[Kiếm lai tiên] Chân Long Kiếm - Tác giả: ansu16 - Chương 23
Mình ngứa tay nên viết truyện cho anh chị em 4r đọc giải trí.
Truyện thuộc thể loại lịch sử - kiếm hiệp, nội dung đi theo dòng chảy của lịch sử, nhưng mình có lồng vào nhiều đoạn phóng tác, mong mọi người ủng hộ.
Chân Long Kiếm
Tác giả: ansu16
Bìa:
Giới thiệu
Nguồn: 4vn
Một anh hùng giữa thời loạn...
Một thanh kiếm với bao huyền thoại...
Cả hai cùng tạo nên một thiên sử hào hùng của dân tộc...
Mời mọi người đón đọc và ủng hộ...
Trên núi, tiếng chim hót ríu rít rất vui tai, cây cối to cao, rậm rạp, các tán cây đan vào nhau tầng tầng lớp lớp. Ánh nắng chiếu xuyên qua tán lá trên cao xuống dưới mặt đất tạo ra những khoảng sáng tối xen lẫn, vô cùng kỳ ảo.
Lúc này, một chàng trai chừng hơn ba mươi tuổi, tay mang túi nải, đang men theo con đường mòn trong rừng. Thân hình dong dỏng cao, khuôn mặt vuông vắn, mép thì lún phún ria. Trên người mặc bộ quần áo xanh lam, chân đi giày vải cũ đã rách. Chàng ta có lẽ đã đi lạc trong rừng nhiều ngày nên gương mặt lộ vẻ mỏi mệt.
Chàng lấy từ trong túi nải một ống tre, mở nắp ống tre, uống một ngụm nhỏ, rồi ngồi xuống một hòn đá nghỉ ngơi, bụng nghĩ thầm, "mình lạc trong rừng đã chín hôm, đây là ống nước cuối cùng, lương khô cũng gần hết, nếu qua ngày mai mà chưa tìm được đường ra thì nguy mất." Chàng thở dài chán nản, ngẩng đầu lên đưa mắt nhìn xung quanh hòng tìm hi vọng giữa không gian ánh sáng yếu ớt, bỗng thấy đằng xa bên trái có cái bóng chuyển động, phía trên lấp loáng màu trắng, giống dáng người nhấp nhổm. Chàng nheo mắt nhìn kỹ hơn thì nhận ra đó là một người đàn ông đội nón lá, lưng gùi gánh củi lớn đang đi. Chàng ta sướng hơn bắt được vàng, reo to:
- Ha ha ha, ra được đến cửa rừng rồi, ha ha ha, mình thoát nạn rồi, ha ha ha.
Chàng ta nhảy cẫng lên, đôi chân vốn rệu ra như được tiếp thêm sức mạnh, ba chân bốn cẳng đuổi theo tiều phu nọ, vừa chạy vừa hô lớn:
- Bớ bác tiều phu ơi! Đợi tôi với! Đợi tôi với!
Ban đầu bác tiều phu nghe tiếng í ới sau lưng, bác ta cứ tưởng đó là thú dữ hay sơn tặc nên hoảng sợ bỏ chạy. Chàng trai không hiểu gì nên guồng chân nhanh hơn, tiều phu càng sợ hãi, lại cố sức chạy. Bác ta muốn chạy thật nhanh nhưng lưng mang gánh củi nặng, sao bằng chàng trai được, tới khi bác ta nghe rõ lời thì mới biết mình hiểu nhầm nên dừng lại. Chàng trai chạy đến, chống tay thở hổn hển, hỏi:
- Tôi nào biết, tôi cứ nghĩ sơn tặc hay thú dữ đuổi nên bỏ chạy thôi.
Chàng trai bật cười thú vị. Tiều phu quan sát chàng từ trên xuống dưới và hỏi:
- Anh bị lạc trong rừng phải không?
- Ơ! Sao bác biết?
Tiều phu cười khà khà đáp:
- Tôi dân vùng này mà. Quanh đây ít người nên tôi nhớ lắm. Vả lại sắc mặt anh tái xanh như vậy, nhất định thiếu nước, thiếu thức ăn và đi bộ trong rừng rất lâu rồi.
Chàng cứ thật lòng mà kể:
- Bác tinh mắt thật đấy, chả dấu gì bác, tôi là người vùng khác, đi tới đi lui trong rừng mấy hôm không biết thế nào lại bị lạc, may sao gặp được bác.
- Ra là thế.
Hai người ngồi nghỉ một lát rồi đứng dậy cùng nhau xuống núi, ra đến bìa rừng, chàng trai đứng trên lưng chừng nhìn xuống. Màu xanh của cây cối trải dài xuống tới chân núi, quả thật rất húng vĩ. Đứng giữa trời đất bao la, ngắm từng đám mây lờ lững trôi, mọi mệt nhọc muộn phiền dường như đều tan biến. Chàng nhất thời thốt lên
- Cảnh sắc ở dưới đó đẹp quá, đẹp tuyệt vời.
- Ha ha, xuống dưới còn đẹp hơn nữa kìa.
Tiều phu chỉ tay nói:
- Xuống dưới một đoạn nữa là đến nhà tôi. Trời cũng sắp tối rồi, mời cậu vào nhà dùng bữa cơm với vợ chồng tôi cho vui. Mai hẵng đi.
Chàng trai lắc đầu:
- Thôi, tôi không dám làm phiền gia đình bác, có lẽ tôi xuống chân núi tìm chỗ nghỉ ngơi.
Tiều phu đề nghị mấy lần nữa nhưng chàng trai vẫn không chịu, cuối cùng bác ta đưa chàng một cái túi và nói
- Hầy, nếu cậu không muốn thì tôi cũng không ép. Ở đây tôi còn ba gói bánh chưa bóc, tôi tặng cậu đi đường.
Giờ từ chối thì bất lễ, chàng đành cầm lấy rồi cám ơn:
- Bác thật tốt bụng quá. Cái ơn cứu mạng của bác tôi quyết không quên, mai này nhất định tôi sẽ đền đáp.
- Ơn nghĩa gì đâu, giúp người là làm việc thiện, cậu đừng lo lắng về chuyện đấy.
- Tạm biệt bác, hẹn ngày gặp lại.
Hai người chia tay nhau. Chàng trai một mình xuống núi. Đi được, chàng bỗng vỗ trán, kêu: "Thôi chết! Mình quên hỏi tên bác tiều phu đó rồi." Trời đã tối, không tiện quay trở lại nên chàng tiếp tục đi, sau đó tìm được một quán trọ nên tạm thời ghé vào rồi sáng mai lại lên đường.
Những ngày sau đó, chàng đi thăm thú khắp vùng đó. Bỗng nhiên chàng bị thu hút bởi một mảnh đất rộng rãi, khung cảnh thoáng đãng mà lại yên tĩnh, trong bụng khoái lắm, chàng tự nhủ: “Vị trí này đất bằng phẳng, từng đàn chim bay lượn quanh chân núi, đây chắc hẳn là chỗ đất tốt rồi, nếu dựng nhà ở ngay chỗ đó thì tuyệt.”
Vậy là chàng ta quyết tâm định cư ngay tại nơi vừa tìm được. Chàng bắt đầu dựng nhà, khai khẩn đất hoang, và rồi ba năm sau thành sản nghiệp, lập ra ấp Lam Sơn. Sản nghiệp về sau càng bề thế, người người đều biết tiếng.
Còn bác tiều phụ nọ đúng như lời chàng trai đã hứa, được trả ơn rất hậu, gia đình chuyển xuống đồng bằng, ăn nên làm ra.
Yên Sơn hay Bạch Vân Sơn, quanh năm có mây phủ. Nhìn từ xa, Bạch Vân sơn trải dài năm sáu dặm, mờ ảo như chốn bồng lai tiên cảnh không nhiễm bụi trần. Đường núi hoang sơ, gập ghềnh, muốn lên núi chỉ có duy nhất một con đường mòn dẫn thẳng tới đỉnh núi, ẩn khuất dưới những tán rừng. Nhiều chỗ đi hiểm trở không thể bước đi như bình thường mà phải dùng bằng cả hai tay.
Ấy thế mà giữa lưng chừng xuất hiện một ông lão tóc bạc như cước, râu dài rủ xuống ngực, lướt đi lên đỉnh núi như trên đất bằng vậy. Ông lão quần áo phất phơ, chân đi mỗi bước xa hơn trượng, chẳng khác gì thần tiên đi mây về gió thăm thú nhân gian. Chẳng bao lâu sau ông lão đã lên được tới đỉnh. Ông lão ngẩng đầu, ngắm nhìn ngôi chùa ở ngay trước mắt. Trong đôi mắt hổ ánh lên nỗi hoài niệm. Đã lâu rồi ông không tới đây, không biết cố nhân xưa giờ thế nào.
Ngôi chùa tọa lạc trên đỉnh núi Bạch Vân quanh năm mây mù che phủ. Chùa không quá to lớn, bờ tường đã bạc màu theo thời gian, mái ngói cũng đã hằn rõ dấu vết thời gian. Trên cổng chùa có viết ba chữ theo thể chữ Nôm: Tĩnh Tâm tự. Ông lão vừa bước vào thì hai chú tiểu từ trong chạy lại, chắp tay hành lễ hỏi:
- Xin cho hỏi thí chủ là ai, đến đây làm gì?
Ông lão không để ý đến sự vô lễ của chú tiểu, chỉ cười đáp:
- Nhờ tiểu sư phụ vào thông báo với Viên Ngộ đại sư rằng có bạn cũ là Phùng Sĩ Chu đến thăm.
- Vâng, xin thí chủ đợi một lát.
Ông lão nhân cơ hội nhìn ngắm cảnh vật xung quanh, thấy cảnh vật còn đẹp hơn xưa, rừng xanh núi thẳm, thiên nhiên hùng vĩ, đẹp đẽ vô cùng nên tấm tắc khen ngợi không ngớt.
"Hà hà! Ông ấy đã ra rồi!" Lão nhân hướng mắt vào bên trong. Một vị sư cụ mặc áo cà xa màu đỏ, chân mang giày cỏ, bước chậm rãi, nhẹ nhàng, nhưng vô cùng trầm ổn. Ông có lẽ đã ngoài tám mươi tuổi nhưng sắc mặt vẫn hồng hào, thần khí sảng lảng. Nhà sư sắp tới gần, chú tiểu vẫn không hề hay biết, thế mà lão nhân từ xa đã nghe được rõ ràng. Nhà sư bắt gặp lão nhân đứng đó thì hồ hởi nói:
- A di đà phật! Chào Phùng huynh, đã lâu không gặp.
- A! Con chào trụ trì ạ.
Bấy giờ chú tiểu mới sửng sốt quay người lại. Thì ra đây là trụ trì của chùa. Đại sư gật đầu khẽ khoát tay:
- Ừ! Được rồi, con đi đi!
- Vâng ạ!
Ông lão họ Phùng mừng rỡ, ánh mắt lộ rõ sự kích động thậm chí, khóe mắt đã rơm rớm lệ:
- Ha ha ha, Viên Ngộ đại sư, bao nhiêu năm không gặp, đại sư vẫn tráng kiện, mạnh khỏe như xưa.
- Phùng huynh đã quá lời rồi, lão nạp thật không dám nhận. Mời vào, mời vào.
- Mời!
Chùa Tĩnh Tâm là nơi để các cao tăng Trúc Lâm Yên Tử nghỉ ngơi và nghiên cứu kinh Phật nên không khí chùa rất yên tĩnh. Viên Ngộ đại sư và Phùng lão là bạn lâu năm, nếu không muốn nói là tri kỷ. Hai người sóng đôi bước vào trong sân chùa vừa đi vừa bàn luận rôm rả. Phùng lão theo Viên Ngộ vào đến sân chùa thì bắt gặp một nhà sư trẻ tuổi, chỉ chừng mười tám mười chín đang quét sân. Đại sư Viên Ngộ gọi chàng ta lại giới thiệu:
- Giới thiệu với Phùng huynh, đây là Vô Tướng, học trò của ta. Vô Tướng, đây là Phùng tiền bối, là bạn cũ nhiều năm của thầy.
Vô Tướng chắp tay hành lễ:
- Tiểu tăng xin ra mắt tiền bối.
- Tiểu sư phụ không cần đa lễ.
Ông lão nhẹ nhàng phẩy tay một cái. Vô Tướng cảm thấy một luồng nội lực nhu hòa mà hồn hậu ùa tới nâng chàng lên. Chàng nghĩ vị tiền bối này có ý thử võ công của mình, bèn vận kình chống đỡ, ngờ đâu trước ngực bị đè nặng, hô hấp khó khăn, hai chân như muốn khuỵu xuống. Chàng hoảng hồn, vội vàng vận kình trụ vững mới không bị ngã ngửa ra nhưng trước ngực nặng nề, mặt mũi đỏ bừng, trong lòng sợ hãi. Đại sư Viên Ngộ dĩ nhiên biết xảy ra việc gì, đại sư trừng mắt nhìn Vô Tướng khiển trách:
- Vô Tướng, con không được vô lễ, con mau xin lỗi Phùng tiền bối đi.
Vô Tướng bị sư phụ mắng, giật mình tỉnh ngộ. Chàng vội cúi đầu, thành khẩn nói:
- Cháu có mắt mà không thấy Thái Sơn, mong tiền bối không chấp nhặt mà bỏ qua cho.
Ông lão xua xua tay lắc đầu:
- Ấy, không sao đâu, là ta có lỗi trước.
Thật sự tính tình ông lão không ưa mấy cái lễ tiết này nọ, thành ra gây hiểu lầm. Ông lão liếc mắt đánh giá Vô Tướng từ trên xuống dưới hồi lâu rồi gật gù:
- Ha ha, Viên huynh quả nhiên tinh mắt, thu được một đệ tử giỏi. Tiểu sư phụ đây hai mắt lấp lánh thần quang, chính khi lẫm liệt, quả là nhân tài trăm người có một.
- Cháu tài học kém cỏi, tiền bối đã khen quá lời rồi.
Vô Tướng được khen ông lão mà sợ nên càng tỏ ra khiêm tốn. Đại sư Viên Ngộ biết có nói gì nữa thì đều chỉ tô vẽ thêm đuôi, bèn sai chàng pha nước mời ông lão. Phùng lão nhìn quanh nhìn quất, chợt thấy có một bộ cờ đặt ở trong góc tường thì máu mê cờ nổi lên. Ông lúc trẻ thường hay tìm những cao thủ cờ tướng mà đánh. Đại sư Viên Ngộ tinh mắt, mỉm cười, sai Vô Tướng mang lại. Đại sư vừa xếp cờ vừa nói:
- Nào, chúng ta vừa đánh cờ vừa nói chuyện, liệu Phùng huynh có cho ta cơ hội gỡ lại ván cờ ngày nào chăng?
Phùng lão nghe thế bật cười ha hả:
- Ha ha! Không ngờ chuyện đó trôi qua đã lâu mà đại sự vẫn còn nhớ rõ như vậy.
- Ha ha, lão nạp tu hành mấy chục năm mà vẫn không sao trừ bỏ được hết tham sân si, đã khiến Phùng huynh chê cười rồi.
Đại sư Viên Ngộ cầm quân trắng nên được đi trước. Vô Tướng đứng hầu một bên quan sát. Cờ tướng biến hóa muôn hình vạn trạng, lúc thì xông lên tấn công, khi thì thu về phòng thủ, rất nhịp nhàng uyển chuyển. Chàng theo dõi cuộc đánh cờ mà cứ ngỡ đang chứng kiến hai cao thủ giao đấu võ công, chiêu thức tầng tầng lớp lớp, nhờ thế mà ngộ ra được nhiều điều tâm đắc.
Ba người say mê chơi quên hết cả thời gian, chớp mắt trôi qua hơn hai canh giờ. Lúc này cờ đang vào thế giằng co. Quân đen tuy chiếm lợi về quân số nhưng lại bị quân trắng tấn công ráo riết, Pháo trắng ở vị trí thuận lợi để chuẩn bị cho nước chiếu hết tiếp theo.
"Nếu sư phụ đưa Pháo vào giữa, tất Phùng tiền bối sẽ tiến Xe chiếu tướng sư phụ bên mạn sườn trái, bắt buộc sư phụ phải lui Xe về chống. Như thế sẽ dẫn đến đấu cờ. Sư phụ tuy ăn được Xe và Mã của tiền bối nhưng ngược lại thế công hoàn hảo sư phụ khổ công dựng nên bị phá vỡ gần như hoàn toàn. Kết cuộc vẫn không có người nào chiếm lợi thế." Vô Tướng tư chất thông tuệ, đã nhanh chóng hiểu được cục diện.
Quả nhiên đại sư Viên Ngộ nhấc Pháo trắng định đi. Không phải đại sư không biết nước cờ này nhưng đây là nước đi tốt nhất trong lúc này.
- Đại sư, có chuyện lớn... có chuyện lớn xảy ra rồi.
Đại sư đặt quân Pháo xuống vị trí cũ, ngẩng đầu lên hỏi:
- Chuyện gì mà con có vẻ hoảng hốt vậy?
Chú tiểu hít sâu một hơi rồi đáp:
- Lính Ngô... lính Ngô không hiểu vì nguyên nhân gì mà kéo đến đây quấy rối, hiện tại sư huynh Vô Ngã đang đánh nhau với bọn chúng dưới chùa Vân Yên ạ.
- Ồ! Thật sao?
Đại sư Viên Ngộ và ông lão nhìn nhau, việc này rõ ràng chẳng bình thường chút nào.
- Phùng huynh, có lẽ chúng ta tạm dừng, xuống đó xem thế nào.
- Đúng thế, việc chùa quan trọng hơn, chúng ta mau đi thôi.
Đại sư Viên Ngộ và ông lão bèn thi triển khinh công chạy vùn vụt xuống dưới. Theo sau đó khá xa là Vô Tướng và chú tiểu.
Khi Đại sư Viên Ngộ tới nơi thì thấy một nhà sư áo xám đang giao đấu với một viên tướng quân Ngô. Nhà sư tự là Vô Ngã, khoảng hai mươi sáu hai mươi bảy tuổi, là sư huynh của Vô Tướng. Vô Ngã nhập môn trước Vô Tướng năm năm, nhưng vì tư chất hơi kém nên võ công chỉ bình bình. Vô Ngã có nguy cơ sắp thua rồi.
Tên tướng hét lớn, hai tay tung liên tiếp ba quyền đều trúng ngực Vô Ngã. Sư hộc máu loạng choạng lùi về bốn năm bước, đứng dựa vào cột gỗ. Đối phương mừng rỡ thừa cơ xông tới. Đại sư Viên Ngộ thấy vậy, phóng vù tới đứng chắn giữa Vô Ngã và y. Tay phải đại sư gạt chưởng của y, tay kia phất nhẹ, đẩy bay ngược lại. Y cố gắng gượng nhưng chưởng lực của đại sư hùng hồn vô cùng, chân lảo đảo không vững, vội vàng nhún chân phải, tung mình nhảy vọt về sau hơn một trượng, rớt xuống đất rồi mà chưởng lực vẫn chưa tiêu giải khiến y lật đật lùi thêm bảy tám bước nữa mới dừng lại. Trong lòng sợ hãi, thầm nhủ: “Kình lực lão sư già đó dài thật, mình đã lùi hai trượng rồi mà vẫn còn khó thở, nếu lão già đó thật sự động thủ thì tiêu mạng còn gì.”
Sự xuất hiện đột ngột của đại sư Viên Ngộ làm quân Ngô im bặt, còn nhà chùa ai nấy lộ vẻ vui mừng, mặt mày tươi tỉnh hẳn. Đại sư chắp tay hành lễ, chậm rãi nói:
- A di đà phật! Các vị tướng quân đến viếng cảnh chùa, nếu chúng tôi đón tiếp có gì không tốt, các vị cứ nói, cớ sao quấy động can qua, phá hỏng sự thanh tịnh của chùa như vậy.
- Ồ! Không phải đâu, đại sư hiểu lầm rồi.
Một người chừng ba mươi lăm ba mươi sáu tuổi từ phía sau bước ra. Viên tướng nọ thấy tức thì biến sắc, lui ra sau y. Qua bộ quần áo y mặc trên người lẫn thái độ của tên tướng kia, dễ dàng đoán được y là chỉ huy của đám quân Ngô này. Y ôm quyền tiếp tục nói:
- Bản tướng là Từ Phong, một viên tướng nhỏ của Đại Minh.
“Từ Phong? "Ông ta" đưa hắn tới đây làm gì?” Phùng lão nhíu mày suy nghĩ. Ông kiến thức rộng rãi, nhận ra ngay tên tướng, có lẽ ngoài ông ra ở đây không có ai biết được thân phận thật sự của tên Từ Phong này.
Đại sư Viên Ngộ tiếp lời tên tướng:
- Ra là Từ tướng quân. Tướng quân nói hiểu lầm là nghĩa làm sao?
- Vừa rồi thuộc hạ của bản tướng chỉ đang đàm đạo võ học với vị sư phụ kia, không ngờ đã làm kinh động đến quý tự, thất kính, thất kính.
Từ Phong vừa nói xong thì các nhà sư trong chùa đều lên tiếng phản bác. Đại sư Viên Ngộ kinh ngạc hỏi:
- Đàm đạo võ học ư? Xin tướng quân đừng đùa với lão nạp như vậy.
Từ Phong lắc đầu nói:
- Bản tướng không hề có ý đùa giỡn chút nào! Bản tướng vốn hiếu võ, có duyên bái một cao nhân làm sư phụ, học được chút ít ngón nghề, lại nghe danh võ công Trúc Lâm cao thâm, huyền diệu từ lâu nên tại hạ muốn đến đây để đàm đạo mà thôi.
Tiếng là đàm đạo võ học nhưng hàm ý bên trong thì ai cũng hiểu, chúng đến để khiêu chiến và điều tra sức mạnh lực lượng của Đại Việt đấy thôi. Đại sư Viên Ngộ trụ trì Trúc Lâm Yên Tử bao nhiêu năm, có gì chưa trải qua chứ, đại sư vẫn bình tĩnh đối đáp:
- A di đà phật! Thứ lỗi cho lão nạp nói thẳng, Trúc Lâm từ đời sư tổ truyền đến nay luôn là nơi tu hành, giảng Phật pháp. Bản chùa luyện võ cốt chỉ để cuờng thân kiện thể chứ không đem ra thi thố hay tranh đấu gì cả. Đất nước chúng tôi vẫn còn nhiều nơi võ công cao siêu hơn, tướng quân có thể tìm đến nơi đó thỉnh giáo. Còn nếu tướng quân có nhã hứng với Phật pháp, lão nạp sẽ đích thân giảng cho tướng quân, âu cũng khỏi phải mất công vô ích.
Lời nói của đại sư uyển chuyển nhẹ nhàng nhưng hàm ý nặng tựa Thái Sơn, chẳng những từ chối một cách khéo léo mà còn thể hiện ra ý uy hiếp kẻ địch.
Từ Phong lửa giận bùng lên. Y thân là một tướng quân mà lại bảo y đi nghe giảng Phật pháp... đây rõ là đang cười vào mặt y. Y cười nhạt:
- Đại sư thật khiêm tốn quá, khi nãy tại hạ chứng kiến tài nghệ đại sư, quả nhiên được mở rộng tầm mắt.
Đại sư Viên Ngộ vẫn lắc đầu từ chối:
- A di đà phật! Lão nạp trước giờ chỉ biết tụng kinh niệm phật, võ công chỉ là phụ, chút võ công đó chỉ không có gì đáng nói!.
- Đại sư cứ mãi từ chối như vậy, không lẽ Trúc Lâm Yên Tử chỉ là hư danh, thật làm bản tướng thất vọng.
- A di đà Phật!...
Đại sư Viên Ngộ lòng bình lặng như mặt hồ, không hề ảnh hưởng bởi kế khích tướng của Từ Phong, nhưng Vô Tướng tuổi trẻ nóng nảy, bồng bột chứng kiến Từ Phong. buông lời khinh nhờn, chàng không kìm được chạy ra, quỳ trước mặt đại sư nói:
- Thưa thầy! Vì thanh danh của chùa, con thiết nghĩ chúng ta nên nhận lời Từ tướng quân ạ.
Từ Phong nhân cơ hội hùa theo:
- Vị tiểu sư phụ này nói đúng đấy, danh dự là vô cùng quan trọng, cần phải gìn giữ, huống chi chúng ta chỉ là đàm đạo võ học mà thôi, sẽ không có chuyện gì đâu.
Đại sư Viên Ngộ ngồi trầm ngâm suy nghĩ hồi lâu, cuối cùng gật đầu:
- A di đà phật! Xin tướng quân đừng nặng lời. Được rồi, nếu như tướng quân nhất quyết muốn tỉ thí, lão nạp chỉ còn cách nhận lời. Chi bằng thế này, chúng ta mỗi bên cử ra một người, một trận phận định thắng thua. Tướng quân thấy sao?
Từ Phong gật đầu đáp:
- Đại sư nói rất hợp ý của bản tướng.
Đại sư Viên Ngộ tiếp lời:
- A di đà phật! Vậy thì tốt lắm, chẳng hay bên tướng quân sẽ cử ai?
- Bản tướng chỉ mới học võ vẽ vài chiêu, tuy rằng không được đứng trong hàng cao thủ nhưng vẫn muốn được thỉnh giáo thần công của đại sư.
Tất cả sư tăng trong chùa ngoảnh nhìn sang đại sư Viên Ngộ. Lâu nay ai cũng biết đại sư võ công thông thần nhưng chưa được chứng kiến tận mắt, nên lúc này mọi sự chú ý đều đổ dồn vào đại sư. Đại sư nhất thời im lặng. Giữa lúc đại sư phân vân thì Vô Tướng chắp tay quỳ xuống nói:
- Sư phụ! Con xin phép người cho con thay người hầu tiếp vị tướng quân ạ.
Đại sư xua xua tay đáp:
- Sao có thể chứ, con học nghệ chưa tinh mà tướng quân võ công siêu quần, không hay đâu.
- Thưa thầy, người đã cao tuổi, sức khỏe cũng không còn được như xưa, hơn nữa, thầy lại là trụ trì của Trúc Lâm Yên Tử, không tiện cho việc này, người cứ để con ạ, dù con có thua cũng chẳng sao cả.
Đại sư lưỡng lự hồi lâu rồi đáp:
- Ừm, để ta hỏi tướng quân trước. A di đà phật! Tướng quân chắc đã nghe thấy hết rồi, không biết ý của tướng quân thế nào?
"Nếu ta đồng ý đấu, đánh thắng thì mang tiếng ỷ mạnh hiếp yếu chẳng vẻ vang gì, mà nếu từ chối chả hóa ra ta sợ hãi một thằng nhóc hỉ mũi chưa sạch ư? Giỏi cho hai thầy trò nhà ngươi, dám dùng kế lừa ta, rất giỏi." Tên tướng quên bất ngờ vì bị dụ vào tròng. Trên chiến trường hắn tài nhưng đấu trí vẫn còn thua đại sư Viên Ngộ xa lắm. Y nén giận:
- Cũng được, vị tiểu sư phụ này tuổi nhỏ tài cao, bản tướng rất muốn được thưởng thức
- A di đà phật! Cám ơn tướng quân đã thông cảm cho lão nạp. Đây là nơi cảnh Phật thanh tịnh, trong lúc tỉ thí phân lấy thắng thua là đủ, xin tướng quân không nên động sát giới kẻo làm ảnh hưởng đến hòa khí giữa hai nước.
- Bản tướng biết dừng đúng lúc, đại sư yên tâm.
Đại sư Viên Ngộ quan sang chỉ bảo Vô Tướng:
- Con nghe ta dặn đây, bảo vệ bản thân cho tốt, nhưng cần phải nhớ câu dĩ hòa vi quý, nhất định không được tổn hại tướng quân, rõ chưa.
- Vâng! Con biết rồi ạ!
"Hừ! Nói móc ta hả! Cứ đợi đấy!" Từ Phong giận dữ, trong lòng thầm nghĩ cách hãm hại Vô Tướng.
Vô Tướng bước tới đứng đối diện với Từ Phong, chắp tay nói:
- A di đà phật! Tiểu tăng thực học kém cỏi, mong tướng quân nương tay.
Từ Phong cười khẩy:
- Ha ha ha, vị tiểu sư phụ này xin cho biết cao danh quý tính? Giữ chức vụ gì trong chùa? Ta không muốn đấu với một kẻ vô danh.
- A di đà phật! Tiểu tăng chỉ là một nhà sư bình thường trong chùa, không dám nhận bốn chữ cao danh quý tính. Tên tiểu tăng đơn giản hai từ... Vô Tướng.
Từ Phong rút ra một thanh đao sáng loáng, vô cùng sắc bén khiến kẻ khác nhìn vào mà cảm thấy rùng mình:
- Ra là Vô Tướng sư phụ! Bản tướng dùng đao pháp, còn tiểu sư phụ sử dụng binh khí gì?
- Tiểu tăng sẽ đem sở trường là côn pháp ra tiếp tướng quân.
- Sư đệ, cầm lấy này.
Một nhà sư khác ném cho Vô Tướng thanh côn gỗ dài sáu thước, màu vàng hai đầu bọc sắt.
- Cám ơn sư huynh.
Vô Tướng tiếp lấy rồi cầm thẳng đứng thanh côn trên đất, tay kia để trước ngực rồi nói:
Từ Phong vọt người tới rồi bổ mạnh thanh đao xuống. Y muốn kiểm tra trình độ võ công của Vô Tướng nên dùng chiêu đơn giản.
Vô Tướng bỗng nhớ tới thế cờ ban nãy, thấy cũng giống thế này, bèn lướt bàn chân lướt sang bên phải, thân mình thuận thế nghiêng về bên trái, kế tiếp tung quyền đấm vào eo đối phương, đồng thời dựng côn đứng thẳng trước ngực để bảo vệ.
Từ Phong trúng phải một quyền vào eo, biết được nội lực đối phương thâm hậu, hơn xa tên thuộc hạ khi nãy. Y dù tức giận nhưng thấy cách thức Vô Tướng sử dụng chiêu thức, kình lực hùng hồn, thân pháp trầm ổn không có chỗ sơ hở để phản công, bất giác y buột miệng khen: “hảo”
"Côn quyền phối hợp rất nhuyễn, đáng khen cho tiểu sư phụ." Phùng lão cũng gật gù đầu tỏ vẻ hài lòng.
Từ Phong đánh thêm bốn chiêu nữa đều bị Vô Tướng hóa giải. Y thấy không chiếm được lợi thế, nên nhảy lùi về chỗ cũ, lúc lắc cổ, bẻ khớp tay khớp chân rôm rốp, giả bộ nói:
- Tiểu sư phụ giỏi lắm, nhưng ban nãy ta chỉ khởi động mà thôi, giờ mới chính thức bắt đầu đây, tiếp chiêu.
Y vung đao tiếp tục tấn công như bão táp mưa sa, trong từng chiêu thức ẩn chứa uy lực mạnh mẽ. Côn pháp Vô Tướng sử dụng thì nhanh nhẹn, uyển chuyển, liên tục xuất hiện những động tác tránh né linh hoạt và đặc biệt là các chiêu thức đánh ở tầm thấp tấn công hạ bàn đối phương, mỗi lần đều khiến tên tướng quân vất vả.
Đây chính là những điểm khác biệt nhất giữa vô công Đại Việt và võ Trung Hoa.
Võ công Trung Hoa rất ít các thế tránh né, phần lớn là ra đòn liên tiếp, công kích đối phương không ngừng. Ngoài ra, các chiêu đánh tầm thấp thì không phải không có nhưng thấp đến áp sát mặt đất thì cực kỳ hiếm thấy, hầu hết là sử dụng trong cước pháp hay thương pháp.
Võ Việt thì ngược lại, bất kể môn võ nào, chưởng, quyền hay đao kiếm,... tay có hay không có binh khí, các thế tránh né và đòn đánh tầm thấp sát đất luôn chiếm tỷ lệ lớn. Điều này có thể do thể trạng, thân hình người Việt thấp bé, lại luôn luôn phải đối đầu với kẻ thù cao to hơn mình rất nhiều nên phải tìm cách biến sở đoản thành sở trường, sáng tạo ra những chiêu thức lợi hại, hạ gục kẻ thù một cách nhanh chóng.
Cuộc tỷ võ càng lúc càng gay cấn, các nhà sư đứng bên ngoài ngạc nhiên quay sang bàn tán với nhau:
- Chà, Bạch Viên Côn Pháp sư đệ thi triển tuyệt quá, ta là sư huynh mà tự thẹn không bằng!
- Đúng vậy, sư đệ giỏi quá!
- Đúng! Sư đệ cố lên!
Các sư tăng trong chùa không ngừng cổ vũ cho Vô Tướng.
Bạch Viên Côn Pháp tương truyền do sư tổ Trúc Lâm Yên Tử là Điều Ngự Giác Hoàng sáng tạo ra mấy mươi năm về trước. Trong một lần quay lên Yên Sơn sau khi vân du tứ hải, ngài bắt gặp một con vượn trắng, tay cầm cành cây nhảy nhót khắp nơi, lúc dùng nó để hái quả trên cao, lúc thì vung vẩy múa may, lúc lại lấy cành đập vào thân cây, không thì lại đâp xuống đất, nhảy nhót rất linh động. Ngài thấy là lạ nên quan sát kỹ con vượn. Sau đó ngài về thiền viên, suy ngẫm một ngày một đêm, bỗng có sở ngộ nên đã sáng tạo nên bộ côn pháp đó.
Bộ côn pháp là môn võ căn bản của Trúc Lâm Yên Tử, nhà sư nào cũng luyện, cũng biết nhưng ngoại trừ các bậc cao tăng võ công siêu phàm thì chẳng mấy ai luyện nó đến cảnh giới cao như Vô Tướng. Đáng tiếc, chàng ta đang dần bị Từ Phong dồn ép. Chợt Vô Ngã chỉ tay hô:
- Ô kìa! Sao sư đệ bỗng dưng lại thu chiêu vậy?
Có người nhìn kỹ cũng gật đầu tán đồng:
- Ừ, lạ quá, sư đệ chiêu nào cũng đánh ra nửa vời là thu lại, chả hiểu sư đệ đang nghĩ gì nữa.
"Tiểu sư phụ này vốn có thiện tâm, không ra sát chiêu nên bỏ lỡ nhiều cơ hội giành chiến thắng, xem ra lão phải giúp một tay." Phùng lão quan sát trận đấu mà trong lòng bực bội. Lão bèn kẹp một viên đá vào giữa ngón tay cái và ngón tay giữa, vận kình, búng vút đi, thế nhưng viên đá đang bay nửa đường bỗng nhiên vỡ vụn.
Ông liếc sang đại sư Viên Ngộ. "Đại sư, sao đại sư lại làm thế?" Lão biết đại sư đã ngăn cản vì ở đây, chẳng ai đủ khá năng phá tuyệt kỹ Càn Khôn Chỉ của lão.
"Ai di đà phật! Đây là chuyện riêng của chùa, lão nạp xin Phùng huynh đứng ngoài cuộc xem là được rồi."
"Nhưng mà..."
"Xin Phùng huynh chấp nhận cho."
Đại sư Viên Ngộ và Phùng lão võ công thần diệu, dùng phép Truyền Âm Nhập Mật nói với nhau mà không hề mở miệng, trong khi mắt vẫn theo dõi Vô Tướng như các nhà sư khác. Phép này đương thời hiếm người nắm rõ, huống chi muốn luyện thành phải khổ công tu tập nhiều năm.
Trong sân chùa, Vô Tướng và Từ Phong đã giao đấu ngoài trăm chiêu. Đấu mãi vẫn không thắng được, tên tướng quân bắt đầu sốt ruột. Y không nghĩ chỉ với một thiếu niên mà đã khiến y tốn sức đến vậy.
- Tiểu sư phụ hãy tiếp Hoành Đao Thất Thức của bản tướng!
Y gầm lớn một câu, vung đao chém ngang bổ dọc. Chiêu thức đơn giản, không hoa mĩ nhưng đao pháp nhanh như ánh chớp mà uy lực thì cực kỳ mãnh liệt. Vô Tướng chống đỡ vất vả, dần dần lâm vào thế nguy hiểm, mỗi lần chàng nhảy ra thì y lại áp tới như hình với bóng. Khuôn mặt của tất cả sư tăng trong chùa hiện rõ sự lo lắng, sợ hãi.
"Hoành Đao Thất Thức ư? Tiểu sư phụ lần này gặp hạn rồi." Lão nhân cau mày, hình như ông lão biết môn võ công đó.
Xét về chiêu thức và nội công, Vô Tướng vốn không kém Từ Phong là bao, nhưng kinh nghiệm giao đấu thì rõ ràng thua xa. Vô Tướng chưa một lần rời khỏi chùa, há sao bì kịp được với Từ Phong chinh chiến nhiều năm, dày dạn kinh nghiệm trận mạc.
Vô Tướng giậm chân phải lại đề khí nhảy vọt về sau một trượng, Từ Phong lại ập tới. Đao chém từ trên bên phải chéo xuống dưới bên trái, gió từ đao phả ra lạnh toát. Vô Tướng thầm nghĩ: “nếu còn tránh nữa sẽ mất mạng, dù võ công có kém hơn vị tướng quân nọ vẫn phải đánh trả.” Chàng đánh côn ngược từ dưới cản lại, ai nấy hồi hộp theo dõi chăm chú không chớp mắt. Thời gian như ngừng lại.
Từ Phong cười nhạt, y đã thi triển võ công mạnh nhất nhì của mình, há có thể dễ dàng ngăn cản.
Thanh đao đập vào côn bật ra âm thanh chát chúa. Bất quá côn không những không gãy đôi mà thanh đao còn bị dội ngược trở lại, thì ra đao đập trúng ngay đầu bịt sắt của thanh côn. Các nhà sư vui mừng hò reo đầy vui sướng, ngược lại, Vô Tướng cảm giác hổ khẩu nhức nhối, toác cả da thịt nhưng chàng vẫn cố sức giữ chặt thanh côn.
Chiêu đầu thất bại, sắc mặt Từ Phong khó coi, y thốt lên:
- Ái chà, đánh chuẩn lắm, nhưng ta vẫn chưa hết chiêu đâu.
Y lộn một vòng giữa không trung, chân vừa chạm đất, y đâm mạnh thanh đao tới trước, gió từ thanh đao tỏa ra lạnh toát, theo ngay sau là một chưởng nữa. Đao chưởng liền nhau, kín kẽ chẳng hề có sơ hở. Nếu Vô Tướng tránh đao, tất sẽ trúng chưởng.
Chàng hết cách, bèn vung côn gạt đao, đồng thời tay trái vung tay trái nửa vòng tròn phát chưởng nghênh tiếp. Thoạt tưởng côn là chính, nhưng chưởng cũng lợi hại chả kém, chưởng lực bao trùm cả một trượng, Chiêu thức này đầy mạnh mẽ mà cũng khéo léo cực kỳ.
Song chưởng đụng nhau, Vô Tướng chấn động toàn thân, loạng choạng lùi về năm bước, đồng thời tay phải trúng đại đao, hổ khẩu nhức nhối nên đánh rơi côn.
"Khá lắm! Tiểu sư phụ luyện Hoàng Giác Thần Công đã có hỏa hầu." Lão nhân thầm gật gù tán thưởng.
Tên tướng quân bị thương nhẹ hơn Vô Tướng, y chỉ rùng mình, có điều tay cầm đao ngâm ngẩm đau, không thể nâng nổi nó nên tay còn lại đưa sang cầm phụ sức. Y xoay hông, hai tay cùng cầm thanh đao dùng sống đao chém vào chiếc lư đồng lớn ở gần sát mình. Chiếc lư đồng bay vù tới Vô Tướng. Chưởng này có phương pháp vận kình, phát lực cực kỳ độc đáo, y may mắn luyện được, hôm nay bất đắc dĩ phải đem ra sử dụng.
Vô Tướng chưa kịp hoàn hồn, thấy chiếc lư ngay trước mắt tinh thần hoảng hốt, vội vàng giơ song thủ ra đỡ. Đáng tiếc lư đồng xoáy rất mạnh nên chỉ trúng mặt bên của nó, thành ra chỉ cộng thêm lực vào làm nó đổi hướng bay thẳng về đại sư Viên Ngộ. Đây mới là mục đích chính của Từ Phong.
Đại sư bình tĩnh, một chưởng đặt sau lưng chiếc lư, tay kia chụp lấy vành nhẹ nhàng nâng lên rồi để xuống lại không một tiếng động.
- A di đà phật! Xin thí chủ đừng xúc động như vậy? Võ công tập luyện chủ yếu để tăng cường sức khỏe, tránh sát thương người. Thí chủ là khách phương xa tới chơi bản tự, có lòng hướng đạo học võ, cũng đã đấu với Vô Tướng một hồi rồi... Hiện tại xem ra là không phân thắng bại, cũng nên ngừng thôi, tránh để cho đao kiếm vô tình làm tổn thương tới hòa khí.
Vô Tướng Đại sư Viên Ngộ đã nói vậy, Từ Phong cũng không tiếp tục tỷ thí nữa. Vô Tướng chống được hai chiêu Hoành Đao của y thì võ công chẳng hề tầm thường, huống chi đại sư chỉ vung tay nhẹ nhàng mà dễ dàng hóa giải độc chiêu của y, có đấu thêm cũng chỉ mất mặt, tự chuốc lấy nhục mà thôi. Y hai tay ôm quyền nói:
- Đại sư đã mở lời, bản tướng sẽ nghe theo. Hôm nay bản tướng được lĩnh giáo võ công Đại Việt, bản tướng đã được mở rộng tầm mắt. bản tướng xin được cáo biệt ở đây, ngày sau sẽ còn gặp lại.
Nói đến đây Từ Phong ra lệnh cho đám binh lính rút lui, không một tiếng kèn, tiếng trống. Đám quan quân lính Ngô xuống núi một cách khẩn trương trong lặng lẽ, khác hẳn vẻ hung hăng, ầm ĩ lúc mới đến. Trong đầu Từ Phong cứ nghĩ luẩn quẩn về trận đấu với Vô Tướng, về võ công siêu phàm của đại sư Viên Ngộ. Có lẽ đã quá xem thường mảnh đất Đại Việt nhỏ bé này.
Đáng tiếc y không biết người dân Đại Việt có câu "Nực cười châu chấu đá xe, tưởng rằng chấu ngã ai dè xe nghiêng!", nếu không y cũng sẽ không quay về trong hoàn cảnh mất mặt như vậy.
Mọi sư tăng của chùa vui mừng, tất cả ùa đến tung hô Vô Tướng vang như sấm dậy, duy chỉ có đại sư Viên Ngộ không vui. Vô Ngã thấy vậy bèn hỏi đại sư:
- Sư phụ, lính Ngô thất bại bỏ đi, đáng lẽ nên vui, tại sao người có vẻ lo lắng vậy ạ?
Đại sư thở dài đáp:
- A di đà phật! Hôm nay quân Ngô thất bại, bọn chúng nhất định ghi hận, rồi một ngày nào đó sẽ quay lại báo thù, đến lúc đấy, phong ba nổi lên, người vô tội khổ cực, thử hỏi sao ta không thể không lo lắng đây.
- Đại sư nói đúng lắm, đây cũng là điều lão đang lo lắng.
Phùng lão nhân đồng ý với suy nghĩ của đại sư.
- A di đà phật! Được rồi, mọi người giải tán thôi, không nên làm ồn nữa.
- Dạ vâng.
Thế là các nhà sư kéo nhau rời khỏi trả lại sự yên tĩnh cho chùa Vân Yên. Đại sư Viên Ngộ nói với Phùng lão:
- Trời đã sắp tối rồi, lão nạp nghĩ Phùng huynh đừng vội xuống núi mà ở lại cùng lão nạp dùng bữa cơm chay, nghỉ một đêm, mai hãy khởi hành.
Phùng lão cũng có ý muốn ở lại, nhưng không tiện lộ ra, nay đại sư chủ động mở lời nên Phùng lão gật đầu đáp:
- Nếu đại sư đã mời, lão từ chối thì thật thất lễ, đêm nay đành phiền đại sư vậy.
- Có gì đâu, có gì đâu, xin mời Phùng huynh.
Hai người trở về chùa Tĩnh Tâm, ván cờ còn dang dở, hai người chơi tiếp tới khi Vô Tướng bắt đầu dọn đồ ra thì mới dừng lại.
*Chú thích:
- Lời đối thoại giữa hai người trở lên mình để sau dấu "-"
- Lời độc thoại (nội tâm) trong dấu nháy kép ("")
Đợn vị trong truyện:
- Một trượng xưa = khoảng 3,3 - 4m