Hoang mang tại đỉnh Thần Nữ Phong trước cuộc đàm thoại của bọn Lý Trại Hồng, hoang mang vì thái độ của Khổ Hải Từ Hàng, hoang mang luôn vì những lời nói của Linh Cô lúc bỏ chàng nơi bờ sông quay thuyền trở lại, Quan Sơn Nguyệt thừ người tại chỗ, bồi hồi ức niệm việc qua, mơ màng việc tới ...
Niềm hoang mang càng phút càng lớn, càng dâng cao, trong hoàn cảnh này, chàng không còn một chủ ý nào rõ rệt.
Dù sao, thì chàng cũng công nhận là những tao ngộ của chàng hết sức ly kỳ.
Chẳng khi nào chàng tưởng là mình có thể khám phá trọn vẹn những bí mật quanh Long Hoa Hội. Mà dù khám phá được đi nữa ít ra chàng cũng phải bí mật một khoảng thời gian quan trọng.
Không, chỉ trong vòng mấy hôm thôi, chàng nắm sự tình trong tay, chưa hẳn là một hội viên chánh thức hiểu tường tận như chàng.
Nhưng, chưa hết. Những bí mật khám phá vừa qua bất quá là những chi tiết của đại cuộc nào đó, và hiện tại thì chàng bắt đầu đi vào đại cuộc ...
Nơi đây là đâu? Khổ Hải Từ Hàng nhờ Linh Cô đưa chàng đến đây để làm gì? Và, những người đón chàng, hoặc tại đây, hoặc trước mặt kia, là ai? Trong chuyến đi này, chàng sẽ có công tác gì?
Tự hỏi, để bắt buộc trí óc hoạt động, tìm một giải đáp, chàng biết rõ là chẳng bao giờ tự chàng tìm được giải pháp. Cho nên, qua mỗi một câu tự hỏi, chàng nhìn thấy mình thêm hoang mang.
Có một điều, chàng chắc là phải có, là trong vòng ba hôm nữa, Tu La Tôn Giả Tạ Linh Vận sẽ huy động toàn lực lượng của y, kéo trở lại Thần Nữ Phong, tranh chấp với bọn Lý Trại Hồng, giành uy thế đã mất. Và lực lượng đó rất hùng hậu, xem ra áp đảo bọn Lý Trại Hồng rất dễ dàng.
Khổ Hải Từ Hàng bằng vào một chủ trương nào đó, tỏ ra ung dung, khinh thường, có chắc là lão giải trừ nổi hiểm họa đang đe dọa bọn Lý Trại Hồng chăng hay là lão nói để trấn an mọi người? Bởi, lão chỉ là đơn thân độc lực, còn cánh của Tạ Linh Vận thì mạnh mẽ như biển càn, bão quét?
Chàng thầm nghĩ:
“Còn ta, ta có thể đánh thắng Tạ Linh Vận chăng?”.
Chàng nhận thấy mình chưa đủ sức nắm cái cơ tất thắng trước Tạ Linh Vận, đành rằng tại Thần Nữ Phong, Tạ Linh Vận có thất bại nơi tay chàng, song đó chỉ là một kết quả của cơ may thôi, chứ luận về thực lực, thì chàng tự xem mình chưa đồng cân lượng đối với Tạ Linh Vận.
Y thất bại lần đó, chẳng qua y quá khinh thường chàng, y không đề phòng.
Mà phàm ai khinh địch cũng đều thất bại như y, thất bại đều vô lý, thất bại ngay cả với những kẻ ngày thường sùng bái họ như thần như thánh.
Thắng vì đối phương sơ ý, khinh thường, không phòng bị, đó đâu phải là một cái thắng đường hoàng, thắng bằng tài cao?
Trong những lần sau này chạm trán với Tạ Linh Vận, liệu chàng còn đắc ý nữa chăng? Đương nhiên, Tạ Linh Vận lúc tái đấu với chàng, sẽ đấu với ý chí phục thù, sẽ đấu với cao độ cảnh giác, khí thế của y phải mạnh, chiêu thức được sử dụng phải độc.
Chàng cảm thấy cái nguy đang chờ đón chàng ở ngày mai ...
Có một kẻ tử thù cỡ Tạ Linh Vận, hẳn chàng sẽ mất đi rất nhiều nhàn hạ!
Cứ theo sự sắp xếp của Khổ Hải Từ Hàng, thì bọn Lý Trại Hồng đặt rất nhiều hy vọng nơi chàng, và chính chàng sẽ là kẻ đứng mũi chịu sào trong công cuộc đương đầu với bọn Tạ Linh Vận ba hôm nữa! Khổ Hải Từ Hàng cũng lo ngại chàng không đủ sức thủ thắng trước Tạ Linh Vận, nên đưa chàng đến địa điểm bí mật này, để có một kỳ ngộ nào đó đến với chàng!
Kỳ ngộ? Kỳ ngộ đó như thế nào? Chàng sẽ gặp một cao nhân chăng?
Chàng nghĩ:
“Dù có gặp cao nhân đi nữa, chẳng cao nhân nào có thể biến ta thành một đại hữu dụng, trong thời gian ngắn ngủi ba hôm!”.
Rồi chàng đi tới, chân bước mà óc suy tư, chàng đi mãi không ngừng, óc cũng suy tư mãi không dừng.
Con đường đi không thoai thoải, dễ dàng, lối là lối mòn, chừng như vắng bóng khách bộ hành, nên cỏ mọc từ ven đường lan rộng giao chuyền nhau, đầu phủ xuống, tạo thành một màn lưới che khuất bên trên cỏ thấp, lưới thấp, có nơi chàng phải khom mình tiến tới.
Chàng cứ đi ...
Lắm lúc, chàng nhận lối sai lầm, bởi có những con đường nhỏ khác, xuyên ngang đâm dọc.
Mỗi khi chàng lạc lối, là trước mặt có một vầng mây mờ hiện lên ngăn lại.
Chàng nghĩ là nơi đây có ai bố trí một trận đồ cao minh lắm. Muốn đi ngang qua nơi đó, phải theo một con đường chính xác trong số hàng trăm bằng ngàn con đường, xuyên chéo nhau như mắc cửi. Theo đúng con đường đó, tất nhiên đến đúng một nơi, và nơi đó hẳn là cái đích mà Khổ Hải Từ Hàng muốn cho chàng đến.
Bởi nghĩ là mình đang quanh co trong một trận đồ, chàng hết sức chú ý những điểm đặc biệt mỗi khi rẽ sái qua một đường khác, nhờ thế, chàng nhận ra được những ký hiệu dọc theo con đường chính xác. Cho nên, sau một thời gian ngắn, chàng nhận định dễ dàng lối đi, chẳng còn nhầm lẫn nữa.
Chàng đi như vậy, suốt đêm đó, khi phương Đông vừa tóe sáng, chàng ra khỏi vùng cỏ loạn, đến một cái gò nhỏ. Sương đêm đã thấm ướt cả y phục của chàng.
Đứng trên gò, chàng nhìn ra chung quanh, bất giác kêu lên một tiếng kinh ngạc.
Từ nơi đó, chàng thấy rõ bờ sông, nơi thuyền đổ, Linh Cô đưa chàng lên bờ, và vùng cỏ loạn chỉ rộng hơn độ ba bốn mẫu. Bờ sông cách gò đất không hơn một dặm! Thế mà chàng phải mất trọn một đêm dài, mới vượt qua được vùng cỏ loạn đó! Đúng là một trận đồ, ảo diệu phi thường, ai lạc lõng giữa trận đồ là không phương tìm lối ra!
Chàng thở dài mấy tiếng, tần ngần tại chỗ một lúc lâu, sau cùng từ từ đi xuống chân gò.
Bên này gò, là vùng cỏ loạn, có trận đồ ngăn chặn bất cứ ai xâm nhập, bên kia gò, là một cảnh trí có đủ hoa, cỏ.
Chen lẫn giữa những luống hoa, có liễu buông tơ, tơ kết mành, đong đưa theo gió sớm.
Rồi ngoài hoa, có trúc, trúc xanh tươi, cạnh trúc có đào, trúc xanh đào hồng tương phản màu sắc, trông đẹp mắt vô cùng.
Một cảnh trí chỉ có ở non tiên, chứ giữa phàm trần làm gì ai tạo nên một cách tuyệt vời như thế?
Quan Sơn Nguyệt nhìn cảnh, một lúc lâu lại thở dài lẩm nhẩm:
– Có một gian nhà nhỏ, giữa hoa cỏ như thế này thì còn mong cầu công danh phú quí mà chi nữa?
Chàng thở dài hơi lớn tiếng một chút, chừng như có làm kinh động người nơi đó.
Một nữ nhân bật cười khanh khách, tiếng cười vọng đến tai Quan Sơn Nguyệt, làm chàng hãi hùng.
Tiếp theo tiếng cười đó, là một câu nói vẫn giọng êm đềm như tiếng cười:
– Tiểu tử đó có niềm hoài bão không khác đại huynh chút nào!
Một nam nhân đáp:
– Hắn còn nặng duyên tình, nhiều sát kiếp, chưa đáng dừng chân hưởng sự thung dung tự tại ở một địa phương như thế này đâu!
Quan Sơn Nguyệt biến sắc. Chàng nhận ra, đúng là âm thanh của sư phó chàng. Niềm khích động trào dâng, bất giác chàng đổ lệ xúc cảm gào qua nức nở:
– Sư phụ! Sư phụ ở đâu?
Suy qua âm thịnh, Quan Sơn Nguyệt ức độ, hai người đối thoại không cách xa chàng lắm, thế mà gào lên rồi chàng hấp tấp chạy đi về hướng đó, tìm mãi, rồi tìm rộng ra, xa hơn, vẫn chẳng phát hiện ra một bóng người.
Tìm không được, chàng uất ức, lại khóc lại gào to:
– Sư phụ! Sư phụ ơi! Đệ tử tìm sư phụ khắp nơi, đệ tử hằng hoài niệm sư phụ, sao sư phụ không cho đệ tử gặp mặt?
Khóc rồi tìm, tìm rồi khóc, chàng khóc, chàng tìm hơn nửa ngày, vẫn chẳng thấy Độc Cô Minh.
Chàng quỳ xuống đất, lại khóc lại van cầu.
Sau cùng, chàng nghe nữ nhân cất tiếng:
– Thôi, đừng đùa tiểu tử nữa, xem hắn cũng đáng thương quá chừng!
Độc Cô Minh đáp:
– Không được. Ngu huynh phải diệt trừ bớt hỏa khí nơi hắn, nếu không thì trong tương lai chẳng còn ai chế ngự hắn nổi.
Nữ nhân cười nhẹ:
– Nói người, sao không nghĩ đến mình? Chứ ngày trước, Độc Cô Minh lại không nóng tính à? Nếu Độc Cô huynh không sớm cho hắn gặp mặt, chỉ sẽ làm cho hắn điên lên, chắc gì là hắn sẽ nguội tính như Độc Cô huynh mong tưởng?
Độc Cô Minh cười vang:
– Lâm muội khẩn cấp cái gì? Thế ra, cái tính nóng vẫn còn và như vậy thì kiếp sát sau này, ngu huynh e cho Lâm muội cũng sẽ không tránh khỏi vòng lôi cuốn!
Thì ra, nữ nhân đó, họ Lâm, mà nếu là họ Lâm và ở cạnh Độc Cô Minh, thì ngoài Lâm Hương Đình ra, còn nữ nhân nào khác?
Đúng vậy, nữ nhân đó chính là Lâm Hương Đình. Bà ta đáp:
– Cái gì muốn đến cứ đến, đến như thế nào, tôi chấp nhận như thế đó, lo sợ làm chi? Tránh được, cũng tốt, mà không tránh được, cũng chẳng sao. Chúng ta đã bị đặt trong hạn định trăm năm, thì dù sao cũng phải đi tròn vòng hạn định đó.
Bỗng Quan Sơn Nguyệt thấy một vầng sáng lóe trước mắt rồi tắt liền.
Chàng nhìn ra hai bóng người xuất hiện, một nữ một nam, nữ đẹp tuyệt vời, nam siêu trần thoát tục.
Chàng không còn sức chạy như trước nữa, cố gắng bước đi, phải vất vả lắm mới đến nơi hai người đang ngồi bên nhau. Đoạn, sụp mình xuống, chàng gọi qua nức nở:
– Sư phụ!
Chỉ gọi được hai tiếng thôi, chàng cảm thấy đầu choáng, mắt hoa rồi ngã luôn tại chỗ hôn mê ngay.
Phần mệt mỏi suốt một đêm, thêm nửa ngày, phần xúc động mạnh, Quan Sơn Nguyệt ngất xỉu luôn, chứ chẳng phải bị tổn thương chi cả.
Lâm Hương Đình bước tới, án bàn tay nơi đỉnh đầu chàng truyền công lực sang, dằn ép áp lực khí huyết nơi chàng đang bốc cao, dồn trở lại đan điền.
Một phút sau, chàng hồi tỉnh, rồi tự mình, cố vận hành khí huyết lưu thông quanh cơ thể, lấy lại bình thường.
Niềm khoan khoái càng phút càng lên cao, chàng có cảm giác như công lực của mình gia tăng dần dần ...
Chàng nhìn sang Độc Cô Minh, thấy lão ngày nay thần nhàn, khí tịnh, khác hẳn ngày nào thường nhật sầu muộn ưu tư, chàng hân hoan vô cùng, toan gọi lão, bày tỏ sự mừng vui đó.
Độc Cô Minh hét:
– Súc sanh, Lâm Tiên Tử đang đem xông phu nội lực bình sanh truyền cho ngươi, sao chẳng chuyên tâm tiếp thọ, còn nghĩ vớ vẩn như thế?
Quan Sơn Nguyệt giật mình, trừ diệt tạp niệm ngay, chú ý vận hành khí huyết, điều hòa tự lực với công lực của Lâm Hương Đình đưa sang.
Một lúc lâu Độc Cô Minh đưa tay ra, xô nhẹ bàn tay của Lâm Hương Đình khỏi đỉnh đầu Quan Sơn Nguyệt, đoạn thốt:
– Đủ rồi. Nếu cứ truyền công lực mãi như vậy, thì chính Lâm muội phải nguy!
Lâm Hương Đình thở phào, vẻ mệt mỏi hiện rõ nơi gương mặt.
Bây giờ, Quan Sơn Nguyệt mới dám cất tiếng:
– Sư phụ, đệ tử ...
Độc Cô Minh chỉnh nghiêm thần sắc, bảo:
– Đừng làm lễ theo thói tục, ta chẳng cần ngươi phải chú ý đến ta, hãy cảm tạ Lâm Tiên Tử, bà ấy đã hy sanh cho ngươi rất nhiều đó!
Quan Sơn Nguyệt quay qua Lâm Hương Đình, toan cúi đầu, Lâm Hương Đình mỉm cười thốt:
– Khỏi! Sư phụ ngươi không màng thói tục, ta lại đi thích thấy ngươi lạy ta, lí nhí những lời rườm rà sao? Chẳng có ơn gì cả mà phải tạ, đừng có nghe lời nói nhảm của sư phụ ngươi!
Tuy nhiên, Quan Sơn Nguyệt vẫn làm đủ lễ như thường. Đoạn chàng đứng lên, nghiêm trang như hầu lịnh.
Lâm Hương Đình lại cười, bảo:
– Ngồi xuống đi, tiểu tử! Chúng ta đàm đạo với nhau.
Rồi bà hỏi:
– Ngươi biết ta là ai rồi chứ?
Quan Sơn Nguyệt cung kính đáp:
– Đệ tử có nghe Lý Tiên Tử thuật sơ lược sư tình ...
Lâm Hương Đình gật đầu:
– Phải, ta là Lâm Hương Đình. Ta nhận thấy, lúc ngươi giao đấu với Tạ Linh Vận, cái phong độ của ngươi đáng ngợi vô cùng. Do đó, ta mến ngươi ngay, và có cái ý muốn tiếp trợ ngươi phần nào ...
Quan Sơn Nguyệt kinh ngạc, tự hỏi, làm sao bà thấy được cuộc chiến giữa chàng và Tạ Linh Vận?
Bà đâu có mặt tại cục trường lúc đó?
Lâm Hương Đình biết chàng lấy làm lạ, liền giải thích:
– Ta và sư phụ ngươi lúc đó, vẫn có mặt như thường, nhưng ở tại một nơi kín đáo, nên bọn các ngươi chẳng ai trông thấy chúng ta. Khi Tạ Linh Vận bức bách Lý Trại Hồng cực độ, ta định ra mặt, tiếp trợ Lý sư muội, song may mắn thay, ngươi lại xuất hiện đảm đương phần việc đó, thành thử ra ta khỏi phải xuất đầu lộ diện.
Quan Sơn Nguyệt «ạ» lên một tiếng.
Độc Cô Minh tiếp lời Lâm Hương Đình:
– Vừa rồi, Lâm Tiên Tử sử dụng «Di Ngọc Thần Công», truyền công phu nội lực cho ngươi đó, hiện tại, công lực của ngươi tăng gia quan trọng, phần tiến bộ ngang với kết quả của hai mươi năm khổ luyện trở lên ...
Quan Sơn Nguyệt vừa mừng, vừa cảm động, quay qua Lâm Hương Đình, cung kính thốt:
– Tiên tử thành toàn đệ tử như vậy ...
Hương Đình mỉm cười:
– Ta đã bảo, giữa chúng ta không ai cần phải giữ cái sáo giang hồ, những gì đáng nói, cần nói, thì cứ nói, những gì vô ích, chẳng cần phải nói làm chi. Cho ngươi biết, ta giúp ngươi cũng do nơi một dụng ý nào đó, thứ nào phải duy nhất vì hảo tâm đâu. Ta sẽ còn nhờ ngươi lo liệu cho nhiều việc trong tương lai kia mà!
Độc Cô Minh khoát tay:
– Lâm muội bảo hắn đừng khách sáo, thế mà tự mình lại rơi vài cái sáo mất rồi. Muốn giao phó cho hắn việc gì, cứ nói thẳng ra, cần chi phải dùng đến cái tiếng nhờ?
Quan Sơn Nguyệt tiếp:
– Tiên tử muốn sai bảo điều chi, xin cứ dạy cho biết, dù chết đệ tử cũng chẳng từ! Dù rằng trước khi Tiên tử truyền nội lực, nếu làm được việc gì hữu ích cho Tiên tử, đệ tử cũng sẵn sàng làm, hà huống sau khi thọ ơn trọng của Tiên tử?
Độc Cô Minh mỉm cười:
– Tiểu tử muốn thoái thác cái ơn của Lâm muội rồi đó!
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp thốt:
– Không, sư phụ! Đệ tử đâu có ý đó!
Lâm Hương Đình cười nhẹ, khoát tay:
– Bỏ việc đó đi, Hoàng Hạc huynh! Bây giờ, tôi hỏi Hoàng Hạc huynh có biết tại sao tôi truyền công lực cho hắn chăng?
Độc Cô Minh lại cười:
– Thì vì cái bọn Tạ Linh Vận, chứ còn vì lẽ gì nữa?
Lâm Hương Đình lắc đầu:
– Sai! Chống đối với bọn Tu La, tôi đã có phương pháp rồi, và cái phương pháp đó cũng đã có người nhận lãnh thi hành rồi. Hiện tại tôi không còn phải nghĩ đến việc ứng phó với họ Tạ nữa.
Độc Cô Minh kinh ngạc:
– Thế Lâm muội còn dụng ý gì khác?
Lâm Hương Đình thở dài:
– Chỉ vì tôi lo cho Liễu Y Ảo!
Độc Cô Minh giật mình:
– Sao? Lại có cái việc như vậy nữa à? Ngu huynh từng nói với Lâm muội, là việc đó không thể thực hành ...
Lâm Hương Đình lộ vẻ khẩn thiết ra mặt:
– Hoàng Hạc. Tôi van cầu Hoàng Hạc, bình sanh tôi chỉ có mỗi một điều van cầu Hoàng Hạc thôi, chính là điều đó ...
Độc Cô Minh trầm ngâm một lúc lâu, sau cùng thấp giọng thốt:
– Lâm muội van cầu, nhưng ngu huynh không thể làm chủ được sự việc, thì sao? Tuy hắn là đệ tử của ngu huynh, song chẳng phải vì vậy mà ngu huynh có thể bắt buộc hắn phải làm đúng theo cái ý của mình, bởi phạm vi uy tín của một ân sư không thể lan rộng đến các việc riêng tư của đệ tử. Ngu huynh không có quyền bức bách hắn phải tiếp thọ cái ý của mình, nếu thực sự hắn không đồng cái ý đó, chỉ vì cái việc ...
Lâm Hương Đình vội chận:
– Tôi có van cầu Hoàng Hạc điều chi khó đâu? Xin miễn Hoàng Hạc đừng can thiệp, đừng phản đối là đủ rồi. Còn ra thì do tôi sắp xếp.
Độc Cô Minh lại suy nghĩ một lúc nữa, đoạn thở dài:
– Thôi được! Ngu huynh sẽ chẳng can thiệp, tuy nhiên, trước khi thực hiện ý muốn, Lâm muội nên suy nghĩ thật kỹ, đừng gấp vẽ cọp mà thành hình chó, thì thật là đáng hận vậy. Nên nhớ là chúng ta diệt lụy phiền, chứ không phải tạo thêm lụy phiền đấy nhé!
Lâm Hương Đình thở phào, một nụ cười, đáp:
– Hoàng Hạc huynh yên trí. Tôi sẽ tìm ra cơ hội an bài, chắc chắn là phải có kết quả đẹp!
Quan Sơn Nguyệt lắng nghe hai người đối đáp, chẳng hiểu chi cả. Chàng lặp lại câu hỏi của chàng:
– Tiên tử muốn ủy thác cho đệ tử việc gì?
Lâm Hương Đình mỉm cười:
– Một việc không đòi hỏi ngươi mất một điểm khí lực nào hết!
Quan Sơn Nguyệt khẳng khái:
– Đệ tử đã trình bày ý chí, dù việc khó khăn đến đâu, đệ tử cũng quyết thi hành, dù có mất mạng cũng chẳng sao, huống hồ mất khí lực, nhất định đệ tử chẳng để cho Tiên tử thất vọng đâu!
Độc Cô Minh trừng mắt:
– Đừng đáp ứng vội, tiểu tử. Hãy nghe người ta bảo ngươi làm việc gì, biết được việc người ta ủy thác rồi, sẽ đáp ứng cũng chẳng muộn.
Lâm Hương Đình hấp tấp can thiệp:
– Hoàng Hạc! Nói cái gì thế? Hoàng Hạc quên là mình vừa hứa hẹn như thế nào sao?
Độc Cô Minh buông thõng đôi tay, tỏ cái ý chán nản. Lão thở dài, thốt:
– Được rồi! Ngu huynh sẽ chẳng nói một tiếng nào nữa Lâm muội cứ bày tỏ với hắn đi!
Quan Sơn Nguyệt nhìn sang Lâm Hương Đình, chờ bà ta nói lên việc nhờ chàng thi hành.
Lâm Hương Đình trầm ngâm một chút, rồi mỉm cười, cất tiếng:
– Đây là một việc riêng, ta không thể nhận công mà đề cập đến tư. Ta nghĩ, nên để sau này sẽ nói đến, cũng chẳng muộn. Bây giờ, ta đưa ngươi đến gặp Lão Lão.
Độc Cô Minh tán đồng ý đó.
Nhưng Quan Sơn Nguyệt lấy làm lạ, hỏi:
– Lão Lão là ai?
Lâm Hương Đình cười nhẹ:
– Việc của bọn ta, chắc ngươi cũng có hiểu qua phần nào chứ?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Lý Tiên Tử có thuật cho biết đại khái, về những chi tiết phụ thuộc thì đệ tử chẳng hiểu gì nhiều ...
Lâm Hương Đình hỏi:
– Thế còn những gì mà ngươi muốn biết?
Quan Sơn Nguyệt suy tư một chút, rồi thốt:
– Những điều đệ tử muốn biết thêm, rất nhiều, còn nhiều lắm, giả như tại sao Tiên tử và gia sư đột nhiên bỏ cuộc hội mà đi, tại sao lại ẩn cư nơi này, Khổ Hải Từ Hàng đưa đệ tử đến đây, để làm gì ...
Lâm Hương Đình mỉm cười:
– Ngươi hỏi nhiều quá! Muốn biết gì, đợi lúc gặp Lão Lão rồi, người sẽ giải thích cho mà biết rõ.
Quan Sơn Nguyệt lại muốn hỏi nữa, song chừng như Lâm Hương Đình hiểu là chàng muốn nói chi đó nên chận liền:
– Lão Lão là chủ nhân địa phương này, và là sư nương của ta.
Quan Sơn Nguyệt kêu lên:
– Ôn Kiều lão tiền bối? Lão bà ở tại đây?
Lâm Hương Đình gật đầu:
– Phải! Xem ra, Lý Trại Hồng cũng đã cho người biết khá nhiều việc.
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Lý Tiên Tử không hề hay biết là Ôn Kiều lão tiền bối còn sống trên dương thế, và tự nhiên cũng chẳng hay biết Ôn lão tiền bối ở đâu.
Lâm Hương Đình cười nhẹ:
– Làm sao Lý muội biết được chứ! Trừ ra sư phụ ngươi và ta, ngươi là kẻ thứ ba biết được mà thôi.
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Khó tin vô cùng, song lại là sư thật! Bởi, có ai ngờ Ôn lão tiền bối ...
Độc Cô Minh chận lời:
– Ngươi nên xưng hô người là Lão Lão, đừng nói cái gì mà tiền bối hậu bối, khó nghe quá!
Quan Sơn Nguyệt vâng ngay:
– Đệ tử tuân lời sư phụ.
Rồi chàng hỏi:
– Lão Lão năm nay ... hẳn là tuổi thọ rất cao ...
Lâm Hương Đình thởi dài:
– Ngoài một trăm! Sư phụ của ta, nhất tâm cầu Tiên, chưa thành Tiên mà thành thọ yểu! Dù sao thì trong ý chí sư phụ ta, cũng có phần nào tham vọng!
Phàm người nuôi tham vong thì phải ít nhiều nóng nảy, tâm thần phải bất định, có ảnh hưởng lớn lao cho sự di dưỡng cơ thể, tự nhiên phải vắn số. Sao cho bằng sư nương ta, vất bỏ mọi niềm trần tục, không dùng phương tiện đạt cái đích như những người thường trong giới cảm tham lam, sư nương ta chỉ dùng đại trí, đại tuệ, tu thành cái nghiệp Tiên. Nhờ thế, người mới vượt khỏi giới hạn trăm năm, do tạo hóa ấn định cho loài người.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Người cũng có thể thành tiên? Thật vậy sao, Tiên tử?
Lâm Hương Đình mỉm cười:
– Ngươi hỏi ta! Ta nói có, thì thành ra lừa ngươi, mà nói không, thì trường hợp của Lão Lão kia là một bằng chứng cụ thể! Lão Lão đã đạt đến giới cảnh mà ta chưa biết mệnh danh như thế nào!
Độc Cô Minh chen vào:
– Lâm muội không nên gieo hoang mang cho hắn, bởi làm gì mà có Tiên!
Sanh mạng của con người, thực ra có khác nào một ngọn đèn dầu! Đèn càng cháy sáng, thì số lượng dầu càng chóng hao mòn, con người gấp sống, đòi hỏi nhiều nhu cầu trong một lúc, nuôi tham vọng, phục vụ cho tham vọng, có khác nào đèn có bao nhiêu tiêm, đốt cả lên, số lượng dầu phải chóng cạn. Sở dĩ Lão Lão sống lâu, là nhờ biết đạo dưỡng sanh, biết điều hòa ánh sáng và tỷ lệ hao mòn của dĩa dầu, do đó mà đèn vẫn cháy, dầu vẫn còn, tuy nhiên phải có một ngày nào đó. Lão Lão cũng trở về với cát bụi, bởi số lượng dầu nào phải vô tận đâu?
Lâm Hương Đình mỉm cười:
– Hoàng Hạc huynh giải thích cao minh hơn tôi đó nhé! Thế ra, chúng ta tìm nơi ở ẩn như thế này, là một việc làm thừa thãi, vô ích, bởi chung quy rồi, chúng ta cũng chẳng đạt được cái kết quả gì!
Độc Cô Minh lắc đầu:
– Hương Đình lầm đó, chúng ta nào phải chạy theo ảo ảnh mà cho rằng quy ẩn như thế này là làm một việc vô ích? Không, cái sống của con người hiện ra dưới ngàn muôn vạn phương thức, chúng ta còn sống, tất phải chọn một phương thức nào, thích hợp với tâm, với hồn thôi, như ngu huynh đã nói, khi nào dĩa dầu cạn, là chúng ta cũng phải trở về lòng đất lạnh. Vào đây mà sống, đâu phải chúng ta muốn lên tiên giới. Vào đây, là theo đúng cái phương thức thích hợp của chúng ta, sớm hay muộn, dĩa dầu cũng phải cạn. Hương Đình ạ. Cho rằng số lượng dầu vô tận là nuôi ảo ảnh đó!
Quan Sơn Nguyệt sững sờ. Cuộc đấu lý của Lâm Hương Đình và Độc Cô Minh gây hoang mang cho chàng không ít. Chàng trầm ngâm, nghĩ ngợ mông lung ...
Chợt, Độc Cô Minh cao giọng:
– Tiểu tử! Đừng suy tư viễn vông mà thành ra mê hoặc, phải biết con người ta, ai ai cũng có cái cơ duyên, chẳng cơ duyên nào giống cơ duyên nào, và cái cơ duyên đó đưa con người đến một cảnh ngộ, bởi có sư khác biệt từ lúc ban sơ, thì khi kết thúc cũng có khác biệt như thường, đừng bao giờ nhìn vào sự tao ngộ của kẻ khác mà lập thành cái hướng cho mình phải tự mình nhận định phương thức thích hợp cho sinh hoạt của mình, cái phương thức đó tự nhiên bất đồng, mỗi người có riêng biệt một phương thức, của ta không thể là của ngươi và ngược lại.
Lão dừng lại một chút, đoạn tiếp:
– Phương thức của ta, lồng khung trong cảnh trí này, còn sinh hoạt của ngươi lấy giang hồ làm phạm vi hành động, phải thấu triệt cái đạo lý đó, can đảm trừ diệt hoang mang, để tránh cái cảnh lạc lõng giữa bất cứ tình huống nào.
Quan Sơn Nguyệt kêu lên với giọng thành khẩn:
– Sư phụ! Tuy đệ tử xuôi ngược trên giang hồ chưa được bao lâu, song lối sống trên giang hồ gây chán nản cho đệ tử quá nhiều, đệ tử dám quả quyết với sư phụ là nếu có thể, đệ tử sẽ rứt áo phong sương, thoát xuất giang hồ, tìm nơi quy ẩn, đành rằng lứa tuổi của đệ tử không thích hợp với u nhàn, thanh tịnh song đệ tử lập chí như thế từ lâu. Giả như sư phụ chấp nhận cho đệ tử được theo sư phụ, hầu hạ sớm tối ...
Độc Cô Minh «hừ» một tiếng:
– Thời gian còn sớm để cho ngươi có một quyết định. Muốn tránh mọi hối tiếc do thái độ hấp tấp, vội vàng, ngươi hãy xếp việc đó lại một bên, sau đúng hai mươi năm, nếu ngươi còn nuôi dưỡng cái mộng nhàn, thì cứ trở lại đây, ta hân hoan đón tiếp ngươi. Lúc đó, chúng ta sẽ không còn là sư phụ, đệ tử, mà là đôi đạo hữu, hòa mình với thiên nhiên.
Quan Sơn Nguyệt toan đáp, Lâm Hương Đình cười nhẹ, chận lại:
– Sư phụ ngươi nói đúng đó, tiểu tử. Cái khung cảnh này không thích hợp với hạng người dưới lứa trung niên, đừng vì cơn bốc đồng trong chốc lát mà chọn vội vàng, rồi sau đó lại hối hận, đến có thể ly khai mà trở về sinh hoạt cũ. Ngươi đang hồi phương cương huyết khí, ngươi đang cần hoạt động để tiêu pha phần nhựa sống ứ đọng trong cơ thể thì làm sao ngươi giam mình nổi trong cái tinh trầm trầm này? Qua cơn bốc đồng, ngươi sẽ chán!
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Đệ tử không hề chán nản!
Lâm Hương Đình mỉm cười:
– Thế để ta nói một câu, ngươi giải thích cho rõ nghĩa nhé! Giải thích được, là ngươi thấy cái động trong cái tịnh! Nhờ thấy thế, mà ngươi sẽ không chán nản, bởi cái tịnh bao giờ cũng chẳng hấp dẫn bằng cái động.
Quan Sơn Nguyệt giục:
– Tiểu tử nói đi!
Lâm Hương Đình nhìn thoáng qua Độc Cô Minh, đoạn cất tiếng:
– Cùng nhìn núi xanh cả hai không thấy chán!
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ không lâu:
– Người, vẫn là người cũ, núi vẫn là núi cũ, nhưng không gian có sự đổi thay, như thái dương xuống, như trăng khuyết rồi tròn, tròn để khuyết trở lại, như hoa nở, hoa tàn, tàn để nở lại, lá sanh, lá rụng, lá mới đâm mầm. Trong cái tịnh của vũ trụ, có cái động của vạn vật, nhận thức được cái động đó, làm gì sanh chán?
Độc Cô Minh nhìn sững chàng, lẩm nhẩm:
– Tiểu tử cũng thức ngộ cái đạo lý đó à?
Quan Sơn Nguyệt cao hứng phi thường:
– Như vậy, đệ tử lưu lại đây được chứ?
Độc Cô Minh vẫn lắc đầu.
Quan Sơn Nguyệt lại thất vọng.
Lâm Hương Đình lại mỉm cười:
– Khá lắm đó tiểu tử! Tuy nhiên, ngộ tánh dù có, căn cơ chưa thâm, hỏa hầu chưa đủ, ngươi phải chờ đợi một thời gian nữa, như sư phụ ngươi đã nói.
Chúng ta cần phải xem diễn tiến cuộc đời thực nghiệm cái tính nhẫn nại của ngươi như thế nào, sau đó sẽ hoan hỷ nghinh tiếp ngươi về đây, mà làm bạn hữu.
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Như thế nào mới cho là hỏa hầu đầy đủ?
Độc Cô Minh buông gọn:
– Đến lúc đầy đủ tự ngươi sẽ biết. Hỏi nhiều làm chi?
Lâm Hương Đình tiếp nối:
– Bí mật làm chi với hắn, hở Hoàng Hạc? Chúng ta nên nói rõ cho hắn biết đi!
Bà quay qua Quan Sơn Nguyệt, tiếp luôn:
– Vừa rồi, ngươi nói đúng, song chỉ đúng một phần, phần đó thuộc về người, ngươi lại quên cái phần về núi. Người không chán, đã đành, nhưng núi cũng chán như người!
Quan Sơn Nguyệt trố mắt:
– Núi cũng biết chán? Thế ra, núi cũng có cảm giác như người?
Lâm Hương Đình gật đầu:
– Hiện tại thì ngươi không hiểu, song sau này, ngươi sẽ thấu đáo cái đạo lý đó. Bất quá, ta chỉ đơn cử một thí dụ thôi, một thí dụ thuộc cảnh giới của tâm linh.
Khi nào tâm linh của ngươi phát huy đầy đủ, là ngươi có hỏa hầu đầy đủ, không cần ai giải thích, lúc đó ngươi cũng minh bạch. Ngươi thông minh đấy, ta chẳng cần phải nói chi nhiều hơn nữa.
Độc Cô Minh cười nhẹ:
– Lâm muội nên ngừng lại chỗ đó là hơn, nếu cứ nói mãi thì sẽ là kẻ có tội mất!
Quan Sơn Nguyệt lại hoang mang.
Tại sao Lâm Hương Đình nói nhiều hơn nữa, lại phải thành người có tội? Ai bắt tội bà ta? Bà ta phạm tội gì?
Chàng nhìn sững Độc Cô Minh và Lâm Hương Đình.
Cả hai cũng nhìn chàng, rồi cũng cười, chẳng ai nói gì thêm.
Chàng cũng không dám hỏi gì nữa.
Từ xa, có tiếng mõ nhẹ nhàng theo gió đưa đến.
Lâm Hương Đình hấp tấp thốt:
– Lão Lão gọi chúng ta đấy!
Độc Cô Minh cười hì hì:
– Lão Lão cảnh cáo Lâm muội thì có! Lão Lão không muốn Lâm muội dè dặt từng lời ...
Lâm Hương Đình cũng cười, chẳng có vẻ gì chứng tỏ là bà bực bội vì câu trách khéo của Độc Cô Minh. Bà thốt:
– Chúng ta trở về nhanh, nếu chậm trễ, hẳn phải thọ phạt đấy!
Bà phi thân, nhảy qua ngọn suối, Độc Cô Minh cũng nhảy theo bà.
Quan Sơn Nguyệt toan nhún chân nhảy theo, Độc Cô Minh gọi lớn:
– Lên cầu mà vượt qua suối, suối rộng lắm, ngươi không nhảy khỏi đâu!
Quan Sơn Nguyệt nhận ra, mặt suối rộng độ hơn trượng, với năng lực hiện tại, chàng vượt khoảng cách đó dễ dàng, hơn nữa chàng thấy Độc Cô Minh và Lâm Hương Đình nhẩy không khó khăn lắm, thành ra chàng cũng hoài nghi lời nói của sư phụ. Do đó, thay vì lên cầu, chạy qua, chàng vận công, để khí thầm nghĩ, ít nhất chàng cũng nhảy xa hơn năm trượng.
Chàng nhảy liền. Khi đáp xuống, chàng hết sức sững sờ, thấy mình chỉ vượt độ nửa mặt suối. Cũng may, chàng phát giác kịp sự tình đó, khi cái đà nhảy đã mãn, và đang đáp xuống, chứ chưa chấm chân đến mặt nước. Chàng hết sức kinh hãi, vội đạp vào không khí, tung bổng người lên không, uốn vòng rồi đáp xuống. Lần nhảy thứ hai này, chàng ước lượng thế nào cũng vượt hơn ba trượng, thế mà vừa đáp xuống, chàng vẫn thấy mình cũng còn ở trên mặt suối.
Dĩ nhiên, chàng càng sợ hãi gấp mấy lần hơn trước đó, bởi chàng đã tận dụng chân khí trong người rồi, bây giờ làm sao tung bỗng mình lên không một lượt thứ ba nữa được?
Trong cơn nguy cấp, chàng phải liều. Vừa xuống đến mặt nước, chàng ấn chân đạp mạnh, định mượn mực nước làm cơ bản bắn mình lên. Chàng hy vọng như vậy.
Ngờ đâu mặt nước của ngọn suối, chừng như chẳng phải là vật hữu thể như nước ở khắp mọi nơi, tuy thấy có nước rõ ràng, song chẳng khác nào chàng ẩn chân vào cõi hư vô. Tự nhiên, chàng phải chìm xuống, và chàng nghe lạnh ở đôi chân. Chân đạp, không thấy nước, thế mà chân lún xuống, lại nghe lạnh, cái lạnh ướt, lạnh do một chất nước chuyển sang. Thế mới kỳ!
Chàng hết sức hoang mang, lòng chàng rối loạn lên ngay.
Đôi chân quầy quậy trong nước, đôi tay cũng khoát lên vung vít.
Trong lúc quơ tay, chàng vớ trúng một vật gì, hình tròn, mường tượng một rễ cây. Chụp được vật đó, chàng bớt sợ, định thần lại, nhìn ra, bất giác kinh ngạc vô cùng, tự hỏi mình ở tại địa phương nào ...
Rồi chàng mơ hồ thấy một chiếc cầu, và chính chàng đang ở trên chiếc cầu đó, vật tròn chàng đang nắm trong tay, là một đoạn gỗ của chiếc lan can cầu.
Chàng lần theo chiếc cầu, đi tới, qua khỏi cầu rồi, chàng còn thấy nước từ chân chàng chảy xuống ròng ròng.
Chàng lấy làm lạ, nhớ lại việc vừa rồi, tự hỏi tại sao nước suối lại không có một sức đẩy, nâng thân xác chàng lên như mọi dòng nước ao hồ sông suối khác?
Nước ở đây, chẳng lẽ lại là Nhược Thủy, chốn non bồng?
Còn chiếc cầu kia, tại sao bỗng nhiên lại xuất hiện? Chính chàng đã nhìn kỹ từ trước, nào có thấy cầu bắc ngang qua suối đâu?
Lòng suối, bất quá chỉ độ hơn trượng rộng, tại sao chàng không nhẩy qua nổi?
Bao nhiêu nghi vấn nổi lên trong tâm tư, chàng vừa hoang mang vừa hổ thẹn, vì lúc đó Độc Cô Minh và Lâm Hương Đình đang nhìn chàng mỉm cười.
Chàng ước độ khoảng cách giữa chàng và Độc Cô Minh, Lâm Hương Đình, không ngoài trượng rưỡi, bất quá chàng chỉ bước mấy bước dài là đến nơi ngay.
Mỗi bước của chàng, ít nhất cũng dài trên hai thước, thế mà chàng phải bước hơn ba mươi bước mới đến. Chàng hết sức lấy làm lạ!
Lâm Hương Đình nhìn chàng, điểm một nụ cười, tán:
– Thuật khinh công của ngươi khá lắm đó! Ta nghĩ, người học võ mà đạt được mức tiến của ngươi thì kể ra cũng mãn nguyện bình sanh lắm rồi!
Trời! Thế là nghĩa gì? Đã hai lần cố gắng vượt mặt suối, hai lần đều rơi xuống suối! Mặt suối, nào phải quá rộng? Khoảng rộng đó, vẫn ở trong cái tầm khả năng của chàng kia mà! Vượt suối, lại rơi xuống suối, tại sao lại được khen?
Chẳng lẽ Lâm Hương Đình mỉa mai?
Không, Quan Sơn Nguyệt tin chắc là chẳng bao giờ Lâm Hương Đình mỉa mai chàng. Thế thì tại sao bà ta khen chàng?
Lâm Hương Đình tiếp luôn trong khi chàng sững sờ:
– Ngươi biết không, mỗi cái nhảy của ngươi, dài hơn mười mấy trượng đó, tạo được một thành tích như ngươi vừa làm, phỏng trên đời này dễ có mấy người học võ làm được?
Quan Sơn Nguyệt kinh hãi:
– Mười mấy trượng? Đệ tử làm gì nhảy xa được như thế?
Độc Cô Minh mỉm cười:
– Lúc theo học với ta, ngươi cũng đã nhảy xa được sáu bảy trượng rồi. Bây giờ Lâm Tiên Tử truyền sang cho ngươi phần công lực ngang với công phu ví trong vài mươi năm, tự nhiên ngươi phải nhảy xa như thế!
Quan Sơn Nguyệt sững sờ, giương tròn mắt nhìn sư phụ, rồi nhìn Lâm Hương Đình. Dù sự thật là thế, dù chàng biết rõ sư phụ và Lâm Hương Đình không hề nói đùa với chàng, chàng cũng không dám tin tưởng là mình thành công bất ngờ như vậy. Bởi, thành công như thế, có khác nào một niềm nhiệm mầu tiếp trợ chàng? Mà, nhiệm mầu là điều thuộc vào ảo tưởng, ảo tưởng mấy khi biến thành sự thật chứ?
Lâm Hương Đình cười nhẹ:
– Ngươi hoang mang?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Đệ tử có cái cảm giác là mình đang nằm mộng!
Lâm Hương Đình lắc đầu:
– Không phải mộng đâu! Ngươi có thể tự hào là khác! Theo ta ước độ lần thứ nhất, ngươi nhảy được mười hai trượng, lần thứ hai, vì ngươi uốn cầu vòng thành ra cái tầm nhảy phải uốn theo, thu hẹp hơn, nên chỉ vượt độ sáu bảy trượng.
Thử hỏi trong thiên hạ, có được mấy người bằng hai cái nhảy mà vượt đúng hai mươi trượng đường? Cái mức thành tựu đó, hẳn là hy hữu vậy.
Quan Sơn Nguyệt nghi ngờ:
– Mặt suối rộng độ bao nhiêu?
Lâm Hương Đình đáp:
– Độ bốn mươi trượng!
Quan Sơn Nguyệt kinh hãi.
Trong tầm mắt của chàng, thì mặt suối chỉ rộng hơn trượng mà thôi. Bây giờ, Lâm Hương Đình bảo là khoảng cách đôi bờ độ bốn mươi trượng! Luận theo nhãn quang thì điều đó khó tin, luận về cái nhảy thì hẳn là Lâm Hương Đình nói đúng.
Chàng trầm ngâm một lúc, bỗng kêu lên:
– Có phải là pháp súc địa chăng? Theo huyền thoại thì cổ nhân có cái thuật rút ngắn những con đường ...
Độc Cô Minh «hừ» một tiếng:
– Làm gì trên đời lại có cái thuật đó? Từ cái không, bịa ra cái có, dù muốn tin là có cũng khó tin. Rồi lấy cái thực tại so sánh với hư không, thì biết hư không như thế nào mà so sánh? Chung quy, chúng ta vẫn chới với trong hoang đường!
Quan Sơn Nguyệt thừ người, nín lặng.
Lâm Hương Đình cười nhẹ, tiếp:
– Tiểu tử bị sư phó gây hoang mang rồi đó nhé! Đành rằng là trên đời chẳng hề có cái thuật rút ngắn đường, như cái thị giác của con người lúc gây nên ảo ảnh, chẳng hạn như người vừa vượt qua một vùng cỏ loạn, nơi đó, thực sự có trận pháp hay không, chúng ta chưa đề cập vội, chỉ biết là người đó bị mê loạn tâm thần, đó cũng là thị giác tạo nên mà thôi. Trận pháp, nếu có, nó bị che khuất, ngươi không nhìn thấy, cây cầu kia, cũng như trận pháp, ngươi nhìn, nhưng ngươi không thấy, chính cái chỗ nhìn mà không thấy, người đời cho rằng thuật huyền bí, nhìn mà không thấy, ảo tưởng sẽ phát sanh, nhiều biến hóa tiếp diễn, sự tình trở nên thần kỳ, ảo diệu là vậy ...
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Lúc đệ tử đến đây, nghe tiếng nói của sư phụ rõ ràng, song chẳng nhìn thấy sư phụ đâu cả ...
Lâm Hương Đình gật đầu:
– Đó cũng là một chứng minh sự hoạt động của ảo giác và thị giác.
Quan Sơn Nguyệt cau mày:
– Còn như cái việc về nước, tại ngọn suối không có phù lực nâng người lên như những dòng nước khác?
Hương Đình không đáp, chỉ hỏi lại:
– Ngươi có nghe nói đến Nhược Thủy chứ?
Quan Sơn Nguyệt lắc đầu:
– Đệ tử không thể nào hiểu nổi!
Lâm Hương Đình mỉm cười:
– Khi ngươi gặp Lão Lão rồi, ngươi mới thấy những gì huyền diệu mà lý trí con người dù sáng suốt đến đâu cũng chẳng suy diễn được! Chúng ta đi thôi, đã muộn lắm rồi!
Đúng lúc đó, tiếng mõ vang lên, vọng đến, nhịp đều đều ...
Quan Sơn Nguyệt theo sau Độc Cô Minh và Lâm Hương Đình đến trước một ngôi nhà cỏ.
Đến nơi đó rồi, Độc Cô Minh và Lâm Hương Đình chỉnh nghiêm thần sắc, những nét vui, những nụ cười không còn nơi ánh mắt, nơi khóe miệng, cả hai trở thành những tín đồ ngoan đạo đứng trước bậc giáo tông.
Độc Cô Minh nghiêng mình, từ bên ngoài hướng vọng vào trong cung kính cất tiếng:
– Kính cáo cùng Lão Lão, nghiệt đồ của đệ tử đã đến.
Từ bên trong nhà, một giọng già truyền ra:
– Đưa hắn vào. Ta muốn xem hắn có đúng như ngươi mô tả không!
Độc Cô Minh nhẹ đưa tay vẹt bức rèm bằng cỏ đệm rất khéo, dẫn Quan Sơn Nguyệt vào.
Nghe Lý Trại Hồng thuật chuyện, Quan Sơn Nguyệt đã biết Ôn Kiều có dung mạo rất xấu xí. Nhưng, khi nhìn lên bà, chàng hết sức kinh hãi.
Xấu xí, nghĩa là không đẹp, cái xấu xí gì, cũng chẳng làm cho đối tượng hãi hùng, bất quá đối tượng chỉ cho rằng người xấu xí không được tạo hóa ưu đãi mà dành cho những đặc điểm quyến rũ thôi.
Bây giờ, chàng nhận ra, Ôn Kiều xấu không tưởng nổi! Dùng hai chữ xấu xí, tả cái dung mạo của bà, thiết tưởng còn kém sự thật rất xa. Bởi dung mạo bà hầu như quái dị, chứ chẳng phải là xấu xí suông như người đời gán cho những nữ nhân không đẹp.
Đầu rất to, mặt bạnh như bảng cửa, trên đầu lưa thưa mấy sợi tóc, tóc thì ít, song lông mày lại quá nhiều, lông mày quá dài phủ trùm đôi mắt lòi ra như mắt loài cá, mũi rất to, lại quớt lên không, lông mũi ló ra hơn tấc, môi mỏng nhưng đùn, răng lồi, răng giữa ló như nanh, răng còn đủ, dù bà đã hơn trăm tuổi, nhìn hai hàm răng trắng đục đó, cũng đủ ớn người, không cần phải thấy toàn diện.
Muốn tượng trưng con người bà, thiên hạ có thể đơn cử ra hình tượng dạ xoa ở các ngôi miếu, hoặc những bức họa quỷ sứ.
Q Tuy nhiên, những tượng đó, những hình đó, xem ra còn thấy ít xấu đối với bà.
Trong lòng khiếp hãi, Quan Sơn Nguyệt vẫn giữ vẻ cung kính bên ngoài.
Chàng bước tới, quỳ xuống, cúi đầu thốt:
– Đệ tử bái kiến Lão Lão.
Ôn Kiều đưa bàn tay gầy như chân chim ra vẫy vẫy:
– Bé đừng quá thủ lễ, cứ ngồi xuống đó, ngồi cho già quan sát xem nào.
Bà bảo luôn hai người kia:
– Hương Đình và Độc Cô, hai ngươi đứng mãi sao? Hôm nay, ngôi nhà cỏ của già họp đông người quá! Lần thứ nhất đấy, phải không các ngươi?
Gian nhà, dĩ nhiên, được trang trí rất giản dị, Ôn Kiều ngồi trên chiếc giường trúc, trước mặt có một cái bàn thấp, trên bàn có chiếc mõ kinh, một quyển kinh phật, một xâu chuỗi. Bà bận y phục nhà chùa.
Chẳng có vật gì nơi bốn vách, bất quá dọc theo hai bên vách có mỗi một chiếc nệm cỏ, Độc Cô Minh và Lâm Hương Đình ngồi xuống đó.
Ôn Kiều mỉm cười thốt:
– Bé thấy đó, già không chuẩn bị chỗ ngồi cho người thứ ba, bởi già không mong đợi cái người thứ ba, hẳn bé cũng hiểu và không phiền già. Vậy bé tạm ngồi trên đất đó, nền nhà của già cũng sạch sẽ lắm.
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp đáp:
– Ngồi đâu cũng được, Lão Lão đừng lo. Đệ tử không có hậu ý chi đâu!
Sạch, điều đó, chẳng quan hệ, có điều nền nhà sao ẩm thấp lạnh lẽo ghê!
Ngồi nơi đó, nếu phải ngồi lâu, hẳn là phải khó chịu.
Nhìn Quan Sơn Nguyệt, Ôn Kiều cười nhẹ, hỏi:
– Bé trông già, có đáng sợ lắm không?
Quan Sơn Nguyệt đáp:
– Chẳng rõ những người khác nghĩ như thế nào, chứ đệ tử thì không thấy đáng sợ.
Ôn Kiều vẩn cười:
– Ngươi thành thật, cũng như sư phụ ngươi! Lần thứ nhất gặp già, sư phụ ngươi cũng nói là già không quá xấu, già nghĩ, nếu già không xấu, thì tất cả nữ nhân trên đời này đều là giai nhân hết.
Độc Cô Minh thoáng đỏ mặt:
– Lão Lão trách khéo đệ tử đấy, chứ đệ tử chỉ nói ra cảm nghĩ chân chánh của mình, lần đầu tiên bái kiến Lão Lão ...
Ôn Kiều mỉm cười:
– Đừng cãi lý với già, Hoàng Hạc. Già biết cái ý tứ của ngươi. Chẳng qua, ngươi đã biết cái tao ngộ của già ngày trước, dù cho cái cảm nghĩ của ngươi như thế nào, ngươi cũng tự nguyện với lòng, là nên nói ra những lời đầy thương xót, cho già đừng có động tâm, khơi lại niềm bi hoài.
Độc Cô Minh cúi đầu, không nói gì nữa.
Ôn Kiều thở dài, rồi cười khổ, tiếp:
– Bình sanh, già không thường gặp thế nhân, nhưng những người già gặp, có thể phân thành hai hạng:
một hạng, thương xót già, một hạng man trá già. Các ngươi chẳng ai nói lời thật với già.
Quan Sơn Nguyệt kinh hãi, vội phân trần:
– Đệ tử không có cảm nghĩ đó, xin Lão Lão xét cho!
Ôn Kiều cười nhẹ:
– Bé yên trí! Già nhận thấy bé là người thứ nhất, nói những lời thật với già.
Tuy nhiên, bé nói khéo quá, bé chỉ nói là không khiếp sợ, thực sự thì bé cũng nghĩ là già xấu xí đến độ ai thấy cũng phải sợ, chứ còn riêng bé thì không sợ.
Phải vậy không, hở bé?
Quan Sơn Nguyệt lại hấp tấp thốt:
– Người nghĩ sao, đệ tử đâu có biết được, Lão Lão! Đệ tử chỉ nói lên cái cảm nghĩ của chính mình thôi!
Ôn Kiều ôn tồn nói:
– Già ghi ơn ngươi đó! Ngươi nói thật già không thương tâm, bằng ngươi nói dối thì già khó chịu vô cùng. Sự việc của già hẳn ngươi cũng có nghe qua, ngươi hiểu đại khái chứ?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu!
Ôn Kiều lại tiếp:
– Mẫu người của ngươi, trên đời này rất hiếm có. Bình sanh già chỉ gặp được hai người, người thứ nhất, là vị dị nhân thu nhận già, nuôi dưỡng già, vị dị nhân đó thường khuyến cáo già, nên cầm như không có sanh ra trên cõi đời nầy, nên sống cảnh tịch mịch chờ ngày về với lòng đất lạnh. Già không nghe lời, thành ra có cái hậu quả không hay, và già mang cái hậu quả đó mãi đến bây giờ, có lẽ sẽ còn lâu nữa ... Cũng may, trước khi già nhắm mắt lìa cuộc đời dẫy đầy bất hạnh này, già lại gặp được ngươi. Ngươi là người thứ hai đó!
Quan Sơn Nguyệt định nói một câu, Ôn Kiều khoát tay chận lại:
– Đừng cắt đứt câu chuyện của già. Già còn nói nhiều, rất nhiều, mà toàn là những điều trọng yếu. Ngươi hãy tịnh tâm chú ý nghe già nói.
Quan Sơn Nguyệt chỉnh nghiêm sắc mặt, trịnh trọng thốt:
– Đệ tử cung kính nghe!
Ôn Kiều nhìn chàng một lúc, sau cùng cất tiếng:
– Khá lắm đó, bé! Hoàng Hạc chọn được ngươi, đúng là có nhãn lực vậy.
Độc Cô Minh chen vào gấp:
– Kính mong Lão Lão vun bồi cho hắn trở thành tay hữu dụng trên đời.
Ôn Kiều gật đầu. Bà đưa tay đẩy chiếc ghế trước mặt qua một bên, mở rộng chiếc đệm cỏ bà đang ngồi, lấy một mảnh giấy dầu cuốn tròn, rồi gọi Quan Sơn Nguyệt:
– Ngươi bước lại đây.
Quan Sơn Nguyệt bước tới, nghiêng mình hỏi:
– Lão Lão có điều chi phân phó cho đệ tử?
Ôn Kiều trao cuộn giấy cho chàng:
– Ngươi mở ra.
Quan Sơn Nguyệt tiếp lấy cuộn giấy.
Thì ra, đó là một thanh trường kiếm, cài trong vỏ, kiếm và vỏ bao bọc trong một tờ giấy mỏng, vỏ kiếm có hai lớp, lớp trong là đồng bạch, lớp ngoài là da cá nược, màu xanh.
Thanh kiếm có hình dáng rất cổ quái, nhưng nhìn thoáng qua, chàng biết ngay là một thanh kiếm cực quý.
Cầm thanh kiếm, Quan Sơn Nguyệt chưa hiểu ra làm sao cả, Ôn Kiều mỉm cười, hỏi:
– Bé con! Ngươi biết thanh kiếm gì đây không?
Trên vỏ kiếm, có khắc chữ, song chữ lu mờ, không còn đọc được nữa. Tuy nhiên, vừa thấy kiếm, Độc Cô Minh chợt kêu lên kinh hãi:
– Bạch Hồng Kiếm!
Lâm Hương Đình cũng kinh hãi như y, kêu lên:
– Bạch Hồng Kiếm! Lão thái bà ơi, tại sao thế?
Tại sao? Nghĩa là tại sao thanh báu kiếm đó lại ở trong tay bà.
Ôn Kiều «hừ» một tiếng:
– Đã biết nó tên chi, ngươi còn hỏi là hỏi làm sao?
Lâm Hương Đình vẫn còn kinh ngạc, đáp:
– Tuy sư phụ có trao cho đệ tử một thanh kiếm, bảo là Bạch Hồng Kiếm, lão nhân gia cũng có biểu diễn cho xem những điểm dị thường của nó, nhưng bất quá, thanh kiếm ấy chỉ là một vật giả.
Ôn Kiều gật đầu:
– Đúng vậy, thanh kiếm do sư phụ ngươi trao cho ngươi là một thanh kiếm giả, nhưng những gì y nói với ngươi, liên quan đến thanh kiếm, thì lại hoàn toàn đúng sự thật. Có một bổn kiếm phổ, ghi chú rành rẽ những chi tiết đó.
Lâm Hương Đình nói:
– Bổn kiếm phổ đó, bọn tôi từng xem qua, sở dĩ Tạ Linh Vận khiếp sợ tôi, là vì y cũng có đọc qua bổn kiếm phổ, biết thanh kiếm lợi hại như thế nào. Bất quá, đệ tử đã ...
Ôn Kiều chận lời:
– Ngươi đã làm sao? Đã nghi ngờ bổn kiếm phổ đó cũng giả nốt phải không? Thanh kiếm là vật giả, thì đương nhiên kiếm phổ cũng giả tạo luôn, phải không?
Lâm Hương Đình gật đầu:
– Phải! Đệ tử đã thiêu hủy bổn kiếm phổ rồi.
Ôn Kiều thoáng biến sắc.
Rồi bà thở dài, thốt:
– Cũng được! Thiêu hủy rồi là tốt. Bổn kiếm phổ chẳng những ghi chú những chi tiết của Bạch Hồng Kiếm mà thôi, còn có những chi tiết thuộc về các thanh kiếm khác nữa. Mà những thanh kiếm nầy thì không nên xuất hiện trên đời.
Mất kiếm phổ, không còn ai biết chân giá trị của những thanh kiếm đó, dù cho có kẻ nhặt được, cũng không biết sử dụng đúng cái hay của thanh kiếm. Kể ra, rất đỡ hại cho người đời.
Độc Cô Minh vội hỏi:
– Bổn kiếm phổ đó còn nói đến nhiều thanh kiếm khác nữa sao, lão thái bà?
Ôn Kiều nhìn thoáng qua Độc Cô Minh, rồi hỏi lại:
– Ngươi cũng còn hứng thú nữa sao, Hoàng Hạc?
Độc Cô Minh điểm một nụ cười, thốt:
– Không! Chẳng qua, đối với những việc mà mình chưa hiểu được, thì vãn bối có chút hiếu kỳ vậy thôi.
Ôn Kiều lại thở dài:
– Kiếm phổ đó nói về năm thanh kiếm tất cả. Năm thanh đó là:
Tử Sinh, Thanh Sắc, Hắc Đái, Hoàng Diệp và Bạch Hồng. Trong kiếm phổ, có ghi chú hình dáng của mỗi thanh, cũng như lưu lại các điểm hơn kém, so với những thanh kiếm khác, mà người đời trân quý.
Độc Cô Minh trố mắt, hỏi:
– Tại sao chỉ có năm thanh kiếm thôi? Còn Long Tuyền, Thái A, Ngư Trường, Thanh Minh, Thanh Sương, Tử Điện, Mạc Tà, Can Tương ... những vật nầy không phải là cổ kiếm thành danh sao?
Ôn Kiều giải thích:
– Đó tuy cũng là những thanh cổ kiếm, cũng thành danh lớn chứ, song bất quá, các thanh kiếm đó chỉ được cái bén, nhọn, bền, chắc, trừ ra chém đá, chặt sắt, thì chúng không còn công hiệu nào khác. Chẳng sánh được với năm thanh kiếm nầy.
Cả ba người chú ý lắng nghe bà nói tiếp.
Bà lại thở dài thêm mấy tiếng nữa, mới tiếp luôn:
– Bỏ ra bốn thanh kiếm kia, bởi chính ta cũng chưa thấy chúng có linh diệu như bổn kiếm phổ ghi chú hay không, ta chỉ nói về thanh Bạch Hồng này thôi.
Các ngươi có đọc kiếm phổ rồi, bây giờ ta xác nhận nó linh hiệu đúng như sách đã ghi tải.
Lâm Hương Đình thở ra:
– Thế thì uổng quá! Bổn kiếm phổ đã mất rồi! Và, những gì ghi chú trên đó, đều là sự thật!
Ôn Kiều nhìn sững nàng.
Nàng vội tiếp:
– Không phải đệ tử nói nhảm đâu. Bọn đệ tử đọc qua, chẳng hiểu gì, không nhớ gì, chỉ có Tạ Linh Vận là thông minh mẫn tuệ hơn hết, y đọc đến đâu, nhớ đến đó, nhớ mãi, vĩnh viễn không quên ...
Ôn Kiều cười nhẹ:
– Vì vậy, ngươi sợ hắn tìm ra được một trong bốn thanh kiếm kia? Hắn nhớ rõ các chi tiết trong kiếm phổ, hắn sẽ biết cách sử dụng?
Lâm Hương Đình đáp:
– Chính vậy đó, lão thái bà.
Ôn Kiều mỉm cười:
– Bạch Hồng Kiếm có cái sắc bén quá lộ liễu, không như bốn thanh kiếm kia, chất thép mờ mờ, mới nhìn qua chẳng ai biết là vật báu. Tuy nhiên, ngươi yên trí, chẳng bao giờ Tạ Linh Vận tìm ra!
Lâm Hương Đình trầm ngâm nghĩ ngợi.
Ôn Kiều tiếp:
– Sư phụ ngươi đã suy nghĩ qua nhiều năm, khai thác từng chi tiết nhỏ, song vẫn không thu lượm được một kết quả nào về số phận của bốn thanh kiếm đó.
Cuối cùng, lão ta phải ngụy tạo ra thanh Bạch Hồng.
Bà lại hỏi:
– Ngươi có biết tại sao sư phụ ngươi chọn Bạch Hồng mà không chọn một trong những thanh kiếm kia, để mô phỏng tạo nên một vật giả chăng?
Lâm Hương Đình lắc đầu:
– Đệ tử không hiểu.
Quan Sơn Nguyệt chen vào:
– Đệ tử nghĩ ra cái lý do đó, song chẳng biết có đúng hay không.
Ôn Kiều cười nhẹ:
– Ngươi thử nói cho già nghe.
Quan Sơn Nguyệt nghiêm sắc mặt:
– Trong năm thanh kiếm, chỉ có thanh Bạch Hồng là phát huy sự sắc bén lộ liễu, ai nhìn qua cũng biết ngay là báu vật, do đó mà nó còn được lưu truyền đến ngày nay. Chí như, các thanh kiếm kia, dù có giá trị tương đồng với thanh Bạch Hồng, song phải là người có nhãn quang tinh vi mới thấu đáo nổi chỗ quý giá của nó. Cho nên, ai may mắn chiếm được nó, hẳn phải giấu đi, cho nên nó không lưu truyền. Huống chi, những người không sành kiếm, thấy nó lại cứ tưởng là vật tầm thường, như vậy nó không được truyền tụng trên giang hồ, dần dần rồi những thanh kiếm đó được xem như mất hẳn, chỉ còn lại một thanh Bạch Hồng thôi.
Bách Lý tiền bối biết thế, mà Tạ Linh Vận cũng biết thế. Bởi hiểu rõ Tạ Linh Vận, Bách Lý tiền bối mới chọn thanh Bạch Hồng để đưa Tạ Linh Vận vào tròng ...
Ôn Kiều gật đầu, khen:
– Ngươi thông minh quá!
Bà gọi Độc Cô Minh, tiếp:
– Hoàng Hạc! Ta xem, hắn có phần trội hơn ngươi đó nhé!
Độc Cô Minh mỉm cười:
– Bởi thế, đệ tử mới đưa hắn đến đây cho Lão Lão.
Ôn Kiều cười hì hì, nhìn Quan Sơn Nguyệt một lúc. Một ý niệm thoáng hiện lên nơi tâm não, bất giác bà thở dài, gọi Quan Sơn Nguyệt:
– Bách Lý Bất Bình còn một lý do khác nữa, ngoài cái lý do ngươi vừa nêu rất đúng đó. Lão ta biết, thanh kiếm Bạch Hồng ở trong tay già, dù Tạ Linh Vận có nghi ngờ, cũng chẳng làm sao tìm được, như vậy, là cầm như cái sự giả tạo của lão chẳng hề bị khám phá.
Bà dừng lại một chút, rồi thở dài, tiếp luôn:
– Năm xưa, nếu già không nhờ có thanh Bạch Hồng Kiếm trong tay, thì già đã bị Bách Lý Bất Bình sát hại già rồi! Lão ta biết rõ cái oai lực của thanh kiếm, nên vừa thấy già đưa ra, là nhận bại ngay. Tuy nhiên, nghĩ đến tình chồng nghĩa vợ, già không nỡ giết lão. Sau ngày chia ly, già cứ ở tại đây, giám thị lão ta ...
Quan Sơn Nguyệt lộ vẻ bất mãn ra mặt.
Ôn Kiều biết rõ tâm ý của chàng, thốt:
– Chắc ngươi không tán đồng thái độ của già?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Đúng vậy, Lão Lão! Ít nhất, Lão Lão cũng không nên điềm nhiên để cho bọn tà ác tự tung tự tác.
Ôn Kiều lại thở dài:
– Ngươi nói phải! Nhưng, bên trong còn nhiều uẩn khúc, chính già cũng chẳng giải quyết được thỏa đáng. Đành rằng sở học của Bách Lý Bất Bình do già truyền thọ, song già lại nhờ vị dị nhân đó giáo huấn cho, già không làm gì để tạo nên chút danh về tài nghệ của vị dị nhân, thì Bách Lý Bất Bình làm được. Kể cũng là một điều hay, già để yên cho lão ta lập môn phái, là gián tiếp làm cho cái danh của vị dị nhân được lưu truyền, người đời sẽ biết trong công cuộc chấn hưng vũ thuật, có vị dị nhân góp phần vào ...
Bà nói thế, Quan Sơn Nguyệt còn tranh luận làm sao được nữa?
Ôn Kiều trầm giọng tiếp luôn:
– Huống chi, những gì Bách Lý Bất Bình đã làm, cũng chưa phải là những hành động đại gian đại ác, vả lại sở học của vị dị nhân đó, lại thuộc về Ma Đạo, Bách Lý Bất Bình xuất thân từ cái gốc Ma Đạo, quen với những hành vi tà, tự nhiên không còn xem những hành vi đó là tà nữa.
Quan Sơn Nguyệt thốt gấp:
– Dù sao, công luận cũng phân biệt chánh tà!
Ôn Kiều mỉm cười:
– Già bình sanh không hề tiếp xúc với nhân loại, nên không có cái cảm nghĩ như ngươi, rồi Bách Lý Bất Bình, cũng theo cái chiều hướng của già mà tập luyện, già có cái cảm giác là bên trong có một tâm linh ước thúc mọi hành động, do đó chẳng bao giờ dám làm điều gì bất nhân, phi nghĩa. Vị dị nhân cũng thế, già và Bách Lý Bất Bình cũng thế, nhờ vậy mà từ trước đến nay, chưa có ai hành động quá đáng. Chỉ sợ rằng cái công phu đó sẽ được truyền cho một người có tâm tính cực đoan, vượt qua mọi ước thúc của tâm linh, thì hậu quả tai hại khôn lường!
Quan Sơn Nguyệt chận lời:
– Người đó chính là Tạ Linh Vận!
Ôn Kiều gật đầu:
– Phải! Ngày trước, Bách Lý Bất Bình không quan sát kỹ, thành thu nhận hắn, chừng lão ta thức ngộ sự lầm lạc, thì đã muộn rồi, bao nhiêu sở học của lão được truyền cho hắn, lão không còn ức chế hắn nổi.
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Lão Lão có thanh kiếm Bạch Hồng trong tay, hẳn thừa sức chế ngự Tạ Linh Vận chứ?
Ôn Kiều lắc đầu:
– Già không thể làm cái việc đó, bởi có làm cũng chẳng hy vọng thành công. Sự tu vi của già khác hẳn với Bách Lý Bất Bình, dù có thanh kiếm Bạch Hồng cũng chẳng sử dụng nó được.
Quan Sơn Nguyệt trố mắt, chừng như chàng không tin Ôn Kiều nói thật, chàng nghĩ rằng bà nói thế, để tắt trách một thái độ thôi.
Ôn Kiều chính sắc mặt, tiếp:
– Già không nói dối ngươi đâu. Chẳng những riêng già mà cả Lâm Hương Đình cũng thế, tuy có thanh kiếm Bạch Hồng trong tay, cũng chẳng sử dụng được, già nói là sử dụng đúng cái công hiệu của thanh kiếm. Bởi, sở học của già, không thích hợp cho nữ nhân, và chỉ có nam nhân mới phát huy nổi cái tuyệt diệu của công phu tập luyện. Tạ Linh Vận biết rõ điều đó, hắn toan làm bạo mấy lần, quyết diệt trừ bọn Lâm Hương Đình, Lý Trại Hồng, song hắn chưa dám cử sự, bởi còn ngại thanh kiếm Bạch Hồng. Hắn cứ tưởng thanh kiếm nơi tay Hương Đình là vật thật, mà hắn cũng chẳng biết cái vật đó, dù là vật thật nếu do một nữ nhân sử dụng nó chẳng biểu hiện sự thần diệu bằng một nam nhân sử dụng.
Bà dừng lại một chút, đoạn tiếp:
– Tuy Lâm Hương Đình hết sức cẩn thận, từ lâu cố giữ gìn kín đáo, Tạ Linh Vận chưa hiểu thanh kiếm đó là vật giả. Nhưng trên thế gian này, chẳng có sự bí mật nào được bảo trì vĩnh viễn, thì phải có một ngày nào đó, Tạ Linh Vận khám phá ra ... Già có nghĩ đến sư phụ ngươi, song sư phụ ngươi lại khinh thường sở học của già ...
Độc Cô Minh vội vã phân trần:
– Lão Lão nói thế, oan cho đệ tử quá chừng! Đệ tử nào dám khinh thường vũ công của Lão Lão? Chẳng qua đệ tử chuyên luyện «Càn Thiên Chân Khí», mà môn công đó lại phản ngược với vũ học của Lão Lão, nếu đệ tử miễn cưỡng mà tập luyện, thì cái lợi chưa thấy, cái hại đến gấp hơn!
Ôn Kiều mỉm cười:
– Già biết như vậy, cho nên dù có nghĩ đến ngươi, già cũng chẳng thể cưỡng bức ngươi làm cái việc không nên làm, hay không thể làm!
Độc Cô Minh thở phào:
– Lão Lão xét cho như vậy, đệ tử hết sức cảm kích.
Dừng lại một chút, điểm một nụ cười lão tiếp:
– Còn tiểu tử, tuy hắn là môn đồ của đệ tử, song hắn chẳng giống đệ tử.
Quan Sơn Nguyệt chợt tỉnh ngộ, nghĩ thầm:
“Thảo nào mà sư phụ ta chẳng chịu truyền môn công «Càn Thiên Chân Khí» cho ta!”.
Chàng nhìn sư phụ kêu lên:
– Thì ra sư phụ đã có ý từ lâu ...
Độc Cô Minh mỉm cười:
– Phải, từ lúc ta truyền vũ công cho ngươi, ta đã lưu ý đến cái điểm đó rồi!
Hẳn ngươi không phiền ta sao có hậu ý với ngươi chứ?
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút:
– Đệ tử thọ ân trọng của sư phó, khi nào đệ tử dám có dị nghị nào đối với sư phụ. Chỉ vì ...
Độc Cô Minh hỏi:
– Chỉ vì như thế nào?
Quan Sơn Nguyệt thở dài:
– Thiết tưởng sư phụ cũng nên bảo qua cho đệ tử biết đại khái, ngay từ lúc đó, đệ tử chuẩn bị tiếp nhận những bất ngờ trong tương lai!
Độc Cô Minh giải thích:
– Lúc đó, ta đã gia nhập Long Hoa Hội rồi, ta bị quy củ của hội ước thúc, thì đương nhiên là ta không thể nói gì với ngươi. Tạ Linh Vận lại luôn luôn âm thầm theo dõi từng cử động của ta. Nếu ta để lộ một sơ hở nhỏ, hắn sẽ nhân đó, án theo quy củ buộc tội ta và hủy diệt ta để trừ hậu hoạn. Ta chết vì Tạ Linh Vận, chẳng những thiệt riêng cho ta, mà còn làm hỏng đến đại sự sau này. Huống chi, ta có ý định đi quanh một vòng khắp các đại môn phái, sáng lập Minh Đà Lịnh với hy vọng lưu lại cho ngươi. Khi ngươi nổi danh rồi ta sẽ nhờ một người nào đó tìm cách dẫn tiến ngươị. Quan Sơn Nguyệt suy tư một chút, rồi thốt:
– Con trai Thiên Tề Ma Quân – Kỳ Hạo, cũng có sáng lập ra một lực lượng như chúng ta, lấy tên Phi Đà Lệnh, ý chừng Kỳ Hạo định chống đối Minh Đà Lịnh.
Độc Cô Minh gật đầu:
– Ta có biết việc đó. Sở dĩ có Phi Đà Lịnh, là do cái chủ ý của Khổ Hải Từ Hàng.
Quan Sơn Nguyệt kinh ngạc:
– Tại sao?
Độc Cô Minh giải thích:
– Long Hoa Hội ước thúc hội viên quá cẩn mật, chính quy củ của hội gây trở ngại lớn lao trong việc dẫn tiến ngươi, cho nên lão trọc mới bày mưu cho Kỳ Hạo, lập ra Phi Đà Lịnh, chống đối với Minh Đà Lịnh của ngươi. Vô hình trung, Kỳ Hạo lại làm cái việc dẫn tiến ngươi thay cho Khổ Hải Từ Hàng, Kỳ Hạo làm việc đó, chẳng còn ai nghi ngờ đến ngươi nữa, mà cũng chẳng ai truy nguyên sự hiện diện của ngươi tại đại hội.
Lão kết luận:
– Nếu không có cái mưu kế của Khổ Hải Từ Hàng, nếu Kỳ Hạo chẳng dẫn tiến ngươi đến Long Hoa Hội, thì có thể là Tạ Linh Vận ra mặt đối đầu với ngươi rồi đấy.
Lâm Hương Đình gật đầu:
– Đối phó với Kỳ Hạo, ngươi còn có cơ tất thắng, chứ đối với Tạ Linh Vận thì sự tình khó khăn hơn nhiều, bởi Tạ Linh Vận là con người đa mưu túc trí, vũ công lại trên bậc Kỳ Hạo rất xa. Trong mảnh giấy ta lưu lại cho Lý Trại Hồng, ta có cho sư muội biết, là sẽ có người xuất hiện đối đầu với Tạ Linh Vận tại đại hội. Nhưng ta không thể nói rõ, chính ngươi là người sắp xuất hiện đó. Kế hoạch của ta, chỉ có sư phụ ngươi và lão trọc biết mà thôi.
Quan Sơn Nguyệt sững sờ. Thì ra mọi hành động của chàng đều ở trong sự an bài của Lâm Hương Đình, Độc Cô Minh và Khổ Hải Từ Hàng! Chàng lại hỏi:
– Lão hòa thượng đó, là con người như thế nào?
Lâm Hương Đình lắc đầu nói:
– Cả ta và sư phụ ngươi cũng không ai biết rõ lai lịch của lão! Mà hành động của lão cũng có vẻ thần bí như lai lịch của lão. Lần thứ nhất, giao đấu với ta, lão thắng rõ rệt, thế mà lão lại cam tâm khuất phục ta, rồi còn tình nguyện nhập hội, sẵn sàng vâng lịnh ta sai khiến. Lão Lão ẩn cư tại đây, chẳng ai biết, lão trọc lại biết, và cũng chính lão đưa ta đến đây, bái kiến Lão Lão!
Bà tặc lưỡi, buông tiếp:
– Đúng là một con người kỳ bí!
Ôn Kiều mỉm cười:
– Hòa thượng đó có lai lịch phi thường, song chúng ta không nên tìm hiểu dĩ vãng của y làm chi. Chúng ta đã nói qua tất cả các điều cần nói, thì bây giờ hãy trở lại vấn đề chánh yếu.
Bà nhìn Quan Sơn Nguyệt, hỏi:
– Hẳn ngươi cũng biết là già và các vị đây muốn ủy thác ngươi làm việc gì rồi chứ? Ngươi nghĩ sao?
Quan Sơn Nguyệt quỳ xuống, cung kính đáp:
– Nghĩa bất dung từ, đệ tử xin vâng lịnh Lão Lão sai khiến.
Ôn Kiều gật đầu:
– Tốt! Vậy, kể từ hôm nay, ngươi là chủ nhân Bạch Hồng Kiếm, già hy vọng ngươi sử dụng nó một cách hữu hiệu!
Quan Sơn Nguyệt chính sắc mặt:
– Đệ tử phát nguyện là sẽ dùng nó làm phương tiện trừ gian, diệt bạo, và dè lòng giữ ý chẳng lợi dụng nó để thỏa mãn niềm tự ái, vọng sát kẻ vô tội.
Ôn Kiều thở dài:
– Già nghĩ, nên cảnh cáo ngươi về việc nầy, Bạch Hồng Kiếm vốn là một thanh Ma Kiếm, nó xuất hiện trên giang hồ ngày nào, là bắt đầu từ ngày đó, sát nghiệt phát sanh, triền miên, bất tức, vô hạn, dù ngươi có muốn chận ngăn trường kiếp sát, cũng chẳng dễ chút nào! Ngươi không đủ năng lực khống chế ảnh hưởng ma quái của nó!
Quan Sơn Nguyệt gật đầu không nói gì.
Ôn Kiều lại tiếp:
– Tuy nhiên, ngươi không phải quá lo ngại. Già thấy rõ, nơi ngươi, chánh khí bốc bừng, rạng rỡ, biết đâu cái ma lực của thanh kiếm sẽ vì chính khí của ngươi mà hóa giải dần dần, để cuối cùng tiêu tan trọn vẹn rồi nó trở thành một thanh kiếm tốt. Già nói tốt, là muốn nói đến cái oai khí quanh minh do nó phát huy, chứ không như ngày trước, nó chỉ biểu hiện ma lực hãi hùng. Sau nầy rồi ngươi sẽ hiểu bất cứ vật nào cũng có cái tánh của nó, huống hồ kiếm là một linh vật! Kiếm tà, thì hẳn là phải có ma tánh.
Ngừng một chút, bà lại bảo:
– Bây giờ, ngươi hãy lấy kiếm ra đi!
Quan Sơn Nguyệt vâng lời.
Thanh kiếm vừa ra khỏi vỏ, kiếm khí bốc lên, sáng rực, những người có mặt ở đó đều là cao thủ, có nhãn lực rất vững, thế mà vẫn bị chói mắt vì ánh kiếm như thường.
Ôn Kiều chỉnh nghiêm thần sắc, thốt:
– Kiếm pháp của bổn môn, gồm «Tu La Tứ Thức», «Đại La Thất Thức».
Phàm kiếm đạo được truyền lưu trên đời, đến cái mức tinh vi đó là cùng, phần già, già truyền cho ngươi «Tu La Kiếm Pháp», còn Hương Đình lãnh việc truyền «Đại La Kiếm Pháp». Ngươi phải dụng tâm luyện tập, đừng làm sự kỳ vọng của già trở thành tuyệt vọng.
Độc Cô Minh mỉm cười, tiếp nối:
– Ngươi có nghe Lão Lão nói đó chăng, tiểu tử? Đúng là một đại hạnh ngộ của ngươi đó!
Ôn Kiều hướng qua Độc Cô Minh, điểm một nụ cười:
– Khoan nói những tiếng quan trọng, Hoàng Hạc. Về «Tu La Kiếm Pháp», bất quá già còn kém Tạ Linh Vận. Già đặt trọn hy vọng nơi tiểu tử. Hắn có bẩm chất hơn người, hẳn hắn cũng phải lãnh hội hơn người. Ngoài ra hắn, già e ngại trên đời nầy chẳng có ai chế ngự nổi Tạ Linh Vận!
Độc Cô Minh cười nhẹ:
– Lão Lão lo nghĩ xa xôi như thế, là chu đáo lắm! Bây giờ đệ tử xin cáo thoái, để cho Lão Lão và Hương Đình truyền kiếm pháp cho tiểu tử.
Bắt đầu từ phút giây đó, Quan Sơn Nguyệt chuyển qua một khúc quanh quan trọng trên đường đời.
Sát khí hôm nay bao phủ đỉnh Thần Nữ Phong trong dãy Vu Sơn, làm tan mất cái vẻ thanh kỳ tuấn nhã của ngọn núi từng khích động lòng du khách qua những thần thoại huyền diệu mê ly.
Sát khí từng lớp, từng lớp, nặng nề, cô đọng, biến thành mây, trong mây, lảng vảng bóng tử thần, lăm le bàn tay lông lá chực gặt hái từng chiếc đầu người đang tranh chấp về cái lý của chánh và tà.
Chánh toan diệt tà để tạo thanh bình cho nhân loại.
Tà quyết hạ chánh để chứng tỏ tà vẫn mạnh và vẫn có lý do tồn tại.
Chánh và tà giành một thế đứng giữa trần gian, chánh với tà giành một uy lực chế ngự loài người.
Chánh và tà tuy là hai cái thế bất lưỡng lập, song mâu thuẫn thay, chánh và tà vẫn song lập như thường, chẳng khác nào nước và lửa, gặp nhau là xung khắc, phải có nhau để phản ảnh cái tánh chất nhau.
Có tà, chánh mới tỏ rõ cái cao, và có chánh, tà mới phát huy cái bạo để góp phần vào sự biến hóa không ngừng của vạn vật. Nước và lửa, khắc nhau, song thiếu vắng một thứ thì vạn vật không còn hoạt động, cái lẽ xanh xanh hóa hóa vì đó phải chấm dứt ngay ...
Và, sát khí hôm nay, phủ trùm đỉnh Thần Nữ Phong, phát sanh từ Long Hoa Hội.
Nói đến Long Hoa Hội, là nói đến cái bảng Phong Thần, gồm ba loại. Ba loại đó, là Tiên Bảng, Ma Bảng và Quỷ Bảng.
Phong Thần Bảng quy tụ những con người bất đồng, có gian tham, có chánh trực, có nghĩa hiệp, có cường đạo, có quân tử, có ma đầu.
Chính những con đường bất nhất đó đang định diệt trừ lẫn nhau, nấp mình sau một bình phong vũ thuật. Họ ấn chứng vũ công, biểu hiện tinh thần cầu tiến, nhưng thực ra, họ mượn cái cớ chấn hưng vũ đạo, để tương sát tương tàn.
Hai tập đoàn tà chánh, đã dàn thành cái thế đối chiến rồi, nhưng cuộc chiến chưa khai diễn. Họ chờ.
Thủ lãnh tập đoàn tà dĩ nhiên là Tạ Linh Vận, y không giấu sự khẩn cấp, y đang nôn nóng lạ thường.
Thủ lãnh tập đoàn chánh, là Khổ Hải Từ Hàng, lão ta có thần thái mười phần nhàn tịnh.
Cái thế ghìm nhau càng dài lâu, không khí càng nặng nề, sự căng thẳng bên trong mỗi người, lan dần ra đến không gian, đến vạn vật quanh chiến địa ...
Chờ đợi mãi, Tạ Linh Vận mất dần kiên nhẫn, cuối cùng, y cao giọng hỏi:
– Lão trọc, cái người chủ trì của các ngươi thật sự có đến chăng? Lúc nào thì người đó đến? Chẳng lẽ các ngươi bắt chúng ta chờ đợi mãi như thế nầy?
Khổ Hải Từ Hàng ung dung đáp:
– Đến gấp, ngươi đừng nóng chứ, Tạ Linh Vận! Bần tăng bảo đảm là người đó sẽ đến đây trước cuối giờ thìn.
Tạ Linh Vận ngẩng mặt lên, nhìn thoáng qua vầng thái dương rồi hướng mắt sang Khổ Hải Từ Hàng, lại hỏi:
– Người chủ trì mặt trận của các ngươi là ai thế?
Khổ Hải Từ Hàng bình tịnh đáp:
– Không tiện nói trước. Đến lúc đó, là ngươi biết ngay!
Tạ Linh Vận trầm giọng:
– Hắn dám động thủ với ta?
Khổ Hải Từ Hàng mỉm cười:
– Có dám động thủ mới dám đảm đương phần việc bảo đảm an toàn cho bọn bần tăng chứ! Trước khi giao đấu, không ai biết được kết thúc như thế nào, song bần tăng hy vọng người đó đánh bại ngươi ...
Tạ Linh Vận bật cười ha hả:
– Ta xem cái hy vọng của ngươi sẽ biến thành mây khói nhanh chóng đó!
Trong thiên hạ ngày nay, kể luôn cả Hoàng Hạc và Lâm Hương Đình, vị tất có người khả dĩ gọi là đối thủ của ta!
Khổ Hải Từ Hàng thản nhiên nhìn Tạ Linh Vận, buông gọn:
– Khoan nói sớm, Tạ Linh Vận! Có những việc mà chúng ta phải nhìn nhận là những lời phê phán sớm thường trái ngược với kết thúc!
Tạ Linh Vận cười lạnh.
Y đảo ánh mắt quét qua một vòng người trong thế trận đối lập, điểm một nụ cười ngạo nghễ, thốt:
– Lão trọc, ta bắt đầu hoài nghi ngươi rồi đấy! Làm gì có kẻ dám đối địch với ta chứ? Bất quá, ngươi bịa chuyện để kéo dài thời gian, trong khi đó, ngươi chờ một nhiệm mầu ứng hiện! Vô ích, lão trọc, chẳng bao giờ nhiệm mầu đến với các ngươi, và cái số phận của các ngươi đã được an bài như vậy rồi! Cái số, là làm một việc ngu xuẩn!
Khổ Hải Từ Hàng điềm nhiên:
– Kéo dài thời gian để làm gì, đến bao lâu? Giả như suốt hôm nay, bọn bần tăng không có một phản ứng nào, thì chắc đâu ngươi sẽ để cho tất cả được yên thân?
Tạ Linh Vận cười lớn:
– Biết đâu ngươi chẳng có cái chủ ý quỷ quái, cố kéo dài thời gian, chờ cho công cuộc bố trí của ngươi hoàn thành, sau đó mới khai chiến với ta? Cho ngươi biết, dù ngươi có chủ ý đó, kết quả sẽ không mang thắng lợi về ngươi đâu. Chung quy, ngươi chỉ chuốc thêm khổ thôi. Ngươi nên hiểu, trước núi, sau núi, trên núi, nơi nào ta cũng an bài chu đáo, bọn ngươi dù có cánh cũng không hy vọng thoát lọt tay ta phen này ...
Khổ Hải Từ Hàng cười nhẹ:
– Bần tăng đâu phải là con người đa trá? Từ bao lâu nay, ngươi có thấy khi nào bần tăng thi thố một thủ đoạn nào chăng? Đối với bất kỳ ai, bần tăng cũng lấy sự chân thành xử sự quanh minh chánh đại, có làm sao, nói làm vậy.
Tạ Linh Vận lắc đầu:
– Ta không thể tin lời ngươi được. Chiếc áo bên ngoài của ngươi đó không đủ bảo đảm một tâm địa phù hợp với nó, từ ngàn xưa, có biết bao nhiêu kẻ cướp mang lốt nhà sư, và hạt chuỗi nơi tay những nhà sư trá hình đó, là những đầu người thu nhỏ lại? Chẳng nói chi xa vời, mới ba hôm trước đây, ngươi đã dùng thủ đoạn ma quái, phá vỡ tan Long Hoa Hội, chứng cứ còn đó, ta làm sao tin ngươi được chứ?
Khổ Hải Từ Hàng cười nhẹ, không đáp. Bên sau lưng lão, khởi sự có dao động giữa mọi người, sự dao động đó do phản ứng về cuộc đối thoại giữa Khổ Hải Từ Hàng và Tạ Linh Vận.
Nhàn Du Nhất Âu bước tới, thấp giọng hỏi hòa thượng:
– Lão trọc định giở trò gì nữa đây?
Nhiều ánh mắt đổ dồn về hòa thượng, trong những ánh mắt đó, có hảo ý, có địch ý, bất đồng. Tuy nhiên, có một điểm tương đồng, điểm đó là niềm hoài nghi.
Ai có hảo ý với lão, thì lo ngại, ai có địch ý với lão, thì căm hờn, sợ lão khai diễn một trò đùa, đưa mọi người vào nguy hiểm, biết đâu lại chẳng là cuộc tử vong toàn số?
Khổ Hải Từ Hàng điềm nhiên điểm một nụ cười, đáp:
– Chuyện là chuyện sống chết của một số đông người, bần tăng dám đùa trên sanh mạng của tất cả quý vị sao?
Gương mặt của lão thản nhiên quá, trong cái thản nhiên có vẻ kiên quyết, nhưng dù lão tỏ lộ niềm tự tin đến độ nào, mọi người vẫn không an tâm.
Sau cùng, chính cái lúc Khổ Hải Từ Hàng bắt đầu xuống tinh thần, và niềm tự tin hơi lung lay, thì bỗng từ trên không trung có tiếng hạc ré.
Khổ Hải Từ Hàng thở phào, cười tươi trở lại, thốt:
– Kẻ xuất gia khi nào dám nói đùa? Đến rồi đó!
Trăm ngàn ánh mắt hướng lên nền không. Song phương đều muốn biết người đại diện chính nghĩa là ai.
Trên không, có đến hai con hạc, ngồi trên lưng bạch hạc, chính là Linh Cô, Lý Trại Hồng và Liễu Y Ảo. Chưa hết, còn một người nữa, người này là thiếu niên lưng đeo trường kiếm. Thiến niên, là Quan Sơn Nguyệt.
Mọi người vẫn còn đưa mắt tìm xem còn ai nữa chăng, nhưng đợi mãi chẳng thấy gì. Quan Sơn Nguyệt là người cuối cùng của số người mà Khổ Hải Từ Hàng chờ đợi.
Lý Trại Hồng và Liễu Y Ảo lộ cái vẻ bất an rõ rệt, song cả hai cố giữ sự bình tịnh. Họ cố gắng cách nào, cũng không che dấu nổi cái thần thái ưu tư của họ.
Nhìn đoàn người mới đến, Tạ Linh Vận gọi Khổ Hải Từ Hàng:
– Lão trọc, người của ngươi là ai đâu?
Khổ Hải Từ Hàng đưa tay chỉ Quan Sơn Nguyệt, điềm nhiên hỏi lại:
– Ngươi không thấy sao?
Bây giờ, những người hiện diện luôn cả hai cánh đều lạo xạo lên. Dĩ nhiên, quan niệm của tất cả phải bất đồng, đừng nói chi bên cánh của Tạ Linh Vận, chỉ trong cánh của Khổ Hải Từ Hàng cũng có sự bất đồng rồi.
Một người kêu lên một tiếng, hoặc kinh ngạc, hoặc thất vọng, hoặc mỉa mai, hoặc khinh thường. Có mấy người không giữ nổi trầm tịnh, bật cười hắc hắc.
Chẳng một ai tỏ lộ niềm tin, chẳng một ai hoan nghinh sự đại diện của Quan Sơn Nguyệt.
Người cười to, cười lâu hơn chính là Tạ Linh Vận. Cười một lúc, y đưa tay chỉ Quan Sơn Nguyệt, nhưng lại nhìn Khổ Hải Từ Hàng, y cao giọng thốt:
– Lão trọc ơi! Ngươi biểu dương oai khí suốt nửa ngày trời, để cuối cùng ngươi triển lãm một trò đùa như thế! Ta khen ngươi có tánh khôi hài thật sự đấy!
Quan Sơn Nguyệt không hề biểu hiện một cảm nghĩ nào mặc dù lời châm chích của Tạ Linh Vận khá cay độc.
Linh Cô cất tiếng:
– Tạ sư bá không nên khinh thường Quan công tử, sư bá đừng quên ba hôm trước đây, chính sư bá đã thất bại dưới lưỡi kiếm của Quan công tử mà!
Tạ Linh Vận thoáng đỏ mặt:
– Tiểu liễu đầu, nếu ngươi còn khua lưỡi, ta sẽ vặn cổ ngươi đấy nhé!
Linh Cô lè lưỡi:
– Sư bá ơi! Sư bá không lưu ý đến lời nói của tôi à? Chẳng lẽ tôi nói sai sự thật?
Tạ Linh Vận vươn tay chụp tới, Linh Cô nhanh như chớp tránh qua một bên.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười, gắt nhẹ:
– Linh Cô, đừng vô lễ mà phạm vào quy củ đấy!
Đoạn chàng hướng sang Tạ Linh Vận tiếp:
– Tạ Linh Vận, dù sao thì ngươi cũng là lãnh tụ quần ma, một lãnh tụ phải có tác phong hơn người, đối với một cô bé mà ngươi còn nóng nảy, không giữ được trầm tĩnh, thì lúc đối với kẻ ngang hàng, ngươi sẽ như thế nào nữa chứ?
Tạ Linh Vận thoáng đỏ mặt, quắt mắt nhìn chàng hét:
– Tiểu tử thúi, tránh đi nơi khác gấp, ta không thừa thì giờ nói nhảm với ngươi!
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
– Ta đâu có nói nhảm với ngươi bao giờ!
Tạ Linh Vận «hừ» một tiếng:
– Ngươi đến đây để làm gì?
Quan Sơn Nguyệt điềm nhiên:
– Ta đến đây, để ngăn chặn ngươi hành hung, tác ác, ta đến đây để trừ diệt kẻ gian tà. Tuy tâm địa của ngươi ẩn toàn mưu sâu kế độc, song dù sao thì ngươi cũng chưa có hành động quá đáng, trước khi ngươi gây nên tội lỗi, ta khuyên ngươi ...
Tạ Linh Vận quát to:
– Câm cái mồm thối của ngươi lại ngay! Ngươi tài ba chi đó, lại dám buông lời khuyến cáo bổn tôn giả? Ba hôm trước, ta vì khinh thường, nên lầm xảo kế của ngươi, chứ hôm nay thì ngươi nhất định phải táng mạng dưới tay ta. Nếu sợ chết thì cút đi cho sớm, ta sẽ rộng lượng, không đuổi bắt ngươi đâu.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Phải đấy, ba hôm trước, ta thắng ngươi, là nhờ may mắn, nhờ ngươi sơ ý, nhờ ngươi khinh thường, và ta không nên nhân cái may mắn đó mà kiêu hãnh.
Cho nên hôm nay ta đến đây, không với sự kiêu hãnh mà đến.
Chàng có vẻ tự tin cực độ, Tạ Linh Vận trông thấy cũng phải giật mình. Y sửng sốt một phút, sau đó cau mày hỏi:
– Qua khẩu khí của ngươi, ta đoán là trong ba hôm nay, ngươi có tiến bộ quan trọng, có đúng vậy không?
Lạc Tiểu Hồng vội bước tới, gọi Quan Sơn Nguyệt:
– Quan đại ca, ba hôm nay, đại ca đi đâu? Tiểu muội tìm đại ca khắp nơi, khổ sở vô cùng ...
Khổ Hải Từ Hàng cười hì hì:
– Chờ một chút đi, cô nương. Việc hệ trọng sắp sửa khai màn, muốn nói gì hãy đợi lúc hạ màn hãy nói cũng chẳng muộn đâu.
Lạc Hành Quân cấp tốc bước tới, lôi Lạc Tiểu Hồng trở về chỗ cũ.
Tạ Linh Vận trầm ngâm, suy nghĩ, chưa quyết định thái độ. Trước đây ba hôm, y đã thất bại một lần. Đành rằng tài nghệ y có cao, chính y thừa hiểu là Quan Sơn Nguyệt cũng biết như vậy. Đã biết vũ công của y cao mà Quan Sơn Nguyệt còn dám trở lại đây, đối với y hẳn có một sở cậy gì đó. Tạ Linh Vận vốn là tay gian hoạt, thấy rõ điều đó, nên phải đắn đo. Y không thể hành động liều lĩnh, nếu chẳng nắm được cái cơ tất thắng, quyết chẳng khi nào y vọng động.
Phía sau Tạ Linh Vận, Hồ Hải Dị Tẩu Bốc Thượng Xuân điểm một nụ cười gian trá, hỏi:
– Lão phu muốn xuất trận đầu, tôn giả nghĩ sao?
Tạ Linh Vận gật đầu định trả lời, nhưng Quan Sơn Nguyệt lắc đầu, khoát tay:
– Không thể có việc đó. Chưa phải lúc ngươi xuất hiện mà bất cứ ai cũng thế, chẳng một ai được xuất hiện, trước khi Tạ Linh Vận vào cuộc với ta.
Bốc Thượng Xuân bật cười hăng hắc:
– Tiểu tử ơi! Khoan hợm mình sớm! Dù sao thì ngươi cũng nên xét lại phận ngươi, Tu La Tôn Giả là hạng người như thế nào, lại phải đích thân đối chiến với ngươi? Chỉ có một mình lão phu thôi, lão phu cũng thừa sức thu thập ngươi!
Quan Sơn Nguyệt chưa kịp đáp, Lạc Tiểu Hồng khoa kiếm lướt tới gọi to:
– Quan đại ca để cái lão quỷ đó cho tiểu muội, lão ta là kẻ thù của gia đình tiểu muội, không được làm sứt mẻ gì lão, hãy để nguyên vẹn cho tiểu muội xử trí!
Bốc Thượng Xuân cười vang:
– Hay! Hay! Các nữ nhân trong gia đình ngươi đã biết thủ đoạn của lão phu như thế nào rồi, chỉ còn cô bé, bây giờ cô bé muốn biết thủ đoạn đó, thì lão phu sẵn sàng cho biết.
Hai tiếng quát cùng vang lên, hai bóng người cùng lướt tới, chận trước mặt Bốc Thượng Xuân.
Hai bóng đó, là Lạc Hành Quân và Lạc Tương Quân.
Song phương là những kẻ tử thù, họ nhìn nhau, mắt bốc lửa.
Quan Sơn Nguyệt biết tà công của Bốc Thượng Xuân rất lợi hại, sợ hai bà thất cơ, vội ngăn trở:
– Sự tình do tại hạ ứng phó, xin hai vị lui lại.
Khổ Hải Từ Hàng cũng bảo:
– Huyết La Sát, Bạch Cốt Ma Thần và tiểu cô nương hãy tạm thời lui lại, sự việc hôm nay do Quan công tử giải quyết, chúng ta phải tuân theo sự phân phó của công tử.
Hai bà họ Lạc nắm tay Lạc Tiểu Hồng, kéo nàng về chỗ đứng.
Quan Sơn Nguyệt hướng sang Khổ Hải Từ Hàng, hỏi:
– Đại sư có điều chi chỉ giáo?
Khổ Hải Từ Hàng chấp tay chữ thập:
– A Di Đà Phật! Tùy công tử châm chước hành sự, bần tăng đâu dám tự cho mình cái quyền chủ trì mà đóng vai một người trọng tài? Bất quá con người ấy chỉ là một thỏi sắt, cứng rắn cực độ, mọi lời hay không làm sao cảm hóa y nổi, do đó bần tăng phải bỏ ý niệm đề tỉnh y, để mặc y trầm mình trong biển tội lỗi.
Quan Sơn Nguyệt thừa hiểu cái ngụ ý của nhà sư, chàng day qua Bốc Thượng Xuân, chính sắc mặt, thốt:
– Bốc Thượng Xuân! Đối với gia đình họ Lạc, ngươi đã nhiều lần đắc tội, song nhị vị phu nhân vì từ tâm mà bỏ qua đi cho, ngươi lại chẳng biết ăn năn, tu tỉnh, trái lại càng ngày càng buông lung tính khí, phóng túng ngông cuồng, bắt buộc hôm nay phải mượn ngươi làm vật khai đao, mở một chiến dịch trừ gian diệt ác.
Bốc Thượng Xuân bật cười hắc hắc:
– Tiểu tử! Lời nói của ngươi lớn quá, cái tuổi của ngươi không mang nổi sự khoác lác đó đâu, ta chỉ sợ rồi ngươi phải táng mạng với cái khoác lác của ngươi thôi! Thực ra thì ta cũng chán sống lắm, chán từ lúc ta mở mắt chào đời, song ta tìm mãi cách chết, chẳng có cách nào làm cho ta chết được, thành thử ta miễn cưỡng mà sống, sống đến bạc đầu, có thể là ta sẽ sống mãi mãi. Giả như ngươi có một phương pháp gì giúp ta chết gấp, thì nhất định là về nơi chín suối ta vẫn còn ghi ơn ngươi!
Quan Sơn Nguyệt không hề tức giận, cứ giữ vẽ trang nghiêm, nói:
– Bốc Thượng Xuân! Ngươi cho rằng tà công của ngươi bảo vệ ngươi trọn vẹn, không đao kiếm nào chạm vào mình ngươi được, phải không? Hôm nay, ta làm một cuộc thực nghiệm, cho ngươi thấy, ỷ trượng vào tà công đó mà tự tung tự tác, là ngươi nuôi mộng!
Thiên Tề Ma Quân Kỳ Hạo bật cười ha hả:
– Quan Sơn Nguyệt ơi! Bất cứ lúc nào ta gặp ngươi là y như đều nghe ngươi dùng cái giọng khoác lác muôn thuở! Dù sao thì lão Bốc cũng được liệt danh trên Tiên Bảng, năm xưa từng chịu cuộc khảo nghiệm Lôi Đình Tam Kích, có lẽ nào không đối địch nổi với ngươi qua mấy chiêu sao?
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
– Đừng nóng, Kỳ Hạo. Rồi ngươi sẽ thấy một sự đáng tiếc cho bọn ngươi ngay!
Chàng bước tới một bước, cao giọng tiếp:
– Bốc Thượng Xuân, nếu ngươi cần có một vũ khí phòng thân, thì cứ lấy ra, ta không muốn ngươi vĩnh viễn ra đi với niềm oán hận.
Bốc Thượng Xuân chớp mắt, lùi lại một bước, chừng như lão có ý khiếp sợ.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười tiếp luôn:
– Ngươi ngán rồi phải không? Cho ngươi biết, mà cũng cảnh cáo luôn Kỳ Hạo, là chỉ với một chiêu thôi, ta sẽ hạ sát ngươi, dễ dàng như chặt một con cá trên thớt!
Bốc Thượng Xuân lại chớp mắt:
– Giả như với một chiêu, ngươi không giết được ta?
Quan Sơn Nguyệt cười lớn:
– Ta sẽ tự cắt đầu, hay tay trao cho ngươi xong, rồi cái xác của ta mới ngã xuống!
Khinh túng quá!
Lời nói đó, chẳng ai dám dùng, đối với bất kỳ ai, huống hồ chàng nói với Bốc Thượng Xuân, một cao thủ từng được Lôi Đình Tam Kích ấn chứng vũ công, từng đứng chung bảng với sư phụ chàng.
Người nào tin tưởng nơi tài năng của chàng, thì thản nhiên như thường, người nào còn nghi ngờ, lại đâm lo. Có một vài người bên cạnh Tạ Linh Vận bĩu môi, lộ vẻ khinh bỉ, họ đinh ninh là chàng dùng thủ đoạn dọa khiếp Bốc Thượng Xuân chứ làm gì chỉ với một chiêu, chàng hạ sát ngay được lão Bốc?
Nhưng, những ai còn hoài nghi tài nghệ chàng, đã bắt đầu lo ngại cho Bốc Thượng Xuân. Bởi, Quan Sơn Nguyệt điểm một nụ cười, vẻ tự tin hiện rõ nơi nụ cười đó, ngoài ra lại còn một vẻ ngụy dị, chính sự ngụy dị đó làm cho Tạ Linh Vận và Kỳ Hạo quan tâm đến cục diện nhiều hơn.
Họ nhận thấy, chàng có ỷ trượng vào một cái gì, và thần thái của chàng nói lên một sự tin tưởng nắm chắc cái cơ tất thắng rõ rệt. Họ tự nghĩ, rất có thể với một chiêu, chàng giết được Bốc Thượng Xuân, dù họ cũng tin rằng Bốc Thượng Xuân là tay có tài.
Cục trường im lặng, tiếng muỗi bay qua cũng nghe được.
Bất quá, có những tiếng cách cách nhỏ vang lên, do Bốc Thượng Xuân vận công, chuyển khí.
Cái lối vận công chuyển khí của lão, kỳ quái vô cùng, mường tượng trong những lúc đó, thì xương cốt của lão gãy, vở, trở thành trăm đoạn, trăm mảnh.
Tạo xong lớp tà khí hộ thể, vận tụ «Xuân Dương Chỉ Lực» nơi tay, đúng mười thành, Bốc Thượng Xuân từ từ bước tới.
Quan Sơn Nguyệt ung dung như kẻ thừa nhàn, chắp tay sau lưng, nhìn lão, điểm nhẹ một nụ cười, hỏi:
– Ngươi không dùng vũ khí?
Bốc Thượng Xuân lắc đầu:
– Bình sanh ta không hề cần đến một món vũ khí nào, nhưng ta chấp đối thủ vũ trang bằng mọi loại.
Thốt xong, lão vươn bàn tay, năm ngón sè ra, chụp tới. Cái đích của năm ngón tay, là bốn đại huyệt nơi phần ngực của địch.
Quan Sơn Nguyệt thừa hiểu «Xuân Dương Chỉ Pháp» của lão rất lợi hại, không kể cái công lực của chỉ pháp, chỉ nói về tà thuật thôi, cũng đủ làm cho đối phương khiếp vía. Tà thuật do chỉ pháp Xuân Dương phát huy, làm cho tâm thần địch tán loạn, đấu chí tiêu tan, biến con người thờ thẫn để cuối cùng thừ ra đó, như sẵn sàng nạp mạng, chờ lão hạ thủ.
Tuy chàng có uống thứ thuốc trừ mê là «Băng Xạ Toàn Mạng Tán», song lần này khác hơn những lần trước, Bốc Thượng Xuân chẳng những phát huy tà thuật, mà lão lại còn dụng lực, chỉ pháp vút đi rất mãnh liệt. Chính cái lực đạo đó làm cho Quan Sơn Nguyệt phải thận trọng, chứ tà thuật đối với chàng chẳng có nghĩa lý gì cả.
Lập tức, chàng tránh qua một bên, đồng thời gian, chàng rút kiếm, khoa lên, liền theo đó, đút kiếm vào vỏ trở lại.
Rút kiếm ra, khoa kiếm lên, tra kiếm vào, đúng là chàng làm ba động tác, song chẳng ai thấy chàng làm như thế nào cả. Thủ pháp của chàng nhanh hơn nháy mắt!
Đoạn chàng lùi lại.
Bốc Thượng Xuân chồm chồm tới trước mấy bước, rồi dừng chân, đứng cứng tại chỗ, hai tay còn đưa ra, lão giữ cái tư thế đó như vậy qua một phút, mặc dù đối phương đã ra ngoài vòng chiến rồi.
Chẳng ai biết lão làm gì mà cứ dang tay ra như vậy mãi.
Trong khi đó, Quan Sơn Nguyệt ung dung lùi lại, khi đến gần bọn Lý Trại Hồng, chàng mới dừng chân.
Tại cục trường, phần đông chẳng ai biết là cục diện diễn tiến làm sao cả, họ chẳng biết thực sự song phương đã giao thủ hay chưa, và bên nào thắng, bên nào bại. Chỉ có một vài cao thủ thượng thặng nhận thấy rõ ràng mà thôi.
Những cao thủ đó, một bên là Tạ Linh Vận và Tây Môn Vô Diệm, bên kia là Lý Trại Hồng và Liễu Y Ảo. Tất cả bốn người cùng kêu lên kinh khiếp.
Bốn tiếng kêu cùng vang lên, cả bốn người cùng im bặt. Toàn thể những người hiện diện cũng im bặt.
Cục trường trầm tịch nặng nề.
Mãi một lúc lâu sau, Tạ Linh Vận trầm giọng, hỏi:
– Ngươi dùng vũ khí chi đó?
Quan Sơn Nguyệt điềm nhiên:
– Vũ khí gì, đáng lý ra ngươi phải hiểu, còn hỏi làm chi?
Tạ Linh Vận biến sắc, trầm ngâm một chút, y thốt:
– Thảo nào mà ngươi chẳng diệu võ dương oai. Tuy nhiên, dù ngươi có thanh kiếm đó, đã chắc gì ta phải nao núng?
Quan Sơn Nguyệt vẫn điềm nhiên:
– Nao núng hay không, là việc của ngươi, ta cần biết làm gì? Có điều ta khuyên ngươi, nên suy nghĩ, trước khi dứt khoát thái độ.
Tạ Linh Vận gọi Tây Môn Vô Diệm đến gần, cả hai châu đầu vào nhau, thì thầm bàn luận.
Đúng lúc đó, chiếc đầu của Bốc Thượng Xuân bị tung bổng lên, máu từ cổ phun ra thành vòi. Chính vòi máu vọt ra, bắn chiếc đầu lão lên cao.
Đầu bay, máu vọt, thân hình lão chao chao, rồi ngã xuống.
Sự kiện đó, gieo kinh khiếp nơi lòng mọi người. Ai ai cũng biết là Bốc Thượng Xuân luyện thứ tà công, ngăn trở đao kiếm chẳng chạm vào mình. Từ bao lâu nay, lão nổi tiếng là con người bất khả xâm phạm, một con người chẳng ai giết chết được. Thế mà bây giờ, lão bị chặt đầu, và Quan Sơn Nguyệt giữ đúng lời hứa, chỉ xuất phát một chiêu thôi!
Chàng dùng chiêu thức gì? Và vũ khí của chàng là gì?
Người của song phương sững sờ, trên gương mặt của họ, niềm sợ hãi hiện rõ. Bốc Thượng Xuân còn phải chết dưới tay chàng, thì còn ai chống đối nổi chàng?
Lạc Hành Quân và Lạc Tương Quân đột nhiên bước tới, quỳ xuống trước mặt Quan Sơn Nguyệt, vập đầu vừa lạy vừa thốt:
– Thù chồng canh cánh bên mình từ nhiều năm qua không có dịp báo phục, bây giờ công tử đã làm cái việc bọn già dự định từ lâu, cái ơn công tử rất trọng ...
Quan Sơn Nguyệt vội đưa tay nâng hai bà đứng lên, rồi nói:
– Việc đó có chi xứng đáng đâu, mà hai vị phải quá hạ mình?
Lý Trại Hồng trừng mắt nhìn Lạc Hành Quân và Lạc Tương Quân.
Hai bà kinh hãi, không dám nói gì nữa, lùi lại sau đứng vào vị trí cũ.
Lý Trại Hồng «hừ» một tiếng, hỏi Quan Sơn Nguyệt:
– Công tử dùng Bạch Hồng Kiếm?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu.
Thanh kiếm Bạch Hồng, do Lý Trại Hồng cất giữ, thanh kiếm đó đã mất, bây giờ Quan Sơn Nguyệt lại sử dụng kiếm, mà cũng là thanh Bạch Hồng, tự nhiên Lý Trại Hồng phải ngờ, phải phẫn nộ. Nàng biết sắc mặt liền.
Quan Sơn Nguyệt biết ngay nàng đang có ý nghĩ gì, vội thốt:
– Thanh kiếm của tiên tử khác, còn thanh kiếm của tại hạ khác, chính là hai vật chứ chẳng phải một đâu. Thanh kiếm của tại hạ, do một người tặng ...
Lý Trại Hồng bĩu môi:
– Ai?
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Ôn Kiều lão tiền bối!
Lý Trại Hồng suýt nhảy dựng lên:
– Công tử nói gì? Sư nương của tôi còn sống?
Liễu Y Ảo cũng giương tròn mắt nhìn Quan Sơn Nguyệt.
Chàng từ từ thốt:
– Ôn lão tiền bối ẩn cư trong vùng phụ cận. Và sư phụ của tại hạ cùng Lâm tiên tử có mặt bên cạnh Ôn lão tiền bối.
Lý Trại Hồng sững sờ. Lâu lắm, nàng rít qua căm hờn:
– Tốt quá! Họ ở sát nơi đây, mà họ vẫn thản nhiên được, họ khoanh tay nhìn thiên hạ khinh miệt sư muội của họ, người đồng bảng của họ!
Quan Sơn Nguyệt vội biện hộ cho Lâm Hương Đình và Độc Cô Minh:
– Tiên tử đừng lầm hảo ý của họ. Chẳng khi nào họ quên nhị vị đâu. Trong cái hôm đại hội Long Hoa, họ có mặt bên cạnh các vị, có điều họ không xuất hiện chân tướng thôi. Họ cũng không biết là thanh kiếm Bạch Hồng hạ lạc nơi nào. Họ nấp bên ngoài đại hội, theo dõi diễn tiến tại hội trường, và họ định, nếu bắt buộc, họ phải miễn cưỡng dùng thanh kiếm giả, bức bách bọn Tạ Linh Vận phải nhượng bộ các vị. Sau đó, họ thấy tại hạ xuất hiện, đương đầu với Tạ Linh Vận, dùng kế xảo, đánh bại y, họ thấy không cần thiết phải chường mặt tại hội trường. Chỉ sau ngày đại hội, họ mới biết là thanh kiếm thật do Ôn lão tiền bối cất giữ.
Chàng nhấn mạnh:
– Nhị vị đừng cho rằng Lâm tiên tử và gia sư quên các vị! Điều đó thì tại hạ dám bảo chứng.
Lý Trại Hồng cười lạnh:
– Công tử đừng nói tốt cho họ, vô ích. Tôi biết, trong khung cảnh của họ hiện tại, chẳng bao giờ họ nhớ đến bọn này. Chẳng phải tôi ganh tỵ gì họ, bởi tôi hiểu rằng con người ai ai cũng có cái số, và số của người này không thể giống số của người kia, may thì tao ngộ đẹp, không may thì tao ngộ u buồn vậy thôi!
Dừng lại một chút, nàng trầm giọng, tiếp:
– Mà thôi, bỏ qua việc đó đi, công tử! Hiện tại công tử hãy cho tôi biết điều này ...
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Điều chi, Tiên tử?
Lý Trại Hồng nhìn vào ánh mắt chàng, hỏi:
– Công tử liệu có thể thắng nổi Tạ Linh Vận chăng, dù công tử đang thủ thanh kiếm Bạch Hồng?
Quan Sơn Nguyệt thành thực đáp:
– Tại hạ có biết qua hai kiếm pháp «Tu La Tứ Thức» và «Đại La Thất Thức».
Nhưng thời gian cấp bách quá, tại hạ không tập luyện thuần thục đúng như ý muốn, do đó tại hạ sợ rằng mình chưa đạt đến mức hỏa hầu ...
Chàng dừng lại một chút, đoạn trầm giọng, tiếp:
– Cho nên, trong cuộc chiến hôm nay, tại hạ không dám quả quyết là mình có nắm được cái cơ tất thắng hay không.
Lý Trại Hồng gật đầu:
– Công tử dè dặt như vậy là phải lắm. Tuy nhiên, nếu bọn Tạ Linh Vận quyết sanh sự, thì công tử cứ tận dụng sức mình, giả như lúc đối địch có điều chi bất cập, thì bên ngoài, đã có bọn tôi, sẵn sàng ứng tiếp. Công tử vững tâm chống địch, đừng để đấu chí phân hóa mà có hại.
Quan Sơn Nguyệt phấn khởi tinh thần, thốt:
– Có các vị ở bên ngoài giám thị, thì nhất định là hôm nay chúng ta phải đánh bại bọn Tạ Linh Vận.
Chàng lại dừng, rồi thấp giọng một chút, tiếp luôn:
– Lâm Tiên Tử từng dặn dò tại hạ, không nên nói sự thật bởi sợ các vị hiểu lầm ...
Lý Trại Hồng «hừ» một tiếng:
– Lâm sư tỷ đã bảo thế, sao công tử vẫn nói sự thật cho bọn tôi nghe?
Quan Sơn Nguyệt chính sắc mặt:
– Chỉ vì, tại hạ không có tánh quen nói dối, huống chi, tại hạ nghĩ rằng chẳng có lý do gì khiến tại hạ phải giấu giếm các vị.
Lý Trại Hồng cảm động, nói:
– Đa tạ công tử có hảo ý đối với bọn nầy. Đại sư tỷ tuy là bạn đồng môn, sống chung qua nhiều năm qua với bọn tôi, vậy mà chẳng có một thái độ đậm đà, cư xử thành thật như công tử! Đáp lại thịnh tình của công tử, tôi có thể làm bất cứ việc gì, dù phải hy sinh táng mạng đó, công tử.
Quan Sơn Nguyệt vốn giàu nhiệt huyết, những lời thành khẩn rất dễ làm cho chàng khích động, nghe Lý Trại Hồng nói thế, chàng cảm thấy mắt cay, mũi nhột.
Nhưng, chàng không còn thời gian biểu hiện một ý niềm nào để đáp lại tiếng nói chí tình của Lý Trại Hồng, bởi bên cánh đối lập, Tạ Linh Vận đã bắt đầu hoạt động.
Chàng lập tức chuẩn bị tinh thần, chực chờ ứng phó.
Lý Trại Hồng cười nhẹ:
– Công tử không cần phải khẩn trương, tôi chắc chắn là Tạ Linh Vận chẳng dám tự mình xuất trận đối đầu đâu. Nếu y dám liều như vậy, thì đâu còn là một tay đại gian, đại trá!
Quan Sơn Nguyệt giật mình:
– Y không dám xuất trận đối địch, chẳng lẽ y có một mưu mô gì khác?
Lý Trại Hồng mỉm cười:
– Y có mưu mô gì, mặc y, chúng ta không nên lo. Dù cho y và bọn Tây Môn Vô Diệm, Tây Nhạc Ma Thần và Bắc Mang Quỷ Sứ có cùng xuất thủ đồng loạt, chúng cũng chẳng chống nổi thanh kiếm Bạch Hồng của công tử đâu.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Tại hạ không sợ chúng liên thủ, bởi bên cánh chúng ta, chẳng phải thiếu người tài giỏi, đừng nói chi đến những người khác, chỉ cần Tiên tử, Liễu Tiên Tử, Nhàn Du Nhất Âu, Khổ Hải Từ Hàng hiệp lực thôi, chúng cũng khó thủ thắng rồi!
Lý Trại Hồng thốt:
– Nhưng, như tôi đã nói, Tạ Linh Vận vốn là tay gian trá, chẳng khi nào y dại dột xuất trận ồ ạt làm một cuộc liều lĩnh như vậy. Y muốn làm gì cũng suy nghĩ chín chắn, có nắm được cái cơ tất thắng, y mới làm. Có thể là y sẽ gọi đến kẻ nào đó, khiêu chiến công tử.
Quan Sơn Nguyệt «hừ» một tiếng:
– Đến y mà tại hạ còn không ngán, thì một kẻ nào khác có nghĩa gì đối với tại hạ chứ!
Lý Trại Hồng lắc đầu:
– Kẻ đó không giống Bốc Thượng Xuân đâu, công tử đừng nên khinh thường. Huống chi, y sẽ kêu gọi đến nhiều người, và mỗi người có thể cầm cự với công tử ít nhất cũng ba mươi chiêu, dù công tử có thắng tất cả, qua cuộc chiến xa luân đó, công tử phải tiêu hao chân lực, đến lúc đó thì chính Tạ Linh Vận mới xuất trận, lấy cái khỏe chống lại cái mệt của công tử.
Quan Sơn Nguyệt thoáng giật mình.
Lý Trại Hồng lại tiếp:
– Thanh kiếm Bạch Hồng đành là có uy lực phi thường, song khi công tử quá lao nhọc, chân khí không còn dồi dào nữa, khí thế phát huy sẽ kém giảm công hiệu.
Liễu Y Ảo chen vào:
– Chẳng quan hệ, sư tỷ ạ! Nếu có kẻ nào khác, ngoài Tạ Linh Vận, xuất chiến, thì chúng ta đừng để Quan công tử ứng phó, chúng ta sẽ thay phiên nhau, mỗi người chận một địch nhân. Như vậy, Quan công tử vẫn giữ được chân lực nguyên vẹn, chờ đối phó với Tạ Linh Vận.
Lý Trại Hồng cười nhẹ:
– Sư muội nghĩ được như vậy, đương nhiên Tạ Linh Vận cũng nghĩ được như sư muội. Mình lo ngại là cái lý do của Tạ Linh Vận đưa ra, với lý do đó, chỉ có mỗi một mình Quan công tử xuất chiêu thôi, chẳng một ai khác thay thế được. Ngu thơ dám quả quyết là y sẽ nại ra một cái cớ gì đó, và vì danh dự mà Quan công tử chẳng thể khước từ.
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm suy tư về lời nói của Lý Trại Hồng.
Bên kia, Thiên Tề Ma Quân Kỳ Hạo hú vọng một tiếng dài, từ phía sau lưng hắn, một con lạc đà lông đen bước tới, trên lưng lạc đà có ngọn trường mâu bằng kim cương.
Kỳ Hạo nhảy lên lưng lạc đà, chụp ngọn trường mâu, khoa một vòng, hét lớn:
– Quan Sơn Nguyệt! Hãy ra đây, đối địch với ta! Hôm nay, là ngày thanh toán vấn đề giữa Phi Đà Lịnh và Minh Đà Lịnh.
Đúng như lời Lý Trại Hồng vừa nói. Với lý do khiêu chiến đó, còn ai thay thế Quan Sơn Nguyệt đối địch với Kỳ Hạo được chăng?
Lý Trại Hồng mỉm cười, nhìn Liễu Y Ảo, nhìn Quan Sơn Nguyệt, thốt:
– Thấy chưa? Tôi nói có sai đâu? Thử hỏi, ai có tư cách đối phó với Kỳ Hạo, nếu không là Quan công tử? Như thế nầy, đấu pháp xa luân khó tránh được rồi đó!
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm một chút, bổng chàng hú vọng lên một tiếng.
Minh Đà từ xa cất vó chạy tới, trên lưng nó, có chiếc Độc Cước Kim Thần.
Quan Sơn Nguyệt chụp chiếc kim thần, nhảy lên mình Minh Đà, bật cười ha hả:
– Phải đó, ta nên nhân dịp nầy, dứt khoát những gì còn đọng lại giữa chúng ta, Kỳ Hạo ạ!
Kỳ Hạo hấp tấp thốt:
– Không! Ta không muốn ngươi dùng vũ nào khác, ta chỉ mong được lãnh giáo kiếm pháp của ngươi thôi!
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Minh Đà Lịnh thành danh trên giang hồ, toàn bằng một Minh Đà và Kim Thần, thì chẳng có lý do gì ta rời hai vật đó, khi cần phải bảo vệ Minh Đà Lịnh, thanh kiếm của ta, dù có sắc bén, song chẳng phải là vật dành đối phó với ngươi.
Kỳ Hạo không còn bắt bẻ gì được nữa, đành cắn răng, giục hắc đà lướt tới.
Hắn vung tay, phóng ngọn trường mâu sang địch.
Quan Sơn Nguyệt lập tức quét kim thần, đón chận.
Một tiếng chạm vang lên, song phương cùng bị chấn động.
Quan Sơn Nguyệt thầm kinh hãi, không tưởng là Kỳ Hạo có công lực thâm hậu như vậy. Nhưng, chàng đâu chịu kém? Liền theo đó, chàng lấy lại tinh thần, vung mạnh kim thần, đánh luôn trọn mười tám chiêu tuyệt học. Khí thế của chàng ào ào, như cuồng phong như bão tố, cuốn đi mạnh không tưởng nổi.
Kỳ Hạo không nao núng, điểm phớt một nụ cười, tuy Quan Sơn Nguyệt không sử dụng kiếm, hắn có phần nào thất vọng, nhưng chẳng vì thế mà hắn sút giảm phần dũng mãnh, hắn vũ lộng trường mâu, ngang nhiên nghinh chiến.
Quan Sơn Nguyệt đánh đủ mười tám chiêu Kim Thần, song chẳng làm sao áp đảo đường mâu lợi hại của Kỳ Hạo. Tự nhiên chàng phải kinh dị phi thường.
Càng kinh dị, chàng càng khẩn cấp. Tại cục trường, nào phải chỉ có mỗi một mình Kỳ Hạo đâu, nếu không hạ hắn gấp, thì cuộc đấu kéo dài, chàng sẽ tiêu hao chân lực, còn sức đâu nữa mà giao đấu với những kẻ khác, mà kẻ cuối cùng chắc chắn là Tạ Linh Vận và lúc cuối cùng là lúc chàng kiệt quệ?
Chàng hét lên một tiếng lớn, vung Kim Thần vùn vụt.
Một tiếng chạm vang lên, kim thần đánh gãy trường mâu, nhưng kim thần cũng vuột tay của Quan Sơn Nguyệt bay đi.
Gãy mâu, Kỳ Hạo phải hãi hùng, song nhìn thấy Quan Sơn Nguyệt tay không, hắn trấn định tâm thần ngay, điểm nụ cười lạnh. Chuôi mâu, hắn còn nắm giữ, đoạn mâu gãy, hắn nhanh tay chụp, rồi dùng cả hai đoạn công tới.
Quan Sơn Nguyệt đã sai lầm trong một dự tính mà thành ra phải lâm vào cảnh chí nguy.
Chàng định vận dụng toàn lực bình sanh vung chiếc kim thân độc cước đánh bay ngọn trường mâu của Kỳ Hạo. Thân vóc của chàng cường tráng, giả dĩ công lực hùng hậu so với Kỳ Hạo, chàng thấy mình phải có khí lực hơn nhiều. Ngờ đâu Kỳ Hạo tuy nhỏ vóc hơn song công lực của hắn vẫn hùng hậu chẳng kém. Tuy chàng đánh gãy ngọn trường mâu, ngược lại chiếc kim thân cũng phải vuột tay bay đi.
Để bây giờ Kỳ Hạo dùng hai đoạn mâu đó, một đâm một đập, cả hai đoạn cùng vút đi, đương nhiên phải nhanh. Chàng làm sao trước thế công của địch?
Trong khi tay chàng chẳng có tấc sắc nào?
Những người đặt kỳ vọng nơi chàng dù còn tin tưởng nơi chàng cũng phải rợn mình.
Đành rằng hai đoạn mâu đó của Kỳ Hạo không thể làm cho Quan Sơn Nguyệt phải chết, nhưng sự tình nào phải chỉ dừng lại ở một Kỳ Hạo mà thôi? Kỳ Hạo bất quá là một tên tướng xung trận lót đường do vị chủ soái phát xuất để đo lường công lực địch, để làm giảm bớt công lực địch, khởi đầu cho một cuộc chiến xa luân.
Thế mà chàng không thắng được thì còn mong gì giao thủ với vị chủ soái của cánh đối lập? Nhất là lúc đó thì chàng kiệt quệ lắm rồi qua cuộc chiến xa luân.
Nếu chàng không thắng nổi Kỳ Hạo, và thắng nhanh chóng thì cục diện hôm nay sẽ kết thúc với cái thảm bại của bọn Lý Trại Hồng, và cái thảm bại đó sẽ tạo thành sự diệt vong của toàn thể đồng đạo.
Bên ngoài, phe của chàng lo ngại như thế.
Bên trong cuộc chiến, chàng cũng lo ngại như thế. Chàng tự hỏi làm cách nào dùng tay không đối phó với Kỳ Hạo! Chẳng lẽ chàng rút thanh kiếm bên mình ra?
Thanh kiếm đó chỉ dành để đối phó duy nhất với một Tạ Linh Vận thôi.
Kiếm pháp Đại La chỉ có bảy chiêu, nếu mang ra dùng một chiêu, hạ được Kỳ Hạo rồi thì chỉ còn lại sáu chiêu, như vậy vô hình trung Tạ Linh Vận có lợi, chàng tạo cái lợi đó cho Tạ Linh Vận. Bởi y đã thấy kiếm rồi thì chàng còn đánh bất ngờ làm sao được nữa? Tạ Linh Vận sẽ nghĩ ra phương pháp hóa giải chiêu kiếm. Còn sáu chiêu sao bằng còn đủ cả bảy chiêu?
Trong khi chàng đắn đo thì Kỳ Hạo không để mất một phút giây nào. Hắn vung tay, đoạn mâu nhọn đâm, đoạn mâu tà đầu một đâm ngang một từ trên đập xuống, cả hai đoạn mâu chỉ còn cách Quan Sơn Nguyệt độ tấc.
Cho đến bây giờ, Quan Sơn Nguyệt mới nghĩ ra cách hóa giải thế công của địch mà chẳng cần dùng đến thanh kiếm Bạch Hồng.
Ép hai gối vào hông lạc đà, kẻ nhún mình, chàng lấy đà vọt thẳng lên cao đồng thời dựng đứng một bàn chân dùng mũi giày đá vào đầu đoạn mâu dưới.
Đoạn mâu đó bị hất mạnh lên, trong khi đoạn mâu đập mạnh xuống. Hai đoạn chạm vào nhau, một tiếng «bốp» vang lên, lửa bắn tung tóe.
Mâu của hắn chạm vào mâu, cũng của hắn luôn, ngọn trên do công lực của hắn giáng xuống, ngọn dưới do công lực của Quan Sơn Nguyệt hất lên, hai kình lực chạm mạnh, Kỳ Hạo không tài nào kềm vững hai vũ khí bất thường đó. Hai đoạn mâu bay đi, hổ khẩu tay của hắn tê buốt.
Hóa giải xong thế công của địch, Quan Sơn Nguyệt dùng «Thiên cân trụy» đáp xuống lưng lạc đà, bật cười ha hả, buông giọng ngạo nghễ khích Kỳ Hạo:
– Bình sanh ta chưa từng thấy một người tự dùng vũ khí của chính mình kích lại mình, hóa giải một vũ khí khác của mình! Đấu pháp đó nghĩ cũng ngoạn mục đó. Nếu ta sớm biết như vậy thì ta có cần xuất trận làm gì, cứ để một mình ngươi tự giao đấu với ngươi, xem cho vui!
Đã đánh hụt địch, lại mất vũ khí, ngoài ra còn bị ê ẩm cả hai tay, dù ai ở trong trường hợp Kỳ Hạo cũng phải thẹn, phải tức, phải hận mà lồng lên hét la vang dội. Nhưng Kỳ Hạo giữ bình tĩnh như thường.
Nhìn hổ khẩu tay rướm máu, máu từ từ rịn thành giọt rơi xuống, hắn lạnh lùng thốt:
– Đừng dùng xảo ngôn mà che dấu một sự thất thế, cái bại sẽ đến với ngươi trong phút giây đây thôi. Họ Quan kia! Hôm nay ngươi không hy vọng gì thoát khỏi tay ta đâu.
Quan Sơn Nguyệt mỉm cười:
– Ngươi muốn kết thúc cuộc đấu gấp? Dù ngươi không muốn, chính ta đây cần phải hạ sát ngươi ngay, tuy nhiên, giao đấu tay không thì chẳng có thú vị gì, mà cho ngươi nhặt cái thứ vũ khí vô dụng kia thì hai tay ngươi thọ thương cũng trở thành vô dụng nốt, như vậy làm gì ngươi chiếm được tiện nghi mà hăm dọa ta?
Kỳ Hạo bĩu môi:
– Thế ngươi muốn chúng ta phải giao đấu như thế nào? Về phần ta, nhất định là ta không nhặt hai đoạn mâu đó rồi, mà ta cũng quyết dứt khoát hôm nay trường hợp của Phi Đà Lịnh và Minh Đà Lịnh. Vậy ngươi đưa ra một đề nghị đi.
Quan Sơn Nguyệt hỏi:
– Giả như ta nhặt chiếc Độc Cước Kim Thân, thế ngươi có dùng tay không mà đối phó chăng?
Kỳ Hạo đáp:
– Trước hết ta cho ngươi biết là chẳng bao giờ ta xuống lưng lạc đà, thì không thể có việc nhặt hai đoạn mâu đó dùng làm vũ khí. Ta đã nói với ngươi cuộc đấu hôm nay phải kết thúc minh bạch với sự mất một bên, còn một bên, và chỉ khi nào ta bị ngươi đánh rơi xuống lưng lạc đà thì ta mới bằng lòng thủ tiêu Phi Đà Lịnh. Còn như ta có giao đấu với ngươi bằng tay không hay bằng một vũ khí nào thì ngươi cứ nhìn nơi lưng ta đây, sẽ rõ.
Nơi đó có chuôi kiếm ló khỏi đầu vai.
Đúng lúc Quan Sơn Nguyệt nhìn sang thì Kỳ Hạo cũng vừa hoành tay chụp chuôi kiếm rút ra khỏi vỏ.
Thanh kiếm sáng lạ lùng, những tia chớp do sự phản chiếu của dương quang làm hoa mắt của số người đứng về phía thuận.
Hắn dùng đến kiếm, hiển nhiên là hắn định bức Quan Sơn Nguyệt phải dùng kiếm đối phó.
Suy nghĩ một chút, chàng thúc lạc đà tiến về phía chiếc Kim Thân rơi, cúi mình xuống nhặt nó cầm tay, đoạn quay lạc đà trở lại đối diện với Kỳ Hạo, thốt:
– Được rồi, ngươi muốn kết thúc trường hợp của chúng ta thì cứ xuất thủ.
Kỳ Hạo không tưởng là Quan Sơn Nguyệt có thể hành động như vậy, trố mắt nhìn chàng một chút, đoạn hỏi:
– Da mặt của ngươi dày đến độ chẳng biết thẹn à?
Quan Sơn Nguyệt thản nhiên điểm một nụ cười:
– Hôm nay là hai đà lịnh tranh chấp với nhau, Minh Đà chống với Phi Đà, mà Minh Đà Lịnh thành danh trên chốn giang hồ toàn bằng chiếc Kim Thân, thì trong bất cứ trường hợp nào cần bảo trì danh dự Minh Đà, ta cũng phải dùng đến Kim Thân. Điều đó rất hợp đạo lý, có chi khiến ta phải hổ thẹn?
Kỳ Hạo sững sờ. Hắn không tưởng Quan Sơn Nguyệt còn dùng đến Kim Thân nữa nên hắn dùng kiếm. Bây giờ Quan Sơn Nguyệt nêu một lý do chính đáng, với lý do đó chàng nhặt Kim Thân mà dùng, chẳng hề sợ ai chỉ trích. Như vậy là hắn chưa đánh đã thấy thất thế rồi, bởi kiếm là vật nhẹ, Kim Thân là vật nặng, kiếm làm sao chống đỡ nổi Kim Thân?
Kiếm hữu dụng là khi nào địch kém thế hoặc địch cũng dùng kiếm, chứ địch là kẻ đồng tài, trên tài, thì hắn mong gì thủ thắng khi địch có ưu thế với một vũ khí nặng cân hơn?
Phía sau Kỳ Hạo, Tạ Linh Vận cười lạnh gọi hắn:
– Kỳ Hạo! Trở vào đây. Nếu Minh Đà Lịnh thành danh nhờ thủ đoạn đó thì ngươi chưa phải là địch thủ của đối phương, ngươi không thể tiếp tục cuộc tranh chấp.
Giọng nói đã mỉa mai, chua chát, lời nói lại bén nhọn, ai nghe cũng phải khó chịu vô cùng, huống hồ kẻ đương cuộc là Kỳ Hạo.
Nhưng hắn làm sao cãi lịnh Tạ Linh Vận được? Hắn lấy chiếc Minh Đà Lịnh trong mình ra, chiếc Minh Đà Lịnh mà Quan Sơn Nguyệt đã trao cho hắn trước kia để ước hội ngày giao đấu, hắn nhổ ra một bãi nước bọt trên mặt chiếc lịnh bài đoạn ghim nó vào mũi kiếm, hắn đưa kiếm tới bảo Quan Sơn Nguyệt:
– Hoàn lại ngươi đó. Cái vật làm cho Minh Đà Lịnh Chủ quang vinh trên giang hồ thì Lịnh Chủ của nó cất giữ mà làm bảo vật!
Thu chiếc lịnh bài rồi, Quan Sơn Nguyệt vô cùng phẫn nộ trước thái độ miệt thị của Kỳ Hạo. Cử chỉ của Kỳ Hạo lăng nhục chàng rõ rệt, người ngoài trong thấy cũng phải tức uất thay chàng.
Nhưng trong trường hợp này, chàng giữ bình tĩnh hơn là cứ mỗi việc bất bình là một phát tác. Bởi sau Kỳ Hạo còn có những người khác sẽ ra trận thực hiện chiến pháp xa luân, để cuối cùng Tạ Linh Vận xuất hiện lấy khỏe đánh mệt.
Chàng có ngu dại gì phí phạm sức khỏe, lại giận dữ cho mất tinh thần.
Thản nhiên, chàng lau mặt chiếc lịnh bài vào vạt áo cho sạch nước bọt của Kỳ Hạo rồi cất nó vào mình. Đoạn chàng nhẹ buông tiếng thở dài, thốt:
– Tạ Linh Vận! Dù cho ngươi dùng trăm mưu ngàn kế, nhất định là ta không mó đến thanh kiếm Bạch Hồng, bởi nó là vật dành cho ngươi, chỉ khi nào ngươi xuất trận thì nó mới ra khỏi vỏ.
Tạ Linh Vận thoáng giật mình. Nếu Quan Sơn Nguyệt giữ đúng lời nói thì cái mưu đồ của y cầm như bị hủy diệt ngay từ trong trứng. Tuy nhiên y chưa tin là chàng thừa bản lĩnh đối phó với một chuỗi người do y sắp xếp mà chẳng cần sử dụng đến thanh kiếm đó. Y đưa mắt qua một bên ngầm ra hiệu.
Một người vận y phục đen, mặt bao kín, bước ra cục trường, sau đó cất giọng khàn khàn gọi Quan Sơn Nguyệt:
– Tiểu tử họ Quan! Nếu ta khiêu chiến với ngươi thì ngươi sẽ đối phó với ta bằng phương pháp nào?
Quan Sơn Nguyệt nhìn qua con người đó, lạnh lùng đáp:
– Ta cự tuyệt! Không khi nào ta chấp nhận giao thủ với ngươi.
Người đó là Bắc Mang Quỷ Sứ, lại bật cười khàn khàn:
– Không ngờ Hoàng Hạc Tán Nhân lại thu nạp một tên vô dụng!
Hắn khích tướng, song Quan Sơn Nguyệt không nao núng. Chàng cười lạnh đáp:
– Ngươi cho rằng ta khiếp sợ không dám nhận lời giao đấu với ngươi?
Bắc Man Quỷ Sứ «hừ» một tiếng:
– Thế cái thái độ của ngươi còn có một giải thích khác hơn à?
Quan Sơn Nguyệt bật cười ha hả:
– Ngươi bất quá chỉ là một gã đứng đầu Quỷ Bảng, địa vị của ngươi còn thấp kém dưới xa Thiên Tề Ma Quân, Kỳ Hạo đã không làm gì ta nổi, liệu ngươi có tài năng gì mà ta phải khiếp sợ? Ta nghĩ trước khi nói câu như vậy, ngươi nên biết thẹn và nếu biết thẹn thì câm miệng là hơn!
Bắc Mang Quỷ Sứ nổi giận:
– Nhưng ngươi cự tuyệt vì lý do gì?
Quan Sơn Nguyệt cười lạnh:
– Ta nói ngươi đứng đầu Bảng là nói tâng ngươi đó thôi, bất quá Kỳ Hạo cho ngươi điều khiển một ban nào đó trong Bảng, không hơn không kém. Ngươi đừng tưởng qua sự chọn lựa của Kỳ Hạo, lại cho mình là siêu việt, tài năng hoặc ngang hoặc trên Kỳ Hạo. Rồi ngươi hợm mình mà đòi giao đấu với người đã thắng lãnh tụ của ngươi! Ngươi hỏi lý do? Cái lý do rất đơn giản. Lý do đó là vấn đề thân phận. Ta là người thừa kế gia sư, trong Long Hoa Hội gia sư ta có thân phận gì là ta có thân phận đó. Ngươi không xứng đáng đối trận với ta.
Bắc Mang Quỷ Sứ càng sôi giận, hét to:
– Long Hoa Hội là cái quái gì? Long Hoa Hội đã giải tán rồi, ngươi còn dựa vào nó mà xưng thân phận à?
Quan Sơn Nguyệt cười nhẹ:
– Cũng có lý. Nhưng ta đường đường chánh chánh như thế này lại đi động thủ với kẻ chẳng dám để lộ mặt mày với người đời hay sao? Ngươi cũng biết chứ, chỉ có những tên đê tiện mới giấu mặt thật, ta đâu có thể giao đấu với kẻ đê tiện?
Bắc Mang Quỷ Sứ sôi giận cực độ. Hắn hét lên một tiếng, nhảy vọt tới, đồng thời vươn cả hai ta xòe đủ mười ngón tay trắng nhợt chụp vào mặt Quan Sơn Nguyệt.
Quan Sơn Nguyệt bĩu môi khinh thường.
Chàng không cần làm một cử động nào cả, nhưng Minh Đà là linh thú, tự nó đối phó với địch thay chàng.
Nó không xuất thủ mà lại xuất cước, nó không đá địch nhân, chỉ nhảy qua một bên tránh cái chụp của Bắc Mang Quỷ Sứ.
Chụp hụt địch, khi nào Bắc Mang Quỷ Sứ bỏ cuộc? Hắn xoay mình nhào theo luôn.
Nhưng một bóng người xám xám đã lướt tới chận đường hắn. Bóng đó là Khổ Hải Từ Hàng. Lão ung dung thốt:
– Quan công tử không muốn giao đấu với ngươi, thì ngươi hãy trở về chỗ cũ.
Bắc Mang Quỷ Sứ nổi giận:
– Lão trọc có cút đi nơi khác hay không thì bảo? Cho ngươi biết, nơi đây không ai cần sự có mặt của ngươi.
Khổ Hải Từ Hàng chính sắc:
– Nếu ngươi phóng túng hung hăng, bần tăng sẽ can thiệp, đó là lẽ tự nhiên, ngươi cần động thủ, bần tăng sẵn sàng hầu tiếp ngươi.
Bắc Mang Quỷ Sứ chợt đổi giọng:
– Việc của ta với Quan tiểu tử, lão trọc cứ để song phương giải quyết với nhau, đừng can thiệp làm gì. Ngươi không được chen vào, ta nói rõ cho ngươi biết như vậy đó.
Khổ Hải Từ Hàng trầm gương mặt:
– Tại sao?
Bỗng Bắc Mang Quỷ Sứ đưa tay giật chiếc khăn đen bao mặt. Chiếc khăn rơi xuống cuốn theo suối tóc dài đen mượt, suối tóc bao quanh một khuôn mặt trắng nhợt. Hiển nhiên người đó là một nữ nhân! Nữ nhân cao giọng bảo Khổ Hải Từ Hàng:
– Tại sao? Ngươi cứ hỏi tiểu tử họ Quan kia thì rõ!
Khổ Hải Từ Hàng giật mình:
– Ngươi! Ngươi chẳng phải là Bắc Mang Quỷ Sứ.
Tây Môn Vô Diệm cười lạnh:
– Bắc Mang không tuân lịnh dụ, ta đã xuất thủ trừng trị rồi, ta chỉ định nàng thay thế, thiết tưởng phàm các sự vụ về Quỷ Bảng ta có quyền định đoạt chứ.
Khổ Hải Từ Hàng cau mày:
– Đành là thế, song ít nhất ngươi cũng thông tri qua đại hội.
Tây Môn Vô Diệm bĩu môi:
– Nếu quy luật của Long Hoa Hội còn hiệu lực thì việc làm của ta là bất hợp pháp. Song theo diễn tiến sự tình thì ta nghĩ sự thông tri đòi hỏi đó chẳng còn cần thiết nữa.
Khổ Hải Từ Hàng thực sự sửng sốt trước sự xuất hiện của nữ nhân.
Quan Sơn Nguyệt từ trên lưng lạc đà, nhảy xuống đến gần Khổ Hải Từ Hàng thốt:
– Đại sư nên tránh qua một bên đi. Nàng ấy nói đúng, việc này chỉ có mỗi một mình tại hạ có tư cách giải quyết mà thôi, chẳng ai thay thế được.
Khổ Hải Từ Hàng do dự.
Quan Sơn Nguyệt tiếp luôn:
– Nàng ấy tên là Khổng Linh Linh, phụ thân của nàng chết nơi tay tại hạ ...
Khổ Hải Từ Hàng lại giật mình lượt nữa:
– Nếu vậy thì ... bần tăng không tiện can thiệp rồi ...
Lão lui về phía hậu.
Khổng Linh Linh nhìn trừng trừng Quan Sơn Nguyệt:
– Bây giờ thì ngươi không còn cự tuyệt động thủ với ta?
Quan Sơn Nguyệt trầm giọng:
– Tuy phụ thân ngươi chết đi là hợp đạo lý, tuy cái chết đó chẳng do ta hoàn toàn chịu trách nhiệm, song phụ thù là điều quan trọng nhất của con người, ta chấp nhận dành cho ngươi một cơ hội bày tỏ hiếu tâm đối với đấng sanh thành.
Khổng Linh Linh «hừ» một tiếng:
– Giả như ta bắt buộc ngươi phải dùng thanh kiếm Bạch Hồng giao đấu với ta thì ngươi nghĩ sao?
Quan Sơn Nguyệt trầm ngâm suy nghĩ. Một lúc sau, chàng hướng qua Tạ Linh Vận thốt:
– Ngươi có thủ đoạn lắm đó Tu La Tôn Giả! Cái biện pháp của ngươi chung quy rồi cũng buộc ta phải thi triển những đường kiếm Bạch Hồng.
Tạ Linh Vận đắc ý phi thường, bật cười vang.
Kỳ Hạo xách kiếm từ từ tiến tới cục trường, chừng như hắn định trao thanh kiếm của hắn cho Khổng Linh Linh.
Nhưng Khổng Linh Linh hoành tay lên đầu vai, nắm chuôi kiếm của nàng đeo nơi lưng rút ra khỏi vỏ. Thanh kiếm của nàng giống thanh kiếm của Kỳ Hạo như hai giọt nước.
Quan Sơn Nguyệt quát:
– Ngươi còn trở lại đây làm gì?
Kỳ Hạo điểm một nụ cười hiểm độc:
– Nàng là vợ của ta, tình chồng vợ đương nhiên phải đậm đà, thì việc của vợ phải là việc của chồng và ngược lại. Huống chi, là con rể ta cũng phải có một phần hàng trong cái việc báo thù nhạc trượng. Ngươi từng tự hào là trọng đạo nghĩa, lại đi hỏi ta một câu ngớ ngẩn như thế được sao?
Thì ra hắn trở lại cục trường chẳng phải để trao kiếm cho Khổng Linh Linh mà chính là để tham gia cuộc chiến, tiếp trợ vợ hắn.
Quan Sơn Nguyệt dù bất mãn song cũng phải nhìn nhận hắn có đạo lý.
Chàng giữ tâm bình tĩnh, cười lạnh thốt:
– Cũng được. Ta chấp cả vợ chồng các ngươi. Cả hai cứ vào đi!
Chàng lùi lại cạnh con lạc đà, đặt chiếc Kim Thân lên yên nó, sau đó nắm chuôi kiếm rút ra khỏi vỏ.
Thanh kiếm ngân lên một tiếng dài. Kiếm quang chớp sáng, kiếm khí tỏa rợn người. Đúng là một thanh kiếm báu, chưa vung lên đã khiếp đảm cho mọi người rồi.
Tại cục trường, ai ai cũng buông tiếng thở dài ngán cái khí sắc của một thanh kiếm thần.
Tại cục chiến, Kỳ Hạo và Khổng Linh Linh không tránh khỏi chột dạ.
Đôi kiếm của hai vợ chồng vốn là báu kiếm sắc lạnh phi thường, song trước thanh Bạch Hồng Kiếm thì hào quang của hai thanh kiếm đó tan biến mất, chẳng khác nào ánh sao sáng phải mờ đi khi vầng trăng tròn xuất hiện không trung.
Có một thanh kiếm báu là nắm được một ưu thế rồi, tuy nhiên muốn phát uy ưu thế đó cần phải có một kiếm thuật tinh vi.
Kỳ Hạo và Khổng Linh Linh tin tưởng nơi tài nghệ của họ nên chưa đến đổi thất vọng, cả hai cùng thủ thế, tay giữ kiếm quyết, chân đứng theo bộ vị thất tinh.
Cái tư thế đó đúng theo kiếm pháp Tu La.
Quan Sơn Nguyệt không khỏi giật mình. Chàng nghĩ bọn này cũng biết kiếm pháp Tu La, như vậy chúng cũng lợi hại lắm đấy. Do đó, chàng cũng chẳng dám khinh thường, ngưng trọng thần sắc giới bị chặt chẽ.
Chàng phải phục Tạ Linh Vận có cơ trí hơn người, chẳng những y nghĩ ra được phương pháp bức chàng phải sử dụng đến kiếm, chẳng những thế y còn có cách bắt buộc chàng phải thi triển luôn kiếm pháp Đại La. Bởi chống với kiếm pháp Tu La, chàng chẳng còn cách nào khác hơn là đem kiếm pháp Đại La mà ứng dụng.
Thi triển «Đại La Kiếm Pháp», chàng dù thắng được vợ chồng Kỳ Hạo cũng chẳng thành vấn đề. Vấn đề là ở chỗ Tạ Linh Vận sẽ nhìn vào những chiêu thức của chàng, rồi nghiên cứu cách hóa giải. Đến lúc chàng chánh thức giao đấu với y thì tuyệt học của chàng mất hẳn hiệu dụng mong muốn rồi. Chính với dụng ý đó Tạ Linh Vận mới đem «Tu La Kiếm Pháp» truyền thụ cho Khổng Linh Linh.
Song phương ngưng thần chờ đợi. Bởi chưa bên nào chịu xuất thủ trước và dĩ nhiên chẳng bao giờ Quan Sơn Nguyệt chịu tấn công đầu tiên, dù có phải chờ vợ chồng Kỳ Hạo xuất thủ chờ đến bao lâu cũng phải chờ.
Bỗng từ phía hậu có tiếng quát to:
– Hãy khoan! Song phương chờ một chút!
Phía hậu là hậu phương của Quan Sơn Nguyệt, và người quát lên chính là Liễu Y Ảo. Nàng lướt tới cạnh Quan Sơn Nguyệt, tay nàng cầm một thanh trường kiếm. Nàng thốt:
– Lấy hai đấu một thì bất công, dùng đông toan áp đảo ít là một điều kỵ trên giang hồ. Để có sự công bình, ta tình nguyện chia bớt một địch thủ với Quan công tử.
Sự can thiệp đột ngột của Liễu Y Ảo làm cho Tạ Linh Vận giật mình. Thần sắc của y biến đổi ngay. Lấy lại bình tĩnh sau phút giây sửng sốt, y kêu lên:
– Sư muội làm cái gì thế?
Liễu Y Ảo cười nhẹ:
– Tham gia nhiệt náo chứ còn làm cái gì nữa?
Nàng nhìn thoáng qua Quan Sơn Nguyệt đoạn tiếp luôn:
– Với lại ta có chủ ý là giúp Quan công tử dành trọn vẹn kiếm pháp Đại La chờ ngươi. Chỉ khi nào ngươi xuất hiện tại cục chiến thì kiếm pháp đó mới được thi triển.
Tạ Linh Vận mỉa mai:
– Người ta là chồng là vợ với nhau, người ta liên thủ là hợp lý, còn sư muội tham gia cuộc chiến với danh nghĩa gì chứ?
Liễu Y Ảo thoáng đỏ mặt nhưng gượng cứng đáp liều:
– Họ là vợ chồng, họ liên thủ là hợp lý, chứ ta đây tham gia cuộc chiến không hợp lý sao? Cho ngươi biết, ta là vị hôn thê của Quan công tử, chính là đại sư tỷ đã hứa tác thành cho ta với Quan công tử đó.
Quan Sơn Nguyệt hấp tấp gọi nàng:
– Liễu Tiên Tử! Thiếu chi cách đáp lời hắn, sao Tiên tử lại đùa như thế?
Đáng lẽ Quan Sơn Nguyệt nín lặng là hơn, cứ vờ như sự thể đã được quyết định như vậy rồi, cho qua cái trường hợp này. Nhưng chàng lại thanh minh giữa thập mục sở thị, sự thanh minh đó làm cho Liễu Y Ảo cứng trân mình thành trơ trẽn cực độ.
Nàng biến sắc, giọng rung rung:
– Sao gọi rằng đùa? Không lẽ đại sư tỷ chưa nói chi với công tử?
Quan Sơn Nguyệt tình thật toan phủ nhận, song Khổ Hải Từ Hàng đã bước tới khẽ nắm tay chàng thấp giọng thốt:
– Hương Đình Tiên Tử có cho bần tăng biết, quả đúng như Liễu Tiên Tử nói đó, Hương Đình muốn tác hợp cả hai thành đôi bạn với nhau và nhờ bần tăng lãnh phận sự của ông tơ. Hương Đình Tiên Tử cũng có nói là Quan thế huynh đã chấp nhận rồi. Thì giờ đây nếu Quan thế huynh phủ nhận, chẳng hóa ra gây bẽ bàng cho Liễu Tiên Tử mà Hương Đình biết được cũng phiền lòng không ít, không kể là bên kia Tạ Linh Vận sẽ khai thác trường hợp để ngạo tiếu chúng ta.
Quan Sơn Nguyệt suýt nhảy dựng lên vì bực tức.
Khổ Hải Từ Hàng lại tiếp:
– Muốn nói gì, Quan thế huynh hãy ẩn nhẫn, sau này còn có dịp nói, nào phải hết dịp đâu? Thế huynh đừng vì một việc nhỏ mà làm cho kỳ vọng của hằng trăm người sau lưng thế huynh kia phải tan biến. Đại cuộc là trọng, tiểu tiết là khinh, hẳn thế huynh thừa hiểu.
Quan Sơn Nguyệt lặng người như chết. Làm sao chàng thừa nhận công khai?
Mà nín lặng là đương nhiên mặc nhận rồi.
Khổ Hải Từ Hàng đưa ánh mắt ra hiệu với chàng trước, đoạn tuyên bố sau:
– Liễu Tiên Tử nói đúng, chính Hương Đình Tiên Tử và Hoàng Hạc Tán Nhân đã cộng đồng quyết nghị cuộc hôn nhân đó. Cả hai lại ủy thác bần tăng làm công việc mai dong, đồng thời tuyên bố cho mọi người được biết. Đáng lẽ bần tăng đã thông tri cho toàn thể nhân số trong hội Long Hoa từ lâu, song mấy hôm nay biến cố dồn dập bần tăng không có một dịp thuận tiện nào.
Tạ Linh Vận lắc đầu:
– Hoang đường! Ngươi dựng đứng một chuyện hoang đường ta không tin nổi.
Khổ Hải Từ Hàng mỉm cười:
– Tôn giá chẳng thấy Liễu Tiên Tử và Quan thế huynh xứng đôi vừa lứa lắm sao? Trai là trai tài, gái là gái sắc, lứa đôi còn có lứa đôi nào hơn? Một cuộc hôn nhân giữa hai người là hợp lý sao lại gọi là hoang đường? Huống chi hôn nhân nào phải một trò đùa, có ai dám xem thường một sự kiện như vậy để có thể tùy cái hứng mà tuyên bố lên, khi hết hứng lại bỏ qua? Thế thì tôn giá đừng tưởng là sự hoang đường.
Lão tăng dừng lại một chút, đoạn tiếp:
– Có lẽ tôn giá định nói rằng Quan thế huynh là người ngoài hội nên chẳng thể kết duyên với người trong hội? Điều đó đúng là tôn giá lầm! Bởi Quan thế huynh là môn đệ của Hoàng Hạc Tán Nhân, sớm muộn gì cũng thừa kế cái thân phận của Hoàng Hạc trong hội. Ngoài ra, Quan thế huynh gần đây đã được một bậc dị nhân truyền thụ võ công, mà bậc dị nhân đó không phải xa lạ gì đối với người sáng lập Long Hoa Hội. Như vậy Quan thế huynh nghiễm nhiên trở thành bạn đồng môn rồi! Chúng ta không còn xem người là ngoại nhân được nữa.
Liễu Y Ảo đắc ý phi thường. Càng đắc ý nàng càng đỏ mặt, tuy nhiên niềm cao hứng làm cho nàng bất chấp dè dặt, cao giọng gọi Tạ Linh Vận:
– Ngươi còn lời chi để nói nữa chăng?
Tạ Linh Vận không biểu hiện một cảm nghĩ nào tiếp theo đó.
Nhưng Kỳ Hạo chớp ánh mắt ngụy dị, ánh mắt đó chỉ có mỗi một mình Tạ Linh Vận hiểu được ý nghĩa mà thôi. Bởi hiểu, y sợ sanh biến, vội hét lên:
– Kỳ Hạo! Cố gắng hết sức mình làm tròn nhiệm vụ! Đã có ta chịu mọi trách nhiệm.
Trách nhiệm gì? Chịu như thế nào? Giả như Kỳ Hạo hoặc vợ hắn là Khổng Linh Linh chết nơi tay Liễu Y Ảo thì y có chết thay để cho họ sống chăng? Cái lối chịu trách nhiệm đó không ai làm được chứ?
Người ngoài hẳn nghĩ thế, song sự tình có uẩn khúc như thế nào chỉ có Tạ Linh Vận và Kỳ Hạo biết được mà thôi.
Nghe câu nói hứa hẹn một sự bảo đảm vững chắc của Tạ Linh Vận, Kỳ Hạo lên tinh thần ngay, vẻ hung hãn hiện nơi gương mặt, khoát thanh kiếm một vòng cao giọng thốt:
– Hai đấu hai cũng chẳng có gì đáng thắc mắc, chúng ta bất đầu gấp đi!
Khổ Hải Từ Hàng lùi lại phía sau.
Khổng Linh Linh mất cái vẻ hung hăng lúc đầu, mường tượng nàng e dè sao đó.
Kỳ Hạo quét ánh mắt sang nàng giọng căm căm, hét:
– Đừng ngây người ra đó, đã có ta ngươi còn sợ gì nữa?
Khổng Linh Linh giật mình trở về thực cảnh, ngưng trọng tinh thần, lăm lăm thanh kiếm chực chờ xuất thủ.
Quan Sơn Nguyệt nhận thấy thái độ của đôi vợ chồng này hết sức kỳ quái, họ tuyên bố là vì báo thù cho Khổng Văn Thông nên khiêu chiến với chàng, song chừng như dụng ý của họ không hoàn toàn vì danh nghĩa đó. Chàng không cần suy nghĩ lâu cũng thức ngộ ra, sở dĩ họ khiêu chiến là vì họ tiếp nhận chỉ thị của Tạ Linh Vận, khiêu chiến để chàng dùng «Đại La Kiếm Pháp» phản công. Tạ Linh Vận đứng bên ngoài theo dõi, nghiên cứu, nhiên hậu thực hiện một mưu đồ.
Song phương ở trong cái thế cung thẳng giây tên lắp sẵn, ngón tay buông là giây bật tên bắn vút đi liền, tình hình cực kỳ khẩn trương.
Nhìn bàn tay nổi gân của Liễu Y Ảo cầm kiếm cũng đủ biết nàng hết sức chú ý đến đối phương.
Không gian trầm đọng nặng nề, tử khí bao trùm cục trường.
Bỗng Kỳ Hạo và Khổng Linh Linh cùng hét to lên một tiếng, cùng tấn công một lượt.
Chiêu thứ nhất trong «Tu La Kiếm Pháp» có cái tên là «Vân Thảm Vụ Sầu», hai thanh kiếm cùng phát xuất một lượt theo thế liên thủ tạo nên một oai lực khủng khiếp.
Kiếm khí tỏa ra thành một vầng sương mờ xanh xám, kiếm phong rít vi vu, cả màu sắc lẫn thinh âm cấu tạo cho cục trường cái vẻ ảm đạm thê lương, tưởng chừng như cõi ngục u tối dưới đất sâu những âm hồn hiện về oán than rên rỉ.
Liễu Y Ảo tuy được liệt vào hàng Tiên tử trong Long Hoa Hội, song trước chiêu kiếm tân kỳ của địch nàng chẳng dám khinh thường, vung kiếm nơi tay tạo nên một vầng ngân quang bao bọc quanh mình kín đáo. Đồng thời nhận định phương hướng của Khổng Linh Linh, nàng thấy Khổng Linh Linh yếu kém hơn Kỳ Hạo rõ rệt, nàng bèn nhường Kỳ Hạo cho Quan Sơn Nguyệt, nàng chuyên tâm phản công Khổng Linh Linh.
Cái đó không do lánh nặng tìm nhẹ mà là lối phản ứng đương nhiên. Bởi nàng thừa hiểu sau khi Quan Sơn Nguyệt được Ôn Kiều huấn luyện thêm chàng tinh tiến lạ lùng, hiện tại về kiếm thuật chàng hơn hẳn nàng ít nhất cũng vài bậc, thì chàng phải đương đầu với kẻ mạnh bên đối phương, có vậy nàng mới yên tâm công kích đối thủ đồng hạng với nàng.
Khác với nàng, Quan Sơn Nguyệt vẫn giữ thái độ trầm ổn phi thường, mường tượng chàng không xem Kỳ Hạo ra cái quái gì cả, thanh kiếm Bạch Hồng nơi tay chàng nhẹ nhàng bay ra phong trụ kiếm của Kỳ Hạo, hai thanh chạm nhau một tiếng xoảng vang lên nháng lửa, tia lửa bắn tung tóe.
Kỳ Hạo rợn người, không dám hung hăng, thu thanh kiếm lùi lại.
Chiêu thức của Quan Sơn Nguyệt đúng là chiêu sơ khởi của «Đại La Kiếm Pháp» có cái tên gọi là «Càn Khôn Thi Định».
Kiếm pháp Đại La tuy thuộc về võ học tà môn, song nó rất giống võ học chánh phái. Chiêu kiếm do chàng vừa phát xuất bằng vào sự lấy tịnh chế động, lấy giản đơn chế phức tạp, dù nó rất đơn thuần nhưng cũng đủ phá kiếm khí của Kỳ Hạo tỏa rộng khắp cục trường, mường tượng một vùng đen tối âm u bị một tia sáng rực rỡ chiếu vào, bóng tối liền tan biến.
Gia dĩ, Bạch Hồng Kiếm lại sắc bén hơn thanh kiếm cổ màu xanh kia, hai thanh chạm nhau, thanh cổ kiếm màu xanh của Kỳ Hạo mẻ đi một mảnh nhỏ độ bằng móng tay.
Chiêu thứ nhất song phương trao đổi nhau, kết quả như thế đó.
Người xem chung quanh có những phản ứng dị đồng trong tâm tư của họ.
Bọn người ủng hộ Quan Sơn Nguyệt thì không dấu vẻ hài lòng, trừ một Lý Trại Hồng thì nàng lại khẻ buông tiếng thở dài. Còn bọn người do Tạ Linh Vận dẫn đến đây thì tỏ ra ưu tư, nhưng Tạ Linh Vận và Tây Môn Vô Diệm lại điểm một nụ cười.
Liễu Y Ảo đang ngưng thần chú ý điều khiển cuộc đấu với Khổng Linh Linh.
Dù sao thì kiếm thuật của nàng cũng hơn hẳn sở đắc của địch cho nên nàng luôn luôn tạo khó khăn cho địch.
Lúc đó, thấy Quan Sơn Nguyệt tạo thành tích rồi, nàng cũng lộ vẻ ưu uất, không dằn lòng được nàng thấp giọng hỏi Quan Sơn Nguyệt:
– Có đúng là thanh kiếm Bạch Hồng thật đó chăng?
Quan Sơn Nguyệt gật đầu:
– Phải! Tại hạ tin rằng Ôn Kiều lão tiền bối không khi nào lừa dối tại hạ.
Liễu Y Ảo nhếch nụ cười khổ:
– Ta chỉ sợ bên trong có những tình tiết éo le sao đó. Thanh kiếm không thể có sự thần hiệu như ta đã hiểu về thanh Bạch Hồng thật.
Quan Sơn Nguyệt bình tĩnh đáp:
– Oai lực của thanh kiếm tùy người sử dụng phát huy, tại hạ chỉ phát huy đến trình độ đó thôi, nếu cần tại hạ cũng có thể phát huy một uy lực cao hơn, như vậy sự thần hiệu của nó vô cùng, cô nương làm sao hiểu nổi!
Bên kia Tạ Linh Vận nhẹ điểm một nụ cười, lên tiếng thôi thúc Kỳ Hạo:
– Thiên Tề! Phát xuất luôn cả hai chiêu thứ năm và thứ sáu đi, cho hắn giở hết ba chiêu nữa ra mà đối địch.
Trong ánh mắt của Kỳ Hạo niềm oán độc hiện ra, hắn hú vọng một tiếng nhỏ mà dài, rồi vung thanh kiếm mẻ công tới.
Khổng Linh Linh cũng phát động thế công phối hợp với thế đánh của Kỳ Hạo.
Lần này Kỳ Hạo phát xuất hai chiêu «Ma Hỏa Luyện Thiên» và «Liệt Viêm Đằng Tiêu» trong «Tu La Kiếm Pháp».
Hai chiêu thức cùng mang tên Hỏa dĩ nhiên thế đánh phát huy toàn là lửa, lửa màu xanh lục, một thứ lửa ma làm rợn người hơn là thiêu đốt.
Liễu Y Ảo lập tức phản công, kiếm thì nàng phổ cập tinh túy thu hoạch qua bao nhiêu năm luyện tập, còn thân mình thì phát xuất chân khí Băng Y, chân khí đó vừa bảo vệ toàn thân mà cũng vừa chuyền vào thanh kiếm tỏa ra ngoài để chống lại vầng lửa xanh của Kỳ Hạo.
«Tu La Kiếm Pháp» là một môn cực kỳ lợi hại trong các loại kiếm pháp Ma, nhưng Khổng Linh Linh còn kém nàng quá xa nên không phát huy nổi ma lực của kiếm pháp đúng mức.
Dù vậy, hỏa lực từ thanh kiếm của Khổng Linh Linh phát ra cũng có nhiệt độ cao xuyên thấu vầng lãnh khí của Liễu Y Ảo, xâm nhập vào cơ thể nàng làm cho nàng xuất hạn ướt mình.
Ứng phó chiêu thứ nhất Quan Sơn Nguyệt rất ung dung, song lần này thì chàng thay đổi thái độ, hét lên một tiếng, vung thanh kiếm Bạch Hồng tạo thành một đóa kiếm hoa rất lớn, kiếm khí từ mũi phóng ra, dài hơn thước, gây tiếng động vu vu rợn người.
Đạo kiếm khí bắn vào vầng kiếm quang của Kỳ Hạo.
Với thủ pháp nhanh như chớp, chàng phát xuất chiêu thứ hai trong kiếm pháp Đại La, chiêu «Húc Nhật Đông Thăng».
Chiêu của Kỳ Hạo thuộc dương, chiêu của chàng cũng thuộc dương, lấy dương chế dương, song cái dương của chàng cường mãnh hơn, thoáng mắt đã quét sạch lớp mây mờ như khói nóng của Kỳ Hạo.
Tiếp theo đó chàng sử dụng luôn chiêu thứ ba tên «Bạch Hồng Quán Nhật», chiêu thức phát huy tiếng động ầm ầm như sấm gầm lồng lộn giữa không gian.
Kết quả đầu tiên là thanh kiếm của Kỳ Hạo bị gãy, oai lực của chiêu kiếm còn thừa, lấn sang mặt trận giữa Khổng Linh Linh và Liễu Y Ảo, chặt gãy luôn thanh kiếm của Khổng Linh Linh.
Chẳng những thế, kiếm phong lan rộng quét ào ào vào mình Kỳ Hạo và Khổng Linh Linh, đâm thủng áo của họ khoét thành những lỗ to, đồng thời điểm vào nhiều huyệt đạo nơi mình vợ chồng Kỳ Hạo.
Quanh cục trường mọi người đều im lặng, hồi hộp theo dõi trận đấu.
Bây giờ một bên thắng, một bên bại, hậu thuẫn của bên thắng reo lên oang oang, cánh bại thì tiu nghỉu.
Quan Sơn Nguyệt thu hồi công lực đã phổ vào thân kiếm, nhìn sang vợ chồng Kỳ Hạo, cả hai hết sức phờ phạc tiêu điều qua cuộc thảm bại, trong đáng thương hại vô cùng. Quan Sơn Nguyệt nghiêm giọng nói:
– Đáng lý ta nên giết luôn bọn các ngươi, song ta chẳng thể tàn nhẫn như vậy được.
Kỳ Hạo không nói gì, quay mình dợm bước đi.
Khổng Linh Linh trừng mắt quát:
– Tại sao? Tại sao ngươi không giết bọn ta?
Quan Sơn Nguyệt suy nghĩ một chút:
– Cái lý do trước hết là ta không tàn độc. Còn tại sao khác hơn thì ta cũng chưa biết rõ. Tuy nhiên cái bại hôm nay cũng có thể báo phục sau này nếu các ngươi muốn. Vì ta nghĩ ngươi quyết báo thù cho phụ thân ngươi, điều đó rất chánh đáng, cho nên ta có thể giết các ngươi nhưng ta lại không giết, bởi ta dành cho các ngươi cơ hội báo thù cho chính các ngươi. Ta cần cảnh cáo cho ngươi rõ là cơ hội đó sẽ không có được một lần thứ hai đâu nhé! Ta chỉ dành cho ngươi một lần duy nhất thôi.
Khổng Linh Linh nghiến răng, tiếng kêu ken két. Nàng nghiến quá mạnh, nứu răng rướm máu, máu rỉ ra hai bên mép miệng. Nàng nhổ một búng nước bọt có máu pha lộn, đoạn cao giọng thốt:
– Trong tương lai ngươi đừng hối hận vì cử chỉ đại phương của ngươi hôm nay đấy. Một ngày nào ta gặp lại ngươi, nhất định là ta chẳng lấy việc hôm nay làm một cái ơn đâu! Ta sẽ giết ngươi như thường.
Quan Sơn Nguyệt cười nhạt:
– Thì ngươi cứ tùy tiện, gặp ta rồi ngươi cứ hành động theo sở nguyện.
Muốn hành động sớm thì tìm gặp ta sớm, luôn luôn ta sẵn sàng nghinh tiếp ngươi.
Chàng dừng lại một chút, đoạn tiếp luôn:
– Đối với những người chưa đáng tội chết, ta dành cho một khoảng đất lui chân, nếu kẻ đó chẳng biết ăn năn thì lần sau ta bắt buộc phải hạ thủ đoạn để trừ một họa hoạn cho đời. Còn riêng với ngươi, ta không giết ngươi là vì một nguyên nhân nữa. Cái nguyên nhân đó là như thế này, là trong những ngày ta ở tại Côn Lôn Sơn ngươi đã chiếu cố giúp đỡ ta nhiều việc, tuy lúc đó ta hoàn toàn mất tri giác, song sau này ta nghe thuật lại, tự nhiên ta phải nương tay với ngươi.
Khổng Linh Linh biến sắc mặt. Nhưng nàng nín lặng, quay mình bước đi theo Kỳ Hạo.
Liễu Y Ảo đưa tay áo lau mồ hôi mặt, chẳng rõ nghĩ sao nàng lại điểm một nụ cười rồi thốt:
– Tôi cứ tưởng tham gia cuộc chiến là để tiếp trợ công tử, không ngờ lại gây phiền lụy đến công tử, cuối cùng lại được giúp đỡ ngược lại!
Quan Sơn Nguyệt cười, lắc đầu đáp:
– Không đâu, chính Tiên tử giúp tại hạ nhiều lắm đấy.
Liễu Y Ảo không tin, tiếp:
– Rõ ràng công tử có cần chi tôi tiếp trợ đâu.
Quan Sơn Nguyệt thành thực:
– Tại hạ không nói ngoa đâu Tiên tử. Kiếm pháp Đại La tuy ảo diệu, song đây là lần thứ nhất tại hạ sử dụng đến, đương nhiên là phải lúng túng. Nếu chẳng có Tiên tử quan sát, phòng ngừa bất trắc cho tại hạ yên tâm đối địch thì chắc chắn là không thu thập kết quả nhanh chóng như thế đâu.
Liễu Y Ảo trầm ngâm một chút:
– Tôi cứ tưởng là có thanh kiếm Bạch Hồng với kiếm pháp Đại La công tử sẽ nắm vững cái cơ tất thắng. Nếu biết vậy, tôi đã để cho nhị sư tỷ xuất trận rồi.
Quan Sơn Nguyệt lại lắc đầu:
– Việc đã qua rồi Tiên tử, bỏ đi. Còn như việc sắp tới đây, nghĩa là tại hạ sắp sử dụng đến chiêu thứ tư, thì tuyệt đối các vị không nên xuất trận. Bởi cái oai lực của chiêu thức rất hùng mạnh, tại hạ sợ mình kềm chế không nổi lại để xâm phạm đến các vị luôn và như vậy là đáng hận lắm đó.
Liễu Y Ảo xong phận sự rồi, bắt buộc phải lùi lại với niềm luyến tiếc, tuy chẳng phải là xa hẳn Quan Sơn Nguyệt.
Trong khi đó, Tạ Linh Vận từ từ bước tới với niềm tự tin rõ rệt.