Trong khi dịch cũng như đọc truyện tiếng Trung, chúng ta gặp rất nhiều điển cố. Những điển cố ấy nếu không hiểu rõ dễ dẫn đến hiểu sai cả đoạn hay cả chương. Mình lập topic này ra mong những người hiểu biết về các điển cố Trung Hoa vào đây giải thích cho anh em cùng hiểu:0 (139):.
Mình mạo muội bắt đầu trước:
1. Hoà thị bích là gì?
Đọc truyện ĐĐSLT và TH chúng ta đều gặp cái tên Hoà thị bích. Hoà thị bích nghĩa là “ngọc họ Hoà” (cụ thể là ngọc của Biện Hoà) dùng để chỉ ngọc quý, chứ không phải cứ ấn tín của vua mới được gọi là “Hoà thị bích đâu”.
Vào thời Xuân Thu, Biện Hoà người nước Sở có một viên ngọc quý, đem dâng cho Sở Lệ Vương. Các quan lại trong triều nói đó chỉ là một hòn đá bình thường, Lệ vương tin và cho rằng Biện Hoà đã lừa dối mình, bèn hạ lệnh chặt chân trái của Biện Hoà. Lệ Vương chết đi, Sở Vũ Vương kế vị, Biện Hoà lại dâng viên ngọc đó cho ông ta. Vũ vương cũng cho rằng đó là ngọc giả nên hạ lệnh chặt nốt chân phải của Biện Hoà. Sang đến thời Sở Văn vương, Biện Hoà ôm viên ngọc khóc dưới núi Kinh Sơn. Sở Văn vương thấy vậy bèn sai thợ ngọc bổ ra, quả nhiên bên trong là viên ngọc tuyệt đẹp (Trích trong Hàn Phi Tử: Hoà Thị).
Sau này, người ta dùng “Hoà thị bích” để chỉ ngọc quý; dùng “Bão phác” (ôm ngọc) để ví với người có tài năng mà chưa được ai biết đến.
Chú thích: Bão phác. Phác ở đây là đá ngọc chưa qua gia công đẽo gọt.
2. Bích huyết (máu ngọc)
Thời Chu Kính Vương nhà chu có viên Đại phu Trường Hoằng vốn là vị quan rất mực trung thành. Thế nhưng ông lại bị các quan lại khác dèm pha, nhà vua nghe theo nên đày ông tới Tứ Xuyên. Bị hãm hại, ông phẫn uất tự mổ bụng mà chết. Dân địa phương rất cảm động, lấy máu ông đựng vào tráp. Sau ba năm, máu biến thành bích ngọc (trích trong Trang Tử- Ngoại vật).
Sau này, “Bích huyết” thường được dùng liền với “đan tâm” (lòng son) để ca ngợi những trung thần chí sĩ tuẫn nạn vì nước.
3. Can Tương, Mạc Da (Hay là Cát Tướng, Mạc Tà)
Đây là tên hai thanh kiếm nổi tiếng thời Xuân Thu Chiến Quốc, cũng là tên của người làm ra nó.
Tương truyền ở nước Ngô thời Xuân Thu, Can Tương và vợ của ông ta là Mạc Da rất giỏi đúc kiếm, họ hợp sức nhau đúc hai thanh bảo kiếm âm và dương, thanh dương gọi là Can Tương, thanh âm gọi là Mạc Da.
Về sau dùng Can Tương, Mạc Da để chỉ bảo kiếm.
Có truyền thuyết còn nói, đúc rất nhiều lần nhưng Can Tương vẫn chưa làm ra được thanh gươm tốt, cuối cùng Mạc Da phải nhảy vào lò nấu kiếm, dùng máu của mình để luyện. Sau đó 2 thanh kiếm ấy mới ra đời sắc bén dị thường, là vật báu có một không hai. Nhưng đây vốn là kiếm do vua Ngô đặt hàng nên ông ta buộc phải nộp cho nhà vua. Vì yêu thương vợ và lo sợ kiếm của mình vào tay ông vua tàn bạo, Can Tương chỉ đem đi nộp thanh kiếm dương, khi Ngô vương biết chuyện đã xử trảm Can Tương. Nhưng thanh kiếm kia thì mất tích. Sau này Ngô Phù Sai dùng kiếm báu bắt Ngũ Tử Tư phải tự sát, Ngũ Tử Tư chết nhưng nước Ngô bị mất vào tay nước Việt. Do đó thanh Can Tương trở thành thanh kiếm đem lại điều xấu.
Có thuyết khác nói rằng Can Tương chết đi nhưng còn lại một cậu con trai. Cậu bé nghe tin cha bị chém bèn bỏ trốn. Ngô vương sai người đi lùng bắt mà không được. Nhưng cậu bé thấy rằng mình cứ phải trốn chạy như thế này thì thù cha không thể báo bèn không trốn nữa mà bỏ lên kinh thành tìm giết vua. Trên đường đi cậu gặp một viên đạo sĩ. Viên đạo sĩ hứa sẽ giúp cậu giết vua nhưng cậu phải đưa đầu mình cho ông ta. Cậu chấp nhận, dùng kiếm chặt đầu mà chết. Đạo sĩ đem đầu của cậu vào yết kiến Ngô vương. Ngô vương rất vui thưởng cho đạo sĩ tiền bạc. Đạo sĩ hỏi vua có thích xem đầu người biết nói không? Vua thấy mới lạ nên rất thích. Đạo sĩ yêu cầu đặt một cái vạc dầu, đun nóng lên rồi thả đầu của cậu bé vào. Nhà vua không thấy cái đầu nói gì cả, đạo sĩ khuyên đầu nói nhỏ, vua phải lại gần mới nghe thấy. Khi vua tiến đến gần cái vạc dầu và ngó vào thì đạo sĩ nhanh chóng rút kiếm ra chặt đứt đầu nhà vua rồi xoay lại tự chặt đầu mình, 3 cái đầu cùng bơi trong vạc dầu sôi. Đầu của cậu bé và đầu của đạo sĩ bắt đầu la hét và lao vào cắn xé đầu của nhà vua. Quân sĩ lao vào nhưng đã muộn, vì dầu sôi rất nóng nên chẳng bao lâu sau đã nung chín 3 cái đầu. Đến khi làm lễ tang cho vua thì không còn biết đầu nào là của ai nữa nên cả ba cái đầu đều được mai táng trong cùng mộ quốc vương.
Các chủ đề khác cùng chuyên mục này: