Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 01-06-2008, 10:00 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Người bác sỹ cứu sống Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia và cuộc gặp sau 25 năm

TP- 25 năm trước khi đang làm nhiệm vụ tình nguyện tại Campuchia, bác sỹ Nguyễn Anh Nhật đã thực hiện ca mổ phức tạp, cứu sống Tỉnh đội trưởng Battambăng Keo Kim Gian.

Tháng 11/2007, trong chuyến thăm Việt Nam, ông Keo Kim Gian, lúc đó là Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia đã thông qua Văn phòng Chính phủ liên lạc với bác sỹ Nguyễn Anh Nhật.

Gặp lại nhau, họ vẫn dành cho nhau tình đồng chí, anh em như 25 năm về trước.
Cô gái Campuchia và các y bác sĩ Việt Nam

Theo con đường về chùa Keo, chúng tôi hỏi thăm. Cả khu thị tứ Bồng Tiên, xã Vũ Đoài, Vũ Thư, Thái Bình sầm uất, ai cũng biết bác sỹ quân y Nguyễn Anh Nhật.

Một bác bán hàng bên gốc cây cổ thụ xum xuê nói : “Bác sỹ Nhật giỏi lắm. Cứu bao nhiêu người bệnh trọng”.

Tháng 4/1963, 17 tuổi, Nguyễn Anh Nhật lên đường làm nghĩa vụ quân sự. Nhà nghèo, lại sinh ra trong lúc đất nước vừa giành độc lập nên sự học hành của Nguyễn Anh Nhật bị lỡ dở, chỉ mới có văn hóa lớp 4.

Vào Công an vũ trang, sau thời gian luyện tập, Nguyễn Anh Nhật được chọn lên làm công vụ đồng Chính ủy Biên phòng Nghệ An. Ban ngày bận mải, tối tối xong công việc, tân binh Nhật lại đốt đèn tự học.

Nhật say mê học tới tận khuya. Nhiều đêm Chính ủy phải nhắc đi nghỉ để mai còn làm việc.

Thấy một thanh niên ham học, lại thông minh, lãnh đạo đơn vị đã quyết định tạo cơ hội học tập cho Nhật. Và sau 22 tháng học bổ túc Trường văn hoá Quân khu 4, Nhật đã hoàn thành chương trình của 6 lớp học, tốt nghiệp văn hoá cấp 3 với tấm bằng loại giỏi.

Cũng ngay năm đó, Nguyễn Anh Nhật dự thi đại học và đã trúng tuyển. Đơn vị đã gửi Nguyễn Anh Nhật đi học Đại học Y Hà Nội từ tháng 9/1964 . 6 năm học đại học, Nhật luôn là học sinh giỏi từng được thầy Tôn Thất Tùng thưởng tiền ăn sáng.

Năm 1971, Nguyễn Anh Nhật vào chiến trường B5 và là Đại đội trưởng Quân y thuộc Trung đoàn 174, Quảng Trị. Suốt những năm cuộc kháng chiến ác liệt, trong hầm chữ A, bác sỹ Nguyễn Anh Nhật đã tiến hành rất nhiều ca mổ đại phẫu, cứu chữa không biết bao nhiêu ca thương vong hiểm nghèo cho bộ đội và thanh niên xung phong. Có những ngày mấy chục ca. Bác sỹ Nhật còn nhớ như in nhiều ca mổ tử sinh căng thẳng.

Bác sỹ Nhật tâm sự, nhiều ca mổ các cô thanh niên xung phong bị thương, ông không cầm được sự xúc động. Thương lắm! Nữ thanh niên xung phong Thiệu quê thành phố Vinh, Nghệ An, bị một vết thương sọ não và một vết thương bụng dưới phá đúng vào dạ con. Ông Nhật cùng kíp mổ khẩn trương khoan sọ não cho Thiệu để lấy máu tụ. Nữ TNXP Thiệu đã thoát cơn hiểm nghèo nhưng vĩnh viễn không còn khả năng sinh đẻ.

Bác sỹ Nhật cùng vợ
Giải oan cho một cô gái Campuchia

Tháng 1/1979, bác sỹ Nhật cùng đơn vị sang làm nhiệm vụ tình nguyện tại Campuchia. Lúc này ông là đại uý, Tiểu đoàn trưởng Tiểu đoàn Quân y thuộc Sư đoàn 5.

Đơn vị đóng quân ở tỉnh Battambăng. 8 năm ròng, ngoài nhiệm vụ cứu chữa cho cán bộ chiến sỹ quân tình nguyện Việt Nam, đơn vị còn cứu chữa cho bộ đội và nhân dân nước bạn. Có những câu chuyện nghề nghiệp ông giữ mãi đến tận bây giờ.

Cô gái 22 tuổi tên là Xà Khượt ở thị trấn Xixôphôn, Battambăng là người Campuchia gốc Hoa. Chưa có chồng nhưng tự nhiên bụng Xà Khượt cứ to lên giống như người có chửa. Thế là mọi người khép cho cô gái trẻ tội chửa hoang.

Cô gái một mực kêu oan nhưng đến cả bố mẹ cũng không tin. Cô vô cùng đau khổ và không biết làm thế nào với cái bụng ngày cứ một to lên. Đến tháng thứ 9, một hôm cô lên cơn đau bụng. Gia đình đinh ninh là cô đã đến ngày sinh nở.

Cô được đưa đến bệnh xá của tiểu đoàn bác sỹ Nguyễn Anh Nhật. Bác sỹ Nhật nhớ lại lúc đó đã 21 giờ đêm, trời lại mưa to gió lớn, ông đang ngồi trực thì cô y tá lên báo cáo có một ca đau bụng đẻ nhưng khó đẻ, đề nghị bác sỹ xuống khám và cho ý kiến mổ.

Bác sỹ Nhật tiến hành khám cho sản phụ. Khám xong, ông quay sang nói với bác sỹ và y tá: “Đây không phải là ca đẻ mà là khối u bám vào buồng trứng phải mổ ngay”

Nghe bác sỹ cho biết, hai người đưa cô gái đến đã kể lại câu chuyện về “nỗi oan” của cô gái. Bác sỹ Nhật cử người ra ra làm công tác tư tưởng và đưa mẹ cô gái vào chứng kiến trực tiếp ca mổ. Chưa đầy 3 phút khối u đã được lấy ra nặng tới 3,2 kg.

Tấm ảnh về khối u của cô gái Campuchia ấy bác sỹ Nhật vẫn còn giữ đến ngày hôm nay. Cảm động trước tài năng của y bác sỹ Việt Nam, mẹ cô đã nói: “Bác sĩ Việt Nam giỏi lắm. Không những cứu sống con gái tôi mà còn minh oan cho con gái tôi”.

Cứu sống Tỉnh đội trưởng Keo Kim Gian

Ngày 8/11/1982, tại thị trấn Thômaruốc Battambăng, bác sỹ Nhật đang khám cho thương binh thì có sĩ quan cấp cao của bạn bị thương được đưa vào đội phẫu. Đó là ông Keo Kim Gian, Tỉnh đội trưởng Battambăng, đi xuống huyện kiểm tra thì bị bọn Pôn Pốt phục kích.

Một vết thương thấu bụng, máu ra nhiều. Bệnh nhân đang ở trong tình trạng hôn mê. Bằng kinh nghiệm, Bác sỹ Nhật khẳng định người sỹ quan này bị thương nặng vào gan. Vết thương nặng, chuyển đi là nguy hiểm tính mạng mà phải tiến hành mổ nhanh.

Bác sỹ Nhật điện về Sư đoàn trưởng trình bày tình trạng vết thương và cấp trên đã chỉ thị bằng mọi giá phải cứu tính mạng người sỹ quan này. Tất cả kíp mổ vận hành các công đoạn khẩn trương chưa từng thấy.

Đúng như chẩn đoán, mảnh đạn nằm gần, phá gan và làm thủng 13 lỗ ruột non. Bác sỹ Nhật cầm máu chảy ra từ gan, gắp mảnh đạn B41 đường kính 3 cm cắm vào gan sau đó tiến hành các thao tác kỹ thuật và khâu 12 mũi.

Xử lý vết thương nặng vào gan trong điều kiện trang thiết bị của đội phẫu tiểu đoàn là rất khó khăn, đòi hỏi trình độ, kinh nghiệm ngoại khoa và bản lĩnh vững vàng của bác sỹ.

Công đoạn mổ lâu nhất là nối ruột, phải khâu hơn 30 mũi. Sau 2 giờ 15 phút, ca mổ đã thành công. Đội phẫu tiếp tục điều trị vết thương cho Tỉnh đội trưởng Keo Kim Gian và 20 ngày sau ông được xuất viện. Tiếp đó, bác sỹ Nhật còn đến thăm kiểm tra vết thương cho ông nhiều lần. Khi chia tay, ông Keo Kim Gian không quên lấy địa chỉ quê quán bác sỹ Nguyễn Anh Nhật.

Cũng từ năm ấy, bác sỹ Nhật ra quân, trở lại quê hương và những kỷ niệm về những năm tháng ở chiến trường cũng dần dần lùi vào quá khứ.

Nghĩa tình của Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia

25 năm sau, vào dịp cuối tháng 11/2007, trong một lần xem thời sự trên VTV1, bác sỹ Nhật bất ngờ khi thấy đoàn cán bộ cấp cao Campuchia sang thăm Việt Nam, Trưởng đoàn là Bộ trưởng Quốc phòng Keo Kim Gian.

Bác sỹ Nhật nói với vợ: “Ông này đã được anh mổ vết thương cứu sống. Lúc đó ông ấy là Tỉnh đội trưởng, bây giờ là Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia”. Rồi Bác sỹ Nhật kể lại cho gia đình nghe câu chuyện mổ cứu sống ông Keo Kim Gian 25 năm về trước. Câu chuyện tưởng như đã kết thúc ở đấy.

Nhưng thật bất ngờ, 8 giờ sáng hôm sau, ông Nhật nhận được điện thoại từ Văn phòng Chính phủ. Nội dung cuộc điện thoại như sau: “Có đúng đồng chí là bác sĩ Nguyễn Anh Nhật, quê Thái Bình?”. “Đúng rồi!”. “Đồng chí nói thêm là ở xã nào, huyện nào ?”. “ Xóm 1, xã Vũ Đoài , huyện Vũ Thư”. “Thời gian ở Campuchia, đồng chí có mổ cho cán bộ lãnh đạo nào của nước bạn?”. “Có, ông ấy tên là Keo Kim Gian, lúc đó là Tỉnh đội trưởng. Hôm qua tôi đã nhìn thấy ông ấy trên chương trình thời sự VTV1” . “Vì thời gian công tác, Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia không về Thái Bình được nên ông ấy mời đồng chí lên ngay Văn phòng Chính phủ để gặp”.

Nghe xong cuộc điện thoại, bác sỹ Nhật vẫn không tin vào tai mình. Đã một phần tư thế kỷ, làm sao một Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Campuchia với muôn công ngàn việc nặng nề, quan trọng của đất nước - còn nhớ được địa chỉ quê hương bản quán của ông - một bác sỹ quân y Việt Nam?

Cả gia đình vội chuẩn bị cho bác sỹ đi ngay Hà Nội. 12 giờ bác sỹ Nhật đến Văn phòng Chính phủ. Hơn chục sĩ quan cao cấp Campuchia và Bộ trưởng Quốc phòng Keo Kim Gian đã đợi bác sỹ Nhật ở nhà khách.

Bộ trưởng Quốc phòng Campuchia ôm chầm lấy bác sỹ Nhật. Rồi cả hai người đều khóc.

Nhìn một vị tướng đứng đầu quân đội và một thiếu tá cựu chiến binh sau 25 năm gặp lại nhau với những tình cảm nồng ấm thân thương, các tướng lĩnh Campuchia cũng như cán bộ Việt Nam đều cảm động và trân trọng tình sâu nghĩa nặng của họ.

Rồi hai người hàn huyên trò chuyện. Bộ trưởng Keo Kim Gian nhắc lại công lao của Bộ đội tình nguyện Việt Nam trong đó có bác sỹ Nhật đã sát cánh cùng quân dân Campuchia chiến đấu giành lại cuộc sống tự do. Cán bộ chiến sĩ Quân đội Campuchia từ đó đến nay đã trưởng thành lên rất nhiều.

Bộ trưởng Keo Kim Gian bồi hồi kể lại lần bị thương rất nặng và cảm ơn bác sỹ Nhật cùng các y bác sỹ Việt Nam đã mổ kịp thời vết thương cho ông năm ấy.

Bộ trưởng cho biết ông khắc tâm địa chỉ quê quán của bác sỹ Nhật từ đấy và mong có dịp sang Việt Nam gặp lại ân nhân của mình. Bộ trưởng cũng cho biết từ ngày mổ đến nay vết thương không hề có biến chứng gì. Bộ trưởng đã chân thành mời bác sỹ Nhật cùng vợ thăm lại đất nước Campuchia. Nếu không bận, đích thân Bộ trưởng sẽ ra sân bay đón vợ chồng bác sỹ Nhật.

Bác sỹ Nhật cảm động trước thịnh tình của vị Bộ trưởng Quốc phòng và bày tỏ tình cảm rất muốn trở lại thăm đất nước Campuchia, thăm lại những cán bộ chiến sĩ, nhất là những người dân mà bác sỹ cùng các y bác sỹ Việt Nam đã cứu chữa.

Rời quân ngũ, bác sỹ Nhật suốt 20 năm qua trở thành bác sỹ cộng đồng, tiếp tục làm công tác khám chữa bệnh cho nhân dân trong vùng. Những ca bệnh nặng, bác sỹ đến tận nhà. Có bệnh nhân nghèo quá bác sỹ cho cả thuốc men. Bác sỹ Nhật cũng đã cứu sống nhiều ca bệnh hiểm nghèo.

Gần đây do bệnh tiểu đường và huyết áp nên sức khỏe bác sỹ Nhật giảm sút. Chính vì vậy để thực hiện chuyến đi Campuchia theo lời mời của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Keo Kim Gian, bác sỹ Nhật tích cực điều trị và luyện tập. Khi huyết áp ổn định, ngày 6/5/2008, bác sỹ Nhật cùng vợ đã lên máy bay sang Campuchia thăm lại chiến trường xưa.

Thái Bình 8/5/2008

L.Q.H
(theo Tienphongonline)



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™