Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Truyện dịch - 4vn.eu >

Học Viện 4vn

> Phòng dịch giả > Góc hỗ trợ
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #41  
Old 08-09-2009, 11:11 PM
A Lìn
Guest
 
Bài gởi: n/a
Thời gian online: 0 giây
Tại sao trong Truyện Kiều, một kẻ “trong tay muôn vạn tinh binh, kéo về đóng chật một thành Lâm Truy” lại được “xa gần ngợi khen” mà lại “chưa tường được họ tên”! Nếu không vô lý thì là gì?
Trích:
Hỏi: Cám ơn ông đã trả lời thắc mắc của tôi về câu hỏi “Vào trong phong nhã, ra ngoài hào hoa” trong KTNN số 637, ngày 20.4.2008 (1). Đã đành Truyện Kiều là tuyệt tác văn học, và tôi rất mê Truyện Kiều, nhưng tôi thấy trong đó vẫn còn nhiều chỗ không hợp lý khiến tôi thắc mắc. Tôi chỉ xin đơn cử một ví dụ, khi kẻ lại già họ Đô nói về Từ Hải:

Bỗng đâu gặp lại một người
Hơn người trí dũng, nghiêng trời uy linh
Trong tay muôn vạn tinh binh
Kéo về đóng chật một thành Lâm Truy
Tóc tơ các tích mọi khi
Oán thì trả oán, ân thì trả ân
Đã nên có nghĩa có nhân
Trước sau trọn vẹn, xa gần ngợi khen
Chưa từng được họ được tên
Sự này, hỏi Thúc Sinh viên mới tường (2)

Thử hỏi một kẻ “trong tay muôn vạn tinh binh, kéo về đóng chật một thành Lâm Truy” lại được “xa gần ngợi khen” mà lại “chưa tường được họ tên”! Nếu không vô lý thì là gì? Rất mong ông giải đáp cho tôi thắc mắc này. (Ông Ưng Thành – Huế)

Trả lời: Chúng tôi cho rằng cái hay nằm chính ở chỗ “Chưa tường được họ tên, được tên” đó! Đọc Truyện Kiều, ngay những chỗ mà ta thấy tưởng chừng “vô lý” hoặc “vụng về” thì thường là lúc Nguyễn Du biểu hiện những tư tưởng thăng trầm, uyên áo. Chúng tôi xin tạm giải đáp một cách đại khái như sau:

Một người “Hơn người trí dũng, nghiêng trời uy linh uy linh” lại được xa gần nô nức ngợi khen mà “chưa tường được họ được tên” bởi vì chúng ta chưa xác định được đâu là phần tinh hoa quảng đại của con người đó. Và điều đó chỉ được biểu hiện khi Từ Hải chấp nhận đầu hàng Hồ Tôn Hiến để hoàn tất tâm nguyện của nàng Kiều. Chấp nhận sự đổ vỡ tan hoang để đẹp lòng hồng nhan tri kỷ, như Antony chấp nhận đổi cả giang sơn vì Cleopatra trong bi kịch Antony and Cleopatra của thiên tài Shakespeare, đó là cách Từ Hải biểu hiện phần tinh hoa quảng đại của bi tâm theo thể điệu của một khách anh hùng. Đây là một trong những điểm mà Truyện Kiều giúp người đọc mở rộng những viễn tượng mênh mông cho tâm thức, và buộc chúng ta phải suy tư trên bình diện khác. Chính cuộc tình ngang trái với Thúc Sinh đã đẩy Thuý Kiều vào cuộc phiêu lưu thứ hai và gặp được Từ Hải nơi lầu xanh, để người anh hùng đất Việt Đông phải làm “người tử sinh” để kết thúc hùng tâm lẫn bi tâm bằng một nắm mồ nơi thiển thổ. Cho nên mới có câu “Sự này, hỏi Thúc Sinh viên mới tường”.

Trong Truyện Kiều, không thiếu những điểm mà nhiều người cho là “vô lý” hoặc “vụng về” như thế. Ngôn ngữ Truyện Kiều luôn chuyển dời bình diện và thiên biến vạn hoá, nên muốn hiểu được Truyện Kiều ta phải sống trong cảnh giới thơ ca của Nguyễn Du. Nếu Truyện Kiều chỉ là bản án bằng văn chương dành cho chế độ phong kiến, như ý kiến của một số nhà phê bình, thì nó đã chết từ lâu trong lòng người rồi. Ta không thể đem những kiến thức tầm chương trích cú vay mượn từ sách vở ra để bắt bẻ hoặc phân tích theo suy nghĩ của mình, khi muốn tìm hiểu tác phẩm một thiên tài. Chúng ta phải sống và lịch nghiệm hết cảnh dâu biển trong cõi trăm năm thì mới có thể đọc Truyện Kiều mà không hiểu lệch lạc. Với đôi chút chủ quan, tôi cho rằng chỉ một số người hiếm hoi cảm nhận được phần vô ngôn trong tư tưởng Nguyễn Du (như Phạm Quý Thích, Chu Mạnh Trinh, dịch giả Trương Cam Vũ, đặc biệt là nhà thơ Bùi Giáng) vì trước hết họ điều là những nhà thơ lớn hoặc những người có tâm hồn thơ nhạc mênh mông. Chính Bùi Giáng đã giải toả Nguyễn Du ra khỏi tù ngục của sách giáo khoa để buộc chúng ta phải đọc Truyện Kiều bằng một đôi mắt khác.

Trong khuôn khổ của giải đáp của mục này có lẽ khó lòng làm ông thoả mãn. Trước khi đọc lại Truyện Kiều chúng ta đừng quên câu nói của Mộng Liên đường chủ nhân: “Tố Như Tử dụng tâm đã khéo, tả cảnh như hệt, đàm tình đã thiết, nếu không phải có con mắt trông cả sáu cõi, tấm lòng nghĩ suốt ngàn đời, thì tài nào có cái bút lực ấy”. (Trần Trọng Kim dịch) và câu thơ đồng điệu của ông: “Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ, Tân thanh đáo để vị thuỳ thương? (2) (Tạm dịch: Vì ai nên tiếng tân thanh, Tài tình nhất phiến luỵ thành thiên thu?).

Rất mong tiếp tục trao đổi với ông về Truyện Kiều. Trân trọng!


(KTNN số 653, ngày 01.10.2008)

------------------
Chú thích của Goldfish:

(1) Xem tại http://www.thuvien-ebook.com/forums/...ad.php?p=63665 (post #24) hoặc xem trong ebook Chuyện Đông Chuyện Tây tại http://thuvien-ebook.com/forums/show...t=12573&page=2 (post #20)
(2) Các câu này (2903-2912) trích trong đoạn lại già họ Đô kể cho tân quan Kim Trọng nghe “lai lịch” của Thuý Kiều từ lúc nàng bị Tú Bà và Mã Giám Sinh mua về đến lúc nàng thi ân trả oán ở Lâm Tri. Người mà họ Đô “Chưa tường được họ tên, được tên” đó, được Thúc Sinh cho biết trong đoạn tiếp theo: “Đại vương tên Hải, họ Từ” (câu 2919).
(3) Hai câu này trích trong bài thơ sau đây của Phạm Quý Thích (tức Mộng Liên đường chủ nhân):

Đoạn trường tân thanh đề từ

Giai nhân bất thị đáo Tiền Đường
Bán thế yên hoa trái vị thường
Ngọc diện khởi ưng mai Thuỷ quốc
Băng tâm tự khả đối Kim Lang
Đoạn trường mộng lý căn duyên liễu
Bạc mệnh cầm chung oán hận trường
Nhất phiến tài tình thiên cổ luỵ
Tân Thanh đáo để vị thuỳ thương


Tác giả tự dịch thơ như sau:

Đề cuốn Đoạn trường tân thanh

Giọt nước Tiền Đường chẳng rửa oan
Phong ba chưa trắng nợ hồng nhan
Lòng còn tơ vướng chàng Kim Trọng
Vẻ ngọc chưa phai chốn thuỷ quan
Nửa giấc Đoạn trường tan gối điệp
Một dây Bạc mệnh dứt cầm loan
Cho hay những kẻ tài tình lắm
Trời bắt làm gương để thế gian.


(Nguồn: http://dongtac.net/spip.php?article2293)
Tài sản của A Lìn

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #42  
Old 08-09-2009, 11:11 PM
A Lìn
Guest
 
Bài gởi: n/a
Thời gian online: 0 giây
Chủ trương và hoạt động của Nữ lưu Thơ quán Gò Công

Trích:
Hỏi: Xin cho biết thêm về chủ trương và hoạt động của Nữ lưu Thơ quán Gò Công do nữ sĩ Phan Thị Bạch Vân sáng lập? (Ông Phạm Đăng Bường - Tiền Giang)

Trả lời: Trong bài viết Nữ sĩ Việt Nam đăng trên báo Phụ nữ Tân văn số 230 ngày 4.1.1934, Thiếu Sơn có giới thiệu đoạn “Tuyên ngôn” về chủ trương của Nữ lưu Thơ quán (NLTQ) do nữ sĩ Phan Thị Bạch Vân lập tại Gò Công.

“Nữ lưu Thơ quán sẽ trứ tác, dịch thuật và lãnh xuất bản những cảo văn có giá trị về chính trị, lịch sử,, tiểu thuyết, truyện ký, phụ nữ vấn đề, nữ công, văn học, khoa học, thương mại và thiệt nghiệp. Những sách nhảm nhí, thuộc về ái tình dâm phong, hoặc theo những lối quái dị trái hẳn với thể thống nước nhà thì bao giờ cũng cự tuyệt. Cái mục đích của Nữ lưu Thơ quán là lo làm saođường đức dục trí dục của chị em được mau tấn tới để mau kịp đến cái địa vị cao quí chị em phải có mà chưa được có…”

Về hoạt động của NLTQ, Thiếu Sơn chỉ ghi vắn tắt theo lời của nữ sĩ họ Phan nói với ông: “NLTQ in trước sau được 39 quyển, bị cấm một phần ba, chủ nhân bị hầu Bồi thẩm đoàn bốn lần, ra tòa hai lần, suýt chút nữa bị giam”. Tài liệu Phụ Nữ Miền Nam (Bà Lê Tuyết Thanh, giám đốc Bảo tàng Phụ nữ Nam bộ chủ biên, TPHCM,1993) đã ghi rõ: “Tháng 5.1928, tại thị xã Gò Công (Tiền Giang), một phụ nữ miền Nam đầu tiên đã sáng lập nhà in và xuất bản mang tên Nữ lưu thư quán…”. “Bà đã tập hợp một số văn nhân cựu học lẫn tân học phiên dịch cho Nữ lưu thư quán xuất bản những tác phẩm nỗi tiếng trong và ngoài nước như Nữ Anh tài, Truyền kỳ mạn lục, Kim tú cầu, Hồng phấn tương tri, Chinh phụ ngâm…, dịch những tiểu thuyết đặc sắc của những đại văn hào phương Tây như: Victor Hugo, Balzac, Anatole Frane, Alexandre Dumas, Romain Rolland…”. “Ngày 10.12.1930, bà Bạch Vân bị ra tòa. Tòa án Mỹ Tho xử bà phải nộp 2,50 franc tiền phạt và bắt đóng cửa thư quán về tội phá rối trị an trong xứ bằng văn chương tư tưởng…”. (Sđd trg 44-45)

Trong những sách NLTQ xuất bản, Thiếu Sơn đã giới thiệu ba quyển do nữ sĩ Bạch Vân trứ tác: “Truyện Roland và Thu Cận nữ sĩ là truyện thiệt, thuật ra để nêu gương nữ kiệt cho phụ nữ Việt Nam. Truyện Nữ anh tài là truyện đặt, viết để khuyến khích chị em bắt chước những nhân vật của mình mà hành động cho sự thạnh vượng của gia đình, xã hội. Trong truyện ấy, có bàn đến những vấn đề “Phụ nữ chức nghiệp” và “Nữ công gia học hội” là những việc mà bạn gái đã tiếp tục thiệt hành” (PNTV, số 231, ngày 11.1.1934).

Nữ sĩ Bạch Vân rất nhiệt tâm hoạt động văn hóa xã hội và là một trong những phụ nữ tiên phong viết tiểu thuyết chữ quốc ngữ. Thế nhưng ngày nay không tìm được một tác phẩm nào của bà, không biết bà sinh và mất năm nào, tại đâu; thậm chí có sách ghi bà họ Phạm chứ không phải họ Phan (Huỳnh Minh, Gò Công xưa và nay, Sài Gòn, 1969, tr.206). Mong rằng những người đồng hương của nữ sĩ sẽ tìm hiểu thêm để bổ cứu những thiếu sót đáng tiếc trên (1).

(KTNN số 654, ngày 10.10.2008)

-------------------------
Ghi chú của Goldfish:

Các bạn có thể tìm thấy khá nhiều thông tin “bổ cứu những thiếu sót đáng tiếc trên” qua hai bài hiện lưu hành trên mạng sau đây:

- Một nhà văn nữ tranh đấu cho nữ quyền vào đầu thế kỷ XX của Võ Văn Nhơn (http://www.tuoitre.com.vn/tianyon/In...5&ChannelID=61)

- Phan Thị Bạch Vân và tinh thần phụ nữ của Lê Thị Thanh Tâm (http://rds.yahoo.com/_ylt=A0oGkxdsYu...1006044434.doc)
Tài sản của A Lìn

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #43  
Old 08-09-2009, 11:12 PM
A Lìn
Guest
 
Bài gởi: n/a
Thời gian online: 0 giây
Nghĩa hai câu thơ: Thạch bích lăng không cổ thụ hoành/ Nhãn trung thiên địa tối phân minh

Trích:
Hỏi: Bài thơ “Huyền Không động” trong Lộc Minh Đình thi thảo của Ưng Bình Thúc Giạ Thị có hai câu khởi đề:

Thạch bích lăng không cổ thụ hoành,
Nhãn trung thiên địa tối phân minh.

Trước đây, trong sách Thơ ca tuyển Ưng Bình Thúc Giạ Thị (Nxb Thuận Hóa. 1992, tr.224), dịch giả Thanh Vân đã dịch:

Vách đá vươn cao cây chắn ngang,
Bao la đáy mắt nước mây ngàn.

Và trong sách Ưng Bình Thúc Giạ Thị - cuộc đời và tác phẩm (Nxb Văn học, 2008, tr.22), tiến sĩ Nguyễn Hữu Vinh cũng dịch tương tự.

Dịch nghĩa:

Vách núi cao ngất, cây lớn nằm chắn ngang.
Cảnh đất trời phân chia rõ rệt trước mắt.

Dịch thơ:

Vách núi cheo leo đá chắn cây
Rành rành đáy mắt nước trời mây.

Xin cho biết ý kiến các bản dịch hai câu thơ trên. (Ô. Hoàng Trọng Nghĩa – Tp Đà Nẳng)



Trả lời: Tác giả mở đầu bài thơ theo cách “Khởi như khai môn kiến sơn, đột ngột tranh vanh” (Khởi như mở cửa thấy núi, đột ngột cao dốc) bằng cảnh phác họa cảnh trí đặc trưng trong động Huyền Không. Sự cảm nhận của chúng tôi về hai câu thơ này có phần khác với các dịch giả trên.

Trước hết là hình ảnh “cổ thụ hoành” trong câu “phá”. Dịch giả Thanh Vân dịch “cây chắn ngang”, dịch giả Nguyễn Hữu Vinh dịch nghĩa: “cây lớn nằm chắn ngang” và chuyển thành thơ là “đá chắn cây” nhưng cũng bao hàm cả nghĩa “cây lớn nằm ngang” (vì bị “đá chắn”). Hai dịch giả đều hiểu chữ “hoành” trên theo nghĩa thông thường là “ngang”. Chúng tôi nghĩ rằng ở đây chữ “hoành” ấy nên hiểu theo nghĩa “giao”. Sách Từ Hải và sách Từ nguyên của Trung Quốc đều ghi chữ “hoành” này còn có nghĩa là “giao thác” tức là giao Trung Hoa, xen kẻ với nhau. Hiểu theo nghĩa này mới hợp với cảnh trí đặc trưng của động Huyền Không là trên vách đá cao có nhiều cây mọc bám, rễ thòng và cành rũ xuống; ở những lỗ hổng trên nóc có nhiều cây tỏa ngọn sum suê.

Ở câu “thừa”, từ “thiên địa” tuy chỉ cả bầu trời và mặt đất, nhưng nhà thơ đứng trong động nhìn lên những lỗ hổng (đường kính chừng vài mét) trên nóc cao (khoảng 30 mét) chỉ thấy được trời mây, chứ không thể thấy sông biển nên những hình ảnh “nước mây ngàn” và “nước trời mây” không đúng với sự quan sát thực tế. Hơn nữa, với câu “thừa”, nhà thơ chỉ muốn nói là thấy rõ được trời đất để chuyển xuống cập “thực”, chứ không miêu tả chi tiết.

Nhân đây, để thêm tài liệu đối chiếu, chúng tôi xin giới thiệu bản dịch hai câu thơ trên của giáo sư Trần Trọng San được nhà văn Phạm Đình Tân trích dẫn trong bài thuyết trình “Ưng Bình Thúc Gia Thị, từ thi sĩ đến chí sĩ” tại trường Quốc gia âm nhạc Sài Gòn năm 1973 (in lại trong Hồi ức về cha tôi, Tôn Nữ Hỷ Khương, Nxb Văn nghệ, TP Hồ Chí Minh, 2002):

Cây cổ nghiêng kề vách đá chênh,
Đất trời tươi mắt thắm tươi hình.


(KTNN số 654, ngày 10.10.2008)

------------------------
Ghi chú của Goldfish:
Chúng tôi xin chép lại bài thơ và bản dịch của Nguyễn Hữu Vinh từ website Hoài Hương:

Huyền Không Ðộng

Thạch bích lăng không cổ thụ hoành
Nhãn trung thiên địa tối phân minh
Dục cầu Ðỗ Phủ (1) thi nan trạng
Túng hữu Vương Duy (2) họa bất thành
Tự tiếu niên lai vô dị học
Mỗi đăng cao (3) xứ úy bình sinh
Danh đề động lý tu tri ngã
Tuy Lý (4) vương tôn Thúc Giạ Bình

Huyền không Ðộng

Vách núi cao ngút, cây lớn nằm chắn ngang
Cảnh đất trời phân chia rõ rệt trước mắt
Dù thơ Ðỗ Phủ cũng khó được hết ý
Dẫu Vương Duy vẽ chăng nữa cũng vẽ chẳng thành
Tự thẹn năm dài không học hỏi gì thêm điều mới lạ
Mỗi lần leo núi chơi ngắm cảnh thấy thỏa mãn cuộc đời
Trong động đề tên cho người đời biết
Ta là Thúc Giạ Ưng Bình cháu của ngài Tuy Lý Vương

Ðộng Huyền Không

Vách núi cheo leo đá chắn cây
Rành rành đáy mắt nước trời mây
Thơ dù Ðỗ Phủ lời đành cạn
Họa có Vương Duy vẽ cũng gay
Tự thẹn ngày không phương học mới
Mãi trèo non ngắm thỏa đời này
Tên đề trong động cho đời biết
Thúc Giạ cháu ngài Tuy Lý đây

Nguyễn Hữu Vinh dịch, Taiwan, 1995

Chú thích

Lời tác giả: Động tại Ngũ Hành Sơn thuộc Quảng Nam tỉnh, Ðiện Bàn phủ, Hoài Khái xã 洞在五行山屬廣南省奠磐府淮溉社 Động trong núi Ngũ Hành, thuộc xã Hoài Khái , phủ Điện Bàn, tỉnh Quảng Nam.

Thử tác tại thiếu niên lãng du thời kỳ 此作在少年浪遊辰期 Thơ làm trong thời còn trai trẻ hay đi ngao du.
_____________
1) Đỗ Phủ (712-770) tự xưng là Ðỗ Lăng bố y 杜陵布衣 và Thiếu Lăng dã lão 少陵野老 một nhà thơ lớn đời Ðường.
2) Vương Duy (701-761) tự là Ma Cật 摩詰 giỏi thơ, họa và thư pháp. Ðược tôn là thủy tổ của phái họa đời Nam Tống 南宋. Tô Ðông Pha 蘇東坡 khen rằng "Thi trung hữu họa, họa trung hữu thi 詩中有畫,畫中有詩 Trong thơ có họa, trong họa có thơ. Một nhà thơ lớn đời Ðường.

3) Ðăng cao 登高 [TT] tr. 399, Leo núi ngắm cảnh. Thơ "Cửu nguyệt cửu nhật ức Sơn Ðông huynh đệ" 九月九日憶山東兄弟 Mồng 9 tháng 9 nhớ anh em ở Sơn Ðông của Vương Duy [ÐT] tr. 420.
Tài sản của A Lìn

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #44  
Old 08-09-2009, 11:12 PM
A Lìn
Guest
 
Bài gởi: n/a
Thời gian online: 0 giây
Cây thuốc lá trồng ở nước ta từ đâu đến và khi nào?

Trích:
Hỏi: Cây thuốc lá từ đâu đưa đến và trồng ở nước ta từ hồi nào? (Ô. Lê Thạnh Đức – Bình Dương)

Trả lời: Trong sách Vân đài loại ngữ (1773), phần “Phẩm vật”, Lê Quý Đôn có đề cập việc trồng và hút thuốc lá như sau:

“Nước Nam ta lúc đầu không có cây thuốc lá ấy. Từ năm Canh tý, tức niên hiệu Vĩnh Thọ thứ 3 (1660) đời vua Lê Thần Tông người Ai Lao đem đến, nhân dân nước ta bắt đầu trồng cây thuốc lá. Quan dân, đàn bà con gái tranh nhau hút thuốc lá, đến nỗi có câu: “Có thể ba ngày không ăn, chớ không thể một giờ không hút thuốc lá”.

Năm Ất tỵ, niên hiệu Cảnh Trị thứ 3 (1665) đời vua Lê Huyền Tông, triều đình đã hai lần xuống lệnh chỉ nghiêm cấm, lùng bắt những người trồng thuốc, bán thuốc và lén hút thuốc, nhưng rốt cuộc không dứt tuyệt được. Người ta phần nhiều khoét cột tre làm ống điếu và chôn điếu sành xuống đất. Tro than thuốc lá lắm lần gây thành hỏa hoạn. Lâu dần lịnh cấm bãi bỏ. Nay thì việc hút thuốc lá đã thành thói thông thường” (Sđd, Tạ Quang Phát dịch, Phủ Quốc vụ khanh đặc trách Văn hóa, Sài Gòn, 1973, Tập III, tr. 197-198).

Nhưng sách Địa dư chí của Nguyễn Trãi viết năm 1438 đã ghi: “Tại các vùng Hải Dương, Sơn Nam và Thuận Hóa đều có trồng thuốc lá. Đó là một thổ sản nằm trong danh mục cống phú, tức phải dâng nạp cho triều đình hoặc phải chịu thuế”. (Nguyễn Trãi toàn tập, Viện Sử học, Nxb Khoa học Xã hội, 1976, tr. 217-219, 222-233 và 234). Sách Đại Nam nhất thống chí do Quốc sử quán triều Nguyễn soạn dưới thời Tự Đức, trong phần thổ sản tỉnh Nam Định, có dẫn lời ghi trong sách trên: “Địa dư chí của Nguyễn Trãi chép: Nam Chân, Chân Định hỏa dược”, nghĩa là huyện Nam Chân và Chân Định trồng thuốc Lào” (Sđd, Phạm Trọng Điềm dịch, Nxb Thuận Hóa, 1997, Tập 3. tr. 370). Điều cần chú ý là từ “hỏa dược” ngày nay được dùng để chỉ “thuốc đạn”, còn thuốc lá thì dùng từ “yên thảo” hoặc “yên diệp”. Nhưng ở đây không thể hiểu “hỏa dược” là thuốc đạn như bản dịch của Hoàng Khôi (Ức Trai tập, Phủ QVK đặc trách Văn hóa, 1972 và Nxb Văn học, 1994; Nguyễn Trãi toàn tập, Nxb Thông tin, HN, 2001) vì trong phần tập chú về thổ sản ở Thuận Hóa, ngay dưới chính văn của Nguyễn Trãi, Nguyễn Thiện Tùng là người đồng thời, đã giải thích “hỏa dược” là “chỉ dược” với cách sử dụng: “Chỉ dược là thứ cây lấy lá cuộn vào giấy rồi châm lửa hút” (Nguyễn Trãi toàn tập, Viện sử học, sđd, tr.134). Sách Từ nguyên của Trung Quốc giải thích hỏa dược là: viên thuốc dùng để dẫn lửa hoặc bắn đạn. Có thể vào thời Nguyễn Trãi, người Việt mượn từ “hỏa dược” theo nghĩa “dẫn lửa” để chỉ thuốc lá.

Như vậy, theo Địa dư chí của Nguyễn Trãi, đầu thế kỷ XV, thuốc lá đã được trồng tại nhiều nơi ở nước ta, nhưng không rõ từ đâu đến và khi nào. Song, sách này bị thất lạc, đến thời Minh Mệnh, Dương Bá Cung mới sưu tầm được, chép vào vào bộ Ức Trai di tập (q. 6), thời Tự Đức (1868) được khắc in với tên Ức Trai tập; vì thế khi viết Vân đài loại ngữ (1773), Lê Quý Đôn không tham khảo được sách này.

(KTNN số 654, ngày 10.10.2008)
Tài sản của A Lìn

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #45  
Old 08-09-2009, 11:13 PM
A Lìn
Guest
 
Bài gởi: n/a
Thời gian online: 0 giây
Góp ý về mấy chữ “Lai căng”, “Khuất tất” và định lý Pythagore.

Trích:
Vũ Linh (No 8 Rue de la Véga 75012, Paris): Tôi là một độc giả ở xa, rất mến và hay đọc quý báo. Mục tôi thích nhất là mục “Chuyện Đông chuyện Tây”. Qua số báo 644 gần đây có đăng ở trang 51 lời giải thích cho bạn đọc mấy chữ. Tôi thấy cần góp thêm vài ý. Mấy chữ ấy là: “Lại căng”[1], “Khuất tất”[2] và định lý “Pythagore”[3]. Xin phép có ý kiến như sau:

1. Chữ “Lai căng”. Chữ này tôi đã được tiền nhân – một nhà Hán học buổi giao thời cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 – giải thích rõ. Nó đúng là chữ “Lai căng”, một từ ghép chữ Hán và chữ Pháp. “Lai” chữ Hán là: “Tới”, “Đến”, và có khi dùng với nghĩa là “Về”. Còn chữ “Căng” là chữ Pháp. “Camp” nghĩa là “Trại”. Nguyên do hồi cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20, các cô gái Việt Nam được gọi là “filles publiques” (gái làng chơi) hay đón tiếp các ông lính tẩy (cả nội và ngoại). Khi tới các cô hỏi “Toi[4] lai căng nào?”. Khi giờ đã muộn, phải về trại, các ông lính tẩy bị các cô níu kéo thì trả lời “Thôi thôi! Toi nhé! Đến giờ lai căng rồi!”. Về sau, tiếng Việt dùng từ “Lai căng” để chỉ những người thường dùng chữ này hoặc dùng từ theo kiểu của những người này (bọn lai căng!).

Chữ “Lai” thuần Việt mới là pha tạp. Còn “Căng” chữ Hán có nghĩa “nép, sợ hãi”. Còn “Căn” là “gốc”. Vậy “Lai căng” là từ ghép, mượn từ của chữ Hán và Pháp nay trở thành thuần Việt.

2. Chữ “Khuất tất”. Chữ này tôi cũng được giải thích là một từ thuần Việt chứ không phải chữ Hán. “Khuất” có nghĩa là “che tầm nhìn” hay “kín đáo, không ai thấy”. Còn “Tất” thuần Việt hiểu là “Tất cả”. Vậy “Khuất tất” thuần Việt là “không ai biết, không thấy”. Khác xa với khuất tất trong chữ Hán.

“Khuất” trong chữ Hán có nghĩa là “Bắt buộc phải”, còn “Tất” là “đầu gối”. Khuất tất là bắt buộc quỳ gối. Giống như “Khuất phục” được hiểu là “Bắt buộc đầu hàng”. Vì vậy còn nhiều chữ thoát ra từ các ngoại ngữ khác đã thành thuần Việt mang theo ý nghĩa có khi khác hẳn. Vì vậy chữ báo Tiền phong online dùng có nghĩa thuần Việt là đúng.

3. Tôi thấy người Trung Hoa đã có nền văn minh lâu đời. Ngay phép tính “câu cổ”, rồi “số Pi”, rồi “Tỉnh điền”, “Xe tý ngọ” và nhiều nữa, vân… vân. Nhưng nói ai trước ai sau thì còn chờ những chứng cứ chắc chắn để chứng minh và cũng có thể là người Trung Hoa. Nhưng có điều chắc chắn là người Trung Hoa là người đầu tiên “quy định mối liên quan giữa con người và con người” một cách hoàn chỉnh bằng các văn bản để phân biệt con người với thú vật ở buổi sơ khai của loài người.

Cũng gọi là xin phép góp vài ý thô thiển của một người ở xa nhưng tấm lòng lúc nào cũng hướng về đất nước Việt Nam và quan tâm nhiều tới văn hoá. Nên chăng mong quý toà soạn xem xét. Kính chúc quý báo ngày càng phát triển mạnh, đem lại lợi ích cho mọi người Việt cả trong và ngoài nước.

(KTNN số 657, ngày 10.11.2008)

---------------------------
Chú thích của Goldfish:
[1] Các bạn có thể xem lại bài Lai căn hay lai căng đăng trên post #24 và bài Ly căn đọc trại thành lai căn? (post #43)
[2] Xem bài Từ “khuất tất” đúng nghĩa là gì? (post #25)
[3] Xem bài Có phải người Trung Quốc tìm ra định lý: Bình phương cạnh huyền bằng tổng số bình phương hai cạnh góc vuông? (post #26)
[4] “Toi”: tiếng Pháp có nghĩa là Mày, anh, chị, em (tương tự “you” trong tiếng Anh)
Tài sản của A Lìn

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
ai hồng biến dã, , Đông sơn tái khởi, đông sơn tái khởi, ban nhược chưởng, chữ diễm co nghia gi, chung sơn 钟山, diễm lệ là gì, diễm (豔) nghia gi, diễm nghĩa là gì, diễm phúc là gì, dong son tai khoi, dong son tai khoi la gi, , 般 bát là gì?, lai căn hay lai căng, lai căng hay lai căn, lai căng hay lao căn, lai căng mất gốc, , phật khiêu tường, tái khởi là gì, thnh ng, toán học trung quốc, tu han viet cua tu chut, www.nhohue.org, y nghia tu diễm lệ

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™