Xem bài viết đơn
  #1  
Old 20-04-2008, 04:12 AM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Người cán bộ công an góp phần không nhỏ vào chiến thắng Biên giới 1950-Ngô Thanh Hằng

Người cán bộ công an góp phần không nhỏ vào chiến thắng Biên giới 1950
9:00, 29/12/2007

--------------------------------------------------------------------------------

Ngay đêm đó, thùng bản đồ được chuyển tới lực lượng bộ đội đóng ở Phủ Lỗ và lập tức được đưa lên chiến khu. Căn cứ vào những tấm bản đồ này, quân đội đã lên kế hoạch tác chiến và 5 tháng sau đã mở Chiến dịch Biên giới và kết thúc thắng lợi.

Quá trình viết loạt bài đi tìm thân nhân các liệt sĩ Công an Hà Nội hy sinh thời kỳ đầu kháng Pháp, tôi được nghe các cán bộ Công an hoạt động bí mật thuở ấy nhắc nhiều đến ông Minh Đông. Hình như nhiều mắt xích của các câu chuyện hoạt động bí mật của Công an Hà Nội năm tháng ấy đều liên quan đến ông.

Ông là người bị địch bắt cùng đợt với các chiến sĩ Công an Nguyễn Văn Quang và Nguyễn Văn Vân cắm cờ trên đỉnh Tháp Rùa ngày 19/5/1948 (sau đó bị sát hại), nhưng ông may mắn vượt ngục thành công. Ông cũng là người đã nuôi giấu ông Lê Nghĩa - Phó ty Công an Hà Nội, sau vụ cướp tù nổi tiếng ở nhà thương Phủ Doãn.

Cũng chính ông là một trong những người đã lo nơi ăn chốn ở an toàn cho ông Nguyễn Tài - khi đó là Trưởng ty Công an Hà Nội (sau này là Anh hùng LLVTND, Thứ trưởng Bộ Công an) vào nội thành hoạt động.

Nhắc đến ông, Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh – nguyên Phó tổng cục trưởng Tổng Cục XDLL CAND, xúc động: "Ông Minh Đông chính là người anh, người đồng chí dẫn dắt tôi vào con đường hoạt động cách mạng".

Một điều mà đến nay vẫn không mấy người được biết: thắng lợi của Chiến dịch Biên giới 1950 có sự đóng góp không nhỏ của ông, với chiến công lấy được của địch những tấm bản đồ quân sự tuỵệt mật – tài liệu cực kỳ quan trọng – rồi chuyển lên chiến khu Việt Bắc, để quân đội nghiên cứu đề ra kế hoạch tác chiến.

Chiến công thầm lặng của ông cùng tình cảm trân trọng của đồng đội dành cho ông, khiến tôi mong muốn được gặp ông. Nhưng cũng phải “mai phục” nhiều ngày mới có dịp, khi ông cùng vợ từ TP HCM ra thăm Hà Nội.

Không giống sự hình dung của tôi về một sĩ quan Công an từng vào sinh ra tử, ông thật giản dị với nụ cười hiền. Nhưng cũng phải nằn nì mãi, ông mới chịu kể về những chiến công của mình.

Vào thành

Một đời hoạt động bí mật trong lòng địch, nên gần như tên thật của ông không ai còn nhớ. Mọi người vẫn gọi là Nguyễn Minh Đông hay Tư Châu, nhưng tên thật của ông là Bùi Văn Thịnh, quê ở Ngũ Lão, Thủy Nguyên, Hải Phòng.

Từ khi cách mạng còn trứng nước, ông đã là chiến sĩ công an nổi danh của Sở Trinh sát Bắc Bộ, thuộc Nha Công an TW. Năm 1946, 19 tuổi, ông đã là Đội phó Đội Thiếu niên Bát Sắt (Đội trưởng là ông Trần Vân – nguyên Cục trưởng Cục A18, Bộ Công an).

Tết Đinh Hợi 1947, ông cùng 2 người nữa được đồng chí Lê Quang Hòa, Quận trưởng Công an quận 6 chỉ đạo vào nội thành Hà Nội hoạt động, để nắm tình hình quân Pháp cũng như phong trào cách mạng và đời sống nhân dân.

Đến Cửa Nam, ông và đồng đội bị Pháp bắt, rồi đưa 3 người đi làm lao dịch. Thiếu tướng Nguyễn Đức Minh nhớ lại: Lợi dụng ngay cái vỏ bọc làm cho Pháp, ông Minh Đông cậy cục xin cấp thẻ thông hành, rồi chính ông là người đầu tiên chuyển mẫu giấy thông hành ra căn cứ để làm giả cho anh em tiếp tục vào nội thành hoạt động.

Sống giữa lòng địch, nhưng ông Minh Đông và đồng đội vẫn tìm mọi cách để hoạt động cách mạng: chuẩn bị cơ sở tốt để anh em vào sau hoạt động, tuyên truyền chống Pháp, tập hợp học sinh các trường ở Hà Nội dán áp phích, rải truyền đơn v.v...

Theo chỉ đạo từ căn cứ, ông và đồng đội đã gặp các nhà trí thức lớn còn kẹt lại Hà Nội như ông Hoàng Xuân Hãn, ông Phạm Khắc Hòe, ông Nguyễn Mạnh Hà, ông Đặng Phúc Thông (có 2 ông sau làm Bộ trưởng trong Chính phủ ta), v.v... để chuyển thư của các đồng chí Phạm Văn Đồng, Võ Nguyên Giáp, mời họ lên chiến khu tham gia cách mạng; nếu vì hoàn cảnh không ra vùng tự do được thì tiếp tục ủng hộ cách mạng, hoặc không hợp tác với giặc.

Nhận được thư của đồng chí Phạm Văn Đồng và đồng chí Võ Nguyên Giáp, 3 người trên và dược sĩ Thẩm Hoàng Tín, sau đó đã nhiều lần gửi thuốc men ra chiến khu ủng hộ cách mạng.

Những tấm bản đồ tuyệt mật

Cuối năm 1949, quân ta gấp rút chuẩn bị Chiến dịch Biên giới, nhưng lại không có bản đồ quân sự, do ta chưa có nhà in, mà không thể vẽ vì bản đồ quân sự đòi hỏi rất chi tiết. Vì thế, bên Quân đội đề nghị Công an Hà Nội giúp đỡ.

Nhiệm vụ hết sức khó khăn và nguy hiểm là bằng mọi giá phải sớm lấy được bản đồ quân sự biên giới phía Bắc, đã được Phòng Điệp báo Công an Hà Nội giao cho ông Minh Đông - lúc này là Tổ trưởng Tổ giao liên điệp báo Công an quận.

Lần mò qua rất nhiều đầu mối, cuối cùng, ông Minh Đông biết ở Viễn Đông Bát Cổ - nơi lưu trữ tài liệu, có in bản đồ phục vụ quân đội Pháp. Ông tìm cách gây dựng cơ sở rồi bắt liên lạc với ông Nguyễn Hữu Đức, một nhân viên làm việc tại đây. Nhưng việc lấy bản đồ ra khỏi các trạm gác của nơi in ấn không đơn giản.

Song, với sự kiên trì và mưu trí, mỗi ngày một mảnh nhỏ, sau gần 2 tháng, ông Đức và ông Minh Đông đã lấy được mấy chục tấm bản đồ, đóng vào thùng cáctông.

Lúc này, đưa số bản đồ ra khỏi Hà Nội cũng là việc cực kỳ nan giải, vì các chốt gác của Pháp dày đặc, chưa kể các nhóm tuần tra trên đường. Bàn đi tính lại mãi mà vẫn chưa nghĩ ra cách chuyển được số bản đồ về căn cứ trong khi yêu cầu rất cấp bách, cuối cùng, các ông mạo hiểm nhờ vợ ông Nguyễn Quý Hùng - thành viên BCH Quốc dân đảng, là Chủ tịch Hội Chữ thập đỏ, quen biết rộng, lại có ôtô riêng.

Để giúp ông Minh Đông, bà phải mang theo 2 thùng rượu vang rải khắp các chốt gác, nên chuyến hàng đặc biệt đã không bị kiểm soát, mà đi thẳng ra Cổ Nhuế - nơi có trạm giao liên phía Bắc của ta.

Ngay đêm đó, thùng bản đồ được chuyển tới lực lượng bộ đội đóng ở Phủ Lỗ và lập tức được đưa lên chiến khu. Căn cứ vào những tấm bản đồ này, quân đội đã lên kế hoạch tác chiến và 5 tháng sau đã mở Chiến dịch Biên giới và kết thúc thắng lợi.

Nuôi giấu đồng đội vượt ngục

Vụ ông Lê Nghĩa được giải cứu khỏi nhà thương Phủ Doãn rất nổi tiếng, nhưng không mấy người biết rằng, giữa các cuộc vây ráp, truy tìm rầm rập của địch khi đó, chính ông Minh Đông là một cơ sở nuôi giấu ông Lê Nghĩa.

Đồng chí Minh Đông nhớ lại: ông Lê Nghĩa - lúc đó là Quận trưởng, bị địch bắn bị thương vào bụng, rồi bắt ở bót Hàng Đậu và đưa vào nhà thương Phủ Doãn điều trị.

Cơ sở của ta đã móc nối với bà Lê Hoàng Yến, vợ ông Nguyễn Hữu Đức và là y tá trong nhà thương, để bà Yến liên hệ với bác sĩ Phạm Biểu Tâm - người trực tiếp điều trị cho ông Lê Nghĩa, đề nghị tìm cách giữ ông Nghĩa ở lại nhà thương, đợi có thời cơ ta sẽ cứu.

Thoát khỏi tay địch, ông Nghĩa được đưa về nơi ở của ông Minh Đông, nằm ngay trong một trường Tây. Anh hùng LLVTND Nguyễn Tài còn nhớ, sau gần 1 tháng chữa chạy theo đơn thuốc của bác sĩ Phạm Biểu Tâm, vết thương của ông Nghĩa vẫn không khỏi, ông Minh Đông phải mời bác sĩ Nguyễn Viêm Hải (nhạc phụ của đồng chí Nguyễn Tài) chữa mới khỏi.

Hóa ra, bác sĩ Phạm Biểu Tâm kê đơn theo yêu cầu của cơ sở cách mạng là không cho vết thương của đồng chí Lê Nghĩa mau khỏi, để chờ thời cơ cứu ông.

Đây là giai đoạn vô cùng nguy hiểm, vì ông Minh Đông cũng đang ở tại cơ sở do ông xây dựng - một người phụ nữ tên là Kính, nhận ông làm em, giúp việc cho ông giáo sư người Pháp.

Hơn nữa, lúc này báo chí liên tục đưa tin về vụ “cướp tù” ở nhà thương Phủ Doãn và địch lùng sục rất gắt gao. Sự nguy hiểm càng cao khi đúng thời điểm này, ông Minh Đông lại bị một tên phản động chỉ điểm nên bị bắt vào Sở Mật thám.

Mọi người lo lắng vì sợ ông sẽ khai ra ông Nghĩa, nhưng ông Minh Đông đã hết sức giữ bí mật để bảo vệ đồng đội. Mấy tháng sau, khi ông Minh Đông ra tù, ông Nghĩa mới rời khỏi Hà Nội.

Vĩ thanh

Miền Bắc được giải phóng, nhưng cuộc đời người chiến sĩ an ninh đâu có được thanh nhàn. Năm 1965, ông Minh Đông lại lên đường vào Nam, trở thành Đội trưởng Đội An ninh T4, Phòng Điệp báo Công an Sài Gòn. Cuối năm 1968, ông bị địch bắt, đày ra Côn Đảo, đến 1973 mới được về đất liền.

Năm 1974, sau khi được trao trả tại Lộc Ninh, ông về lại Ban An ninh T4 Công an Sài Gòn - Gia Định, và khi cuộc Tổng tiến công và nổi dậy năm 1975 bắt đầu, ông đã có mặt trong đội quân chiếm lĩnh Ty Cảnh sát Hàng Keo, Tòa Tỉnh trưởng Gia Định.

Sau giải phóng, cái tên Tư Châu (tức Minh Đông) từng là nỗi kinh hoàng của bọn tội phạm và nhắc đến tên ông là người ta nhớ đến những chiến công nổi danh trong vụ án Hồ Con Rùa, vụ ở nhà thờ Vinh Sơn, vụ bắt tên phản động Nguyễn Văn Vàng v.v...

Một trong những chiến công của ông và đồng đội đã đi vào điện ảnh với bộ phim mang tên “Vụ án Hồ Con Rùa”. Vợ ông, bà Lê Thị Minh Châu - bùi ngùi: "Đất nước thống nhất, hai vợ chồng mới được gặp nhau". Bà phải chuyển công tác vào cùng ông. Nhưng, ông vẫn say đánh án đến nỗi đi miết.

Việc gia đình vẫn một tay bà lo, như bao năm tháng ông hoạt động trong lòng địch. Thế mới biết, sự hy sinh của những người chiến sĩ Công an thật lớn lao, nhưng sự hy sinh của vợ, con, cha mẹ họ cũng không kém.

Tham gia cả hai cuộc kháng chiến với mấy lần vào tù ra tội, cuộc đời ông Minh Đông đã cùng đồng chí, đồng đội đóng góp nhiều chiến công thầm lặng vào trang sử vẻ vang của Lực lượng Công an.

Năm 1985, ông nghỉ hưu và sống tại TP HCM. Có lẽ, đến lúc mái đầu đã pha sương, ông mới có thời gian chăm lo cho vợ con, như bù lại bao năm đằng đẵng xa nhà để người bạn đời phải một mình chờ đợi, nuôi con trong nỗi lo âu khắc khoải...
Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn