bát âm làm trọng. Bát âm gồm Kim (tiếng chuông), Thạch (tiếng khánh), Thổ (tiếng huyên), Cách (tiếng trống), Ty (tiếng đàn), Mộc (tiếng chúc ngữ), Bào (tiếng sênh), Trúc (tiếng sáo).

Từ hai hình thức Nhã nhạc và Tụng nhạc đã hình thành ra ba dàn nhạc lớn là Tiểu nhạc, Đại nhạc và Huyền nhạc. Cơ cấu nhạc cụ của từng dàn nhạc cụ thể như sau:

1- Dàn Tiểu nhạc:
- 01 đàn tỳ bà
- 01 đàn nguyệt
- 01 đàn nhị
- 01 ống địch
- 01 tam âm
- 01 sênh tiền
- 01 trống mảnh (trống một mặt da)

2- Dàn Đại nhạc:

- 02 trống lớn nhỏ
- 8 kèn dăm kép
- 6 tù và
- 4 thanh la
- 4 đồng la

3- Dàn Huyền nhạc

- 01 kiến cổ (trống lớn)
- 01 bác chung (chuông lớn)
- 01 khánh đá lớn
- 12 biên chung
- 12 biên khánh
- 01 bác phụ (trống vỗ tay)
- 01 cái chúc
- 01 trống nhỡ

Ba dàn nhạc: Tiểu nhạc, Đại nhạc và Nhạc huyền tập trung diễn tấu hai hình thức tác phẩm lớn, đó là hình thức Tiểu thành và hình thức Đại thành. Tiểu thành là những khúc nhạc nhỏ, Đại thành là tập hợp nhiều khúc nhạc nhỏ thành khúc nhạc to. Về thể thức trình diễn, cuốn Khâm định Đại Nam hội điển sự lệ ghi rõ: “phàm buổi lễ thường triều, tấu các thứ nhạc nhỏ, buổi lễ đại triều, nhạc lớn nhạc nhỏ cùng tấu. Đồ nhạc treo đặt ở phía nam bệ rồng, đồ nhạc lớn đặt ở phía nam thềm rồng đều đặt thành hai bên Đông Tây đối xứng với nhau. Bọn ca sinh, nhạc sinh chiểu theo thứ tự bày hàng, đều chiểu từng tiết, tấu nhạc đúng như nghi thức”.

Một chương trình nhạc mục được tấu trong những nghi thức quan trọng của triều đình, sách cũng ghi rõ:

- Khi Hoàng Thái Hậu lên bảo toạ, tấu các bài Bảo thành, Bình thành, Doãn thành, Vũ gia thành, lễ xong tấu bài Khánh thành.

- Vua lên bảo toạ, tấu các bài Nguyên thọ, Trình thọ, Vĩnh thọ, Gia thọ, Huy thọ, Hiển thọ, Trung thọ.

- Khi yến tiệc tại điện Cần Chánh, tấu các bài: Cảnh phúc, Hoàng phúc, Thuần phúc, Sùng phúc, Diễn phúc.

Lời những nhạc mục này có thể thay đổi theo từng đời vua, nhưng phần lòng bản âm nhạc hầu như không có nhiều biến đổi.

Vào những năm 1940, triều đình quân chủ Việt Nam có rất nhiều biến đổi để năm 1945 thì sụp đổ hoàn toàn. Nhã nhạc chấm dứt hoạt động.

Từ 1976 đến nay, chúng tôi đã rất nhiều lần về cố đô Huế để điều tra, khảo sát và tổ chức sưu tầm Nhã nhạc. Kết quả điền dã cho hay, Nhã nhạc tại cố đô Huế ngày nay không được như xưa. Nhiều nhạc cụ đã vĩnh viễn mất đi, nhiều hình thức ca hát không ai còn nhớ, nhiều hình thức dàn nhạc vắng bóng và đặc biệt nhiều bài ca từ để hát lên trong các ngày lễ tế, trong các nghi thức triều đình, trong các ngày vui của cung cấm được mô tả trong sách sử nay cũng không còn. Song chúng ta phải cảm ơn các nghệ nhân, nghệ sĩ tài ba, những người đã vượt qua nhiều sự biến của lịch sử và thời cuộc, vẫn còn nhớ, vẫn còn chăm lo dạy dỗ cho con cháu để chúng ta còn có được nền Nhã nhạc cung đình Việt Nam thông qua tất cả khả năng và trí nhớ của họ. Vốn di sản ấy bao gồm:

1- Dàn nhạc

a) Dàn Đại nhạc

- 01 trống lớn
- 01 trống chiến
- 01 trống bồng
- 01 não bạt
- 01 mõ sừng trâu
- 01 trống cơm
- 01 kèn đại
- 01 kèn trung
- 01 đàn nhị

b) Dàn Tiểu nhạc

- 01 trống bản
- 01 não bạt
- 01 mõ sừng trâu
- 01 phách tiền
- 01 tam âm la
- 01 sáo
- 01 tam
- 01 tỳ
- 01 nhị
- 01 nguyệt

2- Nhạc mục trình tấu của Nhã nhạc.

a) Nhạc mục của Đại nhạc

- Bài Tam luân cửu chuyển-phát-hiệp.
- Bài Đăng đàn
- Bài Xàng xê
- Bài Kèn chiến
- Bài Nam-cung ai-cung bằng
- Bài Kèn thoét
- Bài Phú lục
- Bài Tẩu mã
- Bài Thái bình

b) Nhạc mục của Tiểu nhạc

- Mười bản ngự (10 bản Liên hường): Phẩm tuyết, Nghiên tiêu, Hồ quảng, Liên hoàn, Bình bán, Tây mai, Kim tiền, Xuân phong, Long hổ, Tẩu mã.
- Ngũ đối thượng
- Ngũ đối hạ
- Long ngâm
- Long đăng
- Tiểu khúc

Nếu đem so sánh hai đàn Tiểu nhạc và Đại nhạc còn lại hôm nay với hai dàn Tiểu nhạc và Đại nhạc thời Hồng Đức, chúng ta có thể nhận thấy những nét cơ bản ở hai đàn Tiểu nhạc và Đại nhạc của hai triều đại có sự thống nhất về cấu trúc:

1- Hai đàn Tiểu nhạc cùng lấy nhạc cụ Ty trúc làm nòng cốt.

2- Hai đàn Đại nhạc đều lấy nhạc cụ hơi Dăm kép và nhạc cụ Âm bào làm nòng cốt.

Điều này biểu hiện sự duy trì bền vững Nhã nhạc trong suốt quá trình lịch sử của các vương triều Việt Nam. Chỉ tiếc rằng ngày hôm nay chúng ta không còn có được dàn Huyền nhạc, dàn nhạc lấy tiếng kim, tiếng thạch làm trọng; dàn nhạc thể hiện sự chế tác nhạc cụ kim khí chính xác và tinh xảo của cha ông ta.

Tuy nhiên, hai dàn Tiểu nhạc và Đại nhạc cùng với những nhạc mục còn lại cũng đã chứng tỏ được Nhã nhạc cung đình Việt Nam có giá trị văn hoá và nghệ thuật rất cao. Trước hết là những nhạc cụ được chế tác tinh xảo, đẹp đẽ khác hẳn những nhạc cụ nơi dân gian. Nhạc cụ có đủ các âm cao thấp khác nhau, được chế tác trên nhiều chất liệu như gỗ, da, trúc, đất, đồng, đá. Nhạc công là những người biểu diễn điêu luyện, uyên thâm về nhạc luật. Họ nắm vững phương pháp truyền dạy âm nhạc đồng thời họ được ở trong một tổ chức nghề nghiệp chặt chẽ.

Nhã nhạc cung đình Việt Nam có sức lan toả và góp phần ảnh hưởng rộng rãi đến toàn bộ nền âm nhạc cổ truyền Việt Nam. Từ Nhã nhạc đã sinh ra nhiều hình thức nhạc tế lễ khác ở các đình làng, đã sinh ra ca nhạc thính phòng Huế, và ca đàn Tài từ Nam bộ về sau này.

Chính những giá trị đích thực của Nhã nhạc, mà thời nhà Thanh, các sử gia Trung Hoa đã gọi Nhã nhạc cung đình Việt là “An Nam Quốc nhạc” và đến năm 1802 vua Gia Long đã đổi tên thành “Việt Nam Quốc nhạc”. Làm thế nào để “Quốc nhạc Việt Nam” trường tồn? đó là vấn đề buộc chúng ta phải suy nghĩ và tìm đến những giải pháp và hành động tích cực để bảo tồn, nguyên vẹn hình thức Quốc nhạc này.

Để kết thúc bài viết của mình, chúng tôi xin gửi lời cảnh báo tới những ai đang muốn cải cách, cải tiến, hiện đại hoá Nhã nhạc, hãy dừng lại ý nghĩ và hành động của mình, để Nhã nhạc - Quốc nhạc cổ truyền của chúng ta mãi mãi sánh cùng với Ya yua Trung Quốc, Gagaku Nhật Bản, Ah AK, Tang AK, Hyang AK Triều Tiên, những hình thức Nhã nhạc của các quốc gia Châu Á quanh ta.

Đặng Hoành Loan
Tài sản của XuyVuu

Trả Lời Với Trích Dẫn