Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 11-06-2008, 12:47 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Bí mật về người đầu tiên bắn rơi máy bay Mỹ

14 tuổi trở thành giao liên, đỗ vớt mới được vào lớp 5, nhưng chỉ một năm, Phạm Ngọc Lan học xong chương trình lớp 10 rồi tốt nghiệp hạng xuất sắc. Ông luôn trong top dẫn đầu của nhóm học viên lái máy bay ở Liên Xô cũ và cũng là người đầu tiên bắn hạ máy bay Mỹ.
Giọng Quảng Nam ấm áp, tiếng cười sảng khoái, bước đi vẫn vững chãi dù "xương cốt có co lại đôi chút vì tuổi già", thiếu tướng, anh hùng không quân Phạm Ngọc Lan nhớ lại thời trai trẻ.

14 tuổi, cậu bé Phạm Ngọc Lan tuyên bố với cả nhà: "Ba đi bộ đội nhiều năm rồi, giờ đến lượt con nhập ngũ". Cha phì cười: "Bé thế đi bộ đội làm được cái gì?". Mẹ khóc lóc khuyên can. Lan dõng dạc "Bé thì con làm liên lạc. Ba mẹ có cấm, con cũng trốn đi". Thế là cha mẹ đành chịu.

Phạm Ngọc Lan trở thành giao liên của Ty Công an Đăk Lăk, mà cũng phải xin mãi mới được nhận do cái mặt hãy còn búng ra sữa. 4 năm làm giao liên, Ngọc Lan chẳng ngại việc gì từ nấu cơm, liên lạc, hay đêm hôm băng rừng lội suối. Chỉ có điều hơi ấm ức vì mãi chẳng được… chiến đấu.

Cậu cứ tưởng, công an cũng như bộ đội, giặc đến là đánh. Ai dè, chỉ có bộ đội mới "đánh" thôi, còn nhiệm vụ của công an lúc đó là xây dựng cơ sở. Mãi tới khi tròn 18 tuổi, sau nhiều lần năn nỉ cấp trên, Ngọc Lan mới được gia nhập trung đoàn 84, rồi trung đoàn 96 thuộc sư đoàn 305, chính thức trở thành bộ đội.

Nhắc đến ngày đầu xung trận, mắt ông sáng lên: "Tôi bắt sống được lính Pháp đấy nhé". Ông kể, quân ta đại thắng trên đèo Măng Giang (An Khê bây giờ), xóa sổ toàn bộ đội xe bọc thép GM-100 của Pháp. Sau trận chiến, trong khi nán lại tìm xem có anh em nào bị thương không, ông bỗng thấy có cái gì động đậy phía xa. Lại gần hóa ra là một tên lính Pháp đang run rẩy cố nép sát vào vách núi.

Ngọc Lan vội rút súng xông đến quát một tràng tiếng Pháp "bồi": "Bỏ súng xuống, giơ tay lên". Tên Pháp làm theo. Cử hai đồng đội về trước báo cáo với cấp trên, Ngọc Lan điệu tù binh đi sau. Được một đoạn, thấy gã Tây cao to lừng lững cũng chột dạ nhỡ đâu hắn vọt mất. Vậy là bắt anh ta tháo giày ra quàng lên cổ. "Tây đâu có quen đi chân đất như ta. Có mà chạy đằng trời", ông cười nhớ lại.

Trời càng lúc càng tối. Ngọc Lan dẫn tù binh bám theo đường sắt, dự định là nhằm hướng bắc ra liên khu. Không hiểu đêm tối loạng choạng thế nào mà lại thành lộn sang hướng nam. Sáng ra, ngớ người thấy mình ở tận Kỳ Lộ, Phú Yên, đúng nơi cha mẹ đang tản cư. Anh tạt về nhà xin bữa cơm rồi ngủ lại một tối. Đến tận bây giờ, dân vùng Kỳ Lộ vẫn kể nhau nghe chuyện "Anh Lan bắt được một thằng giặc Tây to lắm dẫn về làng".

Năm 1954, sư đoàn 305 được lệnh tập kết ra Bắc. Hành quân đến Nam Định thì Ngọc Lan nhận được chỉ thị về gấp Hà Nội, tập trung ở 19 Hoàng Diệu (Bộ Tổng tham mưu). Cũng chỉ nghe mang máng là được cử đi học. Tới nơi, mỗi người được phát một tờ đăng ký nguyện vọng, đọc đến hoa mắt: xe tăng, thiết giáp, pháo binh, công binh..., chẳng biết chọn gì cả.

Ông nằm ngẫm nghĩ suốt một đêm. Rồi chợt nhớ ra khi còn chiến đấu ở đường 19, có lần được xem phim Công phá Berlin của Liên Xô, thấy các chiến sĩ Hồng quân lái xe tăng sao mà oai vệ thế. "Thôi thì mình đăng ký học lái xe tăng vậy", ông kể. Ông phải trải qua quá trình học văn hóa và cái chuyện học này cũng rất hài hước.

Trước khi vào học, thầy giáo cho tất cả làm bài thi kiểm tra trình độ để xếp lớp. Chỉ có một câu hỏi hãy liệt kê các loại tam giác. Nghĩ nát óc viết ra được tam giác thường, tam giác cân. Đến tam giác đều không biết gọi là gì, bèn "phang" luôn tiếng Pháp "bồi" theo kiểu hiểu đâu tả đấy. Còn anh tam giác vuông thì bị ông biến tướng thành "tam giác thước thợ". Ấy thế mà vẫn đỗ "vớt" vào lớp 5.

"Trước khi nhập ngũ, tôi mới học đến lớp bốn thôi. Giặc Pháp càn quét, có được học hành gì đâu", ông giải thích. Tháng đầu tiên đến lớp, trường phải phân công một anh lớp 8 "phụ đạo" cho ông. Đến tháng thứ hai, trò đã bắt đầu tranh luận với trợ giáo về bài học. Đến tháng thứ ba thì "thầy" tuyên bố trò không cần phải học thêm nữa. Thế là trong thời gian một năm, ông học một lèo lên... lớp mười rồi tốt nghiệp hạng xuất sắc.

Đúng một năm sau ngày đăng ký học lái xe tăng, Ngọc Lan cùng các học viên khác bước vào vòng khám sức khỏe. Nhìn qua tướng tá, ông bác sĩ phán một câu: "Cậu này như con gà sống ấy", rồi điền "ĐĐK" vào hồ sơ. Khổ thân anh chàng người miền Trung, chẳng hiểu "con gà sống" tức là khỏe như vâm, cũng không luận ra nổi ý nghĩa của "ĐĐK" tức là "đủ điều kiện", nên cứ lo ngay ngáy.

Sau một tuần, đích thân đại tướng Nguyễn Chí Thanh đến thông báo: các đồng chí được cử đi học nước ngoài. Thấy các bạn được phân vào tốp này, tốp kia, chỉ có vài người trong đó có mình chẳng được phân vào đâu cả, Lan tiu nghỉu: "Chết rồi, ngày trước mình làm công an. Bây giờ chắc trên bắt mình đi học tình báo, để làm gián điệp rồi".

Tối trước hôm lên đường, những ai chưa được xếp nhóm bất ngờ bị yêu cầu ở lại trong phòng, nội bất xuất, ngoại bất nhập. Tất cả đều ngơ ngác không hiểu có chuyện gì. 8h sáng hôm sau, cấp trên mới tiết lộ: "Các đồng chí được cử đi học lái máy bay. Vì đây là khóa học quan trọng nên phải giữ bí mật". Cả nhóm ồ lên phấn khởi.
Sang đến nước bạn mới biết, học lái máy bay không đơn giản. Riêng phần lý thuyết đã "rụng" mất 1/3 số học viên. Ngọc Lan ở trong top dẫn đầu với 8 môn ký thuyết đạt 80 điểm, tức là toàn điểm 10. Ông còn là "hiện tượng" trong mắt các chuyên gia vì là học viên duy nhất làm bài thi bằng tiếng nước bạn.

Đến phần thực hành cũng gian nan không kém. Mùa đông lạnh tê người. Tuyết ngập phủ đầu gối. Phải khiêng lò sưởi đến "hâm" cho động cơ nóng lên mới khởi động máy bay được. Học viên phải trải qua rất nhiều bài tập thực hành từ đơn giản đến phức tạp, sau cùng mới được "thả bay đơn", tức là lái một mình.

Ông vẫn còn nhớ, lần thả bay đơn đầu tiên hồi hộp lắm, ở dưới đất có ngã cũng không sao, chứ trên trời mà "sai số" là mất mạng. Phải ráng bình tĩnh lại. Cứ tự nhắc nhở mình là nếu bay không tốt thì sẽ không được bay loại khác. Mà không được bay loại khác thì xuống đất luôn, không được làm phi công nữa. Vậy là thả bay đơn thành công.

Có điều thú vị, từ chuyến bay đơn đầu tiên ấy, những chiến công thiếu tướng Phạm Ngọc Lan lập được sau này trên bầu trời cũng luôn gắn với chữ "đầu tiên". Năm 1964, toàn bộ học viên được lệnh bay về nước. Đích thân Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra đón anh em. Ngọc Lan được cử làm chủ nhiệm dẫn đường bay, và là người đầu tiên hạ cánh xuống sân bay Nội Bài.

Hôm ấy bầu trời Nội Bài dày đặc Mig 17. Lần đầu tiên Việt Nam có máy bay phản lực chiến đấu. Biên đội trực chiến đầu tiên được thành lập. Số 1 chính là Phạm Ngọc Lan. Suốt một năm ròng anh em rèn luyện thêm các miếng "võ" trên không. Đúng ngày 3/4/1965, toàn biên đội được lệnh sẵn sàng chiến đấu. Đại tướng Võ Nguyên Giáp ra chỉ thị phải đánh thắng trận đầu, vì đây là một trong những trận đánh quan trọng, không chỉ có ý nghĩa chính trị mà còn để bảo vệ đường giao thông huyết mạch chi viện từ Bắc vào Nam.

Biên đội xuất phát với 4 vị trí. Số 1 - Phạm Ngọc Lan, số 2 - Phạm Văn Túc, số 3 - Hồ Văn Quỳ, số 4 - Trần Minh Phương. Đó cũng là ngày không bao giờ thiếu tướng Phạm Ngọc Lan quên được. Phát hiện máy bay của địch, số 2 vội bắn ở cự ly xa, không trúng. Số 1 Ngọc Lan tiếp cận gần lại, ở cự ly 300 m, ông "nện" phát đầu tiên. Vẫn trượt. Kéo cầu lái mạnh hơn, ông đón đầu bất ngờ và bắn một loạt. Chỉ thấy nó khựng lại.

"Khựng tức là ăn đạn rồi, một lát sau nó sẽ nổ bung", ông giải thích. Cả biên đội đồng loạt reo lên trên radio: "Trúng rồi". Một lát sau, "con" F-8U thứ hai quần trở lại. Ông bám sát suốt từ Hàm Rồng - Thanh Hóa về đến cửa Thái Bình thì "nã" loạt đầu. Trượt. Quyết định bay theo đường thẳng để rút ngắn cự ly. Bắn roạt. Chiếc F-8U khựng lại, xì khói rồi lao thẳng xuống biển.

"Đánh hăng quá, tới lúc đấy mới phát hiện hết xăng. Trục la bàn thì gãy, không định hướng được nữa", ông kể. Lo cho tính mạng của ông, chỉ huy yêu cầu bỏ máy bay, nhảy dù ngay. Trong trường hợp đó, điều lệnh chiến đấu cũng cho phép bỏ máy bay. Nhưng trên ra chỉ thị 3 lần nhảy dù, ông vẫn chần chừ. "Lúc ấy nghĩ xót quá. Chiếc máy bay này vừa mới cùng mình lập chiến công, bỏ đi không đành. Mà bỏ đi là bỏ cả đống của chứ ít đâu", ông giải thích.

Ông quyết định phải cứu máy bay. Nghĩ nhanh sân bay nằm ở hướng sông Hồng, ông bèn men theo sông Hồng bay về, bay đến cạn xăng thì thôi. Tới bãi ngô sông Hồng, ông tìm cách hạ cánh. Không thể hạ xuống bằng bánh xe vì đất lún. Vậy là tiếp đất bằng... bụng máy bay. Hạ cánh rồi mới mở mic báo về chỉ huy. Trong lúc ấy thì đồng đội của ông chờ ở sân bay Nội Bài, vừa chờ vừa khóc vì cứ tưởng số 1 đã hy sinh.

Nhắc lại những khoảnh khắc đối mặt với hiểm nguy, ông cười to sảng khoái, nụ cười lạc quan và hồn nhiên như của một chàng trai đang ở độ "bẻ gãy sừng trâu". Chuyện chiến đấu kể cả ngày không hết, thế nhưng hỏi về huân chương, huy chương thì ông nhất định không chịu... liệt kê, chỉ nói rằng: "Ngày trước, Bác Hồ có dặn dò chúng tôi, bác cháu ta tham gia cách mạng không phải để đạt danh hiệu này, danh hiệu kia".

(Theo Thanh Niên)



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™