Gió chuyển từ phía tây bắc về báo hiệu mùa đông đã đến. Người ta vừa tu sửa lại những thiệt hại gây ra do trận lụt vừa rút lui, lại phải đối mặt với kẻ thù đang tiến đến. Phải hối hả gấp rút hơn thời gian ngập lụt ngày 10 tháng mười một. Những chiếc tàu thoát nạn cuồng phong vội vã trở ra biển khơi để tiếp tục những nhiệm vụ của mình. Cầu tàu đã được dỡ đi và người ta chờ đợi giá lạnh đâu mùa một cách bình tĩnh hơn. Ngày 3 tháng chạp sương đông cứng lại, ngày 4 tuyết rơi và tuy mới năm, sáu độ dưới băng giá, người ta đã tổ chức vận chuyển bằng xe trượt tuyết. Một bất hạnh lớn, mọi dự trữ thực phẩm cho mùa đông bị hư hỏng vì lụt, việc vận chuyển này là để đề phòng nạn đói.
Thực thế, vận chuyển bằng xe trượt tuyết có tốc độ gần như bằng xe ngưa. Người ta đem đến thủ đô thú vật săn bắt được khắp nơi trong vương quốc, đôi khi từ một nghìn, nghìn hai dặm cách xa thủ đô. Gà gô đen, đa đa, chim trĩ, vịt trời, xếp từng lớp với tuyết trong các thùng lớn ở chợ bán rẻ như đem cho. Bên cạnh, cá hiếm Biển Đen hoặc cá sông Volga xếp trải dài trên các bàn hoặc chất thành đống. Còn thú được bày bán đứng trên bốn chân như còn sống và người ta cắt xẻ tại chỗ.
Những ngày đầu tiên Saint-Peterbourg phủ lớp áo trắng mùa đông đối với tôi là những ngày cảnh vật trông thật kỳ lạ và tất cả đều mới mẻ. Tôi đi xe trượt không biết mệt vì có một khoái cảm cao độ khi được kéo trên mặt đất nhẵn như gương, do những con ngựa vì trọng lượng chở nhẹ nhàng, hình như bay thay vì chạy. Những ngày đầu này càng thú vị vì thời tiết lạnh mùa đông đến từng tí một và nhờ áo lông thú cho nên tôi đi trong băng giá hai mươi độ mà gần như không thấy lạnh, ở mười hai độ sông Neva bắt đầu đóng băng chặt cứng.
Tôi bắt ngựa chạy nhiều đến nỗi một buổi sáng người đánh xe tuyên bố nếu tôi không để chúng nghỉ ít nhất bốn mươi tám giờ, chúng sẽ hoàn toàn không thể sử dụng được nữa. Thấy đẹp trời, tuy lạnh hơn tôi cảm nhận, tôi quyết định đi dạo, trang bị từ đầu đến chân chống lại cái lạnh giá, bọc người với một chiếc áo dài, nhấn chiếc mũ lông quá tai, quấn khăn quàng cổ, tôi đi trên đường phố, chỉ hở mỗi cái mũi ra ngoài.
Lúc đầu mọi việc suôn sẻ, thậm chí tôi ngạc nhiên vì ít có cảm giác lạnh, cười vì những câu chuyện tôi đã nghe và phấn khởi vì tình cờ đã cho tôi làm quen với thời tiết. Hơn nữa, hai người học trò tôi đến nhà, ông De Bobrinski và ông De Nariskine đều đi vắng, tôi bắt đầu cho là sự tình cờ đã làm được nhiều điều, bỗng nhận thấy những người gặp tôi ngoài đường có vẻ băn khoăn nhưng không nói gì. Rồi một ông đi qua, có vẻ lắm lời hơn, bảo tôi "Noss!" Do chẳng biết một tiếng Nga nào tôi nghĩ không cần dừng lại vì một tiếng nói và tiếp tục đi. Ở góc đường, tôi gặp một người đánh xe trượt tuyết, đi nhanh như chớp nhưng thấy cần phải bảo tôi nên kêu lên "Noss! Noss!" Cuối cùng đến quảng trường Amirauté tôi đối diện với một người nông dân, người này không nói gì nhưng bốc một nắm tuyết và lao vào người tôi, trước khi tôi kịp gỡ ra, anh ta đã bôi tuyết khắp mặt tôi, đặc biệt xát mạnh vào mũi. Tôi thấy trò đùa khá kỳ cục, nhất là vào thời tiết như thế này, nên rút một tay trong túi áo ra và đấm mạnh một cái làm anh ta lăn ra cả mười bước. Không may hay còn gọi là may mắn cho tôi, có hai người nông dân đi qua lúc đó nhìn tôi một lúc rồi lao vào giữ chặt cánh tay tôi còn người điên khùng kia lại nhặt một nắm tuyết khác, lại lao vào. Lần này, nhân lúc tôi không thể tự vệ được, lại xát tuyết vào mặt, mũi tôi. Đôi tay bị giữ chặt nhưng miệng còn hét được, tôi dồn dập kêu cứu. Một viên sĩ quan chạy tới, nói tiếng Pháp hỏi tôi có chuyện gì.
- Thế nào? – tôi nói to và dùng chút sức lực cuối cùng vùng ra khỏi ba người bình tĩnh nhất trần đời đang tiếp tục đi con đường của họ - Thưa ông, ông không thấy những người lạ lùng kia đã làm gì tôi ư?
- Họ làm gì ông vậy?
- Họ lấy tuyết xát vào mặt tôi. Ông có thấy như vậy là một trò đùa hay không, nhất là vào thời tiết như thế này?
- Nhưng, thưa ông, họ giúp ông một việc vô cùng lớn đấy.
- Thế là sao?
- Chắc chắn lỗ mũi của ông đã bị đóng băng.
- Trời ơi! – tôi kêu lên và đưa tay lên sờ chỗ bị đe doạ.
- Thưa ông – một người qua đường nói với viên sĩ quan – lỗ mũi của ông sắp bị đóng băng đấy!
- Cám ơn – viên sĩ quan nói như được báo trước một điều tự nhiên nhất. Anh ta cúi xuống bốc một nắm tuyết và tự làm công việc mà người nông dân đã giúp tôi và bị tôi trả ơn một cách tàn nhẫn.
- Có nghĩa là, thưa ông, nếu không có người ấy…
- Ông sẽ không còn mũi – viên sĩ quan nói tiếp vừa xem xét mũi của mình.
- Thế thì, ông cho phép…
Và tôi chạy theo người nông dân, anh ta nghĩ tôi đuổi đánh nên cũng bắt đầu chạy. Dĩ nhiên sợ hãi nhanh nhẹn hơn biết ơn, tôi chắc sẽ không đuổi kịp anh ta nếu không có mấy người tưởng anh ta là kẻ cắp chặn đường lại. Khi tôi tới nơi, tôi thấy anh đang hăng hái giải thích mình chỉ phạm tội vì quá thương người, tôi tặng anh mười rúp để anh hiểu sự biết ơn của tôi. Người nông dân hôn tay tôi, một trong những người chứng kiến nói được tiếng Pháp bảo tôi từ nay chú ý hơn để bảo vệ mũi. Lời đễ nghị ấy thật ra là thừa vì suốt quãng đường còn lại, tôi không quên nó.
Tôi tới phòng tập của ông Siverbruk, gặp ông Gorgoli như đã hẹn và kể với ông cuộc phiêu lưu vừa qua như một việc rất khác thường. Ông hỏi không có ai bảo gì trước khi người nông dân làm việc ấy sao. Tôi trả lời có hai người đi qua đường nhìn tôi và kêu "Noss! Noss!" Ông liền bảo "Thế là người ta bảo ông giữ gìn mũi. Đấy là cách nói bình thường, lần sau nhớ đề phòng".
Ông De Gorgoli nói đúng và không phải chỉ ở Saint-Peterbourg là đáng sợ nhất cho mũi và đôi tai. Nếu mình không cảm thấy chúng bắt đầu đóng băng thì người qua đường đầu tiên sẽ trông thấy và hầu như bao giờ cũng báo với mình đúng lúc để tránh bị hại. Nhưng khi không may bị lạnh ở phần nào đó trong người dưới lớp quần áo, người ta không báo trước được, mình chỉ cảm thấy tê cóng ở phần bị hại và lúc ấy đã là quá chậm. Mùa đông năm trước, một người Pháp tên là Pierson, thư ký một nhà băng của Paris, là nạn nhân của sự cố này do thiếu đề phòng.
Ông Pierson đi từ Pháp áp tải đến Saint-Peterbourg một khoản tiền lớn cho chính phủ Nga vay theo thoả thuận. Từ Pháp ra đi thời tiết đẹp nên không phòng bị chống lạnh. Đến Riga ông ấy thấy vẫn còn chịu đựng tốt nên không mua áo choàng, khăn quàng lông thú, ủng lót len, vv. Đi quá Revel ba dặm, bông tuyết bắt đầu rơi dày đặc, người đánh xe mất phương hướng, làm lọt xe xuống một hố sũng nước. Hai người không nâng nổi xe lên, phải chạy đi tìm người giúp. Người đánh xe cởi tháo một con ngựa, phóng nhanh vào thành phố gần nhất. Ông Pierson thấy đêm xuống sợ mất trộm, không dám rời khoản tiền mà ông phải áp tải. Tối đến tuyết ngừng rơi, gió chuyển hướng bắc, giá lạnh xuống đến hai mươi độ. Ông biết là nguy hiểm bắt đầu bước đi chung quanh chiếc xe, cố chống lại gió rét. Sau ba giờ chờ đợi, người đánh xe trở lại với người, ngựa, nâng chiếc xe lên, và nhờ có thêm ngựa, ông Pierson đi nhanh đến thành phố đầu tiên và dừng lại. Người trưởng trạm chỗ lấy thêm ngựa lo lắng chờ đợi vì biết trong lúc người đánh xe lấy ngựa đi vào thành phố, ông Pierson ở trong hoàn cảnh như thế nào. Khi ông này xuống xe, câu hỏi đầu tiên là ông có bị băng giá không. Ông Pierson trả lời có lẽ không vì ông đã không ngừng đi lại, hy vọng cử động chống được giá lạnh. Ông cởi khăn trùm mặt, giơ tay ra, không hề hấn gì.
Tuy vậy ông cảm thấy rất mệt mỏi và sợ rằng nếu tiếp tục đi trong đêm có thể xảy ra sự cố như vừa rồi cho nên ông bảo sửa soạn giường nằm, uống một ly vang nóng và ngủ thiếp đi.
Hôm sau tỉnh giấc, ông muốn đứng dậy nhưng hình như bị đóng chặt vào giường. Khó khăn giơ một cánh tay kéo chuông gọi người tới, nói rõ tình trạng của mình như bị bại liệt hoàn toàn. Thầy thuốc đến bỏ chăn ra thấy chân người bệnh tái ngắt và điểm chấm đen: bệnh hoại thư đã bắt đầu. Thầy thuốc thông báo ngay với người bệnh là cần phải cắt cụt chân.
Dù phương pháp ấy thật ghê rợn, ông Pierson cũng phải chấp nhận. Thầy thuốc cho đi lấy dụng cụ cần thiết nhưng trong lúc đang chuẩn bị, người bệnh bỗng nhiên phàn nàn đôi mắt nhìn yếu đi, không còn trông rõ mọi vật chung quanh nữa. Người thầy thuốc lo sợ căn bệnh có thể nặng hơn ông tưởng nên tiến hành một cuộc chẩn đoán mới và nhận thấy thịt ở sống lưng đã bắt đầu bị huỷ hoại. Thay vì thông báo cho ông Pierson sự phát hiện ghê gớm mới, ông trấn an, cho ông này biết tình trạng không đáng ngại như lúc đầu, chứng cứ là ông rất cần được ngủ. Người bệnh trả lời quả thực ông muốn ngủ thiếp đi. Mười phút sau ông ngủ và mười lăm phút sau nữa ông tắt thở.
Nếu người ta nhận biết ngay lúc đó là trong người ông có những chỗ bị băng giá, và ngay lúc đó lấy tuyết chà xát như người nông dân Nga xát tuyết vào mũi tôi, ông Pierson hôm sau đã có thể lên đường được như không có chuyện gì xảy ra.
Đấy là một bài học cho tôi và để tránh cho những người qua đường bất ngờ phải giúp tôi, mỗi khi đi ra ngoài tôi mang theo một chiếc gương nhỏ trong túi, mỗi mười phút tôi lấy ra soi xem mũi mình một lần.
Cuối cùng không đầy tám ngày, Saint-Peterbourg đã khoác chiếc áo mùa đông. Sông Neva đóng băng, người ta đi qua lại các phía, đi bộ hoặc đi xe. Khắp nơi đầy những xe trượt tuyết, Đại lộ trở thành một loại cánh đồng, nhà thờ đốt lò sưởi vào buổi tối, trước các rạp hát, các đống lửa lớn cháy lên trong những vòng tường bao xây làm nơi cho những người hầu ngồi đợi chủ. Còn những người đánh xe thường được các ông lớn thương hại cho họ về nhà, hẹn giờ trở lại đón. Khốn khổ hơn cả là binh lính và những người đứng gác, không có đêm nào người ta không nhặt được vài người chết cóng.
Tuy vậy rét lạnh càng tăng lên và đến một mức nào đó người ta thấy những đàn sói vào quanh vùng Saint-Peterbourg. Một buổi sáng người ta thấy một con đi qua lại như một con chó thường ở khu La Fonderie. Con vật khốn khổ không có vẻ đe doạ lắm và cho tôi cảm giác nó đến xin ăn hơn là có ý định dùng sức mạnh, người ta dùng gậy đánh chết nó.
Buổi tối khi tôi kể chuyện này có mặt Bá tước Alexis, ông nói với tôi hôm sau nữa sẽ có một cuộc săn gấu lớn trong rừng cách Moscou mười hoặc mười hai dặm. Cuộc đi săn do ông Nariskine, một người học trò của tôi, chỉ huy. Bá tước nói sẽ chuyển nguyện vọng muốn tham gia cuộc đi săn của tôi với cả đoàn. Hôm sau tôi nhận được một giấy mời với một tờ chương trình, không phải của một buổi lễ mà của trang phục, một bộ quần áo lông thú phía bên trong và một loại mũ da trùm xuống đến vai, người đi săn tay phải trang bị một bao da, cầm một dao găm. Với con dao này, anh ta dùng tấn công con gấu khi giáp lá cà và hầu như bao giờ anh cũng giết nó bằng nhát đầu tiên.
Chi tiết về cuộc đi săn làm tôi thấy giảm hăng hái đi một phần, nhưng đã tiến rồi, tôi không lùi lại được nữa và phải chuẩn bị đủ thứ đồ: mua quần áo, mũ, dao găm để còn thử ngay tối hôm ấy và đỡ lúng túng trong trang bị rườm rà.
Tối tôi đến chơi nhà Louise khá muộn, quá nửa đêm mới về nhà và bắt tay vào tập dượt với bộ quần áo. Tôi đặt chiếc gối dài lên một chiếc ghế, nhảy tới đâm vào chỗ đã đánh dấu tương ứng với xương sườn thứ sáu của con gấu. Bỗng một tiếng động lớn ở lò sưởi làm tôi ngắt quãng việc đang làm. Tôi chạy lại phía ấy, nhìn qua cửa đã đóng (ở Saint-Peterbourg ban đêm cửa lò sưởi cũng đóng như hầm lò), thấy một vật không trông rõ hình thù, sau khi xuống ngang tấm bản lò sưởi lại lên ngay. Tôi nghi ngờ đấy là tên trộm theo ống khói vào nhà, trông thấy tôi chưa đi ngủ nên rút lui. Sau nhiều lần hỏi "Ai đấy?" không có người trả lời, tôi càng tin như vậy. Kết quả sau khi đứng đề phòng gần nửa giờ không nghe tiếng gì khác nữa, tôi cẩn thận chặn cửa lò sưởi, đi nằm và ngủ thiếp đi.
Mới nằm khoảng mười lăm phút, giữa giấc ngủ, hình như tôi nghe có tiếng bước chân ngoài hành lang. Đang khó hiểu về câu chuyện lò sưởi, tôi giật mình tỉnh dậy và lắng nghe. Không nghi ngờ gì nữa, có ai đi qua đi lại trước cửa phòng tôi gây tiếng động trên sàn tuy hình như đã cố gắng giữ thật êm nhẹ. Chẳng mấy chốc những bước chân ấy dừng lại trước cửa phòng tôi rụt rè, chắc để đoán chừng tôi đã ngủ chưa. Tôi với tay tới chiếc ghế để các đồ trang bị vừa cởi bỏ, lấy mũ đội vào đầu và tay cầm con dao găm chờ.
Một lúc sau nghe có tiếng cho tay vào vặn khóa, cánh cửa mở ra và qua ánh sáng chiếc đèn xách tay để ngoài hành lang, tôi trông thấy một sinh vật kỳ lạ tiến vào trong bóng tối, có lẽ đeo mặt nạ. Tôi nghĩ ngay phải cảnh báo hắn thay vì chờ đợi nên trong lúc hắn táo bạo bước lại lò sưởi chứng tỏ đã quen chỗ, tôi nhảy ngay xuống giường, nắm cổ họng, gí dao vào ngực hỏi hắn là ai và muốn gì. Nhưng rất ngạc nhiên, chính đối thủ của tôi kêu lên và hình như gọi người đến cứu. Muốn biết rõ người này thế nào, tôi chạy ra hành lang cầm chiếc đèn vào soi cho rõ, tuy rất nhanh nhưng cũng đủ để tay trộm của tôi biến mất như có phép lạ, tôi nghe có tiếng sột soạt phía trong lò sưởi, chạy lại đấy thì thấy người kia đi rất nhanh, chứng tỏ đã quen đi lại đường ấy. Tôi đứng ngẩn người.
Trong lúc ấy một người ở bên cạnh nghe tiếng động ghê gớm tôi gây ra đã bước vào phòng tôi vì nghĩ có người ám sát tôi, thấy tôi đang đứng, mặc áo ngủ, một tay cầm đèn, tay kia cầm dao găm, đầu đội mũ lông. Câu đầu tiên hỏi là tôi điên rồi chăng?
Để chứng minh mình rất tỉnh táo và thậm chí gợi lên sự dũng cảm của mình, tôi kể câu chuyện vừa xảy ra. Người hàng xóm phá lên cười, tôi đã chiến thắng một người thợ cạo ống khói! Tôi còn muốn không tin nhưng đôi tay, áo ngủ và cả mặt tôi nữa dính đầy bồ hóng đã chứng minh ông nói thật. Người hàng xóm giải thích làm tôi không còn nghi ngờ gì nữa.
Thật vậy, người nạo ống khói ở Saint-Peterbourg, một nhân vật tối cần thiết, ít nhất cứ mười lăm ngày một lần, anh đi kiểm tra từng nhà. Có điều công việc phải làm vào ban đêm, vì nếu ban ngày người ta mở những đường ống vào hầm lò, hoặc dập tắt lửa ở lò sưởi, rét lạnh sẽ vào trong nhà. Vậy là buổi sáng người ta đóng cửa các hầm lò ngay sau khi đốt lửa và đóng ống khói vào buổi chiều ngay sau khi tắt lửa. Những người nạo ống khói được chủ nhà thuê, trèo lên mái, thậm chí không cần thông báo với chủ nhà, thòng xuống ống khói một bó que gai, giữa là một hòn đá to, nạo vét ống với loại chổi ấy đến hai phần ba chiều cao của ốn. Phần trên xong rồi, họ làm đến phần dưới ống. Những người đã quen hoặc được báo trước không hề bận tâm đến công việc này. Không may người ta quên không cho tôi biết và người thợ nạo ống khói lần đầu tiên vào nhà tôi làm việc suýt nữa trở thành nạn nhân.
Hôm sau có chứng cứ người hàng xóm nói thật. Bà chủ nhà vào bảo tôi có người ở dưới nhà đòi tôi trả lại chiếc đèn.
Ba giờ chiều Bá tước đến đón tôi cùng đi xe trượt tuyết. Đó hoàn toàn là một chiếc thùng với hai chỗ ngồi rất đẹp trên bàn trượt và chúng tôi lướt nhanh đến nơi hẹn. Đó là một ngôi nhà nông thôn của ông Nariskine, cách Saint-Peterbourg mười, mười hai dặm, ở giữa rừng. Chúng tôi đến vào lúc năm giờ, thấy hầu hết những người đi săn đều đã có mặt. Một lúc sau tập họp đầy đủ và người ta thông báo bữa ăn tối đã được chuẩn bị xong. Phải thấy một bữa ăn thịnh sọan ở nhà một ông chủ lớn ở Nga mới có khái niệm sự sang trọng của các bữa ăn có thể lên đến mức nào. Chúng tôi đang ở giữa tháng chạp và điều đầu tiên đập vào mắt tôi giữa những gì phủ đầy bàn là một cây anh đào rất đẹp đầy trái như ở Pháp vào cuối tháng Năm. Chung quanh cây này, cam, dứa, vả, nho chất theo hình chóp, có đầy đủ thức ăn tráng miệng thường tìm được ở Paris trong tháng Chín. Tôi chắc chắn chỉ riêng bữa tráng miệng cũng đã trị giá hơn ba nghìn rúp.
Chúng tôi ngồi vào bàn. Ở thời kỳ ấy ở Saint-Peterbourg có phong tục rất tốt là người hầu bàn cắt, chặt thức ăn và thực khách tự rót nước uống. Kết quả, những người Nga vốn uống nhiều nhất thế giới, giữa những khách ăn khá rộng chỗ có năm chai rượu vang khác nhau, những thổ sản đặc biệt, còn thịt là loại bê Archangel, bò Ukraine, còn thú rừng các loại được đưa từ khắp nơi tới.
Sau đợt phục vụ đầu, người đầu bếp trưởng bước vào, tay bưng chiếc khay bạc trên là hai con cá sống. Tất cả khách đều kêu lên thán phục; đấy là những con cá tầm, loại cá chỉ bắt được ở sông Volga, mà đoạn sông gần Saint-Peterbourg nhất cũng khoảng ba trăm năm mươi dặm. Phải đục thủng băng ở trên sông, câu cá dưới lớp nước sâu, rồi mất năm ngày năm đêm đi đường, rồi phải cho chúng vào một chiếc xe đóng kín, giữ nhiệt độ không cho nước đóng băng.
Vì vậy mỗi con cá trị giá tám trăm franc, hai con là hết một nghìn sáu trăm francs. Potemkine trí óc tuyệt diệu cũng không thể làm hơn được!
Mười phút sau chúng xuất hiện lại trên bàn ăn nhưng lần này được nấu ngon đến mức tất cả những lời khen dành cho người chủ tiệc đặt câu cá và người đầu bếp đã chế biến.
Tiếp đó là rau trồng sớm, đậu Hà Lan, măng tây, đậu đũa, tất cả theo hình thức muốn trình bày nhưng mùi vị tổng hợp và có nước đã chống lại hình thức.
Người ta chỉ rời phòng ăn để sang phòng khách đã sắp đặt các bàn chơi đánh bài. Tôi không đến nỗi nghèo, cũng không quá giàu để ham mê cách giải trí ấy nên chỉ nhìn người khác chơi. Đến nửa đêm, nghĩa là vào giờ tôi đi ngủ, bên này và bên kia đã mất đến ba trăm nghìn rúp.
Hôm sau, vừa mờ sáng, người ta đã đánh thức tôi dậy. Đám thợ săn đã phát hiện được năm con gấu đang loanh quanh trong rừng chu vi khoảng một dặm. Tôi nghe được tin ấy và hơi run, tuy người ta tưởng tôi rất hăm hở. Dù dũng cảm đến mấy, bao giờ cũng hơi lo ngại khi lần đầu tiếp xúc với một địch thủ không quen biết.
Tôi không kém hăng hái mặc bộ quần áo săn vào. Như cùng tham gia vào ngày hội, mặt trời lên đẹp và nhiệt độ dịu đi. Vào giờ buổi sáng này nhiệt độ có thể là mười lăm độ, đến trưa có khi chỉ còn bảy, tám độ.
Tôi xuống nhà và thấy những người đi săn đã sẵn sàng và trong bộ đồng phục, thật khó nhận ra nhau. Xe trượt tuyết đang chờ, chúng tôi lên xe và mười lăm phút sau đã đến điểm hẹn.
Đây là một ngôi nhà của nông dân Nga khá vững chãi, tất cả đều làm bằng gỗ đẽo bằng rìu, và mỗi người chúng tôi cung kính chào ông chủ khi vào nhà theo phong tục. Bữa ăn sáng bổ dưỡng đang chờ, tất cả chúng tôi đều tham gia nhưng ngược lại với thói quen, không ai uống rượu. Người ta không được say trước một trận đấu và buổi săn hôm nay của chúng tôi là một cuộc đấu tay đôi thật sự. Cuối bữa ăn, người thợ săn xuất hiện trước cửa, muốn nói là đã đến lúc lên đường. Ra đến cửa, người ta đưa cho chúng tôi mỗi người một khẩu cạc bin đã lắp đạn phải đeo vào người nhưng chỉ được sử dụng khi gặp nguy hiểm. Ngoài ra mỗi người nhận năm sáu mảnh sắt tây sẽ vứt cho gấu, tiếng vang và màu sáng chói sẽ kích thích con vật.
Đi được một trăm bước chúng tôi đến bờ rào, có đội nhạc của ông De Nariskine bao quanh, cũng như ban nhạc tôi đã nghe trên sông Neva vào mùa hè. Mỗi người cầm trên tay chiếc kèn và sẵn sàng bấm nốt. Cả vùng rào bị bao quanh như thể để những con gấu xuất hiện ở bất kỳ phía nào cũng đều bị đẩy lùi vì tiếng nhạc. Xen giữa mỗi nhạc công có một người thợ săn, người hầu hoặc một người nông dân cầm súng chỉ nạp thuốc súng, phòng hờ bắn trúng vào chúng tôi; tiếng súng bắn tiếp với tiếng nhạc nếu gấu muốn tấn công. Chúng tôi vượt qua hàng người ấy vào trong hàng rào.
Ngay lúc ấy cảnh vật khu rừng hài hoà tác động đến chúng tôi như nhạc quân hành tác động đến quân lính lúc ra trận, làm bản thân tôi cũng tràn đầy hăng hái mặc dù trước đó năm phút tôi không nghĩ mình sẽ được như thế.
Tôi được xếp ở giữa người thợ săn của ông De Nariskine – người sẽ tham gia tấn công – và Bá tước Alexis vì tôi còn thiếu kinh nghiệm. Tôi đã hứa với Louise sẽ trông chừng Bá tước nhưng ngược lại ông đã trông chừng giúp đỡ tôi. Bên trái ông là Hoàng thân Nikita Mouravieff luôn hợp tác chặt chẽ với ông và bên kia Hoàng thân tôi còn nhận ra ông De Nariskine. Xa hơn nữa thì tôi không trông thấy gì.
Chúng tôi đi được chừng mười phút thì những tiếng kêu "medvede, medvede" vang lên, kèm theo vài tiếng súng. Một con gấu nghe tiếng kèn chắc đã xuất hiện ở bìa rừng và bị thợ săn đuôi theo. Hai người bên cạnh giơ tay ra hiệu cho tôi dừng lại và mỗi chúng tôi đều vào thế phòng thủ. Một lúc sau nghe trước mặt có tiếng sột soạt trong bụi cây và một tiếng gầm. Tôi thú nhận tiếng ấy có vẻ như lại gần tôi, cảm thấy mồ hôi toát ra trên trán mặc dù trời rất lạnh. Nhìn quanh thấy hai người bên cạnh tỏ ra vững vàng nên tôi cũng định thần lại được. Trong lúc này con gấu lộ ra, đầu và nửa người vượt quá một bụi cây gai giữa tôi và Bá tước Alexis.
Động tác đầu tiên của tôi là thả con dao găm và nắm lấy khẩu súng. Con gấu ngạc nhiên, lần lượt nhìn chúng tôi và có vẻ chưa biết nên tiến lại phía người nào, nhưng Bá tước không để cho nó có thì giờ chọn lựa. Cho rằng tôi có thể vụng về, ông kéo con thú về phía mình, ông bước lên thêm mấy bước tới một chỗ trống để dễ hoạt động, ném vào mũi con gấu một mảnh sắt tây. Con gấu nhảy ngay đến, rất nhanh, nhưng không ngờ lại vồ phải mảnh sắt, nó bẻ cong lại, miệng gầm gừ. Bá tước bước lên thêm một bước gần nó và ném ra mảnh sắt thứ hai. Con gấu chụp lấy như một chó đớp khúc cây người ta quăng cho nó, và nhai ngấu nghiến. Để làm cho nó thêm tức giận, Bá tước ném mảnh sắt thứ ba. Lần này như cảm thấy điên tiết vì vồ phải vật vô tri, nó để mảnh sắt rơi xuống bên cạnh, ngoảnh lại phía Bá tước và gầm lên một tiếng ghê gớm, nhảy tới phía trước mấy bước. Người và thú cách nhau chỉ chừng một chục bộ. Bá tước rít lên một tiếng còi lanh lảnh; nghe tiếng còi con gấu đứng lên ngay trên đôi chân sau. Đây chính là lúc Bá tước chờ đợi. Ông lao vào con thú đang giơ hai chân trước chồm lên, nhưng ngay trước khi nó có thì giờ ôm chặt vào người, nó kêu lên một tiếng đau đớn, lùi ba bước, lảo đảo như người say và ngả xuống chết. Lưỡi dao đâm thấu tim nó.
Tôi chạy đến chỗ Bá tước hỏi xem ông có bị thương tích gì không, ông bình tĩnh, lạnh lùng như vừa cắt đùi một con sóc. Tôi không hiểu gì về sự can đảm ấy; chỉ chứng kiến cuộc đấu ấy mà đã run cả người.
- Ông hãy xem xét nên làm thế nào để săn một con gấu – Bá tước bảo tôi – Cũng chẳng khó khăn gì lắm. Hãy giúp tôi lật con thú, tôi để lưỡi dao ở chỗ đâm nó để dạy cho ông một bài học.
Con gấu đã chết hẳn. Chúng tôi vần nó thật nặng nề vì nó cũng đến bốn trăm ký lô, và là loại gấu đen to lớn. Lưỡi dao găm đâm vào ngực đến tận cán. Bá tước rút ra, nhúng lưỡi vào tuyết hai ba lần để rửa sạch. Trong lúc ấy chúng tôi lại nghe tiếng kêu, thấy qua cành lá người săn bên trái ông De Nariskine đang quần nhau với một con gấu. Cuộc đấu hơi lâu nhưng cuối cùng con thú cũng ngã xuống như con thứ nhất.
Chiến thắng đồng thời ấy làm tôi phấn khích, máu nóng trong người xua tan mọi sợ hãi. Tôi cảm thấy mạnh như Hercule và mong muốn được thử thách.
Cơ hội không phải chờ lâu. Chúng tôi vừa đi qua chỗ xác hai con gấu vài trăm bước chân, tôi nghi trông thấy phần trên một con gấu chưa ra khỏi hang giữa hai tảng đá. Để xác định chính xác, tôi mạnh dạn ném một mảnh sắt. Bằng chứng đã rõ ràng; con gấu nhe hai hàm răng trắng như tuyết, gầm lên một tiếng. Nghe tiếng gầm, người bên phải bên trái tôi dừng lại, nắm sẵn súng cạc bin phòng giúp tôi khi cần thiết vì họ thấy con gấu này dành cho tôi.
Thấy họ nắm súng, tôi nghĩ nên sử dụng súng của mình, vả lại tôi tin tưởng vào khẩu súng hơn lưỡi dao. Tôi dắt dao vào thắt lưng, cầm súng, lấy hết can đảm nhắm vào con thú. Nó cũng không động đậy và đến khi đầu nòng súng chĩa đúng vào con gấu, tôi bóp cò, viên đạn bay đi.
Cùng lúc ấy vang lên một tiếng gầm lớn, con gấu đứng lên, vung vẩy một chân trước còn chân kia gẫy từ vai, lòng thòng theo thân hình. Đồng thời tôi nghe hai người bên cạnh hô lớn "Cẩn thận!" Con gấu như tỉnh lại sau phút kinh hoàng ban đầu, lao thẳng vào tôi nhanh đến nỗi tôi chỉ kịp rút dao găm ra. Con vật hung dữ chồm vào trước mặt tôi, miệng đầy máu. Tôi dùng hết sức đâm một phát ghê gớm nhưng gặp phải xương sườn, con dao chệch đi, cảm thấy chân nó như một quả núi đặt lên vai, tôi nắm chặt hai tay vào cổ nó theo bản năng và ra sức đẩy mặt nó ra xa khỏi mình. Hai phát súng vang lên. Tôi nghe đạn rít và một tiếng đập mạnh. Con gấu kêu thét lên đau đớn và đổ sập vào người tôi. Tôi dỗn sức đỡ và nhảy sang một bên, thoát nạn. Tôi đứng ngay dậy, tư thế tự vệ nhưng vô ích, con gấu đã chết, bị một viên đạn của Bá tước Alexis sau tai và một viên đạn khác của người thợ săn vào vai. Còn tôi người dính đầy máu nhưng không có một vết thương nào.
Mọi người chạy tới vì biết tôi đối mặt với một con gấu, ai cũng sợ tôi gặp điều chẳng lành. Thấy tôi đứng vững bên cạnh kẻ thù đã chết, ai cũng mừng.
Chiến thắng của tôi tuy có phần chia xẻ nhưng không ít vinh dự vì không đến nỗi quá kém đối với một người mới tham dự lần đầu. Con gấu bị gãy vai vì viên đạn của tôi và ngọn dao tuy có chệch đường nhưng cũng đã đâm lên đến họng của nó; vậy là tay tôi dù ở xa hay gần đều không run.
Hai con gấu khác được nhận thấy trong vùng rào đã vượt qua những người thợ săn và nhạc công đứng chặn, cuộc săn thế là kết thúc. Người ta kéo xác gấu ra tận đường, lột da rồi cắt bốn chân được xem là phần ngon nhất sử dụng trong bữa ăn tối.
Chúng tôi trở về lâu đài trong chiến tích. Mỗi người trở về phòng mình tắm nước thơm và suốt nửa ngày nằm trong chăn đệm ấm không phải làm một việc gì. Rồi chuông báo giờ xuống phòng ăn.
Bữa tối thịnh soạn không kém gì hôm qua, món cá tầm được thay thế bằng chân gấu. Chính những người thợ săn chuẩn bị không có bàn tay của người đầu bếp, nướng trong lò than hồng đào dưới đất và không gia giảm gì. Khi nhìn thấy loại than biến dạng, đen thui ấy, tôi cảm thấy không thích lắm món thức ăn này. Người ta vẫn chuyển một chân gấu cho tôi như những người khác, quyết định theo gương đến cùng, tôi dùng đầu nhọn con dao ăn gỡ lớp vỏ cháy bên ngoài, bên trong là một lớp thịt hoàn toàn chín. Đây là một trong những loại thức ăn ngon ngọt nhất.
Trở lại chiếc xe trượt tuyết của mình, tôi thấy tấm da con gấu của tôi mà ông De Nariskine lịch sự cho mang tới.
Chúng tôi trở lại Saint-Peterbourg vào lúc đang chuẩn bị đón ngày lễ lớn: ngày đầu năm cho toàn dân và ngày chúc phúc nước uống, hoàn toàn của tôn giáo.
Ngày đầu năm theo phong tục người Nga gọi Hoàng đế là "cha", Hoàng hậu là "mẹ". Hai mươi lăm nghìn vé phân phối như bất kỳ trên đường phố Saint-Peterbourg và hai mươi lăm nghìn khách mời ngay tối hôm ấy được vào cung điện Mùa Đông.
Một số lời đồn thổi ghê gớm lan ra. Người ta nói năm sẽ bỏ lệ tiếp dân vì có tin về những vụ mưu sát tuy cảnh sát Nga không nói gì. Vẫn là âm mưu trước đây tuy có thời gian lui vào bóng tối. Nhưng rồi những tò mò lo sợ tan biến. Hoàng đế đã nói với ông đứng đầu ngành cảnh sát rằng Người vẫn muốn tổ chức như thường lệ, tuy rằng việc hóa trang sẽ giúp dễ dàng cho kế hoạch hành thích. Theo lệ cũ trong buổi dạ hội này đàn ông đều phủ kín người. Có điều đáng để ý ở Nga là ngoài những âm mưu trong gia đình, nhà vua chỉ sợ những ông lớn, vừa là giáo chủ vừa là Hoàng đế thừa kế từ dòng dõi Cesar, là những người kế vị ở phương Đông rất linh thiêng đối với dân chúng.
Vì vậy người ta nói Alexandre có thể tìm ra thích khách trong giới quý tộc từ trong hoàng cung cho đến đội cận vệ. Người ta biết điều đó, it ra là người ta đã nói thế nhưng trong những bàn tay đưa ra với Hoàng đế, không ai phân biệt được tay bạn hay tay thù. Chỉ có chờ đợi và tự uỷ thác cho Chúa; Alexandre đã làm như vậy.
Ngày đầu năm đến. Vé vào được phân phối như thường lệ. Tôi một mình có đến mười vé vì các học trò sốt sắng muốn cho tôi xem lễ hội dân tộc này, rất thú vị đối với một người nước ngoài. Đến bảy giờ tối, các cửa của cung điện Mùa Đông rộng mở.
Sau các lời đồn, tôi nghĩ các đại lộ quanh cung điện chắc dày đặc quân lính, tôi quá ngạc nhiên khi thấy không một lưỡi lê nào được tăng cường, chỉ những lính gác như bình thường vào vị trí, bên trong cung điện thì không có bảo vệ
Người ta đoán đây sẽ là hoạt động ồ ạt của một đám đông ùa vào cung điện rộng lớn như Les Tuileries, vậy mà ở Saint-Peterbourg, lòng tôn kính Hoàng đế đã ngăn được sự lộn xộn ồn ào. Thay vì ai kêu to được thì kêu, mỗi người như thấm nhuần sự thấp kém của mình và ân huệ người trên ban cho, nói với người bên cạnh "Đừng làm ồn, đừng làm ồn".
Trong lúc dân chúng vào cung điện, Hoàng đến ngồi trong gian phòng Saint-Georges, gần Hoàng hậu, chung quanh là các ông bà Đại Quận công, và tiếp đoàn ngoại giao. Rồi các gian phòng khách đầy những ông lớn và nông dân, những bà hoàng và thôn nữ. Cửa phòng Saint-Georges mở ra, nhạc tấu vang. Hoàng đế đưa tay với nước Pháp, nước Áo, hay nước Tây Ban Nha qua đại diện là các bà đại sứ rồi đi ra cửa. Mọi người lùi lại, dồn chân, đám đông tách ra và Nga hoàng đi qua.
Người ta bảo đây là lúc chọn thời điểm mưu sát, phải thú nhận là cũng dễ thực hiện.
Những lời đồn khiến tôi tò mò nhìn Hoàng đế, nghĩ rằng mình sẽ gặp một khuôn mặt buồn tôi đã trông thấy ở Tsarskoï Selo. Tôi rất ngạc nhiên thấy ngược lại; có lẽ chưa bao giờ Người cởi mở và tươi cười như thế. Thực ra đấy là phản ứng chống lại mối nguy hiểm lớn mà Hoàng đế Alexandre đã biết sự thanh thản giả tạo ấy đã được thể hiện ở buổi khiêu vũ tại Đại sứ quán Pháp, chỗ ông De Caulaincourt và lần kia trong một lễ hội ở Zakret, gần Vilna.
Ông De Caulaincourt tổ chức một cuộc khiêu vũ mừng Hoàng đế. Đến nửa đêm, nghĩa là khách nhảy đến đông đủ nhất, người ta đến báo là ngôi nhà bắt lửa. Nhớ lại buổi khiêu vũ của Hoàng thân Schwartzenberg bị ngắt quãng vì sự cố tương tự, gây ra bao hậu quả tai hại vì nỗi sợ hãi hơn là tai nạn, Quận công De Vicence muốn tự mình xem xét , đặt ở mỗi cửa một tuỳ tùng, ra lệnh không để người nào ra ngoài, và đến gần Hoàng đế nói nhỏ:
- Tâu Bệ hạ, lửa cháy trong nhà, tự tôi phải đi xem sao, không nên để ai biết trước khi biết rõ tính chất và sự nguy hiểm. Tuỳ tùng của tôi đã được lệnh chỉ để Bệ Hạ, các Điện hạ, các ông bà Đại Quận công đi ra. Nếu Bệ hạ muốn rút lui cũng được nhưng xin lưu ý với Bệ hạ rằng không nên tin có lửa khi chưa trông thấy những phòng khách bốc cháy.
- Tốt đấy – Hoàng đế nói – ông đi đi, tôi ở lại.
Ông De Caulaincourt chạy lại chỗ người ta vừa báo đã bị cháy. Như ông đã dự kiến, mối nguy hiểm không lớn như người ta sợ lúc đầu, lửa được những người hầu hợp sức lại dập tắt. Viên đại sứ trở lại ngay phòng khách, thấy Hoàng đế đang nhảy một điệu polonaise! Ông và nhà vua chỉ đành nhìn nhau.
- Thế nào? – Hoàng đế hỏi khi điệu vũ tạm nghỉ.
- Tâu Bệ hạ, ngọn lửa đã được dập tắt -ông De Caulaincourt chỉ nói có thế.
Chỉ qua ngày hôm sau nữa những người khách trong buổi vũ hội huy hoàng ấy mới biết mình đã nhảy trên núi lửa trong một tiếng đồng hồ.
Ở Zakret lại là một sự việc khác hoàn toàn, vì Hoàng đế không chỉ có nguy cơ về mạng sống mà còn mất cả vương quốc của mình. Giữa buổi lễ người ta đến báo cáo tiền quân Pháp vừa đi qua Niémen và Hoàng đế Napoléon, người khách ở Erfurt mà người ta quên mời, có thể bất chợt đến phòng nhảy cùng với sáu trăm ngàn vũ công. Alexandre ra mệnh lệnh vừa có vẻ như nói các việc khác với đoàn tuỳ tùng, tiếp tục đi thăm các phòng, tự hào về các nguồn chiếu sáng, cho là chỗ ánh trăng vừa lên là phòng đẹp nhất. Người chỉ rút lui vào nửa đêm lúc phuc vụ bữa ăn khuya mọi khách được mời vào ngồi ở những chiếc bàn nhỏ, lúc Người dễ vắng mặt. Trong suốt buổi tối không ai thấy trên trán Người một dấu vết lo âu nên đến khi người Pháp đến người ta mới biết.
Như ta thấy, Hoàng đế đau khổ và buồn phiền đến tận lúc chúng tôi tới, nghĩa là ngày mùng 1 tháng giêng năm 1825, Hoàng đế lấy lại nghị lực của mình, đi khắp các phòng như thường lệ, sau lưng có triều thần. Tôi để đám đông lôi kéo theo, rồi trở lại chỗ ban đầu sau chín giờ khi đã làm một vòng trong cung điện.
Dến mười giờ việc chiếu sáng ở Ermitage kết thúc, những người có vé xem sân khấu đặc biệt được mời đến xem.
Nằm trong số những người được đặc ân, tôi ra khỏi đám đông. Mười hai người nô lệ, thật khó khăn, bận quần áo rực rỡ theo lối phương Đông, đứng ở cửa ra vào sân khấu để giữ trật tự và kiểm tra giấy mời.
Vào nhà hát Ermitage, phía đầu là một hành lang đối diện gian phòng lớn bày biện bữa ăn tối của triều thần, tôi tưởng như vào lâu đài trên thiên đàng. Hãy hình dung một phòng rộng mênh mông, tường trần là những ống thuỷ tinh lớn bằng ống xì đồng mà trẻ con dùng thổi những viên mát tíc bắn chim. Những ống kính ấy thẳng, cong, uốn vòng phù hợp theo chỗ đặt, nối với nhau bằng những giây bạc khó nhận thấy và gắn tám đến mười nghìn ngọn đèn phản chiếu và nhân đôi ánh sáng. Những ngọn đèn màu này chiếu sáng những phong cảnh, khu vườn, hoa và cây từ đó ngân vang một điệu nhạc bay bổng, vô hình. Những thác nước và hồ, giống như nhấp nhô nhiều ngàn viên kim cương, qua màn ánh sáng ấy toả ra những âm điệu của một bài thơ và một sự hư ảo tuyệt vời.
Riêng việc sắp đặt chiếu sáng ấy phải mất đến mười hai ngàn rúp và kéo dài hai tháng.
Đến mười một giờ dàn nhạc tấu lên thông báo Hoàng đế tới. Người đi giữa gia đình mình, có triều thần theo sau. Các Đại Quận công, đại sứ, sĩ quan hoàng gia, thị nữ, ngồi ngay vào bàn giữa, khách mời còn lại gồm sáu trăm người, tất cả đều là các quý tộc hàng đầu ngồi vào hai bàn kia. Chỉ một mình Hoàng đế đứng, đi giữa các bàn và lần lượt hỏi chuyện từng người khách, theo luật lệ tước hiệu, trả lời nhà vua mà không cần đứng dậy.
Tôi không thể nói cái nhìn ma thuật của Hoàng đế tác động ra sao đến những vị Đại Quận công, những ông bà lớn ấy người đầy vàng và thêu ren, kẻ đeo kim cương ánh lên như nước suối chảy, giữa một lâu đài thuỷ tinh, nhưng về phần tôi, từ trước đến nay và từ lúc đó tôi chưa bao giờ có một cảm giác lớn lao như vậy. Sau này tôi có tham gia một số lễ hội hoàng gia của nước Pháp, tôi phải thú nhận buổi lễ này hơn hẳn.
Tiệc xong, triều thần rời Ermitage trở lại phòng Saint-Georges. Đến một giờ ban nhạc ra hiệu điệu vũ polonaise thứ hai, như lần trước, do Hoàng đế dẫn đầu. Đây là lời từ biệt của Người với buổi lễ vì khi điệu vũ kết thúc, Người rút lui.
Tôi vui vẻ nhận được tin Nhà vua đã ra về. Suốt buổi tối tôi vẫn phấp phỏng lo sợ một buổi lễ tráng lệ như thế có thể trong một lúc nào đó trở thành đẫm máu.
Hoàng đế đi rồi, đám đông vơi dần. Trong lâu đài nhiệt độ là hai mươi lăm độ, và bên ngoài lạnh âm hai mươi độ, cách nhau bốn mươi lăm độ. Nếu là ở Pháp thì tám ngày sau chúng ta sẽ biết có bao nhiêu người chết vì sự chuyển tiếp đột ngột và dữ dội ấy. Người ta sẽ tìm cách đổ lỗi cho nhà vua, các bộ trưởng hoặc ngành cảnh sát, tạo điều kiện cho các nhà từ tâm của báo chí có một cuộc tranh cãi tuyệt vời. Ở Saint-Peterbourg người ta không biết gì và nhờ sự im lặng, lễ hội vui vẻ không có những ngày mai buồn nản.
Còn tôi, nhờ một người hầu, điều thông minh là đã ở lại chờ tôi với áo lông ba lớp và chiếc xe đóng kín, trở lại kênh Catherine không gặp trở ngại gì.
Buổi lễ thứ hai là lễ chúc phúc nước uống. Năm nay còn trang trọng hơn vì thảm hoạ ghê gớm vừa qua, đó là nạn lụt trên sông Neva. Đã gần mười lăm ngày nay những chuẩn bị huy hoàng được tiến hành sôi nổi chen lấn với nỗi lo sợ về tôn giáo, mà những dân tộc khác không tín ngưỡng hoàn toàn không biết. Trên sông Neva người ta dựng lên một ngôi nhà lớn hình tròn, mở tám cửa, trang trí bốn bức hoạ lớn, gắn một cây thập tự. Người ta đi ra ngôi nhà ấy trên một con đập được xây dựng trước mặt Ermitage và giữa nền băng của ngôi nhà, vào sáng buổi lễ, đào một lỗ hổng lớn để giáo sĩ có thể xuống đến nước.
Ngày làm dịu cơn giận của con sông đã đến. Mặc dù trời lạnh, lúc chín giờ sáng xuống đến âm vài chục độ, những bến cảng đầy người xem và con sông hoàn toàn biến mất dưới đám người tò mò đông vô kể. Tôi không dám đứng trong số họ, sợ tuy rất vững và dày, băng có thể vỡ nứt dưới một trọng lượng như vậy. Luồn lách theo dòng người và sau bốn mươi lăm phút vất vả mà hai lần người ta báo với tôi mũi tôi bị đóng băng, tôi đến được dải bao lơn bằng đá granít xây chắn bến cảng. Chung quanh ngôi nhà có một khoảng rộng vòng tròn.
Đến mười một giờ rưỡi Hoàng hậu và các bà Đại Quận công ngồi trên một ban công được che kín của lâu đài, thông báo với dân chúng bài Thánh ca tạ ơn Chúa đã kết thúc. Từ quảng trường Mars đổ ra cả đoàn bảo vệ hoàng gia, có nghĩa là khoảng bốn mươi nghìn người theo tiếng quân nhạc đến bố trí hàng ngũ chiến đấu trên sông, trải dài thành ba hàng, từ Đại sứ quán Pháp đến tận pháo đài. Cùng lúc ấy cửa lâu đài mở. Băng cờ, ảnh các Thánh và những người hát đồng ca của nhà nguyện xuất hiện, đi trước lớp tu sĩ do giám mục dẫn đầu, rồi các thị đồng và các hạ sĩ vác những lá cờ của các trung đoàn khác nhau của đội quân cận vệ, cuối cùng là Hoàng đế, bên phải là Đại quận công Nicolas, bên trái có Đại quận công Michel, theo sau là các sĩ quan cao cấp của nhà vua, tuỳ tùng và các tướng.
Khi Hoàng đế đến cửa ngôi nhà hầu như tràn ngập tu sĩ và những người cầm cờ, giáo chủ ra hiệu và ngay lúc đó các bài thánh ca do hơn một trăm giọng hát của người lớn và trẻ em không nhạc đệm ngân vang hài hoà tuyệt diệu. Suốt thời gian cầu nguyện ấy, có nghĩa là khoảng hai mươi phút, Hoàng đế, không mặc quần áo lông thú, chỉ là bộ đồng phục, đứng thẳng, bất động, đầu trần, chống chọi với thời tiết mạnh hơn tất cả các vị vua trên thế giới, đối mặt với thực tế nguy hiểm còn lớn hơn cả đứng trước một trăm họng súng ở trận địa. việc bất cẩn vì tôn giáo này càng đáng sợ đối với những người xem đang được bọc kín áo choàng, đội mũ lông, thấy Hoàng đế tuy còn trẻ nhưng đã bị hói đầu.
Khi bài Thánh ca tạ ơn Chúa kết thúc, giáo chủ lấy chiếc thánh giá bằng bạc trên tay một trẻ đồng ca và giữa đám đông quỳ gối, lớn tiếng chúc phúc cho con sông, nhúng thánh giá xuống lỗ hổng được đào trong băng đưa nước lên tận chỗ ông. Ông lấy một chiếc bình múc nước Thánh ấy dâng lên Hoàng đế. Sau lễ ấy đến lượt những lá cờ.
Trong lúc những lá cờ nghiêng xuống nhận chúc phúc, một làn pháo bắn từ ngôi nhà toả khói lên không trung. Một loạt tiếng nổ ghê gớm vang lên, cả đội pháo của pháo đài đến lượt mình hát bài Thánh ca bằng giọng đồng.
Đạn được bắn ba loạt trong buổi lễ. Đến lượt thứ ba, Hoàng đế đội mũ vào, trở về lâu đài. Trong lúc đi, Người chí bước cách tôi mấy bước chân, lần này Người buồn hơn bao giờ hết. Đã biết giữa buổi lễ tôn giáo chẳng có chút nguy hiểm nào, Người trở lại là chính mình.
Khi Nhà vua đi khỏi, dân chúng đến lượt đổ xô vào ngôi nhà, những người này nhúng tay vào lỗ hổng và làm dấu thánh bằng nước vừa được chúc phúc, những người khác múc đầy bình mang về, một số thậm chí còn nhúng con vào trong nước, tin chắc ngày ấy tiếp xúc với nước sông chẳng còn gì nguy hiểm.
Cùng ngày, lễ hội ấy cũng được tổ chức ở Constantinople, ở đây mùa đông không giá rét và biển không đóng băng, giáo chủ đi trên một con thuyền ném xuống làn nước trong xanh cây thánh giá để mọi người lặn xuống bắt lấy trước khi bị chìm xuống đáy sâu.
Hầu như ngay sau những buổi lễ thánh là các cuộc vui chơi ngoại đạomà lớp vỏ mùa đông của con sông trở thành sân khấu. Tuy vậy còn tuỳ thuộc vào tính khí thất thường của thời tiết. Thường thường trong khi những căn lều đã được dựng lên, việc chuẩn bị đã được hoàn tất, trường đua chỉ còn chờ mấy con ngựa và các ngọn núi Nga chờ người trượt tuyết, thì chong chóng gió bỗng chuyển về hướng tây, mang theo làn gió ẩm của vịnh Phần lan thổi tới, băng bắt đầu tan và cảnh sát phải can thiệp ngay, trước những nỗi thất vọng của dân Saint-Peterbourg, những ngôi lều phải bị phá bỏ và chở về quảnng trường Mars. Nhưng bao giờ cũng thế, dân chúng vẫn tìm được thú vui mặc dù không có ngày hội hoá trang. Người Nga đối với sông Neva cũng giống như người Naples đối với Vésuve của mình, thích nó sắp chết còn hơn là chết hẳn.
May thay trong mùa đông vinh quang 1825, nhờ Chúa không lúc nào người ta phải sợ băng tan. Vì vậy trong lúc vài vũ hội quý tộc mở màn cho những cuộc vui của dân chúng, vô số căn lều được dựng lên trước mặt toà Đại sứ Pháp, kéo dài hầu như từ bến cảng này đến bến cảng khác, nghĩa là trên một chiều rộng hai ngàn bộ. Những ngọn núi Nga cũng không chậm trễ, xem ra kém lịch sự hơn những nơi bắt chước Paris: chỉ là một đoạn dốc xuống, cao hơn một trăm bộ (mỗi bộ khoảng 0,324m), dài khoảng bốn trăm bộ được tạo từ những tấm ván trên đó người ta lần lượt đổ nước, tuyết cho đến khi tạo thành một lớp vỏ băng dày vào khoảng sáu phút (một phút bằng 27mm). Còn xe trượt chỉ là một tấm ván cong một đầu. Những người điều khiển xe trượt kẹp tấm ván dưới cánh tay đi giữa đám đông tìm người chơi không chuyên. Khi đã tìm được người tập, họ cùng leo lên đỉnh theo bậc thang được làm ở sườn núi phía bên đường trượt. Người chơi ngồi ở phía trước, chân dựa vào bờ ván, người điều khiển ngồi xổm ở phía sau, hướng xe trượt rất thành thạo; việc này rất cần thiết vì hai bên núi không có tấm chắn, có thể ngã lộn xuống nếu xe chệch đường. Mỗi chuyến giá một kopek (một phần trăm đồng rúp).
Những trò giải trí khác rất giống những lễ hội vui chơi của dân chúng ở quảng trường Champs-Elysées tuy có những trò đùa đặc thù riêng của từng dân tộc. Một trong những trò đùa khá thành công là cảnh người ta bố trí cho một ông bố phúc hậu của một gia đình nóng lòng gặp đứa con út mới sinh ngay trong ngày ông ta trở về làng. Bà vú nuôi xuất hiện, bế đứa bé được bọc kín, chỉ thấy đầu một mõm đen. Ông bố phấn khởi nghe con mình gầm gừ, cho rằng đây là toàn bộ chân dung của mình và tính tình dễ thương của bà mẹ. Nghe thấy thế, bà mẹ bước lên nhận lời khen, lời khen dẫn đến một cuộc tranh cãi, tranh cãi dẫn đến ẩu đả, đứa bé bị co kéo bởi hai bên tuột hết cả tã lót, một con gấu con xuất hiện trước những tràng vỗ tay của đám đông và ông bố phát hiện thấy người ta đã đổi đứa con của mình trong lúc cho nó bú.
Trong tuần lễ cuối của hội hóa trang, những hoạt động ban đêm được tổ chức khắp đường phố Saint-Peterbourg kích thích sự tò mò của dân chúng như ở các thị xã của Pháp. Một trong những kiểu hoá trang được áp dụng nhiều nhất là kiểu Paris. Một chiếc áo bó người, tà dài, cổ sơ mi hồ bột cao quá cà vạt khoảng ba, bốn phút, mái tóc giả uốn vòng, mảng trang trí trước ngực và đội chiếc mũ rơm nhỏ. Hình vẽ trào phúng được hoàn chỉnh bởi rất nhiều vật trang sức, dây đeo lòng thòng quanh cổ và thắt lưng. Không may khi mặt nạ bị nhận ra, tự do chấm dứt, tước hiệu bị lấy lại, và con người kỳ cục trở thành Đức Ông. Nhưng trò chơi cũng để lại vài điều thú vị.
Còn dân chúng, như để đền bù lại những kham khổ của mùa chay, vội vã ngốn hết thức ăn thức uống, nhưng khi đồng hồ điểm nửa đêm ngày chủ nhật sang thứ hai, người ta chuyển từ ăn uống quá mức sang nhịn đói với ý thức ngừng ăn ngay từ lúc đồng hồ điểm tiếng đầu, và những gì còn lại của bữa ăn được đổ hết khi đồng hồ điểm tiếng cuối. Lúc ấy tất cả đã thay đổi. Những cử chỉ khoái cảm chuyển thành dấu thánh và sự ồn ào biến thành kinh cầu nguyện. Người ta thắp nến trước ảnh thánh trong nhà và những nhà thờ trở nên quá chật hẹp.
Tuy vậy những ngày lễ ấy nay tuy vẫn còn huy hoàng đã thoái hóa nhiều so với xưa kia. Ví dụ năm 1740, Hoàng hậu Anne Ivanova có một quyết định vượt hẳn những gì người ta đã làm cho đến nay về loại ấy, muốn cho tổ chức một buổi lễ chỉ có Hoàng hậu nước Nga mới làm được. Để đạt yêu cầu, bà định những hôn lễ anh hề của bà được tổ chức vào những ngày cuối của lễ hội hoá trang và ra lệnh mỗi thủ hiến cử đến tham dự một đôi vợ chồng theo từng sắc tộc trong vùng, mặc quần áo dân tộc, mang theo đồ trang bị thích hợp với nó. Mệnh lệnh của Hoàng hậu được chấp hành triệt để và tới ngày đã định, bà hoàng uy quyền thấy kéo đến đoàn đại biểu của một trăm dân tộc khác nhau mà một số trong đó bà còn không biết tên. Đấy là những người Kamchatdales và Lapons đi trên xe trượt do chó hoặc tuần lộc kéo. Đấy là người Kalmouk cỡi bò, người Buchar cưỡi lạc đà, người Indien cỡi voi và người Ostiak đi giày trượt băng. Lần đầu tiên từ các địa đầu của vương quốc, các sắc tộc đến giáp mặt nhau, người Finnois tóc hung, người Circassiens tóc đen, Ukrainien khổng lồ, Samouyiede thấp lùn, cuối cùng người Bachkir mà người láng giềng Kirghiz gọi là Istaki nghĩa là bẩn, và người dân đẹp đẽ của Georgie và Iaroslavl. Có các cô gái làm vinh dự cho các khuê phòng ở Constantinople và Tunis.
Trong lúc họ đến, đại biểu của từng dân tộc được sắp xếp theo nước của mình ở dưới một trong bốn lá cờ xuân, hạ, thu đông. Và khi đã tập trung đầy đủ, buổi sáng họ được tổ chức thành một đoàn người lạ lùng diễu hành trên đường phố Saint-Peterbourg. Trong tám ngày, mỗi ngày đoàn người đều đi diễu hành mà vẫn chưa thoả mãn được sự tò mò của dân chúng.
Cuối cùng ngày hôn lễ được tổ chức. Vợ chồng mới cưới sau khi làm lễ ở nhà nguyện của lâu đài, cùng đoàn hộ tống ngông cuồng đến lâu đài của Hoàng hậu đã cho chuẩn bị, xứng đáng về phần kỳ cục với phần còn lại của buổi lễ. Đấy là một lâu đài đẽo gọt trong băng, dài năm mươi hai bộ, rộng hai mươi bộ, được trang trí trong ngoài, bàn ghế, đèn, đĩa, tượng, giường tân hôn trong suốt. Những đường trên mái, tầng tường trên cửa ra vào, sơn hoàn toàn giống cẩm thạch xanh và được bảo vệ bằng sáu khẩu ca nông băng tuyết, mỗi khẩu được nạp khoảng một livre thuốc súng và một viên đạn bắn chào khi họ đến, viên đạn đâm thủng tấm gỗ dày hai phút cách đấy bảy mươi bước. Phần lạ nhất của toà lâu đài mùa đông này là tượng một con voi khổng lồ do một người Perse cưỡi được trang bị đủ thứ và do hai nô lệ dắt, ban ngày từ vòi phun ra nước, ban đêm phun ra lửa, rồi thỉnh thoảng rống lên những tiếng kinh khủng vang khắp Saint-Peterbourg nhờ tám hoặc mười người chui vào thân hình rỗng của nó.
Không may những buổi lễ như vậy, dù ở Nga, cũng chỉ thoảng qua. Mùa chay đưa một trăm dân tộc trở về quê nhà và băng tan làm toà lâu đài sụp đổ. Từ đó người ta không bao giờ được thấy lại nữa và mỗi năm mới, lễ hội hoá trang lại càng buồn.
Ngày lễ năm 1825 còn kém vui hơn bình thường, giống như chỉ là bóng ma của những ngày vui nhộn trước đây. Nỗi buồn của Hoàng đế Alexandre ngày càng tăng, lan ra trong triều thần. Sợ làm Người không hài lòng, dân chúng tuy không thân quen họ, cũng chia xẻ nỗi lo lắng với họ.
Như một số người nói thì nỗi buồn ấy là do hối hận.
Khi Catherine chết, Paul Đệ Nhất lên ngôi vua, mà nếu Alexandre, con trai ông, nghe theo chủ định người ta đã dành cho mình, thì ông đã bị đi đày vĩnh viễn. Bị triều đình bắt đi đày, luôn phải sống cách biệt với các con, chúng đã được bà nội là Catherine nuôi dạy. Hoàng đế mới giải quyết những công việc đã từ lâu được thiên tài của Catherine và sự tận tuỵ của Potemkine chi phối, với một tính tình đa nghi, dữ tợn và lạnh lùng. Chỉ trong một thời gian ngắn trị vì, ông đã tạo nên một cảnh tượng gần như không hiểu nổi đối với dân chúng, các nước láng giềng và các vua anh em.
Tiếng kêu thê thảm của Catherine II sau ba mươi bảy giờ hấp hối đã tuyên bố trong hoàng cung Paul Đệ nhất là nhà vua nước Nga. Nghe tiếng kêu ấy, hoàng hậu Marie và các con quỳ xuống trước chồng và bà là người đầu tiên hoan nghênh Nga hoàng. Paul nâng vợ con dậy, trấn an họ với lòng tốt của vua tôi và cha con.
Ngay lúc đó, triều đình, các chỉ huy quân đội, những đại lãnh chúa và triều thần, lần lượt đến trước mặt ông, quỳ gối theo thứ tự. Mỗi người theo hàng ngũ và thâm niên, phía sau họ là một phân đội được đưa về lâu đài bảo vệ và đưa đến gần Gattchina, chỗ ở cũ của Paul. Họ đã thề trung thành với Nhà vua mặc dù hôm trước họ còn canh giữ ông như là người tù hơn là người được thừa kế. Ngay lúc ấy những tiếng hô hiệu lệnh, tiếng binh khí, tiếng sột soạt của ủng, gươm vang lên khắp ngôi nhà khi nữ hoàng Catherine vừa đi vào giấc ngủ vĩnh viễn. Paul Đệ nhất được tôn vinh Hoàng đế và con trai ông, Alexandre, là thái tử, được chỉ định là người thừa kế ngôi vua.
Paul lên ngôi sau ba mươi lăm năm bị tước bỏ, trục xuất, khinh bỉ, và ở vào tuổi bốn mươi ba, ông là chủ một vương quốc mà trước đó ông chỉ là một tù nhân. Trong ba mươi lăm năm ấy ông đã đau khổ nhiều do đó cũng học hỏi được nhiều. Vì vậy ông xuất hiện trên ngôi vua trong túi đầy những luật lệ được thảo ra trong cảnh tù đày, những luật lệ ông hối hả thực hiện liên tiếp nhau và đôi khi tất cả cùng một lúc.
Trước hết ông hành động trái ngược hẳn với Catherine, với nỗi căm hờn cay đắng, biến thành hận thù xuyên sâu vào mỗi hành động. Ông bao bọc những đứa con trong một gia đình đẹp đẽ và giàu có nhất trong những gia đình nhà vua trên thế giới và tạo dựng cho Đại quận công Alexandre thống lĩnh quân sự ở Saint-Peterbourg. Về Hoàng hậu Marie cho đến nay rất đáng thương hại vì phải xa chồng, bà rất ngạc nhiên và sợ hãi khi thấy ông trở về và vẫn tốt và mến thương bà. Những lợi lộc bà có được gấp đôi nhưng bà vẫn nghi ngờ rồi thái độ âu yếm kèm theo ân huệ làm bà tin tưởng vì bà có một tâm hồn thánh thiện của một bà mẹ, và tấm lòng cao thượng của đàn bà.
Với cách đối nghịch quen thuộc và thể hiện lúc bất ngờ nhất, sắc lệnh đầu tiên của Paul là ngừng tuyển lính mới theo lệnh của Catherine, bớt đi trong vương quốc một trăm nông nô. Biện pháp này vượt quá lòng nhân đạo, là vấn đề chính trị vì đưa lại cho nhà vua mới lòng biết ơn của giới quý tộc vì đã giúp họ bớt đi khoản thuế quân sự và đỡ phải cung cấp người.
Zoubov, người thân cận cuối cùng của Catherine, tưởng đã mất hết khi mất bà hoàng và sợ hãi không chỉ vì sự tự do mà còn về mạng sống. Paul Đệ nhất gọi ông đến, xác nhận nhiệm vụ của ông, trao cho ông gậy chỉ huy của người phụ trách cận vệ mà ông vừa đuổi đi và nói "Ông tiếp tục làm nhiệm vụ trong đoàn cận vệ của mẹ tôi; hy vọng ông phục ta cũng trung thành như khi phục vụ bà vậy"
Kosciuszko bị cầm tù, cấm cố trong nhà cố Bá tước Anhalt được giao cho một thiếu tá canh giữ, người này không bao giờ rời ông và ăn cùng với ông. Paul đích thân đi giải thoát ông, tuyên bố cho ông được tự do. Trong buổi đầu rất bàng hoàng và ngạc nhiên, viên tướng Ba Lan để Hoàng đế ra về không tỏ lời cám ơn, sau đó ông đã tự đến hoàng cung, đầu còn băng bó vì còn yếu và đau đớn vì những vết thương. Được đưa vào gặp Hoàng đế và Hoàng hậu. Paul tặng ông một vùng đất và nông dân trong vương quốc mình. Kosciuszko từ chối, đổi lại chỉ xin một số tiền để sinh sống và chết ở nơi mình muốn. Paul đã cho ông một trăm ngàn rúp và Kosciuszko ra đi, sau này ông chết ở Thuỵ sĩ.
Giữa những mệnh lệnh, quyết định ấy, đánh lừa nỗi sợ hãi của mọi người, báo trước một triều đại cao cả, đến lúc tổ chức tang lễ trọng thể cho nữ hoàng Catherine, Paul quyết định thực hiện một nghĩa vụ kép với bố mẹ. Đã ba mươi lăm năm tên của Pierre III chỉ được nhắc nhỏ giọng ở Saint-Peterbourg. Paul Đệ Nhất đến tu viện Saint Alexandre Nevski, nơi chôn cất vị Hoàng đế khốn khổ, bảo một viên tu sĩ già chỉ cho ông ngôi mộ không biết đến của bố, cho mở quan tài, quỳ gối trước di hài của nhà vua trong đó, rút chiếc găng tay của bộ xương và hôn nhiều lần. Sau khi cầu nguyện rất lâu và thành kính, ông cho đưa quan tài lên giữa nhà thờ và ra lệnh làm lễ đối với di hài của Pierre cũng như đối với thân thể của Catherine đặt nằm trên chiếc giường được trang hoàng lộng lẫy của bà, trong một gian phòng ở cung điện. Cuối cùng phát hiện ra Hầu tước Ungern Henrberg, người phục vụ cũ của bố mình sống thất sủng đã được một phần ba thế kỷ, Paul cho gọi ông vào căn phòng có treo chân dung Pierre III và bảo "Ta cho gọi ông để tuy không có phụ hoàng, bức chân dung này chứng kiến lòng biết ơn của ta đối với những người bạn trung thành của Người". Và dẫn ông đến trước bức ảnh như thể đôi mắt trong bức ảnh có thể thấy việc đã xảy ra: Paul ôm hôn người cựu chiến binh, phong cho làm tướng tổng tư lệnh, quàng huân chương Saint Alexandre Nevski vào cổ ông và giao trách nhiệm phục vụ bên người bố với bộ quân phục đã mặc như lúc làm sĩ quan tuỳ tùng của Pierre IỊI
Ngày lễ tang đến, Pierre III chưa bao giờ được phong tước hiệu, với lý do ấy ông được chôn cất như một lãnh chúa Nga bình thường trong nhà thờ Saint Alexandre Nevski. Paul Đệ nhất tôn vinh quan tài ông, cho đưa vào cung điện và để bên cạnh thi hài của Catherine. Từ đây hai di hài được đưa ra kinh thành đặt trên cùng một bệ, và trong tám ngày, triều thần vì hèn hạ, và dân chúng vì lòng thương, đến hôn bàn tay trắng bệch của Nữ hoàng và quan tài của Hoàng đế.
Dưới chân chiếc mộ đôi ông đến cũng như những người khác, lúc này Paul Đệ Nhất có vẻ đã quên lòng hiếu thảo và sự khôn ngoan. Lẻ loi trong lâu đài Gatchina của mình với một hai đội bảo vệ, ông trở lại những thói quen chi tiết về quân sự, đôi khi để nhiều giờ liền chải những chiếc khuy quân phục, cũng cẩn thận, chuyên cần như Potemkine lau những vết rạn trên kim cương của mình.
Vì thế ngay từ buổi sáng đăng quang tất cả mọi thứ trong cung điện thể hiện một bộ mặt mới, nhà vua mới trước khi lo việc quốc gia, cho thực hiện tất cả những thay đổi nhỏ mà ông dự đính đưa vào trong diễn tập cũng như cách ăn mặc của quân lính. Đến ba giờ chiều ngày hôm ấy, ông ra sân cho diễu binh theo cách của mình, chỉ cách diễn tập theo ý thích. Việc duyệt quân ấy ngày nào cũng được làm và trở thành không chỉ một thể chế quan trọng nhất của chính phủ mà còn là điểm trung tâm của mọi việc quản lý vương quốc. Chính trong cuộc thao diễn quân sự này, ông nghe các báo cảo, ra chỉ thị, ký sắc lệnh, và để các sĩ quan đứng nghiêm chào. Chính tại đây, giữa hai Đại quận công Alexandre và Constantin, hàng ngày trong ba tiếng đồng hồ, dù lạnh như thế nào, không khăn mũ lông, đầu trần và hói, mũi phơi ra gió, một tay để sau lưng, tay kia giơ lên giơ xuống chiếc can và hô "Một, hai! Một hai!" Người ta trông thấy ông dẫm chân cho nóng người, đưa tính tự ái ra chống chọi với rét lạnh dưới hai mươi độ.
Chẳng bao lâu những chi tiết quân sự trở thành công việc của nhà nước, trước hết ông thay đổi màu phù hiệu cờ quốc gia Nga, màu trắng thay thế bằng màu đen viền vàng. Điều này tốt vì như Hoàng đế nói, màu này có thể nhìn thấy rõ từ xa, sẽ trở thành trung tâm điểm nhắm bắn, còn màu đen lẫn vào màu mũ, cùng đồng màu nên quân địch khó ngắm. Nhưng việc cải cách không chỉ dừng lại ở đấy mà còn tiến lên màu chùm lông cài mũ, chiều cao đôi ủng và những chiếc khuy của đôi ghệt. Đến mức những bằng chứng về sự sẵn sàng thay đổi được những điều ông đưa ra hôm trước thể hiện bằng sự diễu hành hôm sau thì mọi người sẽ được thưởng huy chương và thăng cấp bậc.
Dù ưa chuộng quân lính mà Paul Đệ Nhất thay đổi quần áo của họ không ngừng như một đứa trẻ làm đối với búp bê, thỉnh thoảng việc cải cách của ông cũng lây lan đến tầng lớp tư sản. Cách mạng Pháp đưa đến những chiếc mũ tròn làm thành mốt làm ông ghê tởm loại mũ này. Một buổi sáng có chỉ thị cấm đội mũ tròn đi ra trên đường phố Saint-Peterbourg. Hoặc vì không biết hoặc do chống đối, luật lệ này không được áp dụng nhanh như Hoàng đế mong muốn. Ông bèn cho bố trí ở mỗi góc phố lính cô dắc và cảnh sát, họ được lệnh lấy bỏ mũ của những kẻ ngoan cố, bản thân ông đi xe trượt khắp đường phố đê xem lệnh thay đổi được thực hiện ra sao. Ông sắp trở về hoàng cung sau một đợt kiểm tra khá thoả mãn thì nhận thấy một người Anh vốn thấy sắc lệnh về những chiếc mũ là một vi phạm tự do cá nhân nên vẫn đội chiếc mũ tròn. Hoàng đê dừng lại ngay, ra lệnh cho một sĩ quan đến lột mũ con người ngoan cố dám tới thách thức ông ngay tại quảng trường Amirauté. Kỵ sĩ phóng ngựa nhanh đến chỗ người phạm tội, thấy ông này nghiêm chỉnh đội chiếc mũ ba cạnh, liền thất vọng quay về báo cáo. Hoàng đế tưởng mắt mình nhìn lầm, rút ống dòm chĩa về phía người Anh đang nghiêm trang tiếp tục đi. Ngài nhận định viên sĩ quan đã nhầm: người Anh đội mũ tròn! Viên sĩ quan bị bắt giữ và một viên tuỳ tùng được cử đi thay thế, thúc ngựa phi bụng sát đất theo người Anh nọ. Hoàng đế nhầm rồi, ông này đội mũ ba cạnh. Viên tuỳ tùng ngơ ngác, quay trở về báo cáo như viên sĩ quan. Hoàng đế lại đưa ống dòm lên nhìn và viên tuỳ tùng lại bị bắt giữ: người Anh vẫn đội chiếc mũ tròn. Một viên tướng bèn xin đi làm nhiệm vụ, phóng ngựa đến chỗ người Anh, không lúc nào rời mắt khỏi ông ta. Ông thấy ông đến càng gần, chiếc mũ thay hình đổi dạng, chuyển từ tròn sang ba cạnh. Sợ bị bắt lỗi như hai người trước, ông đưa người Anh đến trước mặt Hoàng đế và tất cả được giải thích rõ. Con người để lòng tự hào quốc gia điều hoà với tính khí thất thường của nhà vua, đã làm cho một chiếc mũ, nhờ chiếc lò xo nhỏ giấu bên trong nó, chuyển ngay từ hình dạng bị cấm sang hình dạng hợp pháp. Hoàng đế thấy ý tưởng hay, tha cho viên tuỳ tùng và sĩ quan, cho phép người Anh từ nay muốn đội mũ gì thì tuỳ ý.
Chỉ thị về xe cộ tiếp theo chỉ thị về mũ. Một buổi sáng ở Saint-Peterbourg có thông cáo cấm buộc ngựa theo kiểu Nga, nghĩa là người đánh xe lên ngựa từ bên phải và nắm dây cương bên trái. Cho phép mười lăm ngày để chủ các loại xe tạo ra những bộ cương theo kiểu Đức, sau đó đến cơ quan cảnh sát cắt bỏ những phần có thể làm ngược lại. Việc cải cách không chỉ ở xe cộ mà cả ở người đánh xe, họ được lệnh mặc quần áo theo lối Đức, họ rất thất vọng phải cắt bỏ bộ râu dài, may vào cổ ao một dải đuôi luôn ở tại chỗ khi đầu ngoảnh sang phải hoặc trái. Một sĩ quan chưa có thì giờ nghiên cứu chỉ dụ mới đành đi bộ đến cuộc diễu hành làm Hoàng đế nổi giận còn hơn đi xe một chiếc xe bị cấm. Bọc người với một chiếc áo lông dài, anh đưa thanh kiếm cho một người lính cầm, Paul bắt gặp việc vi phạm kỷ luật, viên sĩ quan bị giáng xuống làm lính và người lính được thăng lên làm sĩ quan.
Trong tất cả những luật lệ ấy, tước vị không bị bỏ quên. Theo một điều luật cũ, khi đi đường gặp Hoàng đế, Hoàng hậu hoặc Hoàng tử, người ta phải dừng xe ngựa lại, xuống quỳ bên đất bụi, bùn hay tuyết. Việc tôn vinh ấy khó thực hiện trong một thủ đô mà trên mỗi đường phố, trong mỗi giờ có nhiều xe cộ nên đã bị bãi bỏ dưới triều đại Catherine. Vừa lên ngôi, Paul khôi phục lại điều luật ấy và còn phát huy hết mức. Một sĩ quan cấp tướng mà người ta không nhận ra trong đội quân của Hoàng đế, bị tước vũ khí và bắt giữ, hình phạt kết thúc người ta muốn trả lại thanh kiếm, nhưng ông không nhận và nói đấy là thanh kiếm danh dự do Catherine trao tặng, được đặc ân không bị tước đi. Paul quan sát thanh kiếm thấy nó làm bằng vàng và được trang trí nhiều kim cương, liền cho gọi viên tướng đến trao lại tận tay vừa nói không có một giận hờn gì đôi với ông này, nhưng ra lệnh bổ sung ông vào quân đội ngay trong hai mươi bốn tiếng đồng hồ.
Không may sự việc không phải bao giờ cũng suôn sẻ. Một hôm, một trong những Lữ đoàn trưởng dũng cảm nhất của Hoàng đế, ông De Likarov bị bệnh ở nông thôn, bà vợ chỉ tin vào mình trong một việc quan trọng như thế, đến Saint-Peterbourg để tìm một thầy thuốc. Tai hoạ làm bà gặp phải chiếc xe của Hoàng đế. Do bà và người trong nhà vắng mặt ở thủ đô đã ba tháng nay, không ai biết chỉ dụ mới nên chiếc xe của bà đi qua không dừng lại trước Paul đang đi ngựa dạo chơi quanh đấy. một vi phạm như vậy làm tổn thương Hoàng đế, ông sai tuỳ tùng đến ngay chỗ đoàn người chống đối, bắt ngay bốn người đầy tớ vào lính và đưa bà chủ vào tù. Mệnh lệnh được thực thi, người đàn bà hoá điên và ông chồng bị chết.
Việc tôn trọng tước vị trong lâu đài nghiêm khắc không kém ngoài đường phố, mọi triều thần được hôn tay phải thành tiếng ở miệng và quỳ gối trên sàn nhà. Hoàng thân Georges Galitzine bị bắt giữ vì không nghiêng mình đủ thấp và hôn tay hời hợt.
Những hành vi quá thể ấy chúng tôi tình cờ biết được trong cuộc đời của Paul Đệ nhất. Bốn năm trị vì là một thời gian dài như không thể dài hơn, vì càng ngày lý trí ít ỏi còn lại của Hoàng đế biến dần, nhường chỗ cho sự điên rồ mới, và những điên rồ của một ông vua đầy quyền lực, thì chỉ một dấu hiệu nhỏ cũng trở thành một mệnh lệnh phải thi hành ngay. Đây là điều thực sự nguy hiểm. Vì vậy Paul bản năng luôn cảm thấy một nguy cơ không biết rõ, nhưng có thực bao phủ quanh mình và những lo sợ ấy còn tạo cho ông những hoạt động thất thường, hầu như ông hoàn toàn ẩn náu trong lâu đài Saint Michel được xây dựng trên vị trí cũ của lâu đài Mùa Hè. Lâu đài ấy được sơn màu đỏ để làm hài lòng sở thích một trong những tình nhâng của ông do một hôm đi vào triều với đôi găng màu ấy, là một công trình đồ sộ, kiến trúc khá xấu, lởm chởm những pháo đài, chỉ trong đó Hoàng đế mới nghĩ mình được an toàn.
Giữa những hành quyết, tù đày, thất sủng, có hai người thân cận như bám rễ vào vị trí của họ. Một là Koutouzov, nô lệ người Thổ cũ, ở vào hàng những người ở lâu đời bên Paul, không hề xứng đáng được ân hưởng, đột ngột trở thành một trong những nhân vật chính của vương quốc. Người kia là Bá tước Pahlen, nhà quý tộc, thiếu tướng dưới thời Catherine II và nhờ tình bạn của Zoubov, người thân cận cuối cùng của Nữ hoàng, được đưa lên vị trí Thủ hiến dân sự ở Riga. Có lần Hoàng đế Paul, ít lâu trước khi lên ngôi, đi qua thành phố này. Đây là thời kỳ hầu như ông bị phát vãng và triều thần không dám nói chuyện với ông.Pahlen tiếp đón ông với vai trò của Thái tử. Paul không quen một sự đối xử như thế, ghi nhớ trong lòng, và khi lên ngôi vua, nhớ đến sự đón tiếp của Pahlen, liền gọi ông này về Saint-Peterbourg và tặng huân chương hạng nhất, bổ nhiệm ông này làm chỉ huy trưởng đội cận vệ, và thị trưởng thành phố, thay thế Đại Quận công Alexandre, con trai ông, người mà lòng tôn kính và tình yêu thương không thể xoá nổi sự nghi ngờ.
Pahlen, nhờ vị trí cao hơn bên cạnh Paul, và chỉ trong bốn năm đã hơn ai hết nhận ra sự không ổn định của vận mệnh con người. Ông đã thấy biết bao nhiêu người lên, xuống, biết bao nhiêu người mất mạng, nên cũng không hiểu vì sao mình chưa bị sụp đổ, và dự đoán số phận mình sẽ gắn liền với sự sụp đổ của Hoàng đế. Zoubov, người bảo trợ cũ của ông, người lúc đầu được Hoàng đế cử làm trưởng đoàn tuỳ tùng hoàng cung và uỷ nhiệm bảo vệ thi hài của bà mẹ, người bảo trợ cũ của Pahlen, đột nhiên bị thất sủng. Một buổi sáng ông thấy dấu niêm phong tư dinh của mình, hai thư ký chính Altesti và Gribovski bị đuổi đi, tất cả sĩ quan tham mưu và tuỳ tùng của ông buộc phải trở về ngay đơn vị hoặc bị bắt từ chức. Đổi lại những việc ấy, Hoàng đế tặng ông một lâu đài, nhưng sự thất sủng cũng không kém phần rõ ràng vì ngày hôm sau mọi quyền chỉ huy của ông bị rút bỏ, ngày hôm sau nữa người ta bảo ông phải từ bỏ hai mươi hoặc ba mươi chức vụ ông đang phụ trách. Chưa hết một tuần lễ ông được phép, đúng hơn là nhận được lệnh phải rời khỏi nước Nga, Zoubov rút lui sang Đức. Ở đây với sự giàu có, trẻ đẹp, đầy huân chương và trí tuệ, ông tôn vinh cho sở thích của Catherine, chứng minh bà là lớn lao ngay cả trong những điểm yếu kém.
Chính ở đây một ý kiến của Pahlen đã gợi ý cho ông. Chắc Zoubov đã phàn nàn với người bảo trợ của mình trước đây về việc trục xuất, tuy đã được giải thích không kém phần khó hiểu và Pahlen trả lời thư của ông. Bức thư có khuyên ông giả vờ có ý định cưới con gái của cận thần của Paul, Koutouzov , chắc chắn Hoàng đế sẽ cho phép kẻ bị trục xuất được trở về Saint-Peterbourg, sau khi về đây rồi sẽ liệu.
Kế hoạch nêu ra được làm theo. Một buổi sáng Koutouzov nhận được một bức thư cầu hôn của Zoubov. Con người gặp vận, đầy tự hào, chạy đến lâu đài Saint Michel, quỳ xuống chân Hoàng đế, tay cầm thư của Zoubov, khẩn cầu nhà vua gia ân cho ông và con gái bằng cách tán thành đámcưới này và cho phép kể bị trục xuất được trở về. Paul xem qua lá thư Koutouzov đưa lên rồi trả lại "Đây là ý nghĩ hợp lý đầu tiên trong đầu kẻ điên này, để cho anh ta trở về". Mười lăm ngày sau Zoubov có mặt ở Saint-Peterbourg và với sự đồng ý của Paul, bắt đầu ve vãn con gái của người cận thần.
Che giấu dưới tấm màn ấy, vụ âm mưu được hình thành và lớn dần, mỗi ngày lại kết nạp thêm những người bất bình mới. Lúc đầu những kẻ mưu phản chỉ nói về một sự thoái vị đơn giản, một sự thay thế người, thế thôi. Paul sẽ được đưa đi, canh phòng cẩn thận ở một tỉnh nào đó xa trong vương quốc, và Đại quận công Alexandre, người ta sắp đặt mà không có sự thoả thuận của ông, sẽ lên ngôi. Một số người chỉ biết rút dao ra và cho vào vỏ khi đã đẫm máu. Những người ấy biết rõ Alexandre sẽ không chấp nhận sự nhiếp chính nên quyết định bắt ông phải nối nghiệp.
Thế nhưng Pahlen, tuy lúc ấy là trưởng cuộc âm mưu, nhất thiết phải tránh không có một chứng cứ nào về mình nên tuỳ theo vào tình hình ông có thể phụ theo các bạn hay cứu Paul. Tính chất dự phòng ấy của ông đưa lại sự lạnh nhạt một phần trong các cuộc bàn luận và công việc có thể kéo dài thêm một năm nữa nếu ông không thúc đẩy bằng một kế sách lạ lùng nhưng biết tính tình của Paul, ông nghĩ phải thành công. Ông viết cho Hoàng đế một bức thư nặc danh báo tin về nguy cơ đang bị đe doạ. Kèm theo thư là danh sách của những người mưu phản.
Phản ứng đầu tiên của Paul sau khi nhận được bức thư là cho tăng đôi các trạm gác lâu đài Saint Michel và gọi Pahlen tới.
Pahlen đang chờ triệu tập liền đến ngay. Ông gặp Paul Đệ Nhất trong phòng ngủ ở tầng hai. Đấy là một gian phòng lớn hình vuông, cửa ra vào đối diện với lò sưởi, hai cửa sổ nhìn ra sân, một chiếc giường trước hai cửa sổ và dưới chân giường có một cánh cửa bí mật đi sang phòng Hoàng hậu. Ngoài ra còn có một chiếc bẫy sập chỉ có một mình Hoàng đế biết, nằm trên sàn nhà. Muốn mở bẫy sập ấy chỉ cần dận gót giày, người sẽ rơi xuống theo một cầu thang, từ cầu thang ra hành lang và có thể trốn ra ngoài lâu đài.
Paul đang sải bước dài, có vẻ bực bội thì cửa mở, Bá tước xuất hiện. Hoàng đế quay lại, vòng tay đứng thẳng, đôi mắt nhìn chăm chú vào Pahlen.
- Bá tước – ông nói sau một lúc im lặng – Ông có biết việc gì đang xảy ra không?
- Tôi biết – Pahlen trả lời – Nhà vua tôn kính của tôi cho gọi và tôi vội đến để phục vụ theo mệnh lệnh.
- Nhưng ông có biết vì sao tôi cho gọi ông? – Paul nói lớn sau một cử chỉ nóng lòng.
- Tôi kính cẩn chờ Bệ hạ nói cho tôi biết.
- Tôi cho gọi, thưa ông, vì đang có một âm mưu chống lại tôi.
- Tôi biết việc ấy, thưa Bệ hạ.
- Thế nào? Ông biết à?
- Tất nhiên. Tôi là một trong những đồng loã.
- Thế đấy. Tôi vừa nhận được bản danh sách. Nó đây.
- Còn tôi, thưa Bệ hạ, tôi có bản sao. Nó đây.
- Đúng rồi! – Paul sợ hãi lẩm bẩm – Còn chưa biết phải tin nó như thế nào.
- Thưa Bệ hạ - Bá tước nói – Bệ hạ có thể so sánh hai bản danh sách này, nếu người tố giác đúng thì chúng sẽ giống nhau.
- Vậy ông xem đi – Paul nói.
- Vâng, chúng giống như nhau – Pahlen lạnh lùng nói – chỉ bỏ quên ba người.
- Những người nào? – Hoàng đế hỏi nhanh.
- Thưa Bệ hạ, sự khôn ngoan ngăn cản tôi nêu tên, nhưng theo chứng cứ thì tôi có những thông tin đúng, hy vọng Bệ hạ chiếu cố tin tưởng hoàn toàn vào tôi và dựa vào tôi để có thể đảm bảo an toàn cho Bệ hạ.
- Không được lạc hướng! – Paul ngắt lời một cách dữ dội – chúng là ai? Ngay bây giờ tôi muốn biết chúng là ai?
- Thưa Bệ hạ, - Pahlen cúi đầu trả lời – lòng kính trọng ngăn cản tôi nói ra những cái tên tôn nghiêm.
- Tôi hiểu – Paul lại nói nhỏ giọng và liếc nhìn cánh cửa đi sang phòng vợ ông. – Ông muốn nói là Hoàng hậu phải không? Là Hoàng tử Alexandre và Đại quận công Constantin?
- Nếu luật pháp chỉ được biết đến những người có thể trừng trị…
- Luật pháp dùng cho tất cả mọi người, thưa ông, và tội ác càng lớn lại càng phải nghiêm trị. Pahlen, ngay bây giờ ông cho bắt hai Đại Quận công, ngày mai đưa chúng đi Schlüsselbourg. Còn Hoàng hậu, để ta tự giải quyết. Những kẻ mưu phản khác là công việc của ông.
- Thưa Bệ hạ - Pahlen nói – Người cho tôi chỉ dụ viết và dù cho cái đầu có cao đến đâu, những người lớn lao đến mấy, mà người cần đánh, tôi sẽ vâng lời.
- Pahlen thật tốt! – Hoàng đế kêu lên – ông là người đầy tớ duy nhất còn trung thành với ta. Hãy bảo vệ ta, Pahlen, vì ta đã thấy rõ tất cả bọn chúng đều muốn giết ta và ta chỉ còn lại có một mình ông thôi.
Nói rồi Hoàng đế ký lệnh bắt hai Đại quận công đưa cho Pahlen.
Kẻ mưu phản ranh mãnh chỉ muốn có thế. Cầm những mệnh lệnh khác nhau ấy, Pahlen chạy đến nhà Platon Zoubov, chỗ ông biết những người âm mưu đang họp bàn.
- Tất cả bị lộ rồi – ông nói – đây là lệnh bắt các ông. Vậy không để mất thì giờ chút nào, đêm nay tôi còn là thị trưởng Saint-Peterbourg, ngày mai tôi có thể vào tù. Các ông biết phải làm gì chứ?
Không ngập ngừng gì được nữa vì sẽ là lên máy chém hoặc ít ra cũng là lưu đày Sibérie. Những người mưu phản hẹn gặp nhau ngay đêm ấy tại nhà Bá tước Talitzine, Đại tá trung đoàn Préobrajenski. Do không đông lắm, họ quyết định tăng cường bằng tất cả những người bất bình gặp trong ngày. Cũng đúng dịp vì trong buổi sáng hôm ấy, khoảng ba chục sĩ quan con cái của những gia đình khá giả ở Saint-Peterbourg bị cách chức, bị kết tội và tù đày vì những tội chỉ đáng khiển trách nhẹ. Bá tước cho hơn một chục chiếc xe chờ sẵn ở cửa các nhà tù đang giam những người muốn hợp tác, rồi thấy những người đồng loã đã quyết tâm, ông đến chỗ Hoàng thái tử Alexandre.
Ông này vừa gặp cha mình trong một hành lang của cung điện, theo thói quen đi thẳng đến phụ hoàng nhưng Paul giơ tay ra hiệu cho rút lui, ông đành trở về nhà, chờ lệnh mới. Hoàng thái tử thấy ông như thế thì đang băn khoăn không biết nguyên nhân của sự giận dữ thể hiện trong đôi mắt của Hoàng đế, vừa trông thấy Pahlen, ông hỏi ngay có phải đến để chuyển mệnh lệnh của cha mình không.
- Than ôi, thưa Điện hạ! – Pahlen trả lời – tôi được giao một mệnh lệnh ghê gớm.
- Mệnh lệnh gì vậy? – Alexandre hỏi.
- Đến an ủi Điện hạ và xin Người thanh kiếm.
- Thanh kiếm của tôi! – Alexandre kêu lên – Vì sao?
- Vì kể từ giờ phút này Điện hạ bị cầm tù!
- Tôi bị cầm tù! Thế tôi bị kết tội gì?
- Điện hạ cũng biết ở đây, đôi khi không may, người ta bị trừng phạt mà không phạm tội chống đối gì.
- Hoàng đế là người hai lần làm chủ số phận tôi – Alexandre trả lời – vì là vua và cũng là cha tôi. Ông đưa mệnh lệnh xem, dù là lệnh gì tôi cũng phục tùng.
Bá tước đưa tờ lệnh, Alexandre mở ra, hôn chữ ký của cha rồi bắt đầu đọc. Khi đến đoạn nói về Constantin, ông kêu lên "Cả em tôi nữa! Tôi đã hy vọng mệnh lệnh chỉ dành riêng cho tôi!" nhưng đến chỗ nói về Hoàng hậu "Ồ! Mẹ tôi! người mẹ đạo đức của tôi! Là vị thánh trên Trời xuống với chúng tôi! Quá lắm, này ông Pahlen, việc này quá lắm!"
Đưa hai tay lên che mặt, ông để rơi tờ lệnh. Pahlen nghĩ thời cơ thuận lợi đã đến.
- Thưa Điện hạ - ông nói và quỳ xuống chân Alexandre – Điện hạ hãy nghe lời tôi, phải thấy trước những tai hoạ lớn, phải chấm dứt những lệch lạc của người cha tôn kính của Điện hạ. Hôm nay Hoàng đế muốn giam giữ sự tự do của Điện hạ, có lẽ ngày mai Hoàng đế muốn…
- Pahlen!
- Thưa Điện hạ, xin Người hãy nhớ lại Alexis Pétrovich.
- Pahlen, ông vu khống cha tôi!
- Không, thưa Điện hạ, vì tôi không kết tội tấm lòng của ông mà là lý trí của ông ta. Biết bao mâu thuẫn lạ lùng, những mệnh lệnh không thể thực hiện được, những trừng phạt vô ích chỉ có thể giải thích bằng một chứng bệnh ghê gớm.Tất cả những người chung quanh Hoàng đế nói như thế và tất cả những người ở xa đều lập đi lập lại như thế. Thưa Điện hạ, người cha khốn khổ của Ngài bị bệnh điên.
- Lạy Chúa!
- Thế thì, thưa Điện hạ, ngài phải cứu lấy ông ấy. Không phải mình tôi đến khuyên ngài như vậy, giới quý tộc, Nghị viện, vương quốc, tất cả, tôi chỉ là người chuyển lời. Hoàng đế phải thoái vị và nhường ngôi cho ngài.
- Pahlen! – Alexandre lùi một bước và kêu lên – ông nói cái gì với tôi thế? Tôi phải kế vị cha tôi khi ông ấy vẫn còn sống ư? Tôi phải giật lấy vương miện trên đầu, quốc ấn trong tay cha tôi ư? Chính ông điên, Pahlen, không bao giờ! Không bao giờ!
- Nhưng thưa Điện hạ, ngài không thấy mệnh lệnh sao? Ngài nghĩ đó là một việc cầm tù bình thường ư? Không, hãy tin tôi, mạng sống của ngài đang bị đe doạ.
- Hãy cứu lấy em tôi! Hãy cứu lấy Hoàng hậu! Đấy là tất cả những gì tôi đề nghị với ông – Alexandre kêu lên.
- Nhưng tôi có phải là chủ đâu? – Pahlen nói – Mệnh lệnh đối với họ cũng như đối với ngài. Một khi đã bị bắt, bị cầm tù, ai dám quả quyết với ngài các triều thần không quá vội vã, nghĩ rằng cần phải tận tuỵ với Hoàng đế, không đi trước ý muốn của nhà vua? Ngài hãy nhìn nước Anh, thưa Điện hạ, cũng đã xảy ra như thế, tuy quyền lực hạn chế nên mối nguy hiểm không to lớn bằng. Hoàng tử xứ Galles sẵn sàng điều hành triều chính mặc dù nhà vua Georges là một người điên nhẹ nhàng và vô hại. Vả lại, thưa Điện hạ, nếu ngài nhận lấy việc tôi đề nghị với ngài, ngài không chỉ cứu sống Hoàng hậu, Đại quận công em ngài, mà còn đức vua, cha của ngài nữa.
- Ông có ý nói gì?
- Tôi nói việc trị vì của Paul quá nặng nề nên giới quý tộc và nghị viện quyết định cần phải chấm dứt nó đi bằng mọi cách. Ngài từ chối một sự thoái vị ư? Có lẽ ngày mai ngài buộc phải tha thứ cho một vụ ám hại.
- Pahlen! – Alexandre kêu lên – Vậy tôi có thể gặp cha tôi được không?
- Không thể, thưa Điện hạ, mọi người đã dứt khoát cấm không để Điện hạ vào gặp Hoàng đế.
- Ông bảo mạng sống của cha tôi bị đe doạ?
- Nước Nga chỉ hy vọng vào ngài, thưa Điện hạ, và chúng tôi phải chọn giữa một phán xét làm hại cho chúng tôi và một án mạng cứu sống chúng tôi. Thưa Điện hạ, chúng tôi sẽ chọn án mạng.
Pahlen chủân bị quay ra.
- Pahlen! – Alexandre kêu lên, giơ một tay ngăn lại, còn tay kia đưa lên ngực rút cây thánh giá bằng vàng đeo ở cổ ra. – Pahlen, hãy thề trước Đức Chúa mạng sống của cha tôi sẽ không gặp nguy hiểm gì và nếu cần ông phải hy sinh để bảo vệ ông ấy. Ông thề đi hoặc tôi sẽ không để cho ông ra đi.
- Thưa Điện hạ - Pahlen trả lời – tôi đã nói với ngài điều tôi cần phải nói. Ngài hãy suy nghĩ lời đề nghị của tôi, còn tôi sẽ suy nghĩ về lời thề mà ngài đòi hỏi.
Nói rồi ông nghiêng mình kính cẩn cúi chào đi ra, để quân bảo vệ ở trước cửa, rồi vào chỗ Đại quận công Constantin và Hoàng hậu, truyền chỉ dụ của Hoàng đế nhưng không cẩn trọng bằng đối với Alexandre.
Đã tám giờ tối, Pahlen chạy đến nhà ông Talitzine, thấy những người mưu phản đang vào bàn ăn, họ nêu lên cả ngàn câu hỏi khác nhau. "Tôi không có thì giờ trả lời với các ông – ông nói – công việc tiến triển tốt và trong nửa giờ nữa tôi sẽ đưa lực lượng bổ sung đến cho các ông". Bữa ăn bị gián đoạn một lúc rồi lại tiếp tục.
Pahlen đi đến nhà tù.
Là thị trưởng Saint-Peterbourg ông vào đâu cũng được. Những người thấy ông vào ngục tối có quân bảo vệ đi theo và mắt nhìn rất nghiêm khắc, nghĩ là đã đến giờ bị đi đày ở Sibérie hoặc chuyển sang một nhà tù khác khắc nghiệt hơn. Cách ông ta ra lệnh sẵn sàng lên xe càng làm cho họ tin chắc vào điều ấy. Những chàng trai khốn khổ tuân theo. Ở cửa ra vào, một đại đội lính bảo vệ đang chờ họ, những người tù bước lên xekhông chống cự, vừa lên xong thì họ cảm thấy xe phóng nước đại.
Trái với chờ đợi, chưa đầy mười phút sau xe dừng lại trong sân một ngôi nhà thật đẹp. Tù nhân vâng lời bước xuống xe, cửa đóng lại sau lưng họ, quân lính đứng bên ngoài, chỉ có Pahlen với họ.
- Đi theo tôi – Bá tước bảo và bước đi trước.
Chẳng hiểu điều gì đã xảy ra, những người tù làm những gì người ta bảo họ làm. Đi đến một gian phòng phía trước phòng những người mưu phản đang tập hợp, Pahlen bỏ chiếc áo choàng phủ trên bàn ra để lộ một bó kiếm.
- Các anh trang bị vũ khí đi – Pahlen bảo.
Những người tù kinh ngạc, tuân lệnh giắt kiếm vào mình, ở chỗ đao phủ vừa tước gươm của họ ngay sáng nay và bắt đầu ngờ sẽ có việc gì lạ lùng đối với họ. Trong lúc đó Pahlen cho mở cửa, họ thấy những người bạn mười phút trước đây tưởng phải xa cách mãi mãi đang ngồi ở bàn, tay nâng ly chào họ vừa những tiếng hô "Alexandre muôn năm!" Họ chạy ngay vào phòng tiệc. Người ta giải thích điều gì sẽ xảy ra. Họ còn đầy xấu hổ và căm giận về sự đối xử trong ngày, kêu lên vui mừng với lời đề nghị giết Hoàng đế và không một người nào từ chối vai trò người ta dành cho họ trong bi kịch ghê gớm này.
Đến mười một giờ, những kẻ mưu phản gồm gần sáu mươi người đi ra khỏi nhà Talitzine, bọc người trong áo choàng đi về phía lâu đài Saint Michel. Những nhân vật chính là Beningsen, Platon Zoubov, cận thần cũ của Catherine, Pahlen, thị trưởng Saint-Peterbourg, Depreradovitch, Đại tá trung đoàn Semenovki, Arkamanov, tuỳ tùng của Hoàng đế, Hoàng thân Tatetsvill, Thiếu tướng pháo binh, Talitzine, Đại tá trung đoàn bảo vệ Préobrajenski, Gardanov, thượng sĩ đội bảo vệ kỵ binh, Sartarinov, Hoàng thân Vareinskoï và Sériatine.
Những người mưu phản vào qua một cửa vườn của lâu đài Saint Michel, nhưng lúc đi dưới những cây to đã trụi lá, cành nhánh cong queo trong bóng tối, một đàn quạ bị tiếng động đánh thức, vừa bay lên vừa kêu những tiếng bi thảm, báo hiệu điềm xấu, làm đoàn người ngần ngại không muốn đi xa hơn nữa, Zoubov và Pahlen khuyến khích họ can đảm lên và đoàn người tiếp tục đi. Vào trong sân họ chia làm hai toán: một do Pahlen hướng dẫn, theo cánh cửa đặc biệt Bá tước thường vào gặp Hoàng đế mà không ai thấy, toán kia theo lệnh của Zoubov và Béningsen, do Arkamanov hướng dẫn, tiến lên bậc thang lớn không trở ngại gì. Pahlen đã thay thế các sĩ quan mưu phản vào các trạm lính gác của lâu đài. Chỉ một người bị quên thay thế như những người khác, kêu lên khi trông thấy họ "Ai đó? Đứng lại!" Béningsen bèn tiến lại, mở áo choàng cho thấy huân, huy chương của ông:
- Im lặng! – Ông bảo – Anh không thấy chúng tôi đi đâu à?
- Xin mời đi, đoàn tuần tra – người gác trả lời, ra hiệu tế nhị và những kẻ mưu sát đi qua. Tới hành lang phía trước tiền sảnh, họ thấy một sĩ quan hóa trang lính gác.
- Thế nào? Hoàng đế đâu? – Platon Zoubov hỏi.
- Đã về một tiếng rưỡi đồng hồ rồi – viên sĩ quan trả lời – Chắc bây giờ đã đi nằm.
- Tốt – Zoubov nói và đoàn mưu sát tiếp tục đi.
Thực thế, Paul có thói quen sang với bà hoàng Gagarine. Thấy ông vào, trông xanh xao và u tối hơn bình thường, bà chạy tới, khẩn khoản hỏi xem có việc gì.
- Việc gì ư? – Hoàng đế trả lời – đây là lúc ta đánh một đòn mạnh và ít ngày nữa sẽ thấy đầu những người rất thân yêu của ta rơi xuống!
Sợ hãi vì lời đe doạ ấy, bà hoàng Gagarine vốn biết lòng nghi ngờ của Paul đôi với gia đình, tìm cớ ra khỏi phòng khách viết vài dòng cho Đại quận công Alexandre nói mạng sống của ông gặp nguy hiểm và cho đem tới lâu đài Saint Michel. Sĩ quan bảo vệ được lệnh không để Hoàng thái tử ra ngoài nên đã để cho người mang thư đi vào. Alexandre nhận được mảnh giấy, biết bà hoàng Gagarine nắm được mọi bí mật của Hoàng đế nên càng lo lắng bội phần.
Đến khoảng mười một giờ như người gác đã nói, Hoàng đế trở về lâu đài, vào trong phòng riêng, đi ngủ, vì ông đặt lòng tin vào Pahlen.
Trong lúc đó những người mưu phản đến cửa tiền sảnh trước phòng ông và Arkamanov gõ cửa.
- Ai đấy? – người hầu phòng hỏi.
- Tôi, Arkamanov, tuỳ tùng của Hoàng đế.
- Ông muốn gì?
- Tôi đến để báo cáo.
- Ngài nói đùa, đã gần nửa đêm rồi.
- Nào, chính ông nhầm, sáu giờ sáng. Mở cửa mau, sợ Hoàng đế nổi nóng với tôi đấy.
- Tôi không biết có phải…
- Tôi đang làm nhiệm vụ và ra lệnh cho ông.
Người hầu phòng tuân lệnh. Những người mưu phản, kiếm cầm tay ùa vào tiền sảnh. Người hầu phòng sợ hãi trốn vào một góc, nhưng một người lính kỵ binh người Ba lan đang canh gác nhảy vào trước cửa phòng Hoàng Đế, đoán được ý đồ của những người khách đã ra lệnh cho họ đi ra. Zoubov muốn lấy tay đẩy anh ta ra. Một phát súng lục nổ nhưng ngay lúc ấy người bảo vệ duy nhất của kẻ một giờ trước đây chỉ huy năm mươi ba triệu người, bị tước khí giới.
Nghe tiếng súng, Paul giật mình tỉnh giấc, nhảy xuống giường, chạy lại phía cửa bí mật thông sang phòng Hoàng hậu, cố mở, nhưng ba ngày trước, trong một lúc nghi ngờ, ông đã cho chèn chặt cửa nên không thể mở ra được. Ông nghĩ đến chiếc bẫy sập, liền chạy nhanh lại đó nhưng chân trần nhấn lò xo không bật, bẩy cũng không mở được. Ngay lúc ấy cửa tiền sảnh đổ vào trong và Hoàng đế chỉ kịp lao về phía sau lò sưởi.
Béningsen và Zoubov nhảy vào. Zoubov bước thẳng tới giường nhưng không trông thấy ai.
- Hỏng rồi! – ông kêu lên – Ông ta trốn thoát rồi!
- Không – Béningsen nói – ông ta ở kia.
- Pahlen! – Hoàng đế thấy bị lộ kêu lên – Cứu ta, Pahlen!
- Thưa Bệ hạ, - Béningsen tiến tới giơ kiếm lên chào Paul – Người gọi vô ích. Pahlen là người của chúng tôi. Vả lại ngài không có nguy hiểm gì về tính mạng, chỉ là tù nhân của nhân danh Hoàng đế Alexandre.
- Các ông là ai? – Hoàng đế bối rối không nhận ra những người đang nói với mình dưới ánh sáng mờ của ngọn đèn đêm.
- Chúng tôi là ai? – Zoubov trả lời và đưa ra chiếu thoái vị - chúng tôi là những người được Nghị viện cử đến. Ông hãy đọc tờ giấy này, đọc và tự công bố về số phận của ông.
Zoubov một tay đưa tờ giấy, tay kia chuyển chiếc đèn bàn đến góc lò sưởi để Hoàng đế đọc. Paul cầm tờ chiếu, đọc được một phần ba thì ngừng lại ngẩng đầu nhìn những người mưu phản:
- Nhưng tôi đã làm gì các ông? Lạy Chúa! Để các ông đối xử với tôi như thế này?
- Đã bốn năm nay ông đã bạo ngược đôi với chúng tôi – một giọng nói vang lên.
Và Hoàng đế tiếp tục đọc.
Nhưng càng đọc, những lời than phiền càng chồng chất, những câu nói xúc phạm càng làm ông bị tổn thương, sự giận dữ đã thay thế tư cách. Ông quên mình đang đơn độc, trần trụi không vũ khí, chung quanh là những người đội mũ, cầm kiếm, ông vò mạnh tờ chiếu thoái vị vứt xuống chân:
- Không bao giờ! – ông nói – Ta thà chết!
Nói rồi ông bước lại để nắm thanh kiếm của ông để trên chiếc ghế cách đấy mấy bước.
Trong lúc đó toán thứ hai tiến vào, phần lớn là quý tộc trẻ bị giáng cấp hoặc thải hồi, một trong những người chủ chốt là Hoàng thân Tatetsvill, đã thề trả thù về việc ông bị thóa mạ. Vì vậy, vừa bước vào, ông lao đến ôm ngang người Hoàng đế vật lộn, cùng ngã xuống kéo theo chiếc đèn và tấm chăn. Hoàng đế thét lên một tiếng vì lúc ngã ông đụng đầu vào góc lò sưởi và bị thương. Sợ tiếng kêu có người nghe được, Sartarinov, Hoàng thân Vereinskoï và Sériatine lao vào người ông, Paul đứng dậy một lát rồi lại ngã ngay xuống. Những việc ấy xảy ra trong đêm tối giữa những tiếng kêu rên lúc to lúc nhỏ. Cuối cùng Hoàng đế gỡ bàn tay bịt miệng mình, kêu lên bằng tiếng Pháp "Các ông, các ông tha cho, hãy để tôi có thì giờ cầu Chúa…" Tiếng nói cuối cùng bị bóp nghẹt, một người cởi khăn quàng của mình thắt vào sườn nạn nhân, không dám thắt vào cổ vì sợ để lại dấu vết cái chết phải được xem là một cái chết tự nhiên. Tiếng rên rỉ biến thành tiếng khò khè rồi tắt hẳn, khi Béningsen vào với ngọn đèn sáng hơn thì Hoàng đế đã chết. Không ai nghi ngờ vì trông Hoàng đế bị xuất huyết não bất ngờ do khi ngã xuống đụng phải một vật cứng và bị thương.
Trong im lặng, người ta nhìn thi thể bất động dưới ánh đèn, có tiếng động ở cánh cửa thông phòng, Hoàng hậu đã nghe tiếng ú ớ, những giọng nói thì thầm và đe doạ bèn chạy tới. Lúc đầu những kẻ mưu phản sợ hãi nhưng khi nghe giọng nói của bà thì bình tâm lại, vả lại cửa bị chèn kín, họ tiếp tục thi hành công việc đang làm.
Beningsen nâng đầu Hoàng đế lên thấy bất động, cho mang ông lên giường. Lúc đó Pahlen tay cầm kiếm bước vào, vì trung thành với vai trò hai mặt của mình, ông đợi công việc xong xuôi mới đứng về phía những người mưu phản. Thấy nhà vua được Beningsen che một tấm khăn trải giường lên mặt, ông dừng lại trước cửa, tái mặt dựa vào tường, thanh kiếm thõng xuống bên mình.
- Nào các ông, đã đến lúc chúng ta đi tôn vinh Hoàng đế mới – Beningsen, một trong những người cuối cùng bị lôi kéo vào âm mưu và là người duy nhất trong buổi tối bi đát này giữ được can đảm, lên tiếng hô hào.
- Đúng, đúng – những giọng nói lộn xộn của tất cả những người ấy vang lên, họ đã ùa vào phòng bây giờ lại vội vàng bỏ đi – Đúng, đúng, chúng ta đi tôn vinh Hoàng đế Alexandre muôn năm!
Trong lúc đó Hoàng Hậu Marie thấy không vào được bằng cửa thông và vẫn nghe tiếng ồn ào phía trong, đi vòng quanh căn nhà nhưng trong một phòng khách trung gian, bà gặp Pettaroskoï, trung úy bảo vệ, cùng ba mươi người lính dưới lệnh. Chấp hành theo chỉ thị, ông ngăn Hoàng hậu lại.
- Xin lỗi, thưa bà – ông nghiêng mình nói – bà không thể đi xa hơn nữa.
- Ông không nhận ra ta ư? – Hoàng hậu hỏi.
- Không phải thế, thưa bà, tôi biết mình đang được vinh dự nói với Hoàng hậu, nhưng nhất là Hoàng hậu thì lại càng không thể đi qua được.
- Ai cho ông chỉ thị ấy?
- Đại tá của tôi.
- Chà – Hoàng hậu nói – ông dám thực hiện như thế à?
Và bà tiến về phía trước nhưng quân lính giơ kiếm giao chéo nhau chận đường.
Cùng lúc, những người mưu phản ồn ào ra khỏi phòng Paul và hô "Alexandre muôn năm!", Béningsen đi đầu. Hoàng hậu nhận ra ông, bèn gọi tên, khẩn khoản xin để cho bà đi.
- Thưa bà – ông nói – mọi việc bây giờ xong rồi. Bà làm hỏng cuộc sống của bà một cách vô ích, Paul đã chết rồi.
Nghe thấy thế Hoàng hậu thét lên một tiếng, để rơi mình xuống một chiếc ghế.Hai nữ Đại quận công Marie và Christine nghe tiếng kêu tỉnh dậy, chạy tới mỗi người quỳ một bên bà. Cảm thấy khó thở, Hoàng hậu xin nước uống. Một người lính mang ly tới, nữ Đại quận công ngần ngại không dám đưa cho mẹ uống vì sợ bị đầu độc. Người lính đóan thế, uống một nửa ly, đưa phần còn lại cho bà Đại quận công.
- Cô thấy đấy – anh nói – Hoàng hậu có thể uống mà chẳng sợ gì.
Béningsen để Hoàng hậu cho các nữ Đại quận công chăm sóc, đi tới chỗ Hoàng thái tử. Căn phòng ông này ở dưới phòng của Paul. Ông đã nghe thấy hết. Tiếng súng, những tiếng kêu, ngã xuống, rên rỉ và khò khè, muốn lên cứu cha nhưng người gác Pahlen bố trí ở cửa đẩy ông vào phòng, người ta đã phòng bị cẩn thận, ông bị giam giữ và không cách gì ngăn cản được.
Béningsen đi vào, những người mưu phản đi theo sau. Những tiếng hô "Hoàng đế Alenxandre muôn năm!" cho ông biết mọi việc đã xong. Chuyện ông lên ngôi không còn là một việc nghi ngờ gì đôi với ông nữa. thấy Pahlen vào sau cùng, ông kêu lên:
- A, Pahlen, câu chuyện của tôi bắt đầu như thế nào đây?
- Thưa Bệ hạ - Pahlen trả lời – mọi việc sẽ ổn thoả cả thôi.
- Nhưng – Alexandre nói lớn – ông không hiểu người ta sẽ cho tôi là người mưu sát cha tôi hay sao?
- Thưa Bệ hạ, trong lúc này ngài chỉ nghĩ đến một điều: vào giờ này…
- Ông muốn tôi nghĩ gì? Lạy Chúa! Ngoài việc nghĩ đến cha tôi?
- Nghĩ đến việc làm cho quân đội chấp nhận Ngài.
- Còn mẹ tôi, Hoàng hậu? Bà thế nào rồi?
- Hoàng hậu an toàn, thưa Bệ hạ. Nhưng nhân danh Chúa, chúgn ta đừng để mất giây phút nào.
- Tôi phải làm gì? – Alexandre cảm thấy bất lực, không quyết định gì được.
- Thưa Bệ hạ, Ngài phải đi theo tôi ngay vì để chậm một chút có thể đưa tới những tai hoạ lớn.
- Được rồi, ông muốn làm gì thì tôi sẽ làm.
Pahlen kéo Hoàng đế để ra xe mà người ta đưa lại để đem Paul ra pháo đài. Hoàng đế vừa lên xe vừa khóc, cửa đóng lại. Pahlen và Zoubov lên phía sau, chỗ những người hầu và chiếc xe mang những vận mệnh mới của nước Nga, phóng nhanh về cung điện Mùa Đông, hai tiểu đoàn bảo vệ đi hộ tống. Béningsen ở lại bên Hoàng hậu vì một trong những dặn dò cuối cùng của Alexandre là về bà mẹ.
Trên quảng trường Amirauté, Alexandre thấy những trung đoàn bảo vệ chủ yếu. "Hoàng đế! Hoàng đế! " Pahlen và Zoubov hét lên, chỉ vào Alexandre. "Hoàng đế! Hoàng đế!" hai tiểu đoàn hộ tống cũng hét lên. Tất cả trung đoàn trả lời cùng một giọng "Hoàng đế muôn năm!"
Người ta ùa đến cửa xe. Alexandre tái mặt và xộc xệch vì đi đường, người ta lôi, nâng ông lên thề trung thành với nhiệt tình sôi nổi, chứng tỏ cho ông thấy những người mưu phản phạm tội ác chỉ là hoàn thành nguyện vọng của quần chúng. Dù muốn trả thù cha đến mấy ông cũng phải từ bỏ ý định trừng phạt những kẻ giết người.
Những người này rút về nhà riêng, không biết Hoàng đế sẽ giải quyết như thế nào đôi với họ.
Ngày hôm sau đến lượt Hoàng hậu thề trugn thành với con trai mình, theo hiến pháp của Vương quốc, chính bà phải kế vị chồng nhưng thấy tình hình cấp bách, bà là người đầu tiên từ bỏ quyền lợi của bà.
Nhà phẫu thuật Vette và bác sĩ Stoffi chịu trách nhiệm mổ thi thể, tuyên bố
Hoàng đế Paul chết vì xuất huyết não đột ngột, vết thương ở bên má do bị ngã khi gặp nạn.
Thi thể được ướp và trưng bày mười lăm ngày trên một chiếc giường được trang trí, Alexandre đến tưởng niệm nhiều lần nhưng không một lần thấy Người đổi sắc mặt hoặc rơi nước mắt. Dần dần những người mưu phản được đưa ra khỏi triều đình, những người này đi nhận nhiệm vụ, những người khác sung vào biên chế các trung đoàn đóng ở Sibérie. Chỉ còn lại Pahlen vẫn giữ chức chỉ huy quân sự ở Saint-Peterbourg và việc gặp nhau trở thành một nỗi ân hận cho nhà vua mới, vì vậy Người tranh thủ cơ hội để đẩy ông đi xa. Việc ấy xảy đến như sau.
Mấy ngày sau cái chết của Paul, một linh mục treo một bức ảnh thánh nói rằng được một thánh thần mang tới, phía dưới viết hàng chữ "Chúa Trời sẽ trừng phạt tất cả những kẻ đã giết Paul Đệ nhất". Được tin, dân chúng kéo đến rất đông ở nhà nguyện có treo bức ảnh thánh trên và cho rằng như thế có thể có ảnh hưởng không tốt đến tâm trí Hoàng đế, Pahlen xin phép cho chấm dứt mưu mô của vị linh mục và được Alexandre chấp nhận. Linh mục bị đánh đòn và giữa lúc bị hành hạ, ông tuyên bố đã làm theo lệnh của Hoàng hậu, đưa ra bằng chứng rằng trong nhà nguyện của bà cũng có một bức ảnh giống như thế. Pahlen cho mở cửa nhà nguyện của Hoàng hậu, thấy có bức ảnh bèn lấy đem đi. Hoàng hậu có lý do cho việc ấy là một sự thoá mạ bà, liền kêu đến con trai. Alexandre chỉ tìm một cái cớ để đẩy Pahlen đi xa, không để lỡ dịp này. Ngay lúc ấy ông De Beckleckov được giao chuỷên cho Bá tước Pahlen, nhân danh Hoàng đế, lênh phải lui về vườn.
- Tôi đã chờ đợi điều này – Pahlen mỉm cười nói – hành lý của tôi đã được chuẩn bị trước rồi.
Một giờ sau Bá tước Pahlen gửi đơn lên Hoàng đế xin từ bỏ mọi chức vụ và ngay chiều hôm ấy ông lên đường đi Riga
Hoàng đế Alexandre lên ngôi khi chưa đầy hai mươi bốn tuổi. Người được nuôi dạy với sự giám sát của bà nội, Catherine, theo một chương trình tự bà đặt ra mà một trong những phần chủ yếu như sau: không dạy cho các Đại quận công trẻ thơ nhạc vì phải dành nhiều thì giờ mới có hiệu quả. Alexandre tiếp nhận một nền giáo dục chắc chắn và nghiêm khắc trong đó nghệ thuật hầu như bị loại trừ. Người thầy, ông La Harpe, do chính Catherine lựa chọn, trong triều người ta bảo ông thuộc cộng hoà cực đoan vì không chỉ là người Thuỵ sĩ mà còn là em của một vị tướng dũng cảm. La Harpe đã từng phục vụ trong quân đội Pháp, ông đúng là người đã in dấu cho học trò những đức tính độ lượng và thẳng thắn, đức tính rất quan trọng để trong cuộc đời còn lại, Hoàng đế đấu tranh được với những kỷ niệm thời ấu thơ. Việc lựa chọn của Catherine rất đáng chú ý nhất là trong một thời kỳ mà những ngai vàng đang lung lay vì núi lửa cuộc Cách mạng, Léopold chết, người ta nói bị đầu độc, Gustave bị ám sát và Louis XVI mang đầu lên máy chém.
Một trong những lời dặn chính của Catherine là tránh tạo cho những Đại quận công trẻ mọi ý nghĩ liên quan đến sự khác biệt giới tính và tiếp cận với tình yêu.Ông Pallas nổi tiếng giảng cho họ một ít về thực vật học trong các khu vườn hoàng gia, hệ thống Linné về giới tính của loài hoa, cách thụ phấn, gây cho những học trò tôn kính của ông một mớ câu hỏi khó trả lời. Protasov, người giám thị các Hoàng tử thấy cần báo cáo với Catherine, bà liền cho gọi Pallas đến, chỉ thị phải khéo tránh né những chi tiết về nhị đực, nhị cái. Chỉ thị ấy làm cho bài giảng thực vật học gần như không thể thực hiện được và sự im lặng của thầy giáo càng làm cho học trò hỏi nhiều hơn, lớp học bị gián đoạn. Tuy vậy một kế hoạch giáo dục như vậy không thể tiếp tục lâu dài và tuy Alexandre còn ít tuổi, hoàng gia cũng phải nghĩ đến việc cưới vợ cho Đại quận công.
Ba công chúa trẻ người Đức được đưa tới triều đình nước Nga để người bà tuyển chọn cho cháu. Catherine nghe tin họ đến Saint-Peterbourg, vội muốn gặp họ, bà cho mời họ vào hoàng cung, tư lự đứng ở cửa sổ để xem họ xuống xe. Một lúc sau xe đưa họ tới, cửa mở và một trong ba công chúa nhảy xuống trước, không bước theo bậc lên xuống.
- Không phải cô này – bà già Catherine lắc đầu nói – sẽ là Hoàng hậu của nước Nga thì hơi vội vã.
Công chúa thứ hai bước xuống, chân vướng vào áo dài suýt ngã.
- Cô này cũng không được, rất vụng về.
Cô thứ ba cuối cùng bước xuống, đẹp, oai vệ và nghiêm trang.
- Đây là hoàng hậu nước Nga – Catherine nói.
Đấy là Louise de Bade.
Catherine cho đưa các cháu tới trong lúc các công chúa còn ở đấy, nói bà quen biết mẹ của họ, nữ quận công De Bade-Durlach, nguyên là công chúa De Darustadt và do người Pháp chiếm nước họ, nên bà cho đưa họ đến Saint-Peterbourg để nuôi dạy. Một lúc sau hai Đại quận công được đưa về, trên đường họ nói chuyện nhiều về ba cô gái. Alexandre bảo cô chị cả đẹp, Constantin nói "Em thì không, em chẳng thấy cô nào đẹp cả. Phải đưa họ tới Riga cho các Hoàng tử Courlande, thích hợp với họ đấy".
Ngay hôm ấy Catherine biết ý kiến của cháu là thích cô gái mà bà dự tính, bà xem tình cảm non trẻ ấy phù hợp với ý định của bà là một ân huệ của Thượng đế. Thực vậy, Đại quận công Constantin đã nhìn không chuẩn vì công chúa cả ngoài dáng vẻ tươi mát, có mái tóc vàng xám rất đẹp và dài phấp phới trên đôi vai tuyệt trần, thân hình mềm mại uyển chuyển của một bài tiên vùng sông Rhine và đôi mắt to xanh của Marguerite, nhân vật của thi hào Goethe.
Ngày hôm sau Nữ hoàng đến thăm họ ở trong một lâu đài của Potemkine. Bà mang cho họ vải vóc, đồ trang sức và cuối cùng dây huân chương Sainte-Catherine. Sau một lúc nói chuyện, bà xem tủ quần áo của họ, sờ từng tấm áo. Quan sát xong bà hôn vào trán họ, mỉm cười nói "Các bạn, tôi không được giàu như các bạn khi đến Saint-Peterbourg".
Thật vậy, Catherine đến nước Nga trong tình trạng nghèo, nhưng không phải không có hồi môn, bà để lại một tài sản thừa kế: nước Ba lan và Tauride.
Cuối cùng công chúa Louise đã cảm nhận được tình cảm của Alexandre đôi với mình. Sau này Napoléon phải gọi Alexandre là người đẹp nhất và tinh tế nhất trong những người Hy lạp, chàng trai đầy duyên dáng và ngây thơ, tính tình hoàn hảo, rất hiền, độ lượng đến độ người ta có thể cho là hơi dè dặt. Vì vậy với tấm lòng trong trắng, cô gái Đức không che giấu thiện cảm đôi với Hoàng thái tử. Catherine tranh thủ sự hoà hợp ấy và chẳng bao lâu thông báo với hai người rằng số phận của họ sẽ dành cho nhau. Alexandre nhảy lên vui sướng và Louise khóc vì hạnh phúc.
Thế là người ta chuẩn bị cho đám cưới. Người vợ chưa cưới sẵn sàng làm tốt nhất những gì người ta đòi hỏi. Cô học tiếng Nga, thâm nhập tôn giáo Hy lạp, công khai lòng tin mới của mình, nhận xức dầu thánh lên đôi vai trần và đôi chân đẹp, được phong tước nữ Đại quận công với tên là Elizabeth Alkeseïevna, trước đây chính là tên của Nữ hoàng Catherine Alexis thời chuyện gái.
Mặc dù những dự kiến tốt đẹp của Catherine, đám cưới cuối cùng trở nên nỗi bất hạnh cho cả hai người.
Nỗi đau đớn sâu sắc của ông vua mới đôi với cái chết của người cha lây sang người vợ. Tuy không biết Paul, người vợ này đã khóc thương như là con gái của ông.
Lịch sử kể lại những trận đánh Austerlitz và Friedland, Tilstt và Erfurt, những năm 1812 và 1814. Trong mười năm Alexandre được ánh sáng của Napoléon soi rọi.
Trong mười năm ấy, ông vua vị thành niên trở thành người lớn. Những say mê hăng hái buổi đầu không có gì giảm sút. Nhưng tuy duyên dáng, tươi cười với phụ nữ, lễ độ, thân mến với nam giới, thỉnh thoảng trên vầng trán ông như phảng phất những đám mây u buồn: đấy là những kỷ niệm lặng im nhưng ghê gớm của đêm đổ máu mà ông đã nghe thấy tiếng hấp hối của người cha vùng vẫy. Dần dần càng lớn lên, những kỷ niệm ấy càng ám ảnh ông thường xuyên hơn, rồi trở thành một nỗi buồn không dứt. Người ta thấy ông cố gạt bỏ nó đi bằng những suy nghĩ và hành động. Ông mơ ước những cái cách và làm những chuyện điên rồ.
Alexandre được ông em của tướng La Harpe giáo dục, có một thiên hướng không tưởng, những cuộc du lịch sang Pháp, Hà Lan, Anh càng làm tăng thêm thiên hướng này. Những ý tưởng tự do thoát thai trong thời kỳ bị chiếm đóng và thay vì phải đàn áp chúng, Hoàng đế đã khuyến khích chúng. Cuối cùng việc bà De Krüdener tới tạo điều kiện cho triết lý bí ẩn giao lưu với thánh thần: Hoàng đế bị ảnh hưởng của hai luồng tư tưởng ấy vào thời gian tôi đến Saint-Peterbourg.
Về những chuyến đi, thì có cái gì đó thần kỳ đôi với những người dân Paris. Người ta tính Hoàng đế đã đi cả trong nước và ngoài nước khoảng năm mươi nghìn dặm. Và kỳ lạ là trong những chuyến đi ấy, ngày đến được ấn định ngay hôm đi. Năm trước cuộc hành trình của tôi, Hoàng đế đi Ukraine ngày 26 tháng tám, thông báo sẽ trở về ngày 2 tháng mười một và thứ tự sử dụng những ngày đi được định trước một cách chặt chẽ, không thay đổi đến mức sau khi vượt khoảng cách một nghìn tám trăm bảy mươi hai dặm, Alexandre trở về Saint-Peterbourg vào ngày đã định và hầu như đúng giờ đã định.
Hoàng đế đi những chuyến du lịch dài ấy không những chẳng có bảo vệ, hộ tống và thậm chí gần như đi một mình, và như người ta nghĩ chẳng có ai đi như thế mà không có những cuộc gặp gỡ hoặc những tai nạn bất thường. Trong một chuyến đi Phần Lan cùng Hoàng thân Pierre Volkouski, người đồng hành duy nhất, ngay lúc ông ngày vừa ngủ, chiếc xe của nhà vua leo lên một quả núi cao và đầy đất cát, xe đi lùi trở xuống vì quá nặng. Alexandre không đánh thức ông bạn đường, nhảy ngay xuống vần bánh xe cùng với người đánh xe và gia nhân. Trong lúc đó người đang ngủ giật mình vì hành động thay đổi đột ngột, thức dậy thấy chỉ có một mình mình trong xe, ngạc nhiên nhìn quanh và thấy Hoàng đế đang lau mồ hôi trán: xe đã lên đến đỉnh núi.
Trong một chuyến đi khác lên thăm các tỉnh phía bắc, Hoàng đế đi qua một hồ rộng gặp một cơn bão dữ dội. "Anh bạn" – Hoàng đế nói với người chèo thuyền – "trong một trường hợp như thế này cách đây gần một ngàn tám trăm năm, một đại tướng người La mã cổ đại đã nói với người lái: "Anh đừng sợ vì anh đang chở César và vận mệnh của Người". Ta ít đáng tin hơn César, ta chỉ nói với anh: Anh bạn, hãy quên ta là Hoàng đế, chỉ xem ta là một người như anh và cố cứu lấy cả hai". Người lái thuyền đã bắt đầu mất bình tĩnh vì trách nhiệm nặng nề đè nặng lên vai mình, lấy lại can đảm ngay và con thuyền do một bàn tay vững vàng điều khiển, cập bến an toàn.
Alexandre không phải bao giờ cũng may mắn như vậy và trong những lúc gặp nguy hiểm ít hơn, đôi khi lại bị tai nạn nghiêm trọng hơn. Trong chuyến đi cuối cùng torng các tỉnh vùng sông Đông, xe bị lật đổ mạnh và ông bị thương ở chân. Theo kỷ luật tự đề ra cho mình, Người muốn đảm bảo đến nơi vào ngày đã định, nhưng sự mệt mỏi và thiếu đề phòng làm tổn hại đến vết thương. Từ đấy chứng nhiễm trùng nhiều lần tái phát ở chân buộc Hoàng đế phải nằm nhiều tuần lễ và đi cà nhắc nhiều tháng. Chính trong thời gian ốm đau ấy, nỗi buồn chán càng gia tăng, thời gian ấy ông đối mặt với Hoàng hậu và trên khuôn mặt bà nét buồn bã và tái xanh được thay cho nụ cười, hầu như đã biến mất. Người cảm thấy một nỗi oán trách rõ rệt vì nỗi buồn và nét xanh xao ấy do Người tạo ra.
Cơn đau cuối cùng vào mùa đông năm 1824, thời kỳ hôn lễ của Đại quận công Michel và là lúc Constantin cho biết có một âm mưu đang tồn tại, người ta có thể đoán biết nhưng lại không biết rõ, gây ra những lo lắng nặng nề. Chính ở Tsarskoïe Selo, lâu đài ưa thích và càng thân thiết hơn khi Hoàng đế càng đắm mình vào nỗi buồn không vượt qua được. Sau khi dạo bộ một mình theo thói quen, Người trở về lâu đài bị nhuốm lạnh và cho mang bữa ăn tối lên phòng mình. Cũng đêm ấy chứng nhiễm trùng tái phát mạnh hơn những lần trước, kèm theo những cơn sốt và hôn mê. Ngay đêm ấy người ta chở Hoàng đế trong một chiếc xe đóng kín về Saint-Peterbourg. Một hội đồng bác sĩ khám nghiệm, quyết định cắt chân Hoàng đế để đề phòng bệnh hoại thư, chỉ bác sĩ Wyllie, phẫu thuật riêng của Hoàng đế là phản đối, lấy đầu của mình bảo đảm cho bệnh nhân. Thật thế, nhờ sự chăm sóc của ông, Hoàng đế khoẻ trở lại nhưng nỗi buồn càng tăng trong thời gian bị bệnh và do đó những buổi lễ hoá trang sau này đều rất buồn.
Vừa hồi phục, Người trở lại ngay Tsarskoï Selo, tìm đến cuộc sống quen thuộc. Mùa xuân Hoàng đế ở đấy một mình, không triều thần, không tướng tá, tiếp các bộ trưởng trong những ngày đã định trong tuần, cuộc sống như của một tu sĩ khóc than vì lỗi lầm thay vì của một Hoàng đế đầy quyền lực đem lại hạnh phúc cho dân chúng. Mùa đông vào lúc sáu giờ, mùa hè năm giờ, Alexandre thức dậy, tắm rửa, vào văn phòng, không chịu được sự lộn xộn ở đấy, luôn có một chiếc khăn vải mỏng gấp nếp và một hộp ngòi bút mới gọt. Hoàng đế bắt đầu làm việc, hôm sau không bao giờ sử dụng ngòi bút hôm trước dù chỉ mới dùng để ký tên. Xem xong công văn, ký xong, Người xuống công viên và mặc dù có tiếng đồn âm mưu phản loạn đã hai năm, Người vẫn đi dạo một mình, không có vệ sĩ đi kèm, ngoài lính gác lâu đài Alexandre. Đến năm giờ chiều Người trở về, ăn tối một mình và đi ngủ theo tiếng nhạc quân bảo vệ chơi dưới cửa sổ, những bản nhạc luôn được Người chọn lọc trong số những âm điệu buồn nhất, ru Người ngủ trong khung cảnh giống ban ngày đã qua.
Về phần mình, Hoàng hậu sống trong cô đơn sâu lắng, trông chừng Hoàng đế như một thiên thần vô hình, tuổi tác không dập tắt được tình yêu sâu sắc của bà đôi với chồng, nó vẫn luôn giữ trong trắng, vĩnh cửu mặc dù có nhiều sự không trung thành của chồng. Thời kỳ ấy bà đã bốn mươi lăm tuổi, nhưng thân hình còn mảnh mai dễ coi, trên khuôn mặt còn vết tích một sắc đẹp lộng lẫy bắt đầu phai tàn qua mươi năm đau khổ. Tóm lại bà trinh bạch như một vị thánh, không bao giờ người ta có thể bôi nhọ được bà, đến nỗi gặp bà ai cũng nghiêng mình, trước một tấm lòng phúc hậu cao cả hơn là quyền lực, trước một thiên thần bị đày xuống hạ giới hơn là trước một người đàn bà trị vì trên mặt đất.
Mùa hè tới, các bác sĩ đồng thanh quyết định cần có một cuộc đi du lịch để hoàn toàn khôi phục sức khoẻ cho Hoàng đế, tự xác định Crimée là nơi có khí hậu tốt để an dưỡng. Alexandre tiếp nhận phương pháp điều trị của các thầy thuốc một cách thờ ơ hoàn toàn. Cuối cùng vừa quyết định ra đi thì Hoàng hậu đề nghị và được phép đi cùng chồng. Chuyến đi đưa lại một đợt làm việc quá sức cho Hoàng đế vì ai cũng vội vã giải quyết công việc với Người cho xong, như thể rồi không gặp lại Người nữa vậy. Vì vậy trong nửa tháng Người phải dậy sớm, ngủ muộn nhưng sức khoẻ của Hoàng đế xem ra không bị suy nhược, trong tháng sau, sau một bữa tiệc chúc phúc cho chuyến đi cả gia đình hoàng gia tham dự. Người rời Saint-Peterbourg, có Hoàng hậu cùng đi, người đánh xe Ivan trung thành điều khiển xe, một số sĩ quan cận vệ đi theo dưới sự chỉ huy của tướng Diebitch.
Hoàng đế đến Tagnarog vào cuối tháng tám năm 1825, sau khi đi qua Varsovie dừng lại mấy ngày để dự lễ sinh nhật Đại quận công Constantin. Đấy là chuyến đi thứ hai của Hoàng đế tới thành phố mà ông thích và thường nói có ý định rút lui về đấy. Chuyến du lịch rất tốt cho Người và cho cả Hoàng hậu, người ta tổ chức thật tốt việc nghỉ ngơi của họ để thuận lợi cho việc chữa bệnh. Nói cho cùng việc yêu thích của Hoàng đế tới Taganrog chỉ được xác minh qua các cảnh vật sẽ được làm đẹp trong tương lai theo Người dự tính. Vì như lúc đó, thành phố nhỏ này trên bờ Azov có không đến một nghìn ngôi nhà bình thường chỉ một phần sáu bằng gạch ngói, còn lại là những căn nhà gỗ phủ rạ trát bùn. Đường phố rộng nhưng không được lát đá hay gạch, vừa mưa nước ngập đến đầu gối, ngược lại khi mặt trời và gió làm khô những nơi ẩm ướt, súc vật và ngựa chở sản vật đi qua, hắt lên từng cuộn bụi mà gió tung lên thành những lớp sóng dày, ban ngày cách nhau vài bước người ta không phân biệt được người hay ngựa. Bụi bay khắp nơi, trong nhà qua những khe hở hoặc những tấm chắn gió đóng kín, vào cả quần áo và nước uống.
Hoàng đế ở nhà Tỉnh trưởng trước pháo đài Azov nhưng hầu như không bao giờ có mặt ở đấy. Người ra đi từ sáng sớm và chỉ trở về vào bữa ăn, nghĩa là lúc hai giờ chiều. Cả thời gian Người đi bộ trong bùn hoặc bụi đường, lơ là những phòng bị mà ngay người dân địa phương cũng phải giữ gìn chống lại những bệnh sốt mùa thu mà năm ấy rất phổ biến. Mối quan tâm chính của Người là bản thiết kế và xây dựng một công viên lớn, việc do mg người Anh được gọi từ Saint-Peterbourg đến dang chỉ đạo. Ban đêm, Người ngủ trên một chiếc giường gỗ, gối đầu trên chiếc gối đá.
Một số người nói rằng những bận tâm bên ngoài chỉ nhằm che giấu một kế hoạch mật và Hoàng đế tới vùng địa đầu vương quốc này là để suy nghĩ cho một quyết định lớn. Những người này hy vọng đến một lúc nào đó từ nơi này sẽ ban hành một thể chế cho toàn nước Nga.
Tuy thế Taganrog chỉ là điểm trú ngụ của Alexandre, Elizabeth ở đấy một mình vì bà không chịu nổi những chuyến đi của Hoàng đế trong các tỉnh vùng sông Don, khi đến Scherkask, khi đến Donets. Ở đấy trở về, Người sắp đi Astrakhan thì Bá tước Voronzoff, người đã chiếm đóng nước Pháp đến năm 1818 và là tỉnh trưởng Odessa, đến đột ngột làm đảo lộn kế hoạch. Voronzoff đến báo cáo với Hoàng đế có những âm mưu lớn sắp nổ ra ở Crimée, chỉ có mặt Người mới lắng dịu được. Phải đi ba trăm dặm nhưng có nghĩa gì khi có những con ngựa lông bờm bù xù, có thể vượt đồng cỏ và rừng với tốc độ như mơ. Alexandre hứa với Hoàng hậu sẽ trở về trước ba tuần lễ và cho lệnh ra đi ngay sau khi người mang công văn đi Alupka quay trở lại.
Nhân viên bưu vụ trở về, mang theo những chi tiết về cuộc âm mưu. Người ta phát hiện không chỉ muốn lật đổ chính phủ mà còn muốn cả mạng sống của Hoàng đế. Nghe tin ấy Alexandre đưa hai tay ôm đầu, rên rỉ kêu lên "Ôi, cha ơi, cha ơi!"
Đang nửa đêm Hoàng đế cho đánh thức tướng Diébitch ở trong nhà bên cạnh đấy. Trong lúc chờ đợi Người tỏ ra rất lo lắng, sải bước trong phòng và thỉnh thoảng lại giường nằm rồi ngồi nhỏm dậy. Viên tướng vào, suốt hai giờ họ thảo luận và viết rồi sau đó có hai người mang chỉ dụ đi, một cho Phó vương Ba lan, một cho Đại quận công Nicolas.
Hôm sau Hoàng đế đã lấy lại được vẻ bình tĩnh thường ngày, không ai thấy được những dấu vết xáo trộn trong đêm. Tuy vậy, Voronzoff khi đến xin chỉ thị thấy Người trong tình trạng nôn nóng, khác hoàn toàn với tính tình dịu dàng quen thuộc. Người vẫn ra lệnh lên đường vào sáng ngày hôm sau.
Cuộc hành trình chỉ làm tăng thêm cơn đau tinh thần, từng lúc, điều chưa bao giờ có. Hoàng đế than phiền ngựa đi chậm và đường sá xấu. Nỗi buồn chán càng tăng nhất là khi bác sĩ Wyllie khuyên Người đề phòng gió lạnh mùa thu. Người vứt bỏ áo choàng, khăn cổ, như muốn tìm những nguy hiểm người ta khẩn nài phải tránh. Sự bất cẩn ấy mang lại hậu quả: một buổi tối Hoàng đế ho thường xuyên và sáng hôm sau đến Oriel thì bị một cơn sốt ngắt quãng, với thái độ ương bướng của người bệnh, chuyển sang cơn sốt thuyên giảm từng hồi mà chẳng mấy chốc bác sĩ Wyllie nhận ra là căn bệnh suốt mùa thu mang từ Taganrog đến Sébastopol.
Cuộc hành trình bị gián đoạn.
Alexandre như cảm thấy bệnh trầm trọng hơn, muốn gặp Hoàng hậu trước khi chết nên đòi quay trở lại Taganrog ngay lúc đó. Vẫn làm trái ý với những khẩn nài của Wyllie, Người đi ngựa một phần đường, nhưng không lâu chẳng thể ngồi lưng ngựa được nữa, lại phải lên xe tiếp tục đi. Cuối cùng, ngày 3 tháng mườ một Người trở về đến Taganrog, vừa vào đến lâu đài Tỉnh trưởng thì ngất đi.
Hoàng hậu, bản thân gần như chết dở vì bệnh tim, lúc ấy quên hết những cơn đau của mình, để săn sóc chồng. Cơn sốt nguy hại, tuy môi trường đã thay đổi, ngày càng có vẻ nặng hơn, đến ngày 8 triệu chứng đã trở nên trầm trọng nên ngài James Wyllie đòi phải có bác sĩ Stophiegen, bác sĩ riêng của Hoàng hậu phụ với mình. Ngày 13 hai bác sĩ hợp lực chống bệnh viêm não đang đe doạ làm phức tạp thêm căn bệnh, họ đề nghị Hoàng đế cho trích máu, Hoàng đế luôn luôn phản đối, chỉ đòi uống nước lạnh và khi người ta từ chối thì Người từ bỏ hết tất cả các việc khác. Đến bốn giờ chiều Hoàng đế bảo lấy giấy mực, viết một bức thư, đóng dấu, thấy ngọn nến đang cháy, Người bảo với anh hầu: "Anh bạn, tắt nến đi không người ta nghĩ là bạch lạp và tưởng ta đã chết".
Hôm sau, ngày 14, hai bác sĩ trở lại chăm sóc theo yêu cầu của Hoàng hậu nhưng vẫn vô ích vì Hoàng đế giận dữ đuổi họ đi. Tuy vậy gần như sau đó hối hận vì hành động thiếu kiên trì của mình, Người cho gọi cả hai người lại "Này – Người nói với Stophiegen – ta rất vui gặp ông và ông James Wyllie, nhưng ta báo trước ta từ bỏ niềm vui ấy nếu các ông làm ta vỡ đầu vì thuốc thang". Thế nhưng vào giữa trưa Hoàng đế đồng ý dùng một liều thuốc giảm đau.
Đến bốn giờ chiều, bệnh tiến triển đáng sợ đến mức phải gọi gấp một linh mục. Ngài James Wyllie theo yêu cầu của Hoàng hậu, vào phòng người hấp hối, lại gần giường Hoàng đế vừa khóc vừa khuyên nếu vẫn tiếp tục từ chối sự chăm sóc thuốc men, ít nhất cũng không nên từ chối những việc làm về tôn giáo. Hoàng đế trả lời Người chấp nhận những gì người ta muốn.
Ngày 15, lúc năm giờ sáng, linh mục nghe xưng tội được đưa vào. Vừa thấy ông, Hoàng đế giơ tay, bảo "Thưa cha, hãy xử sự với tôi như một con người chứ không phải như với một ông vua". Linh mục lại gần giường, tiếp nhận những lời xưng tội và ban phép thánh cho Hoàng đế.
Ông đã biết Alexandre từ chối dùng thuốc, tấn công điểm này về tôn giáo đối với người hấp hối, nói rằng nếu Người tiếp tục từ chối như thế sợ rằng Chúa trời sẽ xem cái chết là một việc tự sát. Ý nghĩ này tác động đến Alexandre một cách sâu sắc đến mức Người gọi Wyllie, bảo phó thác mình cho ông này muốn làm gì thì làm.
Wyllie cho áp dụng ngay hai mươi con đỉa hút máu trên đầu nhưng đã quá chậm. Người bệnh bị một cơn sốt hành hạ đến nỗi từ lúc này người ta bắt đầu mất hết hy vọng và gian phòng đầy người rên khóc, Elizabeth chỉ rời đầu giường người bệnh để nhường chỗ cho linh mục rửa tội và khi ông này đi ra, bà lại vào ngồi ngay ở chỗ quen thuộc.
Lúc hai giờ Hoàng đế có vẻ đau đớn gấp bội. Người ra hiệu cho người ta đến gần như để trao đổi một điều bí mật. Nhưng rồi lại đổi ý, Người kêu lên "Các ông vua đau khổ hơn những người khác". Rồi đột ngột ngừng lại, Người ngã ra trên chiếc gối dài, miệng lẩm bẩm "Chúng đã phạm một hành động ô nhục". Người muốn nói đến ai? Chẳng ai biết nhưng một số người nghĩ đấy là lời oán trách cuối cùng đối với những kẻ đã giết Hoàng đế Paul.
Trong đêm Hoàng đế mất hết cảm giác.
Hai giờ sáng tướng Diébitch nói đến ông già Alexandrovitch đã cứu được nhiều người Tatares về căn bệnh sốt rét mà Hoàng đế mắc phải. ngài James Wyllie đề nghị cho đi tìm người ấy và Hoàng hậu bám vào tia hy vọng ấy nên ra lệnh đến nhà ông già đưa ông đến ngay.
Trong thời gian này Hoàng hậu ngồi đầu giường người hấp hối, mắt nhìn mắt, lo lắng thấy cuộc sống đang lùi dần.
Chín giờ sáng ông già bước vào. Khó khăn lắm ông mới chịu đi, gần như phải dùng sức mạnh. Nhìn người bệnh, ông lắc đầu, khi người ta hỏi ông trả lời "Chậm quá rồi, vả lại những người tôi chữa khỏi không phải mắc bệnh này".
Lời nói ấy làm tan hy vọng cuối cùng của Elizabeth.
Thật vậy, đến hai giờ năm phút sáng, Hoàng đế tắt thở. Đấy là ngày mùng 1 tháng chạp theo lịch Nga.
Ngay từ ngày 18, lúc Hoàng đế trở về Taganrov,một công văn gởi cho Đại quận công Nicolas thông báo về tình trạng sức khoẻ kém của Hoàng đế. Tiếp đó ngày 21, 24, 27 và 28 tháng mười một, những chuyến thư thông báo mối nguy hiểm càng tăng làm gia đình hoàng gia rất buồn rồi một bức thư ngày 29 đưa tới một vài hy vọng.
Tuy hy vọng từ một bức thư như vậy rất mơ hồ, nhưng Hoàng thái hậu và Đại quận công Nicolas, Michel ra lệnh tổ chức một buổi "Lễ tạ ơn Chúa" vào ngày 10 tháng chạp ở nhà thờ chính Kazan. Dân chúng biết buổi lễ để mừng sức khoẻ khá hơn của Hoàng đế nên vui mừng đến dự chật cả khu vườn dành riêng cho họ.
Cuối buổi lễ Tạ ơn, giữa tiếng thánh ca ngân vang, người ta đến nói nhỏ với Đại quận công rằng một người đưa thư đến từ Taganrov muốn đưa tận tay Đại quận công bức thư cuối cùng. Đại quận công đứng dậy, theo sau viên tuỳ tùng, ra khỏi nhà thờ. Chỉ Hoàng thái hậu nhận thấy việc này và buổi lễ vẫn được tiếp tục.
Đại quận công chỉ nhìn bức thư đã biết tin tức thê thảm đến mức nào. Bức thư đóng dấu viền đen, có chữ viết của Elizabeth, chỉ có mấy hàng:
"Thiên thần của chúng ta đã về trời, tôi còn lay lắt trên mặt đất nhưng hy vọng chẳng bao lâu lên sum họp với Người".
Đại quận công cho gọi giáo chủ, đưa bức thư và nói uỷ nhiệm cho ông này báo tin cho Hoàng thái hậu rồi trở lại gần bà và tiếp tục cầu nguyện.
Một lúc sau, ông già vào giữa ban đồng ca, ra hiệu cho mọi giọng ca ngừng lại và sự im lặng của chết chóc bao trùm. Giữa sự chú ý và ngạc nhiên của mọi người, ông chậm rãi, rất nghiêm trang, bước tới bàn thờ, cầm chiếc thánh giá bằng bạc khối, trên đó một tấm vải đen phủ lên biểu tượng mọi đau khổ trên mặt đất và mọi hy vọng, lại gần Hoàng thái hậu đưa bà hôn chiếc thánh giá mang tang đen.
Hoàng thái hậu thét lên một tiếng, ngã đập mặt xuống nền nhà, bà hiểu người con trưởng của mình đã chết.
Còn Hoàng hậu Elizabeth, hy vọng đáng buồn bà ghi trong bức thư ngắn và cảm động chẳng bao lâu cũng được thực hiện. Khoảng bốn tháng sau khi Alexandre chết, bà rời Taganrov đi Kalauga, ở đây người ta vừa mua cho bà một ngôi nhà rất đẹp. Đi được một phần ba đường, bà cảm thấy yếu mệt, nên dừng lại ở Relovo, một thành phố nhỏ của tỉnh Kourks, tám ngày sau bà theo gót "thiên thần của bà lên trời".