Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 16-10-2008, 06:03 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Chào Mừng Ngày 20-10: 4 lần cứu sống Bộ đội đặc công

Căn nhà nhỏ đơn sơ, tường xây khá lâu nhưng chưa tô, nằm nép mình dưới những rặng tre. Nó bình dị và khiêm nhường như bao căn nhà khác ở vùng đất đầy nắng, đầy gió và đầy ắp chiến công này. Song chỉ khác, chính ở nơi đây, chính ngôi nhà này và chủ nhân của nó đã 4 lần chở che, đùm bọc, cứu sống 2 chiến sĩ cách mạng trước họng súng quân thù, nói chính xác là cứu sống 2 chiến sĩ đặc công của đoàn Đặc công 1A anh hùng, mà sau này người chiến sĩ quả cảm ấy đều trở thành anh hùng LLVT, và đều trở thành những vị tướng của Quân đội ta.

Xin được nói ngay, chủ nhân của ngôi nhà này là bà Trương Thị Náo, quê ở thôn Mái Xá, xã Gio Mai, huyện Gio Linh (Quảng Trị). Bà năm nay đã 72 tuổi nguyên là nữ du kích nổi tiếng gan dạ một thời, tuổi đã già, tóc bạc như cước, nhưng trên khuôn mặt và đặc biệt là đôi mắt còn đọng lại nét xuân xưa của một cô gái đẹp và kiên nghị. Hôm ấy, căn nhà đầy ắp tiếng cười, đầy ắp hân hoan xúc động. Và đặc biệt hầu như có đầy đủ các khuôn mặt một thời gắn bó, một thời sống chết với quê hương.

Trong những người có mặt hôm đó, có một vị tướng Hải quân, anh là Nguyễn Văn Tình -ủy viên Trung ương Đảng-Bí thư Đảng ủy- Phó tư lệnh chính trị Quân chủng Hải Quân-một trong hai người được bà che chở đùm bọc trong những năm 1966-1968, khi anh cùng đồng đội thuộc Đoàn 1A, làm nhiệm vụ đặc biệt ở chiến trường này. Trong không khí ấm cúng, hân hoan và chuyện như bắp nổ của những người có mặt, trông anh cứ trầm ngâm như sống lại với ký ức. Thấy anh cứ chăm chú nhìn lên trần nhà, chị Lài (em gái bà Náo và cũng là một thiếu niên làm công tác liên lạc cho đội nữ du kích và chị gái cùng thời) giọng xởi lởi: “Chứ anh Thuận (Thuận là bí danh của anh Tình thời hoạt động ở đây) nhớ chi mà ngẩn ngơ rứa!”. Anh Tình như bừng tỉnh: “Anh nhớ cái lần ngồi trên trần nhà này mà cứ lo cho chị Náo và em ở dưới”. Bà Náo cười, tay chỉ lên trần nhà, dõi theo tay bà, chúng tôi thấy mấy vết đạn, tuy đã qua mấy chục năm, nhưng những vét xé, vết xuyên vẫn rõ mồn một. Từng lời bà kể sống lại một tình huống hiểm nghèo, sáng lên một tấm lòng quả cảm và sáng lên một quyết định táo bạo đầy mưu trí.

“... Sáng nớ, khi chú Thuận đây vừa đi tác chiến về, người vừa lọt vào nhà, trên mình chỉ có cái quần cộc ướt như chuột lột, biết tính chú hay ăn củ (khoai), tôi luộc sẵn nồi củ nóng hổi, chưa kịp hối chú thay đồ, rồi ăn cho ấm bụng, thì bụng dạ nóng ran như có lửa đốt, thấy nhồn nhột cái ót, tôi linh tính ngay có chuyện chẳng lành, vội chạy ra sân, ngó ra phía đầu đường, thì cha ơi toàn lính là lính, tôi vội chạy vô nhà hối chú”, bà quay sang anh Thình: “Chứ sao lúc đó chú lì thế, tôi thì cuống lên còn chú thì cứ tỉnh như không!” Anh Tình cười: “Lúc đó em cũng cuống đấy chứ, nhưng mải quan sát tìm chỗ tránh nên chị không biết đó thôi”.

Bà Náo nói như phân bua với mọi người: “Địch thì đến gần, mà chú cứ đứng đó. Nói dại, nói mà bắt được chú, tôi không sợ liên lụy, nhưng tôi có lỗi với cách mạng. Thấy chú vấn còn chần chừ chưa quyết, tôi đẩy vội cái ghế, bảo chú bước lên rồi đu lên trần nhà chưa kịp dặn dò chi, thì bọn lính đã ập vào sân, giọng thằng chỉ huy sin sít: “Bọn bay tản ra quanh nhà, lục soát thật kỹ cho tau”. Rồi hắn dộng báng súng vào cửa nhà la lớn: “Con Náo, muốn sống mau nộp thằng cộng sản ra đây”. Tôi vờ như không nghe, không lên tiếng, tay đẩy nhẹ chiếc ghế về vị trí cũ, mắt quan sát chỗ chú Thuận nấp, thì cha ơi, cái cột chỗ chú đu lên nước còn chảy ròng ròng. Tôi bụng bảo dạ, thế ni thì chết rồi, lộ hết. Nhớ tới con bé Lài con đang ngủ, tôi vào dựng đầu nó dậy, tay đánh miệng réo “Banh mắt ra rồi mà còn ngủ, con gái con đứa lớn phổng rồi còn đái dầm”. Tội con bé bẹ đánh oanh tu lên khóc”.

Chị Lài đứng cạnh đỏ mặt ngắt lời: “Sao lúc đó chị đánh em đau rứa, lại nói oan cho em, em định cãi, nhưng nhìn mắt chị trừng lên rồi nháy nháy, em tức đầy cái bụng nhưng không cãi”. Bà Náo: “Thì vạn bất đắc dĩ phải làm vậy. Tau đánh mi tau cũng thương đứt ruột, chứ mi tưởng tau sướng cái bụng lắm à”. Nói như thanh minh với em, rồi bà quay sang mọi người. “Miệng tôi la, tay tôi đánh, rồi kéo nó ra khỏi giường, tiện tay tôi bê cả nồi củ hất lên trần nhà xóa dấu vết nước chảy, rồi chì chiết: “Sáng ni tao cho mi đói, không cho mi ăn nữa, con gái con đứa hư”. Miệng tôi nói tay tôi lột cái quần nó đang mặc ấn vào vũng nước rồi vội mặc lại cho nó. Vừa lúc đó thì thằng chỉ huy và mấy thằng lính xô cửa bước vào. Mặt nó hằm hằm. Không để nó hỏi trước, tôi chủ động: “Mời mấy cậu ngồi. Con em tôi nó hư, lớn thế rồi mà còn ngủ trương xác”. Không để tôi nói hết câu, thằng chỉ huy đi đi lại lại dõi đôi mắt cú vọ vào khắp các xó xỉnh, miệng nó nói như đã biết hết mọi chuyện: “Thằng cộng sản vừa chạy vào đây đâu, bảo nó ra tôi sẽ tha cho cô, mà nó cũng được hưởng lượng khoan hồng của Quốc gia”.

Tôi bụng run run nhưng cái miệng nó cứng: “Nhà bằng tấm bánh, trống hơ, trống hoác, có chỗ nào mà dấu cộng sản, các ông cứ khám, tìm được cộng sản thì tôi đưa đầu cho mấy ông chặt”. Nó hằm hè văng tục, tôi giằng lấy khẩu “cực nhanh” ở tay thằng lính chĩa lên trần nhà miệng quát: “Thằng cộng sản ngồi trên trần nhà kia xuống ngay, không xuống tau cho nổ tung cái nhà này bây chừ”. Lúc này bụng tôi run thật sự, chẳng lẽ lộ hết rồi sao?. Nó mà leo lên trần bắt được chú Thuận, không biết chú Thuận và cách mạng có hiểu cho tôi:

Anh Tình giọng chậm rãi: “Ngồi trên đó lòng em nóng như lửa đốt, tay đã cầm sẵn 2 quả lựu đạn, bụng bảo dạ có thể bọn nó đánh “đòn gió”, không cẩn thận mình mắc mưu nó. Nghĩ vậy em cứ ngồi lì tại chỗ, trần nhà thì thấp, cựa quậy là nó biết liền. Nhận định của em thế mà chính xác”.

Bà Náo giọng nói hồi hộp: “Lúc hắn xả súng lên trần, tôi cứ đinh ninh chú bị dính đạn rồi. Tôi nhắm mắt lại không dám nhìn lên”. Nổ mấy loạt đạn lên trần, thấy không động tĩnh gì, bọn chúng lục tục kéo nhau ra khỏi nhà. Mấy thanh niên trong làng ngồi nghe bà Náo kể chuyện lại được tận mắt thấy anh Tình, nhân chứng sống được bà cứu sống giọng cứ trầm trồ thán phục.

Mọi người hoan hỉ, chị Lài chạy qua chạy lại cái bàn tiếp nước. Bà Náo như sực tỉnh: “Con Lài bây chừ to xác như ni, có tới 6 đứa con rồi, hồi hắn “mười hai, mười ba” nhỏ gầy như xác mắm, nhưng khỏe và không lắm. Nhớ cái bữa chú Mai Năng và chú Thuận đây cũng bị bọn địch ráp, tôi còn đang cuống quýt chưa biết dấu 2 chú ở đâu thì hắn mách: “đẩy hai anh xuống hầm chị nợ”. Căn hầm nhà đào tránh bom, tránh pháo, chỉ lấp đất lên trên, cửa hầm không che đậy có kín đáo chi đâu, nhưng lúc đó bí quá, tôi cũng thuận theo lời hắn. Khi 2 chú xuống hầm rồi, tôi định vơ mớ củi xếp ở trước cửa, hắn không cho, miệng thì thào: “Chị cứ kệ tui, hầm trống bọn lính không để ý đâu, chị ra vườn làm đi”. Nói rồi hắn nhảy chân sáo lò cò, tôi làm ngoài vườn nhưng bụng dạ cứ để chỗ hắn, bọn lính vào quát hỏi, hắn tỉnh bơ rổn rảng: “nhà tui chỉ có cái hầm ni, các ông không tin xuống đó mà tìm, có khi có cộng sản ở dưới”, tôi chột dạ định bỏ cái quốc chạy về, thì cùng lúc ấy bọn địch lục tục kéo nhau đi”.

Nghe mấy người hỏi về 2 lần khác bà cứu sống anh Tình, bà dẫn chúng tôi ra mảnh vườn phía hông nhà, nơi cái chuồng lợn năm xưa nay đã biến thành mảnh vườn, những luống khoai xanh mướt, đứng tại nơi thoát hiểm trước họng súng quân thù. Anh Tình nhớ lại: “Lần đó vừa đi tác chiến về, anh em mỗi người về một cơ sở, mình vừa về đến ngách cửa hông, thì phía đầu đường bọn lính chạy rầm rập hò hét đuổi theo. Chị Náo đẩy mình vào chuồng lợn. Đôi lợn vừa mới xuất chuồng, phân tro còn cả, ép mình nằm xuống chị vơ vội đống cây mè (vừng) vừa thu hoạch xong tấp cả vào chuồng lợn. Bọn lính lùng sục, nhưng không hề để ý nên mình thoát hiểm”.

Chia tay bà Náo, chia tay làng Mai Xá Chánh, chia tay Quảng Trị, thay mặt cán bộ chiến sĩ Hải quân, anh Tình tặng bà sổ tiết kiệm tình nghĩa 20 triệu đồng và 5 triệu đồng tiền mặt. Nhận món quà tình nghĩa, tay bà run run, khẽ hỏi: “Chứ sao các em cho chị nhiều thế”. Chúng tôi nhìn nhau chẳng ai nói lên lời và đều nhận ra một điều: Tấm lòng đồng bào, đặc biệt là tấm lòng các mẹ, các chị, các em quả là vô tận, vô tận sư bao la nhân ái, vô tận sự dũng cảm hy sinh, vô tâm sự khiêm nhường dung dị, thật thà. Đây chính là huyền thoại của dân tộc trong thế kỷ XX đầy ắp hào hùng.

ĐẶNG TRUNG HỘI



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™