Mạnh Vỹ đáp :
- Dạ! Tại hạ kiếm được gã rồi xin trở lại ngay.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Ông bạn bất tất phải tới đây. Bây giờ ta đưa Kim Cửu Linh đi kiếm Thi Kinh Mặc. Ông bạn có tin thì tới thẳng đó.
Thi Kinh Mặc là một thầy thuốc nổi danh dĩ nhiên Mạnh Vỹ đã biết rồi.
Lục Tiểu Phụng lại nói tiếp :
- Ông bạn kêu người lấy chút tro bụi xoa lại những chỗ chúng ta vừa đụng vào cho thật đều đặn.
Mạnh Vỹ dạ một tiếng.
Lục Tiểu Phụng lại nói :
- Tống Hồng cũng cho dời khỏi nơi đây ngay và kêu người khác đến gác cửa ngõ. Phòng bên cạnh nên đặt một người để họ thấy có điều khả nghi lập tức đến báo với ta.
Mạnh Vỹ lại dạ một tiếng.
Gã đứng một lúc nhìn Lục Tiểu Phụng dường như có điều gì muốn nói nhưng lại nhẫn nại không lên tiếng.
Gã ra tới cửa rồi không nhịn được nữa, quay lại mỉm cười nói :
- Lục đại hiệp mà đến làm bộ đầu ở nha môn thì bọn tại hạ chỉ còn có con đường về ẵm con.
Lục Tiểu Phụng tự lấy làm thỏa mãn vì đã sắp đặt công việc đâu vào đó. Dù Kim Cửu Linh tỉnh táo lại cũng không thể xử lý hay hơn chàng được.
Nhưng chàng không phải là thần tiên, nên vẫn còn chỗ chưa tính đến.
Thi Kinh Mặc không có ở nhà. Vị danh y này thường bác bậc kiêu kỳ, ít khi đến nhà ai thăm bệnh. Nhưng đối với chủ nhân Hoa Ngọc Hiên lại ra ngoài thể lệ đó.
Vết thương ở mắt Hoa Nhất Phàm chưa hoàn toàn khỏi hẳn mà lại mắc bệnh vẫn vơ. Miệng không ngớt lảm nhảm về vụ mất danh họa.
Tại sao những người càng nhiều tiền càng không chịu rời bỏ những cái gọi là thân ngoại chi vật? Phải chăng vì họ riết róng nên mới có nhiều tiền.
Bây giờ Lục Tiểu Phụng không còn cách nào để liên lạc với Mạnh Vỹ, chàng đành ngồi trong khách sảnh ở ngoài Thi gia trang để chờ đợi.
Đột nhiên chàng nhớ tới nhiều chuyện mà lại là những chuyện trước nay không nghĩ tới bao giờ.
Giữa lúc ấy Mạnh Vỹ đưa tin lại : A Thổ có ở nhà.
Gã ăn xin cũng có nhà ở ư?
Ăn xin cũng là người. Chó còn có chuồng huống chi là người?
Sự thực cái nhà của A Thổ chẳng khác cái chuồng. Nó là một cái lò gạch người ta đã phế bỏ. Bốn mặt gã khoét ra mấy cái lỗ để làm cửa sổ.
Hiện nay khí trời nóng nhiệt nên những mảnh ván dùng để che cửa không đóng lại.
Bên trong có ánh đèn lửa.
Bỗng có tiếng người hỏi :
- A Thổ có nhà không?
Tiếng người đáp lại :
- Có! Không hiểu gã lấy đâu ra hồ rượu đem về đang ngồi rót uống một mình.
- Có ai đến kiếm gã chưa?
- Chưa nhưng bên kia có người đi qua.
- Người thế nào?
- Một thanh niên nhỏ tuổi, đầu đội mũ giải đỏ như kiểu sai nha.
Câu này vừa nói xong thì chỉ thoáng một cái đã thấy tên sai nha đội mũ giải đỏ, tay cầm cái bọc vải vàng khệnh khạng đi lên. Hắn đảo mắt nhìn quanh mấy lượt rồi mới chuồn vào cái chuồng của A Thổ. Dĩ nhiên hắn không ngó thấy Lục Tiểu Phụng và Mạnh Vỹ. Hai người ẩn mình trên ngọn cây lớn.
Mạnh Vỹ khẽ hỏi :
- Bây giờ có vào bắt không?
Lục Tiểu Phụng lắc đầu đáp :
- Người mà ta muốn bắt không phải là gã.
Mạnh Vỹ hiểu ngay lại hỏi :
- Phải chăng công tử muốn tìm ra tên đại đạo thêu hoa ở nơi A Thổ?
Lục Tiểu Phụng ừ một tiếng.
Mạnh Vỹ lại hỏi :
- Trên nắp hộp lưu chữ lại nói gã sắp về, công tử cho là gã sẽ về chỗ Công Tôn Đại Nương bên đó hay sao?
Lục Tiểu Phụng gật đầu đáp :
- Cái bọc kia chắc là có người muốn trao cho mụ. Có lẽ bây giờ mụ đã về tới chỗ ở của mụ rồi.
A Thổ còn có chỗ ở huống chi Công Tôn Đại Nương?
Mạnh Vỹ đành dằn lòng chờ đợi. Hai người chờ không bao lâu thì tên sai nha đội mũ giải đỏ khệnh khạng trở ra. Miệng hắn hát nghêu ngao từ trên sườn đồi đi xuống.
Hắn đã giao hàng xong rồi, tỏ ra trong người thoải mái.
Sau một lúc, đột nhiên đèn lửa trong nhà tắt ngấm.
A Thổ ra ngoài đóng những mảnh ván che cửa lại.
Lưng gã đeo một cái túi vải rách nát. Cái bọc vàng hiển nhiên bỏ trong túi đó.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Để ta theo dõi gã. Ông bạn quay về chiếu cố cho Kim lão tổng.
Mạnh Vỹ ngập ngừng :
- Công tử đi một mình e rằng...
Lục Tiểu Phụng vỗ vai gã ngắt lời :
- Ông bạn cứ yên dạ, ta không chết đâu mà ngại.
Vừng trăng tròn tỏa ánh sáng xuống vũ trụ, ngọn gió đêm đưa lại một chút hơi thu mát rượi. Thời tiết này rất thích hợp với người đi đường.
A Thổ không ngồi xe cũng không đi ngựa, ung dung cất bước tiến về phía trước, dường như chẳng có việc gì gấp.
Lục Tiểu Phụng cũng trầm tĩnh thủng thỉnh theo sau.
May ở chỗ đêm đã khuya, trên đường lớn không có ai qua lại. Hai người cứ một trước một sau tiếp tục thượng lộ.
A Thổ lúc thì hát khúc tiểu điệu, lúc lại lên giọng hát tuồng. Gã đi mỗi lúc một chậm hơn.
Lục Tiểu Phụng tức mình chỉ muốn cầm roi quất vào lưng cho gã đi lẹ mà không làm được lại càng buồn bực.
Không hiểu đi đã bao lâu? Trên trời chòm sao thưa thớt, bóng trăng nhạt dần sắp lặn xuống đầu non. A Thổ chẳng những không đi lẹ mà còn tìm gốc cây ngồi nghỉ.
Gã mở túi gai ra lấy nửa con ngỗng quay, một hồ rượu ngồi ngay bên đường ăn uống.
Đột nhiên Lục Tiểu Phụng cảm thấy đói bụng, hai ngày nay chàng chưa ăn một bữa no nào, vì chàng không muốn ăn, nuốt không vào. Hiện giờ chàng muốn ăn quá mà chẳng có gì để ăn.
A Thổ xé cái đùi ngỗng cắn một miếng, lại uống một hớp rượu. Bỗng gã thở dài miệng lẩm bẩm :
- Uống rượu một mình thật vô vị. Giả tỉ bây giờ có người đồng ẩm thì hay biết mấy!
Lục Tiểu Phụng trong bụng thèm khát muốn lại ăn uống mà phải ngồi một chỗ dương mắt lên nhìn.
Chàng phải khó nhọc lắm mới chờ được A Thổ ăn uống xong. Gã chùi tay đầy dầu mỡ vào áo rồi mới đứng lên cất bước.
Lục Tiểu Phụng bây giờ mới ngó thấy nửa con ngỗng quay mới mẻ mất cái đùi, ngoài ra hãy còn nguyên vất bỏ dưới đất.
Gã ăn xin này không biết tiết kiệm chút nào.
Đương nhiên gã không phải là kẻ ăn xin thực sự, Lục Tiểu Phụng đói quá, cơ hồ không nhịn được, muốn lượm nửa con ngỗng lên ăn cho khỏi đói. Nhưng thủy chung chàng ráng nhẫn nại.
Chàng nghĩ tới A Thổ đầy mình ghẻ lở mà ghê tởm. Chàng thà rằng chịu chết đói chứ không ăn đồ của gã.
Hai người đi mãi đi hoài. Trời sắp sáng rồi. Đêm tháng bảy tương đối ngắn hơn ngày.
Vừng thái dương đỏ ối mọc lên. Trên đường lác đác có người đi chợ sớm.
Đột nhiên A Thổ co giò chạy như người phát điên.
Một gã ăn xin thối tha thì bất luận gã phát điên phát khùng hay nằm lăn ra cũng vậy, chẳng ai buồn chú ý tới.
Nhưng Lục Tiểu Phụng không thể làm theo gã được. Có lý nào chàng chạy loạn trên đường như loài dã cẩu?
Lúc này chàng đành phải chạy theo, dù bị người khác coi là kẻ điên khùng chàng cũng cam chịu.
A Thổ chạy nhanh quá.
Lúc trên đường không người gã đi chậm hơn rùa, bây giờ có người qua lại gã lại chạy như thỏ phải tên.
Lục Tiểu Phụng đột nhiên phát giác ra A Thổ không phải là người dễ đối phó.
Muốn theo dõi con người như gã thật khó khăn vô cùng! May mà A Thổ không quay đầu lại, và hiển nhiên gã đã mỏi mệt. Đột nhiên gã nhảy lên một cái xe lừa chở cám heo, nằm trên đó ngủ một giấc.
Người trong xe trợn mắt lên nhìn gã ra chiều tức giận, nhưng cũng không đuổi xuống.
Lục Tiểu Phụng lại thở dài. Lần này chàng còn phát giác ra gã ăn xin đi đường có rất nhiều phương tiện mà người khác không nghĩ tới. Không trách người ta có câu :
“Đã làm kẻ ăn xin ba năm rồi thì ai đưa ngôi hoàng đế cho cũng không muốn làm nữa.”.
Vừng thái dương lần lần lên cao. A Thổ nhắm mắt lại tựa hồ gã ngủ thật rồi.
Lục Tiểu Phụng mình toát mồ hôi. Chàng cảm thấy vừa nóng vừa mệt, đã đói khát mà không thể dừng bước được.
Chàng muốn kiếm được Công Tôn Đại Nương đành phải theo dõi gã này cho đến cùng chứ chẳng còn cách nào khác. Chàng chỉ mong ở nơi vận đỏ gặp một người bán chút rượu thịt ở bên đường.
Nhưng vận khí chàng rất xúi quẩy. Thậm chí dọc đường không gặp người bán bánh nào.
Nguyên người Lĩnh Nam thích ăn uống một cách đàng hoàng. Muốn ăn họ phải kiếm chỗ ngồi cho thoải mái. Dù có kẻ bán hàng ăn nhỏ như vậy cũng rất ít người chiếu cố.
Ở phương Bắc thường gặp người bán hàng ăn vặt, nhưng ở miền này cách sinh nhai đó không thể tồn tại được.
Lục Tiểu Phụng đành ôm bụng đói mà đi.
Hai bên vệ đường là đồng bằng đất cát phì nhiêu. Tới đây mới có một giải thanh sơn.
A Thổ đột nhiên từ trên xe lừa nhảy xuống chạy lên sườn non. Trên sườn núi cây xanh ngắt, khí trời mát mẻ. A Thổ đã ngủ trên xe một giấc bây giờ gã càng tỉnh táo.
Lục Tiểu Phụng cũng phấn khởi tinh thần. Vì chàng bỗng phát giác tên ăn mày thối tha chẳng những chân chạy rất khoẻ mà dường như người gã còn mang khinh công.
May mà dãy núi này không cao mấy. Lục Tiểu Phụng thấy A Thổ đi lên núi, chàng đoán là sắp tới nơi rồi.
Sào huyệt bí mật của Công Tôn Đại Nương chàng chắc ở dãy núi này.
Ai ngờ đây chỉ là một dãy hoang sơn. Dọc đường chẳng thấy nhà cửa chi hết. Sơn lộ lại rất hiểm trở gập ghềnh.
Lên gần tới đỉnh núi, chàng đột nhiên ngửi thấy mùi thơm theo gió đưa xuống, giống như mùi thịt cừu nướng.
Lục Tiểu Phụng lẩm bẩm :
- Trên núi nhất định có nhà, dĩ nhiên là nhà của Công Tôn Đại Nương.
Dè đâu Lục Tiểu Phụng lần này đoán trật.
Trên đỉnh núi chẳng có nhà cửa chi hết. Một lũ ăn xin đang ngồi uống rượu ăn thịt.
Chúng thấy A Thổ lên tới nơi, một tên cười nói :
- Ngươi hên vận quá! Chúng ta vừa xuống núi bắt trộm một con cừu mập đem lên nướng thì ngươi đã tới ngay. Vậy lại đây cùng ăn một bữa.
A Thổ cười rộ tiến lại đáp :
- Xem chừng mấy bữa nay khẩu phúc của tiểu đệ khá thật. Bất luận đi tới đâu cũng đều ăn ngon.
Lục Tiểu Phụng lại một phen ôm bụng dương mắt lên nhìn.
Dĩ nhiên chàng không nên trà trộn vào bọn khất cái ăn thịt cừu lấy cắp của người ta. Hơn nữa chàng chẳng thể để A Thổ gặp mặt.
Lục Tiểu Phụng ẩn phía sau tảng đá núi đói như cào ruột, khát như cháy cổ họng.
Thậm chí chàng bắt đầu hối hận đêm qua không lượm lấy nửa con ngỗng quay mà ăn cho đỡ đói.
A Thổ rất quen thuộc bọn khất cái này. Gã ngồi ăn uống với chúng, cười cười nói nói, sung sướng như bậc thần tiên.
Lục Tiểu Phụng trái lại chẳng khác gì tên tử tù ở dưới mười tám tầng địa ngục.
Trong đời chàng chưa bao giờ phải chịu sống như lần này.
Bây giờ chàng mới phát giác ra đói khát là một việc đáng sợ hơn hết.
Giả tỷ chàng có thể nhân cơ hội này nhắm mắt dưỡng thần một lúc cũng hay, nhưng biết đâu trong bọn khất cái chẳng có thủ hạ của Công Tôn Đại Nương chờ ở đây để tiếp ứng cho A Thổ.
Vì thế chàng không dám lơ là khoảnh khắc nào mà phải chăm chú theo dõi từng hành động, từng câu nói của chúng.
Lỡ ra A Thổ chuồn cái bọc vàng cho tên nào khác để đưa đến chỗ Công Tôn Đại Nương thì thật là chàng chịu tội một cách uổng phí.
Lục Tiểu Phụng tinh thần căng thẳng, chờ hồi lâu bọn khất cái mới ăn uống xong.
A Thổ còn khoác lác với chúng một hồi rồi mới chạy băng băng xuống núi.
Gã lên núi này làm chi, bây giờ lại đi xuống?
Lục Tiểu Phụng không sao hiểu được. Chàng tự hỏi :
- Chẳng lẽ gã lén đưa bọc vải vàng cho người khác rồi? Sao ta vẫn chú ý mà không nhìn thấy?
Chàng đã không nhìn thấy thì bây giờ chỉ còn cách chăm chú theo dõi A Thổ.
Đến lưng chừng sườn núi, A Thổ đột nhiên dừng lại. Gã thò tay rút cái bọc vải vàng ở trong túi gai đeo trên lưng xuống nhìn một chút rồi lại nhét vào. Gã vừa cười vừa lẩm bẩm :
- May mà cái này chưa bị mấy ông tướng bắt trộm cừu đổi mất không thì cái đầu ta e rằng phải bật ra ngoài.
Cái bọc vàng đó bên trong đựng gì? Tại sao lại quan trọng đến thế?
Dĩ nhiên Lục Tiểu Phụng không nhìn thấy mà cũng không đoán ra. Chàng lẩm bẩm :
- Bất luận là bọc gì, cứ còn ở trong tay A Thổ là được. Vả lại nó quan trọng như thế thì không chừng phải chính gã đem đến trao tận tay Công Tôn Đại Nương.
Lục Tiểu Phụng bị cực khổ như vậy cũng không oan. Oan uổng nhất là ở chỗ A Thổ lại theo đường cũ đi xuống.
Dĩ nhiên chẳng phải gã lên đỉnh núi để ăn thịt cừu.
Chẳng lẽ gã đã phát giác ra phía sau có người theo dõi nên cố ý làm thế để hành hạ kẻ theo mình chăng?
A Thổ vẫn chẳng lộ vẻ khẩn trương. Nếu gã phát giác có người theo dõi thì chẳng có lý nào gã lại theo đường cũ đi xuống.
Mặt khác Lục Tiểu Phụng rất tin tưởng ở mình chưa bị đối phương phát giác. Dù chàng nhịn đói mấy ngày nữa thì hành động cũng tuyệt không để phát ra tiếng động.
Gần đây ai cũng nhận là khinh công chàng có thể liệt vào hạng năm người ngày trước ở trong thiên hạ.
Chàng tự nghĩ :
- Con người đã mang trọng trách bí mật thì bất luận phía sau có người theo dõi hay không, lúc hành động họ đều cố ý hý lộng quỷ thần.
Lục Tiểu Phụng tự giải thích cho mình bằng nguyên nhân này, chàng lấy làm thỏa mãn.
A Thổ xuống núi rồi hành động tự nhiên hơn nhiều. Gã lại đi chừng nửa giờ rồi tiến vào thành.
Ở trong thành gã lại đi quanh hai vòng rồi tiến vào hàng cơm. Gã ở quán cơm đi ra bỗng rẽ vào trong một ngõ hẻm.
Trong ngõ chỉ có một cửa mà là cửa vào vườn hoa ở phía sau một trang viện lớn.
A Thổ làm như người về nhà mình. Gã không cần gọi cửa cứ thẳng băng tiến vào.
Đường lối trong vườn gã đã thuộc hết. Gã quanh co mấy chỗ rồi xuyên vào khu rừng hoa, đi qua một cây cầu nhỏ tới một tòa tiểu lâu nhìn xuống ao sen.
Trên lầu ánh đèn sáng rực.
Lục Tiểu Phụng phát giác ra lúc này đang buổi hoàng hôn. Ánh tịch dương chỉ còn lờ mờ.
Trên tiểu lâu đèn lửa huy hoàng mà không nghe thấy tiếng người, cả tiếng đồng tử chầu chực ở cửa cũng không có.
A Thổ vẫn không gõ cửa đi thẳng lên lầu.
Trên lầu là một căn nhã thất không có bóng người, nhưng trên bàn đã bày rượu nhắm rất tinh khiết.
Lục Tiểu Phụng lẩm bẩm :
- Khẩu phúc gã này quả nhiên khá thật, đi tới đâu cũng được ăn ngon.
Trong phòng tuy chưa có ai, nhưng trên bàn đã đặt sẵn tám bộ chén đũa. A Thổ ngồi xuống gắp một miếng thịt gà rồi gục gặc cái đầu lại đặt xuống.
Cái túi gai của gã để trên bàn, hở cả cái bọc vải vàng ở bên trong. Gã lẩm bẩm :
- Không ngờ lần này mình lại đến trước tiên.
Hiển nhiên gã đang chờ đợi. Gã chờ đợi những ai? Trong đó có Công Tôn Đại Nương không?
Phía đối diện tiểu lâu có một cây Ngân Hạnh lớn cành là rườm rà vươn ra đến cửa sổ căn lầu.
Lục Tiểu Phụng quành ra phía sau cây Ngân Hạnh thi triển Bích Hổ Công trèo lên.
Chàng tìm chỗ cành lá rậm rạp để ẩn mình.
Trời tối rồi. Dù có người đứng bên cửa sổ nhìn ra cũng không thể phát giác ra chàng được.
Bây giờ A Thổ kể như tới nơi rồi, chắc gã không còn giở trò gì nữa.
Lục Tiểu Phụng thở phào một cái ngồi trên cây dưỡng thần. Đột nhiên chàng nghe tiếng tà áo bay lạch phạch. Một bóng người như con chim én thi triển công phu “Lăng Không Xảo Phiên Vân” vọt qua ngọn cây chuồn vào tiểu lâu.
Lục Tiểu Phụng vội dương mắt lên nhìn, nhưng chàng nhận ra không phải là Công Tôn Đại Nương.
Người này khinh công tuy đã cao thâm nhưng hãy còn kém Công Tôn Đại Nương, so với chàng dĩ nhiên vẫn còn kém.
Người này là một phu nhân lối bốn chục tuổi nhưng vẻ người hãy còn phong vận.
Đầu mày cuối mắt đầy vẻ phong tình, mê ly hơn cả thiếu nữ.
Mụ mặc áo màu tía thẩm khít vào người. Tay mụ cũng xách một cái bọc vải vàng.
Vừa rồi lúc mụ lướt mình trên không, Lục Tiểu Phụng đã phát giác ra chân mụ đi đôi giày đỏ.
Mụ ngồi xuống bàn nhìn A Thổ mỉm cười nói :
- Bữa nay ngươi đến sớm nhất.
A Thổ thở dài đáp :
- Bao giờ nam nhân cũng thua thiệt, phải mất thì giờ ngồi chờ nữ nhân.
Lục Tiểu Phụng cảm thấy câu này rất đồng quan niệm với chàng.
Chàng phát giác quả nhiên mình đã không coi lầm người. A Thổ đúng là một nhân vật khó bề đối phó mà địa vị gã tuyệt không phải thấp hèn.
Tử Y nữ khách khinh công rất cao thâm, phong độ lại cực kỳ xinh tươi. Thế mà mụ ngồi với gã ăn mày A Thổ ở đầu hẻm đầy mình ghẻ lở vẫn tự nhiên không ghê tởm chút nào.
Phải chăng gã này cũng là một cao thủ võ lâm?
Lục Tiểu Phụng vốn tự phụ biết rất nhiều nhân vật giang hồ, nhưng bây giờ chàng phát giác chưa quen biết được bao nhiêu cao thủ võ lâm, ít ra là hai nhân vật này chàng chưa từng thấy qua. Ngọn gió bỗng đưa lại một tràng cười lanh lảnh như tiếng nhạc vàng. Người chưa tới, tiếng cười đã tới trước.
Tử Y nữ khách nói :
- Lão thất tới nơi rồi.
Mụ chưa dứt lời, trong phòng đã có thêm một người. Dĩ nhiên cũng là nữ nhân.
Người mới đến là một thiếu nữ khóe miệng mỉm cười. Hai mái tóc thị đen láy kết thành hai cái bím dài. Trong tay thị cũng xách một cái bọc vải vàng.
Thiếu nữ ngó A Thổ trước mỉm cười rồi lại nhìn Tử Y nữ khách nói :
- Nhị nương! Nhị nương cũng đến sớm nhỉ?
Tử Y nữ khách thở dài đáp :
- Người lớn tuổi đành chịu thua thiếu nữ, phải đến trước ngồi chờ tiểu cô nương.
Hồng Y thiếu nữ lại nổi lên tràng cười lanh lảnh đáp :
- Đời nào Nhị nương chịu thua ai? Không chiếm phần tiện nghi của người khác là người ta đã tạ ơn trời Phật rồi.
Tử Y nữ khách lại thở dài nói :
- Thật ta không hiểu nổi, sao ngươi thích cười đến thế? Cười tối ngày không ngớt lúc nào.
A Thổ bỗng xen vào :
- Vì y biết rằng mình cười coi rất xinh. Cười cho lộ ra má lúm đồng tiền. Nếu không cười thì ai mà ngó thấy?
Hồng y thiếu nữ trợn mắt lên nhìn gã rồi lại cười, mà cười ngặt cười ngẹo không ngớt.
Lục Tiểu Phụng bây giờ mới biết Tử Y nữ khách kêu bằng Nhị nương. Chàng tự hỏi :
- Nhị nương là ai? Phải chăng là Công Tôn Nhị Nương? Công Tôn Nhị Nương đã tới, vậy chẳng sớm thì muộn rồi Công Tôn Đại Nương cũng đến.
Lục Tiểu Phụng cảm thấy khoan khoái trong lòng. Bất luận chàng đã phải cực nhọc thế nào nhưng cũng được kể là không đến nổi uổng công. Huống chi tiếng cười của Hồng Y thiếu nữ khiến cho chàng vui dạ. Đáng tiếc là chàng không nhận ra được thị.
Hồng Y thiếu nữ chưa ngớt cơn cười đã cất tiếng hỏi :
- Tiểu muội đánh cuộc với các vị lần này ai tới chậm nhất?
Nhị nương đáp :
- Dĩ nhiên là lão tam. Y rửa mặt cũng mất hàng nửa giờ. Dù y có mải mốt đến đâu cũng không sao gấp rút được.
Hồng Y thiếu nữ vỗ tay cười nói :
- Đúng rồi! Lần này nhất định là y đến chậm.
Một người tiếng nói rất ôn nhu, rất thong thả, từ dưới lầu từ từ đi lên.
Người đàn bà này tuy đi chậm mà Lục Tiểu Phụng cũng không nhìn thấy ả tiến vào lầu lúc nào.
Hồng Y thiếu nữ vừa ngó thấy ả dường như rất kinh ngạc, nhưng thị lại cười ngay, nói :
- Không ngờ lần này Tam nương chẳng phải là kẻ đến sau cùng. Thật là một kỳ tích!
Người mới đến là Tam nương, chẳng những ả giọng nói rất ôn nhu, thái độ cũng ôn nhu, tiếng cười cũng ôn nhu. Ả chậm chạp lên lầu, chậm chạp ngồi xuống, chậm chạp đặt cái bọc vải vàng trong tay xuống bàn rồi mới thở dài đáp :
- Lần này chẳng những ta không đến chậm mà còn đến sớm hơn hết thảy.
Hồng Y thiếu nữ hỏi :
- Thật thế ư?
Tam nương đáp :
- Ta đến đây từ tối hôm qua, ngủ ở dưới lầu, đã tưởng mình là người tới trước nhất trong các vị, khiến cho các vị phải giật mình kinh hãi.
Hồng Y thiếu nữ cười hỏi :
- Vậy mà tại sao đến bây giờ Tam nương mới lên đến đây?
Tam nương thở dài đáp :
- Vì ta còn nhiều việc phải làm.
Hồng Y thiếu nữ hỏi :
- Việc gì?
Tam nương đáp :
- Ta còn phải chải đầu, phải rửa mặt, phải mặc áo và phải đi giày.
Nghe tới đây cả Lục Tiểu Phụng ngồi trên cây cũng không nhịn được suýt nữa phải phì cười.
Hồng Y thiếu nữ lăn ra mà cười. Thị thở hồng hộc nói :
- Những cái đó mà cũng kể là đại sự khẩn yếu ư?
Nhị nương cũng không nhịn được cười nói :
- Ta đã bảo y rửa một cái mặt cũng mất quá nửa giờ.
A Thổ xen vào :
- Tại hạ lấy làm kỳ...
Hồng Y thiếu nữ nhanh nhẩu hỏi ngay :
- Kỳ ở chỗ nào?
A Thổ đáp :
- Hàng ngày y chỉ chải đầu, rửa mặt, mặc áo xỏ giàøy thì còn thời giờ đâu mà làm việc khác?
Hồng Y thiếu nữ phải ráng nhịn cười, làm mặt nghiêm nghị nói :
- Vấn đề này quả là nghiêm trọng thật. Sau này y mà lấy chồng, thậm chí không còn lúc nào rỗi để mà sinh đẻ há chẳng lầm lỡ đại sự ư?
Thị nói hết câu lại bò ra cười.
Tam nương vẫn không tức giận, thủng thẳng đáp :
- Ta đã biết nhất định ngươi có nhiều thì giờ để sinh con sau này, ít ra ngươi cũng sinh bảy tám chục đứa nhỏ.
Hồng Y thiếu nữ cười nói :
- Dù tiểu muội có sinh mỗi năm một đứa cũng chẳng làm gì nhiều được đến thế!
Tam nương đáp :
- Nếu mỗi cái lúm của ngươi sinh một đứa con thì sinh được rất nhiều.
Hồng Y thiếu nữ nói :
- Chỉ có heo mới nhiều lúm và mỗi lúm sinh một heo con. Tiểu muội không phải là heo...
Thị chưa dứt lời đã phát giác ra mình nói câu này chẳng khác gì mình tự mắng mình.
Tam nương không nhịn được cười hích hích nói :
- Thế ra ngươi không phải là heo. Vậy cần thanh minh mới được, để người ta khỏi hiểu lầm.
Hồng Y thiếu nữ ngoác miệng ra la :
- Hay lắm! Bây giờ Tứ thư và Lục thư chưa tới nên các người thừa cơ khinh khi tiểu muội.
Tam nương hỏi :
- Bọn họ đến thì làm sao?
Hồng Y thiếu nữ đáp :
- Ít ra họ cũng binh tiểu muội. Cả hai vị chập vào làm một cũng nói không lại với nửa người trong bọn họ.
Một cơn gió thoảng qua. Ngoài cửa sổ lại có ba người bay vọt vào như chim én.
Một người cười nói :
- Ít ra được một điểm là ta không nói sai. Ta biết y tuyệt không phải là con heo nhỏ.
Hồng Y thiếu nữ vỗ tay cười nói :
- Các vị đã nghe rõ chưa? Tiểu muội biết Tứ thư là người rất tốt.
Tam nương liền hỏi :
- Y không phải heo con, vậy y là cái gì?
Tứ thư đáp :
- Y chỉ là con gà mái ghẹ.
Hồng Y thiếu nữ sửng sốt hỏi :
- Tiểu muội là gà mái ghẹ ư?
Tứ thư đáp :
- Nếu ngươi không phải gà mái ghẹ thì sao lại cười khèng khẹc từ sáng đến tối?
Hồng Y thiếu nữ không cười ra tiếng được nữa.
Lục Tiểu Phụng cũng không cười ra tiếng. Sau cùng, trong ba người này chàng cũng nhận được hai. Một người dĩ nhiên là Giang Khinh Hà, chàng chẳng ngạc nhiên chút nào, nhưng chàng không khi nào ngờ tới Tứ nương lại là Âu Dương Tình.
Âu Dương Tình, một ả danh kỹ, đã từng bị chàng chọc tức đến chết người. Chàng còn nhận ra Âu Dương Tình và Giang Khinh Hà xuất hiện cùng một lúc và khinh công ả chẳng kém gì Giang Khinh Hà, suýt nữa chàng từ trên cây té xuống.
Tổ chức Hồng Hài Tử (giày đỏ) này thật đủ thứ người. Âu Dương Tình và Giang Khinh Hà hiển nhiên đều là những nhân vật đầu não trong tổ chức này.
Trên bàn bày tám bộ đũa chén thì hiển nhiên trong tổ chức có tám vị thủ lãnh. Bây giờ đã có mặt bảy vị.
Tử Y nữ khách là lão nhị. Rửa mặt mất hàng nửa giờ là Tam nương. Tứ nương là Âu Dương Tình. Ngũ thư là Giang Khinh Hà. Lục thư áo xanh bít tất trắng, đầu tóc cạo trọc, đúng là một vị ni cô xuất gia. Con gà mái ghẹ cười tối ngày là Thất nương.
Đại nương là ai? Tại sao? Tại sao chưa thấy Công Tôn Đại Nương xuất hiện? Gã A Thổ đầy mình ghẻ lở có mối liên quan gì với bọn này? Không hiểu gã đứng vào vị thứ nào?
Bảy người ngồi xuống cả. Trước mặt đều đặt cái bọc vải vàng, chỉ có thủ tịch còn bỏ trống. Hiển nhiên là chỗ dành cho Công Tôn Đại Nương.
A Thổ bỗng cất tiếng hỏi :
- Các vị thư muội sáu người, lần này đem về được thứ gì? Cho ta coi trước được chăng?
Hồng Y thiếu nữ nói ngay :
- Dĩ nhiên là được. Tam thư đến trước nhất, vậy chúng ta hãy coi y đem về thứ gì?
Tam nương không phản đối cũng không cự tuyệt. Ả từ từ đưa tay ra cởi nút bọc.
Trên bọc của ả buộc ba nút. Ả cởi mất khoảng thời gian chừng uống cạn tuần trà mà mới xong cái nút thứ nhất.
Nhị nương thở dài nhăn nhó cười nói :
- Các vị còn chịu được, chứ ta hết chịu nổi rồi. Vậy hãy coi của ta trước đi.
Lục Tiểu Phụng phấn khởi tinh thần dương mắt lên nhìn.
Trong những bọc vải vàng bí mật này đựng những gì? Chàng không nhịn được nữa chỉ muốn coi cho biết.
Thực tình chàng nóng nảy hơn ai hết.
May mà động tác của Nhị nương không đến nổi chậm chạp. Mụ cởi ra trong bọc vừa lớn vừa nhỏ có đến bảy tám chục xấp.
Nhị nương nói :
- Năm nay thu hoạch đã kém lại nghỉ ba tháng trời, nên thu thập các tiền trang mới được một trăm tám mươi vạn lạng bạc. Nhưng sang năm ta chắc có thể thu được gấp đôi.
Trong một năm mụ thu về gần hai trăm vạn lạng bạc mà còn bảo thu hoạch kém cỏi.
Lục Tiểu Phụng ngấm ngầm thở dài. Chàng không sao nghĩ ra được Nhị nương đã làm gì?
Theo chỗ chàng biết thì mấy tay cự khấu thế lực cực lớn cũng không ai thu nổi phân nửa của mụ.
Chàng cũng không nghĩ ra trên đời còn nghề gì được nhiều tiền hơn là quân cường đạo cướp bóc của người ta.
Tam nương khẽ thở dài nói :
- Chỉ được hơn một một trăm tám chục vạn lạng thì năm nay chúng ta chi tiêu ít đi một chút cũng được.
Tam nương cười nói tiếp :
- Chỗ thu hoạch của ta quả là không ít. Gần đây số người không muốn có mũi mỗi ngày một nhiều thêm.
Không muốn có mũi là ý nói không thể giữ thể diện.
Câu này Lục Tiểu Phụng có thể hiểu được.
Nhưng những người không muốn giữ thể diện thì có liên quan gì đến vụ thu hoạch của ả? Về điểm này Lục Tiểu Phụng không sao hiểu nổi?
May ở chỗ Tam nương đã cởi xong ba cái nút trên bọc của ả. Bên trong còn có lần vải dầu.
Ả lại cởi lần vải dầu, trong còn một lần đoạn đỏ.
Đoạn đỏ gói toàn mũi, đến bảy tám chục cái vừa lớn vừa nhỏ mà là mũi người thật.
Lục Tiểu Phụng xuýt nữa ở trên cây té nhào xuống. Chàng tự hỏi :
- Chẳng lẽ người đàn bà vừa ôn nhu vừa văn nhã, tưởng chừng bước chân cũng không xéo chết cả con kiến kia mà lại ra tay cắt đến bảy, tám chục cái mũi người?
Tam nương vẫn lên giọng ôn nhu nói :
- Bọn họ đã không muốn giữ mặt mũi thì ta cắt mũi họ đi.
Hồng Y thiếu nữ vỗ tay cười nói :
- Thật là một biện pháp rất hay.
Tam nương đáp :
- Nhưng sang năm nay ta không dùng biện pháp này nữa.
Tam nương tiếp :
- Sang năm ta chuẩn bị cắt đầu lưỡi.
Hồng Y thiếu nữ hỏi :
- Cắt lưỡi ư? Tại sao lại cắt lưỡi?
Tam nương nhẹ nhàng buông tiếng thở dài thủng thẳng đáp :
- Vì gần đây ta lại phát giác ra người đời nói nhiều quá.
Hồng Y thiếu nữ thè lưỡi, nổi lên tràng cười khanh khách nói :
- Giả tỷ tiểu muội mà không quen biết Tam thư thì dù ai đánh chết tiểu muội cũng chẳng thể tin được con người ôn nhu như Tam thư mà lòng dạ tàn độc đến thế!
Tam nương lạnh lùng đáp :
- Ta không đánh chết mà chỉ cắt lưỡi ngươi thôi.
Hồng Y thiếu nữ ngậm miệng lại. Đầu lưỡi thò ra cũng rụt vào, dường như không muốn để ả ngó thấy.
Cô gái rửa mặt mất hàng giờ, nhưng cô cắt mũi người cũng thế mà cắt lưỡi người cũng vậy, ra tay lại chẳng chậm chạp chút nào.
Âu Dương Tình đột nhiên cất tiếng hỏi :
- Trong đó có một người mũi rất lớn không hiểu là ai?
Tam nương hỏi lại :
- Ngươi muốn biết lắm sao?
Âu Dương Tình cười đáp :
- Tiểu muội đối với chàng trai mũi to cảm thấy hứng thú đặc biệt.
Nhị nương vừa cười vừa mắng thị :
- Con a đầu này hòa mình vào chỗ đó mới hai năm mà lòng dạ mỗi ngày một đen tối, da mặt mỗi ngày một dầy thêm.
Âu Dương Tình cười hì hì đáp :
- Nhị nương mới là người từng trải. Đàn ông mặt mũi to có chỗ nào hay chắc biết rõ hơn ai hết.
Tam nương nói :
- Đáng tiếc con người mũi rất lớn bây giờ đã biến thành kẻ không mũi.
Âu Dương Tình hỏi :
- Tam thư bảo người đó là ai?
Tam nương đáp :
- Là Đoàn Thiên Thành.
Lục Tiểu Phụng nghe đến tên này không khỏi giật mình kinh hãi. Chàng đã nghe danh tự lại gặp cả người rồi. Trấn Tam Sơn Đoàn Thiên Thành chẳng những mũi to, thân hình lớn, lai lịch cũng không nhỏ. Bất luận là ai muốn cắt mũi hắn thật không phải chuyện dễ dàng.
Hồng Y thiếu nữ ngậm miệng khá lâu, bây giờ thị không nhịn được lại hỏi :
- Có phải năm nay chúng ta chuẩn bị như những năm qua là bọn mình phải uống một bữa thỏa thích kỳ cho đến lúc say túy lúy mới thôi?
Nhị nương đáp :
- Đó là luật lệ của chúng ta đã có từ lâu, dĩ nhiên năm nay cũng không thay đổi.
Hồng Y thiếu nữ hỏi :
- Bây giờ chúng ta đã đến đông đủ sao còn chưa bắt đầu uống rượu đi?
Lục Tiểu Phụng nghe nói tưởng chừng trái tim chìm xuống. Chàng tự hỏi :
- Hiện giờ người đến đủ rồi? Vậy Công Tôn Đại Nương đâu?
Nhị nương hỏi :
- Chẳng lẽ ngươi không nhìn thấy còn một chỗ bỏ trống đó ư?
Hồng Y thiếu nữ hỏi lại :
- Vậy còn ai chưa tới?
Nhị nương cười đáp :
- Nghe nói đại thư còn kiếm cho ngươi một cô bát muội.
Hồng Y thiếu nữ cũng cười nói :
- Nếu lại có người còn là em tiểu muội thì từ nay các vị không còn khinh khi tiểu muội được nữa mà chỉ lấn át con em út.
A Thổ đột nhiên lên tiếng :
- Đáng tiếc bữa nay thị không tới đâu.
Nhị nương chau mày hỏi :
- Tại sao vậy? Hay là thị không muốn đến?
A Thổ đáp :
- Thị muốn đến nhưng không đến được.
Nhị nương hỏi :
- Có người không cho thị đến hay sao?
A Thổ gật đầu.
Hồng Y thiếu nữ lại cướp lời :
- Thị đã không đến thì chúng ta còn đợi ai?
A Thổ đáp :
- Chờ một vị tân khách.
Hồng Y thiếu nữ sáng mắt lên hỏi :
- Năm nay chúng ta lại mời khách nữa ư?
A Thổ “Ừ” một tiếng.
Hồng Y thiếu nữ hỏi :
- Tửu lượng của y thế nào?
A Thổ đáp :
- Nghe nói khá lắm.
Hồng Y thiếu nữ cười nói :
- Bất luận tửu lượng của y giỏi hay kém thì bữa nay y đến tiểu muội cũng bảo đảm lúc vào y ngay ngắn mà lúc trở về phải bò xuống mà đi.
Nhị nương cặp mắt lấp loáng nói :
- Xem chừng chẳng những tửu lượng y rất lớn mà mật y cũng không nhỏ. Nếu y khiếp nhược thì nghe ngươi nói đã khiếp vía phải bỏ chạy rồi.
Hồng Y thiếu nữ cũng chớp mắt hỏi :
- Y có lớn mật không?
A Thổ đáp :
- Y chưa bỏ đi.
Hồng Y thiếu nữ cười hỏi :
- Y đã không bỏ đi thì sao lại không vào? Chẳng lẽ thằng cha đó thích ở ngoài uống gió hơn là uống rượu?
A Thổ lạnh lùng đáp :
- Y uống gió cả một ngày trời chắc bây giờ no đủ rồi.
Trên ngọn cây ngoài cửa sổ có tiếng người thở dài đáp vọng vào :
- Quả là tại hạ uống gió no quá rồi.
Tiếng nói chưa dứt, Lục Tiểu Phụng đã theo cơn gió vọt vào.
Bảy người ngồi trong phòng mà có kẻ ẩn mình trên cây ngoài cửa sổ chẳng một ai hay biết.
Lục Tiểu Phụng đột nhiên cảm thấy mình ẩn ở bên ngoài uống gió là một điều rất ngu xuẩn.
Chàng tưởng chừng mình càng ngu ngốc như một quả trứng. Bất luận quả trứng gì thì cũng chẳng có bốn hàng lông mày.
Hồng Y thiếu nữ nhìn chàng vỗ tay cười :
- Tiểu muội biết tướng công là ai rồi. Tướng công là đại bản đãn với bốn hàng lông mày tên gọi Lục Tiểu Phụng.
Uống gió cả một ngày là một chuyện khó chịu phi thường.
Nhưng đói đến lả người cũng không khó chịu bằng bị người ta kêu là đại bản đãn (ngu như quả trứng).
Nhưng Lục Tiểu Phụng lại cười đáp :
- Tại hạ biết nhiều người kêu mình bằng đại bản đãn, nhưng cũng có lắm người lại thích ban cho tại hạ cái ngoại hiệu khác.
Hồng Y thiếu nữ không nhịn được hỏi :
- Người ta kêu bằng gì?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Đại công kệ.
Hồng Y thiếu nữ mặt đỏ lên, đỏ giống như màu xiêm áo của thị vậy.
Âu Dương Tình đột nhiên xen vào :
- Thực ra y còn cái tên nữa hay hơn.
Hồng Y thiếu nữ hỏi ngay :
- Tên gì?
Âu Dương Tình đáp :
- Lục tam đãn.
Hồng Y thiếu nữ hỏi :
- Lục tam đãn ư? Thế nghĩa là làm sao?
Âu Dương Tình thủng thẳng đáp :
- Ý nghĩa giản dị lắm. Vì chẳng những y là đại bản đãn mà còn là cùng quang đãn, đại hỗn đãn. Có phải là tam đãn không?
Hồng Y thiếu nữ lại lăn ra mà cười. Thị vừa cười vừa nói :
- Tên này thật là hay! Vậy mà tiểu muội chưa từng được nghe qua.
Nhị nương cũng tủm tỉm cười nói :
- Bây giờ các ngươi đều bụng đói meo sao không đem ba quả trứng đó luộc ăn.
Âu Dương Tình đáp :
- Nhưng ba quả trứng này không phải trứng tươi, ung thúi hết rồi.
Tam nương thở dài nói :
- Bây giờ ta chỉ băn khoăn một điều.
Âu Dương Tình hỏi :
- Điều gì?
Tam nương đáp :
- Ta chỉ sợ y không phải trứng vịt mà là trứng gà.
Âu Dương Tình gật đầu nghiêm nghị nói :
- Vấn đề này quả là nghiêm trọng, y là trứng gà thì nhất định do gà mái đẻ ra và hắn sẽ biến thành con của gà mái.
Hồng Y thiếu nữ mặt càng đỏ thêm, nhưng thị vẫn không nín cười được và không ngồi ngay lên được nữa.
Lục Tiểu Phụng không cười, nhưng chàng nhận rõ hai điều : Một là đắc tội với nữ nhân là không được, nhất là với hạng đàn bà như Âu Dương Tình. Hai là nam nhân chỉ có một người mà muốn đấu khẩu với sáu mụ đàn bà thì không khác gì thư sinh coi thấy sáu thanh đao vung lên trước mặt. Chẳng thà mua một tấm đậu hũ để đập đầu mà chết còn hay hơn.
Bây giờ chàng đã lầm lỗi một điều, không muốn lầm lỗi đến điều thứ hai.
Hồng Y thiếu nữ vẫn cười. Tiếng cười của thị chẳng những lọt tai mà tựa hồ có tính cách truyền nhiễm. Bất luận ai nghe tiếng cười của thị cũng cảm thấy tâm tình khoan khoái, không thể nhịn được phải bật lên tiếng cười.
Lục Tiểu Phụng vẫn không cười. Đột nhiên chàng xông tới vươn tay nhanh như chớp nắm lấy hai tay Hồng Y thiếu nữ.
Nhị nương la thất thanh :
- Coi chừng!
Hai tiếng vừa ra khỏi cửa miệng. Hồng Y thiếu nữ đã huých khủy tay vào xương sườn Lục Tiểu Phụng. Bên cạnh ba món binh khí đồng thời nhằm đâm vào hai nách chàng.
Bọn đàn bà đều ra tay mau lẹ, nhất là vị nữ ni mặc áo xanh. Thanh đoản kiếm trong tay ả loé hàn quang tứ phía. Ả vừa ra tay, kiếm khí lạnh lẽo đã vô tới gần mí mắt chàng. Nhưng Lục Tiểu Phụng thân pháp càng mau lẹ hơn. Chàng hóp bụng lại hai tay vẫn nắm giữ cánh tay Hồng Y thiếu nữ.
Ba món binh khí đồng thời phóng ra, đồng thời phải dừng lại. Mũi kiếm cách dưới nách Lục Tiểu Phụng không đầy nửa thước.
Lục Tiểu Phụng không nhúc nhích, cả mắt cũng không chớp. Chàng biết chiêu kiếm này nhất định không phóng thêm nữa. Nếu chân tay chàng lọt vào tay người thì chàng cũng không dám khinh cử vọng động.
Tay cầm kiếm của Thanh Y nữ ni đã nổi gân xanh mà phải dừng lại thì so với phóng tới còn tốn sức hơn.
Mũi kiếm run bần bật, Thanh Y nữ ni lớn tiếng quát :
- Buông tay ra!
Lục Tiểu Phụng không buông. Hồng Y thiếu nữ không cười ra tiếng được nữa, thị mím môi hỏi :
- Ta không có điều chi đắc tội với tướng công, sao tướng công lại không buông ra?
Lục Tiểu Phụng không buông tay cũng chẳng nói gì.
Âu Dương Tình đã đưa kiếm ra ngoài tay áo. Thị cười lạt hỏi :
- Một người đàn ông như tướng công mà lại uy hiếp một cô bé sao không biết thẹn.
Lục Tiểu Phụng không hổ thẹn. Mặt chàng chẳng trắng bợt cũng không đỏ hồng.
Nhị nương rút thanh loan đao sáng loáng ra khỏi tay áo dài không đầy hai thước.
Mụ nói :
- Hai thanh kiếm và một thanh đao chúng ta đều có thể đâm công tử thủng thành mười bảy, mười tám lỗ.
Âu Dương Tình cũng nói theo :
- Công tử mà không buông tay thì bọn ta làm cho công tử phải chết ngay.
Lục Tiểu Phụng đột nhiên bật cười.
Nhị nương tức giận hỏi :
- Chúng ta đã nói rồi, chẳng lẽ công tử không tin ư?
Lục Tiểu Phụng mỉm cười đáp :
- Các vị nói câu nào tại hạ cũng tin hết, nhưng không tin là các vị dám động thủ thật sự.
Nhị nương cười lạt “Ồ” lên một tiếng.
Lục Tiểu Phụng lạnh lùng nói :
- Vì bây giờ các vị đều biết tại hạ chẳng phải người quân tử.
Thanh Y nữ ni nói :
- Ngươi không phải là giống người.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Vì thế bất luận việc gì tại hạ cũng có thể làm được.
Nhị nương biến sắc hỏi :
- Ngươi định làm gì lão Thất?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ rất muốn buông tha y.
Câu này ngoài sự tiên liệu của mọi người. Nhị nương đổi giọng hỏi :
- Sao bây giờ công tử chưa buông tha y?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Chỉ cần các vị ưng cho hai điều kiện là tại hạ tha cho y liền.
Nhị nương đảo cặp mắt long lên nói :
- Chỉ cần công tử buông tha y thì đừng nói hai điều mà là...
Mụ toan nói mà là hai trăm điều ta cũng ưng thuận.
Nhưng mụ nói dở câu rồi dừng lại.
Tam nương từ nãy tới giờ ngồi lẳng lặng, bỗng lên tiếng :
- Dù là nửa điều kiện bọn ta cũng không chịu.
Thanh âm thị vẫn êm ả, vẫn ôn nhu. Nhưng đến ba chữ sau cùng thị đã ra tay. Có điều thị ra tay chẳng thong thả chút nào.
Tam nương sử dụng một cây roi đen mà roi đen nhảy coi chẳng khác con rắn độc.
Thị vẫn ngồi yên rút cây roi ra đặt xuống bàn.
Cây roi của Tam nương bỗng lướt đi nhanh hơn rắn độc mà cũng tàn độc hơn rắn độc.
Nhị nương không khỏi thất thanh la :
- Coi chừng Thất muội.
Tam nương chẳng lý gì đến lời nói của mụ. Ngọn roi như con rắn độc quấn lấy huyết quản ở cổ Lục Tiểu Phụng.
Nhưng người Lục Tiểu Phụng đã lướt đi đem theo Hồng Y thiếu nữ vọt ra xa tám thước.
Tam nương đột nhiên tung mình lên không nhảy tới vung roi quất xuống.
Dường như thị quên luôn Thất muội của thị hiện ở trong tay đối phương. Thị động thủ chẳng úy kỵ gì hết.
Lục Tiểu Phụng tức giận trong lòng, chàng thật không ngờ thị dám ra tay thật sự.
Bây giờ Tam nương đã động thủ, chàng biết đối phó với Hồng Y thiếu nữ bằng cách nào?
Nếu chàng giết thiếu nữ này thì nhất định lũ chị em của thị sẽ liều mạng với chàng.
Bằng chàng buông tha Hồng Y thiếu nữ thì họ cũng chẳng buông tha chàng. Vì thế chàng chỉ còn cách liều mạng, ngoài ra không còn đường lối nào khác để lựa chọn.
Ngọn roi của Tam nương không để cho Lục Tiểu Phụng còn lối thoát thứ hai. Nhị nương đột nhiên dậm chân nói :
- Được rồi! Chúng ta xông cả vào hãy diệt trừ hắn đi rồi hãy tính.
Âu Dương Tình hỏi :
- Còn Thất muội thì sao?
Nhị nương đáp :
- Hắn mà dám đụng đến một sợi lông của Thất muội là ta băm toàn thân hắn ra từng mảnh.
Hai ba câu này vừa nói ra, ngọn roi của Tam nương đã vụt xuống đến hai chục lần.
Lục Tiểu Phụng buông tiếng thở dài. Chàng không muốn ngó thấy người đổ máu, lại càng không ưa nhìn nữ nhân phải lưu huyết, nhưng lúc này chàng chẳng còn cách nào né tránh được. Ngọn roi quất xuống đã mau lẹ lại tàn độc.
Lục Tiểu Phụng đành phản kích.
Thanh loan đao của Nhị nương cũng đâm tới như ánh ngân hồng.
Đao pháp của mụ rất quái dị lại ra tay cực kỳ độc địa.
Mụ đã ra tay thì Giang Khinh Hà cũng chẳng thể tụ thủ bàng quan.
Giữa lúc ấy đột nhiên nghe đánh “choang” một tiếng. Một cái chung uống rượu đập vào lưỡi đao của Nhị nương.
Một đôi đũa cũng đột nhiên từ mé bên đưa ra nhẹ nhàng cặp lấy ngọn roi như con rắn độc.
Đó là A Thổ đã ra tay.
Tay A Thổ còn cầm đôi đũa.
Tam nương sắc mặt xám xanh trợn lên nhìn gã nói :
- Ta không muốn để ai uy hiếp.
A Thổ đáp :
- Ta biết rồi.
Tam nương nói :
- Nếu ta lọt vào tay hắn thì các vị cũng động thủ tự nhiên đừng úy kỵ gì đến ta.
A Thổ lại đáp :
- Ta biết rồi.
Tam nương hỏi :
- Vậy sao ngươi không để cho ta động thủ?
A Thổ cười đáp :
- Vì người này không phải là quân tử, nhưng cũng là con người.
Tam nương “Ủa” lên một tiếng.
A Thổ nói :
- Ít ra y không chịu dùng Thất muội để làm bia chống đỡ ngăn chặn ngọn roi của cô.
Tam nương ngẫm nghĩ rồi từ từ ngồi xuống không nhúc nhích.
Nhị nương cũng ngồi xuống bóp cổ tay. Thanh loan đao của mụ tuy chưa tuột mất, nhưng cổ tay cũng tê chồn.
Mặt mụ không lộ vẻ gì tức giận, dường như mụ rất khâm phục tên khất cái đầy mình ghẻ lở.
Cặp mắt Lục Tiểu Phụng chiếu ra những tia hàn quang.
A Thổ đột nhiên hỏi :
- Phải chăng công tử vừa muốn chúng ta ưng chịu hai điều kiện?
Lục Tiểu Phụng gật đầu.
A Thổ nói :
- Công tử hãy cho nghe điều kiện thứ nhất.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Nguyên trước ta muốn các vị đưa ta đi gặp Công Tôn Đại Nương.
A Thổ hỏi :
- Bây giờ thì sao?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Bây giờ thì không cần nữa.
A Thổ hỏi :
- Tại sao vậy?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Vì bây giờ ta đã gặp Công Tôn Đại Nương rồi.
A Thổ cười hì hì. Tiếng cười của gã rất cổ quái lại dường như tiếng cười của người giả trá.
Lục Tiểu Phụng bất giác thở dài nói :
- Thực ra tại hạ nên biết sớm các hạ là Công Tôn Đại Nương. Chẳng những tại hạ theo dõi các hạ một ngày, mà trước kia còn gặp các hạ một lần rồi.
A Thổ cười đáp :
- Thực ra không phải chỉ có một lần.
Lục Tiểu Phụng ngạc nhiên hỏi :
- Không phải chỉ một lần ư?
A Thổ đáp :
- Tối hôm ấy ở Tây Viên chúng ta chẳng đã gặp nhau lần thứ hai rồi ư?
Lục Tiểu Phụng càng ngạc nhiên không nhịn được hỏi :
- Chúng ta đã gặp nhau lần thứ nhất ở đâu?
A Thổ không đáp, hỏi lại :
- Công tử còn nhớ Hoắc Hưu không?
Lục Tiểu Phụng dĩ nhiên còn nhớ hắn lắm.
A Thổ nói :
- Hôm ấy công tử ở trong tiểu lâu của Hoắc Hưu đi ra đứng chờ Hoa Mãn Lâu ở chân núi có ngó thấy một người đàn bà hái rau cầm cái giỏ lướt qua trước mặt mình không?
Lục Tiểu Phụng la thất thanh :
- Người đàn bà đó là tôn giá ư?
A Thổ gật đầu.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Hôm ấy tôn giá cũng ở đó hay sao?
A Thổ cười đáp :
- Nếu ta không có ở đó thì sao Hoắc Hưu vẫn bị giam trong cũi cho tới ngày nay?
Lục Tiểu Phụng sửng sốt. Bây giờ chàng đã hiểu rõ tại sao cơ quan dưới thạch đài của Hoắc Hưu mất linh nghiệm.
Cái đó tuyệt không phải ngẫu nhiên có con chuột chạy vào cơ quan bị kẹp chết.
Trên đời tuyệt không có chuyện trùng hợp ngẫu nhiên như vậy mà cũng không phải kỳ tích phát sinh đột ngột. Kỳ tích là do người tạo nên.
A Thổ lại nói :
- Ta biết Hoắc Hưu là cáo già. Dù lão có bị công tử đem lão bán cho người mổ heo ta cũng không can thiệp, nhưng lão không nên bán đứng cả Thượng Quan Phi Yến.
Thượng Quan Phi Yến dĩ nhiên cũng là người của mụ.
Lục Tiểu Phụng lại nhớ tới đôi giày đỏ thêu con chim én.
A Thổ lạnh lùng nói :
- Lão giết chị em của ta thì lão chết là đáng kiếp. Bây giờ tuy lão còn sống, nhưng sống như vậy thì lại khổ hơn chết.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Hôm ấy Tuyết nhi cũng nhìn thấy tôn giá ư?
A Thổ mỉm cười đáp :
- Con nhỏ đó thật là giống quỷ sứ. Các vị đi rồi thị lập tức chuồn xuống tra xét mấu chốt cơ quan dưới thạch đài, thị biết dưới đó nhất định có điều cổ quái.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Thị đã gặp tôn giá ư?
A Thổ đáp :
- Thị không gặp ta nhưng ngó thấy ta để lại đôi giày đỏ trong đó.
Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười hỏi :
- Vì thế thị mới nhận ra thư thư của thị chưa chết.
A Thổ thở dài nói :
- Dù sao thị cũng là đứa trẻ nít hãy còn ngây thơ. Người chết dưới bàn tay Hoắc Hưu không thể sống lại được.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Vì thế tôn giá để Hoắc Hưu sống dành cho thị.
A Thổ đáp :
- Đúng thế. Ta muốn để thị tự mình báo thù.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Tại hạ còn một chỗ nghĩ chưa ra là tại sao tôn giá để bao nhiêu tài sản của Hoắc Hưu lại cho thị hết. Tại hạ nhận thấy tôn giá cũng cần tài bảo.
A Thổ mắt lộ ra những tia kỳ quang đáp :
- Đáng tiếc là thị không lấy được ở tay Hoắc Hưu bao nhiêu đâu.
Lục Tiểu Phụng ra chiều kinh ngạc “Ủa” lên một tiếng.
A Thổ nói :
- Tiền của đó đã lọt vào tay kẻ khác. Bất luật là ai cũng đừng hòng lấy được ở tay người này một lạng bạc.
Lục Tiểu Phụng chau mày hỏi :
- Người đó là ai? Tại sao tài sản kia lại lọt vào tay họ?
A Thổ đưa mục quang nhìn tận đằng xa. Con mắt mụ tựa hồ lộ vẻ khủng khiếp không nói ra được. Đột nhiên mụ hỏi qua vấn đề khác :
- Công tử muốn bọn ta ưng chịu hai điều kiện thì một điều đã nói rồi, còn điều thứ hai là gì?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ yêu cầu tôn giá đi theo.
A Thổ cười hỏi :
- Công tử muốn ta đi theo ư? Chẳng lẽ ta lại lọt vào mắt xanh của công tử?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Quả tại hạ có lòng kính ngưỡng tôn giá.
A Thổ cười hỏi :
- Công tử vừa mắt con mụ bán mứt hạt dẻ hay là tên khất cái ghẻ lở?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ vừa lòng về một tư cách khác nữa.
A Thổ cặp mắt lấp loáng hỏi :
- Phải chăng công tử nói về tên đại đạo thêu hoa?
Lục Tiểu Phụng gật đầu.
A Thổ hỏi :
- Công tử tưởng ta là tên đại đạo thêu hoa?
Lục Tiểu Phụng hỏi lại :
- Tôn giá không thừa nhận ư?
A Thổ thở dài đáp :
- Xem chừng ta có phủ nhận cũng bằng vô dụng.
Sự thực đã rành rành, chứng cớ lại xác đáng, mụ có phủ nhận dĩ nhiên cũng vô ích.
Lục Tiểu Phụng thở dài nói :
- Dù sao tôn giá đã cứu tại hạ, mà tại hạ chẳng phải là con người vong ơn bội nghĩa.
A Thổ lạnh lùng nói :
- Ta biết công tử bất quá là một tên đại bản đãn mà thôi.
Lục Tiểu Phụng lờ đi như không nghe tiếng.
A Thổ lại hỏi :
- Phải chăng bây giờ công tử muốn đưa ta đến chỗ Kim Cửu Linh để hoàn thành vụ án đó?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ bảo đảm nhất định tôn giá sẽ được xét xử công bằng hợp lý.
Bỗng nghe đánh “sột” một tiếng. Nhị nương đã cắm thanh loan đao xuống bàn.
Thanh Y nữ ni tay sờ vào lưỡi kiếm nhọn hoắt. Âu Dương Tình miệng cười lạt, Giang Khinh Hà sắc mặt trắng bệch.
Hồng Y thiếu nữ lại cười lớn hỏi :
- Công tử muốn đại thư ta đi theo ư? Phải chăng công tử đang ngủ mơ?
Tiếng cười của thị lúc này không làm cho người ta khoan khoái.
A Thổ chờ thị dứt tiếng cười mới hững hờ nói :
- Không phải y mơ ngủ đâu, ta có thể đi theo y được.
Hồng Y thiếu nữ sửng sốt, mọi người đều ngơ ngác, cả Lục Tiểu Phụng cũng ngạc nhiên.
A Thổ thủng thẳng nói tiếp :
- Ta rất thích người đàn ông có bản lãnh. Đã là nam nhân có bản lãnh chân chính thì bất luận muốn ta đến phương nào ta cũng đi ngay.
Lại có người nổi tiếng cười. Nhưng lần này là tiếng cười của Âu Dương Tình. Thị là người đầu tiên hiểu ý A Thổ. Thị nói :
- Nếu công tử muốn đại thư ta đi theo thì trước hết hãy cho bọn ta coi công tử có đủ bản lãnh không đã.
Lục Tiểu Phụng cười hỏi :
- Bản lãnh của tại hạ có nhiều thứ, không hiểu các vị muốn coi thứ nào?
A Thổ đáp :
- Ta muốn coi ba thứ.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Ba thứ là những gì?
A Thổ nhìn chàng. Cặp mắt mụ tựa hồ thu lại dần dần. Mụ nói :
- Chúng ta đấu ba keo để phân thắng bại. Nếu công tử thắng hai keo là ta chịu đi theo.
Lục Tiểu Phụng mỉm cười hỏi :
- Tỷ đấu ba keo để phân thắng bại ư? Vụ này nghe có vẻ hứng thú lắm.
A Thổ đáp :
- Nhất định là rất hứng thú.
Lục Tiểu Phụng di động mục quang cười hỏi :
- Keo đầu chúng ta tỷ thí chuyện gì, hay là thi uống rượu?
Chàng cho là dĩ nhiên mụ không chịu thi uống rượu. Chỉ có hạng đàn bà ngu xuẩn mới thi uống rượu với đàn ông.
Ai ngờ chàng vừa nói câu này, mụ đáp ngay :
- Hay lắm! Chúng ta thi uống rượu.
Lúc rượu bày lên bàn. Lục Tiểu Phụng mới phát giác ra đề nghị của mình rất là ngu xuẩn.
Hiện giờ chàng đã mệt mỏi như con trâu già mà bụng đói chẳng khác gì con chó sói nhịn đói mấy ngày không được ăn.
Lúc này chàng cần được ăn một bát canh gà lớn, nhưng chàng lại đòi thi uống rượu với người.
Uống rượu cũng như làm bất cứ một việc gì khác, trong mình cần có thể lực mà chàng lại không có.
Huống chi lúc này và ở nơi đây dù Công Tôn Đại Nương có say mèm cũng chẳng việc gì, nhưng chàng không thể say được.
Xung quanh toàn là những người cùng phe với Công Tôn Đại Nương, đáng lý Lục Tiểu Phụng không nên uống một giọt rượu mới phải, nhưng trên bàn đã bày ra sáu hũ rượu.
Sáu hũ Lư Châu Đại Khúc.
Con người A Thổ bây giờ chẳng còn chút ghẻ nào nữa, đầu mụ cũng không trọc lóc.
Mụ đã thay y phục, mặc một tấm áo bào mềm nhũn. Mặt mụ không tô son điểm phấn coi giống một phụ nhân đứng tuổi thông thường.
Phải chăng đây là chân tướng của mụ?
Lục Tiểu Phụng nhìn không ra, đoán cũng không được. Chẳng một ai hay diện mạo chân chính của Công Tôn Đại Nương như thế nào.
Công Tôn Đại Nương hóa trang đã mau chóng, cả âm thanh của mụ cũng biến cải một cách dễ dàng.
Lúc này tiếng nói của mụ tỏ ra rất ân cần như chủ nhà tiếp đãi tân khách.
Mụ nhìn Lục Tiểu Phụng mỉm cười ân cần hỏi :
- Sáu hũ rượu này để đôi ta uống, công tử tính đã đủ chưa?
Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười đáp :
- Tại hạ tưởng cho thêm hai con ngựa uống cũng không hết, có điều đồ nhắm thì thiếu nhiều.
Trên bàn chỉ đặt có một đĩa đồ nguội.
Công Tôn Đại Nương cười nói :
- Đồ nhắm quả nhiên ít thật, may ở chỗ chúng ta chỉ thi uống rượu chứ không phải thi ăn.
Công Tôn Đại Nương dĩ nhiên đã biết rõ con người lúc lòng không dạ đói thì tửu lượng phải kém đi phân nửa.
Lúc này ruột gan Lục Tiểu Phụng lép xẹp chẳng khác gì cái túi tiền của kẻ ăn xin.
Chàng vừa uống ba chung rượu vào bụng đã cảm thấy có điều khác lạ. Sáu chung uống vào chàng lại không thấy gì, nhưng lúc uống thêm hai chung chàng không nhịn được nữa muốn cướp lấy rượu mà uống.
Rồi không hiểu vì sao chàng phát giác ra mình buồn nôn tưởng chừng muốn mửa hết ruột gan ra ngoài.
Công Tôn Đại Nương cười nói :
- Công tử say rồi.
Mụ vẫn còn tỉnh như sáo, cười nói tiếp :
- Thế là công tử thua keo đầu.
Lục Tiểu Phụng muốn phủ nhận nhưng không phủ nhận được. Chàng đành lẩm bẩm :
- Tại hạ chưa thấy mùi rượu chút nào, có điều trong bụng khó chịu một chút mà thôi.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Công tử không nhận thua chăng?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Nhận thua thì nhận thua, tưởng chẳng có chi đáng kể.
Dĩ nhiên chẳng có chi đáng kể.
Trong con mắt chàng thì khắp thiên hạ chẳng có việc gì nghiêm trọng. Huống chi đây có thua keo đầu thì còn hai keo nữa.
Nhưng chàng đã quên một điều : Keo đầu thua rồi thì hai keo sau cũng chẳng có hy vọng gì thắng được.
Con người đã say rượu thì chỉ còn một thứ có thể tỷ thí với người khác, tức là thi ngủ. Nhưng Công Tôn Đại Nương dĩ nhiên không chịu thi ngủ cùng chàng.
Bỗng nghe Công Tôn Đại Nương nói :
- Keo thứ hai chúng ta tỷ kiếm.
Lục Tiểu Phụng phưỡn ngực ra đáp :
- Tỷ kiếm thì tỷ kiếm chứ có gì đáng ngại?
Công Tôn Đại Nương nói :
- Hay lắm! Công tử hãy chờ một chút để ta đi thay áo đã.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Tôn giá lại muốn thay áo ư?
Công Tôn Đại Nương đáp :
- Công tử có điều chưa hiểu. Uống rượu thì mặc quần áo uống rượu. Còn tỷ kiếm thì cũng phải mặc thứ quần áo tỷ kiếm.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Tại sao vậy?
Công Tôn Đại Nương mỉm cười đáp :
- Vì y phục có ảnh hưởng đến tâm tình của con người. Bản tính đàn bà là thích thay đổi y phục.
Lục Tiểu Phụng không thấy đói mà cũng không mệt.
Thông thường rượu đem lại cho người ta một thứ tinh thần và lực lượng kỳ quái.
Nhưng thứ lực lượng này chỉ là lực lượng giả dối. Dù nó không giả dối với người khác thì ít ra cũng giả dối với Lục Tiểu Phụng trong hiện trạng này.
Đột nhiên chàng nhớ tới trên chốn giang hồ người ta thường nhắc đến “Túy Hiệp”.
Theo lời đồn thì hạng người này phải uống rượu mới có bản lãnh. Càng uống nhiều càng có bản lãnh mạnh mẽ. Người ta còn nhớ ngày trước Võ Tòng đả hổ cũng vậy. Y uống một phần rượu mới có một phần bản lãnh, uống mười phần rượu trở nên mười phần bản lãnh.
Lục Tiểu Phụng dường như mười phần đã uống rượu đủ cả mười phần rồi.
Bỗng chàng đầy lòng tự tin, cảm thấy bản lãnh mình cũng lên đến độ chót và tưởng rằng bảy tám con hổ đồng thời nhảy tới, chàng cũng đánh chết hết.
Đáng tiếc đây không phải là chàng đánh hổ mà là đấu kiếm với Công Tôn Đại Nương.
Những tay cao thủ trong khi quyết chiến động thủ phải đúng bộ vị, ra tay phải tính sát từng ly từng phân không được sai trật chút nào.
Hiện giờ Lục Tiểu Phụng có phán đoán và tính toán chính xác được chăng?
Xem chừng căn nhà này vuông hay tròn chàng cũng không phán đoán được.
Giang Khinh Hà từ nãy tới giờ không nói với chàng nửa câu, nhưng lúc này thị nhìn chàng bằng cặp mắt lộ vẻ đồng tình và lân mẫn, tựa hồ thị thương xót con người sắp chết đến nơi.
Ngoại trừ Tam nương, còn bao nhiêu người đều lộ vẻ ái ngại cho chàng chẳng ít thì nhiều.
Lục Tiểu Phụng nhìn Tam nương đột nhiên cười hỏi :
- Tại hạ mà thua thì cắt tai đưa cô nương được chăng?
Tam nương nhẹ nhàng đáp :
- Tiểu muội đã nói không muốn lấy tai.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Phải rồi! Bây giờ cô nương chỉ muốn cắt lưỡi.
Tam nương đáp :
- Nhưng tiểu muội lại không muốn lấy cái lưỡi của công tử.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Vậy cô nương muốn gì?
Tam nương đáp :
- Tiểu muội muốn lấy thủ cấp.
Lục Tiểu Phụng cười rộ nói :
- Hay lắm! Vậy tại hạ sẽ đưa thủ cấp cho cô.
Đối với chàng thì con người có đầu hay không có đầu cũng không quan trọng gì.
Lúc này Giang Khinh Hà dòm ngó chàng lại tưởng tượng đến con người không đầu.
Thậm chí Hồng Y thiếu nữ cũng lộ vẻ lân tuất.
Bất luận là ai cũng nhận ra cuộc đấu này tất nhiên con quỷ say rượu bốn hàng lông mày nhất định phải thất bại.
Lục Tiểu Phụng vẫn còn đi tìm rượu. Hũ rượu để trên bàn chàng cũng không nhìn thấy vì mắt chàng trơ như tượng gỗ trợn lên nhìn một người từ phía sau tiến ra.
Một người đàn bà rực rỡ như ánh chiều dương, cao quí như Hoàng Hậu, mỹ lệ thanh tao như tiên nữ giáng trần.
Thậm chí những y phục mặc trong người nàng đều không phải là y phục ở nhân gian mà là nghê thường bảy màu sắc trên thượng giới.
Lục Tiểu Phụng không nhận ra người đàn bà này, mà đời chàng chưa từng thấy nữ nhân nào cao quí và diễm lệ đến thế.
May mà chàng còn nhận được thanh kiếm trong tay mụ. Một đôi đoản kiếm dài một thước bảy tấc. Chuôi kiếm buộc giây thao màu đỏ. Chàng tự hỏi :
- Chẳng lẽ đây là Công Tôn Đại Nương? Mụ mới vừa là một phụ nhân đứng tuổi bình thường kia mà? Mụ còn là một tên khất cái đầy mình ghẻ lở hay là mụ già lụ khụ bán mứt hạt dẻ?
Lục Tiểu Phụng dụi mắt để nhìn lại, dường như chàng không tin ở mắt mình.
Công Tôn Đại Nương mỉm cười nhìn chàng hỏi :
- Chẳng lẽ công tử không nhận ra ta nữa ư?
Lục Tiểu Phụng thở dài đáp :
- Tại hạ chỉ có một điểm nghĩ không thông mà thôi.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Điểm nào nghĩ không thông?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ không thông ở chỗ nữ nhân diễm lệ như tôn giá sao lại cải trang làm một bà già lụ khụ. Nếu tại hạ ở vào địa vị tôn giá thì dù gươm đao kề cổ tại hạ cũng không chịu.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Tại sao công tử biết đây là chân diện mục của ta?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ không biết, chỉ hy vọng như vậy mà thôi.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Tại sao lại hy vọng như thế?
Lục Tiểu Phụng thở dài đáp :
- Vì tại hạ nhất định mà phải chết vào tay người thì mong được chết trong tay một người như tôn giá.
Công Tôn Đại Nương mỉm cười đáp :
- Công tử khéo nói quá khiến cho ta phải mềm lòng.
Mụ thủng thẳng đi tới. Trên mình bảy vẻ nghê thường không gió cũng rung rinh chẳng khác muôn ngàn màu sắc rực rỡ nhảy múa.
Lục Tiểu Phụng lại thở dài nói :
- Lần sau tại hạ có tỷ kiếm, nhất định cũng sắm một bộ xiêm y như vậy để mặc vào mình.
Công Tôn Đại Nương “Ủa” lên một tiếng ra chiều kinh ngạc.
Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười nói :
- Hiện giờ tôn giá chưa động thủ mà tại hạ đã hoa mắt lên rồi.
Công Tôn Đại Nương đáp :
- Công tử hoa mắt thì ta cũng mềm lòng thế là hòa cả làng.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Chưa thể ngang bằng được.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Còn sao nữa?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Trong tay Tôn giá có hai thanh kiếm mà trong tay tại hạ chỉ có mồ hôi lạnh.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Kiếm của công tử đâu?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ không có kiếm.
Công Tôn Đại Nương nói :
- Vậy thì dùng đao.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Đao cũng không có.
Công Tôn Đại Nương cười nói :
- Con người như công tử lúc ra ngoài không mang vũ khí thì thật là nguy hiểm!
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Đúng là nguy hiểm quá. Bữa nay càng nguy hiểm hơn.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Công tử có muốn mượn thanh kiếm không?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Có.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Công tử muốn mượn kiếm của ai?
Lục Tiểu Phụng quay lại nhìn nữ ni áo xanh mỉm cười.
Công Tôn Đại Nương thở dài nói :
- Xem chừng công tử chưa say thật, vì hãy còn biết người biết của.
Thanh kiếm của nữ ni không dài mấy mà tinh quang loé ra bốn mặt, kiếm khí mịt mờ. Búng tay vào thanh kiếm bật ra tiếng ngân nga không ngớt.
Lục Tiểu Phụng tay cầm kiếm không nhịn được buộc miệng khen :
- Quả là một thanh bảo kiếm.
Nữ ni áo xanh lạnh lùng đáp :
- Đáng tiếc là bữa nay thanh kiếm này lại để cho tên túy quỷ sắp chết đến nơi cầm trong tay.
Lục Tiểu Phụng cười nói :
- Túy quỷ thì đúng rồi, nhưng sắp chết thì chưa chắc.
Lúc này mọi người đã xuống lầu ra ngoài viện. Ánh tinh quang lọt qua tán lá cây Ngân Hạnh chiếu xuống soi trúng mặt Lục Tiểu Phụng.
Trong khóe mắt chàng lộ ra không còn chút hơi rượu nào. Xem chừng chàng tỉnh táo chẳng kém gì Công Tôn Đại Nương.
Nhị nương bật tiếng la thất thanh :
- Ô hay! Công tử vẫn không say ư?
Lục Tiểu Phụng chẳng thừa nhận cũng không phủ nhận.
Nhị nương hỏi :
- Công tử không say sao đã chịu thua?
Lục Tiểu Phụng cười đáp :
- Trận đầu tại hạ không chịu thua thì trận thứ hai nhất định phải thua. Và trận thứ ba khỏi cần tỷ đấu.
Nhị nương thở dài nói như để mình nghe :
- Xem chừng cha này không phải Đại bản đãn.
Hồng Y thiếu nữ cắn môi hằn học nói :
- Nhưng hắn là tên khốn kiếp.
Công Tôn Đại Nương hững hờ lên tiếng :
- Trận đầu công tử cố ý nhận thua thì trận thứ hai cũng chưa chắc sẽ thắng.
Mụ nói câu này rồi, trong tay cầm kiếm vung lên.
Kiếm quang lấp loáng. Bảy sắc màu rực rỡ trên xiêm y của mụ bắt đầu nhảy múa không ngừng. Cả con người mụ biến thành diêm dúa huy hoàng như ánh chiêu dương làm cho người ta phải loá mắt không mở ra được, dĩ nhiên không phân biệt được người mụ ở chỗ nào, kiếm của mụ ở nơi đâu?
Đã không nhìn rõ bóng người mụ thì còn động thủ với mụ thế nào được?
Lúc đầu Lục Tiểu Phụng giao thủ với Công Tôn Đại Nương đã nhận ra kiếm pháp của mụ rất tinh kỳ biến ảo, thậm chí chàng sợ mụ hơn là sợ Tây Môn Xuy Tuyết.
Bây giờ chàng mới biết kiếm pháp của mụ lúc đầu chưa hoàn toàn phát huy uy lực.
Uy lực của loại kiếm pháp này dường như nhờ xiêm áo bảy màu làm lóa mắt đối phương cho thêm phần khủng khiếp.
Các bậc cố lão truyền lại “kiếm khí” không phải là kiếm mà chỉ là tên gọi của một vũ điệu đời xưa. Người múa mặc áo rực rỡ hai tay không, những ánh huy hoàng vọt ra bay lượn. Công Tôn Đại Nương đem điệu múa ngoạn mục này biến chế thành một thứ vũ khí có thể khắc địch và đả thương người.
Trước mặt các bậc hoàng đế văn thần võ thánh, điệu múa không được dùng kiếm vì sợ kiếm khí làm cho ngự giá phải kinh hãi.
Công Tôn Đại Nương đã sáng lập ra một loại kiếm pháp, biến “kiếm khí“ thành lối kiếm thuật chân chính.
Kiếm pháp này thoát thai từ điệu múa, dĩ nhiên có khác với kiếm pháp thông thường. Bữa nay Công Tôn Đại Nương thay đổi xiêm áo rực rỡ và để lộ chân tướng phô diễn trước mặt mọi người.
Uy lực chân chính của kiếm pháp này cần có mỹ quan để phát huy, nhất là một tuyệt đại gia nhân như Công Tôn Đại Nương mới có thể phát huy uy lực kiếm pháp lên đến tột độ.
Lục Tiểu Phụng trong lòng ngấm ngầm thán phục. Đến nay chàng mới hiểu chỗ thần bí ảo diệu về võ công, bất cứ ai cũng chẳng thể tiên liệu được. Giả tỷ chàng không đích thân kinh nghiệm thì vĩnh viễn không hiểu được nó tuyệt diệu ở chỗ nào.
Có điều chàng không muốn chứng nghiệm quá nhiều, vì kiếm pháp này biến hóa kỳ bí phi thường, chiêu thức lại càng phức tạp. Một khi phát chiêu nó chẳng khác gì thủy ngân đổ xuống đất, lọt vào bất cứ kẽ hở nào.
Chàng chỉ sơ hở một chút hay nhãn thần kém chú ý là lập tức chết ngay dưới lưỡi kiếm của mụ.
Chàng nghĩ rằng muốn chiến thắng chỉ còn trông vào cách đánh chớp nhoáng.
Khoái kiếm chém loạn xạ, dùng sự bình tĩnh để đối phó với vạn biến.
Công Tôn Đại Nương đột nhiên hạ thủ. Người Lục Tiểu Phụng vọt lên nóc nhà ở phía đối diện.
Hồng Y thiếu nữ quát :
- Hắn định chạy trốn!
Tiếng quát vừa dứt, người Lục Tiểu Phụng cùng thanh kiếm tựa hồ hợp lại làm một.
Ánh kiếm vọt ra như cầu vồng từ trên nóc nhà nhằm đâm thẳng tới Công Tôn Đại Nương.
Kiếm quang huy hoàng bay thật nhanh, không một lần biến hóa, thậm chí không phân rõ đầu đuôi ở chỗ nào.
Chàng vận kình lực toàn thân vào thanh kiếm. Nó không biến hóa mà lại biến hóa tuyệt diệu.
Người Công Tôn Đại Nương rực rỡ như ráng chiều, kiếm quang như sao sa mà không kịp biến hóa. Cả người lẫn kiếm của mụ tựa hồ bị kiếm khí của Lục Tiểu Phụng bao phủ hoàn toàn.
Bỗng nghe đánh “choang” một tiếng như tiếng rồng gầm.
Kiếm quang hợp nhất rồi phân ra. Nghê thường nhảy múa đầy trời. Những giải đeo quanh mình Công Tôn Đại Nương bị hớt thành mấy chục mảnh.
Không một cử động, không một thanh âm.
Thân hình Công Tôn Đại Nương đã dừng lại. Mụ đứng yên không nhúc nhích mà cũng không ra tay nữa.
Lục Tiểu Phụng cũng đứng yên nhìn Công Tôn Đại Nương.
Nhị nương lớn tiếng hỏi :
- Trận này chưa phân thắng bại sao hai vị lại ngừng tay?
Lục Tiểu Phụng lạnh lùng đáp :
- Nếu là một trận tỷ đấu để giết người thì dĩ nhiên là bất phân thắng bại vì chưa có người nào chết. Còn bảo là cuộc tỷ kiếm thì kể như tại hạ thắng rồi.
Công Tôn Đại Nương thở dài sườn sượt nói :
- Đúng thế! Uy lực chiêu kiếm của công tử quả đã hơn ta.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Đa tạ đại nương.
Công Tôn Đại Nương lại nói :
- Ta không ngờ công tử sử được chiêu kiếm này.
Lục Tiểu Phụng cười đáp :
- Đó là chiêu kiếm mà tại hạ vừa học lén.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Công tử học lén của ai?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Bạch Vân Thành Chúa.
Công Tôn Đại Nương động dung hỏi :
- Diệp Cô Thành ư?
Lục Tiểu Phụng gật đầu đáp :
- Chiêu kiếm đo kêu bằng “Thiên Ngoại Phi Tiên”. Nó là tinh hoa về kiếm pháp của Bạch Vân Thành Chúa. Cả Mộc đạo nhân cũng công nhận là thứ kiếm pháp vô địch.
Công Tôn Đại Nương thở dài nói :
- Chiêu kiếm này trước khi phát ra đã thành chiêu rồi. Thần diệu của nó là sau lúc ra chiêu dùng chí cương làm chí nhu, lấy sự bất biến làm biến hóa. Quả đáng kể là kiếm pháp thiên hạ vô song.
Lục Tiểu Phụng cười nói :
- Giả tỷ Bạch Vân Thành Chúa được nghe đại nương nói câu này thì lão nhất định khoan khoái không biết đến thế nào mà kể!
Công Tôn Đại Nương lạnh lùng đáp :
- Nhưng nếu chính y sử chiêu này thì chưa chắc đã thắng nổi ta.
Lục Tiểu Phụng không nhịn được hỏi :
- Tại sao vậy?
Công Tôn Đại Nương đáp :
- Vì y nổi tiếng là thiên hạ kiếm khách vô song, vậy trước lúc y chưa ra chiêu, tất nhiên ta đã phòng bị trước. Nhưng vừa rồi công tử nhảy vọt lên nóc nhà, ta lại tưởng công tử muốn trốn chạy nên ta chểnh mảng. Do đó ta không kịp ngăn chặn chiêu kiếm công tử đã phát huy toàn lực để phóng tới.
Lục Tiểu Phụng cười nói :
- Lại cũng vì tại hạ không đeo kiếm, dĩ nhiên tôn giá bất ngờ tại hạ biết sử chiêu kiếm này.
Công Tôn Đại Nương thở dài đáp :
- Nhu chế cương, nhược thắng cường chính vì lẽ đó.
Lục Tiểu Phụng cũng thở dài nói :
- May mà tại hạ chẳng phải là kiếm khách nổi danh, không thì e rằng bữa nay đã bỏ mạng ở đây.
Công Tôn Đại Nương sa sầm nét mặt nói :
- Nhưng công tử chưa thắng đâu. Chúng ta còn trận đấu thứ ba nữa.
Đệ tam trận mới là cuộc đấu quyết định thắng bại.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Chúng ta tỷ thí môn gì trong trận thứ ba này?
Công Tôn Đại Nương đáp :
- Khinh công!
Lục Tiểu Phụng mỉm cười.
Công Tôn Đại Nương lại nói :
- Khinh công là trò ruột của công tử. Công tử lại là đàn ông dĩ nhiên khí lực bền bỉ. Ta tỷ khinh công với công tử là chịu phần thua thiệt nên...
Lục Tiểu Phụng ngắt lời :
- Nên tại hạ phải dành phần tiện nghi cho tôn giá.
Công Tôn Đại Nương nói :
- Ít ra công tử cũng nhường ta cử bộ trước.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Được rồi!
Công Tôn Đại Nương nói :
- Nhưng chỉ cần công tử đuổi kịp ta là thắng rồi. Thế thì công tử cũng không hoàn toàn chịu thiệt thòi.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Trước nay tại hạ ít khi chịu thiệt thòi với ai.
Công Tôn Đại Nương nói :
- Ta sai người nổi hiệu đồng la. Lúc nào đồng la dứt tiếng, công tử mới được bắt đầu rượt theo.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Chỉ một tiếng đồng la thôi ư?
Công Tôn Đại Nương đáp :
- Đúng thế! Chỉ một tiếng thôi.
Lục Tiểu Phụng cười nói :
- Nếu thế thì quả tại hạ không thua thiệt.
Công Tôn Đại Nương lại nói :
- Nhưng ta còn muốn...
Lục Tiểu Phụng cướp lời :
- Dĩ nhiên tôn giá còn phải thay áo. Uống rượu mặc áo uống rượu, tỷ kiếm mặc áo tỷ kiếm, vậy tỷ khinh công dĩ nhiên cũng có một loại y phục khác.
Công Tôn Đại Nương thủng thẳng cười đáp :
- Người ta bảo công tử là Đại bản đãn, thực ra công tử chẳng ngu dốt chút nào.
Ban đêm trời mát như nước mà sắc mặt chị em của Công Tôn Đại Nương tựa hồ còn lạnh hơn nước, nói cho đúng lạnh hơn nước đóng thành băng.
Hồng Y thiếu nữ đột nhiên cười lạt nói :
- Đã giả vờ say rượu để thừa cơ, lại học lén kiếm chiêu của người khác. Loại đàn ông như vậy, tiểu muội chán ngán vô cùng.
Lục Tiểu Phụng mỉm cười đáp :
- Bản thân tại hạ cũng không muốn cô nương ưa thích.
Hồng Y thiếu nữ hỏi :
- Ta thử hỏi công tử một câu. Công tử có phải là nam tử hán không?
Lục Tiểu Phụng hỏi lại :
- Cô nương thử nhìn nhận lại coi có phải không?
Hồng Y thiếu nữ đáp :
- Ta không nhận ra được.
Lục Tiểu Phụng thở dài nói :
- Tại hạ cũng biết cô không nhận ra được vì cô còn là đứa trẻ nít.
Hồng Y thiếu nữ hằm hằm trợn mắt nhìn chàng đoạn quay đầu bỏ đi, tựa hồ không thèm ngó lại lần nào nữa.
Âu Dương Tình nhấp nháy cặp mắt nói :
- Ta không phải đứa trẻ nít.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Dĩ nhiên cô không phải đứa trẻ nít mà còn đáng kể là lão thái bà.
Âu Dương Tình cũng gườm gườm ngó chàng một cái rồi quay phắt đi bỏ lên tiểu lâu.
Lục Tiểu Phụng thở dài ngồi xuống thềm đá miệng lảm nhảm :
- Người đàn ông nào sống được sáu chục tuổi thì ít ra là lãng phí thời giờ mất mười năm.
Nhị nương không nhịn được hỏi :
- Sao mà phải lãng phí?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Trong mười năm này đã mất năm năm để chờ nữ nhân thay đổi y phục.
Nhị nương lại hỏi :
- Còn năm năm nữa thì sao?
Lục Tiểu Phụng hỏi lại :
- Nhị nương nhất định muốn nghe ư?
Nhị nương đáp :
- Chắc công tử không dám nói.
Lục Tiểu Phụng thở dài đáp :
- Nhị nương muốn nghe thì tại hạ nói : Còn năm năm nữa để chờ nữ nhân cởi áo.
Nhị nương mặt đỏ bừng lên. Thanh Y nữ ni sắc mặt lợt lạt.
Tam nương bỗng lên tiếng :
- Bây giờ ta lại thay đổi chủ ý.
Lục Tiểu Phụng không nhịn được hỏi :
- Thay đổi thế nào?
Tam nương lạnh lùng đáp :
- Ta muốn cắt lưỡi công tử.
Giữa lúc ấy một đại hán hàm râu quai nón tay cầm chiếc đồng la từ ngoài tiểu lâu đi tới, đứng nghiêm chỉnh ở trên thềm đá.
Lục Tiểu Phụng tự nói để mình nghe :
- Vậy khi ta hãy còn tử tế, chỉ phải chờ một mình Đại nương thay áo, nếu còn phải chờ người khác thì thê thảm vô cùng!
Tam nương trợn mắt lên nhìn chàng :
- Người khác là ai?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ có bảo cô đâu mà cô nóng ruột.
Tam nương tức quá, sắc mặt lúc đỏ hồng lúc trắng bợt.
Giữa lúc ấy đột nhiên đồng la đánh “choang” một tiếng. Ba người từ trong tiểu lâu chuồn ra. Cả ba ăn mặc giống hệt nhau đều là Hắc Y phụ nhân.
Ba người hoàn toàn giống nhau cùng chuồn ra một lúc, xoay mình ở trên không rồi chia làm ba đường lướt đi. Thân pháp và khinh công giống hệt nhau.
Tiếng đồng la còn ngân nga chưa dứt, ba người đã vượt ra ngoài tường.
Ba người này ai là Công Tôn Đại Nương?
Hồng Y thiếu nữ và Âu Dương Tình vừa rồi giả bộ tức giận chạy lên lầu cải trang thành hai người nữa.
Lục Tiểu Phụng biết rượt theo ai bây giờ?
Bất luận chàng rượt theo ai thì dù theo kịp nhưng chỉ sợ rượt lầm hai kẻ khác.
Lục Tiểu Phụng đứng ngẩn người ra.
Nhị nương, Tam nương, Thanh Y nữ ni khoé miệng lộ nụ cười lạt, yên chí Lục Tiểu Phụng phen này chắc mắc bẫy.
Lục Tiểu Phụng thở dài nhăn nhó cười nói :
- Xem chừng ta mắc bẫy họ rồi đây.
Chàng uể oải đứng dậy lẩm bẩm :
- Bất luận thế nào ta hãy đuổi theo một người rồi hãy tính.
Người chàng vọt đi đột nhiên quay lại ra tay nhanh như chớp nắm lấy đại hán vừa nổi hiệu đồng la.
Đại hán kinh hãi đánh rớt đồng la đánh “choảng” một tiếng hắng đặng hỏi :
- Công tử giữ tại hạ làm chi?
Lục Tiểu Phụng mỉm cười đáp :
- Chẳng làm gì cả, chỉ đưa ông bạn đi gặp một người.
Đại hán hỏi :
- Gặp ai?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Kim Cửu Linh.
Đại hán trợn mắt nhìn chàng hồi lâu, đột nhiên phì cười. Tiếng cười như tiếng hoàng oanh nghe rất lọt tai, hắn nói :
- Lục Tiểu Phụng quả không hổ là Lục Tiểu Phụng. Đến ta cũng phải khâm phục.
Nguyên đại hán đánh đồng la vừa rồi chính là Công Tôn Đại Nương. Mụ hỏi :
- Sao công tử lại nhận ra ta?
Thật chẳng ai ngờ Lục Tiểu Phụng lại nhận ra mụ.
Lục Tiểu Phụng mỉm cười đáp :
- Âu Dương cô nương nổi nóng chạy lên lầu, tại hạ đã cảm thấy có điều khác lạ.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Điều chi khác lạ?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Cô vốn không phải là người mới nghe một câu đã tức mình bỏ đi.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Bọn ta ba người lên lầu, lúc chuồn ra cũng ba người. Sao công tử biết cả ba người đó đều không phải là ta?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ không biết.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Công tử không biết ư?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ chỉ biết một đại nam nhân có râu ria xồm xoàm thì trong mình không thể có mùi hương như thế.
Công Tôn Đại Nương thở dài nói :
- Đáng lẽ ta không nên đứng gần công tử quá. Một nữ nhân đứng gần nam nhân thật là nguy hiểm.
Lục Tiểu Phụng cười nói :
- Nhất là một nữ nhân thơm tho như đại nương.
Công Tôn Đại Nương cười khành khạch nói :
- Ta có ngờ đâu công tử lại giống con chó con, chẳng những dùng mắt để quan sát, lại còn dùng mũi để đánh hơi.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Cái này tại hạ cũng mới học được của người ta.
Công Tôn Đại Nương hỏi :
- Công tử học được ở Hoa Mãn Lâu có phải không?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Đúng thế.
Công Tôn Đại Nương thở dài nói :
- Xem chừng bất luận là ai có chỗ sở trường công tử cũng học được rất mau lẹ.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Tại hạ vốn là kẻ lòng dạ trống rỗng.
Công Tôn Đại Nương gật đầu nói :
- Kẻ lòng dạ trống rỗng vốn là kẻ có phước.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Nếu vậy bây giờ các vị cũng nên để lòng dạ trống rỗng mà nghe tại hạ một câu.
Công Tôn Đại Nương nói :
- Chúng ta đang nghe đây.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Bây giờ đại nương đã lọt vào tay tại hạ, nếu các vị muốn được bình yên vô sự thì nên ngoan ngoãn ở đây để nghe tin tức.
Chàng lại đảo mắt ngó từ Nhị nương, Tam nương đến mọi người rồi lạnh lùng nói tiếp :
- Nếu vị nào muốn khinh cử vọng động thì cũng như muốn đại nương phải chết lẹ.
Đại nương chết rồi người đó sẽ lên thay làm lão đại ở đây.
Công Tôn Đại Nương cười đáp :
- Công tử cứ yên dạ. Ở đây chẳng có ai muốn cho ta chết đâu.
Tam nương da mặt xám xanh, đột nhiên dậm chân hỏi :
- Chẳng lẽ Đại thư muốn theo gã thật ư?
Công Tôn Đại Nương hững hờ đáp :
- Ngươi nên biết ta chẳng phải là người không thủ tín.
Mụ thở dài nói tiếp :
- Huống chi bây giờ ta không muốn theo y cũng không được. Gã này chỉ cần nắm được một nữ nhân là chết cũng không chịu buông tay.
Lục Tiểu Phụng cao hứng nói :
- Nhất là nữ nhân thơm tho diêm dúa như Đại nương.
Công Tôn Đại Nương nói :
- Bây giờ ta mong công tử coi chừng một điều.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Điều gì?
Công Tôn Đại Nương đáp :
- Coi chừng bàn tay công tử bị người chặt đứt.
Mạnh Vỹ lúc ngủ vẫn cảnh giác.
Con người đã được hảo hán giang hồ kêu bằng Tam Đầu Xà lúc ngủ cần phải cảnh giác, không thì dù hắn có ba chục cái đầu cũng bị chặt đứt rồi.
Nhưng đêm nay lúc hắn tỉnh dậy lại thấy một người đứng ở đầu giường, dương cặp mắt sắc bén lên nhìn hắn.
Bóng đêm tối mò, trong nhà lại không đèn lửa, hắn không nhìn rõ mặt người này.
Hắn chỉ cảm thấy lòng bàn tay toát mồ hôi lạnh.
Người này không cử động, hắn cũng không cử động. Trong mũi hắn cố ý phát ra tiếng thở. Đột nhiên hắn thò tay định rút thanh đao dưới gối.
Nhưng người này còn mau lẹ hơn, hắn vừa động thủ, y đã nắm lấy vai hắn.
Trước nay hắn chưa từng gặp phải tay nào sức mạnh kiên cường đến thế, hai bàn tay chịt cổ hắn. Chỉ trong chớp mắt tiếng hô hấp đã dừng lại.
Sự thực hiện giờ hơi thở của hắn cơ hồ dừng lại. Hắn hắng giọng hỏi :
- Ngươi muốn điều chi?
Người kia đáp lại bằng hai tiếng :
- Muốn tiền.
Mạnh Vỹ hỏi :
- Muốn bao nhiêu?
Người kia đáp :
- Mười vạn lạng. Nếu không bỏ ra mười vạn lạng là mất mạng.
Mạnh Vỹ không ngần ngừ gì nói ngay :
- Ta lấy cho ngươi.
Người kia hỏi :
- Ta cần ngay bây giờ.
Mạnh Vỹ đáp :
- Ta lấy cho ngươi ngay.
Người kia đột nhiên bật cười nói :
- Không ngờ Mạnh bộ đầu lại rộng rãi đến thế!
Lúc y cười thanh âm biến đổi nghe rất quen tai.
Mạnh Vỹ la thất thanh :
- Công tử là Lục Tiểu Phụng.
Người kia gật đầu đáp :
- Ta chính là Lục Tiểu Phụng.
Mạnh Vỹ thở phào một cái lên giọng oán trách :
- Giỡn kiểu này thì thú thật, nhưng suýt làm cho tại hạ phải chết nửa người.
Lục Tiểu Phụng bật cười, tiếng cười có vẻ ân hận, nói :
- Đáng lý tại hạ không muốn giỡn kiểu này, nhưng bữa nay trong lòng đặc biệt cao hứng.
Mạnh Vỹ mắt sáng lên hỏi :
- Công tử đã bắt được tên đại đạo thêu hoa rồi ư?
Lục Tiểu Phụng không phủ nhận hỏi lại :
- Kim lão tổng ở đâu?
Mạnh Vỹ đáp :
- Y trở về Dương Thành rồi.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Y trúng độc không sao chứ?
Mạnh Vỹ đáp :
- Nhờ công tử kịp thời đưa y tới Thi đại phu, Thi Kinh Mặc quả không hổ là bậc danh y.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Bên mình tại hạ có yếu phạm nên hành động phải thận trọng, ban đêm mới đến kiếm ông bạn, không để thủ hạ của mụ biết rõ hành tung của mình.
Mạnh Vỹ đáp:
- Tại hạ hiểu lắm.
Trong lòng hắn mừng thầm vì không để cho Tiểu Hồng ngủ đêm ở đây.
Trước đây hắn vẫn không giữ đàn bà ở lại trong đêm vì hắn không tín nhiệm một nữ nhân nào.
Đó là một thói quen. Mạnh Vỹ quyết định tiếp tục giữ thói quen đó. Lục Tiểu Phụng mà phát giác ả danh kỹ Tiểu Hồng ngủ trên giường hắn rồi có thể đến tai Kim lão tổng là chuyện chẳng tử tế gì.
Lục Tiểu Phụng trầm ngâm hỏi :
- Bây giờ ông bạn có thể dùng phi cáp truyền thư thông tri cho người ở Dương Thành không? Tại hạ muốn gặp Kim lão tổng trên gác hẹp mà Xà Vương đã ở ngày trước.
Mạnh Vỹ đáp :
- Dĩ nhiên là được.
Hắn ngồi nhỏm dậy xỏ chân vào giầy nói :
- Tại hạ ra ngoài viện là có tín cáp.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Trong này ông bạn có bút mực không?
Mạnh Vỹ đáp :
- Có!
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Sao không viết thư trước rồi hãy ra?
Mạnh Vỹ gật đầu bật lửa lên thắp đèn, mài mực viết thư :
“Lục gia đã thành công. Xin Kim lão tổng đến chờ tại chỗ cũ của Xà Vương vào giờ Tý đêm mai”.
Con người đã ăn cơm của Nha môn từ thuở nhỏ viết rất gọn lẹ.
Lục Tiểu Phụng mỉm cười ngồi bên coi rồi hỏi :
- Sao ông bạn không dùng chữ tiểu triện để vạn nhất có lọt vào tay người cũng không lộ tin tức?
Mạnh Vỹ cười đáp :
- Tại hạ dốt nát lắm. Đại triện còn viết không nổi huống chi tiểu triện? Nhưng công tử cứ yên tâm. Con bồ câu này chính tay Kim lão tổng thân hành huấn luyện, dọc đường nhất định không xảy ra chuyện gì.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Liệu Kim lão tổng có được thư kịp thời không?
Mạnh Vỹ đáp :
- Nhất định là kịp.
Hắn cuộn tờ giấy hoa tiên lại nhét vào ống trúc nhỏ chế tạo rất tinh xảo. Trên ống trúc lại kềm hỏa ấn.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Bây giờ ông bạn đi thả tín cáp chứ?
Mạnh Vỹ đáp :
- Tại hạ đi ngay lập tức.
Hắn khoác áo dài vào lật đật ra cửa.
Lát sau trên nóc nhà đã nghe tiếng chim bồ câu vỗ cánh.
Lục Tiểu Phụng ngồi trong nhà chờ Mạnh Vỹ trở về rồi mới chắp tay cáo từ :
- Bây giờ tại hạ đến ngay Dương Thành.
Mạnh Vỹ ngần ngừ một chút rồi nói :
- Tại hạ vừa đi coi, bên ngoài không có ai...
Lục Tiểu Phụng ngắt lời :
- Dĩ nhiên là không có ai.
Mạnh Vỹ gượng cười hỏi :
- Vậy Công Tôn Đại Nương đâu?
Lục Tiểu Phụng mỉm cười hỏi lại :
- Nếu ông bạn áp giải mụ thì có đưa đi riễu khắp mọi đường phố không?
Mạnh Vỹ lắc đầu, hỏi lại :
- Công tử áp giải bằng cách nào?
Lục Tiểu Phụng cười rồi đáp :
- Kế hoạch không thể để lọt vào sáu lỗ tai. Chờ khi tại hạ áp giải mụ tới nơi rồi nếu có cơ hội sẽ cho ông bạn hay.
Mạnh Vỹ cũng cười nói :
- Lục gia quả là người thận trọng. Tại hạ đã nói nếu Lục gia làm nghề của tại hạ tất trở thành nhân vật đệ nhất phía trong “sáu cánh cửa”.
Lục Tiểu Phụng thở dài nói :
- Tại hạ biết mình hãy còn kém Kim lão tổng của các vị xa.
Mạnh Vỹ hỏi :
- Nhưng Công Tôn Đại Nương là do Lục gia bắt được đấy chứ?
Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười đáp :
- Y bảo tại hạ đi liều mạng cho y. Còn y cứ mằm khểnh trên giường mà hưởng phúc.
Nguyên một điểm này y đã lợi hại hơn tại hạ nhiều.
Trong gác hẹp cách trần thiết vẫn nguyên như cũ. Chỉ có người nằm trên ghế là khác mà thôi.
Kim Cửu Linh nằm ruỗi nhắm mắt dưỡng thần.
Sắc diện của hắn coi được lắm. Tâm tình hắn cũng thoải mái. Đêm qua một bữa cơm rượu thịnh soạn hãy còn nằm trong bao tử. Mạch đại sư phó ở Minh Viên là tay thủ nghệ rất giỏi, nấu nướng món gì cũng làm cho hắn vừa ý.
Huống chi bây giờ tên cự đạo đã bắt về làm án. Từ nay trở đi hắn hưởng thụ thêm mấy năm hạnh phúc.
Hắn nhận ra mình hên vận mới được Lục Tiểu Phụng đến giúp hắn trong vụ án này.
Lục Tiểu Phụng tuy chưa tới nơi, nhưng Kim Cửu Linh trong lòng vẫn không hồi hộp chút nào. Hắn tin là mình làm việc gì cũng không sai trật.
Trên bàn bày sẵn một chung rượu bồ đào tửu từ nước Ba Tư gửi đến. Hắn nâng chung rượu lên nhấp một hớp để hưởng thụ mùi rượu ngon ngọt.
Kim Cửu Linh là con người thích hưởng thụ lại biết cách hưởng thụ.
Lục Tiểu Phụng tuy có lúc cũng biết hưởng thụ, chỉ đáng tiếc số mạng phải cực nhọc vì chuyện thích can thiệp vào việc của người.
Kim Cửu Linh đã quyết định sau khi vụ án này kết thúc, hắn không nhúng tay vào những việc ở phía sau sáu lần cửa nữa.
Bỗng hắn nghe trên nóc nhà có tiếng động rất khẽ như mèo đi. Mặt hắn liền lộ ra một nụ cười.
Hắn biết nhất định là Lục Tiểu Phụng tới nơi và trên lưng cõng một vật nặng, vì lúc chàng hành động không bao giờ phát ra âm thanh. Bữa nay mà có tiếng động nhỏ nhẹ vì chàng phải đeo vật nặng.
Kim Cửu Linh vừa đặt chung rượu xuống đã nghe tiếng Lục Tiểu Phụng than ngoài cửa sổ :
- Mình đeo cái rương nặng thế này lật đật chạy suốt đêm mà hắn ngồi uống rượu một cách rất ung dung. Thế mới biết con người ở đời quả nhiên có số mạng.
Cánh cửa mở ra. Kim Cửu Linh biết chừng ra đón để mở cửa.
Người Lục Tiểu Phụng chưa vào đã chuồn một cái rương mây lớn vào trước.
Kim Cửu Linh mỉm cười nói :
- Số mạng của tại hạ trời sinh ra chẳng lấy gì làm tốt đẹp, nhưng gặp thời hên vận kết bạn được với Lục Tiểu Phụng.
Hắn vừa dứt lời, Lục Tiểu Phụng đã tới trước mặt. Chàng dựng mặt lên đáp :
- Ngươi hên vận hơn ta nhiều. Ta kết bạn với ngươi là lầm.
Kim Cửu Linh cười nói :
- Sứ mạng nầy quả nặng nhọc. Người mang trọng trách nhất định hỏa khí bốc lên dữ. Vì thế mà tại hạ đã chuẩn bị một chai rượu bồ đào Ba Tư để đè hỏa khí của công tử xuống.
Kim Cửu Linh rót rượu vào chung vàng hai tay nâng lên cười nói tiếp :
- Tại hạ đã để rượu vào khối băng lạnh, xin bảo đảm nó sẽ giải hỏa cho công tử.
Lục Tiểu Phụng không khỏi bật cười lắc đầu đáp :
- Lão tổng thật khéo chiều người. Tại hạ mà là cô gái cũng phải mê lão đến chết.
Chàng đón lấy chung rượu uống một hơi cạn sạch rồi đặt cái rương mây lên bàn hỏi :
- Ngươi thử đoán xem trong rương đựng cái gì?
Kim Cửu Linh nhấp nháy cặp mắt hỏi lại :
- Có phải là người biết thêu hoa không?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Chẳng những biết thêu hoa mà thêu cả tròng mắt nữa.
Kim Cửu Linh mắt sáng rực chĩa ngón tay cái lên nói :
- Lục Tiểu Phụng quả không hổ là Lục Tiểu Phụng.
Lục Tiểu Phụng nhăn nhó cười đáp :
- Chỉ vì thích nghe câu này mà mắc bẫy không biết bao nhiêu lần. Lạ ở chỗ đến bây giờ vẫn chưa thấy nhàm tai.
Kim Cửu Linh cười rộ, muốn mở rương ra.
Lục Tiểu Phụng cản lại nói :
- Hãy khoan!
Kim Cửu Linh lấy làm kỳ hỏi :
- Còn chờ gì nữa?
Lục Tiểu Phụng chớp mắt hỏi :
- Ngươi có biết tên đại đạo thêu hoa đó là ai không?
Kim Cửu Linh đáp :
- Chẳng lẽ không phải là Công Tôn Đại Nương?
Lục Tiểu Phụng gật đầu, lại hỏi :
- Công Tôn Đại Nương là người thế nào ngươi có biết không?
Kim Cửu Linh đáp :
- Tại hạ không biết.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Ngươi đoán thử coi.
Kim Cửu Linh ngần ngừ đáp :
- Mụ là một bà già.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Tiếp tục đoán nữa đi.
Kim Cửu Linh đáp :
- Dù chẳng phải mụ già lụ khụ thì cũng không phải hạng gái ít tuổi, nếu mụ còn ít tuổi thì chẳng thể hành động lợi hại đến thế!
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Còn gì nữa?
Kim Cửu Linh đáp :
- Tại hạ biết mụ không đẹp tốt gì, vì người đàn bà đẹp chẳng bao giờ lại tình nguyện cải trang thành mụ già lụ khụ.
Lục Tiểu Phụng thở dài nói :
- Bình thời người ta bảo ngươi liệu việc như thần, nhưng lần này ngươi liệu việc như heo.
Kim Cửu Linh hỏi :
- Chẳng lẽ tại hạ đoán trật ư?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Trật ơi là trật!
Kim Cửu Linh ngạc nhiên hỏi :
- Vậy mụ là con người như thế nào?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Mụ là người đàn bà có thể khiến cho đàn ông điên đảo thần hồn, say mê đến chết tươi, nhất là hạng trai như lão Kim.
Kim Cửu Linh nhăn nhó cười hỏi :
- Tại hạ đâu có phải hạng trai như vậy?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Lão là con quỷ đói trong hạng hiếu sắc. Tại hạ chỉ hy vọng lão ngó thấy mụ rồi đừng để cho mụ làm mê mẩn tâm thần.
Kim Cửu Linh cười nói :
- Quỷ háo sắc cũng nhiều loại. Ít ra tại hạ chưa phải là hạng háo sắc tầm thường.
Lão mở rương ra rồi đứng ngẩn người.
Trong rương là một mỹ nhân tuyệt mỹ thật sự, đẹp như đóa hoa hải đường đang mơ màng giấc điệp.
Mụ tuy không còn trẻ trung, nhưng cái đẹp của mụ khiến cho người ta chẳng nghĩ gì đến tuổi tác nữa.
Kim Cửu Linh thở dài nói :
- Xem chừng công tử làm việc này không đến nỗi khổ não.
Lục Tiểu Phụng cười lạt. Đột nhiên hỏi :
- Hoa Mãn Lâu đâu?
Kim Cửu Linh đáp :
- Gã đi rồi.
Lục Tiểu Phụng chau mày hỏi :
- Sao gã không chờ tại hạ?
Kim Cửu Linh đáp :
- Gã phải đến Tử Kim Sơn có việc gấp.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Đi làm gì?
Kim Cửu Linh thở dài đáp :
- Bạch Vân Thành Chúa đã ước hẹn Tây Môn Xuy Tuyết mở trận quyết đấu ở Tử Kim Sơn vào ngày mồng một tháng sau.
Lục Tiểu Phụng biến sắc.
Kim Cửu Linh lại nói :
- Số người hay tin này không phải là ít. Tại đây đã nhiều người lên đường đi Tử Kim Sơn rồi. Theo chỗ tại hạ biết nhiều người đem hai nhân vật đó ra mà đánh cuộc. Ba phần có đến hai nắm chắc Diệp Cô Thành sẽ thắng.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Bữa nay là ngày nào?
Kim Cửu Linh đáp :
- Hai mươi bốn rồi.
Lục Tiểu Phụng nhảy bổ lên nói :
- Bây giờ tại hạ phải đi ngay may ra còn kịp.
Kim Cửu Linh nói :
- Nhưng còn Công Tôn Đại Nương này...
Lục Tiểu Phụng ngắt lời :
- Tại hạ đã giao xong. Bây giờ từ đầu đến gót chân mụ thành người của lão Kim rồi.
Kim Cửu Linh nhăn nhó cười hỏi :
- Phải chăng công tử muốn làm mê hoặc tại hạ?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ chỉ hy vọng lão Kim là người không để mỹ sắc mê hoặc.
Kim Cửu Linh nói :
- Cái đó thì công tử cứ yên dạ.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Tại hạ chẳng yên dạ chút nào.
Kim Cửu Linh cười nói :
- Người đàn bà này là con rắn độc. Tại hạ không lớn mật đâu. Ít ra còn phải đề phòng nó đớp một miếng.
Lục Tiểu Phụng nói :
- Vì hiện giờ mụ chẳng thể cắn người, nên tại hạ không yên dạ.
Kim Cửu Linh hỏi :
- Rắn độc cũng có lúc không cắn người ư?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Tại hạ đã bắt mụ uống một bình thuốc mê Thất Nhật Túy. Dù mụ có tỉnh lại thì ít ra cũng chưa cử động được trong vòng ba ngày.
Kim Cửu Linh nói :
- Thuốc mê Thất Nhật Túy dường như tại hạ cũng đã nghe có người nhắc tới.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Vì thế mà trong hai ba ngày này ngươi tùy tiện muốn làm gì mụ cũng không thể phản kháng. Nhưng nếu ngươi đối phó với mụ như vậy là thê thảm đấy. Cả ta cũng thê thảm luôn.
Kim Cửu Linh cười hỏi :
- Công tử không yên dạ, sao chẳng ở nhà coi?
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Vì tại hạ lo cho Tây Môn Xuy Tuyết.
Dường như chàng chuẩn bị chuồn ra cửa sổ, nhưng bỗng dừng lại nói tiếp :
- Tại hạ còn có việc muốn nhờ lão Kim làm dùm.
Kim Cửu Linh đáp :
- Công tử cứ sai bảo.
Lục Tiểu Phụng đáp :
- Lão hỏi giùm xem Tiết Băng lạc lõng nơi đâu. Tại hạ không quen bức bách người để lấy khẩu cung.
Kim Cửu Linh đáp :
- Dù đầu mụ có rắn như đá, tại hạ cũng có cách làm cho mụ mở miệng.
Đột nhiên hắn nói tiếp :
- Bên ngoài có ngựa mà là ngựa của tại hạ cưỡi tới.
Người giang hồ đều biết Kim Cửu Linh là Bá Nhạc đời nay. Hắn rất sành tướng ngựa. Con ngựa hắn cưỡi đến nhất định là con ngựa hay.
Lục Tiểu Phụng cả cười hỏi :
- Lão Kim chịu nhường cho tại hạ cưỡi ư?
Kim Cửu Linh gật đầu mỉm cười đáp :
- Có điều tại hạ cũng không yên dạ.
Lục Tiểu Phụng hỏi :
- Điều chi khiến lão không yên dạ?
Kim Cửu Linh đáp :
- Vì đó là con ngựa cái.
Lục Tiểu Phụng ra đi mang theo cả bình rượu bồ đào.
Dưới lầu tiếng ngựa hí pha lẫn tiếng lộp cộp, chỉ trong khoảng khắc đã đi xa, quả là con ngựa chạy rất nhanh.
Kim Cửu Linh mở cửa sổ nhìn ra. Ngoài xa có người ngó hắn gật đầu.
Lục Tiểu Phụng ngồi trên lưng ngựa. Tiếng vó ngựa không nghe thấy nữa.
Kim Cửu Linh đóng cửa lại rồi đến bên chiếc bàn. Hắn vén tay áo nữ nhân trong rương lên.
Trên cánh tay trắng như ngó sen có một vết hồng lớn bằng đồng tiền, hình dạng giống một áng mây.
Kim Cửu Linh nhìn kỹ hai lần, khóe miệng lộ nụ cười đắc ý, lẩm bẩm :
- Quả nhiên là Công Tôn Đại Nương.
Tại sao hắn biết trên cánh tay Công Tôn Đại Nương có dấu thai ký này? Đây là một điều bí mật của nữ nhân. Đáng lẽ chỉ người nào thân cận với mụ mới biết mà thôi.