Ghi chú đến thành viên
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 01-08-2008, 10:04 AM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Sự thật về ông Tổng Cóc

Mới đây, cụ Dương Văn Thâm, 94 tuổi (Tứ Xã, Lâm Thao, Phú Thọ) công bố công trình nghiên cứu “Chàng Cóc và mối tình với bà chúa thơ Nôm”, khiến các nhà nghiên cứu giật mình. Rất nhiều chuyện liên quan đến ông Tổng Cóc và bà Hồ Xuân Hương được nhìn nhận lại. Nhân vật Tổng Cóc và Hồ Xuân Hương với nhiều mơ hồ huyễn hoặc đã được khẳng định. Những di vật quý liên quan đến họ vẫn còn đó và vừa được phát hiện.


Hỏi thăm mãi, tôi mới tìm thấy nhà cụ Dương Văn Thâm. Đó là ngôi nhà cổ đã cũ nát, các vách hở tông hống, lở bở vôi vữa nằm chìm nghỉm trong vườn chuối, cách khu di chỉ Gò Mun mấy ngàn năm tuổi độ trăm bước chân. Trong nhà chỉ có cụ ông và cụ bà, đều đã ở tuổi trường thọ. Con đàn cháu đống, giàu có thành đạt cả, nhưng hai cụ vẫn chỉ thích sống cuộc sống tự do, lành lẽ bên nhau.

Hàng ngày, cụ bà Nguyễn Thị Ngó, 90 tuổi, trồng rau, dọn cỏ ngoài vườn, còn cụ Thâm cặm cụi viết lách, làm thơ, hoặc đàm đạo với các bô lão trong xóm, hoặc tiếp các nhà nghiên cứu từ tỉnh, thậm chí Trung ương về khai thác một số thông tin văn hóa, lịch sử vùng đất Vua Hùng.

Các nhà nghiên cứu coi cụ Thâm là pho sử sống, là nguồn cung cấp thông tin rất phong phú và chính xác. Tôi đã được nghe chuyện của một số nhà văn, nhà báo ở tỉnh Phú Thọ rằng, đã có một số người đọc được những tư liệu của cụ Thâm, họ như mở cờ trong bụng, đem về, chép lại, rồi điền tên mình vào, coi như phát hiện đó là... của mình!

Tôi ngồi trò chuyện với cụ Thâm, thi thoảng cụ bà lại góp chuyện: cô tiến sĩ này, ông tiến sĩ nọ “chôm” công sức của chồng cụ. Rõ ràng những chuyện ấy cụ Thâm biết cả, nhưng cụ... không chấp. Tôi hỏi chuyện ấy, cụ gạt đi và bảo: “Tư liệu quý thế, không để các nhà khoa học khai thác, công bố, bảo tồn thì sao? Chẳng lẽ mang theo xuống mồ?”.
Cụ Dương Văn Thâm 93 tuổi, sinh ra tại Tứ Xã. Trước Cách mạng Tháng Tám, cụ bôn ba làm nghề gõ đầu trẻ ở các tỉnh Thái Bình, Hải Dương, Hải Phòng. Sau Cách mạng, cụ tiếp tục theo tiếng gọi của Đảng tham gia phong trào “diệt giặc dốt”. Có nhiều công lao, cụ được làm ở Nha Bình dân học vụ Trung ương, rồi làm kiểm sát viên cao cấp khu vực phía Bắc.

Trong quá trình lang thang khắp chốn, cụ Thâm thấy nhiều giá trị truyền thống bị hiểu sai, bị người đời tàn nhẫn xóa bỏ. Cụ chẳng lên giọng phản đối, nhưng cụ cứ âm thầm ghi chép lại, những mong một ngày nào đó, thế hệ sau có cái nhìn sáng suốt hơn, phục dựng lại và thừa hưởng những tinh hoa văn hóa ngàn đời của cha ông.

Thế rồi một ngày, khi cụ Dương Văn Thâm cảm thấy mình đã ở cái tuổi sắp về trời, cụ liền công bố những công trình nghiên cứu của mình. Các nhà khoa học, các nhà văn hóa đã giật mình với ghi chép của cụ về lễ hội “Linh tinh tình phộc” diễn ra lần cuối cùng năm 1928. Cụ ghi lại tỉ mẩn theo lời kể của các bô lão từng đóng vai các nhân vật tham gia lễ hội đó.

Ít ai ngờ rằng, cụ đồ kín tiếng ấy, lại là người duy nhất đã ghi chép lại cái lễ hội từng một thời bị cho là “dâm ô, tục tĩu”, để rồi, mới đây, người ta phải tổ chức rất nhiều hội thảo, tập trung rất nhiều nhà nghiên cứu để đánh giá, để phục dựng và bảo tồn sau 80 năm biến mất.

Lễ hội này bị cho là “tục tĩu” vì nó có nhiều cảnh diễn tả trực quan hành động quan hệ tình dục của nam và nữ. Đây là lễ hội cầu thờ sinh thực khí trong tín ngưỡng phồn thực của cư dân nông nghiệp trồng lúa nước Đông Nam Á, xuất hiện từ hàng ngàn năm trước.

Nguyên bản của lễ hội này có trò “tháo khoán” vào lúc nửa đêm, gọi là “giờ lễ mật”. Khi đó, đèn tắt hết, trai gái thả sức quan hệ tình dục. Cô nào có chửa được làng thưởng vải vóc lụa là, vì họ là minh chứng kết quả của buổi cầu tế.

Sau sự kiện cung cấp tư liệu để tỉnh Phú Thọ phục dựng lễ hội “Linh tinh tình phộc”, cụ đồ Thâm lại tiếp tục công bố những phát hiện của mình về nữ chúa thơ Nôm Hồ Xuân Hương và mối tình với ông Tổng Cóc. Công trình này là phát hiện của cụ đồ Thâm và có sự đóng góp khảo cứu thêm của nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn.

Dựa vào tài liệu nghiên cứu của cụ Dương Văn Thâm và nhà văn Nguyễn Hữu Nhàn, tôi đã gặp gỡ người dân ở Tứ Xã, và những câu chuyện thật về nữ sĩ Hồ Xuân Hương và ông Tổng Cóc dần hé mở.

Trong những ngày lang thang ở Tứ Xã, khi gợi chuyện về bà Hồ Xuân Hương và ông Tổng Cóc, những người già đều bất bình với một... vở kịch về cuộc đời nữ sĩ Hồ Xuân Hương và tất nhiên trong đó có kể về mối tình của bà với ông Tổng Cóc. Những người bức xúc nhiều nhất với vở kịch này tất nhiên là con cháu ông Tổng Cóc. Ai cũng nói một câu “toàn xuyên tạc, toàn bóp méo” khi nói về vở kịch này. Lý do là vở kịch đã mô tả Tổng Cóc là một tên trọc phú, hình thù xấu xí, đần độn, ngu si, dốt nát và là kẻ phàm phu tục tử...

Tóm lại, nhân vật Tổng Cóc trong vở kịch là một người không những xấu cả người mà xấu cả tính, còn Hồ Xuân Hương phải cam chịu cảnh vợ lẽ côi cút, bị cả chồng lẫn vợ cả hành hạ, chà đạp. Thực tế, trong con mắt của người dân Tứ Xã, ông Tổng Cóc là một người thế nào?

Hỏi chuyện về ông Tổng Cóc và bà Hồ Xuân Hương, người dân Tứ Xã và Sơn Dương, ai cũng có thể kể dăm ba chuyện. Người dân trong vùng giới thiệu tôi đến gặp hai người cháu của ông Tổng Cóc là ông Nguyễn Bình Ngạn, cháu 6 đời, hiện sống ở khu 20 và ông Nguyễn Bình Phúc, cháu 7 đời, hiện sống ở khu 19, xã Tứ Xã.

Ông Nguyễn Bình Phúc vẫn đang sống trên mảnh đất mà xưa kia là của cụ Tổng Cóc. Đất nhà cụ rộng ngút tầm mắt, chiếm tới nửa làng, nhưng giờ ông Phúc được thừa hưởng chưa đầy sào đất cùng với một tấm bia đá cổ. Tấm bia này được tạc bằng đá trắng, chữ còn chữ mất rất khó đọc.

Một số nhà khoa học đã tận mắt tấm bia, chụp lại chữ nghĩa, nhưng đến giờ vẫn không luận nổi. Ông Ngạn và ông Phúc kể cho tôi rành rẽ mọi chuyện về cụ Tổng Cóc nhà mình.

Ông Tổng Cóc có tên thường gọi là Nguyễn Bình Kình. Khi đi lính, lên chức Đội gọi là Đội Kình. Làm Lý trưởng được gọi là Lý Kình. Khi làm phó tổng được gọi là Tổng Kình. Tên chữ của ông là Nguyễn Công Hòa. Cóc là tên gọi xấu xí từ bé mà cha mẹ đặt cho tà ma đỡ quấy.

Cũng có vài ý kiến của các cụ già trong làng cho rằng, từ bé Kình đã có tính gan lỳ cóc tía, nên gọi là Cóc để biểu hiện tính gan góc, kiên cường. Sau này, vì Hồ Xuân Hương có bài thơ “Khóc Tổng Cóc” nên dân làng mới gọi ông là Tổng Cóc, và cũng chính vì cái tên này, mà hình tượng ông bị bóp méo, xuyên tạc hoàn toàn.
Tổng Cóc là con cháu ba đời của quan nghè làng Gáp (thuộc Tứ Xã ngày nay) Nguyễn Quang Thành. Điều này được ghi rõ trong gia phả họ Nguyễn Bình ở Tứ Xã, chỉ tiếc cuốn gia phả đã bị bom giặc Pháp thiêu cháy năm 1951. Tuy nhiên, các cụ già trong họ Nguyễn Bình vẫn nhớ nội dung và chép lại rõ ràng.

Trong cuốn “Lịch triều tạp kỷ” ghi: “Ông Nguyễn Quang Thành có tiếng thần đồng. 24 tuổi thi đỗ tiến sĩ. Xuất thân năm Canh Thân, Lê Chính Hòa (1680). Ông làm quan trong triều giữ chức Thiểm đô ngự sử đời vua Lê Hy Tông” (nay còn ghi ở Văn Miếu Quốc Tử Giám - Nguyễn Hữu Nhàn xác minh và ghi lại).

Ông còn được vua ban cho câu đối: “Thạch Cáp thần đồng danh vị ngãi/ Lê triều tiến sĩ lộc do tồn” (dịch nghĩa: Tiếng tăm vị thần đồng Thạch Cáp chưa hết/ Phúc lộc của vị tiến sĩ triều Lê hãy còn).

Là con cháu bậc danh gia, Tổng Cóc đã từng theo cửa Khổng sân Trình và lều chõng đi dự thi hương. Tổng Cóc kết thân với Tú Điếc người làng Xuân Lũng và nho Trâm người làng Kinh Kệ. Ba người quen biết Hồ Xuân Hương trong dịp đi thi hương ở kinh thành Thăng Long. Nhờ sự mối manh của họ mà cụ Đồ Xứ (đỗ đầu xứ nên khi dạy học gọi là Đồ Xứ) người Nghệ An đã dẫn con gái Hồ Xuân Hương về làng Sơn Dương, cạnh làng Gáp để dạy học.

Thời đó, dân gian truyền tụng câu: “Lý Lạng Hồ, đồ Sơn Dương, hương Sơn Thị”. Có nghĩa, làng Lạng Hồ có nhiều chức lý nhất, làng Sơn Thị có nghề se hương, còn “đồ Sơn Dương” có nghĩa là làng này có rất nhiều ông đồ dạy chữ Hán.

Tổng Cóc và bạn hữu thường xuyên sang Sơn Dương ngâm vịnh thơ phú cùng Hồ Xuân Hương có câu chuyện huyền thoại thế này. Một lần, vào đúng đêm 30 tết, ba anh chàng Tú Điếc, nho Trâm và Tổng Cóc đến tán tỉnh, Xuân Hương đã mời trầu rồi ra một vế đối. Nghe vế đối, hai chàng Tú Điếc và nho Trâm hết gãi đầu lại gãi tai, còn Tổng Cóc chỉ cười tủm tỉm, mà không đối lại.

Sớm hôm sau, tức mùng 1 tết, Cóc ta mò đến nhà cụ Đồ Xứ một mình cùng với lời chúc tết. Cụ Đồ Xứ tỏ vẻ không hài lòng, bảo: “Trong xứ Nghệ tôi thì: Mồng Một tết cha, mồng Hai tết mẹ, mồng Ba mới tết thầy”. Tổng Cóc liền lễ phép thưa: “Chả là tối qua con có hẹn với Xuân Hương, giải câu đối của nàng thì sáng nay ở đây mới là đúng chỗ. Tối qua Xuân Hương ra câu đối: “Tối Ba mươi khép cánh càn khôn kẻo nữa ma vương đưa quỷ tới”, thì sáng nay Kình con xin đáp lại: “Sáng mồng Một mở then tạo hóa để cho thiếu nữ rước xuân vào”.

Nghe vế đối thông minh, hoàn chỉnh của Tổng Cóc, cụ Đồ Xứ đã phải reo lên khen ngợi rằng: “Đúng là con cháu một nhà: Trâm cốt cơ cừu lưu thế trạch - Thi thư lễ dịch chấn gia phong” (ý nói nhà ấy mãi mãi giữ được các của quý vua ban, cũng như mọi kinh sách của đạo thánh hiền).

Được tận mục tài năng của Tổng Cóc, nên sau này Hồ Xuân Hương ngỏ ý với cha xin được lấy Tổng Cóc và làm vợ ba, ông Đồ Xứ không phản đối gì.

Khi có bài thơ “Khóc Tổng Cóc”, thì Tổng Cóc được cả nước biết đến, còn trước đó Tổng Cóc, tức Tổng Kình, đã nổi tiếng cả vùng từ hồi còn làm Lý trưởng. Người Tứ Xã kể rành rọt rất nhiều chuyện về ông Chánh tổng làng mình.

Chuyện rằng, hồi Lý Kình đi viếng đám tang mẹ tên Đội Bính làng Tứ Mỹ. Đội Bính hống hách khét tiếng nên không thèm đáp lễ lại người vào viếng trước linh cữu mẹ mình. Biết chuyện, Lý Kình thắp hương khấn vái xong, đứng ì ở chiếu không chịu ra. Mọi người đều ngơ ngác kinh hãi.

Trong lúc ấy, anh Gié đứng bên ngoài cố ý nói to: “Ông Lý nhà tôi còn phải chờ Quan đội đáp lễ theo đúng cổ lệ mới ra được”. Cuối cùng Đội Bính hống hách phải vái tạ anh Lý làng Gáp. Đến nay, trong những đêm mùa đông bên bếp lửa, các cụ già ở Tứ Xã vẫn kể cho con cháu nghe và tự hào về ông Lý làng mình
Phạm Ngọc Dương (Theo CAND)



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
bai tho: ong tong coc, cụ thâm tứ xã, su that ve tong coc, su ve tong coc, tổng cóc, tho khoc ong tong coc, tho ve tong coc, tieu su tong coc, tieu su ve tong coc



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™