Đợi mãi, không nghe Quan Sơn Nguyệt nói gì, Lý Trại Hồng dùng cái dịu để khích động chàng hơn là lấy lời nghiêm trách cứ:
– Mẫu thân của công tử xử sự rất phân minh, ân ra ân, oán ra oán, lúc sanh tiền cũng như khi tử hậu, tại sao xông tử không tưởng nghĩ đến bà?
Quan Sơn Nguyệt vô cùng thống khổ:
– Lưu Ảo Phu là con của Lưu Dật Phu, thì cái việc báo cừu cho Lưu Dật Phu phải do Lưu Ảo Phu mới hợp lý ...
Lý Trại Hồng cười lạnh:
– Giả như Lưu Ảo Phu bảo công tử đưa hắn đến gặp Ôn lão bà, thì công tử có đáp ứng chăng?
Quan Sơn Nguyệt chỉnh sắc mặt:
– Tại hạ có thể đáp ứng. Bởi, việc làm của hắn có lý do chính đáng.
Lý Trại Hồng «hừ» một tiếng:
– Cái lý do của tôi còn chánh đáng hơn, công tử ạ. Bởi vì, việc là việc của lịnh đường, mà tôi là người thụ ủy của lịnh đường. Bà chọn tôi làm, chứ không chịu ủy thác cho Lưu Ảo Phu. Chứ nếu bà chọn Lưu Ảo Phu, thì bà đâu có đòi hỏi được chôn chung mộ với phụ thân công tử? Bà cũng có thể đòi hỏi được chôn chung chỗ với Lưu Dật Phu lắm chứ! Cho nên, bà không muốn cho Lưu Ảo Phu làm cái việc báo thù, bà nhận thấy chính bà phải đàm đương mới hợp tình, hợp lý, không làm được thì bà chọn người khác mà giao phó, nhất định không chọn Lưu Ảo Phu. Vả lại, biết đâu chừng Lưu Ảo Phu chẳng đổ trút cho bà rồi nặng lời mai mỉa bà?
Nàng tiếp hỏi:
– Giao phó việc trả thù cho Lưu Ảo Phu, bà phải do hắn mang xác bà về tận mộ phần của phụ thân hắn, chôn chung. Điều đó, công tử có chịu chăng?
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Không chịu là cái chắc, Tiên Tử ơi. Tuy nhiên, tại hạ biết, mẫu thân tại hạ không đòi hỏi sự đó.
Lý Trại Hồng mỉm cười:
– Bởi thế, bà không để cho Lưu Ảo Phu báo thù. Trên danh nghĩa, bà là vợ của Lưu Dật Phu, thì vợ phải trả thù cho chồng. Báo được thù chồng, là trách nhiệm của bà đối với người quá cố tròn vẹn.
Quan Sơn Nguyệt «hừ» một tiếng:
– Thì mẫu thân tôi đã nuôi dưỡng Lưu Ảo Phu nên người rồi đó, như vậy cái trách nhiệm của mẫu thân chưa tròn vẹn sao?
Lý Trại Hồng lắc đầu:
– Công tử không hiểu lịnh đường một cách sâu xa! Nuôi dưỡng con côi là bổn phận của người mẹ, không thể lầm lẫn bổn phận với trách nhiệm được. Cái trách nhiệm thực sự của người vợ là phải báo thù chồng, tự mình báo thù cho chồng, không làm được việc báo thù là không thể nhắm mắt mà về cùng tổ tôn nơi chín suối. Chưa làm được mà chết, thì bà có thể giao phó cho người khác làm thay. Trong việc chọn lựa người ủy thác, hẳn bà có đắn đo, suy xét kỹ. Sở dĩ bà không bảo Lưu Ảo Phu làm thay bà, là vì bà có quan niệm của bà, và cái quan niệm đó, tôi vừa giãi bày cho công tử rõ, bằng mọi giá, chúng ta phải tôn trọng quan niệm của bà.
Quan Sơn Nguyệt nhìn xác mẹ, đôi mắt của bà chưa khép hẳn chừng như bà còn hi hí ra đó, để chờ sự quyết định của chàng, rồi mới nhắm mắt buông xuôi hoàn toàn, cho hồn về âm cảnh, mang theo niềm tin là những ý nguyện chưa tròn sẽ nhờ người làm được tròn.
Giang Phàm đổ lệ nhòa đôi mắt, bước tới chen vào:
– Sao Quan đại ca chưa nói? Nói đi cho bá mẫu an hồn ...
Lý Trại Hồng cười lạnh:
– Lịnh đường đối xử với công tử, kể ra rất trọn tình mẫu tử, giả như bà ủy thác việc đó cho công tử, công tử có cự tuyệt chăng? Giả như lúc lâm chung bà yêu cầu công tử ...
Quan Sơn Nguyệt quỳ xuống, đổ lệ như mưa, hướng về Nguyệt Hoa phu nhân, rên rỉ:
– Mẹ! Xin mẹ tha thứ cho con! Con không thể giúp làm tròn ý nguyện của mẹ! Chẳng những sự tình liên quan đến Ôn lão bà, mà còn liên qua đến sư phụ của con. Hồn mẹ có linh thiêng xin xét lại cho con! Mẹ ơi! Mẹ có thể bảo con chết, mẹ có thể bảo con làm bất cứ việc gì, song mẹ đừng buộc con phải trái đạo làm người, mẹ đừng bắt con phải chỉ ra địa phương đó!
Lý Trại Hồng thở dài:
– Thế thì thôi vậy. Tôi sẽ hộ tống thi hài của phu nhân, về tận Đại Ba Sơn chôn chung mộ với Lưu Dật Phu.
Nàng than với hồn phu nhân:
– Cúc tỷ ơi! Tiểu muội không ngờ Cúc tỷ hạ sanh một người con như vậy ...
Quan Sơn Nguyệt lại nhìn các mẹ, rồi chàng cởi chiếc áo ngoài của bà, quấn kín xác, bế nơi tay, toan bước đi, song còn nói vội:
– Lý Tiên Tử đợi một chút, tại hạ còn xem qua ...
Lý Trại Hồng không ngăn trở, song chàng không đi đâu cả. Thấy thế, Lý Trại Hồng vạch phần áo che mặt của phu nhân, bảo:
– Công tử xem đôi mắt của phu nhân kìa, đôi mắt vẫn chưa khép lại! Bà còn nuối níu một cái gì, bà còn hận một cái gì ...
Khích thích cực độ, Quan Sơn Nguyệt rút đoạn kiếm gãy, toan đâm mạnh vào ngực mình.
Giang Phàm lập tức vung tay, hất đoạn kiếm, gắt:
– Đại ca định làm gì chứ?
Quan Sơn Nguyệt rít lên:
– Tại hạ nói ra, là không giữ tròn đạo nghĩa mà không nói ra thì không tròn đạo hiếu, làm người hỏng cả nghĩa lẫn hiếu, thì còn sống làm chi, Giang Phàm ơi, đừng cản trở tại hạ.
Giang Phàm khóc thét lên:
– Đại ca chết rồi tôi làm sao?
Quan Sơn Nguyệt cùng khóc to:
– Tại hạ tự chiếu cố lấy mình còn chưa xong, làm sao chiếu cố đến cô nương được?
Linh Cô lạnh lùng thốt:
– Chết đi, Quan công tử! Quan công tử chết là một điều hay, công tử chết rồi. Tạ Linh Vận sẽ cao hứng lắm đó, hắn sẽ há rộng miệng mà cười, cười suốt ngày suốt tháng mà quên khép môi lại. Và trong thiên hạ chẳng còn ai chế ngự hắn nổi, hắn sẽ là bá chủ giang hồ, hắn sẽ mặc tình thao túng vũ lâm, hoành hành, hà hiếp dân lành ...
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Tạ Linh Vận!
Linh Cô gật đầu:
– Thì hắn chứ ai? Công tử có thể chết để cho hắn tự tung tự tác, trên cõi đời nay sao?
Quan Sơn Nguyệt thừ người một lúc, đoạn vỗ trán, đấm đầu, rồi kêu lên:
– Hoàng Thiên! Hoàng Thiên! Tôi phải làm sao? Làm sao?
Linh Cô chớp mắt:
– Rất đơn giản, công tử ạ! Thì công tử đừng chết, chứ có gì khó khăn đâu?
Công tử đừng sợ mang tội bất hiếu, bất nghĩa. Ý nguyện của lịnh đường, vẫn được thực hiện như thường.
Quan Sơn Nguyệt lại giật mình:
– Cô nương có phương pháp gì?
Linh Cô mỉm cười:
– Công tử không đưa Lý Tiên Tử đi gặp Ôn lão bà, thì tôi đưa đi là công tử vô can!
Quan Sơn Nguyệt nhảy dựng lên:
– Cô nương ...
– Phải! Ngoài công tử ra, còn tôi biết địa phương đó. Dù công tử có nói ra rồi, vị tất Lý Tiên Tử tìm đến nơi được! Tốt hơn, chính tôi phải cất công đưa Lý Tiên Tử.
Quan Sơn Nguyệt nhìn Linh Cô, nghi hoặc. Chàng làm sao tin được Linh Cô biết nơi đó?
Linh Cô tiếp:
– Công tử xem, như vậy có ổn tiện không? Đối với phu nhân hay đối với Ôn lão bà, công tử không có lỗi gì cả.
Quan Sơn Nguyệt ấp úng:
– Nhưng cô nương ...
Linh Cô giải thích:
– Ôn lão bà mãi mãi đến nay vẫn còn hối hận về việc gây thương tích cho Lưu Dật Phu ngày trước. Bà tu Phật, mà Phật môn thì đặt nặng vấn đề nhân quả cho toàn thể tín đồ hướng thiện, gieo lành. Bà hy vọng sự tình dược giải quyết ngay lúc bà còn sống, được vậy rồi bà mới nhẹ nhàng vĩnh ly nhân thế. Cho nên công tử không cần giữ bí mật cho bà. Lúc tôi ra đi, bà còn dặn dò tôi cố gắng giúp bà hoàn thành tâm nguyện ...
Quan Sơn Nguyệt không tin lời nàng lắm:
– Thật vậy?
Linh Cô gật đầu:
– Công tử cứ hỏi Lý Tiên Tử thì biết. Lúc gặp phu nhân, tôi có thể đề cập đến việc đó. Và tôi cũng đáp ứng với phu nhân ...
Quan Sơn Nguyệt nhìn qua Lý Trại Hồng.
Nàng mỉm cười, gật đầu nhận lời Linh Cô là đúng sự thật. Như vậy, là Lý Trại Hồng biết chỗ của Ôn Kiều.
Chàng tặc lưỡi hỏi:
– Tiên Tử đã biết, tại sao còn bức hỏi tại hạ?
Lý Trại Hồng cười nhẹ:
– Vì phu nhân muốn thế! Tôi phải theo di ngôn của phu nhân!
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Tại sao mẫu thân tại hạ muốn thế?
Lý Trại Hồng mỉm cười:
– Phu nhân muốn thử xem công tử có giữ gìn đạo nghĩa hay không. Công tử có xứng đáng là con của bà hay không! Công tử xem kia, đôi mắt của phu nhân đã khép lại rồi! Tâm nguyện đã tròn, bà an hồn mà về âm cảnh!
Thốt xong, nàng giở vuông vải che mặt của phu nhân lên. Quả thật đôi mắt của bà khép kín, thần sắc an tường, nơi khóe miệng ẩn ước có nụ cười. Một khuông mặt chết, song tươi hẳn, không còn sầu thảm như trước.
Quan Sơn Nguyệt thừ người ra, mường tượng chưa hiểu rõ lắm những gì Lý Trại Hồng vừa nói.
Lý Trại Hồng tiếp:
– Công tử thử nghĩ xem, phu nhân đã ủy thác cho tôi việc đó liệu tôi có làm nổi không chứ? Tôi có hy vọng gì chiến thắng nổi sư nương? Nếu tôi không thủ thắng nổi, thì cái ủy thác đó cầm như vô ích!
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Còn bây giờ?
Lý Trại Hồng mỉm cười:
– Bây giờ thì tôi tin rằng sự việc đó có thể thành. Linh Cô có trình với sư nương những khó khăn của công tử, và vì công tử là con của Cúc tỷ, sư nương nhất định hoàn thành tâm nguyện của Cúc tỷ.
Linh Cô gật đầu phụ họa:
– Phải đó! Ôn lão bà có một ấn tượng về công tử. Tôi tin rằng bà sẽ thành toàn tâm nguyện của phu nhân, vì công tử trọng đại nghĩa, bất cố thân tình!
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Ôn lão bà sẽ làm sao?
Linh Cô đáp:
– Ít nhất, bà cũng để cho Lý Tiên Tử chặt đứt một cánh tay cho có nhân có quả! Được vậy, bà mới an tâm!
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp kêu lên:
– Như vậy là trách nhiệm vẫn về tại hạ? Bởi Ôn lão bà vì tại hạ ...
Linh Cô lắc đầu:
– Phải mà không phải! Bà muốn thanh toán dứt khoát mọi ân oán lúc còn sống! Ngoài ra, bà còn giúp cho nhiều người tròn đại nghĩa!
Quan Sơn Nguyệt hoang mang:
– Tại hạ chẳng hiểu gì cả?
Linh Cô đáp:
– Chẳng hạn, nếu phu nhân không làm được điều đó, thì làm sao tròn nghĩa với Lưu Dật Phu? Có làm được việc đó rồi bà mới an hồn mà nằm bên cạnh phụ thân công tử cho tròn đạo!
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
– Thế ra, mẫu thân tại hạ lợi dụng tại hạ để báo thù cho Lưu Dật Phu!
Lý Trại Hồng chỉnh sắc mặt:
– Mẹ đối với con không bao giờ có sự lợi dụng! Huống chi không có cái yếu tố cá nhân của công tử, phu nhân vẫn thành công như thường. Công tử không nghe Linh Cô nói đó sao? Sư nương muốn gì thuộc về những giải kết dĩ vãng, nếu có ảnh hưởng của công tử trong đó, thì bất quá chỉ là một giọt nước thêm vào cho cái chén thật đầy, vậy thôi!
Quan Sơn Nguyệt biến sắc mặt, không đáp.
Lý Trại Hồng tiếp:
– Công tử không nên lấy làm khó chịu. Đúng ra, song thân của công tử đối xử không đẹp với Lưu Ảo Phu, điều đó chúng ta phải thẳng thắn mà nhìn nhận, bởi hai người đều phạm tội thông gian. Phận làm con, công tử có làm gì được cho cha mẹ, kể ra cũng chẳng phải quá phận khi sự việc đó có vượt ngoài đạo nghĩa một chút.
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút, hướng qua Linh Cô, thốt:
– Cô nương về đó, gặp Ôn lão bà, xin tường thuật những gì chúng ta biện luận hôm nay, đồng thời nói hộ tại hạ, với Ôn lão bà là nhất thiết việc gì, lão bà cứ tùy ý mà làm, do bà giải kết cố sự theo chủ trương cá nhân, đừng bao giờ dựa vào yếu tố cá nhân của tại hạ mà lấy quyết định! Chẳng những tại hạ không cảm kích, mà còn hận nữa là khác!
Lý Trại Hồng kinh ngạc:
– Công tử nói cái gì lạ thế?
Quan Sơn Nguyệt chỉnh sắc:
– Ý tứ của tại hạ như vậy đó, Lý Tiên Tử! Làm người, xử thế, tại hạ luôn luôn bằng vào lương tâm! Cái tâm của tại hạ thẳng thắn, không chấp nhận một quanh co, một ngụy biện nào, cũng như không khi nào tại hạ nghĩ đến một mưu kế gì bất lợi cho bất cứ ai! Bất quá, tại hạ cân nhắc, việc nào nên làm, việc nào không nên làm, có thế thôi!
Lý Trại Hồng sửng sốt.
Quan Sơn Nguyệt tiếp luôn:
– Lý Tiên Tử đừng lầm, tại hạ chẳng bao giờ phê bình hành vi và ngôn ngữ của Tiên Tử! Tuy nhiên, tại hạ không tin là Tiên Tử hoàn toàn vì tìm hữu nghị đối với mẫu thân tại hạ mà quyết làm việc đó!
Lý Trại Hồng biến sắc.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Tại hạ muốn khuyên Tiên Tử, một câu thôi! Tìm gặp lại họ, chẳng có ích gì đâu, Tiên Tử ạ! Cái cảm tình của con người, tự nó phát sanh, chứ không ai gieo vào lòng ai được! Nói một cách khác, không ai thành công trong việc cưỡng ép ai về mặt cảm tình. Khi hướng tim đã rẽ nghịch chiều, thì không một quyền lực nào xoay chiều nổi!
Lý Trại Hồng thở dài, ủ rũ như già thêm mấy tuổi! Lâu lắm, nàng thốt với giọng trầm buồn:
– Tôi biết, trong chuyến đi này, có thể là tôi gặt hái thương tâm, nhưng tôi nhận thấy, không đi không được! Bởi, tôi muốn sự thương tâm đó thêm trầm trọng, để rồi cái tâm của tôi chết luôn, vĩnh viễn nó sẽ chai lỳ như đá! Ngoài ra tôi cũng muốn phản đối lối xử sự của công tử! Huống chi, mẫu thân công tử ủy thác cho tôi, tôi phải làm, để đáp tạ lại cái nghĩa của bà!
Quan Sơn Nguyệt vòng tay:
– Thế thì tại hạ nghĩ sai về Tiên Tử, xin Tiên Tử thứ lỗi cho. Tại hạ lại còn tạ ơn Tiên Tử nghĩ đến mẫu thân tại hạ, vậy Tiên Tử cứ đi, sau khi mọi việc xong rồi, nếu Tiên Tử cần có người bầu bạn cho đỡ tịch mịch, thì cứ đến Đại Ba Sơn, tại hạ thanh toán xong Tạ Linh Vận, sẽ theo hầu Tiên Tử.
Lý Trại Hồng xúc động tâm tình, không ngăn chặn được dòng lệ thảm. Nàng không nói gì, từ từ quay mình bước đi.
Linh Cô hấp tấp hỏi:
– Công tử có lời gì nhắn gởi với lịnh sư chăng?
Quan Sơn Nguyệt thở ra:
– Cô nương còn nhỏ tuổi, mà tâm cơ thâm hậu không kém bậc lão thành!
Điều đó cũng chẳng lạ gì, bởi với sự giáo huấn của gia sư và Lâm Tiên Tử ...
Linh Cô biến sắc, toan đáp.
Quan Sơn Nguyệt chận lại:
– Không cần nói, cô nương! Tại hạ hiểu cái ý của cô nương rồi. Gặp gia sư, cô nương chỉ nói rằng tại hạ kính lời vấn an, đồng thời cảm tạ người có công ơn giáo dưỡng tại hạ nên người. Cho gia sư biết luôn là ân tình đó, tại hạ sẽ có dịp đền đáp ...
Linh Cô hỏi luôn:
– Chỉ bao nhiêu đó thôi?
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Đủ rồi! Đủ lắm rồi, cô nương! Tại hạ chẳng hiểu tại sao, con người sanh trong cõi thế, chỉ tìm cách lợi dụng nhau, cho đến cha mẹ, thầy và bạn, cũng không ra ngoài công lệ đó!
Linh Cô giật mình:
– Công tử cũng cho rằng Hoàng Hạc Tán Nhân lợi dụng công tử?
Quan Sơn Nguyệt cười khổ:
– Đúng vậy, cô nương ạ! Thoạt tiên, gia sư tìm cách đưa tại hạ đến Long Hoa Hội, thay thế cho người, để người được rảnh rang thực hiện mộng đẹp với Lâm Tiên Tử!
Linh Cô sững sờ.
Quan Sơn Nguyệt tiếp:
– Mãi đến hôm nay, tại hạ mới minh bạch! Tuy nhiên, tại hạ vẫn cảm kích lão nhân gia, tại hạ sẽ báo đáp ân tình của người.
Chàng khoát tay:
– Cô nương đi đi.
Lý Tiên Tử đi xa rồi!
Linh Cô quay nhìn về phía trước, đoạn thấp giọng:
– Tôi còn hỏi công tử điều này, có người nào không lợi dụng công tử chăng?
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút:
– Có! Người đó là Trương Thanh! Nàng đã làm mất nhiều việc, ngược lại nàng, không đòi hỏi nơi tại hạ một điều gì! Tại hạ không biết làm cách nào để đáp ân nàng ...
Giang Phàm hơi biến sắc, hỏi:
– Còn tôi, Quan đại ca? Tuy tôi chưa làm điều chi cho đại ca, song tôi ...
Quan Sơn Nguyệt hướng mắt sang nàng:
– Còn cô nương nữa! Tại hạ rất cảm kích cô nương, và hy vọng cô nương giữ sự chất phác đó suốt đời!
Linh Cô vụt thốt:
– Công tử không nên quên tôi ...
Nàng không đợi nghe Quan Sơn Nguyệt nói gì, phóng chân đuổi theo Lý Trại Hồng liền.
Quan Sơn Nguyệt thừ người một lúc.
Giang Phàm thốt khẽ nên tai chàng:
– Quan đại ca có tin không? Linh Cô yêu đại ca đó!
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Tại hạ không hiểu được! Nàng ấy còn nhỏ quá!
Giang Phàm nghiêm sắc mặt:
– Nàng không còn bé đâu! Nàng hiểu sự đời sớm quá! Dám quả quyết là nàng yêu đại ca! Trước đây, nàng bằng lòng ở lại Thiên Xà Cốc, là vì nàng muốn giúp đại ca đó!
Quan Sơn Nguyệt bực dọc:
– Đừng nhắc đến nàng ấy nữa! Chúng ta lên đường ngay!
Giang Phàm hấp tấp hỏi:
– Đi đâu?
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút:
– Tại hạ không thể quyết định được, vũ trụ bao la song chừng như không có một nơi nào cho tại hạ dung thân, cô nương ơi! Có lẽ chúng ta nên đi Ngũ Đài Sơn một chuyến.
Giang Phàm gật đầu:
– Phải đó. Chắc là Tạ Linh Vận đã trở về Ngũ Đài Sơn rồi.
Quan Sơn Nguyệt khẽ thở dài:
– Chưa quả quyết được, Giang cô nương, y là con người giảo hoạt, có trăm ngàn mưu kế, biết đâu y chẳng đến một nơi nào khác, hoặc tìm viện thủ, hoặc hoạch định một chương trình, với chủ trương ứng phó cùng chúng ta trong tương lai? Tuy nhiên y có mặt hay không có mặt tại Ngũ Đài Sơn, sự tình vẫn không thuận lợi cho chúng ta chút nào cả.
Giang Phàm không hiểu chàng muốn nói gì.
Chàng nhếch nụ cười khổ, tiếp:
– Tạ Linh Vận chẳng phải là con người ngu! Y biết rõ không bao giờ tại hạ buông tha cho y, thì đương nhiên y phải lánh mặt trong khi y chưa đủ lực lượng đối phó với tại hạ, chỉ khi nào y nhận ra, có đủ phương tiện giành thắng thế trong cuộc chiến với tại hạ. Đến Ngũ Đài Sơn, nếu gặp tại đó, tức nhiên là y có chỗ ỷ trượng là chúng ta phải vất vả hơn. Ngược lại, y vắng mặt thì hẳn là y còn đi khắp đó đây tìm viện thủ ...
Chàng kết thúc:
– Nếu cần, y cũng dám ngưng mọi hoạt động của Thiên Ma giáo, bởi y sợ tại hạ thừa lúc y vắng mặt, mà tận diệt thuộc hạ của y.
Giang Phàm lo ngại:
– Nếu vậy thì Quan đại ca không nên đến đó làm gì, bởi nơi nào Tạ Linh Vận có mặt, là nơi đó rất nguy hiểm, còn như y vắng mặt rồi, Thiên Ma giáo cũng im hơi lặng tiếng luôn, đại ca có đi cũng chẳng ích gì. Đi mà gặp, là gặp dữ, còn không gặp Tạ Linh Vận là chẳng gặp một ai khác, đi như thế rất vô ích.
Quan Sơn Nguyệt cao giọng:
– Y ở đâu, tại hạ tìm đến đó. Gặp y, là có cuộc thư hùng, song phương phải một còn một mất. Bằng như y triệt thoái toàn giáo phái đi nơi khác,thì tại hạ sẽ truy tầm. Với bất cứ giá nào chúng ta phải trừ diệt con người đó, Giang cô nương!
Y còn sống một ngày nào, là ngày đó đừng mong ai ngủ yên với y!
Giang Phàm thu hồi con Tiểu Ngọc vào bao bố, đoạn buông gọn:
– Tôi chẳng biết gì cả, tôi chỉ biết đi theo đại ca thôi, đại ca bảo làm gì, tôi làm y như vậy, đại ca tùy tiện hành động, phần tôi thì chỉ có việc bảo vệ đại ca thôi.
Quan Sơn Nguyệt nhặt thanh Hoàng Diệp Kiếm cầm nơi tay, suy nghĩ một chút rồi trao cho Giang Phàm mang nơi mình.
Giang Phàm chỉ chiếc bao bố, thốt:
– Cô Tiểu Ngọc đây rồi, tôi không cần đến vũ khí, đại ca cứ mang thanh kiếm đó mà phòng thân, Tạ Linh Vận và Lưu Dật Phu đều có kiếm tốt, thì ít nhất đại ca cũng phải có một thanh tương đương ...
Quan Sơn Nguyệt rung rung tay nhặt lấy đoạn kiếm gãy cương quyết gằn từng tiếng:
– Suốt đời tại hạ, tại hạ chỉ mang đoạn kiếm này thôi, không bao giờ dùng đến bất cứ vũ khí nào khác.
Giang Phàm biết rõ, hiện tại tâm thần chàng bị dao động mạnh, chàng cần sự yên tĩnh để lấy lại bình thường, do đó nàng không nói gì thêm, tiếp nhận thanh Hoàng Diệp Kiếm.
Quan Sơn Nguyệt lại nhìn xuống đất.
Giang Phàm nhận ra, chàng chú mắt đến cánh tay đứt lìa trên mặt đất, cánh tay của Lưu Ảo Phu, do chàng chặt đứt để ngăn ngừa chất độc của con Tiểu Ngọc truyền vào người hắn. Nàng tặc lưỡi, thốt:
– Quan đại ca, tôi chẳng biết tình hình giao đấu của đại ca và những người đó như thế nào ...
Quan Sơn Nguyệt chận lời:
– Cô nương chẳng có gì đáng trách cả, cứ yên tâm. Còn như cái chết của mẫu thân tại hạ, thì Lưu Ảo Phu có một phần trách nhiệm lớn lao trong đó. Dù sao thì hắn cũng là con, là con mà lấy thái độ đó đối xử với mẹ thì ...
Chàng không tiếp, chỉ thở dài, ánh mắt xa xăm ...
Giang Phàm suy nghĩ một chút, rồi tiếp:
– Quan đại ca, cứ như lời đại ca phán đoán, thì Lưu Ảo Phu cũng chẳng đến đỗi bại hoại. Chẳng qua phụ thân hắn có tâm tánh hẹp hòi, đã chết rồi mà còn trăng trối hắn phải thực hành theo cái ý hẹp hòi của lão ta, ngoài ra, Phi Tràng ở bên cạnh hắn, ngày đêm rỉ tai hắn những ý niệm căm thù, oán hận. Vì ảnh hưởng đó mà Lưu Ảo Phu bước lệch ra ngoài con đường chánh, đến đổi vô lễ với mẹ, bất nghĩa với anh.
Quan Sơn Nguyệt lại thở dài mấy tiếng nữa. Đoạn, chàng cất giọng u buồn giải thích:
– Khó trách họ lắm, cô nương! Có thể cho rằng họ quấy mà cũng nên công nhận họ phải. Bởi trong hoàn cảnh của Phi Tràng nàng chỉ tỏ ra trung thành với Lưu Dật Phu, nàng làm thế cũng hợp lý chứ.
Giang Phàm sững sờ một lúc, đoạn thấp giọng phân trần:
– Tại hại vì tôi kém hiểu sự đời, nên luận người có phần nào nông cạn, chẳng bằng Quan đại ca suy xét sâu xa. Tuy nhiên, dù sao thì cũng phải có người phải kẻ quấy, chứ không thể hồ đồ như vậy được. Quan đại ca hãy cho tôi biết, trong sự tình này, thật sự ai hành động hợp lý và ai có thái độ nghịch thường?
Quan Sơn Nguyệt cao giọng:
– Tại hạ không thể phân tách rõ ràng sự việc, để quy trách nhiệm về ai. Bất quá tại hạ nghĩ rằng, yêu gái có chồng, phụ thân tại hạ đã làm một việc trái đạo, tuy nhiên cả hai yêu nhau rất tha thiết, mãi đến lúc gặp phụ thân tại hạ, mẫu thân mới biết là từ trước bà sống với ảo tưởng, lấy nghĩa làm tình, gặp tình yêu chân chánh rồi thì đương nhiên ảo tưởng đó phải vỡ tan, và tình nghĩa phân minh hẳn, mà phần nào nhẹ nghĩa, cho nên mẫu thân tại hạ nghe theo tiếng gọi của con tim ly khai Lưu Dật Phu. Đáng trách về danh tiết mà cũng đáng thương tâm tình. Lưu Dật Phu sau khi từ hải ngoại trở về, nếu nghĩ xa một chút, tất phải thông cảm cho mẫu thân tại hạ và tự mình âm thầm quy ẩn một nơi nào, để thức ngộ sự sum họp miễn cưỡng của ngày trước. Ngờ đâu, lão ta cố chấp, tình dang dở vì quan điểm dị đồng thì im lặng mà dứt tình mới phải, lẽ nào lấy nghĩa làm thù? Dù cho rằng mẫu thân có phụ bạc, ít ra cũng dành cho lão bao nhiêu ân nghĩa suốt thời gian trước lão tựa vào đó, mà tha thứ, chứ sao lại căm thù?
Dừng lại một chút, chàng tiếp:
– Căm thù, lão đầu độc mẫu thân tại hạ trong những ngày dài, bà đau đớn vô cùng, chịu sự ray rức mãi, đã vậy, lão chưa vừa dạ, chết rồi mà còn di ngôn cho con báo hận! Nghĩ ra, lão cũng ác chứ! Tuy nhiên, là con người, lão vẫn không tránh được cái tâm trạng của phần đông, bị đoạt tình thì sanh oán. Bởi cái chỗ thông thường đó, chúng ta cũng không nên quy tội cho lão, cũng như chúng ta không thể lên án một người tìm gặp tình yêu chân thành can đảm thoát ly vòng ái ân miễn cưỡng để xây tổ ấm cho đoạn đời sau ...
Chàng kết luận:
– Vì người nào cũng có lỗi, mà người nào cũng đáng thương cho nên khó mà quyết định thực sự người nào đáng trách!
Giang Phàm gật đầu:
– Tôi hiểu rồi, người đáng trách trong sự việc này là tạo vật đó, đại ca. Tạo vật lá lay, dàn cảnh trái ngang, để đưa anh về khổ lụy, những vị ấy đều là nạn nhân của cái trò đùa quái ác mà tạo vật an bài. Nếu mẫu thân của đại ca biết được phụ thân của đại ca, trước khi kết nghĩa vợ chồng với Lưu Dật Phu, thì làm gì có cái kết cuộc như ngày nay!
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Muộn rồi, có nói cũng thế thôi, Giang cô nương ơi!
Bỗng, Giang Phàm tiếp:
– Dù sao, mẫu thân của đại ca cũng là người đáng kính, xử sự rất phân minh, ân oán rõ rệt ...
Quan Sơn Nguyệt cay mày:
– Trừ ra cái việc bà lợi dụng tại hạ, còn thì bà an bày rất chu đáo!
Giang Phàm cũng cau mày:
– Tôi không thấy bá mẫu lợi dụng đại ca như thế nào, có lẽ đại ca quá đa nghi chăng? Chẳng lẽ bá mẫu có ý đó?
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Cô nương bằng vào đâu mà đưa ra nhận xét đó?
Giang Phàm giải thích:
– Giả như bá mẫu muốn lợi dụng đại ca để báo hận cho Lưu Dật Phu, thì tại sao bà không bảo thẳng với đại ca, mà giao phó cho Lý Tiên Tử thay bà mà hành động? Bởi, có giao phó cho đại ca thực hành ý nguyện đó, thì bá mẫu mới xử sự trọn vẹn đúng với câu ân oán phân minh chứ?
Dừng lại một chút, nàng tiếp:
– Tôi cho rằng, sở dĩ đại ca nghi ngờ bá mẫu lợi dụng là do cái mưu kế của Lý Tiên Tử thôi. Nàng ấy khẳng khái nhận sự ủy thác mà đáng lẽ ra phu nhân phải kêu gọi đến đại ca. Nhận sự ủy thác rồi, biết là việc khó, sợ mình làm không nổi, nên tìm cách lôi cuốn đại ca vào tròng. Nàng định nhờ oai lực của đại ca, như vậy chính nàng lợi dụng đại ca, chứ không phải bá mẫu đâu.
Quan Sơn Nguyệt kêu lên:
– Đúng rồi! Tại hạ bối rối, mất cả sáng suốt, không nhìn rõ tâm ý của Lý Trại Hồng. Chúng ta đuổi theo nàng gấp!
Giang Phàm hỏi:
– Đuổi theo để làm gì?
Quan Sơn Nguyệt tiếp:
– Để bảo thẳng với nàng, là chúng ta hiểu rõ tâm cơ của nàng và khuyến cáo nàng tuyệt đối không nên mượn danh nghĩa của tại hạ mà hành động. Có như vậy, mẫu thân tại hạ mới an vui nơi chốn suối vàng. Tại hạ không còn nghi ngờ mẹ lợi dụng con nữa.
Giang Phàm nắm tay chàng, giữ lại:
– Bất tất phải đuổi theo, đại ca. Dù sao thì cũng nên suy xét cho nàng, chỉ vì nàng quá sốt sắng với bá mẫu đó thôi, nếu nàng không hành động như vậy thì làm sao có lý do mai táng thi hài bà mẫu chung chỗ với phụ thân đại ca?
Quan Sơn Nguyệt định nói gì đó, Giang Phàm lại chận:
– Đại ca minh bạch là bá mẫu không có ý đó thì đủ rồi, còn toan làm khó Lý Trại Hồng mà chi? Tôi đã nói, nàng ấy có làm gì, nói gì, chẳng qua cũng là lo việc cho bá mẫu, mình nên vì bá mẫu nên lượng xét điều đó rộng rãi hơn, đại ca.
Tuy đại ca tức, song cũng có thể nhận chịu cái tức một chút cho tròn đạo làm con, để cho Lý Trại Hồng thực hiện cái ý nguyện của bá mẫu, giúp bá mẫu ngậm cười nơi âm cánh.
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Tư tưởng của cô nương cao hơn tại hạ gấp mấy bậc!
Giang Phàm mỉm cười:
– Tôi chẳng có tầm cỡ chi hết! Mà cũng chẳng có tư tưởng gì cả. Cứ thấy sao, biết sao, là nói vậy, nói theo sự chất phác, thật thà của tôi thôi. Sai cũng vô hại, trúng cũng chẳng ích lợi gì bởi ở giữa cái thế giới đầy gian trá này, lời nói của mẫu người như tôi không có giá trị hết. Quan đại ca tán thành, hay bác bỏ, tùy đại ca.
Quan Sơn Nguyệt còn trầm ngâm, Giang Phàm tiếp luôn:
– Lý Trại Hồng không hiểu đúng con người của đại ca như thế nào. Giả như nàng đừng quanh co, cứ thẳng thắn mà nói lên ý nguyện của bá mẫu, với đại ca, thì rất có thể đại ca đáp ứng thay nàng làm cái việc đó.
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Cô nương nói đúng. Nhưng, làm sao Lý Trại Hồng có được một chủ trương như vậy? Bởi, mẫu thân tại hạ không muốn tại hạ dính dáng vào việc đó, thì khi nào Lý Trại Hồng dám bảo thẳng với tại hạ? Không bảo thẳng, mà nàng thì tự lượng sức mình, khó làm tròn ủy thác, cho nên nàng phải quanh co, ướm thử tại hạ. Nghĩ ra, nàng cũng tôn trọng ý muốn của mẫu thân tại hạ đó. Tại hạ phải cảm kích nàng mới hợp lý. Nàng vận dụng tâm cơ khá nhiều, tại hạ hối hận đã trách nàng nặng nề vừa rồi ...
Giang Phàm cười nhẹ:
– Tâm cơ! Bỏ tâm cơ đi đại ca, cứ chất phác, thật thà như tôi đây, mà được việc hơn! Ít nhất, tâm hồn mình cũng được thơ thới, mình dùng mưu, người ta đối kế, mưu với kế đối chọi nhau liên tục truyền kiếp, thì con người sống trên đời này còn có mục đích cao cả nào nữa, ngoài cái việc lấn mưu át kế lẫn nhau? Con người một khi lâm vào vòng cạnh tranh, thì vĩnh viễn xa rời hạnh phúc. Tôi nói đến cái hạnh phúc chân thuần đó, đại ca, chứ chẳng phải thứ toại nguyện nhất thời và tạm bợ do một thắng thế mang lại.
Trở lại Ngũ Đài Sơn, Quan Sơn Nguyệt và Giang Phàm hết sức kinh ngạc trước sự biến đổi phi thường.
Ngày nào cờ hiệu Thiên Ma Giáo còn cao vút trụ trận mây xanh, tung bay theo gió từ bốn phương trời đổ đến. Bây giờ cờ hiệu đó được hạ xuống, để thay thế bằng một lá trường phang.
Lá phang đó có thêu hình một thanh kiếm và một chữ Âm, hình kiếm và chữ nằm trên một đồ hình Bát Quái.
Quan Sơn Nguyệt nhận ngay đó là biểu hiệu của Vô Cực Kiếm Phái, mà người thủ lãnh là họ Âm.
Trong thời gian đó, Vô Cực Kiếm phái chưa được nổi danh lắm, bất quá chỉ là một bang hội nho nhỏ thôi. Kiếm phái này gồm toàn nữ nhân. Họ làm gì có thế lực khuất phục nổi Thiên Ma Giáo để chiếm đoạt căn cứ?
Dù là sự thực hiển nhiên trước mắt, Quan Sơn Nguyệt cũng khó tin được một việc như vậy có thể xảy ra.
Không tin được sự việc xảy ra, nhưng sự việc đã xảy ra rồi, bằng cớ là lá phang đang tung bay phần phật trước gió kia.
Chàng tần ngần đứng nơi chân núi, lòng hoang mang vô cùng.
Vừa lúc đó, một kỵ sĩ từ trên núi rong ngựa xuống triền.
Ngựa, thuộc loại tuấn mã, kỵ sĩ thay vì là một nữ nhân thì lại là một đại hán trông có vẻ cường tráng lắm.
Nhìn đại hán, bất giác Quan Sơn Nguyệt sững sờ.
Đại hán không phải là ai xa lạ, đại hán chính là Thất Tinh Đao Lưu Tam Thái, người đã giúp chàng và theo chàng một thời gian trong khi chàng đi tìm đoạt lại chiếc Minh Đà.
Ngày xưa hắn không chống đối hẳn với họ Âm song cũng chẳng thân gì, bởi hắn là người ủng hộ chàng. Nhưng tại sao hắn lại theo về Vô Cực Kiếm Phái, chịu quyền sai sử của họ Âm?
T Thêm một sự lạ nữa đến với chàng, chàng càng hoang mang hơn.
Ngày nay Lưu Tam Thái mãn nguyện lắm rồi sao?
Ngày nay hắn khách sáo hơn xưa nhiều, chưa đến gần mà chừng như hắn nhận ra Quan Sơn Nguyệt nên xuống ngựa, rồi còn xa xa hắn vòng tay nghiêng mình, thốt vọng đến:
– Lịnh Chủ! Từ bao lâu nay Lịnh Chủ được bình an chứ? Nghe nói trong vòng một năm trở lại đây, Lịnh Chủ tạo nhiều thành tích oanh liệt trên giang hồ, và hiện tại Lịnh Chủ nghiễm nhiên trở thành một bậc đại hiệp mà hầu hết hào kiệt anh hùng từ quan nội đến quan ngoại đều kiêng nể oai danh.
Quan Sơn Nguyệt nhếch nụ cười nhạt, đáp:
– Đa tạ Lưu tam ca. Trông Lưu tam ca có vẻ đắc ý quá, chừng như tại địa phương này ...
Lưu Tam Thái cười nhẹ:
– Lịnh Chủ quá khen, bất quá tại hạ nhờ lây cái vinh quang của Lịnh Chủ mà có được ngày nay.
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Nhờ lây cái vinh quang của tại hạ?
Lưu Tam Thái cười hì hì:
– Phải! Lịnh Chủ còn nhớ năm xưa nhờ Lịnh Chủ chiếu cố đến tại hạ, cho theo hầu tả hữu. Do đó Âm cô nương lưu ý đến rồi cố vời tại hạ đến, chấp nhận cho tại hạ gia nhập giáo phái, giao phó trách vụ tiếp tân.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Âm cô nương là ai?
Lưu Tam Thái tiếp:
– Bởi bận nhiều việc quá, Lịnh Chủ quên mất đi thôi. Âm cô nương là Âm Lệ Hoa, con gái của Âm Tố Quân Chưởng môn nhân Vô Cực Phái ngày trước tại Âm Sơn. Lịnh chủ có gặp qua mẹ con họ một lần mà?
Quan Sơn Nguyệt nhớ ra liền.
Ngày trước, Trương Vân Trúc dụ hoặc con gái nhà họ Âm là Âm Lệ Hoa, gây phẫn nộ trong Vô Cực phái, làm chàng suýt khổ vì phái này. Nhưng tại sao Âm Lệ Hoa lại đến đây? Nàng ở đây một mình hay có cả mẹ nàng?
Nếu mẹ nàng cùng đến, thì chẳng lẽ toàn phái Vô Cực cùng tản về Ngũ Đài Sơn rồi?
Lưu Tam Thái tiếp:
– Bây giờ Âm cô nương có thanh thế rất trọng, có thể là vượt bậc hẳn mẫu thân của nàng. Nàng là Chưởng môn Thái Cực Bang đó. Lịnh Chủ có nghe đến Thái Cực Bang chứ?
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Tại hạ chẳng hiểu gì cả!
Lưu Tam Thái lại tiếp:
– Điều đó cũng chẳng lạ gì, bởi Thái Cực Bang còn trong thời kỳ chuẩn bị lực lượng, củng cố cơ đồ, nên chưa chánh thức góp mặt trên giang hồ, so hơn kém cùng các phái khác. Mới hôm qua đây, Âm cô nương tiếp thọ sự di nhượng của Thiên Ma Giáo, thì hôm nay trường phang được dựng lên ...
Quan Sơn Nguyệt chận lời:
– Thiên Ma Giáo di nhượng trọn cơ đồ? Còn bọn Tạ Linh Vận? Chúng ở đâu?
Lưu Tam Thái đáp:
– Tạ Linh Vận không hề chường mặt, sự triệt thoái của Thiên Ma Giáo do Kỳ Hạo phát động và điều khiển. Thái Cực Bang tiếp thu nhanh chóng ...
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Lưu tam ca càng nói càng hồ đồ quá, tại hạ chẳng hiểu chi hết. Chẳng lẽ Kỳ Hạo khẳng khái di nhượng như vậy? Dù sao thì chúng cũng tiêu hao khá nhiều tâm huyết mới tạo dựng nên một cơ đồ quan trọng chứ.
Lưu Tam Thái mỉm cười:
– Tự nhiên, Kỳ Hạo đâu có thể di nhượng dễ dàng như vậy. Sở dĩ bọn tại hạ không gặp sự trở ngại nào là vì sau khi Kỳ Hạo trông thấy Liễu Đường chủ của tại hạ, hắn cúi đầu ngay, rồi âm thầm triệt thoái. Lịnh Chủ cũng hiểu là Vô Cực Phái gồm toàn nữ nhân, và Liễu Đường chủ đương nhiên là một nữ nhân.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Liễu đường chủ là ai?
Lưu Tam Thái tiếp:
– Người quen của Lịnh Chủ mà. Đường chủ là Liễu Y Ảo, hiện tại nàng là Tổng Đường chủ ngoại tam đường. Còn Tổng Đường chủ nội tam đường cũng là người quen của Lịnh Chủ, Lịnh Chủ thử đoán xem là ai?
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút:
– Có phải là Trương Thanh cô nương chăng?
Lưu Tam Thái gật đầu:
– Lịnh chủ đoán đúng. Người trong Thái Cực Bang hầu hết đều có quen biết với Lịnh Chủ. Chẳng hạn, Tượng Hình Đường chủ là Nhạc Tương Quân, Càn Khôn Đường chủ là Nhạc Hành Quân, Tốn Phong Đường chủ là Nhạc Tiểu Hồng ...
Quan Sơn Nguyệt sững sờ. Chàng không ngờ những người quen biết đó hiện giờ lại quy tụ dưới nhãn hiệu Thái Cực Bang. Một lúc lâu, chàng hỏi:
– Âm Lệ Hoa là Bang chủ Thái Cực Bang? Nàng đảm đương nổi một trọng trách như vậy sao? Những người kia chấp nhận cho nàng cầm quyền sai sử sao?
Lưu Tam Thái cười hì hì:
– Điều đó có liên quan đến Trương Vân Trúc lão gia. Thực ra thì tuy ở ngôi Chưởng môn, Âm cô nương không có quyền thế to lớn bằng Tổng Đường chủ Nội đường. Bất quá trên danh nghĩa, Chưởng môn phải cao hơn Tổng Đường chủ thôi.
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
– Âm cô nương cao hơn Trương Thanh một bậc? Cao về ngôi vị Chưởng môn hay vì một lẽ gì khác?
Lưu Tam Thái tiếp:
– Nói ra cho Lịnh Chủ nghe thiết tưởng cũng chẳng quan hệ gì. Hơn nữa, Lịnh Chủ cũng đã biết được phần nào rồi, thì tại hạ có nói ra bất quá là nói cho rõ ràng hơn, chứ sự việc cũng không mới mẻ chi đó. Trương lão gia đã tục huyền với Âm cô nương, thì trên danh nghĩa, Âm cô nương là kế mẫu của Trương cô nương.
Quan Sơn Nguyệt biến sắc:
– Thế là cái việc ngày trước quả có thật?
Lưu Tam Thái mỉm cười:
– Cái việc ngày trước có thật hay không, điều đó đã rõ như ban ngày.
Quan Sơn Nguyệt nổi giận:
– Nói như thế nghĩa là gì?
Lưu Tam Thái thấp giọng:
– Năm xưa Trương lão gia từng đi khắp các nơi, đến tận các môn các phái đoạt thu bí kíp võ công. Hẳn Lịnh Chủ cũng biết việc đó chứ, có điều Lịnh Chủ chưa hiểu là ...
Quan Sơn Nguyệt rít lên:
– Lão! Đúng là lão ấy rồi! Vậy mà tại Long Hoa Hội, lão thất phu còn làm bộ làm tịch, giả nhân giả nghĩa với tại hạ!
Lưu Tam Thái hấp tấp khoát tay:
– Lịnh Chủ đã lầm. Trương lão gia hành động như vậy là có thâm ý, dĩ nhiên việc làm đó có liên quan đến hội Long Hoa rất nhiều. Lịnh Chủ có biết không, Tạ Linh Vận đã lưu ý đến hai phái Thiếu Lâm và Võ Đang từ rất lâu. Hắn hoạch định mưu kế khuyến dụ hai phái đó theo về với hắn, trong khi hắn sắp sửa thành công thì lão hòa thượng Khổ Hải Từ Hàng thông tri cho Trương lão gia biết gấp. Trương lão gia bắt buộc phải hạ sát hai Chưởng môn Võ Đang và Thiếu Lâm như để chặt tay chặt chân Tạ Linh Vận vậy, bởi hai người đó sớm muộn gì cũng sẽ thành đồng minh của Tạ Linh Vận. Còn như cái việc cướp đoạt bí kíp võ công, thì thật ra đó là một sự phao truyền do Trương lão gia có ý phát động để đánh lạc hướng mọi cuộc truy cứu thôi. Trương lão gia chẳng hề lấy bí kíp võ công của môn phái nào cả.
Quan Sơn Nguyệt «hừ» một tiếng:
– Lão thất phu ám hại mạng người như vậy, không nhận thấy là tàn nhẫn lắm sao?
Lưu Tam Thái giải thích:
– Chúng ta hãy đặt một giả thuyết, nếu hai vị Chưởng môn đó không chấp nhận thuận theo về với Tạ Linh Vận đồng thời không giao nạp những quyển bí kíp đó cho hắn, thử hỏi hai vị ấy chống cự nổi với hắn chăng? Họ đã tự lượng sức mình, nên tự nguyện hy sinh để bảo toàn quý vật cho bổn môn. Cho nên cái chết của hai vị đó được kể như có sự đồng tình của họ với Trương lão gia vậy.
Quan Sơn Nguyệt «xì» một tiếng:
– Tại hạ không tin.
Lưu Tam Thái mỉm cười:
– Hai vị tân Chưởng môn cùng các đệ tử của hai phái đó không hề oán hận Trương lão gia, điều đó cũng đủ chứng minh sự tình rồi ...
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút:
– Lão ấy tục huyền với Âm cô nương, sự kết hợp đó rất bất xứng, lão sẽ giải thích thái độ của lão như thế nào chứ?
Lưu Tam Thái tiếp:
– Có ý tứ lắm chứ, Lịnh Chủ. Cứ theo sự điều tra của Trương lão gia thì Vô Cực Kiếm Phái của họ Âm tại Âm Sơn cũng bị bao gồm trong kế hoạch tóm thâu của Tạ Linh Vận. Do đó Trương lão gia mới du hành đến tận Âm Sơn xem xét tình hình. Lão gia không thấy điều chi lạ, đáng chú ý, bất quá lão gia nhận ra Âm cô nương có một chứng tật kín. Lịnh Chủ cũng biết Trương lão gia am tường y thuật chứ.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Chứng tật gì?
Lưu Tam Thái:
– Chứng Hoa Si.
Quan Sơn Nguyệt quát:
– Nói nhảm! Chứng gì lạ thế? Chẳng lẽ mẫu thân nàng không biết con gái mắc chứng tật gì sao phải đợi lão thất phu chỉ điểm cho?
Lưu Tam Thái thở dài:
– Hoa Si là một chứng tật cực kỳ cổ quái, phàm người mắc chứng đó chính mình còn không biết, người ngoài làm sao biết được? Bởi chứng đó phải đợi đến lúc bịnh nhân đúng mười tám tuổi mới phát tác. Trương lão gia đến tận Âm Sơn đúng lúc chứng bịnh của Âm cô nương phát tác. Khi bịnh phát thì bịnh nhân điên loạn, phải tìm nam nhân mà gần, vì chỗ giao tình của lão gia với nhà họ Âm rất thâm hậu nên lão gia không tiện tiết lộ, chỉ âm thầm chữa trị cho Âm cô nương.
Quan Sơn Nguyệt sững sờ không tưởng là bên trong có nhiều khúc chiết như vậy.
Lưu Tam Thái lại thở dài, rồi tiếp:
– Nhưng khổ thay, Trương lão gia cần phải giải quyết gấp nhiều sự tình đang chờ đợi bên ngoài. Do đó lão gia ly khai Âm Sơn sớm hơn dự định, và Âm cô nương chỉ được chữa trị nửa phần thôi. Sau lại ...
Quan Sơn Nguyệt chận lời:
– Sau lại gặp chúng ta đến nơi ...
Lưu Tam Thái gật đầu:
– Phải. Lúc đó Âm Lệ Hoa chưa lành bịnh hẳn. Nàng còn nói nhảm nhí suốt ngày. Âm phu nhân không hiểu nguyên do cứ đổ tội cho Trương lão gia, và quyết tâm truy tầm Trương lão gia cho kỳ được để báo thù.
Quan Sơn Nguyệt thầm nghĩ:
“Lúc đó cũng có mặt Trương Thanh, nàng cũng am tường y lý, thế thì tại sao nàng nhìn qua thần sắc của Âm Lệ Hoa, nàng không biết được là Âm Lệ Hoa mang chứng điên loạn? Nếu nàng nhận thấy Âm Lệ Hoa mất lý trí, hẳn là nàng không đến nỗi bị khích thích mà bỏ đi bất ngờ như vậy.”.
Lưu Tam Thái lại thở dài, tiếp:
– Bịnh tuy còn, song Âm Lệ Hoa có bề ngoài rất tự nhiên cho nên chẳng ai nghi là nàng điên loạn. Do đó những gì nhảm nhí nàng thốt người ta đều cho là lời thật, cho là sở dĩ nàng nói mãi là vì nàng oán hận. Bởi nghĩ như vậy, Âm phu nhân càng căm hận Trương lão gia hơn. Thực sự thì Trương lão gia chẳng có chút tà tâm nào lúc lưu lại Âm Sơn ...
Y dừng lại một chút rồi nói tiếp:
– Sau đó, Trương cô nương cho Âm Lệ Hoa uống một thứ thuốc, phần bịnh còn lại được giải trừ hoàn toàn. Âm Lệ Hoa khôi phục thần trí, đem tất cả sự tình thuật lại với Âm Tố Quân. Vỡ lẽ ra, Âm Tố Quân hết sức hối hận. Nhưng Lịnh Chủ và các vị kia đều đến Vu Sơn rồi ...
Quan Sơn Nguyệt «ạ» lên một tiếng:
– Lạ thật. Sự tình như vậy, mà sao Trương lão bá gặp tại hạ trên đỉnh Thần Nữ Phong lại chẳng nói chi hết?
Lưu Tam Thái giải thích:
– Lúc đó Trương lão gia được Khổ Hải Từ Hàng giao phó phần việc quán thông với Tạ Linh Vận, tự nhiên không thể tiếp xúc thân mật với Lịnh Chủ vì đề phòng bọn Tạ Linh Vận nghi ngờ. Còn như các việc sau này ...
Quan Sơn Nguyệt chận lời:
– Các việc sau này, tại hạ đều hiểu rõ.
Rồi chàng cau mày, tiếp:
– Nhưng tại sao Âm Tố Quân lại chấp thuận cho Âm Lệ Hoa kết hôn với Trương lão bá? Và tại sao có Vô Cực Phái rồi còn lập thêm Thái Cực Bang?
Lưu Tam Thái mỉm cười:
– Âm Lệ Hoa nhờ Trương lão gia chữa trị, để cảm ơn việc đó nàng phát thệ không lấy ai làm chồng ngoài Trương lão gia. Cũng may tại hạ có theo Lịnh Chủ đến Vu Sơn nên hiểu được tình hình phần nào, lúc đó Âm Tố Quân đưa con gái đến tận nơi, tìm tại hạ yêu cầu tại hạ liên lạc với Trương lão gia. Vì Long Hoa Hội giải tán, bọn Tạ Linh Vận kéo nhau đi hết đến Ngũ Đài Sơn lập thành Thiên Ma Giáo, Trương lão gia dĩ nhiên phải theo Tạ Linh Vận. Muốn tìm Trương lão gia tất phải đến tận Tổng Đàn Thiên Ma Giáo, tại hạ tài gì mà dám đến đó? Ngờ đâu Trương cô nương cũng tìm gặp tại hạ. Nhân cuộc gặp gỡ đó Trương cô nương mới hỏi đầu đuôi câu chuyện, hiểu rõ rồi, Trương cô nương mới biết là phụ thân mang tiếng oan. Nhân cuộc thanh minh này, Trương cô nương nảy sanh một quyết định ...
Quan Sơn Nguyệt chú ý:
– Quyết định như thế nào?
Lưu Tam Thái tiếp:
– Trương cô nương chuẩn bị thành lập một thế lực để chống đối với Thiên Ma Giáo. Nàng bảo tại hạ chiêu tập nhân số, gây thanh thế, mà tại hạ thì chỉ biết có mỗi một gia đình họ Âm thôi. Tại hạ thuyết phục hai mẹ con họ Âm theo về với Trương cô nương. Kế đó, Trương lão gia cũng đến, lão gia có mang theo một quái nhân khả dĩ chế phục được Tạ Linh Vận.
Quan Sơn Nguyệt biết ngay quái nhân đó là Xà Thần. Chàng lại hỏi:
– Tất cả đều ở trên núi?
Lưu Tam Thái gật đầu:
– Phải. Trương lão gia không còn muốn bôn tẩu giang hồ nữa, người quyết tâm ở luôn trên núi tu thân dưỡng tánh cho trọn ngày trời. Trương Thanh sợ cha hiu quạnh, nhân việc Âm Lệ Hoa quyết hứa thân về với Trương lão gia, bèn tác hợp cho song phương thành chồng vợ, nhưng chỉ yêu cầu Âm Lệ Hoa chấp nhận ngôi vị Chưởng môn Thái Cực Bang.
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Tại sao lại chọn cái tên đó?
Lưu Tam Thái mỉm cười:
– Sở dĩ thế là vì Trương cô nương rất mực hiếu thuận, theo cái lẽ sanh tồn trong vũ trụ càn khôn thì từ Vô Cực mà có Thái Cực, như vậy là Thái Cực sanh từ Vô Cực. Năm xưa, vô hình trung Trương cô nương có sát hại mấy người trong họ Âm, sự kiện đó ám ảnh cô nương mãi mãi cho nên cô nương mới lấy cái tên như thế để ngầm tạ lỗi với họ Âm, người sáng lập ra Vô Cực Phái. Về tên thì Thái Cực Bang tỏ rõ cái ý nhường Vô Cực Phái, song về thanh thế thì Thái Cực Bang không kém Vô Cực Phái chút nào.
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Cái ý cũng hay đấy. Và hiện tại thì các hạ nhậm chức Tư Tân trong Thái Cực Bang, thảo nào mà chẳng đắc ý.
Lưu Tam Thái cười hì hì:
– Lịnh Chủ quá khen đi thôi. Bất quá tại hạ có quen biết một số người trên giang hồ và tại hạ được bổ nhiệm chức vụ đó chỉ để thỉnh mời hào kiệt bốn phương, hoặc gia nhập, hoặc liên minh, chứ về tài nghệ thì tại hạ chẳng có hạng nào so với những cao thủ khác trong Thái Cực Bang.
Bỗng Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Đối với Thiên Ma Giáo, Trương cô nương có thái độ xử trí như thế nào?
Lưu Tam Thái đáp:
– Trương cô nương rất nhân từ không muốn tận diệt toàn bộ giáo đồ Thiên Ma Giáo, cho nên hôm trước khi Kỳ Hạo dẫn đồng bọn ly khai, Trương cô nương có cảnh cáo hắn là từ nay không được buông lung phóng túng mà hành hung tác ác như ngày nào. Nếu bất tuân, khi phong thanh đồn đãi đến tai cô nương thì cô nương sẽ không còn nương tay cho hắn được nữa. Kỳ Hạo cúi đầu ngoan ngoãn mà đi.
Quan Sơn Nguyệt phấn khởi vô cùng:
– Thế thì Trương Thanh đáng phục lắm! Diệt trừ được Thiên Ma Giáo là đem lại thái bình cho võ lâm, cái công đức đó của nàng thật là vô lượng vậy. Tại hạ phải đến mừng cho nàng đã thành công lớn trong công cuộc trừ hung diệt bạo cứu nhược phò nguy.
Lưu Tam Thái ấp úng:
– Lịnh Chủ ...
Quan Sơn Nguyệt lấy làm lạ hỏi:
– Các hạ có điều chi muốn nói song khó nói ra lắm chăng? Không sao đâu, cứ nói, dù có nghịch ý, tại hạ cũng chẳng lấy làm phiền.
Lưu Tam Thái trầm ngâm một lúc:
– Lịnh Chủ ơi. Trương cô nương từng nói với tại hạ là nàng có thể tiếp đón bất cứ ai, nhưng lại không muốn thấy mặt Lịnh Chủ. Hơn thế, nàng ra lịnh cho thuộc hạ bằng mọi cách ngăn chận Lịnh Chủ lên núi ...
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Nàng cố ý tránh tại hạ?
Lưu Tam Thái do dự một chút:
– Phải! Trương cô nương còn nói, giả như Lịnh Chủ, nàng bảo là từ nay nàng sẽ đảm nhận sự an nguy của võ lâm, Lịnh Chủ cứ yên tâm lo vun bồi hạnh phúc cá nhân.
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Nàng nói như vậy à?
Lưu Tam Thái thở dài:
– Tại hạ có được mấy cái đầu mà dám bịa chuyện với Lịnh Chủ? Nàng có cảm tình rất thâm hậu đối với Lịnh Chủ, cho nên tại hạ nghĩ rằng bất quá trong một phút giận hờn, vì một nguyên nhân nào đó, nàng nói thế thôi. Lịnh Chủ không nên quá lo nghĩ.
Quan Sơn Nguyệt sững sờ.
Lưu Tam Thái suy tư một chút rồi tiếp:
– Trên núi toàn là những người quen biết của Lịnh Chủ, ai ai cũng mong mỏi gặp lại Lịnh Chủ một lần. Nhất là Liễu Đường chủ và Lạc Tiểu Hồng cô nương, hai người đó luôn luôn nhắc đến Lịnh Chủ. Dù Trương Thanh bảo là nên ngăn chận Lịnh Chủ lên núi, song tại hạ nghĩ điều đó có phần nào quá đáng, giả như nàng không muốn gặp Lịnh Chủ thì thôi, cứ để cho người khác gặp có sao đâu? Cho nên tại hạ thấy Lịnh Chủ nên lên đó để gặp lại những cố nhân. Tại hạ xin lãnh trách nhiệm sự mời mọc này, dù phải đứt đầu cũng cam. Huống chi, biết đâu nghe Lịnh Chủ đến đây rồi Trương cô nương không thay đổi chủ ý?
Quan Sơn Nguyệt chưa đáp liền. Sau cùng chàng lắc đầu thốt:
– Thôi các hạ ạ. Thà không gặp còn hơn! Gặp nhau rồi biết nói gì với nhau.
Tại hạ biết được nàng đã làm nên việc hữu ích như vậy là cũng đủ vui rồi.
Chàng gọi Giang Phàm, đoạn quay mình định trở lại.
Lưu Tam Thái hấp tấp gọi:
– Lịnh Chủ! Nếu Lịnh Chủ không muốn lên núi thì cứ đứng đây chờ một chút tại hạ xin lên đó báo tin cho những người quen, họ sẽ xuống đây hợp mặt với lịnh chủ.
Quan Sơn Nguyệt đáp gấp:
– Khỏi! Khỏi cần! Tại hạ không muốn gặp lại người nào cả. Mà các hạ cũng không nên cho ai biết là có tại hạ đến đây.
Chàng vẫy tay chào biệt:
– Các hạ ở lại nhé. Chúc các hạ được mọi điều thuận lợi!
Chàng và Giang Phàm gấp bước ly khai Ngũ Đài Sơn liền sau khi dứt câu nói. Đi được một đoạn đường khá dài, liệu chừng đã cách Ngũ Đài Sơn xa rồi chàng mới chậm bước.
Giang Phàm thấy chàng trầm trầm gương mặt, lấy làm lạ hỏi:
– Quan đại ca! Có phải vì tôi mà Trương cô nương quyết liệt như vậy chăng?
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Không thể là như vậy!
Giang Phàm cau mày:
– Thế tại sao nàng tránh mặt đại ca?
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Cô nương không hiểu đâu!
Giang Phàm giương tròn đôi mắt.
Nhưng Quan Sơn Nguyệt không nói gì thêm.
Một lúc lâu, Giang Phàm cất tiếng:
– Bây giờ chúng ta đi đâu đây đại ca?
Đang triền miên suy nghĩ, bị gọi trở về thực tại Quan Sơn Nguyệt giật mình.
Chàng biết đáp làm sao? Trời đất mênh mang, nhưng nơi nào là chốn dung thân cho chàng dù chỉ là tạm thời?
Từ sau ngày tiếp thọ Minh Đà Lịnh, để xuất hiện trên giang hồ nối nghiệp ân sư, chàng luôn luôn đi không dừng bước, nay đây mai đó luân lạc khắp bốn phương trời. Không nơi đến đã đành, mà chàng cũng nhận ra hiện tại chẳng có việc gì khác để đeo đuổi.
Chàng từng lấy việc trừ hung diệt bạo cứu nhược phò nguy làm bổn phận, thì nay Thái Cực Bang vì cái việc đó mà thành lập và công khai tuyên bố tôn chỉ của họ với chàng qua trung gia của Lưu Tam Thái. Chàng còn làm chi được nữa?
Lâu lắm chàng mới thốt:
– Chúng ta nên đến phía hậu Thần Nữ Phong xem Lý Trại Hồng giải quyết sự tình như thế nào. Tuy nhiên tại hạ e rằng mình đến quá muộn.
Giang Phàm liền thốt:
– Muộn? Làm sao muộn được? Mà cái gì muộn?
Quan Sơn Nguyệt tiếp:
– Ôn lão bà có cái quyết tâm kết liễu điều nhân quả thì Lý Trại Hồng có nhiều hy vọng thành công sớm. Bởi tình thế thuận lợi cho Lý Trại Hồng như vậy, tại hạ mới nói rằng muộn ...
Giang Phàm suy nghĩ một chút:
– Vậy thì chúng ta nên dò hỏi xem phần mộ của phụ thân đại ca ở đâu, để mách cho Lý Trại Hồng biết mà an táng hài cốt của phu nhân chung một chỗ.
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Phải! Hiện tại, tại hạ chỉ còn có mỗi một việc đó để làm thôi.
Giang Phàm lại hỏi:
– Rồi sau đó?
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một lúc lâu:
– Chúng ta trở về Quảng Hàn Cung tại Đại Ba Sơn sống cuộc đời an tịnh, vĩnh viễn đoạn tuyệt với kiếp giang hồ. Bởi chúng ta không còn nhiệm vụ gì nữa!
Thốt lên câu đó, chàng dàu dàu nét mặt.
Giang Phàm dù chất phác cũng biết được phần nào tâm tư của chàng. Nàng thốt:
– Nhất định là Quan đại ca không chịu nổi một cuộc sống như vậy!
Quan Sơn Nguyệt trầm giọng:
– Tại sao không? Làm sao cô nương biết được chứ?
Giang Phàm thở ra:
– Tôi không đủ lời lẽ để giải thích rành rẽ, song tôi biết chắc đại ca không thuộc hạng người thích an nhàn tự tại, tôi ví đại ca như con ngựa bất kham, không một mãnh lực nào trói chân con ngựa đó trong cái chuồng vĩnh viễn dù cho là một cái chuồng cực đẹp ...
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Một con ngựa bất kham? Thế cô nương cho rằng ngoài cái việc đánh, chém gây đổ máu, tại hạ không còn cái thú nào khác? Ngoài khung cảnh náo nhiệt hãi hùng, tại hạ không có một phương thức sinh hoạt nào khác? Cô nương có biết đâu bản tánh của tại hạ là rất ghét những sự giết chóc ...
Giang Phàm nở một nụ cười:
– Không phải vậy. Tôi chẳng hề cho rằng đại ca hiếu sát, song tôi lại tin là chẳng bao giờ đại ca chịu an nhàn và đại ca cũng không chấp nhận một cuộc sống quá bình tịnh. Cứ mỗi lần nghe vũ khí chạm nhau, nghe tiếng hò tiếng hét là đại ca phấn động hào khí, tâm huyết sôi trào. Phải biết con ngựa già còn nhớ mãi đường dài thì bậc hào hiệp chôn chặt được dũng khí? Huống chi đại ca đang tuổi phương cương thanh thiếu, dũng khí dâng cao?
Quan Sơn Nguyệt định tranh biện với nàng, bỗng nghe tiếng vó ngựa vang lên phía sau. Bất giác chàng quay đầu nhìn lại.
Trương Thanh phi ngựa lướt tới nhanh như tên bắn.
Chàng giật mình sững sờ giương mắt nhìn nàng lao đến vun vút, dù sao thì con tim của chàng cũng dao động ít nhiều.
Trương Thanh đến nơi, xuống ngựa, mở to mắt nhìn chàng, ánh mắt của nàng hiền dịu quá.
Nàng không nói tiếng nào cả.
Mà Quan Sơn Nguyệt cũng chẳng nói gì.
Một lúc lâu, nàng nhẹ giọng thốt:
– Quan đại ca, đại ca không hận tôi?
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Ngu huynh không có lý do gì hận Thanh muội, mà chỉ có lý do bị Thanh muội hận!
Trương Thanh hấp tấp tiếp:
– Quan đại ca lầm rồi! Chẳng phải vì cá nhân tôi mà tôi không muốn gặp đại ca, chẳng phải vì hận đại ca mà tôi từ khước gặp mặt đại ca ...
Quan Sơn Nguyệt hết sức hoang mang.
Thấy Quan Sơn Nguyệt sững sờ, không nói năng chi hết, Trương Thanh lại hỏi:
– Quan đại ca hiểu rõ những gì tôi vừa nói đó chăng?
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Thanh muội ơi! Thật sự, ngu huynh chẳng hiểu gì cả!
Chàng thở dài.
Trương Thanh nhếch nụ cười khổ, thốt:
– Trong tình trường, Quan đại ca vướng phải nhiều cảm lụy hơn ai hết, nhưng cuối cùng rồi đại ca cũng tìm được cái bến yên vui mà đổ con thuyền, không còn phiêu bồng trên khổ hải như những ngày qua, thuyền tình gặp bến đỗ, thì khách tình nên xây tổ uyên ương để tận hưởng lạc thú nhân sanh. Ngũ Đài Sơn hiện nay là nơi nhóm tụ những con tim bất toại nguyện, những con tim đó mãi mãi hướng vọng về bốn phương trời, lắng ngóng tiếng nhịp hòa đồng của khách tri âm, thì Ngũ Đài Sơn cũng là nơi mà đại ca không nên bước chân đến đó nữa.
Con người có thể sống với ảo ảnh, với hoài mơ, chứ kiếm kẻ chịu nổi thất vọng khi thực tế hiện ra một cách phủ phàng. Đại ca không nên mang đến cho họ niềm uất tức bị bỏ rơi. Tốt hơn, đừng đến nữa, đại ca!
Quan Sơn Nguyệt nghe lòng tan nát.
Trương Thanh thay mặt tất cả những người trên Ngũ Đài Sơn mà nói, hay mượn cái cảnh huống của những người đó mà gián tiếp nói lên tiếng lòng của chính nàng?
Chàng khoát tay, rít lên:
– Thôi đi! Thanh muội! Đừng nói nữa! Đừng!
Trương Thanh chú mắt nhìn chàng, trong ánh mắt ẩn ướt niềm xót xa lẩn oán trách. Đã nói, nàng phải nói luôn, nói một lần để rồi mãi mãi không nên nói nữa.
Nàng tiếp:
– Trong mấy năm qua, tiểu muội từng lưu tâm đến mọi hoạt động của giới giang hồ, tiểu muội nhận ra, phần lớn những diễn tiến đều bắt nguồn như oan nghiệt của ái tình. Cho nên, tiểu muội dồn nỗ lực ngăn chặn sự bành trướng của các cuộc thanh toán lẫn nhau phát sanh từ hận cừu của tình nghiệt. Từ nghìn xưa, những cuộc tranh chấp giữa giang hồ đều mang tánh chất thế quyền, lợi lộc, đặc biệt trong giai đoạn nầy, chính tình nghiệt là động cơ của mọi hoạt vụ, cái đáng lo hơn, là trong những trận mưa máu gió tanh nầy, lại có đủ từng lớp tuổi bị lôi cuốn vào! May mắn thay, tiểu muội đã thành công phần nào về việc áp chế sự bành trướng đó, và tình hình được lắng dịu bớt đi. Nhưng sự thành công đó, là một thành công giai đoạn hay trong tương lai tiểu muội sẽ chuốc lấy thất bại? Và sự lắng dịu hôm nay sẽ là tạm thời, và khi có cuộc bùng nổ trở lại, khốc liệt hơn gắp trăm ngàn lần ...
Quan Sơn Nguyệt vội đáp:
– Thanh muội, ngu huynh đã hiểu ý của Thanh muội rồi, bất quá Thanh muội nên biết cho ngu huynh ...
Thốt đến đó, chàng chực nhớ là có Giang Phàm bên cạnh, liền bỏ dở câu.
Lời không thoát được, thì chàng dùng ánh mắt nói thay lời.
Trương Thanh hiểu chàng muốn nói gì, gật đầu, tiếp:
– Quan đại ca yên tâm, tôi thấu đáo ý tứ của đại ca, sở dĩ tôi không hận đại ca là tôi hiểu những uẩn khúc trong tâm tư của đại ca. Tôi chẳng bao giờ có ý đố kỵ Giang cô nương là người từng bầu bạn với đại ca trong những ngày qua cũng như trong những ngày sắp đến.
Quan Sơn Nguyệt vòng tay:
– Thanh muội ơi, người biết nhau, quý ở tấm lòng, Thanh muội hiểu cho ngu huynh như vậy thì suốt đời ngu huynh nhớ mãi. Ngu huynh không còn gì để nói thêm nữa.
Niềm lưu luyến hiện lộ nơi ánh mắt của Trương Thanh, nàng hỏi:
– Quan đại ca sẽ làm gì trong tương lai?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Ngu huynh còn một việc cần giải quyết, xong việc đó rồi, ngu huynh trở về Đại Ba Sơn, giam mình vĩnh viễn trong Quảng Hàn Cung, dứt khoát mọi liên quan với nhân gian thế sự.
Trương Thanh gật đầu:
– Tốt! Tôi không nên cầm chân Quan đại ca lâu hơn, vậy đại ca cứ đi! Bất quá, đại ca nhớ cho rằng chúng ta là một đôi bạn tốt, giả như sau nầy đại ca có cần chi đến tôi, thì cứ ...
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Ngu huynh tin rằng chẳng có điều chi quan trọng cần phải làm nhọc đến Thanh muội. Việc của ngu huynh, chỉ tự mình giải quyết được thôi, bất cứ ai trên đời nầy dù thừa tài, dư sức cũng chẳng tiếp trợ ngu huynh được. Tuy nhiên, ngu huynh xin ghi nhớ lời của Thanh muội, và nếu một ngày nào đó, Thanh muội có rỗi rảnh ...
Trương Thanh vội chận lời:
– Thì tôi đến Đại Ba Sơn, vấn an đại ca! Nhưng, chẳng biết đến lúc nào mới thuận tiện đây, đại ca?
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Đến lúc nào lại chẳng được? Tại sao Thanh muội hỏi câu đó? Thanh muội nên nhớ, luôn luôn ngu huynh mở rộng cửa đón tiếp Thanh muội.
Trương Thanh nhếch nụ cười khổ:
– Quan đại ca! Tuy tôi không tin là đại ca như con rồng thiêng vẫy vùng giữa trời cao gió lộng, ngao du khắp bốn phương, không câu, không thúc, song tôi lại chẳng biết đến lúc nào thì đôi chân của đại ca phải bị dây tình trói buộc mà dừng lại vĩnh viễn ở một nơi. Cho nên, tôi không định trước thời kỳ trùng phùng.
Nói thực ra, chẳng phải tôi muốn gặp lại đại ca, điều mà tôi muốn thấy là ...
Quan Sơn Nguyệt khoát tay:
– Điều đó không thể có!
Trương Thanh không tin như vậy:
– Chưa chắc đâu, Quan đại ca! Lịnh sư đợi đến hai mươi năm dài, mới gặp được cái điều mong gặp, thì dù đại ca có lần lựa cũng thế thôi, bất quá thời gian có dài hơn, đối với lịnh sư vậy đó, chung quy rồi cũng có lúc đại ca giẫm chân lên con đường của lịnh sư. Mọi quyết định hôm nay của đại ca, thời gian có cái bổn phận sửa đổi sau nầy, cho hợp với cái số của đại ca. Con người, ai ai cũng có số hết, đại ca ơi!
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút, đoạn vẫy tay:
– Hẹn gặp lại nhau, Thanh muội!
Trương Thanh trầm buồn, thấp giọng:
– Sẽ gặp lại nhau, Quan đại ca! Chào biệt Giang cô nương!
Đứng bên cạnh Quan Sơn Nguyệt, Giang Phàm nghe đôi đàng vấn đáp với nhau, không hề chen một lời nào.
Đến lúc đó, nàng mới cất tiếng hỏi:
– Trên Ngũ Đài Sơn, còn có chỗ dung nạp một người nữa chăng, hở Trương cô nương?
Trương Thanh giật mình:
– Sao bỗng nhiên cô nương hỏi tôi câu đó?
Giang Phàm biến sắc mặt:
– Câu chuyện giữa cô nương và Quan đại ca mở tâm trí của tôi rất nhiều, và tôi đã nhận ra cái địa phương mà tôi cần đi đến. Tôi xét kỹ rồi, tôi thuộc thành phần mà cô nương đang quy tụ trên đỉnh Ngũ Đài Sơn đó ...
Đến lượt Quan Sơn Nguyệt giật mình, chàng hấp tấp hỏi:
– Giang Phàm! Cái địa phương nào mà cô nương định nói đến đấy?
Trương Thanh cũng thốt:
– Giang cô nương ơi! Ngũ Đài Sơn là nơi nhóm tụ của những nữ nhân hờn duyên oán phận, đau khổ vì tình, những kẻ cô đơn chích thân chích bóng, những kẻ sống với mộng ngày qua mà nhường cái thực tại đầy diễm phúc cho một số người được tạo vật ưu ái. Cô nương đã là vợ của Quan đại ca, trong tương lai bao nhiêu phúc hạnh đang chờ ...
Giang Phàm lộ vẻ ảm đạm:
– Quan đại ca! Trương thơ thơ! Hai vị đừng lừa dối tôi! Đành rằng tôi chưa từng trải thế thái nhân tình, song ít nhất tôi cũng có cái lý trí, xét người không đúng chứ tôi xét mình nghĩ cũng chẳng sai, tôi không đến nỗi quá hồ đồ.
Trương Thanh sững sờ một lúc:
– Giang cô nương! Tôi chẳng còn biết phải nói gì với cô nương. Dù sao thì tôi không cự tuyệt ý muốn của cô nương gia nhập hàng ngũ những nữ nhân bất đắc chí trên Ngũ Đài Sơn.
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp kêu lên:
– Trương Thanh! Thanh muội ...
Trương Thanh chính sắc mặt:
– Quan đại ca! Tôi không có ý phá hoại hôn nhân của hai người đâu.
Nhưng tôi xét ra, cái việc Giang cô nương muốn ly khai đại ca, vị tất là một điều không phát xuất từ chỗ sáng suốt của tâm não?
Quan Sơn Nguyệt muốn nói, nhưng không tìm được lời, lại nín lặng.
Giang Phàm vừa khóc vừa thốt:
– Quan đại ca! Chính tôi muốn ly khai đại ca, tuy cuộc hôn nhân của chúng ta, chỉ mới là khẩu ước, song chẳng vì sự việc chưa thành mà tôi không ghi nhận hảo tâm của đại ca. Suốt đời, tôi vẫn cảm kích đại ca ...
Quan Sơn Nguyệt thấp giọng:
– Giang Phàm! Tại hạ không phải là con người phản phúc vô thường ...
Giang Phàm gật đầu:
– Tôi biết, Quan đại ca! Đại ca là một người tốt, đành rằng đại ca vì thương hại tôi mà đáp ứng cuộc hôn nhân, song tôi có thể tin được là trong tương lai, đại ca sẽ đối xử tốt đẹp với tôi, mãi mãi tốt đẹp với tôi. Dù vậy, tôi vẫn muốn ly khai đại ca.
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một lúc:
– Tại hạ không khi nào phụ phàng, Giang cô nương ...
Giang Phàm khoát tay:
– Đừng quá cố chấp, đại ca ơi! Cố chấp mà làm một việc không hoàn toàn thích hợp với tâm nguyện, thì đâu thể hướng trọn niềm vui. Huống chi, sự ly khai của tôi chẳng có giá trị gì cả, sở dĩ tôi muốn ly khai là vì đại ca cần có tự do để hành động theo ý thích, tôi không muốn mình làm một trở ngăn, ràng buộc, có thế thôi. Tôi sẽ chẳng hối hận về quyết định hôm nay đâu. Tôi noi gương của Trương thơ thơ, vĩnh viễn giữ mãi cái ý niệm tốt đẹp về đại ca.
Trương Thanh đặt tay lên vai Giang Phàm, hỏi:
– Sao cô nương thức ngộ nhanh chóng thế?
Giang Phàm đáp:
– Trước kia, thì tôi còn mù mờ, chưa biết rõ chí hướng của Quan đại ca, giờ đây, nghe hai người đối thoại, tôi mới nhận ra, đại ca chẳng khác nào con thần long, cần có trời cao đất rộng để vẫy vùng, từ trước đến nay, đại ca chưa thực sư yêu một nữ nhân nào, những gì đại ca đã làm, cho người nầy hay cho người kia, đều vì đạo nghĩa bức bách mà làm. Do đó, mình phải xét mình, không nên gây phiền lụy cho ai cả. Do đó, mình phải biết tiến, biết thoái, tuyệt đối không nên làm một người thừa, trước con mắt của bất cứ ai.
Day qua Quan Sơn Nguyệt, nàng hỏi:
– Tôi nói có đúng không, Quan đại ca?
Quan Sơn Nguyệt không đáp.
Trương Thanh rung giọng đáp thay:
– Cô nương không nói sai đâu, chẳng những thế, cô nương còn thấu triệt cái đạo lý hơn tôi nhiều. Quan đại ca vì tôi mà mạo hiểm đến Đại Ba Sơn, khẳng khái đáp ứng kết hôn với cô nương, việc đáp ứng đó dù phát xuất từ cái tâm trí thành, vẫn còn ràng buộc bởi đạo nghĩa, chứ không thể nói là vì tình yêu được.
Đương nhiên, đại ca cũng có dành cho chúng ta phần nào tình cảm, song tình cảm đó không đủ làm thỏa mãn chúng ta, vì nó là thứ tình cảm hào hiệp, không mảy may đượm chất yêu đương! Vì nó không phải là thứ tình cảm mà chúng ta mong muốn, đòi hỏi, đến ...
Giang Phàm nhanh miệng chận lại:
– Nên chúng ta chờ đợi trong niềm hy vọng!
Trương Thanh nhếch nụ cười khổ:
– Cô nương còn hy vọng được, chứ cái tâm của tôi thì đã chết từ lâu rồi.
Giang Phàm ngẩng cao mặt, nói:
– Chỉ cần trong tâm của Quan đại ca không có một hình ảnh nào khác, thì chúng ta vẫn có thể hy vọng, Trương thơ thơ ạ! Không nên vội vàng lạnh lòng khi còn một điểm than hồng giúp chúng ta nhen nhúm ngọn lửa yêu đương.
Trương Thanh thở ra:
– Cô nương biết không, tôi quen biết với Quan đại ca từ lâu lắm đó, thời gian quen nhau quá đủ để chứng nghiệm một thái độ, và tôi đã thức ngộ rằng niềm hy vọng dù nuôi dưỡng như thế nào, chung quy nó cũng trở thành sự tuyệt vọng. Bởi thế tôi dừng chân nơi cái chỗ phải dừng, tránh cho mình tiếp tục làm một việc vô ích.
Giang Phàm tặc lưỡi:
– Trương thơ thơ đã giúp Quan đại ca khá nhiều việc, và tình của thơ thơ đối với đại ca cũng rất nặng ...
Trương Thanh gật đầu:
– Sự thật là vậy, nếu bằng vào những diễn tiến từ trước đến nay. Nhưng, bắt đầu từ phút giây nầy trở về mai hậu, thì vị tất là như thế, Giang cô nương ơi!
Giang Phàm lắc đầu:
– Tôi hiểu trong tương lai, vẫn chẳng có người nào sánh được với cô nương.
Trương Thanh cắn răng:
– Không có người sánh được với tôi, dù quả thật là như vậy đi nữa, liệu tôi sẽ thu hoạch được gì, khi mà tôi không đủ khả năng làm rung động con tim của Quan đại ca? Không, Giang cô nương ạ, chẳng bao giờ tôi đặt kỳ vọng trong tương lai, tôi đã nói, cái tâm của tôi đã chết rồi!
Giang Phàm thở ra.
Quan Sơn Nguyệt khó chịu quá chừng, chàng buông gọn:
– Các vị nhận định tại hạ như là một kẻ trời sanh ra với tánh tình lạnh nhạt, một con người thiếu hẳn quả tim!
Trương Thanh lắc đầu, nghiêm sắc mặt, đáp:
– Tôi không có ý tưởng đó đâu, Quan đại ca. Mà tôi cũng tin rằng Giang cô nương đồng tâm tưởng với tôi luôn! Bọn chúng tôi xem đại ca là con người đáng kính, chúng tôi không hận đại ca và hằng cầu phúc cho đại ca ...
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút:
– Đa tạ các vị! Vĩnh viễn tại hạ cảm kích các vị!
Giang Phàm chính sắc mặt:
– Chúng tôi không muốn đại ca cảm kích làm gì, cũng như chúng tôi không muốn đại ca miễn cưỡng bày tỏ một thứ cảm tình bất đắc dĩ, không bắt nguồn từ cái tâm chân chánh của con người. Tôi đi theo Trương thơ thơ, ở với Trương thơ thơ tại một nơi, ôm ấp cái gì đáng được hoài niệm, bỏ đi những cái phù phiếm, xa rời thực tế. Tôi sẽ sống trong hoàn cảnh đó, đại ca ạ, âm thầm đếm trọn chuỗi ngày ...
Trương Thanh điểm một nụ cười:
– Và, khi Quan đại ca tìm được một người lý tưởng, thì chúng tôi sẽ đến mầng cho đại ca gặp được tình yêu chân chánh ...
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Tại hạ không tin là sẽ có con người đó, theo tại hạ nghĩ thì trên đời nầy, ngoài hai vị ra, chẳng còn một nữ nhân nào hiểu rõ tại hạ. Không hiểu nhau thì làm sao gọi được là người lý tưởng? Không hiểu nhau thì đâu có thể chân chánh yêu nhau?
Giang Phàm cười nhẹ, thốt:
– Thế thì Quan đại ca trong một ngày nào đó, trở lại gặp bọn tôi, lúc ấy cứ mang theo tình yêu chân chánh, tặng ai thì tặng, người không được tặng trong chúng tôi sẽ chẳng bao giờ đố kỵ, trái lại còn thành thật vui mầng cho người được tặng.
Quan Sơn Nguyệt vòng tay:
– Tại hạ không dám nói trước như thế nào, tuy nhiên, giữa cõi đời nầy, cái gì cũng có thể xảy ra được cả, hiện tại thì tâm tình của tại hạ rối loạn vô cùng, tại hạ không dám hứa là có trở lại gặp các vị hay không. Tương lai dù thế nào đi nữa, cũng sắp xếp mọi việc cho chúng ta ...
Trương Thanh nói:
– Quan đại ca nên nhớ, là có tự do hoàn toàn trong sự tuyển chọn ngày sau đấy nhé!
Quan Sơn Nguyệt nghiêm giọng:
– Giả như tại hạ quyết định yêu một người, thì người đó phải là một trong hai vị. Chẳng bao giờ có việc yêu kẻ thứ ba ...
Trương Thanh mỉm cười:
– Quan đại ca ơi, đừng vội hạn chế chiều hướng con tim, cứ để cho nó tự do tìm đường thích hợp, mặc cho nó thi hành sứ mạng tìm hạnh phúc chân chánh cho đại ca. Bởi, tình yêu không thể đến với đại ca bằng lý trí, tình yêu không chấp nhận bất cứ sự tính toán nào, có tính toán là có giao dịch, có điều kiện, trong trường hợp đó, tình yêu mất tánh cách thanh cao rồi. Chỉ có con tim thôi, chính nó tìm cái nhịp điệu tương đồng, và chỉ có nó mới không lầm lạc. Giả như Quan đại ca gặp kẻ thứ ba, bọn tôi sẽ không bao giờ oán hận đại ca. Luôn luôn, chúng tôi bình tâm chờ đợi ngày đại ca trở lại ...
Quan Sơn Nguyệt nói:
– Còn các vị cũng không nên tự giam mình trong cảnh chết như vậy! Trong tương lai, nếu gặp được một người xứng tâm, vừa ý, thì các vị đừng ngần ngại xây nhịp cầu ái ân, tại hạ sẽ hết sức hoan nghinh quyết định hợp tình hợp lý của các vị. Ngày xuân trôi qua như lá rụng, lá chẳng trở lại cành thì ngày xuân trôi qua rồi là vĩnh viễn ra đi, tại hạ nghĩ các vị cần quý trọng thời xuân, cái thời kỳ mà hương đời ngào ngạt hơn lúc nào hết!
Trương Thanh chỉnh nghiêm sắc mặt:
– Đa tạ Quan đại ca có lòng chiếu cố, song trên đường đời, mỗi người đều có một chủ trương, và chỉ có lúc kết cuộc mới biết được chủ trương của một người đó kiên định hay không, nếu bây giờ, tôi quả quyết ràng, chủ trương của tôi chẳng phải là thứ chủ trương giai đoạn, nó đổi thay tùy tiến trình thời gian, thì chắc là Quan đại ca không tin lắm!
Quan Sơn Nguyệt không dám kéo dài cuộc đối thoại hơn nữa, chàng nhảy lên lưng ngựa, vẫy tay:
– Tại hạ mong rằng lần gặp nhau hôm nay chưa phải là lần cuối!
Chàng cũng chẳng dám nhìn hai nàng, buông xong câu chào biệt, lập tức giật cương, thúc gót vào hông ngựa. Ngựa phi nước đại ngay, thoáng mắt chàng chỉ còn là một bóng nhỏ mờ trên con đường thăm thẳm ...
Nhìn theo bóng chàng, hai thiếu nữ man mác, bâng khuâng, lệ không trào mi nhưng lệ ngập cõi lòng.
Lâu lắm, Giang Phàm than nho nhỏ:
– Chàng đã đi rồi! Chàng còn trở lại chăng?
Lệ thảm bị ngăn chận từ lâu, theo tiếng nói trào lên, tuông thành dòng xuống má.
Nàng khóc, Trương Thanh cũng khóc.
Trương Thanh thốt qua mơ màng:
– Nào ai biết được những gì ở tương lai? Cô nương đã buông tay cho cánh chim trời tung mây lướt gió, thì tốt hơn là hãy hủy diệt niềm hy vọng còn lại nơi tâm tư, bởi nó đã trở thành một ảo tưởng rồi, thực tế một khi giả biệt chúng ta thì vĩnh viễn nó không hề quay về dưới hình thức cũ. Còn luyến lưu cố niệm là tự gia tăng cái khổ!
Giang Phàm cũng mơ màng:
– Tôi biết, Quan đại ca xem nghĩa nặng như núi, tôi tin rằng Quan đại ca sẽ trở lại, trong một ngày nào đó, hoặc gần, hoặc xa ...
Trương Thanh nắm lấy cương ngựa, nói:
– Hãy cố mà quên chàng đi, cô nương. Cô nương ly khai chàng như vậy, là phải lắm đó. Giả như cô nương có theo chàng khắp bốn phương trời, dù cô nương không bị chàng khinh bạc, song con người đó, chẳng bao giờ cô nương chiếm được quả tim đâu. Bởi chàng ...
Giang Phàm thốt:
– Bởi chàng đã dành con tim đó, trọn vẹn cho thơ thơ rồi!
Trương Thanh điểm một nụ cười:
– Phải! Và hiện tại thì con tim đó được chia cho cô nương một phần, bất quá tôi không hối hận, điều đó thì cô nương có thể yên trí. Bởi, sức lực của một cá nhân tôi dù sao cũng yếu, riêng một mình tôi thì tôi không hy vọng gì giữ chàng mãi mãi với mình. Song, có sự trợ giúp của cô nương, thì lại khác, trong tương lai thế nào chàng cũng sẽ trở lại với chúng ta! Trước mắt chúng ta, thời gian chờ đợi chưa biết dài hay ngắn như thế nào, tuy nhiên trên Ngũ Đài Sơn có rất nhiều việc giúp chúng ta hoạt động để quên đi cái nôn nao chờ đợi ...
Hai nàng quay đầu ngựa, từ từ trở lại Ngũ Đài Sơn.
Quan Sơn Nguyệt giục ngựa chạy nhanh về phía trước mặt, thỉnh thoảng chàng cũng có quay đầu nhìn lại. Chàng làm sao nở dứt áo ra đi như thế được?
Chàng làm sao không hiểu là hai nàng đang lấy mắt tiễn đưa chàng trên dặm đường dài, nó dài vì hầu như vô định, một con đường vô định thì còn biết đoạn cuối nó ở nơi đâu? Và đến thời gian nào thì chàng đi suốt quãng đường đó?
Hiện tại, ly khai được Giang Phàm, dù sao thì Quan Sơn Nguyệt cũng cảm thấy là mình nhẹ đi một gánh nặng, sự ly khai nàng không gây thêm niềm lưu luyến thiết tha cho lắm. Bất quá ngày nào xuôi ngược có kẻ bên cạnh, chốc chốc đàm đạo một vài câu, đành là tâm tịch mịch nhưng xác vẫn có đôi, hành trình đỡ tẻ. Giờ đây, một thân bôn ba giữa gió bụi cô đơn bao phủ quanh mình, sự đổi thay đó hơi làm cho chàng bùi ngùi một chút thôi.
Nhưng, cái điều làm cho chàng thực sự nhẹ nhàng tâm trí là Trương Thanh đã tỏ ra hiểu biết chàng, nàng phân tách tường tận những uẩn khúc trong thâm tâm của chàng, nàng nhìn vào lòng chàng như nhìn vào mảnh gương và lòng chàng phơi lộ trước mắt nàng ...
Ngồi trên mình ngựa, để mặc ngựa giục vó tiến đều, chàng hồi ức lại những gương mặt quen từ ngày tiếp nhận Minh Đà Lịnh, nối nghiệp Lịnh Chủ, dấn thân trên giang hồ, trải qua từ vùng sa mạc vào tận nội địa Trung Hoa, dĩ nhiên chàng soát lại những khuôn mặt nữ.
Bắt đầu từ Trương Thanh là nữ nhân mà chàng tiếp xúc đầu tiên trong đời, chính nàng đã gây nên một cảm nghĩ lạ lùng nơi chàng, lúc đó thì chàng chưa biết nó là cái bào thai của ái tình mà chàng bắt đầu cưu mang cho đến một ngày ...
Sau Trương Thanh, là Khổng Linh Linh, đang cơn hôn mê, chàng làm sao biết được Khổng Linh Linh dành nhiều cảm tình cho chàng?
Rồi tiếp đến Lạc Tiểu Hồng, Liễu Y Ảo, cuối cùng là Giang Phàm.
Ngoài ra, chàng làm sao quên được cái vị tiểu cô nương Linh Cô có lẽ giờ đây nàng ấy còn lưu lại Thiên Xà Cốc!
Trong các khuôn mặt quen, chỉ có Linh Cô là nhỏ tuổi hơn hết, có lẽ vì nàng cho rằng mình nhỏ tuổi, nên chẳng dám sớm tỏ lộ cảm tình chứ Quan Sơn Nguyệt thừa hiểu là nàng yêu chàng, yêu tha thiết chân thành.
Trong số đó, có nàng đổi yêu thành hận, quá hận mà muốn giết chàng, giết để vĩnh viễn chàng không về tay ai khác, chứ không vì thù mà chống đối chàng, cũng như không hề tận tụy với môn phái nào mà phải sát hại chàng, với ý chí phục vụ cho môn phái đó.
Nhưng kiểm điểm lại những đoạn tình cảm ở mỗi nàng, Quan Sơn Nguyệt thở dài. Chẳng có một nàng nào làm cho chàng phải xúc động tâm tình một cách vĩnh cửu! Cho nên, từ bao lâu nay, chàng không đáp lại những gì mà các nàng sẵn sàng dâng hiến cho chàng.
Cửa lòng của chàng còn khép chặt, hoặc giả vì chàng khó tánh hoặc giả con người lý tưởng chưa hiện đến với chàng?
Con người lý tưởng đó, đương nhiên phải có tầm mắt siêu thoát như chàng, con người đó không hề tầm thường như những nàng ấy. Về nhan sắc, họ có mỗi người một vẻ, họ là những mẫu giai nhân trên thế gian nầy, song những mẫu đó không hạp với sở thích của chàng, thì còn biết làm sao hơn? Họ trách cứ chàng lạnh lùng, cao ngạo, thì đành vậy, chàng không thể chấp nhận một cách miễn cưỡng!
Rồi chàng tự hỏi:
“Hay là thực sự mình chẳng có con tim?”.
Nhưng, chàng cũng tự tắc trách luôn là cái tao ngộ xứng ý nhất chưa đến với chàng. Chàng miên man với những ý niềm đó rất lâu, cuối cùng cũng chưa dứt khoát được tư tưởng.
Dù sao thì chàng cũng nhìn nhận là bất cận nhân tình ít nhiều, do đó mà tạo thành sự thất vọng nơi những cô nương kia, khiến họ phải hận chàng.
Bỏ đi những suy tư viển vông, chàng trở về thực tại, đặt ra một cái đích cho cuộc hành trình nầy. Chàng định đến Vu Sơn, xem Lý Trại Hồng và Ôn Kiều giải quyết sự tình như thế nào.
Từ đất Tấn vào Thục, ven theo đường là núi non, rừng rậm, lối đi kỳ khu hiểm trở, người đi bộ còn khó khăn, huống chi ngựa?
Phàm đường đi khó, thì hành trình phải chậm, chàng thay đổi chủ ý, bỏ luôn đường bộ, do theo đường thủy mà tiến tới.
Đến địa giới đất Tấn, chàng bỏ ngựa, thuê thuyền, thuận dòng Hán Thủy vào phía đông vùng Ngạc, đến Hạ Khẩu lại phải thay thuyền, theo Trường Giang xuôi về Tây, vào luôn đất Thục.
Từ Hạ Khẩu, chàng may mắn được đáp trên con thuyền khá lớn, hành khách trên thuyền rất tạp nhạp, gồm đủ hạng người, vì chàng đến chậm hơn nên khoang dành cho hành khách hết chỗ, chàng phải ngồi ở khoang sau. Nơi đây, khách lại tạp nhạp hơn.
Thành phần hành khách rất hỗn tạp, gồm đủ kẻ khuân vác, đánh xe, mua bưng, bán gánh, nông dân, tiểu thương, đến những người đi thăm thân nhân, cũng có mấy người rời quê hương, tha phương cầu thực.
Bình sanh, Quan Sơn Nguyệt chưa hề tiếp xúc với những hạng người nầy, bây giờ bỗng nhiên mà được quây quần với họ trên một chiếc thuyền kể ra cũng thú vị. Bởi, cuộc tiếp xúc nầy nói lên những cái mới mẻ đối với chàng. Những cái mà chàng cần hiểu biết, để sau nầy, thoái bước khỏi giang hồ, chàng sẽ không ngỡ ngàng hòa mình vào sanh hoạt với họ.
Người ta thấy chàng ăn mặc tươm tất đều có ý kính nể chàng. Có một vị tiểu thương sẵn sàng nhường chiếu cho chàng, điều đó làm chàng cảm kích vô cùng.
Mùa thu đã qua quá nửa, gió thu càng lạnh, gia dĩ mấy hôm nay mưa thu liên tiếp rơi, không khí buốt giá như vào đông, cái lạnh để gây sầu cho người xuất ngoại đi xa, cho nên hành khách đều có vẻ trầm trọng.
Quan Sơn Nguyệt rạt rào cảm hứng với nỗi xa, niềm gần, lấy bạc gọi chủ thuyền mang đến mấy vò rượu cùng thịt, rồi mời tất cả những kẻ đồng hành cùng chuốc chén.
Thấy chàng có vẻ hào hoa, hành khách lại càng kính nể hơn.
Thật ra, xuống thuyền rồi, Quan Sơn Nguyệt không có việc gì làm, cảm thấy thời gian dài quá, nên muốn cùng mọi người mua vui một lúc bên chén rượu nồng vậy thôi. Thành ra, vô tình chàng tạo một dịp cho mọi người a dua xu mị chàng.
Nhưng rồi chàng cũng không thấy hứng chút nào, mặc dù quanh chàng, ai cũng vui vẻ ăn uống, chuyện trò oang oang.
Chàng ngồi một chỗ, nâng chén rượu uống mà tưởng chừng như nuốt nước lã, cái hứng ban đầu phù du, thoáng hiện rồi thoáng mất.
Nhưng, chẳng phải chỉ có mỗi một mình chàng man mác trầm buồn.
Nơi góc khoang thuyền, còn có một vị khách nữa, vị nầy là một tiên sanh, chuyên khoa bói toán, hình dung khô cằn, mặt đen sạm, có lẽ y đã quá dạn dày sương gió nên con người tiều tụy thảm thương.
Tiên sanh vào lứa tuổi trên dưới lục tuần, nhưng theo sự suy đoán của Quan Sơn Nguyệt, thì con người đó già trước tuổi.
Một tấm biển bằng bố, rách nhiều chỗ, loại biển chiêu hàng có để mấy chữ:
«Ngô Khẩu Thiên lời ngay đoán tướng, nói đâu trúng đó.» Người và vật, trước mặt Quan Sơn Nguyệt, chẳng có gì lạ lùng, nhưng chàng lại chú ý đến nét bút trên tấm bố chiêu hàng.
Nét bút rất hùng vĩ, không kém nét bút của vị Thi Thơ tại Quảng Hàn Cung mà chàng có gặp qua dạo trước.
Thái độ của người đó cũng đặc dị, trong khi mọi người chung quanh ăn uống vui vẻ, thì lão ta lại điềm nhiên ngồi một chỗ, không hề uống, không hề ăn, mường tượng rượu thịt trước mắt lão là đất thó, không mùi vị gì. Gia dĩ, lão nghèo, tấm biển kia, chắc chắn là tự lão viết lên, chứ tiền đâu mà thuê viết? Con người nghèo sao lại không thích uống, ăn, nhất là khỏi phải trả tiền?
Quan Sơn Nguyệt không khỏi chú ý đến lão tiền bối đó. Chàng nhìn lão một lúc, đoạn bước tới trước mặt lão, vòng tay chào, rồi hỏi:
– Sao tiên sanh không ăn uống?
Tiên sanh lạnh lùng đáp:
– Không công mà hưởng lộc, là điều lão phu chẳng bao giờ làm. Chẳng có tiền mua ăn mua uống, thì đành nhịn ăn nhịn uống, chứ không hề tiếp nhận của ai, tiếp nhận như thế có khác nào là ăn mày? Lão phu không thích hưởng thứ của bố thí.
Vẻ mặt đã lạnh lùng, giọng nói lại cao ngạo quá, nhưng Quan Sơn Nguyệt không lấy làm điều.
Chàng dằn lòng được, song những người chung quanh lại không dằn lòng được, họ đã ăn đã uống, như vậy họ là những tên ăn mày sao? Họ hưởng của bố thí sao? Trong số hành khách, một vị thương gia bước ra cao giọng thốt:
– Ngươi là cái quái gì đó mà dám buông lời hỗn xược? Vị công tử này có nhã ý mời ...
Y hất cánh tay lên, ống tay áo thụt lại, động tác đó chứng tỏ y sẵn sàng động thủ.
Quan Sơn Nguyệt vội ngăn chặn:
– Mỗi người đều có tự do hành động, theo ý muốn riêng biệt chúng ta không thể cưỡng bách ai ...
Người thương khách đó không phục, cãi:
– Lão không tiếp thọ hảo tình của công tử, thì mặc lão chứ, tại sao lão nói năng hồ đồ ngang ngược thế? Bọn chúng tôi là kẻ hưởng sự bố thí của công tử sao?
Quan Sơn Nguyệt phải nhận thương gia đó nói đúng, tuy nhiên chàng mỉm cười, đàn giải:
– Người trong bốn biển, đều là huynh đệ cả, tại hạ mời các vị uống chén rượu nhạt, là để làm quen với nhau, các vị không nỡ chối từ, tại hạ hết sức cảm kích, đó là điều quan trọng. Còn như cái việc nói năng châm chích kia, là sự nhỏ mọn, huynh đài và các vị bỏ qua đi cho. Giận dỗi mà làm gì?
Người khách thương thốt:
– Giọng nói và thái độ của lão ta đáng ghét quá, lão hỗn xược như vậy, phải xin lỗi mọi người mới được cho.
Song phương cãi lẫy với nhau một lúc, Quan Sơn Nguyệt cố giải hòa, sau cùng chàng hỏi:
– Xin tiên sinh ...
Lão tướng số chỉ tay vào tấm bố đáp chận:
– Ngoài cái việc đoán mạng ra, lão phu chẳng biết gì cả, công tử muốn hỏi gì khác, thì đừng hỏi mất công, còn như muốn nhờ lão đoán vận mạng, thì trước hết phải ngã giá cho đàng hoàng.
Quan Sơn Nguyệt điềm nhiên:
– Tại hạ chỉ muốn thỉnh giáo quý danh tánh.
Tiên sanh lai chỉ tấm bố:
– Tên họ của lão phu ở trong đó.
Quan Sơn Nguyệt chớp mắt:
– Thế tiên sanh tên là Ngô Khẩu Thiên?
Tiên sanh gật đầu, rồi lão tiếp:
– Công tử muốn xem tướng, xin đưa ra cái giá đi!
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Giá cả, phải do tiên sanh định chứ, sao lại bảo tại hạ nói ra? Chẳng hay tiên sanh muốn nhận bao nhiêu thù lao?
Nhưng, người khách thương chen vào:
– Đừng, công tử! Lão ấy chỉ biết nói bậy nói bạ, xứng đáng chi đó mà công tử lại phí tiền vô ích? Cứ để cho tôi xem trước đi nếu lão nói trúng, thì công tử sẽ nhờ đến lão.
Đoạn y hỏi:
– Đoán mạng cho ta, ngươi lấy bao nhiêu tiền?
Ngô Khẩu Thiên đáp:
– Đoán cho người có quý tướng, ta lấy rất ít thù lao, ngược lại đoán cho bình thường, thì ta đòi thật nhiều tiền. Như ngươi đó, mạng của ngươi chẳng đáng một đồng tiền, xem cho ngươi vừa vô ích vừa chán, ta đòi một ngàn lượng bạc đó.
Thương gia nhảy dựng lên:
– Còn vị công tử này?
Ngô Khẩu Thiên tiếp luôn:
– Công tử có quý tướng, ta chỉ lấy nửa lượng bạc thôi.
Quan Sơn Nguyệt không khỏi bất bình, cho rằng Ngô Khẩu Thiên có thâm ý mỉa mai rõ rệt. Bởi làm gì có cái quy củ nghịch thường như vậy? Trên đời phàm là nhà tướng số thì ai lại không mong mỏi gặp được khách hàng có quý tướng? Khách càng quý thì thù lao càng trọng, sao lại gặp khách quý mà chỉ lấy thù lao tượng trưng còn gặp khách hèn thì đòi cao giá? Chàng nghĩ, đối với lão ta chàng hết sức lễ độ, ngược lại lão ta đối xử với chàng bằng cách đó, thì đáng hận thật.
Nhưng lão tướng số lại điểm một nụ cười, giải thích:
– Lão phu có cách đoán mạng lạ hơn bất cứ nhà tướng số nào, gặp người quý thì không cần thù lao, gặp kẻ hèn thì đòi rất cao, sự thật là vậy chứ không hề có hậu ý chi cả. Bởi lão phu nghĩ, kẻ hèn thì còn hy vọng chi nữa mà mong biết vận mạng? Kẻ đó làm một việc đèo bòng, lão phu phải đòi nặng cho mà ngán.
Quan Sơn Nguyệt hơi mỉa mai:
– Chỉ sợ tiên sinh hạ thấp giá trị một người để tăng bổng một người ...
Ngô Khẩu Thiên cười lạnh:
– Nếu lão phu biết nịnh hót một lần thôi cũng đủ sung sướng trọn đời, làm gì sống cái cảnh lạc phách rày đó mai đây cam chịu mọi thiếu thốn? Bởi chán ghét sự phụng thừa nên lão phu mới ấn định cái quy củ nghịch thường như vậy đó.
Quan Sơn Nguyệt chỉ mỉm cười không đáp.
Ngô Khẩu Thiên tiếp luôn:
– Tuy cái quy củ nghịch thường song rất công bình, công tử ạ. Người có tướng quý thì gặp hung cũng hóa kiết, gặp nguy cũng hóa an, lão phu cần chi phải nói tốt? Không nói tốt thì làm sao đòi thù lao nặng? Còn như những kẻ hèn hạ gặp hung gặp nạn là phải nguy, do đó lão phu cần chỉ điểm cho họ để chuyển hung chuyển nạn thành kiết thành an, lão phu phải suy đoán nhiều hơn, phí công nhiều hơn, tự nhiên thù lao phải xứng đáng với cái công đó.
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Tiên sinh có lý.
Ngô Khẩu Thiên thở dài, lại tiếp:
– Nói cho thông đạo lý chưa chắc có đủ cơm ăn, áo mặc, phàm người biết đạo lý thì ngàn vàng đâu có tiếc, chẳng hạn như công tử đó. Nhưng khốn nỗi, đối với hạng người như công tử thì lão phu lại chẳng thể lấy nhiều tiền, cho nên nghề tuy tinh mà vẫn đói mãi công tử ơi.
Người khách thương «hừ» một tiếng:
– Ai bảo ngươi lập dị? Có đói cũng đáng đời!
Ngô Khẩu Thiên thở dài:
– Lão phu đã nói là cam chịu mà. Thú thật, làm cái nghề này từ bao nhiêu năm qua, lão phu không bảo đảm nổi ngày ba bữa ăn đó.
Người khách thương day qua Quan Sơn Nguyệt:
– Tôi nghĩ nửa lượng bạc chẳng là bao, công tử cứ bố thí cho lão ta đi, thử xem lão ta đoán có đúng vận mạng hay không. Tôi nghĩ rằng lão đang đói lắm đó.
Ngô Khẩu Thiên thở dài lượt thứ ba:
– Đúng vậy, từ hôm qua lão phu chẳng có ăn uống gì. Nhưng ai cho không thì nhất định khước từ, bằng xem vận mạng thì lão phu sẵn sàng, đồng tiền đó là tiền công chứ chẳng phải tiền ăn mày, lão phu vui vẻ mà nhận.
Quan Sơn Nguyệt ướm thử:
– Xem thì xem, song tại hạ xin mời tiên sinh trước khi xem hãy uống rượu đó, ăn thịt đó, ăn uống rồi sẽ xem cũng chẳng muộn.
Chàng đưa tay chỉ rượu thịt bày trước mắt Ngô Khẩu Thiên.
Ngô Khẩu Thiên lắc đầu:
– Không được! Lão phu đã lập chí chẳng bao giờ nhận lộc không công.
Nếu không có cái chí đó thì lão phu đã no từ lâu rồi, đâu đến nỗi mang bụng đói mà xuống thuyền?
Quan Sơn Nguyệt tán:
– Tiên sinh có khí tiết cao quá.
Ngô Khẩu Thiên gằn từng tiếng:
– Nghèo gì thì nghèo, nhất định không thể nghèo khí tiết. Bởi vắng khí tiết là hết còn con người rồi. Lão phu nhờ có nó mà cao mặt sống đến tuần tuổi này đó công tử ơi!
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Cách xem tướng của tiên sinh như thế nào?
Ngô Khẩu Thiên đáp:
– Công tử cứ yên lặng, chẳng cần nói năng gì, lão phu quan sát dung mạo mà đoán. Nếu lão phu đoán sai, công tử có quyền xé nát tấm chiêu bài của lão phu.
Người khách thương lại bật cười vang:
– Xứng đáng chi một tấm bố rách mà bảo người ta phí công mó tay vào?
Ngô Khẩu Thiên chỉnh nghiêm sắc mặt:
– Nó không có giá trị vật chất song nó tượng trưng cho sự sống còn của lão phu, nhờ nó mà người ta sẵn sàng đem tiền đến cho lão phu, thì nó có giá trị tinh thần lắm chứ. Nó nêu rõ sanh ý của lão phu mà.
Quan Sơn Nguyệt đi ngay vào việc:
– Bây giờ xin tiên sinh xem giúp.
Ngô Khẩu Thiên nhìn chàng một lúc rồi đoán:
– Công tử cô đơn ngay từ lúc nhỏ, đôi mày lên đến tận mang tai thế kia là cha mất sớm, cốt nhục phân ly, chỉ như mẹ thì ...
Quan Sơn Nguyệt giật mình hấp tấp hỏi:
– Gia mẫu làm sao?
Ngô Khẩu Thiên đáp:
– Lão phu nói ra rồi, mong công tử đừng nổi giận.
Quan Sơn Nguyệt cắn mạnh hai hàm răng, đoạn thốt:
– Tiên sinh cứ nói.
Ngô Khẩu Thiên khẽ vuốt chòm râu, tiếp:
– Lịnh đường và lịnh tôn vốn không có duyên phận với nhau. Lịnh đường lại cũng chẳng có cái phần làm mẹ đối với công tử, sở dĩ hai vị cấu hợp với nhau là vì có sự miễn cưỡng, rồi do sự miễn cưỡng đó công tử mới ra đời. Một cuộc chung hiệp bất đắc dĩ như vậy chẳng bao giờ đem lại hạnh phúc, cho nên có sự thê thảm là lẽ đương nhiên, chẳng có gì phải lấy làm lạ.
Quan Sơn Nguyệt nghe nhói ở tim, bắt buộc phải công nhận:
– Tiên sinh đoán rất đúng.
Ngô Khẩu Thiên lại tiếp:
– Cung mạng của công tử rất là cường mãnh, ở với cha tất khắc cha, ở với mẹ tất khắc mẹ, dù có huynh đệ thì tiếng là huynh đệ song không thật sự là tay chân. Nhìn vào tướng sắc của công tử hiện tại, lão phu đoán là lịnh đường đã ...
Quan Sơn Nguyệt lại nghe nhói ở tim một lượt nữa:
– Gia mẫu đã tạ thế rồi.
Ngô Khẩu Thiên thở dài:
– Một cái chết đầy uất hận ...
Quan Sơn Nguyệt bật khóc. Rồi chàng bảo:
– Tiên sinh cứ đoán tiếp.
Ngô Khẩu Thiên lại nhìn chàng một lúc nữa:
– Các hạ lúc nhỏ tuy xa rời cha mẹ, song không đến đổi phải lưu lạc điêu linh, và trong những năm sau này các hạ có trải qua nhiều gian hiểm, tuy nhiên mỗi lần gặp nguy cơ là có nữ nhân xuất hiện tiếp cứu.
Lão ta bỏ hai tiếng công tử mà dùng qua hai tiếng các hạ để cho cuộc tiếp xúc có tánh cách giang hồ hơn.
Quan Sơn Nguyệt sững sờ. Chàng phải nhìn nhận lão tướng số này có biệt tài, chẳng như những người đoán mạng khác, tha phương cầu thực, chuyên tán dương bịa đặt mua chuộc khách hàng.
Trong võ lâm người ta có thể hiểu chàng qua những thành tích, còn như lai lịch thầm kín của chàng thì đã có mấy kẻ am tường?
Lão tướng số này nhất định không thể nghe ngóng mà đoán mò.
Ngô Khẩu Thiên nói về việc đã qua xong rồi nín lặng, không nói tiếp.
Quan Sơn Nguyệt đợi mãi, cuối cùng phải cất tiếng hỏi:
– Tiên sinh còn điều chi chỉ giáo nữa chăng?
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười đáp:
– Xem tướng đoán mạng, lão phu chỉ nói được bao nhiêu đó thôi. Còn như các hạ muốn biết gì thêm thì cứ hỏi, lão phu sẽ đoán cho, theo câu hỏi của các hạ.
Quan Sơn Nguyệt suy tư một chút:
– Trong tương lại tại hạ sẽ có một kết cuộc như thế nào?
Ngô Khẩu Thiên trầm ngâm giây lâu:
– Điều này rất khó nói, chiếu theo cung mạng của các hạ thì từ năm hai mươi lăm tuổi trở lên các hạ chẳng có một ngày nào an ninh cả. Các hạ sẽ trải qua đủ ba mươi sáu lần đại kiếp, những gì đã đến với các hạ trong thời gian qua tính lại chỉ mới có sáu lần đại kiếp thôi, còn những ba mươi lần nữa và lần nào cũng có sự đổ máu. Các hạ sẽ qua lọt hết ba mươi lần còn lại hay không, điều đó thì lão phu không thể quyết đoán được.
Quan Sơn Nguyệt trầm lặng không nói một tiếng nào.
Người khách thương buột miệng chen vào:
– Vậy là ngươi không biết đoán cái quái gì cả. Không đoán được họa phúc trong tương lai của người thì còn xưng là tướng số làm chi? Hành nghề như ngươi vậy thì ai mà làm chẳng được.
Ngô Khẩu Thiên chớp mắt:
– Mạng là do trời sanh, vận là do người cải biến, cho nên không thể nào hồ đồ vọng đoán cái đại kiếp sanh tử của một con người. Một ý niệm nhân từ cũng có thể vun bồi cội đức, làm một điều thiện cũng có thể được tăng gia số thọ, trong cái chỗ tối tăm mù mờ có quỷ thần soi xét, thiện ác thể nào thì có nhân quả thế ấy báo ứng hiển nhiên, chúng ta đều là phàm phu tục tử sao dám luận đến thiên cơ?
Quan Sơn Nguyệt tỉnh ngộ:
– Tiên sinh nói phải lắm. Đối với sự việc trong tương lai, tại hạ không dám nghe gì mà cũng chẳng dám nghĩ đến, chỉ theo lòng mình mà hành sự, trong chốn khuất mặt khuất mày có quỷ thần chứng giám, tại hạ cứ đường ngay đi tới thôi.
Ngô Khẩu Thiên vỗ tay reo lên:
– Phải! Nói như thế là đạt cái lý của nhân sanh rồi. Hành sự toàn bằng vào cái tâm, thì ngửa mặt lên các hạ không sợ trời, nhìn xuống các hạ không thẹn với người. Thiên đạo chí công, dù mình gặp hung, hung cũng hóa kiết, bao nhiêu tai họa cũng được giải trừ.
Quan Sơn Nguyệt tiếp:
– Lần này tại hạ theo hướng Tây tìm người, chẳng hay ...
Ngô Khẩu Thiên chận đáp:
– Cái điều đó không ứng hiện nơi tướng người, các hạ hãy nói cho lão phu một chữ đi, lão phu sẽ dùng khoa chiết tự mà đoán xem sao.
Quan Sơn Nguyệt không đắn đo:
– Tại hạ chọn chữ Quan đó. Quan sơn vạn dặm ...
Ngô Khẩu Thiên nhúng ngón tay vào chén rượu trước mặt, viết lên sàn thuyền chữ Quan hơi lớn một chút, rồi nhắm mắt lại suy tư. Một lúc sau lão thốt:
– Chữ Quan do các hạ đưa ra không có liên quan gì đến việc tìm người cả.
Bất quá người mà các hạ nói là đi tìm đó chỉ dính dáng phần nào vào cái việc mà các hạ muốn hiểu. Nếu thực sự đúng là các hạ đi tìm người thì lão phu xin xé quách tấm chiêu bài này, bỏ nghề luôn.
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp thốt:
– Thì tìm người cũng là để mà hỏi việc.
Ngô Khẩu Thiên lắc đầu:
– Không phải vậy đâu. Phàm về khoa chiết tự thì có mỗi một việc trọng yếu mà thôi, sự ứng nghiệm chỉ liên quan đến sự trọng yếu đó. Giả như các hạ muốn tìm người mà chữ Quan thì không ứng nghiệm cho việc tìm người, như vậy chứng tỏ là các hạ không có ý tìm người, chẳng qua các hạ muốn nói quanh ra ngoài điểm chánh mà thôi.
Quan Sơn Nguyệt phải thầm nhận lão tướng số nói đúng. Tuy cái tâm muốn gặp Lý Trại Hồng tại Vu Sơn, song cái ý thì lại muốn biết sự tình giữa Lý Trại Hồng và Ôn bà được giải quyết như thế nào.
Và cái người thực sự đáng cho chàng quan tâm hơn hết là Ôn bà chứ không là Lý Trại Hồng.
Suy theo đó thì lần ra đi Vu Sơn này có liên quan đến Ôn Kiều hơn là Lý Trại Hồng, và cái người chàng muốn gặp lại là Ôn Kiều dù chàng cứ tưởng đến Lý Trại Hồng.
Chàng phải phục cái tài chiết tự của Ngô Khẩu Thiên. Chàng vòng tay thốt:
– Tiên sinh cao minh quá, thực sự thì tại hạ muốn dọ thám một sự kiện chứ không phải là tìm người.
Ngô Khẩu Thiên cười hì hì:
– Các hạ đùa ác quá, rõ ràng là hỏi việc mà lại nói là tìm người! Làm lão phu rối rắm lên, cứ tưởng là khả năng của mình đi vắng!
Quan Sơn Nguyệt lại vòng tay, nghiêm sắc mặt hỏi:
– Trong chuyến Tây hành này mục đích là hỏi việc, chẳng hay kết quả ra làm sao?
Ngô Khẩu Thiên suy nghĩ một chút:
– Theo sự ứng nghiệm thì sự tình có kết quả đấy, tuy nhiên không phải là ở trước mắt đâu.
Quan Sơn Nguyệt lại hỏi:
– Kết quả như thế nào?
Ngô Khẩu Thiên tiếp:
– Sự hiểu biết của lão phu đến đây là cùng, cứ theo hình thể của chữ Quan thì ngoài là môn trong là uy, đóng cửa lại mà gỡ rối mớ tơ lòng, nếu bền chí kiên tâm thì rồi cũng sẽ thấy đầu mối. Tuy nhiên kết quả có chiều thuận lợi cho các hạ đó, có điều vì là một mớ tơ rối rắm, người trong cửa khó mà tự tìm ra đầu mối, do đó phải thêm sự tiếp trợ bên ngoài. Nhân cái sự trong và ngoài liên kết với nhau như vậy, lão phu đoán là còn nhiều chi tiết khác phát sanh nữa và cái kết quả không thể có trước mắt, mà chỉ phát hiện ở tương lai thôi.
Ngô Khẩu Thiên ngẫm nghĩ giây lâu:
– Do một chữ mà đoán ra bao nhiêu điều vừa nói, kể cũng nhiều rồi, vả lại những điều đó toàn là việc tương lai, chưa biết trúng hay sai, vậy các hạ không nên hỏi nữa, tránh cho lão phu vọng đoán.
Quan Sơn Nguyệt đáp tạ:
– Tại hạ hết sức cảm kích tiên sinh.
Ngô Khẩu Thiên thở dài:
– Muốn lấy một đồng tiền nhỏ mọn sống lây lất qua ngày, lão phu phải nói, nói nhiều miệng khô lưỡi gãy, nghĩ ra cái đạo cầu sanh thật khó khăn thay ...
Đến lúc đó, lão ta mới nâng chén rượu uống cạn rồi cầm đũa gắp thịt mà ăn.
Nhịn ăn uống, lão ta nhịn rất hay, chẳng hề tỏ cái vẻ gì thèm thuồng dù đói lả suốt hai hôm liền. Đến lúc ăn uống lão ta cũng hay, một loáng sau là rượu cạn bình thịt sạch dĩa, trọn mâm thịt rượu dành phần cho lão đã được lão dọn rất kỹ.
Ăn uống xong lão lại than:
– Đời người ta quý ở cái nhàn, song cái đó thì đem bán chẳng được một đồng. Uốn ba tất lưỡi hao bao nước bọt chỉ đổi lấy chút ăn chút uống, nhưng lại chẳng đủ no, chẳng biết tiên sướng như thế nào chứ ta thì nghĩ ăn no rồi sướng lắm, nếu hai cái sướng bằng nhau thì kẻ ăn no cũng là một thứ tiên.
Quan Sơn Nguyệt thương hại quá chừng, đẩy chiếc mâm của chàng đến trước mặt lão, tự tay rót cho lão một chén rượu đoạn thốt:
– Tiên sinh cứ ăn thêm cho vừa.
Ngô Khẩu Thiên ngẩng mặt lên nhìn chàng:
– Thức ăn trên thuyền giá phải đắt hơn ở tại đất liền, thì tiền thù lao do các hạ tặng lão phu chỉ vừa đủ một bữa ăn và lão phu đã ăn rồi, không dám hưởng thêm nữa đâu, hưởng như vậy là quá phận, là hưởng cái thứ của không công.
Quan Sơn Nguyệt cau mày, nhận thấy lão tướng số này cố chấp quá độ.
Chàng tìm một cách nào đó nói cho lão ưng thuận mà ăn thêm.
Trong khi đó người khách thương cười chen vào:
– Này cái lão bói! Ta thấy ngươi còn muốn ăn muốn uống nữa, rõ ràng thế mà vẫn làm cao. Tại sao ngươi làm khổ cái dạ dày của ngươi? Thôi đi, người ta cho thì cứ ăn, ăn cho cái dạ dày nó nhờ, nó chẳng có làm chi mà ngươi thù nó.
Ngô Khẩu Thiên lắc đầu:
– Không được! Không được! Đói mà chết là việc nhỏ, còn để mất tiết tháo là việc lớn.
Người khách thương mỉm cười:
– Ta thương hại cho ngươi hết sức. Vậy, ta mách nước cho ngươi nhé. Cứ đoán tiếp cho công tử đi, đoán bừa bãi cũng được, để có cớ mà ăn no.
Ngô Khẩu Thiên chớp mắt:
– Cũng được, nhưng phải đoán nghiêm chỉnh, chứ khi nào ta lại đoán bừa bãi? Thế công tử còn điều chi muốn hỏi nữa chăng?
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút.
Người khách thương lại vọt miệng chen vào:
– Thì ngươi cứ đoán xem công tử sau này phải có mấy vợ cả thảy?
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Đối với vấn đề đó tại hạ không thấy có hứng thú chút nào.
Người khách thương đưa tay chà xát nơi đôi mắt mọng mi, cười hì hì, thốt:
– Công tử nói sao chứ đời con người ta chỉ có ba việc trọng đại nhất là:
ăn, mặc, lấy vợ chồng. Tại sao công tử có ý nghĩ lạ lùng như vậy? Bọn chúng tôi đây nghèo mạt còn cố tìm cách lấy cho được một con vợ, con người có vợ mới là mãn nguyện được chứ, huống hồ công tử nghi biểu phi phàm, bên mình lại thừa vàng vung vãi mà không tìm một cô gái đẹp để bầu bạn sớm hôm, thật đáng tiếc!
Quan Sơn Nguyệt nghe những lời đó như nghe ai chưởi vào mặt mình, bực dọc hết sức, toan cãi, nhưng Ngô Khẩu Thiên đã chận lời:
– Nếu công tử muốn biết việc chung thân thì lão phu sẵn sàng đoán cho, và nhân dịp này lão phu phát tài luôn.
Quan Sơn Nguyệt lấy làm lạ:
– Tiên sinh nói thế là nghĩa làm sao?
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười:
– Làm cái nghề của lão phu ít có dịp phát tài lắm công tử ạ! Bởi chỉ khi nào lão phu đoán việc chung thân thì mới có được một số thù lao quan trọng. Và mỗi lần có ai hỏi đến hôn nhân là lão phu đòi đúng một trăm lạng vàng, nhất định không thiếu!
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một lúc.
Chẳng rõ vì muốn giúp lão tướng số qua cơn vận bỉ hay vì hiếu kỳ trong vấn đề hôn sự, sau đó chàng đưa tay vào mình lấy ra một hạt minh châu đặt trên chiếc mâm trước mặt Ngô Khẩu Thiên, rồi cung kính hỏi:
– Tiên sinh liệu xem nó có trị giá được trăm lạng vàng chăng?
Ngô Khẩu Thiên cầm hạt minh châu xem qua, thay vì đáp, hỏi lại:
– Thật tình các hạ muốn đoán?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Xin tiên sinh chỉ giáo.
Ngô Khẩu Thiên thở dài:
– Về nhân duyên thì ... có nhiều nỗi éo le lắm, các hạ vốn được rất nhiều giai nhân mơ ước, nhưng kết cuộc thì ... lão phu không nỡ nói cho rõ ràng ...
Quan Sơn Nguyệt thản nhiên:
– Tiên sinh cứ nói thẳng, thấy sao nói vậy, tại hạ cũng biết rằng cái việc chung thân của mình chẳng sáng lạn gì cho lắm đâu!
Ngô Khẩu Thiên lắc đầu:
– Không phải vậy đâu! Bất quá người bạn trăm năm của các hạ sau này lớn hơn các hạ mấy tuổi và lại là một quả phụ ...
Dĩ nhiên Quan Sơn Nguyệt không tin được lời đoán đó, bởi khi nào chàng lại lấy một quả phụ lớn tuổi hơn chàng làm vợ?
Biết là chàng không tin, Ngô Khẩu Thiên chỉnh sắc tiếp:
– Các hạ không tin thì cứ thu hồi hạt minh châu, đợi khi nào việc ứng hiện rồi các hạ sẽ trao cho lão phu cũng chẳng muộn gì. Dù sao thì việc chưa đến có ai tin được? Lão phu không lấy làm lạ đâu.
Lão cầm hạt minh châu hoàn lại cho Quan Sơn Nguyệt.
Quan Sơn Nguyệt cự tuyệt, thốt:
– Bất tất tiên sinh phải hoàn lại! Tại hạ có lòng khâm phục tiên sinh mười phần, thì chuyện chi mà tại hạ dám nghi ngờ chứ? Chẳng qua, mới nghe thì hơi lạ lùng, có vậy thôi. Sau này khi việc ứng hiện rồi, tại hạ sẽ tìm tiên sinh mà trao thù lao thì biết tiên sinh ở đâu mà tìm?
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười, lắc đầu đáp:
– Không khó đâu các hạ. Việc này theo lão phu thấy, nó ứng nghiệm trong vòng tháng này thôi và có thể là trước khi các hạ rời con thuyền này. Như vậy các hạ có cần gì tìm lão phu ở chốn xa xôi mà ngại?
Quan Sơn Nguyệt lại càng khó tin hơn. Chàng tính toán cuộc hành trình này nếu thuận buồm xuôi gió thì chỉ trong một vài hôm là chàng đến Vu Sơn, không lẽ trong thời gian ngắn đó lại có chuyện lạ xảy ra?
Suy nghĩ một lúc chàng thu hồi hạt minh châu, cất vào mình, rồi thốt:
– Nếu vậy, tại hạ xin chờ xem sự diệu đoán của tiên sinh có ứng nghiệm như thần chăng?
Ngô Khẩu Thiên lộ niềm cao hứng, tiếp:
– Cái hạt minh châu đó cầm như thuộc về lão phu rồi, bất quá chỉ còn chờ đợi một vài hôm là nắm lấy chủ quyền, tùy ý tiện dụng. Lão phu hành nghề từ bao lâu nay, chưa có dịp nào phát tài như hôm nay vậy, thế tất phải ăn mừng mới được! Chủ thuyền đâu? Hỡi chủ thuyền?
Chủ thuyền nghe gọi lập tức bước vào hỏi:
– Quý khách có điều chi phân phó?
Trong thuyền này ai ai cũng biết Quan Sơn Nguyệt là khách sang giàu, chủ thuyền lại càng biết rõ điều đó hơn ai hết. Cho nên câu hỏi của y dĩ nhiên hướng về Quan Sơn Nguyệt.
Quan Sơn Nguyệt đưa tay chỉ Ngô Khẩu Thiên, bảo:
– Chính vị tiên sinh đó gọi chứ không phải tại hạ.
Chủ thuyền hướng qua lão tướng số, gương mặt của y mất vẻ tôn kính lẫn sốt sắng đã hiện ra lúc mới vào. Chẳng những thế, y chỉ nhìn mà không nói, lấy mắt mà hỏi chứ không chịu mở miệng.
Ngô Khẩu Thiên chớp mắt, thốt:
– Hôm nay lão phu muốn thỉnh khách một lần, ngươi hãy đem rượu hảo hạng trên thuyền đến đây, còn bao nhiêu cứ đem hết, thức ăn cũng thế, phải chọn thức ăn thật ngon và đem thật nhiều. Lão phu không hề so đo giá cả chi đâu.
Nhưng chủ thuyền chừng như không tin lắm nên chưa nhúc nhít.
Người khách thương hối thúc:
– Sao ngươi chưa đi?
Chủ thuyền do dự thấy rõ:
– Xin các vị lượng thứ cho, thuyền này chở khách rất nhiều, thức ăn thức uống có hạn, tiểu nhân phải e dè dành giữ lại đó cho tất cả có mà dùng dọc đường ...
Y dừng lại một chút rồi tiếp:
– Ở khoang thuyền trước còn có rất nhiều khách quyền quý, nếu không đủ vật thực cho các vị ấy dùng thì các vị ấy sẽ bắt tội tôi.
Người khách thương trừng mắt:
– Các người đó có tiền trả cho ngươi chứ bọn ta không tiền trả hay sao?
Chủ thuyền cười hì hì:
– Quý khách hiểu lầm ý của tôi, tôi muốn nói đến số lượng vật thực tích trữ chứ nào so đo về tiền bạc đâu? Tôi chỉ sợ thiếu cái ăn cái uống trong khi thuyền còn bềnh bồng trên dòng sông chưa đến bến.
Người khách thương «à» lên một tiếng:
– Tưởng gì chứ cái đó thì ngươi lo chi cho mệt, đêm nay thuyền không đổ lại Nghi Đô sao mà ngươi sợ? Lúc đó ngươi sẽ mặc sức mà mua sắm dự trữ thêm ...
Chủ thuyền nhếch môi nhưng không cười:
– Tiền đó thì chỉ khi nào đến bến khách mới trả, mà các vị lại đi vào đất Thục xa xôi kia mà. Chúng tôi phải xuất tiền trước mua vật thực cung ứng cho các vị ở dọc đường, dù có ghé lại Nghi Đô cũng chẳng thừa tiền mà mua sắm. Cho nên tôi phải dè dặt cho cái số lượng đồ ăn thức uống tích trữ trên thuyền đủ cho suốt cuộc hành trình.
Người khách thương cười nhẹ:
– Ngươi nói tới nói lui chung quy rồi cũng ló ra cái ý sợ bọn ta ăn uống chịu.
Sao ngươi không nói trắng ra trước đi có phải là gọn không?
Chính hắn mở hầu bao lấy ra một đỉnh bạc ước độ hai mươi lượng trao cho chủ thuyền.
Chủ thuyền sáng mắt lên, cười tít mấy tiếng, quay mình bước ra lo cuộc rượu thịt liền.
Ngô Khẩu Thiên liếc xéo qua người khách thương hỏi:
– Sao tôn huynh hào phóng thế?
Người khách thương nhướng mắt, cười đáp:
– Ta chỉ muốn tỏ sự khẳng khái đối với việc của người khác cho nên ta thay thế ngươi mà ứng trước số tiền đó thôi. Hiện tại thì ngươi phát tài hàng trăm hàng ngàn lượng vàng, ta còn sợ ngươi không trải lại cho ta hay sao chứ?
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười:
– Nếu lời nói của lão phu không ứng nghiệm thì dù tôn huynh có giết chết, lão phu cũng chẳng có tiền mà trả lại.
Người khách thương thản nhiên:
– Chẳng quan hệ chi đó. Ngươi không trả thì vị công tử này cũng trả. Cho ngươi biết, đó là tiền dành dụm của ta từ nhiều năm qua, để lúc tắt thở có mà mua quan tài. Tiền hòm tiền rương, chẳng ai giành giựt đâu!
Ngô Khẩu Thiên «hừ» một tiếng:
– Mời khách là lão phu, sao tôn huynh lại đòi tiền người khác?
Người khách thương bật cười ha hả:
– Vạn nhất ngươi đoán trúng thì ngươi có hạt minh châu và còn lo chi mất tiền? Ngược lại, nếu ngươi đoán sai thì vị công tử này vui không tưởng nổi, với niềm vui đó, công tử dù có mất đi vài mươi lượng bạc kể ra cũng chưa thấm vào đâu!
Ngô Khẩu Thiên cười lạnh:
– Tính toán như tôn huynh thì kỹ quá!
Người khách thương gật gù:
– Chứ sao. Sanh ý bắt buộc ta phải có con mắt tinh tường thấy được những cái mà người ngoài nghề không thấy nổi, nhưng cầm một bàn toán mà gõ lắc cắc, gõ sai là tiêu tan sự nghiệp còn gì?
Ngô Khẩu Thiên trừng mắt:
– Lão phu sợ cái lối tính toán của tôn huynh, vốn ý của lão phu không muốn mời tôn huynh, song vì việc ứng tiền này mà lão phu bắt buộc phải làm một việc trái ý mình rồi đó.
Người khách thương tỉnh bơ:
– Ta cũng biết là ngươi sẽ không đếm xỉa gì đến ta, cho nên phải bắt trước nhịp cầu thông cảm!
Ngô Khẩu Thiên bĩu môi:
– Đừng tưởng ăn uống khỏi trả tiền là khôn ngoan, lão phu e rằng những thứ đó không tiêu hóa.
Bất chợt lão hỏi:
– Tiền đó để mua quan tài phải không?
Người khách thương cười khanh khách:
– Ta đã nói rồi mà!
Ngô Khẩu Thiên lắc đầu:
– Vô ích! Lão phu đã xem qua tướng của tôn huynh rồi, cái số của tôn huynh là chết không đất chôn, làm gì cần đến một cổ quan tài?
Người khách thương vùn vai:
– Ta không tin!
Ngô Khẩu Thiên tiếp:
– Tin hay không tin, tùy tôn huynh. Ngoài ra, lão phu xin nói thêm là tôn huynh không sống hết ngày nay đâu, và theo số thì rơi xuống nước mà chết đó.
Đã vậy, thi thể lại không được toàn vẹn, cá sẽ ăn xác của tôn huynh.
Người khách thương lại cười vang:
– Lúc nhỏ ta cũng có nhờ một vị tướng số xem cho, vị ấy cũng đoán như ngươi và cho rằng ta không sống quá ba mươi tuổi. Nhưng vào năm ta ba mươi tuổi, ta không hề bước ra khỏi nhà, hoặc ra khỏi cửa và ta luôn luôn tránh gần bờ sông, miệng giếng, bờ ao. Rồi ta sống đến ngày nay, có sao đâu? Thế mới biết số do trời định mà việc làm thì do người, giả như số chết sông chết suối, mà mình đừng đi đến sông suối thì còn chết làm sao được?
Ngô Khẩu Thiên lạnh lùng thốt:
– Năm nay tôn huynh được bốn mươi chín tuổi, lại đang ngồi thuyền, đúng là tấu xảo của số mạng. Kiếp vận trước may mắn được qua đi, lão phu suy đoán rất kỹ, lần này thì tôn huynh không thể thoát được đâu!
Người khách thương bật cười ha hả:
– Chết thì chết, có sao đâu? Giả như cái số khiếp phải vậy, thì hai mươi lượng bạc đó cầm như ta chi ra để đãi khách. Số bạc dành mua quan tài, không mua thì đem ra mà đãi rượu các vị kể cũng là một sự tốt. Ta chết tự nhiên chẳng còn biết gì nữa, song tất cả còn sống lại đó cũng chẳng khoan khoái chút nào, bởi các vị ăn uống đó là ăn quan tài uống quan tài, mà ăn uống quan tài thì có thích thú chi cho lắm đâu!
Quan Sơn Nguyệt cau mày, chưa kịp nói gì thì chủ thuyền đã bước vào mang theo quá nhiều rượu thịt.
Mọi người đều hoan hô nghinh đón.
Nhưng theo sau chủ thuyền còn có một thiếu phụ độ ba mươi hơn, vận áo trắng, ngọc giắt, vàng đeo, châu cài.
Thiếu phụ bước đến cạnh Ngô Khẩu Thiên, thốt:
– Gia gia! Nghe nói gia gia đãi khách, chẳng biết gia gia làm như vậy có ý gì? Chúng ta vì hoàn thành nhiệm vụ, cần phải giấu nhẹm hành tung chứ có lý nào lại phô trương rầm rộ như thế?
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười:
– Con đừng tưởng là thần không hay quỷ không biết, thực ra thì đã có người khám phá được thân phận của chúng ta rồi. Tốt hơn, chúng ta cứ đường hoàng ra mặt cho quang minh chánh đại, có giấu giếm nữa cũng vô ích thôi. Này Phụng Nhi, con cứ ở đây uống vài chén rượu với ta.
Thiếu phụ cau mày.
Ngô Khẩu Thiên cười, tiếp:
– Trong khoang thuyền này toàn là rồng nằm cọp núp không đấy, con đừng tưởng họ đều là những bị thịt vô tích sự trên đời. Giả như cái lão thương khách này, con có biết lão ta là ai chăng?
Lão vừa thốt vừa đưa tay chỉ vị khách thương.
Thiếu phụ lắc đầu:
– Con không nhận ra y là ai.
Ngô Khẩu Thiên cười nhẹ:
– Thế là con có mắt nhưng lại không trông thấy Thái Sơn! Y là thủ lãnh ba mươi sáu trại lục lâm trên khắp các con thủy đạo, họ Thương tên Nhân, ngoại hiệu Thiết Toán Bàn, và trong thuyền này hành khách đều là hào kiệt anh hùng trong giới lục lâm thuộc quyền quản hạt của y đó.
Quan Sơn Nguyệt giật mình. Thinh danh của Thiết Toán Bàn Thương Nhân chàng có nghe đến, nhưng từ ngày dấn thân vào kiếp giang hồ đến nay chàng chưa có dịp gặp mặt.
Không ngờ hôm nay lại hội diện ngay trên con thuyền này, và chàng cứ tưởng vị khách thương tầm thường đó chỉ là một hành khách vì sinh kế mà xuôi ngược trên dòng sông, không hơn không kém.
Nhưng thiếu phụ điềm nhiên, chỉ khẽ so vai một chút rồi thốt:
– Thương anh hùng suất lĩnh toàn lực lượng viễn hành như thế này hẳn là có một cuộc sinh ý lớn lao nào đó!
Thương Nhân bật cười ha hả:
– Phải! Nếu chỉ là thứ sinh ý tầm thường thì khi nào tại hạ lại cất công xuất ngoại viễn hành như thế này? Bất quá, cuộc sinh ý này đòi hỏi một sự trợ giúp và tại hạ định kêu gọi đến nhị vị.
Thiếu phụ dửng cao đôi mày:
– Chúng ta cùng chung một mục tiêu thì muốn làm chuyện chi tất phải quang minh chính đại, chứ không nên úp úp mở mở. Tuy nhiên, việc của ai, nấy làm là hơn!
Thương Nhân cười nhẹ:
– Tánh của Phụng cô nương thật là kỳ quái. Thảo nào mà mãi đến nay Hắc Phụng vẫn còn chích bóng cô thân! Không tìm được người phối ngẫu mà tuổi trời thì cứ chất chồng, một sớm một chiều sẽ già đi, cô nương không cảm thấy bồn chồn sao?
Thiếu phụ trầm gương mặt.
Thương nhân mỉm cười, tiếp:
– Nói vậy chứ, chẳng cần chi phải bồn chồn. Lão ta đã bằng lòng trương tấm chiêu bài lên, thay mặt cô nương mà tìm cho một bạn đường, chẳng hay cô nương có muốn xem ...
Ngô Khẩu Thiên khoát tay ngăn chận:
– Chuyện dư thừa, chẳng nên nói. Cứ uống rượu! Cứ uống!
Trước đó Thương Nhân và Ngô Khẩu Thiên cãi lý với nhau lời qua tiếng lại, song phương chẳng hề nhượng nhau. Bây giờ thấy vẻ phẫn nộ hiện ra nơi gương mặt của Ngô Khẩu Thiên, chẳng hiểu nghĩ sao Thương Nhân lại dằn lòng, vì lễ độ hay vì kiêng sợ chỉ có mỗi một mình y biết mà thôi.
Y cười đưa đẩy đáp:
– Phải! Phải! Hiện tại chúng ta chưa trở thành oan gia của nhau thì cứ tạm giao kết một mối tình, dù không thật lắm song ít nhất cũng giết được khoảng thời gian chờ đợi. Nào Phụng cô nương, xin ngồi xuống đi!
Thiếu phụ «hừ» lạnh một tiếng:
– Không dám đâu. Tâm trí bất đồng thì tốt hơn nên tránh những cuộc họp mặt bất đắc dĩ.
Nàng quay mình trở ra.
Thương Nhân có vẻ bất mãn, chớp chớp đôi mắt mấy lượt đoạn đưa tay vén tà áo lấy ra một bàn toán nhỏ màu đen, rồi thốt:
– Phụng cô nương. Cô nương chẳng cần phải vờ vẻ thanh cao, tuy tại hạ thuộc hắc đạo song hành động thì luôn luôn minh chánh, so với các vị, tại hạ vẫn có thể ngẩng cao mặt mà nhìn đời như thường.
Thiếu phụ nổi giận quay mình lại, quắc mắt hỏi:
– Bọn tôi thì sao?
Thương Nhân cười lạnh:
– Tự xét lấy mình mà hiểu, cô nương còn hỏi làm chi?
Thiếu phụ nặng giọng:
– Tôi chẳng hiểu gì hết, các hạ hãy nói cho rõ ràng đi!
Thương Nhân bật cười hắc hắc:
– Bất quá Thương Nhân này mang tiếng là kẻ cướp chứ chưa làm một ả điếm.
Thiếu phụ nạt một tiếng, đưa tay mó vào con phụng hoàng bằng vàng có nạm châu giắt nơi mái tóc. Một tiếng «cách» vang lên rất khẻ, từ miệng phụng một đạo thanh quang bắn ra. Đạo thanh quang đó cuốn theo vô số điểm sáng bạc như sao, vừa bay đi vừa tỏa rộng bao quanh cả ba người.
Thương Nhân vung chiếc bàn toán ngăn chận.
Ngô Khẩu Thiên thì dùng tấm bố làm bình phong.
Vì không phòng bị, Quan Sơn Nguyệt chẳng có sẵn vật gì nơi tay, chỉ có thể ngầm vận chân khí hộ vệ quanh mình rồi đưa tay áo lên che trước mặt. Chàng nghe từng loạt tiếng «tách tách» vang lên.
Khi chàng buông tay áo xuống thì nơi tay áo có vô số mũi châm bạc ghim vào, châm nhỏ bằng lông đuôi trâu.
Nơi tấm bố của Ngô Khẩu Thiên cũng có một số châm như vậy.
Chỉ một mình Thương Nhân thì chẳng có gì cả, chiếc bàn toán của y hất vẹt những mũi châm rơi xuống sàn thuyền.
Thiếu phụ thoáng giật mình, thốt:
– Thiết Toán Bàn quả nhiên danh bất hư truyền.
Ngô Khẩu Thiên trầm gương mặt quở:
– Phụng nhi! Sao con buông lung tánh khí như thế?
Thiếu phụ không hề hối hận, đáp:
– Gia gia! Họ đã theo chúng ta lên thuyền này thì sớm muộn gì cũng phải có ...
Nàng hướng sang Quan Sơn Nguyệt, nhưng lại nói tiếp với Thương Nhân:
– Thuộc hạ của ngươi cũng là tay khá đó. Hắn tên chi? Xuất thân từ môn phái nào? Con cái nhà ai?
Thương Nhân bật cười ha hả:
– Phụng cô nương ơi! Lầm to rồi đó nhé! Trong giới lục lâm của tại hạ làm gì có một nhân tài như vậy? Nếu có thì dù cho tại hạ có làm tay chân tùy sai cũng chưa xứng nữa là, sao lại có chuyện một nhân vật như thế đó mà làm thuộc viên của tại hạ được?
Thiếu phụ lại giật mình lượt nữa.
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười thốt:
– Phụng nhi! Con lỗ mãng quá đi thôi! Không hỏi gì cho rõ ràng lại hồ đồ xuất thủ, may mà gặp Quan đại hiệp đấy, chứ gặp người nào khác thì có phải là con hại chết oan một sanh mạng chăng?
Thiếu phụ lại giật mình lượt thứ ba:
– Quan đại hiệp? Quan đại hiệp nào?
Ngô Khẩu Thiên «hừ» một tiếng:
– Quan đại hiệp là Quan đại hiệp chứ còn ai khác nữa? Chẳng lẽ có đến mấy Quan đại hiệp sao? Trong võ lâm chỉ có mỗi một người thôi!
Thiếu phụ biến sắc kêu lên thất thanh:
– Hay là Minh Đà Lịnh Chủ?
Quan Sơn Nguyệt vụt đứng lên rủ ống tay áo cho các mũi châm rơi xuống, rồi hỏi:
– Chẳng hay tại hạ đắc tội với tiểu thơ trong trường hợp nào, ở tại đâu?
Thiếu phụ càng biến sắc mặt hơn, Ngô Khẩu Thiên vội đáp thay:
– Quan đại hiệp đừng hiểu lầm. Tiểu nữ không biết tôn giá. Cũng may đại hiệp tài ba xuất chúng, không bị tổn thương.
Thương Nhân cười lạnh:
– Minh Đà Lịnh Chủ dương danh trong thiên hạ, há vì một vài mảnh thép của cô nương mà thọ hại đâu? Nếu thế thì chẳng hóa ra anh hùng hào kiệt trong đời đều là những thùng cơm trước con mắt của hai vị sao?
Thiếu phụ liếc xéo Thương Nhân không buồn lấy làm phiền về sự trào lộng của y, nàng lại hướng qua Quan Sơn Nguyệt chấp tay làm lễ, sau đó mới cất tiếng nhận lỗi:
– Quan đại hiệp! Thiếp có mắt mà không có tròng thành ra đắc tội nặng với đại hiệp.
Quan Sơn Nguyệt không làm sao phát tác được nữa, đành khiêm tốn đáp:
– Tại hạ chẳng dám nhận sự nhận tội của cô nương đâu.
Thiếu phụ cười giòn một cách duyên dáng:
– Tại vùng sa mạc, đại hiệp vừa xuất đầu lộ diện là uy danh nổi dậy như sấm rền tai, thiếp hằng mơ ước có một ngày nào đó được hân hạnh bái kiến tôn nhan.
Nàng tâng bốc chàng lên cao quá, Quan Sơn Nguyệt không rõ nàng có thâm ý gì. Trong phút giây bất ngờ, chàng không tìm được câu đáp thích nghi.
Thiếu phụ tiếp:
– Cái vật tùy thân của đại hiệp là chiếc Độc Cước Kim Thần thiên hạ anh hùng nghe danh đều hết sức khâm phục, ngoài ra cũng có Minh Đà nữa chứ. Tại sao hai vật đó giờ đây không ở bên mình đại hiệp? Chẳng lẽ vì cuộc hành trình phải theo đường thủy mà rồi ...
Ngô Khẩu Thiên vội chận:
– Nói nhảm đi, con! Bất quá tình cờ mà Quan đại hiệp ...
Thương Nhân mỉm cười chận lão:
– Minh Đà Lịnh Chủ tài ba lỗi lạc, có màng chi đến những thứ đó đâu? Giả như Lịnh Chủ có ý tứ gì thì bọn chúng ta bất tất phải lao thần phí lực ...
Lời có vẻ tâng bốc, song cũng có hàm súc ý ngăn trở Quan Sơn Nguyệt đừng bao giờ can thiệp vào việc của họ. Trong câu nói, y muốn cảnh cáo hơn là van cầu Quan Sơn Nguyệt lờ đi.
Tự nhiên Quan Sơn Nguyệt thấu đáo ý tứ thầm kín của đối phương. Cứ theo thái độ và cử động của họ thì Quan Sơn Nguyệt có thể đoán định là cả hai phe đều cùng chung mục đích, chẳng hạn chiếm đoạt một vật quý gì đó và người mang vật quý đó hiện có mặt trên thuyền này.
Riêng chàng thì chàng đâu có ý nghĩ đoạt tài cướp vật của ai. Dù vậy, hai phe đó có ý nghi kỵ chàng.
Họ là những tay hữu danh trên giang hồ, họ chịu khó theo dõi sở hữu chủ vật kia thì hẳn là vật đó phải có giá trị phi thường. Động tính hiếu kỳ, chàng muốn biết rõ ràng đó là vật chi. Chàng liền vòng tay hỏi:
– Tại hạ có mắt không ngươi, chẳng nhận ra bậc cao minh bên mình ...
Thương Nhân mỉm cười đáp:
– Thương Nhân này bất quá là một tên cường đạo, đâu xứng đáng với hai tiếng cao minh mà Quan đại hiệp vừa tặng đó. Chính hai vị kia mới thực sự là những bậc cao minh. Chắc đại hiệp có nghe đến Kiếm Môn Bốc Ẩn chứ?
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Kiếm Môn Bốc Ẩn? Gia sư từng nhắc đến danh hiệu đó, có điều chưa có dịp được bái kiến thôi.
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười:
– Cũng may là lão phu chưa bị lịnh sư tìm gặp. Chứ nếu đã bị tìm gặp rồi, thì có thể là tấm chiêu bài này lại nằm trong túi của lịnh sư rồi. Phải đợi mãi trong thời gian sau cho đại hiệp quy hoài ...
Quan Sơn Nguyệt thoáng đỏ mặt, biết rõ đối phương nhắc khéo đến việc ngày trước sư phụ chàng nhân viếng thăm qua các môn phái lấy tín phù của các Chưởng môn. Chàng thấp giọng phân trần:
– Ngày trước sở dĩ gia sư phải hành động như vậy là vì sự chẳng đặng đừng ...
Ngô Khẩu Thiên mỉm cười chận lời:
– Lão phu nói thế để đùa cho vui vậy thôi, chứ cái khổ tâm của lịnh sư là một bậc đại hiệp cô độc trong thiên hạ còn ai không biết? Và Long Hoa Hội giờ đây cũng được đại hiệp giải tán rồi, mọi người nhờ thế mà được an tâm.
Thương Nhân cười nhẹ nối lời:
– Phải đó! Chẳng những đại hiệp giải tán Long Hoa Hội mà còn dẹp tan Thiên Ma Giáo, nhờ đó đồng đạo võ lâm trong thiên hạ tránh được đại kiếp sát lục. Công đức này rất cao dày ...
Quan Sơn Nguyệt đỏ mặt:
– Các vị hiểu rành công việc tại hạ quá chừng!
Ngô Khẩu Thiên cười hì hì:
– Nào chỉ hiểu rành mà thôi. Tại hạ còn nhờ đại hiệp mà được xóa tên trên bảng.
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Tiên sanh là người trong Long Hoa Hội?
Ngô Khẩu Thiên đáp:
– Tại hạ bị Tây Môn Vô Diệm lôi cuốn mà thành ra có tên trên bảng. Biết đó là điều tà, nhưng không phương pháp gì cự tuyệt được đành phải nép mình mà chờ thời cơ, tránh phiền phức tai hại đến bản thân.
Quan Sơn Nguyệt tỏ vẻ không tin:
– Lịnh ái có tài nghệ như vậy thì tiên sanh phải cao minh hơn mấy bậc là cái chắc rồi, thế tại sao lại khuất mình liệt danh trên Quỷ Bảng?
Ngô Khẩu Thiên đáp:
– Tự ước lượng tài năng của mình, tại hạ thấy rằng cũng đủ tư cách đứng tên trên Tiên Bảng, song khổ nỗi là một mình không chống cự lại quần ma nổi, do đó mà phải ẩn nhẫn cầu an cho người ta đừng lưu ý đến.
Quan Sơn Nguyệt tỉnh ngộ:
– Thì ra là thế! Nhưng vừa rồi tiên sanh đoán tướng cho tại hạ ...
Ngô Khẩu Thiên biết là chàng nghĩ lầm, vội khoát tay chận:
– Đối với đại hiệp, lão phu chỉ biết người mà thôi, ngoài ra chẳng hề biết dĩ vãng cũng như việc làm, nhất là về hành động của đại hiệp thì sự hiểu biết của lão phu không hơn chi giới giang hồ. Cho nên chẳng bao giờ có cái việc lần vách mà đoán mò đâu. Thú thật với đại hiệp, về khoa tướng số lão phu tốn lắm công phu nghiên cứu cho nên cứ nhìn tướng mà đoán tướng. Lão phu không dám vọng đoán đâu!
Thương Nhân mỉm cười, tiếp nối:
– Về khoa tướng số thì Ngô tiên sanh không kém Quản Lộ thời Tam Quốc đâu, cả đến lão Quỷ Cốc cũng ngang với tiên sanh, điều này thì tại hạ dám bảo đảm với đại hiệp vậy. Đại hiệp có thể tin những gì lão ta suy đoán cho.
Ngô Khẩu Thiên cười nhẹ:
– Thương anh hùng hẳn là không tin lão phu nói năng mù mờ, bất quá căn cứ theo khí sắc của các hạ thì hôm nay tất phải gặp sự nguy, cái nguy phát sanh từ lòng tham, vậy tốt hơn hãy bỏ đi tham niệm đó ...
Thương Nhân cười lạnh:
– Ngô tiên sanh muốn rằng tại hạ rút lui êm thấm à?
Ngô Khẩu Thiên chép miệng:
– Sanh hay tử đều do con người lựa chọn ...
Thương Nhân «hừ» lạnh:
– Thế còn tiên sanh thì sao? Các vị cải danh, đổi dạng, từ Điền Gia Trấn xuống thuyền, Phụng cô nương lại còn đi quá phận là dám giả mạo ca kỹ hết lòng chiều chuộng đối phương, những việc đó chẳng phải là do lòng tham mà làm chăng?
Ngô Khẩu Thiên chỉnh sắc mặt:
– Trời đã sanh ra một vật quý thì cái vật quý đó phải được sử dụng trong con đường ngay, theo lẽ phải, dù rằng cha con lão phu muốn có cái Phượng Hoàng bằng bích ngọc đó, thì cũng là vì thiên hạ chúng sanh chứ có phải vì niềm riêng ý tư đâu? Trời đất hẳn trông thấy gan ruột của cha con lão phu như thế nào rồi ...
Thương Nhân cười mỉa:
– Tiên sanh nói chuyện nghe xuôi quá đi thôi!
Thiếu phụ biến sắc mặt thốt:
– Này cái gã họ Thương kia, nếu ngươi nhất định can thiệp thì bổn cô nương sẽ đùa với ngươi một lúc. Phải biết cha con ta vì cái vật đó mà hao phí lắm tâm huyết đấy.
Thương Nhân lạnh lùng:
– Chứ tại hạ chẳng hao phí tâm huyết hay sao? Từ nghìn dặm xa cử binh mã trường chinh, chẳng lẽ xếp cờ dẹp trống mà âm thầm mang hai tay không trở về?
Thiếu phụ mở tròn xoe đôi mắt phụng, cực kỳ sôi giận, toan động thủ.
Những người trong thuyền đều lộ vẻ nghiêm trọng, vén vạt áo lên chuẩn bị rút vũ khí cầm tay chực giao chiến.
Quan Sơn Nguyệt khoát tay:
– Các vị hà tất phải làm như thế? Cứ dùng lời lẽ mà giải thích với nhau cũng được rồi ...
Ngô Khẩu Thiên vẫy tay sang thiếu phụ:
– Phụng nhi, đừng gây náo loạn lên, con! Vật kia nào đã về tay ai đâu mà con nóng nảy thế?
Thương Nhân cũng khuyên ngăn bọn đồng đạo:
– Các huynh đệ hãy bình tĩnh.
Đoạn y hướng qua cha con Ngô Khẩu Thiên tiếp:
– Không phải tại hạ sợ chi các vị đâu, chẳng qua thời gian động thủ chưa đến. Tìm được tung tích của Phượng Hoàng Bích Ngọc đó đâu phải là dễ. Nếu bây giờ gây náo loạn lên thì tất làm kinh động đến chủ nhân, người ta sẽ chuẩn bị ...
Nghe đối phương nói thế, thiếu phụ dịu thái độ lại ngay.
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Phượng Hoàng Bích Ngọc là vật gì?
Thương Nhân đáp:
– Quan đại hiệp không phải vì vật đó mà có mặt trên thuyền này thì cũng chẳng nên tìm hiểu làm gì.
Thiếu phụ trừng mắt:
– Người ta hỏi, ngươi không chịu nói thì ta nói. Giả như vật đó về tay Quan đại hiệp thì ta cho rằng rất hợp lý!
Thương Nhân chớp chớp mắt:
– Tốt! Tốt! Trong thiên hạ còn ai chẳng biết Quan đại hiệp là bậc đại nhân đại nghĩa. Nếu quả thật đại hiệp có ý đoạt thủ vật đó thì chẳng những tại hạ không hề can thiệp, trái lại còn xuất lực tiếp trợ nữa đấy.
Thiếu phụ «hừ» một tiếng:
– Chính ngươi nói ra câu đó nhé, hãy nhớ kỹ như vậy.
Thương Nhân bật cười sang sảng:
– Tự nhiên là tại hạ nhớ lại nhớ rất kỹ đó, Phụng cô nương. Tuy là người trong hắc đạo, tại hạ luôn luôn trọng lời nói của mình, nói làm sao là giữ y như vậy. Có điều các vị nên hiểu, tại hạ tin được Quan đại hiệp chứ không thể nào tin các vị nổi đâu.
Thiếu phụ nổi giận:
– Cho ngươi biết, nếu vật đó về tay ta rồi, ta dám hứa là chẳng hề nhìn qua một thoáng nào cả mà lập tức trao cho Quan đại hiệp, xem ngươi còn nói được lời gì nữa cho biết.
Thương Nhân bật cười ha hả:
– Nếu hai vị có hảo tâm như vậy, thì tại hạ có tiếc chi cái công phu lướt vạn dặm đường dài theo dõi vật đó đến tận nơi này?
Thiếu phụ toan nói tiếp, Quan Sơn Nguyệt lại khoát tay chận:
– Thạnh tình của hai vị, tại hạ rất cảm kích song tại hạ không hề có cái tâm ...
Thiếu phụ hấp tấp thốt:
– Quan đại hiệp đừng khách khí, trong thiên hạ chỉ có mỗi một đại hiệp là xứng đáng làm chủ nhân Phượng Hoàng Bích Ngọc thôi. Huống chi đại hiệp cũng có mặt trên thuyền này, âu đó cũng là ý trời xui khiến.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Tiểu thơ! Phượng Hoàng Bích Ngọc là cái gì? Tại hạ không hề biết.
Thiếu phụ mỉm cười:
– Quan đại hiệp đừng dùng hai tiếng tiểu thơ xưng hô với tôi nữa, thẹn chết đi. Tên tôi là Phụng, vỏn vẹn một tiếng Phụng thôi, đại hiệp cứ gọi tên là được rồi.
Thương Nhân cười phụ họa:
– Phải đó. Cái danh lớn của Phụng cô nương chỉ có chỉ có mỗi một Quan đại hiệp là xứng đáng gọi thôi, chứ người như bọn tại hạ thì khi nào dám gọi đến Hắc Phụng Hoàng?
Quan Sơn Nguyệt giật mình, lẩm nhẩm:
– Hắc Phụng Hoàng? Mường tượng ta có nghe nói đến!
Thương Nhân tiếp:
– Phàm là người trong giới giang hồ, nếu không nghe nói đến Hắc Phụng Hoàng thì quả thật là kiến thức rất hẹp vậy. Hiện tại thì cô nương vận áo trắng đó, chứ nếu vận y phục thường lệ thì ...
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Trên giang hồ đồng đạo võ lâm thường nhắc đến Hắc Y nữ hiệp, chẳng hay có phải là cô nương?
Ngô Phụng thoáng đỏ mặt:
– Quan đại hiệp quá khen.
Quan Sơn Nguyệt vòng tay:
– Nữ hiệp có hành tung kỳ bí, thoạt ẩn thoạt hiện, có mặt ở muôn nơi, trượng nghĩa, chuyên trừ gian diệt bạo, vì tại hạ xuất đạo rất muộn, chỉ nghe danh thôi chứ chưa có dịp hội kiến. Mãi đến hôm nay mới có hân hạnh được đối diện với bậc anh thư!
Ngô Phụng lại đỏ mặt, muốn nói gì đó, song Ngô Khẩu Thiên dùng ánh mắt báo hiệu, rồi tất cả cùng nhìn ra chung quanh, thấy nơi khung cửa khoang thuyền có hai hán tử trung niên đứng đó.
Ngô Phụng hấp tấp đứng lên, mỉm cười thốt:
– Hai vị lão gia cũng đến khoang thuyền này nữa à?
Một hán tử có gương mặt đầy vết đen, râu lún phún, lạnh lùng đáp:
– Ngươi bỏ đi lâu quá, bọn ta không yên tâm, cứ sợ ngươi rơi xuống nước.
Ngô Phụng vẩu môi, tiếp:
– Tôi có còn là đứa trẻ lên ba lên năm nữa đâu, nhị vị lão gia. Hai vị lo xa quá! Ở đây ô tạp lắm, mình ra phía trước đi nhị vị lão gia.
Hán tử mỉm cười:
– Nào phải bọn ta lo lắng? Chính Vương lão gia bảo bọn ta đi tìm ngươi đó.
Lão gia mê ngươi cực độ, vắng ngươi một phút là bâng khuân ngay, rồi thẫn thờ như hồn rời khỏi xác ...
Ngô Phụng nguýt xéo:
– Triệu lão gia hay đùa quá chừng ...
Hán tử cười lạnh:
– Đùa mà làm gì chứ? Nếu có kẻ đùa thì chính là Vương lão gia đây. Vương lão gia nói rằng giả như bất ngờ mà Hắc Phụng Hoàng rơi sông chết đuối thì đúng là một đầu đề giai thoại cho giới giang hồ vậy. Con người có thinh danh vang động khắp bốn phương như Hắc Phụng Hoàng lại chết vô lý như thế được sao?
Hắc Phụng Hoàng biến sắc mặt, song vờ ngơ ngác hỏi:
– Triệu lão gia nói gì tôi chẳng hiểu chi cả?
Hán tử họ Triệu lại cười tiếp:
– Hồng cô nương Bạch Phụng Tiên không hiểu thì Hắc Y nữ hiệp Hắc Phụng Hoàng có thể hiểu, thật tại hạ không ngờ nữ hiệp cải trang rất khéo, đến bọn tại hạ mà cũng chẳng nhận ra.
Câu chuyện xoay chiều, y cũng đổi lối xưng hô cho hợp với quy củ giang hồ.
Ngô Phụng càng biến sắc hơn, đưa tay sờ con phụng bằng châu nơi mái tóc.
Hán tử họ Triệu vẫn cười:
– Hắc Phụng Hoàng! Đừng quên là cái thứ Mai Hoa Trâm đó cô nương đã dùng qua một lần rồi, cô nương chưa thay vào đó số trâm mới thì còn dùng nó làm sao được nữa? Thôi, cứ đi theo bọn ta là hơn, cô nương ạ!
Ngô Phụng biến sắc lượt thứ ba, lần này thì sắc diện biến đến quái dị.
Nhưng Thương Nhân và Ngô Khẩu Thiên đã đứng lên ngay lúc đó.
Tay Thương Nhân đã giữ sẵn một tư thế xuất phát chiêu công, bàn tay sắp sửa nhích động. Bỗng y đảo mắt rồi chớp chớp mấy lượt, đoạn thốt:
– Triệu lão gia! Lão gia đừng tưởng bọn này là những ngoan cụ mà lão gia muốn xử trí tùy thích. Cái chi là Bạch Phụng Hoàng, Hắc Phụng Hoàng chứ? Vị cô nương này có xứng với hai tiếng Phụng Hoàng chăng mà lão gia lại gán cho nàng?
Hán tử họ Triệu cười lạnh:
– Câu nói đó các hạ hãy dành lại để khi gặp Vương lão gia rồi sẽ nói ra là hơn.
Ngô Phụng ngang nhiên thốt:
– Được rồi, tôi sẽ đến gặp Vương lão gia ngay để nhờ lão gia phân xử cái vụ các vị khinh miệt tôi quá độ.
Nàng ngẩng cao đầu bước đi ra khỏi khoang thuyền.
Quan Sơn Nguyệt định đi theo nàng, Ngô Khẩu Thiên đưa mắt ra hiệu giữ chàng lại.
Hán tử họ Triệu lại cười lạnh:
– Cậu nhỏ ơi, muốn biết Bích Ngọc Phượng Hoàng là vật gì phải không?
Thì cứ đi theo ả điếm đó là được biết chứ gì! Có Hắc Phụng Hoàng bảo hộ mà, đừng lo ai dám làm rớt một sợi chân lông của cậu! Cậu có may mắn lắm đó nhé, tự nhiên mà Hắc Phụng Hoàng lại cam tâm tình nguyện trao vật đó cho cậu đấy.
Tuy là lời hứa chứ chưa phải là sự thật, cũng đáng mãn nguyện cho cậu.
Quan Sơn Nguyệt sôi giận, không dằn được lòng, đánh ra một chưởng nhắm đầu vai của hán tử, đồng thời hét:
– Quân khốn ở đâu dẫn xác đến đây buông lời vô lễ?
Hán tử khẻ lắc đầu vai tránh chưởng đó không khó khăn gì, rồi mỉm cười tiếp:
– Công phu đó còn kém lắm, cậu nhỏ ơi.
Y chọt nhanh tay ra điểm vào ngực Quan Sơn Nguyệt.
Bởi xuất chiêu lần đầu, Quan Sơn Nguyệt chưa biết công lực của đối phương thâm hiểm như thế nào nên không dùng toàn lực.
Bây giờ đối phương phản kích, chàng nhận ra y quả là tay hữu hạng, tuy nhiên chàng không nao núng, ngưng động chân khí chuẩn bị đối phó. Chàng vừa phong bế huyệt đạo nơi ngực đồng thời đưa tay ra điểm trả lại cánh tay hữu của đối phương.
Động tác cả hai rất nhanh, họ xuất thủ như điện chớp.
Huyệt đạo được phong bế rồi, Quan Sơn Nguyệt ưỡn ngực hứng chỉ lực của họ Triệu. Chỉ lực của y cũng khá mạnh song chàng không rời chỗ đứng, trái lại họ Triệu bị điểm trúng cánh tay phải lùi lại năm sáu bước.
Vô hình trung y lùi về phía Thương Nhân.
Thương Nhân cử chiếc bàn toán sắt lên đập vào lưng y. Những con toán toàn bằng hạt châu rất cứng rắn chạm nhau lọc cọc, cạnh bàn toán chạm trúng lưng họ Triệu, y bị dồn trở lại phía trước, máu tươi vọt từ miệng ra, đứng không vững nữa, y ngã nhào xuống sàn thuyền.
Hán tử kia biến sắc, song cười lạnh thốt:
– Hay quá! Ta không ngờ trên thuyền này lại có mai phục rất nhiều cao thủ!
Buông xong câu nói đó, hán tử nhanh chân lui ra ngoài.
Nhưng Ngô Phụng khi nào để y rút đi ung dung như vậy được, nàng đưa cả hai tay ra, một tay vung sang bên dưới bụng của đối phương, tay kia chỉa thẳng vào mắt y.
Hán tử không dám nghinh diện tiếp chiêu, giậm chân tạt mình qua một bên, chân kia đồng thời đạp vào vách thuyền, vách đổ, y thoát ra ngoài, đoạn chạy nhanh.
Ngô Phụng muốn đuổi theo song chậm mất rồi, biết có đuổi cũng chẳng kịp.
Nàng tặc lưỡi thốt:
– Hỏng mất. Chúng đã khám phá ra hành tung của mình.
Thương Nhân cười lạnh:
– Cô nương sợ cái gì chứ? Chỉ cần chúng còn ở trên thuyền này thôi, là tại hạ có cách bức chúng phải trao ra Bích Ngọc Phượng Hoàng ...