Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 25-04-2008, 11:33 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Chuyện người thư ký riêng của tướng Chu Huy Mân trở về từ cõi chết

TP - Có một người lính, nguyên là thư ký riêng của Đại tướng Chu Huy Mân, trong một lần đi trinh sát mặt trận, bị địch bắn trọng thương, sau đó bị lính Mỹ cắt cổ vứt trong rừng, nhưng may mắn còn sống sót.

Địch phát hiện ngỡ là... tướng, bắt anh làm tù binh, đày ra Phú Quốc. Anh trở thành người mất tích, trong khi ở quê dù đã nhận giấy báo tử nhưng gia đình không chịu nhận tiêu chuẩn liệt sĩ.

Anh là Nguyễn Quang Huy, hiện là Trưởng phòng Văn hóa – Thông tin huyện Tiền Hải - Thái Bình.

Ông trưởng phòng chuyên nói thầm

Người mới gặp anh Huy ai cũng rất khó chịu vì cái âm giọng khàn của anh. Một lần nhân ngồi cùng trên chuyến xe ra bãi biển Đồng Châu, sau những câu chuyện đời thường của phong trào xây dựng đời sống văn hóa, nếp sống văn minh, chuyện bà con xứ đạo tích cực tham gia các hoạt động văn hóa địa phương, minh chứng cho sự hòa hợp đạo - đời ở vùng quê “trước biển” này, tôi “nổi máu nghề nghiệp” kiểm tra vì sao ông này ... khàn. Đầu tiên là nhìn vào cổ. Chao ôi! Một vết sẹo gần như chạy ngang cổ họng.

- Anh bị bướu cổ à!

- Không!

- Thế... vết sẹo…?

- À. Đây là vết dao của lính Mỹ cắt cổ tôi đấy - Nguyễn Quang Huy trả lời bình thản như chuyện đời thường, như thể chuyện đứt tay xầy da.

Và câu chuyện những ngày oanh liệt ở chiến trường Quảng Đà năm xưa bên cạnh tướng Chu Huy Mân - Tư lệnh mặt trận B4 đã được anh Huy kể lại như vừa mới xảy ra... (Có điều, nói chuyện với Nguyễn Quang Huy dù là ai cũng đều phải ngồi thật... gần. Biết làm sao được. Anh nói thì thào, khó nhọc. Đặc biệt hơn, khó có thể ghi âm cuộc trò chuyện hay phỏng vấn anh).

Nguyễn Quang Huy sinh ra và lớn trong một gia đình nông dân nghèo ở huyện Tiền Hải, Thái Bình. Tốt nghiệp phổ thông, lúc đang chờ gọi vào Đại học Thủy sản Hải Phòng thì anh tự nguyện viết đơn nhập ngũ.

Dù gia đình đã có 2 người anh trai đang ở bộ đội nhưng Nguyễn Quang Huy vẫn muốn ra trận. Đơn của anh được Huyện Đội đồng ý và ngày 8/9/1969, Huy lên đường theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc.

Trong khi anh đang hành quân qua xã Đông Tân, huyện Đông Hưng thì có đứa cháu con ông anh làm Bí thư Đảng ủy xã mang giấy báo đỗ đại học tìm đến.

Cầm tờ giấy báo trong tay, Nguyễn Quang Huy phân vân một thoáng, rồi bảo đứa cháu họ: “Cháu về nói lại với các bác ở xã là anh không đi học mà lúc này muốn ra chiến trường hơn”, rồi xé sổ viết vội mấy dòng xin địa phương cho được ra trận sau đó nếu trở về sẽ đi học.

Và chuyến thọc sâu không trở về

Tháng 5 /1970, đơn vị hành quân đến chiến trường Quảng Đà. Bộ Tư lệnh mặt trận B4 xin 10 người về đơn vị vệ binh nhưng chỉ chọn được 3. “Ba tháng sau, không hiểu xem xét khả năng hay lý lịch gì đó, tôi được chọn làm thư ký cho Tư lệnh Chu Huy Mân. – Nguyễn Quang Huy kể.

Nhiệm vụ đặc biệt nhất của tôi là tổng hợp tình hình chiến trường để báo cáo cập nhật, phục vụ công tác chỉ huy mặt trận. “Cha con” liên tục chuyển địa điểm vì sợ bị lộ hoặc địch phát hiện. Bên cạnh một vị tướng, tôi thấy mình chín chắn trưởng thành nhiều”.

Thế rồi trong chuyến công tác xuống vùng căn cứ địch đúng ngày kỷ niệm thành lập Quân đội Nhân dân Việt Nam 22/12/1971, Huy tháp tùng tướng Chu Huy Mân đi kiểm tra tình hình mặt trận.

Đơn vị bị địch phát hiện. Số là chúng bắt được sóng liên lạc vô tuyến của đơn vị công tác báo về Sở chỉ huy mặt trận. Chúng liền cho một tiểu đoàn Mỹ thuộc Trung đoàn Cấm Dơi đóng ở Quế Sơn, Quảng Nam mở cuộc truy lùng trong lúc đơn vị đang nghỉ ém quân ở hang Đá Lớn, chờ đến đêm băng qua cánh đồng tiếp cận cứ điểm địch.

Trong lúc cùng hai trinh sát vào làng thì Nguyễn Quang Huy rơi vào ổ phục kích của lính Mỹ. Vừa phát hiện có địch, anh đã nghe tiểu liên A R15 bắn như xối. Huy bị trúng đạn bất tỉnh.

Nguyễn Quang Huy kể: “Sáng hôm sau, ngày 23/12/1971, khi tỉnh dậy, tôi thấy mình đang nằm trong một quân y viện, cứ ngỡ là được đưa về bệnh xá của ta. Nhưng tiếng xì xồ, mới hay mình bị bắt đưa vào quân y viện của Mỹ ở bán đảo Sơn Trà, Đà Nẵng.

Hôm sau khi đang nằm trên bàn cấp cứu, tình cờ tôi được nghe câu chuyện do các phiên dịch viên người Việt nói với nhau, mới biết mình được phía Mỹ đưa về cấp cứu để khai thác vì chúng thấy tôi mặc bộ quân phục bằng ga -ba -đin mới, đeo súng ngắn loại nhỏ K59, nên ngỡ là sĩ quan cao cấp.

Một người lính ngụy quê Ninh Bình vốn là dân di cư năm 1954 bảo lúc cắt cổ tôi vứt ra rừng, chúng thu được khẩu súng ngắn K59. Biết đây là súng chỉ trang bị cho sĩ quan cao cấp nên hôm sau chúng quay lại chỗ tôi nằm để tìm xem có tài liệu hay không.

Phát hiện tôi còn sống vì thấy bọt khí vẫn chuyển động ở chỗ cổ bị chặt nên chúng gỡ quả mìn gài dưới lưng tôi hôm qua (mục đích bẫy đồng đội đến lấy xác), sau đó đưa lên trực thăng chở về quân y viện của Mỹ ở Đà Nẵng.

Vậy là nhờ không còn áo quần dã chiến, phải mặc bộ đồ ga- ba -đin mới và đeo khẩu súng ngắn của thủ trưởng mà tôi được quân Mỹ cứu sống với mục đích để khai thác tài liệu. Trong cái rủi vẫn có cái may.

Sau đúng 46 ngày không ăn uống chỉ truyền huyết thanh, tôi đã tỉnh trở lại và bị đưa vào trại giam. Tôi đã chết đi sống lại do bị tra tấn lấy cung sau đó. Bẩy lần như vậy. Mỗi lần bị roi điện tra tấn thì chỉ ngất thôi, nhưng khi bị đánh bằng dùi cui thì mấy ngày không trở mình dậy được, phải nằm sấp suốt.


Lần nào cũng vậy, với kinh nghiệm được anh em truyền lại, tôi đều khai là lính mới từ Bắc vào nên không biết gì hết. Chúng đưa một tù binh khác là đồng đội vào để nhận mặt tôi nhưng vừa thấy nhau, tôi ra ám hiệu không quen biết. Anh ấy cũng hiểu điều đó.

Đến ngày 19/5/1972, chúng đưa tôi từ Đà Nẵng ra Phú Quốc để giam ở trại B10. Lại những cuộc đấu tranh mới trong tù. Mãi đến gần một năm sau, sau Hiệp định Paris, ngày 16/3/1973, tôi mới được trao trả tại Lộc Ninh. Sau đó, tôi tiếp tục phục vụ chiến đấu cho đến sau năm 1975 thì chuyển ngành.

Điều cảm động với tôi là do nhớ đến người lính cũ, tướng Chu Huy Mân cho người đến đón lúc tôi được trao trả. Ông cũng để tôi tự lựa chọn hoặc là ra Bắc an dưỡng hay ở lại miền Nam công tác. Tôi đã xin ở lại chiến trường cho đến ngày giải phóng miền Nam.

Tôi được ông tặng một chiếc đài, một đồng hồ và cả một ít vàng. Đến khi giải phóng miền Nam xong, chuyển ra Bắc, Đại tướng Chu Huy Mân vẫn liên lạc và sẵn sàng giúp đỡ tôi. Có lần ông hỏi tôi cần gì để ông giúp, tôi thưa “chỉ thích được về gần bên bố mẹ thôi”.

Lại nói, vì hoàn cảnh gia đình khó khăn mà anh Nguyễn Quang Huy đã xin chuyển về ngành chiếu bóng Thái Bình. Số quà tướng Chu Huy Mân tặng anh đành đem bán đi để giúp gia đình trả nợ cũ vay mượn nuôi mấy anh em ăn học.

Người “liệt sĩ” hồi hương

Suốt thời gian Huy bị bắt, đơn vị bặt tin ngỡ anh đã chết nên báo tử về địa phương. Anh kể tiếp: “Sau khi ra an dưỡng ở Tuyên Quang, tôi quyết định không báo tin cho gia đình sợ bố mẹ anh em lo. An dưỡng xong tôi tìm đường trở về thì được biết ở nhà đã báo tử tôi từ năm 1972. Tôi nằm trong danh sách liệt sĩ chống Mỹ của địa phương.

Nhưng có một điều lạ là không hiểu sao bố tôi nhất định không chịu nhận chế độ tiêu chuẩn... liệt sĩ. Ông cụ bảo: Thằng Huy vẫn còn sống!? Và ông đã đem trả tiền tuất cho địa phương, dù cả làng, cả xã đều tin tôi đã hy sinh”.

Ngày Huy về làng, rất nhiều người nhìn thấy anh mà không tin ở mắt mình. Tin vui loan nhanh. Cả làng kéo đến chật nhà anh. Cô bé làng dạo nào nhà hứa gả cho anh nghe anh hy sinh đã đi lấy chồng, giờ nghe anh còn sống trở về thì chạy đến ôm lấy khóc như mưa như gió...

Ở nhà được ít lâu, cầm tờ giấy báo trúng tuyển đại học năm xưa mà người cha còn cất giữ được, Nguyễn Quang Huy tìm về lại mái trường nơi mình chưa kịp làm sinh viên.

Nhưng oái oăm thay, khi anh đến Phòng Đào tạo, nhìn dáng người gầy gò, xanh xao, lại thêm giọng nói thều thào không nghe được, ông cán bộ tiếp nhận hồ sơ bỗng thở dài một cái rồi nói: “Nhà trường rất trân trọng những anh chị em từng đi chiến đấu trở về và sẵn sàng đón nhận vào học. Nhưng trường hợp của anh, do sức khỏe yếu, lại là thương binh mất giọng nói nên nhà trường mong anh thông cảm. Quy chế tuyển sinh của ngành không cho phép tiếp nhận sinh viên không đủ tiêu chuẩn...”.

Cầm tờ giấy báo tuyển sinh cũ sờn trên tay, Huy sững sờ nhưng rồi nghị lực người lính đã giúp anh không bị suy sụp. Không để gia đình lo lắng, anh quyết định đi xin việc làm để ổn định cuộc sống.

Sau khi chuyển ngành về Cty chiếu bóng Thái Bình, Nguyễn Quang Huy lại xin đi học lớp Kế toán trưởng doanh nghiệp chiếu bóng và về làm việc tại Fafilm Việt Nam.

Rồi gặp, yêu, và lấy cô gái cùng học phổ thông năm xưa làm vợ. Nhưng cuộc sống ở Thủ đô lúc ấy khó khăn, anh lại xin về quê công tác để bây giờ ngồi ở ghế Trưởng phòng VH-TT huyện Tiền Hải...

Câu chuyện gần bốn mươi năm của Nguyễn Quang Huy như một cuốn phim tư liệu. Vượt lên bao nhiêu éo le của số phận, với nghị lực phi thường của người lính từng kiên cường dũng cảm trong lao tù, cùng những nghiệt ngã của đời thường, anh vẫn lạc quan sống và phấn đấu... làm nên chân dung một người lính thương binh Nguyễn Quang Huy sáng ngời phẩm chất người chiến sĩ quân đội nhân dân Việt Nam.

Thái Bình- Hà Nội cuối tháng Sáu năm 2007

Phạm Nguyễn Tân Linh



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
chu huy mân, fafilm 4vn, truyen thu ky



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™