Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Giải Trí > Film
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 03-12-2013, 10:24 PM
Gấu Vương's Avatar
Gấu Vương Gấu Vương is offline
Sống không giận, không hờn, không oán trách
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
 
Tham gia: Oct 2008
Đến từ: Hoa Phượng Đỏ City
Bài gởi: 5,928
Thời gian online: 1 tháng 1 tuần 1 ngày
Xu: 244
Thanks: 488
Thanked 62,775 Times in 5,368 Posts
[720pHD.ThuyetMinh] Nhất Đại Tôn Sư 2013

Nhất Đại Tông Sư - The Grandmaster
Đạo diễn: Vương Gia Vệ
Diễn viên: Lương Triều Vỹ, Chương Tử Di, Tống Huệ Kiều






Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của Gấu Vương
BUIBI Phu nhân tóc hồng
Chữ ký của Gấu Vương
Ta lãng khách lỡ mang hồn du mục
Dấu thời gian theo nhịp bước lang thang
Ta phiêu du trong thiên đường địa ngục
Hồn vô định không dừng chân ghé bến
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #2  
Old 03-12-2013, 10:25 PM
Gấu Vương's Avatar
Gấu Vương Gấu Vương is offline
Sống không giận, không hờn, không oán trách
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
 
Tham gia: Oct 2008
Đến từ: Hoa Phượng Đỏ City
Bài gởi: 5,928
Thời gian online: 1 tháng 1 tuần 1 ngày
Xu: 244
Thanks: 488
Thanked 62,775 Times in 5,368 Posts
Mãi đến giữa tháng Tư 2013, bộ phim Nhất Đại Tông Sư (The Grandmaster) mới được cho ra mắt người xem ở Pháp. Còn ở Hoa Kỳ, khán giả có lẽ phải đợi sớm lắm là vào mùa thu mới được dịp xem phim này. Lần công chiếu bộ phim đầu tiên tại châu Âu là nhân đêm khai mạc liên hoan Berlin, khi đạo diễn Vương Gia Vệ được mời làm Chủ tịch ban giám khảo.

Vào tuần tới, trong khuôn khổ của liên hoan phim châu Á tại Deauville, diễn ra từ ngày 6 đến 10 tháng Ba năm 2013, đạo diễn Vương Gia Vệ là một trong những vị khách mời danh dự. Ban tổ chức liên hoan Deauville đã dành cho Vương Gia Vệ hai xuất chiếu phim quan trọng nhất vào những ngày cuối tuần để ông giới thiệu với khán giả bộ phim The Grandmaster.

Cuộn phim Nhất Đại Tông Sư kể lại cuộc đời và sự nghiệp của võ sư Diệp Vấn (do Lương Triều Vỹ thủ vai), người đã giúp cho môn phái Vịnh Xuân nổi tiếng sau này trong làng võ thuật. Một trong những đệ tử chân truyền của ông là ngôi sao Lý Tiểu Long, huyền thoại phim quyền cước võ thuật mà cho tới nay vẫn chưa ai có thể sánh bằng. Vịnh Xuân Quyền gồm ba chiêu thức cơ bản (Than, Bàng, Phục), triển khai thành 108 thế võ. Nhờ vào môn phái này mà võ sư Diệp Vấn lưu danh hậu thế.

Kim Lâu Bắc Quyền thỉnh giáo Nam Truyền

Trong phim, Diệp Vấn được cử làm người đại diện cho các tỉnh phương nam Trung Hoa để thi đấu với võ sư Cung Bảo Sơn, người sáng lập môn phái Bát Quái, lừng danh ở phương bắc theo truyền thống của Lưỡng Quản Quốc Thuật. Trước khi rửa tay gác kiếm và nhường ngôi vị lại cho đại đệ tử Mã Tam, võ sư Cung Bảo Sơn muốn ít nhất một lần dùng Bắc Quyền để thỉnh giáo Nam Truyền.

Màn tỷ thí giữa các anh hùng diễn ra tại Kim Lâu, hóa ra là đấu trí nhiều hơn là đấu võ, qua cái màn hai võ sư bẻ gẫy một chiếc bánh bột. Cung Bảo Sơn khâm phục Diệp Vấn tuổi trẻ mà tài cao, không những giỏi võ mà còn có tư chất, am tường triết lý tinh hoa võ học.

Thế nhưng, Cung Nhị (do Chương Tử Di thủ vai), con gái ruột của võ sư phương bắc không chịu thua. Bất chấp lời khuyên của thân phụ, cô gái trẻ đến tận Kim Lâu để thi đấu với Diệp Vấn. Bên tám lạng người nửa cân, Bát Quái Quyền linh hoạt uyển chuyển, mềm mại cương nhu, dùng Lục Thập Tứ Thủ để hoá giải các thế võ Vịnh Xuân Thính Kiều. Thoạt nhìn thì không bên nào thắng, nhưng thật ra cô gái đã lấn luớt chàng trai. Cũng từ lúc gặp mặt này, mà Cung Nhị ngã lòng yêu Diệp Vấn.

Hai người hẹn gặp lại nhau, người thư qua kẻ thư lại, chữ ân tình chờ đợi hồi âm. Nhưng rốt cuộc, Diệp Vấn sẽ chẳng bao giờ có cơ hội lên tận Phật Sơn ở phương bắc. Giao tranh bùng nổ, xung đột đẫm máu, sau thời kỳ quân đội Nhật hoàng xâm chiếm Trung Hoa, lại đến nội chiến giữa hai phe Tưởng Giới Thạch và Mao Trạch Đông.

Lục Thập Tứ Thủ, Vịnh Xuân Thính Kiều

Hầu hết các nhân sĩ trí thức Trung Hoa thời bấy giờ đều tham gia kháng chiến chống Nhật, tiêu biểu qua nhân vật Nhất Tuyến Thiên (do Trương Chấn thủ vai). Nhưng bên cạnh đó, cũng có những kẻ hợp tác với quân Nhật, điển hình là Mã Tam. Mã Tam là đệ tử của môn phái Bát Quái, sinh lòng phản phúc, sát hại chưởng môn Cung Bảo Sơn. Làm phận con, Cung Nhị buộc phải tròn chữ hiếu, cô thề nguyện sẽ không bao giờ lấy chồng để giữ nguyên họ Cung, và chỉ sống để hạ gục Mã Tam, báo thù cho thân phụ.

Về phía gia đình Diệp Vấn, chiến tranh xung đột làm cho họ Diệp tan gia bại sản, từ chỗ giàu có ba đời rốt cuộc lại đành trắng tay. Dù vậy, Diệp Vấn nhất quyết trung thành với quy tắc con nhà võ, ông đưa vợ con sang Hồng Kông (Hương Cảng) làm lại cuộc đời, sống qua ngày nhờ nghề dạy võ từ đầu những năm 1950 trở đi. Diệp Vấn qua đời vào năm 1972, gần hai thập niên sau cái chết của Cung Nhị.

Bộ phim Nhất Đại Tông Sư có thể nói là dự án đầy tham vọng nhất của Vương Gia Vệ. Đạo diễn Hồng Kông đã mất hơn mười năm trời để hoàn tất một tác phẩm đầy mồ hôi và nước mắt. Theo lời kể của chính đạo diễn, thì ông đã từ lâu có ý tưởng thực hiện một bộ phim về võ sư Diệp Vấn. Vào năm 1996, trong lúc quay bộ phim Happy Together (Hạnh phúc bên nhau – tựa tiếng Hoa là Xuân Quang Xạ Tiết) với hai diễn viên Trương Quốc Vinh và Lương Triều Vỹ, tại thủ đô Achentina, thì ông tình cờ thấy chân dung của Lý Tiểu Long trên các sạp báo. Khi tìm hiểu thêm, Vương Gia Vệ mới biết rằng Lý Tiểu Long là đệ tử chân truyền của võ sư Diệp Vấn.

Sau hơn hai năm đọc sách và tham khảo tư liệu, Vương Gia Vệ bắt đầu giai đoạn tiền kỳ của bộ phim, đến tận những nơi mà ông muốn đặt ống kính, lựa chọn cảnh quay, với tiêu chí hàng đầu là thông qua hình tượng của Diệp Vấn nói lên được phẩm chất mà bất cứ bậc thầy võ thuật nào cũng cần phải có. Trong làng võ, người càng có tiếng tăm lại càng phải tu tâm, tích đức. Thầy giỏi không chỉ là dạy võ, mà còn phải biết rèn luyện nhân cách cho đệ tử nối nghiệp. Về điểm này thì Cung Bảo Sơn, tuy là chưởng môn phái lớn nhưng do không khéo chọn người kế thừa nên mới để xẩy ra hậu họa.

Phim Nhất Đại Tông Sư không đơn thuần là phim võ thuật mà còn luận bàn đến số phận của anh hùng giữa thời binh đao loạn lạc, nói về triết lý cuộc sống của từng nhân vật, họ chân chính với bản thân, họ trung thành với nguyên tắc dù phải trải qua bao khó khăn thời khắc : Cung Nhị không tự dối mình, Diệp Vấn thà chết đói, chẻ dụng cụ tập võ để lấy gỗ sưởi ấm còn hơn là ăn gạo Nhật.

Tác phẩm của Vương Gia Vệ đầy tham vọng vì đan xen ít nhất là bốn tầng lớp khác nhau. Đạo diễn Hồng Kông dùng những câu chuyện cá nhân để nói lên tính phổ quát : thành danh không bằng thành nhân, ông lồng ghép tiểu sử vào đại sự, chuyện nhà với chuyện nước, dựa theo phương châm thời thế tạo anh hùng. Vương Gia Vệ diễn đạt rất thành công vế thứ nhất, nhưng vế thứ nhì lại còn nhiều điều bất cập.

Thời kháng chiến chống Nhật chỉ được nói thoáng qua, với những cảnh phim như Diệp Vấn bồng con bên khung cửa sổ, bên ngoài vang ầm tiếng bom đạn. Nhân vật Mã Tam trắc trở phản phúc, nối giáo cho giặc khi thông đồng với quân đội Nhật Bản. Còn nhân vật Nhất Tuyến Thiên thì lại tham gia kháng chiến bằng cách ám sát các sĩ quan Nhật. Nhưng trong cả hai trường hợp hung tinh và anh hùng sinh từ thời cuộc chỉ ở dạng gợi ý, cho nên hạn chế rất nhiều cái bối cảnh lịch sử thời Trung Hoa Dân Quốc.

Nhất ước ký đỉnh, Vạn sơn vô trở

Đan xen vào đó, còn có mối tình giữa Cung Nhị và Diệp Vấn, cộng thêm câu chuyện báo thù cha. Ở cuối phim, Cung Nhị bị trọng thương sau khi đánh gục Mã Tam ở bến nhà ga, vì muốn trả thù cho thân phụ mà phải hy sinh hạnh phúc cá nhân. Mối tình giữa Cung Nhị và Diệp Vấn là chuyện tình đơn phương. Yêu trong lòng nhưng không bao giờ thổ lộ nói ra, đến khi nói ra thì đã quá muộn. Tình cảm mà Diệp Vấn dành cho Cung Nhị dường như chỉ dừng lại ở sự quý mến.

Nhất ước ký đỉnh, Vạn sơn vô trở. Một khi đã thề ước thì ngàn ngọn núi cũng không thể cản đường. Diệp Vấn hứa gặp lại Cung Nhị nhưng rốt cuộc lại không đến. Có lẽ vì vậy cho nên khi gặp mặt nhau lần cuối ở Đại Nam, Cung Nhị đem trả lại một chiếc nút áo mà Diệp Vấn đã từng tặng cho cô làm kỷ vật. Câu chuyện tình giữa Cung Nhị và Diệp Vấn làm cho ta liên tưởng đến mối tình đơn phương giữa Dương Tử Quỳnh và Châu Nhuận Phát trong bộ phim Ngọa Hổ Tàng Long, nhưng lối quay của Vương Gia Vệ không làm cho người xem cảm động đến bật khóc như cách thể hiện của đạo diễn Lý An.

Về ngôn ngữ hình ảnh, có thể nói là đạo diễn Vương Gia Vệ thuộc vào hàng bậc thầy. Màu sắc tuyệt đẹp, định sáng kỹ lưỡng, cận ảnh hoàn hảo, toàn cảnh trau chuốt. Vương Gia Vệ dùng nhiều thủ pháp quay gần và quay chậm để làm nổi bật các thế võ do Viên Hòa Bình (Yuen Woo Ping) chỉ đạo.

Các thế võ ở đây rất quan trọng vì mỗi động tác thể hiện cho nguồn gốc và ý nghĩa từng môn phái võ học Trung Hoa : Ngoài Vịnh Xuân và Bát Quái, còn có các môn phái khác như Hình Ý, Thông Bối, Bảo Chùy, Yên Thanh, Bát Cực … Trong những đoạn này, Vương Gia Vệ dùng thủ pháp tỉnh lược để thu gọn rút ngắn các thế võ, tránh lặp đi lặp lại mà vẫn nói lên được tinh hoa võ học.

Tuy nhiên, vấn đề lớn nhất của Vương Gia Vệ là sự hạn chế về mặt thời gian. Phim Nhất Đại Tông Sư gồm đến ba tuyến truyện, dựa theo ba nhân vật Diệp Vấn, Cung Nhị và Nhất Tuyến Thiên. Phim không tuân theo trình tự thời gian nhất định mà lại có nhiều đoạn flashback, ngược dòng ký ức, cho nên có nhiều chỗ hơi khó hiểu. Trong nửa phần đầu, phim có nhịp điệu lôi cuốn, nhưng trong nửa phần sau, tức là đến khi nhân vật Nhất Tuyến Thiên xuất hiện, nhịp phim lại trở nên khập khà khập khiễng.

Cung Nhị và Nhất Tuyến Thiên tình cờ gặp nhau trong chuyến xe lửa. Nhất Tuyến Thiên bị truy lùng sau khi ám sát sĩ quan Nhật, nhờ sự che chở của Cung Nhị mà anh không bị lộ tẩy. Nhưng sau đó, họ chẳng bao giờ gặp lại nhau, tình huống và bối cảnh do chỉ nói thoáng qua cho nên có vẻ khiên cưỡng : một cách hơi gượng ép, đạo diễn Vương Gia Vệ đã không đạt khi gắn chiếc toa cuối cùng vào đầu tàu xe lửa.

Tham vọng sâu rộng lỡ nhịp mênh mông

Dù có tài quay phim cách mấy, nhưng Vương Gia Vệ vẫn bị hạn chế bởi thời lượng tác phẩm. Dự án Nhất Đại Tông Sư đầy tham vọng, đòi hỏi hơn 10 năm đầu tư công sức, trong đó có gần bốn năm dành cho việc quay phim và làm phần hậu kỳ. Vương Gia Vệ chẳng những tham vọng mà còn tham lam. Thời lượng hình ảnh thu vào ống kính rất cao, cho nên đến khi dựng phim ông buộc phải cắt bỏ nhiều đoạn.

Từ bốn tiếng đồng hồ trong phần dựng phim ban đầu ông rút ngắn lại chỉ còn khoảng hơn hai tiếng. Phiên bản Anh Mỹ sắp được cho ra mắt, lại càng ngắn hơn khoảng 10 phút nữa so với phiên bản công chiếu ở Hoa Lục, hồi trung tuần tháng Giêng năm 2013.

Trước những ràng buộc về thời lượng, khiến ông phải cắt xén nhiều đoạn phim, thủ pháp tỉnh lược của Vương Gia Vệ có nhiều chỗ bị phản tác dụng, trở nên hơi khó hiểu. Tinh hoa của thế giới võ thuật theo cách nhìn của nhà đạo diễn Hồng Kông là một biển hồ mênh mông sâu rộng, nơi mà mỗi nhân vật là một châu lục hẳn hoi.

Võ nghệ dù có cao cũng không cao thấu trời, tư chất có thâm sâu cũng không sâu hơn đất : nếu như Vương Gia Vệ đã tạo được bề sâu và bề dày cho các nhân vật, thì ngược lại đạo diễn này như thể bơi lạc vào trong bể lớn, ông không bắt được nhịp cầu nối liền các châu lục để hội tụ tất cả các nhân vật chính thành một khối liền kết với nhau.

Chính cũng vì những điểm bất cập đó, mà đạo diễn Vương Gia Vệ không đáp ứng được hết tất cả các tham vọng bản thân, chưa thoả mãn đầy đủ sự trông chờ của người xem, dù là dễ tính. Nhất Đại Tông Sư là một tác phẩm khá, công phu nhưng chưa phải là tuyệt đỉnh thượng thừa, chiêu thức cao tay nhưng chưa đến mức độc nhất vô nhị.
Tài sản của Gấu Vương
BUIBI Phu nhân tóc hồng
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #3  
Old 03-12-2013, 10:30 PM
Gấu Vương's Avatar
Gấu Vương Gấu Vương is offline
Sống không giận, không hờn, không oán trách
Tâm bất biến giữa dòng đời vạn biến
 
Tham gia: Oct 2008
Đến từ: Hoa Phượng Đỏ City
Bài gởi: 5,928
Thời gian online: 1 tháng 1 tuần 1 ngày
Xu: 244
Thanks: 488
Thanked 62,775 Times in 5,368 Posts
Phong vị Cổ Long trong Nhất Đại Tông Sư

Vốn là fan cuồng của Vương Gia Vệ, bất luận khen chê thế nào chắc chắn cũng có chỗ thiên vị, vì vậy tôi không review Nhất đại tông sư, nhưng trong đầu ăm ắp ý tưởng, cuối cùng không sao dẹp yên được, đành viết theo hướng này, chủ quan mà cảm tính, không liên quan nhiều đến Vương Gia Vệ, đa phần liên quan đến Cổ Long.

Vương Gia Vệ luôn sở trường võ hí văn xướng, nếu muốn xem Diệp Vấn đánh gục cùng lúc mười tên Nhật Bản, thì nên xem Ip Man Chân Tử Đan. Giống như muốn thưởng thức võ công từng chiêu từng thức, thì nên đọc Kim Dung chứ không phải Cổ Long.

Tín ngưỡng của Vương Gia Vệ dành cho Cổ Long, từ lâu rồi, đã không còn là điều bí mật. Đông Tà Tây Độc chính là một tác phẩm nguyên chất Cổ Long. Còn với Nhất đại tông sư, chỉ thoáng nhìn tôi cũng nhận ra bóng dáng của Lục Tiểu Phụng truyền kỳ (canh rắn, cuộc chiến trong nhà giữa Lục Tiểu Phụng và Kim Cửu Linh), Trường Sinh kiếm (bốn hạng người đại kỵ trên đường hành tẩu giang hồ: đạo sĩ, hòa thượng, nữ nhân, trẻ nhỏ), Đa tình kiếm khách vô tình kiếm (Đinh Liên Sơn châm thuốc cho Diệp Vấn, gợi nhớ trận chiến Trường Đình giữa Thiên Cơ lão nhân và Thượng Quan Kim Hồng). Lời thoại, tư tưởng kế thừa càng là vô số…

1. Tiêu hồn xứ Anh hùng địa

“Chân ý của đao không phải ở sát, mà là ở tàng.”

Tiểu ẩn vu lâm đại ẩn vu thị, nếu từng đọc Cổ Long hẳn sẽ thấm thía điều này. Bất luận lầu vàng hay phố thị, dưới ngòi bút Cổ Long đều là nơi ngọa hổ tàng long. Đinh Liên Sơn ẩn mình trong Kim lâu, lại là một cao thủ kinh người. “Ngoài mặt mời người một điếu thuốc, mà trong lòng có khi đã trừ bỏ một người.” Chỉ với sự ẩn nhẫn đó, họ Đinh đã tỏ ra mình không phải hạng tầm thường.

“Canh rắn không phải thức ăn mùa đông ư?” “Đó là thức ăn của mấy chục năm rồi.” Vào khoảnh khắc viết ra những câu thoại này, Vương Gia Vệ đã nghiễm nhiên thừa hưởng được phong cốt Cổ Long. “Hỏa hầu bất đáo, chúng khẩu nan điều, hỏa hầu quá liễu, sự tình tựu tiêu.” Hỏa quang ánh hồng cả nhà bếp. Món ăn này, Vương tiên sinh đã phải nấu trong tám năm. Không biết hỏa hầu này là non, là già, hay là vừa vặn, không biết giang hồ mộng của Vương tiên sinh là túy, là tỉnh, hay là ái tình.

Nhưng tôi ngẫm lại, mới hiểu ra rằng nhan đề của phim đã khiến mình lạc hướng. Vương tiên sinh vẫn là Vương tiên sinh, vẫn là một người quật cường đem huyết và hồn Cổ Long lồng vào từng giấc mộng võ hiệp của mình. Con người ấy bao nhiêu năm trước, đối với nhân gian, có lẽ là một lãng tử lưu lạc giữa cõi tiêu hồn, nhưng trong trái tim chúng ta lại là một anh hùng dệt nên thế giới kiếm ảnh đao quang ân thù khoái ý.

Giấc mộng lần này, không giai tửu, không ân oán, có chăng chỉ là một đoạn duyên phận. Ở cõi tiêu hồn lầu son gác tía, giữa chốn anh hùng cọp núp rồng nằm, duyên phận len lén tìm đến, sóng sánh nửa chừng, nhưng đủ để ta hoài niệm một thời đọc sách của người anh hùng ấy.

2. Nhất điều yêu đái nhất khẩu khí

“Dù có túng đói thật, tôi vẫn còn bạn bè, mỗi người mời tôi ăn một bữa thôi, cũng đủ để tôi cầm cự sáu tháng một năm.”

Văn chương Cổ Long chưa bao giờ vắng bóng tình bằng hữu, tình bằng hữu vĩ đại nhất không cần đến nhiều lời, cũng không cần trưa sớm bên nhau. Lục Tiểu Phụng và Hoa Mãn Lâu là đạm thủy chi giao. Lục Tiểu Phụng và Tây Môn Xuy Tuyết là trầm mặc chi giao… Dưới ngòi bút Cổ Long, bằng hữu với nhau là coi nhẹ sinh tử xem trọng biệt ly “Khi anh đi, có lẽ tôi không tiễn chân, nhưng nếu anh còn đến, dù cho mưa gió bão bùng, tôi cũng sẽ tự thân đi đón.” Bằng hữu với nhau, còn là một câu ân cần bình đạm lần đầu tương kiến giữa Lý Tầm Hoan và A Phi, “Tôi mời anh một chung”. Cũng như cuộc gặp gỡ bèo nước trên tàu hỏa giữa Cung Nhị tiên sinh và Nhất Tuyến Thiên, chỉ là mặc ước, không cần đa ngôn mà bất chấp an nguy, đó là thứ hiệp nghĩa can vân chỉ người giang hồ mới có, là thứ thiết đảm nhu tình chỉ người giang hồ mới hiểu.

3. Niệm niệm bất vong, tất hữu hồi ứng

Tam thiếu gia đích kiếm là tiểu thuyết đầu tay của Cổ Long, kể chuyện thân bất do kỷ của người giang hồ. Giang hồ tức là thế giới ngoài kia, thân tức là chính mình, Cổ Long lấy bút làm kiếm, mượn thân phận tam thiếu gia của nhà họ Tạ để kể lại số mệnh và nỗi buồn riêng. “Vì sao các cô ấy, không thấy mặt một người nào?” Cổ Long lúc lâm chung, trên giường bệnh vẫn nhung nhớ chẳng quên, nhung nhớ chẳng quên, mà không ai hồi đáp. “Tôi dựa vào một ngọn bút, có được tất thảy. Đến thứ không nên có, là tịch mịch, tôi cũng có.” Đạo khả đạo, phi thường đạo, tầm đạo phụng đạo tất phải hi sinh, nhưng có một số người, có lẽ là do gánh nặng thân bất do kỷ, có lẽ là do tín điều thiên chấp quật cường, lại khiến họ nảy sinh dũng khí đối mặt với tịch mịch, nỗi tịch mịch cao xứ bất thắng hàn, nỗi tịch mịch của kẻ thuận đạo, đấy là tịch mịch của Tạ Hiểu Phong, là tịch mịch của Tây Môn Xuy Tuyết, là tịch mịch của Cổ Long, là tịch mịch của Cung Nhị tiên sinh, cũng là tịch mịch của mỗi con người ở giang hồ. Không biết chính nỗi thiên cổ tịch mịch bồi đắp hết núi này đến núi khác, hay hết núi này đến núi khác lại đóng băng thành nỗi tịch mịch thiên sầu.

4. Thế gian sở hữu đích tương ngộ, giai thị cửu biệt trùng phùng

“Hát mãi Dương môn nữ tướng đã ngán rồi, thì đổi sang Du viên kinh mộng xem sao.” Nếu gặp được đúng người đúng thời điểm, thì đó là vận khí. Nếu quen biết nửa đời nhưng vẫn chẳng thể hiểu nhau, đành chỉ coi là hữu duyên vô phận. Có lẽ thật sự đã chán võ rồi, nhưng nếu người tưởng ta chuyển sang hát văn, thì cho dù ta có biếu vé, liệu người có nghe hiểu được vở Du viên kinh mộng chưa hề thay đổi này của ta không. Người mà lòng ta nhung nhớ chẳng quên, có lẽ chính là Dương môn nữ tướng chi diệp lý tàng hoa nhất độ này. Thiên hồi bách chuyển, nhất bi nhất hỉ, quả thực là kịch như nhân sinh, nhân sinh như kịch. Tưởng đâu người không rời đường hổ không rời núi, bèn muốn quay về cố thổ, kỷ vật cúc áo này, ta dùng để thương tưởng người, mà người không biết, lần này cửu biệt, quả thực không còn trùng phùng.

“Công phu hai chữ, một dọc một ngang.” Nhưng một dọc một ngang, cuối cùng lại không viết nổi một chữ “tâm”, cũng không viết đủ một chữ “ái”.

5. Lang tâm tự hữu nhất song túc, cách giang cách hải hội quy lai

“Quyền không thể chỉ có nhãn tiền lộ, mà còn có thân hậu thân, làm người cũng như vậy.” Sớm chiều của người giang hồ dài như vậy, sinh tử lại ngắn ngủi như vậy, có khi ly biệt một lần là mãi mãi. Diệp Vấn là người giang hồ, người trong giang hồ chính là có chỗ bất lực, chiến loạn, ân cừu, cuộc sống, cho dù chân tâm, thì quay đầu cũng không còn bờ. Con người lệ giàn giụa dưới mưa trong ký ức ấy, con người luôn thắp một ngọn đèn chờ ta trở về ấy, con người luôn trầm mặc chỉ vì sợ nhiều lời sẽ làm tổn thương người khác ấy, con người ý nhị êm đềm như ngọc ấy, chỉ có thể trân trọng trong ký ức. Không có quay về, nơi nào là gia hương. Có phải từ nay bất kể đi đâu, cũng đều là lưu lạc.

Alex chú: Trong phim có hai lần nhắc đến “nhãn tiền lộ” và “thân hậu thân”. Lần đầu là khi Diệp Vấn và Cung Nhị tỉ võ xong, Diệp Vấn tiễn Cung Nhị về, Cung Nhị cười nhẹ mà rằng, “Diệp tiên sinh, không thể chỉ có nhãn tiền lộ, mà còn cần thân hậu thân.” Lần thứ hai là tiếng ngoài hình, là khi Trương Vĩnh Thành chết ở lục địa, Diệp Vấn nói mình từ nay chỉ có “nhãn tiền lộ”, không có “thân hậu thân”. Thế nào là “nhãn tiền lộ” và “thân hậu thân”?

Vương Gia Vệ giải thích rằng, lời Cung Nhị nói Vịnh Xuân quyền của Diệp Vấn chỉ có “nhãn tiền lộ”, là chỉ căn bản của quyền này là đường thẳng, yếu lĩnh là mặt đối mặt, tuân theo nguyên lý rằng khoảng cách ngắn nhất giữa hai điểm được tạo nên bằng đường thẳng. Nhưng Bát Quái chưởng của Cung Nhị thì cho rằng quảng cách ngắn nhất giữa hai điểm không nhất định là khoảng cách nhanh nhất. Bát Quái chưởng có thể đánh vòng, vòng đến sau lưng đối thủ rồi xuất kích. Hai môn này tượng trưng cho hai thái độ sống, có những người mắt vĩnh viễn đều nhìn ra trước, mà Cung Nhị thì vĩnh viễn nhìn đằng sau, cuối cùng cô đành lòng lưu lại, vì cuộc sống của cô luôn là quay về.

Vì sao Diệp Vấn nói “tiên sinh còn thiếu một lần chuyển thân”, bởi vì Cung Nhị không hề nhìn ra phía trước. Vì sao Diệp Vấn nói mình không có “thân hậu thân”, vì Trương Vĩnh Thành đã qua đời, ông không còn lý do gì trở về nữa.

6. Thời thế sử nhiên

“Phóng mắt nhìn ra, đây chẳng là võ lâm đấy ư?” Võ quán dựng khắp phố phường, có đăng hỏa huy hoàng, phong quang vô hạn, nhưng trước sau vẫn tịch mịch. Bóng lưng hai người trầm mặc, một tiếng chó sủa trơ trọi trên đường, càng làm tăng thêm nỗi thê lương khó tả. Phóng mắt nhìn võ lâm, chẳng phải cũng như vậy sao, dù ai từng thanh xuân nhiệt huyết, dù ai từng thiếu niên khinh cuồng, cuối cùng vẫn không cưỡng được năm tháng. Mới hiểu ra rằng chiêu thức mạnh nhất trên thế gian này, lại là dòng chảy lặng lẽ của thời gian. Võ lâm điêu tàn, giang hồ lãnh mạc, là chúng ta đến muộn rồi, đừng nói lục thập tứ thủ, mà nhất thủ cũng nhìn không được nữa.

7. Chân chính tông sư

Cung Nhị là tông sư, Nhất Tuyến Thiên là tông sư, Cung Bảo Sâm là tông sư, Đinh Liên Sơn cũng là tông sư. Nhưng tông sư thì sao đây, Cung Nhị tín thủ thệ ngôn, không xuất giá, không lưu danh, không truyền nghệ, “Cái gọi là thời đại lớn, chẳng qua chỉ là một lựa chọn, tôi lựa chọn lưu lại những năm tháng thuộc về tôi.” Lục thập tứ thủ bách chiến bách thắng từ nay thất truyền, Cung Nhị tiên sinh cuối cùng đã lựa chọn chịu thua sự quật cường của mình. Bát Cực quyền cương kình của Nhất Tuyến Thiên, cuối cùng đại ẩn trong màn tung hoành của chiếc kéo cắt tóc tiệm Bạch Mai Khôi. Đinh Liên Sơn “làm quỷ” hơn hai mươi năm, nhuệ khí giao thủ với hậu bối cũng bị mài mòn đến cạn kiệt.

“Người luyện võ có ba giai đoạn, nhìn mình, nhìn đất trời, nhìn chúng sinh.” Nhìn chúng sinh như thế nào, chỉ có trái tim phổ độ mới có thể nhìn chúng sinh. Khi các tiền bối còn phân nam bắc hơn thua, Diệp Vấn trong lòng đã xây dựng một thế giới hoàn chỉnh, “Đối với tôi mà nói, võ thuật là đại đồng.” Nhìn chiếc lá rụng biết thu sang, nếu thiên hạ đại đồng, một chiếc bánh tự khắc là cả thế giới. Nếu trong tim có thiền ý, thì làm sao không nhìn được chúng sinh. Diệp Vấn, người trông như thể lấy tư cách một kẻ bàng quan kể lại câu chuyện võ lâm, thì ra lại là tông sư chân chính, hệt như chư thần cúi nhìn chúng sinh qua điểm điểm Phật quang, lắng nghe thế giới, tham ngộ thế giới, dựa vào một hơi thở, thắp một ngọn đèn, có đèn là có người.

“Năm 1972, Diệp Vấn ốm chết tại Hương Cảng, một đời truyền đăng vô số, Vịnh Xuân quyền nhờ ông mà hưng thịnh, từ đó lan rộng khắp thế giới.”

Về bộ phim, bản công chiếu này chỉ đáng coi là bản nháp, nếu có may mắn xem nguyên bản dài 4 tiếng, tin rằng đại cảnh trải ra trước mắt chúng ta nhất định là một võ lâm hoàn chỉnh, 130 phút làm sao có thể duyệt tận giang hồ. Thoắt cái nghĩ lại, co ngắn thành một võ lâm ngắt đoạn, chẳng phải cũng chứa đựng một thứ phong tình khác hay sao. Nơi có người tức là có giang hồ, có giang hồ là có câu chuyện, hà tất truy cầu một sự hoàn chỉnh chân tơ kẽ tóc, nhân vật đều đã có mặt, dùng ánh mắt của chính mình đi ngắm giang hồ hoàn chỉnh, đi nhìn chúng sinh, chẳng phải lại tốt hơn sao. Giống như luôn có người lưu luyến trong những câu chuyện nói chưa hết lời của Cổ Long, Lục Tiểu Phụng rốt cuộc đã yêu cầu hoàng đế điều gì, A Phi rốt cuộc có phải hậu nhân của Thẩm Lãng và Bạch Phi Phi, Phong Tứ Nương hạ lạc nơi nào… Nhưng khi một chiếc bánh trong mắt bạn đã là cả thế giới, thì những câu hỏi này còn cần trả lời hay là không?


Alex
Tài sản của Gấu Vương
BUIBI Phu nhân tóc hồng
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
nhat dai tong su 720, vinh xuan cong phu

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™