Sáng hôm sau, Ngưu Nguyệt Thanh dậy thật sớm quét dọn hết trong nhà ngoài sân, lại nấu một nồi cháo, rồi mới đánh thức Liễu Nguyệt . Liễu Nguyệt thức dậy, thấy xấu hổ, vội vàng đi gọi Trang Chi Điệp. Ba người ngồi cùng mâm ăn cơm. Ăn xong, Liễu Nguyệt ngồi ở trong phòng khách chải đầu, kẻ lông mày, cài hoa, đeo dây chuyền, hoa tai, cứ nhất định đòi Ngưu Nguyệt Thanh và Trang Chi Điệp ngồi bên cạnh làm cố vấnh, sửa sọan từ đầu đến chân suốt hai tiếng đồng hồ, thì pháo cưới nổ vang trời dậy đất. Ngưu Nguyệt Thanh lập tức giục Liễu Nguyệt cởi giày, ngồi trên giường ngủ, còn mình tự mở rộng cửa buồng. Đây là đoàn người rước dâu gồm hàng chục người, có hai mươi hai xe đến đón, đậu không hết ở trong sân to của hội văn học nghệ thuật, nên đã sắp hàng một ở ngoài cổng lớn. Bà Vi đã được nhận phong bì chạy trước chạy sau, tươi cười với từng người đến đón dâu, lại nghiêm nhặt ngăn ngừa những kẻ vô công rồi nghề trên phố đi vào sân to.
Đại Chính ngực đeo hoa hồng, được người dìu đi đã lễ phép cúi đầu chào Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh. Chân phải bị liệt của anh ta dã lùi về đàng sau sắp sửa quỳ xuống thì Trang Chi Điệp đã ngăn lại, bảo cúi lưng thôi cũng được. Đại Chính liền cúi gập người xuống, rồi đi sang buồng ngủ đi giày cho Liễu Nguyệt, sau đó bế cô ta xuống, cài lên ngực cô ta một bông hoa đỏ tươi như ở ngực áo mình. Liễu Nguyệt lẳng lặng nhìn anh ta. Khi Đại Chính cài hoa, cầm tay cô dâu hôn vào môi, thì Liễu Nguyệt mấp máy môi nói với Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh đang đứng nhìn ở cửa:
- Anh ấy còn học cái lối phương Tây đấy!
Đài Chính ngượng đỏ mặt tía tai. Sau đó những người đón dâu ngồi xuống hút thuốc, ăn cỗ uống rượu, thưởng thức tranh chữ trên tường, đi sang phòng sách xem sách xếp đầy bên trong. Khi chiếc đồng hồ quả lắc điểm mười tiếng, thì nói một tiếng "lên đường". Người bám ở sàn cửa sổ trên của nhà gác thả tràng pháo dài ba vạn mối xuống, châm lửa đốt. tiếng nổ dòn dã, đinh tai nhức óc. Đại Chính dắt Liễu Nguyệt sóng vai đi xuống. Ba chiếc máy ảnh và một máy ghi hình liền nhấp nháy liên tục. Khi Đại Chính cười, khg nhịn nổi đã phát ra một tiếng hậc. Liễu Nguyệt đã lườm anh ta một cái. Đại Chính trang trọng lại nét mặt, còn cố hết sức giữ cho cơ thể được thăng bằng, nhưng sao tránh khỏi sau khi bước đã lắc lư sang hai bên, va liên tục vào Liễu Nguyệt, sau đó không phải anh ta dắt Liễu Nguyệt, mà Liễu Nguyệt nắm rịt lấy tay anh ta, cánh tay ấy cứng như đòn bẩy, giữ cho yên cả hai người. Ở cửa nhà gác, pháo vẫn nổ giòn giã, xác pháo màu đỏ bay như bươm bướm. Liễu Nguyệt sợ có đoạn pháo đứt dây rơi xuống đầu mình, đã nhảy một cái qua cửa, bởi bỏ tay ra mạnh quá, suýt nữa làm Đại Chính ngã. Ngưu Nguyệt Thanh vẫn đi đằng sau liền gọi:
- Liễu Nguyệt! Liễu Nguyệt!
Liễu Nguyệt đành phải quay lại chờ. Trong sân dưới nhà gác đứng kín người, lần này thì Liễu Nguyệt dắt tay Đại Chính cố gắng đi sát vào người, không để anh ta lắc lư. Ngưu Nguyệt Thanh khen:
- Được đấy! Được đấy!
Chị bảo bốn người tung giấy năm màu đã cắt sẵn lên đầu cô dâu chú rể, lập tức khắp người khắp đầu cô dâu, chú rể óng a óng ánh. Hàng chục người đến rước dâu, lần lượt rước đồ cưới lên xe, đội ngũ dài dằng dặc, thứ tự xuất phát từ cổng lớn, người đứng xem trên đường cái ào đến như nước thuỷ triều. Người ta xôn xao bàn tán về cô dâu, chú rể. Họ bảo cô dâu cao hơn chú rể một cái đầu, bảo cô dâu chắc chắn sẽ là người cầm chịch của gia đình mới, bảo chú rể chẳng mấy nữa sẽ phải đội một chiếc mũ xanh. Có người bảo chú rể là con trai của chủ tịch thành phố, con trai của chủ tịch tính nết nhất định nóng nảy, hấp tấp, về mặt khí thế và sự uy nghiêm anh ta sẽ chinh phục cô dâu một cách tuyệt đối. Thế là có người lại bảo, định đánh người đẹp này ư? Vậy thì anh ta phải chờ người đẹp bế anh ta lên giường mới đánh được cô ta. Đương nhiên Liễu Nguyệt đã nghe được những câu bàn tán ấy, cô ta vội vàng chui vào trong xe.
Lễ cưới tổ chức ở nhà ăn lớn của khách sạn Tây Kinh. Chiếc xe chở Trang Chi Điệp và Ngưu Nguyệt Thanh vừa đỗ ở cửa khách sạn, đã nhìn thấy một đám rất đông ùa tới cùng Đại Chính và Liễu Nguyệt đi vào cửa nhà ăn. Pháo nổ liên hồi, nhạc trống ầm ĩ, đang nghi nghi hoặc hoặc sao đông người đến thế, thì có người đến thưa:
- Hôm nay hai vị phải ngồi ghế trên, ông bà chủ tịch đã có mặt tại đó.
Hai người vừa bước vào trong nhà, đã nhìn thấy từng dãy đèn màu, kỳ quái sặc sỡ, người nào cũng tươi cười roi rói, vui cười hớn hở. Những cô phục vụ mặc áo dài đi lại như mắc cửi, đang đặt lên từng bàn nào là hoa, trái cây, bánh ngọt, hạt dưa, thuốc lá, nước trà, nước ngọt. Người thì nhốn nháo, cũng chẳng biết khách dự đám cưới hay là khách trọ. Đại Chính và Liễu Nguyệt khi vào cửa đã nhận hai bó hoa của hai em thiếu nhi tặng, được người hướng dẫn đưa chầm chậm tới dầu nhà đàng kia trên tấm lụa đỏ trải đường rộng khoảng hai mét dài hai mươi mét. Ở đàng ấy bắc một cái sàn cao, trải thảm đỏ, chậu cảnh xếp san sát, phía trước có đặt micrô phôn, phía sau có bốn cái bàn chính ở trên. Người chủ trì nghi thức, Hoàng Đức Phúc bảo cô dâu chú rể quay người lại, hô hào tất cả khách mời có đem theo máy chụp ảnh cô dâu chú rể. Người ta hò hét, đề nghị hai người đứng sát gần nhau, sát lại gần nhau nữa, cười lên, giơ bó hoa lên, hoặc một tay người này đặt vào vai người kia, người này ôm vào eo người kia. Đại Chính và Liễu Nguyệt không nghe, không được, có người đến tận nơi bắt họ làm theo, lại được một trận cười ồ lên, cả nhà ăn reo hò ầm ĩ. Trang Chi Điệp dừng lại ở cạnh tấm lụa điều, dã nhìn rõ một đôi câu đối do Trịnh Nhiếp viết trên lụa điều bằng bột vàng "Gió xuân bạo phổi đi chải liễu, mưa đêm đối người đang tưới hoa". Bên cạnh dòng chữ "chúc mừng hôn lễ Đại Chính Liễu Nguyệt", sau đó tên của hàng trăm người chúc mừng ký chi chít. Trang Chi Điệp nghĩ, lưu niệm các buổi lễ hội thông thường đều là người tham gia ký tên trên giấy Tuyên, còn cách làm này không biết ý kiến đề xuất của ai vậy, lại viết tên họ tên người chúc mừng trên lụa điều, lại lấy lụa thay thảm đỏ, cũng thấy khác hẳn, thú vị đáo để. Liền có người cầm bút đến nói:
- Xin ngài ký tên.
Trang Chi Điệp ký tên lên đó. Người ấy hỏi:
- Ngài là Trang Chi Điệp ư?
Trang Chi Điệp gật gật đầu. Người kia lại nói:
- Tôi cũng yêu chuộng văn học, hôm nay được gặp ngài, thật vô cùng phấn khởi.
Trang Chi Điệp đáp:
- Cám ơn.
Trang Chi Điệp đang định đi lên phía trước, thì người đó còn đòi nói chuyện với anh:
- Ngài Điệp ơi, cô dâu kia là người giúp việc trong gia đình ngài, là do ngài rèn dũa phải không ạ?
Trang Chi Điệp đáp:
- Đâu có.
Người kia nói:
- Tôi hâm mộ cô ấy lắm. Tôi có một thỉnh cầu không biết ngài có đồng ý không? Tôi cũng muốn đến nhà ngài làm người hầu giúp việc, vừa phục vụ ngài, vừa học ngài sáng tác.
Trang Chi Điệp đáp:
- Tôi không còn tìm người giúp việc nữa, xin cám ơn lòng tốt của anh.
Người kia nói:
- Chắc ngài chê tôi không phải là đàn bà con gái chứ gì? Tôi biết nấu cơm, biết giặt quần áo.
Trang Chi Điệp, gần như không gạt bỏ được sự cuốn níu của anh chàng, Ngưu Nguyệt Thanh liền bước tới nói với Hoàng Đức Phúc, Hoàng Đức Phúc đang giới thiệu các vị khách, liền nói to:
- Tới dự lễ cưới hôm nay còn có ngài Trang Chi Điệp nhà văn có tên tuổi, chúng ta nhiệt liệt hoan nghênh, mời ngài Điệp lên bàn chính.
Trong nhà ăn tiếng vỗ tay như sấm dậy, tiếng hoan hô ầm ầm, anh chàng kia đành phải buông tha Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp đã bước đến bàn chính, lần lượt bắt tay chào hỏi lãnh đạo các giới và các vị nổi tiếng trong thành Tây Kinh đã ngồi sẵn. Vừa ngồi vào vị trí của mình, thì có hai cô gái chạy tới xin anh ký tên lưu niệm. Trang Chi Điệp cứ tưởng ký trong sổ tay. Nhưng hai cô gái đều đứng thẳng người lên, nói:
- Chỗ ngực này dành riêng cho ngài Điệp ký tên đấy ạ!
Trang Chi Điệp nhìn lên, thì trên áo sơ mi sợi bông màu trắng họ đang mặc đã ký đầy tên người, chữ ngang chữ dọc. Trang Chi Điệp nói:
- Ồ, cái áo đẹp thế này tiếc quá đấy!
Cô gái đáp:
- Danh nhân ký tên mới có giá trị chứ ạ! Ngày thường đâu có gặp các ngày, nghe nói con trai chủ tịch thành phố cưới vợ, cứ nghĩ thế nào các ngài cũng tới dự. Các ngài ký vào, chúng em khoe khoang với người đời, đây mới là áo văn hoá thật sự.
Trang Chi Điệp bảo:
- Để tôi xem xem ai đã ký tên vào nhé?
Anh đã thấy trên áo có tên của Uông Hy Miên, Nguyễn Tri Phi, Mạnh Vân Phòng, Tôn Vũ, Chu Mẫn, Lý Hồng Văn, Cẩu Đại Hải, liền cầm bút viết vào trước ngực cô gái. Cô gái kia thấy vậy, thì được đàng chân lân đàng đầu, liền nói, ngài cấu từ nhạy bén, viết một bài thơ được không, bốn câu cũng được. Trang Chi Điệp thấy khó xử, liền nói:
- Chỗ này đâu có phải môi trường làm thơ, viết nội dung gì nhỉ?
Cô gái đáp:
- Hôm nay lễ cưới, ngài viết một chút về tình yêu đi!
Trang Chi Điệp liền viết vào lưng áo cô gái.
Cô này bảo cô kia đọc cho nghe, cô kia liền đọc:
Cắm cái gậy xuống đất Hy vọng mọc thành hoa hồng Ném hòn đá xuống sông Hy vọng mọc ra cái đuôi Ép tờ giấy xuống gối Hy vọng giấc mơ in ra thành tranh Dán con tem lên trái tim Hy vọng gửi tới em phương xa
Cô gái liền cười, hỏi:
- Ngài Điệp đang nhớ nhung ai vậy?
Trang Chi Điệp đáp:
- Đấy là tương tư một chiều.
Cô gái nói:
- Đúng, em thích tương tư một chiều. Em tìm vô khối bạn trai, nhưng đã bái bai họ rất nhanh. Trên đời này em không có người em tin tưởng, cũng không có người đáng để cho em yêu. Nhưng em cần tình yêu, song lại không biết mình yêu ai! Tương tư một chiều tốt nhất, em cứ tha hồ yêu một người trong tưởng tượng của mình, chẳng khác gì em có một cái chìa khoá, có thể mở được từng căn hộ riêng.
Trang Chi Điệp liền cười bảo:
- Cô bạn ơi, em có cảm nhận như vậy chắc chắn là đang yêu một người cụ thể. Làm sao lại không biết mình yêu ai?
Cô gái trả lời:
- Vậy đã không thành công mà. Em đã thề không bao giờ yêu anh ta nữa. Ngày nào ở đây em cũng cảnh cáo em, nhắc nhở em.
Trang Chi Điệp nói:
- Nhưng cô không ngày nào giải thoát được tình yêu đối với anh ấy. Như vậy là không biết tương tư, học biết tương tư, thì sợ tương tư, không nghĩ đến anh ấy, tại sao không nghĩ đến anh ấy, liệu không nghĩ đến anh ấy được ư?
Cô gái bảo:
- Ái chà, ngài Điệp ơi, ngài là người ngần này tuổi cũng giống chúng em sao?
Cô gái liền ngồi trên ghế trước mặt anh, dường như xúc động lắm, có vẻ muốn nói chuyện lâu dài. Trang Chi Điệp vội nhắc nhở lễ cưới đã bắt đầu, mình nói chuyện ở đây ảnh hưởng không tốt, liền giục cô đi xuống. Giữa lúc này có người cúi xuống nói với Trang Chi Điệp:
- Ngài Điệp ơi, ở bên trái ngoài đường cái ngoài cửa có người nhắn ngài ra nói chuyện.
Trang Chi Điệp ngờ ngợ, ai cần gặp anh vào lúc này nhỉ? Nếu là người quen, thì cũng phải vào dự lễ cưới chứ? Anh đứng lên đi ra. Ngoài cổng khách sạn, moi người đều vào trong nhà ăn xem lễ cưới, chỉ có từng đấy từng đấy xe đang đậu. Trang Chi Điệp nhìn trước ngó sau, không thấy ai. Đang định quay về thì có một chiếc xe con đậu cạnh đường quay kính cửa sổ xuống, một người đã lên tiếng gọi "A", Trang Chi Điệp nhìn vào, thì người đó đeo một cặp kính râm, gần như che kín mặt. Trang Chi Điệp biết ngay là ai, vội vàng chạy đến hỏi:
- Em định dự lễ cưới hả?
Đường Uyển Nhi đáp:
- Em muốn thăm anh cơ!
Trang Chi Điệp ngửa mặt lên trời thở dài.
Đường Uyển Nhi hỏi:
- Dự lễ cưới xong anh đến "nhà cầu khuyết" có được không?
Trang Chi Điệp nhìn cổng khách sạn ở đàng sau, rồi mở cửa xe taxi ngồi vào, bảo lái xe:
- Lái về phố am ni cô.
Đường Uyển Nhi ôm chầm lấy anh, hôn như điên như dại lên trán, lên mặt, lên mũi, lên miệng, chị ta giống như gặm cái đàu dê luộc chín, cặp môi son cứ từng vòng từng vòng in chi chít lên cả khuôn mặt anh. Anh lái xe đã phải bẻ cả gương trước mặt xuống.
Xe taxi đã đi đến am ni cô. Đường Uyển Nhi nói:
- Bọn họ đều đi hết chứ anh?
Trang Chi Điệp nói:
- Đi cả rồi!
Đường Uyển Nhi giục:
- Vậy thì chúng ta cùng đến nhà ở khu tập thể hội văn học nghệ thuật.
Không chờ Trang Chi Điệp đồng ý, đã đưa thêm cho lái xe mười đồng, chiếc xe quay đầu lại phóng theo hướng Bắc. Hai người vừa bước vào nhà, Đường Uyển Nhi đòi Trang Chi Điệp bế chị ta vào lòng. Chị ta bảo, chị ta nhớ anh quá, quả thật chị ta không chịu nổi. Chị ta luôn luôn tìm cơ hội, chị ta tin ông trời sẽ dành cho chị ta, quả nhiên hôm nay đã có dịp, chị ta sẽ coi buổi trưa hôm nay là tổng hoà của những ngày xa cách để chung sống với anh. Chị ta đòi Trang Chi Điệp ôm chặt chị ta, ôm chặt nữa. Đột nhiên chị ta khóc, chị ta hỏi:
- Anh Điệp, anh Điệp ơi, anh bảo em làm thế nào đây, anh bảo em làm thế nào hả?
Trang Chi Điệp không biết nói với chị ta như thế nào. Anh cố khuyên chị ta, an ủi chị ta, sau đó anh cũng cảm thấy mình nói những lời trống rỗng, giả dối, không hề có ý nghĩa, ngay đến bản thân cũng không tin nổi, chỉ có những lời gọi nghẹn ngào "Uyển Nhi, Uyển Nhi".
Đầu anh như muốn toác ra, anh cảm thấy trong vỏ não như có chứa nước, hễ lắc một cái, nước hắt ra đau đớn. Hai người cứ ôm nhau mãi, ôm nhau như một pho tượng đá im lìm. Sau đó có ma mới biết được chuyện gì đã xảy ra, tay người nọ cởi quần áo của người kia, cho đến khi cả hai đều trần truồng như nhộng, mới tự hỏi, lại tạo ra một cuộc yêu ở đây ư?
Hai người nhìn nhau khe khẽ cười, ai cũng rõ chỉ có hoàn thành một cuộc hoà nhập thể xác, mới có thể quên đi mọi khổ sở trong chốc lát, mà cuộc hoà nhật thể xác để quên đi khổ sở này, càng về sau này càng hiếm có dịp nữa, không có dịp nào nữa.
Khi Trang Chi Điệp đặt Đường Uyển Nhi lên ghế salon da, thì Đường Uyển Nhi lại bảo:
- Không, em phải nằm giường cơ! Em muốn anh bế em lên giường trong buồng ngủ của anh chị cơ! (Tác giả cắt bỏ sáu trăm sáu mươi sáu chữ). Nhưng không sao thành công nổi.
Trang Chi Điệp ủ rũ ngồi dậy, nghe đồng hồ quả lắc ngoài phòng khách cứ tích tắc, tích tắc gõ nhịp đều đều.
Anh bảo:
- Hỏng rồi, Uyển Nhi ạ, căn bệnh cũ của anh lại tái phát rồi hay sao đấy em ạ!
Đường Uyển Nhi đáp:
- Sao lại thế được nhỉ? Anh thử hút một điếu thuốc xem nào?
Trang Chi Điệp lắc đầu nói:
- Hỏng rồi, Uyển Nhi ơi, anh xin lỗi em. Muộn rồi, chúng mình có thể đi ra ngoài bình tĩnh lại được không? Anh sẽ khỏi, anh có thể thoả mãn em. Chờ đi ra ngoài, tĩnh dưỡng lại, chúng mình sẽ đến "nhà cầu khuyết", chỉ cần em bằng lòng, ở đấy cả buổi chiều, cả đêm cũng được.
Đường Uyển Nhi lại nằm ngửa lặng lẽ trên giường. Chị ta bảo:
- Anh Điệp, anh đừng nói thế, anh căng thẳng và cũng buồn khổ quá đấy mà! Bây giờ em đang chung sống với anh trên giường buồng ngủ của anh chị, em cảm thấy em là bà chủ, em rất sung sướng.
Trong khi chị ta nói, mắt nhìn chằm chằm vào bức hình Ngưu Nguyệt Thanh treo trên tường, chị ta nói tiếp:
- Chị ta đang hận em, có lẽ đang chửi em dâm đãng không biết nhục đấy. Chị ta là người đàn bà hạnh phúc trong thành phố này. Chị ta không hiểu em, chị ta không hiểu nổi nỗi đau khổ của người đàn bà trong một hoàn cảnh khác.
Chị ta liền đứng lên, lật tấm hình quay vào tường. Hai người ra khỏi khu nhà hội văn học nghệ thuật, đi theo con đường cái một cách không mục đích. Sau đó vào một quán ăn cơm, ăn cơm xong, đi qua một rạp chiếu bóng, liền mua vé vào xem phim. Họ bàn nhau, xem xong phim sẽ đến "nhà cầu khuyết", phải mua nhiều thức ăn và đồ uống, để sống một ngày thật sự, cảm nhận cho bằng hết những cảm giác và mùi vị của những đêm ngày vò võ đợi chờ.
Trang Chi Điệp bảo:
- Một ngày một đêm nhé!
Đường Uyển Nhi nói:
- Hai ngày hai đêm cơ!
Trang Chi Điệp bảo:
- Không, ba ngày ba đêm cơ!
Đường Uyển Nhi nói:
- Vậy thì ngủ cho đến chết.
Trang Chi Điệp bảo:
- Chết cũng phải chết đẹp.
Đường Uyển Nhi nói:
- Nếu chết như thế thật, sau đó bị người ta phát hiện, thì không hiểu ngôi "nhà cầu khuyết" đó sẽ được người đời ca tụng là nơi hy sinh của tình yêu hay bị chửi rủa là mồ chôn của tội ác?
Hai người cười hì hì. Họ cứ cười nói như vậy trong lúc theo dõi câu chuyện trên màn ảnh trong rạp. Đường Uyển Nhi gục đầu lên vai Trang Chi Điệp. Trang Chi Điệp chợt nhớ tới bức ảnh chụp trước đây, nhưng anh không muốn nghĩ đến chuyện ấy, cảm thấy tư thế này của hai người, quả thật là một chữ có nghĩa, liền khe khẽ nói với Đường Uyển Nhi. Đường Uyển Nhi hỏi:
- Chữ gì thế?
Trang Chi Điệp viết vào lòng bàn tay chị ta chữ "tổng", nhưng chị ta lại viết vào lòng bàn tay Trang Chi Điệp chữ "đoá".
Anh bảo:
- Anh đi mua gói hạt dưa về cắn nhé!
Anh đứng dậy đi theo lối ra. Anh nhìn thấy ở chân tường đàng kia có hai người đang ngồi xổm sát tường, anh cứ tưởng người đến muốn tìm chỗ ngồi ở đó, còn chỉ chỉ tay, có ý bảo phía trước còn chỗ trống, nhưng cùng một lúc đã cảm thấy cử chỉ của mình rất buồn cười. Tối mò mò thế này, người ta đâu có hiểu được ý chỉ tay của mình, cũng cần quái gì phải lo chuyện ấy cho họ? Thế là anh đi mua hạt dưa ở trước quầy phục vụ. Nhưng chỉ có hạt hướng dương. Anh bảo:
- Tôi mua hạt bí cơ.
Hạt bí ăn vào không nóng ruột, nhưng không có hạt bí. Anh nhớ lúc vào cửa, ở bên trái rạp khoảng ba bốn trăm mét có một cửa hiệu thực phẩm, liền nói với người xé vé, rồi vội vàng chạy đi. Năm phút sau Trang Chi Điệp trở lại chỗ ngồi trong rạp thì không thấy Đường Uyển Nhi đâu, mà cái túi xách nhỏ của chị ta thì vẫn để ở đó. Trang Chi Điệp nghĩ bụng, chắc đi vào nhà vệ sinh chăng. Nhưng mười phút đã qua đi, Đường Uyển Nhi vẫn không quay về. Trang Chi Điệp thấy ngờ ngợ, đứng dậy đi ra nhà vệ sinh gọi chị ta. Không thấy Đường Uyển Nhi trả lời. Anh nhờ một người đàn bà đã đi vào nhà vệ sinh xem bên trong có người hay không, người phụ nữ ấy đi ra bảo "không có". Trang Chi Điệp bắt đầu sốt ruột, anh nghĩ, cô ấy đi đâu được nhỉ? Hay là ở phòng nghỉ? Phòng nghỉ cũng không có. Anh biết Đường Uyển Nhi hay trêu đùa, chắc là cố tình nấp vào một góc nào đó của rạp chiếu bóng, chờ khi anh đi ra đột nhiên hú oà doạ anh. Anh liền đi kỉêm tra từng hàng ghế, tìm hết cả đàng trước đàng sau, cũng chẳng thấy tăm hơi. Giữa lúc đó tan buổi chiều, người xem ùa ra về. Trang Chi Điệp đứng đón ở cửa theo dõi, cho mãi tới lúc không còn ai trong rạp, vẫn không thấy mặt Đường Uyển Nhi đâu cả.
Trang Chi Điệp hoảng quá, gọi điện thoại cho Mạnh Vân Phòng. Mạnh Vân Phòng hỏi tại sao bỏ đi khỏi lễ cưới không thấy quay trở lại, đi có việc gì vậy? Trang Chi Điệp đành phải nói ra tất cả, bảo anh ấy đến nhà Chu Mẫn xem có phải Đường Uyển Nhi đã bỏ về nhà trước? Mạnh Vân Phòng bảo, dự lễ cưới xong, anh và Chu Mẫn cùng đi về nhà Chu Mẫn, không thấy Đường Uyển Nhi. Anh cũng mới từ nhà Chu Mẫn trở về. Trang Chi Điệp bỏ điện thoại xuống, hy vọng nhất là lúc này cô ấy đã đến "nhà cầu khuyết". Ở đấy cũng không có. Cuối cùng Trang Chi Điệp đến nhà Mạnh Vân Phòng, vừa bước vào nhà đã oà lên khóc.
Ngưu Nguyệt Thanh thấy chồng đi ra khỏi nhà ăn trước khi lễ cưới bắt đầu, mãi không thấy trở lại, thì trong lòng nghi nghi. Bởi vì tất cả bạn bè của anh đều dự lễ cưới, có phải anh ngấm ngầm đi gặp Đường Uyển Nhi? Nhưng chị không thể đi được.
Khi chủ tịch thành phố và phu nhân hỏi chị, Trang Chi Điệp đi đâu, thì chị đưa đẩy nói, có người gọi anh ấy đi, chắc là có việc gấp. Bà vợ ông chủ tịch yêu cầu chị ăn tiệc xong thế nào cũng phải đi xem buồng cưới, phải chờ cô dâu chú rể động phòng xong mới được về. Mười một giờ đêm, Ngưu Nguyệt Thanh mới về đến nhà. Chị thấy ngay có người đã vào phòng ngủ, đâm ra chột dạ liền kiểm tra cẩn thận giường chiếu và thế là phát hiện một sợi tóc dài, ba sợi lông ngắn và xoăn, hơn nữa bức hình treo trên tường bị lật úp lại. Không giữ nổi tức giận, chị túm ngay cái gối quăng đi, lột luôn chiếc chăn trải giường vứt đi, lật cả nệm ném đi. Chị gào lên, giật cửa phòng sách, rũ tung tất cả trong phòng, quăng sách vở bản thảo, điêu khắc, đá gốm lọ gốm vào một đống rồi giẫm chân lên đập nát, sau đó ngồi tại chỗ chờ Trang Chi Điệp về.
Ngưu Nguyệt Thanh chờ suốt đêm không thấy Trang Chi Điệp về. Hôm sau lại một ngày nữa Trang Chi Điệp vẫn không trở về. Ngưu Nguyệt Thanh đã nhụt chí, không đập phá đồ đạc nữa. Chị đang thu thập quần áo thay giặt của mình cho vào trong một cái va li da to đùng, thì có tiếng gõ cửa. Chị đi ra mở then cửa, sogn không đẩy cánh cửa, quay người đi vào buồng tắm, dùng kem rửa mặt xoa lên mặt. Chị phát hiện trong gương mặt mình có nếp nhăn mới, to tiếng sụt sịt và bắt đầu xoa bóp trên mặt theo cách làm của Vương phi nước Anh Diana.
Chị nói:
- Anh về đấy hả? Trong tủ lạnh có tinh long nhãn, anh pha một cốc mà uống tẩm bổ lấy lại nguyên khí. Từ nay về sau làm xong chuyện ấy, anh phải quét sạch lông mới phải.
Nhưng một tiếng oà khóc đã trả lời chị. Thấy tiếng khóc khác lạ, Ngưu Nguyệt Thanh quay đầu lại, thì quỳ sụp trong phòng không phải Trang Chi Điệp mà là anh Hoàng giám đốc. Ngưu Nguyệt Thanh đi ra, không dìu anh Hoàng dậy, lạnh lùng hỏi:
- Anh làm sao vậy, buôn bán sập tiệm hả?
Giám đốc Hoàng đáp:
- Tôi tìm anh Điệp.
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Anh tìm anh ấy thì cứ đi mà tìm, quỳ khóc ở đây làm gì?
Giám đốc Hoàng đáp:
- Bà vợ tôi lại uống thuốc sâu rồi.
Ngưu Nguyệt Thanh ngồi xuống, nhưng đã cầm gương soi lông mày, hỏi:
- Lại uống thuốc sâu ư? Vậy thì chị ấy đói bụng mà uống à?
Giám đốc Hoàng nói:
- Tôi bảo, là uống thuốc sâu ấy mà!
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Loại thuốc sâu ấy của anh, chị ấy chả uống rồi là gì?
Giám đốc Hoàng đứng lên nói:
- Lần này thì cô ấy uống chết thật rồi.
Ngưu Nguyệt Thanh giật mình, cái gương soi rơi khỏi tay nứt vỡ, chị hỏi:
- Chết rồi sao?
Giám đốc Hoàng nói:
- Tôi chỉ bảo uống "102" này uống vào không việc gì. Cô muốn uống thì cứ uống, rồi kéo cửa ra đi. Buổi trưa về, mở vung nồi ra không thấy cơm, tôi sốt tiết mắng cho một trận. Cô ngày càng quá quắt, đến cơm cũng không nấu hả? Nhìn vào giường lò, thì một chân cô ấy vểnh lên, tôi đẩy chân một cái, cả người cô ấy lật đi. Cô ấy đã chết cứng rồi.
Ngưu Nguyệt Thanh nghe xong, im lặng một lúc lâu, nghe giám đốc Hoàng còn đang càu nhàu tại chỗ, anh ta bảo chẳng hiểu ra sao cả, cái lô thuốc sâu này, thì mình muốn nó có độc, thì nó không độc, khi không để nó có độc, thì nó lại làm chết người thật. Ngưu Nguyệt Thanh liền cười nói:
- Giám đốc Hoàng ạ, chết cũng được, anh có tiền như vậy, muốn làm gì mà chẳng được, chỉ có thiếu một cô vợ đầm! Chị ấy chết là do số phận chị ấy không hợp với anh, chị ấy chết chẳng phải đã dọn đường cho anh, anh còn buồn không tìm được một cô mười tám hai mươi tuổi hay sao?
giám đốc Hoàng nói:
- Trước khi uống thuốc cô ấy cũng nói thế, nhưng ly hôn thì cứ ly hôn, tôi đã đồng ý cho cô ấy mười vạn đồng, mà cô ấy lại muốn chết. Tôi biết cô ấy không muốn chết đâu, cô ấy doạ tôi ấy mà, nhưng ai ngờ loại thuốc này có độc. Cô ấy chết như vậy, anh em nhà mẹ đẻ cô ấy liền nhờ người khác viết đơn kiện, gửi lên toà án, gửi cho uỷ ban nhân dân thành phố, nghe đâu còn gửi cho ông chủ tịch thành phố, toàn là cáo buộc "101" của tôi là thuốc sâu giả, "102" cũng là thuốc sâu giả.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Ồ, anh đến nhờ Trang Chi Điệp lại viết cho anh một bài tuyên truyền sản phẩm, hoặc sang chỗ lãnh đạo thành phố để gỡ tội cho anh phải không?
Giám đốc Hoàng nói:
- Đúng vậy, bây giờ tôi đến tìm Trang Chi Điệp nhờ anh ấy mở cho tôi lối đi, không biết anh có cứu tôi không?
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Vậy thì anh ra cổng mà chờ Trang Chi Điệp của anh, tôi còn phải đi đây, tôi phải đóng khóa cửa lại.
Giám đốc Hoàng ngượng ngùng nói:
- Ấy! Ấy!
Ngưu Nguyệt Thanh đập cái gương xuống đất chát một cái, vỡ tan tành, chị mắng:
- Anh cút đi cho tôi nhờ! Bọn đàn ông thối tha các anh còn cái thứ gì nữa, ngoài mấy cái đồng tiền, anh bức vợ anh chết, còn không mau mau đi lo liệu mai táng cho chị ấy, lại đến đây khóc tìm lối thoát, anh lại còn mặt mũi nào nói với tôi hả? Anh còn dẫn ai đến nữa hả, có phải anh cũng dẫn cả con vợ hoang không biết xấu hổ kia đến hả? Có phải nó đang đợi anh ở gác dưới không hả? Anh dắt nó lên đây cho tôi xem nào, kẻ làm hại đàn bà lại là những con đàn bà gì nào? Anh đã nghĩ chưa? Tối nay anh hại người này, thì ngày mai nó đến lại anh đấy! Anh cút đi! Anh cút đi!
Giám đốc Hoàng bị chị đẩy ra ngoài, cửa đóng sầm một cái.
Cửa đóng lại rồi, Ngưu Nguyệt Thanh nhìn những vết bẩn của đôi giày vấy bùn đi trên nền thảm, chị cảm thấy buồn nôn, liền cầm chổi lau nhà lau sạch, chị lau hết lần này đến lần khác, rồi ngồi xuống mép giường thở hổn hển.
Buổi chiều hôm ấy, Trang Chi Điệp vẫn không về nhà. Ngưu Nguyệt Thanh đã viết một bức thư dài dằng dặc, chị kể lại cuộc sống hoà thuận suốt mười mấy năm vợ chồng mới cưới nhau. Chị nói ngày ấy anh quê mùa như thế nào, nghèo rớt mồng tơi ra sao. Chị đã lấy anh, đã hoàn toàn hy sinh bản thân cho anh, động viên an ủi anh, chăm sóc anh, để anh phấn đấu từng bước đến ngày hôm nay.
Ngày nay anh đã thành công, đã có tiếng tăm, có cả danh cả lợi, đương nhiên chị không tương xứng là phu nhân của anh, bởi vì chị vốn không xinh đẹp, huống hồ bây giờ đã già đi, càng bởi vì trong mười mấy năm, chị hoàn toàn hy sinh vì anh nên đã không sống cho mình. Trong một thời gian dài, lâu lắm, cuộc hôn nhân của hai người đã chết, hai người đồng sàng dị mộng, đã như vậy, tôi đau khổ, anh cũng đau khổ, chẳng thà kết thúc còn hơn. Viết đến đây, chị còn viết thêm một đoạn khác. Chị bảo xét đến cùng, thì không biết sự việc phát trỉên đến bước này là do chị sai ở chỗ nào, đối với anh, đối với gia đình này, chị đã dốc hết tâm huyết, còn anh, Trang Chi Điệp, thì hết lần này đến lần khác đã làm chị đau lòng, lẽ nào đều là giả dối? con người sống tới mức giả dối như vậy sao? Nhưng viết ra rồi, chị lại lấy bút gạch đi. Chị cảm thấy không cần viết như vậy nữa. Thế là chị lại viết, để bảo toàn danh dự của anh, vì hạnh phúc từ nay về sau của anh, chị không muốn làm ầm ĩ thành kẻ thù khi chia tay giống như những người thông thường vẫn làm, chỉ mong giải quyết hoà bình, không qua toà án, mà chỉ đến văn phòng đường làm thủ tục ly hôn là được rồi. Chị bảo, bây giờ chị phải đi sang bên Song Nhân Phủ, xin đừng tới tìm chị, muốn tìm thì phải viết xong đơn để cùng đi đến văn phòng đường phố. Viết xong thư, chị xách cái va li chứa đầy quần áo thay giặt, đi ra khỏi khu nhà hội văn học nghệ thuật, chị cảm thấy một sự giải thoát hiếm có.
Vừa đến Song Nhân Phủ, đã thấy mẹ chị ngồi trên chiếc đôn đá ở cổng, nét mặt bà ngây dại. Ngưu Nguyệt Thanh gọi một tiếng "Mẹ!" mẹ chị cứ tỉnh bơ, còn nhìn Ngưu Nguyệt Thanh vẫn ngồi không động đậy. Ngưu Nguyệt Thanh liền ngồi xổm trước mặt mẹ, hỏi:
- Mẹ ơi, sao mẹ không nhận ra con hả mẹ? Mẹ làm sao thế?
Bà đột nhiên bừng tỉnh, ánh mắt ngây dại di chuyển trong khoang mắt, rồi hỏi:
- Ai đấy?
- Con là Nguyệt Thanh, mẹ không nhận ra con ư?
Bà liền há hốc mồm, co giật và khóc. Ngưu Nguyệt Thanh thấy mẹ bỗng chốc thành như vậy cũng khóc. Hai mẹ con lúc đầu còn khóc trong lòng, nhưng sau đó mỗi người đều có tủi hờn riên, càng khóc dữ dội hơn, khó khăn lắm chị mới dìu được mẹ vào trong nhà, hỏi mẹ tại sao ngay đến con gái cũng không nhận ra. Bà mẹ bảo suốt ba đêm nay bà không ngủ, lúc nào trong đầu cũng kêu ong ong, nhưng con gái không sang, con rể cũng mất hút. Bà đã bó quần áo Ngưu Nguyệt Thanh đã từng mặc thành một bó thả vào một cái giếng cạn ở trong sân, nên Ngưu Nguyệt Thanh mới trở về. Bà bảo:
- Con mất hồn rồi, Nguyệt Thanh ơi, mẹ đã gọi hồn con về đấy!
Ngưu Nguyệt Thanh biết mẹ đã lại lẩn thẩn rồi, nhưng xưa nay chưa bao giờ mẹ chị ngây dại như thế này. Chị nghĩ bụng hai mẹ con gần nhau nhất, cho nên chuyện của con gái, chắc mẹ có cảm ứng gì đấy mới như vậy. Không sao nín nhịn nổi, chị đã rưng rưng nước mắt. Chị bảo:
- Mẹ ơi, đều tại con không tốt, đã bao nhiêu ngày không sang chăm nom mẹ, đã khiến mẹ đau yếu như thế này. Con không bao giờ xa mẹ nữa, con sẽ về ở bên Song Nhân Phủ này, một ngày ba bữa cơm, con nấu cho mẹ ăn, ban đêm con ngủ với mẹ, nói chuyện với mẹ. Mẹ ơi, bây giờ mẹ thèm ăn gì nào?
Bà mẹ bảo bà muốn ăn canh mì. Ngưu Nguyệt Thanh vội vàng đi nấu, mở vung ra, nồi đã rửa, nhưng còn bẩn, Ngưu Nguyệt Thanh lại đau lòng. Hơn mười năm nay, chín phần mười trái tim chị dành cho Trang Chi Điệp, rồi sau đó mới dành một phần cho mẹ, chị cảm thấy có lỗi với mẹ nhiều, mà trên đời, người gần gũi nhất chỉ có mẹ. Có Ngưu Nguyệt Thanh ở bên, nét mặt bà mẹ dần dần tươi tỉnh lại, nhưng bà thường hay bảo ngôi nhà này nên quét lại tường, trên tường bám đầy rệp cuốn chiếu, thậm chí có cả rết. Ngưu Nguyệt Thanh rót nước sôi cho mẹ, bà bảo trong bát có cả cục sâu bọ. Bưng nước cho bà rửa chân, bà bảo dưới đáy chậu có một cục sâu bọ to hơn. Tối đến, Ngưu Nguyệt Thanh không cho mẹ ngủ ở giường quan tài một mình, mà ngủ chung với mình, thì bà bảo không ngủ được, thường hay bảo lúc lên ba lên bốn, Ngưu Nguyệt Thanh béo lắm, ngoan lắm, sau đó cứ lấy tay đánh liên tục vào chân Ngưu Nguyệt Thanh duỗi sang, bảo ruồi đậu kín chân, bảo ngày mai nhất định phải rửa chân. Ngưu Nguyệt Thanh nghe vậy, nằm dịch sang để mẹ ôm và cứ khóc rưng rức.
Trang Chi Điệp, Mạnh Vân Phòng và Chu Mẫn tìm Đường Uyển Nhi khắp thành phố, gần như đã đi đến khắp phố to ngõ nhỏ mà không hề có kết quả. Ba người liền đến tìm Triệu Kinh Ngũ. Triệu Kinh Ngũ uống rượu giải sầu ở nhà đã mấy hôm, thấy ba người vào vẫn buồn bã. Trang Chi Điệp nói:
- Liễu Nguyệt một lòng lấy Đại Chính, tôi đã khuyên cô ấy nhiều lần, nhưng có tác dụng gì đâu? Tôi bảo, Liễu Nguyệt này, chưa kể Triệu Kinh Ngũ đẹp trai, riêng tài năng của cậu ta chưa biết chừng tương lai sẽ thành rồng thành phượng không lo em không sung sướng được sao? Nhưng cô ấy tầm mắt hạn hẹp, hỏi lại tôi, thầy Điệp ơi, thầy đang cho em ăn bánh vẽ đấy hả? Cậu xem xem, kiến thức của cô ấy như vậy, tôi cũng hết cách. Tôi không phải bố của cô ấy, cũng chẳng phải thân thích họ hàng của cô ấy, cho dù giữ được thân cô ấy, liệu có giữ được trái tim của cô ấy? Đã như vậy, thì cứ để cô ấy hoàn toàn quyết định.
Mạnh Vân Phòng nói:
- Theo tôi thì việc ấy tốt chứ, không phải việc xấu đâu, lúc đầu nghe nói Triệu Kinh Ngũ và Liễu Nguyệt định đính hôn, trong lòng thấy không vui lắm, nhưng không nói ra được. Bây giờ cô ấy lấy thằng thọt, các anh xem xem, cái khó của thằng thọt còn ở sau này cơ!
Chu Mẫn nói:
- Thầy Phòng nói vậy là có ý gì?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Tôi nghe bà xã bảo, hôm đi tắm với Liễu Nguyệt, đã phát hiện Liễu Nguyệt là sao bạch hổ. Sao bạch hổ xung khắc với chồng, có thể giết chồng không dùng đến dao. Trong sách viết thế mà.
Triệu Kinh Ngũ nói:
- Các anh khỏi cần nói nữa, em cũng chẳng phải con người định huỷ hoại mình vì một người đàn bà. Con người ai cũng có chí hướng của mình, cô ấy không muốn lấy em, thì quả dưa cố vặn thường không ngọt. Em chỉ hận vì thân bất tài. Lại tiếc vì cô ấy quá coi trọng món lợi trước mắt. Hôm nay các anh đã đến đây, em xin nhận hết tấm lòng tốt, mong các anh ngồi chơi, em đi lấy mấy chai rượu về uống.
Trang Chi Điệp nói:
- Triệu Kinh Ngũ đã độ lượng như vậy, thì bọn tôi cũng yên tâm. Muốn uống rượu thì hôm nào đó đến chỗ tôi, chúng mình uống một trận cho thoải mái đã đời. Có điều hôm nay đang có việc gấp, cậu cũng nên đi với chúng tôi. Cậu có biết không, Uyển Nhi mất tích rồi.
Thế là kể lại đầu đuôi ngọn nguồn, song lại không đả động gì đến chuyện mất tích lúc Đường Uyển Nhi và mình đi xem phim. Chu Mẫn không nén được xúc động, oà khóc. Anh nói:
- Anh Ngũ ơi, chúng mình đang làm chuyện gì vậy? Người của anh bỏ đi, người của tôi thì mất tích. Chúng tôi gần như đã chà xát như chải lược dầy một lượt cả thành phố này, vẫn không có tăm hơi dấu vết gì. Tôi cứ sợ cô ấy gặp kẻ xấu, hoặc là đã bị hại, hoặc là bị mắc lừa đem đi bán!
Trang Chi Điệp nói:
- Cậu ăn nói vớ vẩn gì vậy, trong thành phố này, Đường Uyển Nhi không oán không thù, kẻ nào hại được cô ấy? Cô ấy là con người tinh khôn như vậy, lại bị mắc lừa để đem đi bán sao? Kinh Ngũ này, cậu có nhiều lối, quen biết các bè đảng trường phái, mình phải tìm cách đi tìm cô ấy mới phải.
Triệu Kinh Ngũ bảo:
- Tại sao không cho tôi biết chuyện này sớm hơn? Bây giờ bọn maphia thích làm những chuyện này. Tôi quen một người, nếu nằm trong tay bọn họ, thì có thể tám chín phần mười tìm ra.
Bốn người liền đi ra phố, vẫy một chiếc taxi đi thẳng về hướng phố mới ở phía Bắc. Đi tới phố mới, xuyên qua một ngõ nhỏ, đến một cửa hàng treo một vòng hoa nhỏ rất đẹp, Triệu Kinh Ngũ bảo ba người đợi trước cửa, rồi đi vào nói chuyện với một bà già đang cắt hoa giấy trong cửa hàng. Một lát sau đi ra bảo:
- Mục Tử đi vắng.
Mọi người hỏi:
- Mục Tử là ai?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
- Anh ta là nhân vật chắp nối cả hai con đường công khai và bí mật, thời trẻ đã theo học võ nghệ, có bản lĩnh ghê gớm.
- Chúng ta hãy ra phố ăn cơm đã, ăn xong lại đến.
Bốn người lại quay ra phố, đi vào một quán ăn, vừa mới bước đến cửa thì gặp Nguyễn Tri Phi và một cô gái ngồi xe phóng qua. Xe ngừng lại, Nguyễn Tri Phi ra khỏi xe nói với Trang Chi Điệp:
- Ái chà, đang định đi tìm anh, nào ngờ lại gặp ở đây. Anh xem tôi có may mắn không?
Mạnh Vân Phòng liếc cô gái ngồi trên xe, khe khẽ hỏi:
- Lại thay ca rồi hả?
Nguyễn Tri Phi đáp:
- Đâu có, đây là thư ký riêng của tôi. Thay ca làm gì, bây giờ chẳng chịu ly hôn! Hôm nay các cậu có thì giờ rảnh rỗi đi dạo phố à? Chúng mình định đi tuyển ba cô gái mốt thời trang, cùng lên xe với mình nhé! Hiện nay các tiệm ca múa đang ăn khách biểu diễn mốt thời trang, mình đã nhận vào bốn cô, đi xem giúp mình nhé?
Trang Chi Điệp đáp:
- Chúng tôi còn có việc quan trọng, anh đi đi.
Mạnh Vân Phòng đang định nhờ Nguyễn Tri Phi tìm Đường Uyển Nhi thì Trang Chi Điệp liền lườm một cái ra hiệu, Mạnh Vân Phòng thôi ngay. Nguyễn Tri Phi bảo:
- Các anh lén lút, lại định làm chuyện gì, vậy thì không quấy rầy nữa. Để hôm nào muốn xem những mốt này, sẽ gọi điện cho mình nhé.
Nói xong chui vào trong xe, nói với cô gái kia chuyện gì đó, rồi cười ngất, phóng xe đi. Bốn người đi vào quán cơm.
Trong quán rất đông khách, Triệu Kinh Ngũ phải xếp hàng mua vé. Trang Chi Điệp, Mạnh Vân Phòng và Chu Mẫn chọn một chiếc bàn ngồi xuống nói chuyện. Ở chiếc bàn bên cạnh có hai thanh niên cúi đầu thủ thỉ chuyện trò gì đó, liền trông thấy một gã đàn ông lực lưỡng, đầu tiên đứng trước cửa kính ngoài cửa sổ nhìn vào trong nhà. Trang Chi Điệp lúc đầu ngẩng lên nhìn, thấy cái mặt áp vào cửa kính bẹt hẳn đi, liền cảm thấy khó chịu, cúi xuống bảo Mạnh Vân Phòng:
- Kẻ vô công rồi nghề.
Anh liền quay lưng vào cửa kính, cố ý che lấp người đứng ngoài cửa sổ. Một lúc sau, gã đàn ông kia đi vào, dáng người không cao, nhưng cơ thể vuông vức chắc nịch, đến thẳng bên chảo bánh rán mua liền bốn chiếc, cũng không gói giấy, mỗi tay cầm hai cái, ngồi trước bàn hai chàng thanh niên kia. Hai chàng trai không nói nữa, đang định đứng dậy thì gã nọ giơ hai tay ra, hai tay vẫn cầm bánh rán, gã nói:
- Người anh em, phiền người anh em vén giúp ống tay áo.
Hai chàng trai nhìn gã, mỗi người lẳng lặng xắn một bên ống tay áo, ống tay đã vén lên, trong hai ống tay đều mang băng vải đỏ viết hai chữ "trị an" màu vàng. Hai chàng trai đều kêu ối một tiếng, quay người chạy, nào ngờ bốn chiếc bánh rán đã đập bôm bốp vào má của hai thanh niên. Gã nọ khẽ quát:
- Dám chạy hả? Nói thật đi, ví tiền trên chuyến xe khách ở bến thứ mười hai có phải bọn mày ăn cắp không?
Chàng trai đáp:
- Làm sao ông biết? Không, không phải ăn cắp mà là nhặt được.
Gã nọ bảo:
- Được, nhặt thì được. Bỏ ví tiền vào túi áo bên phải của ta, người mất ví tiền còn đang khóc ở đồn công an đấy!
Chàng trai bỏ ví tiền vào túi áo phải của gã nọ, còn bảo:
- Đại ca ơi, chúng em nhặt được thật mà, nhặt ở chỗ cửa xe.
Gã nọ bảo:
- Còn ngoan đấy, vậy thì cho đi, nếu lần sau còn nhặt nữa, thì gặp ta sẽ không như hôm nay đâu, cút, cài cúc áo lại tử tế, cút!
Hai thanh niên tự cài cúc áo, rồi cụng tay chào, quay người chạy mất. Gã nọ mỉm cười, cầm chiếc bánh trên bàn ăn. Pha vừa rồi làm cho Trang Chi Điệp, Mạnh Vân Phòng và Chu Mẫn mắt chữ i mồm chữ o. Mạnh Vân Phòng khẽ nói:
- Liệu anh ta có đưa ví tiền cho người mất không nhỉ?
Chu Mẫn đáp:
- Loại người này em có biết, đừng để anh ta nghe thế! Không làm gì được đâu.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Cậu biết anh ta làm gì?
Chu Mẫn đáp:
- Loại người lang thang này, đồn công an hay dùng. Năm nào còn ở huyện lỵ Đồng Quan em đã từng đóng vai này.
Trong lúc nói chuyện, thì Triệu Kinh Ngũ đã mua vé cơm mang đến, liền cất giọng hỏi:
- Mục Tử đấy à? Tìm anh bao nhiêu lâu sao anh lại ở đây!
Gã nọ phồng phồng một cục to ở má, lưỡi không gỡ ngay ra được, chỉ đưa chiếc bánh rán trong tay cho Triệu Kinh Ngũ. Triệu Kinh Ngũ không ăn, vui vẻ quay lại nói với Trang Chi Điệp:
- Mình đi tìm Mục Tử, Mục Tử liền ngồi ở cạnh mình! Mục Tử ơi, tôi xin giới thiệu, đây là nhà văn Trang Chi Điệp, đây là nhà nghiên cứu Mạnh Vân Phòng, đây là biên tập viên Chu Mẫn.
Cuối cùng Mục Tử cũng nuốt trôi miếng bánh, anh ta hỏi:
- Ai hả? Anh bảo ai hả?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
- Đây là Trang Chi Điệp, anh có biết không?
Mục Tử đáp:
- Anh nói họ tên chủ tịch tỉnh mình, có lẽ tôi không biết, anh bảo Trang Chi Điệp, tôi nói tôi không biết, người ngoài sẽ cười tôi không có văn hoá!
Bàn tay bám mỡ chùi lên bàn, chìa ra lần lượt bắt tay Trang Chi Điệp, Mạnh Vân Phòng và Chu Mẫn. Gã nói với Trang Chi Điệp:
- Nghe nói anh viết sách hay lắm, tôi đã mua mấy cuốn, nhưng tôi chưa đọc, vợ tôi đọc, cô ấy sùng bái anh. Có việc gì tìm tôi thế? Tìm tôi thật sao?
Triệu Kinh Ngũ đáp:
- Không tìm anh là gì? Không tin, cứ về nhà hỏi thím.
Mục Tử thò tay bám mỡ vào túi móc một nắm tiền, đưa cho Triệu Kinh Ngũ nói:
- Cứ coi như ngài Điệp tìm tôi, cũng là vinh hạnh cho tôi rồi, đi mua một chai rượu trắng, bọn mình uống!
Trang Chi Điệp bảo:
- Không cần đâu, con người hào phóng sảng khoái thế này, quả thật làm cho chúng tôi thoải mái, hôm nào mời anh đến nhà tôi uống nhé!
Triệu Kinh Ngũ ấn Mục Tử ngồi xuống, nói một lượt sự việc cần tìm gã giúp đỡ. Mục Tử nói:
- Vậy thì được, tôi đi gọi điện thoại hỏi xem.
Nói rồi ra khỏi nhà ăn, đi đến trạm điện thoại. Một lúc sau quay lại bảo:
- Hỏi cả khu đông khu nam, họ bảo không giữ người đàn bà này, cũng chưa gặp bao giờ. Khu bắc trả lời người này không cư trú ở địa bàn vùng họ, tôi không quen anh chàng Ba Đen ở khu tây. Tôi nói với Vương Vĩ ở khu bắc, không phải địa bàn của cậu cũng phải tra, bảo cậu ta đi tìm Ba Đen. Chờ lúc nữa sẽ trả lời điện thoại cho tôi.
Trang Chi Điệp nghe như nghe chuyện thần thoại, anh hỏi:
- Còn có phạm vi thế lực trong việc này sao?
Mục Tử đáp:
- Nước thì có ranh giới nước, tỉnh thì có đường phân chia địa phận tỉnh, nếu bị mất thứ gì không có thứ gì là không tìm ra. Nhưng đây là người sống, thì khó tìm đấy.
Mạnh Vân Phòng liền nổi hung lên, hỏi:
- Vừa rồi anh tóm hai thằng ăn cắp, thì tại sao anh biết được nó ăn cắp?
Mục Tử đáp:
- Tôi ở chỗ bến xe khách mười hai, vừa vặn gặp mọi người đang xuống xe, người xuống cuối cùng là một ông già kêu mất ví tiền, tôi liền để ý và đã nhìn ra hai tên ấy ăn cắp. Nghề nào có cái vị của nghề ấy, vị gì thì tôi biết nhưng không nói ra được.
Mạnh Vân Phòng nói:
- Đúng rồi, đây giống như cảm giác mà anh em sáng tác ta hay nói.
Đang nói chuyện thì cái máy nhắn tin trên người Mục Tử kêu píp píp. Mục Tử vừa nhìn hàng số đã nói:
- Có điện thoại rồi đấy.
Nói rồi liền đi ra. Cả bốn người đều hồi hộp. Không ai nói với ai. Khi thấy Mục Tử xuất hiện ở cửa, liền đứng dậy hỏi:
- Có tìm được không?
Mục Tử đáp:
- Thằng nhỏ ấy cũng bảo không có.
Nét mặt ai cũng nhăn nhó, ngồi xuống ăn quýnh quáng cho xong, rồi chia tay Mục Tử, đi về nhà Mạnh Vân Phòng.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Bây giờ làm sao đây, anh Phòng?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Hay ta báo với công an?
Triệu Kinh Ngũ nói:
- Không cần đâu, Mục Tử làm còn không ra, thì cục công an có cách gì được.
Trang Chi Điệp bảo:
- Đến nước này, thì thử bói xem, Vân Phòng ơi!
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Chuyện đùa vui thường ngày, mình có thể xem bói, nhưng đây là chuyện lớn, mình chịu thôi, không dám đâu. Hay để mình thử nhé. Thông thường người tìm dùng "thần số gia cát". Chu Mẫn ơi, cậu nói ra ba chữ xem nào.
Chu Mẫn nghĩ không ra. Mạnh Vân Phòng bảo:
- Phải đột nhiên nghĩ gì nói vậy cơ.
Chu Mẫn nói:
- Đá ở cửa. Em đột nhiên nhìn thấy hòn đá ở cửa nhà thầy đấy. Nguyên văn ba chữ là "Môn thạch đầu".
Mạnh Vân Phòng liền bắt đầu đếm số nét các chữ. Chữ cửa phải là chữ cửa không viết tắt, có chín nét. Chữ đá năm nét, chữ đầu không viết tắt có mười sáu nét, bỏ mười nhân sáu, tạo thành chín trăm năm mươi sáu, sau đó trừ ba trăm tám mươi tư, tra chữ thứ nhất, sau đó lại cộng đi cộng lại ba trăm tám mươi tư, cuối cùng đã đem các chữ đã tra nối thành một bài từ "đông giáp cõi nước, có một rừng đào. Tiếng chim gọi nhau về buổi tối, mây che trăng mờ".
Mọi người đều bồn chồn. Trang Chi Điệp bảo:
- Ở phía Đông, phía đông thuộc đâu nhỉ? Nếu ở trong thành thì là khu thành đông. Nếu ở ngoại thành thì là phía đông, ở vùng ngoại ô phía đông là nơi nào nhỉ?
Chu Mẫn đột nhiên bảo:
- Liệu có về Đồng Quan không? Đồng Quan ở phía đông.
Triệu Kinh Ngũ nói:
- Rất có thể, Chu Mẫn còn có người anh em nào ở Đồng Quan không?
Chu Mẫn đáp:
- Người anh em thì nhiều.
Triệu Kinh Ngũ giục:
- Vậy thì anh gọi thẳng điện thoại từ đây về hỏi xem.
Chu Mẫn nói:
- Cô ấy không có dấu hiệu định về Đồng Quan. Cho dù có về, cũng phải nói với tôi một tiếng chứ!
Anh bắt đầu gọi điện thoại. Gọi một lúc lâu thì gọi được, quả nhiên Đường Uyển Nhi đã về Đồng Quan. Bọn anh em ở đó nói, Đường Uyển Nhi trở về Đồng Quan, cả huyện lỵ ai cũng biết tin, họ bảo Chu Mẫn lừa được con gái nhà lành trốn vào Tây Kinh, anh chồng Đường Uyển Nhi thuê người thuê xe đi Tây Kinh tra hỏi bảy ngày bảy đêm, nào ngờ đã phát hiện ra ở một rạp chiếu bóng. Chồng cô và một người nữa thuê một cái xe taxi đậu ở cổng rạp, cử một người nữa vào rạp cắp cô ấy ra.
Đường Uyển Nhi nhận ra người này, hỏi người ta chuyện đứa con, người này liền dẫn cô ta ra ngoài nói chuyện. Ra đến ngoài rồi, chồng cô ta và một người khác liền cướp cô ta, tống vào xe taxi, lấy khăn nhét vào mồm, trói chặt tay chân bằng dây thừng, phóng một mạch về Đồng Quan. Chu Mẫn nói lại chuyện này cho mọi người nghe, thì Trang Chi Điệp khóc đầu tiên. Anh bảo:
- Làm như vậy là đối xử với người có tội rồi. Vậy thì cô ấy về, không biết phải chịu tội như thế nào nữa. Chu Mẫn này, cậu lập tức ra bến xe mua vé về Đồng Quan xem thế nào, cậu phải cứu cô ấy ra, nhất định cậu phải cứu cô ấy ra.
Chu Mẫn ngồi đực ra tại chỗ, không nói sao, chẳng khác gì cây cà chua bị sương muối phá tơi tả.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Thế nào, cậu không định đi hả?
Chu Mẫn đáp:
- Điều mà em lo lắng ngày đêm là sợ sẽ như vậy. Bọn họ đã tìm ra được cô ấy từ Tây Kinh đem về, em sợ đi về, ngay đến gặp cô ấy cũng không gặp nổi.
Trang Chi Điệp mắng:
- Cậu nói thối chết đi được! Vậy thì ngày ấy sao cậu đem cô ấy đến đây? Một người đàn ông như cậu ngay đến một người đàn bà cũng không bảo vệ nổi hay sao? Đường Uyển Nhi mù thật sự, đã uổng công yêu cậu.
Chửi xong, thì Chu Mẫn giơ nắm tay đánh vào đầu mình, Trang Chi Điệp cũng giơ quả đấm thụi vào đầu mình.
Ngưu Nguyệt Thanh đi về ở bên Song Nhân Phủ. Khu đất trũng ở Song Nhân Phủ đã bắt đầu cải tạo. Mấy ngõ phố ở đầu phía bắc người đã dọn đi. Bà già hoảng sợ. Sang tháng sau, sang mùa đông sẽ đến lượt bà chuyển đi. Vậy thì không bao giờ còn có cái ngõ cục quản lý nước này và cái nhà sàn giếng cổ kia. Bà già đem những cái bỉên nước bằng xương ra ngắm nghía một ngày mấy lần, làu bàu kể cho con gái nghe chuyện đời xưa đời nay, lúc thì chuyện người, lúc thì chuyện ma, chuyện người chuyện ma lẫn lộn làm một. Ngưu Nguyệt Thanh chăm sóc mẹ già, nhưng trái tim thì không lúc nào là không dành cho Trang Chi Điệp. Đi khỏi khu nhà hội văn học nghệ thuật, không có sự quấy rầy nhiều nữa, đáng lẽ chị có thể bình tĩnh suy nghĩ lại sự việc của hai vợ chồng, nhưng trước cảnh thanh vắng, thì con người đã quen với ồn ào nhộn nhịp, xét cho cùng lại đâm ra có phần hiu quạnh. Chị rời khỏi căn nhà ấy trong tâm trạng tức giận, đã thề không bao giờ gặp lại anh ấy nữa. Nhưng bây giờ đã đi xa anh ấy, chị mới biết mình yêu anh ấy như thế nào. Chị dự đóan Trang Chi Điệp về đến nhà, đọc xong bức thư dài kia sẽ có phản ứng như thế nào, sẽ nổi giận đùng đùng hay đau khổ không thiết sống nữa? Nếu như vậy, thì anh ấy sẽ nhanh chóng sang bên này, than khóc và kể lại với chị cái nguyên nhân của sự việc, hối hận về sự sai sót của mình, thề sẽ chia tay với Đường Uyển Nhi. Chị nghĩ tới lúc ấy, chị sẽ đẩy anh ra ngoài nhà, dùng chổi quét rác tung bụi lên xỉ vả anh, hắt một chậu nước bẩn lên người trừng phạt anh. Chị làm như vậy, mẹ chị sẽ can ngăn, chị phải cãi nhau với mẹ, sau đó mắng anh trước mặt mẹ, lấy tay rứt tóc anh, cho đến khi trút hết giận trong bụng, thì chị sẽ có thể chấp nhận anh.
Nhưng Trang Chi Điệp không đến, ngay một cú điện thoại cũng không gọi. Có lẽ nào điều Trang Chi Điệp trông mong lại chính là điều này? Anh ấy luôn luôn tìm cớ ly hôn, lại nghĩ mình không nói ra, chỉ dày vò tới mức để chị phải nói ra, tự mình làm, là trúng ngay ý định của anh ấy chứ gì? Ngưu Nguyệt Thanh lại nghĩ, có lẽ Trang Chi Điệp tức giận thật, tuy thường ngày anh ấy hiền lành, nhưng bướng bỉnh cố chấp, phải lấy cứng chọi cứng, chỉ chờ chị lại trở về bên này, mới chịu cúi đầu thì sao? Anh ấy là danh nhân, thường ngày mọi người đều kính nể, ở trong gia đình chị cũng đã quen, anh đã làm tổn thương đến chị, lại còn định bắt chị vỗ về vuốt ve, mới chịu quay lại chăng? Mấy lần Ngưu Nguyệt Thanh định sang bên nhà ở khu hội văn học nghệ thuật xem sao, nhưng đi đến giữa đường, chị lại quay về. Chị e làm như vậy liệu Trang Chi Điệp càng có ác cảm hay không? Cứ tưởng Ngưu Nguyệt Thanh này không rời được anh, mà mình về như thế này, thì hôm ấy việc gì phải viết bức thư dài như thế để lại ra đi!
Ngưu Nguyệt Thanh gọi điện thoại cho Mạnh Vân Phòng. Mạnh Vân Phòng đã biết chuyện này, trong điện thoại đã mắng chị giải quyết vấn đề không sáng suốt lắm, tại sao chị bỏ nhà đi không về nữa? Tại sao lại nêu ra đòi ly hôn? Chị điên tiết lên, nói trong điện thoại:
- Tại sao anh rặt bảo tôi sai, cho dù tôi xử lý vấn đề không tốt, thì anh ấy làm việc xấu xa kia là đúng ư? Đi ra ngoài lăng nhăng thì vợ còn phải cung kính anh ta như cũ sao? Anh ấy là danh nhân thì đương nhiên các anh chỉ được bảo vệ anh ấy, cái nhọt trên người anh ấy cũng đẹp tươi như hoa đào chứ gì?
Trút giận xong, chị quẳng ống nghe xuống. Chị cứ tưởng kỳ này Mạnh Vân Phòng cũng trở nên độc ác, không ngờ tối hôm ấy Mạnh Vân Phòng lại sang nhà, vừa bước vào đã cười với chị, anh bảo anh sang nghe chị chửi mắng đây. Thế là chị nói chuyện với anh. Chị bảo chị không sao hiểu nổi, người khác làm việc gì cũng bình an vô sự, mà Trang Chi Điệp đáng thương chỉ động đến Đường Uyển Nhi đã làm cho người tuy chưa chết, song gia đình đã tan vỡ.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Anh còn hiềm anh ấy sa đọa chưa đủ ư?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Nhưng tôi có thể nói, trong phạm vi văn hoá của thành phố này, Trang Chi Điệp coi như tốt nhất.
Ngưu Nguyệt Thanh ngẫm nghĩ một lúc rồi nói:
- Nhưng rút cuộc thì anh ấy không giống người khác, nếu anh ấy như Nguyễn Tri Phi, có xảy ra chuyện gì cũng chẳng ai bảo sao, nhưng hình tượng anh ấy trong con mắt và trái tim mọi người là thế nào mới được chứ? Là một người cao lớn, đứng đắn mà để xảy ra chuyện này thì ai tiếp thu nổi cơ chứ? Làm thế không những anh ấy huỷ diệt bản thân, mà còn huỷ diệt biết bao nhiêu người nữa? Tuy anh ấy không bỏ đi ra ngoài, nhưng đêm nào anh ấy cũng ngủ ở phòng khách, tuy không nêu ra ly hôn, nhưng đấy chỉ là vấn đề thời gian. Đã như vậy thì việc gì tôi phải bám vào anh ấy?
Mạnh Vân Phòng nói:
- Về đỉêm này chị nói rất đúng. Người khác ra ngoài gái gụ chỉ là gặp thì chơi cho vui mà thôi. Nhưng Trang Chi Điệp thì dành tình cảm thật sự. Anh ấy đúng là người thật thà. Anh ấy đi lại như vậy với Đường Uyển Nhi, tôi không tán thành lắm đâu, điều tiết một chút đời sống, thì được, chứ làm tới mức ấy, thì có khác gì với vợ mình?
Ngưu Nguyệt Thanh nghe xong, trong lòng buồn bã, chị nói:
- Ý anh nói là để anh ấy ra ngoài bậy bạ, gặp ai yêu người đó, yêu người này bỏ người kia, về nhà lại nói dối, dỗ dành tôi chứ gì?
Mạnh Vân Phòng nói:
- Hôn nhân là hôn nhân, tình yêu là tình yêu, hai chuyện ấy khác nhau, nhưng lại là thống nhất. Đừng tưởng Trang Chi Điệp sống ở thành phố này mấy chục năm, nhưng anh ấy chưa có tư duy hiện đại. Ở thành phố, mà vẫn còn nguyên ý thức con người nhà quê.
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Điều mà tôi cần là hôn nhân, là tình yêu, tình yêu là hôn nhân!
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Về điểm này chị và Trang Chi Điệp thường phản đối tôi, nhưng tình hình hiên thực thì như thế nào? Chẳng phải các bạn đang sa vào tình trạng đau khổ to lớn đó ư?
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Vân Phòng ơi, chúng mình không nói nữa, có nói cũng chẳng thông thoát được đâu mà. Nếu anh uống nước, tôi sẽ rót cho anh, nếu không uống, thì anh cứ đi làm chuyện khác của mình.
Mạnh Vân Phòng ngượng chín mặt, song đã cười hì hì:
- Ái chà, chị đuổi tôi đấy à? Nhưng tôi không đi đâu. Tôi đã ăn cơm nhà chị quen rồi. Hôm nay vẫn phải ăn cái đã rồi đi đâu mới đi!
Ngưu Nguyệt Thanh nghẹn ngào khóc bởi nỗi lo phiền hoảng hốt của mình. Mạnh Vân Phòng thấy chị khóc càng đau lòng, liền nói:
- Nguyệt Thanh này, tôi là kẻ thối mồm, nói những điều ấy có lẽ chị không thích nghẹ nhưng từ đáy lòng, tôi đồng tình với chị. Chi Điệp cũng đã nói với tôi chị bỏ nhà ra đi, tôi đã phê bình anh ấy. Tôi bảo Chi Điệp này, nói về lương tâm, thì Ngưu Nguyệt Thanh là một người vợ tốt, chị ấy sống với anh đã hơn mười năm lại không sai trái gì quá mức, anh có yên tâm không?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Tôi không cần đồng tình, tôi cũng có thể nhìn ra, sở dĩ Trang Chi Điệp không chủ động nêu ra ly hôn là đồng tình với tôi là suy nghĩ tới con đường sau này của tôi. Xét từ điểm này, thì anh ấy là một người còn có lương tâm. Nhưng tôi cần đồng tình ư? Điều tôi cần là tình cảm! Tôi không phải không yêu anh a, chính vì tôi còn yêu anh ấy, tôi mới để cho anh ấy trọn vẹn, để anh ấy đi lấy Đường Uyển Nhi.
Mạnh Vân Phòng hỏi:
- Anh ấy lấy Đường Uyển Nhi ư? Chị không biết đấy thôi, Đường Uyển Nhi đã bị anh chồng cũ bắt giải về Đồng Quan.
Ngưu Nguyệt Thanh ngẩn người ra một lát rồi nói:
- Con cáo ngứa nghề ấy, nó còn có hôm nay ư, nó đã hại người ta đủ rồi. Nó về Đồng Quan rồi sao?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Đừng chửi Đường Uyển Nhi nữa, cô ta cũng đáng thương lắm.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Nó còn đáng thương ư, con mụ dâm đãng lẳng lơ ấy!
Mạnh Vân Phòng nói:
- Đường Uyển Nhi đi rồi, thì các bạn hãy trở về chung sống tử tế với nhau! Tuy việc này có làm tổn thương đến tình cảm của nhau, phải có một thời gian khôi phục lại, nhưng tôi cảm thấy chỉ có hai bạn hoà hảo với nhau, thì mới có lợi với mọi người, như vậy thì Mạnh Vân Phòng này, sau đây có đến cũng có chỗ ăn cơm uống nước chứ!
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Anh có đến, tôi vẫn cho ăn cho uống, chỉ sợ sau này anh không bao giờ đến nữa!
Mạnh Vân Phòng nói:
- Tôi có ăn có uống hay không là chuyện vặt, nếu hai bạn ly hôn, chị giải thóat được nỗi đau nhất thời này, vậy thì sau này sẽ hạnh phúc hay sao?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Anh ấy ly hôn xong, cho dù không lấy được Đường Uyển Nhi đi chẳng nữa, thì với địa vị và thanh danh của mình, anh ấy có thể lấy được gái mười tám, cũng có thể lấy được gái hai mươi, anh ấy không thể không hạnh phúc. Tôi không tìm được một người chồng danh nhân, nhưng tôi nghĩ, cũng có thể lấy được một công nhân, một viên chức nhỏ tầm thường. Có lẽ, tôi cũng chẳng lấy ai cả, tôi sẽ sống với mẹ tôi.
Mạnh Vân Phòng nói:
- Sao chị cố chấp thế! Trong xã hội cũ, một chồng nhiều vợ, dễ chừng những người làm vợ chết ráo cả hay sao? Chỉ cần chị chịu tha cho anh ấy lần này sẽ do tôi khuyên bảo! trước kia tôi đã nói, mặc dù thế nào đi chăng nữa, thì cũng không thể mất căn cứ địa. Đừng như tôi bây giờ, lúc đầu giận con người kia đến chết đi được, lấy vợ khác, lại cảm thấy không bằng vợ trước. Hiện giờ đêm nằm mơ tôi thường mơ thấy mẹ của Mạnh Tần, ngược lại chưa có lần nào nằm mơ thấy Hạ Tiệp.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Anh vẫn cứ muốn anh ấy bắt cá hai tay ư? Uổng công anh đã góp ý thiu thối này cho anh ấy!
Mạnh Vân Phòng tắc nghẹn, không biết nói thế nào nữa. Ngưu Nguyệt Thanh liền bảo, chị đã buồn ngủ, đuổi Mạnh Vân Phòng đi ra khỏi buồng riêng.
Mạnh Vân Phòng ngượng nghịu chỉ cười trừ, đi ra, nhưng bà mẹ ngồi ở phòng khách hỏi:
- Anh chị nói gì như ma đọc kinh thế? Tai tôi nghễnh ngãng rồi, chỉ nghe thấy nói ai đi mất thôi?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Mẹ ơi, con người ta tai nghễnh ngãng một chút hay hơn lẩn thẩn một chút càng tốt. Đường Uyển Nhi đi mất rồi, mẹ còn nhớ không? Người đàn bà của Chu Mẫn ấy mà. Cô ấy đã đi mất mấy hôm nay chưa về.
Bà già bảo:
- Tôi đã bảo lúc đi ngủ ôm đôi giày vào lòng, các người có ai chịu nghe đâu? Bây giờ Đường Uyển Nhi đi mất rồi, đối với người đàn bà thì quan trọng là đôi giày. Khi đi cô ta đi giày màu gì?
Mạnh Vân Phòng đáp:
- Nghe nói là đôi giày da cao gót màu đen, bà ạ.
Ngưu Nguyệt Thanh gàn mẹ:
- Mẹ ơi, mẹ, sao mẹ nói lắm thế.
Mạnh Vân Phòng lại cười và bảo:
- Vậy tôi về nhé!
Nói xong cũng bước ra khỏi cửa ra về. Mạnh Vân Phòng vừa đi khỏi, Ngưu Nguyệt Thanh lại nghĩ, mình có nên tha thứ cho Trang Chi Điệp hay không, huống hồ Đường Uyển Nhi đã ra đi. Nhưng chị lại nghĩ, rõ ràng Trang Chi Điệp đã ác cảm với mình từ trong trái tim, bây giờ mình đã viết lá thư đó, anh ấy lại đẩy Mạnh Vân Phòng đến nói những lời như vậy, chắc chắn anh ấy càng muốn xa lánh mình. Cho dù Đường Uyển Nhi đã ra đi, biết đâu sau này Trang Chi Điệp lại còn có những Trương Uyển Nhi, Lý Uyển Nhi khác. Đã như vậy thì đau đớn lâu dài chẳng bằng đau đớn trong thời gian ngắn. Thôi, thôi, thôi! chị đã cắn răng sắt đá như vậy nhưng vẫn thắc mắc tại sao Trang Chi Điệp lại ác cảm với mình, mình đã từng phản bội anh ấy ư? Lính hầu hạ anh ấy không chu đáo ư? Điều này chỉ chứng tỏ Trang Chi Điệp không còn là Trang Chi Điệp trước kia. Ngưu Nguyệt Thanh này là số phận bi thảm thế đó.
Liên tục mấy ngày, Mạnh Vân Phòng lại đến, hơn nữa Triệu Kinh Ngũ cũng đến, vợ chồng Uông Hy Miên cũng đến. Họ đều đến khuyên giải thuyết phục. Nếu Trang Chi Điệp đích thân đến nhận sai xin lỗi chị, thì còn được, nếu tất cả bạn bè người quen đều không hỏi han đếm xỉa gì đến chuyện này, thì cũng thôi, nhưng Trang Chi Điệp thì mất tăm mất tích, còn bạn bè người quen, thì thay nahu đến gây sức ép nên Ngưu Nguyệt Thanh phải xử cứng chứ không xử nhũn, trái tim càng ngày càng buồn phiền, lời nói càng ngày càng căng cứng, sau đó thì ai đến khuyên giải, ngay đến gặp mặt chị cũng không gặp nốt. Trong mấy hôm biếng ăn, mất ngủ liên miên, người chị gầy rạc hẳn đi, tóc cũng rụng từng nắm. Mỗi buổi sáng soi gương, nhìn thấy dáng dấp của mình, chị nghĩ tóc cứ rụng mãi thế thì sẽ thành con mụ đầu trọc long lóc mất tho6i, nửaa cuộc đời về sau này sống càng thảm hại hơn, bỗng chốc hoàn toàn thất vọng, liền nghĩ tới Tuệ Minh ở am ni cô. Một buổi hoàng hôn, ráng đỏ như cháy, chim chóc nháo nhác trên mặt tường thành, cuối cùng Ngưu Nguyệt Thanh đã đi vào am ni cô. Trên cổng am có dán một tờ giấy đỏ, trên đó viết "Mồng một có lệnh tung thả ma đói,. Nội dung ma đói: Người sống trừ tai tránh nạn, sống lâu, sung sướng tốt lành như ý…Kẻ chết thoát nỗi khổ địa ngục hoá kiếp sang thế giới cực lạc…."
Ngưu Nguyệt Thanh không hiểu ma đói là gì, cứ thế đi vào, nghe thấy trong điện Quan âm râm ran tiếng chuông tiếng mõ, chẳng qua cùng vào xem cho vui, chị đi thẳng vào trong vườn nho bên phải, đẩy cánh cửa một ngôi nhà nhỏ độc lập. Tuệ Minh đang ngồi bên trong, bôi xoa nước thuốc gì đó lên đầu. Đầu Tuệ Minh rất tròn, tóc rất thưa. Thấy Ngưu Nguyệt Thanh đi vào, vội chào hỏi mời ngồi, hai tay vẫn bôi xoa nước thuốc trên đầu. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Chị đang làm phép công gì vậy?
Tuệ Minh đáp:
- Công mọc tóc đấy.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Công mọc tóc ư? Người đi tu ai cũng cạo trọc đầu, sao chị còn làm phép mọc tóc hay không mọc tóc?
Tuệ Minh đáp:
- Đều là chỗ quen biết, xin kể để chị nghe. Người đi tu ai cũng cạo đầu thành sư, nhưng tôi ngày xưa không có tóc để cạo, nên mới đi tu đấy. Khi tôi mười tám tuổi, tóc đậm mượt mà, nào ngờ mùa hè năm ấy mái tóc rụng hết. Một người đàn bà không có tóc thì còn gì là đàn bà hả chị? Suốt nửa năm trời tôi không dám ra khỏi cửa. Sau đó mới dứt khoát đến núi Chung Nam làm ni cô. Rồi sau nữa mới vào học viện Phật học. Nhưng bây giờ tôi lại cần có tóc, tôi muốn đầu mình mọc tóc, rồi lại cạo đầu. Đây là thuốc mọc tóc do Bắc Kinh sản xuất, nó có tác dụng đáo để.
Ngưu Nguyệt Thanh nói:
- Tôi thì lại muốn mái tóc dài này trong một đêm rụng hết, cũng đến đây theo chị làm ni cô.
Tuệ Minh cười đáp:
- Cho dù tóc chị có rụng hết, thì xem ra cũng giống tôi đi tu ngày nào. Đời thường cũng thế, đi tu cũng thế. Xét cho cùng đàn bà vẫn là đàn bà. Đàn bà liệu có thiếu được đàn ông không? Đàn bà làm sao có thể giải thoát khỏi đàn ông hả chị? Nông dân gặt lúa mạch, thì phải thu rơm mạch, áo rồng chăn điện có dám bảo ở trong không có rận?
Ngưu Nguyệt Thanh đáp:
- Thực tình là như vậy.
Tuệ Minh hỏi:
- Chị thấy ni cô như tôi mà còn dùng thuốc mọc tóc có cảm thấy lạ không? Nhưng điều tôi thấy lạ là tại sao chị cũng nghĩ là phải đến am ni cô! Thầy Điệp là nhân vật như thế nào, người khác có nỗi buồn phiền, phải chăng chị cũng có nỗi buồn phiền?
Đột nhiên Ngưu Nguyệt Thanh nhỏ hai giọt nước mắt, song không nói câu nào. Tuệ Minh thấy chị như vậy cũng không hỏi dồn, rót nước trà hai người cùng uống rồi tiễn ra tận cổng mới chia tay.
Ba ngày sau Ngưu Nguyệt Thanh lại đến am ni cô, nhưng Tuệ Minh vẫn ngồi trong chăn, nói:
- Tôi biết chị sẽ đến nữa mà. Tôi đã gọi điện thoại hỏi Mạnh Vân Phòng. Anh ta sợ tới mức kêu ầm lên trong điện thoại, bảo tôi khuyên can chị nhiều hơn. Tôi việc gì phải khuyên, chị đến xin đi tu cũng được. Mỗi người đều có chí hướng riêng, khuyên cũng chẳng được. Nhưng tôi cũng có thể nói với chị, chỉ có mình mới giải thóat được mình. Lúc mới đầu đi tu, tôi cứ tưởng đi tu là vạn sự thanh thản. Nhưng đã vào cửa Phật mới biết không phải tuỳ tiện làm ni cô được đâu, nếu như vậy thì nhà chùa là trại lánh nạn và Phật cũng không thánh thiện trong sạch được nữa. Tôi rất hiểu trái tim cánh đàn ông. Có mới nới cũ, ưa của lạ, thay đổi xoành xoạch như chong chóng là bẩm tính của họ. Thế giới này vẫn là thế giới của đàn ông . Đàn bà giống như đứa trẻ con của người lớn. Người lớn vui vẻ thì đến nô đùa với trẻ con, để trẻ con chia vui với họ, Khi người lớn buồn khổ thì cũng đến đùa với trẻ con, hoặc chửi mắng trẻ con, coi trẻ con là cái thùng trút giận, hay cái máy khử giận, để chia sẻ nỗi buồn phiền, hoặc đẩy sạch nỗi buồn phiền sang trẻ nhỏ. Bảo đàn bà là nửa bầu trời, đàn bà có thể lên trời, có thể xuống đất, rút cuộc có bao nhiêu? Trong các cửa hàng đầy của thành phố đang bán nhan nhản nào quần áo của đàn bà, nào đồ mỹ phẩm của đàn bà, dường như mọi thứ ngoài xã hội đều phục vụ đàn bà. Nhưng tất cả những cái đó đều vì cái gì mới được chứ? Chẳng phải để đàn bà chưng diện cho thật đẹp, cung phụng cánh đàn ông thưởng thức tiêu dùng đó sao? Trong thế giới mà đàn ông làm chúa tể này, đàn bà phải hiểu đây là thế giới của đàn ông lại phải sống cho tốt. Khi chưa cưới, thì để người khác thích, lúc cưới rồi, thì để chồng cưng chiều, đàn bà phải luôn luôn điều chỉnh bản thân, làm phong phú bản thân, sáng tạo ra bản thân, mới có thể dành quyền chủ động, mới có thể đứng ở vị trí không bị loại bỏ. Nếu lấy sắc đẹp làm vui đàn ông, thì sắc đẹp thường phai nhạt đi theo thời gian, mà sắc đẹp ở trên đời, thì muôn hình muôn vẻ, một mình bạn làm sao thoả mãn nổi cái dạ dày tham lam đầy ngũ cốc còn muốn xơi cả sáu vị của đàn ông. Nếu tất cả đều cứ xoay như chong chóng theo đàn ông, tất cả của đàn ông là tất cả của mịnh thì rút cuộc bạn chỉ có thể sống chẳng ra sao, bị người ta ruồng bỏ. Khổng Tử nói chỉ có đàn bà và tỉêu nhân khó nuôi, thật ra đàn ông khó nuôi nhất. Bạn xa anh ta không được, bạn gần anh ta lại phiền. Đối với đàn ông, đàn bà phải như gần như xa, y như con trạch để khi anh ta nắm trong tay, thì bạn lại rơi tuột xuống, y như một hạt dưa, ăn vào miệng rồi, nước bọt ứa ra thòm thèm mà lại không sao ních đầy bụng. Như vậy, đàn ông có một cảm giác hay hay đối với bạn, sẽ theo đuôi bạn dũng cảm như ruồi nhặng. Cho nên đàn bà phải sống vì mình, sống nhiệt tình đam mê, phải sống có mùi vị, có như thế mới là người đàn bà biết sống thật sự trong thế giới đàn ông này.
Tuệ Minh cứ thao thao bất tuyệt nói một lô một lốc như vậy, trong lòng Ngưu Nguyệt Thanh cứ sôi lên sùng sục, lúc thì cảm thấy chị ấy đang nói Đường Uyển Nhi, tại sao Đường Uyển Nhi sống tới mức ai ai cũng cưng chiều, phải chăng Đường Uyển Nhi biết những điều này? Lúc thì cảm thấy chị ấy đang nói mình, mình không được cưng chiều là do mình không hiểu được cái lý do đó hay sao?
Nhưng điều mà Ngưu Nguyệt Thanh không ngờ là Tuệ Minh còn trẻ, lại là ni cô, mà hiểu nhiều chuyện về đàn ông và đàn bà như vậy. Chị nói:
- Tuệ Minh sư phụ này, chị nói ra được những điều ấy tôi ngạc nhiên thật đấy.
Tuệ Minh hỏi:
- Vậy ư? Nếu tôi nói tiếp, chị sẽ chết khiếp cho mà xem
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Chuyện gì mà khiến tôi chết khiếp hả chị?
Tuệ Minh đáp:
- Vậy thì được, chị đã tin tưởng coi trọng tôi, đến đây với tôi, tôi cũng nói hết với chị. Chị không cảm thấy hôm nay tôi ngồi trên giường nói chuyện với chị là mất lịch sự hay sao? Tôi đã phá thai được hai ngày.
Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Phá thai ư?
Tuệ Minh đáp:
- Chị khép cửa vào, đừng để ni cô khác nghe thấy. Vâng, phá thai, chị nên đánh giá tôi bằng con mắt như thế nào, có lẽ chẳng bao giờ chị còn đến gặp tôi nữa, phải không? Nhưng đó là sự thật, hễ tôi phát hiện trong người mình khang khác, lại tự pha thuốc nam phá đi. Thôi nhé, bây giờ chị có thể đi về được rồi.
Ngưu Nguyệt Thanh quả thật không biết còn định nói với Tuệ Minh điều gì nữa. Chị hồi hộp không dám nhìn Tuệ Minh, không phải chị sợ Tuệ Minh khó xử, mà là mình xấu hổ. Chị nghẹn ngào, quả thật đã đứng dậy ra về.
Vừa đúng bảy ngày, Ngưu Nguyệt Thanh báo cáo đơn vị xin nghỉ ốm, ở lì trong nhà không đi đâu. Sau khi xảy ra chuyện bê bối giữa Trang Chi Điệp và Đường Uyển Nhi, thì điều chị cảm thấy đau khổ nhất là người chồng yêu quý của mình lại như vậy, mà bây giờ, Tuệ Minh đi tu cũng phá thai, vậy thì trên đời này thì có gì là thật nữa? Còn có gì là tin tưởng, để sùng bái, để tín ngưỡng nữa? Suy nghĩ như vậy mà không tìm ra câu giải đáp thì quả nhiên bản thân lâm bệnh quỵ ngã là phải. Trên người chị bắt đầu tróc da, lúc đầu chị không chú ý, sau đó khi đi tâ t vào, trong ống tất có nhiều thứ như vỏ lúa mạch, sáng dậy phủi giường chiếu cũng thấy có, liền cảm thấy toàn thân ngứa ngáy khó chịu vô cùng. Cởi quần áo ra mới nhìn thấy rõ da mình sần sùi, giống như vằn da rắn, giống như vết vỏ cây. Buổi tối chị cởi hết quần áo ra, dùng bàn chải xoa toàn thân, kỳ rửa hết lần này đến lượt khác. Bước sang ngày thứ tám, chị lại đi làm việc, chị về muộn lắm, mẹ chị chặn con gái ở cửa ngắm nghía mãi. Ngưu Nguyệt Thanh hỏi:
- Mẹ ơi, mẹ làm gì vậy? Không nhận ra con ư?
Bà mẹ đáp:
- Mẹ không nhận ra con thật mà. Con làm sao vậy hả con?
Ngưu Nguyệt Thanh cười đáp:
- Mẹ ơi, vậy thì mẹ nhìn lại con, con xinh đẹp lên hay xấu xí đi hả mẹ?
Bà mẹ đáp:
- Lông mày đen ra, tàn nhang trên mặt cũng đi đâu hết cả rồi?
Ngưu Nguyệt Thanh bảo:
- Vậy thì tốt.
Chị nói với mẹ, chị đi vào thẩm mỹ viện, lông mày đen là kẻ vẽ thêm, còn tàn nhang thì dùng một loại thuốc tẩy đi. Từ nay về sau, mỗi ngày phải đi một lần, đi bảy ngày liên tục thì tẩy sạch hoàn toàn. Chị còn phải đi đắp sống mũi, con phải là hết nếp nhăn trên trán, còn phải rút mỡ thừa trong bụng, còn phải làm gầy hai chân đi. Chị nói tới mức mẹ già ngạc nhiên bảo:
- Vậy thì cả người chẳng còn chỗ nào là con gái mẹ nữa, phải không?
Từ đó ngày nào bà cũng làu bàu, bà bảo con gái không phải là con gái của bà, là đồ giả. Đêm đã nằm ngủ bà còn lấy tay sờ lông mày sống mũi và cằm của Ngưu Nguyệt Thanh, cứ thế bà hoài nghi tất cả. Hôm nay bà bảo tivi không phải là cái tivi vốn có, mà bị người ta thay đồ dởm, ngày mai bà lại bảo cái nồi không phải là cái nồi ngày trước, ai đã thay đồ giả, phàm những bà con láng giềng thân thích đến nhà, bà cũng thường không tin là láng giềng thân thích thật sự. Sau đó liền bảo, bà có phải bà hay không, cứ thế hỏi xồn xồn Ngưu Nguyệt Thanh.
Trang Chi Điệp chửi Chu Mẫn phải về Đồng Quan cứu Đường Uyển Nhi, về đến nhà thì Ngưu Nguyệt Thanh đã bỏ đi. Trong phút chốc gà bay trứng vỡ, anh đã sa vào cảnh cô đơn thê thảm. Đối với việc ly hôn mà Ngưu Nguyệt Thanh nêu ra, trước khi Ngưu Nguyệt Thanh nêu ra chuyện này, Trang Chi Điệp hận chẳng thể ly hôn được ngay, nhưng khi lá thư đòi ly hôn để ở trước mặt, thì quả thật Trang Chi Điệp lại thấy hết sức ngạc nhiên. Sau khi đọc bức thư, anh cười một tiếng rõ to, đi pha một ly cà phê đặc để uống, chợt cảm thấy nhẹ nhõm cả người. Nhưng rồi ngồi một mình trong phòng một ngày, liền cảm thấy trống trải khó chịu, mở to băng nhạc đưa đám tới nấc to nhất, anh ngả người xuống giường, lặng lẽ nghĩ. Trong những ngày trước đây, mỗi lần ăn nằm viết Đường Uyển Nhi và Liễu Nguyệt, thậm chí với A Xán, lúc trở về nhà liền hy vọng Ngưu Nguyệt Thanh có thể chửi anh giận anh. Nhưng Ngưu Nguyệt Thanh mặc kệ anh, anh lại cảm thấy đau khổ, nếu Ngưu Nguyệt Thanh hết lòng chăm sóc anh, thì trong lòng anh lại cảm thấy có lỗi với chị. Anh không chỉ một lần mong ngóng kết thúc sự dày vò này. Bây giờ đã kết thúc, song trỗi dậy trong trái tim anh lại là những cử chỉ đẹp đẽ tốt lành của Ngưu Nguyệt Thanh trước kia. Trang Chi Điệp nghĩ tới nhiều ưu điểm của Ngưu Nguyệt Thanh, song anh lại không sang Song Nhân Phủ xin vợ tha thứ. Anh biết rõ sự việc đã tới nước này, nếu hai người đoàn tụ trở lại sẽ khó khăn lắm.
Trước hết Ngưu Nguyệt Thanh có thể xoá bỏ được những bóng đen anh và Đường Uyển Nhi ăn nằm với nhau trong lòng không? Sau nữa, từ nay về sau anh làm thế nào để loại bỏ được hết tình yêu với Đường Uyển Nhi cơ chứ? Đường Uyển Nhi đã đem đến cho anh cảm giác mới, rung động mới, mà cô ấy bây giờ đã sa vào một vực sâu của bể khổ khác, thì liệu anh có thể cứ bình chân như vại mà sống những ngày tháng thanh thản được sao? Chưa nói đến bản thân từ nay trở đi chịu đựng đau khổ như thế nào, mà đây há chẳng phải suốt đời đeo đẳng cái gông của tội ác song trùng đó sao? Nhưng…nhưng Trang Chi Điệp lại nghĩ, chính vì quen biết Đường Uyển Nhi, có sự gian díu với Đường Uyển Nhi về thể xác và tâm hồn đã từng bước khiến anh lún sâu vào vũng lầy! Để thoát khỏi cảnh khốn quẫn, anh bắt đầu đánh giá Đường Uyển Nhi bằng những quy phạm đạo đức về người đàn bà, hy vọng anh sẽ giận cô, quên cô ta. Nhưng Trang Chi Điệp không giải thích được Đường Uyển Nhi sai ở chỗ nào, chỗ nào có thể làm cho anh ác cảm mà ghét bỏ. Trong trái tim, anh đã muốn quên Đường Uyển Nhi hết lần này đến lần khác, song lại hết lần này đến lần khác nhớ nhung Đường Uyển Nhi. Biết mười mươi trước mặt là một chén rượu chim gáy uống vào sẽ gầy mòn, nhưng màu sắc sặc sỡ và mùi thơm sực nức của nó, lại cuốn hút anh không thể không uống. Mạnh Vân Phòng đã đến nói chuyện với anh, chỉ trích anh thời gian hoạt động sáng tác văn học nhiều quá lâu quá, say sưa quá, đã không hiểu biết xã hội, xử lý tất cả bằng nghệ thuật, nên mới dần dần thành thế này. Sự việc đã xảy ra, lẽ nào vẫn muốn tiếp tục như thế nữa? Anh cứ lo lắng cái này, không an tâm cái kia, vậy bản thân anh thì sao? Anh là danh nhân, danh nhân phải nên sống càng tự do, càng thoải mái, mà anh sống tới mức khổ như vậy, mệt như vậy ư?
Trang Chi Điệp đã cười không thành tiếng, anh bảo anh không nghe Mạnh Vân Phòng nhà ngươi đâu, quan đỉêm của Mạnh Vân Phòng nhà ngươi, trước đây anh đã không đồng ý, bây giờ cũng không đồng ý. Anh chỉ yêu cầu các bạn đừng nhắc đến chuyện này. Anh bảo Đường Uyển Nhi bị mất, Ngưu Nguyệt Thanh bỏ đi, rõ ràng đây là một trừng phạt của Thượng Đế đối với anh. Đã là trừng phạt thì mình làm mình chịu. Thế là anh mua về một thùng mì ăn liền, tự giặt quần áo. Cứ thế anh sống ở nhà mấy hôm, buồn chán quá thì sang nhà Mạnh Vân Phòng, hẹn Triệu Kinh Ngũ và Hồng Giang đến uống rượu. Nhìn thấy rượu là tham, đã tham thì say. Bản thân cũng tự cảm thấy chán ghét chính mình, liền ngày nào cũng cưỡi xe máy "Mộc lan" đầu tóc bù xù, lắp băng nhạc vào máy ghi âm nho nhỏ, cắm vào tai nghe, vừa nghênh ngang chạy một vòng trong thành phố vừa nghe âm nhạc. Có lúc anh nghĩ, hôm nay có lẽ có một cô gái vẫy xe đi nhờ anh một đoạn, có lẽ trên con đường vắng vẻ nào đó, anh sẽ chặn một người đàn bà xinh đẹp lại chăng? Nhưng anh thường phóng như điên một vòng như thế, quay về, người ah đẫm mồ hôi và bụi, chẳng thể nhận ra anh nữa.
Hôm nay trong lúc đi vòng vèo quanh quẩn, đột nhiên anh nảy ra ý nghĩ, liền đi ra ngoại ô phía nam thăm con bò sữa. Tuy đã sang thu, ánh nắng mặt trời vẫn còn chói chang, vụ ngô đã thu hoạch xong, cánh đồng khô cạn còn chưa cày bừa, một màu vàng xỉn trải dài, bụi đất bay mù mịt. Chiếc "mộc lan" đã đến bãi rộng trước cửa nhà chị Lưu, trong bãi tập trung hàng chục con bò cày, những con bò này không ai chăn dắt, cũng không buộc thừng vào cọc, hay hòn đá kéo lúa, nhưng chúng không đi lại, cứ quanh quẩn ngoài tường sân nhà chị Lưu đã sập đổ nhìn. Trang Chi Điệp nhìn vào trong sân, con bò sữa kia đang nằm đó, gần như chỉ còn da bọc xương. Chị Lưu đang cúi xuống khuấy thức ăn trong chậu gỗ đặt cạnh đầu con bò. Trang Chi Điệp đỗ xe máy đi vào, chị Lưu lẳng lặng nhìn anh, không nói gì, nước mắt chảy giàn giụa. Trang Chi Điệp cảm thấy con bò sữa không thể qua khỏi, may mà mình đến đúng lúc, còn nhìn thấy nó lần cuối cùng. Từ chân tường sập đổ anh nhổ một nắm cỏ khao trắng có mùi rất tanh đặt vào sát mũi con bò sữa. Con bò sữa chỉ cựa quậy cái tai một cách khó nhọc, coi như lời chào Trang Chi Điệp. Nó không mở to được mắt, chung quanh vành mắt có gỉ rất dính, nó đã ngửi thấy cỏ tanh, cái lưỡi thỉnh thoảng lè ra, chỉ độ một tấc, cuốn nước dãi đậm đặc chảy xuống. Ở trong nhà, anh Lưu gọi vợ bằng cái giọng nặng trịch:
- Bảo cô đi mua rượu, mà cô cứ lề mề, đến nước này còn cho nó ăn cái gì hả?
Anh Lưu cùng một người đàn ông nữa đi ra đứng ở hè. Đầu tiên Trang Chi Điệp cảm thấy có một vệt sáng, nhìn kỹ mới thấy người đó cầm một con dao hình lá liễu. Chồng chị Lưu râu mọc xồm xoàm, nước da trắng bợt, nhìn thấy Trang Chi Điệp cất tiếng chào:
- Anh đã đến đấy hả? Mời vào uống trà.
Trang Chi Điệp hỏi:
- Đang định giết bò đấy ư?
Anh Lưu đáp:
- Quả thật đã hết cách, cứ kéo dài thời gian mãi, để nó chịu tội thế này, chẳng thà giải thoát nó. Nếu con bò có khôn thiêng thì nó cũng bằng lòng làm như thế. Một nhân vật tai to mặt lớn như anh, khi nó ốm đã từng đến thăm, hôm nay là ngày nó tận số anh lại đến!
Trang Chi Điệp nói:
- Tôi có duyên nợ với con bò này ấy mà.
Người đàn ông kia cười khà khà dưới bóng nắng. Anh ta nói:
- Anh Lưu ơi, anh mà chết có lẽ không ai đến thăm đâu.
Anh Lưu bảo:
- Nên thế, bò chết trong tay tôi, thì tôi cũng có tội.
Người đàn ông đi đến cạnh con bò, ngậm con dao vào miệng, hai tay thắt chặt dải rút, nói:
- Hai anh chị ấn chặt sừng bò nhé!
Anh Lưu bước đến ấn, nhưng chị Lưu ôm mặt ù té chạy vào trong nhà. Anh Lưu mắng:
- Cái con mụ này!
Đành mỗi tay nắm giữ một sừng bò. Chị Lưu chạy tới cửa thì dừng lại, chị không nhẫn tâm nhìn thấy, lại không nhẫn tâm không có mặt khi con bò chết, chị quay mặt vào cánh cửa, hai tay nắm chặt vòng cửa. Người đàn ông vẫn ngậm chặt dao ở miệng, con dao đang lấp lánh, tay sờ vào chỗ cổ họng của con bò, sau đó lấy con dao ra khỏi miệng nói:
- Vị khách này, anh nắm chặt đuôi bò giúp nhé!
Trang Chi Điệp không nhúc nhích. Người đàn ông coi thường, hắng một tiếng, quỳ một chân xuống, nói:
- Hôm nay mi chịu khổ đến ngày cuối cùng rồi, kiếp sau đừng làm thân con bò nữa nhé!
Sột một tiếng, con dao được thọc vào dưới cổ con bò, cả lưỡi và một phần cán dao ngập vào trong. Trang Chi Điệp nhìn vào, mắt con bò trợn thành màu trắng như quả trứng gà, miệng dao kêu ục ục phun ra một luồng hơi tanh nóng, dòng máu nổi lên những bong bóng màu đỏ nhạt ồng ộc chảy ra đất nóng. Trang Chi Điệp bỗng chốc bủn rủn từ từ ngồi xuống, cùng lúc đó nhìn thấy chị Lưu tữ vòng cửa tụt xuống, cuối cùng ngã sấp trên ngưỡng cửa. Lúc này ở vạt đất ngoài sân tiếng bò rống loạn xạ, tất cả đàn bò cứ chạy vòng quanh một cách điên cuồng, bụi đất tung bay mù mịt. Người đàn ông kia lập tức bảo ra đóng cửa vào, lại còn cầm cái roi da đứng cạnh ở chỗ tường sập đổ, cái roi da quăng lên kêu bem bép. Cuối cùng đàn bò không ùa vào, sau đó có một con gào khóc vô cùng thảm thiết, nhảy bừa qua một đường hào cạnh vạt đất, mười mấy con bò cũng rống lên xông theo sau.
Trang Chi Điệp quay đầu lại, một tấm da bò đã trải ra đất, từ đống thịt lộn xộn, người đàn ông lấy ra một miếng nhỏ màu vàng, nói:
- Ngưu hoàng của nó to như thế này cơ mà!
Anh ta hớn hở tới mức giơ túi ngưu hoàng cầm trong bàn tay dính đầy máu soi lên ánh nắng mặt trời để nhìn, ngưu hoàng còn đang bốc lên một làn hơi nóng.
Trang Chi Điệp được chồng chị Lưu kéo vào trong nhà ngồi bên mâm rượu. Từ trong hoảng hốt, Trang Chi Điệp đã tỉnh lại, bên cạnh anh là một chiếc lồng cỏ to, trong lồng đựng những miếng thịt to tướng, còn tấm da bò vấy đầy máu thì phơi ở chỗ tường đổ. Trang Chi Điệp không uống rượu. Anh bảo:
- Tôi muốn mua tấm da bò này!
Người đàn ông đổ một chén rượu vào mồm, bảo:
- Ồ, anh là chủ cửa hàng da phải không? Tấm da này tốt lắm, anh trả bao nhiêu?
Trang Chi Điệp bảo:
- Đòi bao nhiêu tôi trả ngần ấy.
Chị Lưu lập tức bảo:
- Giá cả cái gì hả? Anh Điệp này, nếu anh chịu giữ, thì cứ cầm về.