Xem bài viết đơn
  #5  
Old 19-04-2008, 11:29 PM
tarta12a's Avatar
tarta12a tarta12a is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Feb 2008
Bài gởi: 1,035
Thời gian online: 2140
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 35 Times in 18 Posts
B/ CƯỚP BIỂN TẠI BIỂN ĐÔNG
1/ Sinh hoạt
Nạn cướp biển xảy ra ở nhiều nơi trên thế giới nhưng nhiều nhất vẫn là vùng nhiệt đới nơi có nhiều quần đảo, nơi họ có thể nương náu mỗi khi gặp khó khăn và cũng là nơi tu bổ tàu bè, chuẩn bị lương thực. Họ lại có thể phục kích để rình đánh cướp những tàu buôn đi ngang qua hay những ngư dân rơi vào khu vực họ hùng cứ. Cướp biển phần lớn đã từng là thủy thủ hay dân chài và xoay sang nghề ăn cướp vì nhiều lý do, tham lam cũng có, thích phiêu lưu, tự do cũng có mà vì cơ hội cũng có. Họ thường chỉ là những nhóm nhỏ kết hợp với nhau để đi ăn cướp và cũng ít khi dám công khai đụng độ với quan quân. Cũng có khi họ là những ngư dân làm thêm nghề tay trái một khi có điều kiện. Khi nghiên cứu về chiến tranh dấy loạn người ta thấy rằng trong nhiều trường hợp, nổi dậy là con đường sống duy nhất của một số người bị đẩy vào đường cùng vì đã từng phạm pháp, có liên quan đến một tội nhân hay có khi bị ép buộc phải nhúng tay vào máu để không thể thối lui được nữa.
Trước đây triều đình Trung Hoa ít khi để ý đến – hay ít ra cũng có kế hoạch để giải quyết – mà thường để cho họ tự tàn sát lẫn nhau hay bị giết trong khi giao chiến với các thương nhân. Ngay từ đời Hán, nhân dịp nước Tàu có nội chiến và loạn sứ quân thì cướp biển đã nổi lên thật đông dọc theo bờ biển. Thế nhưng chỉ từ thế kỷ 16 trở đi, khi các thương thuyền từ những đại lục khác đến buôn bán, nạn hải phỉ mới phát triển mãnh liệt. Tới thế kỷ 17, 18 trong khi nạn cướp biển gốc người Nhật bớt đi (oải khấu) thì vùng biển Đông nước ta lại trở nên nhộn nhịp, một phần vì 10 Trung Hoa loạn lạc mất mùa, phần khác vào thời này các thương thuyền Âu Châu qua buôn bán đông nên sinh hoạt mặt biển cũng gia tăng với nhịp độ thương mại. Trong khi ở Nam Thái Bình Dương, hải phỉ thường chỉ là thổ dân các hòn đảo xông ra đánh cướp các tàu buôn đi ngang, cướp ở biển Đông là những nhóm có tổ chức và có khi lớn mạnh đến mức trở thành cả một triều đình nho nhỏ như Trịnh Thành Công, một thủ lãnh cướp biển Tàu lai Nhật vẫn được biết dưới cái tên Quốc Tính Gia, mà phạm vi hoạt động lan rộng tới tận vùng biển Philippines, dưới quyền có lúc lên đến hàng chục vạn quân và hàng ngàn chiến thuyền.
Sang thế kỷ thứ 17, cướp biển hoành hành dọc theo bờ biển nước ta nhất là trong giai đoạn nhiễu nhương khi quân Trịnh tiến vào Nam tiêu diệt họ Nguyễn. Nhiều tác giả cũng đề cập đến một lực lượng hải phỉ mà họ đặt tên là “Vietnamese piracy” (cướp biển Việt Nam) chuyên môn cướp phá miền duyên hải nước Tàu, nhiều lần chạm trán với quân Thanh và đã bị bão đánh tan hồi năm 1800 ở bờ biển Chiết Giang.[6] Thành phần cướp biển đó có thể coi như một hiện tượng tự nhiên trong những sinh hoạt của biển cả. Vào thế kỷ thứ 17, trong giai đoạn nhà Thanh mới lên cầm quyền, ngoài nhóm Trịnh Thành Công ở Đài Loan chống với nhà Thanh như một lực lượng phản Thanh phục Minh, ở miền nam nước Tàu cũng bị hải phỉ từ vùng biển Việt Nam kéo sang quấy phá. Chính Ngao Bái (Oboi) khi đó là một trong bốn phụ chính đại thần của vua Khang Hi cũng đã gửi thư sang trách Đại Việt năm 1666 đã dung túng và có thể cả tiếp tế cho họ:
“... Cho nên hôm nay ta phải hạ chiếu này để quốc vương tuân theo. Hãy lập tức truy lùng bọn Dương Nhị, Dương Tam, Hoàng Minh Tiêu và gia đình chúng cùng tên Tẩy Bưu và vợ con đem giao lại cho tổng đốc Lưỡng Quảng. Ngoài ra, nhà ngươi cũng phải điều tra và trừng trị những kẻ nào đã phạm tội giúp đỡ kẻ thù. Nếu nhà ngươi không giao bọn cướp biển ra, cũng như không trừng trị bọn thần tử thì ta e rằng sẽ xảy ra chuyện can qua giữa hai nước.”
Không biết thời đó chúa Trịnh có giao nạp cướp biển như nhà Thanh đòi hỏi không nhưng về sau tình hình không có gì rắc rối nữa.[7] Nạn giặc biển trong nhiều thế kỷ không thể chỉ được nhìn như một bọn cướp lang thang vô định mà thực tế đã chứng minh rằng họ là một thực lực trải dài từ Nhật Bản xuống tới tận eo biển Malacca. Xét quá trình tồn tại của họ từ thế kỷ thứ 15 chúng ta thấy rằng nếu có được chỗ dung thân, giặc bể xuất phát và bành trướng thành một lực lượng đáng kể. Theo những tài liệu còn ghi lại, quân Thanh ở cuối thế kỷ 18 trở về sau đã hoàn toàn mất đi tính tinh nhuệ của thời kỳ đầu. Như trên đã tường thuật, nhà Thanh nay đã trở thành một triều đình mục nát, tướng lãnh không còn khả năng chiến đấu mà chỉ là những con cháu vương hầu thế tập chức vụ của cha ông, còn quân đội thì chỉ là những người lính sống bằng mức lương chết đói, một nghề mạt hạng trong những nghề của xã hội.
Một số đông quân lính phải kiếm ăn thêm bằng cách bán cả súng ống, đạn dược, thuốc nổ... và tin tức để lấy tiền. Tình hình mặt biển còn tệ hại hơn. Gần như toàn bộ vùng biển Nam Trung Hoa – tức biển đông của ta – là nơi hải phỉ[8] hùng cứ, quan quân ít khi dám tiễu trừ. Các tỉnh duyên hải là sào huyệt và cũng là nơi các tổ chức bất hợp pháp hoạt động. Riêng Quảng Đông và Phúc Kiến lại càng thích hợp cho thương nhân và hải khấu vì núi non, sông ngòi khiến khu vực này cách biệt hẳn với nội địa. Hơn một phần ba dân số sống dọc theo bờ bể là dân chài và thương nhân, công nhân, nông dân tại địa phương cũng tùy thuộc vào biển cả. Riêng ở Giang Bình (cực nam của Quảng Đông, cận kề với các thương cảng như Hạ Môn, Quảng Đông... giáp ranh với Việt Nam) là một bến cảnh tấp nập, đông người vào ra buôn bán nhưng phần nhiều ngoài sự kiểm soát của triều đình. Dọc từ vịnh Bắc Việt lên đến Phúc Kiến bờ biển lồi lõm lại có thêm nhiều bến cảng và hai đảo lớn Đài Loan và Hải Nam là sào huyệt chính yếu của hải phỉ và những nhóm phản Thanh. Khu vực này nghiễm nhiên trở thành một vị trí trung tâm thương mại để tỏa ra khắp nơi, lên miền bắc đến Mãn Châu, Nhật Bản, xuống phương nam đến Nam Dương (các hải đảo Nam Á) bao gồm cả Philippines, Indonesia, Malaysia, Việt Nam, Campuchia, Java, Xiêm La... Dân chúng sống thành những làng nổi, được gọi dưới cái tên khinh miệt là thủy thượng nhân (水上人). Họ là thành phần sống bằng nghề chài lưới hay buôn bán rong nhưng gặp dịp sẽ trở thành ăn cướp. Cả khu vực rộng lớn đó dưới đời Thanh sống ngoài vòng pháp luật mà quan quân nhà Thanh nhắm mắt làm ngơ không mấy khi dám đụng tới. Lực lượng hải quân và duyên phòng của họ là con số không, ngoại trừ một vài pháo đài canh giữ mặt biển cho có lệ vì không hữu hiệu gì, tàu bè không có nên khi cần điều động viễn chinh thì lúc đó mới tính chuyện xây dựng.

2/ Các loại thuyền
Cứ theo nghiên cứu của Dian H. Murray, có tám loại thuyền khác nhau mà cướp biển ở Đông Hải thường sử dụng:
- Tề nguy thuyền (齊桅船), có các cột buồm cao bằng nhau
- Đại điếu tào thuyền (大釣艚船), là loại thuyền chuyên chở (cargo junk) có móc lớn. Đây là những thuyền buôn chở hàng hóa ra vào các cửa biển như Hương Cảng chẳng hạn.[9]
- Bạch tào thuyền, ô tào thuyền (白艚船﹐烏艚船)là các thuyền lớn sơn trắng hoặc sơn đen. Những thuyền này đóng theo kiểu Phúc Kiến, đóng như kiểu tàu chiến, trông giống như một cái máng uống nước của ngựa nên gọi là “tào”. Thuyền có sơn hai con mắt ở đầu để cho cá kình trông thấy tưởng là đồng bọn mà không tấn công. Thuyền đen thường dùng để chở muối và thực phẩm trong khi thuyền trắng để đi đánh cá và chở hàng.
- Song nguy thuyền (雙桅船) , là thuyền có hai cột buồm.
- Liệu thuyền (料船), là thuyền nhỏ chở hàng hóa ở địa phương.
- Lao tăng thuyền (橯繒船), là loại thuyền nhỏ và thon như hình mũi tên, dài từ 40x12 đến 80x21 feet, có hai cột nhưng không dùng buồm.
- Khoái thuyền (快船), thường có hai cột buồm thường dùng để đánh cá và để đi buôn. Thuyền này có nhiều buồm và ra khơi rất tiện lợi.
- Đại khai ba thuyền (大開波船), là thuyền đi biển loại lớn có thể chở được tới 350 tấn, có khi tới 1000 tấn. Thuyền này có thể lướt sóng rất nhanh, chứa từ 30 đến 50 người nên còn được gọi là khai lãng thuyền (開浪船- open-the-waves junks) hay thực thủy thuyền (食水船- eat-water junks).
Ngoài tám loại thuyền đó, Robert J Anthony cũng đề cập đến một loại thuyền nhỏ hơn có tên là bá lạt hổ (叭喇嗁). Bá lạt hổ chính là phiên âm của chữ perahu tiếng Mã Lai là loại thuyền Đàng Trong vẫn dùng để chiến đấu, dùng cả buồm lẫn chèo tay, di động rất nhanh và thao tác rất tiện. Loại thuyền này nông lòng nên có thể tiến sát bờ bể và di tản nhanh khi bị tấn công. Ở các bến bãi miền Nam hiện nay chúng ta vẫn còn thấy sử dụng loại thuyền này rất nhiều, vừa có thể đi trên sông, vừa có thể đi trên biển. Những thuyền lớn có thể mang tới 12 súng đại bác (nhiều súng do phương Tây chế tạo) và một thủy thủ đoàn tới 200 người trang bị bằng gươm, đao, giáo mác và súng trường. Những thuyền của hải phỉ trang bị bao giờ cũng hơn xa các tàu tuần của triều đình Mãn Thanh nên chẳng coi quan quân vào đâu cả.[10]
Ngoài những thuyền bè mà hải phỉ vẫn thường sử dụng để đánh cướp theo truyền thống (lắm khi chỉ là tàu buôn được sửa sang lại thành tàu ăn cướp), nhà Tây Sơn lại cung cấp cho họ những chiến thuyền thực sự, nghĩa là những thuyền bè vốn dĩ được dùng vào mục tiêu chiến đấu. Với những chiến thuyền loại đó, hải phỉ đã trở thành một đạo quân chính thức được trả lương để làm nhiệm vụ chiến đấu. Những chiến thuyền triều đình Việt Nam giao cho họ sử dụng là loại thuyền “cột buồm cao hơn 80 feet và hai bên hông được bọc bằng nhiều lớp da bò, chăng lưới, vừa to hơn, vừa chắc chắn hơn những thuyền mà cướp biển tự kiếm được. (Họ được trang bị cả) đại bác nặng đến 4000 cân (catty, độ chừng 600 gr) và cũng được trang bị súng ống đầy đủ hơn”.[11]

3/ Thu phục cướp biển
Trong nhiều thế kỷ tuy nạn cướp biển có hoành hành nhưng cũng không trở thành một lực lượng đáng kể vì thiếu một căn cứ địa để trốn tránh khi bị săn đuổi. Thế nhưng đến cuối thế kỷ thứ 18, Nguyễn Huệ đã nhìn ra được tiềm năng và vai trò của họ nên đã thu dụng và trở thành một vị thủ lãnh tập hợp được nhiều nhóm khác nhau, phân chia mỗi nhóm một lãnh bàn hoạt động, chỉ đạo các chiến dịch và cho họ nơi trú ẩn. Robert J. Antony đã nhận ra rằng ở cuối thế kỷ 18, đầu thế kỷ 19, cướp biển ở biển đông đã tập họp thành một vài nhóm, có đến hàng ngàn chiến thuyền, tổng cộng đến hơn 7 vạn người.[12]
“... Đối với đám hải khấu lẻ tẻ vùng Quảng Đông, Phúc Kiến, Chiết Giang và Giang Tô, Nguyễn Văn Huệ được gọi là Đại Ca Việt Nam, là người bán những đồ họ cướp được và chia cho họ từ 20 đến 40% số tiền. Những bọn cướp lớn cũng được Hoàng đế che chở vì họ không những được phép neo thuyền tại vùng biên giới (Trung Hoa và Đại Việt) để tuyển quân và trộm lương thực mà còn có thể dùng Việt Nam như một “sào huyệt” để rút về. Bọn hải khấu đó coi nhà vua như chủ nhân của họ vì dưới thẩm quyền của ông họ có thể thu hoạch nhiều nguồn lợi từ biển cả.[13]
Theo Ngụy Nguyên[14] thì nhà Tây Sơn không những chỉ dung túng cho đám hải khấu mà còn giúp đỡ những giáo phái như Bạch Liên Giáo và Thiên Địa Hội lúc đó đang nổi dậy trong nhiều vùng tại Trung Nguyên từ Hồ Bắc đến Hồ Nam, Tứ Xuyên, Quảng Đông kéo dài trong nhiều năm.[15] Có lẽ những điều Ngụy Nguyên viết không có chứng cứ rõ rệt vì giai đoạn này nhà Tây Sơn đang phải tập trung sức lực đối phó với Nguyễn Ánh ở miền nam đánh lên không thể nào còn đủ uy thế để hỗ trợ những lực lượng nằm sâu trong lãnh thổ Trung Hoa, hoặc nếu có thì là những hoạt động ngầm của vua Quang Trung khi còn sống với dụng ý cầm chân triều đình Mãn Thanh, mặt khác lại cũng là một hình thức kinh tài để giúp ông chuẩn bị những phương án chiến lược mới.
Sau khi mua chuộc và chiêu dụ được một số thủ lãnh của đám hải phỉ, vua Quang Trung sử dụng họ như một cánh kỳ binh tinh nhuệ tấn kích bất ngờ khiến quân Thanh trở tay không kịp. Việc Nguyễn Huệ sử dụng cướp biển để sang quấy phá miền nam Trung Hoa đã được đề cập đến trong sử triều Thanh cũng như triều Nguyễn. Theo Ngụy Nguyên trong Thánh Vũ Ký (phần Càn Long Chinh Vũ An Nam Ký), viết vào năm Đạo Quang thứ 22 (1842) có đề cập đến như sau:
“Nước nhà từ đời Khang Hi thứ 22 (1683), đánh Đài Loan, dẹp họ Trịnh, rồi năm thứ 24 (1685) mở rộng tuần phòng trên bể thì vùng Mân, Việt, Chiết, Ngô, trên vạn dặm bể trời, kình nghê không bóng sóng. Đến đầu đời Gia Khánh (1796), mới có cướp thuyền (Đĩnh đạo) quấy rối. Cướp thuyền này bắt đầu từ khi cha con Nguyễn Quang Bình ở An Nam cướp nước, rồi quân mỏi của hết, bèn mời tui vong mạng dọc bể, cấp cho binh thuyền, nhử bằng quan tước, sau cướp các thuyền buôn ở bể gần để biện lương thực. Mùa hè tới, mùa thu về, tung tích không lường, làm họa lớn cho đất Quảng Đông.
Sau lại có bọn cướp đất ở bang Phượng-vĩ, bang Thủy-áo cũng phụ vào. Chúng bèn vào sâu trong vùng Mân, Chiết. Cướp đất dựa vào thuyền rợ (An Nam) làm thanh thế, thuyền rợ cậy cướp đất làm hướng đạo. Trên vài ngàn dặm trên mặt bể ba tỉnh, nếu ta lên bắc thì chúng xuống nam, nếu ta xuống nam thì chúng lên bắc. Nếu ta chống với thuyền, thì tụi cướp đất tung ra cướp; nếu ta đương đầu với cướp đất thì thuyền tới cứu. Vả chăng thuyền rợ cao, to, nhiều súng; có gặp cũng chưa chắc được chúng. Cướp đất giảo quyệt lại có nội ứng; mỗi lúc tạm trốn rồi quay nhóm lại. Mà bấy giờ tụi giáo-phỉ ở Xuyên Thiểm vừa dấy. Triều đình vừa chú ý đến tây chinh, chưa rảnh để tính việc hòn đảo. Cho nên thế giặc càng ác liệt.[16]
Cuối thế kỷ 18, ba nhóm dương đạo hùng cứ biển đông của Trịnh Nhất (鄭一), Ô Thạch Nhị (烏石二) và Trương Bảo (張保) đã trở thành một lực lượng thuỷ quân xung kích và cũng đồng thời là lá chắn cho Nguyễn Huệ khiến cho thương nhân ngoại quốc phải gờm không dám đóng vai đòn sóc hai đầu, vừa buôn bán với nhà Tây Sơn, vừa giao thương với lực lượng đối nghịch của họ.[17]
Thế nhưng việc sử dụng thành phần hải phỉ không phải chỉ đơn giản như thế. Đây là một chương trình có tính toán, một canh bạc cháy túi nếu đi sai. Lúc đầu ông thu dụng bọn họ như một lực lượng vây cánh nhưng ngay cả khi đã lên ngôi hoàng đế, Nguyễn Huệ vẫn tiếp tục tin dùng và phát triển thêm lên. Nếu nói đây là bụng dạ đàn anh của ông cũng được mà bảo rằng là chủ đích của ông thì cũng không sai. Robert J. Antony đã nhận xét:
“Ngay cả sau khi vua Càn Long đã phong vương cho một trong những lãnh tụ Tây Sơn năm 1788 (đúng ra phải là 1789 - NDC), ông này vẫn theo đuổi một chính sách chơi dao hai lưỡi, một mặt vẫn gửi đồ tiến cống sang Thanh triều ở Bắc Kinh, mặt khác vẫn đồng thời yểm trợ cho những vụ cướp phá của hải tặc dọc theo bờ biển Trung Quốc.”[18]
Những tên cướp đó không những có nơi trú ẩn an toàn khi bị săn đuổi mà còn được cung cấp vũ khí, tiền bạc để nuôi sống gia đình, lại còn được phong tước. Cho tới khi nhà Tây Sơn bị lật đổ, những bọn cướp biển đó được dành riêng một khu vực gần biên giới Việt – Hoa gọi là Giang Bình (Jiangping)[19] coi như sào huyệt của họ. Trong số những tên cướp biển kiệt hiệt phải kể đến Mạc Quan Phù (莫官扶- Mo Guanfu), Trịnh Thất (鄭七 - Zheng Qi), Vương Quí Lợi (王貴利- Wang Guili) và Ô Thạch Nhị (烏石二- Wushi Er). Bốn người này được lệnh của triều đình Tây Sơn qui tụ những nhóm lẻ tẻ lại lập thành những toán quân lớn. Mạc Quan Phù và Trịnh Thất đã từng tham dự nhiều trận đánh chống lại Nguyễn Ánh và năm 1796 Mạc được vua Cảnh Thịnh phong chức Đông Hải Vương. Trịnh Thất thì có dưới tay hơn 200 chiến thuyền, là lực lượng ngoài biển lớn nhất thời ấy và được thăng tới chức Đại Tư Mã (tương đương Thượng Thư bộ Binh). Vương Quí Lợi, có vợ Việt Nam, bỏ y phục người Hoa ăn mặc theo lối Việt và còn lưu lạc mãi tới năm 1810 (8 năm sau khi nhà Tây Sơn bị diệt vong) được phong chức Định Hải đại tướng quân.
Xem lại biểu đồ mà nhà Tây Sơn tổ chức lực lượng hải phỉ ta còn nhận ra nhiều nhóm theo tên gọi chẳng hạn như Phượng Vĩ, Tiểu Miêu... hoặc có khi chia thành nhiều màu cờ như Thanh Kỳ, Hồng Kỳ, Hoàng Kỳ, Hắc Kỳ, Lục Kỳ[20] mỗi nhóm có một vùng hoạt động, những thủ lãnh được phân bố chặt chẽ. Sau khi nhà Tây Sơn bị lật đổ, những nhóm đó đã tự động tập hợp lại để ký với nhau một thỏa hiệp xác định lại một số qui luật để không rơi vào tình trạng chém giết lẫn nhau. Nếu như vua Quang Trung không mất sớm, tổ chức hải quân của ông chắc chắn sẽ mau chóng trở thành lực lượng đường biển mạnh nhất thời bấy giờ không những đủ sức làm lệch cán cân Việt – Thanh mà còn đủ sức ngăn chặn sự bành trướng của chủ nghĩa thực dân vào đầu thế kỷ thứ 19.
Tài sản của tarta12a

Trả Lời Với Trích Dẫn