Sau khi tan học, Chí Tường lẩn thẩn đi bộ ra khỏi trường, đầu óc chàng chứa đựng toàn hình ảnh điêu khắc. Vật liệu để điêu khắc có rất nhiều loại: bao gồm gỗ, đá, đồng, thiếc v.v... Hiện giờ chàng đang học chỉ là "nắn", chứ chưa phải là "điêu khắc". Dùng đất sét tạo thành khuôn mẫu, sau đó lại sửa đổi, lại gia công. Michelangelo và Bernini không phải làm như thế, họ dùng nguyên cả một viên đá hoa cương to tướng, đục, đẽo, gọt, dũa từng ly từng tí mà thành. Hiện nay trên thị trường tràn đầy những kiểu mẫu, được nhào nắn bằng bột đá hoa cương, từng hình tượng của những nhân vật thần thoại xa xưa, hằng hà sa số, những người du khách ngây thơ hí hởn mua về xem như báu vật, thế nhưng, đó không phải là điêu khắc, những hình tượng đó vô hồn, vô tình cảm, và càng không có sự thể hiện của "sức mạnh"!
Chàng mơ hồ nghĩ ngợi:
- Trong tất cả những vật liệu dùng để điêu khắc, đá hoa cương là một sự thách thức rất to lớn! Nếu như làm khuôn mẫu, thì đồng là vật liệu có thể biểu hiện được "sức mạnh" nhiều nhất, mình cần phải làm một tác phẩm bằng đồng mới được, lấy đề tài gì bây giờ? Thiếu nữ cưỡi ngựa!
Thiếu nữ cưỡi ngựa! Trước mắt chàng lại hiện lên hình ảnh của Đan Lệ, đôi mắt sáng rực của Đan Lệ, mái tóc ngắn tung bay theo gió của Đan Lệ, hình dáng hào phóng trên lưng ngựa của Đan Lệ dưới ánh trăng. Nàng con gái tràn đầy nét điên cuồng và sức sống hoang dại đó! Tiểu Lệ Chi! Tiểu Lệ Chi! Trái tim chàng cảm thấy đau thắt. Tiểu Lệ Chi! Tại sao chỉ trong khoảng thời gian một tuần ngắn ngủi, mà hình bóng em lại khắc sâu vào tim anh như thế này? Tiểu Lệ Chi! Chàng ngẩng đầu lên, nhìn nhìn vào khung trời buổi hoàng hôn, ráng chiều là từng lớp từng lớp mây sắc màu rực rỡ. Tiểu Lệ Chi, giờ này em đang ở nơi đâu? Thụy Sĩ? Thụy Sĩ có biết bao nhiêu là thành phố lớn, thành phố nhỏ, thế mà em không hề lưu lại một địa chỉ! Ồ! Chàng thở ra một hơi dài, cố gắng xóa đi hình bóng Tiểu Lệ Chi, không nghĩ đến nàng nữa, hãy nghĩ đến Chí Viễn và Ức Hoa thì hơn, hãy nghĩ đến đá hoa cương và đất sét nắn hình thì hơn!
Một thằng bé người Ý đi đến gần bên chàng, đưa tay ra cản chàng lại, chàng nhìn ra thằng bé đó, nó là con trai của ông chủ tiệm bán quán café ở góc phố, chàng vẫn thường ngồi uống café ở đó, ăn một miếng bánh mì Ý qua loa cho buổi trưa.
Chàng hỏi:
- Anthony, em có chuyện gì vậy?
Thằng bé con cười hì hì, đưa cho chàng một mảnh giấy, sau đó, nó nhoẻn miệng ra cười với chàng một cái, rồi chạy ào đi mất.
Chàng ngập ngừng mở tờ giấy ra, kinh ngạc thấy rằng, trong đó lại là một hàng chữ được viết bằng chữ Hoa, nét chữ rất xa lạ, hàng chữ viết thật đơn giản:
- Đợi anh ở đấu trường La Mã, có chút chuyện cần, xin đến ngay!
Không có tên tuổi, cũng chẳng có địa chỉ, tờ giấy này đến thật là thần bí! Chàng lật tới lật lui tờ giấy, suy tới nghĩ lui, nghĩ không ra ai là người đã viết tấm giấy này. Cuối cùng, chàng mới bàng hoàng nghĩ rằng, có thể là Ức Hoa. Chàng có rất ít cơ hội gặp Ức Hoa một mình, nếu như không có ông già Cao ở đó, thì cũng có mặt Chí Viễn ở đó. Nếu như Ức Hoa có đặc biệt đến tìm gặp chàng, thì hẳn phải là chuyện có liên quan đến Chí Viễn. Trong lòng chàng đã có hơi hiểu ra, thường ngày, trong thần sắc của Ức Hoa cũng đã có vẻ ngập ngừng, muốn nói nhưng lại thôi, ánh mắt nàng nhìn Chí Viễn bao giờ cũng chứa đầy tâm sự trùng trùng. Hẳn là thế nào cũng có chuyện gì đó liên quan đến Chí Viễn, hoặc có thể, nàng muốn minh định cho rõ ràng, quan hệ giữa nàng và hai anh em chàng chăng?
Nghĩ thông rồi, chàng bèn đi thẳng đến khu đấu trường xưa của La Mã.
Khu đấu trường xưa của La Mã, ở ngay trung tâm thành phố, theo truyền thuyết đã có hai nghìn năm lịch sử. Tòa kiến trúc vĩ đại đã hai nghìn năm này, nay chỉ còn trơ lại một khuôn thành đổ nát, tàn phai, cái vỏ hình vòng tròn phía bên ngoài vẫn còn, thế nhưng đã nghiêng đổ hết một nữa. Đi vào phía bên trong, là từng lớp từng lớp tường vôi đổ nát, tương truyền, những bức tường vôi đó vốn ở phía dưới nền đất, là chỗ để giam giữ những con sư tử hung hăng, thế nhưng, bây giờ, những bức tường vôi đó giống như một mê hồn cung rối mắt, loạn cuồng. Chung quanh vòng tròn, có những bậc thang có thể đi lên, chỗ nào cũng có những khung cửa hình vòng cung. Chí Tường đi vào đó, đã có cái cảm giác, nhất định là có người đã tìm cách đùa dai với chàng! Trong khu kiến trúc vĩ đại ngày xưa có thể chứa được năm, sáu vạn người này, đi đâu mà tìm một người hẹn không tên không tuổi bây giờ?
Chàng suy nghĩ một chốc, bèn đi lên phía những bức tường vôi, để cho mình hiển hiện ra ngay chính giữa đấu trường, đưa mắt nhìn dáo dác chung quanh, chàng không nhìn thấy một người nào bước ra vẩy gọi chàng. Chàng nhìn một vòng quanh đấu trường, đây không phải là mùa du lịch, khu đấu trường trơ trọi, trống trải, chỉ có vài thằng bé người Ý, xem khu đấu trường to lớn cũ xưa này là một sân chơi, chúng nó đang nhảy lên nhảy xuống trên những bậc thang.
Chàng dùng tay bắt lên miệng làm loa, kêu to lên ra bốn phía bằng tiếng Quan Thoại:
- Ai đang tìm tôi?
Nửa vòng tròn của khu đấu trường đổ nát, vang dội tiếng kêu của chàng:
- Ai đang tìm tôi?
Chàng hơi nhíu mày, ngần ngừ nhìn vào từng chỗ có tiếng kêu vang vọng. Thế là, đột nhiên, chàng nhìn thấy dưới một khung cửa hình vòng cung, có hình dáng nho nhỏ, màu đỏ của một người, đang ngồi trên bậc thang trơ trọi. Làm cho nguyên cả một khu đấu trường màu xám ngắt buồn thiu, như bừng sáng lên một đốm màu rực rỡ! Cách nhau quá xa, chàng nhìn không rõ mặt mũi của người đó, thế nhưng, trái tim chàng bắt đầu đập thình thịch lên như trống liên hồi, óc chàng lập tức thoáng qua một ý nghĩ điên cuồng, ý nghĩ điên cuồng này lại đưa tới một nỗi vui mừng cuồng nhiệt, mong đợi và phấn khởi! Có phải là nàng chăng? Có phải là nàng chăng? Chỉ có nàng mới có thể nghĩ ra cách gặp mặt kỳ lạ như thế này, chỉ có nàng mới có thể chọn khu đấu trường đổ nát làm nơi hẹn hò như thế này! Chàng phóng chạy như bay về phía hình người đó, chạy, chạy, chạy... chạy về hướng vầng thái dương rực rỡ, chói lọi hào quang, trái tim chàng bị nỗi vui mừng và mong đợi chất ngất, đầy ắp, chàng cảm thấy như mình vừa được tháp thêm đôi cánh, đang vung vẩy bay về hướng chiếc cầu vồng ngũ sắc long lanh. Chàng cảm thấy người mình nhẹ tênh như một sợi lông hồng, đang bay bay theo giấc mộng xinh đẹp làm say đắm lòng người.
Chàng nhìn thấy nàng rồi, rút cuộc chàng cũng đã nhìn thấy nàng rồi! Tiểu Lệ Chi! Chàng hả miệng hít vào một hơi thật dài, thật sâu, Tiểu Lệ Chi! Chàng mở miệng ra, kêu lên như điên cuồng:
- Tiểu Lệ Chi! Tiểu Lệ Chi! Tiểu Lệ Chi!
Nàng ngồi ở đó, mặc chiếc áo bằng lông trắng, quần dài màu đỏ, khoác bên ngoài chiếc áo khoác ngắn màu đỏ. Mái tóc ngắn của nàng bị gió thổi rối tung lên, rối bời bời trước trán và trên má. Nàng dùng tay chống cằm, ngồi ngẩn ngơ ở đó, yên lặng, không một cử động, nhìn chàng chạy như bay đến.
Chàng đã chạy đến bên nàng, dừng nhanh lại, thở hào hển, trừng mắt nhìn nàng. Gương mặt nàng trắng mịn, đôi con ngươi đen nhánh, thần sắc trang trọng, ngồi ở đó, trông nàng giống như một tượng đá hoa cương, một tác phẩm nghệ thuật được chạm trổ, điêu khắc thật hoàn hảo, thật tỉ mỉ công phu. Không hề có một chút hi hi ha ha của những ngày hai người mới quen nhau, cũng không hề có một chút nét hoang dại, điên cuồng của những lần hai người cùng đi chơi chung với nhau, trông nàng như đã biến thành một người khác! Biến thành một thánh nữ nghiêm túc, trang trọng, thần thánh và bất khả xâm phạm! Chí Tường ngẩng người ra, nhìn nàng trừng trừng.
- Tiểu Lệ Chi!...
Chàng khàn giọng kêu nàng, hơi thở vẫn còn đứt quãng:
- ...Có phải là em không? Tiểu Lệ Chi? Có thật là em đó không?
Nàng nhìn chàng trân trối, không một nháy mắt, đáy mắt nàng dần dần dâng lên một thoáng bi ai, tuyệt vọng, thần sắc nàng u uẩn, khổ sầu. Nàng lẩm bẩm nói:
- Không phải em.
Chàng ngớ người ra:
- Không phải em?... Tiểu Lệ Chi, em nói thế là nghĩa gì? Em sao vậy?
Nàng vẫn tiếp tục nhìn chàng, không chớp mắt, không di động, thanh âm nàng u uất, e dè, ngần ngại, yếu ớt:
- Đây làm sao có thể là em được? Từ trước đến nay, em không hề quan trọng hóa bất cứ một thứ gì trên cõi đời này cả, em không hề biết phiền muộn, em không hề biết u sầu, em thích chơi thích đùa thích phá, em không hề thật sự xem trọng bất cứ chuyện gì! Nhất là con trai! Thế nhưng, bây giờ em ngồi ở đây, giống một con cừu non đang chờ đến giờ bị cắt tiết, như một đứa trẻ lạc mẹ, không biết đường về... như vậy làm sao có thể là em cho được? Em không tin...
Nàng nhìn chàng ngẩn ngơ, ánh mắt nàng dâng lên một làn khói mỏng:
- ... Anh có tin không? Chí Tường? Vì một người con trai kiêu ngạo, tự cao, tự đại, chỉ quen biết trong một khoảng thời gian thật ngắn ngủi, thế mà em lại từ Geneva đơn thân độc mã tìm đến La Mã để gặp lại.
Chí Tường đứng chết trân ở đó, những lời nói đó là những dòng nhạc tuyệt diệu nhất mà chàng được nghe từ trước đến nay, tuyệt diệu đến độ làm cho người ta không dám tin! Gương mặt đứng trước chàng cũng là một tác phẩm nghệ thuật vĩ đại nhất mà chàng được thấy từ trước đến nay, vĩ đại đến độ làm cho người ta không dám tin! Chàng nhìn nàng trừng trừng, thật lâu, thật lâu, thời gian như ngưng đọng, như có hàng nghìn, hàng vạn năm, hàng nghìn, hàng vạn thế kỷ. Chàng nghe thanh âm của mình vang lên, khàn đục, mơ hồ, thảng thốt, lẩm bẩm:
- Ồ, không! Tiểu Lệ Chi, anh không tin...
Chàng lại hít vào một hơi dài, như muốn hớp thêm một chút dưỡng khí vào lồng ngực đã bị thắt lại vì xúc động, chàng nhìn nàng bằng ánh mắt huyễn hoặc, mơ màng:
- ... Anh không tin, anh không thể tin! Tiểu Lệ Chi, anh không bao giờ tin vào sự cầu nguyện, không tin ở phép lạ, em bảo anh làm sao tin cho được? Anh không tin! Anh thật sự không tin!
Đột nhiên, nàng từ chỗ ngồi đứng phắt dậy, đứng ở đó, đôi con ngươi đen lay láy của nàng lại bắt đầu bừng sáng, gương mặt trắng mịn của nàng lại bắt đầu có điểm sắc hồng, hơi thở bình lặng của nàng bắt đầu gấp rút lên.
Nàng mở miệng ra, kêu lên thật lớn tiếng, không kềm chế, không giữ gìn:
- Anh không tin! Anh không tin! Anh là một thằng ngố, thằng khùng, thằng điên! Nếu như anh đã từng cầu nguyện, anh không biết viết thư cho em sao? Anh không biết tìm em sao? Anh nhất định phải làm cho em trở thành thê thảm như thế này, một thân một mình đi đến La Mã! Anh hư lắm! Anh xấu lắm! Anh khùng lắm! Anh ngố lắm! Em ghét anh! Em hận anh! Hận anh vô cùng...
Chí Tường cũng kêu lên thật lớn tiếng:
- Khoan đã, Tiểu Lệ Chi! Em phải công bình một chút chứ! Em đi một cách sạch sẽ, gọn gàng, không để lại một địa chỉ! Anh làm sao viết thư? Thụy Sĩ có biết bao nhiêu là thành phố, bao nhiêu là con đường, bao nhiêu là căn nhà, bao nhiêu là góc phố! Thế nhưng, anh cũng đã viết thư cho em rồi đó, anh đã gửi cho em hằng hà sa số thư rồi đó...
Nàng kêu lên thật to:
- Thư anh gửi đi đâu?
- Gửi đến cho em!
- Em không hề nhận được!
Chàng kêu lên không hề suy nghĩ:
- Em đã nhận được rồi, nếu không, em đã không đến! Mỗi ngày anh gửi một lá thư cho em! Tính đến nay, anh đã gửi đi ba mươi ba lá thư rồi, vì, chúng ta xa nhau cũng vừa đúng ba mươi ba ngày!
Nàng cắn cắn đôi môi, nhìn chàng thật sâu, thật sâu, nước mắt nhanh chóng dâng đầy đôi tròng mắt nàng, đôi môi nhỏ của nàng run rẩy, hơi thở nàng nặng nề, cuối cùng, nàng bật kêu lên một tiếng thảng thốt, bàng hoàng:
- Chí Tường!
Nàng nhào ngay vào lòng chàng, chàng ôm chầm ngay lấy nàng, lập tức, chàng xiết chặt nàng vào lòng theo phản ứng tự nhiên. Cái thân hình nhỏ bé, mềm nhũn của nàng, tựa sát vào người chàng, đôi mắt nàng nhìn chàng, van nài, nóng bỏng và long lanh ngấn lệ. Chàng cúi đầu xuống, đôi môi chàng tìm lấy đôi môi nàng, quấn quýt, luyến lưu. Nàng nhắm nghiền đôi mắt lại, những giọt lệ tuôn ra từ khe hở của hai vành mi cong vút, chảy dài xuống đôi gò má, lăn vào miệng của cả hai người.
Trái tim chàng đập liên hồi, thình thịch, mạnh mẽ trong lồng ngực, mạnh đến độ như thể muốn nhảy ra khỏi người chàng. Đôi môi chàng áp lên đôi môi mềm mại đó, miệng chàng nếm được vị mằn mặn của những giọt nước mắt nóng hổi của nàng. Cuối cùng, chàng ngẩng đầu lên, đặt mái tóc rối bời bời của nàng sát vào lồng ngực của mình, chàng dùng chiếc cằm của mình, tựa nhẹ vào đầu nàng, dịu dàng, che chở, thương yêu, chàng lẩm bẩm những lời dịu ngọt, nhẹ nhàng:
- Tiểu Lệ Chi, em không biết những ngày tháng vừa qua, anh đã sống một cách khổ sở biết mấy! Em không bao giờ biết rằng, em đã cho anh bao nhiêu dày vò, đau đớn!
Nàng run rẩy trong lòng chàng:
- Bây giờ em đã biết rồi. Trái tim anh đang nói chuyện với em, nó đang nhảy dữ lắm đây!...
Nàng đặt tai mình sát vào ngực chàng:
- ... Em thích nghe nhịp tim đập của anh, em thích đến độ phát cuồng lên được! Ồ, Chí Tường, anh đừng nên cười em, có một khoảnh khắc như thế này, nổi đau khổ của ba mươi ba ngày vừa qua cũng đã được bù đắp lại rồi! Ồ, anh đừng cười em không biết xấu hổ, em muốn được chui vào lòng anh mãi mãi như thế này, suốt đời, suốt kiếp!
Nàng như một ngọn lửa hừng hực cháy, mạnh mẽ, bừng bừng. Bản thân chàng cũng là một ngọn lửa cháy hừng hực, bừng bừng, thật nhanh chóng, hai ngọn lửa nhập lại làm một, cháy đỏ một góc trời. Chàng nói như mê mang:
- Ồ! Tiểu Lệ Chi, suốt cả cuộc đời này của anh, anh sẽ không bao giờ buông em ra nữa, không bao giờ anh buông em ra nữa đâu!
Nàng ngẩng đầu lên, nhìn thẳng vào chàng, ráng chiều nhuộm hồng gương mặt nàng, ánh sáng lóng lánh của buổi hoàng hôn nhảy múa trong đôi con ngươi nàng.
Nàng hỏi thật thành khẩn:
- Những lời anh nói là sự thật chăng? Anh thật sự sẽ không buông em ra nữa chăng?
Trái tim chàng nhảy "đùng" một cái, lý trí trong khoảnh khắc đó, thoáng qua ngay óc chàng, phảng phất đâu đây, hình như có một cái gì đó không ổn, phảng phất đâu đây, gương mặt của Chí Viễn đang đứng ở xa xa nhìn thẳng vào chàng... thế nhưng, ánh mắt của Đan Lệ trong vắt như suối nguồn tinh khiết, thân hình nhỏ bé của Đan Lệ mềm mại, nhẹ tênh, hơi thở của Đan Lệ thổi vào mặt chàng nóng hổi, thơm tho, giọng nói của Đan Lệ thanh tao, quyến rũ và những lời thố lộ tâm tình nồng nhiệt kia của nàng, có một lực lượng kinh thiên động địa... cái lực lượng đó đã phủ trùm lên hết cả những thứ khác. Chàng chăm chú nhìn nàng, trên gương mặt mịn màng đó vẫn còn lóng lánh những giọt nước mắt, chàng hôn đi những giọt lệ đó, rồi lại rung động ôm nàng vào lòng.
Chàng kêu lên xúc động:
- Đúng vậy, đó là những lời thật! Tiểu Lệ Chi! Đó là những lời thật! Làm sao anh có thể buông em ra cho được? Em là nghệ thuật của anh! Là niềm vui và hạnh phúc của anh! Buông em ra, cũng bằng như buông ra tất cả!
Nàng nói thật nhẹ:
- Như vậy, bây giờ em đã lén bỏ nhà trốn đi, anh dự định là sẽ để cho em ở đâu đây?
Chàng giật nảy mình kinh hoảng, đẩy nàng ra, nhìn nàng chăm chú:
- Cái gì? Bỏ nhà trốn đi? Ba mẹ em không biết là em đến La Mã sao?
- Ba mẹ em biết, em có để tờ giấy lại trên bàn, trong tờ giấy viết: Con đến La Mã học âm nhạc. Chỉ có vậy thôi!
Chàng trầm ngâm suy nghĩ. Nỗi vui mừng to lớn và cuồng nhiệt của cuộc gặp gỡ khi nãy đã bị vấn đề thiết thực trước mắt đè nén xuống, tất cả những vấn đề không muốn suy nghĩ, không thích suy nghĩ đều xuất hiện đồng loạt trong đầu chàng. Đời sống của mình vẫn còn đang dựa vào sức lao động của anh Hai, làm sao sắp xếp cho Đan Lệ đây? Nàng con gái xuất thân từ một gia đình phú quý, giàu sang, không hề biết đến những sầu khổ của nhân gian! Niềm vui từ trong ánh mắt chàng dần dần biến mất, chàng bất giác ngồi phệch xuống những bậc thềm cao, dùng tay lùa lùa vào mái tóc mình một cách vô ý thức. Trong lòng chàng như có một mớ chỉ rối nùi, gút mắc, không làm sao tìm ra được đầu mối.
Đan Lệ nói thật nhỏ nhẹ:
- Ồ! Anh sợ rồi phải không? Anh không hề có cách gì sắp xếp chỗ ở cho em, phải không?
Chàng thẳng thắn ngẩng đầu lên, quyết tâm nói rõ sự thật:
- Đúng vậy, Tiểu Lệ Chi! Để anh nói rõ cho em nghe tất cả những sự thật, em có khinh khi anh cũng được, bỏ anh mà đi cũng được. Anh không có cách gì sắp xếp chỗ ở cho em! Tuy rằng anh đi học ở La Mã, thế nhưng, anh không giống như em đã tưởng tượng, anh không phải là con cái của gia đình quý phái giàu sang. Gia đình của anh nghèo lắm, sự xuất ngoại của anh Hai anh và anh, đều làm cho cha mẹ anh mắc nợ, hiện nay, tất cả những phí tổn sinh hoạt và học phí của anh, đều trông cậy vào sức lao động của anh Hai anh mà ra! Em có thể vì một lúc hứng thú, nhét nguyên một xấp tiền vào tay của ông phu xe ngựa, đổi lấy khoảnh khắc cười vui, thoải mái, còn anh? Anh có thể vì muốn tiết kiệm vài trăm Lira, mà bớt lại một bửa ăn trưa! Tiểu Lệ Chi, không phải anh muốn kể lể với em, càng không phải anh muốn than thở với em, mà chỉ vì em đã đến, đến vì anh, anh không thể không nói hết sự thật với em! Em hỏi anh làm sao để sắp xếp chỗ ở cho em, anh mong rằng anh có thể nói với em một câu như thế này: hãy lấy anh, anh sẽ xây cho em một hoàng cung, đặt cho em một chiếc xe ngựa bằng vàng, mua cho em một con bạch mã, để em có thể tự do rong ruổi, chơi đùa! Thế nhưng, anh làm không được, anh làm không được chuyện gì cả, cho dù ngay cả hôn nhân, trước mắt anh cũng không thể nào nói đến được! Trước khi sự học của anh hoàn thành, anh không cách gì cho em những lời hứa hẹn. Tiểu Lệ Chi, bây giờ, em cần phải mở to đôi mắt, nhìn cho rõ anh, xem anh có đáng để cho em bỏ nhà, bỏ cha, bỏ mẹ, đến để nương tựa vào anh? Nếu như anh làm em thất vọng...
Nét ưu sầu, nghiêm trọng và bi ai đè nặng lên đầu mày đuôi mắt chàng.
Nàng đã ngồi xuống bên cạnh chàng, đôi mắt mở to ra nhìn chàng trân trối, chăm chú lắng nghe những lời thố lộ của chàng, nghe đến đây, đột nhiên nàng đưa tay ra, bịt ngay miệng chàng lại, đôi mắt nàng mở ra thật to, thật to, giọng nàng vang lên, thật nhẹ nhàng, thật khẳng định, thật nồng nàn:
- Đừng nói nữa, Chí Tường, em đã đến đây rồi. Em không muốn làm tăng thêm gánh nặng cho anh, tự em có thể sắp xếp chỗ ở cho em được! Em chỉ cần nghe một câu nói của anh!
- Câu nói gì?
- Anh có nghĩ đến em không? Anh có cần em không? Anh có muốn em ở lại không?
Chàng nhìn nàng, trân trối, chăm chú, miên man. Đôi tròng mắt chàng ướt đẫm:
- Em không cần phải hỏi anh những câu hỏi đó, phải không? Em có biết không? Niềm vui to lớn nhất cuộc đời anh, là cái khoảnh khắc anh phát hiện ra em ngồi ở dưới khung cửa hình vòng cung này đây!
Ánh mắt nàng sáng rực lên, giọng nói nàng chứa đầy xúc động, sôi nổi:
- Đủ rồi! Em sẽ ở lại! Cho dù anh có ra lệnh cho em đi, em cũng không đi!
Chàng nhìn nàng, tỉ mỉ, chăm chú, ráng chiều đang nhanh chóng chìm xuống, nguyên cả một khu đấu trường to lớn hình tròn, đều bị ánh nắng còn sót lại của buổi hoàng hôn, nhuộm lên đầy ắp, óng ánh như thơ như họa. Và gương mặt tỏa đầy ánh sáng của nàng, là một bài thơ trong những bài thơ, một bức họa trong những bức họa!
Châu Đan Lệ nói là làm ngay, ngày hôm đó, nàng dọn vào ở trong khu ký túc xá nữ. Nàng gọi điện thoại báo tin cho cha mẹ, sáng sớm ngày hôm sau, ông bà cùng nhau đi đến La Mã. Châu Bồi Đức là một người rất thực tế, từ trước đến nay, bao giờ ông cũng làm việc có kỷ luật, có quyết đoán, có kế hoạch, đồng thời vô cùng tỉ mỉ, chu đáo. Ông không bao giờ ngờ rằng mình lại sinh ra một đứa con gái giống như Đan Lệ! Không sợ trời, không sợ đất, tính tình lại có vài phần ngông cuồng, vài phần hoang dại, vài phần trẻ con, vài phần nganh ngạnh và một trăm phần trăm nhiệt tình, sôi nổi! Đứa con gái này, từ khi còn là một đứa trẻ thơ, đã làm cho ông bó tay thúc thủ. Con bé có đủ trăm phương nghìn kế, hàng muôn, hàng vạn thủ đoạn để đạt cho bằng được những gì nó muốn, luôn cả việc ăn vạ, vờ vịt, giả điên, giả khùng, con bé đều có thể làm được cả. Ông Đức biết rõ đó là thủ đoạn, thế nhưng không có cách gì cưỡng lại được! Còn về phần bà Đức, lại càng khỏi phải nói. Từ lúc còn bé, Đan Lệ đã biết rõ nhược điểm của mẹ, nàng chỉ cần chớp chớp mắt, là đã nhỏ ra được hai giọt lệ, nước mắt đoanh tròng, lấp la lấp lánh, dậm chân, mếu miệng nói một câu:
- Mẹ, Con sống để làm gì? Sống để làm con múa rối theo đúng những gì ba mẹ điều khiển hay sao? Nếu như con không thể sống theo đúng ý con, thôi thì mẹ hãy đem con nhét trở vào bụng mẹ cho rồi!
Đó là kiểu ăn vạ, từ khi còn bé, nàng đã biết cách ăn vạ. Thế nhưng, thần sắc nàng khi ăn vạ lại quá tội nghiệp, lại quá thê thảm, nó làm cho trái tim của bà Đức thắt lại, đau đớn. Làm sao bà không đầu hàng cho được? Từ nhỏ, không có một chuyện gì, cả hai ông bà có thể cưỡng lại được nàng!
Bây giờ, trong căn phòng nhỏ của khu ký túc xá, vở kịch cũ lại tái diễn. Ông bà Đức, lời ngon tiếng ngọt, khuyên nhủ van lơn cho nàng trở về Geneva. Còn nàng, ngồi trên giường, hai tay xếp vào chiếc váy đầm, mở thật to đôi mắt, cứ lắc đầu quầy quậy:
- Con không về! Ba mẹ có nói gì đi nữa, con cũng không về là không về!
Bà Đức nói:
- Đan Lệ, sự ngang bướng của con lần này có hơi quá đáng rồi đấy! Con thử nghĩ xem, bây giờ đâu phải là mùa tựu trường, con đi đâu để học âm nhạc? Trường nào chịu nhận con?
- Con học dương cầm ở trường xxx.
Ông Đức nổi giận kêu lên:
- Cái chỗ đó không phải là trường học! Đó chỉ là lớp bổ túc, nói trắng ra, đó là một loại trường học cắc ké! Nếu như con thật sự muốn học dương cầm, đâu cần phải đi đến La Mã làm gì, ba sẽ mướn giáo sư về nhà, chỉ để chuyên dạy cho con!
Đan Lệ vẫn cứ lắc đầu lia lịa:
- Con không muốn! Con muốn ở lại La Mã!
Ông Đức nói một cách rõ ràng, đơn giản:
- Thôi được rồi! Đừng có ở đó nói vòng vo tam quốc nữa, và cũng đừng lấy lý do là học dương cầm hay học cái này cái nọ làm gì, nói chuyện đàng hoàng với ba đi, thằng con trai đó tên là gì?
Đan Lệ giả vờ:
- Thằng con trai nào đâu?
Ông Đức lớn giọng:
- Thằng con trai mà con gặp lần trước ở La Mã! Cái thằng mà con đi chơi với nó suốt một tuần lễ đấy!
- Anh ấy à? Anh ấy tên là Trần Chí Tường!
- Hắn ta làm gì?
- Sinh viên du học! Anh ấy đang theo học ngành điêu khắc ở học viện Nghệ Thuật xxx.
- Học viện Nghệ Thuật xxx? Nhà hắn làm gì?
- Con không hỏi!
Ông Đức hỏi ngay vào vấn đề:
- Con vì hắn mà đến La Mã phải không?
Đan Lệ tránh né:
- Con không hề nói như thế!
Ông Đức cắn cắn răng, suy nghĩ:
- Thôi được rồi! Bây giờ con tìm hắn ta đến đây, ba cần phải nói chuyện với hắn một lần mới được!
Đan Lệ nhìn nhìn đồng hồ:
- Bây giờ à? Anh ấy không đến đâu!
Ông Đức nhíu chặt đôi chân mày:
- Như vậy nghĩa là gì?
Đan Lệ lắc lắc đầu:
- Bây giờ anh ấy đang có giờ học, ba muốn bảo anh ấy hy sinh giờ học để đến đây à? Còn lâu anh ấy mới làm như thế! Anh ấy là một con mọt sách!
Đôi mắt của bà Đức trừng lên thật to, thật to:
- Ý con muốn nói là, con thích một con mọt sách?
Đan Lệ nói:
- Cũng không hoàn toàn là con mọt sách, mà còn là con mọt họa, con mọt điêu khắc!
Bà Đức càng nghe càng kinh hoàng:
- Con muốn nói là... dù sao hắn ta cũng chỉ là con mọt! Con vì con mọt đó, mà đến La Mã này sao?
Đan Lệ ngậm chặt miệng, không nói một lời.
Ông Đức chú ý nhìn con gái, một lúc sau, ông nói một cách quả quyết:
- Như vậy thì khi nào ba có thể gặp hắn ta được?
Đan Lệ ngẩng đầu lên, ánh mắt nàng nhìn ông mang đầy nét van xin, cầu khẩn:
- Ba! Ba biết rằng, bao giờ con cũng có quy tắc trong đời sống, ba biết rằng, con sẽ không làm điều gì quấy, ba cũng biết rằng, con không hề xem chuyện gì là quan trọng, ba hà tất phải nhất định gặp anh ấy để làm gì?
Ông Đức hứ một tiếng:
- Ba biết thật à? Ba thấy rằng, chuyện gì ba cũng không biết. Con cũng đừng nên nói nhiều nữa, thu xếp hết đồ đạc, đi theo ba mẹ về Geneva ngay! Cái con mọt sách đó, nếu như hắn ta thật sự có tình cảm với con, hắn ta sẽ đến Geneva để tìm con mà thôi!
Đan Lệ nói:
- Còn lâu anh ấy mới đi à! Ngay cả xin phép nghĩ học một tiếng đồng hồ, mà anh ấy còn không chịu đây! Nói gì đến chuyện đi Geneva!
Bà Đức nói:
- Đối với một thằng con trai như thế, mà con còn theo hắn để làm gì? Con đừng có điên rồ như thế! Mẹ xem, người ta đối với con chẳng có gì cả, thế mà con lại hết lòng hết dạ chạy theo đến La Mã một mình, như vậy không phải là xấu hổ lắm sao?
Bà Đức nói thêm:
- Đan Lệ, con vừa xinh đẹp, vừa dễ thương, bọn con trai theo đuổi con sắp hàng dài dài, con không thể nào vì con mọt sách này mà làm chuyện điên rồ như thế! Bây giờ, con mau thu xếp đồ đạc theo ba mẹ về Thụy Sĩ ngay đi!
Đan Lệ nói:
- Nhất định phải về Thụy Sĩ à?
Ông Đức nói một cách nóng nảy:
- Nhất định phải về! Đan Lệ, con phải có lý trí một chút, ba có hằng khối công việc còn ứ đọng lại ở đó kia, ba phải trở về nhanh để giải quyết! Con đừng nên làm tăng thêm rắc rối cho ba nữa, con biết không?
- Nếu như nhất định bắt con phải về, thì con sẽ về!...
Đan Lệ giận dỗi đứng dậy, mở cửa tủ, nàng quơ quào một đống quần áo thảy mạnh lên giường, nói dấm dẳng:
- ... Về đến nhà xong, chuyện thứ nhất con sẽ làm là tự tử!
Bà Đức kêu lên:
- Đan Lệ! Đừng nói bậy!
Gương mặt Đan Lệ bậu lại, nàng nói thật nghiêm trang:
- Cái gì mà nói bậy! Tự do hay là chết!
Ông Đức lỡ khóc lỡ cười nhìn vợ:
- Thấy chưa! Cũng tại bà chìu chuộng nó quá mà ra nông nổi này! Con hư tại mẹ mà! Càng lúc nó càng quá quắt lắm!
Bà Đức trả đũa:
- Tại tôi chìu nó à? Hay là tại ông chìu nó? Từ lúc con bé còn nhỏ, tôi vừa mới nghiêm nhặt với nó một chút, ông đã nói: để cho nó tự do phát triển, để cho nó tự do phát triển! Đấy, tự do phát triển đấy! Bây giờ, nó đòi tự do, ông lại đổ lỗi cho tôi!
Đan Lệ len lén theo dõi thần sắc của cha mẹ, sau đó, nàng nhào ngay đến bên ông Đức, đưa tay ra câu lấy cổ cha, thân mật đặt gò má của mình tựa vào gương mặt ông, nàng nói bằng một giọng thật dịu dàng, thật ngọt ngào, vừa cầu khẩn, vừa nũng nịu:
- Ba, ba là người cha tốt nhất trên cõi đời này, ba là người cha tiên tiến nhất trên cõi đời này, ba là người cha hiểu rõ con cái nhất trên cõi đời này! Tất cả các ông cha trên thế giới này đều là bạo chúa, chỉ có ba là người biết rõ tâm tình của người trẻ tuổi nhất! Ba xem, con năm nay cũng đã hai mươi tuổi rồi! Ba không thể nào cứ để con vĩnh viễn sống dưới gối cha mẹ hoài được, phải không? Con cũng cần phải học cách sống độc lập chứ! Khi ba hai mươi tuổi, không phải ba đã tự mình đi Cambridge học rồi sao? Ông nội nào có rượt theo ba đến Cambridge để bắt ba lại đâu?...
Nàng hôn nhẹ lên gương mặt cha, lại nhìn ông, nhoẽn miệng cười xinh xắn:
- ... Ba, ba thường hay nói câu thành ngữ, cái gì mà tự mình a... tự mình không muốn... thì... a... đừng làm... đừng làm cho người khác... gì đó mà...
Ông Đức sửa lại:
- "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân!", nói cái gì mà mình không muốn! Chữ nghĩa của con bỏ đi đâu hết rồi?
Đan Lệ như thể mới vừa vỡ lẽ ra, nàng nói một cách khoa trương:
- Ồ! "Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân" à? Làm sao mà con nhớ cho hết đuược? Ai mà có trí nhớ tốt được như ba đâu? Tiếng Tàu, tiếng Tây gì cũng nhớ hết cả như thế!...
Nàng đưa tay ra gõ gõ vào đầu, gật ga gật gù đọc lên như thể trả bài:
- Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân! Kỷ sở bất dục, vật thi ư nhân! Điều gì mình không muốn, thì đừng làm cho người khác! Không thể nào quên được mấy câu này nữa nhé!
Ông Đức không nhịn được cười, ông vừa cười vừa nói:
- Thôi được rồi, Đan Lệ, đừng nên ở đó đóng kịch với ba nữa! Ba xem, ba không có cách gì trị con hết cả! Con đã quyết định là sẽ ở lại La Mã rồi, phải không?
- Dạ!
Ông Đức liếc nhìn con gái, cười cười:
- Con chuẩn bị "độc lập" luôn nữa, phải không? Như vậy, con cũng chẳng cần ba "tiếp tế" gì cho con nữa hết, phải không?
Đan Lệ hơi nhướng nhướng đôi chân mày, mím mím môi:
- Con cũng có thể tự mình đi làm việc vậy, nếu như ba mẹ nỡ nhẫn tâm để cho con đi làm! Phòng trà ca vũ nhạc ở phía bên kia đường đang tìm nữ tiếp viên kia!...
Giọng nàng kéo dài ra.
Bà Đức cũng cười, bà kêu lên:
- Đan Lệ! Chắc là kiếp trước ba mẹ thiếu nợ con! Thật là kỳ lạ, không thể nào hiểu nổi, tại sao ba mẹ lại sinh ra đứa con gái bướng bỉnh, ngang ngược như con được!
Ông Đức quyết định giảng hòa:
- Thôi được rồi, Đan Lệ, con muốn ở lại thì cứ ở lại, con muốn học dương cầm thì cứ học dương cầm! Còn về tiền bạc? Con muốn bao nhiêu, cứ lấy mà dùng, ba không muốn con xài tiền của thằng con trai đó! Ba biết, bọn đi học ở cái trường quý tộc đó, toàn là bọn con ông cháu cha, phong lưu công tử mà thôi! Đan Lệ, chỉ cần con biết phân biệt được trắng đen là đủ rồi!
Đan Lệ hơi cong cong vành môi lên, không nói tiếng nào. Ông Đức nói tiếp:
- Đan Lệ, con vẫn giữ ý định không muốn cho ba gặp tên con trai đó bây giờ hay sao?
Đan Lệ cúi đôi mi cong nhìn xuống đất:
- Ba, ba biết tính của con mà, bây giờ ba gặp anh ấy, có lẽ còn hơi quá sớm. Vả lại, ba... ba bận quá. Còn anh ấy? Anh ấy cũng bận!
- Bận đến độ không có thì giờ đến gặp ba, chỉ có thì giờ gặp con à?
Bà Đức kêu lên:
- Ông này! Ông sao mà hồ đồ đến thế, người ta gặp con gái ông là một sự hưởng thụ, gặp ông để làm gì? Thôi được rồi, tôi cũng không nhất quyết phải gặp hắn làm gì, con bé này của chúng ta không biết đâu mà lường được, ba hôm bốn bửa nó chán rồi chia tay với người ta, có gặp cũng phí thì giờ mà thôi!
Ông Đức nói:
- Thế nhưng, con gái mình vì người ta mà đơn thân tìm đến La Mã, mà thằng kia mặt mũi như thế nào, mình cũng không biết!
Đan Lệ hơi chu môi lên nói:
- Ba mẹ có gặp anh ấy rồi! Lần trước mình đến La Mã, cái người ở trong bản tàng viện vẽ bức tượng "Chụp bắt" đấy mà!
- Chụp bắt?...
Ông Đức lục lọi lại trí nhớ. Phảng phất đâu đây, hình như ông nhớ có một người thanh niên dáng dấp cao ráo, mạnh khỏe, gương mặt trông khá khôi ngô:
- ... Chụp bắt? Ba xem, hắn đang chụp bắt con gái của mình thì có!
Một câu nói giỡn, kết thúc màn tranh chấp giữa hai cha con. Thế là, họ quyết định như thế, Đan Lệ ở lại La Mã một mình, buổi chiều hôm đó, vợ chồng ông Đức bay trở về Thụy Sĩ. Dù sao, là những người hấp thụ nền giáo dục Tây Phương, phương pháp giáo dục con gái của vợ chồng ông Đức là để cho nó được tự do quyết định. Buổi tối, trong căn phòng nhỏ của Đan Lệ, khi nàng ba hoa chích chòe, thêm mắm thêm muối vào để diễn tả lại màn tranh chấp giữa nàng và cha mẹ vào ban sáng cho Chí Tường nghe, Chí Tường lại cảm thấy bất an, chàng hơi chau đôi chân mày:
- Tiểu Lệ Chi, anh lại cảm thấy rằng, anh cần phải gặp ba mẹ của em!
- Tại sao?
- Để nói với ông bà rằng, anh không có ý "Chụp bắt" em!
Đan Lệ mở to đôi mắt, nhìn chàng một cách ngây thơ:
- Thế nhưng... em lại rất muốn anh "Chụp bắt" em!
Chí Tường kêu lên, cảm xúc tràn đầy:
- Ồ, Tiểu Lệ Chi! Em thật là không biết xấu hổ! Anh chưa bao giờ gặp một người con gái nào thẳng thắn và nhiệt tình đến như em!
Đan Lệ hơi nhướng nhướng đôi chân mày, liếc chàng một cái:
- Trong tình yêu cần phải xấu hổ hay sao? Những cô bạn gái trước đây của anh, đều xấu hổ cả hay sao?
Chàng nói:
- Tin hay không tùy em, em là người bạn gái đầu tiên của anh! Ý của anh muốn nói là, tình yêu đầu tiên!
- Thật vậy sao?...
Nàng hỏi lại, ánh mắt nàng mơ mơ màng màng:
- ... Anh biết anh là người bạn trai thứ mấy của em không? Ý em muốn nói cũng là... tình yêu!
Chàng dùng tay bịt miệng nàng lại, sắc mặt chàng trắng nhợt, chàng nói:
- Không cần phải nói với anh làm gì! Anh không muốn biết đâu!
Nàng vùng ra khỏi tay chàng, nhìn thẳng vào chàng, ánh mắt nàng thẳng thắn, thành thật:
- Tin hay không tùy anh, anh cũng là người đầu tiên!
Chàng hơi chấn động một chút:
- Thật sao? Anh nhớ em có nói với anh, em có rất nhiều bạn trai!
- Nhưng không có một ai là thật sự cả.
- Vậy sao?
- Thật vậy. Ít nhất, không có một người nào có thể làm cho em từ Thụy Sĩ đơn thân độc mã tìm đến La Mã!
- Không gồm cả những người làm cho em từ La Mã tìm đến Thụy Sĩ? Hay là từ Paris tìm đến Amsterdam? Hoặc từ Hongkong tìm đến Âu Châu?...
- Anh...
Nàng chụp lấy một sợi dây nịt da, quất túi bụi lên đầu lên cổ chàng:
- ... Anh nghĩ em là cái gì? Loại đàn bà chuyên môn đi khắp thế giới để tìm đàn ông chăng? Anh là đồ vong ân bội nghĩa, đồ vô lương tâm, anh ăn hiếp người ta... anh...
Chàng đưa tay chụp ngay lấy nàng lại, đẩy nàng té nằm lên giường, dùng đôi môi mình đậy đôi môi nàng lại:
- Tiểu Lệ Chi, thế nào rồi cũng có một ngày, anh phải đến gặp ba mẹ của em, tại vì anh muốn có em.
Nàng run lên nhè nhẹ:
- Nếu như anh thật sự có lòng với em, đợi đến khi anh nghĩ hè, anh theo em về Thụy Sĩ gặp ông bà. Chứ bây giờ, cho anh và ba mẹ em gặp nhau còn hơi quá sớm, tại vì, cả hai bên đều không có những chuẩn bị tâm lý trước!
- Nghỉ hè?...
Chàng hơi ngớ người ra. Nghĩ hè có rất nhiều chuyện phải làm, nghĩ hè có rất nhiều kế hoạch phải thực hiện, nghĩ hè còn có chuyến đi du lịch ở Geneva, nghĩ hè còn phải đi làm...
Đan Lệ nói bằng một giọng tỉ mỉ, dịu dàng, khuất phục:
- Em biết là không có cách gì làm cho anh bỏ những ngày đi học của anh, nên em đành phải chìu theo anh vậy. Còn có cách nào khác hơn nữa đâu? Coi như... cái số của em mắc nợ anh vậy!
Nghĩ hè? Nghĩ hè là một con số chưa thể biết trước được! Chí Tường hơi ngẩng người ra, bối rối, đối diện với gương mặt đầy nét khuất phục, chìu chuộng của Đan Lệ, chàng cảm thấy cổ họng mình như nghẹn lại, nói không nên lời.
Mùa hè đã dần dần đến lúc nào không hay không biết!
Khoảng thời gian này, Chí Viễn vô cùng bận rộn, vì muốn lấy ra khoảng mười ngày nghĩ phép, nên chàng đành phải cố gắng làm thêm giờ cho thật nhiều, cố gắng làm việc cho thật nhiều. Thế nhưng, chàng làm một cách rất vui vẻ, nghĩ đến những ngày nghĩ phép sắp đến, cùng kế hoạch đi du lịch mà chàng đã vạch ra, là chàng cảm thấy cả người mình phấn khởi hẳn lên. Venice, không còn nhớ đã bao lâu rồi chàng không hề bước chân đến Venice! Du lịch, cũng không còn nhớ đã bao lâu rồi, chàng không hề đi du lịch! Chàng giống như một đứa học trò tiểu học sắp được dự buổi cắm trại lần đầu tiên trong đời, cứ nghĩ đến hai chữ "du lịch", là chàng lại cảm thấy tinh thần phấn khởi và hăng hái hẳn lên.
Thế nhưng, trong những ngày bận rộn túi bụi như thế, Chí Viễn cũng không quên để ý đến những sự biến đổi của Chí Tường. Trước nhất, thằng nhỏ trở nên không thích về nhà sớm nữa, thường thường, khi Chí Viễn tan sở trở về, Chí Tường vẫn chưa về nhà. Kế đó, trông Chí Tường càng ngày càng vui vẻ và mặt mũi càng lúc càng sáng láng hẳn ra, buổi sáng, khi Chí Viễn hãy còn nằm mơ mơ màng màng, mộng mộng mị mị, chàng đều có thể nghe được tiếng huýt sáo hoặc tiếng ca nho nhỏ của Chí Tường vang lên trong phòng. Thứ ba, Chí Tường bắt đầu thích làm đẹp, bắt đầu chú trọng đến y phục, mặt mũi của mình, ngày nào chàng cũng cạo râu nhẵn nhụi. Và trên người lúc nào cũng nghe phảng phất mùi nước hoa. Thứ tư, những tác phẩm điêu khắc của chàng tỉ mỉ và hoàn mỹ, khoảng tháng ba, chàng hoàn thành bức tượng đầu tiên, một thiếu nữ và con ngựa, thiếu nữ đứng tựa bên con ngựa, đưa tay âu yếm ôm lấy cổ ngựa. Tháng tư, chàng hoàn thành bức tượng điêu khắc thứ hai, tượng toàn thân một thiếu nữ, tóc ngắn, chân trần, váy ngắn, gương mặt mang đầy nét cười tràn trề sức sống. Tháng năm, chàng bắt đầu một tác phẩm khác, vẫn còn đang trong vòng uốn nắn, phôi thai, tác phẩm đó cũng là một thiếu nữ, một bức tượng đầu thiếu nữ - nàng thiếu nữ trong các tác phẩm đó, đều cùng là một người mẫu; tóc ngắn, chiếc mũi nho nhỏ, xinh xinh, đôi môi mỏng cong cong, chiếc cằm nhỏ hơi nhọn, và gương mặt mang đầy nét cười lém lĩnh, hoang dại và vui vẻ, ngây thơ.
Tất cả những vết tích đó đều đưa đến một mục tiêu, Chí Viễn càng lúc càng cảm thấy trong lòng bất an. Chàng cứ muốn tìm cơ hội để nói chuyện với Chí Tường một lần cho đàng hoàng, thế nhưng, không biết từ bao giờ, Chí Tường hình như đang cố ý lẩn tránh, không muốn nói chuyện với chàng.
Hôm ấy, là ngày sinh nhật của ông Cao, Chí Viễn phá lệ, xin nghĩ phép một hôm, đến nhà họ Cao dự bửa cơm tối. Trước đó, Chí Viễn đã liên tiếp nhắc nhở Chí Tường, là ngày đó phải cố gắng đến cho sớm, Thế nhưng, Chí Tường vẫn đến trễ, khi tất cả các thức ăn đều bày hết lên bàn, vẫn chưa thấy bóng dáng của Chí Tường đâu, Chí Viễn bắt đầu nổi dóa.
- Ức Hoa, chúng ta không đợi nó nữa, đợi nữa là thức ăn nguội hết cho xem!
Ức Hoa lặng lẽ nhìn Chí Viễn một cái, nói thật dịu dàng:
- Gấp làm gì anh? Đợi thêm một chút nữa đi! Thức ăn nguội rồi có thể làm nóng lại mà!
Chí Viễn chú ý nhìn Ức Hoa, lúc gần đây, trông nàng gầy sụt đi, tiều tụy hẳn đi, gầy đến độ cả người trông nhẹ tênh, và đôi mắt trông to hẳn ra, cộng thêm nụ cười trên môi nàng lúc nào cũng như có vẻ chua xót, rụt rè, mang theo một nét u sầu nhè nhẹ, làm cho dáng dấp nàng trông có vẻ tội nghiệp bội phần! Sao vậy? Tại Chí Tường đang từ từ xa dần nàng chăng? Nhất định là vì Chí Tường! Chí Tường ở đó vui vẻ, yêu đời, còn Ức Hoa ở đây, u sầu héo hắt vì tình! Chí Viễn cảm thấy trái tim mình đau nhói, buồn bực. Cộng lại tất cả những nghi ngờ về Chí Tường, ngay cả những bức tượng được các giáo sư trong trường của Chí Tường khen tặng là xuất sắc, đều trở thành những "chứng cớ" cho sự "phạm tội" của chàng. Chí Viễn nhìn thẳng vào Ức Hoa, không nhịn được câu hỏi:
- Ức Hoa, bao lâu rồi Chí Tường không đến đây vậy?
Ức Hoa trả lời một cách ngập ngừng:
- Cũng không có bao lâu đâu, em cũng không nhớ rõ nữa!
Trả lời gì mà kỳ vậy, trong lòng Chí Viễn cảm thấy vô cùng giận dữ, nhất định là Chí Tường đang kiếm chuyện đây mà! Trong lòng chàng bức rức, đang định nói gì đó, ông già Cao đi vào, nói bằng một giọng nhẹ nhàng, khuyên nhủ:
- Những người trẻ tuổi ấy mà, họ có thế giới riêng của họ, cậu là anh, cũng đừng nên chú ý, theo dõi cậu ấy quá, chỉ cần cậu ấy sống vui vẻ là được rồi!
Ông là ông già hồ đồ! Chí Viễn mắng thầm trong lòng, ông chỉ lo Chí Tường vui vẻ hay không vui vẻ, nhưng lại không lo con gái của ông gầy sụt đi kìa! Chàng trừng to đôi mắt, nhìn về hướng Ức Hoa, khi ánh mắt hai người giao nhau, đôi môi của Ức Hoa hơi động đậy một chút, hình như nàng đang định nói gì đó, thế nhưng nàng lại yên lặng nuốt trở vào bụng, cúi đầu xuống, mái tóc dài óng ả của nàng rủ xuống, che đi một nửa gương mặt đột nhiên ửng đỏ của nàng. Thái độ ngập ngừng, muốn nói nhưng lại thôi đó của nàng, làm cho trái tim của Chí Viễn như có một gợn sóng ngầm dao động, cái tình cảm bất bình cho hoàn cảnh của nàng lại càng thêm mãnh liệt. Chí Tường, trong lòng chàng kêu thầm, cái thằng chết bầm này! Cái thằng ngố này! Trên cõi đời này, mày có thể đi đâu mà tìm được một người con gái hoàn hảo như thế này được nữa, chỉ có thằng ngố như mày, mới buông rơi một cuộc nhân duyên đẹp đẽ như thế này!
Chàng không nhịn được nữa, ngẩng đầu kêu lên:
- Mấy giờ rồi?
Ông già nói:
- Gần tám giờ rồi!
Chí Viễn kêu lên:
- Gần tám giờ rồi à? Chúng ta còn đợi gì nữa? Ăn cơm! Ăn cơm! Chẳng lẽ không có nó, chúng ta không ăn được sao?
Ức Hoa dọn chén đũa ra, lại lấy ra một chai rượu nho.
Chí Viễn kêu lên:
- Ức Hoa, khui chai Brandy đi!
Ức Hoa nói như năn nủ:
- Chí Viễn, uống một chút rượu nho thôi đi mà!
Chí Viễn xụ mặt xuống:
- Brandy! Hôm nay là ngày sinh nhật của bác Cao, em để cho chúng ta uống một bửa cho đã coi nào! Dù sao thì hôm nay anh cũng xin nghĩ một bửa rồi, có say cũng chẳng hề gì đâu. Bác Cao, bác nghĩ sao?
Ông già nhìn con gái, cười hề hề:
- Bé con, thôi thì con khui chai Napoleon đi vậy! Người Trung Hoa chúng ta có câu: "Tửu phùng tri kỷ thiên bôi thiểu!" (tạm dịch: rượu gặp tri kỷ ngàn ly cũng ít! - chú thích của người dịch), lại nói: "bất túy vô quy" (tạm dịch: không say không về - chú thích của người dịch), đêm nay, chúng ta hãy để cho Chí Viễn "bất túy vô quy" vậy! Cũng đã lâu rồi, cậy ấy không có một ngày nào say rượu cả!
Ức Hoa nói:
- Cái gì mà "bất túy vô quy", con không hiểu, con chỉ biết một chuyện là, nếu như thật sự mà say...
Ông già nói một cách phóng khoáng:
- Vậy thì chúng ta hãy để cho hắn "Túy dã vô quy" vậy! (Tạm dịch: say cũng không về! - chú thích của người dịch) Lỡ có uống say rồi, thì ngủ lại ở nhà chúng ta vậy! Ngày trước, nào phải hắn chưa từng say ở nhà chúng ta đâu!
Chí Viễn nhìn trừng trừng vào Ức Hoa:
- Đúng vậy, anh có nhớ, có một lần anh say quá sức, anh vừa khóc vừa cười ở đây suốt cả một đêm, báo hại em phải thức suốt đêm, ở đây săn sóc anh cho đến khi trời sáng!
Ánh hồng trên đôi gò má của Ức Hoa càng thêm đậm đà hơn nữa. Không nói thêm một tiếng nào, nàng đem đến một chai Napoleon đã lâu năm. Lặng lẽ mở nắp chai rượi, đổ đầy ly của ông già và Chí Viễn. Chí Viễn nâng ly lên, nói thật lớn tiếng với ông già:
- Bác Cao, càng già càng khoẻ!
Ông già cũng nói thật lớn tiếng:
- Chí Viễn, hãy học ở bác, tri túc thường lạc! (Biết là đủ thì sẽ vui! - chú thích của người dịch)
Cả hai cùng nâng ly lên tu một hơi cạn sạch. Ức Hoa vội vàng đưa tay ra chặn bình rượu lại:
- Ba, ba định uống với anh ấy cho say hay sao?
- Ức Hoa, thôi thì con hãy để cho ba và Chí Viễn, uống một bữa cho đã hôm nay coi nào!
Ông già tự mình lấy chai rượu, rót ra thêm cho mỗi người một ly đầy, Ức Hoa đành phải một mặt gắp thức ăn vào chén của hai người, một mặt nói:
- Nếu như đã muốn uống, thì đừng nên chỉ uống rượu suông, ăn thêm thức ăn nhiều một chút vậy!
Vài ly rượu vào bụng, cả ông già lẫn Chí Viễn đều đã chếch choáng hơi men, bác một ly, cháu một chén, cả hai uống một cách say sưa, thích thú. Đồng thời, cả hai người bắt đầu nói về những chuyện ngày xửa ngày xưa, xa lắc xa lơ, ông già nói về sinh hoạt của những ngày còn nhỏ, khi ông còn ở tỉnh Đông Bắc Trung Hoa, về những ngày lưu lạc tha hương trên đất khách; Chí Viễn nói về thời thơ ấu của chàng, nói về xứ sở Đài Loan của chàng, nói về "thằng em chỉ có một chút thiên tài" của chàng... đúng vào lúc hai người đang ở trong tình trạng nửa say nửa tỉnh, tiếng chuông ngoài cửa đột nhiên vang lên ting tong, ting tong... Chí Tường ôm một cái bánh sinh nhật bước vào. Đứng giữa phòng ăn, chàng nói bằng một giọng xin lỗi xen lẫn ngại ngùng:
- Xin lỗi mọi người, thành thật xin lỗi mọi người, tôi đến hơi muộn!
Ức Hoa đón lấy cái bánh trên tay chàng, nhanh nhẹn dọn thêm một đôi chén đũa cho chàng. Chí Viễn không khách sáo, chàng chụp ngay lấy phần áo trên ngực của Chí Tường, hơi thở dồn dập, hỏi bằng một giọng tra tấn:
- Em nói như thế là nghĩa gì? Đến hơi muộn! Ai cho phép em đến muộn? Ức Hoa, lấy một cái ly to ra đây, phạt cho nó một ly rượu trước đã!
Chí Tường vội vàng nói:
- Anh Hai, anh biết là em không biết uống rượu, phạt em chào ba cái được rồi, rượu, em uống không được đâu!
Chí Viễn nhét ly rượu của mình vào tay Chí Tường, nói bằng một giọng nhừa nhựa:
- Cần đếch gì biết uống hay không biết uống, em cứ uống cạn ly này đi! Uống để xin lỗi bác Cao và Ức Hoa!
Chí Tường vẫn còn muốn trả giá:
- Anh Hai!...
Chí Viễn sa sầm nét mặt, ngắt lời chàng, giọng nói càng nhựa hơn nữa:
- Chí Tường! Bây giờ em lớn lối rồi phải không? Em là sinh viên, sắp ra trường rồi! Cho nên em không còn coi thằng anh nghèo của em và bạn bè hắn ra gì nữa phải không?
- Anh Hai!
Chí Tường kêu lên kinh ngạc, nhìn Chí Viễn trân trối. Sau đó, chàng chụp ngay lấy ly rượu trên tay Chí Viễn, nâng lên về hướng ông già và Ức Hoa, nói bằng một giọng kích động:
- Nếu như tôi có giống như những lời anh Hai nói, thì tôi sẽ chết không có đất chôn!
Chàng ngửa cổ lên, nốc một hơi cạn sạch ly rượu đó, từ nhỏ đến lớn chàng chưa hề uống rượu mạnh bao giờ, ly rượu vừa xuống đến cổ, đã làm cho chàng ho lên sặc sụa, chàng cũng không thèm để ý đến, dằn lấy chai rượu, chàng lại đổ đầy một ly:
- Đừng nghĩ rằng sự hối lỗi của tôi không thành thật, nếu như đã muốn phạt, thì hãy phạt liên tiếp ba ly vậy!
Chàng lại cạn sạch thêm một ly.
- Chí Tường!
Ức Hoa kêu rú lên, chụp lấy chai rượu, nàng đưa mắt nhìn Chí Viễn:
- Chí Viễn, đêm nay, hai anh em anh phát khùng lên hết rồi hay sao? Hôm nay là sinh nhật của Ba, các anh đến để chúc thọ? Hay là đến để uống rượu?
Chí Viễn nhìn Ức Hoa một cái thật sâu, quay đầu lại nhìn Chí Tường cười hì hì:
- Thôi được rồi, cứ ép rượu em như thế này, sẽ có người đau lòng, nể mặt Ức Hoa, anh tha cho em vậy!
Trong lòng Chí Tường dâng lên một cảm giác nóng nảy, bồn chồn, thế là nghĩa gì? Chàng lập tức nói:
- Thôi đi, đừng nên nể mặt ai hết, em không gánh nổi đâu! Hãy cứ để em bị phạt rượu thì hơn!
Nét mặt của Chí Viễn lại sa sầm xuống:
- Chí Tường! Em đừng có không biết điều như vậy! Anh nói cho em nghe...
Giọng nói của chàng cất cao lên, rượu làm cho gương mặt chàng ửng đỏ, lửa giận làm cho đôi mắt chàng cháy đỏ, chàng nhìn trừng trừng vào Chí Tường, kêu lên bằng một giọng phẩn nộ:
- ... Em đừng nên nghĩ rằng thằng anh của em mù đui, câm điếc! Không hỏi gì đến chuyện của em! Lúc gần đây, sinh hoạt của em phóng túng, hoang đàng, anh đã muốn nói em lâu rồi! Em hãy nói cho thật, mỗi ngày em đều ở ngoài cho đến khuya lơ khuya lắc mới về, em làm cái gì vậy? Em thử ngửi trên người em xem, vừa có mùi nước hoa, lại có mùi son phấn, em đến La Mã, là để đi học, hay là để ăn chơi, mê say nữ sắc? Cái con nhỏ quyến rũ em đó, là con cái nhà ai thế? Nó rù quến em, là để làm gì? Nó có ý gì?...
Gương mặt của Chí Tường cũng đỏ ửng lên, đôi chân mày chàng dựng ngược lên, chàng giận đến độ cả người run rẩy, dùng tay vịn chặt vào thành ghế, chàng đứng chết trân ở đó:
- Anh Hai! Xin anh đừng nên sĩ nhục tình cảm của em! Xin anh tôn trọng Đan Lệ...
- Dolly! Quả nhiên! Có một đứa con gái như thế! Tên ngoại quốc! Em... em...
Chàng đưa tay chỉ vào Chí Tường, hơi thở hổn hển:
- ... Em bị bùa mê thuốc lú rồi! Em đi chơi với con gái ngoại quốc...
- Nàng tên là Đan Lệ! Nàng không phải là người ngoại quốc!
Chí Viễn hỏi tận mặt Chí Tường:
- Vậy là con gái người Trung Hoa?
- Là... là...
Chí Tường cứng miệng há hốc, chàng nói không nên lời. Chí Viễn kêu lên, giọng chàng sắc nhọn:
- A ha! Chẳng lẽ đó lại là con nhỏ không Đông không Tây, mà lại là Đông là Tây đó hay sao? Chí Tường! Em điên rồi! Em muốn chọc cho anh tức chết hay sao? Em không hề coi thằng anh này của em ra gì cả! Mà cho dù nó có là Dolly hay Đan Lệ gì đi nữa, cho dù nó có là người Trung Hoa, hay là người ngoại quốc, cho dù nó có là ma quỷ gì đi nữa, bắt đầu từ hôm nay, em phải lập tức cắt đứt quan hệ với nó ngay! Không được gặp nó nữa!
Chí Tường cũng kêu lên thật to:
- Anh Hai! Anh là anh của em, chứ anh không phải là chúa tể của đời sống em! Em nghĩ, em kết bạn với ai, không cần phải có sự đồng ý của anh! Anh cũng không có tư cách mà nhục mạ...
Chí Viễn nóng mặt, chàng cảm thấy giận dữ, đồng thời cảm thấy bị tổn thương. Chàng vỗ tay một cái thật mạnh lên bàn, nhảy dựng lên:
- Không có tư cách! Anh không có tư cách! Thật không ngờ, thằng em mà tôi khổ cực gầy dựng cho thành đạt, hôm nay lại nói với tôi rằng, tôi không có tư cách can thiệp vào chuyện của nó! Tốt lắm, tốt lắm...
Chàng gục gặt đầu, giận không thể tả:
- Được, được, anh không có tư cách, em cao quý, em có học thức, em là người quan trọng! Bảy giờ mời cậu ăn cơm, tám giờ rưởi cậu mới lê gót ngọc tới! Em là người vĩ đại, em là người phi thường, căn phòng nhỏ này của chúng ta không đủ chỗ để chứa nổi em đâu...
- Chí Viễn!...
Ức Hoa không nhịn được nữa, nàng đi đến bên Chí Viễn, nắm lấy bàn tay chàng, nhìn chàng dịu dàng, nước mắt đoanh tròng, nàng nói bằng một giọng cầu khẩn, van xin:
- ... Anh sao vậy? Chí Viễn? Chuyện có đáng để phải giận dữ như thế này sao? Anh thử nghĩ xem, hai anh em anh, từ trước đến nay vẫn có tình cảm tốt với nhau thế kia, tại sao lại để một chuyện nhỏ nhặt như thế này mà lớn tiếng cải nhau như vậy! Chí Tường vốn là sự kiêu hãnh của anh, niềm vui của anh...
Chí Viễn càng thêm xúc động:
- Sự kiêu hãnh của anh, niềm vui của anh! Ức Hoa, ngay cả em mà còn biết! Thế nhưng, nó có biết không? Chỉ e rằng, anh lấy nó làm niềm kiêu hãnh, làm niềm vui sống, còn nó, nó lại xem anh là một sự sĩ nhục, một sự bi ai của nó đấy thôi! Anh có tư cách gì mà can dự vào chuyện của nó? Anh có tư cách gì mà xen vào đời tư của nó?...
- Anh Hai!...
Chí Tường kêu lên, sự đau khổ, buồn rầu và bực bội làm cho chàng ngã quỵ. Chàng giải thích bằng một giọng cuống quýt, hoảng hốt:
- ... Em không có ý đó, anh đừng hiểu lầm em! Anh Hai, coi như em đã nói bậy! Anh đừng giận em, em xin lỗi anh được không?... Hay là, anh phạt em uống rượu vậy!
Chàng cắn cắn môi, cầm lấy chai rượu đưa lên miệng, tu một hơi vào cổ họng, bướng bỉnh như một đứa bé làm cho đã nư.
- Điên hết rồi! Tất cả đều điên hết rồi!...
Ông già giật lấy chai rượu trên tay của Chí Tường, đi đến bên hai người, ông ôm lấy mỗi người một bên. Người ông thấp nhỏ, đứng giữa hai người cao lớn, đầu ông chỉ ngang tới tai của hai anh em. Ông nói bằng một giọng tràn đầy tình thương yêu, thân ái, an ủi và thống thiết:
- ... Cả hai cháu đều là anh em thân thiết với nhau, bây giờ xa xứ sở quê hương, ở nơi xứ người nương tựa vào nhau, có chuyện gì đáng để cải nhau đâu? Cho dù có lúc có bất đồng ý kiến, cũng là vì muốn cho người kia được tốt đẹp hơn, có phải vậy không? Thôi được rồi, hai cháu hãy nể mặt bác, cùng nhau giảng hòa đi vậy!
Chí Tường áo não ngồi phịch xuống ghế, đưa hai tay khổ sở ôm lấy mặt. Chí Viễn nhìn thấy thái độ của em như thế, lại nghe ông già nói những lời khuyến cáo như đánh động vào tim, trái tim chàng bất giác thắt lại, trong nhất thời, cảm xúc tràn đầy. Nghĩ đến những lời trách móc của mình đã nói với em ban nãy, cũng có những chỗ ngang ngược, bá đạo vô cùng, lại lo lắng cho em chưa ăn gì, đã uống bao nhiêu là rượu mạnh vào bụng, sẽ làm cho cơ thể hư hao. Trong lòng chàng rối rắm, bồn chồn, kể sao cho xiết niềm hối hận, rất muốn nói với em mình hai câu gì đó để giảng hòa, thế nhưng đã "lỡ leo lưng cọp", có muốn xuống cũng cảm thấy ngượng ngùng, bèn đứng đực mặt ra đó, bần thần nghĩ ngợi.
Trong nhất thời, trong phòng vô cùng yên lặng, một lúc sau, ông già mới vỗ vỗ hai tay vào nhau, kêu lên rằng:
- Ức Hoa! Làm thức ăn nóng lại đi con, chúng ta cùng nhau ăn cơm, dẹp rượu đi! Đêm nay, dù sao cũng là ngày chúc thọ cho ta mà!
Chí Tường ngẩng đầu lên, đôi mắt chàng đỏ ngầu, tròng mắt ươn ướt, chàng thấp giọng nói với ông già một câu:
- Xin lỗi bác, bác Cao!
Ông già nháy nháy mắt nhìn chàng, ra dấu:
- Bác ấy à? Bác không hề gì đâu...
Chí Tường ngước mắt lên nhìn Chí Viễn, nói ậm ừ trong cổ họng:
- Xin lỗi anh, anh Hai!
Chí Viễn xông nhanh tới, đưa hai tay ra đặt lên vai Chí Tường, bóp mạnh vai chàng. Chàng định nói gì đó, thế nhưng, cổ họng chàng như nghẹn lại, nhìn vào mái tóc đen hơi quăn tự nhiên của em, nhìn vào đôi tròng mắt ươn ướt của em, đôi tròng mắt của chàng cũng bất giác ướt mèm. Rút cuộc, chàng cũng đã mở miệng nói được một câu:
- Tại anh không tốt, tại anh uống hơi nhiều rượu. Em đừng nên giận thằng anh lẩm cẩm này của em, đợi đến khi em được nghĩ hè, chúng ta sẽ đi Venice du lịch một chuyến cho thoải mái, đem tất cả những sự không vui vẻ bỏ quên hết cả, hử?...
Chàng quay sang Ức Hoa, nói thật dịu dàng:
- ... Ức Hoa, em đi làm món gì giả rượu cho Chí Tường ăn đi em, nó không hề biết uống rượu là gì mà!
Ức Hoa lặng lẽ đưa tay lên quẹt đi giọt lệ còn đọng nơi đuôi mắt, nàng dạ nhanh một tiếng, sau đó, quay lưng thật nhanh vào nhà bếp sửa soạn thức ăn.
Chí Tường chắp hai tay sau lưng, đi tới đi lui trong căn phòng nhỏ của Đan Lệ, nói bằng một giọng buồn bực và bất an:
- Tiểu Lệ Chi, anh phải nói với em một chuyện, mùa hè này có thể anh không cùng đi Thụy Sĩ với em được đâu!
Đan Lệ nửa nằm nửa ngồi trên giường, nàng nhướng đôi chân mày lên hỏi.
- Tại sao?
- Anh có việc, anh phải đi Venice một chuyến.
- Venice?
Đan Lệ từ trên giường ngồi rột dậy, cả khuôn mặt nàng sáng rực nét vui mừng, hăm hở, nàng nói bằng một giọng hăng hái:
- Anh đi Venice để làm gì? Để thu thập tài liệu cho bài luận án của anh chăng? Em cùng đi với anh, em muốn đi Venice đã lâu lắm rồi, nếu như không phải vì xui xẻo gặp phải anh, có thể là em đã đi đến đó cả trăm lần rồi. Em nói cho anh nghe, Chí Tường, mùa hè có đến ba tháng, em sẽ đi với anh đến Venice trước, rồi anh hãy đi với em đến Geneva, như vậy thì chúng ta không ai nợ ai, anh nói như thế có được không?
Chí Tường nhìn Đan Lệ chăm chú, chàng từ từ lắc nhẹ đầu:
- Không được, Tiểu Lệ Chi, em không thể cùng đi với anh đến Venice được.
- Tại sao?
Chàng ngập ngừng:
- Tại vì... tại vì... tại vì anh phải cùng đi với anh Hai của anh.
Nàng nhìn chàng, ánh mắt tràn đầy nét nghi ngờ:
- Sao vậy? Anh Hai anh không cho anh dẫn bạn gái theo sao? Anh Hai anh là người cổ lỗ sĩ, là ông già lẩm cẩm hay sao?...
Nàng nhướng đôi chân mày lên, đôi con ngươi nàng vừa đen vừa sáng, nàng nói bằng một giọng cương quyết:
- ... Dù sao đi nữa, em cũng không cần biết anh đi với ai, em đi theo anh là cái chắc rồi, anh đi đâu là em đi theo đó, đừng nói là anh Hai của anh, cho dù anh dẫn theo bà nội già lụm cụm của anh, em cũng đi theo anh tuốt!
Chí Tường nhíu đôi chân mày:
- Tiểu Lệ Chi, anh nói chuyện đàng hoàng, em không thể đi được.
- Chí Tường, em cũng nói chuyện đàng hoàng, em nhất định phải đi!
Đôi chân mày chàng càng nhíu chặt hơn nữa:
- Tiểu Lệ Chi! Em nghe anh nói đây, đi với anh không phải chỉ có một mình anh Hai, mà còn có hai cha con của một ông thợ đóng giày già họ Cao, ông ta là bạn tri giao đã lâu năm của anh Hai anh...
Sắc mặt của Đan lệ trở nên trắng bệch, nụ cười tắt đi trên đôi môi nàng. Nàng nhìn Chí Tường trừng trừng, nói:
- Em không có hứng nghe chuyện của ông già đóng giày, nói cho em nghe chuyện có liên quan đến cô con gái của ông ta, cô ta bao nhiêu tuổi rồi?
- Hai mươi ba!
- Đó là cô gái mà anh đã từng nhắc đến, cô gái rất Trung Quốc hóa đó phải không?
- Đúng vậy!
- Đẹp không?
- Đẹp!
Đan Lệ cắn nhẹ đôi môi, đứng ở đó, trầm tư nghĩ ngợi, có một khoảng thời gian rất dài, nàng chỉ đứng ở đó, nghĩ ngợi, không một động đậy. Sau đó, đột nhiên, nàng chạy ào tới trước mặt chàng như một cơn gió lốc, đưa tay ra kéo lấy cánh tay chàng, nhìn thẳng vào mắt chàng, đôi con mắt to của nàng nhìn chàng không chớp, nàng nói bằng một giọng nho nhỏ, khẳng định, cương quyết và rỏ ràng:
- Được, em không đi. Thế nhưng, anh cũng không được đi!
Chàng kêu lên:
- Tiểu Lệ Chi! Em phải nói chuyện cho hợp lý một chút, em phải hiểu cho hoàn cảnh khổ sở của anh, anh không được tự do như em, anh không được hoàn toàn không bị câu thúc như em, anh có rất nhiều điều cấm kỵ, anh có rất nhiều sự khó khăn, cuộc đời của anh, không phải chỉ...
Chàng nuốt nước miếng, nói ra một cách khó khăn, khổ sở:
- ... có một mình em!
Sắc mặt của Đan Lệ càng trắng nhợt ra thêm:
- Anh đã từng nói, em là người quan trọng nhất trong cuộc đời của anh!
Đôi chân mày của chàng giao lại một chỗ, tạo thành một điểm sậm ở giữa:
- Vậy sao? Nếu như anh đã từng nói như thế, thì nó cũng không được... thật lắm. Tiểu Lệ Chi, cuộc đời của anh không phải chỉ có một mình em, mà còn có anh Hai anh nữa!
- Em và anh Hai anh, ai là người quan trọng hơn trong cuộc đời anh?
Chí Tường suy nghĩ một lúc, chàng trả lời thẳng thắn:
- Anh gần như không thể trả lời câu hỏi này của em.
Đan Lệ nhón gót chân, nhẹ nhàng hôn lên đôi môi chàng:
- Bây giờ, anh cũng không thể trả lời câu hỏi này nữa sao?
Nàng hỏi bằng một giọng nũng nịu. Lại nhón gót chân lên, hôn lên sóng mũi chàng, hôn lên đôi gò má chàng, lên vành tai chàng, lên trán chàng... mỗi lần hôn một chỗ, nàng lại hỏi một câu:
- Bây giờ thì sao?
Chí Tường không kềm lòng được, chàng vòng tay qua ôm choàng lấy nàng, thở dồn dập, nói:
- Ồ, Tiểu Lệ Chi, em đừng nên dày vò anh như thế!
- Tình yêu của em, lại là sự dày vò cho anh hay sao?...
Nàng hỏi, thật sự cảm thấy bi ai, khổ sở, cúi nhẹ đôi mi cong xuống, nàng nhỏ giọng lẩm bẩm:
- ... Ngó bộ, bây giờ là lúc em nên trở về nhà rồi đây!
Chàng kêu lên:
- Tiểu Lệ Chi! Em đừng hiểu lầm!
Nàng đẩy phắt chàng ra, đứng lùi ra thật xa, thật xa, gương mặt trắng bệch của nàng ban nãy, bây giờ trở nên đỏ ửng, hơi thở dồn dập làm cho lồng ngực nàng phập phồng lên xuống:
- Hiểu lầm?... Anh đã hứa là mùa Hè này sẽ đi với em về Geneva, bây giờ anh phải đi Venice! Đi với anh Hai của anh, đi với một người con gái khác đến Venice! Anh muốn em làm sao đây? Đưa cả hai tay lên trời hoan hô, tán thành hay sao? Anh nói với em, trong cuộc đời anh, em không bằng anh Hai của anh...
- Anh không hề nói như thế!
- Cái ý của anh không phải quá rõ ràng rồi sao? Nếu đã như vậy, thôi thì anh yêu anh Hai của anh cho rồi đi...
- Tiểu Lệ Chi! Em nói gì bậy bạ vậy?
- Em nói bậy? Em mà nói bậy à? Chưa bao giờ thấy có một người đàn ông nào, mở miệng ra là đem ông anh Hai của mình ra hù thiên hạ, anh là con ký sinh trùng của anh Hai anh! Rời khỏi anh Hai anh, anh sẽ sống không nổi! Anh không có cái tôi của riêng mình, không có tinh thần độc lập, không có cá tính riêng của mình, không có khí phách nam nhi, anh là một loài chùm gởi, bò trên thân của anh Hai anh...
Chí Tường giận đến độ run rẩy cả người, chàng không dằn được sự giận dữ đang ùn ùn bốc lên từ tận cùng sâu thẳm của tâm hồn, gương mặt chàng méo mó lại, giọng nói chàng khàn đục và nóng nảy, chàng quát lên:
- Tiểu Lệ Chi! Em dám nói bậy! Em còn nói bậy nữa à!... Em mà còn ở đó nói bậy thêm một câu nữa, thì giữa chúng ta coi như đoạn tuyệt tình nghĩa!
Đan Lệ vẫn cứ bướng bỉnh kêu lên:
- Em phải nói! Em muốn nói! Anh Hai anh đang mưu sát anh! Và anh, anh lại bằng lòng để mặc cho anh ấy mưu sát anh...
Chí Tường xông thẳng ra hướng cửa, vừa mới để tay lên chốt, định mở cửa xông thẳng ra ngoài, Đan Lệ đã chạy ào tới như một cơn gió lốc, nàng ôm chầm lấy chàng từ phía sau.
Chàng quay đầu lại, nhìn thấy ngay gương mặt của Đan Lệ, nước mắt đang tuôn tuôn chảy xuống gương mặt trắng mịn của nàng, đôi con ngươi đen lay láy, xuyên qua màn lệ mờ trào dâng như suối nguồn bất tận, đang nhìn chàng trân trối. Giọng nói của nàng nức nở, khổ sầu và tuyệt vọng:
- Anh dám đi! Anh mà đi là em tự tử chết ngay cho xem!
Chàng đầu hàng rồi, chàng chịu thua rồi. Quay người lại, chàng ôm Đan Lệ thật chặt, thật chặt trong vòng tay, Đan Lệ vùi đầu vào ngực chàng, khóc đến co rúm cả người, vừa khóc, nàng vừa nói miên man, những lời lẽ thẳng thắn, nồng nàn, thổ lộ:
- Không phải em muốn mắng anh đâu! Em không thật tâm nói những lời đó đâu! Chỉ tại vì em yêu anh quá sức! Yêu anh đến phát điên lên được! Em không biết phải làm thế nào bây giờ? Em không có cách gì dành được anh từ ông anh Hai của anh, anh ấy lại không chịu có anh chung với em! Em phảu làm sao bây giờ? Nếu như anh ấy là một người đàn bà, em còn có thể dành giựt với anh ấy được, đàng này anh ấy lại là anh của anh!... Em phải làm sao bây giờ? Anh nói cho em nghe, em phải làm sao bây giờ?
Nàng ngẩng gương mặt nhạt nhòe nước mắt lên nhìn chàng, một mảng tóc ngắn bị nước mắt thấm ướt, dính bê bết trên gò má, đôi mắt nàng nhìn chàng tràn đầy nét bi ai!
Nghe những lời trần tình nồng nàn, thẳng thắn đó của nàng, Chí Tường cảm thấy trái tim mình như tan nát, chàng ôm nàng vào lòng thật chặt, hôn nàng, hôn nàng không ngừng, chàng muốn dùng tình yêu nồng thắm của mình làm dịu đi nỗi đau khổ và những dòng nước mắt của nàng.
Cuối cùng, chàng dìu nàng đến bên ghế salon, ngồi xuống, chàng vòng tay qua ôm choàng lấy nàng, nói rằng:
- Tiểu Lệ Chi! Để anh kể cho em nghe một số chuyện, một số chuyện có liên quan đến anh và anh Hai của anh!
Chàng bắt đầu nói với nàng, về những ngày tháng của thời thơ ấu, việc đi du học của Chí Viễn, tám năm anh em thư từ qua lại với nhau, lệ phí du học của chàng, anh em gặp mặt nhau, sự dấu diếm của Chí Viễn, sự phát giác của chàng, công việc ở ca kịch viện, và công việc làm thêm buổi chiều của Chí Viễn.... nói mãi cho đến tình hình hiện nay, sự kỳ vọng của anh Hai đối với mình, luôn cả sự có mặt của Ức Hoa. Đan Lệ ngồi nghe thật chăm chú, thật tỉ mỉ, thật yên lặng, nước mắt nàng dần dần khô đi, và ánh nhìn của nàng càng lúc càng đằm thắm, càng mê say!
Nàng kêu lên bằng một giọng nồng nàn, thương xót:
- Ồ, Chí Tường, em không hề biết rằng, hoàn cảnh của anh lại khổ sở đến như thế!
- Như vậy, em đã hiểu vì sao anh phải nghe theo sự sắp xếp của anh Hai rồi chứ?
Nàng nhìn chàng thật sâu, thật sâu, nói bằng một giọng thật dè dặt:
- Chí Tường, anh biết rằng, nhà em giàu lắm! Em có thể giúp anh...
Chàng dùng ngón tay đặt nhẹ lên đôi môi nàng, ngăn không cho nàng nói thêm nữa:
- Thà rằng anh dùng tiền của anh Hai anh, chứ không thể dùng tiền của em! Nếu muốn làm ký sinh trùng, ký sinh trên người anh Hai mình, dù sao vẫn hơn ký sinh trên người bạn gái!
Nàng kêu lên nho nhỏ, giọng kêu đầy hối tiếc, ăn năn:
- Ồ, Chí Tường! Anh đừng nên bao giờ nhớ những lời đó của em! Em điên rồi, em không biết em đang nói gì!
Chàng nói:
- Thôi được, chúng ta hãy quên hết những lời nói đó! Thế nhưng, em có đồng ý là anh không đi Geneva chưa?
Nàng cúi đầu xuống, dùng ngón tay cuốn cong vạt áo, vân vê, mày mò, một lúc sau, mới ngẩng đầu lên. Nàng nói:
- Không!
- Tiểu Lệ Chi!
Nàng nói bằng một giọng bình tĩnh:
- Nghe em nói, nếu như chuyện gì anh cũng nghe theo sự sắp xếp của anh Hai anh, như vậy, có phải là anh chuẩn bị bỏ rơi em, để đi làm đám cưới với cái cô Cao Ức Hoa kia chăng?
- Em biết rằng đó là chuyện không thể xảy ra!
- Như vậy, tại sao anh lại đi Venice làm gì? Anh không đi, bọn họ cũng sẽ đi vậy, phải không? Vả lại, mùa Hè đi Venice chơi chỉ là chuyện nhỏ, anh nói rằng anh muốn đi làm để kiếm tiền phụ giúp anh Hai anh, anh biết ngành nghề phát đạt nhất ở Geneva là gì không? Khách sạn và ngân hàng! Tại vì Geneva là nơi nghĩ mát lý tưởng, nên mỗi năm người ta đến nghĩ mát tràn đầy, các khách sạn đều thiếu người làm việc, có rất nhiều sinh viên Âu Châu lợi dụng thời gian nghỉ hè, tìm đến Geneva để làm việc. Tại sao anh không bỏ chuyến đi nghỉ hè ở Venice, đổi lại thành Geneva? Thứ nhất, anh có thể gặp mặt ba mẹ em, thứ hai, anh có thể tìm việc làm, thứ ba,...
Giọng nàng nhỏ như tiếng muỗi kêu vo ve:
- ... Anh có thể tránh được cái cô gái rất Trung Quốc hóa đó! Thật sự mà nói, Chí Tường, em sợ cô ta! Em không muốn người khác dành anh từ trên tay của em! Em cũng không muốn rời xa anh ngày nào!
Chàng đã bị thuyết phục, sự thật thì, chàng cũng nào có muốn rời xa Đan Lệ đâu? Nghe những lời nói đó của Đan Lệ, cũng không phải là không có lý, không ngờ Đan Lệ suốt ngày hí ha hí hởn, bô lô ba la như vậy, mà khi phân tích sự việc cũng có lớp lang thứ tự thế kia! Chàng chăm chú nhìn nàng, do dự, ngập ngừng!
Đan Lệ ngẩng đầu lên nhìn chàng, dùng tay ví cổ chàng, đôi con mắt to trong vắt của nàng long lanh tia nhìn van xin, cầu khẩn, cả khuôn mặt nàng, toát ra một sức quyến rũ không kháng cự được. Nàng nói bằng một giọng nhỏ nhẹ, dịu dàng, êm ái, như mơ, như ru:
- Hứa với em đi! Đừng đi Venice! Em bảo đảm là sẽ tìm được việc làm cho anh ở Geneva! Hứa với em, Chí Tường! Nếu như anh yêu em, nếu như anh muốn có em! Đừng đi Venice!
Chàng không có cách gì chống cự lại những lời năn nỉ dịu dàng đó. Chàng hỏi:
- Thế nhưng, em bảo anh làm sao mở miệng nói cho anh Hai biết đây?
Đôi chân mày của Đan Lệ hơi nhướng lên, nàng nhìn chàng đằm thắm:
- Anh nhất định phải mở miệng hay sao? Anh làm chuyện gì cũng phải được sự cho phép mới có thể làm hay sao? Nếu như anh mở miệng, anh ấy không cho anh đi Geneva, thì anh sẽ làm sao đây?
Chàng nói bằng một giọng chậm chạp:
- Tiểu Lệ Chi! Em muốn anh đi mà không nói?
- Cũng có thể "nói", nhưng, nói một cách khéo léo hơn!
Chí Tường nhìn Đan Lệ chăm chú, đôi mắt nàng càng thêm dịu dàng, càng thêm ngọt ngào, càng thêm quyến rũ, càng thêm xinh đẹp, đôi mi cong cong, dài dài của nàng hơi nhướng lên, đôi môi nàng nở một nụ cười e ấp, cầu khẩn, chờ đợi, nụ cười đó gần như tội nghiệp, hạ mình, làm cho người ta cảm thấy rung động, và cũng cảm thấy đau lòng. Chàng thở ra một hơi dài, nhè nhẹ, không kềm lòng được, chàng cúi đầu xuống tìm đôi môi nàng, quấn quýt, đắm say:
- Ồ, Tiểu Lệ Chi, em làm cho anh không có cách nào khác! Anh... đầu hàng rồi!
Thế là, mùa Hè đã đến.
Hôm đó, Chí Viễn xông vào chiếc cửa chính của tiệm giày nhà họ Cao, chàng xông vào thật gấp rút, chàng xông vào gấp đến độ chuông cửa vang lên một loạt tiếng rung ting tong kịch liệt. Ông già Cao và Ức Hoa chưa kịp đi ra, chàng đã xông thẳng vào trong căn phòng ăn kiêm phòng làm việc nho nhỏ của họ.
Ức Hoa quấn ngang người chiếc khăn sọc ca-rô màu hồng phấn bên ngoài chiếc váy dài xuống chân, bên trên nàng là chiếc áo trắng cổ tròn tay dài, nàng đang đứng bên cạnh chiếc bàn, xếp lại những quần áo và khăn trải giường vừa mới giặt xong. Ông già, vẫn chiếc khăn tạp dề bằng da quấn ngang người, trên tay cầm cây dao nhỏ, đang cắt một miếng da thuộc.
Gương mặt Chí Viễn trắng bệch, hơi thở hào hển, thần sắc kích động mãnh liệt, chàng kêu lên oang oang:
- Ức Hoa, em xem!... Em xem! Làm sao mà Chí Tường lại có thể làm chuyện như thế này được?...
Chàng quay sang ông già, kêu lên bằng một giọng phẩn nộ lẫn bi ai:
- Bác Cao, nó đã phụ lòng tất cả chúng ta!
Do bởi thần sắc của Chí Viễn, làm Ức Hoa cũng cảm thấy hoảng sợ, nàng hỏi một cách kinh ngạc:
- Sao vậy? Anh ấy làm gì vậy? Anh ấy mang họa rồi sao?
Chí Viễn đấm mạnh tay lên bàn một cái, xấp quần áo mới vừa xếp xong trên bàn bị tưng lên rồi tuột hết xuống đất:
- Nó đi rồi! Nó đi rồi!... Nó bỏ đi mà không nói một tiếng nào!
Chàng nghiến răng nghiến lợi, kêu lên một cách giận dữ, phẩn nộ, đôi chân mày giao chặt lại với nhau, đôi mắt đỏ ngầu.
Ức Hoa nhìn chàng, không hiểu:
- Đi rồi? Anh nói vậy là nghĩa gì? Anh ấy đi đâu? Về Đài Loan rồi à?
Chàng trợn trừng nhìn Ức Hoa, kêu lên thật to tiếng, làm như Ức Hoa cũng có trách nhiệm trong chuyện này:
- Em vẫn chưa biết à? Nó bỏ đi theo cái con bé không Đông không Tây ấy mà! Trong mắt nó không hề có thằng anh này, không có em, không có tất cả chúng ta! Tất cả lực lượng của mọi người chúng ta hợp lại đều không sao địch nổi con bé Châu Đan Lệ! Anh đã sắp xếp hết chương trình đi nghĩ hè, vạch đường đi nước bước, kế hoạch rõ ràng, ngày hôm qua còn đem chiếc xe cũ nát của anh đi sửa lại cho đàng hoàng, chuẩn bị là sẽ lái xe đi dọc lên tới nước Pháp! Thế mà, nó... nó bỏ đi theo con bé ấy mất tiêu rồi!
Chàng nghiến răng nghe trèo trẹo.
Ông già đi đến bên Chí Viễn:
- Làm sao cháu biết là nó đi theo với cô gái ấy?
Chí Viễn lôi ra từ trong túi áo một tờ giấy, đặt lên bàn:
- Xem xem đây này! Lúc nãy thức dậy cháu mới thấy!
Ông già và Ức Hoa cùng nhìn vào tờ giấy, trên đó viết rằng:
"Anh Hai:
Thành thật xin lỗi anh nhiều lắm, em cùng Đan Lệ đi Geneva rồi, em sẽ tìm một việc làm ở Geneva, trước khi nhập học niên khóa mới, nhất định là em sẽ trở về. Anh và Ức Hoa cứ giữ nguyên kế hoạch cũ, đi Venice chơi một chuyến nhé! Anh cần phải nghỉ ngơi một thời gian! Bệnh ho của anh cần phải được trị cho đàng hoàng, xin bảo trọng, đừng nổi giận! Tất cả những dụng tâm của anh, em đều hiểu cả, thế nhưng, đời người có rất nhiều lúc, nhiều việc đều không thể nào miễn cưỡng được, phải không anh Hai?
Xin thay em gửi lời xin lỗi đến bác Cao và Ức Hoa. Chúc mọi người đi chơi vui vẻ!
Em, Chí Tường."
Ức Hoa đọc xong tờ giấy, nàng ngẩng đầu lên, lặng lẽ nhìn Chí Viễn, hỏi thật nhẹ:
- Anh vì cái này, mà giận đến độ như vậy sao?
Chí Viễn nói một cách giận dữ:
- Như vậy mà không đáng giận sao? Em nghĩ xem, Ức Hoa đi Geneva tìm việc làm, ở Gevena có thể tìm được việc làm gì? Cái con bé nửa Đông nửa Tây Đan Lệ đó hẳn là người Thụy Sĩ! Tất cả mọi chuyện cũng là do con bé đó bày ra, anh dám cá đó là ý kiến của nó chứ không ai khác! Chí Tường là một người thật thà, làm sao chống lại được sự quyến rũ của loại con gái không đàng hoàng đứng đắn như thế...
Chàng càng nói càng tức, càng nói càng kích động:
- ... Anh đã sắp xếp sẵn mọi chuyện cho nó rồi, ngay cả bạn gái cũng đã tìm sẵn luôn cho nó nữa, nó không nghe, nó bướng bỉnh, nó không xem chúng ta ra gì cả! Cái con quỷ Châu Đan Lệ này!... Anh tuyệt đối không tin, con bé đó có thể bằng một góc của em đâu, Ức Hoa!
Chàng lại đập mạnh nắm tay lên bàn một cái.
Ức Hoa nhìn Chí Viễn trừng trừng, nghe đến câu này, hai giọt nước mắt thật to, từ trong khóe mắt nàng lập tức trào ra, chảy dọc dài xuống đôi gò má trắng nhợt của nàng, nhẹ nhàng rơi xuống hai vạt áo. Nhìn thấy Ức Hoa như thế, trái tim Chí Viễn như chùng lại và cảm thấy ruột gan đau thắt, chàng bất giác đi đến bên Ức Hoa, chụp lấy bàn tay nàng, chàng ủ đôi bàn tay nàng trong bàn tay to lớn của mình, nói một cách vội vả, cuống quýt, như an ủi, như khích lệ, giọng chàng khàn đục, lạc đi:
- Đừng, Ức Hoa, em đừng nên buồn! Anh nói cho em nghe, anh sẽ nhúng tay can thiệp vào việc này! Anh sẽ cho Chí Tường một bài học! Em biết đó, Chí Tường còn trẻ, nên dễ bị quyến dụ, thế nào rồi nó cũng sẽ hồi tâm chuyển ý, anh bảo đảm với em, nhất định là nó sẽ nghĩ lại, nó sẽ hiểu ra, mất đi em, trừ phi nó là một thằng ngố!
Chàng không nói những lời này còn đỡ, nghe chàng nói như thế, Ức Hoa té ngồi xuống chiếc ghế bên cạnh, rút bàn tay của mình lại, đưa lên bụm mặt, bắt đầu khóc tức ta tức tưởi, khóc thật đau đớn, khóc thật tủi lòng. Chí Viễn đực mặt ra, ngẩn ngơ, cuống quýt. Ngẩng đầu lên, chàng nhìn sang ông Cao như cầu cứu, chàng kêu lên cuống cuồng:
- Bác Cao, làm sao bây giờ? Bác... bác khuyên cô ấy xem sao? Bác bảo cô ấy đừng khóc nữa mà!
Ông già nhìn Chí Viễn một cái thật sâu, lại nhìn nhìn vào dáng ngồi của con gái, miệng ông lẩm bẩm lầm bầm, không biết nói những gì. Sau đó, ông tự mình ôm lấy hộp đồ nghề lên, một mặt đi ra phía ngoài, một mặt nhỏ giọng nói:
- Chuyện của những người trẻ tuổi với nhau, có gì thì cũng tự giải quyết với nhau cho thỏa đáng, ông già này không giúp được gì đâu!
Ông già đi ra ngoài rồi, trong phòng chỉ còn lại Chí Viễn và Ức Hoa, Ức Hoa không còn gì cấm kỵ, nàng gục đầu xuống bàn, vùi đầu vào hai cánh tay khóc sướt mướt, khóc như chưa bao giờ được khóc. Chí Viễn càng hoảng hơn nữa, càng cuống quýt hơn nữa, chàng đi tới đi lui trong phòng, trong lòng như có nguyên cả một vạc dầu sôi, đốt nóng trái tim chàng hừng hực. Cuối cùng, chàng đến đứng bên cạnh Ức Hoa, dùng tay dịu dàng vuốt ve mái tóc nàng, nói thật nhẹ nhàng:
- Van em, xin em, đừng nên khóc nữa, được không? Lục phủ ngũ tạng của anh đã bị em khóc đến tan nát cả rồi. Anh xin lỗi em, được không?
Nàng lặng lẽ ngẩng đôi mắt vẫn còn vương đầy lệ, nhìn chàng. Nàng hỏi bằng một giọng tức tưởi:
- Anh... xin lỗi?
Câu nói này có hơi tối nghĩa một chút, Chí Viễn vội vàng đính chính:
- Anh thay Chí Tường xin lỗi!
Ức Hoa tuyệt vọng dương to đôi mắt, những giọt nước mắt mới vừa ngưng lại bắt đầu trào ra, nàng đưa tay lên bụm miệng, quay người chạy về phía phòng ngủ bên trong. Chí Viễn cuống quýt, chàng đưa tay ra kéo ngay nàng lại, dậm dậm chân, chàng nói một cách khổ sở:
- Sao kỳ vậy nè? Ức Hoa, từ trước đến nay, lúc nào em cũng có thể kềm chế được mình kia mà, nếu biết trước là em sẽ như thế này, anh sẽ dấu biệt chuyện này đi cho rồi, nhưng mà... chuyện này làm sao có thể dấu được?
Chàng đưa tay lên gãi gãi đầu, dáng điệu bối rối.
Ức Hoa đã đứng lại rồi, nàng cố gắng kềm chế mình, một lúc sau, rút cuộc nàng cũng đã không còn khóc nữa. Chí Viễn rút ra chiếc khăn tay, đưa cho nàng, nàng lặng lẽ lau khô những dòng lệ, đứng trước mặt Chí Viễn, cúi đầu xuống, nàng nói thật nhỏ tiếng:
- Xin lỗi anh, Chí Viễn, hôm nay em có hơi thất thường một chút!
Nhìn thấy nàng không khóc nữa, Chí Viễn mừng như bắt được vàng, chàng nói hấp tấp:
- Không sao đâu, đâu phải anh chưa từng thấy em khóc bao giờ. Còn nhớ không? Rất nhiều, rất nhiều năm về trước khi em hãy còn là một cô bé, có một lần, anh mua tặng cho em chiếc áo bằng tơ trắng như áo tiên nữ, em vui ghê lắm, mặc nó vào đi chơi, ai ngờ hôm đó trời mưa to, em bị té một cái, chiếc áo bị rách, bị dơ hết. Sau khi về nhà, em cũng khóc như thế này, khóc không chịu ngừng.
Nàng lại ngẩng đầu lên, nhìn chàng từ đôi mi cong, gương mặt của nàng sáng bừng lên, nàng hỏi:
- Anh vẫn còn nhớ?
- Làm sao mà không nhớ?
Nàng nói bằng một giọng thật nhẹ, thật nhỏ:
- Anh biết không? Cho tới bây giờ, em vẫn còn giữ chiếc áo đó, không phải... vì chiếc áo, mà là... vì người tặng áo.
Lồng ngực của Chí Viễn, như bị một vật gì nặng nề đập mạnh vào một cái, chàng nhảy nhổm lên, kêu lên bằng một giọng khàn đục và run rẩy:
- Ức Hoa, em không biết em đang nói gì?
Những giọt nước mắt mới lại chạy vòng quanh trong đôi tròng mắt, thanh âm của nàng càng thấp hơn nữa:
- Em biết. Tuy nhiên, từ đây về sau, em sẽ không nói nữa đâu. Ngày trước, anh thường hay tặng quà cho em, cho dù là một sợi dây cột tóc, hay là chiếc kẹp cài đầu, em cũng đều giữ gìn chúng cẩn thận, như những bảo vật, thế nhưng, em không bao giờ ngờ rằng, có một ngày, anh lại... anh lại... anh lại...
Nàng không nói được thành lời nữa.
Chàng nghe đến ngẩn ngơ, ngây ngất, si cuồng:
- Anh lại thế nào?
- Anh lại xem em như một món quà mà mang tặng cho thằng em quý báu của anh...
Rút cuộc, nàng cũng đã thốt ra được hết những lời nói đó một cách phí sức, gương mặt trắng nhợt của nàng đỏ bừng lên vì những lời thố lộ táo bạo của chính mình, nàng ngước mắt nhìn chàng, nước mắt long lanh trên đôi hàng mi cong vút, nàng nhìn chàng không chớp:
- ... Ban nãy em khóc, không phải vì Chí Tường đi Geneva, mà là vì... mà là vì... em đáng ghét đến thế sao? Anh nhất định phải đem em đi tặng cho người khác hay sao?
- Ức Hoa!...
Chàng kêu lên một tiếng thật to, bàn tay đang nắm lấy cánh tay của nàng hơi kéo mạnh một chút, đầu của nàng lập tức tựa ngay vào lòng chàng. Trong khoảnh khắc đó, chàng thấy mình như đang chiếm giữ trong tay một báu vật vô giá, chàng ghì chặt đầu nàng, để cho áp sát vào lồng ngực chàng một cách say sưa, chàng nói bằng một giọng kích động, kinh ngạc, vui mừng, cuồng nhiệt và cũng không kém phần chua xót, não nề:
- ... Ồ! Ức Hoa, em không biết là em đang nói gì! Em thật sự không biết là em đang nói gì!
Ức Hoa kêu lên liên tục, không ngừng không nghĩ:
- Em biết, em biết, em biết!
Một lúc sau, chàng mới mở miệng nói, giọng chàng khản hẳn đi:
- Chí Tường là một nghệ thuật gia, một thanh niên kiệt xuất, có nhiều tương lai, có nhiều cơ hội! Còn anh, anh là gì?...
Chàng dùng tay nâng lấy khuôn mặt nàng, để cho nàng đối diện với mình:
- Em nhìn cho kỹ, Ức Hoa, em hãy nhìn anh cho kỹ. Anh đã lớn tuổi rồi, giọng của anh bị hư rồi, anh chỉ là một thằng lao công nghèo hèn nhỏ bé mà thôi!
Ức Hoa nhìn chàng thật sâu, thật sát, thật chặt, thật gần:
- Em đã nhìn anh thật rõ từ lâu rồi! Từ năm em mười bốn tuổi, khi anh đứng ngay cánh cửa ngoài kia, xách đôi giày rách của anh đi vào tiệm cho đến nay, trái tim em chưa hề chứa đựng hình bóng của một người đàn ông nào khác! Anh nói em ngu, anh nói em khùng, em đều chịu cả. Trong trái tim em, anh vĩnh viễn là một người hoàn hảo!
- Ức Hoa!
Đôi chân mày nàng hơi chau lại, đôi mắt mang đầy nét u uẩn, nàng nói bằng một giọng u uất, khổ sầu:
- Em là một người có tính cả thẹn, em là một người sống với nội tâm, thế nhưng, em cũng có tự ái và lòng kiêu hãnh, em đã nhẫn nại, em đã đợi chờ, thế mà anh, anh đã bắt em phải nói ra cho được! Nói ra bất kể sự xấu hổ, nếu không, anh sẽ cứ đem em mà đẩy vào vòng tay của người khác! Ồ, Chí Viễn! Anh thật là tàn nhẫn biết mấy!
Chàng không còn chịu đựng được những điều này, không còn kềm chế được sự vui mừng và lòng hối hận. Những tình cảm nồng nàn đè nén tự bao lâu nay, giống như dòng nước lũ phá vỡ con đê ngăn cách, đổ tràn ào ạt như ngọn thác tuôn đổ lan tràn. Chàng cúi đầu xuống, ôm chầm lấy nàng thật chặt, thật chặt. Đôi môi chàng, cũng áp thật chặt trên đôi môi nàng. Trong giây phút đó, không có trời, không có đất, không có vũ trụ, không có La Mã, không có Chí Tường, không có Đan Lệ, không có Geneva... trên thế giới này, chỉ có một mình nàng! "Nàng", người con gái đã chiếm cứ một góc thật sâu thẳm tận đáy lòng chàng, trong linh hồn chàng suốt chín năm nay!
Một lúc thật lâu sau, chàng buông nàng ra, gương mặt của nàng lóng lánh ánh sáng xinh tươi, rực rỡ! Đáy mắt nàng long lanh ngọn lửa nồng ấm, ngọt ngào! Chàng thở ra một hơi dài, thật dài.
- Anh có tư cách chiếm hữu phần hạnh phúc này không? Ức Hoa? Anh không hề nằm mơ đấy chứ? Tất cả những thứ này đều là sự thật cả sao?
Nàng nói bằng một giọng thật nhỏ:
- Kỳ lạ thật, đó cũng chính là câu hỏi mà em định hỏi anh đấy!
Chàng kêu lên thật to:
- Ồ! Ức Hoa! Những ngày tháng qua, anh thật là ngu, anh thật là dại biết mấy! Anh là thằng ngu si, đần độn nhất trên cõi đời này! Cũng may mà Chí Tường bị cái con bé quỷ quái Đan Lệ kia làm cho say mê, nếu không, anh sẽ tạo thành một niềm hối hận biết mấy cho vừa!
Nàng hỏi bằng một giọng thật nhẹ:
- Tại sao... nhất định phải đem em đẩy vào cho Chí Tường?
Chàng yên lặng giây lát:
- Anh nghĩ, đó là tại vì anh bị tự ti mặc cảm! Tất cả những gì anh bị mất đi, tất cả những điều anh không làm được, anh đều hy vọng Chí Tường có thể hoàn thành! Từ lúc Chí Tường đến đây, anh đã tìm được hình bóng của mình qua nó, như thể cái con người đã chết đi của anh bây giờ sống lại qua Chí Tường. Thế là, tất cả những gì tốt đẹp nhất, anh đều mong muốn cho hết cho Chí Tường, tất cả những gì anh yêu thương nhất, anh đều muốn tặng hết cho Chí Tường. Thật không may, em lại chính là cái "tốt đẹp nhất", và cũng chính là cái mà anh "thương yêu nhất"!
Chàng khẽ liếc nàng. Nàng nhìn chàng, lỡ khóc lỡ cười:
- Em thật sự không biết mình nên giận anh vì những câu nói này, hay là nên vui vì những câu nói này của anh?
Có tiếng động ở cửa, ông già vừa bước vào, vừa lẩm bẩm lầm bầm trong miệng. Hai người trẻ tuổi vội vàng rời nhau ra, gương mặt của Ức Hoa đỏ bừng như lửa, như ráng chiều rực rỡ, như màu má hồng đào. Ông già liếc hai người một cái, hỏi bằng một giọng bâng quơ:
- Chí Viễn, cậu đã trị được những giọt nước mắt của con gái bác chưa?
- Dạ!
Chí Viễn ậm ừ trả lời. Ông già đi đến phía bên tường, lấy xuống một bó dây da, rồi lại quay người đi ra phía ngoài, đến bên cánh cửa, đột nhiên, ông quay đầu lại nói:
- Chí Viễn, con bé này của chúng ta, từ nhỏ đến lớn chưa bao giờ sống trong nhung lụa, công việc trong nhà, từ lớn tới nhỏ, nó đều làm được cả, cho dù cậu có dẫn nó về Đài Loan, nó cũng sẽ không làm mất mặt cậu đâu. Cậu... trúng số rồi đấy! Đừng nên xử tệ con bé nhà này nhé!
Chí Viễn đơ miệng cứng lưỡi, chưa kịp có phản ứng gì, ông già đã gật gật đầu nhìn hai người một cách ý nhị, bước đi ra ngoài. Sau đó, cả hai đều cùng nghe, một tiếng thở dài an ủi, như thể vừa trút được một gánh nặng của ông già vang lên phía bên ngoài.
Ở đây, Chí Viễn và Ức Hoa đưa mắt nhìn nhau, Chí Viễn đưa tay ra, kéo nàng vào lòng mình trở lại, đôi gò má nàng đỏ hồng như vừa say men rượu. Ngẩng đầu lên nhìn Chí Viễn, nàng đưa tay lên sờ soạn trên chiếc cằm chàng:
- Anh gầy quá đi thôi, Chí Viễn. Đừng nên làm việc cực khổ quá như thế nữa, được không, anh? Anh phải yêu cơ thể mình một chút chứ! Coi như anh vì em vậy!
Câu nói này nhắc nhở Chí Viễn, chàng nói như vừa sực nhớ ra điều gì:
- Ui cha, hôm nay phải vào sở hủy bỏ những ngày phép mới được!
Ức Hoa sựng người lại, ngạc nhiên:
- Hủy bỏ những ngày phép?... Cho dù không có Chí Tường, chúng ta vẫn có thể đi du lịch được mà, phải không?
Chí Viễn nhìn nàng bằng đôi mắt thương xót, xin lỗi:
- Không lấy ngày nghĩ có thể tính như làm thêm giờ, lương sẽ lãnh cao hơn. Ức Hoa, ngày tháng của chúng ta còn dài, muốn đi du lịch, chúng ta còn biết bao nhiêu thì giờ, phải không? Thế nhưng, tiền học của Chí Tường, không có cách gì chờ đợi được, nhập học là phải đóng ngay thôi!
- Thế không phải anh ấy đi tìm việc làm sao?
Chí Viễn hỏi:
- Em thật sự tin rằng nó có thể tìm được việc làm ở Geneva hay sao? Huống chi, nó là một nghệ thuật gia, nghệ thuật gia bẩm sinh có tính hơi lang bang một chút, nó không chịu cực được đâu! Còn anh, anh đã quen rồi!
- Chí Viễn!...
Nàng ngập ngừng, muốn nói nhưng lại thôi. Chàng nói bằng một giọng dịu dàng nhưng bướng bỉnh:
- Đừng nên khuyên anh, được không cưng? Anh đã đem món quà vốn chuẩn bị tặng cho nó, món quà giá trị nhất, tốt đẹp nhất trần gian này, chiếm làm của riêng mình rồi, làm sao anh không đi làm để bù lại cho được?
Nàng thở ra một hơi dài, nhìn chàng bằng ánh mắt chẳng đặng đừng:
- Chí Viễn, anh thật là một người ngoan cố, Chí Tường chưa bao giờ nhìn thấy em là một người tốt đẹp nhất trên cõi đời này, anh ấy có hạnh phúc riêng, anh ấy có cô nàng Đan Lệ của anh ấy, anh hiểu không? Anh không hề chiếm đoạt gì của anh ấy cả, anh không cần phải có mặc cảm tội lỗi!
Chí Viễn nói một cách cố chấp:
- Nhưng anh vẫn có! Vả lại, anh còn có tinh thần trách nhiệm, nếu như Chí Tường không thể học hành đến nơi đến chốn, công thành danh toại, thì không phải chỉ là sự thất bại của riêng nó, mà còn là sự thất bại của cả hai anh em anh! Ức Hoa, hãy giúp anh! Giúp anh nâng đỡ nó! Chỉ khi nào nó thành công, thì anh mới có thể coi như... cũng thành công!
Ức Hoa nhìn chàng trân trối, nhìn chàng bằng ánh mắt cảm động, chua xót và chan chứa tình thương yêu, tha thiết, cuối cùng, nàng gật gật đầu, nhẹ nhàng, lặng lẽ, tựa gương mặt mình vào ngực chàng, đằm thắm!