Xem bài viết đơn
  #1  
Old 12-11-2008, 11:24 AM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Kế hoạch tổng tiến công chiến lược xuân 1968 ra đời như thế nào?

Sau hơn hai năm trực tiếp đụng đầu với quân viễn chinh Mỹ, đánh bại hai cuộc phản công chiến lược của chúng, ta đã hiểu rõ hơn chỗ mạnh chỗ yếu của địch đồng thời cũng hiểu và khẳng định sức mạnh của quân và dân ta trên cả hai miền Nam Bắc. Mặc dù đã đưa sang Nam Việt Nam nửa triệu quân, dù đã chuyển từ chiến lược chiến tranh đặc biệt sang chiến lược chiến tranh cục bộ, đế quốc Mỹ vẫn mất quyền chủ động trên chiến trường. Cuộc tổng tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân nổ ra khi bộ tư lệnh quân viễn chinh Mỹ đang trù tính một cuộc phản công chiến lược thứ ba vào mùa khô 1967-1968 đi đôi với một bước leo thang mới cả về quy mô và cường độ đánh phá miền Bắc, nhằm cố giành lợi thế về quân sự. Lợi thế đó không những có tác dụng gây sức ép với ta hòng tiến tới cuộc đàm phán trên thế mạnh mà còn nhằm phục vụ cho tham vọng ở lại Nhà Trắng nhiệm kỳ 2 của Giôn-xơn trong cuộc bầu cử tổng thống cuối năm 1968.

Nửa năm sau khi quân Mỹ ồ ạt kéo vào miền Nam, qua một số thắng lợi trên chiến trường trong những trận đầu đánh Mỹ, hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 12 (họp cuối tháng 12 năm 1965) đã nhận định: Mặc dầu đế quốc Mỹ đưa vào miền Nam hàng chục vạn quân viễn chinh, lực lượng so sánh giữa ta và địch vẫn không thay đổi lớn. Tuy cuộc chiến tranh ngày càng trở nên gay go, ác liệt, nhưng nhân dân ta đã có cơ sở chắc chắn để giữ vững và tiếp tục giành thế chủ động trên chiến trường, có lực lượng và điều kiện để đánh bại âm mưu trước mắt và lâu dài của địch.

Sau khi phân tích tình hình mọi mặt, Ban Chấp hành Trung ương chủ trương: trên cơ sở tiếp tục quán triệt và vận dụng phương châm đánh lâu dài, chúng ta cần phải cố gắng đến cao độ, tập trung lực lượng của cả hai miền để tranh thủ thời cơ giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn1.

Nghị quyết hội nghị Trung ương 12 trở thành hiệu lệnh đầu tiên để Tổng hành dinh chuẩn bị mọi điều kiện vật chất và tinh thần cần thiết đồng thời chỉ đạo các chiến trường tạo thế mới, lực mới, để tiến dần từng bước tới cuộc tổng tiến công chiến lược trên toàn miền Nam. Phải hai năm sau sự kiện lịch sử đó mới diễn ra vào dịp Tết Mậu Thân-1968.

Quá trình phát triển từ quyết tâm chung là giành thắng lợi quyết định đến quyết tâm cụ thể của tổng tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân có những đặc điểm sau đây:

1 – Biện pháp chiến lược (nhằm thực hiện quyết tâm giành thắng lợi quyết định của Trung ương) là vấn đề được các cấp lãnh đạo trao đổi, thảo luận nhiều lần, khi tập thể, khi nhóm nhỏ, khi chỉ riêng các đồng chí ở Tổng hành dinh, khi có cả đại diện các chiến trường tham gia.

2 – Quá trình hình thành quyết tâm tổng tiến công chiến lược Xuân Mậu Thân là một quá trình dài suốt hai năm 1966 và 1967. Đó cũng là quá trình tình báo chiến lược thường xuyên cung cấp tin tức thêm về địch (nhất là việc Mỹ tiếp tục tăng quân và âm mưu chiến lược của chúng). Trong quá trình đó, thực tế chiến trường cho thấy không chỉ riêng ta mà đế quốc Mỹ cũng có ý định thắng lớn để giành ưu thế và thoát ra khỏi tình thế bị động chiến lược.

3 – Quá trình thảo luận để hình thành quyết tâm chiến lược tổng tiến công Xuân Mậu Thân ở miền Nam cũng là quá trình Tổng hành dinh chỉ đạo đồng thời các mặt hoạt động khác của cuộc kháng chiến chống Mỹ trên cả hai miền và trên đất bạn: chỉ đạo tác chiến thường xuyên trên chiến trường miền Nam, chỉ đạo chống chiến tranh phá hoại của địch trên miền Bắc, chỉ đạo chuẩn bị mọi mặt để các địa phương sẵn sàng chiến đấu, đề phòng địch mở rộng chiến tranh cục bộ ra miền Bắc (nhất là nam Khu 4), chỉ đạo vận chuyển trên đường Trường Sơn phục vụ cho các chiến trường, chỉ đạo hoạt động trên chiến trường Lào2…

4 – Trong quá trình đó, biện pháp chiến lược nhằm thực hiện quyết tâm giành thắng lợi quyết định ngày càng rõ thêm, cụ thể thêm. Nếu chỉ tiêu đề ra năm trước, đợt trước (hè thu-thu đông-đông xuân) chưa đạt được thì lại chuyển sang năm sau, đợt sau, cả về hướng chiến trường và chỉ tiêu. Thường mỗi lần “chuyển” là một lần chỉ tiêu được nâng lên, đồng thời phương hướng quyết tâm cũng xác định cụ thể hơn, cao hơn. Và mỗi lần “chuyển” đều dự kiến các khả năng và mức độ giành thắng lợi của ta, không loại trừ khả năng và mức độ giành thắng lợi thấp nhất.

Đầu tháng 1 năm 1966, đồng chí Nguyễn Chí Thanh ra Bắc. Sau khi báo cáo Bộ Chính trị về tình hình địch, ta và ý định quân sự sắp tới của miền Nam, ngày 7 tháng 1 đồng chí cùng Bộ Chính trị nghe Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng trình bày dự thảo kế hoạch tác chiến năm 1966.

Theo dự thảo của Bộ Tổng tham mưu, trước những thất bại liên tiếp của quân đội Sài Gòn, từ đầu năm 1965 đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân vào miền Nam hòng củng cố tinh thần quân đội ngụy, cứu vãn chính quyền Sài Gòn khỏi sụp đổ, đồng thời đẩy mạnh chiến tranh phá hoại ở miền Bắc hòng làm lung lay quyết tâm giải phóng miền Nam của quân và dân ta, ngăn chặn sự chi viện của hậu phương lớn… Quân Mỹ trở thành nòng cốt về quân sự khiến cho tính chất “chiến tranh đặc biệt” dần dần thay đổi với sự xuất hiện các yếu tố của “chiến tranh cục bộ”. Nhiệm vụ quân sự đề ra cho chiến trường miền Nam trong năm 1966 là tập trung tiêu diệt một bộ phận sinh lực địch, đẩy mạnh chiến tranh du kích, tiêu hao, chia cắt, cô lập, phá giao thông, kho tàng của địch, giành nhân lực để bổ sung lực lượng của ta; mở rộng căn cứ vùng rừng núi, vùng giải phóng ở nông thôn; bao vây thành phố, thu hẹp vùng kiểm soát của địch; đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở đô thị, khởi nghĩa ở thị trấn, phối hợp với hoạt động quân sự; bảo vệ hành lang vận chuyển Bắc-Nam và mở tuyến vận chuyển mới.

Sau khi Bộ Chính trị cho ý kiến, đầu tháng 2 năm 1966 Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy3 họp nghe Bộ Tổng tham mưu báo cáo bản dự thảo đã được bổ sung sửa chữa. Phân tích tình hình mọi mặt, hội nghị dự kiến trong năm 1966 lực lượng quân Mỹ ở miền Nam có thể lên tới 40 vạn và khẳng định: quyết tâm của ta là thắng về quân sự dù Mỹ có hơn 40 vạn quân, phấn đấu giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn.

Ngày 26 tháng 2, Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng thay mặt Quân ủy báo cáo Bộ Chính trị kế hoạch quân sự năm 1966 (đã bổ sung sửa chữa), trong đó nổi lên hai điểm: 1) Mục đích các hoạt động trên chiến trường nhằm đánh bại âm mưu chiến lược của Mỹ đối với miền Nam dù lực lượng Mỹ có từ 20 đến 40 vạn quân. Cụ thể là làm thất bại kế hoạch chiến lược 5 điểm của Westmoreland, tiến tới một bước thắng lợi quyết định ở miền Nam trong năm 1966. 2) Phương châm chỉ đạo hoạt động là kết hợp chặt chẽ ba thứ quân, ba mũi giáp công, ba vùng chiến lược; phương châm chỉ đạo tác chiến là đánh liên tục, rộng khắp của lực lượng địa phương, kết hợp với các hoạt động lớn của bộ đội chủ lực trong ba đợt (Xuân 1966, Hè 1966, Đông Xuân 1966-1967) trên ba hướng chiến lược (Trị Thiên, Tây Nguyên-Khu 5, Đông Nam Bộ).

Để bảo đảm binh lực cho kế hoạch quân sự 1966, trong hai ngày 7 và 8 tháng 3 Thường trực Quân ủy họp bàn chuyên đề về quân số và kế hoạch tuyển quân, sau đó Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp làm việc riêng với Cục Quân huấn về công tác huấn luyện quân sự.

Liên tiếp trong ba ngày 4 đến 6-4-1966, làm việc với Thường trực Quân ủy, đồng chí Nguyễn Chí Thanh trình bày chủ trương và quyết tâm của Trung ương cục và Quân ủy Miền trong năm 1966 là tiêu diệt từ 6 đến 8 vạn quân Mỹ, 15 đến 20 vạn quân ngụy, làm chủ 2/3 đất đai miền Nam, giải phóng 8 triệu dân trở lên. Theo đồng chí, năm 1966 có khả năng thực hiện nghị quyết của Quân ủy Trung ương, cách mạng miền Nam có khả năng giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn, và nếu chiến tranh có kéo dài thì ta vẫn có khả năng giành thắng lợi. Sau khi trao đổi, Quân ủy nhất trí với đồng chí Nguyễn Chí Thanh về chỉ tiêu tiêu diệt quân Mỹ, tiêu diệt và làm tan rã quân ngụy, đẩy phong trào thành phố lên mạnh, tạo nên khả năng giành thắng lợi quyết định trong năm 1966-1967.

Lúc này, tin tình báo cho biết, đến giữa năm 1967, quân Mỹ có thể lên tới 42 vạn, quân ngụy có thể nâng tổng số lên 72 vạn.

Cuối tháng 4, đồng chí Nguyễn Chí Thanh làm việc với Thường trực Quân ủy (có đồng chí Lê Trọng Tấn mới ở chiến trường ra). Đồng chí Tấn chỉ nói về tác chiến trong mùa khô 1966-1967, chủ lực “sẽ làm ăn lớn” hơn mùa khô trước. Vấn đề giành thắng lợi quyết định không thấy đề cập trong cuộc họp này.

Tuần đầu tháng 5 năm 1966, Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy thông qua phương hướng chiến lược sắp tới do Tổng tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng báo cáo, trong đó có nói ta tranh thủ giành thắng lợi trong thời gian tương đối ngắn (nói rõ trong mùa khô 1966-1967) là giành thắng lợi quyết định cả về quân sự, chính trị và ngoại giao. Quyết tâm và phương hướng giành thắng lợi quyết định là đánh bại mọi ý định xâm lược của Mỹ trong phạm vi chiến tranh ở miền Nam hiện nay và sắp tới, trong điều kiện địch có trên dưới một triệu quân (40-50 vạn quân Mỹ). Lần đầu tiên bản dự thảo nói đến nhiệm vụ lực lượng vũ trang là hỗ trợ đấu tranh chính trị và thực hiện phối hợp tổng công kích-tổng khởi nghĩa, đỉnh cao nhất của chiến tranh cách mạng.

Cũng tại hội nghị này, Quân ủy quyết định mở Mặt trận Bắc Trị Thiên.

Kế hoạch tác chiến chiến lược Đông Xuân 1966-1967 (sau khi được bổ sung sửa chữa) được đồng chí Nguyễn Văn Vịnh thay mặt Bộ Tổng tham mưu báo cáo chính thức trong cuộc họp (mở rộng) của Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy trung ương từ 14 đến 17-6-19661. Bản báo cáo mang tên Kế hoạch giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam. Bộ Tổng tham mưu dự kiến trong Đông Xuân 1966-1967 sẽ sử dụng 4 khối chủ lực tiến công trên 4 chiến trường Đông Nam Bộ, Tây Nguyên, Khu 5 và Trị Thiên, kết hợp với khởi nghĩa ở Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng, tiêu diệt và đánh tan rã chủ lực ngụy, đánh thiệt hại nặng quân Mỹ, giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam trong năm 1967. Đáng chú ý là trong lúc thảo luận, nếu đồng chí Nguyễn Chí Thanh nhấn mạnh quyết tâm và kế hoạch tiến công chiến lược của ta trong Đông Xuân là nhằm giành thắng lợi quyết định ở miền Nam trong năm 1967, thì đồng chí Lê Quang Đạo lại lưu ý cần dự kiến tình huống địch ngoan cố và tình hình khó khăn nhất của ta.

Kết luận cuộc họp, đồng chí Võ Nguyên Giáp nhấn mạnh quyết tâm giành thắng lợi quyết định trong năm 1967 và chỉ rõ Đông Xuân 1966-1967 là rất quan trọng. Riêng tại các đô thị, phải đánh từ nhỏ đến lớn đi đến kết hợp với khởi nghĩa, hình thành ưu thế chiến dịch trên từng hướng.

Một tháng sau, trong các ngày 18 và 19 tháng 7 năm 1966, Bộ Chính trị họp, nghe báo cáo kế hoạch tác chiến năm 1967 của Quân ủy do đồng chí Văn Tiến Dũng trình bày và chính thức thông qua quyết tâm giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam trong năm 1967. Tinh thần cơ bản và nội dung mấu chốt của kế hoạch là đánh bại cuộc phản công chiến lược của 35-40 vạn quân Mỹ và gần một triệu quân đội tay sai trong mùa khô 1966-1967, sau đó mở rộng thắng lợi sang cả mùa hè năm 1967. Có hai ý kiến đáng chú ý. Đồng chí Lê Duẩn nói: Với tinh thần chủ động tiến công địch, không những ta tiêu diệt địch ngay trong yết hầu của chúng tại các thành phố mà còn phải kéo địch ra vùng rừng núi Tây Nguyên và gần vĩ tuyến 17 mà tiêu diệt. Chủ tịch Hồ Chí Minh nói, đại ý mấy điểm: 1 - Các dự thảo báo cáo tốt, toàn diện, lạc quan, nhưng xem báo cáo có chủ quan không? 2 - Tranh thủ giành thắng lợi sớm, nhưng phải chú ý đánh lâu dài; 3 - Thuận lợi có nhiều nhưng phải thấy những khó khăn, nhất là mặt hậu cần, bảo đảm; 4 - Nói giành thắng lợi quân sự, nhưng phải chú ý đến việc giữ sức dân, nếu sức người sức của mà kiệt thì quân nhiều cũng không đánh được; 5 - Phải chú ý mở rộng chiến tranh du kích, tăng cường trang bị cho du kích; 6 - Phải làm sao cho ta càng đánh càng mạnh, đánh liên tục, đánh được lâu.

Ngày 15 tháng 8, Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy họp nghe tổng kết hè 1966 và xem xét lại một số vấn đề trong kế hoạch theo chỉ thị của Hồ Chủ tịch2. Đáng chú ý trong hội nghị này là đánh giá của Bộ Tổng tham mưu về hoạt động trên chiến trường miền Nam trong mùa hè: Lực lượng ta nhiều nhưng đánh được ít, không đạt chỉ tiêu tiêu diệt địch, không có những cú đánh vang dội và những trận thắng giòn giã để tạo điều kiện cho hoạt động mùa khô sắp tới, mặc dù ta tác chiến trong điều kiện địch phòng ngự, thời tiết hạn chế hoạt động của chúng và về quân sự địch vừa thất bại trong Đông Xuân 1965-1966.

Kết luận, đồng chí Lê Duẩn nói: Mùa mưa này, về địch có thể nói là chúng không thua. Ta cần nghiên cứu lại cho chắc chắn kế hoạch Đông Xuân 1966-1967 và sẽ thảo luận tiếp.

Ngày 12 tháng 9, Quân ủy tiếp tục họp nghiên cứu tình hình chiến trường trước khi bước vào mùa khô. Một kết luận quan trọng rút ra là: chiến trường vẫn đứng trước những khó khăn chưa khắc phục được, dẫn đến sức chiến đấu bị giảm. Có nhiều nguyên nhân khiến cho chưa thực hiện được yêu cầu “càng đánh càng mạnh”.

Ngày 22 tháng 9 Quân ủy báo cáo Bộ Chính trị phương hướng Đông-Xuân-Hè 1966-1967. Sau hội nghị, đồng chí Võ Nguyên Giáp đánh hai bức điện gửi Bộ tư lệnh Miền và Bộ tư lệnh Khu 53. Ngoài những vấn đề về tổ chức chiến trường, phương hướng hoạt động, mục tiêu tiến công, chỉ tiêu, các đợt hoạt động… nội dung chủ yếu của các bức điện nói lên quyết tâm chiến lược của Bộ Chính trị là trên cơ sở nắm vững phương châm chiến lược đánh lâu dài, tập trung lực lượng giành thắng lợi quyết định trong hai năm 1967-1968, quan trọng nhất là năm 1967.

Có thể nói kế hoạch chiến lược 1967-1968 thể hiện rõ rệt nhất từ các cuộc họp của Quân ủy và Bộ Chính trị từ đầu tháng 4 năm 1967. Đó là sự phát triển từ Kế hoạch chiến lược mùa hè năm 1967 thành Kế hoạch chiến lược từ Hè 1967 đến Xuân Hè 1968.

Ngày 4 tháng 4, Phó bí thư Quân ủy Trung ương Văn Tiến Dũng chủ trì cuộc họp của Quân ủy, nghe Cục Tác chiến báo cáo dự thảo Đề án kế hoạch chiến lược mùa hè năm 1967, nhằm đánh giá kết quả hoạt động trên các chiến trường mùa khô 1966-1967 và đề ra phương hướng hoạt động trong và sau mùa mưa 1967. Sau khi các ủy viên phát biểu, Phó bí thư Văn Tiến Dũng kết luận: Văn bản chuẩn bị chưa chặt, chưa sát, chưa phản ánh hết những tồn tại; cần nghiên cứu chỉnh lý bổ sung về phương hướng hoạt động mùa hè và mùa khô ở miền Nam. Cuộc họp tiếp tục ngày 6 tháng 4, nghe đồng chí Nguyễn Văn Vịnh trình bày đề án đã được phát triển thành Kế hoạch chiến lược từ mùa hè 1967 đến Xuân hè 1968. Hội nghị nhận định: Thắng lợi mùa khô 1966-1967 là cực kỳ to lớn, thể hiện trên hai mặt diệt địch và phá âm mưu bình định của chúng. Khi quân Mỹ lên tới trên dưới 50 vạn, chúng ta đánh giá, nếu mùa khô 1966-1967 dù ta diệt ít địch hơn trước nhưng bảo tồn được lực lượng thì đã là thắng lợi; nếu vẫn bảo tồn được lực lượng mà diệt địch ngang với mức năm 1965-1966 thì là thắng to. Năm 1967, mùa khô còn dài, lực lượng ta ngày càng sung sức và đang trên đà tiến công địch khắp nơi. Có thể nói rằng, với thời gian ấy, với lực lượng ấy, với đà thắng lợi sẵn có, nhất định sẽ mở ra triển vọng tốt. Dự thảo cũng nêu lên một số nhược điểm, tồn tại cần khắc phục.

Sau khi các ủy viên Quân ủy trao đổi ý kiến, bản dự thảo được bổ sung sửa chữa và ngày 18 tháng 4, các thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu tiếp tục thảo luận và giao đồng chí Nguyễn Văn Vịnh tiếp tục chỉnh lý. Lúc này kế hoạch đã chính thức mang tên Kế hoạch chiến lược từ Hè 1967 đến Hè 1968. Điểm mới trong cuộc thảo luận lần này là các thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu nhận định rằng ta phải tránh xây dựng một kế hoạch chiến lược theo kiểu “Xuân Thu nhị kỳ” như trước đây. Yêu cầu kế hoạch chiến lược lần này là phải tạo nên một thay đổi lớn về cục diện để đánh sập Mỹ-ngụy. Nếu mùa hè 1967 ta không tạo được chuyển biến để giành thắng lợi thì cả hai miền Nam Bắc sẽ gặp nhiều khó khăn trong năm 1968. Cuối cùng, các thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu thống nhất: cần xây dựng một kế hoạch chiến lược để giành thắng lợi quyết định ở miền Nam.

Sau cuộc họp ngày 26 tháng 4 năm 1967 của Quân ủy Trung ương, bản dự thảo kế hoạch chiến lược giành thắng lợi quyết định ở miền Nam được đưa ra thảo luận trong cuộc họp mở rộng (trong ba ngày từ 27 đến 29-4-1967) của Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị và Thường trực Quân ủy Trung ương 4. Hội nghị nhất trí: Ta phải một mặt nắm chắc vấn đề đấu tranh lâu dài, mặt khác phải nỗ lực buộc Mỹ phải thua trong năm 1968… Hoạt động quân sự phải kết hợp với phát động quần chúng ở các đô thị vùng dậy, tạo thành cao trào tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Trên cơ sở đó, ta chủ động đấu tranh ngoại giao, mở một con đường cho Mỹ rút khỏi miền Nam.

Trong bức điện ngày 9 tháng 5 gửi Quân ủy Miền gợi ý về phương hướng xây dựng kế hoạch chiến lược, Quân ủy Trung ương viết: Trên cơ sở phương châm đánh lâu dài, tập trung lực lượng giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn (từ tháng 5 năm 1967 đến hết năm 1968)…
Trung tuần tháng 6, sau khi tranh thủ ý kiến một số đồng chí lãnh đạo các chiến trường1, Bộ Tổng tham mưu soạn thảo Quyết tâm chiến lược trước mắt, dựa theo nội dung đã được Bộ Chính trị thông qua trung tuần tháng 5. Ngày 20 tháng 6, Quân ủy Trung ương họp và ra nghị quyết về quyết tâm chiến lược. Sau khi thảo luận và thống nhất đánh giá tình hình trong hai năm 1965-1966 và nhất là mùa khô 1966-1967, Quân ủy xác định quyết tâm chiến lược của ta là: Trên cơ sở nắm vững phương châm đánh lâu dài, đẩy mạnh nỗ lực chủ quan của ta tới mức cao nhất, giành thắng lợi quyết định trong thời gian tương đối ngắn.

Sau khi nêu lên các mục tiêu chiến lược cần đạt được2, nghị quyết của Quân ủy khẳng định: Trên cơ sở đạt được các mục tiêu chiến lược nói trên, buộc Mỹ phải chịu thua, từ bỏ âm mưu xâm lược nước ta, chúng ta đạt được mục tiêu về độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà…

Khi đã có quyết tâm chiến lược, một bài toán đặt ra và cần tìm lời giải là phải có kế hoạch và cách đánh như thế nào để tạo nên một đòn bất ngờ về chiến lược, đánh mạnh vào ý chí xâm lược của Mỹ. Trong hai ngày 30 tháng 6 và 1 tháng 7 năm 1967, Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương họp, quyết tâm đưa cách mạng miền Nam chuyển sang một bước mới. Hội nghị xác định khả năng giành thắng lợi quyết định bằng tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Thời cơ tốt nhất là Đông-Xuân 1967-1968 - hè 1968 hoặc sớm hơn. Đồng thời cũng chuẩn bị kế hoạch cho 1968-1969 và chuẩn bị tư tưởng kiên trì đánh lâu dài.

Trung tuần tháng 8-1967, làm việc với các đồng chí Văn Tiến Dũng và Lê Trọng Tấn về kế hoạch chiến lược của Nam Bộ, đồng chí Lê Duẩn nói: Điều kiện kinh tế và chính trị của nước Mỹ cho thấy đã đến lúc Mỹ phải kết thúc chiến tranh. Vì vậy ta phải đánh cho chúng thua để rút ra khỏi miền Nam Việt Nam. Bộ Tổng tham mưu phải lập kế hoạch đầy đủ hơn, chỉ đạo linh hoạt, chuẩn bị hậu cần tại chỗ chu đáo.

Ngày 9 tháng 9 năm 1967, Phó tư lệnh Quân giải phóng miền Nam Lê Đức Anh ra báo cáo với Bộ Tổng tham mưu kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa của Trung ương cục miền Nam. Kế hoạch nói rõ: dự kiến tổ chức ba chiến trường Sài Gòn-Gia Định, vùng rừng núi giáp ranh Sài Gòn, đồng bằng khu 9 và một phần Khu 8. Tổ chức 5 cánh quân bao vây, tiến công Sài Gòn, chiếm Chợ Lớn...

Trung ương cục đã sơ bộ thông qua kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa ở Sài Gòn, bao gồm khởi nghĩa, quân sự, công an, binh vận, chính quyền, quản lý đô thị, bảo đảm ổn định đời sống nhân dân.

Kế hoạch dự kiến ba tình huống: Thứ nhất: Địch co cụm về giữ các sân bay Biên Hòa, Tân Sơn Nhất. Khi thấy ta khởi nghĩa, quân Mỹ cũng co về căn cứ, không phản kích. Chính phủ mới ra tuyên bố yêu cầu quân Mỹ giữ nguyên trong vị trí đóng quân. Thứ hai: Địch tan rã, nội bộ khủng hoảng, lật đổ nhau trước khi ta tiến công quân sự. Ta lợi dụng phát động quần chúng khởi nghĩa, thành lập chính phủ liên hiệp. Lực lượng vũ trang đánh chiếm các mục tiêu quan trọng như sân bay Tân Sơn Nhất, Bộ Tổng tham mưu ngụy, Thứ ba: Thành lập Chính phủ liên hiệp rộng rãi, có cả thành phần thân Mỹ, thân Pháp, đại bộ phận là trung lập, lừng chừng. Ta chỉ nắm một số vị trí chủ chốt và nắm chắc cấp cơ sở. Chính phủ này phải thật rộng rãi để Mỹ có thể chấp nhận được… Sách lược của ta là quân Mỹ ở đâu thì giữ nguyên ở đó, hoặc tập hợp về Đà Nẵng, Chu Lai, Quy Nhơn, Cam Ranh. Sách lược về thành phần chính phủ chính là nhằm để Mỹ phải rút khỏi cuộc chiến tranh ở miền Nam.

Qua nghe báo cáo, đồng chí Văn Tiến Dũng nhất trí sẽ đề nghị với Bộ Chính trị thông qua phương hướng kế hoạch của Nam Bộ. Ngày 11 và 12 tháng 9, đồng chí Lê Đức Anh báo cáo Bộ Chính trị. Sau khi thảo luận, Bộ Chính trị đồng ý với phương hướng kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa của Trung ương cục miền Nam và xác định Sài Gòn-Chợ Lớn là hướng chủ yếu của Nam Bộ và toàn miền Nam. Nửa tháng sau, ngày 25 tháng 9, Bộ Chính trị họp bàn một số vấn đề về ngoại giao và kế hoạch chiến lược quyết tâm giành thắng lợi quyết định ở miền Nam. Ta đặt vấn đề thương lượng với Mỹ để tạo cho địch chủ quan, sơ hở, tạo cho ta lợi thế trong chuẩn bị thực hiện kế hoạch chiến lược. Sau khi kết luận đồng tình với kế hoạch chiến lược và quyết tâm giành thắng lợi quyết định ở miền Nam, đồng chí Trường Chinh yêu cầu: trong tháng 10, Quân ủy Trung ương và Ban Thống nhất phải hoàn thành và báo cáo Bộ Chính trị ba kế hoạch: kế hoạch tiến công quân sự và khởi nghĩa của quần chúng; kế hoạch thành lập chính quyền ở miền Nam; kế hoạch ngoại giao.

Cũng chính theo phương hướng đó, ngày 11-9 Tổng Tham mưu trưởng Văn Tiến Dũng điện hướng dẫn Khu 5 xây dựng kế hoạch công kích-tổng khởi nghĩa ở đồng bằng Khu 5 và tiếp đó ngày 27-9, thủ trưởng Bộ Tổng tham mưu bàn cụ thể kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa ở Khu 5 và Tây Nguyên.

Ngày 12-10, Cục Tác chiến dự thảo xong kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa toàn miền Nam. Dự kiến diễn biến ba đợt: 1 – Đông 1967; 2- Xuân 1968 (tổng công kích-tổng khởi nghĩa) và đợt 3 từ tháng 3 đến tháng 5. Trong ba mức thắng lợi, Cục Tác chiến không loại trừ khả năng thứ ba: ta chỉ giành thắng lợi ở một số nơi do cố gắng chủ quan chưa đầy đủ, hoặc do chuẩn bị không tốt, hoặc bị lộ. Cục Tác chiến đề nghị phân công các đồng chí sau đây theo dõi và chỉ đạo triển khai kế hoạch chiến lược tổng công kích-tổng khởi nghĩa: quân sự: Văn Tiến Dũng; các vấn đề chính trị: Trường Chinh; chính quyền: Phạm Văn Đồng; an ninh: Trần Quốc Hoàn; kinh tế: Lê Thanh Nghị; Ngoại giao: Nguyễn Duy Trinh; binh vận: Tổng cục Chính trị. Ngày 15 tháng 10, trong cuộc trao đổi với đồng chí Văn Tiến Dũng, đồng chí Song Hào nhận xét rằng kế hoạch chưa làm nổi bật phán đoán của Quân ủy Trung ương về phản ứng của địch, kể cả khả năng chúng đánh ra Khu 4. Đồng chí Văn Tiến Dũng khẳng định lại quyết tâm của Bộ Chính trị, nhấn mạnh Quân ủy Trung ương có trách nhiệm thực hiện, kiểm tra chặt chẽ khả năng thực hiện của ta. Kế hoạch quân sự phải ăn khớp với kế hoạch khởi nghĩa giành chính quyền, tập trung cụ thể hóa kế hoạch công kích ba thành phố Huế, Đà Nẵng, Sài Gòn, để đề nghị Bộ Chính trị thông qua.

Sau khi biên soạn lại, kế hoạch được thảo luận tại hội nghị Bộ Chính trị (mở rộng) trong các ngày từ 20 đến 24 tháng 10(3). Nghị quyết về tổng công kích-tổng khởi nghĩa lúc này được Bộ Tổng tham mưu cho mang mật danh Quyết tâm chiến lược mùa thu. Yêu cầu đặt ra trong cuộc tiến công chiến lược là Tích cực chuẩn bị, kiên quyết tổng công kích-tổng khởi nghĩa đánh đổ Mỹ-ngụy, giành chính quyền về tay nhân dân; tiêu diệt bộ phận quan trọng sinh lực và cơ sở vật chất kỹ thuật của Mỹ, cô lập chúng buộc chúng phải chịu thua và rút khỏi miền Nam, chấm dứt oanh tạc miền Bắc; kiên quyết tiêu diệt và làm tan rã căn bản ngụy quân, ngụy quyền, các tổ chức phản động, bắt nhiều tù binh Mỹ và quan chức cấp cao Mỹ-ngụy... Hội nghị cũng thảo luận ba trường hợp có thể giành thắng lợi, trong đó mức thứ ba chỉ thắng được một phần.

Riêng về chiến trường Nam Bộ (chủ yếu là Sài Gòn), cuộc trao đổi giữa các đồng chí Lê Trọng Tấn và Nguyễn Văn Vịnh (ngày 11 tháng 11-1967) dự kiến 4 khả năng phản ứng của Mỹ: 1- Lúc đầu hoang mang, phản ứng cục bộ, giữ vị trí, đợi lệnh từ bên Mỹ; 2- Mỹ thay đổi chiến lược, tiếp xúc với cách mạng vì quân ngụy đã bị tiêu diệt, thành phố đã bị chiếm giữ; 3- Sử dụng bom đạn đánh ác liệt phá hủy thành phố, đánh chiếm lại những vị trí quan trọng, quyết tâm không để mất Sài Gòn; 4- Cấp tốc tăng quân vào miền Nam.

Về khả năng diễn biến của cục diện chiến trường khi ta triển khai kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa trên toàn miền Nam, các hội nghị Bộ Chính trị tháng 12-1967 và tháng 1-1968 đều dự kiến tình hình có thể phát triển theo một trong ba khả năng:

1 - Ta giành thắng lợi to lớn ở các chiến trường quan trọng, công kích và khởi nghĩa thành công ở các đô thị lớn và đập tan mọi âm mưu phản kích của địch, làm cho địch thất bại đến mức không thể gượng lại được nữa, đè bẹp được ý chí xâm lược của địch, bắt địch phải chịu thua, phải thương lượng, đi đến kết thúc chiến tranh theo mục đích và yêu cầu của ta.

2 - Tuy ta giành được thắng lợi ở nhiều nơi, nhưng địch cố gắng tập trung và tăng viện thêm lực lượng từ ngoài vào giành lại những vị trí quan trọng ở các đô thị lớn, nhất là Sài Gòn và dựa vào các căn cứ lớn để tiếp tục đẩy chiến tranh kéo dài.

3 - Mỹ động viên và tăng viện thêm nhiều lực lượng, mở rộng chiến tranh thêm một bước ra miền Bắc, sang Lào và Cam-pu-chia, hòng xoay chuyển cục diện chiến tranh và gỡ thế thua của chúng.

Điểm mới đáng chú ý là trong hội nghị ngày 13-1-1968 (hội nghị thông qua nghị quyết về tổng công kích-tổng khởi nghĩa) là Bộ Chính trị xác định cuộc tổng công kích-tổng khởi nghĩa sắp tới sẽ là một giai đoạn, một quá trình tiến công chiến lược rất ác liệt và phức tạp…

Năm ngày sau, trong cuộc họp mở rộng ngày 18-1-1968 có đồng chí Nguyễn Văn Linh tham dự, Bộ Chính trị quyết định thời điểm tổng công kích-tổng khởi nghĩa. Dự cuộc họp tuyệt mật này có các đồng chí Lê Duẩn, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Lê Đức Thọ, Lê Thanh Nghị, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn, Lê Văn Lương, Văn Tiến Dũng và Vũ Lăng (Cục Tác chiến).

Hôm sau, 19-1, rà soát lại chủ trương, quyết tâm, kế hoạch tổng công kích-tổng khởi nghĩa và sau khi đã trao đổi và phân tích tình hình mọi mặt, Bộ Chính trị (với thành phần nói trên, trừ Vũ Lăng) khẳng định quyết tâm tổng công kích-tổng khởi nghĩa giành thắng lợi quyết định trên chiến trường miền Nam trong năm 1968. Đây là lần cuối cùng chính thức hạ quyết tâm tổng tiến công chiến lược trong khi quân dân toàn miền Nam đang khẩn trương chuẩn bị để kịp đồng loạt nổ súng đúng vào lúc giao thừa Xuân Mậu Thân.

1 Xem Những sự kiện lịch sử Đảng-Tập 3-Nxb Thông tin lý luận-1985-trang 356-357. Hồi đó, nội dung cơ bản của thắng lợi quyết định thường được hiểu là ta làm phá sản được các mục tiêu chủ yếu của từng chiến lược chiến tranh của địch, làm thay đổi được cục diện chiến tranh, buộc địch phải thay đổi chiến lược, ta có điều kiện tiến lên giành thắng lợi mới (Chú thích 26 trong Tổng kết cuộc KCCM-Ban chỉ đạo tổng kết chiến tranh trực thuộc Bộ Chính trị-trang 313). Theo Lịch sử Cục Tác chiến (Nxb QĐND 2005-trang 466) thì Giành thắng lợi quyết định được hiểu là làm chuyển biến tình hình về phía địch, làm chuyển biến cục diện miền Nam, trong đó đặc biệt chú trọng 3 thành phố Sài Gòn, Huế, Đà Nẵng.

2 Trong khuôn khổ bài này, tác giả chỉ tập trung nói về quá trình hình thành quyết tâm chiến lược Xuân 1968 và cũng chỉ nói những điểm chính. Không nói đến chỉ đạo bảo đảm (tuyển quân và huấn luyện bộ đội, nghiên cứu cách đánh thành phố, kế hoạch nghi binh chiến lược; tăng viện…).

3 Gồm các đồng chí Lê Duẩn, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng. Khi đồng chí Nguyễn Chí Thanh vào Nam, đồng chí Phạm Hùng thay. Các đồng chí Hồ Chí Minh, Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Trần Quốc Hoàn chỉ dự những cuộc họp của tập thể Bộ Chính trị. Đáng chú ý là trong quá trình hình thành quyết tâm và kế hoạch chiến lược cũng như trong những ngày đầu của đợt 1 của cuộc Tổng tiến công chiến lược Xuân 1968, Tổng tư lệnh Võ Nguyên Giáp nhiều lần vắng mặt ở Tổng hành dinh và không tham gia một số cuộc họp quan trọng của Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương cũng như cuộc họp của Tổ 5 đồng chí Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương

1) Dự họp có các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Trần Quý Hai, Song Hào, Lê Trọng Tấn, Lê Quang Đạo và Nguyễn Văn Vịnh.

(2) Dự họp có các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Nguyễn Chí Thanh, Văn Tiến Dũng, Lê Đức Thọ, Song Hào, Nguyễn Văn Linh, Trần Văn Trà, Nguyễn Văn Vịnh, Lê Quang Đạo, Đinh Đức Thiện và hai cán bộ Cục Tác chiến.

(3) Do Mặt trận Trị Thiên-Đường 9 trực thuộc Bộ nên có chỉ đạo riêng, trực tiếp.

(4) Gồm các đồng chí Lê Duẩn, Phạm Hùng, Võ Nguyên Giáp, Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Thọ, Văn Tiến Dũng, Song Hào, Nguyễn Văn Vịnh, Lê Quang Đạo, Đinh Đức Thiện và một số cán bộ Cục Tình báo và Tác chiến.
(1) Nguyễn Chí Thanh, Lê Đức Anh (Nam Bộ), Nguyễn Đôn (Khu 5), Chu Huy Mân (Tây Nguyên).

(2) Các mục tiêu chiến lược cần đạt cho được gồm: 1-Tiêu diệt và tiêu hao một bộ phận quan trọng quân Mỹ, làm cho bản thân chúng bị tổn thất nặng, không thể ngăn chặn được sự tan rã của ngụy quân, ngụy quyền, làm cho quân Mỹ bị thất bại cả trong nhiệm vụ quân sự và chính trị. 2-Tiêu diệt và làm tan rã đại bộ phận quân ngụy, tới mức làm cho chúng không còn là lực lượng chiến lược mà Mỹ có thể dựa vào để tiếp tục cuộc chiến tranh. Khi chúng buộc phải chuyển sang giải pháp chính trị thì thế và lực của ngụy quân, ngụy quyền không đủ sức để duy trì và giữ vững chế độ chính trị của chúng. 3-Đẩy mạnh đấu tranh chính trị, kết hợp với đấu tranh quân sự tiến tới tổng công kích, tổng khởi nghĩa ở các đô thị và vùng nông thôn, thành lập chính quyền liên hiệp dân tộc, dân chủ rộng rãi mà nòng cốt là Mặt trận dân tộc giải phóng miền Nam Việt Nam.

(3) Tham dự gồm có các đồng chí: Trường Chinh, Phạm Văn Đồng, Nguyễn Duy Trinh, Lê Thanh Nghị, Văn Tiến Dũng, Trần Quốc Hoàn, Lê Đức Thọ, Tố Hữu, Lê Văn Lương, Song Hào, Nguyễn Văn Vịnh, Trần Quý Hai. Ngoài ra còn có các Cục trưởng Lê Trọng Nghĩa, Lê Ngọc Hiền và đại diện các chiến trường Đường 9-Bắc Quảng Trị, Thừa Thiên-Huế, Khu 5, Tây Nguyên và Nam Bộ. Vắng mặt hai người: đồng chí Lê Duẩn và đồng chí Võ Nguyên Giáp.


Trần Trọng Trung
Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn