Một hôm, vào lúc sáng sớm, Ngưu Nguyệt Thanh ra ban công phơi quần áo, chim bồ câu đậu trên sàn cửa sổ hót cúc cu. Thường ngày chị cũng thích con chim khôn nhỏ bé này, thấy lông trắng đo đỏ hót rất hay, chị liền đặt chậu xuống đến bắt, nô nghịch trên bàn tay một lát, chợt nhìn thấy trên chân chim bồ câu có một mẩu giấy nhỏ gấp lại. Chị liền gỡ ra xem, trên đó viết ba chữ "Em cần anh", lại được đóng một vòng tròn môi son. Ngưu Nguyệt Thanh lập tức ngẩn người, suy nghĩ chắc chắn đây là giấy hẹn gặp của Đường Uyển Nhi gửi đến. Chị liền lấy dây buộc chân chim bồ câu lại, ngồi ở phòng khách chờ Liễu Nguyệt đi mua dầu về. Liễu Nguyệt vào cửa, Ngưu Nguyệt Thanh liền cài then, một cái ghế tròn nhỏ, được để ở giữa nhà, từ buồng ngủ, chị lấy ra một cái roi đập bụi làm bằng da, bảo Liễu Nguyệt ngồi trên ghế tròn. Liễu Nguyệt nói:
- Em vào bếp rót dầu. Hôm nay đường phố đông người lắm, em không chen vào nổi, liền hét to có dầu, có dầu rồi! Thế là đám đông liên tách ra một lối đi.
Chị Thanh nói:
- Tôi bảo cô ngồi thì cô cứ ngồi vào!
Liễu Nguyệt bảo:
- Hôm nay chị cả làm sao thế? Em không ngồi đâu!
Ngưu Nguyệt Thanh giơ roi vụt, những sợi dây da xoè ra quật vào người Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt kêu thành tiếng, sắc mặt tái đi, hỏi:
- Chị đánh em à?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Tôi đánh cô đấy. Tôi là chủ của cái nhà này, cô là người giúp việc, cô cấu kết với đàn bà hư hỏng bên ngoài làm hại nhà chủ, sao tôi không đánh được hả? Dù cho ông chủ tịch có đến đây cũng không dám ngăn cản. Cô nói đi, cái con ** Đường Uyển Nhi bán trôn đã đến đây bao nhiêu lần? Cô đã trải giường đắp chăn như thế nào, theo dõi canh gác ra sao?
Liễu Nguyệt cứ tưởng chị chủ vẫn còn cay cú, nên đáp:
- Sao em biết được thầy Điệp và Đường Uyển Nhi có chuyện ấy hay không có chuyện ấy cơ chứ? Lần trước em nói với chị như thế chỉ là tức mà nói thôi, song chị đã cho là thật, đã làm cho không khí gia đình rối tung rối mù lên rồi. Hôm nay chị lại chẳng hỏi rõ đầu cua tai nheo, cứ hùng hục lấy roi da đánh em! Kẻ giúp việc có hèn kém đến mấy, thì cũng là con người, chị đánh em đau thế này là định giết em phải không? Cho dù chị không coi em ra gì, không coi bố mẹ em làm nông dân ra cái gì, nhưng bây giờ em đã là người của gia đình chủ tịch uỷ ban thành phố, chị dựa vào điều nào luật nào mà đánh em hả?
Ngưu Nguyệt Thanh liền đưa con chim bị trói chân vào, lấy mẩu giấy vứt dưới chân Liễu Nguyệt, mắng:
- Tôi dựa vào những thứ này để đánh cô! Hàng ngày cô ở nhà, bồ câu do cô nuôi, thư do cô nhận, việc xấu xa nào chẳng thiếu được cô? Tôi không đánh cô thì cám ơn cô hay sao?
Cứ chửi một câu, chị lại vụt một cái, chửi một câu, lại vụt một cái, từng vết, từng vết đỏ trên cánh tay, trên chân Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt thầm nghĩ "Chết cha, chị ấy biết hết rồi!" rồi hốt hoảng, không nói cứng nữa, giơ tay nắm chặt roi da, bảo:
- Hai người yêu nhau, thì có liên quan gì đến em cơ chứ?
Chị Thanh hỏi:
- Yêu nhau như thế nào, hôm nay cô phải nói thật với tôi từng sự việc. Nếu cô không nói, tôi đánh cô xong còn nói chuyện này với mẹ con Đại Chính. Người ta nếu bằng lòng lấy cô, thì cô vào trong trụ sở uỷ ban nhân dân thành phố mà làm chuyện dâm loạn, nếu người ta không lấy, thì cô lột hết quần áo trên người, cút xéo về nơi rừng sâu núi thẳm Thiểm Bắc của cô.
Liễu Nguyệt liền khóc rồi kể hết, Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi ngủ với nhau ở nhà như thế nào, hẹn gặp ở nhà Đường Uyển Nhi ra sao, nói cách chim bồ câu đưa thư như thế nào, trong thư có dấu môi son, có cả lông âm hộ. Để vui lòng chị cả giảm bớt lỗi lầm của mình, cô ta đã có nói có, không có cũng nói có. Lúc đầu Ngưu Nguyệt Thanh cũng nghi ngờ trong lòng, thành ra có nhiều tưởng tượng của mình. Nghe Liễu Nguyệt khai ra như vậy, trước mặt chị đã lần lượt hiện ra hàng đống hàng đống những bức tranh cụ thể chi tiết, lại cảm thấy chẳng thà không hay biết hay hơn, mà biết rồi lại không sao chịu nổi, liền sôi máu lên, thịt da run rẩy, trời đất quay cuồng. Chị hừ lên:
- Trời ơi, tôi mù, tôi điếc, sự việc đã đến mức này mà tôi không hề hay biết.
Chị trợn tròn hai mắt, nắm chặt hai tay, hai hàm răng va vào nhau cầm cập, chị nói với Liễu Nguyệt:
- Bây giờ chị còn gì nữa hả Liễu Nguyệt? Em nói đi, bây giờ chị chẳng còn gì nữa, chị trơ trọi một mình.
Liễu Nguyệt tụt khỏi ghế, quỳ trước mặt chủ nhà, nói:
- Chị cả ơi, việc này lẽ ra em phải nói với chị, nhưng em là kẻ hầu người hạ trong nhà, em đâu có dám nói với chị? Em nói ra thì lúc ấy chị có tin em không? Em đã giúp họ, đã tạo thuận lợi cho họ, em có lỗi với chị, chị hãy đánh em đi, hãy đánh chết em đi!
Ngưu Nguyệt Thanh quẳng roi đi, ôm Liễu Nguyệt khóc thảm thiết. Chị khóc xin Liễu Nguyệt cứ giận chị. Chỉ vốn định doạ Liễu Nguyệt, nhưng Liễu Nguyệt không nói thật, nên chị mới đánh. Chị nói:
- Chị chịu không nổi, chị đã đánh em, em tha thứ cho chị cả đáng thương này. Em có thông cảm hay không hả em?
Liễu Nguyệt đáp:
- Em thông cảm lắm.
Cô ta cũng khóc. Khóc một trận xong, Ngưu Nguyệt Thanh dần dần bình tĩnh lại, lau nước mắt, lau cả nước mắt cho Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt nói:
- Chị cả ơi, em dẫn chị đi, chị em mình đi tìm con đàn bà dâm đãng kia, xé nát cái mặt của nó ra!
Ngưu Nguyệt Thanh lắc đầu nói:
- Nó là cái thứ gì! Đồ bỏ chồng bỏ con đi theo người đàn ông khác, đã bỏ đi theo đứa khác rồi, còn rủ rê người đàn ông khác nữa, một thứ rẻ tiền hễ nhìn thấy đàn ông là lao vào, chị đánh nó làm gì cho bẩn tay? Nếu chị em mình đi tìm đánh nó, tin loan truyền đi, người người đều biết. Thầy Điệp em với nó thế nào thế nào, thì thầy Điệp mất thanh danh, mà nó thì được thơm lây. Trên đời có bao nhiêu người sùng bái thầy Điệp em, được gặp mặt một cái cũng khó, nhưng nó thì được ăn nằm với danh nhân cơ chứ! Hơn nữa, vài hôm nữa, em sẽ lấy Đại Chính, nhà mình xảy ra chuyện ấy thì còn mặt mũi nào đi gặp ông chủ tịch uỷ ban thành phố thông gia nữa hả em? Thầy Điệp em tuy đã làm tan nát lòng chị, anh ấy không cần đến tiền đồ, sự nghiệp, công danh và uy tín của mình, thì chị còn phải hết sức cứu vớt anh ấy. Chị sẽ chịu nhịn nhục không làm ầm ĩ ở nhà, nếu ra ngoài làm ầm lên, chỉ có thể làm cho anh ấy bất cần tất cả, càng nảy sinh tư tưởng cứ đòi chung sống với con mụ dâm đãng kia, vậy thì anh ấy cũng hết nốt. Anh ấy gian khổ phấn đấu tới mức xuất chúng cũng có phải dễ đâu hả em? Bây giờ chị cũng không cứu anh ấy gì đâu, chỉ cần anh ấy cải tà quy chánh, không bao giờ đi lại với con mụ dâm đãng kia là được. Cho nên, em ra ngoài chớ để lộ lời nói nào. Em cứ mặc kệ chị cãi nhau với anh ấy, làm ầm ĩ với anh ấy như thế nào, em không được lắm điều, cứ làm như không biết chuyện này, nhưng em còn quan tâm tới chị cả này, thì chị sẽ nói với em, trong trái tim chị em mình trong nhà, lại phải biết căn bệnh của anh ấy, chỉ có điều phải hết sức cảnh giác đề phòng, em hiểu ý chị nói chứ?
Lần đầu tiên Liễu Nguyệt phát giác Ngưu Nguyệt Thanh còn có tâm tư như vậy và tỏ ra đáng thương. Làm bà chủ trong nhà còn khó xử như thế đấy, cô ta liền gật đầu. Ngưu Nguyệt Thanh lại dặn dò một lúc như vậy sau đó bảo Liễu Nguyệt rửa mặt chải đầu, đánh phấn bôi son ra đi.
Liễu Nguyệt đã đến nhà Đường Uyển Nhi. Đường Uyển Nhi đang đứng ngồi không yên mong ngóng ra cổng. Nhìn thấy Liễu Nguyệt đến, bước lại gần cửa hỏi:
- Em từ nhà đến phải không? Có nhìn thấy thư chim bồ câu đưa đến không? Thầy Điệp không có nhà ư?
Liễu Nguyệt đáp:
- Thầy Điệp ở nhà, chị cả hôm nay sang bên Song Nhân Phủ, thầy Điệp bảo chị sang nhà nói chuyện.
Đường Uyển Nhi hớn hở, lấy kẹo trong hộp mời Liễu Nguyệt ăn, Liễu Nguyệt không ăn, chị ta cứ bóc ra nhét vào mồm Liễu Nguyệt và bảo:
- Kẹo này ngọt lắm, mút từ từ sẽ ngọt tận trái tim. Thầy Điệp ở nhà, sao không sai bồ câu đem thư đến, việc gì phải cử em đi cho mệt!
Liễu Nguyệt đáp:
- Em phải đến cửa hàng tương mì nhà Dương ở ngõ Đức Thắng mua bột mì và tương, cách đây không xa, tiện thể nhắn tin cho chị.
Nói xong là đi luôn. Đường Uyển Nhi cũng ăn diện tử tế, rồi đạp xe đến khu nhà tập thể hội văn học nghệ thuật.
Đường Uyển Nhi đêm ấy chia tay với Trang Chi Điệp về nhà thì Chu Mẫn đang ngồi uống rượu với một người tên là lão Hổ ở trong nhà. Lão Hổ là viên chức của một tập đoàn xí nghiệp mà Chu Mẫn quen biết khi làm dân công ở am ni cô, sau đó đã đến nhà mấy lần. Đường Uyển Nhi cũng miễn cưỡng quen biết. Chị ta liền cất tiếng chào, rồi cầm ghế ngồi bên cạnh nghe hai người nói chuyện.
Lão Hổ có khuôn mặt thớ thịt nổi thành cục, nhưng hai làn môi lại mỏng, nói năng khôn khéo. Đường Uyển Nhi đã nghe ra anh ta đang phỉnh phờ Chu Mẫn viết một cuốn sách cho ông chủ đã phất lên. Anh ta bảo ông chủ này phất tới mức tiền kiếm được không biết nên tiêu như thế nào, một lòng một dạ muốn được nổi danh, muốn tìm một người viết cho ông ta một quyển sách. Sách viết xong, ông tự lo in ấn xuất bản, chỉ yêu cầu ký tên ông, là có thể trả thù lao hai vạn đồng. Lúc đầu Chu Mẫn tỏ ra khó xử, anh bảo viết một quyển sách đâu có dễ, viết xọng lại ký tên người khác, thì luôn có cảm giác thiệt thòi oan uổng quá. Lão Hổ liền bảo, anh có phải nhà văn nổi tiếng đâu? Anh viết ra liệu có xuất bản được không? Cho dù xuất bản, thì được mấy đồng nhuận bút? Anh và Đường Uyển Nhi đang sống cuộc sống như thế nào? Tại sao không chớp cơ hội kiếm một ít tiền để ăn cho ngon ngủ cho sướng hả? Hơn nữa quyển sách này không yêu cầu anh viết nhiều viết dài, số chữ cứ chắp nối đủ hai mươi vạn là được, mất của anh bao nhiêu công sức cơ chứ? Bao nhiêu người đã gõ cửa tìm tôi, tôi cũng chưa đồng ý, chuyên dành cho anh món hời, mà anh lại tỏ ra thanh cao làm quái gì?
Chu Mẫn vội vàng giải thích không phải như vậy, anh vui vẻ nhận công việc đầu sai này, chỉ có việc đang vướng vụ kiện. Lão Hổ hỏi vụ kiện gì. Chu Mẫn kể ra tuồn tuột, lại bày tỏ cảnh khốn quẫn hiện nay của mình.
Đường Uyển Nhi nghe anh ta nói Trang Chi Điệp đã đi nhờ chủ tịch uỷ ban nhân dân thành phố can thiệp giúp đỡ, liền bảo:
- Chu Mẫn ơi, anh đừng có uống nhiều rồi ăn nói lung tung. Trang Chi Điệp đâu có đi cửa sau với chủ tịch thành phố! Nói thế chẳng bôi xấu thầy Điệp, cũng liên luỵ đến chủ tịch thành phố đấy!
Chu Mẫn gạt phắt:
- Đàn ông nói chuyện, em đừng chõ miệng vào!
Đường Uyển Nhi tức quá, quay ngoắt người đi vào buồng ngủ. Nằm trên giường, chị ta còn dỏng tai lên nghe về vụ kiện. Chị ta nghe lão Hổ nói:
- Tôi cũng là một luật sư, tuy là nghề nghiệp dư, nhưng tôi đã giúp người ta kiện năm vụ nhưng chưa thua vụ nào. Vụ kiện này của anh coi là cái thá gì, mà phải đi cậy nhờ chủ tịch thành phố cơ chứ? Trang Chi Điệp không dám nói trước toà đã từng yêu, đã từng ăn nằm với người đàn bà kia, thì vẫn có cách đánh thắng vụ kiện này cơ mà!
Chu Mẫn hỏi:
- Cách gì nào?
Lão Hổ đáp:
- Cái bà họ Cảnh kia chẳng phải đã nói trong bài văn ấy viết về bà ta có phải không? Các anh chẳng phải cũng tranh cãi không viết về bà ta là gì? nếu bây giờ lại cho một người đàn bà cũng ra trước toà nói rằng người viết trong bài văn đó chính là mình, như vậy sẽ ầm ĩ lên, sẽ khuấy lên cho rối tinh rối mù lên, thì toà án sẽ nhận thấy chẳng ai có chứng cớ để chứng tỏ người viết trong bài văn đó là Cảnh Tuyết Ấm và thế là vụ kiện cũng xí xoá, chẳng đâu vào đâu đó ư?
Đường Uyển Nhi nghe xong cũng cảm thấy lão Hổ càn quấy bậy bạ, nhưng sự càn quấy bậy bạ này, thật tình cũng coi là một cách. Chờ khi lão Hổ ra về, Chu Mẫn bước lên giường, hai người liền nói chuyện này. Đường Uyển Nhi đã nói một câu:
- Về vụ kiện này, em có thể làm người đàn bà kia!
Chu Mẫn đáp:
- Thế thì tốt, anh đang buồn tìm đâu ra một người đàn bà như vậy, nghĩ đi nghĩ lại cũng không nghĩ tới em.
Nhưng Đường Uyển Nhi lại bảo:
- Em thử anh xem thế nào, anh lại định để em đi thật sao? Vì lợi ích của anh, anh đã nhẫn tâm để em đi yêu Trang Chi Điệp hay sao?
Chu Mẫn đáp:
- Trò chơi ấy mà! Chứ đâu phải đòi em như thế thật?
Đường Uyển Nhi hỏi:
- Nếu thật thì sao?
Chu Mẫn chỉ cười, vẫn còn đang tâm niệm ý kiến này hay đấy, sau đó men rượu bốc lên đã ngủ thiếp đi. Lúc này Đường Uyển Nhi lại thấy có phần hối hận, không nên tự nhận đóng vai người đàn bà ấy, tuy nói vì Trang Chi Điệp, song liệu Trang Chi Điệp có chấp nhận phương án này? Mình chưa bàn gì với anh ấy mà đã nói ra, nếu Chu Mẫn làm thế thật, thì Trang Chi Điệp sẽ đánh giá mình như thế nào đây? Qua một đêm suy nghĩ, chờ hôm sau, hôm sau nữa Trang Chi Điệp đến sẽ nói với anh, nhưng Trang Chi Điệp không đến, mà Chu Mẫn thì đã bắt tay chủân bị, bắt chị ta ở nhà học kỹ bài văn kia, tìm hiểu tình hình vụ án, hễ chờ Trang Chi Điệp đi gặp chủ tịch thành phố không đem lại kết quả thì bắt đầu thực hiện âm mưu này. Sáng hôm nay quả thật không chờ được nữa, chị ta mới thả chim bồ câu đưa thư cho Trang Chi Điệp.
Đường Uyển Nhi đến ngôi nhà lầu các gia đình của Hội văn học nghệ thuật, khe khẽ gõ cửa, người mở cửa lại là Ngưu Nguyệt Thanh, nụ cười trên mặt chị ta liền căng cứng lại. Ngưu Nguyệt Thanh liền tránh ánh mắt đã, chị nói với Đường Uyển Nhi:
- Ái chà, Đường Uyển Nhi đã đến, chị mới về. Hôm nay nấu mấy món ngon, chị vừa bảo với thầy Điệp em, lâu lắm không thấy Đường Uyển Nhi đến chơi, mời cô em đến ăn nhẹ nào ngờ em đến ngay.
Đường Uyển Nhi vội đáp:
- Cô Thanh có món gì ngon, vẫn nhớ đến em ư? Em không đến chắc không nói thế đâu nhỉ, nhưng em có cái phúc sướng miệng!
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Em rộng miệng, rộng miệng thì sang, được ăn bốn phương trời.
Đường Uyển Nhi nói:
- Đàn ông rộng miệng thì sang, chứ đàn bà rộng miệng thì có mà ăn cám.
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Em không ăn được cám đâu, em là châu chấu ăn hoa màu quá giới hạn.
Đường Uyển Nhi cảm thấy khang khác, đang định hỏi thầy giáo Điệp không ở nhà, thì Liễu Nguyệt và Trang Chi Điệp bước vào cửa. Nhìn thấy Đường Uyển Nhi, Trang Chi Điệp chào:
- Em đã đến ư?
Đường Uyển Nhi hỏi:
- Anh đi ra ngoài à?
Trang Chi Điệp đáp:
- Anh Phòng hẹn đi uống trà, thì Liễu Nguyệt gọi về, bảo ở nhà có thức ăn ngon, lại còn mời khách. Anh cứ tưởng khách nào chứ, thì ra là em.
Đường Uyển Nhi lại hỏi:
- Sáng anh luôn luôn không ở nhà ư?
Trong lòng chị ta thấy hoảng, tại sao Liễu Nguyệt đi bảo thầy Điệp gọi đến, có lẽ nào đã bị cô Thanh phát giác ra thư ở chim bồ câu? Ngay lập tức đã có dự cảm không đúng, liền nói với Ngưu Nguyệt Thanh đang ở trong bếp:
- Cô Thanh ơi, đa tạ lòng tốt của cô, nói là em có phúc được ăn sướng miệng, chứ thật ra cái mồm nghèo đói ăn đậu phụ. Sáng nay đi làm, Chu Mẫn dặn trưa nay anh ấy dẫn mấy người ở toà soạn tạp chí đến ăn cơm, em không thể chờ món ngon của chị được đâu, em phải về đây.
Ngưu Nguyệt Thanh ra khỏi buồng bếp, nói:
- Không được, thầy giáo Điệp của em cũng đã về, hai anh em có thể nói chuyện, cơm canh xong ngay đây mà. Bữa cơm hôm nay không ăn sẽ không cho em về, mặc xác cái nhà anh Chu Mẫn.
Nói xong liền bước ra khóa trái cửa chính, bỏ chìa khóa vào túi áo. Trang Chi Điệp liền bảo:
- Em xem cô Thanh đã thật lòng đãi em, thì em cứ ở lại ăn cơm.
Hai người cũng không dám vào phòng sách và buồng ngủ, ngồi trên ghế da trong phòng khách, nói những chuyện đâu đâu, chỉ đưa mắt trao đổi với nhau, ai cũng nghi ngờ khó hiểu. Sau đó cùng cười không thành tiếng, có ý bảo nhau, cũng do mình quá ư nhạy cảm, có lẽ chị chủ nhà có ý tốt thật, liền bắt đầu cười nói vui vẻ. Trong mắt Đường Uyển Nhi chứa đựng muôn vàn nội dung còn Trang Chi Điệp thì ánh mắt đang nói, không có chuyện gì đâu. Tiếp đó cả hai lại cười không thành tiếng, cứ tưởng Liễu Nguyệt có chuyện lạ gì. Đường Uyển Nhi bắt đầu hết căng thẳng, đầu mày cuối mắt lại lúng liếng tươi cười. Chị ta kể đêm qua mơ thấy mưa tuyết to lắm, trời nóng nực như thế này mà mơ thấy tuyết, không biết tốt hay xấu, đòi Trang Chi Điệp giải mộng. Trang Chi Điệp nói:
- Giải mộng thì phải tìm thầy Phòng của em, em thử nói một chữ anh đóan cho em xem nào.
Đường Uyển Nhi không biết nói chữ nào hơn, chợt nhìn thấy một xâu ớt treo trên dây thép ngoài cửa sổ, liền nói luôn chữ "xâu".
Trang Chi Điệp nói:
- Chữ "xâu" ư? Không có chữ tâm là chữ xâu, có chữ tâm là chữ hoạ.
Sắc mặt Đường Uyển Nhi tái đi, Trang Chi Điệp nói là đoán sai đấy. Mơ thấy tuyết có thể vì em quan tâm đến vụ kiện. Ban ngày chửi Cảnh Tuyết Ấm, ban đêm mơ thấy tuyết.
Đường Uyển Nhi mới chuyển lo thành mừng, liền hỏi đến kết quả đi hỏi chủ tịch uỷ ban thành phố và mới loại bỏ được ý kiến do lão Hổ đã gợi ý.
Ngưu Nguyệt Thanh và Liễu Nguyệt đã thu dọn bàn để chuẩn bị ăn cơm. Trên bàn để bốn cái đĩa, bốn đôi đũa, trong đĩa đã rót dấm và xì dầu. Ngưu Nguyệt Thanh liền bưng nồi lẩu ra. Nồi lẩu được đậy vung, hơi nóng đang bốc lên kêu xì xì. Đặt xong đâu vào đấy chị bảo:
- Nào, mời ngồi cả vào mâm.
Bốn người lân lượt ngồi vào bàn. Trang Chi Điệp nói:
- Hôm nay cô Thanh đích thân xào nấu, chỉ có độc món này thôi à? Liễu Nguyệt, đem rượu ra đây.
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Thức ăn nhiều thì ngược lại chẳng nhớ được món nào ngon, cũng khỏi cần uống rượu, uống rượu trôi mất mùi thức ăn.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Trong nồi lẩu có thứ gì quý hiếm thế?
Hỏi xong đưa tay định mở vung. Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Để em, để em!
Chị mở vung ra, trong nước canh ngập đến nửa nồi, một con chim bồ câu vặt hết lông nằm gọn lỏn! Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi giật nẩy người, đực mặt ra. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Thế nào, của quý hiếm phải không? Tôi đã giết con chim bồ câu ấy. Con chim ấy là thứ thông minh, người ăn vào, thì đầu óc nhanh nhạy, da thịt mịn màng, nếm thử xem tôi nấu có hợp khẩu vị không?
Chị bắt đầu lấy dao xẻ thịt chim bồ câu. Đôi cánh chim thì chị bỏ vào đĩa của Đường Uyển Nhi, chị bảo:
- Đường Uyển Nhi ăn đôi cánh này, người ăn cánh sẽ biết bay, vù một cái là bay lên cành cao.
Đôi chân chim thì chị bỏ vào đĩa của Trang Chi Điệp, chị nói:
- Hai chân này phần anh, nhìn xem cái chân mới béo tốt làm sao. Chà, nhìn tôi này, tại sao không tháo cái vòng chân ra nhỉ?
Sau đó chia cho Liễu Nguyệt phần lưng chim, còn mình gắp đầu chim bỏ vào đĩa. Chị nói:
- Đầu không có thịt, nhưng nghe nói ăn con ngươi chim bồ câu sẽ không bị cận thị, đôi mắt của tôi cận thị từ lâu lắm rồi, tôi thưởng thức đôi mắt chim bồ câu này.
Nói rồi chị móc hai viên bong bóng trắng nhờ bé xíu bỏ vào mồm nhai, lại còn khen:
- Ngon, ngon lắm!
Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi mồ hôi vã ra như tắm, chỉ có điều không đụng đũa. Ngưu Nguyệt Thanh giục:
- Kìa, ăn đi chứ, hay là tôi nấu không ngon?
Đường Uyển Nhi đành phải húp một hớp canh, song cứ òng ọc trong cổ họng, chỉ chực nôn ra. Chị ta đứng dậy nước mắt giàn dụa, nói:
- Cô Thanh ơi, em cầu xin cô mở cửa ra để em đi nhổ, được không ạ?
Ngưu Nguyệt Thanh vứt chìa khóa xuống nền nhà, Đường Uyển Nhi cúi người nhặt lên, cửa mở một cái, chị ta đi xuống cầu thang chuồn thẳng.
Trang Chi Điệp cũng lẳng lặng đứng dậy, đứng một lúc tại chỗ rồi đi vào phòng sách nhốt mình ở bên trong.
Không phải dùng âm mưu quỷ kế của Lão Hổ, thì toà án nhân dân trung cấp của thành phố đã công bố bản tuyên án, nội dung bài tuyên án hoàn toàn là ý kiến kết án của Tư Mã Cung. Tin tức lan truyền đi rất nhanh, điện thoại gia đình Trang Chi Điệp lại réo như điên trong mấy ngày.
Khách đến đông nườm nượp, Liễu Nguyệt đun nước liên tục pha trà liên tục, mỗi buổi phải quét nhiều vỏ hạt dưa bỏ vào thùng rác. Một hôm, dưới gác tiếng pháo nổ đinh tai nhức óc, một số người ào ạt ùa vào nhà, gồm vợ chồng Uông Hy Miên, Nguyễn Tri Phi, Mạnh Vân Phòng, Hạ Tiệp, Chu Mẫn, Hồng Giang và cả cô vợ trẻ của Hồng Giang.
Ngưu Nguyệt Thanh mừng quýnh, lần lượt bắt tay từng người và nói:
- Ái chà, đều đã đến, tôi biết các bạn sẽ đến mà, nhưng tại sao các bạn đến cùng một lúc thế này, ai đứng ra tổ chức vậy?
Nguyễn Tri Phi đáp:
- Ai tổ chức ư? Trời tổ chức đấy. Cô em ơi, anh không bắt tay đâu, anh mừng quá mà, anh muốn làm nghi lễ chào ôm cơ!
Mọi người bảo:
- Hay, thử xem cô em anh có dám không?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Dám? Sao lại không dám?
Nguyễn Tri Phi liền bước tới, dang hai tay ra ôm Ngưu Nguyệt Thanh thật sự. Mọi người cùng cười ồ. Trang Chi Điệp vừa ngả người nằm trên sa lông trong phòng sách, mấy ngày liên tiếp đãi khách đến chúc mừng đã khiến anh kiệt sức, buổi sáng lại đi thăm hỏi Bạch Ngọc Châu và Tư Mã Cung, về nhà liền nằm nghỉ. Lúc ấy anh đi ra, tươi cười chào hỏi, mời mọi người cùng ngồi. Liễu Nguyệt đã mời mỗi người một chén trà Long Tỉnh, Trang Chi Điệp liền nói với Ngưu Nguyệt Thanh:
- Hôm nay em cho mọi người ăn gì đây?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Việc ăn uống anh cứ yên chí, đã có em và Liễu Nguyệt. Em đi mua rượu nhé, một chai rượu Ngũ lương, mười hộp nước dừa, mười chai bia.
Liễu Nguyệt thấy chị cả và Trang Chi Điệp tỏ ra thân mật thuận hoà trước mắt mọi người cũng có phần ngạc nhiên, nhận lời đi mua. Chu Mẫn bảo để anh đi, Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Chu Mẫn khoẻ để Chu Mẫn giúp em. Chu Mẫn ơi, Đường Uyển Nhi đâu? Sao không thấy cô ấy đến?
Chu Mẫn đáp:
- Mấy hôm nay cô ấy mệt, hễ ăn vào lại nôn, cứ kêu người bả lả, chướng bụng, em chỉ sợ cô ấy bị viêm gan. Hôm nay cô ấy không đến được, em thay mặt cô ấy.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Sao lại ốm nhỉ? Cô ấy nên đến chứ, cô ấy đến càng vui. Ô, còn trẻ lắm, không thể để bị viêm gan, cậu phải đưa cô ấy đi khám đi. Cái anh chàng này không được để một chút sơ sẩy đâu nhé, người như hoa như ngọc là thế, mà cậu không quan tâm chăm sóc chu đáo hả?
Chu Mẫn đáp:
- Cô Thanh quan tâm đến cô ấy như vậy, cô ấy không đến cũng được.
Chu Mẫn liền hạ thấp giọng nói tiếp:
- Hôm nay vợ chồng Uông Hy Miên cũng đến, Uyển Nhi và chị ấy không hợp nhau.
Nói rồi bước xuống cầu thang. Ngưu Nguyệt Thanh quay vào thấy Trang Chi Điệp đang gọt táo cho mọi người, liền cầm lấy dao bảo:
- Để em gọt cho, anh cứ ngồi đó.
Chị gọt táo mời từng người ăn, rồi khe khẽ mời Trang Chi Điệp:
- Sao không thấy Triệu Kinh Ngũ đâu nhỉ?
Trang Chi Điệp đáp:
- Anh cũng đang suy nghĩ, không hiểu tại sao.
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Chắc không phải chuyện Liễu Nguyệt chứ?
Trang Chi Điệp nói:
- Anh đã đi tìm cậu ta nói chuyện hai lần, đương nhiên cậu ta chỉ hận Liễu Nguyệt mê lợi, mê chức quyền.
Mạnh Vân Phòng hỏi:
- Hai anh chị có chuyện gì thân mật, thì chờ đến tối lên giường hãy nói, khách khứa đến đầy nhà thế này, bỏ mặc đang ngồi ngẩn tò te ra đây này!
Ngưu Nguyệt Thanh liền cười đáp:
- Anh Phòng này, cái mồm thối của anh sắp có dòi rồi đấy! Tôi hỏi anh ấy sao không thấy Triệu Kinh Ngũ đâu, không biết anh chàng này làm gì? Hồng Giang này, cậu về gặp Triệu Kinh Ngũ, cứ bảo tôi mắng anh ta đấy, anh ta ra bộ lắm, hay là còn đợi tôi khiêng tám cái kiệu tới rước!
Hồng Giang đang chỉ cho Lưu Hiểu Kha bức tranh chữ trên tường, quay lại đáp:
- Nhất định em sẽ chuyển lời này đến anh ấy, có thể anh ấy có việc gấp, không thì đâu mà không dám đến!
Trong lúc nói chuyện thì Chu Mẫn và Liễu Nguyệt xách rượu về. Ngưu Nguyệt Thanh liền dọn bàn, đưa từ tủ lạnh ra các món ăn nguội đã chuẩn bị từ mấy ngày nay để tiếp khách, lại mở các hộp thịt lừa, thịt chó và cá hộp, sắp ra mười hai món, mời mọi người uống rượu trước, chị và Liễu Nguyệt còn lo nấu thêm vài món ăn nóng. Mọi người đều nâng cốc. Nguyễn Tri Phi nói:
- Hôm nay hiếm có bạn bè gặp mặt, chúng ta hãy nâng cốc chúc mừng thắng lợi của vụ kiện!
Mọi người đồng thanh chúc mừng, uống một hơi cạn chén. Chu Mẫn liền vội vàng rót đầy rượu vào từng ly của mỗi người. Anh lại nâng cốc lên mời mọi người và nói:
- Tôi xin cảm ơn các anh các chị, coi như đã chịu đựng xong cuộc chiến tranh Trung-Nhật!
Hạ Tiệp bảo:
- Chu Mẫn này, kỳ này cậu vui vẻ rồi nhé! Hôm nay cậu đến nhà thầy Điệp của cậu, có giỏi thì cậu mời cả Cảnh Tuyết Ấm đến nữa cho bõ tức!
Chu Mẫn đáp:
- Chiều hôm qua em vào nhà xí của đơn vị, nghe có tiếng đàn bà khóc, không nghĩ ra ai đang khóc ở bên kia. Lúc đi ra đứng chờ ở hành lang xem là ai, thế là thấy con mụ họ Cảnh kia đi ra, đeo cặp kính râm. Lúc đó, quả thật em định đưa cho mụ ta chiếc khăn tay để lau nước mắt, nhưng em đã tha cho mụ ta.
Hồng Giang nói:
- Anh tha chị ta à? Anh cũng là kẻ yếu bóng vía! Hiện nay ai biết sự việc này loan truyền, họ bảo cái chị họ Cảnh ấy ngày xưa tốt đẹp với thầy Điệp là thế, mà nỡ đi kiện là sao? Trước phiên toà thầy Điệp đã khai ra thời gian, địa điểm họ làm chuyện đó, nên đã khiến chị ta chết lặng, bởi vậy bây giờ chị ta đã chịu thua.
Trang Chi Điệp nói:
- Đó là tin nhảm nhí, ngay đến toà án tôi cũng có đến đâu, thì làm sao nói được những lời ấy? Kiếp này đã kiện một lần, kiếp này cũng có một bài học sâu sắc, đó là kiếp này không bao giờ kiện cáo nữa!
Hồng Giang nói:
- Nếu tin là nhảm nhí, thì cứ để tin nhảm nhí lan truyền. Theo tôi nhận xét thì sự kiện này cũng là một tác phẩm vẻ vang của đời người thầy Điệp, những người khác muốn đàn bà cuốn níu lấy chân mình cũng chẳng cuốn níu nổi, muốn tạo ra một trận phong ba rung trời chuyển đất cũng không nổi.
Mạnh Vân Phòng nói:
- Thầy Điệp cậu có một điều đáng tiếc duy nhất là bề ngoài hào hoa bên trong rỗng tuếch! Hà, nếu là mình!
Hạ Tiệp hỏi:
- Nếu là anh thì sao nào?
Mạnh Vân Phòng nhìn vợ, bưng cốc lên đáp:
- Mình sẽ uống cạn chỗ nước dừa này.
Thế là anh uống ừng ực hết cốc nước. Mọi người ha ha phá lên cười, mắng Mạnh Vân Phòng yếu lính, là đồ sợ vợ, lại cười mắng Hạ Tiệp có tài quản lý chồng. Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Hạ Tiệp làm thế là đúng. Vợ là phải quản lý được chồng, không thì cái lỗ to bằng cái kim sẽ lọt gió to bằng quả đấm.
Mạnh Vân Phòng bảo:
- Đúng thế. Hạ Tiệp làm quản lý, nên hiện giờ mình vẫn còn là thân phận thiếu niên!
Trang Chi Điệp cười ngượng nghịu, giơ cái tẩu ra hút, không tránh khỏi nói một câu:
- Vậy thì anh là Đường Tăng rồi, nhưng bởi vì Đường Tăng đầy một thân thịt non tơ, đi Tây Thiên lấy kinh mới khó khăn thế đấy!
Vợ chồng Uông Hy Miên mím môi cười. Mạnh Vân Phòng nói:
- Nhà hoạ sĩ lớn, hôm nay sao không thấy anh lên tiếng, phu nhân tại trận, nên tỏ ra ngoan ngoãn phải không?
Vợ Uông Hy Miên nói:
- Anh ấy vụng ăn vụng nói, sao lại trách tôi hả?
Mạnh Vân Phòng đưa tay lấy cái tẩu đang trong miệng Trang Chi Điệp định hút thì vợ Uông Hy Miên nói:
- Vân Phòng ơi, anh không giữ vệ sinh, tẩu thuốc cũng như bàn chải đánh răng, của ai người nấy dùng chứ?
Mạnh Vân Phòng trả tẩu thuốc cho Trang Chi Điệp, nói:
- Hừ, đàn bà các người thì coi trọng vệ sinh hả? Chị bảo Uông Hy Miên vụng ăn vụng nói phải không? Thế thì hôm ở sàn nhảy Hỷ Lai Đăng, tại sao tôi nhìn thấy hai anh chị cười nói say sưa thế, cái mồm ấy chỉ dành riêng cho chị thôi phải không?
Vợ Uông Hy Miên hỏi:
- Hỷ Lai Đăng nào nhỉ? Xưa nay có bao giờ tôi đến đấy?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Ái chà, sao tôi lại nói thế nhỉ? Vả vào miệng này, vả vào miệng!
Uông Hy Miên liền bảo:
- Vân Phòng ơi, anh đừng làm con buôn chiến tranh, nếu anh bôi bác tôi, thì tôi sẽ nói anh cho mà xem.
Hạ Tiệp bảo:
- Anh cứ nói anh ấy đi, em không uống dấm đâu. Đàn ông tìm bồ bịch, đàn bà cũng sẽ tìm được chứ!
Nguyễn Tri Phi nói:
- Xem ra chị đã từng có, tại sao không nghe nói đến nhỉ?
Hạ Tiệp đáp:
- Chi Điệp đi một ngày đàng, thì tôi học một sàng khôn!
Nguyễn Tri Phi vỗ tay khen:
- Hay, hay! Xin cạn cốc vì câu nói này của chị!
Mọi người ào ào hưởng ứng, lại cạn một chén. Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Thôi đừng nói những chuyện bồ bịch, người tình dông dài nữa, tôi không chấp nhận cái từ ấy, cứ cảm thấy người tình có cái mùi vị của gái điếm!
Mọi người cụt hứng, bỗng chốc không biết nói gì hơn. Uông Hy Miên liền bảo:
- Rót đầy rượu vào nhé. Tôi xin đề nghị, một vụ kiện đã thắng, chúng ta đến để chúc mừng Trang Chi Điệp phải không nào. Chúc mừng nào! Vậy thì tất cả đều chạm cốc với Trang Chi Điệp!
Nhưng Nguyễn Tri Phi không nâng cốc, cầm đũa gắp thức ăn định ăn. Anh bảo:
- Buổi sáng nên uống ít, không nên uống nhiều, bởi vì buổi sáng còn làm việc, buổi trưa phải uống nhiều, không nên uống ít, bởi vì buổi trưa còn phải họp thường vụ, buổi tối uống ít không nên uống nhiều, bởi vì còn phải về nhà gặp bà xã.
Mọi người lại cười rộ lên. Uông Hy Miên nói:
- Anh nghe ông già mua đồ nát trên đường phố nói vậy chứ gì, anh họp thường vụ cái quái gì hả? Hôm nay cũng có phải thứ bảy đâu mà gặp bà xã? Liễu Nguyệt, rót rượu cho anh ấy!
Nguyễn Tri Phi vội nói:
- Tôi uống, tôi uống! Một hơi cạn hết đấy nhé! Tình cảm sâu nặng thì dốc một hơi, tình cảm nhạt nhẽo thì liếm một liếm!
Nói rồi chạm cốc với Trang Chi Điệp đầu tiên, dốc hết rượu vào mồm. Uông Hy Miên nói:
- Bọn mình không học lối bốc xếp dã man của anh ấy.
Ai nấy lần lượt chạm cốc với Trang Chi Điệp uống từng ngụm từng ngụm. Ngưu Nguyệt Thanh đã bưng thức ăn nóng lên, Mạnh Vân Phòng đưa ly cho chị, bảo cũng chạm ly. Chu Mẫn chạm xong, lại bưng ly bảo thay mặt Đường Uyển Nhi cũng xin chạm cốc. Ngưu Nguyệt Thanh liền bảo cốc rượu này cậu bảo Liễu Nguyệt chạm cốc với thầy Điệp. Liễu Nguyệt liền bưng cốc chạm một cái thật kêu. Trang Chi Điệp thấy mọi người đã cạn chén, cám ơn rối rít, đưa ly lên cao, nhưng run quá không uống tiếp được, đã đổ mạnh vào mồm, nước mắt chảy ra giàn dụa. Mọi người trên mâm bỗng im bặt. Chu Mẫn bước đến dìu Trang Chi Điệp, hỏi:
- Rượu cay thấu trái tim phải không?
Trang Chi Điệp càng co rúm đôi môi, hít thở phì phì, nức nở không thành lời. Ngưu Nguyệt Thanh vội vàng bảo:
- Xúc động quá đấy mà! Anh ấy là thế đấy. Đau đớn quá cũng khóc vui mừng quá cũng khóc. Vụ kiện kéo dài như thế, hàng bao nhiêu chuyện khúc mắc bên trong, cuối cùng coi như kiện cáo đã xong, lại thấy anh em bè bạn có mặt đông đủ thế này, nên anh ấy đã xúc động đấy mà.
Rồi chị nói với chồng:
- Có lẽ anh vào buồng ngủ nghỉ một lát, cho bớt xúc động đã, rồi lại ra uống tiếp.
Trang Chi Điệp nói:
- Quả thật xin lỗi nhé, tôi đi nghỉ một lúc, các bạn cứ uống tự nhiên.
Anh đi vào buồng ngủ, vợ Uông Hy Miên liền bước theo, khẽ hỏi:
- Chi Điệp ơi, trong lòng có điều gì khó chịu hả anh?
Trang Chi Điệp cười nhăn nhó, lắc lắc đầu. Chị Miên bảo:
- Anh không giấu em được đâu. Thắng kiện rồi, sắc mặt anh không nên như vậy. Vừa nãy em bước vào cửa đã thấy anh khang khác.
Trang Chi Điệp giục:
- Em đừng hỏi nữa, ra ngoài uống rượu đi, để anh thư giãn một chút sẽ khỏi thôi mà!
Chị Miên vừa định ngồi xuống mép giường nói chuyện nữa, thì thấy Ngưu Nguyệt Thanh bước vào, liền nói:
- Chi Điệp gầy rộc hẳn đi, chị phải chăm lo cho anh ấy. Sau cái chết của Cung Tịnh Nguyên, ai cũng cảm thấy ngay, con người ta chẳng bằng một cây cỏ, càng phải coi trọng giữ gìn sức khoẻ.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Ai thấy tôi cũng bảo thế, chuyện này quả thật trở thành sức ép đối với tôi. Trang Chi Điệp bây giờ là của mọi người, tôi đây chỉ là nơi bảo quản. Nếu anh ấy không mạnh khoẻ, thì người bảo quản này cũng chẳng biết nói sao với mọi người, nhưng anh ấy đâu có nghe lời tôi đâu cơ chứ? Bản thân biết rõ sức mình không kham nổi, song làm việc gì cũng thả sức phóng túng, thì người chẳng gầy yếu đi sao!
Chị Miên nói:
- Bọn người này ai cũng thế!
Trang Chi Điệp cúi đầu im lặng, lại nhét thuốc vào tẩu hút. Ngưu Nguyệt Thanh giằng cái tẩu để trên đầu giường, nói:
- Đấy chị xem, đang nói thì anh ấy lại hút thuốc, tôi đã nói mãi rồi, hút thuốc in ít thôi, nhưng anh ấy không nghe, bây giờ lại hút bằng tẩu!
Trong phòng khách, Mạnh Vân Phòng gọi vào:
- Nguyệt Thanh ơi, thế nào, chị cũng bỏ đi à? Ông bà chủ sợ rượu ít đã khôn khéo rút lui trước đấy à?
Ngưu Nguyệt Thanh liền đáp:
- Có đây, có đây! Hôm nay dứt khóat phải bắt anh uống đủ mới được!
Nói rồi cầm tay chị Miên kéo ra ngoài. Lại uống thêm một thôi một hồi, dưới gác lại nổi lên một tràng pháo nổ đoang đoác, tiếp theo là những bước chân rậm rịch, loạn xạ. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Ai lại đến thế nữa nhỉ? Liễu Nguyệt ơi, mau mau ra đón khách!
Liễu Nguyệt mở cửa đi ra rồi chạy vào bảo:
- Chị cả ơi, họ…
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Ai thế?
Liễu Nguyệt đáp:
- Họ… chị biết mà!
Nói xong quay người đi vào buồng riêng. Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Đều là khách cả, em sợ cái gì?
Khi ngẩng lên nhìn, đã thấy một cái tủ lạnh được khiêng lên, người ở đàng sau càng đông hơn, các thứ khiêng vào, nào là tivi, máy giặt, giàn loa, máy điều hoà nhiệt độ, máy sấy, bốn cái chăn, hai cái gối, phích nước hơi nén, chậu rửa mặt, gương, ca đánh răng, bàn chải và thuốc đánh răng, khăn mặt, một cái bát sứ, một đôi đũa. Những người khiêng đồ đặt hàng xuống, thấy trong nhà không có chỗ, liền quay ra hành lang ngoài cửa, cuối cùng Đại Chính bước vào.
Ngưu Nguyệt Thanh bỗng ngạc nhiên, reo lên:
- Ái chà, Đại Chính hả? Sao không gọi điện báo trước để chúng tôi ra cổng đón chứ?
Đại Chính đáp:
- Mẹ tôi bảo đưa đồ cưới này sang trước, còn hai cái túi to đùng và bộ bàn ghế sa lông da, bởi chuyển sang tốn sức, nên đã đặt thẳng trong phòng mới. Hôm nay cô đông khách thế sao?
Ngưu Nguyệt Thanh gọi:
- Chi Điệp ơi, Chi Điệp, anh mau mau ra xem ai đến đây này.
Trang Chi Điệp đi ra, cũng hết sức mừng rỡ, vội mời Đại Chính ngồi, lại gọi những người đứng ngoài cửa vào.
Đại Chính nói:
- Thôi thôi, để họ về!
Những người kia phủi ống tay áo đi xuống cầu thang. Trang Chi Điệp vẫn đi theo phân phát thuốc lá. Sau đó trở lại nói với những người trên mâm cỗ:
- Các bạn chưa ai biết phải không? Đây là Đại Chính, Đại công tử của chủ tịch thành phố chúng ta, cũng là chàng rể tương lai của Liễu Nguyệt.
Đại Chính bám sau ghế sa lông đứng dậy, bắt đầu cười móc bao thuốc lá, tựa vào thắt lưng bóc ra, mời từng người, vẫn tiếp tục cười. Mọi người ngồi ngây ra, đã nghe tưởng Liễu Nguyệt đính hôn với con trai chủ tịch thành phố, không ai là không khen Liễu Nguyệt gặp số đỏ. Hôm nay đã nhìn thấy con người này, trong lòng mỗi người đều có tâm trạng riêng, liền đứng dậy nhận thuốc. Sau đó mời cậu ta ngồi, bảo may mắn được gặp, bảo chúc mừng đã đính hôn với cô gái xinh đẹp Liễu Nguyệt, nói đến công lao của chủ tịch thành phố, bảo nhất định phải chuyển lời hỏi thăm chủ tịch thành phố, còn lấy cả cạc vi sít ra trao gửi. Đại Chính xem từng cái cạc rồi nói:
- Đều là những danh nhân trong thành Tây Kinh đây mà!
Mạnh Vân Phòng nói:
- Danh nhân hay không danh nhân đâu chẳng biết, chúng ta đều uống rượu nhé? Tôi đang buồn không có ai chơi oẳn tù tì với mình đây. Quan rể mới này, chúng mình chơi mấy chầu nhé?
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Anh uống nước dừa thì say thế nào được? Người ta đã cưới đâu mà là con rể mới được chứ! Nào xin mời mọi người nâng cốc để Đại Chính thay mặt, chúc sức khoẻ chủ tịch thành phố. Đại Chính ơi, cậu bưng lên, uống mạnh vào! Đã đến nhà tôi xin cứ tự nhiên – rồi lại gọi – Liễu Nguyệt, Liễu Nguyệt đâu? Sao em kém thế hả, lúc này không thấy bóng em đâu!
Liễu Nguyệt từ buồng riêng đi ra, đã thay bộ quần áo mới, lại đánh phấn bôi son, nhưng tỏ ra ngượng ngùng đáp:
- Các anh chị uống đi, em không biết uống.
Ngưu Nguyệt Thanh giục:
- Vậy thì cũng phải chạm cốc chứ!
Mạnh Vân Phòng nói:
- Tôi bảo không thấy Liễu Nguyệt đâu, thì ra là đi chưng diện, đàn bà trang điểm vì người mình yêu mà!
Mọi người đêu cười vui vẻ, Đại Chính liền nâng cốc, đưa tay ra chạm cốc với Liễu Nguyệt trước. Liễu Nguyệt chạm xong, lại chạy vào buồng bếp.
Mạnh Vân Phòng nói:
- Phen này thì Liễu Nguyệt rủng rỉnh rồi! Hôm nay Đại Chính đưa lại bao nhiêu là đồ cưới, hôm tổ chức hôn lễ, xe hoa đến rước, dân phố bên đường cứ gọi là hoa mắt. Liễu Nguyệt này, lúc đó phải đích thân đến mời đấy nhé! Cô thử nói xem, muốn bọn tôi tặng quà gì, không thì đều tặng cùng một loại, cô xem còn thiếu thứ gì nhỉ?
Từ bếp Liễu Nguyệt trả lời:
- Còn thiếu một cái ngân hàng.
Mạnh Vân Phòng bảo:
- Ái chà, vậy thì tôi không dám đi đâu nhé! Chỉ mong sau này tôi và Trang Chi Điệp của cô có đi ăn xin, thì sẽ phải tới gõ cửa nhà cô đấy. Nói như vậy có được không hả?
Đại Chính nói:
- Cám ơn các vị đã có lòng ưu ái, hôm cưới đương nhiên Liễu Nguyệt phải đích thân đi mời, các vị nhất định sẽ đến chia vui với chúng tôi đấy. Tôi xin kính chúc mọi người một chén tại đây trước.
Uông Hy Miên nói:
- Uống xong chén này, thì thôi không dám uống nữa. Chúng tôi uống đã lâu rồi, anh uống với Mạnh Vân Phòng nhé!
Đại Chính nói:
- Thầy Phòng này toàn uống nước hoa quả, thấy sẽ bắt tôi say mất.
Hồng Giang nói:
- Thầy Phòng ơi, hai người chơi oẳn tù tì đi, thầy thua tôi sẽ uống thay.
Thế là Mạnh Vân Phòng và Đại Chính bắt đầu khoát tay chơi oẳn tù tì. Bên này vui chơi ầm ĩ.
Mấy chị em ngồi trơ ra, đầu tiên chị Miên đi nói chuyện với Liễu Nguyệt, sau đó Hạ Tiệp đi xem đồ cưới, cô vợ trẻ của Hồng Giang cũng ra theo, vừa sờ tay vào, vừa chép miệng khen, dự tính giá tiền của những đồ cưới đó. Hạ Tiệp bảo:
- Chủ tịch thành phố có quyền có địa vị, xét về tiền, thì không bằng những người buô bán như các em, cứ nhìn cái váy của em đây cũng phải hai ba trăm đồng đấy nhỉ!
Vợ Hồng Giang nói:
- Tiền thì nhiều hơn chủ tịch thành phố, nhưng hàm lượng vàng trong tiền của gia đình chủ tịch thành phố thì lớn.
Hai người lại đến chỗ Liễu Nguyệt và chị Miên, hỉ hỉ hả hả khen Liễu Nguyệt có phúc. Liễu Nguyệt kéo họ vào buồng riêng, đóng cửa lại bảo:
- Các chị cười em rồi, dáng anh ấy như vậy, ai dám lấy cơ chứ, chỉ có thân em làm kẻ hầu người hạ này.
Chị Miên nói:
- Cô em đừng nói như thế, gia đình chủ tịch thành phố có điều kiện tốt, hơn nữa Đại Chính cũng khá đấy chứ!
Liễu Nguyệt đáp:
- Bà chị yêu quý của em ơi, chị là người từng trải việc đời, chị bảo Đại Chính có được không?
Chị Miên đáp:
- Đôi lông mày rậm lắm, người cũng thật thà.
Hạ Tiệp bảo:
- Ngoài chân ra, thân thể khỏe mạnh đáo để đấy chứ?
Cô vợ trẻ của Hồng Giang cũng khen "tốt". Nhưng Liễu Nguyệt khóc và nói:
- Em hiểu lời các chị nói. Anh ấy chỉ được cái lông mày rậm, người thật thà, chân tàn tật thì cơ thể còn khoẻ còn tốt vào đâu được? Em hận anh ấy lắm, đồ cưới sớm không đưa sang, muộn không đưa sang, đưa sang vào lúc nào chẳng được, lại đưa sang đúng ngay hôm nay.
Nói xong cô ta lại khóc. Mấy người đàn bà lại khuyên:
- Không được cái này thì được cái kia, hơn nữa, cũng không phải con gái thông thường nào cũng được hưởng hạnh phúc này đâu, em ạ!
Lúc này chợt nghe tiếng Mạnh Vân Phòng gọi ở phòng khách:
- Liễu Nguyệt ơi, Liễu Nguyệt, chàng rể của em không chịu nổi rồi, em ra uống thay anh ấy đi!
Liễu Nguyệt bảo:
- Anh ấy thộn thế không biết. Hôm nay đến làm khách, tại sao lại uống tới mức không khống chế được mình thế nhỉ? Thầy Phòng cũng có ý bôi bác, cứ cố ép anh ấy uống say cơ!
Liễu Nguyệt không ra. Bên ngoài cứ hò hét ầm ĩ cứ bắt Đại Chính uống tiếp. Một lúc sau, Chu Mẫn và Hồng Giang khiêng Đại Chính mềm nhũn như sợi bún đi vào, để cậu ta nằm trên giường của Liễu Nguyệt. Khi đưa vào giường, tháo giày của Đại Chính ra, một chân nghiêm chỉnh hẳn hoi, chân kia thì bị vẹo hẳn di, năm đầu ngón chân co quắp lại. Liễu Nguyệt đã kéo chăn đắp lên rồi, mà vẫn còn khóc.
Mọi người thấy Liễu Nguyệt khóc, cứ tưởng cô vẫn chê trách Đại Chính uống say. Nguyễn Tri Phi cũng ngà ngà say, chê Đại Chính xoàng, tại sao vừa mới uống một chút đã say, anh liền ba hoa vỗ ngực khoe lúc còn trẻ uống rượu như điên, đã từng với Cung Tịnh Nguyên chén đấu chén, uống hai lít một lúc, chẳng khác nào uống nước lã. Hễ nhắc đến Cung Tịnh Nguyên, anh lại đau lòng khóc thút thít. Mấy người phụ nữ thủ thỉ nói chuyện về Liễu Nguyệt, mọi người đều cảm thấy vô vị. Uông Hy Miên liền nói với Nguyễn Tri Phi:
- Anh khóc cái gì? Anh rất biết đóng nêm vào chỗ chặt! Muộn rồi, nên về thôi, anh muốn khóc thì về chỗ tôi mà khóc, đừng khóc ở đây mất vui.
Rồi nói với Trang Chi Điệp:
- Chi Điệp ơi, bọn tôi về đây! Đại Chính đến có thể còn nói chuyện với gia đình.
Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh còn giữ lại nhưng người nào cũng bảo:
- Khách sáo làm gì!
Khách khứa đứng cả dậy ra về. Trang Chi Điệp tiễn khách ra tận cổng, cuối cùng nói với Chu Mẫn:
- Uyển Nhi bị ốm à?
Chu Mẫn đáp:
- Không sao đâu, em bảo cô ấy đến thăm thầy cô vào hôm khác.
Trang Chi Điệp bảo:
- Ốm thì cứ để cô ấy nghỉ, tôi thấy cậu bảo với cô Thanh cô ấy ốm, liền suy nghĩ có thể tiêu hoá không tốt, có lọ thuốc đây, cậu cầm về cho cô ấy.
Anh liền đưa cho Chu Mẫn một hộp thuốc được đóng gói rất kín.
Đường Uyển Nhi mở hộp thuốc, trong hộp có một lọ thuốc bé xíu, mở nắp lọ thuốc, thì trong lọ không có thuốc, chỉ có mẩu giấy nhàu vê thành cục. Trên đó có chữ "Giữ sức khoẻ". Đường Uyển Nhi đã oà khóc. Từ hôm ngựợng chín mặt đi ra khỏi cửa ngôi nhà ở khu tập thể hội văn học nghệ thuật, chị ta cảm nhận sâu sắc nỗi nhục mình phải chịu. Chị ta biết thổi một quả bóng hơi, thổi càng to càng có nguy cơ bị nổ, nhưng quả bóng hơi một khi đã thổi lên, lại không thể kìm hãm tham vọng và niềm vui muốn thổi phồng to hơn. Chị ta không thể không yêu Trang Chi Điệp, có lẽ Ngưu Nguyệt Thanh càng đối xử với chị ta tốt, thì khi yêu Trang Chi Điệp, chị ta càng thấy ân hận và không yên. Chính vì nỗi ân hận và không yên này, chị ta đã hết sức tránh gặp Ngưu Nguyệt Thanh, cũng đã không hay đến ngôi nhà ấy gặp lén lút nữa. Chị ta cũng biết tại sao Trang Chi Điệp đã nhiều lần hỏi chị ta có phải anh là người hư hỏng. Tuy chị ta đã từng nói với Trang Chi Điệp:
- Anh cảm thấy khó quá, thì chúng mình chỉ là bạn, không làm chuyện kia nữa.
Tuy chị ta nói thế là để thăm dò, tuy Trang Chi Điệp không trực tiếp trả lời chị ta, mà mỗi lần hai người gặp nhau lại tự nhiên, thậm chí lại vô tình làm chuyện đó. Song Ngưu Nguyệt Thanh đã giận dữ giết chết chim bồ câu, giết rồi lại hầm thành canh thịt cho chị ta và Trang Chi Điệp ăn, thì tình cảm ân hận của chị ta đối với bà chủ gia đình ấy bỗng chốc không còn nữa. Nếu ta làm tổn thương người, thì người cũng làm tổn thương ta. Một hoà, chúng ta chẳng còn ai nợ ai nữa, chúng ta như người lạ qua đường chưa hề gặp mặt nhau.
Đường Uyển Nhi nghĩ ở dọc đường như thế, khi về đến nhà chị ta thấy nhẹ nhõm, thậm chí đột nhiên chăm chỉ quét nhà, giặt quần áo. Trong đêm ấy chị ta bảo Chu Mẫn:
- Anh không mau mau đi ngủ ư?
Chu Mẫn đi thổi huyên về, đang viết quyển sách không ký tên kia, liền đáp:
- Ngủ đây, ngủ đây!
Liền thu gọn bản thảo, sau đó lấy nước nóng lau rửa nửa người phía dưới rồi hớn hở leo lên giường, nhưng chị ta đã ngáy khò khò. Hễ đi nằm là chị ta nằm một lèo ba ngày không dậy. Chị ta đã mơ một giấc mơ cực kỳ kinh khủng, tỉnh dậy chiếc áo đã ướt sũng, nhưng chị ta không nhớ rõ tình tiết của giấc mơ, chị ta thấy cô đơn và buồn tẻ vô cùng, đau đớn như một con cá nướng trên bếp lò. Ba ngày sau, chị ta lảo đảo trở dậy, hết ngồi ở mép giường lại ngồi ở ghế sa lông, hết ngồi ở ghế sa lông lại ngồi ở mép giường. Hình như chị ta nghe rõ tiếng gù của chim bồ câu, nhón chân chạy ra, dựa vào cây lê trong sân nhìn trời. Trời cao tít tắp, trên trời có mây, trắng lắm, trắng lắm, đó là mây, Chứ có phải là chim bồ câu đâu, tự nhiên nước mắt chị ứa ra.
Trong thành phố mà chị ta và Trang Chi Điệp đang sống này, trên đất đã không có đường thông, mà trên trời cũng không có lối ư? Trong sân đã rụng đầy lá, mà đầu cành vẫn lá rơi lả tả. Mùa thu đã đến, tiếng ve thưa dần, trận gió đêm qua, đã làm cho cây lê đầy đặn gầy rạc hẳn đi! Thế là Đường Uyển Nhi cảm thấy mông mình tọp đi, má mình hóp lại, năm tháng này, thời gian này cũng gầy xọp hẳn đi, chỉ còn lại một tiếng thở dài của gió đang đập vào tấm rèm trúc trên cửa sổ.
Khi Chu Mẫn đi làm về, lại định lên tường thành thổi huyên, chị ta đã không cho anh đi, chị ta đòi anh thổi ở dưới cây lê. Chị ta bảo chị ta không phản đối thổi huyên nữa, chị ta cũng đã thích tiếng huyên này. Chu Mẫn ngạc nhiên nhìn chị ta, bảo:
- Anh đã nói rồi mà, tiếng huyên này hay lắm. Em cứ bảo khó nghe, bây giờ đã thưởng thức ra mùi vị rồi hả?
Rồi anh thổi u u, vừa thổi, vừa nháy mặt rướn mày lấy lòng chị ta. Chị ta ngả người vào ngưỡng cửa lắng nghe, nhưng đột nhiên một cảm giác ập vào trái tim, cảm giác này dẫn chị ta đến đầu cầu ngoài cửa thành Nam, đến dưới cái cây hình chữ nhẫn để được ở gần chỗ đầu cầu ấy.
Chị ta tin vào cảm giác của mình. Trước kia Mạnh Vân Phòng đã từng xem đường chỉ tay của chị ta, nói chị ta có bàn tay kiểu dự cảm. Bây giờ trong lòng chị ta chỉ có một ý nghĩ: không có lối đi đến chỗ anh ấy nữa, nếu muốn đi, thì chờ ở dưới gốc cây ấy.
Thế là chị ta đứng dậy thay quần áo, đánh phấn bôi son, đi gôi giày da cao gót kia vào. Chu Mẫn hỏi:
- Em định đi à, đi đâu vậy?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Em đi mua khăn vệ sinh, em đã đến kỳ.
Chị ta bảo đã đến kỳ, chị ta đến kỳ thật, chị ta đã lấy giấy lót vào trong xi líp, rồi hấp tấp ra khỏi cửa. Chu Mẫn bảo:
- Tối thế này rồi, để anh dẫn em đi.
Đường Uyển Nhi đáp:
- Trong thành phố có sói có báo hay sao mà anh phải dẫn em đi? Anh cứ yên chí ở nhà viết cho xong quyển sách kia đi.
Đường Uyển Nhi đi qua đường cái, trên đường cái vẫn là người và xe đi lại nhộn nhịp, chị ta đã tìm đến đầu cầu đá ở ngoài cửa nam thành phố. Nhưng Trang Chi Điệp không ở đó. Chị ta đã chờ đến mười hai giờ đêm, cũng không thấy Trang Chi Điệp xuất hiện ở đó. Mãi cho đến lúc đêm đã khuya lắm, trên đầu cầu không có ai đi lại nữa, chợt chị ta nẩy ra một ý nghĩ lạ lùng, quệt máu ấy thấm ướt cả bàn tay rồi đóng lên lan can đầu cầu, đóng lên thân cây kia, đóng lên cả hòn đá kẹp giữa chạc cây. Dấu bàn tay in trên hòn đá kia hoàn chỉnh vô cùng, có thể nhìn được từng vân trong đó. Mạnh Vân Phòng đã từng nói, dấu tay của mỗi người là bản vẽ mạng sống của người đó. Trang Chi Điệp ơi, nếu anh đã đến đây, anh có thể nhìn thấy đây là bản vẽ mạng sống của em, em đã từng chờ đợi anh ở đây.
Mấy ngày liền, Đường Uyển Nhi đã đi đến gốc cây đó. Nhưng Trang Chi Điệp vẫn không có tăm hơi chi. Chị ta chắc chắn Trang Chi Điệp đang ở hoàn cảnh gian nan, không được tự do, không đến được, cuối cùng khi Trang Chi Điệp đã gửi tin đến trong hộp thuốc, thì sau khi khóc to một trận thoải mái, người phụ nữ ấy đã sắt son thề nguyền: ta nhất định phải gặp anh ấy, cho dù là lần cuối cùng của kiếp này, ta cũng phải gặp mặt anh ấy lần cuối cùng.
Đám cưới của Liễu Nguyệt định vào ngày mười hai tháng chín. Trước đó một ngày, Liễu Nguyệt và Ngưu Nguyệt Thanh đã sửa soạn cơm canh tới thuốc tiếp đón bên họ nhà trai đến đón dâu. Mẹ Đại Chính bảo làm thế sẽ rất tốn kém đối với gia đình, định đưa rượu thịt sang, nhưng Ngưu Nguyệt Thanh kiên quyết không nghe. Tuy Liễu Nguyệt không phải là con gái hay em gái mình, nhưng gia đình chủ tịch thành phố cũng đã thừa nhận chị là thông gia, thông gia sắm đồ cưới đã đưa đến, người ngoài nào có biết đó là đâu, cứ tưởng Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh bỏ tiền ra sắm, điều này đã làm cho Ngưu Nguyệt Thanh nhiều thể diện lớn! Rượu đương nhiên là rượu Mao Đài ngon nhất, thức ăn cũng là thịt cá, gà vịt. Chuẩn bị đâu vào đấy rồi, Ngưu Nguyệt Thanh bảo Liễu Nguyệt ở nhà tắm rửa tử tế, còn mình thì lê đôi chân mỏi dừ đến nhà chủ tịch thành phố. Chị chưa yên tâm với các chi tiết cụ thể của ngày mai, chỉ sợ có điều gì sơ xuất, nên định cùng với mẹ Đại Chính kiểm tra lại từng việc một lần nữa. Ngưu Nguyệt Thanh vừa đi khỏi, Liễu Nguyệt liền vào buồng tắm mở vòi nước tắm. Lúc đầu Trang Chi Điệp ngồi trong phòng khách nghe thấy tiếng nước xoà xoà trong buồng tắm, đã suy nghĩ rất nhiều chuyện, sau đó đã lẳng lặng về ngồi trong phòng sách, ở trong này anh hút hết điếu này sang điếu khác.
Đột nhiên cửa buồng mở ra, Liễu Nguyệt khoác chiếc áo dài ngủ đỏ tươi bước vào. Mái tóc Liễu Nguyệt vẫn chưa khô, lấy khăn mùi soa trắng buộc ra sau gáy. Tắm xong, khuôn mặt sạch sẽ bóng bẩy, lông mày rửa đi đã vẽ lại, vẫn còn mờ mờ, cao son đỏ chót bôi trên môi rất dầy rất tròn, chẳng khác gì một quả hạnh. Liễu Nguyệt đẹp tuyệt vời, Trang Chi Điệp thầm nói, nhất là sau khi tắm nước nóng và trong đêm cuối cùng này để ngày mai sẽ là cô dâu mới . Trang Chi Điệp nhìn cô ta mỉm cười, cúi đầu châm thuốc hút. Anh kìm nén cái thở dài, đốm đỏ trên điếu thuốc di động nhanh xuống dưới, song tàn thuốc dài vẫn giữ nguyên không rơi xuống. Liễu Nguyệt hỏi:
- Thầy Điệp ơi, thầy lại buồn rồi hả?
Trang Chi Điệp không trả lời, nỗi buồn khổ đã khiến anh cảm thấy nói ra không hề có giá trị gì. Liễu Nguyệt nói:
- Ngày mai em đi rồi, anh không chúc phúc em lần cuối cùng hay sao?
Trang Chi Điệp nói:
- Chúc em hạnh phúc.
Liễu Nguyệt hỏi:
- Anh tưởng em hạnh phúc thật sao?
Trang Chi Điệp gật đầu nói:
- Anh nhận thấy em hạnh phúc, em sẽ có hạnh phúc…
Liễu Nguyệt cười nhạt:
- Cám ơn anh. Anh Điệp này, hạnh phúc đó cũng do anh đem đến cho em.
Trang Chi Điệp ngẩng lên ngạc nhiên nhìn Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt cũng nhìn anh. Trang Chi Điệp thở dài một tiếng, lại cúi đầu xuống. Liễu Nguyệt nói:
- Em đến nhà anh thời gian không dài, nhưng cũng không ngắn. Em nhận thấy người thầy giáo này đã đọc nhiều sách, đã từng trải nhiều chuyện, cũng đã ngửi đủ mùi thuốc nồng nặc trong phòng sách này. Em sắp đi rồi, em lưu luyến lắm, anh hãy để em ngồi ở đây lần nữa, ngắm nhìn bức tượng người hầu gái đời Đường mà anh bảo rất giống em này, có được không?
Trang Chi Điệp nói:
- Ngày mai em mới đi, tối nay trong này vẫn là nhà của em. Em cứ ngồi, người hầu gái đời Đường này ngày mai anh có thể tặng em.
Liễu Nguyệt bảo:
- Như vậy là anh vĩnh viễn không để em tiếp anh trong phòng sách nữa ư?
Trang Chi Điệp nghe nói vậy, ngồi ngây ra, anh bảo:
- Liễu Nguyệt này, ý anh không phải thế. Thật ra anh không nghĩ tặng em bức tượng này. Anh định tặng em vật khác.
Liễu Nguyệt hỏi:
- Vật khác là cái gì? Bây giờ có thể xem được không?
Trang Chi Điệp liền lấy từ ngăn kéo ra một cái hộp rất đẹp đưa cho Liễu Nguyệt. Liễu Nguyệt mở ra, thì lại là một chiếc gương đồng cổ dải đường vân đề chữ lồng hoa, có gắn gờ hẹp nổi hẳn lên. Ngoài gờ có một vòng tròn dải đường vân ghi chữ, gồm ba mươi hai chữ "luyện hình thần dã, doanh chất lương công, như châu xuất trú, tự nguyệt đình không, đương mi tả thuý, đối liễm truyền hồng, ý song tú hoảng, cụ hàm ảnh trung (rèn dáng luyện thần, đá qúy lại dầy công, như viên ngọc giữa ban ngày, tựa vầng trăng giữa trời cao, soi mày kẻ chỉ, đối mặt đánh má hồng, tựa cửa sổ thêu thùa màn che, lồng cả trong bóng gương)
Liễu Nguyệt nói ngay:
- Một chiếc gương đồng đẹp như thế này, anh không tiếc hay sao?
Trang Chi Điệp đáp:
- Bởi vì thứ quý hiếm không nỡ rời, nên mới tặng cho em!
Liễu Nguyệt nói:
- Trong nhà Đường Uyển Nhi có treo trên tường một gương đồng cổ, kích thước và hoa văn gần như gương này, chỉ có chữ là khác. Em đã hỏi chị ấy, chị kiếm đâu ra gương này thế. Chị ấy bảo phải đấy, của chị mà. Nào ngờ hôm nay em cũng có!
Trang Chi Điệp bảo:
- Cái gương của Đường Uyển Nhi cũng là do anh tặng đấy.
Liễu Nguyệt ngẩn người, hỏi:
- Cũng do anh tặng ư? Nếu là một cắp gương, anh đã tặng chi ấy, lại còn tặng cả em?
Trang Chi Điệp nói:
- Anh không thể gặp Đường Uyển Nhi được nữa. Nhìn gương này không khỏi nhớ đến gương kia….không nói đến Đường Uyển Nhi nữa Liễu Nguyệt ạ!
Nhưng Liễu Nguyệt đã vén áo dài ngủ, ngồi lên ghế da trước bộ sa lông. Cô nói:
- Thầy Điệp này, em biết thầy đang hận em, hận em về chuyện Đường Uyển Nhi. Em thừa nhận đã nói tất cả với cô Thanh, một là bởi cô Thanh đánh em, cô đánh em dữ lắm, hai là đầu tiên cô Thanh phát hiện ra bồ câu đưa thư đến. Nhưng đọc thư cô Thanh chỉ hoài nghi, nếu cô Thanh đánh chết em cũng không nói, thì sự việc không đến nỗi như bây giờ, nhưng em đã nói, nói rất nhiều. Em xin nói với anh, sở dĩ em làm như vậy cũng là ghen với Đường Uyển Nhi, ghen với chị ấy là người giống như em, không có hộ khẩu trong thành phố này, thậm chí chị ấy bỏ trốn theo Chu Mẫn đến đây, còn không được bằng em, nhưng chị ấy lại được anh yêu đến thế, mà em ở ngay bên cạnh anh, song…
Trang Chi Điệp nói:
- Liễu Nguyệt, đừng nói chuyện ấy, không phải cô ấy được anh yêu, mà là anh hư hỏng quá, em không thấy anh huỷ hoại cô ấy sao? Hiện giờ chẳng phải đã huỷ hoại là gì!
Liễu Nguyệt nói:
- Như vậy, tại sao anh lại không huỷ hoại em? Anh đã gả em cho con trai chủ tịch thành phố. Anh cứ tưởng em thích Đại Chính thật sao? Anh cứ nói thật lòng đi, anh cũng biết rõ, em không yêu Đại Chính, nhưng anh đã gả em cho hắn, em cũng nhắm mắt lấy anh ta. Có phải anh đã sáng tạo cả em và1 Đường Uyển Nhi thành một con người mới, để chúng em có lòng dũng cảm tự tin vào cuộc sống mới, nhưng cuối cùng anh đã huỷ hoại chúng em? Mà trong quá trình anh huỷ diệt chúng em, anh cũng huỷ diệt luôn cả bản thân, đã huỷ diệt hình tượng và danh dự của anh, đã huỷ diệt cả cô Thanh và cái gia đình này!
Trang Chi Điệp nghe xong chợt tỉnh ngộ, nhận ra ngọn nguồn nỗi buồn khổ lâu nay của mình. Đây là một cô gái thông minh quá, ghê gớm quá, lợi hại quá. Nhưng trong một thời gian dài như vậy, anh đã không phát hiện ra những kiến thức và hiểu biết của cô, mà nay cô sắp đi rồi, không bao giờ còn là người hầu giúp việc trong nhà và một người con gái anh yêu thích nữa. Cô ấy nói ra những điều như vậy để anh giữ làm kỷ niệm. Lẽ nào cái cô Liễu Nguyệt này lại giống như một cây nến, một ngọn bấc, khi sắp sửa tắt sẽ phát ra những ánh sáng rực rỡ hơn, mà sau khi phát ra ánh sáng hơn sẽ tắt đi ư? Trang Chi Điệp lại ngẩng lên một lần nữa, nhìn Liễu Nguyệt sau khi nói xong những lời vừa rồi vẫn còn đang xúc động. Anh khẽ khàng gọi:
- Liễu Nguyệt?
Liễu Nguyệt sà tới, ôm chầm lấy anh. Anh cũng ôm chầm cô ta, sau đó cả hai đều khóc. Trang Chi Điệp nói:
- Liễu Nguyệt ơi, em nói đúng. Anh đã sáng tạo ra tất cả và cũng huỷ diệt tất cả. Nhưng, tất cả đều không thể cứu vãn, anh cũng khó tự cứu mình. Em còn trẻ, em đi lấy chồng, hãy làm lại cuộc đời của em tử tế, nghe em?
Một dòng nước mắt của Liễu Nguyệt rơi lã chã, nhỏ lên cánh tay Trang Chi Điệp. Cô ta nói:
- Thầy Điệp ơi, em sợ sống chúng với Đại Chính em cũng khó tự cứu mình. Vậy thì sao này sẽ ra sao? Em sợ, em sợ thật mà. Vậy em cầu xin anh, ngày mai em sẽ là người của hắn, trong đêm cuối cùng này, anh có thể để em giống Đường Uyển Nhi được không?
Cô ta nói rồi nhắm mắt lại, một tay kéo dải áo ngủ, chiếc áo ngủ dài tách ra, giống như một quả vải to, tươi mới, được bóc bỏ lớp vỏ đỏ, bên trong là một đống cùi trắng như ngọc. Trang Chi Điệp lặng lẽ ngắm nhìn, cầm chiếc đèn trên bàn soi xem (tác giả cắt bỏ hai trăm chữ)
Liễu Nguyệt kêu một tiếng, chiếc ghế đệm da cứ xê dịch, xê dịch ra phía cửa, cuối cùng hích vào cánh cửa kêu lên sầm một tiếng, hai người né ra. Liễu Nguyệt ngả đầu tại chỗ, Trang Chi Điệp định dừng lại đỡ thẳng cô ta dậy, cô ta bảo:
- Em không muốn dừng, em không muốn dừng!
Hai chân cô ta đạp vào cánh cửa, cánh cửa kêu ình ình, người cô ta va vào một tranh chữ dài treo trên tường, bức tranh oà rơi xuống phủ lên họ. Liễu Nguyệt bảo:
- Tranh chữ rách rồi!
Trang Chi Điệp cũng bảo:
- Tranh chữ rách rồi!
Nhưng cả hai đều không có tay để cầm tranh chữ (tác giả cắt bỏ bốn trăm hai mươi hai chữ). Khi Liễu Nguyệt rời phòng sách mù mịt khói thuốc, cô nói:
- Em vui lắm thầy ạ, giờ này ngày mai thân em ở trên giường người tàn tật kia, nhưng trái tim em ở trong phòng sách này.
Trang Chi Điệp nói:
- Không được như thế, Liễu Nguyệt ơi, em nên hận anh.
Liễu Nguyệt đáp:
- Anh cứ để mặc em, em không cần anh quan tâm.
Cô ta đóng kín cửa quay về phòng mình. Trang Chi Điệp nghe rõ tiếng bước chân cô ta đi về phòng. Cho đến khi nghe thấy tiếng cô ta mở cửa ken két, sau đó anh gục đầu xuống ghế đệm da.