Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 12-11-2008, 11:33 AM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Một thành công trong chỉ đạo chiến lược của Đảng ta

Trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc ta, cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 là một trong những mốc quan trọng. Nó đã giáng một đòn quyết định vào ý chí xâm lược của đế quốc Mỹ, buộc chúng phải xuống thang chiến tranh, chấp nhận ngừng ném bom đánh phá miền Bắc và ngồi vào bàn đàm phán với ta tại Hội nghị Pa-ri. Nhà sử học Ga-bri-en Côn-cô đánh giá: “Tiến công tết Mậu Thân là một cú sốc đối với Mỹ... Tác động quyết định nhất của cuộc tiến công Tết cho ta thấy rằng thực tế Mỹ đang đứng trước cuộc khủng hoảng tiềm tàng và nghiêm trọng”(1).

Thắng lợi của cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968 có nhiều nguyên nhân. Một trong những nguyên nhân đó là sự chỉ đạo chiến lược sắc bén và tài tình của Đảng ta. Điều này được thể hiện trên mấy điểm lớn sau:

Thứ nhất, Đảng đã nhạy bén nắm bắt thời cơ, kịp thời đề ra chủ trương chiến lược đúng đắn, sáng tạo. Chúng ta đều biết, từ giữa năm 1965, thất bại trong chiến lược chiến tranh đặc biệt, đế quốc Mỹ ồ ạt đưa quân viễn chinh vào miền Nam Việt Nam thực hiện chiến lược chiến tranh cục bộ với hy vọng bằng lực lượng quân sự áp đảo có thể đè bẹp lực lượng cách mạng, nhanh chóng kết thúc chiến tranh. Đến tháng 12-1967, Mỹ đã huy động tới nửa triệu quân với 40% số sư đoàn bộ binh sẵn sàng chiến đấu của nước Mỹ, 30% lực lượng không quân chiến thuật, 1/3 lực lượng hải quân vào cuộc chiến tranh ở Việt Nam. Song các mục tiêu mà Mỹ đặt ra trong chiến tranh cục bộ đều không thực hiện được. Ở miền Nam, cả hai cuộc phản công chiến lược quy mô lớn chưa từng có trong mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 không những không đạt được kết quả gì đáng kể, trái lại, chúng còn bị quân và dân miền Nam đánh cho thiệt hại nặng nề. Gọng kìm “tìm diệt” bị bẻ gãy. Đi đôi với nó, gọng kìm “bình định” cũng không có gì sáng sủa hơn. Năm 1967, chính quyền Sài Gòn chỉ còn kiểm soát được 5.400 trong tổng số 16.293 ấp trên toàn miền Nam. Ở miền Bắc, cuộc chiến tranh phá hoại bằng không quân và hải quân Mỹ hòng ngăn chặn sự chi viện của miền Bắc cho miền Nam và uy hiếp tinh thần kháng chiến của nhân dân ta cũng bị trừng trị đích đáng. Chỉ tính trong năm 1967, đã có 1.067 máy bay, 69 tàu chiến bị bắn rơi, bắn cháy. Thất bại trong chiến tranh ở Việt Nam đã làm cho tình hình chính trị-xã hội nước Mỹ đã phức tạp càng phức tạp thêm. Nội bộ chính quyền Mỹ bị chia rẽ sâu sắc. Mâu thuẫn giữa chính quyền và quốc hội Mỹ ngày càng tăng. Phong trào phản đối chiến tranh dâng cao khắp nước Mỹ. Không chỉ có vậy, chi phí cho chiến tranh Việt Nam cũng là gánh nặng ảnh hưởng không nhỏ đến nền kinh tế, chính sách xã hội, xây dựng quốc phòng, thậm chí cả chiến lược toàn cầu của Mỹ. Tính đến 1968, chi phí cho chiến tranh Việt Nam đã lên tới 60 đến 70 tỉ đô-la (gấp 3 lần chiến tranh Triều Tiên). Tình hình trên cho thấy, mặc dù lực lượng quân sự của Mỹ-ngụy còn rất đông, tiềm lực chiến tranh còn dồi dào, nhưng trước những thất bại liên tiếp trên cả hai miền Nam-Bắc, nội bộ giới cầm quyền Mỹ có sự phân hóa sâu sắc. Mỹ bị đẩy vào thế ngập ngừng về chiến lược, tiến thoái lưỡng nan. Năm 1968 lại là năm bầu cử Tổng thống nước Mỹ-một thời điểm rất nhạy cảm về chính trị. Điều này buộc Tổng thống đương nhiệm Giôn-xơn phải tính toán, thận trọng để đưa ra các quyết sách nhất là đường lối chiến tranh Việt Nam, nhằm tạo sự ủng hộ của cử tri trong cuộc chạy đua vận động bầu cử.

Trong khi đó, về phía ta, mặc dù còn có một số hạn chế như vấn đề bổ sung lực lượng vũ trang tại chỗ, khả năng đánh tiêu diệt những đơn vị lớn của Mỹ, về bảo đảm hậu cần… song ta đang ở thế thắng, thế chủ động và thuận lợi. Chúng ta đã thắng địch cả về chiến lược và chiến thuật. Thế và lực của ta phát triển mạnh mẽ hơn bao giờ hết. Lực lượng quân sự và chính trị của ta ở miền Nam đã lớn mạnh hơn bất cứ thời kỳ nào trước đó. Các lực lượng vũ trang của ta đã có những bước tiến vượt bậc, vận dụng những phương thức tác chiến chiến lược độc đáo và linh hoạt, diệt được nhiều sinh lực địch, đặc biệt, đã từng đánh và giành được thắng lợi ở một số đô thị lớn nhỏ, căn cứ sân bay, kho tàng và đường giao thông chiến lược của địch. Ta giữ vững và mở rộng quyền làm chủ, hình thành thế bao vây xung quanh các căn cứ, thị xã, đẩy mạnh đấu tranh chính trị ở các đô thị.

Có thể nói, chúng ta đã đánh thắng một bước quan trọng chiến lược chiến tranh cục bộ với nỗ lực quân sự cao nhất của đế quốc Mỹ, đẩy chúng vào thế bị động, lúng túng, tiến, lùi đều khó. Từ đó có thể khẳng định cho dù Mỹ có đổ thêm quân, tăng thêm vũ khí vào miền Nam, chúng cũng không thể làm thay đổi được cục diện chiến trường.

Trên cơ sở đánh giá cụ thể so sánh tương quan lực lượng địch-ta, Hội nghị Bộ Chính trị (12-1967) nhận định: “Chúng ta đang đứng trước triển vọng và thời cơ chiến lược lớn”. Tình hình đó cho phép chúng ta “có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới-thời kỳ tiến công và nổi dậy giành thắng lợi quyết định”.

Chủ trương của Bộ Chính trị được cụ thể hóa trong nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (01-1968) với việc xác định: “Nhiệm vụ trọng đại và cấp bách của ta trong thời kỳ mới là động viên những nỗ lực lớn nhất của toàn Đảng, toàn quân, toàn dân ở cả hai miền, đưa cuộc chiến tranh cách mạng của ta lên bước phát triển cao nhất, dùng phương pháp tổng công kích và tổng khởi nghĩa để giành thắng lợi quyết định”(2). Mục tiêu chiến lược của tổng công kích, tổng khởi nghĩa là: Tiêu diệt và làm tan rã tuyệt đại bộ phận quân ngụy, đánh đổ ngụy quyền các cấp, giành toàn bộ chính quyền về tay nhân dân, tiêu diệt một phần quan trọng sinh lực và phương tiện chiến tranh của Mỹ, làm cho quân Mỹ không thực hiện được các nhiệm vụ chính trị và quân sự của chúng ở Việt Nam. Trên cơ sở đó “đập tan ý chí xâm lược của Mỹ, buộc Mỹ phải chịu thua ở miền Nam, chấm dứt mọi hành động chiến tranh đối với miền Bắc, còn ta thì bảo vệ được miền Bắc xã hội chủ nghĩa và đạt được những mục tiêu trước mắt của cách mạng miền Nam là độc lập, dân chủ, hòa bình, trung lập, tiến tới thống nhất nước nhà”(3). Đây quả là một chủ trương táo bạo, đúng đắn và kịp thời của Đảng ta. Nó thể hiện sự nhạy bén nắm bắt thời cơ chiến lược của Đảng trong chỉ đạo chiến tranh, bởi năm 1968 hội tụ đủ các điều kiện về chính trị, quân sự, ngoại giao để ta mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy giành thắng lợi lớn theo ý đồ của ta. Điều này được khẳng định trong thư đồng chí Lê Duẩn gửi Trung ương Cục miền Nam ngày 18-01-1968 với tiêu đề Thời cơ là hết sức quan trọng.

Trong thư, đồng chí Lê Duẩn viết: “Từ ba, bốn năm nay, ta đã chuẩn bị lực lượng và thế trận cho trận quyết chiến chiến lược này. Song vì nhiều lý do, lực lượng ta chuẩn bị chưa đủ. Tuy vậy, như Trung ương đã phân tích, khi đã có thời cơ thuận lợi, nếu chúng ta biết làm và làm đúng, có sự nỗ lực vượt bậc thì lực lượng ít cũng có thể tạo nên sức mạnh, bảo đảm giành thắng lợi rất to lớn, rất quan trọng” (4).

Cũng cần nói thêm rằng, nếu ta làm sớm hơn, một mặt ta chưa đủ sức, mặt khác, khi Mỹ chưa bị thất bại trong hai cuộc phản công mùa khô 1965-1966 và 1966-1967 (với nỗ lực quân sự cao nhất) thì khó có thể làm lung lay ý chí xâm lược của chúng. Nếu để muộn hơn, năm bầu cử Tổng thống Mỹ qua đi, áp lực quân sự trên chiến trường Việt Nam khó có thể làm rung chuyển nước Mỹ, buộc Giôn-xơn và phái “diều hâu” thay đổi chính sách về chiến tranh Việt Nam. Tất cả những điều này đều được Đảng ta tính đến khi chọn thời cơ mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Đặc sắc hơn, Đảng ta chọn thời điểm mở cuộc Tổng tiến công và nổi dậy vào dịp Tết Nguyên đán-đúng vào đêm giao thừa, lúc địch dễ sơ hở, chủ quan. Thực tế cho thấy, vào những ngày này, lực lượng quân đội Sài Gòn chỉ còn khoảng 50% quân số có mặt tại đơn vị. Điều này tạo thuận lợi cho ta đánh chiếm các mục tiêu.

Thứ hai, chọn hình thức và phương pháp tiến công phù hợp, hiệu quả. Trong điều kiện về quân sự địch còn khá mạnh (hơn 1 triệu quân cả Mỹ và ngụy) với tiềm lực chiến tranh dồi dào, trong khi đó, lực lượng ta chưa bằng 1/3 (vào thời điểm 1967 cả bộ đội chủ lực và địa phương ta mới có chưa đến 300.000 quân), vũ khí trang bị còn nhiều hạn chế, ta lại chưa có kinh nghiệm đánh lớn. Để giành thắng lợi có tính quyết định, chúng ta phải chọn được hình thức, phương pháp tiến công phù hợp. Đây là điều Bộ Chính trị và Quân ủy Trung ương trăn trở, cân nhắc rất kỹ.

Lúc đầu, Bộ Tổng tham mưu đề xuất phương án tác chiến trong Đông Xuân 1967-1968 là đánh những trận tiêu diệt lớn với những chỉ tiêu, định mức tiêu diệt địch cao hơn (phấn đấu diệt lữ đoàn Mỹ, đánh gục sư đoàn ngụy), giải phóng dân, đẩy mạnh đấu tranh đô thị… Với phương án này, ta vẫn sử dụng lực lượng quân sự là chính nhằm đánh diệt quân địch với quy mô cao hơn, đồng thời đẩy mạnh đấu tranh chính trị và binh vận, từng bước giành quyền làm chủ ở các đô thị và vùng xung quanh. Cách đánh này không có gì mới và khó có thể tạo được chuyển biến chiến lược, trong khi tình hình như Bộ Chính trị đã nhận định cho phép ta có thể chuyển cuộc chiến tranh cách mạng sang một thời kỳ mới-thời kỳ giành thắng lợi quyết định. Nhưng chuyển bằng cách nào? Cân nhắc, tính toán kỹ các khả năng, Bộ Chính trị đã quyết định chọn phương thức tiến công mới phát huy được sức mạnh tổng hợp lớn nhất để giáng cho địch một đòn quyết định, tạo cục diện mới của chiến tranh. Phương thức đó là Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt dưới nhiều hình thức (quân sự, chính trị, binh vận), bằng nhiều lực lượng (chủ lực, đặc công, biệt động, lực lượng tại chỗ…), trên khắp các địa bàn chiến lược (đồng bằng, rừng núi, đô thị) buộc địch phải căng kéo lực lượng đối phó ở khắp nơi.

Để làm việc này, trước hết ta phải kéo được quân chủ lực địch, nhất là quân Mỹ ra các chiến trường mà ta có nhiều lợi thế (như vùng rừng núi, giáp ranh) để tiêu diệt một bộ phận quan trọng và giam chân các đơn vị lớn quân Mỹ ở đây, tạo thuận lợi cho các chiến trường khác trên toàn miền Nam, nhất là các thành phố lớn, thị xã, căn cứ quân sự-hướng trọng điểm của cuộc tiến công giành thắng lợi. Chiến dịch Đường 9-Khe Sanh ta mở trước Tết 10 ngày chính là để thực hiện ý đồ này.

Khi quân Mỹ và chủ lực ngụy tập trung đối phó ở Khe Sanh, đúng đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, ta đồng loạt tiến công địch ở 4 thành phố, 37 thị xã, hàng trăm thị trấn, 4 Bộ Tư lệnh quân đoàn, hầu hết các Bộ Tư lệnh sư đoàn, 30 sân bay và 10 cơ sở hậu cần. Cùng lúc đó, tại các vùng nông thôn Nam Bộ và Trung Trung Bộ, quân và dân ta kết hợp tiến công và nổi dậy phá rã từng mảng lớn bộ máy kìm kẹp, bức hàng, bức rút hàng trăm đồn bốt. Quân ngụy tan rã từng mảng lớn. Tại Sài Gòn, ta sử dụng đặc công, biệt động đánh thẳng vào tòa Đại sứ Mỹ. Lịch sử chiến tranh Việt Nam có lẽ chưa bao giờ có cuộc tiến công đồng loạt, đều khắp và rộng lớn như cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968. Xét cả về quy mô cũng như tính đồng loạt, Mậu Thân 1968 lớn hơn nhiều so với Đồng Khởi cuối 1959-1960. Nó thực sự đã sáng tạo ra một hình thức tiến công chiến lược mới với hiệu lực chiến đấu “cộng hưởng” lớn lao chưa từng có, làm lung lay ý chí xâm lược của một đế quốc đứng vào hàng “siêu cường”. Chính cuộc tiến công táo bạo này đã làm rung chuyển cả Nhà Trắng và Lầu Năm góc, gây chấn động dữ dội không chỉ ở nước Mỹ mà cả thế giới. Mắc-xoen Tay-lo, cựu Đại sứ Mỹ ở Sài Gòn, đã từng viết trong hồi ký của mình: “Những điều bất ngờ thực sự mà cuộc tiến công Tết 1968 đã gây cho tôi không phải là việc đối phương đã mở được một cuộc tiến công lớn mà chính là việc họ đã mở cùng một lúc nhiều trận tiến công mãnh liệt đến như thế”.

Hãng thông tấn AFP (Pháp) ngày 3-2-1968 đã bình luận: “Đây chắc chắn là chiến trường rộng lớn nhất trong các cuộc chiến tranh. Toàn bộ nước Việt Nam bốc lửa từ Khe Sanh đến Cà Mau”. Còn Mai-cơn Mác-li-a trong tác phẩm “Cuộc chiến tranh mười ngàn ngày” nhận xét: “Chiến tranh Việt Nam có quá nhiều bất ngờ nhưng không có bất ngờ nào làm người ta phải sửng sốt nhiều hơn trận tiến công Tết. Đặc biệt nó lại diễn ra ngay trong Sứ quán Mỹ ở Sài Gòn, nơi từng nhiều lần tuyên bố rằng tình hình tồi tệ đã qua rồi” (5).

Rõ ràng, với việc lựa chọn hình thức tiến công mới-hình thức Tổng tiến công và nổi dậy đồng loạt, với một lực lượng không nhiều, bằng sự phối hợp giữa các chiến trường trên quy mô toàn miền ta đã tạo hiệu lực mang tính chiến lược làm cho trận chiến Xuân Mậu Thân 1968 trở thành một trận quyết chiến chiến lược làm thay đổi hoàn toàn cục diện cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Đây thực sự là một sáng tạo độc đáo trong tư duy chiến lược của Đảng ta, một điển hình về nghệ thuật chỉ đạo chiến tranh cách mạng Việt Nam.

Thứ ba, chọn hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu táo bạo, bất ngờ. Mậu Thân 1968, chúng ta không chỉ sáng tạo về phương thức tiến công, việc chọn hướng và mục tiêu tiến công chủ yếu cũng có những nét độc đáo và đặc sắc.

Về hướng tiến công chủ yếu, khác Đồng khởi 1959-1960 và các đợt hoạt động trước đó, ta thường nhằm vào các vùng nông thôn, đồng bằng và rừng núi-nơi địch tương đối yếu. Mậu Thân 1968 ta chọn hướng tiến công chủ yếu là các đô thị-nơi tập trung các cơ quan đầu não Trung ương và địa phương của chính quyền Sài Gòn, chính vì vậy, ở đây địch khá mạnh. Đây có thể nói là một bất ngờ lớn đối với địch, bởi chúng vẫn cho rằng bộ đội ta ít kinh nghiệm đánh thành phố và chưa có khả năng đánh vào các trung tâm đầu não của chúng. Mặt khác, từ đầu năm 1968, ta chủ động mở Mặt trận đường 9, coi đây là một hướng tiến công chính của chủ lực, vừa tiêu hao, tiêu diệt chủ lực địch, đồng thời kéo một lực lượng lớn quân Mỹ ra giam chân tại Khe Sanh. Địch không bao giờ biết được đây là một đòn nghi binh chiến lược. Và trong lúc địch loay hoay đối phó trên hướng Khe Sanh, thì ta đồng loạt tiến công vào hầu khắp các đô thị trên toàn miền Nam. Chọn đô thị làm hướng tiến công chủ yếu là ta đã chọn vào nơi hiểm yếu nhất của kẻ thù. Đây là lần đầu tiên trong kháng chiến chống Mỹ ta đưa chiến tranh vào thành thị, thực hiện một đòn đánh hiểm, đánh đau, đánh vào yết hầu, vào "trung ương thần kinh địch". Bằng đòn này ta đã phơi bày đầy đủ sự thất bại về quân sự và sự yếu kém trong tiến hành chiến tranh của Mỹ-ngụy. Chính Oét-mo-len, Tổng chỉ huy quân đội Mỹ ở miền Nam lúc đó, đã thừa nhận: "Việt Cộng đã đưa chiến tranh đến các thành phố, các đô thị, đã gây thương vong thiệt hại và nền kinh tế bị phá hoại… các trung tâm huấn luyện bị đóng cửa. Nói theo quan điểm thực tế thì chúng ta phải công nhận đối phương đã giáng cho chính phủ Nam Việt Nam một cú đấm nặng nề". Rô-bớt Ken-nơ-đi, Thượng nghị sĩ Mỹ, cũng phải thốt lên rằng: "Tại sao nửa triệu lính Mỹ, có 70 vạn lính Nam Việt Nam cộng tác, có ưu thế hoàn toàn trên không và ngoài biển, được cung cấp quá đầy đủ và được trang bị vũ khí hiện đại nhất lại không có khả năng bảo vệ được thành phố khỏi bị đối phương tiến công".

Về mục tiêu tiến công chủ yếu, Xuân Mậu Thân 1968 ta nhằm vào các mục tiêu "yết hầu", "huyết mạch", "tim óc" của địch, nơi rất hiểm và nhạy cảm nhất, chỗ mạnh nhất và cũng là nơi địch đang có sơ hở. Đó là các cơ quan đầu não Trung ương và địa phương của chính quyền Sài Gòn, các sở chỉ huy, bộ tư lệnh, sân bay, bến cảng, kho tàng, căn cứ truyền tin, đầu mối giao thông… Đặc biệt ở Sài Gòn-thủ phủ của chính quyền Sài Gòn-các mục tiêu trọng yếu được xác định là Bộ Tổng tham mưu ngụy, Dinh Độc lập, Đài phát thanh, Tòa Đại sứ Mỹ, Bộ Tư lệnh Hải quân, Biệt khu Thủ đô, Tổng nha Cảnh sát… Đây là những nơi tập trung sinh lực cao cấp của địch và khá nhạy cảm trong bộ máy chiến tranh của Mỹ-ngụy ở miền Nam. Đánh được các mục tiêu này chắc chắn sẽ gây tiếng vang, tạo ảnh hưởng lớn đến cục diện chiến tranh. Đây quả là một quyết định táo bạo và chưa từng được thực hiện kể từ khi Mỹ nhảy vào miền Nam Việt Nam tiến hành chiến tranh xâm lược. Chỉ riêng việc đánh và chiếm giữ tòa Đại sứ Mỹ trong nhiều giờ đã tạo hiệu ứng vô cùng lớn như Đôn O-bớc-đoi-phơ trong tác phẩm "TẾT" của mình đã nhận xét: "Xem ra toàn thế giới đang hướng về sứ quán và phán xét hành động này như thể toàn bộ cuộc chiến tranh sẽ được quyết định"(6). Tờ Thời báo Niu Y-oóc, một tờ báo lớn nhất nước Mỹ, số ra ngày 1-2-1968 đã bình luận: "Cuộc tiến công của đối phương đột nhập cả Đại sứ quán Mỹ ở Sài Gòn cho thấy thêm những bằng chứng đau xót về sức mạnh có hạn của Mỹ ở châu Á… Đây rõ ràng không phải hành động của một đối thủ đang yếu dần như các nhà quân sự Mỹ đã khẳng định hồi tháng 11-1967".

Từ phân tích trên, chúng ta có thể đánh giá cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Tết Mậu Thân 1968 là một chủ trương chiến lược đúng đắn và sáng tạo, là một sáng kiến lịch sử của Đảng ta trong sự nghiệp kháng chiến chống Mỹ, cứu nước. Nét đặc sắc của Mậu Thân 1968 thể hiện trên nhiều điểm, nhưng tập trung nhất là việc phát hiện thời cơ, hạ quyết tâm chính xác, kịp thời, xác định hướng tiến công chủ yếu một cách táo bạo và tìm ra phương thức tiến công mới. Chính những điều này đã tạo cho Mậu Thân 1968 thắng lợi rất to lớn như Bộ Chính trị đã đánh giá tại Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương lần thứ 21 (10-1973): “Mậu Thân 1968 là một thắng lợi có ý nghĩa chiến lược cực kỳ quan trọng tạo ra bước ngoặt quyết định của cuộc chiến tranh, đánh dấu sự thất bại của chiến lược chiến tranh cục bộ của Mỹ, buộc Mỹ phải chuyển sang chiến lược phòng ngự trên toàn chiến trường, phải ngồi vào bàn đàm phán với ta ở Pa-ri, chấm dứt chiến tranh không điều kiện, chủ trương phi Mỹ hóa chiến tranh, mở đầu thời kỳ xuống thang chiến tranh”(7).

Mặc dầu vậy, Mậu Thân 1968 không phải không có khuyết điểm, thậm chí là khuyết điểm nghiêm trọng. Cũng tại Hội nghị Trung ương lần thứ 21, Đảng ta đã nghiêm khắc kiểm điểm và chỉ rõ: "Chúng ta cũng đã mắc một số khuyết điểm: Chủ quan trong việc đánh giá tình hình cho nên ta đã đề ra yêu cầu chưa thật sát với tình hình thực tế lúc đó, nhất là sau tiến công Tết Mậu Thân, ta đã không kịp thời kiểm điểm và rút kinh nghiệm ngay, nhằm đánh giá lại tình hình và có chủ trương chuyển hướng kịp thời".

Những thành công và chưa thành công của Mậu Thân 1968 để lại cho chúng ta bài học đắt giá về việc nhìn nhận, đánh giá tình hình để có chủ trương và biện pháp đúng đắn phù hợp với thực tiễn và quy luật phát triển của lịch sử. 40 năm đã trôi qua, những bài học đó đến nay vẫn còn nguyên giá trị. Trong sự nghiệp công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước, chúng ta cũng phải dám nhìn thẳng vào sự thật để đương đầu với những thách thức khó khăn trên con đường đi tới đích cuối cùng của cách mạng Việt Nam là xây dựng một nước Việt Nam XHCN dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh.

(1) Ga-bri-en Côn-cô: Giải phẫu một cuộc chiến tranh, T1, NXB Quân đội nhân dân, H.1980, Tr. 312.

(2, 3) Nghị quyết Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng lần thứ 14 (01/1968).

(4) Lê Duẩn: Thư vào Nam, NXB Sự thật, H, 1985, tr.192.

(5) Mai-cơn Mác-li-a: Cuộc chiến tranh mười ngàn ngày, NXB Sự thật, H, 1990, tr.148.

(6) Đôn O-bớc-đoi-phơ: Tết, NXB An Giang 1988, tr. 25.

(7) Báo cáo của Bộ Chính trị tại Hội nghị Trung ương lần thứ 21.

Thượng tướng PHAN TRUNG KIÊN

Ủy viên Trung ương Đảng, Thứ trưởng Bộ Quốc phòng



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™