Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 18-10-2008, 02:54 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Chào mừng ngày 20-10:Từ ni cô trở thành phu nhân đại tướng

Ngôi chùa Bột Xuyên cổ kính tọa lạc tại huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Cho đến nay, nhân dân trong vùng vẫn truyền nhau câu chuyện về một vị sư trẻ, đẹp trai, đọc thông kinh kệ, từng làm nhiều cô gái trong làng xiêu lòng. Nhưng không ai biết rằng, vị sư 25 tuổi đó là một cán bộ Việt Minh, sau này là Đại tướng Văn Tiến Dũng, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng Quân đội nhân dân Việt Nam. Điều kỳ lạ nữa là “nhà sư” này lại thành hôn với một “ni cô”, một người cũng có số phận khá đặc biệt.

Vào một buổi chiều cuối thu năm 2007, chúng tôi đến tiếp nhận những kỷ vật kháng chiến của cố Đại tướng Văn Tiến Dũng được gia đình ông trao tặng lại Bảo tàng Lịch sử quân sự Việt Nam.

Ngôi nhà nằm trong ngõ Tôn Thất Thiệp, Hà Nội, được xây dựng theo kiểu kiến trúc biệt thự Pháp. Bóng nắng phơ phất lọt qua vòm lá xum xuê rọi xuống gian tiền sảnh. Cả một không gian yên tĩnh đượm hương ngọc lan ngan ngát.

Đón chúng tôi là bà Nguyễn Thị Kỳ, phu nhân của cố Đại tướng Văn Tiến Dũng. Mái tóc đã bạc trắng nhưng trên khuôn mặt hồng hào của bà với nét mày đậm cong, sống mũi thẳng và nụ cười duyên dáng toát lên vẻ đẹp cao sang, quý phái.

Bà đưa chúng tôi vào phòng khách và rót nước mời. Bà đã chuẩn bị sẵn những kỷ vật của ông. Bà nói: “Ông nhà tôi đã dặn, sau khi ông đi gặp Bác Hồ, những kỷ vật này nên trao tặng lại bảo tàng, nhưng từ ngày ông ấy đi xa, tôi không muốn rời nó. Các con, các cháu bận công việc, học hành, ở nhà buồn, tôi lại lấy những kỷ vật này ra ngắm cho đỡ nhớ ông, và để tìm về một thời xa vắng của gần 60 năm về trước”…

Con đường cách mạng

Bà bắt đầu câu chuyện: “Quê tôi ở làng Đồng Nhân, Hà Nội. Bố tôi là Cái Văn Cát, làm nghề dạy võ và chạy giấy ở sở địa chính. Mẹ tôi là vợ hai, xinh đẹp và đảm đang, nên được bố tôi yêu lắm. Sinh tôi ra, bố mẹ đặt tên là Tám, Cái Thị Tám. Mới 7 tuổi, tôi mồ côi mẹ. Tôi được thừa hưởng nết chịu thương, chịu khó giống mẹ nên được bố cưng nhất nhà. Ngày hai buổi đi làm ở sở địa chính, tối về ông dạy võ ở nhà. Tôi là con gái duy nhất được ông cho học võ cùng với các môn sinh. Năm 1936, gia đình tôi tậu được căn nhà ở phố Lò Lợn, gần chợ Mơ, nên chuyển về đây sinh sống, buôn bán. Bố tôi căm ghét thực dân Pháp, có cảm tình với cách mạng và được giác ngộ. Hồi đó, mật thám Pháp giăng lưới bắt cán bộ cách mạng khắp nơi, vậy mà bố tôi đã nuôi giấu cán bộ trong nhà. Khi đó tôi chưa biết gì, chỉ biết nhà thường đông khách đến buôn bán và ở trọ. Người được gia đình tôi nuôi giấu đầu tiên là đồng chí Lê Liêm, sau đó là các đồng chí: Phan Trọng Tuệ, Hoàng Văn Thụ, Nguyễn Lương Bằng, Nguyễn Thọ Chân, Bạch Thành Phong…

Năm 1940, cha tôi lâm bệnh nặng rồi qua đời. Gia đình khó khăn, mấy anh chị em tôi bán căn nhà ở Lò Lợn chuyển về sống ở xóm Rền Gai - Lương Yên. Năm 1942, tôi được giác ngộ cách mạng và thoát ly gia đình, nhận nhiệm vụ công tác binh vận, bắt liên lạc với anh em tù ở căng Bá Vân. Nhà tù này ở Chợ Chu, Thái Nguyên, là nơi thực dân Pháp giam giữ cán bộ cách mạng”.

Cơ duyên dưới nếp chùa

Làm công tác binh vận được một thời gian, bà được chuyển sang làm công tác dân vận. Tổ chức bố trí đưa bà đến chùa Đề Trụ, Gia Lâm làm tiểu cho cụ Đề Trụ với tên Bắc. Nhân dân quanh vùng đến chùa cúng Phật thấy tiểu xinh đẹp, chăm chỉ ai nấy yêu mến, thường gọi là tiểu Bắc.

Vốn con gái thành thị đến nương nhờ cửa Phật phải làm những việc của nhà nông như xay thóc, giã gạo, dần sàng, cuốc đất, trồng rau… đối với bà thật khó khăn, vất vả, nhưng làm nhiều thành quen. Có một việc làm bà lo nhất là mang công văn, tài liệu, báo chí, tin tức đến các cơ sở của Đảng. Khuôn mặt đẹp, nước da trắng hồng, răng trắng… của bà dầu có khoác áo nâu sồng, bôi lấm lem nhưng cứ ra đường là trăm mắt nhìn theo. Bà cúi đầu, che mặt nhưng không tránh được những lời trêu ghẹo của đám con trai. Nhưng với sự thông minh, khôn khéo, bà đều chuyển công văn, tài liệu, tin tức đến các cơ sở an toàn.
Được ít lâu, xảy ra chuyện lý trưởng của làng đòi cưới tiểu Bắc làm vợ. Sợ bại lộ, Xứ ủy quyết định chuyển bà sang chùa Ghênh thuộc huyện Văn Lâm, Hưng Yên, được đặt tên mới là tiểu Bình. Hằng ngày, tiểu Bình được cụ Quỳnh dạy kinh niệm phật, thỉnh thoảng đi chợ bán rau, làm nhiệm vụ cách mạng giao. Được vài tháng, cháu của cụ Quỳnh ở Hà Nội về chơi, thấy tiểu của cụ xinh đẹp, ở lỳ không đi, đòi lấy bằng được tiểu Bình làm vợ. Một lần nữa bà lại được bố trí về làm con nuôi cho một cụ bán nước chè xanh ở làng Bỏi, Đông Anh. Cô gái nuôi giúp mẹ bán nước, thỉnh thoảng đi “chợ xa”. Một lần bà được phân công liên lạc với một vị sư ở chùa Bột Xuyên tên là Hoài. Năm 1942, Hoài vừa trốn tù ra, chưa bắt được liên lạc với tổ chức, tự gây cơ sở. Đến Mỹ Đức, Hoài gặp lý trưởng làng Vĩnh Lạc là Lý Bảng. Lý Bảng có cảm tình với cách mạng, lại quý Hoài vì hai người thường đàm đạo thơ văn. Để giúp Hoài, Lý Bảng bố trí cho Hoài cải trang làm sư ở trong chùa. Nhà chùa ở cuối làng, hẻo lánh, cây cối um tùm, ngày rằm, mùng một người đi lễ đông, nên thuận tiện cho Hoài liên lạc với tổ chức.

Bà nhớ lại: “Lần đầu tiên gặp Hoài, nhìn vị sư gầy gò nhưng đôi mắt sáng, vầng trán thông minh, ăn nói dễ nghe, tôi đã có cảm tình. Nhiều lần gặp nhau, bắt gặp ánh mắt của Hoài, tôi thấy nao lòng. Thế rồi một lần, tôi nhận được một lá thư vẻn vẹn có một dòng “Ngày mai mình gặp nhau ở chợ Táo”, dưới ký chữ Hoài.

Cả đêm tôi không ngủ được. Cầm bức thư trong tay, tôi đọc đi đọc lại, ngẫm nghĩ mông lung, rồi cho bức thư vào miệng nhai, nuốt đi lúc nào không hay. Sáng sớm hôm sau, tôi cắp thúng đi chợ. Hoài cũng có mặt đúng lúc đó. Hoài nói với tôi nhiều thứ lắm, nhắc nhở tôi trong công việc lúc nào cũng phải cẩn thận, cảnh giác, bí mật. Cuối cùng Hoài nói đến chuyện tình yêu đôi lứa. Tôi chỉ nhớ một câu anh bảo: “Mong cho nước nhà được tự do sẽ xây dựng tổ ấm của chúng mình”. Bữa đó, Hoài đãi tôi bát phở cua và thịt chuột. Nghe nói thịt chuột, tôi sợ hết hồn. Nhìn anh ăn ngon lành, còn tôi nhón từng sợi bánh…

Loanh quanh đến chiều tối, anh và tôi ra bến chờ đò. Trời bỗng đổ mưa, sấm chớp đùng đùng. Dựa vào vai anh, tôi cảm thấy có thể trao cuộc đời mình cho anh”.

Đám cưới và cuộc sống của vợ lính

Đầu năm 1944, Xứ ủy Bắc Kỳ họp ở Trung Màu. Họp xong, Xứ ủy tuyên bố tổ chức đám cưới cho vợ chồng đồng chí Hoàng Quốc Việt và vợ chồng bà.

Cưới xong, ông bà không một ngày được hưởng tuần trăng mật, tổ chức phân công mỗi người một nhiệm vụ. Tháng 8-1944, ông bị thực dân Pháp bắt lần thứ ba ở Sen Hồ, Bắc Ninh. Lúc ấy, bà đang trên đường từ bến đò Tiếu về gặp ông. Bỗng bà nghe thấy tiếng súng nổ, tiếng chân chạy huỳnh huỵch, tiếng người í ới báo nhau lính đồn bắt được cộng sản. Linh tính báo có điều chẳng lành, bà vội chạy theo mọi người đến sân đình. Nhìn thấy ông bị chúng trói giật cánh khuỷu, mặt mũi bầm dập, máu me bê bết, tim bà thắt lại. Bà muốn liều chết xông ra cứu chồng, nhưng nhớ lời đồng chí Trường Chinh dặn: “Trong mọi tình huống, người cộng sản phải bình tĩnh, sáng suốt”. Bà đành cắn răng nhìn ông bị chúng đưa đi.

Sau ngày chồng bị bắt, bà được chuyển lên làm liên lạc cho đồng chí Trường Chinh. Để tránh mật thám theo dõi, đồng chí Trường Chinh đặt cho bà tên mới là Nguyễn Thị Kỳ. Bà nói: “Tôi cũng không hiểu vì sao đồng chí Trường Chinh đặt cho tôi tên này. Có lẽ vì họ “Cái” của tôi hơi hiếm, nghe hơi kỳ, còn một lý do khác, con đồng chí Trường Chinh tên là Đặng Xuân Kỳ. Đặt tên cho tôi là Kỳ còn vì một lẽ đồng chí nhớ con”. Những ngày được làm liên lạc cho đồng chí Trường Chinh, bà học được nhiều điều. Nỗi nhớ thương chồng cộng với lòng căm thù giặc Pháp, tính cẩn thận, khéo léo, bà đã cố gắng làm tốt mọi nhiệm vụ được giao.

Bà tâm sự: “Tháng 12-1944, chồng tôi vượt ngục. Sau mấy tháng xa cách, tôi được gặp chồng trong một hoàn cảnh đặc biệt. Anh gầy gò, ốm yếu, người toàn chấy rận. Tôi đun nước tắm giặt và thuốc men chăm sóc, anh dần hồi phục. Sau đó, tổ chức phân công chúng tôi mỗi người một nhiệm vụ.

Do điều kiện công tác, chúng tôi luôn phải sống trong xa cách. Năm 1945, anh được cử làm Ủy viên thường vụ Ủy ban Quân sự Bắc kỳ, phụ trách tổ chức Chiến khu Quang Trung, chỉ đạo vũ trang giành chính quyền trong Cách mạng Tháng Tám. Trong kháng chiến chống Pháp, anh được giao nhiệm vụ lập Chiến khu II, làm Chính ủy Liên khu III, làm Tổng Tham mưu trưởng... Anh đi liên miên hết chiến dịch này đến chiến dịch khác, cho đến khi miền Bắc được giải phóng. Trong kháng chiến chống Mỹ, anh tham gia tổ chức huấn luyện quân đội, tham gia trực tiếp chỉ đạo nhiều chiến dịch lớn như Chiến dịch Trị-Thiên, Chiến dịch Tây Nguyên, Chiến dịch Hồ Chí Minh. Việc nước, việc quân, anh ít có dịp gần gũi, chăm sóc vợ con.

Còn tôi, năm 1945, tôi được đồng chí Trường Chinh giao nhiệm vụ cùng với đồng chí Lý Chính Thắng đi xe lửa vào Nam bắt liên lạc với Xứ ủy Nam Kỳ, đưa mật lệnh Tổng khởi nghĩa. Tiếp đó, tôi làm cán bộ phụ nữ của tỉnh Sơn Tây, làm xưởng may chăn trấn thủ cho quân nhu ở Bắc kạn, lên Việt Bắc làm thủ quỹ nuôi quân, làm y tá…, cuối cùng về công tác ở Ban Tổ chức Trung ương, rồi nghỉ hưu tại đó. Tôi xin nghỉ hưu sớm để có điều kiện chăm sóc chồng con.

Hai cuộc kháng chiến chống Pháp và chống Mỹ, là vợ lính tôi phải chấp nhận xa chồng, xa con, hơn thế nữa còn chấp nhận sự mất mát, hy sinh nếu chồng tôi bị địch bắt bớ, tù đày hay có thể nằm lại ở chiến trường khi ông đi chiến dịch. Chúng tôi thỉnh thoảng mới được gặp nhau. Những năm tháng làm vợ lính, dẫu trải qua muôn lần khó khăn vất vả, gian nan nhưng tôi thấy thật sự hạnh phúc. Kỷ niệm đẹp của vợ chồng tôi là sau những tháng ngày dài xa cách, mỗi lần gặp nhau, chúng tôi lại có thêm một đứa con. Vợ chồng tôi sinh được 6 người con, hai trai bốn gái. Người con gái đầu lòng là Văn Thị Dung, tôi phải gửi nhờ người quen nuôi hộ để đi công tác. Do thiếu thốn, thuốc men không có, con gái đầu của chúng tôi bị bệnh, mất năm 1947, tại Bắc kạn. Năm con của tôi được học hành nên người. Giờ tôi đã có đủ cháu nội, cháu ngoại. Chỉ tiếc là…”.

Bà cúi xuống cầm những kỷ vật của ông lên ngắm. Nỗi buồn sâu thẳm hiện trên khuôn mặt của bà.

TRẦN THANH HẰNG



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™