Ghi chú đến thành viên
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #16  
Old 07-06-2008, 02:03 AM
Adamsmith's Avatar
Adamsmith Adamsmith is offline
Tiếp Nhập Ma Đạo
 
Tham gia: May 2008
Đến từ: Nơi có lá vàng rơi.
Bài gởi: 392
Thời gian online: 2 tháng 0 tuần 2 ngày
Xu: 801
Thanks: 185
Thanked 41 Times in 24 Posts
Phần Thứ Hai

Chương 16

Loan cúi xuống, đặt trên mộ một gói bánh bích quy và một bó hoa con, trong lúc Thảo ngồi lúi húi đánh diêm đốt hương. Nhìn mấy chiếc bánh mà trước kia con nàng thích ăn, nhìn làn khói lam gió xuân đưa là là trên cỏ, rồi tan dần vào quãng không. Loan thấy trong dạ bùi ngùi, thổn thức.
Loan ngẩng lên và muốn xua đuổi những cảm tưởng sầu thảm vấn vương qua tâm trí, nàng đưa mắt nhìn ra cánh đồng ruộng, phồng ngực hít mạnh gió xa thổi lại.
Thảo nói:
- Chóng thật, mới ba tháng trời mà cỏ đã mọc xanh um như một cái mộ cũ.
Loan thẫn thờ nói:
- Từ độ nó chết đến giờ, em coi như là đã lâu lắm. Bây giờ em mới đến thăm mộ là lần đầu đấy, chị ạ, vì em bận luôn.
Thảo nói:
- Hai tháng trời tôi không thấy chị đến chơi, tôi đã mừng rằng chị được yên thân, vì tôi nghiệm ra rằng cứ mỗi lần chị đến là một lần chị cho nghe một câu chuyện rắc rối và buồn cho chị.
Loan cười rồi bảo bạn lại ngồi trên một bức tường hoa thấp gần đó, nói:
- Em tưởng không có con nữa thì đời em sẽ đổi khác, nhưng bây giờ em mới biết dẫu không có con cũng khó lòng thoát ra khỏi cái cảnh đời em đương sống. Khó lòng lắm. Bây giờ em mới hiểu cô Minh Nguyệt và không trách cô ta như trước nữa.
Thảo thấy đôi mắt Loan sáng quắc có vẻ dữ tợn khác thường. Hai người cùng yên lặng chỉ còn nghe thấy tiếng dế kêu ở đằng xa theo gió đưa lại. Thảo tình cờ chạm tay vào tay Loan và thấy Loan nóng bừng, tuy gió ở ngoài đồng thổi lạnh. Bỗng Thảo thấy bạn cất tiếng cười, tiếng cười nghe ghê sợ rùng mình. Thảo vội nói:
- Chị làm sao vậy?
Loan vẫn đăm đăm nhìn thẳng trước mặt rồi như nói một mình:
- Có gặp những bước chán nản đến không thiết gì sống nữa mới hiểu được. Không thiết gì sống thì còn nghĩ làm gì đến cách thoát thân.
Rồi Loan quay lại nhìn bạn:
- Em xin lỗi chị. Rủ chị đi chơi lại làm chị phiền lòng... Em sợ lắm... chị ạ, em chắc chị không ngờ rằng khi đi với chị ra đây, em đã có cái ý tưởng dại dột muốn bắt chước cô Minh Nguyệt.
Loan lắc đầu:
- Bây giờ thì may đã qua rồi... Nhưng em vẫn còn sợ lắm. Ước gì em được ở gần chị luôn để em tránh được những lúc chán nản như thế này.
Thảo nói:
- Chị phải năng đi chơi mới được.
- Nhưng em có thì giờ rỗi đâu mà đi chơi.
- Một phần nữa chỉ tại chị cứ hay nghĩ quanh, nghĩ quẩn. Chị phải quả quyết bỏ mặc cả những chuyện đó đi.
- Em vẫn biết. Em vẫn muốn mình chỉ biết sống đời mình, còn thì mặc cả, nhưng nào người ta có để em yên thân. Bây giờ chỉ có một cách bỏ chồng. Hôm qua em vừa nói chuyện ấy với mẹ xong.
Thảo đưa mắt ngạc nhiên hỏi:
- Thế cụ bảo làm sao?
- Chắc em không nói chị cũng đoán ra. Mẹ em không đời nào hiểu được cái khổ, nhất là cái khổ về tinh thần của em. Mẹ em không thể tưởng tượng được em có thể bỏ chồng được. Nếu em bỏ chồng thì lại làm mẹ đau lòng hơn là trước kia em không nghe lời mẹ em. Em đã biết thế nên chỉ nói qua loa để dò ý kiến mẹ em thôi. Em viện lẽ cần phải về nhà để giúp đỡ, chứ không đả động đến cái khổ của em ở nhà chồng, mà xưa nay em vẫn cố giữ kín. Không những thế, đối với pháp luật em cũng không sao bỗng chốc bỏ chồng em được. Bao nhiêu thứ nó trói buộc em lại với cái đời này không thể ruồng rẫy một cách dễ dàng như trước kia em tưởng.
Loan nói tiếp giọng chua chát:
- Tình cảnh em bây giờ lại giống hệt như tình cảnh em khi mới lấy chồng, chỉ khác một nỗi là trước kia em còn hy vọng tìm được sự yên vui trong gia đình nhà chồng, cho dẫu là một gia đình cũ, mà bây giờ thật là tuyệt vọng, tuyệt vọng hẳn.
Thấy mình đã nói nhiều và thấy Thảo từ nãy cứ ngồi yên có dáng nghĩ ngợi, Loan quay lại nói với bạn như để phân trần:
- Em chỉ còn có cách ấy mà thôi. Đời em đành coi như là một đời bỏ đi... từ nay, em chỉ còn nhẫn nại, yên lặng sống mãi với sự đau khổ cho đến trọn đời.
Rồi Loan thở dài, nghĩ đến chẳng bao lâu nữa, ngày tháng trôi mau sẽ em lại cho nàng cái tuổi già với tấm lòng thờ ơ, nguội lạnh để kết liễu một cuộc đời cằn cỗi, ảm đạm, không từng có chút ánh sáng của một ngày vui tươi chiếu rọi.
Tài sản của Adamsmith

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #17  
Old 07-06-2008, 02:04 AM
Adamsmith's Avatar
Adamsmith Adamsmith is offline
Tiếp Nhập Ma Đạo
 
Tham gia: May 2008
Đến từ: Nơi có lá vàng rơi.
Bài gởi: 392
Thời gian online: 2 tháng 0 tuần 2 ngày
Xu: 801
Thanks: 185
Thanked 41 Times in 24 Posts
Phần Thứ Hai

Chương 17

Hai chị em thong thả đi bộ từ nghĩa trang Quảng Thiện về ấp Thái Hà. Đến tận cổng nhà Loan, Thảo mới từ biệt bạn, quay ra để lên xe điện về Hà Nội. Loan tuy mỏi mệt, nhưng thấy trong lòng nhẹ nhõm. Nàng nghĩ thầm:
- Sao chồng mình đối với mình ít ra lại không là một người bạn như Thảo và Lâm cho đời mình đỡ khổ đôi chút. Thân chắc cũng yêu mình, nhưng yêu ấy... chỉ là một cái yêu theo lối riêng... Một cái yêu đần độn.
Loan vòng ra phía sau để về buồng. Khi qua cửa sổ đầu trái, nàng bước rón rén đi thật khẽ, vì thấy có tiếng bà Phán ở trong đưa ra. Bỗng nàng đứng dừng lại, vì nàng vừa nghe rõ bà Phán nói:
- Tôi cho anh lấy nó làm nàng hầu.
Loan đứng núp sau một cây chanh, nín thở lắng tai nghe. Đột có tiếng Thân nói rất khẽ:
- Con chỉ sợ nhà con nó không bằng lòng.
Bà Phán cao giọng:
- Tôi cho phép anh lấy. Quyền đâu ở vợ anh mà anh sợ. Vả lại anh vừa bảo mợ ấy không sinh đẻ gì được nữa. Nếu việc này không xảy ra thì tôi cũng phải nghĩ đến việc lấy vợ bé cho anh kia mà. Thế nó có thai độ mấy tháng rồi?
- Thưa mẹ, độ bốn, năm tháng nay.
- Sao anh không bảo cho tôi biết trước?
Yên lặng một lúc rồi có tiếng Thân:
- Để hôm nào con nói chuyện với nhà con.
- Anh không cần nói. Để tôi bảo mợ ấy. Việc đó không khó. Việc khó là không biết bà Lục có bằng lòng không? Vả lại con nuôi thì con nuôi, chứ ở ngoài thế nào họ cũng dị nghị.
Loan nói thầm trong miệng:
- Con Tuất.
Bấy giờ Loan mới hiểu vì cớ gì Tuất hay sang chơi, Loan thấy Loan như người có tính tò mò, vừa có cái thú được nghe một câu chuyện kín, chứ không hề mảy may sửng sốt hay đau đớn vì cái tin đó. Nàng nhận rằng sở dĩ có chuyện này là vì nàng không sinh đẻ nữa, mà Thân thì không bao giờ chịu suốt đời không có con, còn bà Phán sở dĩ bằng lòng ngay chỉ vì Tuất nay mai sẽ cho bà một đứa cháu, biết đâu không là cháu trai - để nối dõi - Còn nàng thì là một người vô dụng và nên biết thân phận như thế.
Loan đi quay trở lại để vào cửa trước, và khi bước lên hiên, nàng cố ý nện mạnh gót giày cho trong nhà nghe thấy. Nàng đứng ở phòng khách một lúc rồi mới bước sang buồng phía trái là chỗ bà Phán với Thân đương bàn định.
Khác hẳn mọi lần, bà Phán không mỉa mai hỏi nàng đi đâu về. Loan thấy Thân ngượng nghịu đứng dậy đi lảng ra ngoài. Bà Phán ngọt ngào bảo Loan:
- Mợ ngồi đây tôi nói câu chuyện.
Tuy đã biết trước là chuyện gì, Loan cũng ngồi giả vờ lắng tai chú ý. Bà Phán nói:
- Cậu ấy đi lại với con Tuất, nay con Tuất đã có mang, vậy mợ nghĩ sao về việc ấy.
Không đợi Loan trả lời, bà Phán nói tiếp:
- Tôi thì tôi cho con nào cũng là con. Cậu ấy đã trót lỡ mà bỏ nó thì tội nghiệp, nên tôi định cưới nó về cho cậu ấy. Nếu mợ còn sinh đẻ mà cậu ấy đa mang như thế thì cũng đáng trách; mà biết điều chắc cũng không kiếm chuyện khó khăn. Sự đã qua rồi, nghĩ không còn cách nào khác để thu xếp cho ổn cả.
Bà Phán nói đến đây ngừng lại, đợi Loan trả lời, Loan cúi mặt lẳng lặng một lúc, rồi đáp:
- Thưa mẹ, việc đó tùy mẹ cả.
Là vì nàng biết rằng bà Phán hỏi ý kiến để lấy lệ, chứ thật ra không kể nàng vào đâu. Nàng không có một quyền nhỏ mọn nào về việc lấy vợ lẽ cho chồng. Nàng không ngăn cản nổi, mà nàng cũng không thiết, không cần ngăn cản làm gì.
Tài sản của Adamsmith

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #18  
Old 07-06-2008, 02:06 AM
Adamsmith's Avatar
Adamsmith Adamsmith is offline
Tiếp Nhập Ma Đạo
 
Tham gia: May 2008
Đến từ: Nơi có lá vàng rơi.
Bài gởi: 392
Thời gian online: 2 tháng 0 tuần 2 ngày
Xu: 801
Thanks: 185
Thanked 41 Times in 24 Posts
Phần Thứ Hai

Chương 18

Loan cúi mặt không dám nhìn cái cảnh Tuất cúi rạp trên chiếu lễ tổ tiên và lễ ông Phán, bà Phán; vì cảnh đó làm Loan nhớ đến mấy năm trước hồi nàng mới bước chân về nhà chồng. Nàng thấy nàng hồi đó cũng như Tuất bây giờ; địa vị nàng với Tuất tuy có khác, nhưng cũng là những người bị người ta mua về hì hục lạy người ta để nhận làm cái máy đẻ, làm con sen hầu hạ không công. Trước khi Loan được người ta cưới về làm vợ một cách chính thức, những lễ nghi đó không có vẻ giả dối bằng bây giờ khi người ta đem nó ra che đậy và hơn nữa để công nhận một sự hoang dâm.
Bỗng có tiếng bà Phán nói:
- Mợ cả đâu? Mợ ngồi lên cho chị ấy làm lễ.
Loan đưa mắt nhìn mọi người không hiểu. Nàng ngạc nhiên tự hỏi:
- Tuất lạy mình? Tuất lạy Thân?
Bấy giờ Tuất đã tiến đến trước mặt nàng, cúi nhìn xuống đất hai má ửng đỏ, có vẻ tủi thân xấu hổ nhưng rất ngoan ngoãn hình như chỉ đợi nàng truyền cho một câu là sụp xuống lạy như lạy một ông thần tác phúc tác họa. Nàng nghĩ thầm:
- Hai người cùng chung một phận như nhau còn lạy nhau làm gì cho thêm tủi nhục.
Trong lúc luống cuống, nàng vô tình đưa mắt nhìn Đức, Đức cũng đương đăm đăm nhìn nàng. Loan và Đức cùng nhận ra rằng trong bọn hai chục người đứng đó chỉ có Loan và Đức là hiểu nhau. Thân thì ngồi yên ở ghế, vẻ mặt trịnh trọng như sắp sửa vào dự một cuộc lễ trang nghiêm.
Loan giơ tay ra hiệu từ chối vừa nói:
- Thôi thế là đủ, tôi không dám nhận đâu.
Bỗng có tiếng bà Đạo:
- Thế không được! Cô cứ ngồi lên cho chị ấy lễ. Cô không muốn, cái đó tùy cô, nhưng lễ nghi thì phải cho ra lễ nghi, phải trên ra trên, dưới ra dưới. Người ta còn ăn ở với mình lâu dài, không nhận để cho người ta người ta nghĩ ngợi, thêm phiền ra.
Bấy giờ Loan mới hiểu vì cớ gì bà Đạo đến. Bà là người thay mặt họ nhà vợ cả và công việc của bà đến đây là chỉ để hạch sách thôi. Loan toan đứng dậy đi ra chỗ khác thì Tuất đã ngồi bệt xuống chiếu cúi đầu lễ. Loan đành ngồi lại vì sự đã như thế rồi, nàng không muốn tỏ ý bất bình, sợ người khác lại nghi cho nàng không bằng lòng về việc lấy vợ lẽ cho chồng. Loan thấy nóng bừng cả mặt và ngượng thay cho Tuất. Nàng nhíu đôi lông mày nhìn Tuất cúi rạp dưới chân nghĩ thầm:
- Người hay vật?
Rồi nàng quay lại nhìn Thân tự hỏi không biết trong óc Thân, lúc đó có những cảm tưởng ra sao? Nàng tự hỏi không biết ái tình của Thân đối với một người lạy mình nó sẽ là thứ ái tình gì?
Có một điều chắc chắn là lúc đó Loan không thấy mảy may ghen tuông, vì nàng ghen làm gì một người hầu như không có cái phẩm giá của con người.
Nhưng đến chiều, Loan thấy trong lòng khó chịu. Nàng lánh mặt Thân, vì nàng nhìn thấy mặt, nàng lại tưởng đến Tuất và lẩn thẩn nghĩ rằng nàng và Tuất tuy khác nhau về trí thức, nhưng về đường tình ái thì chỉ là hai người xếp ngang hàng, hai người cùng thuộc quyền sở hữu của một người chồng chung.
Ăn cơm chiều xong, Loan lẳng lặng không nói cho ai nghe, thuê xe lên phố Mới và định tâm ở đó một vài ngày.
Bà Hai thấy nàng về, nói một cách rất tự nhiên:
- Con không nên đi, vì người ta sẽ cho là không được quân tử. Vả lại mình là bực trên, làm như thế, vợ lẽ tưởng lầm rằng mình sợ nó, rồi quen dần đi, nó lần quyền, sau có uốn nắn lại cũng không kịp nữa.
Loan đáp:
- Con thì có quyền gì mà sợ người ta cướp nữa. Vả lại quyền hành mà làm gì?
Rồi Loan hỏi sang chuyện khác, vì nàng biết rằng bà Hai không thể nào hiểu nàng được. Nàng buồn rầu nhớ lại hôm hỏi ý kiến mẹ về việc chồng lấy vợ bé. Bà Hai không những không có lời an ủi nàng, lại còn cho việc làm của Thân là đúng lý. Bà khuyên Loan không nên ngăn cản, vì nàng đã không sinh đẻ được nữa, thì nên để chồng lấy vợ lẽ kiếm đứa con nối dõi. Nghĩa là mẹ nàng cũng cho rằng nàng không đẻ nữa thì cái chức làm vợ không có nữa, nàng là người vô dụng rồi.
Sáng hôm sau, bà Hai vừa giục nàng về xong thì có người nhà ở dưới ấp lên mời nàng về ngay. Loan lẩm bẩm:
- Mẹ đẻ đuổi về, mẹ chồng cũng bắt về, muốn thoát thân một lúc không xong.
Loan vừa ra cửa thì gặp ngay Thảo đến. Thảo chào bà Hai rồi bảo Loan:
- Chị đi với tôi vào nhà thương. Chị cả Đạm ốm sắp chết muốn gặp chị.
Loan sửng sốt hỏi:
- Chị ấy ốm từ bao giờ thế?
- Đã mấy tháng nay rồi. Chị đi ngay thôi.
Loan nhìn bác người nhà nói:
- Rầy rà quá. Em lại phải về gấp ngay giờ. Mẹ em cho gọi về.
Thảo hỏi:
- Có việc gì cần không?
Loan đáp lại rất khẽ cho bác người nhà không nghe rõ:
- Chắc là không... Nhưng về thì em cần phải về.
Ngẫm nghĩ một lát, rồi Loan gọi bác người nhà lại bảo:
- Anh về nói với bà rằng đến trưa tôi mới về được. Sáng hôm nay tôi phải đi thăm một người chị em đang hấp hối.
Lúc bác người nhà đi rồi, Loan bảo bạn:
- Mẹ chồng cho gọi mà không về ngay thì thế nào cũng bị mắng. Ấy thế, người ta tưởng người ta có quyền sai khiến từ cái đi cái đứng của mình.
Lúc lên xe, Thảo nói với Loan:
- Trước tôi cũng tưởng chị Đạm ốm qua loa, vả lại thấy chị bận việc nhà luôn, nên tôi không nói chuyện.
- Thế chị ấy ốm về bịnh gì?
- Ốm ho lao. Bà Chánh ho phải lên Hà Nội chữa thuốc, chị Đạm phải lên theo trông nom, hầu hạ rồi không biết giữ mình, nên mắc lây. Bà Chánh vừa mới chết được vài tháng nay. Chị ấy thì cũng chỉ nay mai...
Loan hỏi:
- Chị ấy đã đi học mà không biết giữ vệ sinh.
- Ấy ngay khi lên đây, tôi đã bảo cẩn thận. Nhưng chị ấy đã đổi khác trước. Chị ấy rụt rè không dám cẩn thận, sợ người nhà cho là vẽ vời, không hết lòng, mất cả tiếng dâu thảo bấy nay.
Loan thở dài:
- Thế chồng làm gì?
- Chồng ở Hà Nội mở một hiệu cho thuê xe đạp đã hơn năm nay. Chị ấy xin phép mãi mà bà Chánh không bằng lòng cho theo chồng lên.
- Phải, ai người ta thả lỏng cho. Còn phải ở nhà hầu hạ chứ.
- Nhưng đến khi bà mẹ chồng mắc bệnh lên đây thì tự nhiên người ta nghĩ đến chị ấy và bắt chị ấy lên để trông nom thuốc thang, cơm nước, vì tính bà Chánh rất kiệt, không muốn nuôi đầy tớ.
Loan nói:
- Phải, đầy tớ thì bao giờ bằng được nàng dâu.
Ngừng một lát rồi Loan mỉm cười chua chát tiếp theo:
- Em cũng sợ có ngày thành như chị Đạm. Bây giờ em đã thấy em đổi tính khác nhiều. Mỗi tuổi một già lại thêm nhiều mối lo buồn, hết cả nghị lực để chống cự lại, rồi sống uể sống oải thế nào xong thôi. Tiến chẳng mấy tiến, chỉ thấy lùi, lùi dần. Chị có nhận thấy bây giờ em khác trước nhiều không?
Không thấy bạn trả lời, Loan lại nói:
- Ấy thế mà trừ chị ra, ai cũng tưởng em gặp được cảnh yên vui trong gia đình. Không những thế, có người lại cho em là dâu thảo nữa ấy. Thảo vì mẹ chồng bảo gì, em cũng nghe theo ngay, em lại còn là người vợ tốt, vì người ta thấy em mới cưới vợ bé cho chồng, hẳn hoi lắm.
Thấy hai thiếu nữ suýt bị xe cán phải, quay lại nhìn, rồi vô cớ cất tiếng cười khúc khích với nhau, Loan buồn rầu nói với Thảo:
- Em bây giờ đã già rồi, mất hẳn cái vui tươi hồi trước.
Lúc xe đi qua phố hàng Ngang, Loan cố ý nhìn vào mấy cái gương ở cửa hiệu Khách để xem vẻ mặt mình lúc đó. Nàng rất vui lòng khi thấy mấy chàng tuổi trẻ đăm đăm nhìn nàng; lúc xe đi qua, họ còn quay cổ trông theo. Vô tình, Loan giơ tay sửa lại mái tóc, nhưng nàng lại chép miệng tự hỏi:
- Để làm gì nữa?
Khi tới nhà thương thì vừa đúng giờ mở cửa. Cô cả Đạm thấy Loan và Thảo vào, gượng ngồi dậy mỉm cười, muốn nói nhưng nói không ra tiếng. Nàng ôm lấy ngực rồi lại ngả lưng xuống, dương mắt nhìn hai bạn, lắc đầu.
Thấy con ở bước vào phòng, Thảo hỏi:
- Ông Cả đi đâu vắng?
- Bẩm, cậu con về nhà quê.
Loan, Thảo đưa mắt nhìn nhau, tỏ ý ngạc nhiên. Con sen nói tiếp:
- Hôm nay trăm ngày bà cụ Chánh con.
Loan gật đầu thốt ra một tiếng:
- À!
Đạm lấy tay ra hiệu bảo bạn ghé lại gần, rồi cố nói, giọng thều thào:
- Chị Thảo đến thăm em luôn nhé!
Rồi Đạm đăm đăm nhìn Loan như muốn hỏi Loan về việc gia đình, song sợ nói không ra tiếng. Loan đoán rằng bạn muốn hỏi:
- Chị Loan, chị thì chắc được sung sướng.
Nửa giờ sau, Loan và Thảo từ biệt ra về. Đạm đưa mắt nhìn theo một cách đáng thương. Hai con mắt Đạm đen nhánh trước kia, giờ đã mờ và sắp gần ngày nhắm hẳn, lộ ra một vẻ não nùng như trách móc, oán hờn ai.
Lúc qua sân, Loan thấy tâm hồn lạnh lẽo, đi sát vào người Thảo. Một chiếc lá vàng thong thả là là rơi qua mặt hai người. Loan nói:
- Gió hôm nay lạnh chị nhỉ?
Qua hàng rào sắt, thấp thoáng bóng mấy cô nữ học sinh tươi cười, vui vẻ. Loan nhớ lại cả một quãng đời thơ ấu mới ngày nào khi nàng với Đạm còn là hai cô học trò cắp sách đi học, thơ ngây mong ước một cuộc đời tốt đẹp.
Loan buồn rầu ngẫm nghĩ:
- Cái học kia chỉ làm cho mình biết và cảm thấy rõ những nỗi khổ phải gặp trên đường đời.
Tài sản của Adamsmith

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #19  
Old 07-06-2008, 02:08 AM
Adamsmith's Avatar
Adamsmith Adamsmith is offline
Tiếp Nhập Ma Đạo
 
Tham gia: May 2008
Đến từ: Nơi có lá vàng rơi.
Bài gởi: 392
Thời gian online: 2 tháng 0 tuần 2 ngày
Xu: 801
Thanks: 185
Thanked 41 Times in 24 Posts
Phần Thứ Hai

Chương 19

Dưới ánh đèn lờ mờ Loan đương ngồi cặm cụi thái mực. Lúc bấy giờ vào quãng một giờ đêm. Mai là ngày giỗ to nhất trong năm. Loan là con dâu trưởng, hôm đó phải cáng đáng mọi công việc, tuy nàng vẫn nghĩ rằng nếu có quyền thì nàng sẽ bỏ hết cả cỗ bàn. Nghĩ vậy nhưng bây giờ nàng hãy biết phải nai lưng ra làm cho trọn công việc một cô nàng dâu đã.
Quay lại, thấy con sen đương ngồi vừa thái su hào, vừa ngủ gật, Loan hỏi:
- Bình, từ tối đến giờ, mày đã ngủ chưa?
- Thưa cô, chưa, bà con dặn phải xong chỗ này mới được đi ngủ.
Loan nhìn rổ rau nói:
- Còn chừng kia mà mày vừa ngủ vừa thái thì đời nào xong. Để tao làm hộ. Cho mày đi ngủ kẻo mệt.
Khi con sen đi ra rồi, Loan lấy su hào ngồi cặm cụi thái. Bốn bề yên lặng, Loan thở dài, ôn lại trong trí những việc mới xảy ra trong vòng mấy tháng, trong khi tay nàng nhấc dao lên, ấn dao xuống như cái máy, Loan không biết trong mấy tháng nay có phải nàng đã sống thật hay là liên miên ở trong một giấc mộng dài. Nàng thấy ngày nào cũng giống ngày nào, nối tiếp nhau một cách nặng nề buồn tẻ. Nếu đời nàng cứ như thế mà kéo mãi thì có lẽ nàng đến hóa điên mất. Những nỗi đau khổ nàng phải chịu, những người chung sống với nàng, bấy lâu đã làm cho nàng hầu thành ra một người khác, tính nết cay chua và tâm hồn cằn cỗi.
Chính Loan cũng lấy làm lo sợ về sự thay đổi đó. Như hồi mới cưới Tuất về, mỗi lần Tuất bị bà Phán mắng - có khi bị đánh nữa - thì Loan tự nhiên thấy sung sướng trong lòng. Nghĩ lại, Loan tự mắng mình là khốn nạn, vì Loan thấy Loan cũng như những người kia lấy cái khổ của người khác làm cái sướng của mình, không biết tìm cách che chở cho một người hèn yếu. Hay đâu cái lòng thương người đó làm cho nàng đã khổ lại khổ thêm. Tuất mới đầu còn cảm động về tấm lòng tử tế của Loan, nhưng dần dần lầm sự tử tế với sự hiền lành, tìm cách lấn vợ cả, và được thể mẹ chồng cũng ghét Loan nên về bè với mẹ chồng. Đến khi đẻ được đứa con trai, thì Tuất nghiễm nhiên là người có công với gia đình nhà chồng; bà Phán Lợi cũng bắt đầu bênh vực Tuất ra mặt, nhất là khi Tuất có việc lôi thôi với Loan.
Loan còn nhớ rõ ràng vẻ mặt kiêu hãnh của Tuất, mấy hôm vì có việc bất bình, bà Phán nhắc đến chuyện nàng không biết đường dạy vợ lẽ. Tuất lúc ấy đương bế con, vênh mặt ngước mắt nhìn trần nhà, rồi lên giọng thẽo thợt, nói:
- Ở nhà này chỉ có mẹ tôi dạy tôi... chồng tôi dạy được tôi!
Bà Phán và Thân ngồi im như cho lời Tuất nói là phải. Loan toan mắng lại, nhưng cố nuốt giận và tự nhủ:
- Chấp làm gì một đứa vô giáo dục, không hiểu được lời mình nói. Thân phận đã tủi nhục như thế mà không biết, lại còn hợm mình làm cao.
Loan ngừng tay cắt, ngẫm nghĩ:
- Phiền nhất là mình cứ mãi mãi sống với những người vô học đó để họ quấy rầy mình.
Loan không bao giờ yêu Thân, ở với Thân không mong gì sinh con đẻ cái, nhưng bây giờ cũng như trước kia, nàng cũng là một vật sở hữu của Thân. Từ ngày có Tuất, nàng thấy Thân hững hờ với nàng... chỉ trừ ra độ Tuất có chửa sắp ở cữ thì nàng mới thấy Thân nhớ đến nàng là vợ mình, một người vợ tuy không yêu nhưng vì thói quen phải cần đến.
Loan cau mày, thương cho thân nàng, cái tuổi xanh của nàng đã phải phí đi để hiến cho một người không yêu nàng và không đáng có quyền được yêu nàng. Nghĩ đến đấy, Loan cắm đầu chăm chú đưa dao cắt thật mau, rồi muốn cho khỏi nghĩ ngợi, nàng vừa cắt vừa lẩm bẩm nói một mình:
- Miếng su hào này chưa được vuông vắn... Ừ mà phải cắt mỏng ít nữa. Cắt nốt chỗ su hào này phải tỉa cho hết bát củ cải kia...
Loan đã bắt đầu thấy mỏi lưng. Nàng ngồi dựa vào tường cho đỡ mệt và thấy thiu thiu buồn ngủ. Ngọn đèn gần hết dầu mờ mờ dần... chuông đồng hồ nhà trên thong thả gõ năm tiếng.
Tiếng bà Phán quát tháo bên tai làm Loan sực thức dậy. Con sen lúc đó đương đứng nép vào góc bếp, trên má còn in lằn mấy ngón tay. Loan vội nói:
- Thưa mẹ, con cho nó đi ngủ ấy ạ. Con thấy nó vừa thái vừa ngủ gật.
Bà Phán quay lại:
- Ngủ gật thì đập vào xác nó ấy.
- Thưa mẹ, con thái hộ nó, vì từ tối nó chưa được ngủ.
Bà Phán gắt:
- Tôi nói câu gì mợ cũng cãi lại xa xả... thế này làm sao đủ dùng cho người ta nấu nướng... Mợ lại bắt tôi phải hầu nó à...? Ừ, phải rồi, đã có gái già này!
Bích đi theo sau bà Phán, đưa mắt nhìn mấy rổ rau còn cắt dở, nói:
- Biết thế này thì mình cố thức cho xong. Cứ chắc ở nó... chẳng được tích sự gì, lỡ cả việc.
Bà Phán hỏi:
- Chị hai đã dậy chưa?
- Thưa mẹ chưa. Đêm qua, cháu nó quấy nên cô ấy phải thức.
- Thôi được, để nó ngủ.
Loan nghĩ bụng:
- Đứa bế quấy mà cả đêm không thấy tiếng khóc. Phải để cho cô hai nghỉ. để cô hai tốt sữa, nuôi cậu quý tử.
Dần dần, mọi người trong họ xuống đông đủ và bắt đầu làm việc.
Loan ngồi riêng ra một nơi cúi đầu yên lặng, không dự vào câu chuyện của các chị em họ. Nàng biết trước rằng hễ có dịp gặp nhau là họ nói cạnh nói khóe nhau, và đem những chuyện tư, chuyện riêng nói cho hả dạ. Ngoài những chuyện ấy ra, họ cũng không biết chuyện gì, cũng như sống ở trên đời, ngoài những cỗ bàn bếp núc, họ cũng không còn công việc khác nữa. Loan tính ra trong một họ Thân mỗi năm gần ba mươi cái giỗ. Một đời chỉ sống để lo công việc kỵ giỗ cũng là một đời đầy đủ, bận rộn lắm rồi.
- Gớm, chị trưởng hôm nay sao mà nghiêm trang thế?
Loan phải vội ngửng lên mỉm cười vì nàng biết là họ bắt đầu muốn sinh sự. Một cô nữa vừa cười vừa nói tiếp:
- Nghiêm trang không đúng. Phải nói là khinh khỉnh. Người ta là nữ văn sĩ kia mà, ai thèm nói chuyện với bọn quê mùa như các chị.
Bỗng có tiếng trẻ khóc ở nhà trên, bà Phán bảo Loan:
- Mợ trông hộ con hai nồi hải sâm để nó lên cho con bú.
Ngồi được một lúc thấy trong nồi thiếu nước, Loan cầm bát ra bể để lấy nước mưa.
Ngoài vườn trời nắng rực rỡ, một cơn gió thổi mạnh làm rung rinh những bông hoa cải màu vàng tươi. Vài con bướm trắng bị gió thổi bay tỏa ra trên luống cải, rồi chập chờn lượn quanh chỗ Loan đứng. Trên trời xanh trong vắt từng đám mây trắng bay thật nhanh như rủ rê nhau đi tìm những quãng không rộng rãi hơn.
Loan nghiêng mình toan múc nước bỗng ngừng lại, đăm đăm nhìn xuống đáy bể. Cũng như nước mưa in bóng những đám mây trắng bay qua, làn nước thu của đôi mắt Loan lúc đó long lanh thoáng in hình ảnh một giấc mộng xa xăm. Nhìn bóng mây, Loan thờ thẫn nhìn đến Dũng, bây giờ không biết trôi dạt tận nơi nào. Bấy lâu mê mải với cuộc đời phiêu lưu, không biết có khi nào chàng dừng chân tưởng nhớ tới người bạn gái xưa lẩn quất trong nơi tù hãm, và năm tháng vẫn mòn mỏi trông chàng; tuy biết rằng không còn ngày tụ họp nữa.
Loan thở dài, lẩm bẩm:
- Thế mà thấm thoát đã bốn năm rồi!
Lúc trở vào bếp thấy mọi người nhìn ra mà mình thì rơm rớm nước mắt, Loan cười gượng:
- Gớm, vào đây khói cay cả mắt.
Nghĩ đến nồi hải sâm, Loan giật mình nói:
- Thôi chết tôi rồi!
Bà Phán đến mở vung coi, rồi kêu:
- Khê mẹ nó rồi còn gì nữa!
Loan bảo khẽ Bích ngồi gần ấy:
- Sao cô không trông hộ tôi một tí.
- Tôi biết đâu. Mẹ bảo chị, chị không cẩn thận, chị lại sắp đổ lỗi cho tôi ấy phải không?
Mọi người đều ngửng lên nhìn. Bà huyện Tịch nói:
- Bà trưởng ơi là bà trưởng ơi! Khéo sao mà khéo thế.
Tuất cũng vừa dỗ con xong chạy xuống. Bà Phán nói:
- Nó dở bận con một tí mà cũng tìm cách làm hỏng của nó.
Thấy Tuất đến mở vung xem lại, bà Phán nói:
- Còn ăn gì được mà xem. Đem của khê ra không sợ người ta nói cho mục mả.
- Thế bây giờ làm thế nào?
- Làm thế nào? Đổ nó đi chứ còn thế nào nữa. Thế là cô hai có mỗi một món khéo hỏng be bét cả.
Tuất vùng vằng nhắc nồi hải sâm ra hiên đổ cả xuống rãnh.
- Thế này là xong!
Rồi nàng ngồi xuống bực cửa, ôm mặt khóc sụt sịt. Bà Phán hầm hầm chạy lại chỗ Loan đứng, nhiếc:
- Sao mà mợ ác, mợ xấu bụng lắm thế!
Tuy rất căm tức về cử chỉ của Tuất, Loan cũng cố nén lòng, ôn tồn đáp lại bà Phán:
- Thưa mẹ, con trót lỡ tay. Con làm hỏng thì con nhận chứ nếu muốn làm hại thì thiếu gì cách khác.
Bà Phán nói:
- Lỡ tay! Mợ bỏ đấy, đi đến nửa giờ đồng hồ, mợ định tâm làm khê của nó, mợ lại còn cãi. Điêu ngoa vừa vừa chứ.
Loan cũng không biết phân trần ra sao, đành cúi đầu nhận lỗi. Nàng toan nói với bà Phán nhận mua đền, nhưng nghĩ trong người không có lấy một xu, nên lại thôi.
Bà Phán quát:
- Mợ muốn sống thì mợ cầm ngay cái nồi kia đem ra ao rửa sạch đi. Mợ còn muốn đợi ai hầu nữa. Tôi, chứ người mẹ chồng khác thì người ta hết cả nồi hải sâm vào mặt ấy!
Rồi như nói thế cũng chưa đủ hả giận, bà Phán dí ngón tay vào trán Loan, quệt mạnh một cái và mai mỉa:
- Ác như thế... không trách được tuyệt đường sinh đẻ!
Tài sản của Adamsmith

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #20  
Old 07-06-2008, 02:24 AM
Adamsmith's Avatar
Adamsmith Adamsmith is offline
Tiếp Nhập Ma Đạo
 
Tham gia: May 2008
Đến từ: Nơi có lá vàng rơi.
Bài gởi: 392
Thời gian online: 2 tháng 0 tuần 2 ngày
Xu: 801
Thanks: 185
Thanked 41 Times in 24 Posts
Phần Thứ Ba

Chương 20

- Mợ tắt đèn!
- Để tôi đọc nốt đoạn này đã. Cậu cứ quen như ở ấp. Bây giờ mới hơn tám giờ, ở Hà Nội ai lại ngủ sớm.
Nói vậy song không phải vì Loan muốn đọc sách nên để đèn sáng. Tuy mắt nàng nhìn vào trang giấy, nhưng trí nàng để vào những chuyện đâu đâu. Thnh thoảng nàng lại với con dao díp để ở đầu bàn và thong thả đưa dao rọc sách, mắt vẫn nhìn vào trang giấy như một người đương xem mê mải.
Loan thấy Thân nằm bên cạnh chốc chốc lại vật mình, thở dài. Nàng biết Thân bực lắm, vì Thân chỉ đợi nàng tắt đèn đi ngủ là xuống nhà dưới với Tuất, vì từ hôm dọn nhà lên Hà Nội để chữa lại nhà ở dưới ấp, Tuất về quê vắng, hôm nay vừa mới lên.
- Sao bảo mợ tắt đèn, mợ lại không tắt đèn?
- Ô hay! Cậu cứ đi ngủ đi, tôi cần đèn để xem sách.
- Mợ để đèn tôi không ngủ được.
- Cậu xoay mặt vào tường mà ngủ.
Loan hơi lấy làm lạ về câu nói gắt gỏng và lần đầu có ý trịch thượng của mình đối với chồng. Là vì bị bắt nạt lâu, đến khi muốn chống cự lại thì bao giờ cũng làm quá để tỏ ra rằng mình không thể chịu nhịn được nữa. Loan đã đến cái thời kỳ ấy. Mới hơn một tuần lễ nay, nàng có cái ý tưởng rằng: hễ người ta còn dễ bắt nạt, thì người ta còn bắt nạt mãi, và muốn cho người ta vị nể mình, thì không gì hơn là chống cự lại. Loan có ngờ đâu rằng làm như thế, chính là bắt đầu bất phục tùng cái chế độ hiện có trong gia đình. Loan đã đến thời kỳ không cần nữa, nên nàng không hiểu được cớ sao bấy lâu nàng đã chịu nhịn được như thế. Nàng vẫn tự hỏi:
- Cái gì bắt ta phải đau đớn, khổ nhục mãi mãi?
Cái cớ hy sinh để được vừa lòng mẹ trước kia bây giờ không đủ sức mạnh để dìu dắt nàng nữa. Nàng chỉ nhận thấy bấy lâu nàng đã hèn nhát sống theo tục lệ, không có cái can đảm phá tan những tục lệ mà cái học của nàng đã cho nàng biết được rằng đáng bỏ, đáng phá.
- Tôi bảo mợ không nghe à? Phép ở đâu thế?
- Tôi xin cậu để yên cho tôi xem. Cậu muốn tắt đèn thì ra mà tắt.
Yên lặng một lúc rồi Loan thấy chồng giật lấy quyển sách ở tay nàng vứt mạnh xuống đất. Loan đặt con dao lên bàn, cúi xuống nhặt sách, phủ bụi rồi lẳng lặng giở ra đọc, làm như không xảy ra sự gì cả. Loan thấy Thân ngồi nhỏm dậy, liền quay lại hỏi:
- Cậu làm gì thế?
- Mợ không được láo.
- Tôi láo cái gì?
Thân đập mạnh hai tay xuống chiếu quát:
- Mợ cãi à?
Rồi tiện chân đạp mạnh vào lưng Loan, làm Loan ngã lăn xuống đất. Nàng vừa lóp ngóp dậy đương vấn lại tóc thì ở ngoài nhà có tiếng bà Phán:
- Làm cái gì mà huỳnh huỵch trong ấy thế? Có dạy vợ thì lúc khác hãy dạy, để yên cho người ta ngủ.
Loan nói:
- Ai dạy ai? Động một tí thì dạy. Tôi không cần ai dạy tôi.
Thân cầm cái gối lăm le ném vào Loan:
- Phải, có thế mới là đồ mất dạy.
Loan đáp:
- Mất dạy là đánh người đàn bà yếu ớt, hèn nhát một lũ...
Bà Phán vội quá, đi chân đất vào buồng, nhìn Loan hỏi:
- Mợ nói gì thế?... Mày nói gì thế, con kia?
Loan quay mặt vào trong không đáp. Bà Phán nói tiếp:
- Bà thử đánh mày một cái tát xem mày còn bảo là hèn nhát nữa không?
Loan nói:
- Không ai có quyền chửi tôi, không ai có quyền đánh tôi.
- Tao có quyền, mày cứ chửi lại xem nào.
Loan quay lại:
- Tôi không quen chửi. Chửi người khác tức bẩn mồm mình.
Lần đầu bà Phán thấy một câu như vậy ở miệng Loan nói ra. Bà nhảy chồm lên, hai mắt tròn xoe rồi sấn lại nắm lấy Loan tát túi bụi. Con Bình thấy có tiếng động chạy vào xin hộ Loan:
- Con lạy bà, lạy cậu tha cho mợ con.
Bà Phán ngừng tay ngoảnh lại:
- Tha gì, đánh cho chết!
Rồi bà vừa thở vừa bảo Thân:
- Tao không thèm tát nữa bẩn tay. Mày dần xác nó ra cho tao.
Loan vuốt tóc ngửng lên nhìn thẳng vào mặt mẹ chồng:
- Bà cũng là người, tôi cũng là người, không ai hơn kém ai. Bà đánh tôi, tôi không...
Nói chưa dứt lời, Loan giật mạnh tay ra, đứng lùi lại sau. Bà Phán ôm lấy ngực rồi nằm vật xuống giường kêu:
- Trời ơi! Nó đánh chết tôi!
Loan nói:
- Bà đừng vu oan.
Rồi thấy Thân chạy lại, Loan bảo:
- Tôi xin cậu đừng chạm vào người tôi.
Vừa nói hết câu thì một cái đấm mạnh vào ngực làm Loan chau mày, cúi gục đầu vào tường, rồi người nàng bị đẩy ngã lăn xuống đất. Nàng cố sức đứng dậy đi lùi vào góc giường và cảm thấy cái phẩm giá mình lúc ấy không bằng phẩm giá một con vật.
- Mợ muốn sống thì đứng lại!
Bà Phán đã ngồi dậy, trỏ tay, mồm nói:
- Đánh chết nó đi cho tôi. Chết đã có tôi chịu tội.
Loan vẫn lùi. Thân hục hặc nhìn quanh, rồi tiện tay cầm ngay lấy cái lọ đồng sấn lại phía nàng. Loan thấy Thân đã đến gần mình, trong lúc hốt hoảng liền vớ ngay con dao díp rọc sách để ở bàn định giơ đỡ, Thân như con hổ dữ đạp đổ một cái lọ đồng đập vào Loan. Loan né mình tránh được và trượt chân ngã xuống giường, con dao cầm chắc trong tay. Thân quá đà cũng ngã mạnh vào người Loan, Loan thấy cái cán dao ấn mạnh lên tay nàng và Thân kêu lên một tiếng. Con sen cũng kêu theo:
- Trời ơi, cậu giết chết mợ con rồi!
Loan buông dao, rút mạnh tay đứng dậy, còn Thân thì nằm ngửa ra hai tay ôm ngực. Bỗng Loan mở to mắt nhìn một vết đỏ loang trên áo Thân. Nàng sợ hãi đưa tay lên che mồm, bỗng dừng lại: mấy ngón tay nàng vấy máu đỏ lòe.
Loan đứng sững không nhúc nhích trong lúc bà Phán kêu gọi thất thanh. Bích, Châu và Tuất ở ngoài chạy vào ngơ ngác, rồi xúm quanh chỗ Thân nằm. Loan vẫn đứng yên mê man, bên tai nàng văng vẳng tiếng nói cuống quít lẫn với tiếng kêu khóc. Bà Phán đứng lên quay lại nhìn Loan, Loan suốt đời không quên được hai con mắt của bà Phán nhìn nàng:
- Con bà mà chết thì mày bỏ xác mày với bà.
Một y sĩ ở gần đó thấy tiếng kêu chạy lại. Mọi người đều dãn ra. Y sĩ cúi xuống xem xét một lúc rồi lắc đầu nói:
- Trúng tim... cụ cho đi trình cẩm và bảo người về nhà tôi lấy thuốc và bông lại đây ngay. Cụ cho thuê xe đưa ông vào nhà thương.
Nhưng nghĩ một lát, y sĩ lắc đầu nói:
- Không kịp.
Loan hiểu ngay, liền chạy vội lại chỗ Thân nằm. Thấy bà Phán kêu rú lên xua tay đuổi, y sĩ vội nói:
- Không sao, cụ cứ để bà ấy đến.
Vì chàng biết rằng Thân không còn sống được mấy lúc nữa.
Loan ngồi ghé bên giường nhìn Thân, Thân lúc bấy giờ mặt đã xám lại, hai con mắt nhìn hết cả tinh thần.
- Tôi xin lỗi cậu.
Loan ngừng lại vì nàng vừa thấy Thân trợn ngược mắt và y sĩ thốt ra một câu bằng tiếng Pháp:
- Thế là hết!
Y sĩ cúi mình, giơ tay vuốt mắt Thân. Loan phải đứng dậy, lùi ra phía sau để nhường chỗ cho bà Phán và Bích cùng Tuất. Thấy cái cảnh chồng nằm chết tự tay mình, với mấy người xúm quanh khóc lóc thảm thiết, Loan ngồi gục xuống bàn, mắt mở to nhìn thẳng ra trước mặt. Nàng lẩm bẩm:
- Đó, kết quả của một đời nhẫn nhục, đau khổ.
Rồi hai dòng nước mắt từ từ chảy xuống má.
Viên cẩm và lính cảnh sát vào lúc nào Loan cũng không biết. Bỗng có tiếng hỏi thật to bằng tiếng Pháp:
- Ai giết?
Loan giật mình ngửng lên. Người đội dịch ra tiếng ta xong, thì Loan thấy bà Phán chỉ vào nàng nói:
- Nó giết chồng nó.
Loan đứng phắt dậy nói tiếng Pháp với viên cẩm:
- Không! Chồng tôi định đánh tôi và ngã vào con dao tôi cầm ở tay.
- Bà giảng nghĩa với ông dự thẩm sau.
Rồi viên cẩm bảo người cảnh sát:
- Đứng canh lấy người này... và bảo những người kia đứng ra xa để ông dự thẩm đến làm biên bản.
Khi ông dự thẩm đến, Loan cũng cứ theo đúng sự thực cung khai. Thấy bà Phán nói liều và bịa thêm vào để đổ tội cho mình, Loan tức mình nói to:
- Bà nói sai cả. Ai giết con bà?
Nhưng ông dự thẩm ra hiệu bảo nàng im, để lấy cung Bích, Châu, Tuất và con sen. Chỉ có con sen là khai giống như lời khai của Loan, nghĩa là đúng sự thật.
Làm xong biên bản, người sen đầm theo lệnh ông dự thẩm cho còng xích vào tay Loan. Vòng sắt lạnh làm Loan rùng mình, cúi đầu, nhắm mắt, nhưng nàng ngửng lên ngay, thản nhiên nhìn mọi người. Tuy lần này là lần đầu nàng cho tay vào xiềng xích, nhưng cái thân nàng vẫn bị giam hãm từ lâu.
Nàng lẳng lặng theo người sen đầm ra cửa không quay mặt lại. Đã bốn năm nay, từ ngày bước chân về nhà chồng đến giờ, lần này mới là lần nàng đi khỏi cửa mà biết rằng đi hẳn, không bao giờ còn có ngày trở lại nữa.
Tuy hai tay bị xích và thân mình sắp bị giam cầm, lúc Loan bước qua ngưỡng cửa, nàng vẫn có cái cảm tưởng rằng vừa bước ra khỏi một nơi tù tội.
Tài sản của Adamsmith

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
'doan tuyet' khai hung, Đoan tuyet nhat linh, đoan tuyêt nhat linh, doan tuyet and nhat linh, doan tuyet cua nhat linh, doan tuyet khai hung, doan tuyet n h at linh, doan tuyet nat linh, doan tuyet nhat linh, doan tuyet-nhat linh, doan tuyet-nhat ljnh, doan tuyetj - nhat lin, doan tuyetnhat linh, doantuyet nhatlinh, doantuyet-nhatlinh, doantuyetcuanhatlinh, doc tac pham doan tuyet, doc tac pham:doan tuyet, nhat linh doan tuyet, tac pham đoạt tuyệt, tieu thuyet doan tuyet, www.pjm vanhoc nhatljnh



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™