Xem bài viết đơn
  #1  
Old 28-06-2008, 09:35 AM
killer1310 killer1310 is offline
Diệt Thế Ma Thần
 
Tham gia: May 2008
Đến từ: tp ho chi minh
Bài gởi: 217
Thời gian online: 87528
Xu: 0
Thanks: 2
Thanked 0 Times in 0 Posts
Chiến tranh nhìn từ nhiều phía

Anh Nguyễn Xuân Hoàng nhờ tôi viết mục Sổ Tay cho Văn số này. Tôi chưa bao giờ phụ trách mục gì cho bất cứ báo nào. Những bài tôi viết chỉ là những sáng tác “tự do": thơ, truyện, tùy bút, tiểu luận. Viết Sổ Tay thì phải đề cập ít nhiều đến nội dung của số báo sắp ra. Nhưng tôi không có trong tay ngay cả mục lục của số báo, và tôi chỉ có một đêm để viết cho kịp “deadline" mà anh Hoàng nhờ. Tôi gọi điện thoại, anh Hoàng nói: “Hạo muốn viết gì cứ viết, coi như một bài tùy bút". Vâng, đây chỉ là bài tùy bút của tôi, đăng vào mục Sổ Tay thế chỗ cho người chủ bút bận việc, không liên quan gì đến quan điểm của tạp chí Văn.
Tôi nhận lời, nhưng chưa nghĩ ra sẽ viết về điều gì. Rồi tôi tự hỏi, sao không bắt đầu bằng chính những ý nghĩ của tôi về nhà văn Nguyễn Xuân Hoàng, người tôi vừa nói chuyện xong trên điện thoại.

Tôi chưa bao giờ gặp mặt anh Nguyễn Xuân Hoàng. Thỉnh thoảng tôi liên lạc với anh qua email, gấp thì gọi điện thoại, nói dăm câu cần thiết, không bao giờ ra ngoài phạm vi công việc. Tôi không có cơ hội quen biết nhiều người làm văn nghệ ở đây, mặc dù tôi sống cách Little Saigon chỉ hai giờ lái xe. Không rõ vì sao, nhưng thật sự tôi hơi ngại gặp họ. Có thể vì cách biệt tuổi tác? Tôi nghĩ ở Mỹ, cái hố ngăn cách thế hệ rộng hơn ở Việt Nam. Một người lớn tuổi và một người trẻ ở Việt Nam chỉ cách biệt nhau về tuổi tác, kinh nghiệm. Nhưng cũng hai người đó, nếu sống ở Mỹ, ngoài những cách biệt về tuổi tác và kinh nghiệm, còn có những cách biệt về ngôn ngữ, về mức độ đậm nhạt văn hóa Việt-Mỹ, về mối liên hệ với quê hương, về quan điểm chính trị. Cái hố ngôn ngữ-văn hóa giữa các thế hệ người Việt ở đây rộng đến nỗi đôi khi trong cùng một nhà, cha mẹ con cái gần như không thể trò chuyện được với nhau. Tôi sang Mỹ khi đã lớn. Có nghĩa tôi rất “Mít". Nhưng thật tình, tôi vẫn thấy ngại khi phải tiếp xúc với những người làm văn nghệ thuộc thế hệ trước. Có thể một phần vì bản tính tôi không chủ động trong những quan hệ.
Anh Nguyễn Xuân Hoàng là một trong hai người làm văn nghệ từ trước 1975 ở hải ngoại mà tôi quen. Người kia là anh Khánh Trường. Cả hai đều là những người tôi cảm thấy gần gũi khi tiếp xúc, dù với anh Hoàng, chỉ là những tiếp xúc qua thư từ, điện thoại. Người ta đang đề cao một thứ văn chương tách biệt khỏi nhân cách nhà văn. Tôi biết vậy. Nhưng riêng tôi, trong tư cách một người đọc, người làm thơ, tôi vẫn giành cho mình quyền được yêu mến “con người" các nhà văn qua tác phẩm. Tôi không tìm cách tranh cãi hay thuyết phục ai với quan niệm “lỗi thời" của tôi. Ðây chỉ là chuyện cá nhân. Ðọc Nguyễn Xuân Hoàng, bao giờ tôi cũng hình dung một nhân cách mẫn cảm, sâu sắc, và dịu dàng. Nguyễn Xuân Hoàng có lẽ thuộc vào số những người làm văn chương có khả năng đứng lùi ra khỏi văn chương để nhìn thấy cái chiều kích lớn hơn của đời sống. Anh làm văn chương nhưng không “sân si" vì văn chương, không quên rằng văn chương, xét cho cùng, chỉ là một trò nhảm trước cái chết. Ðây là mẫu nhà văn luôn ám ảnh tôi. Tôi đã lớn lên với tác phẩm của những nhà văn mà khi đọc họ, tôi nghĩ họ là những người bạn tinh tế. Ðọc Nguyễn Xuân Hoàng, tôi có cảm giác đó. Tôi cũng yêu mến Thanh Tâm Tuyền, Dương Nghiêm Mậu, Võ Ðình ,và Thường Quán qua văn chương trong một cung cách như vậy, mặc dù tôi chưa bao giờ gặp họ.
Vừa rồi nhân dự một hội nghị ở Ðại Học UC Bekerley, tôi có gặp vài người Việt trẻ đang theo học tiến sĩ các ngành văn chương, xã hội học Ðông Nam Á. Trong số họ có người làm thơ tiếng Việt, có người viết truyện bằng tiếng Anh và đang tìm người dịch tác phẩm sang tiếng Việt. Những người này khiến tôi ít nhiều lạc quan về một lớp độc giả mới của văn chương hải ngoại, tuy không nhiều, nhưng là những người đọc giỏi, rất có kiến thức. Một cô trong số này, Quân Trần, đang có ý định nghiên cứu về văn chương miền Nam trước 1975. Các sách trước 1975 phần nhiều được in lại ở hải ngoại hoặc được sưu tập bởi thư viện các đại học lớn như Cornell. Nhưng các báo, tạp chí thì không được đầy đủ lắm, rải rác mỗi nơi một ít. Tạp chí Sáng Tạo hiện có ở thư viện Cornell, số 1 đến số 15 năm 1956-1957, số 16 đến số 27 năm 1958, số 1 đến số 7 năm 1961, và một số bản chụp microfilm. Báo chí rất quan trọng trong việc dựng lại bộ mặt văn chương một thời. Nó chứa nhiều sáng tác không được in thành sách của các tác giả, và quan trọng hơn, chứa nhiều tranh luận, điểm sách, tin văn nghệ mà không thể tìm ở nguồn tài liệu nào khác. Sách báo Việt Nam xuất bản không nhiều, lại còn bị chiến tranh tàn phá, bị hủy bỏ, ngăn cấm, nên những người trẻ giờ đây muốn nghiên cứu gì cũng gặp khó khăn về tài liệu. Ngay bây giờ, nếu ở Việt Nam, các thư viện bắt đầu kiểm kê, sưu tập lại sách báo trước 1975, hy vọng vẫn kịp. Ðể lâu hơn nữa, có thể chẳng còn gì. Lúc đó có tiền cũng vô ích.
Nhắc đến văn chương miền Nam trước 1975, tôi nhớ lời Nguyễn Quốc Chánh nhân một buổi tối ngồi ở quán bia lề đường Sài Gòn cách đây gần hai năm. Chánh nói, “đời sống văn chương Sài Gòn trước 1975 thật đã, Hiện Sinh rắc một chút phấn vàng lên mọi thứ". Tôi phá lên cười, nhưng hiểu ý Chánh. Một người đọc nhiều, hiểu biết như Chánh thừa biết thời của Hiện Sinh đã qua; và ngay trong những ngày vàng son của nó ở Sài gòn, chắc cũng không ít trò sến. Ðiều mà Chánh muốn nói, tôi hiểu, là một không khí trí thức, một thái độ làm văn nghệ với ý thức về sự phi lý sau cùng của mọi sự để không quá cay cú, quá “ăn thua đủ" với văn chương. Tôi đã gặp Nguyễn Thị Hoàng. Một thời gian dài bà hay ngồi buổi tối ở quán bar của gia đình trên đường Lý Tự Trọng. Một người phụ nữ mà thời gian và những truân chuyên của đời sống dường như không chạm tới được. Bà hay ngồi một mình trong góc, quan sát cái đám đông ồn ào với đôi mắt thẳm sâu trong bóng tối. Lối nói chuyện nhát gừng của bà cũng hấp dẫn như cái huyền thoại văn chương mà bà tạo nên. Nếu tôi là người làm phim, tôi sẽ làm một cuốn phim tài liệu về những nhà văn Sài Gòn còn sót lại như Nguyễn Thị Hoàng, Dương Nghiễm Mậu, Nguyễn Ðức Sơn, Trần Thị NgH., Huy Tưởng, Nguyễn Thụy Long... Họ là những nhân chứng vô giá của một thời văn học sáng giá. Họ đã luôn ở đó, Sài gòn, qua tất các biến động kinh hồn của một cuộc chuyển đời. Những người thuộc lớp hậu sinh như Chánh và tôi hay nghĩ về văn chương Sài Gòn trước 1975 với ít nhiều thi vị hóa. Về mặt tâm lý, có lẽ phần nào vì chúng tôi quá chán ngán với sự cục mịch của sinh hoạt văn chương hôm nay. Vụ “Trò Chuyện Với Hoa Thủy Tiên" của Nguyễn Huy Thiệp gần đây là một ví dụ. Không đâu vào đâu cả. Người khiêu khích thì thô, người tấn công thì phô. Trước đây, người ta “ngông" bằng triết học như Phạm Công Thiện, “điên" bằng thơ ca như Bùi Giáng. Có một sự dễ thương trí thức trong các hiện tượng văn nghệ “bất thường" đó. Còn bây giờ thì không, những sự “bất thường" hôm nay chỉ khiến chúng ta buồn nản vì vẻ thô lỗ thực dụng của nó.
Nhắc đến Phạm Công Thiện, tôi chắc nhiều người cũng như tôi, khi mới lớn ít nhiều đều bị mê hoặc bởi các tác phẩm “triết học" của ông. Dĩ nhiên khi trưởng thành hơn một chút, tôi nhận ra những sách gọi là “triết học" của Phạm Công Thiện thật ra chỉ là những tác phẩm thơ ca. Chúng lộn xộn, đầy cảm tính, và không trình bày một vấn đề triết học nào đến đầu đến đuôi. Nhưng chúng làm ta say đắm vì sự mãnh liệt của cảm xúc, sự rực sáng của thông tuệ. Tác phẩm hay nhất của Phạm Công Thiện với tôi là tập thơ “Ngày Sinh Của Rắn". Mười bài thơ trong tập sách mỏng này thật tuyệt diệu. Tôi đã đọc đi đọc lại chúng trong những đêm lạnh một mình ở Seattle những ngày mới qua Mỹ.
Tôi cũng vừa mới đọc bài viết đăng lại trên talawas của Phùng Hà Phủ kể chuyện bố ông, nhà thơ Phùng Cung. Tôi chưa đọc nhiều văn chương Phùng Cung. Nhưng việc người ta giam một nhà thơ 12 năm tù chỉ vì tư tưởng nghệ thuật của ông thì thật kinh hoàng. Tôi tự hỏi Phùng Cung đã nghĩ gì suốt 12 năm dài trong tù. Tôi tự hỏi gia đình ông, con cái ông đã trải qua những thiếu thốn, kỳ thị, lo sợ như thế nào suốt thời gian đó; và thơ ca nào, triết học nào có thể nâng đỡ con người trong nỗi đau khổ to lớn như vậy. Ðôi khi nhân danh nghệ thuật, chúng ta mang văn chương đi quá xa khỏi đời sống. Những số phận nghệ sĩ như Phùng Cung nhắc nhở chúng ta về sự phù phiếm của kiểu văn chương như vậy. Một sự phù phiếm đáng xấu hổ.
Khi tôi đang viết những giòng này thì biết được tin về vụ chặt đầu Nick Berg, một thanh niên 26 tuổi người Mỹ làm việc ở Iraq. Những bức ảnh từ internet video cho thấy năm kẻ khủng bố bịt mặt đứng phía sau Nick, bị trói quặt tay sau lưng ngồi dưới đất. Một tên bịt mặt nắm tóc, kéo đầu người thanh niên về một bên, tên khác rút dao cắt cổ Nick trong khi anh đang hoàn toàn tỉnh táo. Xong, chúng giơ cao đầu người thanh niên trước ống kính máy quay. Kiểu xử tử Trung Cổ này chắc không phải xảy ra lần đầu trong lịch sử, điều khác biệt là giờ đây nó được truyền đi sống động qua internet đến hàng tỉ người trên thế giới. Sự đối lập giữa internet, cái “hình thức" văn minh thời đại công nghệ Hậu Hiện Ðại, với “nội dung" dã man Trung Cổ khiến ta choáng váng. Trong phút chốc, sự mâu thuẫn tột độ này như một bộc thuốc nổ giật sập hàng thế kỷ văn minh thành tro bụi. Trong phút chốc, nó khiến ta không còn thiết tha việc làm người. Ta chỉ muốn trả thù.
Bài viết này bắt đầu với những ý nghĩ tốt đẹp về một nhà văn mà tôi yêu mến, kết thúc với hình ảnh đẫm máu của một vụ giết người mọi rợ. Giữa hai đoạn này là một chút văn chương.
Ðây là những ngày tháng Năm năm 2004 của tôi.
Tài sản của killer1310

Trả Lời Với Trích Dẫn