Ðề tài: Cú đấm
Xem bài viết đơn
  #1  
Old 20-04-2008, 07:35 AM
ngoctulaa's Avatar
ngoctulaa ngoctulaa is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Mar 2008
Đến từ: Nơi có Tình Yêu em dành cho anh
Bài gởi: 617
Thời gian online: 56
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 27 Times in 16 Posts
Cú đấm

Tôi còn nhớ một chuyện, chẳng vui cũng chẳng buồn mà có thể gọi là trớ trêu. Đó là chuyện tôi dạy võ cho một công an VC miền Nam, để hạ đo ván một công an VC miền Bắc. Dạy trực tiếp mà coi như dạy hàm thụ, vì chẳng thực hành bao nhiêu, lại phải dạy cấp tốc. Mới nghe tưởng như chỉ có trong chuyện kiếm hiệp.

Số là sau khi miền Nam sập tiệm, tất cả quân, cán, chính Việt Nam Cộng Hòa phải tập trung cải tạo, nghĩa là đi tù mút chỉ, không biết ngày ra tù, vì tất cả bị kêu án ba năm tập trung cải tạo, nhưng sau ba năm vẫn ở tù tiếp, có người trên chục năm tù.

Tôi cũng như nhiều sĩ quan khác trong tù, thường bị chuyển trại hoài. Tôi gần như đi hết các trại trong miền Nam: Phú Quốc, Suối Máu, Cà Tum, Xuyên Mộc...

Chuyện nầy xảy ra ở trại Xuyên Mộc, năm đó khoảng 1980.

Trại tù nào cũng thế, hàng rào kiên cố, công an gác khắp nơi. Trại có nhiều dãy nhà, mỗi dãy có nhiều lán. Mỗi lán chứa độ một trăm hai mươi (120) tù. Đi lao động về là cửa nhà tù đóng và khóa lại. Mỗi ngày như mọi ngày. Buổi sáng công an mở cửa nhà tù. Sau khi làm vệ sinh cá nhân, tù tập họp ở trước sân trại, ngồi chờ đi lao động. Khi ra cổng, bao giờ cũng có vài cán bộ đứng trên bục điểm số xuất trại. Khi đi vào rừng để lao động thì có hai công an đi theo. Một công an mang súng AK (tiểu liên) gọi là bảo vệ (cảnh vệ), theo tù để trấn áp nếu tù nổi loạn hay trốn trại. Một công an đeo súng ngắn, gọi là quản giáo, lo đốc thúc tù làm việc. Chiều về, ngồi xếp hàng cho cán bộ điểm danh rồi vô lán, cửa khóa lại.

Bấy giờ đội của tôi do cán bộ quản giáo B. phụ trách. Cán bộ quản giáo nào, trước khi phụ trách đội lao động đều phải nghiên cứu hồ sơ từng người tù một. Vì thế, ngoài bãi lao động, cán bộ quản giáo thường gọi từng người tù đến để hỏi lý lịch, lên lớp, nghĩa là tuyên truyền rồi động viên kèm theo hăm dọa tù phải yên tâm học tập, lao động tốt để thành người tiến bộ và sẽ được cứu xét cho về sum họp với gia đình. Chủ trương thì như vậy, nhưng thực tế thì cán bộ thường gọi những người tù nào khéo nói chuyện để hỏi han linh tinh những chuyện bù khú, chuyện ăn chơi trước bảy lăm ở miền Nam, vì tò mò và để giết thì giờ. Vì đa số công an đều rất trẻ, là những người sống sót sau chiến tranh. Họ xuất thân từ vùng quê, tâm hồn chất phác, chưa bị nhồi sọ thù hận nhiều, nên bề ngoài thường hùng hổ nhưng vẫn còn bản chất con người trung thực. Dĩ nhiên những cán bộ lớn tuổi trong ban giám thị trại thì khỏi nói, nhất là những cán bộ công an chuyên nghiệp (không phải từ bộ đội chuyển ngành). Họ thường tìm mọi cách hành hạ tù, từ thể xác đến tinh thần, để chứng tỏ 'lập trường' với đảng, với cấp trên.

Tôi thường bị cán bộ quản giáo B. kêu hỏi đủ thứ chuyện. Cho đến một hôm, cán bộ B. hỏi tôi.

- Anh là thầy dạy võ?

- Vâng! Tôi dạy Thái Cực Đạo, Nhu Đạo và Vovinam.

- Là thầy dạy võ, anh thấy võ nào hay nhất?

- Thái Cực Đạo, nhưng cần phải có phòng tập, cần thảm...

- Tôi muốn anh dạy võ cho tôi.

- Khó lắm! Học võ phải khoa chân múa tay... Ở đây đâu có làm như vậy được.

- Tôi muốn tập võ. Anh dạy tôi được không?

- Nhưng cán bộ học võ để làm gì?

Cán bộ B. tâm sự với tôi như thế nầy.

- Tôi là dân Đức Hòa-Đức Huệ (tỉnh Hậu Nghĩa, trước bảy lăm), theo cách mạng nên làm công an nhân dân và được về trại nầy cùng với vài người bạn. Trại nầy đa số là Bắc Kỳ. Chúng tôi được tụi nó dạy võ gọi là võ Triều Tiên. Tôi và mấy người bạn (Nam Kỳ) bị chúng đánh hoài!

- Nhưng ai đánh cán bộ?

- Thằng dạy võ cho trại.

- Ông ta già hay trẻ? Đánh cán bộ như thế nào?

- Nó chạy đến là thộp ngực đánh liền. Tụi tôi không đỡ được! Tụi tôi bàn nhau tìm cách trả thù. Tụi nó khoe công an miền Bắc đều tập võ Triều Tiên.

- Cán bộ cho tôi biết họ đánh như thế nào? Họ dùng tay nào thộp ngực? Tay nào đánh và đánh vào đâu?

- Nó dùng tay trái thộp ngực, tay phải đánh rất lẹ vào mặt.

- Họ có dùng chân không?

- Không. Tôi không thấy, nhưng nó đánh xong, tụi tôi ôm mặt, thì nó đứng cười và còn thách đánh nữa.

- Tôi hiểu rồi. Từ nay tôi sẽ chỉ cán bộ cách đỡ và đấm. Nhưng cái khó là nói làm sao cho cán bộ hiểu, vì không thể ra đòn thế ở đây được, người ta sẽ thấy!

- Anh cứ nói, tôi có thể hiểu được.

- Nếu có thắc mắc, cán bộ hỏi lại nghe!

Tôi giải thích cho cán bộ B.

- Đối phó với một huấn luyện viên võ thuật không phải dễ, trình độ tối thiểu phải ngang với anh ta. Mà cán bộ chỉ mới tập võ nên tôi sẽ hướng dẫn cán bộ cách phản đòn khi cán bộ bị thộp ngực và đánh vào mặt.

Tôi chỉ hướng dẫn cho anh ta một đòn duy nhất là đòn đấm. Tôi dặn.

- Điều cần nhất là phải thật bí mật, không cho đối phương biết mình đang tập đòn đó, dù khi họ lôi mình ra để dợt cũng vậy.

Tôi âm thầm hướng dẫn cán bộ B. cách đấm cho đúng phương pháp, và anh ta cũng âm thầm tự tập chỉ một đòn đó. Được hơn hai tuần, tôi đề nghị cán bộ B. cho tôi thấy cú đấm của anh ta ra sao. Hôm sau, ra bãi lao động, cán bộ B. đưa tôi con dao và đưa vô rừng với lý do đi bứt mây, song. Khi đến chỗ vắng, tôi biểu diễn đấm cho anh ta coi và anh ta cũng đấm cho tôi thấy. Tôi sửa lại cách đấm cho thật đúng và cắt nghĩa rõ cách vận lực, cách giữ cái tâm cho thật bình tĩnh, cách nhắm vào mục tiêu... Chúng tôi trao đổi nhau một cách hấp tấp vì sợ người khác thấy được. Cả hai chúng tôi còn thêm một hồi hộp nữa là không hiểu khi đụng độ, huấn luyện viên võ thuật có ra đòn thộp ngực và đánh vào mặt như mọi khi và anh cán bộ B. ra chiêu đó có đúng như lúc tập không?!

Tuần sau, chúng tôi lại vô rừng để tôi kiểm tra xem cú đấm của anh ta như thế nào? Tôi thấy anh ta có khiếu học võ nên tiến bộ rõ rệt. Vì tôi chỉ nói và giải thích mà anh ta lãnh hội được thì thực đáng khen. Có lẽ vì nung nấu ý chí trả thù nên anh ta rất hăng hái trong việc tự tập luyện. Anh ta hậm hực.

- Tôi muốn phục thù gấp vì bạn tôi vừa bị nó đánh nữa.

Tôi khuyên là cú đấm anh ta chưa đủ lực, không thể đối phó với một huấn luyện viên võ thuật được.

Một tháng hai tuần trôi qua. Tôi ngỏ ý muốn biết cú đấm anh ta đến đâu rồi. Chúng tôi lại vô rừng bứt mây, song. Lần nầy, quả thực cán bộ B. đã đạt được trình độ cần thiết để sử dụng cú đấm. Nhưng để chắc ăn hơn, tôi khuyên anh ta phải tập luyện thêm nữa cho đòn quyết định đó thêm mạnh và chính xác. Đến tuần lễ thứ tư của tháng thứ hai, chúng tôi lại vô rừng để anh ta làm thửù cho tôi xem. Tôi đã tạm yên tâm nên nói với cán bộ B.

- Khi bị thộp ngực, cán bộ đừng đỡ mà chỉ chú trọng dồn hết lực vào cánh tay và đấm thật nhanh và mạnh vào mặt họ. Dù trúng hay trật, sau đó, cán bộ phải vùng bỏ chạy ngay. Vì họ phản đòn thì cán bộ lâm nguy. Nhớ là phải thật bình tĩnh, nhắm ngay mặt họ mà đấm hết sức mình và bỏ chạy. Mà nếu bị kẹt, phải chiến đấu, cán bộ cũng chỉ một đòn đó mà tung ra. Nhào vô thật sát đối phương và cứ nhắm vào mặt đối phương mà đấm mãi. Họ có nhảy lùi cũng phải nhào theo mà đấm, vì nếu cán bộ rời họ ra, chỉ một bước thôi là họ sử dụng đòn chân, đá cán bộ ngay. Phải nhớ như thế. Đừng sợ! Chúc cán bộ thành công.

Kể từ ngày giờ đó tôi mất ăn, mất ngủ. Tôi không quan tâm đến chuyện anh cán bộ B. có phục thù được hay không. Tôi cũng không quan tâm đến chuyện kỳ thị Nam Bắc, mà tôi trách mình quá bộp chộp. Cái đai Đệ Tứ Đẳng Thái Cực Đạo (bấy giờ tôi chỉ mới Đệ Tứ Đẳng Huyền Đai), cái đai Đệ Nhị Đẳng Nhu Đạo, cộng với trình độ Vovinam mà tôi học được ở thầy Nguyễn Văn Hách... cộng thêm cái danh hiệu huấn luyện viên võ thuật cho Hiến Binh Quốc Gia, huấn luyện viên võ thuật cho Cảnh Sát Quốc Gia (VNCH)... Tất cả những thứ đó tôi đều giao hết cho anh cán bộ công an B.(miền Nam), trẻ tuổi, (chẳng biết gì về võ thuật) với chỉ có hai tháng học chỉ một cú đấm, đem ra thi đấu với huấn luyện viên võ thuật võ Triều Tiên miền Bắc.

Nếu anh ta đấm trật hoặc đấm không hiệu quả!?... Mà người ta lại biết rằng tôi đã huấn luyện cho anh ta... Chỉ mới nghĩ đến thôi, mà tôi đã rũ liệt tay chân như người xưa bị phế võ công rồi vậy!

Thời gian cứ yên lặng trôi một cách khủng khiếp. Tôi vẫn đi lao động như thường lệ và cán bộ B. vẫn không thấy nói gì cả. Tôi vẫn không hiểu chuyện gì đã xảy ra? Hay chưa xảy ra?

Cho đến một hôm, vào buổi sáng. Cửa nhà tù mở cho tù đi lao động. Tất cả tù ùa ra đi làm vệ sinh. Cán bộ B. thấy tôi thì đến gần, nói nhỏ giọng.

- Lát nữa đi lao động, khi ra cổng, anh để ý trên bục cán bộ điểm số xuất trại. Anh thấy thằng nào mặt bầm tím là nó. Tôi đã đấm nó đấy!

- Sau đó cán bộ có bỏ chạy không? Có bị huấn luyện viên tấn công lại không?

- Không. Vừa đấm xong, tôi định bỏ chạy, nhưng thấy nó loạng choạng, tôi dộng thêm một cú nữa. Nó nằm dài dưới đất. Nó khinh địch nên bị bất ngờ...

Nghề võ cũng như đá gà. Con gà nào bị thua đau một trận là thành gà rót. Hễ gặp lại đối phương, (gà đã đá mình thua đau) là mất tinh thần, chưa đụng độ đã quạt cánh bỏ chạy. Vả lại cán bộ B. suốt trong hai tháng mà chỉ luyện có một đòn tay duy nhất, tôi nghĩ nếu anh ta tiếp tục tự luyện tập, cộng thêm cái khiếu võ thuật, tất hiệu quả còn cao hơn nữa. Nếu anh huấn luyện viên võ Triều Tiên đó đủ can đảm thách đấu, chưa chắc cán bộ B. đã thua. Trình Giảo Kim ngày xưa bên Tàu chỉ biết đánh có ba búa mà ra trận là thắng.

Tuy nghĩ thế nhưng sự thực tôi không rõ sau đó những gì sẽ xảy ra cho cán bộ B. Có một lần, sau khi tôi ra tù, về nhà ở Sài Gòn, cán bộ B. có đến nhà tôi xin chứng nhận là tôi có dạy Thái Cực Đạo cho anh ta, đạt đai xanh. Có lẽ anh ta cần giấy chứng nhận có nghề võ để làm hồ sơ đi đơn vị khác tốt hơn. Như qua 'Đội Săn Bắt Cướp' ở thành phố chẳng hạn...

Vương Đình Thanh - Tạp chí Thế Kỷ 21 Xuân Ất Dậu
Tài sản của ngoctulaa

Chữ ký của ngoctulaa
[SIZE="6"][COLOR="Blue"] nhớ nhà[/COLOR][/SIZE]
Trả Lời Với Trích Dẫn