Xem bài viết đơn
  #1  
Old 04-08-2008, 12:36 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Chuyện nhặt trên đường Trường Sơn

Kỳ I: Bâng khuâng Đèo Đá Đẽo

TP - Đận trước từ Tuyên Hóa về Phong Nha qua Đèo Đá Đẽo đã khuya. Cứ chăm chắm dặn anh bạn cùng học quê ở miền Tây Quảng Bình hễ đến đèo thì dừng lại tí...
Thắp hương trước bia Đèo Đá Đẽo

Dừng lại tí là cả một nỗi niềm dài. Cô em con ông cậu đi thanh niên xung phong (TNXP) hy sinh nghe nói ở Đèo Đá Đẽo này tháng 9/1972. Không tìm thấy xác.

Bà mợ bao năm nhớ con dật dờ như sợi dây khoai héo rồi cũng đã về theo em hơn chục năm nay. Thì lần đầu đến xứ lạ này cũng xuống cho biết vậy thôi chứ đêm thăm thẳm mù trời mù đất này thì ngó chi được? Nhưng tôi cứ xuống xe...

Ba bề bốn bên mênh mang một sắc đen án ngữ. Không còn biết đâu là taluy âm dương của con đường Trường Sơn đang được làm mới. Xe trên đường Trường Sơn, đường Hồ Chí Minh là của hiếm. Ban ngày đi chòi chõi hàng giờ còn chẳng gặp chứ nói chi đêm hôm khuya khoắt nên màn đêm không có bất kỳ thứ ánh sáng nào xé ra càng có vẻ dày đặc, vây bọc tợn.

Kéo tàn cả điếu thuốc, chỉ có tiếng gió hù hụ hun hút qua đèo. Giọng anh bạn quê miền Tây thoảng như đưa từ dưới vực lên về cái hồi đạn bom mù trời mà anh từng phải gánh chịu lẫn chứng kiến xứ này. Con đèo câm lặng dưới chân đây từng tơi bột bao lần bởi bom thả, bom ném, bom phá, bom xuyên.

Cây cối còn khó thoát nữa là người. Chả tính cả tuyến 12A miền Tây mà chi, nội các đơn vị TNXP bộ đội bám trụ khu vực con đèo này đã mấy trăm người lớp chết lớp bị thương! Vậy mà bây chừ chỉ có đêm và lặng thinh gió. Gần bốn chục năm còn gì?

Lần này không te tắt kiểu vài đoạn mà hoành tráng hơn, tôi được bám theo đoàn xuyên Việt của một người bạn theo đường Trường Sơn theo lối từ ngã ba Láng - Hòa Lạc xuôi Nam. Đến Đá Đẽo đã tầm chiều muộn nhưng hãy còn lóa lên thứ nắng chao chát xứ miền Tây Quảng Bình.

Sau khi thăm di tích trận địa Nguyễn Viết Xuân và sân bay dã chiến Khe Gát, lúc bắt vào khu vực đèo, một ông bên Bộ Giao thông vận tải có mặt trên xe đã nói về sự trần ai khi thi công đường Hồ Chí Minh qua đoạn này mà ông được chứng kiến.
Khu vực Đèo Đá Đẽo địa hình đa dạng gồm đồi núi, thung lũng xen kẽ và bị chia cắt có chiều dài 16km với một bên là núi cao, một bên là vực sâu, có các vòng cong gấp, sườn núi có độ dốc ngang lớn, lại bị xói lở nhiều. Khí hậu vùng này khắc nghiệt, mùa nắng gió Lào nhiệt độ cao, mùa mưa lũ lụt, mùa đông thì mưa dầm âm u kéo dài.

Đây là tụ điểm của sốt rét, là nơi còn sót lại nhiều bom đạn và chất độc... Còn tại sao có tên là Đá Đẽo thì ông cũng như mấy người trên xe chưa biết được. Có thể hồi ấy, khi bắt đầu mở nhánh đường chiến lược nối miền Tây Quảng Bình hậu phương với Trường Sơn với mặt trận Lào, do phương tiện thi công thiếu thốn (hoặc để mà giữ bí mật chăng?) các cô TNXP phải dàn hàng ra dùng choòng, xà beng để mà vạc đá đẽo đá?

Cũng là lối phỏng đoán áng chừng mờ mịt thôi nhưng cái tên Đèo Đá Đẽo đã vạc đã hằn vào lịch sử chiến tranh một thứ bi tráng! Ấn tượng nữa là sau này, không phải chỉ các loại bom phá, bom xuyên bom khoan mà hình như trên tuyến đường chiến lược đây, Mỹ bắt đầu dùng B52 rải thảm đầu tiên đối với đất miền Bắc?

Đợt cao trào có ngày 27 lần B52 dội bom xuống khu vực này! Thứ bom mà không nghe tiếng động cơ xoèn xoẹt đinh tai các vòng lượn của Con ma, Thần Sấm, Thập tự quân (F4, F105E, AD6...) mà đột nhiên trên thinh không lặng lẽ bỗng ù ù âm thanh từa tựa xay lúa rồi tối trời tối đất là những tiếng nổ kinh hồn, mọi thứ chao đảo nát vụn.

Lớp bom sau đè lên lớp chết trước... Ấy thế mà Đèo Đá Đẽo nói riêng cũng như những cung đường chiến lược chi chít của miền Tây này vẫn thông, vẫn sống thì quả là kỳ tài! Kỳ tài sức trai sức trẻ phải giăng ra hằng đêm hàng ngày để mà chớp thời cơ san gạt vá víu lẫn phá bom nổ chậm chứ chưa hẳn cái chi đó thuộc về tài năng của những chiến lược mở đường thông tuyến thời ấy.

Cô em của tôi và chắc có không ít đồng đội của em nữa vào một đêm, một ngày nào đấy của tháng 9/1972, chắc chi còn lành lặn vẹn nguyên thân thể? Quanh đèo chỉ bạt ngàn thứ cây dại thân cứ sắt lại và không gian trên đỉnh đèo cứ sậm bầm thứ hoàng hôn ma quái.

36 năm nếu không mùa mưa xối xả và mù giăng mờ mịt thì chiều nào cũng một sắc bầm nhức mắt này vây quanh em? Anh đang đến thắp hương cho em đây. Những bó hương mà bộ phận hậu cần chu đáo của chuyến đi đã chuẩn bị sẵn từ Hà Nội...

Chúng tôi chầm chậm tiến đến tấm bia đã cao hơn 2 mét dưới có ba tấm đá chồng lên nhau làm bệ được dựng giữa lưng chừng Đèo Đá Đẽo. Tấm bia này chắc mới dựng. Trên mặt bia vạc vẻn vẹn dòng chữ lối in đứng Đèo Đá Đẽo, trọng điểm đánh phá ác liệt của không quân Mỹ 1965-1972.

Dưới chân bia, chỗ cắm hương không có đành phải lấy tay khéo nương những chân hương dựa vô mặt đá. Tất thảy cái gọi là Đài tưởng niệm chỉ có vậy. Tôi ngó quanh thấy vương vất bên chân tấm bia những chân hương cũ khá nhiều...

Ngó mọi người nhiệt thành bấm cho nhau những kiểu ảnh khi thì ở đoạn cua của đèo, khi thì bên chân tấm bia tôi chợt nhớ đến hai địa danh nổi tiếng một thời mà chúng tôi vừa ghé hồi nãy cách Đèo Đá Đẽo không xa. Gọi là trận địa cao xạ pháo nhưng bây giờ đã chìm lút trong cây dại.

Trận địa pháo 57ly hay 37ly5 nơi thiếu uý Nguyễn Viết Xuân, khẩu đội 3, chính trị viên đại đội 3, Tiểu đoàn 14, pháo cao xạ sư 325 Quân khu 4 có câu khẳng khái trước lúc hy sinh Hãy nhằm thẳng quân thù mà bắn.

Buổi sáng ngày 18/11/1964 (có tài liệu chép năm 1965?) Bí thư chi bộ kiêm chính trị viên đại đội cao xạ Nguyễn Viết Xuân quê ở Vĩnh Tường, Vĩnh Phúc đã cùng đồng đội đánh trả nhiều đợt tấn công của lũ tiêm kích F100 để bảo vệ con đường chiến lược này.

Anh bị thương nát đùi bên phải, lòi ruột ra mà vẫn không rời trận địa. Cái chết uy lẫm ấy đã khởi đầu cho một phong trào Nguyễn Viết Xuân rầm rộ khắp miền Bắc. Hàng triệu phần việc, công trình mang tên Nguyễn Viết Xuân.

Cho đến giờ đã non nửa thế kỷ vẫn có hàng ngàn địa danh làng xã trường học khu phố mang tên Nguyễn Viết Xuân. Nhạc sĩ Nguyễn Đức Toàn sau thời điểm Nguyễn Viết Xuân hy sinh không lâu, trong một đợt công tác vô tuyến lửa đã tìm đến tận trận địa này ứng tác liền ca khúc tôi ghé thăm anh dọc đường hành quân/ nghe tiếng chim ca trên đồi anh nằm/ trận địa còn đây đất đá xới nhào...

Ca khúc xuyên năm tháng Nguyễn Viết Xuân cả nước thương yêu ấy đã được tặng Giải thưởng Hồ Chí Minh trong chùm ca khúc Quê em, Biết ơn chị Võ Thị Sáu, Đào công sự.

Cách trận địa pháo của Nguyễn Viết Xuân cũng không xa là một sân bay dã chiến có thể nói là độc nhất vô nhị trên hành tinh này có tên là Khe Gát. Nói đúng hơn là chỉ vỏn vẹn một đường băng cho một chiếc MiG lăn cất cánh và hạ cánh rồi chui giấu trong lòng núi.

Ngày 19/4/1972, lúc 14 giờ 5 phút, phân đội (kỳ thực chỉ có mỗi chiếc MiG 17 do Nguyễn Văn Bảng (Bảng B) và Lê Xuân Di điều khiển xuất phát từ sân bay Khe Gát này đã bắn cháy một chiếc khu trục hạm thuộc Hạm đội Bảy trong đó có chiếc khu trục Newzersey.

Đòn bất ngờ bởi cách đánh sáng tạo bí mật ấy đã khiến nhiều tàu chiến Mỹ không dám táo tợn liều lĩnh mò sâu vào vùng biển Quảng Bình để gây tội ác như trước. Điều kỳ diệu nữa là sân bay bí mật ấy đã không bị phát hiện bởi hệ thống mắt thần tinh vi của đối phương và tồn tại cho đến ngày toàn thắng. Tất nhiên, hai di tích đó bây giờ cây dại lẫn lau lách đã giăng đầy!

...Rời mắt lần chót khung trời đang buông thứ hoàng hôn bầm đỏ trên Đèo Đá Đẽo, trên xe lại rộ lên câu chuyện rằng mai kia trên toàn bộ tuyến đường Trường Sơn xuyên Việt mang tên Bác này, người ta sẽ xây cất những cung chặng hợp lý để phục vụ hành khách đường trường nghỉ ngơi giải trí chi đó.

Nghe nói đã có một đại gia xin thầu công việc đó. Nghĩ đến đấy, tôi những muốn bổi hổi một ước ao, đồng thời với nghĩa cử đó, những địa điểm di tích lịch sử dọc dài con đường huyền thoại nói chung cũng như ở miền Tây Quảng Bình nói riêng này như trận địa Nguyễn Viết Xuân như sân bay Khe Gát sẽ được xây cất giữ gìn tu tạo...

Nên chăng sẽ có những nhà bia cùng khu tưởng niệm ở những địa danh ấy? Và di tích Đèo Đá Đẽo này nữa, có một cái nhà bia với lối kiến trúc ấm áp, xây cất tùng tiệm thôi miễn sao cho khéo để che tấm bia trơ trọi kia đi. Mà trong nhà bia mang hơi hướng tưởng niệm ấy sẽ dần dà được bổ sung thêm những con số, sự việc cụ thể về con đèo lịch sử này.

Hàng trăm bộ đội, TNXP đã bị thương và hy sinh, con số cụ thể là bao nhiêu? Những con số tuy có thể sắc lẹm, lạnh lùng nhưng đủ sức truyền lửa cho các thế hệ mai sau. Nghĩa cử ấy chắc hẳn cũng tốn kém nhưng cần hơn là những tấm lòng lẫn sự chung tay góp sức.

(Hôm sau có trọn một ngày ở Đồng Hới tỉnh lỵ Quảng Bình mà tôi cố hỏi dò nhân vật anh hùng Đinh Thị Thu Hiệp, nữ TNXP kiên cường trên Đèo Đá Đẽo, một thời nổi trội trên các mặt báo những năm đã xa...

Không rõ chị Đinh Thị Thu Hiệp được tuyên dương cùng đợt hay sau anh hùng TNXP Quảng Bình Nguyễn Thị Kim Huế có thành tích vượt trội trong công tác đảm bảo giao thông được gặp Bác Hồ năm 1967? Nhưng hỏi mấy nơi mà chả ai biết! Hay chị Hiệp không phải quê Quảng Bình? Có lẽ mình hỏi chưa trúng chăng?).
Kỳ II: Hang Tám Cô, Hang Bốn Cô...

TP - ...Xe chúng tôi cùng nhiều du khách khác đang lướt ngon trớn trên Đường 20 Quyết Thắng thuộc Tây Trường Sơn.

Con đường này là một hướng chiến lược độc đáo táo bạo nối hậu phương miền bắc Quảng Bình với tuyến đông Trường Sơn Đường 9 cũng như Mặt trận phía Nam và Lào, chiếm vị trí đặc biệt trong việc chi viện cho chiến trường.


Hang Tám Cô


Lãnh đạo Đoàn 559 khi ấy đã đặt tên cho tuyến đường đặc biệt này là Tuổi 20 Quyết Thắng! Sau này giản lược người ta chỉ gọi là đường 20 Quyết thắng.

Chính vì độc đáo và táo bạo nên đối phương đã đánh hơi được ý đồ chiến lược ấy ngay từ đầu và quyết tâm xóa sổ. Tuổi 20 Quyết Thắng đã trả giá bằng từng thước máu xương của biết bao TNXP và bộ đội.

Người ta tính hơn 2 vạn bộ đội TNXP đã ngã xuống trên các tuyến đường Trường Sơn thì riêng 123 km của Đường 20 Quyết Thắng này, chưa thống kê cụ thể (mà đến khi nào mới có con số cụ thể?) nhưng những độ tuổi hai mươi nằm lại với con đường để giữ con đường này qua hàng ngàn vạn trận bom phá bom xuyên bom B52 ấy không phải là ít! Thời gian có thể là liều thuốc hiệu nghiệm cho sự quên lãng?

Đường 20 Quyết Thắng bây giờ đã quá tốt nhờ Đổi Mới nhờ tiền bạc của dự án này khác nhưng mỗi lúc xe tròn giữa tim đường trải nhựa phẳng lỳ, mỗi chúng tôi như có chi rưng rưng trong câu chuyện của người lính già ở Bộ GTVT trên xe đang kể về những gian nan mà ông cùng đồng đội từng nếm trải trên tuyến đường máu lửa năm xưa này. Nội cái việc ông chỉ ra cho chúng tôi thấy những cột cây số vùn vụt lui lại phía sau trên đề Hang Tám Cô 10, 8, rồi 5, 4 km bừng lên một cảm giác khó tả...

Lịch sử trận mạc Việt vẫn thường lưu lại trí nhớ cho hậu thế bằng những địa danh trên bản đồ và trên cả hệ thống giao thông của đường 20 Quyết Thắng như thế này chả hạn?

...Ki – lô - mét 16 cung 20 Hang Tám Cô đây rồi. Tất thảy đứng lặng trước một hõm con con mà thiên tạo vạc vào vách núi đá chứ chưa hẳn là cái hang mà lối đi chỉ vừa đủ cho hai người len nhau còn chật.

Vậy mà trưa ngày 14/11/1972, một trận oanh tạc kinh hồn của không quân Mỹ đã úp chụp xuống tọa độ km 16 của cung đường 20 này. 8 TNXP và 5 chiến sĩ pháo binh đã phải chạy tạm vào cái hõm này ẩn nấp.

Chắc những lần oanh tạc khác, họ có lặp lại động tác như lần này không nhưng chắc chắn cái hõm đá ấy dường như là nơi trú ẩn tạm an toàn của không ít TNXP đang bám trụ trên đường 20 Quyết Thắng này?

Nhưng hôm ấy đã không như các lần khác. Một loạt tiếng nổ dậy đất của loạt bom ném trên đỉnh núi đã hất một khối đá khổng lồ nặng hàng trăm tấn lăn xuống bít chịt lấy cái hõm đá con con ấy!

Thế là ngay buổi chiều 14/11/1972, đơn vị TNXP và mấy đơn vị bộ đội đã tập trung nhân tài lẫn vật lực hiện có khi đó vào việc cứu 8 TNXP và 5 bộ đội. Ba chiếc xe bánh xích đã nhao lên nhao xuống hàng chục lần nhưng khối đá khổng lồ bít hẻm ấy vẫn không suy xuyển.

Phương án bắn mìn phá đá bị dẹp bỏ bởi làm vậy anh chị em mình sẽ chết tức thì vì sức ép. Hàng chục người, mắt ngầu đỏ bàn tay tướp máu thẫn thờ chết lặng vây quanh khối đá khốn kiếp kia khi mồn một từ trong lòng đá sâu thẳm phát ra những giọng nói tiếng kêu quen thương Mẹ ơi cứu con với! Bầm ơi cứu con! Các anh ơi cứu chúng em...

Người ở ngoài cũng tức khắc gào đáp trả những lời động viên. Nhưng không chắc trong đó có nghe được?

Những chiếc dây mìn được khéo léo chắp lại. Người ở ngoài tìm mọi cách luồn vào qua ngách này góc khác. Một sợi dây rung giật... A đây rồi! Sống rồi! Có tiếng reo ở phía ngoài!

Họ đổ nước và sữa vào ống và ngày thứ hai tỉ mẩn nhồi vào miệng ống nhựa bé tý thứ lương khô đã được nghiền bột quấy với nước. Ngày thứ hai, thứ ba, rồi thứ tư... nước sữa nước lương khô tắc tị nhưng vẫn nghe tiếng kêu thoang thoảng mẹ ơi, mẹ ơi...

Trong đó có nhiều người bị thương đã kiệt sức? Đã có người ngất? Và mấy người còn sống? Tại sao sợi dây truyền nước câm lặng không rung giật như mấy lần trước? vv... và vv... Biết bao nhiêu những là phỏng đoán những câu hỏi trước khối đá khổng lồ câm lặng kia.

Những đơn vị bộ đội từ ngoài Bắc lặng lẽ vào chiến trường. Đi qua tọa độ Km16 đường 20 Quyết Thắng này, rất nhanh họ đã phát hiện ra tình huống bi thương ấy! Nhưng họ cũng đành bó tay. Các anh chỉ lặng lẽ để lại ít hộp sữa phong lương khô...

(Lúc này đây, không hiểu sao tôi cứ vẩn vơ với một ý nghĩ, những đồng chí bộ đội từng hành quân qua tọa độ Km16 và tham gia việc cứu chữa và nhất là đồng đội của 8 TNXP cùng 5 chiến sĩ pháo binh đã nhiều ngày bươn bả bên ngoài, thì thể nào trong số đó cũng có người còn sống! Sang năm thôi là đã dịp kỷ niệm 50 năm con đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Có lẽ chả phải bày biện ra chi nhiều cho nhiêu khê lẫn tốn kém, nội một phương tiện thông tin đại chúng như anh truyền hình chả hạn sẽ làm được cái việc thông báo rồi tập hợp cho họ những người còn sống sót qua những trận bão bom đạn lẫn bão người (thời bao cấp lẫn kinh tế thị trường phải vất vả kiếm sống) ngồi lại với nhau...

Tôi dám chắc những mái đầu bạc còn đến hôm nay sẽ có rất nhiều sợi tóc tự dưng bạc phếch đi từ cái thời điểm nhỡn tiền thấy đồng đội mình còn sống còn gọi cứu, gọi mẹ mà mình đành bất lực xuôi tay!).

Ngày thứ 9. Phía trong hang đã không còn âm thanh gì. Đó là ngày 23 tháng 11 mùa lạnh năm 1972, sự sống trong hang đã lặng phắc...

Cho mãi 25 năm sau...

Tháng 3/1996, một trung đội công binh đã dùng 60 kg thuốc nổ và phương pháp moi sập mới... Mở oà ra trước mọi người của cõi dương là những bộ hài cốt đã nằm lặng lẽ 25 năm!

Không phải lặng lẽ của một tư thế chết lành mà cứ căn cứ vào tư thế của hài cốt, người sống đã đoán định đã biết họ đã phải đau đớn như thế nào, đã phải chòi đạp đủ mọi tư thế ra sao hòng mong giành lại sự sống!

Họ đòi được cứu, đòi được sống nhưng không thể... Họ lần lượt được an táng, người thì ở quê nhà người thì tại nghĩa trang ở Bố Trạch Quảng Bình.

Từ năm 1996 cái hõm đá oan nghiệt tại km16 trên đường 20 Quyết Thắng mang cái tên Hang Tám Cô. Biết bao nhiêu người đã đến đây. Khách bộ hành, người tham quan, khách du lịch... có cả nhiều du khách nước ngoài. Cảm phục, tiếc thương và cả tò mò trắc ẩn... Nhưng tất tật đều dừng ở đây thắp hương hoặc lặng lẽ tưởng niệm.

Tôi để ý chiếc bàn thờ đặt trong lòng hang mỗi ngày như thế lưu lại bao nhiêu thứ đồ cúng xếp lớp là gương là lược cả nước hoa nữa. Như tên của con đường, họ mãi mãi hai mươi tuổi... Không biết du khách kiếm đâu ra những tấm gương tròn bọc nhựa lại cả những chiếc lược nhựa, mốt tận năm sáu mươi của thế kỷ trước mà con gái Việt Nam ưa dùng.

Làn khói hương du khách thắp lên theo chiều gió hay chiều chi từ lòng hang cứ lặng lẽ tản ra nhoè xanh cả cây ngàn. Vong các cô ngoài lẩn quất trong vòm hang còn có thể thơ thới vân du trong khu nhà tưởng niệm mới xây thuộc ban quản lý Khu Di tích Phong Nha Kẻ Bàng?
Hang Tám Cô, Hang Bốn Cô

TP- Thắp hương xong, bên ngách Hang Tám Cô, tôi tỉ mẩn đọc lại tấm bia đá. Nơi đây, ngày 14 tháng 11 năm 1972, máy bay Mỹ đã ném bom làm sập cửa hang...

Tám TNXP là.1. Nguyễn Văn Huệ sinh năm 1952, Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 2. Nguyễn Văn Phương, sinh năm 1954, Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 3. Nguyễn Mậu Kỹ, sinh năm 1935, Hoằng Đạt, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 4. Hoàng Văn Vụ, sinh năm 1953, Hoằng Hà, Hoằng Hóa, Thanh Hóa, 5. Trần Thị Tơ, sinh năm 1954, Hoằng Trường, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 6. Lê Thị Mai, sinh 1952, Hoằng Thịnh, Hoằng Hoá, Thanh Hóa. 7. Đỗ Thị Loan, sinh 1952, Hoằng Ngọc, Hoằng Hóa, Thanh Hóa. 8. Lê Thị Lương, sinh năm 1953, Hoằng Thịnh, Hoằng Hóa, Thanh Hóa.

Năm liệt sĩ pháo binh đó là

1. Mai Đức Hùng, sinh 1952, Hải Giang, Hải Hậu, Nam Hà. 2. Đinh Công Đính, sinh 1953, Hải Tây, Hải Hậu, Nam Hà. 3. Nguyễn Văn Quận, sinh 1952 Vĩnh Lực, Sơn Dương, Tuyên Quang. 4. Sầm Văn Mắc, sinh 1952 Thôn Vạch, Cam Đường, Lao Cai. 5. Nguyễn Văn Thưởng, sinh 1954, Yên Định, Vỵ Xuyên, Hà Giang.

(Di tích thuộc hệ thống Di tích lịch sử Quốc gia Đường Hồ Chí Minh được Bộ VHTT xếp hạng tại QĐ số 236/ VHQĐ ngày 22 tháng 12 năm 1988)

Rời mắt khỏi tấm bia, tôi ngạc nhiên xen chút bàng hoàng. Trước nay vẫn cứ băn khoăn một bài báo có viết rằng, trong những tiếng kêu tuyệt vọng khốn cùng phát ra từ trong hang ngoài từ Mẹ ơi... còn có tiếng Mế ơi, Bầm ơi... Dân Thanh Hóa không dùng từ Bầm và Mế để thay cho Mẹ. Thì ra bây giờ mới vỡ ra cái lẽ, trong 5 chiến sĩ pháo binh cùng hy sinh với 8 TNXP người Thanh Hóa ấy có người dân tộc Tày, có người quê ở mạn Trung du!

Và số TNXP hy sinh trong hang là 4 cô, không phải 8! Tơ, Mai, Loan, Lương. Bia ghi rành rành thế. Hang Tám Cô. Hang Tám Cô... Tự bao giờ đã gọi thế rồi?

Tính cách người Quảng Bình vốn cẩn thận chặt chẽ thậm chí quyết liệt cả trong cách nghĩ nhưng từ bấy đến nay có ý kiến nào phản bác đòi đặt lại tên thành Hang Bốn Cô đâu? Đòi hỏi chính xác chuẩn mực đến như cả các cột cây số trên đường 20 Quyết Thắng đều ghi rõ thế!

Hình như trước nay đã không ít sự nhầm lẫn về lịch sử nhưng dân gian bao dung lẫn công bằng đã làm cái việc sắp xếp ổn thỏa? Sự cảm thương bao la của dân mình trước những tấm gương bỏ mình vì nuớc, những Hồn Trinh Nữ Tiết Liệt vì đại nghĩa của dân tộc đã cho phép ngắn gọn lẫn cô đọng mà không hề đôi hồi phân vân Hang Tám Cô thay vì Hang Bốn Cô và 5 Liệt sĩ pháo binh!

Những người phụ nữ làm nghề buôn bán kinh doanh mà có nhiều người từ phía Bắc vào, từ phía Nam ra, mỗi dịp Lễ trọng Giêng Hai hay mùa xuân, họ cất công đến tận Hang Tám Cô này thắp hương sì sụp khấn vái hay cầu may chi không biết, há lại không một lần đọc bia?

Với họ, phàm chết trẻ là thương là thiêng là thành bậc cô hết rồi còn gì! Cùng với thời gian, một địa chỉ chiến tranh, một địa chỉ đạn bom đã trở thành tâm linh của nước Việt, của người Việt.

Sau chuyến xuyên Việt bằng đường Hồ Chí Minh về, tôi được biết thêm nhiều ngành đang có một chương trình khá hoành tráng vào năm tới để kỷ niệm 50 năm đường Hồ Chí Minh huyền thoại.

Riêng ông em ruột của nhà văn Nguyễn Quang Lập là nhà viết kịch Nguyễn Quang Vinh vừa có kiểu kỷ niệm 35 năm ngày hi sinh của 13 liệt sĩ tại Hang Tám Cô đường 20 Quyết thắng - Quảng Bình theo cách riêng của mình. Kịch bản Hồn Trinh Nữ do Nguyễn Quang Vinh viết đã được các Đoàn kịch Lam Sơn – Thanh Hóa, Quân đội Nhân dân, Đoàn chèo Hải Phòng, Nhà hát kịch Huế dàn dựng.

Nhà tưởng niệm Tám TNXP và 5 Liệt sĩ pháo binh được xây mấy năm nay thuộc diện quản lý của Khu Di tích Phong Nha. Nghe đâu lúc đầu cũng chỉ dựng một cái miếu nho nhỏ nhưng sau có ý rằng hàng trăm liệt sĩ bộ đội và TNXP đã bỏ mình vì con đường huyền thoại này nên xây rộng hơn một tý. Vừa là chỗ thờ cúng linh hồn Liệt sĩ có tên đền Di tích Đường 20 Quyết Thắng vừa làm nơi dừng chân cho khách bộ hành ngược xuôi.

Tôi bắt chuyện với Ngọc, nhân viên nhà tưởng niệm trông coi khu này đã được ít năm, người còn trẻ mà đã trông có cái dáng lừ đừ chững chạc của một ông từ! Tôi chả dám nghĩ cái Đền này là nơi tiếp linh, là nơi dẫn vong hồn các Liệt sĩ nhưng hình như ở lâu nơi linh thiêng này con người ta nó có chi ám vào thì phải (!?).

Ngó cung cách của Ngọc bất giác liên tưởng đến vẻ u ẩn từ ánh mắt giọng nói của mấy nhân viên trông coi Nghĩa trang Liệt sĩ Trường Sơn, ánh mắt của người coi sóc phần âm mà năm 1991, Thủ tướng Võ Văn Kiệt qua thắp hương ở Nghĩa trang nhận thấy kỳ lắm và trong chuyến đi đó ông đã quyết định nâng mức phụ cấp mà ông cho là độc hại đối với anh em quản trang!

Và nữa trong câu chuyện của Ngọc khiến tôi nghe xong phải hấp tấp hỏi rằng Ngọc có bà con hay anh em họ hàng chi không với mấy anh bên quản trang Liệt sĩ Trường Sơn? Ngọc nói không có...

Nghĩa trang Trường Sơn tít ngoài Quảng Trị còn đây là đất Quảng Bình giáp Lào!

Câu chuyện Ngọc kể vào những đêm trăng thanh hay mù kéo về giăng đặc khắp khu vực ki lô mét 16 này, thi thoảng Ngọc và hai người nữa ở đây vẫn nghe văng vẳng có tiếng hát. Tiếng hát câu được câu chăng của hành khúc Trường Sơn một thuở một thời Anh vẫn hành quân. Trên đỉnh Trường Sơn ta hát... Lẫn với tiếng hô thể dục một, hai, ba, bốn...

Lúc đầu thì dựng tóc gáy, nhưng sau cũng quen dần. Mà tiếng hát lẫn tiếng hô ấy cũng có ở nghĩa trang liệt sĩ Trường Sơn mà anh em quản trang năm 1992 có kể cho tôi nghe? Mà cũng thời điểm sáng giăng và cũng mây mù?

Xin chớ vội riệt cho tôi tội truyền bá mê tín dị đoan, nhưng là chuyện nghe được nhặt được trong hai lần xuyên Việt nên cũng mạo muội mà chép ra đây để những bạn đọc cứng vía rộng đường mà coi xét!

Ngọc dẫn tôi ra chỗ mé bên phải của Đền rồi chỉ cho tôi một cái gốc cây tày non một vòng ôm. Kiểu đã sần sùi bạnh ra những mấu như thế này chắc cái giống thụ mộc này tuổi đã khơ khớ? Ngọc hỏi tôi coi gốc cây có chi lạ? Tôi ngó kỹ không biết đây là thứ cây gì, ngước lên ngọn thấy hai thứ lá khác kiểu giao nhau nhưng lạ thì hẳn, bởi gốc của cây xoắn bện với nhau rất lạ mắt... Ngọc cho biết cái cây này là vật chứng duy nhất còn sót lại thời Hang Tám Cô bị bom đè sập.

Quanh hang, cây rừng các loại dày như thế nhưng đã bị các loại bom phát quang sạch bách. Nhưng mé bên phải hang không biết bằng cách nào hai gốc mọc liền nhau là lim xanh và si rừng này mấy bận oặt đi vì bom nhưng rồi vẫn gượng được lại xanh tốt đến bây giờ! Ngọc cho hay, nghe một số người từng ở khu vực này kể lại, hai gốc cây đó mọc sát nhau đã lâu nhưng chưa giao lại và quấn lấy nhau.

Sau cái chết của 13 TNXP và 5 chiến sĩ pháo binh, bắt đầu sang năm 1973, yên hàn trở lại hai gốc lim xanh và si rừng này bện lại với nhau lúc nào không ai hay! Qua bao năm tháng ngàn bận nắng mưa bão gió, những vòng bện xoắn ấy càng quấn quýt.

Anh em ở đây gọi là mối tình giữa lim xanh và si rừng rồi không ngần ngại gọi gốc thụ mộc này là cây tình yêu! Chao ôi, cái giống thụ mộc mọc sát nhau dẫn đến chuyện xâm thực nhau với hình hài lạ mắt như thứ lim xanh si rừng kia thì có chi lạ bởi mình nhiều bận tận mắt thấy những gốc đa hàng trăm năm tuổi nhưng chồi lên và xuyên ngang thân cụ đa là một thứ cây khác cùng song song tồn tại như thế đã hằng bao năm! Nhưng ở vào cái thế đất đạn bom bời bời như rứa.

Mọc rồi giao nhau tốt tươi ở một thung thổ mà quần tụ hàng trăm linh hồn trẻ trung mãi mãi tuổi hai mươi, mà hầu như tất thảy chưa một lần vướng bận thiên chức yêu đương với sinh nở thì cái giống thụ mộc kia tôi dám chắc không thể là vô tình được. Vậy nên tên đặt cho thứ thụ mộc đang xoắn bện kia là cây tình yêu là chí lý lắm thay!

Có một tấm bia lớn dựng ở góc nhà tưởng niệm trên vạc những dòng như thế này của một nhân sĩ (nghe đâu ông nhân sĩ này đã từng viết nhiều văn bia dựng khắp nơi trong nước) Đường 20 một Miếu khang trang/ Đỉnh Quyết Thắng trăm cờ khánh tiết/ Tưởng niệm những anh hùng xót thương bao nghĩa liệt/ Tuổi chẳng thọ nhưng huân công mãi trường tồn vv...

Anh bạn đồng nghiệp mới đọc lướt mấy dòng đã thở dài, thay vì những lời to tát choang choang kia nên mộc mạc đơn sơ nhưng sẽ nhói lòng bao thế hệ mai sau bằng ngay chính tiếng kêu tuyệt vọng của các cô trong những ngày bi thương hấp hối ấy Mẹ ơi, Bầm ơi cứu con. Các anh ơi cứu chúng em với...

Không hiểu sao với tôi khi rời những nơi thiêng bao giờ cũng váng vất một cảm giác tiếc xót thế nào? Tỷ như trên đường trở ra Xuân Sơn, Tuấn (người dẫn đường) chỉ cho tôi vào khoảng xanh ngằn ngặt của đại ngàn bên đường 20 Quyết Thắng rằng hồi còn nhỏ (nhỏ với Tuấn là non mươi năm nay chứ mấy?) thi thoảng Tuấn và đám bạn vào sâu dọc đường 20 Quyết Thắng chơi.

Tình cờ mà Tuấn và mấy đứa đã phát hiện không xa trục đường chính có những chiếc xe Hồng Hà Giải Phóng đã gỉ sét. Những chiếc xe gạt chỉ còn trơ lại cái gạt với bánh xích. Rồi thảng hoặc có những cái võng giăng lưng chừng trời nhưng trèo lên đụng vào tự dưng tơi tả như bột vv... Những câu chuyện thám hiểm trẻ con không đầu không cuối, nửa kín nửa hở chỉ chuốc lấy lời la mắng của người lớn rằng ai biểu mi mò vô đó đụng phải bom phải đạn tan xác có ngày nhưng lại vô tình mách cho người khác một mối lợi.

Người ta mò tìm đến những nơi bọn trẻ đã thám thính và đi sâu nữa, tìm rộng ra xung quanh nữa... Việc mò tìm ấy là kiên nhẫn lắm và hầu như không ngưng nghỉ. Để đến cách đây ít năm thôi, khi phong trào lùng mua lùng bán sắt thép phế tạm kết thúc thì dọc đường 20 Quyết Thắng đã bị quét sạch bách các loại hiện vật ngõ hầu mai kia có thể dựng nên một thứ Bảo tàng sống gợi lại một thời máu lửa khi thi công đường 20 Quyết Thắng này!

Cứ váng vất mãi cái võng chăng ngang tầm người ngày ấy mà đã nhổng lên lưng chừng trời. Thời gian ôi là thời gian!

Kỳ III: Ông cựu Phó Thủ tướng và Cây cọc rào

TP - Trong đoàn xuyên Việt, tôi để ý đến một vị cao tuổi nhất. Đó là ông Nguyễn Công Tạn, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ. Đành một nhẽ là đường tốt xe ngon, nhưng ở tuổi 75 mà chài chãi hàng ngày xe như thế phải nói ông có sức khỏe cũng đáng nể.
Theo cung chặng đã vạch sẵn, có bữa tầm hai giờ chiều mới đến được chỗ ăn cơm. Ông nghe đâu lại vướng chứng tụt huyết áp nhưng vẫn rôm rả chuyện trò và dằn bụng bằng mấy lát bánh quy đem theo.

Trong hành trang xuyên Việt, vợ ông cũng như nhiều bà xã đảm đang chu toàn khác gói ghém chuẩn bị cho ông lão đi xa lắm thứ. Tôi ngạc nhiên nhận ra bà còn chuẩn bị cho ông những bó hương để mỗi lần qua những địa danh lịch sử thì thắp lên. Như chỗ Đèo Đá Đẽo. Như Hang Tám Cô... Ông tự tay đốt hương thành tâm khấn vái.

Dưng mà như ông Tạn, hình như trời thương cho ông tí sức để lại dùng cái sức ấy để... hành ông vào một việc khác? Bộ quần áo ba túi màu sáng mặc mát, mái tóc cước và gì nữa, kiếm cái batoong (ông hoàn toàn có quyền và rất hợp với cung cách ăn vận lão giả an chi như thế) rồi đến chỗ nghỉ nào đó trên đường thiên lý thì thong thả lẫn thư thái hỏi han phong tục dân tình này khác mà hồi còn đương chức mình chưa có dịp đến, chưa có dịp tìm hiểu!

Dưng mà không! Hình như những chuyến đi như thế này chỉ là cái cớ để ông ngẫm thêm nhiều chuyện, nhiều việc khác? Điều khiến tôi tò mò là đến bất kỳ chỗ nghỉ nào là ông nhắc ngay cậu trợ lý (tôi băn khoăn không biết ông còn tiêu chuẩn trợ lý hay không?) hỏi xem vùng này có cái cây ấy không! Cây ấy là thứ cây cảnh? Một dạng cây thuốc mà như vô khối bậc cao lão khác có thói quen sưu tập để trồng ở vườn nhà?

Tất cả đều trật lấc. Cái cây mà ông luôn bận tâm về nó có cái tên tây hay latinh chi đó nghe khá sang Jatropha nhưng người mình thường vẫn quen gọi là cây cọc rào!

Vì đi khác xe nên có một chặng tôi xin sang ngồi xe với ông Tạn để nối tiếp câu chuyện về cái cây mà ông nói là kỳ diệu đang bỏ dở. Tôi cúi xuống sàn xe cầm lên một thân trong bó cây mà cậu trợ lý của ông Tạn đã gom được trong chặng xuyên Việt mấy ngày qua.

Nó hao hao như dạng thân cây sắn. Lá cũng như thân đều mang thứ mủ trắng từa tựa như lá cây ngô đồng giồng làm cảnh. Quả na ná như thầu dầu tách ra có 4, 5 hạt nằm bên trong. Thứ cây rất dễ trồng mà tôi từng bắt gặp đâu đây?

Phải rồi, nhiều vùng người ta thường chặt cắm ở các bờ rào. Chả mấy hột thời gian, cây bén xanh liền phát triển rất nhanh ken dày thành bờ rào. Lá trâu bò không ăn được nên thành địa giới nhà này nhà khác. Vậy là có tên là cây cọc rào...

Câu chuyện của ông Tạn cứ dài mãi ra về loại cây mà ông cứ nắc nỏm là kỳ diệu! Kỳ diệu ở chỗ nào? Nếu được quan tâm đúng mức, phát triển đồng bộ thì đây chính là loại cây trồng góp phần quyết định vào việc xóa đói, giảm nghèo cho vùng nông thôn miền núi, vùng sâu vùng xa.

Jatropha là loại cây rất dân dã, đã du nhập vào nước ta từ mấy chục năm nay, tính thích nghi rất rộng rãi, vùng miền nào cũng có. Mỗi hécta cây cọc rào (mật độ 2.500-3.000 cây/ha; loại 5 tuổi) thu được mỗi năm khoảng 10 tấn hạt, ép ra được từ 3 đến 4 tấn diezel sinh học.

Ông Tạn bấm cho tôi một con tính. Mỗi héc ta như thế thu được 3 tấn dầu nhân với 700 USD (thời giá hiện tại) thành 2.100 USD. Hạt Jatropha sau khi ép dầu 30% là sản phẩm dầu, 70% là khô dầu có hàm lượng protein khoảng 30% dùng làm phân bón hữu cơ nếu khử hết chất độc có thể dùng làm thức ăn gia súc cao đạm. Bã khô dầu 7 tấn/ha nhân với 300 USD thời giá hiện tại một tấn thì con số là 2.100 USD.

Như vậy 1 ha Jatropha tạo ra giá trị khoảng 4.200USD/ năm (hơn 60 triệu VND/ha/năm). Loại cây này trồng 1 lần, thu hoạch đến 30-40 năm. Đó là mới nói đến Jatropha bản địa, sống gần như hoang dại khi chưa được chăm sóc và lai tạo.

Trong câu chuyện, ông Tạn cho hay, Hàn Quốc đã thuê hàng trăm ngàn héc-ta đất bên Lào để chuyên trồng cây này. Trung Quốc có kế hoạch trong thời gian trước mắt trồng hàng triệu héc ta và có chính sách hỗ trợ thiết thực trực tiếp cho người nông dân trồng loại cây này như hỗ trợ cho người trồng khoảng 6-7 triệu đồng (đồng Việt Nam) cho mỗi héc ta, thậm chí ở Vân Nam tới 12-13 triệu/ha. Vì vậy, diện tích và sản lượng dầu diezel sinh học tăng như vũ bão.

Trung Quốc đang phấn đấu đến năm 2020, dầu diesel sinh học sẽ chiếm một tỷ trọng rất có ý nghĩa trong cán cân năng lượng, đảm bảo sự an toàn năng lượng của đất nước họ. Các nước Đông Nam Á cũng rất chú ý đến loại cây trồng này. Indonesia, Malaysia, Thái Lan... đang xúc tiến mạnh mẽ việc trồng và chế biến Jatropha, có nước sẽ phát triển hàng triệu héc ta với sự chỉ đạo và hỗ trợ mạnh mẽ của Nhà nước. Ngay ở Myanmar cũng đã trồng được 80.000 ha đầu tư một cách rất bài bản.

Trên xe mà nghe rất rõ tiếng thở dài của ông Tạn không phải cái đoạn mùa hè năm nay bên Mỹ tổ chức hội thảo về cây cọc rào ngõ hầu tìm lối thoát về vấn đề năng lượng nhưng ông không đi được mà ông đang tiếc cho Việt Nam ta, loại cây này chưa được quan tâm và phát triển đúng mức như nó cần. Có thể nói là rất kinh tế, cứu cánh cho người dân nghèo.

Hiện nay, chỉ có một số nhỏ doanh nghiệp và người canh tác đầu tư một cách tự phát, quy mô nhỏ có tính chất thử nghiệm ở một số địa phương như Lạng Sơn, Sơn La, KonTum, Đắc Lắc, Bình Thuận... Những nơi này cây phát triển thích hợp và rất tốt, nhưng chưa được xử lý đồng bộ để đưa sản phẩm vào sử dụng đại trà.

Jatropha càng có giá trị trong bối cảnh nguồn nhiên liệu hóa thạch ngày càng cạn kiệt, giá cả leo thang nhanh chóng có khả năng đe dọa đến an ninh kinh tế và an ninh xã hội toàn cầu.

Dõi theo câu chuyện, tôi biết mấy năm nay ông đã sưu tầm được hàng chục điểm trên đất nước mình có cây cọc rào, trồng đối chứng ngay tại vườn nhà mình, trong trường ĐH bán công Thành Tây ở Hà Tây mà ông hiện đang có chân trong Ban lãnh đạo. Một số doanh nghiệp, doanh nhân mà ông có quen biết đã sẵn lòng ủng hộ ông trồng đối chứng cũng như đại trà ở Tây Bắc, Việt Bắc...

Những tất bật trong chuyến đi này cùng những lần vào Nam ra Bắc, bươn bả hết Sơn La rồi Lạng Sơn để khai mở bài toán năng lượng là do ông bởi ông chứ chẳng ai ép ông cả! Ông nói mình tự nguyện làm cái việc ấy... Trong tháng 7, muộn nhất là tháng 8 năm 2008 này, ông sẽ cho ra mắt cuốn sách về cây Jatropha.

Buổi chiều muộn ở huyện ĐakHa, tỉnh Kon Tum, đoạn chót tuyến đường Trường Sơn huyền thoại, mừng thấy anh em lãnh đạo huyện vốn là chỗ quen biết cũ với ông ngoài việc đón tiếp ông niềm nở ( chưa bao giờ tôi thấy một cơ sở một địa phương đón dự án không có tiền kèm theo mà lại nhiều tiếng cười như vậy) lại dẫn chúng tôi đi coi đám cây giống cọc rào mà ông đâu như gợi ý trồng hồi năm ngoái để nhân rộng ra.

Khi về thành phố Hồ Chí Minh, ông dẫn chúng tôi đến một doanh nghiệp đã đưa cây Jatropha vào kinh doanh, theo gợi ý trước đó của ông Tạn. Xí nghiệp đã ép được hơn 200 ký dầu Jatropha (mua 2.000 đồng/ký hạt cho chạy thử xe tải tuyến Đà Lạt-thành phố Hồ Chí Minh.

Qua ý kiến ông chủ vận tải này thì xe vận hành bằng loại dầu trên chạy khỏe, êm, giảm khí xả và có thể đỡ tốn nhiên liệu hơn so với nhiên liệu thông thường là Diezel giá 13.700 đồng/ký thời giá hiện tại.

Bài toán năng lượng có thể nói mang tầm thời đại của ông cựu Phó Thủ tướng sẽ như thế nào nhỉ? Có lẽ tôi cũng như những người quen biết thân thiết với ông từng xắn tay giúp ông đối chứng cây cọc rào không có quyền nghi ngờ người đang khai sơn phá thạch bài toán năng lượng này! Nhưng được trực tiếp chứng kiến sự xắn tay chung tay với ông trong chuyến xuyên Việt tôi vẫn thấy mong manh thế nào?

Có lẽ phải là sự chung tay xắn tay của cả một hệ thống? Phải chi khi đang còn là Bộ trưởng Bộ NN&PTNT mà nhất nữa, khi đang còn là cương vị Phó Thủ tướng Chính phủ, có lẽ chả khó chi khi trong tay ông là hàng trăm viện nghiên cứu là hàng ngàn doanh nghiệp doanh nhân, là địa phương là nông trường là tiền, rất nhiều tiền để thí nghiệm lẫn triển khai dự án ích nước lợi dân tìm ra đáp số của bài toán năng lượng mang tính toàn cầu này?

Có thể là thời điểm ấy ông bận, có thể là giai đoạn đó vấn đề năng lượng không đến nỗi bức xúc như bây giờ? Biết bao bi kịch của những người dậy sớm từng xảy ra? Nhưng niềm say mê của ông của anh em đang chung tay với ông là có thực.

Những sự đối chứng của ông là có thực và như ông từng chắc nịch rằng, cái đúng cái hay bao giờ cũng có sức lây lan thuyết phục. Tôi mong ông cựu Phó Thủ tướng không cô đơn trong cuộc đua ở tuổi thất tuần của mình.

Thư gửi Thủ tướng của một doanh nhân


TP - Người chủ chi lẫn chủ trì chuyến xuyên Việt lần này là một doanh nhân. Địa hạt chính của ông là xây dựng. Ngồi trên xe lướt với tốc độ non trăm cây số/ giờ những con chữ cứ trôi loang loáng mà ông vẫn đọc được.

Nhưng ngồi trên xe nếu nhắm mắt lại không chăm chắm vào cái dáng lừ đừ đôi lúc chậm chạp của cái người đang ngồi ở ghế xe bên tay lái thì trong những câu chuyện bất tận không đầu không cuối về lịch sử địa lý văn chương và đôi lúc cả phong thủy nữa, có cảm giác ông là dạng chuyên gia chứ chả bỡn!

Ấy là do sức đọc của ông từ hồi bé.

Ngồi trên xe lướt với tốc độ non trăm cây số/ giờ những con chữ cứ trôi loang loáng mà ông vẫn đọc được. Anh lái xe vui tính cho hay rằng, cái nghề của bọn tôi gặp được những loại mọt báo như ông thì chả lo chi chết đói bởi niềm vui mỗi buổi sáng của ông là tha về tất tật các loại báo hiện có bán trên sạp!

Ngày đầu tiên trên tuyến xuyên Việt, tôi có cảm giác ông là một guide du lịch bởi ông có thể vanh vách về 1.350 ki-lô-mét đường Trường Sơn từ ngã ba Láng - Hòa Lạc vào đến Ngọc Hồi, Kon Tum từng cung chặng có chi lạ rồi trong quá trình thi công 30 chiếc cầu lớn 6 chiếc cầu cạn, nhiều hơn là 270 cầu hạng trung và 5.600 cầu nhỏ có điều gì cần lưu ý!

Đơn vị ông chả xí được mét đường nào của công trình này cả. Đơn giản là ông có cái máu du lịch từ nhỏ. Sau này do có tí chút điều kiện hễ xểnh hễ rảnh ra là ông đi. Việc ở nhà ông tin và giao cho ông phó.

Cái típ lãnh đạo mà có tư duy kiểu đó như ông thì thật nhàn thân. Nhàn thật và biết là nhàn nhưng khối anh trưởng ôm đồm hoặc nguyên cớ này khác không có buổi nào dám sơ sểnh để giao toàn quyền cơ ngơi cho anh phó thì suốt đời cứ là lật bật tầm nhìn hạn hẹp cõi nhân gian cứ là bé tý!

Cứ chiểu theo cột đồng hồ cái xe zây ngó nước sơn còn mới nhưng đã là những vạn này vạn khác cây số thì biết sức đi của ông phàm đến độ nào. Cái nghề đi như mình nghe ông nhắc đến những địa danh này khác thấy còn thấy thèn thẹn nữa là.

Nguyên cái đường Trường Sơn công nghiệp hoá đây, thẳng thớm thông tuyến thì còn nói làm chi, nhưng hồi còn mần từng đoạn từng đoạn, ông đã làm cái việc tự mình nối tuyến đến sáu lần.

Lần xuyên Việt này nữa là thứ bảy. Dưng ông nói là chả có lần nào nhàm cả. Mỗi bận xuyên Việt là lại một lần mới. Những la cà với lại hỏi han này khác đã bồi bổ thêm cái khát hiểu biết của ông chỉ đơn thuần về mặt địa lý lịch sử. Nói nghề của ông chỉ là đi rong như thế thật chả phải.

Nhiều người vẫn nói vui ông là cái thằng xây dựng sướng nhất bởi một công trình của ông vào những năm chín mươi của thế kỷ trước bây giờ vẫn được các quan khách trong nước và quốc tế... thành kính khấn vái!

Ấy là công trình đài Liệt sĩ Bắc Sơn ở Quảng trường Ba Đình. Cái mẫu mà được chính Thủ tướng Võ Văn Kiệt chọn trong số nhiều mẫu tham gia cuộc thi. Đơn vị của ông thuộc Sở Xây dựng Hà Nội trúng thầu.

Bây giờ qua bao nhiêu năm hương khói ngó đã thuận mắt chứ những ngày đầu bắt tay vào thi công, ông cùng thuộc hạ cũng không biết chia công trình của mình ở thì tương lai sẽ như thế nào. Vì có quá nhiều ý kiến tham góp chỉnh sửa của cá nhân tập thể thư tay hay cú phone nào đó.

Chuyện ông đưa 200 mét khối đá trắng từ Phú Yên về xây đài tưởng niệm là cả một câu chuyện dài vừa trần ai vừa kỳ khu lẫn diệu vợi. Có tiếng thì bớt miếng. Nghe đâu khi hạch toán, mới bấm sơ sơ ngón tay, đơn vị ông đã cầm chắc cái lỗ ở công trình trăm quan trông xuống thiên hạ ngó vào ấy!

Trước lúc đi xuyên Việt, tôi có nghe phong thanh rằng ông mới vừa có thư gửi Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng.

Thời buổi dân chủ này, người dân viết thư gửi Thủ tướng là chuyện bình thường... Thường có hai dạng. Chuyện oan ức vi phạm pháp luật. Góp với người đứng đầu chính phủ những kế sách hay trong việc quản trị đất nước.

Nhưng với ông cụ thể chuyện gì?

Một vấn đề phát sinh một lãnh địa mới trong ngành của ông trong kiến thức về tuyến đường xuyên Việt mà ông từng thuộc nằm lòng? Hay là ông muốn đề đạt gì thêm với Thủ tướng về công trình tổ hợp siêu thị văn phòng và nhà để xe tự động Pearl Phương Nam Tower cao 120 mét tổng diện tích sàn 73.000 mét vuông tại đường Trường Chinh, Thanh Xuân, Hà Nội với tổng số vốn khoảng 1.400 tỷ đồng mới được khởi công tháng 4/ 2008.

Một công trình mà sau 30 tháng thi công sẽ là toà nhà cao nhất Thủ đô và là một trong toà nhà hiện đại nhất Việt Nam sử dụng các công nghệ và thiết bị thi công tiên tiến nhất?

Hoặc nữa cùng với công trình này, Công ty ông phối hợp với một số đơn vị khác tiến hành việc chuẩn bị khởi công một tòa nhà cao tầng một tổ hợp khách sạn nhà hàng siêu thị hiện đại với diện tích sàn 13.000 mét vuông, ông muốn đề đạt với người đứng đầu Chính phủ cùng cơ quan trách nhiệm điều gì chăng?

Chao ôi, khi hỏi lại ông hóa ra vẫn là cái chuyện cây cọc rào mà tôi đề cập ở kỳ báo trước!

Ông cựu Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn đã từng dè dặt lẫn chắc nịch (khác với hoang tưởng) rằng cái đúng cái hay sẽ có sức thuyết phục lây lan. Có lẽ ông là đối tượng đầu tiên của sự thuyết phục lây lan ấy cũng có thể một phần ông vốn là người quen chỗ ông Tạn?

Sau chặng ngồi xe với ông Tạn tôi tụt xuống trở lại xe cũ, khi nhắc đến cây cọc rào - Jatropha có thể nói ông như người lên... đồng. Tôi nhận ra trong câu chuyện mà ông đang say sưa kia không có chút nào mê đắm của ảo tưởng cả. Đó là sự phong phú đa dạng của kiến thức chứ không phải những khái niệm những con số thuộc lòng một cách máy móc.

Ông nói một cách rành rẽ về nguồn nhiên liệu hóa thạch (dầu mỏ) hiện giờ đang khủng hoảng ra sao và xu thế tất yếu của việc tìm kiếm nguồn năng lượng sinh học như thế nào. Nghe những dẫn chứng mà ông do cập nhật được ở lĩnh vực này tự dưng thấy mình cũng bắt đầu bị... thuyết phục!

Ông đề cập đến những cái kẹt của ông cựu Phó Thủ tướng Nguyễn Công Tạn một cách thuyết phục rằng tại sao ông Tạn khởi sự vấn đề này trong hoàn cảnh kém thuận lợi so với trước... Nhưng sẽ như thế nào nếu có những cú hích của các doanh nhân chung lưng với ông Tạn, với Trường ĐH Thành Tây đang triển khai dự án này một cách thận trọng lẫn táo bạo...

Sẽ như thế nào nếu như đầu ra của sản phẩm thuyết phục được bà con nông dân mỗi héc-ta như thế hơn đứt việc trồng mỳ (sắn). Đáp số bài toán năng lượng có vẻ như hóc búa nhưng sẽ trở nên đơn giản nếu như chính phủ, các cơ quan có trách nhiệm nhanh nhạy xúm tay vào để dùng Jatropha đánh thức tiềm năng những vùng còn hoang hóa đất xấu, những vùng sâu vùng xa, lấy Jatropha như một công cụ hữu hiệu xóa đói giảm nghèo...

Ông không nói suông không thuyết giảng. Địa hạt xây dựng không cho phép ông rộng tay thử nghiệm thì ông tìm cách khác. Gần 2 năm nay ông nhờ chú em ruột vốn là một doanh nhân kinh doanh lĩnh vực khác nhưng có điều kiện đã tổ chức việc trồng cây Jatropha trên Sơn La. Không phải đối chứng mà là đại trà với diện tích kha khá…

Ông muốn làm bài bản hơn bắt đầu từ kinh nghiệm của doanh nghiệp ở thành phố Hồ Chí Minh từng dùng dầu diezel sinh học chiết xuất từ hạt cây Jatropha để chạy xe khách tuyến Thành phố Hồ Chí Minh - Đà Lạt. Cái khác là doanh nghiệp ấy thu mua theo kiểu cầu may hạt cây Jatropha của dân (giá 2.000 đồng/kg) nhưng chú em ông đã gây hẳn một vùng nguyên liệu.

Hiện tại, Jatropha của chú em phát triển rất tốt chỉ hơn năm nữa sẽ có quả. Việc chiết xuất dầu sẽ là bằng máy móc chứ không phải thủ công như doanh nghiệp kia. Và những thông số sinh học lẫn kinh tế của bã Jatropha sau khi chiết xuất (dùng làm thức ăn chăn nuôi cao đạm, mà hiện tại thức ăn chăn nuôi giá thành đang ngất ngưởng là nỗi lo canh cánh của người chăn nuôi) sẽ một lần nữa thuyết phục được bà con vùng nguyên liệu bởi lợi nhuận!

Rồi gì nữa, có một lúc ông trích nguyên câu của một chuyên gia nông nghiệp người Canada qua nhiều năm nghiên cứu về cây Jatropha “tôi sẽ thưởng tiền cho bất kỳ ai nếu người ta chỉ ra cái xấu cái dở của loại cây này”.

Ông không lạc quan đến mức ấy nhưng qua vùng nguyên liệu Jatropha ở Sơn La của chú em sẽ giúp ông Tạn góp phần thông tỏ những nghi ngờ phát sinh chả hạn, có loại Jatropha không ra quả hoặc năng suất thấp, loại mủ Jatropha có độc nhưng đến mức nào (có thể phối kiểm với một số cơ quan, nhà khoa học tham khảo thẩm định thêm công trình của một nhà KH Trung Quốc rằng lá và mủ cây Jatropha có tác dụng kiềm chế tế bào ung thư?) rồi Jatropha phát triển nhanh như thế liệu có xâm thực các loại cây trồng khác không? vv...

Trong thư viết gửi Thủ tướng Chính phủ, ông cứ mộc mạc mà kể ra những chuyện đại loại như vậy. Tất nhiên sẽ không có cái đoạn chú em doanh nhân của ông đã từng nhăn nhó trước khi cho triển khai dự án mượn đất trồng cây Jatropha trên Sơn La rằng bỏ ra một đống tiền để trồng Jatropha nhỡ mai kia nhỡ có bề nào thì uổng...

Ông đã cười bình thản mà rằng, nếu lỗ đồng nào thì thằng anh chú đây, Trần Ứng Thanh - Giám đốc Cty cổ phần vật liệu xây dựng và XNK Hồng Hà thuộc UBND thành phố Hà Nội bù cho chú đồng ấy!

Mùa mưa năm Tý

Ghi chép của Xuân Ba
Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn