Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Văn Học Nghệ Thuật > Tác Phẩm Văn Học > Văn Học Nước Ngoài > Tiểu thuyết
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #11  
Old 06-06-2008, 02:05 PM
Adamsmith's Avatar
Adamsmith Adamsmith is offline
Tiếp Nhập Ma Đạo
 
Tham gia: May 2008
Đến từ: Nơi có lá vàng rơi.
Bài gởi: 392
Thời gian online: 2 tháng 0 tuần 2 ngày
Xu: 801
Thanks: 185
Thanked 41 Times in 24 Posts
Chương 11

Kern ký tên vào giấy trục xuất lần thứ hai ra khỏi nước Áo. Đây là lần trục xuất vĩnh viễn. Anh không thấy có gì cần nghĩ ngợi. Anh chỉ nghĩ là ngày mai mình lại sẽ có mặt tại khu hội chợ Prater.
Người công chức hỏi:
- Anh còn gì ở đây để mang theo không?
- Dạ, không.
- Anh có biết là sẽ bị ba tháng tù nếu trở lại Vienne không?
- Dạ, biết.
Người công chức nhìn Kern một lúc khá lâu. Ông cho tay vào túi và lấy ra một tờ giấy năm Đức kim.
- Đây, cầm lấy. Tôi không có quyền thay đổi luật lệ. Nếu có uống thì uống Gumpoldskirchner. Dạo nầy ngon lắm. Thôi, đi đi.
Kern hết sức ngạc nhiên:
- Cám ơn ông – Đây là lần đầu tiên anh được một viên chức Cảnh sát cho tiền – Cám ơn ông thật nhiều.
- Được rồi, được rồi. Người dẫn đường đang chờ ở ngoài.
Kern nhận tiền. Với món tiền nầy chẳng những anh có thể trả hai ly rượu chát mà còn vừa đủ để mua vé xe để trở lại Vienne. Như vậy ít nguy hiểm hơn.
Họ đi cùng một con đường mà Kern đã đi với Steiner lần đầu tiên. Kern có cảm tưởng như đã cách xa tới mười năm. Ra khỏi nhà ga họ còn phải đi bộ thêm một quãng. Họ ghé vào một quán nước. Trước sân nhà có một vài bàn ghế. Kern nhớ tới lời khuyên của viên chức Cảnh sát tốt bụng. Anh nói với người đưa đường:
- Mình uống Gumpoldskirchner đi. Dạo nầy tốt lắm.
- Cũng được. Trời chưa tối hẳn.
Cả hai ngồi trong khoảnh vườn nhỏ. Quanh họ, tất cả đều yên tĩnh. Nền trời cao và trong. Một chiếc phi cơ bay vù qua về phía nước Đức trông như một con chim ưng. Người chủ quán đặt lên bàn một chiếc đèn bão. Đây là một buổi chiều đầu tiên Kern được ngồi ngoài trời. Suốt hai tháng qua anh không hề nhìn thấy đất trời mút mắt. Anh có cảm tưởng như vừa được thở lần đầu tiên. Anh cố tận hưởng những giây phút thần tiên. Khoảng một hay hai giờ đồng hồ sau, cuộc chạy trốn, lẩn tránh lại tái diễn.
Người có số phận áp giải bỗng lên tiếng:
- Buồn nôn quá.
Kern ngước mắt:
- Đó cũng là ý của tôi.
- Không phải như cậu nghĩ đâu.
- Tôi cố tưởng tượng cho phù hợp.
Người đưa đường nhìn trời:
- Tôi muốn nói với các người. Chính những kẻ di trú như các người làm hạ giá nghề nghiệp của bọn nầy. Ngày tối, cứ phải lo đưa mấy người đi. Từ Vienne tới biên giới. Chán quá! Phải chi áp giải những đoàn tù chính cống có còng tay!
- Biết đâu trong vòng một hay hai năm nữa các ông sẽ có dịp áp giải chúng tôi, bị còng tay đàng hoàng.
Người đưa đường nhún vai:
- Trên phương diện Cảnh sát, các người chẳng là cái thá gì cả. Đã có lần tôi áp giải mấy tên cướp của giết người, lúc nào cũng sẵn sàng nổ súng. Một lần nữa lại phải áp giải một tên chuyên mổ bụng xác chết, thằng Teddy. Như vậy mới đáng kể. Bây giờ… với các người… chán quá!
Ông ta uống cạn ly:
- Kể ra thì anh cũng rành về rượu chát. Mình uống một tua nữa. Lần nầy để tôi trả.
- Tùy ông.
Cả hai uống cạn cùng một lúc và lên đường. Dơi và bướm đêm bay lượn chung quanh họ.
Ngôi nhà quan thuế sáng choang. Cũng vẫn những nhân viên cũ. Một người bảo Kern:
- Chờ một chút. Hãy còn sớm.
Kern cười:
- A, bộ rành lắm rồi, hả?
- Vâng. Biên giới là quê hương của chúng tôi.
Qua sáng hôm sau, Kern đã lại có mặt tại khu Prater. Anh không dám đến thẳng căn nhà di động bằng bánh xe của Steiner, sợ phá giấc ngủ. Anh đi vơ vẩn trong rừng. Cây cối ướt đẫm sương. Mùa thu đã tới trong thời gian Kern ở tù. Kern nhấc lá phủ của trại kỵ mã lên và chui vào trong. Như vậy là anh không còn phải sợ Cảnh sát …
Kern giựt mình thức giấc vì có tiếng cười. Trời đã sáng tỏ. Các lá phủ đã được vén lên. Anh nhảy chồm dậy. trước mặt anh là Steiner.
- Steiner! Cám ơn Thượng đế!
- Xong rồi, cậu bé! Đứa con hoang đã trở về. Lại đây coi. Ốm và xanh xao lắm. Sao không tới đằng đó?
- Biết anh còn ở đó không.
- Cũng phải. Nhưng dẹp hết, đi ăn cái đã và thế giới đổi khác ngay – Anh hướng về phía nhà du mục – Lilo, thằng bé trở về đây. Nó đang đói – Anh lại quay về Kern – Lớn lắm rồi, có học hỏi thêm được gì không?
- Có chớ, học được là phải cứng rắn nếu không muốn chết mòn. Biết may và nói chút ít tiếng Pháp. Quan trọng hơn cả và hữu ích hơn cả là phải biết ra lịnh chớ không phải van xin.
Steiner cười khoan khoái:
- Vậy là khá lắm rồi, bé con!
- Ruth đâu anh?
- Ở Zurich. Bị trục xuất. Ngoài ra chẳng có gì đáng ngại. Lilo còn giữ cho cậu mấy cái thơ. Cô ta lãnh vai trò hộp thơ có giấy tờ hợp lệ.
- Ở Zurich…
- Chớ còn gì nữa! Bộ chưa nghe rõ sao?
Kern lơ đãng lắc đầu:
- Chưa…
- Ruth ở với mầy người bạn. Cậu cũng phải đi Zurich. Ở đây coi bộ bắt đầu khó sống.
- Chắc phải vậy.
Lilo tới. Nàng chào tự nhiên như Kern vừa mới đi dạo đâu đó trở về. Đối với nàng, việc vắng mặt trong hai tháng chẳng có gì đáng kể. Nàng đã rời xa đất nước Nga gần hai mươi năm và cũng đã từng gặp lại những người tưởng đâu đã biệt tích ở Tàu hoặc Xi-bê-ri hằng mười mấy năm trời.
Vẫn bình thản, Lilo đặt mâm đựng tách và bình cà phê lên mặt bàn. Steiner bảo:
- Đưa mấy cái thơ cho Kern, Lilo. Cậu ta không ăn nổi nếu chưa được đọc thơ.
Lilo chỉ vào mâm. Mấy bức thơ tựa nghiêng vào một cái tách. Kern xé bao ra. Anh bắt đầu đọc và quên tất cả. Đây là những bức thơ đầu tiên được nhận từ Ruth. Và cũng là bức thơ tình đầu tiên của đời anh. Tất cả đột nhiên biến mất, nỗi thất vọng không được gặp lại Ruth, sự lo sợ; cuộc sống cô đơn. Anh càng đọc được những nét chữ càng như chiếu sáng ra. Thì ra, trên đời nầy cũng còn có người lo nghĩ tới anh. “Yêu anh. Ruth của anh”, sung sướng quá. Ruth của anh. Nhưng anh là gì của Ruth? Phải chăng anh chỉ là một vài chai nước hoa, một ít xà bông mà Ruth mang theo? Anh là một con người. Một con người nguyên vẹn. Và em cũng là một con người. Tóc em đen, mắt em ngời sáng…
Kern ngước mắt lên. Lilo đã vào trong. Steiner hút thuốc:
- Không có gì, chớ?
- Ruth bảo tôi đừng tới. Sợ nguy hiểm.
Steiner cười:
- Phụ nữ ai cũng thế. Thôi uống cà phê và ăn đi.
Anh ta dựa vào ngôi nhà lăn, nhìn Kern ăn. Aùnh nắng xuyên qua màn sương bạc, vờn trên mặt Kern. Anh có cảm tưởng như đang thở trong hơi rượu. Mới sáng qua, giữa căn phòng hôi hám, anh còn quậy muỗng trong một cái ga-men nhôm móp méo đựng đầy súp loãng như nước rữa dĩa, trong khi gã du thủ du thực đánh rắm một tràng dài. Bây giờ, gió nhẹ ban mai vuốt má anh, anh được ăn bánh mì trắng, uống cà phê ngon, trong túi có mấy bức thơ của Ruth và bên cạnh có Steiner.
- Bị bắt đôi khi cũng có lợi. Nhờ có vậy, sau đó mình mới thấy đời xinh đẹp.
Steiner gật đầu:
- Có tính đi ngay tối nay không?
- Tôi vừa muốn đi mà cũng vừa muốn ở lại. Phải chi mình được đi chung…
Steiner đưa Kern một điếu thuốc:
- Vậy thì ở tạm đây một vài hôm. Coi bộ chưa khỏe lắm. Cần phải đủ sức mới có thể đi đường. Ở Thụy Sĩ không phải là chuyện đùa. Tới một xứ lạ, cần nhứt là sức khỏe được đầy đủ.
- Còn việc gì để làm không?
- Cậu có thể trông coi gian hàng bắn bia và ban đêm giúp thêm vài xuất biểu diễn mắt thần.
- Anh có lý. Tôi sẽ ở lại đây vài ngày để lấy lại sức trước khi lên đường. Không biết tại sao đói quá. Không những chỉ dạ dày trống rỗng mà đói cả mắt, cả đầu. Phải sắp xếp lại trước đã.
Steiner cười thông cảm:
- Lilo mang đồ ăn tới rồi kìa. Cứ ăn cho no. Tôi đi gọi lão Potzloch dậy.
Lilo hỏi Kern. Giọng Đức nàng còn cứng:
- Cậu ở lại, hả?
Kern gật đầu.
- Đừng lo nhiều. Ruth vẫn mạnh khỏe. Tôi có tài coi tướng mà.
Kern muốn bảo là anh không phải lo như thế mà chỉ sợ Ruth bị bắt trước khi anh tới Zurich… Nhưng khi nhìn thấy nét trầm buồn trên khuôn mặt người thiếu phụ Nga, anh không nói. Tất cả đều bé nhỏ so với nỗi đau khổ triền miên ấy.
Chuyện xảy ra buổi chiều hai hôm sau đó. Một vài người tới gian hàng bắn bia. Lilo bận với đám trẻ nên Kern tiếp đón các người kia.
Kern trao súng cho người đứng trước. Họ bắn trúng nhiều điểm và nhắm bắn những hòn bi đang nhảy múa trong tia nước. Sau cùng, họ đòi xem danh sách các thành phần thưởng và bắt đầu bắn thật sự.
Hai người đầu tiên bắn được bốn mươi ba và bốn mươi bốn điểm. Họ lãnh được một con gấu nhồi bông bông và một hộp đựng thuốc mạ bạc. Người thứ ba, thấp bé râu mép màu nâu, tỏ ra là một tay thiện xạ. Ông ta bắn được bốn mươi tám điểm. Hai người bạn vỗ tay khen. Lilo đưa mắt ra hiệu với Kern.
Nhà thiện xạ đầy nón ra phía sau:
- Năm phát nữa.
Kern nạp đạn. Ba phát đầu ông ta bắn trúng mười hai điểm. Kern nhìn cái rỗ đựng dĩa bạc chạm, vật gia truyền của Potzloch. Nếu tiếp tục bắn trúng như thế hai phát nữa, ông ta sẽ chiếm được lô độc đắc nầy.
Kern nạp đạn vào súng một viên đạn”quỉ quái” phát súng chỉ trúng sáu điểm. Nhà thiện xạ đặt súng xuống:
- Cái gì vậy? Có một cái gì không ổn. Không bao giờ tôi bắn sai cả,
Kern đỡ lời:
- Dạ chắc tay ông run một chút. Cũng cây súng đó mà.
Ông ta quắc mắt:
- Run thế nào được. Một sĩ quan Cảnh sát kỳ cựu không bao giờ run. Bắn là nghề của tôi mà.
Kern hơi thất sắc. Một nhân viên Cảnh sát mà lại mặc thường phục thì càng đáng ngại hơn. Người Cảnh sát nhìn Kern đăm đăm:
- Phải có một cái gì không ổn.
Kern không đáp. Anh trao cây súng đã nạp đạn cho ông ta. Lần nầy, anh cho vào một viên đạn thông thường. Viên đội trưởng nhìn Kern trước khi nhắm bắn. Phát đạn trúng số mười hai. Ông ta đặt súng xuống hất đầu về phía Kern:
- Thấy chưa?
- Đó là chuyện tự nhiên.
- Chuyện tự nhiên? Không tự nhiên được, bốn lần mười hai và một lần sáu. Không thể tin được.
Kern không trả lời. Viên đội trưởng kề sát mặt tới:
- Dường như tôi có gặp anh ở đâu đó?…
Mấy người bạn ông ta chen vào. Họ la ó đòi phải đền một phát khác.
Lilo bước tới:
- Chuyện gì vậy? Có gì xin quí vị cứ nói với tôi. Cậu nầy mới tập sự thôi.
Hai người kia nói chuyện với Lilo. Riêng người Cảnh sát vẫn tiếp tục nhìn Kern để cố nhớ ra. Kern không nháy mắt:
- Tôi sẽ cho ông giám đốc hay để ông ấy quyết định.
Kern muốn để ông ta bắn một phát nữa nhưng nhớ tới lời dặn tha thiết của Potzloch, anh im lặng. Anh cố trấn tĩnh, từ từ đến thay chỗ cho Lilo.
Lilo đề nghị với Cảnh sát một giải pháp dung hoà. Ông ta sẽ bắn lại năm phát. Dĩ nhiên là không tốn tiền. Hai người kia không đồng ý. Lilo liếc sang chỗ Kern. Thấy mặt anh tái mét, nàng quyết định tự mình xoay sở ngay. Nàng cười với tên đội trưởng:
- Người như ông thì có bắn bao nhiêu phát nhứt định cũng vậy thôi. Đấy, nhà thiện xạ hãy trổ tài một lần nữa cho mọi người thưởng thức.
Được khen, người Cảnh sát cười hãnh diện. Lilo sờ vào bàn tay lông lá của ông ta:
- Một bàn tay như thế nầy thì chắc chắn không bao giờ run.
- Run? Không bao giờ!
Lilo trao khẩu súng. Viên đội trưởng bình tĩnh bắn. Tất cả được năm mươi tám điểm. Lilo tươi cười:
- Chúng tôi chưa bao giờ hân hạnh gặp được một người có tài thiện xạ như ông. Như thế là bà nhà khỏi phải sợ ai cả.
- Tôi chưa có vợ.
Lilo nhìn thẳng vào mắt ông ta:
- Chắc tại ông chưa thấy cần.
Viên đội trưởng cười tự mãn. Lilo lấy rổ đựng các bộ dĩa bạc trao cho ông ta. Trước khi đi, ông ta còn nhìn Kern một lần nữa:
- Tôi sẽ trở lại đây với sắc phục và chắc chắn là sẽ có chuyện vui nói với anh.
Họ vừa đi khỏi, Lilo đã hỏi Kern:
- Hắn có biết cậu không?
- Không hiểu. Dường như tôi chưa gặp ông ta lần nào. có thể là ông ta đã nhìn thấy tôi một nơi nào đó.
- Cậu nên nói lại với anh Steiner để anh ấy định liệu.
Người Cảnh sát không trở lại buổi chiều nhưng Kern nhứt định phải đi ngay đêm hôm ấy. Anh nói với Steiner:
- Tôi phải đi. Ở đây coi bộ không được an toàn nữa.
Steiner nhìn ra xa:
- Ừ, đi thì đi. Vài tuần nữa là tôi cũng sẽ đi. Đất Aùo càng ngày càng khó khăn. Tin tức mấy lúc sau nầy không còn lạc quan. Mình tới gặp lão Potzloch một chút.
Pothzloch đang giận dữ vì bị mất cái rổ bạc gia truyền.
- Cậu biết không, vậy là mất toi ba chục Đức kim. Cậu hại tôi quá!
Steiner phân giải:
- Đó là trường hợp bất khả kháng. Vả lại, đằng nào thì cũng đã mất rồi. Kern đến chào ông để đi.
Potzloch sửng sốt:
- Ủa! Vậy hả?
Ông ta móc tiền trả cho Kern rồi kéo anh tới gian hàng bắn bia.
- Cậu bé, cậu sẽ biết nhà từ thiện Leopold Potzloch nầy là ai. Đây, cậu cứ tự nhiên chọn lấy một vài món kỷ niệm. Aø không, cậu có quyền bán lại. Cứ chọn đi, món nào cũng được.
Ông ta bỏ đi thật mau, không ngoảnh lại. steiner cười:
- Cứ chọn đi. Mấy món lặt vặt này coi vậy mà dễ bán. Nên lựa mấy thứ nhẹ. Mau đi, kẻo ông ta hối hận quay trở lại.
Potzloch không nuốt lời. Lúc ông ta trở lại, Kern đã chọn xong, mấy cái gạt tàn thuốc và lược chải tóc. Potzloch còn lấy thêm cho Kern mấy pho tượng nhỏ bằng đồng. Ông ta cười khinh mạn:
- Dân tỉnh lẻ rất thích những thứ nầy. Kern, xin Thượng đế phò hộ cho cậu! Tôi phải đi bây giờ để dự một cuộc họp chống thuế hí cuộc. Thời đại chúng ta lại có thêm một thứ thuế… thuế hí cuộc. Mọi nguồn vui đều phải đóng thuế.
Kern chuẩn bị hành trang rồi dùng bữa với Steiner và Lilo. Steiner bảo:
- Tha hồ buồn, cậu bé. Những người anh hùng Hy Lạp thời cổ cũng khóc không thua các bà đa cảm thời nay. Cứ buồn, và cứ khóc, nếu cần. Sau đó, hãy mạnh dạn tiến lên.
Lilo chuyển sang Kern một dĩa kem:
- Đôi khi… buồn cũng có nghĩa là hạnh phúc.
Steiner vuốt tóc Kern:
- Hạnh phúc của một tay tứ chiến là một bữa ăn ngon. Đừng quên mình cũng là một chiến sĩ. Một chiến sĩ tiền tuyến. Một hướng đạo viên. Một kẻ khai phá tinh thần công dân thế giới. Chúng ta có thể bay qua mười biên giới trong một ngày. Quốc gia nầy cần tới quốc gia khác, nhưng hầu hết biên giới đều bọc sắt và nhiều nước đã chìm ngập trong thuốc súng. Phải biết hãnh diện vì mình là một trong những công dân khia phá.
Kern cười buồn:
- Hãnh diện là phải. Nhưng tôi sẽ làm gì đêm nay khi chỉ còn lại một mình?
Kern đi chuyến xe đêm. Anh mua vé hạng rẻ tiền và sau một vài lần quanh co, anh tới Inrsbruck. Từ đó, anh đi bộ với hy vọng đón xe đi nhờ. Kern không gặp xe nào cả. Đêm ấy, anh ghé vào một quán cóc, ăn đỡ đói một dĩa khoai tây chiên. Aùp dụng kỹ thuật đã được tên trộm dạy lúc trong tù, anh lẻn vào một trại rơm ngủ qua đêm.
Sáng sớm, Kern lên đường. Anh đi nhờ một chiếc xe tới Landeck. Anh kiếm được năm Đức kim nhờ bán cho người lái xe một pho tượng nhỏ mà lão Potzloch đã tặng. Đến tối thì trời mưa. Kern lại tạt vào một quán cóc kiếm thức ăn và chơi bài Tarot với một vài tiều phu. Anh thua mất ba Đức kim. Kern trằn trọc mãi. Đã vậy anh còn phải trả cho chủ quán hai Đức kim về đêm ngủ trọ. Cuối cùng, anh ngủ thiếp đi. Sáng hôm sau, Kern tiếp tục hành trình. Anh đón một chiếc xe, nhưng người lái đòi phải trả năm Đức kim.Đó là chiếc xe hiệu Austro-Dainler trị giá đến mười lăm ngàn Đức kim. Kern từ chối. Một lúc sau, anh được người nông dân cho đi nhờ trên xe bò, lại còn cho anh một khúc bánh mì thịt. Đêm đến, anh ngủ trong ổ rơm. Trời mưa. Kern lắng tai nghe tiếng mưa buồn giữa mùi rơm sắp sửa lên men.
Buổi sáng, anh qua đèo Arlberg. Giữa lúc Kern gần mệt lả thì bị một cảnh binh bắt gặp. Thế là anh lại phải cố đi bộ ngược lại bên cạnh chiếc xe đạp của người cảnh binh, cho tới Sankt-Anton. Anh bị nhốt đêm ấy và không tài nào ngủ được vì sợ nhà chức trách biết được là anh đã từ Vienne tới. Nếu họ trả anh về đó, nhứt định là sẽ bị tù. Tuy nhiên, ở đây người ta nghĩ rằng anh chỉ muốn vượt biên giới tại chỗ thôi nên thả anh ra. Kern gởi va-li đi trước bằng đường xe lửa tới Feldkirch rồi đi bộ sau với dụng ý không để cho người cảnh binh hôm qua nhận ra anh. Sáng hôm sau, Kern tới Feldkirch lấy va-li. Đến tối, anh lội bộ qua sông Rhin với chiếc va-li và quần áo đội trên đầu. Thế là anh đã vào lãnh địa Thụy Sĩ.
Kern tiếp tục đi luôn hai đêm nữa để qua khỏi khu vực nguy hiểm. Anh gởi va-li trước và đi nhờ một chiếc xe tới Zurich.
Kern tới nhà ga trung ương buổi chiều. Anh gởi va-li lại.Tuy đã có địa chỉ trong tay nhưng Kern không dám tìm tới Ruth ban ngày. Anh đi vơ vẩn ở nhà ga và tìm đến một tiệm tạp hoá Do Thái hỏi thăm xem uỷ ban cứu trợ dân tỵ nạn ở đâu. Kern được chỉ tới một nơi chuyên lo cứu trợ người Do Thái.
Kern trình bày hoàn cảnh với người thơ ký và cho biết mới vượt biên giới hôm qua.
- Hợp pháp, hả?
Kern lắc đậu.
- Có giấy tờ gì không?
- Nếu có,tôi đã không tới đây.
- Dân Do Thái?
- Không. Lai Do Thái.
- Theo đạo gì?
- Tin lành.
- Tin lành hả? Vậy thì chúng tôi không thể giúp được nhiều. Phương tiện chúng tôi rất eo hẹp. Vả lại, đây là một cơ sở tôn giáo nên chúng tôi chỉ chú trọng đến những người cùng đạo thôi.
Kern chua chát:
- Vâng, tôi hiểu. Người ta tống cổ tôi ra khỏi nước Đức chỉ vì cha tôi là Do Thái. Và ông không thể cứu giúp tôi vì mẹ tôi là người theo đạo Tin Lành.
Người thơ ký nhún vai:
- Rất tiếc là ở đây chúng tôi đã nhận được phẩm vật của những người đồng đạo.
Kern hỏi:
- Như vậy ít ra ông cũng có thể chỉ giúp tôi một nơi nào để tạm trú vài hôm mà không cần phải khai báo?
- Rất tiếc, tôi không thể thẩm quyền. Quy lệ ở đây rất chặt chẽ, chúng tôi bắt buộc phải tuân theo. Chỉ còn cách là đến trình Cảnh sát và xin giấy lưu trú.
Kern cười chán nản:
- Tôi đã có một ít kinh nghiệm về vấn đề nầy.
Người thơ ký nhìn kỹ Kern rồi bảo:
- Cậu đợi một chút.
Ông ta vào một lúc rồi quay ra với tờ giấy bạc hai chục quan:
- Cậu cầm đỡ một ít, chúng tôi không còn cách nào hơn.
- Cám ơn. Tôi cũng không dám mong nhiều hơn thế.
Kern cẩn thận xếp tờ giấy bạc cho vào bóp. Đây là khoản tiền Thụy Sĩ duy nhứt mà anh có.
Ra tới đường, anh đứng lại và không biết phải đi đâu.
- A, ông Kern.
Một giọng nói pha lẫn đôi chút chế nhạo vang lên phía sau Kern. Anh giựt mình, quay phắt lại. Một thanh niên ăn mặc khá chỉnh tề mỉm cười Kern:
- Đừng sợ. Tôi cũng từ trong đó ra – hắn chỉ tay về phía uỷ ban cứu trợ – chắc đây là lần đầu tiên anh tới Zurich?
Kern đo lường thái độ của hắn trước khi đáp:
- Vâng tôi tới đây lần đầu.
- Tôi đoán thế mà đúng. Anh trình bày có phần, xin lỗi, hơi vụng về. Cần gì phải khai đạo tin lành. Tuy nhiên, dầu sao họ cũng giúp anh chút đỉnh. Nếu anh không cho là vô phép, tôi xin được phép giúp anh một vài chỉ dẫn. Tên tôi là Binder. Chúng mình đi kiếm cà-phê, anh vui lòng chớ.
- Rất sẵn sàng. Ở đây có quán nào dành riêng cho những người di trú hay cùng loại như vậy không?
- Có quá nhiều. Tốt hơn là tới quán Greif, cách đây không xa. Cảnh sát cũng khônh hề tới đó.
Họ tới quán Greif. Quán nầy giống với quán Speeler ở Vienne như hai giọt nước. Binder hỏi:
- Anh từ đâu tới?
- Từ Vienne.
- Vậy thì nên kiểm soát lại các thói quen. Phải cẩn thận lắm mới được. Anh có thể xin lưu trú vài ngày không mấy khó nhưng sau đó là phải đi ngay. Hiện thời anh chỉ có hai phần trăm xin được giấy nhưng lai còn tới chín mươi tám phần trăm bị trục xuất.
- Đó không phải là vấn đề.
- Đúng vậy. Và anh có thể bị cấm trở lại trong thời hạn từ một đến năm năm tuỳ theo trường hợp. Bị bắt được sẽ ở tù.
- Thì ở đâu cũng vậy.
- Tốt lắm. Bây giờ vấn đề là phải khéo léo trốn tránh như thế nào cho tới khi bị lộ tung tích.
Kern gật đầu:
- Nhưng còn việc làm?
Binder cười:
- Hoàn toàn không. Thụy Sĩ là một nước quá nhỏ lại có sẵn không biết bao nhiêu người thất nghiệp.
- Lại vẫn một tiểu luận: Hoặc là chết đói hợp pháp hay bất hợp pháp hoặc là bất cần luật lệ.
- Chí lý – Binder thẳng thắn nhìn nhận – mòn thêm một vấn đề là đặc tính của mỗi địa phương. Zirich thì quá tệ. Cảnh sát ở đây có quá nhiều nhiệt tâm. Vùng nào chịu ảnh hưởng Pháp có vẻ dẽ thở hơn như Genève chẳng hạn. Vùng Tessin cũng khá nhưng chỉ có những thị trấn quá nhỏ. Anh định sanh sống ra sao? Công khai hay bí mật?
- Tôi chưa hiểu…
- Nghĩa là anh định chỉ hoàn toàn sống nhờ vào đồng tiền cứu trợ hay buôn bán lặt vặt?
- Tôi thích buôn bán hơn.
- Nguy hiểm lắm. Họ coi đó là một nghề. Bị xử phạt gấp đôi. Lưu trú bất hợp pháp và hành nghề lậu, nhứt là khi bị tố cáo.
- Bị tố cáo?
Binder cười chua chát:
- Chính tôi đã bị tố cáo bởi một người Do Thái triệu phú. Ông ta nổi sùng vì bị tôi xin tiền để mua vé xe đi Bâle. Nếu có bán, chỉ nên bán những món nhỏ như viết chì, dây giày, nút áo, bàn chải đánh răng v.v… Đừng bao giờ mang va-li, hộp hay xách cặp. Tốt hơn hết là cho cả vào túi. Mùa nầy lại càng thuận tiện vì đã vào thu, nhiều người mặc áo choàng. Anh thường bán những gì?
- Xà bông, nước hoa, lược, kẹp tóc và mấy món nho nhỏ khác.
- Vậy là tốt. Món đồ càng ít giá trị lại càng dễ kiếm lời. Phần tôi thì chẳng bán buôn gì cả. Tôi sống hoàn toàn như một ký sinh trùng của các cơ sở từ thiện. Thế là tôi khỏi bị bắt về tội hành nghề lậu nhưng vẫn bị tội du thủ du thực và hành khuất. Bạn có địa chỉ nào đó không?
- Địa chỉ gì?
Binder ngả người ra lưng nghế, trố mắt nhìn Kern:
- Chúa ơi ! Đây chuyện quan trọng hơn tất cả. Phải có địa chỉ của những người mà định tới gặp chớ. Không lẽ cứ trốn chui trốn nhũi hết nhà nầy sang nhà kia. Được ba hôm là cùng.
Hắn mời Kern một điếu thuốc và nói tiếp:
- Tôi sẽ cho anh một lô địa chỉ của những người tin cậy được. Có ba hạng: những người Do Thái mộ đạo, ít mộ đạo và những người công giáo. Tôi cho không anh. Trước đây, tôi đã phải trả hai chục quan mới mua được một ít địa chỉ đầu tiên.
Hắn quan sát Kern:
- Quần áo anh còn tốt. Đó là điều kiện thích hợp ở Thụy Sĩ. Cảnh sát họ tinh mắt lắm. Aùo choàng cũng phải tươm tất để nếu cần thì che giấu bộ đồ rách ở trong. Tuy nhiên, vẫn có chỗ trở ngại là nhiều người nhứt định không chụi bố thí khi quần áo của mình còn tốt. Anh có chuyện gì hay hay không?
Hắn ngước mắt và bắt gặp cái nhìn thẫn thờ của Kern:
- Tôi biết anh đang nghĩ chuyện gì. Trước đây, tôi cũng vậy. Nhưng, tin tôi đi, chỉ một việc làm thế nào để sống được trong cảnh khổ cũng đã làm một nhệ thuật rồi. Lòng từ thiện là một con bò sữa khó vắt mà lại quá ít sữa. Tôi đã gặp một số người dự bị sẵn ba mẩu chuyện khác nhau thuộc loại tình cảm, tàn bạo hay hiện thực. Tùy trường hợp, họ kể lể ra để kiếm vài quan. Nhưng nền tảng của tất cả các chuyện đó vẫn cứ là: nhu cầu, chạy trốn và dạ dầy trống rỗng.
- Vâng, tôi biết nhưng có điều là chưa nghĩ tới. Tôi rất ngạc nhiên về những hiểu biết chính xác và thiết thực của anh.
- Có gì đâu. Đó chỉ là những kinh nghiệm gạn lọc sau ba năm chiến đấu để sống còn. Tôi thì quỷ quyệt, thật vậy, nhưng thằng em tôi thì lại quá chất phát. Nó đã tự vẫn cách nay một năm.
Nét mặt Binder biến đổi trong giây lát rồi trở lại bình thường. Hắn đứng lên:
- Đêm nay nếu không biết ngủ ở đâu thì đến với tôi. Tình cờ tôi tìm ra một chỗ trú ẩn được tới tám ngày. Phòng của một người quen đang nghỉ phép. Tôi sẽ trở lại đây khoảng mười một giờ. Đến nửa đêm là Cảnh sát đi tuần. Nên cẩn thận, nhứt là với những nhân viên mặc thường phục.
- Thụy Sĩ coi vậy mà nguy hiểm. Nhờ trời được gặp anh, nếu không, có lẽ tôi bị bắt ngay đêm nay. Xin cám ơn anh.
Bider khoác tay:
Những người đã ở tận dưới bùn đen đều phải biết yêu thương nhau.Tình bằng hữu của bọn mình cũng giống như của giới bất lương. Mỗi người chúng ta có thể lâm nguy một ngày nào đó, phải giúp đỡ lẫn nhau. Nhớ trở lại lúc mười một giờ.
Hắn trả lại tiền và ung dung ra khỏi quán.
Kern ngồi lại cho tới lúc trời tối. Anh đã mua được một bản đồ thành phố và ghi nhớ con đường tới chỗ ở của Ruth. Anh đi dọc theo các lề đường, chân bước gấp, đầu óc nóng ran. Khoảng nửa giờ sau, anh nhìn thấy ngôi nhà tại một khu phố hoàn toàn yên tịnh. Ngôi nhà trắng xóa dưới ánh trăng. Tới trước cửa, Kern bỗng dừng lại. nhìn nắm cửa to lớn bằng đồng, anh do dự. Anh không itn rằng sau khi mở cửa và đi thẳng lên lầu là sẽ gặp lại Ruth ngay. Từ lâu rồi, anh có thói quen hay sợ những gì quá giản dị. Anh ngước mắt nhìn lên các cửa sổ. Rất có thể là Ruth vắng nhà. Hoặc nàng không còn ở Zurich nữa.
Kern đi qua trước nhà và ghé vào một tiệm bán thuốc hút. Anh hỏi mua một gói. Người đàn bà vẻ mặt cau có đứng sau quầy đẩy gói thuốc và một bao diêm tới:
- Năm mươi xu.
Kern vừa trả tiền vừa hỏi:
- Bà có điện thoại không?
- Có. Ở trong góc, bên trái.
Kern lật niêm giám tìm tên Neumann. Hàng trăm tên Neumann hiện ra. Cuối cùng anh tìm ra số nhà và tên đường. Người đàn bà đứng ở quầy theo dõi Kern. Khó chịu, anh quay lưng lại phía bà ta. Một lúc lâu mới có tiếng người ở đầu dây kia.
Kern cố giữ giọng khỏi run:
- Tôi xin được gặp cô Holland.
- Xin cho biết ai ở đầu dây.
- Ludwig Kern.
Tiếng nói ở đầu kia im bặt một lúc lâu rồi tiếng thở hổn hển vang rõ trong ống nghe của Kern.
- Ludwig… Anh đó sao, Ludwig?
Tim Kern đập thật mau:
- Anh đây. Ruth đó hả? Anh không nhận ra giọng nói.
- Anh đang ở đâu? Ở chỗ nào?
- Ở tại đây, Zurich. Trong tiệm bán thuốc lá. Ở đây. Cùng một đường với em.
- Uûa, sao anh không tới? Có chuyện gì không?
- Không. Anh muốn biết chắc là em còn ở đó không. Mình gặp nhau ở đâu cho tiện?
- Tới đây. Lại đây với em, mau đi. Lầu hai.
- Anh biết, nhưng có tiện không? Sợ người nhà…
- Không có ai cả. Em ở có 1 mình. Họ đi nghỉ cuối tuần hết rồi. Lại đây với em.
- Anh tới ngay.
Kern đặt máy xuống. Anh nhìn quanh. Cảnh vật trong tiệm dường như đã thay đổi. Anh trở ra quầy.
- Điện thoại bao nhiêu?
- Mười xu.
- Có bao nhiêu đó thôi, hả?
- Đủ rồi – người đàn bà lấy tiền – còn gói thuốc đằng kia.
- Vâng, vâng.
Kern ra tới đường. Anh tự bảo “Đừng chạy. Đừng làm cho người khác nghi ngờ. Phải làm chủ thần kinh. Nên đi chậm chậm. Mà không, vẫn có thể đi mau hơn…”
Ruth đứng sẵn ở đầu thang lầu. Trời tối nên Kern không thể thấy rõ người yêu. Anh vội vàng bảo:
- Coi chừng, anh chưa tắm rửa gì cả. Vali còn để ngoài ga.
Ruth không trả lời. Nàng hơi nghiêng người tới, dáng đợi chờ. Kern bước lên từng ba nấc một và… Ruth đã ở trong vòng tay anh, nóng ấm và hiện thực còn rõ ràng hơn sự sống.
Ruth đứng yên. Kern nghe rõ hơi thở của nàng. Anh cũng đứng yên. Bóng tối vây quanh họ dường như lay động. Kern bỗng nhận ra người yêu đang khóc. Anh sửa bộ nhưng Ruth lắc đầu, vẫn dựa sát vào anh.
Có mở cửa tầng dưới. Kern nhính người qua một bên để nhìn xuống thang lầu. Anh nghe tiếng bước chân. Đèn bật sáng, Ruth chợt tỉnh:
- Vào đi anh.
Họ ngồi trong phòng khách của gia đình Neumann. Đây là lần đầu tiên từ khá lâu rồi, Kern được ngồi trong một căn nhà thật sự. Đồ đạc trong nhà hầu hết được làm bằng gỗ đào hoa tâm. Ngoài ra còn có một tấm thảm Ba Tư, mấy chiếc ghế bành, vài ngọn đèn có chụp ánh sáng may bằng lụa màu. Đối với Kern, khung cảnh chẳng có gì sang quý nầy lại là hình ảnh của thái hòa, một hòn đảo bình yên.
Kern hỏi:
- Giấy thông hành của em hết hạn hồi nào?
- Gần bảy tuần rồi.
Ruth lấy từ trong tủ ra hai cái ly và một chai rượu.
- Em có xin gia hạnh không?
- Có. Em tới Tòa lãnh sự ở Zurich. Họ từ chối.
- Anh cũng vậy. Chỉ còn chờ phép lạ. Họ coi mình như là kẻ thù của quốc gia. Những kẻ thù nguy hiểm. Đúng ra, mình phải cảm thấy mình là những nhân vật quan trọng, đúng không?
- Em không cần gì cả. Bây giờ thì em cũng như anh.
Kern cười. Anh ôm vai Ruth và chỉ vào chai rượu:
- Chai gì vậy? Cognac hả?
- Dạ. Cognac loại quý của nhà nầy. Em cũng uống vì có anh. Nghe tin anh ở tù, em muốn điên lên. Bọn nó đánh anh, quân ăn cướp. Tất cả chỉ tại em.
Nàng nhìn Kern, mỉm cười. Kern nhận thấy tay nàng run run khi rót rượu.
- Em sợ quá. Nhưng bây giờ có anh là đủ cả.
Hai người cùng uống. Ruth đặt ly xuống. Nàng đã uống cạn một hơi. Quàng cổ Kern với cả hai tay, Ruth nũng nịu:
- Bây giờ em sẽ không để cho anh đi đâu nữa, không bao giờ.
Kern nhìn Ruth. Anh chưa thấy nàng như thế lần nào. Một cái bóng mờ đã đi qua, Ruth không còn tự khép kín nữa và anh chợt hiểu ra, lần đầu tiên, nàng đã hoàn toàn thuộc về mình.
- Ruth, anh muốn mái nhà bị hất tung lên rồi một chiếc phi cơ tới đưa chúng mình ra một hòn đảo xa xôi ở đó có san hô và những hàng dừa, ở đó không một ai nghe nói tới thẻ thông hành và chứng chỉ lưu trú.
Ruth hôn Kern:
- Em sợ không được vậy đâu. Ngay bên cạnh san hô và những hàng dừa chắc họ đã bố trí những dàn đại bác và tàu chiến. Ở đó, họ còn kiểm soát gắt gao hơn ở Zurich.
- Có lẽ đúng. Mình uống một ly nữa… Nhưng Zurich cũng nguy hiểm. Mình không thể lẩn trốn lâu.
- Vậy thì mình đi.
Kern nhìn quanh phòng. Anh khoát tay chỉ bao gồm tất cả bàn ghế, đèn, màn:
- Ruth, ở với em tại một nơi như thế nầy là chẳng gì bằng. Tuy nhiên, em cần phải nhớ rằng tất cả những đồ vật mà chúng ta đang nhìn thấy sẽ không còn nữa. Lúc đó chỉ có những con đường dài hun hút, những cuộc lẩn tránh, những ổ rơm, hoặc một gác trọ tồi tàn… và cũng có thể là tù ngục.
- Em biết nhưng em không sợ. Đừng lo. Bằng mọi cách em phải rời khỏi nơi nầy. Người trong nhà đang lo ngại vì em ở không khai báo. Họ sẽ hài lòng khi em đi. Em còn chút ít tiền để dành. Em sẽ giúp anh mua bán. Vả lại, em cũng không tốn kém gì nhiều cho anh đâu.
- Vậy à? Em còn tiền và sẽ tiếp anh mua bán? Thôi, đừng nói nữa, anh khóc bây giờ. Đồ đạc có gì nhiều không?
- Em gởi lại đây những gì không cần thiết.
- Tốt. Còn sách vở. Mấy cuốn hóa học to tổ bổ ấy?
- Bàn hết rồi. Em nghe theo lời anh lúc ở Prague. Đừng nên mang theo những gì dính dáng tới cuộc sống trước kia.
Kern cười:
- Vậy là đúng. Em có óc thực tế rồi. George Binder, một thổ công của Thụy Sĩ, đã khuyên anh như thế. Chừng nào mình đi?
- Sáng mốt. Từ bây giờ tới đó mình ở lại đây.
- Tốt quá. Lại có chỗ ngủ rồi. Aø, anh phải tới quán Grief trước mười hai giờ đêm để gặp Binder.
- Đừng đi đâu cả. Anh phải ở đây với em cho tới lúc hai đứa lên đường. Nếu không, em lo lắm.
- Nhưng có tiện không? Còn người giúp việc hay một ai đó có thể… tố cáo mình không?
- Người làm nghỉ cho tới trưa thứ hai. Cô ta sẽ trở về bằng chuyến xe lửa mười một giờ bốn mươi. Gia đình Neumann thì về khoảng ba giờ chiều. Mình còn đủ thì giờ.
- Chúa ơi! Chúng mình làm chủ cả một căn nhà như thế nầy à?
- Chớ sao.
- Mình làm chủ căn nhà. Mình tự do ngồi ở phòng khách, vào nằm trong buồng ngủ, ăn uống có khăn trải bàn trắng muốt, tô dĩa bằng sứ tráng men, muỗng nĩa bằng bạc, lại còn cà phê và nghe máy thu thanh…
- Và em sẽ nấu nướng theo sở thích của anh, rồi em sẽ mặc áo đẹp của Sylvia Neumann.
- Và anh sẽ mặc áo đuôi tôm của Neumann dầu có rộng thùng thình đi nữa.
- Chắc vừa mà.
- Vậy là tuyệt diệu.
Kern nhảy cẫng lên, nói tiếp:
- Anh sẽ tắm nước nóng và gội rửa thật nhiều xà bông. Lâu quá, chưa hề tắm với xà bông.
- Phải rồi, mình sẽ cho vào bồn nước vài giọt nước hoa hiệu Farr của nhà sản xuất Kern, nổi danh thế giới.
Kern buồn thiu:
- Anh bán hết rồi.
- Em còn một chai của anh cho trong rạp hát ở Prague. Đó là đêm đầu tiên. Em giữ là kỉ niệm.
Kern ngửa mặt lên:
- Xin Thượng đế ban phước lành cho Zurich. Ruth, em đem lại cho anh quá nhiều hạnh phúc. Hay quá, mình bắt đầu với toàn những điềm lành.
Tài sản của Adamsmith

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #12  
Old 06-06-2008, 02:08 PM
Adamsmith's Avatar
Adamsmith Adamsmith is offline
Tiếp Nhập Ma Đạo
 
Tham gia: May 2008
Đến từ: Nơi có lá vàng rơi.
Bài gởi: 392
Thời gian online: 2 tháng 0 tuần 2 ngày
Xu: 801
Thanks: 185
Thanked 41 Times in 24 Posts
Chương 12

Lucerne
Luôn hai ngày Kenr dọ dẫm ngôi biệt thự của ông Cố vấn thương mại Arnold Oppenheim. Ngôi nhà trắng toát đứng sừng sững như một lâu đài kiên cố từ trên cao nhìn xuống hồ Quatre-Cantons. Trong số các địa chỉ của Binder cho, phần ghi chú về Oppenheim được Kern đọc lại nhiều lần: Đức – Do Thái. Chỉ chịu cho khi bị bắt buộc. Aùi quốc cực đoan. Đừng nói tới chuyện Do Thái tự trị.
Ngày thứ ba, Kern được đưa vào. Oppenheim tiếp Kern trong một khu vườn to lớn có nhiều hoa cúc và hướng dương. Trông ông ta khỏe mạnh và lịch sự. Điểm đặc biệt là các ngón tay đều quá lớn và râu mép quá dầy.
- Cậu vừa từ Đức quốc tới, phải không?
- Thưa không. Tôi đã rời xứ trên hai năm.
- Gia đình hồi đó ở đâu?
- Dạ, ở Dresde.
- Aø, Dresde – ông ta sờ vào cái trán sói bóng lưỡng rồi thở phào ra – Dresde là một thành phố tuyệt diệu. Một hòn ngọc. Cậu có nhận thấy thế không?
- Thưa, đúng vậy.
Trời đang nóng bức và Kern nhìn ly nước nho trên chiếc bàn đá trước mặt Oppenheim. Anh cố tự chủ để khỏi nuốt nước miếng. Oppenheim vẫn thản nhiên. Ông ta nhìn vào khoảng không êm ả:
- Ở đó có khu Zwinger, có lâu đài, có các phòng triển lãm nghệ thuật… Cậu biết tất cả chớ?
- Dạ, chỉ biết qua thôi.
Oppenheim ném một cái nhìn trách móc:
- Đâu được. Cả một công trình văn hoá đấy. Hoàn toàn phù hợp với dân tộc tính. Chắc cậu biết Daniel Poppelmann?
- Vâng.
Kern cố làm vừa lòng ông ta nhưng sự thật anh chẳng biết tý gì về cái ông kiến trúc sư tân kỳ ấy cả. Oppeheim ngửa người trên ghế dựa:
- Nước Đức xinh đẹp của chúng ta. Không một ai bắt chước nổi.
- Dạ, chắc chắn là không nổi. Như vậy đỡ hơn.
- Đỡ hơn? Cậu nói sao?
- Đỡ hơn cho những người Do Thái. Nếu nước nào cũng vậy thì chúng tôi chẳng còn một ai sống sót.
- A! Cậu nhìn theo nhãn quan chánh trị. Không một ai sống sót, đại họa,ï bi thảm… thời nầy người ta hay dùng những từ ngữ quá lớn. Thực ra thì cũng không đến nỗi nào, tôi biết mà.
- Thưa, thật vậy sao?
- Thật chớ – Oppeheim chồm tới và làm ra điều thân thiết – giữa chúng ta nói thật cho cậu biết, người Do Thái cũng có trách nhiệm về những gì đã xẩy ra. Phần lớn trách nhiệm, tôi biết mà.
Kern nghĩ “Không biết ông ta sẽ cho mình bao nhiêu? Có đủ để đi tới Berne không?”
Oppenheim hớp một ngụm nước nho và giải thích:
- Cứ lấy trường hợp người Do Thái miền đông, những di dân Ba Lan chẳng hạn. Có nên cho họ vào nước tất cả không? Họ đã làm gì cho nước Đức? Tôi chán ghét họ cũng như chán ghét chế độ. Người ta bảo Do Thái vẫn cứ là Do Thái. Có gì liên hệ giữa một gã bán hàng rong bẩn thỉu và một gia đình Do Thái trưởng giả đã lập cư từ bao nhiêu thế kỷ?
- Bởi vì một số thì ra đi trước còn một số thì chỉ mới tới sau.
Kern vừa nói xong đã biết lỡ lời. Anh sợ làm phật ý Oppeheim. Rất may là ông ta đang say sưa với vấn đề đã đắt ra nên không để ý.
- Những người kia đã được đồng hoá và trở thành công dân đắc dụng, hữu ích cho đất nước. Còn bọn họ thì chỉ là những di dân ngoại quốc. Đó chính là mấu chốt của vấn đề. Bọn mình có liên can gì tới chúng . Tốt hơn hết là chúng ở lại Ba Lan.
- Nhưng ở đó người ta không muốn có mặt họ.
Oppenheim đưa cả hai tay lên:
- Nhưng việc đó có dính líu gì tới nước Đức. Hoàn toàn khác xa. Mình phải khách quan mới được. Tôi tiếc là người ta đã vơ đũa cả nắm. Cậu thấy có phải thế không?
- Vâng.
Kern vừa đáp vừa tính thầm “Hai mươi quan, thế là đủ cho bốn ngày ở trọ. Biết đâu ông ta sẽ cho nhiều hơn”.
Hơi thở của Oppenheim nghe gấp rút:
- Cho dầu cả thế giới không được sung sướng, hoặc một vài nhóm phải chịu như vậy… cũng đành. Cần phải có những chính sách cứng rắn và mình phải chấp nhận.
- Dạ. Rất đúng.
- Cậu có thấy quân đội của chúng ta không? Độc nhứt trên thế giới. Chỉ trong một thời gian ngắn mình đã lấy lại tư thế đại cường. Một dân tộc mà quân đội chẳng ra gì thì đánh chác với ai?
- Vấn đề nầy, tôi không rành lắm.
Oppenheim lườm Kern:
- Phải biết chớ. Có lẽ tại cậu ở nước ngoài. Các nước khác đã bắt đầu nể sợ chúng ta. Và đó là cái sợ căn bản nhứt. Chỉ khi nào kẻ thù bắt đầu sợ, ta mới có thể thành công.
- Dạ, đó là vấn đề mà tôi được hiểu ít nhiều. Oppenheim uống cạn ly nước nho và đi vài bước. Phía dưới, mặt hồ phản chiếu trông như một cái mộc xanh khổng lồ từ trên trời rơi xuống. Oppeheim đột nhiên đổi giọng:
- Cậu có định làm gì chưa? Tính ở đâu?
- Dạ, Ba Lê.
- Tại sao lại Balê?
- Dạ, cũng không biết. Người ta bảo ở đó dễ sống hơn.
- Sao không ở lại Thụy Sĩ?
Kern gần như nín thở:
- Thưa ông Cố vấn, nếu được tôi xin ở lại ngay. Xin ông Cố vấn vui lòng giúp cho, hoặc một lời gởi gấm hay một chỗ làm… Nếu ông Cố vấn…
Oppeheim ngắt ngang:
- Tôi không làm được gì đâu. Hoàn toàn không được. Tôi chỉ muốn biết cậu định làm gì thôi, một câu hỏi thông thường. Tôi phải giữ hoàn toàn trung lập về chính trị. Không được dính vào đâu cả.
- Thưa ông Cố Vấn, đây không phải là vấn đề chánh trị.
- Thời đại nầy thì cái gì cũng là chánh trị. Thụy Sĩ là nước tiếp nhận tôi. Không, đừng đặt vấn đề đó… Cậu cần gì nữa không?
Kern lấy từ trong túi ra một vài món hàng:
- Thưa, không biết ông Cố vấn có cần những thứ nầy không?
- Đâu, để coi… Nước hoa? Thứ nầy không cần thiết. Xà bông? Được. Cho tôi một bánh. Khoan…
Ông ta cho tay vào túi, mò mẫn rồi lấy ra hai quan đặt lên bàn:
- Đây, như vậy là quá đủ rồi, chớ gì?
- Vâng giá chỉ có một quan.
Oppenheim làm một cử chỉ hào hiệp:
- Thôi cứ giữ luôn đi. Nhưng đừng nói lại với ai cả. Họ tới đây làm nhộn hoài.
- Thưa ông Cố vấn, chính vì vậy mà tôi không muốn nhận số tiền hơn giá cục xà bông.
Oppenheim trố mắt:
- Vậy à? Cũng được. Vả lại, đó cũng là một nguyên tắc chính đáng. Không nhận quà tặng. Tôi cũng thích như thế.
Buổi chiều, Kern bán thêm được hai cục xà bông, một cái lược và hai hộp kẹp tóc. Tất cả được ba quan. Sau cùng, anh tạt vào một nhà buôn vải.
Bà Grunberg, chủ tiệm vải, tóc rối bù, nhìn anh qua cái kính một tròng:
- Chắc không phải là nghề của cậu?
Kern hơi ngượng:
- Dạ. Tôi không được khéo lắm.
- Cậu có muốn làm việc không? Tôi đang liệt kê lại tất cả. Chắc phải mất một hai ba ngày. Mỗi ngày bảy quan và ăn uống đầy đủ. Nếu muốn, tám giờ mai cậu tới đây.
- Dạ, cám ơn bà, nhưng…
- Tôi biết lắm. Tôi không phải là người hay bép xép. Bán cho tôi một cục xà bông đi. Ba quan đủ không?
- Dạ, dư quá nhiều.
- Không có gì gọi là dư, cũng không có gì cho là đủ. Can đảm lên.
Kern nhận tiền:
- Nếu có can đảm không thôi cũng khó sống. Điều đáng khích lệ là thỉnh thoảng gặp được một dịp may.
- Vậy ngay bây giờ cậu sắp xếp giúp tôi hàng hoá lại, mỗi giờ một quan. Như thế đã phải là một dịp may chưa?
- Dạ, đúng là một dịp may. Nhưng không nên đánh giá quá thấp sự may mắn. Tham vọng càng nhỏ thì cơ hội gặp may càng nhiều.
- Chắc cậu đã học được điều đó trong khi đi đường?
- Thưa, không phải trong lúc đi đường mà là trong lúc nghỉ ngơi. Mỗi ngày chúng tôi học thêm được một điều mới lạ, ngay cả ở những ông cố vấn thương mãi.
- Cậu có biết chút gì về hàng vải không?
- Tôi chỉ mới biết loại vải xấu. Tôi đã học may luôn hai tháng trong một nhà tù. Coi bộ cũng không mấy khó.
- Biết thêm được cái gì cũng tốt cả. Chính tôi có lúc học nhổ răng. Cách nay hai chục năm rồi. Biết đâu, thỉnh thoảng nó lại chẳng đem lại cho tôi một vài niềm vui.
Kern làm việc tới mười hai giờ đêm và lãnh được năm quan, ngoài bữa ăn tối. Khoản tiền nầy cộng với mấy quan kia vừa đủ cho anh sống được hai ngày và khiến anh hài lòng hơn là được ông Cố vấn Oppenheim bố thí cho một quan.
Ruth đợiKern trong một nhà trọ mà Binder đã cho địa chỉ. Người ta có thể trú ngụ ở đây vài hôm không cần khai báo. Trước mặt Ruth, bên một cái bàn là một người đàn ông đứng tuổi, gầy ốm.
Vừa thấy Kern, Ruth đứng lên:
- Anh vừa về đúng lúc, em đang sợ…
- Sợ gì? Thường thường hễ khi mình quá lo thì lại chẳng có gì xẩy ra. Chỉ khi nào mình không cảm thấy gì cả thì tai nạn tới.
Người ngồi cùng bàn với Ruth cười:
- Đó là ngụy biện chớ không phải là triết lý.
Kern quay về phía ông ta. Người đàn ông lạ vẫn cười:
- Lại đây uống một ly rượu chát với tôi. Cô Holland sẽ cho cậu biết tôi không có gì nguy hiểm cả. Tôi là Vogt, trước đây làm giảng sư ở Đức. Xin mời cậu uống chai cuối cùng của tôi.
Kern nhìn sững ông ta:
- Sao lại là chai cuối cùng?
- Bởi vì sáng tôi sẽ đi ở trọ một thời gian. Mệt mỏi lắm rồi, tôi cần tĩnh dưỡng.
Kern không hiểu sao cả:
- Ở trọ là thế nào? Chớ ở đây…
- Tôi bảo là ở trọ, người ta bảo là ở tù. Sáng mai, tôi sẽ tới Cảnh sát khai là tôi đã lưu trú bất hợp pháp tai Thụy Sĩ hai tháng nay. Tôi sẽ bị giam vài tuần vì tôi đã bị trục xuất hai lần rồi.
- Ông có cần tiền không? Hôm nay tôi gặp vận tốt…
Vogt từ chối:
- Cám ơn, tôi còn mười quan đủ trả tiền rượu và ở trọ đêm nay. Tôi chỉ mệt mỏi thôi, và chỉ có vào tù mình mới được nghỉ ngơi. Năm mươi hai tuổi, sức khoẻ không còn… chẳng đủ sức lặn lội và trốn tránh mãi… Lại đây, mời cô cậu ngồi với tôi. Sống cô độc mãi cũng buồn.
Ông ta rót rượu vào ly:
- Đây là loại neufchatel, chát mà trong như nước băng.
Kern vẫn còn thừ người:
- Nhưng ở tù…
Vogt cười:
- Nhà tù Lucerne tốt lắm. Tôi biết rồi nên tôi tự cho mình có quyền chọn nơi bị giam. Chỉ sợ họ không chịu giam. Rủi gặp mấy ông Toà quá nhân đạo, họ đuổi trở lại biên giới thì khổ thân. Chúng tôi là dân miền Đông Địa Trung Hải nên còn rắc rối hơn người Do Thái. Chúng tôi không có cộng đồng giáo hội nên không có người giúp đỡ… Mà thôi, nhắc làm gì mấy chuyện đó…
Ông ta nâng ly:
- Chúng mình hãy uống cho cái gì được gọi là đẹp trên trái đất…
Cả ba người cùng cụng ly. Kern vừa uống vừa nhớ tới ly nước nho của lão Oppenheim. Vogt tươi cười:
- Tôi tưởng chỉ có một mình, không bao giờ lại có cô cậu chung vui. Trời mùa thu trong mát lạ!
Họ ngồi như thế khá lâu. Vài con bướm đêm thỉnh thoảng lại quăng mình chạm mạnh vào bóng đèn nóng cháy. Vogt ngã dựa lưng ghế, mắt nhìn ra xa, trầm lặng. Nhìn khuôn mặt xương và ánh mắt trong suốt của Vogt, cả Kern và Ruth đều có cảm tưởng như con người trước mắt họ đã sống trọn một thế kỷ và đang bình thản giã từ cuộc sống.
Vogt bỗng lên tiếng như nói với chính mình:
- Sự yên tĩnh… đứa con trầm lặng của lòng khoan dung đã biến mất trong thời đại nầy rồi. Nó đòi hỏi quá nhiều đức tánh: sự hiểu biết, sự suy tư, tánh khiêm nhượng và lòng nhẫn nại trước điều bất khả kháng. Tất cả những đức tánh đó đã chạy trốn trước chủ nghĩa của đồn trại… Những kẻ muốn cải tiến thế giới đã làm hỏng thế giới đi… Và những nhà độc tài không bao giờ tìm thấy sự yên tĩnh và niềm vui.
Kern phụ hoạ:
- Kể cả những kẻ gánh chịu ách độc tài cũng thế.
Vogt chậm chạp gật đầu và uống một ngụm rượu trong. Ông ta chỉ xuống mặt hồ đang soi bóng mảnh trăng non, giữa các ngọn núi bao quanh trông giống một cốc rượu khổng lồ:
- Đó là những vật mà không ai có thể áp dụng được chế độ độc tài. Những con bướm, những tàng cây cũng vậy… Holderlin và Nietzsche. Một người ca ngợi sự sống đặc biệt trong lành, và người kia tưởng tượng tới những vũ khúc thần tiên, sảng khoái. Cả hai đều chết vì điên, dường như tạo hoá đã ấn định sẵn giới hạn cho con người.
Kern chua chát chen vào:
- Nhưng các nhà độc tài không chết vì điên.
- Hẳn là không – Vogt vừa cười vừa đứng lên – nhưng họ cũng không phải là những kẻ bình thường.
- Ông vẫn giữ ý định tới Cảnh sát ngày mai?
- Không còn cách nào hơn. Giã biệt các bạn nhỏ và cám ơn đã chịu khó ngồi chung. Tôi phải ra bờ hồ chơi khoảng một giờ.
Ông ta đi từng bước chậm. Con đường vắng còn dội lại những tiếng chân, xa lần, xa lần.
Kern nhìn Ruth. Nàng cười.
- Em có sợ không?
Ruth lắc đầu. Kern nói giọng tin tưởng:
- Trường hợp chúng mình thì khác. Mình còn trẻ. Nhứt định mình sẽ vượt qua.

Hai ngày sau. Binder từ Zurich tới, bình thản, bảnh bao và đầy tự tin. Hắn hỏi Kern:
- Mạnh khoẻ chớ? Làm ăn ra sao?
Kern thuật lại cuộc gặp gỡ với ông Cố vấn Oppenhim. Binder chăm chú nghe. Hắn cười khi nghe Kern kể tới đoạn nhờ lão ta can thiệp cho mình ở lại.
- Đó là cái lầm lẫn chính yếu của anh. Tôi chưa hề thấy một người nào hèn cỡ lão ta. Rồi anh xem, tôi đã có cách trừng phạt lão…
Binder đi cho tới tối mới trở về với tờ giấy bạc hai chục quan trên tay. Kern nhìn nhận:
- Tôi phục anh sát đất.
Binder nhún vai:
- Cũng chẳng đẹp đẽ gì. Đồng tiền cướp mất của con người nhiều tánh tốt.
- Nhưng không có tiền thì lại cũng vậy.
- Rất đúng nhưng rất ít. Tôi đã làm cho lão ta điếng hồn về các tin tức khủng khiếp ở Đức. Lão cho là vì sợ. Lão muốn bảo đảm số mạng bằng cách ra điều mình có lương tâm. Tôi có ghi chú cho anh không?
- Không. Anh ghi: Chỉ cho khi nào bị bắt buộc.
- Cũng vậy thôi. Biết đâu rồi một ngày nào đó, lão Oppenheim sẽ chẳng là bạn đồng hành của mình trong cuộc sống lưu vong.
Kern cười:
- Dễ gì. Lão ta luôn luôn có lối thoát. À, anh đến Lucerne có chuyện gì không?
- Zurich dạo nầy quá nguy hiểm. Cảnh sát theo bén gót – mặt hắn thoáng nét buồn – với lại tôi cũng cần tới để xem có thư từ Đức gởi sang không.
- Của cha mẹ?
- Của mẹ tôi.
Kern lặng thinh. Anh nhớ tới mẹ mình. Thỉnh thoảng anh vẫn viết thơ cho mẹ. Nhưng anh không nhận được thơ trả lời vì không thể ở một chỗ.
Đột nhiên, Binder hỏi:
- Anh có thích bánh ngọt không?
- Thích chớ. Anh có hả ?
- Có. Đợi tôi một chút.
Binder trở lại với một hộp giấy bên trong có một cái bánh lớn trong giấy bóng.
- Mới vừa gởi tới hôm nay.
Kern bảo:
- Anh ăn đi chớ. Của mẹ anh làm cho anh mà.
- Phải, chính mẹ tôi làm. Nhưng cũng chính vì lẽ đó mà tôi không thề ăn, dầu chỉ ăn một miếng nhỏ.
- Tôi không hiểu gì cả. Nếu mẹ tôi gởi bánh cho tôi thì phải biết! Tôi ăn nhín cả tháng. Cứ mỗi đêm tôi ăn một miếng.
Binder nhăn mặt:
- Anh không hiểu. Mẹ tôi không phải gởi cho tôi mà là cho em tôi.
Kern tròn mắt:
- Nhưng anh bảo là em anh đã chết rồi mà.
- Đúng vậy. Nhưng mẹ tôi không biết.
- Sao vậy?
- Tôi không dám nói cho mẹ tôi biết. Bà có thể chết nếu được tin. Bà thương nó nhứt nhà, tôi thì chẳng được một góc nào cả. Chính là được cưng thái quá mà nó không chịu đựng nổi cảnh khổ.
Với một cử chỉ tức tối, hắn ném tờ bạc cửa Oppenheim xuống đất.
Kern lượm lên để trên bàn. Binder ngồi xuống ghế, rút thuốc ra hút. Hắn lấy ra một bức thơ:
- Đây là bức thơ gởi tới cùng một lượt với hộp bánh. Anh đọc đi rồi mới thấy tình cảnh bi đát của tôi.
Thơ viết trên giấy màu xanh lợt. Nét chữ tròn và nghiên như chữ của một cô gái:” Leopold của mẹ. Mẹ được thơ con hôm qua. Mẹ vui mừng đến nỗi phải ngồi yên một lúc lâu mới bình tĩnh lại. Mẹ xé bao thơ ra và đọc. Tim mẹ dạo nầy càng yếu hơn. Mẹ rất vui khi được tin con tìm được việc làm. Đừng lo quá về chuyện chẳng kiếm được bao nhiêu. Nếu con tận tuỵ với công việc thì đâu sẽ vào đó. Có thể sau nầy con phải tiếp tục học. Leopold nhớ nhắc nhở George. Nó nóng nẩy và vô tâm. Có con bên nó, mẹ cũng yên lòng phần nào. Sáng nay mẹ làm thứ bánh mà con ưa nhứt. Mẹ muốn làm bánh vương miện Francfort nhưng sợ đi đường nó sẽ hư mất. Hễ lúc nào rảnh thì viết cho mẹ. Sao không gởi cho mẹ một tấm ảnh của con? Mẹ mong gia đình mình sớm đoàn tụ. Mẹ của con. Nhớ nói mẹ thăm thằng George”.
Kern để lá thơ xuống. Anh không dám trả lời thẳng cho Binder.
Nhìn Kern với đôi mắt thần, Binder hỏi:
- Anh thấy chưa? Làm sao tôi có được tấm ảnh của nó?
- Mẹ anh có nhận được thơ của Leopold không?
Binder lắc đầu:
- Nó tự ngắm vào đầu năm ngoái. Từ đó, tôi phải viết thế nó, cách vài tuần một lần. Tôi bắt chước nét chữ của em tôi, phải cố nhái cho thật giống. Khổ quá!
Hắn nhìn Kern như van lơn:
- Anh thấy thế nào?
- Đành như vậy.
- Sáu mươi tuổi. Sáu mươi tuổi và bịnh đau tim. Chắc mẹ tôi chẳng còn sống được bao lâu nữa. Tôi sẽ cố làm cho mẹ tôi không biết gì cả. Tự sát, mẹ tôi không thể nào chấp nhận một chuyện như thế.
Binder đứng lên:
- Bây giờ, tôi lại phải viết thơ thay nó. Nhưng còn tấm hình, biết làm sao đây?
Hắn lấy bức thư trên bàn:
- Anh ăn bánh dùm tôi đi. Nếu anh không thích thì cho Ruth. Đừng nói gì với cô ấy cả.
Kern do dự:
- Bánh ngon quá. Tôi chỉ muốn được ăn một miếng nhỏ…
Binder lấy con dao nhỏ trong túi ra, xẻ lấy một mảnh nhỏ bỏ vào bao thơ. Mặt hắn sa sầm:
- Anh biết không, thằng em tôi không bao giờ nó thương mẹ tôi cả. Nhưng tôi… kể cũng lạ, phải không?
Hắn đi sang phòng bên kia.
Mười một giờ đêm, Ruth và Kern còn ngồi trong sân. Binder từ trên đi xuống. Hắn đã lấy lại vẻ nhàn nhã, sang trọng như chẳng có gì xẩy ra. Hắn nói với Kern:
- Mình đi dạo một lúc đi. Tôi không tài nào ngủ được mà cũng sợ phải sống một mình. Đằng nầy có chỗ giải khát hoàn toàn an ninh.
Kern nhìn Ruth:
- Em có mệt không?
Ruth lắc đầu. Binder nài ép:
- Vậy thì cùng đi cho tôi vui. Chỉ mất một tiếng đồng hồ thôi.
Hắn đưa hai người tới một quán nước có khiêu vũ. Ruth nhìn thoáng qua, hơi ngại:
- Sang quá, không hợp với bọn mình.
Binder trả lời giọng chua chát:
- Họ lập quán là để tiếp đón bọn lảng du như bọn mình đó chớ. Nhìn kỹ thì cũng chẳng có gì đáng gọi là sang. Chỉ được một việc là Cảnh sát không để ý tới. Và rượu cognac không đắt như mấy nơi kia. Nhạc ở đây khá lắm. Vào đi, tôi mời mà.
Họ gọi thức uống sau khi tìm ra chỗ ngồi. Binder nâng ly:
- Buồn làm quái gì! Hãy vui lên! Cuộc sống quá ngắn ngủi và sự kiện vui hay buồn cũng chẳng thay đổi được gì.
Kern cũng nâng ly:
- Đúng lắm. Mình cứ tưởng như là công dân Thụy Sĩ, có nhà ở Zurich và tới Lucerne du ngoạn.
Ruth cười với Kern. Bindere nói thêm vào:
- Hay cứ kể như là những nhà du lịch sang giàu.
Hắn uống cạn ly và gọi ly khác rồi hỏi Kern:
- Thêm một ly nữa chớ?
- Từ từ thôi.
- Uống đi. Để hăng hái mà. Một ly nữa. Kern.
- Cũng được.
Cả ba ngồi nhìn người ta khiêu vũ. Khách lớn khách đều cùng một trạc tuổi với họ. Thế nhưng, họ ngồi đó như những đứa trẻ lạc loài. Có lẽ đó không phải là nỗi buồn mất quê hương mà chỉ là thiếu nguồn hứng khởi trước một cuộc sống chẳng hy vọng, không tương lai. Kern chợt nhận ra cơn buồn trầm mặc đó. Anh nhắc nhở:
- Cái gì vậy? Mình mới bảo là phải vui mà.
Anh hỏi Ruth:
- Em thấy thế nào?
- Tạm được.
Căn phòng tối sầm lại. Aùnh đèn rọi nhiều màu quét trên sàn nhảy, rồi một nữ vũ công xinh xắn bắt đầu nhảy múa. Binder vỗ tay:
- Tuyệt diệu.
- Nhạc hay quá.
Họ bắt đầu cảm thấy yêu sống nhưng trong niềm vui bất chợt đó có pha lẫn mùi vị như bụi như tro.
Binder hỏi:
- Sao hai người không nhảy ?
- Em chắc không biết nhảy đâu.
- Anh cũng không rành, vậy càng tiện.
Ruth ngập ngừng vài phút rồi cùng Kern ra sàn nhảy. Aùnh đèn nhiều màu chiếu qua những cặp khiêu vũ.
Cả hai thoạt đầu hơi ngượng nghịu nhưng lần đầu lấy lại bình tĩnh, nhất là khi thấy chẳng ai để ý tới mình. Kern thì thào:
- Được nhảy với em là cả một thích thú. Mỗi ngày anh khám phá thêm nhiều mới lạ về em. Em đã thay đổi và làm đẹp được những gì ở chung quanh.
Bàn tay của Ruth áp sát vào tai Kern. Họ bước chập theo nhạc điệu. Aùnh đèn màu đổ lên người họ từng đợt sáng óng ánh và chỉ trong khoảnh khắc họ quên tất cả.
Nhạc ngừng, họ trở về bàn. Kern nhìn Ruth. Mắt nàng ngời chiếu niềm vui. Kern nghĩ “ước gì người ta có thể sống như ý muốn”. Ý nghĩ đó bỗng khiến Kern chán chường hơn.
Binder thúc nhẹ khuỷu tay vào người Kern:
- Lão ta kìa!
Lão Cố vấn thương mãi Oppenheim đang đi ra cửa. Tới chỗ bàn họ, lão ta dừng sững lại, trố mắt:
- Lý thú chưa! Những con người có học!
Không cần ai trả lời.
- Thì ra người ta làm phước để được trả ơn trước mắt!
Binder thản nhiên đáp:
- Một chút khuây lãng đôi lúc còn cần thiết hơn một bữa ăn, thưa ngài Cố vấn.
- Toàn là nói cho trôi. Những người trẻ không nên có mặt những nơi nầy.
- Và cũng không nên dấn bước đường xa.
Kern nói với Ruth:
- Để anh nói rõ cho nghe. Cái ông đứng trước chúng ta đây là ngài Cố vấn thương mãi Oppenheim. Ông ấy mua của anh một cục xà bông và anh lời được bốn mươi xu.
Oppenheim sửng sốt nhìn Kern. Lão nói lầm thầm gì đó rồi bỏ đi. Ruth đứng dậy:
- Coi chừng ông ta kêu Cảnh sát. Mình nên về là hơn.
- Lão ta hèn lắm. Đừng lo. Lão sợ dây dưa tới lão.
- Nhưng mình cũng nên về cho rồi.
- Cũng được.
Binder trả tiền. Cả ba trở về nhà trọ. Gần tới nhà ga, hai người đang từ đầu kia đi lại. Binder bảo nhỏ:
- Coi chừng nhân viên an ninh. Cứ tự nhiên.
Kern huýt sáo nho nhỏ, nắm lấy tay Ruth và bước khoan thai. Anh cảm thấy là Ruth muốn bước mau. Anh kéo tay Ruth lại và cười cợt làm ra vẻ ăn chơi.
Hai người kia đi ngược ngang qua. Một người đội nón nỉ, miệng ngậm xì gà… một người là cựu giảng sư Vogt. Ông ta nhận ra họ và nháy mắt ra hiệu với tất cả sầu thảm.
Được một lúc, Kern quay nhìn lại. Họ đã khuất bóng.
Binder luôn luôn thành thạo:
- Họ đi về hướng Bâle. Xe chạy về biên giới đúng mười hai giờ mười lăm.
Kern thở dài:
- Rủi cho ông ta là gặp phải một ông tòa quá nhân đạo.
Họ tiếp tục đi. Ruth rùng mình:
- Tình trạng ở đây đột nhiên trở nên đe doạ.
Binder bảo:
- Sang Pháp đi. Tới Ba Lê. Ở một thành phố lớn dễ chịu hơn.
- Sao anh không đi?
- Tôi không biết một tiếng Pháp nào cả. Ở Thụy Sĩ tôi quen hơn. Vả lại…
Hắn không nói nữa. Cả ba đi trong im lặng. Một đợt gió từ mặt hồ đổ lên. Trên đầu họ, vòm trời màu xám thép, bao la và xa lạ.
Tài sản của Adamsmith

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #13  
Old 06-06-2008, 02:10 PM
Adamsmith's Avatar
Adamsmith Adamsmith is offline
Tiếp Nhập Ma Đạo
 
Tham gia: May 2008
Đến từ: Nơi có lá vàng rơi.
Bài gởi: 392
Thời gian online: 2 tháng 0 tuần 2 ngày
Xu: 801
Thanks: 185
Thanked 41 Times in 24 Posts
Chương 13

Kern và Ruth tới Berne. Họ nhà ở trọ Immegrun tìm ra nhờ địa chỉ của Binder. Đây là loại nhà trọ có thể ở không cần khai báo trong hai hôm.
Đêm thứ nhì, có tiếng gõ cửa ở phòng Kern. Anh đã thay đồ và sửa soạn lên giường. Kern dừng sững, bất động… đợi chờ. Rồi không một tiếng động, anh nhón gót chạy tới cửa sổ. Không có lối thoát vì lầu quá cao. Anh từ từ quay lại và ra mở cửa.
Một thanh niên khoảng ba mươi tuổi đang đứng đó. Anh ta cao hơn Kern một cái đầu, mặt bầu bĩnh, mắt xanh ướt, tóc quăn màu vàng hoe ngã trắng. Anh ta xoay xoay cái nón cũ trên tay:
- Xin lỗi, tôi cũng là dân tị nạn…
Kern nhẹ người tưởng chừng như vừa mọc cánh. Thế là thoát nạn!
- Tên tôi là Binding. Richard Binding. Tôi định đi Zurich nhưng không còn một xu để ngủ trọ. Tôi không xin tiền mà chỉ xin ông cho tôi được ngủ nhờ một đêm trên sàn ván.
- Trên sàn ván nầy?
- Vâng. Tôi quen ngủ vậy rồi. Tôi không quấy rầy ông đâu. Luôn ba đêm, tôi chưa được ngủ. Ông cũng biết, ngủ trên ghế đá thì không tài nào mà nhắm mắt… Cảnh sát…
- Tôi hiểu, nhưng anh nhìn xem, phòng hẹp thế nầy làm gì có chỗ…
- Dạ, không sao. Tôi ngủ ngồi cũng khá lắm. Chỉ cần yên tĩnh, không lo sợ là ngủ được ngay. Trong góc kia là đủ rồi.
Kern suy nghĩ rồi bảo:
- Mỗi phòng mướn hai quan, tôi có thể giúp cho anh tiền.
Binding đưa tay ngăn lại:
- Không dám. Tôi không dám nhận tiền đâu. Những người ở trọ tại đây, ai cũng cần từng đồng xu. Vả lại, tôi có hỏi dưới kia, họ bảo không còn phòng trống.
- Biết đâu sẽ có phòng trống nếu anh có hai quan.
- Dạ không phải vậy. Người chủ bảo là ông ta chẳng tiếc gì với một kẻ đã từng bị nhốt trong trại tập trung đến hai năm, nhưng chính thật là không còn phòng trống.
- Sao? Anh ở trại tập trung hai năm?
- Vâng.
Binding kẹp nón giữa hai đầu gối rồi móc túi lấy một mảnh giấy nhầu nát trao cho Kern. Anh chưa hề thấy giấy phóng thích tù trại tập trung. Anh đọc tiêu đề, bản văn, tên Richard Binding đánh máy, rồi nhìn con dấu chữ Vạn.
Kern trả giấy lại cho Binding:
- Thôi, được. Anh cứ ngủ ở đây. Tôi sẽ sang ngủ nhờ phòng của một người bạn rộng hơn.
Binding nhìn sững Kern:
- Dạ như vậy không tiện đâu.
- Anh đừng lo. Cách giải quyết của tôi là ổn thỏa nhứt.
Kern với lấy áo choàng và đôi giày:
- Tôi mang mấy thứ nầy theo để sáng khỏi phải đánh thức anh quá sớm.
Binding ôm lấy hai bàn tay Kern lắp bắp:
- Trời ơi, ông là một thiên thần. Một cứu tinh.
Kern cười:
- Không phải vậy đâu. Giữa những kẻ khốn cùng phải biết giúp đỡ lẫn nhau. Chúc anh ngủ ngon.
Kern đứng lại một chút. Anh muốn xách vali theo vì trong túi ngang còn bốn chục quan. Nhưng vali đã được khóa và mấy tờ giấy bạc giấu quá kỹ, không đáng ngại. Kern hơi xấu hổ vì đã nghi ngờ một kẻ vừa thoát khỏi cảnh ngục tù tàn khốc.
Ruth cùng ở trên một lầu với Kern. Anh gõ cửa hai tiếng nhẹ, mật hiệu giữa hai người. Ruth mở cửa ngay. Nàng cuống quýt hỏi:
- Có chuyện gì, hả? Phải trốn ngay sao?
- Không. Anh cho một gã vừa ở trại tập trung ra mượn phòng để ngủ vì luôn mấy đêm rồi, anh ta không chợp mắt. Anh có thể ngủ trên ghế dài ở đây chớ?
Ruth mỉm cười:
- Chiếc ghế dài quá cũ và lung lay, bộ cái giường không đủ rộng cho hai đứa sao?
Kern ôm hôn Ruth:
- Lắm lúc anh hay hỏi những câu quái dị. Tất cả hãy còn quá mới đối với anh.
Phòng của Ruth rộng hơn phòng Kern. Ngoài chiếc ghế dài, đồ đạc trong phòng cũng như nhau nhưng Kern nhìn thấy nó có vẻ khác lạ hoàn toàn. Kern nghĩ “Phải chăng vì ở đây có sự hiện diện của những đôi giày nho nhỏ, chiếc áo blouse và cái váy nâu… Có một cái gì ấm cúng trong phòng, cái gì đó có lẽ là sự ngăn nắp… cái bóng của những người nội trợ”.
- Ruth, em có nghĩ nếu mình có muốn thành hôn với nhau cũng chẳng làm sao được không? Vấn đề giấy tờ… phiền phức thật!
- Em biết nhưng đối với em đó là vấn đề phụ. Em tự hỏi tại sao chúng mình phải cần tới hai phòng?
Kern cười:
- Có lẽ là tại tinh thần đạo đức của người Thụy Sĩ. Không khai báo thì được nhưng chưa là vợ chồng thì không.
Sáng hôm sau, Kern đợi đến mười giờ mới trở về phòng mình với hảo ý để cho Binding ngủ ngon.
Nhưng căn phòng hoàn toàn trống. Có lẽ Binding đã đi sớm. Kern mở vali ra. Anh ngạc nhiên vì vali không khóa. Anh nhớ rõ là đã khóa cẩn thận ngay từ chiều. Dường như các chai dầu thơm cũng không nằm theo thứ lớp. Anh lục trong túi ngang. Tất cả tiền Thụy Sĩ đều bay biến chỉ còn lại mười đồng tiền Aùo.
Kern vội vã lục lại tất cả đồ đạc, các túi quần áo. Bốn chục đồng quan thế là đã đi theo gã lưu manh. “Có thể như thế được sao”. Anh ngồi thừ người tự hỏi như thế mãi. Cuối cùng anh quyết định không nói để cho Ruth khỏi thêm buồn.
Soát lại danh sách của Binder cho, Kern ghi một số địa chỉ tại Berne. Xong xuôi, Kern thồn xà bông, dây giày, kẹp tóc và vài dầu thơm vào túi rồi xuống lầu.
Tới tầng dưới anh hỏi người chủ nhà trọ:
- Ông có biết người nào tên Richard Binding không?
Người chủ lắc đầu:
- Tôi muốn nói đến anh chàng mới tới đêm qua xin cho ngủ trọ một phòng trống.
- Đêm qua có ai hỏi gì đâu. Vả lại tôi đi tới nửa đêm mới về.
- Vậy à? Ở đây còn phòng nào trống không?
- Còn ba phòng. Cậu đợi người nào tới hả? Cậu có thể lấy phòng số bảy cùng một tầng.
- Cám ơn, có lẽ người tôi đợi sẽ không trở lại.
Buổi trưa, Kern đã kiếm được ba quan. Anh vào một quán ăn bình dân ăn một khúc bánh mì thịt nguội để rồi sẽ tiếp tục đi bán dạo buổi chiều.
Kern đứng ăn ngon lành ở quầy. Thình lình khúc bánh mì chừng như suýt vuột khỏi tay. Anh vừa thoáng thấy tên bất lương Binding ở một bàn trong góc.
Anh nuốt mau đoạn bánh mì còn lại rồi từ từ tới bàn hắn. Binding ngồi một mình, chống hai khuỷ tay lên mặt bàn, trước mặt là một dĩa sườn non có su đỏ và khoai tây. Hắn ăn hùng hục, bất cả mọi người chung quanh.
Lúc Kern đứng sát bên, hắn ngước mắt lên, và toét miệng cười:
- A, ông bạn, mạnh khoẻ không?
Kern nói rít qua kẽ rằng:
- Bốn chục quan của tôi đâu?
Bining cố nuốt trôi một miếng thịt quá lớn:
- Đáng tiếc, thật đáng tiếc.
- Trả số tiền còn lại cho tôi, thế là kể như xong.
Tên bất lương uống một ngụm bia và chùi miệng :
- Dầu sao thì cũng kể như xong rồi . Nếu không thì bạn định làm gì?
Kern sững sờ nhìn hắn. Trong cơn giận, anh đã không nghĩ tới chuyện chẳng làm gì được gã. Nếu anh tới Cảnh sát, người ta sẽ hỏi giấy tờ và chính anh sẽ bị bắt trước tiên rồi bị trục xuất.
Mắt Kern chiếu tia căm giận. Binding trề môi:
- Không nổi đâu. Tôi là một võ sĩ có hạng lại nặng hơn bạn tới hai mươi ký. Vả lại, nếu bạn làm rùm, Cảnh sát sẽ chiếu cố bạn ngay.
Giận quá, Kern toan làm liều nhưng anh nghĩ tới Ruth:
- Ít ra anh cũng phải trả lại hai chục quan. Tôi đang cần. Không phải cho tôi mà là cho một người khác vì tiền đó là của người ta.
Tên bất lương lắc đầu:
- Tôi cũng cần. Vả lại, bạn mua bài học cũng không mấy đắt: đừng nên tin cậy ai bao giờ.
- Giấy tờ của anh là giả phải không?
- Không đâu. Tôi có ở trại tập trung thật – hắn cười – bị kết tội trộm của một ông Quận trưởng.
Hắn thò tay toan lấy miếng sườn còn lại nhưng Kern nhanh hơn, sớt mất:
- Muốn làm gì cứ làm đi.
Tên bất lương cười:
- Tôi không được lẹ tay. Cũng không sao. Vừa đủ no. Nếu bạn cần cứ gọi thêm một dĩa su. Và nếu muốn uống bia, tôi bao cho.
Kern không đáp. Anh muốn đập vào đầu vào mặt hắn với bất cứ vật gì vớ được. Anh quay người lại, mang miếng sườn theo ra quầy xin giấy gói. Cô gái hầu bàn tò mò nhìn Kern. Không biết nghĩ sao, cô ta lấy hai trái dưa chuột ngâm chua đưa cho anh. Kern cám ơn. Anh vừa đi vừa nghĩ “đây là phần ăn của Ruth, mẹ kiếp, tới bốn chục quan”.
Tới cửa, anh quay đầu nhìn lại. Binding đang ngó theo. Kern nhổ xuống đất. Tên bất lương cười, đưa hai ngón tay lên.
Rời khỏi Berne, họ gặp mưa. Ruth và Kern không còn đủ tiền để đi xe lửa tới chặng kế tiếp. Kể ra thì họ cũng còn chút ít tiền tiết kiệm nhưng không muốn động tới trước khi vào đất Pháp. Một chiếc xe cho họ đi nhờ được năm mươi cây số. Họ lại tiếp tục đi bộ. Kern chỉ dám bán các món lặt vặt ở các làng hẻo lánh. Họ không thể ngủ đêm một nơi đến hai lần. Sáng sớm, họ lên đường và phải đợi tới tối, lúc các trụ sở Cảnh sát đóng cửa mới vào thị trấn. Danh sách các nhà từ tâm của Binding cho không đá động gì tới vùng nầy. Nơi đây toàn là thị trấn nhỏ. Tới gần Morat, cả hai ngủ trong một vựa lúa trống. Đêm đó, mưa như thác đổ. Mái vựa quá cũ nên khi giựt mình thức giấc, Kern và Ruth đã ướt ngoi. Họ cố làm cho đồ đạc khô lại nhưng không dám nhóm lửa. Cả hai phải mất một lúc lâu mới tìm ra được một chỗ trong góc không bị dột. Họ ngủ ôm chầm lấy nhau để khỏi bị cóng. Nhưng rồi họ lại thức giấc vì lạnh. Gần sáng, cả hai lại phải lên đường.
Kern vừa đi vừa khích lệ:
- Đi một chút là ấm người ngay. Khoảng một giờ nữa thế nào cũng gặp một quán cà phê.
Ruth nhìn trời:
- Phải chi có mặt trời sớm hơn, đồ đạc mình sẽ mau khô.
Nhưng trời vẫn lạnh dài, thỉnh thoảng chen vài cơn gió lốc. Mưa giăng mờ trên đồng lúa. Đây là ngày lập đông đầu tiên, mây xuống thấp. Buổi chiều lại mưa to. Ruth và Kern vào trú trong một giáo đường nho nhỏ. Từng đợt chớp lóe sáng qua các khung cửa kính màu làm hiện rõ những pho tượng Thánh cầm trong tay những châm ngôn hòa bình trên trời cao và trong lòng người.
Kern thấy Ruth rùng mình.
- Có lạnh lắm không?
- Không, thường thôi.
- Đứng lên. Mình đi qua đi lại dễ chịu hơn. Anh sợ em bị cảm lạnh.
- Không phải bị cảm đâu. Em mệt nên muốn ngồi.
- Quần áo ướt mà ngồi một chỗ thì nguy lắm. Nên nhớ là mình đang ngồi trên đá, còn lạnh hơn.
Ruth đứng lên. Kern dìu nàng đi tới đi lui giữa lòng giáo đường hoang vắng. Kern bảo:
- Còn chín cây số nữa là tới Morat. Chẳng biết có chỗ ở hay không.
- Em còn dư sức đi chín cây số.
Kern làu bàu một mình.
- Anh nói gì?
- Anh nguyền rủa một gã tên Binding.
Ruth nắm tay Kern:
- Đừng nghĩ tới nhiều. Có lẽ trời đã hết mưa.
Họ ra ngoài. Mưa vẫn chưa tạnh hẳn. Nhưng phía trên dãy núi đang có một cầu vồng lộng lẫy. Phía sau khu rừng, xuyên qua kẽ hở thấy được mặt trời. Ruth làm ra vẻ hăng hái:
- Đi anh. Trời tốt lắm rồi.
Tối đến, họ tới một trại chăn cừu. Người chăn, một nông dân thầm lặng, tuổi cao, đang ngồi trước cửa. Hai con chó nằm bên chân ông ta chạy ùa ra, sủa lớn. Ông ta lấy ống điếu ra khỏi miệng, huýt sáo gọi chúng nằm im. Kern nghiêng đầu chào:
- Chúng tôi đi lỡ đường gặp mưa nên ướt hết cả, xin ông vui lòng cho tạm trú lại đây một đêm.
Người chăn cừu nhìn Kern một lúc rồi bảo:
- Trên gác chỉ còn có chỗ chứa cỏ khô thôi.
- Dạ, được như vậy là tốt lắm rồi.
Ông lão nhìn Kern như dò xét:
- Cậu đưa hộp thuốc và hộp quẹt cho tôi, trên đó còn nhiều rơm lắm.
Ken trao cả cho ông ta.
- Ở trong có cái thang đi lên. Tôi sẽ khóa bên ngoài khi mấy người lên xong. Tôi phải trở về làng, sáng mai tới mở ra.
- Dạ, cám ơn.
Trên gác cỏ hãy còn có đôi chút ánh sáng và có vẻ ấm cúng. Một lát sau, người dân quê trở lại mang cho Ruth và Kern một ít nho, phô mai cừu và bánh mì đen.
- Tôi khóa cửa đây. Chúc ngủ ngon.
- Dạ, cám ơn nhiều.
Họ thay đồ ướt, đặt trên rơm, mặc quần áo khác vào và bắt đầu ăn. Cả hai đều đói.
- Hay quá, phải không em?
- Tuyệt trần.
Ruth vừa đáp vừa nép mình vào Kern.
Phía dưới, người chăn cừa đã khóa cửa. Vựa cỏ có một cửa sổ tròn. Trời bắt đầu trong ra, phản chiếu ánh sáng ở mặt hồ. Người dân quê chậm chạp băng qua các đồng cỏ với bước chân đều đặn của kẻ sống sát với thiên nhiên. Ngoài ông ta ra chẳng còn một ai.
Ông lão đi một mình qua những cánh đồng dường như gánh trọn cả bầu trời trên đôi vai tối ám.
Sáng hôm sau, ông lão chăn cừu tới mở cửa.
Kern đi xuống. Ruth vẫn còn ngủ. Mặt nàng đỏ ửng và hơi thở dồn dập. Kern giúp ông lão đem đàn cừu ra. Anh hỏi:
- Thưa, chúng tôi xin ở lại một ngày nữa. Tôi sẽ giúp tất cả những gì ông cần.
- Tôi không cần người làm phụ nhưng các người cứ ở.
- Dạ, cám ơn.
Kern hỏi xem có người Đức nào ở vùng nầy không. Ông lão cho biết có một vài người và chỉ chỗ của họ.
Buổi chiều Kern ra đi. Anh tìm gặp ngôi nhà đầu tiên không mấy không mấy khó. Đó là một biệt thự trắng toát nằm giữa một khu vườn nhỏ. Một thiếu phụ xinh đẹp ra mở cửa. Bà ta đưa Kern vào thay vì bắt đợi, Kern tự bảo “Một điềm lành”. Anh lễ phép:
- Tôi xin gặp ông hoặc bà Ammers.
- Cậu đợi một chút.
Một lúc sau, thiếu phụ trở ra, đưa Kern vào phòng khách toàn những bàn ghế bằng gỗ đào hoa tâm mới. Ken suýt trợt chân vì sàn gỗ bóng như gương.
Ông Ammers bước ra, người nhỏ thó, râu tỉa nhọn dưới càm. Ông ta lộ vẻ quan tâm tới Kern. Trong khi đó, Kern đã chuẩn bị sẵn hai mẩu chuyện có thể kể ra như có thật.
Ammers dịu dàng lắng nghe cho tới hết.
- Thế là cậu đi tịn nạn mà không có giấy thông hành và giấy cư trú? Cậu có xà bông và nước hoa để bán kiếm lời?
- Dạ.
- Được. Vợ tôi sẽ ra mua giúp cậu một ít.
Ammers đi ra. Vài phút sau bà Ammers vào. Bà ta không có nét gì đặc biệt và hơi buồn cười với da mặt sậm như nấu nhừ và cặp mắt lợt lạt vô hồn. Bằng một giọng óng chuốt, bà ta hỏi:
- Cậu bán gì đâu?
Kern bày mấy món hàng ra. Bà Ammers cầm từng món lên ngắm nghía như chưa bao giờ từng thấy. Bà ngửi xà bông, sờ vào lông bàn chải đánh răng và bắt đầu hỏi giá. Bà đi ra gọi người em gái vào.
Cả hai chị em giống nhau như khuôn. Chẳng biết Ammers đã áp dụng loại kỷ luật nào trong gia đình mà cô em cũng héo úa như bà chị. Thỉnh thoảng hai người lại liếc nhìn ra cửa. Kern nhận thấy dường như họ không đi tới được một quyết định nào nên sốt ruột gom đồ lại.
- Nếu quý bà còn cần suy nghĩ, sáng mai tôi sẽ trở lại.
Bà Ammers đột nhiên lộ vẻ sợ sệt:
- Mời cậu ở lại dùng một tách cà phê.
Lâu lắm rồi, Kern chưa uống cà phê. Anh dè dặt đáp:
- Thưa, nếu có sẵn…
- Mau lắm, chỉ một phút là có ngay.
Bà ta đi ra khá mau. Cô em còn ở lại. Kern nói cho có nói:
- Một tách cà phê lúc này là quý lắm.
Cô em vợ của Ammers phát ra một tiếng cười gần giống như tiếng gà cục tác và bỗng nhiên tiếng cục tác đó như nghẹn lại. Kern ngạc nhiên nhìn cô ta.
Bà Ammers quay vào với tách cà phê bốc khói:
- Cậu cứ tự nhiên, cà phê còn nóng lắm.
Nhưng Kern không kịp còn uống cà phê. Cửa mở ra và Ammers gọn gàng đi vào, theo sau là một Cảnh binh.
Ammers chỉ Kern:
- Thưa ông, xin ông làm phận sự. Đây là một gã không Tổ quốc, không giấy thông hành bị đuổi ra khỏi Đức quốc.
Kern như chết cứng.
Người Cảnh binh ngắm Kern từ đầu xuống chân:
- Thôi, đi chớ!
Kern có cảm tưởng tim ngừng đập, đầu óc trống không. Anh đã tiên liệu tất cả ngoại trừ trường hợp nầy. Chầm chậm và máy móc, anh thu gọn các món hàng cho vào túi. Anh đứng lên uể oải và cay đắng:
- Cà phê và lòng tốt hiếm có của các người… chỉ là để lưu giữ tôi lại…
Anh siết chặt hai nắm tay bước tới phía Ammers khiến lão ta lùi lại. Kern lắc đầu:
- Đừng sợ. Tôi không đụng tới người ông đâu. Tôi chỉ muốn nguyền rủa thôi. Tôi nguyền rủa ông, vợ và con ông. Rằng tất cả tai họa trên đời nầy sẽ giáng xuống đầu gia đình ông! Con cái ông sẽ chống lại và bỏ ông trong nghèo đói, khổ ải!
Ammers mặt tái xanh. Chòm râu dê rung động:
- Xin ông Cảnh binh bảo vệ tôi.
Người Cảnh binh lạnh như đồng:
- Y không chửi mắng mà. Y chỉ nguyền rủa thôi. Nếu y mắng ông là “quân điểm chỉ đê tiện” thì đó mới là mạ lỵ do tiếng đê tiện mà ra.
Ammers rên rỉ:
- Xin ông làm phận sự.
Người Cảnh binh vẫn lạnh lùng:
- Ông Ammers, ông đừng ra lệnh cho tôi. Xin để thượng cấp tôi làm việc đó. Ông tố cáo một người, tôi tới ngay, và cứ để mặc tôi làm việc – người Cảnh binh quay sang Kern – theo tôi.
Cửa biệt thự đóng sầm lại sau lưng người Cảnh binh và Kern. Có một cái gì khiến đầu óc anh không dám làm việc. Ruth… anh chỉ vừa nghĩ tới đó rồi thôi. Người Cảnh binh phá tan sự im lặng với giọng nói thật tự nhiên:
- Đôi khi những con cừu non tự dấn thân vào mồm chó sói. Ông bạn nhỏ không biết lão là ai sao? Mật viên Đức quốc xã đó! Lão đã tố cáo đủ mọi hạng người.
- Ghê vậy sao!
- Chớ sao! Người ta bảo đó là chuyện xui xẻo.
Kern lặng thinh một lúc. Lúc nói anh nghe giọng mình điếc câm:
- Tôi còn một người bệnh đang đợi mua thuốc về…
Người Cảnh binh nhìn trước ngó sau rồi nhún vai:
- Biết làm sao hơn. Vả lại chuyện đó không liện hệ gì tới tôi. Bổn phận của tôi là đưa ông bạn về bót – ông ta lại nhìn quanh. Con đường không một bóng người – tôi không bao giờ khuyên ông bạn nhỏ bỏ chạy. Tôi cho biết trước là chân tôi bị phong thấp, nếu ông bạn chạy tôi sẽ bắn chớ không đủ sức đuổi theo.
Người Cảnh binh ngưng nói, nhìn Kern và nói tiếp:
- Có thể là cậu sẽ chạy thoát khi tới một đoạn đường nào đó có nhiều ngõ ngách. Tới đó thì tôi không thể bắn được. Muốn chắc ăn, tôi phải còng cậu trước đã.
Linh tính báo cho Kern sắp có dịp may. Anh nhìn như dán mắt vào người Cảnh binh. Ông ta vẫn đi như chẳng có gì xảy ra.
- Ông bạn biết không, có những việc mà khi làm người ta không hài lòng một chút nào.
Kern cảm thấy tay mình toát mồ hôi:
- Thưa ông, người bạn tôi sẽ chết nếu tôi không về kịp. Xin ông tha tôi một lần. Chúng tôi định sang Pháp chớ có muốn ở lại Thụy Sĩ đâu.
Người Cảnh binh vẫn lạnh:
- Tôi không có thẩm quyền. Ông bạn chỉ có một cách là bỏ chạy đúng lúc – ông ta dừng bước – chẳng hạn như chạy vọt tới trước rồi quẹo trái. Vậy là tôi không thể bắn kịp. Hay là để tôi còng trước cho chắc.
Ông ta mò mẫm ở túi quần và thắt lưng:
- Uûa! Mình để cái còng đâu kìa?
Ông ta quay lưng về phía Kern, lục lại các túi.
Kern nói lớn:
- Cám ơn.
Và anh phóng chạy. Anh chạy như điên. Tới góc đường, anh vừa ngoảnh nhìn lại vừa tiếp tục chạy. Người Cảnh binh vẫn đứng chỗ cũ, tay chống nạnh, mắt nhìn theo Kern với cái cười mở rộng.
Một trong những đêm sau, Kern thức giấc giữa khuya. Anh nghe Ruth thở dồn và ngắn. Trán nàng nóng ướt mồ hôi. Kern lo quá. Giọng ngái ngủ và trẻ con, Ruth đòi uống nước. Kern đưa một ca nước, Ruth uống hết một hơi.
- Em nóng lắm hả?
- Nóng khủng khiếp. Cổ khô đắng. Chắc tại rơm.
- Hy vọng không phải bị cảm.
- Chắc không phải. Đau lúc nầy là hỏng cả. Chắc không phải cảm đâu.
Nàng dựa đầu vào vai Kern và ngủ thiếp lại.
Kern ngồi yên. Anh muốn có ánh sáng để xem Ruth ra sao. Anh nghĩ rằng nàng sốt nặng, nhưng không có đèn bấm. Anh nhìn đồng hồ. Vòng tròn với hai cây kim dạ quang đối với anh là một bộ máy địa ngục đang chậm chạp bò lên dốc thời gian. Đàn cừu bên dưới chen lấn nhau và thỉnh thoảng lại kêu lên buồn thảm.
Đêm đi lần về sáng. Ruth lại tỉnh giấc:
- Đưa nước cho em, Ludwig.
Kern đưa ca nước:
- Em bị sốt nặng lắm. Cứ nằm đây đợi anh trong vòng một tiếng đồng hồ. Anh ra phố mua một ít thuốc chống sốt…
Người chăn cừu tới trại. Kern thuật lại vụ Ruth sốt nặng. Người chăn cừu đăm chiêu:
- Nên đưa vào nhà thương. Đừng để nằm đây.
- Để chờ tới trưa xem sao.
Mặc dầu vẫn sợ gặp lại viên Cảnh binh hay một người nào đó trong nhà Ammers nhưng Kern cứ phải ra thị trấn, vào một hiệu thuốc mượn một ống nhiệt kế với tiền thế chân. Ngoài ra, anh còn mua một ống astospirine và gấp rút đi như bay trở về.
Ruth sốt tới 38 độ 5. Nàng uống hai viên thuốc. Kern trùm kín người yêu lại trong hai lớp áo. Tới trưa 39 độ.
Người chăn cừu gãi đầu:
- Phải đưa vào nhà thương mới được.
Giọng Ruth yếu ớt và khàn đặc:
- Tôi không đi nhà thương đâu. Tới mai là khoẻ lại.
- Khó lắm. Cô cần phải nằm trên giường chớ không phải nằm trên rơm.
- Được mà, rơm ấm lắm. Xin ông cứ cho tôi ở đây.
Người chăn cừu xuống gác. Kern đi theo. Ông ta hỏi:
- Tại sao cô ta không chịu đi nhà thương?
- Bởi vì vậy là chúng tôi sẽ xa nhau.
- Có gì đâu. Cậu cứ chờ ở đây.
- Dạ không phải vậy. Vào nhà thương là lòi ra ngay vụ không có giấy tờ. Sau đó, người ta sẽ áp giải ra biên giới, làm sao tôi biết được chỗ nào?
- Cậu có làm gì sai quấy không?
- Dạ không. Chúng tôi không có giấy thông hành vì xin chẳng ai cho, thế thôi.
- Tôi muốn hỏi là cậu có mắc một tội gì như trộm cướp, lường gạt hay một tội gì giống như vậy không?
- Hoàn toàn không.
- Vậy mà vẫn bị truy nã như một tội nhân?
- Dạ.
Người chăn cừu nhổ xuống đất:
- Hiểu hết nổi. Bọn ngu dốt như tôi không làm sao hiểu nổi.
- Nhưng tôi thì hiểu lắm.
- Cô bạn của cậu có thể bị sưng phổi, cậu có định gì chưa?
Kern hốt hoảng:
- Sưng phổi sao? Như vậy thì nguy quá.
- Tôi nói với cậu mà.
- Biết đâu không phải là cúm.
- Nóng nhiều như vậy phải là bác sĩ mới biết.
- Vậy tôi phải gọi bác sĩ tới.
- Tới đây?
- Hy vọng sẽ có người vui lòng. Tôi có địa chỉ người Do Thái.
Kern trở ra thị trấn. Anh tới quán mua hai điếu thuốc lá để coi nhờ quyển niên giám.
Anh tìm thấy địa chỉ của bác sĩ Rudolf Beer và vội vã tới nơi. Kern phải đợi mất một giờ. Trong khi chờ anh lật qua mấy tạp chí để đỡ sốt ruột. Anh hết sức ngạc nhiên khi biết có những trận đấu quần vợt, những buổi tiếp tân và những phụ nữ gần như khoả thân trên các bãi biển Florida trong khi anh ngồi đây bất lực trước cơn sốt nguy cập của người yêu.
Cuối cùng, bác sĩ ra. Ông ta còn trẻ. Chăm chú nghe Kern nói xong bác sĩ Beer cho một ít y cụ vào cặp rồi lấy nón:
- Tôi có xe ngoài kia. Mình đi như thế cho mau.
Kern nuốt nước miệng :
- Không thể đi bộ được sao, bác sĩ? Đi xe sẽ tốn kém thêm mà chúng tôi còn chẳng bao nhiêu tiền.
- Đừng ngại. Mình tính sau.
Tới nơi, Beer xem mạch cho Ruth ngay. Nàng lấm lét nhìn Kern, lo sợ bị đưa vào bịnh viện.
Bác sĩ Beer đứng lên:
- Cô nên vào bịnh viện. Phổi bên phải yếu. Bị cúm có thể đi tới sưng phổi. Tôi sẽ đưa đi.
- Không, tôi không vào bịnh viện đâu. Chúng tôi không có phương tiện.
- Khoan nói chuyện tiền bạc. Phải đi ngay mới kịp.
Ruth nhìn Kern cầu cứu. Kern bảo:
- Chờ anh một chút. Anh nói chuyện với bác sĩ.
Bác sĩ Beer sửa soạn đi:
- Nửa giờ tôi nữa tôi trở lại. có đồ gì đắp ấm không?
- Chúng tôi chỉ có bao nhiêu đây thôi.
- Được, để tôi mang tới.
Kern xuống gác với Beer. Anh hỏi:
- Có cần thiết không, bác sĩ?
- Cần lắm. Không thể nằm trên rơm. Tôi sẽ đưa cô ấy vào bịnh viện càng sớm càng tốt.
Kern buồn rầu:
- Trong trường hợp nầy tôi phải nói rõ hơn để bác sĩ thông cảm.
Beer chú ý nghe rồi nói:
- Nghĩa là anh sợ không thể tới thăm cô ấy?
- Nếu chỉ trong vài ngày thì không có gì đáng nói. Nhưng nếu bác sĩ cho phép, tôi sẽ hỏi thăm tin tức qua bác sĩ.
- Tôi hiểu rồi. Anh có thể tới tôi bất cứ lúc nào.
- Cám ơn bác sĩ. Tình trạng của bạn gái tôi có gì đáng ngại không?
- Rất đáng ngại nếu không vào bịnh viện.
Kern trở lên gác cỏ. Anh lo sợ quá. Khuôn mặt trắng dã với hai hố mắt đen ngòm nhìn anh:
- Ludwig, em biết anh sẽ nói gì.
Kern lờ đờ:
- Không còn cách gì hơn. Nhưng mình vẫn may mắn gặp được một bác sĩ quá tốt. Anh tin là em sẽ được chữa trị miễn phí.
Ruth nhìn thẳng phía trước mắt:
- Chắc sẽ được. Nhưng trong thời gian đó anh sẽ ở đâu? Làm sao mình gặp nhau? Anh tới bịnh viện, họ sẽ bắt anh…
Kern ngồi xuống, cầm lấy hai bàn tay nóng hổi của Ruth:
- Mình phải bình tĩnh. Anh đã nghĩ kỹ rồi. Anh sẽ ở lại đây. Ông lão chủ trại đã cho phép. Anh sẽ không tới bịnh viện ban ngày. Nhưng tới mỗi đêm, anh sẽ tới đó nhìn lên cửa sổ. Bác sĩ Beer sẽ cho anh biết em nằm phòng nào.
- Khoảng mấy giờ?
- Chín giờ.
- Tối quá, làm sao anh thấy được em?
- Nhưng ban ngày nguy hiểm lắm.
- Vậy anh đừng tới tốt hơn.
- Không, anh phải tới. Em chuẩn bị đi ngay.
Kern lau mặt cho Ruth với chiếc khăn tay thắm nước. Môi nàng khô cháy. Nàng áp mặt vào hai bàn tay Kern. Tự nhiên, anh thấy cần phải lo xa:
- Ruth, mình nên nghĩ tới trường hợp bất trắc. Nếu anh không còn ở đây lúc em đã lành bịnh hoặc nếu em bị trục xuất thì hãy khai thế nào để họ giải trở về biên giới Genève. Bưu điện trung ương. Nếu anh bị bắt, mình sẽ gởi địa chỉ cho bác sĩ Beer. Ông ấy sẽ giúp mình liên lạc với nhau. Ông ấy đã hứa rồi. Phải làm mọi cách đừng để thất lạc nhau.
- Dạ, em biết.
- Đừng lo sợ, Ruth. Anh chỉ hỏi dặn chừng thế thôi. Anh tin chắc em sẽ ra khỏi nhà thương không bị làm khó dễ. Chừng đó mình lại sẽ đi chung…
- Nhưng nếu cảnh sát biết?
- Họ sẽ đưa em ra biên giới. Anh sẽ đợi em. Sở Bưu Điện Trung Ương Genève.
Kern lấy một ít tiền còn lại trao cho Ruth:
- Em giữ tiền để đi đường. Đừng cho bịnh viện biết.
Bác sĩ Beer đã quay trở lại. kern đỡ Ruth đứng lên:
- Ruth! Can đảm lên! Sở Bưu Điện Trung Ương Genève trong trường hợp bất trắc. Mỗi đêm, khoảng chín giờ, anh tới phía dưới cửa sổ phòng em.
- Em sẽ ra bên cửa sổ.
- Không, em cứ nằm nghỉ. Không nghe lời, anh không tới đâu. Cười cho anh coi nào!
Bác sĩ Beer gọi vọng lên:
- Xong chưa?
Ruth với hai hàng nước mắt:
- Đừng quên em! Đừng bỏ em…
- Quên? Làm sao quên được? Em là tất cả của anh.
Kern hôn vào đôi môi khô cháy. Bác sĩ Beer thò đầu vào:
- Thôi, đi cho kịp.
Hai người khiêng Ruth ra xe. Kern hỏi Beer:
- Tối nay tôi có thể đến bác sĩ để hỏi thăm tin tức không?
- Được chớ. Muốn đến lúc nào cũng được.
Kern nhìn theo cho đến khi xe chạy khuất. Thân anh như bị chôn cứng một chỗ nhưng hồn anh như đang bị cuốn hút trong đám bụi mù sau xe.
Tám giờ, anh tới bác sĩ Beer, được biết là Ruth bị sốt nhiều hơn đôi chút nhưng chẳng có gì đáng ngại. Dường như chỉ là chứng sưng phổi nhẹ.
- Thưa, chừng bao lâu thì khỏi?
- Mười lăm hôm, cộng thêm một tuần tĩnh dưỡng.
- Dạ, còn tiền bạc? Chúng tôi chẳng có gì.
Beer cười:
- Tiền bịnh viện sẽ có một tổ chức từ thiện nào đó đóng góp.
Kern ngập ngừng:
- Nhưng… còn công của bác sĩ?
Beer lại cười:
- Hãy giữ mấy đồng quan của anh trong túi. Tôi chưa cần tiền. Mai trở lại để biết thêm.
Ông ta đứng lên. Kern hỏi mau:
- Thưa, nàng nằm phòng nào? Lầu mấy?
Beer đặt một ngón tay lên sóng mũi:
- Để coi… phòng 35, lầu hai.
- Dạ, cửa sổ thứ mấy?
Beer nheo mắt:
- Dường như cửa sổ thứ hai bắt đầu từ bên phải. Nhưng bây giờ có tới cũng vô ích. Cô ấy ngủ rồi.
- Dạ, tôi không nghĩ là sẽ tới.
Beer cười:
- Biết đâu…
Kern hỏi đường tới bịnh viện. Anh tới nơi lúc chín giờ kém mười lăm. Cửa sổ thứ nhì bên phải qua không có ánh đèn. Anh đứng đợi. Mười lăm phút kéo dài… Thình lình ánh đèn từ đó hắt ra. Kern bồn chồn nhìn dán mắt vào khung ánh sáng. Anh đã từng nghe nói tới thần giao cách cảm, bây giờ anh cố tập trung tinh thần để chuyển tới Ruth những ý nghĩ cầu chúc nàng mau lành bịnh. Anh nắm tay, gồng cứng các bắp thịt, nhón chân lên như sắp nhảy, đồng thời nói thì thầm về phía khung cửa sổ thứ hai: “Hãy bình phục, Ruth! Bình phục ngay! Anh yêu em!
Vuông cửa bỗng hơi tối lại. Kern nhìn thấy xuất hiện một bóng người. Ruth đưa tay ra hiệu. Kern vẫy tay trả lời nhưng cũng ngay lúc đó anh nhận ra là Ruth không thể thấy mình. Cuống quít, anh nhìn quanh tìm một nơi nào đó có khe ánh sáng hoặc một ngọn đèn đường để tới đứng. Chẳng có gì cả. Đột nhiên, anh sực nhớ mình còn một bao diêm cùng hai điếu thuốc mới mua buổi sáng. Anh đánh cháy một que diêm và đưa lên cao.
Cái bóng trên lầu nhà thương lại đưa tay ra hiệu. Kern quẹt tiếp nhiều diêm nữa để soi mặt mình cho rõ. Ruth vẫy tay cuồng nhiệt. Kern ra dấu bảo nàng đi nghỉ. Ruth lắc đầu. Kern lại soi mặt mình để tỏ ý cương quyết nhưng Ruth vẫn không nghe. Anh nghĩ là chỉ khi nào mình đi khỏi thì Ruth mới chịu quay về giường. Đi được vài bước, Kern quẹt tất cả những diêm còn lại, tung cả lên không. Các que diêm rơi xuống, lửa cháy chập chờn rồi tắt lịm.
Tài sản của Adamsmith

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #14  
Old 06-06-2008, 02:12 PM
Adamsmith's Avatar
Adamsmith Adamsmith is offline
Tiếp Nhập Ma Đạo
 
Tham gia: May 2008
Đến từ: Nơi có lá vàng rơi.
Bài gởi: 392
Thời gian online: 2 tháng 0 tuần 2 ngày
Xu: 801
Thanks: 185
Thanked 41 Times in 24 Posts
Chương 14

Kern ném những que diêm cuối cùng lên không. Một bàn tay chụp vào vai anh:
- Làm gì đây?
Kern giựt mình quay lại. Trước mặt anh là một Cảnh binh mặc sắc phục. Anh lắp bắp:
- Có làm gì đâu. Tôi chỉ đùa… thế thôi.
Người Cảnh binh nhìn sắc mặt Kern. Anh nhìn mau lên vuông cửa. Ruth không còn ở đó. Nếu còn, chắc nàng cũng chẳng thấy được gì vì trời tối.
Kern cố cười thật vô tư:
- Xin lỗi, tôi chỉ đùa chút chơi, chẳng hại gì ai. Chỉ vài cây quẹt. Tôi định đốt thuốc nhưng tắt mãi, tôi mới lấy sáu cây quẹt một lượt suýt cháy tay.
Anh vừa cười vừa vẫy vẫy bàn tay phải và định tiếp tục đi. Nhưng người Cảnh binh nắm tay anh lại:
- Khoan. Anh không phải là dân Thụy Sĩ, hả?
- Tại sao không?
- Thấy là biết ngay. Tại sao chối?
- Tôi có chối đâu. Tôi muốn biết tại sao ông nhận ra?
Giọng người Cảnh binh trở nên nghi ngờ:
- Có thể là…
Ông bật đèn bấm lên:
- Anh có biết ông Ammers?
Kern cố giữ giọng thản nhiên:
- Ammers nào? Tôi không quen với ai tên Ammers cả.
- Anh ở đâu?
- Mới tới hồi sáng nầy, đang định tìm khách sạn. Ông có biết khách sạn nào giá phòng vừa phải không?
- Khoan đã. Anh hãy theo tôi rồi nói chuyện sau. Ông Ammers có tố giác một người hoàn toàn giống anh.
Kern theo người Cảnh binh. Anh tự mắng đã không đề phòng cẩn thận. Tám ngày đã trôi qua êm thắm. Có lẽ đó là lý do khiến anh lơ đãng. Nhìn quanh, Kern cố tìm một cơ hội tháo chạy. Nhưng con đường tới bót quá gần.
Người Cảnh binh đã để cho anh chạy hôm trước đang ngồi ở bàn giấy. Kern thấy vững lòng. Viên chức vừa dẫn Kern về, hỏi người kia:
- Phải người này không?
Người ngồi bàn giấy nhìn lướt qua Kern:
- Không nhớ rõ. Bữa đó trời tối lắm.
- Vậy để tôi gọi điện cho Ammers.
Ông ta bước ra. Người Cảnh binh ngồi bàn giấy bảo nhỏ với Kern:
- Ông bạn nhò ơi, tôi tưởng ông bạn đã đi lâu rồi. Thế nầy là hỏng cả. Chính Ammers đích thân tới đây tố cáo.
Kern hỏi mau:
- Chẳng còn cách nào chạy trốn sao?
- Vô phương. Con đường duy nhất là chạy ra phòng ngoài nhưng ở đó đã có người yêu quý của ông bạn đang điện thoại. Thằng cha đó không tha ai đâu, hắn đang tìm mọi cách để lên lương.
- Vậy là cùng đường rồi!
- Biết làm sao! Nhứt là ông bạn đã đào tẩu một lần rồi. Tôi bắt buộc phải al2m phúc trình vì lão Ammers luôn theo dõi.
Kern lùi một bước, kêu lên:
- Jésus!
- Ông bạn có kêu luôn hai tiếng Jésus Christ thì lấn nầy cũng đành chịu. Kẹt ít lắm là vài tuần.
Vài phút sau, Ammers tới. Lão ta thở hổn hển vì đã chạy để tới mau. Vừa thở, lão vừa lắp bắp:
- Đúng rồi. Đúng y là nó… Chính thằng vô lại nầy.
Kern trừng mắt, Ammers ngó tránh ra:
- Lần nầy thì chắc nó không thoát nổi.
Người bắt Kern nói giọng tự tin:
- Thoát làm sao được.
Kern không nhịn nổi, nhìn thẳng vào mắt Kern:
- Ông có biết là ông bị ung thư gan không?
Kern tự biết là không thể hành hung lão già điểm chỉ viên nầy nhưng anh cố tâm phải làm một cái gì đó để lão ta hoảng vía.
Ammers há hốc miệng:
- Sao? Mầy nói gì?
- Ung thư gan! Tôi là y sĩ, chỉ nhìn qua là biết ngay. Không bao lâu nữa, ông sẽ bị những cơn đau kinh khủng rồi chết thảm khốc. Không còn cách gì cứu chữa đâu.
Ammers cuống cuồng:
- Ông Cảnh binh, yêu cầu ông bảo vệ!
Kern vẫn một giọng đều đều:
- Ông nên làm di chúc đi. Toàn thể các bộ phận trong người ông sắp rã nát rồi.
Ammers hơ hãi nhìn quanh:
- Ông Cảnh binh, xin ông chận đứng sự mạ lỵ!
Người Cảnh binh nhìn ông ta, ánh mắt cười cợt:
- Có gì là mạ lỵ đâu. Đó chỉ là những nhận định về y học.
Ammers la lớn:
- Tôi yêu cầu ghi vào hồ sơ.
Kern chỉ ngón tay vào người ông ta khiến Ammers lùi lại như nhảy tránh một con rắn:
- Chỉ nhìn là đủ biết. Màu da sạm đen như chì, chen lẫn với những mảng vàng vọt là triệu chứng ung thư gan. Bây giờ chỉ còn có cách là cầu nguyện cho linh hồn…
Ammers dậm chân, kêu thét. Kern không buông tha:
- Lá gan sẽ từ từ rã ra. Thoạt tiên, ít người biết tới. Nhưng khi triệu chứng lộ ra thì vô phương cứu chữa. Ung thư gan có nghĩa là chết từ từ và chết thảm khốc.
Ammers dường như kiệt sức, không la ó nữa. Tự nhiên lão ta đưa tay sờ vào chỗ lá gan.
Người Cảnh binh bắt Kern, lên tiếng:
- Thôi đủ rồi. Ngồi xuống đó và trả lời các câu hỏi. Anh đến Thụy Sĩ hồi nào?
Hai hôm sau, Kern bị đưa ra tòa địa phương. Ông Chánh án, người to béo, mặt tròn, có vẻ phúc hậu nhưng không giúp gì được cho Kern. Luật lệ đã được ghi chép quá rõ ràng.
- Tại sao anh không khai báo sau khi đã vượt biên giới bất hợp pháp?
Kern đáp xuôi xị:
- Vì làm như thế, tôi sẽ bị trục xuất ngay.
- Nhưng đó là luật lệ.
- Rồi, qua biên giới bên kia tôi đi khai để khỏi phạm luật. Và người ta lại giải trả tôi về Thụy Sĩ đêm sau. Cứ đi tới đi lui mãi giữa hai đồn biên giới, tôi sẽ lăn ra chết vì đói khát.
Ông Chánh án nhún vai:
- Tôi không thể giúp anh được gì cả. Bản án tối thiểu là mười lăm ngày tù. Đó là luật pháp. Chúng tôi có bổn phận bảo vệ xứ sở bị tràn ngập bởi làm sóng người tị nạn.
- Thưa, tôi hiểu.
Ông Chánh án nhìn hồ sơ:
- Tất cả những gì tôi có thể làm được là chuyển lên Tòa trên với đề nghị anh chỉ bị giam chớ không phải bị tù.
- Cám ơn ông Chánh án. Đối với tôi thì hai thứ cũng như nhau. Tôi không còn một chút tự ái nào về vấn đề đó nữa.
Ông Chánh án vội giải thích:
- Không thể coi như nhau được. Bị giam thì lý lịch tư pháp anh vẫn trắng còn bị tù thì có ghi vào. Có lẽ anh không biết.
Kern nhìn con người tố bụng nầy một lúc lâu rồi đáp:
- Lý lịch tư pháp và quyền công dân có ích lợi gì cho những người như tôi đâu, thưa ông Chánh án. Chúng tôi chỉ là cái bóng, hồn ma. Chúng tôi được hay bị coi là đã chết trên giấy tờ.
Ông Chánh án im lặng khá lâu. Cuối cùng, ông ta bảo:
- Đằng nào thì cũng phải tìm cách để có những thứ giấy tờ cá nhân nào đó. Có thể tới xin ở Tòa Lãnh sự Đức.
- Thưa, cách nay một năm, một Tòa án Tiệp Khắc đã có làm như thế nhưng bị từ chối. Đối với nước Đức, chúng tôi không còn tồn tại. Phần còn lại của thế giới cũng thế, nếu không người ta cũng luôn luôn theo dõi chúng tôi.
Ông Chánh án lắc đầu:
- Hội Quốc Liên không giúp gì cho các người sao? Các người có tới hàng vạn, bằng cách nầy hay cách khác phải nhìn nhận sự hiện diện của chừng ấy con người chớ.
- Từ nhiều năm nay, Hội Quốc Liên không ngớt bàn cãi vần đề cấp thẻ căn cước cho chúng tôi. Nhưng nước nầy đổ trách nhiệm lên lưng nước kia. Có lẽ còn kéo dài nhiều năm nữa.
Ông Chánh án bỗng như quên mất ngôn ngữ hằng ngày:
- Trời ơi! Gì mà rắc rối dữ vậy! Làm sao đây?
- Thưa, tôi cũng không hiểu. Điều quan trọng nhứt đối với tôi là muốn biết việc gì xảy ra hiện thời.
Ông Chánh án vuốt mặt:
- Tôi có một đứa con trai cũng trạc tuổi anh. Nghĩ tới việc nó có thể bị người ta tróc nã chỉ vì đã trót được sanh ra…
Kern buồn rầu:
- Thưa, tôi cũng có một người cha…
Anh nhìn ra cửa sổ. Aùng nắng mùa thu hiền hòa ngả trên tàng cây táo. Bân ngoài đó là tự do. Bên ngoài đó đang có Ruth.
- Tôi muốn hỏi anh một chuyện. Đây không phải là một câu hỏi chánh thức. Anh có còn tin tưởng vào một điêu gì đó không?
- Thưa có, tôi tin ở lòng ích kỷ, sự bội bạc, lời nói dối và tánh hèn nhát.
- Tôi đang lo như thế.
- Nhưng cũng chưa hết. Tôi còn tin ở lòng tốt, tình bằng hữu, tình yêu và lòng tương trợ. Tôi đã biết được những điều đó hơn những người sống bình thường.
Ông Chánh án đứng lên, đi vòng qua ghế, tới trước Kern:
- Hay lắm. Thật sung sướng khi được nghe như vậy. Thiệt tình tôi không biết giúp anh ra sao.
- Thưa, cám ơn. Tôi hiểu lắm. Xin cứ đưa tôi vào tù.
- Không. Tôi cho anh được tạm giam và gởi đề nghị lên cấp trên.
- Nếu vấn đề còn kéo dài, xin cho tôi được ở tù ngay.
- Không sao. Tôi sẽ trực tiếp lo vụ nầy.
Ông Chánh án lấy trong túi ra một cái bóp dầy cộm:
- Rất tiếc là tôi không còn cách nào giúp đỡ khác hơn – Ông ta rút một tờ giấy bạc – Thật chẳng còn cách nào hơn.
Kern nhận tiền:
- Xin cám ơn ông Chánh án.
Và anh nghĩ tiếp ngay “ Hai mươi quan! May quá! Thế là Ruth đã có tiền để đi tới biên giới.”
Anh không dám viết cho Ruth vì sợ lộ tông tích nàng.
Đêm đầu tiên, anh trằn trọc cho tới sáng. Anh nhìn thấy Ruth mê man trong cơn sốt và giựt mình thức giấc khi nằm mơ thấy đi chôn nàng. Anh ngồi dậy, hai tay ôm gối. Anh không muốn mất tự tin nhưng nỗi chán chường vẫn cứ mạnh hơn. Anh nghĩ, đêm tối thường kéo lôi sự sầu thảm. Nhưng sáng ra, tất cả sẽ biến đổi đi.
Đứng lên, anh đi đi lại lại trong phòng. Anh thở từ từ, hít vô thật sâu và thở ra thật dài. Anh tự nhủ, phải luôn luôn khỏe mạnh. Anh tập các động tác thể dục. Nhớ lại đem bị nhốt ở bót cảnh sát tại Vienne với anh chành sinh viên tóc vàng dạy mình học võ, anh chợt thấy vui vui. Rồi anh nhớ tới con người không bao giờ sờn chí: Steiner.
Kern bắt đầu nhún nhảy và thoi đấm vào không khí với kẻ thù tưởng tượng là lão Ammers. Anh nhìn thấy chòm râu dê của lão ta, anh đấm vào mặt, bổ vào tai, móc cái càm. Cuối cùng anh tung quả đấm toàn lực vào chớn thủy khiến lão ta ngã lăn ra. Anh dựng gã lên đánh mãi, đánh mãi và sau chót móc cú một cú vào gan…
Trời bắt đầu sáng. Mệt lả, Kern lăn ra ngủ. Anh đã chiến thắng cái bóng thảm của đêm.
Hai ngày sau, bác sĩ Beer vào phòng giam. Kern nhảy dựng lên:
- Ruth thế nào?
- Khá lắm. Qua khỏi cơn nguy.
Kern thở phào:
- Sao bác sĩ biết tôi ở đây?
- Dễ quá. Anh không tới nữa tức là anh ở đây.
- Aø… Nhưng Ruth biết chưa?
- Biết. Đêm qua không thấy anh chơi trò thần trộm lửa Prométhée nữa, cô ấy cuống cuồng lên tìm mọi cách liên lạc với tôi. Khoảng một giờ sau là chúng tôi đã biết anh ở đâu rồi. Trò chơi lửa gì mà kỳ quặc vậy.
Kern cười ngượng ngịu:
- Đôi khi mình tưởng là quá khôn nhưng sự thật thì quá dại. Tôi bị tạm giam mười lăm ngày. Ruth có thể hết bệnh trong thời gian đó không?
- Có thể hết nhưng chưa đi xa được. Theo tôi thì nên để nằm bịnh viện càng lâu càng tốt.
Kern suy nghĩ kỹ:
- Được. Vậy là tôi sẽ đợi ở Genève.
Beer lấy ra một bức thơ. Kern vồ lấy, toan đọc ngay nhưng rồi lại cho vào túi.
- Cứ đọc đi. Tôi chờ.
- Tôi thích để dành… đọc sau.
- Vậy là tôi trở lại bịnh viện bây giờ. Anh có cần viết gì cho cô ấy không?
Beer rút viết trao cho Kern cùng với một mảnh giấy.
- Cám ơn. Cám ơn bác sĩ.
Kern viết ngay cho Ruth biết là anh vẫn khỏe mạnh và mong nàng cố tịnh dưỡng mau bình phục. Nếu anh bị trục xuất trước khi Ruth ra bịnh viện thì anh sẽ đợi nàng ở Genève mỗi ngày vào buổi trưa tại trụ sở Bưu Điện Trung Ương. Bác sĩ Beer sẽ cho nàng biết rõ hơn.
Kern bỏ tờ giấy bạc hai mươi quan của ông Chánh án cho và dán lại, trao cho Beer.
- Anh vẫn chưa muốn đọc thơ cô ấy?
- Thưa không. Tôi còn cả một ngày để đọc. Chẳng có gì để làm.
Beer nhìn Kern với đôi chút ngạc nhiên.
- Được. Vài hôm nữa tôi trở lại.
- Chắc không, bác sĩ?
Beer cười:
- Chắc chớ. Chi vậy?
- Dạ, để cho biết. Chắc chẳng có gì bất ngờ xảy ra…
Beer vừa đi khỏi là Kern lấy ngay thơ của Ruth ra. Thơ quá nhẹ, chắc chỉ là mảnh giấy con con với đôi dòng viết vội.
Anh đặt lá thơ trên bìa nệm. Kế đó anh tập thể dục và đánh võ. Anh lại tưởng tượng đang đánh lão Ammers, thỉnh thoảng anh đập vài quả cấm kỵ vào thân lão ta.
Thấm mệt, Kern nằm nghỉ. Mãi tới gần tối anh mới mở thư ra đọc mấy dòng đầu. Cứ mỗi giờ anh đọc vài câu. Tới tối, bức thư đã đọc xong. Ruth lo cho anh, sợ cho anh, gởi đến anh tình yêu và lòng can đảm. Hứng khởi, Kern lại nhảy dựng lên đánh đập Ammers không tiếc tay. Trận đấu bất cần quy luật. Kern sử dụng cả tát tai và mấy cú đá. Cuối cùng chòm râu dê của Ammers bị giựt phăng ra.
Steiner sửa soạn hành trang. Anh ta định đi Pháp. Aùo quốc càng ngày càng trở nên nguy hiểm. Ngoài ra khu Parter và các gian hành hội chợ của lão Potzloch cũng sắp sửa dọn dẹp để nghĩ mùa đông.
Potzloch siết tay Steiner:
- Chúng ta đều là những kẻ giang hồ, quá quen với các cuộc chia tay. Rồi lại sẽ gặp nhau ở một góc trời nào đó.
- Đúng vậy. Chúc ông một mùa đông hạnh phúc.
Potzloch nheo mắt đăm chiêu:
- Anh biết không, tất cả đều do thói quen. Khi đã nhìn thấy quá nhiều người đi và tới, mình đâm ra quen. Thật mà, tất cả rồi cũng trở thành thói quen thôi. Ngay cả cái mà người ta gọi là sự ngây ngất.
- Và cũng như chiến tranh. Cũng như sự đau khổ và chết chóc. Tôi biết có một người lần lượt chôn bốn người vợ trong vòng mười năm. Ông ta lấy bà cợ thứ năm. Bà nầy cũng đang sắp chết. Ông biết tôi đang sắp nói gì không? Ông ta đang kiếm bà thứ sáu. Cũng là thói quen. Tất cả chỉ trừ cái chết của chính mình.
Potzloch khoát tay như để xua đuổi cái ý nhgĩ đó đi:
- Nhưng chẳng ai chịu hiểu như vậy. Nếu họ hiểu thì làm gì có chiến tranh. Người nào cũng tin là mình thoát. Có đúng không?
Steiner gật đầu hứng thú:
- Thôi, xin tạm biệt.
- Tạm biệt.
Pozloch phóng nhanh như gió.
Steiner tới căn nhà di động bằng bánh xe. Lá khô gẫy vụn dưới bước chân. Đêm trải dài, yên tĩnh và vô hồn, trên khu rừng. Tiếng búa vang lên từ gian hàng bắn bia, một vài ngọn đèn đong đưa trên kỵ mã trường đã tháo gỡ hơn một nửa.
Steiner tới gặp Lilo để chia tay. Nàng vẫn ở lại Vienne. Giấy tờ nàng chỉ có hiệu lực trên đất Aùo. Nàng cũng không thể theo Steiner nếu hoàn cảnh cho phép. Họ chỉ làø một đôi bạn của sự tình cờ mà trạng thái bất quyết của thời gian đã đưa họ tới gặp nhau. Cả hai đều hiểu như thế.
Lilo đang ở trong gian nhà lăn, lo dọn ăn. Steiner vừa bước vào, nàng quay lại:
- Có thơ của anh.
Steiner lấy tơ, nhìn con dấu:
- Thụy Sĩ. Đúng là của thằng bé chúng mình – hắn xé bao, đọc qua – Ruth vào nhà thương.
- Bịnh gì?
- Sưng phổi. Không nặng lắm. Cả hai ở Morat. Thằng bé ra hiệu bằng ánh sáng, ban đêm, trước bịnh viện. Chắc tôi sẽ gặp chúng trên đường đi ngang Thụy Sĩ.
Steiner bỏ thơ vào túi áo trong:
- Hy vọng là chúng nó có cách gặp lại nhau.
- Kern biết mà. Cậu ấy khôn lắm rồi.
- Phải, nhưng mà…
Steiner muốn giải thích điểm khó khăn cho Kern là Ruth sẽ bị đưa tới biên giới ngay khi ra khỏi bịnh viện. Nhưng sực nhớ đây là đêm cuối cùng của mình với Lilo, anh không muốn đề cập tới trường hợp trùng phùng của người khác.
Anh tới cửa sổ nhìn ra. Dưới ánh sáng của những ngọn đèn khí đá, các công nhân đang tháo gỡ những con thiên nga, hươu cao cổ và ngựa gỗ cho vào bao. Những con thú giả ấy, con nằm, con đứng, con ngã ngang dường như một quả bom đã nổ tung và tàn phá khu vực thần tiên đó.
Lilo gọi:
- Xong rồi. Tôi có làm món pirogui cho anh.
Steiner quay lại:
- Pirogui? Với bọn du mục chúng mình thì một bữa ăn chung cũng đủ tạo được không khí gia đình.
- Còn có một thứ khác mà anh không hiểu… Anh không hiểu vì anh không thể khóc được. Đó là nỗi buồn chung.
- Hiểu chớ. Nhưng chúng mình lúc nào cũng buồn đâu, Lilo.
- Không. Anh không hiểu đâu. Hoặc anh dửng dưng, hoặc anh cười hay có được cái mà người ta gọi là cản đảm.
- Nhưng em muốn nói cái gì?
- Cái sợ biểu lộ tình cảm. Sợ phải khóc. Sợ không được làm một người đàn ông thật sự. Ở Nga, đàn ông cũng khóc nhưng họ vẫn cứ can đảm. Anh thì chẳng bao giờ khóc.
- Không.
- Vậy anh muốn gì?
- Không hiểu mà cũng không muốn hiểu.
Lilo nhìn sững Steiner:
- Thôi lại ăn. Tôi sẽ gói theo cho anh bánh mì và muối, như ở Nga, và tôi sẽ cầu nguyện bình an cho anh trước khi lên đường. Có lẽ anh sẽ cười.
- Không.
Nàng đặt dĩa pirogui lên bàn. Steiner bảo:
- Ngồi cạnh tôi đi, Lilo.
Nàng lắc đầu:
- Đêm nay anh ăn một mình. Tôi đứng hầu anh trọn bữa. Đây là bữa ăn chót của anh bên tôi.
Lilo đứng đó, trao bánh mì, thịt và dưa chua cho Steiner. Nàng nhìn Steiner ăn và lẳng lặng pha trà. Nàng đi qua đi lại trong gian nhà lăn với sự mềm mại của loài beo quá quen với một căn chuồng chật hẹp. Bàn tay thon và rám nắng của nàng thái thịt nhẹ nhàng, mặt trầm lặng vừa niềm nở, vừa kín đáo. Tự nhiên, Steiner tưởng như đang nhìn một khuôn mặt ở Thánh kinh.
Anh đứng lên thu dọn hàng trang. Cái túi đeo lưng không còn dùng nữa từ ngày có được thẻ thông hành dân Aùo. Bây giờ, xách vali, Steiner bước xuống đặt vali trên đất rồi quay trở lại.
Lilo đang đứng ở bàn ăn. Một tay chống lên bàn, nàng im lặng nhìn vào khỏang không trước mắt dường như chẳng thấy bất cứ gì. Steiner tới sát bên:
- Lilo…
Nàng từ từ quay lại. Mắt họ gặp nhau. Steiner thấp giọng:
- Khó đi quá, lilo.
Nàng quàng một tay qua cổ Stiener:
- Anh đi rồi tôi hoàn toàn cô độc.
- Em định đi đâu?
- Chưa biết.
- Em cứ ở lại Aùo. Dầu cho người Đức tới em vẫn an toàn.
- Vâng.
Nàng nhìn thật lâu vào mắt người bạn giang hồ. Mắt nàng sâu thẳm và ngời chiếu.
- Tiếc quá, Lilo.
- Tiếc quá…
- Em có hiểu tại sao không?
- Tôi hiểu và anh cũng hiểu điều gì tôi đã hiểu.
Họ vẫn chưa rời mắt nhau.
- Kể cũng lạ, giữa chúng mình chỉ có một thời gian ngắn. Vậy mà chẳng biết bao nhiêu chuyện đã được dung chứa.
Lilo trả lời, giọng ngọt ngào:
- Tất cả thời gian và tất cả cuộc sống.
Nàng ôm lấy đầu Steiner và nói vài tiếng Nga rồi trao cho anh một khúc bánh mì và một chút muối:
- Đi khỏi đây, anh nên ăn những thứ nầy. Như thế anh sẽ không vất vả tìm món ăn khi ở xứ lạ. Thôi đi đi.
Steiner muốn hôn nàng nhưng lại thôi. Giọng Lilo trở nên thì thầm:
- Anh đi đi…
Steiner đi xuyên qua khu rừng. Được một lúc anh nhìn ngoái lại. Khu hội chợ chìm trong đêm. Tất cả chỉ là một khối khổng lồ, đen ngòm trong đó có một vuông cửa xa xa còn ánh sáng và một bóng nhỏ đứng lặng im không vẫy tay từ giã.
Tài sản của Adamsmith

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #15  
Old 06-06-2008, 02:17 PM
Adamsmith's Avatar
Adamsmith Adamsmith is offline
Tiếp Nhập Ma Đạo
 
Tham gia: May 2008
Đến từ: Nơi có lá vàng rơi.
Bài gởi: 392
Thời gian online: 2 tháng 0 tuần 2 ngày
Xu: 801
Thanks: 185
Thanked 41 Times in 24 Posts
Chương 15

Đúng mười lăm hôm, Kern lại được dẫn ra Tòa án địa phương. Con người to béo với khuôn mặt phúc hậu nói với anh:
- Rất tiếc là tôi phải báo cho anh một tin buồn.
Kern giựt mình. Có lẽ họ kêu án bốn tuần. Cũng không sao nếu trong thời gian đó bác sĩ Beer còn giữ được Ruth ở bệnh viện.
- Bản thỉnh cầu gửi đến cấp trên đã bị bác bỏ. Anh đã ở quá lâu tại Thụy Sĩ. Ngoài ra còn vụ tháo chạy hôm bị bắt lần đầu tiên. Anh bị kêu án mười lăm ngày tù.
- Dạ, thêm mười lăm ngày nữa?
- Tất cả mười lăm ngày kể cả thời gian tạm giam.
Kern thở phào nhẹ người:
- Như vậy là tôi được thả hôm nay?
- Phải. Nhưng có điều đáng buồn là anh bị kết án tù.
- Không sao. Tôi sẽ quen đi.
- Tôi chỉ mong lý lịch tư pháp của anh được trắng nhưng không có thẩm quyền.
- Chừng nào thì bị trục xuất?
- Hôm nay, qua Bâle.
- Qua Bâle? Ở Đức?
Kern nhìn vội chung quanh. Anh muốn phóng mình qua cửa sổ và chạy trốn. Cửa sổ đang mở rộng và căn phòng ông Chánh án nằm ngay tầng dưới. Bên ngoài, nắng chói chang. Bên ngoài, những cành táo đang lay động, phía sau đó là một bờ rào thấp có thể dễ dàng nhảy qua…
Ông Chánh án lắc đầu:
- Anh sẽ bị đưa qua Pháp chớ không phải Đức. Bâle vừa là biên giới Đức vừa là biên giới Pháp của chúng tôi.
- Tôi có thể xin được giải trả về Genève phải không?
- Phải. Bâle là nơi gần nhứt. Đó là chỉ thị của cấp trên.
Kern lo ngại:
- Có chắc là người ta sẽ đưa tới biên giới Pháp không?
- Không thể sai chạy.
- Có khi nào những người bị bắt không giấy tờ bị gởi trả về Đức?
- Theo tôi biết thì không. Thỉnh thoảng có một vài vụ nhưng chỉ xảy ra ở các thị trấn biên giới.
- Như vậy, nếu một phụ nữ bị bắt chắc không bao giờ bị giải trả về Đức?
- Không bao giờ. Anh muốn biết để làm gì?
- Thưa, cũng chẳng có gì đặc biệt. Thỉnh thoảng tôi có gặp một vài phụ nữ trên đường, chẳng có giấy tờ gì cả. Chẳng biết họ sẽ ra sao.
Ông Chánh án đưa cho Kern xem một mảnh giấy:
- Đây, lịnh trục xuất. Anh đã tin là sẽ được giải qua đất Pháp rồi chớ?
Kern liếc mắt qua:
- Vâng.
- Hai giờ nữa sẽ có chuyến xe.
- Nhứt định là tôi sẽ không có quyền đi Genève.
- Nhứt định. Giá vé đã đắt mà những người tị nạn lại tới dồn dập nên ngân quỹ thiệt hại không phải ít.
- Đặt trường hợp là tôi chịu bỏ tiền vé xe?
- Có thể. Anh muốn thế à?
- Thưa không. Tôi chỉ hỏi thế thôi chứ không đủ tiền.
- Nói cho anh biết, đáng lý ra anh phải trả tiền xe đi tới Bâle nhưng tôi đã gạt vấn đề đó ra – ông ta đứng lên – rán giữ sức khỏe. Chúc anh được an toàn ở Pháp. Và cầu mong tình thế sẽ thay đổi.
- Cám ơn ông Chánh án. Chúng tôi chỉ còn hy vọng duy nhứt đó thôi, nếu không chắc là đã tự vận từ lâu.
Kern chẳng còn cách nào để liên lạc với Ruth. Đêm qua, Beer có tới thăm và cho biết Ruth còn phải nằm bệnh viện tám ngày nữa. Anh quyết định sẽ viết cho Ruth ngay khi tới biên giới Pháp. Anh đã biết điều cần yếu: Ruth sẽ không bị đuổi trở lại Đức nếu có đủ tiền trả chuyến đi tới Genève.
Đúng hai giờ sau, một nhân viên an ninh mặc thường phục tới và dẫn anh ra nhà ga. Đêm qua, Beer có mang tới cho anh chiếc vali còn để lại ở vựa chứa rơm của ông lão chăn cừu.
Hai người đi qua một quán nhỏ. Có hai người gần cửa sổ vừa hát vừa khiêu vũ, tay người nầy đặt lên vai người kia.
Viên chức Cảnh sát dừng lại. một trong hai người đang hát nhìn ra, hỏi:
- Đi đâu mất vậy Max? anh em chờ quá.
Người áp giải Kern đáp:
- Đang làm phận sự.
Anh chàng có giọng kim nhìn Kern:
- Xui quá vậy! Vậy là ban hòa ca bốn giọng của mình đêm nay kể như hỏng.
- Không sao, tôi sẽ quay lại trong hai mươi phút.
Kern và viên chức Cảnh sát mặc thường phục tiếp tục đi. Kern hỏi:
- Ông không cùng đi với tôi đến biên giới?
- Không. Chúng tôi áp dụng một phương sách mới.
Tới nhà ga, viên Cảnh sát trao Kern cho người trưởng ga kèm theo lịnh trục xuất:
- Đây, tôi hết phận sự rồi – ông ta bỗng trở nên lịch sự khi nói với Kern – chúc cậu thượng lộ bình an.
Người trưởng xa dẫn Kern tới một toa nhỏ ngay trước buồng thắng máy và bảo:
- Lên đây đi.
Toa xe nhỏ hẹp chỉ có một cái ghế gỗ. Kern đẩy vali vào gầm ghế. Người trưởng xa khóa cửa bên ngoài.
- Tới Bâle, sẽ có người mở cửa.
Vài phút sau, đoàn tàu chuyển bánh.
Kern nhìn ra bên ngoài. Trời tối với từng cơn gió mạnh tạo thành một không khí âm u, xa lạ. Tự nhiên, Kern nghe chán nản tận cùng.
Tại Bâle, một Cảnh sát viên dẫn Kern ra trạm quan thuế. Kern được cho ăn uống vừa đủ no. Một nhân viên quan thuế theo Kern trên chuyến xe điện tới Burgfelden. Họ đi trong bóng tối, vượt qua một nghĩa trang Do Thái. Họ tới một lò gạch rồi từ đó tiến ra đường cái. Được một quãng, nhân viên áp giải dừng lại:
- Từ chỗ nầy, cứ đi thẳng tới là qua bên kia.
Kern tiếp tục đi. Anh biết lờ mờ rằng mình đang đi về hướng Saint-Louis. Anh không lẩn tránh vì biết rằng có bị bắt cũng vậy thôi.
Kern đi lộn đường nên mãi tới sáng, anh mới đến được Saint-Louis. Anh tới trình ngay tại một trạm Cảnh sát Pháp và khai là vừa từ Bâle qua. Làm như vậy anh chỉ bị đuổi trở lại thôi chớ không thể bị tù.
Cảnh sát giữ anh lại suốt ngày. Tới tối họ giải anh ra đồn quan thuế để đi ngược trở lại Bâle.
Sáng sớm hôm sau, Kern đã có mặt tại Bâle. Anh thay đổi chiến thuật, không tới sở Cảnh sát ngay buổi sáng. Anh biết là có thể lẩn tránh dễ dàng vào ban ngày ở đây nếu có ý định chỉ đi khai báo vào buổi tối. Anh còn giữ danh sách các địa chỉ của Binder cho, trong đó có một vài nơi được ghi chú thuộc về thị trấn nầy.
Kern bắt đầu đến các mục sư. Những người tu hành nầy ít khi tố giác ai. Người đầu tiên từ chối, người thứ nhì cho anh một khúc bánh mì thịt nguội và người thứ ba năm quan. Đi một vòng tới trưa, Kern đã kiếm được tất cả mười bảy quan.
Tới chiều, nhờ bán thêm một ít món lặt vặt mang theo Kern đã có tất cả hai mươi tám quan. Anh ghé qua một giáo đường mở cửa. Đây là nơi an toàn nhứt để nghỉ ngơi. Luôn hai đêm rồi Kern không hề chợp mắt.
Giáo đường âm u và trống vắng, còn phảng phất mùi nế, mùi trầm, Kern ngồi ở một ghế dài, viết về cho bác sĩ Beer. Anh cho thơ và tiền vào bao, dán lại, bỏ vào túi. Tới lúc đó, Kern mới nghe mệt lả. Chậm chạp, anh quỳ xuống, gục đầu vào nơi khấn nguyện. Anh chỉ muốn dưỡng thần đôi ba phút nhưng lại ngủ thiếp đi.
Lúc thức dậy, Kern hoàn toàn không biết mình ở đâu. Anh nheo mắt lại khi nhìn vào ánh lửa đỏ hồng trong lư hương và từ từ nhớ ra. Cho tới khi nghe tiếng bước chân, Kern mới hoàn toàn tỉnh trí.
Một linh mục mặc áo dòng đen từ từ bước tới. Ông dừng lại và nhìn Kern. Dè dặt, Kern chấp tay lại. Vị linh mục từ tốn nói:
- Tôi không có ý định quấy rầy cậu.
- Thưa, tôi cũng đang định đi ra.
- Tôi đã chứng kiến cậu quỳ cầu nguyện suốt hai tiếng đồng hồ chẳng biết có chuyện gì hệ trọng không?
Kern đâm ra bối rối:
- Dạ, dạ…
Vị linh mục nhìn chiếc vali của Kern:
- Cậu không phải là người ở đây.
- Thưa không. Tôi là di dân. Đêm nay, tôi lại phải đi qua biên giới lần nữa. Trong vali tôi chỉ có vài món đồ để bán.
Không hiểu sao, Kern tự nhiên nghĩ tới chuyện bán cho nhà tu nầy, chai dầu thơm cuối cùng còn lại ngay trong nhà thờ. Thật là khó hiểu, nhưng anh đã quá quen với nhiều chuyện còn khó hiểu hơn. Anh nói tiếp:
- Tôi còn một chai nước hoa rất tốt nhưng rất rẻ. Tôi đang định bán đi.
Anh cúi xuống toan mở vali ra.
Vị linh mục ngăn lại:
- Tôi tin lời cậu. Mình đừng bắt chước những nhân viên thuế vụ thời cổ La Mã. Tôi rất sung sướng thấy cậu đã cầu nguyện hàng giờ. Vào kho đồ thánh với tôi. Giáo hội đang có sẵn một quỹ cứu trợ cho những tín đồ cần tới.
Kern vừa nhận được mười quan. Anh hơi xấu hổ nhưng chưa đầy mấy phút lại quên ngay. Khoản tiền nầy tượng trưng một đoạn đường xe lửa trên đất Pháp, cho anh và Ruth.
Kern quay vào giáo đường và lần nầy cầu nguyện chí tình. Anh không biết phải gởi lời cầu nguyện của mình tới tận đâu vì chính anh là người của đạo Tin lành và cha anh là Do Thái trong khi anh đang quỳ trong lòng một giáo đường Thiên Chúa. Dầu vậy, Kern vẫn tin rằng lời khấn cầu của anh tự nó sẽ tìm ra một con đường để đi tới.
Đến tối, Kern đi chuyến xe Genève. Bỗng nhiên, anh nghĩ tới việc Ruth có thể ra khỏi nhà thương sớm hơn dự liệu. Kern tới Genève buổi sáng gởi vali tại nhà ga rồi đến Cảnh sát khai là vừa bị đuổi từ nước Pháp qua. Nhờ có giấy trục xuất khỏi Thụy Sĩ qua ngã Bâle, Kern không bị nghi ngờ gì cả. Tối đến, anh bị giải tới Cologny để ra biên giới.
Kern tới trình diện tại đồn quan thuế Pháp. Một nhân viên quan thuế vừa ngáp vừa bảo Kern:
- Vào đi. Trong đó đang có một người. Khoảng bốn giờ sáng lên đường.
Kern vừa vào tới bên trong đã sửng sốt kêu lên:
- Vogt! Sao lại có mặt ở đây?
Vogt nhún vai:
- Tôi lại phạm biên giới Thụy Sĩ một lần nữa.
- Có phải từ ngày ông bị bắt đưa ra nhà ga Lucerne không?
- Đúng. Kể từ ngày đó.
Vogt trông gấy ốm hơn nhiều. Da xám sậm. Ông ta buồn thảm tâm sự.
- Toàn là chuyện xui. Tới việc muốn được ở tù mà cũng không ai cho. Mùa nầy, đêm bắt đầu quá lạnh… hết chịu nổi.
Kern ngồi xuống:
- Còn tôi thì bị ở tù. Tôi sung sướng khi được trả tự do. Đời toàn là những chuyện trái ngược.
Một Cảnh binh mang tới cho họ một ít bánh mì và rượu chát. Aên xong, cả hai lăn ra ngủ. Bốn giờ sáng họ bị đánh thức và được dẫn trở lại biên giới Thụy Sĩ.
Vogt rùng mình. Kern cởi áo ấm ra:
- Mặc vào đi. Tôi không lạnh.
- Không lạnh thật hả?
- Không.
- Có lẽ vì cậu còn trẻ. Ông ta trồng áo ấm của Kern vào – xin mượn tạm vài giờ… tới lúc mặt trời lên.
Trước khi tới Genève, họ chia tay. Kern nói với Vogt:
- Ông cứ giữ cái áo ấm để mặc.
- Đâu được. Áo đáng giá lắm mà.
- Tôi còn một cái nữa. Của một giáo sĩ cho khi tôi bị tù ở Vienne.
- Thật thế à?
- Thật chớ. Áo xanh cóviền đỏ. Ông tin rồi chớ?
Vogt cười, lấy trong túi ra một quyển sách đưa cho Kern:
- Tập thơ của thi sĩ Holderlin.
Kern tiến vào Genève. Anh ngủ hai tiếng đồng hồ trong một nhà thờ. Tới trưa, anh ra sở Bưu điện Trung ương. Kern biết rõ là Ruth là chưa tới được nhưng anh vẫn chờ tới hai giờ chiều. Kế đó anh duyệt lại danh sách các địa chỉ của Binder cho. Kern lại gặp vận hên. Tới tối anh kiếm được mười bảy quan. Chẳng còn gì để làm, anh tới Cảnh sát trình diện.
Đêm thứ bảy, sinh hoạt náo nhiệt hơn kể cả cuộc sống của những người tị nạn. Mười một giờ đêm, người ta đưa vào hai người say khướt. Họ mửa đầy cả phòng quan thuế, rồi cùng lè nhè hát. Một giờ khuya đã có tất cả năm người. Đúng hai giờ, người ta đưa Vogt vào. Ông ta thiểu não lắc đầu:
- Quỉ quái thật! Chúng mình lại gặp nhau.
Khoảng một tiếng đồng hồ sau họ bị áp giải đi. Đêm lạnh buốt. Sao lấp lánh từ trên nền trời thật cao. Trăng sáng như kim khí bị nung chảy trong lò.
Người Cảnh binh dừng lại:
- Các người rẽ sang phải rồi tiếp tục…
Kern ngắt lời:
- Tôi biết rồi.
Họ lại tiếp tục đi và vượt qua vùng không người chia cắt giữa hai biên giới.
Trái ngược điều dự đoán, người ta không gởi trả họ lại ngay đêm đó mà đưa họ tới cục Cảnh sát để lấy lời khai. Họ được cho ăn uống, và đêm sau lại trở ra biên giới.
Qua khỏi biên giới, Vogt và Kern nằm nghỉ trên một đống rơm. Họ thức dậy lúc mặt trời vừa lên. Nơi họ ngủ đêm là một triền đồi, nhìn xuống là một cái hồ. Mặt hồ lung linh nắng sớm. Vogt im lặng nhìn làn sương mỏng tan dần, ông ta ngắm nghía ngọn Bạch sơn nhô ra khỏi các tảng mây rách nát và bắt đầu chiếu sáng trông như thành quách kiên cố của nước Trời.
Chín giờ Vogt và Kern bắt đầu đi.
Tới Genève họ đi dọc theo bờ hồ. Bỗng nhiên Vogt dừng lại:
- Coi kìa!
- Cái gì đâu?
Vogt chỉ tay về phía một dinh thự nằm giữa một khu vườn mênh mông. Tòa nhà nguy nga đồ sộ đó đang tắm dưới ánh nắng. Khu vườn hùng vĩ đó không ngớt rì rào tiếng lá khua và lá rụng. Trước sân, những dãy xe bóng loáng đậu bên nhau. Từng toán người ra vào, mắt sáng rỡ với hân hoan.
- Cậu có biết cái gì đó không?
Kern lắc đầu.
- Đó là trụ sở Hội Quốc Liên.
Giọng ông ta vừa ngẹn ngào vừa khinh mạn khiến Kern hơi ngạc nhiên. Ông ra tiếp tục nói với giọng đều đều:
- Chính ở đó, người ta đã thảo luận hàng mấy năm dài về số phận của bọn mình và để quyết định có nên cấp hay không thẻ căn cước cho dân tị nạn hầu họ có thể trở lại vai trò của một con người.
Một chiếc Cadillac mui trần êm ả chạy ra cổng. Trên xe toàn là những thanh niên thiếu nữ sang trọng vừa cười nói vừa vẫy tay ra hiệu cho chiếc xe thứ hai ra bờ hồ dùng điểm tâm.
- Cậu có biết tại sao lại lâu đến thế không?
- Biết.
- Vậy là tuyệt vọng rồi, phải không?
Kern nhún vai:
- Họ thấy không có gì là khẩn cấp, mình chịu vậy.
Người gác cổng quan sát Kern và Vogt với vẻ nghi ngờ:
- Mấy người kiếm ai?
Kern lắc đầu.
- Vậy đứng đây làm gì?
Vogt nhìn Kern. Một chút kiêu ngạo thoáng hiện trong ánh mắt ông ta:
- Có làm gì đâu. Chúng tôi là những nhà du lịch, muốn đi dạo khắp cả trái đất này.
Gã gác cửa làm nghiêm:
- Vậy xin mời các ông đi chỗ khác.
Vogt suýt phì cười:
- Cũng được.
Trên đường Bạch sơn, họ dán mắt vào các cửa kính bày hàng. Vogt bỗng dừng lại trước một tiệm vàng:
- Mình chia tay là vừa.
- Lần nầy ông định đi đâu?
- Không xa lắm. Ngay tại tiệm nầy thôi.
Kern hơi lấy làm lạ. Anh nhìn lại những viên bích ngọc, hồng thạch, kim cương đang nằm chói lọi trên tấm thảm nhung màu xám bên trong cửa kính.
- Chắc chẳng ăn nhằm gì đâu. Mấy ông chủ tiệm loại nầy đã quen sống với loài đá cứng nên họ không dễ gì cảm động đâu.
- Tôi không xin họ. Tôi sẽ đánh cắp một món nào đó.
Kern đâm hoảng:
- Sao? Ông nói đùa hả? Không thoát được đâu.
- Tôi có muốn thoát đâu. Chính vì vậy mà tôi có ý định đó.
- Tôi không hiểu gì cả.
- Cậu sẽ hiểu. Tôi đã nghĩ kỹ rồi. Đó là con đường duy nhứt để tôi có thể sống qua mùa đông. Ít lắm cũng hưởng được mấy tháng tù. Sức khỏe tôi kém lắm rồi. Thêm vài tuần đi qua đi lại biên giới nữa là tôi sẽ ngã gục.
- Nhưng…
Vogt cắt ngang:
- Tôi biết cậu muốn nói gì rồi… Không chịu nổi nữa đâu… Vĩnh biệt.
Kern tự biết không thể ngăn cản được. Anh siết chặt bàn tay mỏng mảnh của Vogt:
- Chúc ông sớm có đầy đủ sức khỏe.
- Hy vọng như thế. Nhà tù ở đây khá lắm.
Vogt đợi Kern đi khá xa mới bước vào trong tiệm. Kern dừng lại ở góc đường, liếc mắt về phía tiệm vàng với dáng vẻ của người chờ xe điện. Vài phút sau, anh thấy từ trong tiệm một thanh niên chạy vụt ra rồi trở lại với một Cảnh sát viên. Kern tiếp tục đi… “Cầu mong ông ta tìm ra nơi yên nghỉ”.
Kern đi chậm chạp về phía Sở Bưu điện Trung ương. Anh cảm thấy mệt mỏi lạ lùng vì những đêm sau nầy chẳng ngủ được bao nhiêu. Đáng lý Ruth phải có mặt ở đây từ ba ngày qua. Anh không hề được một tin tức gì cả nên tưởng tượng hàng ngàn lý do về sự im lặng đó. Bây giờ, tự nhiên anh cảm thấy là Ruth không bao giờ tới nữa…
Tiếng động trên đường thấm nhập vào Kern mang theo cả sự chán chường. Anh bước đi, tưởng chừng như chân chỉ là cái máy, cứ nhấc lên đặt xuống đều đều, ngoài ý thức.
Một cái gì như màu xanh… màu xanh của một chiếc áo choàng hiện ra. Kern dừng sững lại. Biết đâu đó chỉ là một cái áo choàng màu xanh nào đó, một trong hàng trăm cái áo màu xanh đã khiến anh gần phát điên từ một tuần qua.
Kern nhìn ra chỗ khác nhưng rồi vẫn quay mặt lại chỗ có màu xanh. Một người đàn bà to béo đi qua che khuất tầm mắt khiến Kern sốt ruột. Cái áo choàng màu xanh nhảy múa trước mặt, Kern dè dặt tiến tới như một người đu dây. Thình lình, anh thấy có một cái gì quen thuộc, quen thuộc lắm trước khi nhìn ra sắc diện. Anh chạy ào tới:
- Ruth! Em đã tới! Vậy mà anh…
Kern ôm chầm người yêu và nghe thấy nàng đang siết chặt mình. Họ ôm cứng lấy nhau như hai người đang đứng trên đỉnh núi đang gặp một trận cuồng phong, phải bấu víu vào nhau để khỏi bị cuốn lôi vào vực thẳm. Họ ôm nhau ngay trước cổng sở Bưu điện Genève giữa giờ tấp nập nhứt trong ngày. Nhiều người đi qua, chen lấn họ, có kẻ nhìn ngoái lại mỉm cười với đôi chút ngạc nhiên. Họ không thấy ai cả, tưởng chỉ có mình thôi. Mãi tới khi một nhân viên mặc sắc phục hiện ra. Kern mới bừng tỉnh. Anh buông Ruth ra, bảo nhỏ:
- Vào ngay trong sở kẻo rắc rối.
Họ đi lẫn vào đám đông và tới đứng xếp hàng đợi ở chỗ bán tem.
- Người ta đưa em tới thẳng đây hay giải ra Bâle?
- Không. Ở Morat, họ cho em giấy lưu trú ở Thụy Sĩ ba ngày. Em mua vé xe tới đây ngay.
- Hay quá! Vậy là không đáng sợ. Em gầy và hơi xanh.
- Nhưng em sẽ bình phục mau. Em có xấu đi không?
- Xấu thế nào được. Em đẹp thêm ra. Cứ mỗi lần gặp lại là mỗi lần em đẹp hơn. Em đói chưa?
Ruth cười:
- Đói chớ. Đói tất cả, đói được gặp anh, đói được đi dạo trên đường phố, đói không khí và chuyện trò.
- Mình nên đi điểm tâm ngay. Anh vừa tìm ra một quán ăn có cá tươi bắt từ dưới hồ lên. Cũng như ở Lucerne – Kern cười thật tươi – Thụy Sĩ có nhiều hồ quá. Hành lý em để đâu?
- Gửi ở nhà ga. Bây giờ em có nhiều kinh nghiệm lắm.
- Giỏi lắm. Aø này, anh đã mua vé xe lửa đi Pháp hôm kia. Anh biết rõ cả đường đi nước bước trước giờ ra ga, mình sẽ ở trong một quán cóc hoàn toàn an ninh.
- Anh mua vé rồi hả? Tiền đâu? Anh gởi cho em quá nhiều mà.
- Trong cơn tuyệt vọng, anh làm tiền gần hết các nhà tu sĩ Thụy Sĩ. Anh quậy nát Bâle và Genève như một kẻ cướp. Bây giờ, ít lắm cũng phải sáu tháng nữa mới dám chường mặt những nơi đó.
Ruth cười:
- Em cũng có một ít tiền. Bác sĩ Beer trao cho em. Đó là tiền của một ủy ban cứu trợ dân tị nạn.
Kern nắm chặt bàn tay của Ruth:
- Em đã mướn phòng chưa?
- Em vừa xuống xe là đi thẳng tới đây.
Kern ngập ngừng giây lát:
- Em biết không, mấy lúc sau nầy anh trở thành một loại sống đêm. Anh không muốn mạo hiểm. Vì vậy anh thích chọn các cơ sở của Nhà nước. Không, không phải nhà tù đâu. Anh muốn nói mấy đồn quan thuế biên giới. Ở đó, ngủ ngon lắm, lại ấm cúng. Tất cả các trạm quan thuế đều được sưởi ấm rtong mùa lạnh. Nhưng còn em thì khác. Phải sống thật sang như bà hoàng. Anh sẽ lấy một phòng ở khách sạn Bellevue. Các đại biểu của Hội Quốc Liên, các bộ trưởng và những nhân vật cùng loại vô dụng đều ở đó.
- Không được. Em nhứt định ở bên anh. Nếu anh ngại có gì nguy hiểm thì mình đi ngay đêm nay.
- Cái gì vậy?
Người bán tem làm Kern và Ruth giựt mình. Họ đã tới sát quầy mà không hay. Kern trả lời thật mau:
- Cho con tem mười xu.
Kern trả tiền. Hai người đi trở ra. Ruth hỏi:
- Anh định làm gì với con tem đó?
- Biết đâu, anh chỉ phản ứng tự nhiên khi thấy một bộ sắc phục.
Kern nhìn con tem có in hình quỉ dữ bị rơi xuống chân núi Saint-Gothard, chợt có ý:
- Hay là sẽ viết thơ nặc danh lăng mạ lão Ammers.
Ruth chợt nhớ ra:
- Ammers… Anh biết ông ta đang điều trị tại bác sĩ Beer không?
- Sao? Thật không? Bị đau gan phải không? Nếu phải thì kỳ lạ quá.
Ruth cười vặn người, mềm mại như dây bìm:
- Đúng vậy. Ông ta đau gan. Do đó phải tới Beer vì Beer là bác sĩ chuyên trị gan duy nhứt ở Morat.
- Chúa ơi! Quả là một ngày trọng đại của con. Có lần Steiner bảo, tình yêu và sự phục hận cùng đến một lúc là một trong những biến cố kỳ lạ nhứt có thể xảy ra. Cũng có thể là tên lưu manh sẽ chết rục trong tù giờ nầy hoặc là đã bị gãy chân rồi.
- Hoặc là hắn bị lấy hết tiền bạc.
- Hay lắm. Em có nhiều ý kiến rất hay.
Hai người ra tới đường. Ruth hỏi:
- Mình đi ngay đêm nay hả anh?
- Em cần phải ngủ để lấy sức. Đường còn xa…
- Vậy thì mình tìm một nhà trọ nào đó trong các địa chỉ của Binder. Có gì đáng ngại lắm không?
- Chắc chẳng có gì đâu. Càng gần biên giới anh càng không đáng ngại. Được rồi, đã có em ở đây, anh không thể đành lòng đi một mình, dù chỉ là một đêm rồi trở lại.
Ruth quả quyết:
- Em không cần biết gì hết, anh ở đâu em ở đó.
Tài sản của Adamsmith

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™