LƯU LỰC SINH
TỪ ĐIỂN ĐIỂN CỐ TRUNG HOA
Biên dịch: Nguyễn Văn Thiệu – Đào Duy Đạt
Phần chữ A
A Đẩu
Lưu Thiền (còn có âm là Thiện) là con trai Lưu Bị- vua nước Thục thời Tam Quốc (220- 280), lúc còn nhỏ gọi là A Đẩu. Sau khi Lưu Bị chết, Lưu Thiền lên ngôi hoàng đế, sử gọi là Thục hậu chủ. Lưu Thiền là người tầm thường, bất tài; dù đã được Gia Cát Lượng giúp đỡ, song cũng không chấn hưng nổi nước Thục. Cuối cùng, Thục bị nước Nguỵ thôn tính.
Sau này, người ta dùng điển cố “A Đẩu” hoặc “Phù bất khởi đích A Đẩu” (Không thể giúp được Lưu A Đẩu) để chỉ những người hèn yếu bất tài, không có chí lớn, chẳng làm nên trò trống gì.
A đổ vật (Vật này)
A đổ: Lời nói cửa miệng thời Lục Triều, có nghĩa là: Này, cái này.
Tương truyền, Vương Diễn thời Tây Tấn (265-316CN) phẩm cách thanh cao, chẳng bao giờ nói tới chữ tiền. Một đêm, lúc đã ngủ say, người vôhj Quách của ông sai người hầu gái đem hàng đống xâu tiền đồng đến chất quanh giường chồng nằm, nghĩ rằng, khi tỉnh dậy, không có cách nào đi ra, Vương Diễn nhất định sẽ phải nói đến chữ tiền. Sáng sớm hôm sau, Vương Diễn thấy tiền lấp cả lối ra, bèn gọi người hầu gái, chỉ vào đống tiền nói: “Dọn những thứ này đi” (Cử khước a đổ vật).
Về sau dùng “A đổ vật” để chỉ tiền.
A Hương (Thần sấm)
Theo truyền thuyết, xưa kia có một người họ Chu, vì công việc phải đi xa kinh thành, tối đến, đành nghỉ nhờ một nhà tranh bên đường. Đến nửa đêm, người họ Chu bỗng nghe thấy tiếng trẻ con gọi: A Hương! Người hãy đi đẩy xe sấm. Nghe xong, nữ chủ nhân là A Hương bèn ra khỏi nhà. Một lát sau, bỗng sấm chớp ầm ầm, rồi mưa như trút nước. (Xem: Lưu thần hậu kí).
Về sau, người ta dùng từ “A Hương” để chỉ thần sấm.
A Liên
Tạ Huệ Liên là em họ Tạ Linh Vận, một thi nhân thời Nam Tống; Huệ Liên thông minh tài trí, mười tuổi đã biết viết văn làm thơ, được Tạ Linh Vận rất yêu quý, ọi là A Liên. (Xem: Tống thư- Tạ Linh Vận truyện).
Về sau, “A Liên” được coi như một danh hiệu đẹp, dùng để gọi người ít tuổi hơn mình.
Ai Gia Lê ( Quả lê nhà ông Ai Trọng)
Tương truyền, lê nhà ông Ai Trọng thời Hán quả to, vị đặc biệt thơm ngon, ăn vào miệng là tan ngay, người ta gọi là lê nhà ông Ai. Sách Thế thuyết tân ngữ bổ - Khinh để, có ghi: Hoàn Huyền triều Tấn, mỗi khi không bằng lòng với ai, thường trách mắng họ: “Mày đã được lê nhà ông Ai, sao còn phải nấu lên mới ăn”.
Về sau, dùng “Ai gia lê” để ví với món ăn cực ngon, hoặc sự vật hoàn hảo; dùng “Như thực Ai gia lê” (Như ăn lê nhà ông Ai) để so sánh với văn chương lưu loát, trôi chảy; dùng “Ai lê chưng thực” (nấu lê nhà ông Ai) để ví với người không biết rõ xấu, tốt hoặc chà đạp lên mọi điều tốt lành.
Ai Hồng (Chim nhạn kêu ai oán)
Hồng: Loại chim nhạn lớn.
Trong Kinh thi – Tiểu nhã- Hồng nhạn có câu: “Hồng nhạn vu phi, ai minh ngao ngao”, nghĩa là: Chim nhạn không tìm được nơi đậu yên ổn, chẳng biết bay về đâu, nên kêu ai oán.
Về sau, người ta dùng điển cố “Ai hồng” để ví với những người dân bị nạn, đau khổ bi thương, tha hương lưu lạc.
Ai lê chưng thực
Xem: Ai Gia lê
Ai Vương Tôn (Thương hại con nhà quyền quý)
Ai: Đồng tình, cảm thông;
Vương tôn: Con em nhà quý tộc.
Hàn Tín- đại tướng của Lưu Bang- Hán Cao Tổ- thuở nhỏ nhà rất nghèo, từng đi câu cá bên bờ song thành Hoài Âm. Bà lão giặt quần áo nhìn thấy Hàn Tín gầy yếu, da dẻ xanh xao vàng vọt, bèn đem ông về nuôi cơm một thời gian. Hàn Tín cảm động nói với bà; Sau này nhất định cháu sẽ đền ơn bà. Bà lão giận dữ nói: “Anh là đấng đại trượng phu mà không thể tự mưu sinh, vì thương hại đám vương tôn công tử nên ta mới cho cơm, chứ đâu phải vì mong được anh trả ơn”. (Xem: Sử kí- Hoài Âm Hầu liệt truyện).
Về sau, “Ai vương tôn” trở thành điển cố, biểu thị sự thương hại đối với con cái nhà quyền quý.
Ái mao phản cầu (Vì quý lông mà mặc áo da trái)
Phản cầu: Mặc áo trái. Người xưa mặc áo da, mặt có lông ở phía ngoài, khi mặc trái thì mặt có lông ở bên trong, mặt da ở bên ngoài.
Tương truyền, có lần vua nước Ngụy thời Chiến Quốc thấy trên đường đi một người mặc áo trái cõng một bó củi, bèn hỏi: Cớ sao ngươi lại mặc áo trái để vác củi? Người ấy đáp: Vì tôi rất tiếc mặt lông của chiếc áo da này. Via Ngụy liền nói: “Thế ngươi không biết da của áo mà bị mòn rồi hỏng đi thì lông sẽ không còn chỗ bám nữa à?”. (Xem: Tân tự- Tạp sự).
Sau này, người ta dùng điển cố “Ái mao phản cầu” để ví với việc không biết cái gì là gốc, lẫn lộn giữa gốc với ngọn.
Ái nga (Quý ngỗng)
Vương Hy Chi, nhà thư pháp nổi tiếng triền Tấn rất thích ngỗng. Nghe nói, ở Cối Kê có một người đàn bà góa nuôi được một con ngỗng kêu rất hay, Vương Hy Chi muốn mua nhưng không được, bèn rủ một người bạn cùng ngồi xe đi xem ngỗng. Bà lão nghe nói Vương Hy chi sắp tới, vội giết ngỗng thết đãi, khiến Vương Hy Chi tiếc mãi. Sau đó, ông lại nghe ở Sơn Âm có một đạo sĩ nuôi được một đàn ngỗng đẹp, Vương Hy Chi tới xem, vô cùng thích thú, rất muốn mua mấy con. Đạo sĩ nói: Chỉ cần ông chép cho tôi cuốn Đạo đức kinh, tôi sẽ tặng ông cả đàn ngỗng này. Vương Hy Chi sung sướng cầm bút chép toàn văn cuốn sách, rồi mang đàn ngỗng về. (Xem: Tân thư- Vương Hy Chi truyện).
An Kì Sinh (người tiên An Kì Sinh)
Theo truyền thuyết, An Kì Sinh là một người tiên. Tương truyền vào thời Tần, An Kì Sinh từng bán thuốc trên biển, và đã chuyện trò với Tần Thủy Hoàng; sau, ông trở thành người tiên. Thời Hán Vũ đế, Lí Thiếu Quân nói với Vũ đế rằng: Khi thần ngao du trên biển, đã từng gặp An Kì Sinh, quả táo ông ta ăn, to như quả dưa vậy. (Xem: Sở lý- Phong Thiền Thư).
Về sau, dùng điển cố “An Kì Sinh” để chỉ người tiên; “An Kì táo” (táo An Kì) để chỉ quả tiên hoặc để biểu thị việc biếu, tặng, mời người khác một vật phẩm nào đó quý hiếm.
An Kì táo
Xem: “An Kì Sinh”
An lạc oa (Tổ yến vui)
Thiệu Ung thời Tống tự xưng là An Lạc tiên sinh. Khi sống ẩn dật ở Tô Môn Sơn, ông đặt tên cho ngôi nhà của mình là “An lạc oa”. Về sau, khi dời nhà đến phía nam cầu Thiên Tân- Lạc Dương, ông vẫn giữ tên nhà như cũ, và hằng năm vẫn tự cày cấy để sinh sống. (Xem: Tống sử- Thiệu Ung truyện).
Sau này, người ta dùng điển cố “An lạc oa” để chỉ nơi ở hoặc hoàn cảnh sinh hoạt yên tĩnh, thoải mái.
Ánh tuyết
Xem: “Tích tuyết”
Áp đảo nguyên bạch (Áp đảo được Nguyên Chẩn và Bạch Cư Dị)
Tương truyền, Dương Tự Phúc triều Đường thết tiệc khách khứa. Hai nhà thơ nổi tiếng Nguyên Chẩn và Bạch Cư Dị đều đến dự. Chủ khách làm thơ ngay trong bữa tiệc. Hình bộ thị lang Dương Nhữ Sĩ là người cuối cùng viết xong và cũng là người viết hay nhất. Nguyên Chẩn, Bạch Cư Dị xem xong đều hết lời khen ngợi. Hôm ấy, Dương Nhữ Sĩ uống rất say. Khi về nhà, ông nói với con cháu rằng, hôm nay ta đã đè bẹp được Nguyên, Bạch. (Xem: Đường chích ngôn).
Về sau, dùng “Áp đảo Nguyên, Bạch” để chỉ thơ văn xuất chúng, vượt hẳn những tác gia nổi tiếng đương thời.
Ẩm dương (Cho dê uống nước)
Tương truyền, thời Xuân Thu nước Lỗ có một thương nhân bán dê; để kiểm được nhiều lãi, vào mỗi buổi sáng, ông ta cho dê uống nước thật nhiều nhằm tăng trọng lượng rồi mới mang ra chợ bán. (Xem: Khổng Tử gia ngữ- Tướng Lỗ).
Về sau, dùng “Ẩm dương” để chỉ mánh lới xảo trá của bọn gian thương, nhằm kiếm được nhiều lời.
Âu Dã
Âu Dã Tử thời Xuân Thu từng đúc cho Việt Vương năm thanh bảo kiếm khác nhau: Đam Lô, Thuần Câu, Thắng Gia, Ngư Trường và Cự khuyết. Sau đó, ông ta lại cùng Can Tương đúc ba thanh bảo kiếm: Long Uyên, Thái A, Công Bố. Việt vương rất hài lòng. (Xem: Việt tuyệt thư- Việt tuyệt ngoại truyện).
Về sau, dùng “Âu Dã” để chỉ người thợ đúc kiếm có kỹ thuật cao siêu, hoặc chỉ việc đúc kiếm.
Ân điểu vong cơ (Chim âu vô tư)
Âu điểu: Loại chim bơi được dưới nước:Vong cơ: Vô tư.
Thời xưa, có một người rất thích chim âu, sáng sớm mỗi ngày đều ra biển bơi lội, nô đùa với chúng, đến nỗi có đến hàng trăm chim âu cùng bơi lội với anh ta trên mặt biển. Có một hôm, cha anh ta nói: Ta nghe nói chim âu cứ bơi theo con nô đùa, con hãy bắt về mấy con để cha chơi. Hôm sau, anh ta ra biển thì chim âu chỉ bay lượn trên trời chứ không xuống nữa. (Xem: Liệt tử- Hoàng Đế).
Về sau, dùng “Âu điểu vong cơ” để ví với người thuần phác vô tư, sống chân thành, không chút nghi ngờ người khác.
Ấu phụ từ (Văn chương tuyệt diệu)
Thời Tam Quốc, Ngụy Vũ đế Tào Tháo cùng Dương Tu đi qua mộ Tào Nga, thấy trên tấm bia có đề tám chữ “Hoàng quyến ấu phụ, ngoại tôn tê cữu”. Dương Tu nhanh trí hiểu ra ngay, còn Tào Tháo phải đi tới ba mươi dặm mới hiểu được. Dương Tu nói, “hoàng quyến” là tơ có màu sắc, hợp với nhau thành chữ “tuyệt”; “ấu phụ” là thiếu nữ, hợp với nhau thành chữ “diệu”; “ngoại tôn” là con trai của cháu gái (cháu ngoại), hợp với nhau thành chữ “hảo”; “tê cữu” (tê: rau dưa thái nhỏ) là bị cay (thụ tân), hợp với nhau thành chữ “từ”. Gộp lại, đọc là “Tuyệt diệu hảo từ” (Văn chương tuyệt diệu). (Xem: Thế thuyết tân ngữ- Tiệp ngộ).
Về sau, dùng “Hoàng quyến từ”, “Ấu phụ từ”, “Tuyệt diệu hảo từ” để chỉ lời văn cực hay; dùng “Ngu trí tam thập lí” (Năng lực trí tuệ kém, ba mươi dặm mới nghĩ ra) để hình dung tài trí giữa hai người hơn kém nhau rất xa.
Ẩu tâm (Dốc hết sức lực)
Nhà thơ Lý Hạ triều Đường, tự Trường Cát, thường dắt theo một trò nhỏ, cưỡi lừa ra ngoài cánh đồng viết thơ ngâm vịnh. Nếu làm được một câu thơ vừa ý, ông ghi lại rồi bỏ vào một chiếc túi. Tối về, ông sắp xếp chỉnh lý những câu thơ ấy thành bài. Mẹ ông thấy thế, nói: Con muốn vắt kiệt sức lực rồi mới nghỉ ư! (Xem: Lý Trường Cát tiểu truyện của Lý Thương Ẩn).
Về sau, dùng “Ẩu tâm” để chỉ công việc sáng tác vất vả, lao tâm khổ tứ.
Ai xem tranh ko?
http://www.fineart-tds.com/nad/web/home.asp