Xem bài viết đơn
  #1  
Old 18-10-2008, 03:10 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Chào mừng ngày 20-10:Nữ xã đội trưởng tuổi 19

Dù đã ngoài 60 tuổi, song trong ký ức của Khuất Thị Điền vẫn còn nguyên vẹn cảm giác tất bật những mùa tuyển quân diễn ra ở xã Đại Đồng, Thạch Thất, Hà Tây cách đây hơn 30 năm về trước. Đường này rẽ vào xóm Minh Nghĩa, đường kia vào xóm Rộc Đoài, Đình Rối… đâu đâu cũng có dấu chân của một nữ xã đội trưởng nhiệt tình, năng nổ, tận tụy với công việc.

Ký ức xã đội trưởng

Chị tâm sự với chúng tôi: “Tháng 5-1967, vừa tròn 19 tuổi, tôi vinh dự đứng trong hàng ngũ của Đảng, đồng thời cũng được Đảng ủy xã Đại Đồng giao phó nhiệm vụ nặng nề: Xã đội trưởng. Ở cái tuổi “ăn chưa no, lo chưa tới”, khi được giao nhiệm vụ xã đội trưởng cảm thấy lo và sợ lắm, không biết mình có làm được tốt không?”. Thế rồi các cô, bác động viên, nhất là bác Quý (Chủ tịch xã) dặn dò: “Cháu đã là một đảng viên, đứng trong hàng ngũ của Đảng. Người đảng viên không sợ khó, sợ thất bại trước bất cứ việc gì. Cháu cứ quyết tâm là sẽ làm tốt thôi. Bên cạnh cháu còn có các cô, bác, còn có Đảng ủy nữa”. Sự động viên của các cô, bác “điểm trúng” niềm tự hào của chị, song nhận nhiệm vụ mà trong bụng chị vẫn chưa hết lo.

Hồi ấy, chiến tranh ở miền Bắc tuy không còn ác liệt song quân số dân quân trực chiến tại các địa phương phải duy trì thường xuyên. Xã Đại Đồng cũng nằm trong số đó. Thanh niên trai tráng hầu hết nhập ngũ đi vào chiến trường, ở nhà chỉ còn phụ nữ, ông bà già, trẻ em. Lực lượng dân quân trực chiến tại chỗ là chị em chiếm tới 85%. Cái khó của người chỉ huy xã đội làm sao bố trí lực lượng trực chiến phù hợp với công tác sản xuất.

Chị vừa chỉ huy lực lượng trực chiến tại chỗ đồng thời chỉ đạo công tác tuyển quân theo kế hoạch của trên giao. Khi lại đôn đáo bố trí bộ phận trực trận địa Gò Giang (cuối xã bây giờ). Bộ phận này thường xuyên có một tiểu đội cắm trận địa. Xã có một trung đội (24 người) chia làm hai tiểu đội, mỗi tiểu đội có nhiệm vụ trực trong 5 ngày, sau đó lại trở về lao động sản xuất bình thường, hết 5 ngày lại lên trực thay cho tiểu đội kia.

Chị bảo công việc lúc đó thật bận rộn nhưng rất vui. Mỗi đợt tuyển quân, xã lại rộn ràng như ngày hội. Chuyện của cựu thượng tá Nguyễn Văn Canh được chị nhắc lại như kỷ niệm vui. Ngày đó, anh Canh người thì “thấp bé nhẹ cân” nhưng rất mê đi bộ đội. Trước ngày khám tuyển nghĩa vụ, anh Canh gặp và năn nỉ nhờ chị nói hộ với mấy anh khám tuyển khám sơ sơ, đừng có “sờ” vào người anh. Chị hỏi lý do, anh nhất định không nói. Ngày khám tuyển, lý do anh không nói chính là quả cân to đùng được giấu kèm trong túi quần. Anh không trúng tuyển đợt đó, hằng ngày cứ lên nhà chị vật vã “bắt đền”. Ít hôm sau, nhờ can thiệp của xã đội, anh Canh được gửi lên huyện Thạch Thất an dưỡng 20 ngày, sau đó kết hợp với tập luyện thể thao bảo đảm đủ điều kiện sức khỏe, anh đi bộ đội đợt sau. “Bây giờ đồng chí ấy đã hưởng lương hưu với cấp hàm thượng tá, có cháu nội, cháu ngoại cả rồi, thỉnh thoảng gặp nhau nhắc lại chuyện cũ vừa buồn cười, vừa thấy thật vui”-chị kể.

Hồi đó, mỗi thanh niên trúng tuyển nghĩa vụ được phát một đôi sọt tre để rèn luyện thể lực. Nhiều anh rất “sợ” đôi sọt tre này. Trong số đó có trường hợp anh Nguyễn Như Vụ. Lên đơn vị được vài ngày "chịu” không nổi bỏ trốn về nhà. Chị cùng bác Quý, Chủ tịch; bác Nho, Bí thư đảng ủy xã, xuống tận nơi động viên. Hôm đưa Vụ lên đơn vị, mấy bác cháu đạp xe bì bõm dưới trời mưa gió, rét mướt, lại còn qua một con sông, gần thị trấn Vân Đình (xã Ứng Hòa, Hà Tây) mới tới khu vực đơn vị Vụ đóng quân. Thế mà vừa hôm trước, hôm sau đơn vị báo về đồng chí Vụ lại “chuồn” mất. Khi mọi người tìm ra, Vụ tuyên bố: “Ai đưa tôi đi sẽ có đổ máu”. Chị, với tư cách xã đội trưởng, xuống tâm sự, động viên. Mưa dầm, thấm lâu, Vụ hiểu và thấy hối hận cho hành động của mình và xin được quay lại đơn vị. Sau khi lên đơn vị, Vụ tích cực phấn đấu, được kết nạp Đảng, được biểu dương vì có nhiều thành tích rèn luyện.

Gia đình là... duyên số

Tận tâm, nhiệt tình với công việc, gần như chị quên bẵng mất chuyện riêng tư. Thời ấy, con gái mười tám, đôi mươi trong làng hầu hết yên bề gia thất. Riêng chị, bố mẹ, người thân sốt ruột giục giã. Mọi người nói gần nói xa, chị cứ mặc kệ. Các cụ nói mãi không được, bực quá nói dỗi: “Kệ mày, có thân tự lo!”.

Thấy chị thân gái “vất vả giữa chốn ba quân”, tháng 3-1975, Đảng ủy xã chuyển chị sang phụ trách công tác Đảng. Cũng thời điểm này, duyên số đưa đẩy chị gặp anh.

Theo như lời chị kể, lúc đó chị kiêm thêm nhiệm vụ quản lý hồ sơ cán bộ, đảng viên, anh là bộ đội bị thương nặng trong chiến dịch Nam Lào. Ngày đầu chị gặp anh khi anh lên làm thủ tục xin đi làm công nhân và chị thấy có ấn tượng ngay với người thương binh chân thật có nụ cười “hiền khô" này.

Gặp nhau chỉ một lần, song hai người đã cảm thấy quyến luyến, rồi anh lại lên Hà Nội, vào làm công nhân Xí nghiệp Liên hiệp cầu Thăng Long. Tình yêu hai người được vun đắp qua những cánh thư và những lần gặp vội vàng vào cuối tuần. Một năm sau, đám cưới anh chị được hai bên gia đình cùng chính quyền xã tổ chức giản dị nhưng ấm cúng.

Con trai đầu lòng Kiều Cao Long ra đời, con gái thứ hai, thứ ba và cậu con trai Kiều Cao Hội (sinh năm 1983) vợ chồng vẫn một tháng một lần, nhiều thì hai lần gặp nhau. Con ốm đau, một tay chị đảm đang chăm sóc. Năm 1992, anh nghỉ hưu, khi ấy gia đình chính thức sum vầy. Chị cũng thôi làm công tác Đảng, chuyển sang công tác phụ nữ. Đến năm 1995 chị rút khỏi công tác xã.

Hơn 10 năm nay, chị trở về với cuộc sống đời thường, hằng ngày chăm chút từng miếng ăn, giấc ngủ của chồng, của con. Nhưng ở chị dường như vẫn chưa hết sự bận rộn của người cán bộ năng động và nhiệt tình. Hằng năm, cứ mỗi mùa tuyển quân, nhiều thế hệ cán bộ xã đội trên xã lại tìm đến chị để hỏi về những kinh nghiệm giao quân của nữ xã đội trưởng một thời. Nhiều gia đình có con em nhập ngũ cũng an tâm và tin tưởng khi chia sẻ những băn khoăn, lo lắng với chị khi con em họ lên đường nhập ngũ. Chẳng thế mà chức chi ủy viên xóm Đồng Cầu bao lần chị xin rút nhưng bà con nhất định không nghe. Mọi người vẫn bảo rằng, chị Điền còn khỏe thì còn phải làm, không nghỉ được đâu!
Kim Anh
Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn