Xem bài viết đơn
  #1  
Old 07-04-2008, 08:47 PM
tarta12a's Avatar
tarta12a tarta12a is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Feb 2008
Bài gởi: 1,035
Thời gian online: 2140
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 35 Times in 18 Posts
Phan Khôi: Ngự Sử Văn đàn - Nguyễn đăng điệp

1. Nhập thế và say sưa cái mới

Ngạn ngữ có câu: “Người Quảng Nam hay cãi”. Điều đó thật đúng với Phan Khôi. Nhưng vốn không phải là người bảo thủ, vì thế, Phan Khôi không rơi vào tình trạng lý sự cùn, cãi lấy được mà nhiều cây bút vốn tình sâu nghĩa nặng với nền Hán học cuối mùa thường mắc phải. Trái lại, Phan Khôi là người khá nhạy cảm trước cái mới. Trong vòng mấy chục năm đầu thế kỷ XX, Phan Khôi là một cây bút xông xáo và nổi bật. Ông được mệnh danh là “ngự sử văn đàn”. Các bài báo của Phan Khôi về văn học và văn hóa được nhiều người tìm đọc vì trong những bài viết ấy, người ta sẽ tìm thấy một vài điều thú vị nào đó. Có thể, họ thú vị vì sự cẩn trọng của một người uyên thâm Nho học bàn về Nho giáo, vì tinh thần duy lý và cách phân tích các vấn đề sắc sảo, có thể vì tinh thần phê phán thấm đầy trong các trang viết của ông và cũng có thể, vì cách nói rất “gàn” kiểu Phan Khôi. Nỗ lực của Phan Khôi là muốn thúc đẩy nhanh hơn tiến trình đổi mới, muốn tham góp một tiếng nói mạnh mẽ vì tư tưởng duy tân. Trong lãnh địa văn học, bài thơ Tình già của ông (in trên Phụ nữ tân văn 1932) được coi là một trong những bài thơ mở đầu cho sự ra đời của Thơ mới. Ông đã tạo nên một lối thơ: “đem ý thật trong tâm khảm mình tả ra bằng những câu có vần mà không bó buộc bởi niêm luật gì hết” tạm gọi là Thơ mới. Khi nhận thấy thơ cũ đã trở nên bạc màu, mòn sáo, ông lập tức cổ vũ cho công cuộc đổi mới thơ. Tuy nhiên, Phan Khôi không dồn sức vào lĩnh vực sáng tác. Hoạt động văn học của ông chủ yếu diễn ra qua các cuộc tranh luận trên báo chí. Ông viết cho nhiều báo và tạp chí khác nhau như Phụ nữ tân văn, Hữu Thanh tạp chí, Nam Phong, Đông Tây thời báo, Phụ nữ thời đàm, Sông Hương, Tao đàn, Hà Nội báo, Tri tân, Thần Chung, Thực nghiệp dân báo, Trung Lập báo… Những bài viết chuyên về văn học của ông chủ yếu được tập hợp trong trong Chương Dân thi thoại (Tên ban đầu: Nam âm thi thoại).

Phan Khôi sinh ngày 20-8-1887, quê ở làng Bảo An, Điện Bàn, Quảng Nam. Ông xuất thân trong một gia đình có truyền thống khoa bảng. Thân phụ ông là Phan Trần, tri phủ Diên Khánh thời nhà Nguyễn, ông ngoại là Tổng đốc Hoàng Diệu, người nổi tiếng vì tử tiết ở thành Hà Nội. Năm 1905, Phan Khôi đỗ tú tài Hán học. Vốn là một người thông minh, nhạy cảm trước cái mới và giàu tinh thần nhập thế, Phan Khôi tham gia các phong trào cách mạng như Duy Tân, Đông Kinh nghĩa thục… Ông cũng từng bị bắt giam một thời gian. Thực ra, với vốn Hán học vững vàng, lại thông minh sắc sảo, Phan Khôi hoàn toàn có thể đi theo con đường khoa cử. Nhưng ông đã quay lưng lại với chữ nghĩa trường quy, hớt tóc, theo học Pháp ngữ và quốc ngữ. Chính môi trường cách mạng sôi động những năm đầu thế kỷ đã cuốn Phan Khôi vào hoạt động báo chí. Cách mạng Tân Hợi 1911, phong trào Ngũ Tứ 1919 ở Trung Hoa cùng với làn sóng tân thư cũng ảnh hưởng không nhỏ đến Phan Khôi. Nhờ tiếp thu được những tư tưởng tiến bộ ấy mà Phan Khôi đã bàn luận một cách thẳng thắn về vai trò người phụ nữ trong thời đại mới, chủ trương phải tạo nên một môi trường sống bình đẳng cho người phụ nữ, đặt lại vai trò người trí thức trong vận hội mới của dân tộc… Ông đề cập đến hàng loạt vấn đề mà chắc chắn nhiều cây bút thủ cựu e ngại như: Nền văn học với phụ nữ, Văn học với nữ tánh, Chữ trinh, cái tiết và cái nết, Vấn đề giải phóng phụ nữ với nhân sinh… Trong những bài viết này, Phan Khôi cho rằng phụ nữ có quyền bình đẳng với nam giới, phụ nữ không phải là những người chỉ biết quẩn quanh nơi góc nhà xó bếp mà họ có quyền tham gia các hoạt động xã hội, có quyền được học hành và nuôi chí tiến thủ. Có thể nói, Phan Khôi xứng danh là một trong những người khởi xướng phong trào “nữ quyền” ở nước ta ngay từ những năm đầu thế kỷ XX. Mặc dù tung hoành trên nhiều lĩnh vực khác nhau, xuất hiện trên nhiều loại diễn đàn khác nhau nhưng thời kỳ sung sức nhất của Phan Khôi là quãng thời gian ông làm chủ bút Phụ nữ tân văn (do Đào Trinh Nhất phụ trách). Đây là tờ báo lớn, phát hành trong cả nước. Trong hàng loạt bài báo mang đầy màu sắc luận chiến, Phan Khôi luôn đề cập đến những vấn đề nóng bỏng và bức thiết đang được mọi người quan tâm. Ngoài ra, ông cũng có những đóng góp quan trọng trong lĩnh vực nghiên cứu ngôn ngữ và văn tự. Ông quan tâm đến chuyện viết quốc ngữ phải viết cho đúng, đính chính lại những chữ mà người ta hay dùng sai nghĩa , việc dùng điển trong thơ văn và chú thích, cách đặt các quán từ, cách đặt đại danh từ, cách đặt động từ… Mặc dù đây là những bài viết nhỏ nhưng lại có ý nghĩa khá quan trọng khi mà chữ quốc ngữ đang trên đường hoàn thiện. Những bài báo của Phan Khôi bao giờ cũng gây được sự chú ý của người đọc bởi tính thẳng thắn trong suy nghĩ và cách trình bày hấp dẫn, rành mạch, in đậm chất duy lý. Mong muốn của ông là văn phạm nước nhà phải chuẩn xác, đúng quy cách và càng ngày càng giàu sức biểu đạt hơn. Đọc Phan Khôi, dễ nhận thấy điều nhất quán trong tinh thần học thuật của ông là ở chỗ, Phan Khôi luôn lấy chữ lý làm trọng. Với ông, tình nằm trong lý. Nhưng Phan Khôi không thuộc típ người mọt sách mà trong bản chất, ông là người ưa nhập thế, thích tranh luận để làm sáng tỏ chân lý. Những cuộc tranh luận ấy, hoặc là do ông khởi xướng, hoăc ông tham gia nhưng ở bất kỳ cuộc tranh luận nào ông cũng “say sưa và thành thật”. Chính trong những cuộc bút chiến này, tinh lực và độ sắc sảo của ngòi bút Phan Khôi được bộc lộ một cách rõ nét nhất. Tinh thần nhập thế và ý thức luôn tìm đến cái mới đã tạo nên tính cách Phan Khôi, tạo nên nguồn cảm hứng tranh luận trong ngòi bút của ông. Nhắc đến Phan Khôi là nhắc đến môn luận lý học. Ông đã vận dụng luận lý học để giải thích và xới lật nhiều vấn đề học thuật và tư tưởng. Bút lực của ông mạnh mẽ, ý tuởng dồi dào. Những kiến giải, minh đính của ông về Tống Nho bộc lộ một sở học chắc chắn, những bài viết về thi phú cho thấy sự tinh tế trong cảm nhận cái đẹp của Phan Khôi. Không những có công trong văn chương học thuật, ông là người có những đóng góp to lớn thúc đẩy sự phát triển của báo chí Việt Nam những năm đầu thế kỷ XX.

2. Những cuộc tranh luận

Cuộc tranh luận đầu tiên khiến dư luận quan tâm là cuộc tranh luận với Trần Trọng Kim do Phan Khôi khởi xướng và trên thực tế ông đóng vai “độc diễn” bởi Trần Trọng Kim đến hồi kết mới có “mấy lời…” trao đổi.

Trên Phụ nữ tân văn số 24 ngày 29.5.1930, Phan Khôi cho đăng bài Đọc cuốn Nho giáo của Trần Trọng Kim. Theo Phan Khôi lầm lẫn lớn nhất của học giả họ Trần là đã không phân biệt được Tống Nho, vì thế ông mới đem cả Phật, Lão vào Nho giáo. Không dừng lại ở đây, Phan Khôi cho đăng liền hàng loạt bài (đều in trên Phụ nữ tân văn) để bày tỏ quan điểm của mình. Ngoài việc chê trách Trần Trọng Kim về kiến thức, Phan Khôi còn bàn đến các lỗi khác mà không cần đợi Trần Trọng Kim lên tiếng: Cuốn Nho giáo gợi cho chúng tôi, nó bảo rằng: con người Việt Nam cần phải viết chữ quốc ngữ cho đúng, dùng danh từ cho đúng (Phụ nữ tân văn số 56 ngày 12-6-1930), Theo thuyết chánh danh đính chính lại cái tục xưng hô của người Việt Nam (Phụ nữ tân văn số 63 ngày 31-7-1930)… Những bài viết của Phan Khôi cho thấy chỗ mạnh của ông: kiến thức về Nho học chắc chắn, lý lẽ sắc bén, tuy không phải những nhận xét nào của ông cũng khiến đối thủ tâm phục khẩu phục. Cái đáng trọng của ngòi bút Phan Khôi là ông muốn thúc đẩy sự phát triển của nền học vấn nước nhà chứ không đơn giản là viết cho có chuyện. Trước những bài viết liên tiếp của Phan Khôi, Trần Trọng Kim khá lặng lẽ. Sau cùng ông mới cho in bài Mấy lời bàn với Phan tiên sinh về Khổng giáo (Phụ nữ tân văn số 60 ngày 10-7-1930). Trong bài viết này, một mặt họ Trần thừa nhận Phan Khôi có sở học vững vàng, nhiều chỗ góp ý của ông về Nho giáo hợp lý, nhưng, một cách nhã nhặn, ông cũng cho đối phương nhìn thấy những khó khăn của mình. Lặng lẽ và cẩn thận, ông Lệ thần này cũng rút ra được nhiều điều bổ ích nhờ sự góp ý thẳng thắn của Phan Khôi. Không phải ngẫu nhiên mà khi Phan Khôi góp ý về vô cực, thái cực, thoạt đầu Trần Trọng Kim còn tranh cãi (Phụ nữ tân văn số 60 ngày 10-7-1930) nhưng trong bản in lần thứ hai năm 1932, Trần Trọng Kim không còn bàn đến thuyết vô cực. Thực ra, dù có những mặt còn sơ lược nhưng Nho giáo của Trần Trọng Kim vẫn là một công trình có giá trị về khảo cứu. Bản thân Phan Khôi trên Phụ nữ tân văn số 54 ngày 29-5-1930 cũng thừa nhận “Một cuốn sách viết về Nho giáo tường tận tinh tế như vầy thiệt là trong cõi Việt Nam ta, từ xưa đến nay chưa hề có mà cũng chỉ người nào đã chịu phép “bóp tem” của khoa học như Trần Quân thì mới nói được ra”. Thái độ khoa học của Phan Khôi là một thái độ hợp lý. Không vì giá trị quyển sách mà e ngại vạch ra mặt khiếm khuyết bất cập của nó.

Ngoài cuộc tranh luận với Trần Trọng Kim, Phan Khôi còn tạo nên cuộc tranh luận khá sôi nổi với Phạm Quỳnh xung quanh vấn đề Truyện Kiều. Trên Nam Phong tạp chí số 30, ngày 29-12-1919, Phạm Quỳnh cho đăng bài nghiên cứu về Truyện Kiều, coi Truyện Kiều là một kiệt tác về văn chương, về tâm lý, triết lý… Nói gọn hơn, với Phạm Quỳnh, Truyện Kiều là “quốc hồn”, “quốc túy” của Việt Nam. Sau đó, Truyện Kiều còn được một số cây bút khác ca ngợi như Mấy lời bình luận về văn chương truyện Kiều của Nguyễn Tường Tam, Văn chương Truyện Kiều của Vũ Đình Long. Phải đến năm năm sau, cũng trên tờ Nam phong Ngô Đức Kế cho công bố quan điểm của ông về Truyện Kiều. Nhà chí sĩ này đã công kích kịch liệt động cơ chính trị của Phạm Quỳnh. Đặc biệt, trên tờ Hữu Thanh tạp chí số 21, Ngô Đức Kế đã không ngần ngại gọi Phạm Quỳnh là “kẻ đạo đức giả”, sở học nông cạn. Ông cho rằng Truyện Kiều là một dâm thư, có hại cho tinh thần người Việt, làm mềm yếu tinh thần con người. Phạm Quỳnh im lặng cho đến khi Ngô Đức Kế mất mới lên tiếng dè bỉu chí sĩ họ Ngô. Trước tình cảnh ấy, Phan Khôi công bố bài viết Cảnh cáo các nhà học phiệt (Phụ nữ tân văn số 62 ngày 24-7-1930). Trong bài viết này, Phan Khôi cho rằng chính Phạm quỳnh là kẻ học phiệt và tư tưởng học phiệt là một trong những nguyên nhân tạo nên sự nghèo nàn của văn học nước nhà. Vẫn như những cuộc tranh luận khác, Phan Khôi gay gắt một cách vô tư. Vì thế, những ý kiến của ông không làm mọi người chê trách. Người ta hoặc là chấp nhận ông, hoặc bỏ qua. Ngoài hai cuộc tranh luận trên, Phan Khôi còn tham gia các cuộc tranh luận về Quốc học, Con rồng cháu tiên, Duy tâm hay duy vật… Thành thực và say mê cái mới, Phan Khôi luôn mang tinh thần cầu tiến, không chịu trói mình trong các quy phạm. Với ông, nói sao cho đúng lòng mình, đúng với thực tế là tiêu chuẩn quan trọng nhất để tìm ra chân lý.

Nhưng cuộc tranh luận gắn với hoạt động văn chương nhiều hơn cả là cuộc tranh luận về thơ cũ/ thơ mới mà Phan Khôi là một nhân vật quan trọng trên sân khấu văn học thời ấy. Như đã nói, Phan Khôi là một người luôn theo đuổi cái mới. Bởi thế ông nhận ra rất nhanh sự mòn sáo của thơ Đường luật cuối thế kỷ XIX đầu thế kỷ XX. Thực ra thì không riêng gì Phan Khôi mà nhiều người đã nhận thấy ngày tàn của thơ Đường luật khi mà sức sống của nó đã cạn kiệt, không đủ sức cho phép nhà thơ phô diễn được một cách tự nhiên tình cảm, tâm tư. Bài thơ Tình già của Phan Khôi thực sự là một cú “sốc” cho phái thơ cũ. Về mặt nghệ thuật , bài thơ này chưa đạt đến mức làm cho phái thơ cũ nản lòng nhưng cách xây dựng dòng thơ, cách phô diễn cảm xúc của ông Tú Phan Khôi thì quả thực đã là Một lối thơ mới trình chánh giữa làng thơ. Như vậy, vị trí lịch sử của Phan Khôi đã được xác lập qua việc khởi xướng phong trào thơ mới. Tiếp theo ông, Lưu Trọng Lư, Nguyễn Thị Kiêm, Lê Tràng Kiều… luôn luôn tìm cách diễn thuyết để khuếch trương thanh thế của Thơ mới. Diễn đàn bênh vực thơ mới chuyển dần từ Phụ nữ tân văn qua Phong Hóa và sau đó là sự tham gia cuả các tờ Tiểu thuyết thứ bảy, Loa, Hà Nội báo, Ngày nay… Sau nhiều cuộc tranh luận giữa hai phe, vào năm 1933, khi con hổ trong Nhớ rừng của Thế Lữ gầm lên, phong trào thơ cũ sụp đổ nhường chỗ cho sự tất thắng của phong trào Thơ mới.

3. Chương dân thi thoại

Mặc dù hoạt động hết sức sôi nổi trên văn đàn nhưng tính ra, văn nghiệp trước cách mạng của Phan Khôi chủ yếu đọng lại trong Chương dân thi thoại, một quyển sách có phần mỏng mảnh so với sức vóc học thuật của Phan Khôi. Nhưng cũng chẳng thể đòi hỏi hơn ở Phan Khôi khi sức lực của ông đã dồn cho các cuộc tranh luận trên báo chí. Đây thực chất là quyển sách tập hợp những bài viết mà Phan Khôi đã công bố trên các tờ báo khác nhau.

Mở đầu Chương Dân thi thoại Phan Khôi giải thích: “Thi là gì? Thi thoại là gì? Thi là một lối văn có vần theo thanh âm từ điệu của một tiếng mà làm ra. Thi thoại là một lối trứ thuật chuyên nói về chuyện làm thi. Trong một quyển thi thoại thường cóp nhặt những bài những câu thi hay và thường có kèm theo ít lời bình phẩm, cốt để lưu truyền những câu đắc ý của tao khách phong nhân mà mong rằng thi giới nhờ đấy cũng có phần phát đạt”(1). Là một nước có truyền thống thi ca lâu đời nhưng ở ta, sách thi thoại dường như chưa xuất hiện. Trong bối cảnh đó, một lần nữa, Phan Khôi lại là người khởi xướng loại sách này (về mặt thời gian Thi tù tùng thoại của Huỳnh Thúc Kháng xuất hiện sau Nam Âm thi thoại).

Trong Chương Dân thi thoại, Phan Khôi bộc lộ quan điểm của ông về thơ: “Thi hay có hai cách: một cách hay tự nhiên, một cách hay đúc đắn. Tự nhiên thì có phần lưu lợi, đúc đắn thì có vẻ trang nghiêm. Nhưng trang nghiêm thì thường được bên văn từ, mất bên tình tính; mà lưu lợi thì có thẻ lưỡng toàn hơn”(2). Từ quan niệm ấy, Phan Khôi chủ trương không được bỏ sót thơ hay, nhất là trong khi cả nước đã thành ra một cái “vô hình thi xã”. Đây cũng là tiêu chuẩn để Phan Khôi tuyển chọn những thi phẩm mà nếu không để ý ta thường lãng quên. Ông có nhiều nhận xét, phẩm bình khá tinh tế. Những đoạn viết về ông Tú Vị Xuyên là những trang viết khá sinh động. Chính vì trăn trở về thơ hay nên Phan Khôi không câu nệ địa vị, thân phận của người thơ mà chú ý nhiều hơn đến thơ. Theo ý tôi, đây là thái độ hết sức khách quan trong văn học, tầm vóc của nhà văn nằm ở chính trong tác phẩm của anh ta chứ không nằm ở đâu khác. Điều lạ là ở chỗ, Phan Khôi vừa khó tính nhặt nhạnh những lời hay ý đẹp dễ bị bỏ sót trong thiên hạ, vừa khá tùy hứng: thấy hay là bình, bất kể câu thơ ấy, đoạn văn ấy của ai. Vì thế, đọc Chương Dân thi thoại ta bắt gặp cả những ông hoàng như Miên Thẩm, những đại gia làng thơ như Hồ Xuân Hương, Tú Xương… và cả những tác giả vô danh trong thiên hạ. Quyển sách không lấy gì làm dày dặn này cũng dành đất để giới thiệu các nhà thơ nữ. Một lần nữa, trong tư tưởng của Phan Khôi, địa vị của phái nữ được đề cao. Với ông, giá trị đích thực của thơ ca là điều quan trọng nhất và việc ông giới thiệu những áng thơ mà ông đã thâu lượm được cũng không nằm ngoài ý muốn thúc đẩy văn học phát triển.

Khi bàn về thơ, Phan Khôi đã chú ý đúng mức mối quan hệ giữa nội dung và hình thức cho dù cách kiến giải của ông về vấn đề này hãy còn đơn giản. Ông viết: “Theo tôi thì bài thơ hay không cốt ở lời mà thôi, cốt ở ý nữa. Cái ý ấy hàm súc trong bài thơ mà không lộ ra. Song cũng không kín đáo mắc mỏ quá; phải làm thế nào cho ngâm qua thì thấy ý liền, và càng ngâm lại thấy nó dồi dào. Cái ý của bài thơ hay, sau khi ngâm hay đọc, thấy cái hậu như cái hậu của trà ngon, đằm thắm mà đậm đà, uống vào khỏi cổ rồi mà lưỡi vẫn còn muốn nhắp”. Thực ra, quan niệm này không mới. Người xưa cũng từng nhấn mạnh hàm súc là một yêu cầu tối quan trọng của thi ca. Song nếu nhìn kỹ, trong cái nhìn của Phan Khôi, ít nhất có ba điểm đáng chú ý: Thơ phải có sự hô ứng hài hòa giữa hình thức và nội dung; Để có thơ hay thì phải đạt tới mức ý tại ngôn ngoại; Mặc dù thơ cần đến độ uyên súc nhưng không được rơi vào tình trạng mắc mỏ kiểu hũ nút. Đây là một quan niệm hàm chứa trong đó “hạt nhân hợp lý” và bởi thế, đến nay nó vẫn có giá trị nhất định đối với những ai quan tâm đến lý luận thơ ca. Công bằng mà nói, Chương Dân thi thoại chưa phải là một công trình bề thế, uyên thâm, nhiều nhận xét của Phan Khôi chưa phải đã hoàn toàn thuyết phục, nhưng tấm lòng của ông đối với sự nghiệp văn chương dân tộc thì thật đáng trọng. Cũng bởi thế, có thể hiểu được vì sao một mặt ông chủ trương nâng niu những giá trị văn chương dễ bị bỏ sót, mặt khác, ông là người tích cực ủng hộ những cách tân nghệ thuật để nâng văn học nước nhà lên một tầm cao mới.

Những nỗ lực tìm đến cái mới trong ngòi bút Phan Khôi và những hoạt động không mệt mỏi của ông trong nhiều lĩnh vực khác nhau cho thấy ông thực sự là trí thức ngay thẳng, chỉ biết tôn trọng khách quan và sẵn sàng bộc lộ chính kiến của mình mà không sợ bất cứ một ràng buộc nào. Dĩ nhiên, từ điểm nhìn hôm nay ta dễ dàng nhận thấy nhiều luận điểm khoa học của Phan Khôi vẫn chịu ảnh hưởng đậm nét của tư duy nghiên cứu văn học truyền thống. Bản thân ông cũng chưa tạo nên được một tư tưởng học thuật thực sự. Nhưng chính tinh thần nhập thế và niềm say mê cái mới đã đưa Phan Khôi vào vị trí hai lần tiên phong: góp phần mở đường cho phong trào Thơ mới và mở đầu cho một thể loại dường như chưa xuất hiện ở ta: thi thoại.

N.Đ.Đ

_______________

1, 2. Phan Khôi, Chương Dân thi thoại, Nxb Đà Nẵng,1998, tr.35, 36, 37.
Tài sản của tarta12a

Trả Lời Với Trích Dẫn