Xem bài viết đơn
  #6  
Old 19-04-2008, 11:29 PM
tarta12a's Avatar
tarta12a tarta12a is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Feb 2008
Bài gởi: 1,035
Thời gian online: 2140
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 35 Times in 18 Posts
THỦY QUÂN CỦA TÂY SƠN
Có thể nói ngay từ ban đầu anh em Nguyễn Nhạc đã đặc biệt chú trọng đến vai trò của thủy quân, một phần cũng vì bản chất của dân địa phương sống liền với bể cả, một phần vì vào thế kỷ thứ 18 việc phát triển đường biển đang lên đến cao độ.
Vấn đề thủy quân trở thành một yếu tố quan trọng từ khi người ta phát minh ra thuốc nổ và biết áp dụng để sử dụng như một ưu điểm về vũ khí. Chưa có súng thần công, đại bác, thuyền bè phần lớn chỉ dùng như một phương tiện di chuyển cũng chẳng khác gì con ngựa của dân du mục, không thể nào làm nên chuyện lớn nếu không có cánh cung đi kèm. Do đó, muốn tìm hiểu về vai trò của thủy quân, chúng ta lại phải nhìn qua tiến bộ của vũ khí trang bị khiến cho tàu chiến trở thành một lực lượng chủ yếu. Chiến thuyền vừa là một phương tiện di chuyển, vừa là phương tiện tấn công lại cũng là một cái nhà nổi mà sinh mạng của thủy thủy gắn liền với con tàu. Chính vì thế, việc bảo vệ con thuyền, sống chết với nó đã thành một truyền thống của hải quân.
Theo những di chỉ tìm thấy được, người Mông Cổ có lẽ là dân tộc đầu tiên biết phối hợp súng thần công (phát minh vào khoảng thế kỷ thứ 10) trang bị vào tàu chiến để đưa quân đi đánh Nhật Bản, Đại Việt và nhiều quốc gia khác trong vùng Đông Nam Á mặc dầu người ta biết rằng ngay từ thế kỷ thứ 8 người Trung Hoa đã nghĩ ra cách chiến đấu bằng hải thuyền từ đằng xa (thay vì cận chiến) dùng các loại súng bắn đá (trebucket).
Thế nhưng phải tới đời Minh, người Trung Hoa mới có các loại thuyền trang bị đại pháo khi bắt được một số kỹ thuật gia của Đại Việt đem về nước vì chính Hồ Nguyên Trừng (con trưởng Hồ Quí Ly) là người đã cải cách hải quân, xây dựng những chiến thuyền hai tầng trang bị súng thần công để bảo vệ mặt biển.[21] Từ sáng kiến của Hồ Nguyên Trừng, Minh Thành Tổ đã cho đóng những chiến hạm lớn và sai Trịnh Hòa thực hiện những cuộc viễn dụ Những soái hạm thời đó đều được trang bị 50 hỏa khí đủ loại, 1000 viên đạn. Trong cuộc đụng độ giữa quân triều đình và người Bồ Đào Nha (Portuguese) vào năm 1522 họ đã đánh bại và bắt giữ nhiều quân địch.[22] Tuy nhiên vào thời kỳ đó việc sử dụng súng lớn trên thuyền còn nhiều phức tạp, cồng kềnh và thiếu tiêu chuẩn nên không hữu hiệu bao nhiêu. Trong việc tiễu trừ hải khấu, họ vẫn phải dùng phương pháp cổ điển với gươm giáo.
Ở phương Tây, hỏa khí tuy cũng đã được dùng trên các chiến thuyền từ thế kỷ 14 nhưng cũng chỉ là loại súng tay, súng lớn chưa dùng được. Vả lại, thời kỳ đó người ta vẫn phải dùng nhân công chèo bên hông thuyền và tấn công bằng mũi, có để súng cũng không biết bắn ra sao. Súng đại bác khi đó chỉ có thể để trên sàn thuyền và được đặt theo một vị trí nhất định nên chỉ có thể dùng để công phá thuyền địch hay thành lũy gần bờ biển và cho đến khi được cải tiến để có thể bắn ra ở những góc độ khác nhau thì mới có thể đạt được những công năng mới.
Đến thế kỷ thứ 18, khi có những tiến bộ kỹ thuật đưa đến những phát kiến mới trên mặt biển, quốc gia nào có lực lượng hải quân mạnh được coi như làm chúa mặt biển và cũng trở thành cường quốc trên bộ. Công tước xứ Choiseul, thủ tướng Pháp vào thập niên 1760 đã nói:
- Trong tình trạng hiện tại của Âu Châu, thuộc địa và thương mại và nhất là hải quân sẽ quyết định việc cân bằng lực lượng trên đất liền.[23]
Tuy nhiên, lực lượng trên biển thời kỳ đó chỉ giới hạn vào việc di chuyển binh đội và tiếp liệu vì tầu bè ở thời đại giương buồm (the age of sail) chủ yếu là chuyên chở mà không phải là một lực lượng tấn công, chưa chú trọng đến việc họa kiểu để cho sử dụng súng ống hay các cánh buồm được hữu hiệu. Trên phương diện chiến đấu, tàu bè lớn khó xoay trở, không vào được những vùng nước nông, nếu không có những thuyền nhỏ hộ tống và bảo vệ thì khó lòng đương cự được với lối đánh của hải khấu, dùng thuyền chèo tay vây quanh lúc tối trời, lẳng lặng tiến tới gần tấn công bằng các loại thuốc nổ, đánh gãy cột buồm hay phá vỡ be thuyền rồi xông vào tàn sát. Chính vì thế mà Nguyễn Huệ không sợ những lực lượng tiếp viện của Nguyễn Ánh từ Âu Châu và đã từng tuyên bố:
“... Các ngươi chớ quá nhẹ dạ cả nghe những lời phao đồn về bọn người Tây Dương. Tài giỏi gì hạng người đó? Mắt chúng là mắt rắn xanh, chúng chỉ là những xác chết trôi từ biển Bắc giạt về đây, các người nên hiểu như thế. Những tàu bằng đồng, những khinh khí cầu của chúng thì có gì là kỳ lạ...”[24]
Cũng theo những tài liệu còn để lại, lực lượng thủy quân của nhà Tây Sơn cho tới những năm sau cùng trước khi bị Nguyễn Ánh đánh bại vẫn còn rất đáng kể. Sau khi nhà Tây Sơn bị diệt, một phần của thủy binh Tây Sơn hoặc chạy trốn tới các quốc gia chung quanh, hoặc quay sang (hay trở lại) làm cướp biển và vẫn còn làm cho triều đình Mãn Thanh cũng như triều đình Việt Nam điêu đứng một thời gian dài. Theo Chaigneau, một sĩ quan hải quân của Pháp được Giám Mục Bá Đa Lộc tuyển mộ để giúp Nguyễn Ánh thì:
“... Trước khi thấy được thủy quân địch, tôi đã coi thường lực lượng này nhưng nay tôi đoan chắc với ông rằng đó là lầm lạc, quân Tây Sơn đã có những chiến hạm trang bị 50 và 60 đại bác.”[25]
Chúng ta không biết rõ những chiến thuyền đó đóng theo kiểu nào, hay mua được ở đâu nhưng vào thời đó trang bị 50, 60 súng đại bác được kể là những tàu chiến thuộc loại lớn trên thế giới. Lẽ dĩ nhiên một chiến hạm còn nhiều yếu tố khác như trang bị cơ giới, thủy thủ và nhất là loại súng đại bác đó là loại gì, tầm cỡ ra sao... nhưng một sĩ quan được kể là bậc nhất của chúa Nguyễn đã nhận xét như thế hẳn không phải là một lời nói ngoa.
Cũng theo Barixzy thuật lại về hạm đội do Vũ Văn Dũng chỉ huy thì lực lượng của ông ta bao gồm 673 chiến thuyền lớn nhỏ, trong số đó có những tàu trang bị đại bác với một thủy thủ đoàn đông hơn những chiến hạm lớn nhất kiểu Tây phương mà quân Nguyễn có. Lực lượng Tây Sơn có đến 9 chiến hạm lớn (vaisseaux), trang bị 60 khẩu đại bác nặng 24 cân Anh (livres) và thủy thủ đoàn 700 người, 5 chiến hạm trang bị 50 đại bác nặng 24 cân Anh, thủy thủ đoàn 600 người và 40 chiếc trang bị 16 đại bác nặng 12 cân Anh và thủy thủ đoàn 200 người.
Như vậy chỉ tính 54 chiến thuyền cỡ lớn này người ta đã thấy lực lượng lên tới 17,300 quân và 1430 đại bác. Về thuyền cỡ trung và cỡ nhỏ, cũng theo các giáo sĩ Tây Phương thì Vũ Văn Dũng có dưới tay 93 chiếc trung bình trang bị 1 đại bác 36 cân Anh và 150 thủy thủ, 300 xuồng (chaloupes canonnieres) mỗi chiếc 50 thủy thủ và 100 chiếc ghe mỗi chiếc 70 thủy thủ. Tất cả tổng cộng 35,950 người và 17,300 quân trên các thuyền lớn cho thấy dưới quyền Vũ Văn Dũng chỉ huy lên đến 53,250 người.[26]
Chính vì thủy quân Tây Sơn quá hùng mạnh nên chúa Nguyễn Ánh cũng phải chạy đua trên mặt đóng tàu. Nguyễn Ánh cũng đặt mua một số tàu Tây phương, tháo ra rồi bắt chước đóng theo kiểu của họ, mỗi chiếc trang bị từ 26 đến 36 đại bác cùng hơn 300 thủy thủ. Tuy nhiên những tàu lớn thời này là lực lượng mà nhà Tây Sơn xây dựng sau khi vua Quang Trung đã lên ngôi nghĩa là theo lối tổ chức quân đội chính quị Bên cạnh đó ông còn chỉ huy một lực lượng lưu động bán chính thức là các nhóm hải phỉ trên khắp vùng Đông Nam Á lên đến hàng ngàn chiến thuyền và hàng vạn người dùng trong nhiều nhiệm vụ phi quân sự, kể cả buôn lậu, dò thám, trao đổi hàng hóa... khiến cho thực lực của ông có thể còn hơn những gì người ta biết rất nhiều. Những lực lượng bán chính thức đó trải rộng khắp mọi nơi và cũng là chỗ dựa để Nguyễn Huệ dự tính một chương trình bành trướng qui mô hơn. Chính vì đối phương không biết rõ các nhóm liên kết của ông ra sao nên thường đánh giá nhầm biến ông thành một nhân vật thần kỳ và càng khiến cho người ta tô vẽ những điều không có thực.
Tài sản của tarta12a

Trả Lời Với Trích Dẫn