Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 12-05-2008, 01:01 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Quận Chúa biệt động - ĐẶNG VƯƠNG HƯNG

TP - “Quận Chúa biệt động” viết về số phận kỳ lạ của một Quận Chúa triều Nguyễn đã trở thành một chiến sĩ biệt động thành dũng cảm, với những tình tiết hấp dẫn và li kì như huyền thoại.

Nhân kỉ niệm 33 năm ngày giải phóng miền Nam (1975 - 2008), để giúp bạn đọc tiếp cận với tác phẩm, từ số báo này, Tiền phong biên soạn và trích giới thiệu một số chương đặc sắc nhất từ cuốn sách “Quận Chúa biệt động” của tác giả Đặng Vương Hưng sắp ra mắt bạn đọc.

Kỳ I: Lá ngọc cành vàng

Một ngày đầu mùa hạ năm 2007, ông Phạm Vũ Quỳnh, Thư ký riêng của Thượng tướng, Giáo sư Hoàng Minh Thảo giới thiệu với tôi một bà cụ khoảng 80 tuổi, dáng người mảnh mai, gương mặt quý phái và phúc hậu. Cuộc gặp gỡ diễn ra tại một quán cà phê nhỏ ở cuối đường Mai Hắc Đế, Hà Nội. Bà nói giọng Sài Gòn, pha giọng Huế và cả giọng Sơn Tây.

Cảm thấy câu chuyện của bà cụ không thể ngồi ở quán cà phê một buổi mà nghe hết được, tôi quyết định dành thời gian cùng bà về Đức Trọng (Lâm Đồng) và ở lại Tây Nguyên cả tháng trời, để được tiếp tục nghe câu chuyện đời khó tin mà thật đó. Bà cụ đã kể rất nhiều về cuộc đời mình, xen giữa câu chuyện, nhiều lần bà bật khóc, khiến cho gương mặt già nua cứ giàn giụa nước mắt...

Thì ra, bà cụ là nhân chứng của một trong những thời kỳ hào hùng, nhưng cũng bi thương nhất lịch sử nước nhà...

Từ “Quận Chúa lá ngọc cành vàng” đến các bí danh

Người phụ nữ ấy sinh ra trong một gia đình có thể gọi là “danh gia vọng tộc”. Theo gia phả và lời kể của những người thân trong gia đình dòng tộc, thì bà là cháu đời thứ tư của dòng họ Phạm Đăng (tính từ khi dòng họ này phiêu dạt vào Nam), là “con bác con chú ruột”, chung một người ông với vua Bảo Đại và là cháu ruột của Thái hậu Từ Dũ (mẹ của vua Tự Đức).

Một thời, bà được người ta gọi là Quận Chúa xinh đẹp, sống trong nhung lụa và lễ nghi. Nhưng cái thời ấy với bà thật ngắn ngủi, chỉ còn trong ký ức xa mờ (*).

Người phụ nữ ấy có rất nhiều tên. Khi còn nhỏ, người ta gọi bà là Quận Chúa Ngọc Diệp. Bà tuổi Nhâm Thân, sinh ngày 28/4/1932 ở Huế, nhưng trong thời gian hoạt động Cách mạng (1945 - 1975), bà lần lượt mang hai thẻ căn cước do chính quyền cũ cấp, với nội dung khác nhau: Phạm Ngọc Diệp sinh ngày 28 tháng 4 năm 1932 tại Sơn Tây; và Nguyễn Như Diệp sinh ngày 28 tháng 4 năm 1932 tại Trà Vinh.


Bà Đặng Hoàng Ánh (tức Phạm Ngọc Diệp, Út Diệp, Ba Diệp...) - Nhân vật chính của cuốn sách, ảnh chụp khi còn nhỏ và năm 2008.


Những ngày đầu toàn quốc kháng chiến chống Pháp ở Nam Bộ, khi phải sống trong Đoàn 307 Liên hợp quốc, bà có tên là Huỳnh Thu Nga, mang bí danh là H12.

Khi làm việc với Anh Hai “Xe Ngựa” (đồng chí Phạm Văn Xô, nguyên Thường vụ Xứ ủy Nam Bộ) bà thường được gọi là Út Diệp, hoặc Út Đẹt (vì người nhỏ nhắn, gầy ốm).

Khi sang Cộng hòa Pháp học Y khoa, bà có tên là Léna Phạm. Đặc biệt là từ ngày tham gia hoạt động trong lực lượng Cảm tử quân của Trung ương Cục miền Nam và Biệt động thành Sài Gòn, do yêu cầu công tác bí mật, để che mắt địch, bà phải thay tên, đổi họ liên tục: Ba Diệp (tức Nguyễn Như Diệp); Cô Tư Mắt Kiếng (vì bị cận thị, phải đeo kính thường xuyên); Lâm A Mùi (thời gian sang Lào vận chuyển vàng và đôla về Việt Nam, 1961-1962); Hoàng Nga (thời gian làm tiếp tân Tổng thống phủ Sài Gòn, 1964-1965); T2R; TW307...

Sau ngày miền Nam hoàn toàn giải phóng, để tránh sự trả thù và truy sát của kẻ xấu, theo lời khuyên của nhà tình báo Vũ Ngọc Nhạ, bà đã đổi họ tên mới là Đặng Hoàng Ánh, sinh năm 1940. Với họ tên này, bà đã được Công an tỉnh Lâm Đồng cấp Giấy chứng minh nhân dân số 250272236, ngày 19/10/1984.

Hiện bà Đặng Hoàng Ánh đăng ký hộ khẩu thường trú tại thôn Thanh Bình 3, xã Bình Thạnh, huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng – nơi từng là “vùng đất dữ” một thời, bởi những hoạt động của tàn quân phản động FULRO, trước khi bị lực lượng an ninh ta triệt phá.

Đặng Hoàng Ánh là con người của một thời. Không chỉ có cha mẹ, mà chính là chiến tranh và loạn lạc đã sinh ra người như bà.

“Cha tôi - Lệ Chất tiên sinh”

Bà Đặng Hoàng Ánh kể: Sinh thời, nhiều người thường kính trọng gọi cha tôi là Lệ Chất tiên sinh. Cha tôi tên thực là Phạm Đăng Chất; Người còn rất nhiều họ và tên khác như: Trần Lệ Chất (tự Giá Khanh), Nguyễn Như Chuyên, Nguyễn Như Xừng (tự Xứng), Đặng Thái Phúc, Đặng Hoàng Phúc,...

Cha tôi sinh năm 1862, đồng niên và đồng môn với cụ Nguyễn Sinh Sắc (thân sinh của Chủ tịch Hồ Chí Minh). Cha tôi là người gốc Hoàng Phái triều Nguyễn và là một Nhân sĩ yêu nước đầu thế kỷ 20.

Trong “Loạn Duy Tân”, cha tôi phải cải họ thay tên là Nguyễn Như Chuyên chạy sang Anh quốc. Sau đó, về nước lấy vợ ở Thanh Oai, Hà Tây người lấy lại tên là Trần Lệ Chất (tự Giá Khanh). Vì cha tôi thông thạo nhiều ngoại ngữ, nên bạn bè đã tiến cử với Công sứ Pháp Claude Léon Lucien Garnier ở Phan Thiết - Bình Thuận và được ông ta trọng dụng cho làm thông phán.

Hồi đó, Nguyễn Trọng Lội và Nguyễn Quý Anh còn thành lập “Liên Thành thương quán” kinh doanh nhiều mặt hàng như: Nước mắm, vải vóc, tơ lụa, thuốc Bắc... Hội quán này được Công sứ Pháp rất ủng hộ và ông ta cũng có cổ phần trong đó.

Nhân cơ hội đó, cha tôi đã cùng một số bạn bè xin mở rộng “Liên Thành thương quán” thành lập Hội Quán Liên Thành (còn được gọi là Liên Thành công ty, hay Công ty Liên Thành).

Thực chất, đây là một tổ chức hoạt động yêu nước gồm ba bộ phận với ba chức năng gồm: “Liên Thành Thương quán” (chuyên làm kinh tế, gây quỹ hoạt động); “Liên Thành thư xã” (truyền bá các sách báo và tài liệu tuyên truyền có nội dung yêu nước) và “Dục Thanh học hiệu” (trường dạy học cho con em lao động nghèo, theo nội dung yêu nước và tiến bộ).

Đầu thế kỷ hai mươi, hầu như thương trường của Việt Nam đều do người Pháp và ngoại kiều chiếm giữ. Người Việt chỉ mới mở được một vài công ty mà Liên Thành là một ví dụ. Nhưng Công ty Liên Thành tồn tại và phát triển được, một phần là nhờ Quan Công sứ Bình Thuận là Claude Léon Lucien Garnier cũng có cổ phần trong đó.

Cuối tháng 5 năm 1911, Quan Công sứ Bình Thuận Claude Léon Lucien Garnier đã quyết định cử cha tôi là Nguyễn Như Chuyên (tức Trần Lệ Chất) sang Pháp và Anh lo việc buôn bán cho Công ty Liên Thành. Ông ta cấp phép cho cha tôi xuất ngoại bằng phương tiện tàu thủy. Lo xong giấy tờ, cha tôi vội thu xếp hành lí và tìm ngay về Sài Gòn.

Ngày 2 tháng 6 năm 1911, chiếc tàu chở khách của “Hãng Năm Sao” có tên là Amiral Latouche Tréville đã cập Bến Nhà Rồng.

Cha tôi mang tên là Nguyễn Như Chuyên đã làm thủ tục xuất cảnh xuống tàu. Ngày 5 tháng 11 năm 1911, con tàu Amiral Latouche Tréville khởi hành, rời bến Nhà Rồng, đưa Văn Ba và cha tôi hướng về Pháp...

Khoảng năm 1920, được tổ chức phân công, cha tôi xin về làm Chánh lục sự Tòa án Mỹ Tho. Sau đó, “Lệ Chất tiên sinh” cưới bà Lâm Huê Trà (tức Trương Ngọc Trầm, em họ của ông Trương Gia Mô) làm người vợ thứ hai. Và đấy cũng chính là mẹ đẻ của tôi sau này.

ĐVH


(*) Những chi tiết về vua Bảo Đại và mối quan hệ với Quận Chúa Ngọc Diệp có trong cuốn sách, là tư liệu riêng của bà Đặng Hoàng Ánh cung cấp, chưa được giới sử học công nhận
LTS: Theo lời kể của bà Đặng Hoàng Ánh thì với cương vị là Chánh lục sự Tòa án Mỹ Tho, cha của bà, ông Trần Lệ Chất đã bảo vệ Phạm Văn Thiện, tức đồng chí Phạm Hùng (1) khi đó mới 14 tuổi nhưng bị bọn thực dân đưa ra tòa xử vì đã rải truyền đơn chống Pháp.


Bà Đặng Hoàng Ánh thời trẻ
Sau đó không lâu, lợi dụng chức vụ, ông Chất đã tạo điều kiện thả Phạm Văn Thiện rồi trốn về Long Hồ, đổi tên thành Đặng Hoàng Phúc mở hiệu thu mua lúa, xay gạo bán về Chợ Lớn, giúp được khá nhiều tiền cho phong trào yêu nước. Ông giữ quan hệ hoạt động cùng Phạm Văn Thiện – Phạm Hùng cho tới khi nhà cách mạng này bị bắt vào năm 1930.

Theo lời bà Ánh thì cha bà, ông Chất đã tham gia tích cực vào cuộc đấu tranh đòi thực dân Pháp giảm án của đồng chí Phạm Hùng từ tử hình xuống chung thân. Từ đó cho đến năm 1945, ông Chất tham gia vào nhiều hoạt động cách mạng và yêu nước khác. Ngày 25/12/1945, gia đình ông Chất bị quân Pháp thảm sát, có 10 người thì 8 người bị giết, ông Chất bị bắt sau đó cũng bị giết tại Sài Gòn, cô bé Ánh thoát vì lúc đó đang đi học.

Ánh được đồng chí Phạm Hùng (sau Cách mạng Tháng Tám năm 1945 đã được đưa từ Côn Đảo trở về) đưa lên Sài Gòn rồi gửi cho đồng chí Hai Xô, tức đồng chí Phạm Văn Xô (2), thường được gọi thân mật là anh Tư Thường hoặc anh “Hai Xe Ngựa” (vì anh hoạt động công khai bằng nghề đánh xe ngựa).

Những ký ức buồn đau

Bà Đặng Hoàng Ánh kể: Tôi được anh “Hai Xe Ngựa” nuôi và tiếp tục cho đi học văn hóa. Tôi ở với anh Hai Xô từ 1948 cho tới 1956, nên có rất nhiều kỷ niệm về anh. Hồi đó, anh Hai Xô đóng giả là người chưa biết chữ, nhưng nhờ có trí tuyệt vời, anh chỉ cần nghe đọc văn bản chỉ thị một lần là thuộc lòng ngay, đọc lại không sai một chữ...

Thời gian đó bọn Tây đang chiêu an, dân lần lượt về Sài Gòn, các trường học chiêu sinh miễn phí, chỉ phải thi khảo sát để xếp lớp học. Tôi được anh Rostte Lộc ghi tên xin dự thi tự do và thi đậu vào Trường Gia Long (Sài Gòn). Đó là trường dành riêng cho các nữ sinh.

Những ngày học ở trường Gia Long, tôi luôn là một nữ sinh giỏi. Tuy nhiên, tôi hay bị lũ bạn con nhà giàu trêu chọc và xa lánh, vì là trẻ mồ côi, phải đi bán hàng dạo trên đường phố.

Một buổi chiều, nhà trường họp thông báo: Sáng ngày 24 tháng 12 năm 1949, tất cả học sinh phải mặc đồng phục để đón Vua Bảo Đại và Hoàng hậu Nam Phương đến thăm Trường Gia Long (dành cho các nữ sinh) và Trường Pétrus Ký (dành cho các nam sinh)...

Bên Trường Pétrus Ký tổ chức biểu tình, bên Trường Gia Long được tin cũng tổ chức biểu tình theo. Rồi hầu hết các trường trong nội thành Sài Gòn đến Chợ Lớn cũng đồng loạt biểu tình chống Bảo Đại đưa Pháp vào Việt Nam. Đâu đâu cũng ào như sôi với khẩu hiệu: “Đả đảo Vua Bảo Đại bù nhìn!”.

Tám giờ sáng ngày 24 tháng 12 năm 1949, đoàn xe chở Vua cùng Hoàng hậu Nam Phương và Ngự lâm quân, có cảnh binh đông đặc đi kèm bên rầm rộ tiến vào trường. Đúng lúc Vua, Hoàng hậu chuẩn bị lễ chào cờ, thì bất ngờ học sinh nhất loạt ùa ra vây lại cùng túm áo Vua Bảo Đại và Nam Phương Hoàng hậu.

Tôi cũng liều lĩnh xông vào, tìm cách xé áo bào, chụp được cánh tay vua Bảo Đại, rồi bất ngờ cắn chảy máu tay ông ta.

Vệ binh Ngự lâm quân liền xông ngay đến can thiệp, định bắt tôi, thì vua Bảo Đại nhìn tôi và bảo lính ngự lâm đừng đánh học trò. Chúng tôi ùa ra giật hết nón của cảnh binh ném xuống cống nước... Hai mươi phút sau, xe cảnh binh Pháp đến giải tán đám đông đang phấn khích đó.

Vua và Hoàng hậu đều nhếch nhác, quần áo nhàu nát, dính đầy đất. Ngay sau đó hàng trăm học sinh của trường chúng tôi bị bắt vào bót Catina để cảnh sát điều tra xem ai đã tổ chức đánh Vua.

Chúng tôi trả lời rằng nghe phía ngoài cổng hô to “Đả đảo Vua Bảo Đại bù nhìn” nên bắt chước làm theo. Chúng tôi bị nhốt vào khám chẹt (loại phòng giam chật tới mức người tù chỉ có thể đứng mà không ngồi xuống được) chật cứng. Có bạn bị ngộp thở đến ngất xỉu.

Sau sự kiện trên, một số nhân sĩ Sài Gòn đã đứng ra ký tên đấu tranh với Toàn quyền Pháp. Luật sư Nguyễn Hữu Thọ đã gửi kiến nghị yêu cầu Nhà nước Pháp phải thả số học trò ra khỏi tù để tiếp tục đi học.

Phía Pháp phải làm đúng theo hiệp ước không xâm phạm việc làm của Vua Việt Nam. Rồi chính Vua Bảo Đại cũng yêu cầu thả chúng tôi ra. Vài ngày sau, bốt Catina buộc phải thả các học sinh về trình giám hiệu nhà trường để tiếp tục học lại. Tuy nhiên, có ba mươi học sinh bị đuổi học do can tội túm áo, làm rách tay chảy máu Vua và Hoàng hậu.

Tôi cũng bị ông Nguyễn Thành Dung, Giám đốc Nha Học chánh Sài Gòn đuổi không cho đi học. Anh Rostte Lộc lại phải chạy lo lót, giúp tôi được học bổng theo chủ trương bảo hộ con mồ côi không có thân tộc, nên tôi mới được học trở lại. Bấy giờ tôi đã biết suy nghĩ hơn, biết phải cố học để có văn hóa, sau này không bị khổ.

Tôi vốn có sức học tốt, nên không khó khăn gì khi vượt qua những kỳ thi đó. Thương nhớ mẹ cha, tôi chỉ biết vùi đầu vào học tập. Tôi đã đậu điểm cao, lấy được bằng tốt nghiệp Thành chung (hết cấp II bây giờ) và học tiếp để lấy bằng tú tài.

*

Đồng chí Phạm Văn Xô (bên phải) người nuôi Ngọc Diệp sau khi cả nhà cô bị địch sát hại
Mặc dù khi đi học tôi được bà ngoại chu cấp tiền, giám hộ của tôi là anh “Hai Xe Ngựa”. Nhưng ngày thì đi học, đêm tôi phải đi bán báo, bánh mỳ, đậu phộng rang để qua tai mắt của địch, dễ bề rải truyền đơn, dễ bề có cơ hội trả thù khi gặp Tây, để trả thù cho cha tôi, cho cả nhà tôi và bao nhiêu người khác.

Có những đêm mưa gió, rét run cầm cập, dù đang lang thang trên đường phố hay ngồi dưới gốc cây cổ thụ, dù ở bất cứ nơi đâu, tôi vẫn không nguôi ý chí trả thù.

Trong gia đình, chỉ có anh Rostte Lộc và anh Thế Lưu còn chăm lo cho tôi. Có rất nhiều đêm tôi nằm khóc một mình. Cho đến mãi tận bây giờ tôi vẫn tự hỏi: Tại sao bà ngoại không tìm tôi về để ở cùng bà? Và anh ruột mẹ tôi là Quan đốc Phủ sứ, sao không nuôi cháu? Rồi anh ruột mẹ tôi nữa là bác sĩ Quế - Giám đốc Bệnh viện Chợ Rẫy? Tất cả đều thờ ơ với tôi. Họ sợ bị liên lụy với mật thám Pháp, hay còn vì một lý do gì đó nữa?

Cho mãi tới những năm sau này, những kí ức tuổi thơ đầy nước mắt vẫn còn in đậm trong tôi. Những ngày sống trong “vinh hoa phú quý” như người xưa vẫn nói, với tôi chỉ là những ký ức xa mờ. Những chuyện buồn đau, những hình ảnh đầy máu và nước mắt đã theo tôi đi suốt cuộc đời.

Chúng như những thước phim quay chậm thỉnh thoảng lại hiện về trong tôi đêm đêm. Có lẽ vì vậy mà tôi cứng rắn và trưởng thành nhanh chóng. Sau này nhìn lại, chính tôi cũng không ngờ rằng mình đã không gục ngã, mà còn tự vượt qua được những tháng năm đầy sóng gió ấy.

*

Sau vụ tham gia phản đối vua Bảo Đại, bị bắt và được trả tự do ít lâu, tôi thực hiện trận đánh đầu tiên: Dùng lựu đạn ném vào tụi sĩ quan Pháp trước Rạp chiếu bóng Nguyễn Văn Hảo ở Sài Gòn. Trận đó, tôi đã giết được hai sĩ quan Pháp, làm bị thương một số tên khác.

Đó cũng là lần đầu tiên tôi giết người mà không hề run sợ, vì quá căm thù giặc Pháp đã sát hại cha mẹ mình. Tiếp đấy, trong khoảng một tháng, tôi còn hăng hái tiến hành hai trận đánh khác trên đường phố Sài Gòn, dùng súng ngắn bắn chết hai sĩ quan Pháp.

Tôi được anh Hai Xô vừa phê bình, vừa biểu dương. Phê bình là vì đã tự phát giết giặc, không có sự phân công giao nhiệm vụ của tổ chức, một mình tự hành động như thế là quá nguy hiểm. Còn biểu dương vì tinh thần dũng cảm. Anh Hai Xô đã kêu tôi là “Con nhỏ to gan lớn mật”. Biệt danh này, sau đó nhiều người gọi theo.

Cũng vì thành tích trên, sau khi tốt nghiệp xong tú tài bán phần, tôi được tổ chức Xứ ủy Nam Bộ cho sang Đông Cao Miên (Cambodes) học phản gián cùng với đồng chí Hai Văn, tức Phan Văn Đáng (3).

Chúng tôi rời Việt Nam lên đường từ ngày 10 tháng 7 năm 1952, đến Cao Miên ngày 27 tháng 8, thời gian học một năm. Tôi còn nhớ, trực tiếp phụ trách và giảng dạy ở trường là anh Năm Đời, tức đồng chí Hoàng Minh Đạo (4). Sau này, tôi được tin ông hi sinh trên sông Vàm Cỏ Đông năm 1969, khi đang trên đường đi công tác.

Tháng 8 năm 1953, lớp huấn luyện phản gián mãn khóa. Tôi được liên lạc của Xứ ủy Nam Bộ đón về nước cùng đồng chí Hai Văn để chuẩn bị cho kế hoạch hoạt động mới.

Một vinh dự lớn đã đến với tôi: Xứ ủy Nam Bộ đã xem xét việc kết nạp Đảng cho tôi. Có ý kiến cho rằng tôi còn trẻ, cần phải cho rèn luyện và thử thách thêm. Nhưng anh Hai Xô đã gạt đi và bảo: Đảng ta đang rất cần những người trẻ tuổi, có văn hóa và biết căm thù giặc như tôi.

Vậy là đầu năm 1954, tôi được kết nạp Đảng và trở thành đảng viên chính thức từ ngày 19 tháng 4 năm 1955.
1) Phạm Hùng (1912 – 1988): Ủy viên BCT, Phó Thủ tướng Chính phủ, Bộ trưởng Bộ Nội vụ (nay là Bộ Công an), Chủ tịch Hội đồng Bộ trưởng (chức danh tương đương chức Thủ tướng hiện nay) nước CHXHCN Việt Nam từ 1987 – 1988.

(2) Phạm Văn Xô (1919 - 2005): Nguyên Thường vụ Trung ương Cục miền Nam, Chủ tịch Hội đồng Cung cấp tiền phương, Phụ trách Ban Tài chính đặc biệt N2683...

(3) Phan Văn Đáng (1918-1997): Sinh tại quận Tam Bình, tỉnh Vĩnh Long; là Phó Bí thư Trung ương Cục miền Nam kể từ khi tái thành lập năm 1961 đến năm 1975.

(4)Hoàng Minh Đạo (1923-1969): Bí danh Năm Thu, Năm Đời, tên thật là Đào Phúc Lộc; sinh tại Móng Cái, Quảng Ninh; là người chỉ huy đầu tiên của ngành Tình báo Quân sự Việt Nam, Anh hùng LLVTND, nhân vật chính trong bộ phim truyền hình nhiều tập ”Con đường sáng”.
Kỳ 3: Lời tỏ tình đường đột của ngài Tỉnh trưởng

TP- Là một chiến sĩ hoạt động bí mật, tình duyên và hôn nhân của bà Đặng Hoàng Ánh có nhiều éo le, trắc trở. Dưới đây, bà kể về một mối tình tưởng thoảng qua nhưng lại nhiều duyên nợ về sau của mình.


Trung tá Tỉnh trưởng Vĩnh Long Trần Văn Phước (người ngồi hàng đầu tiên, ngòai cùng bên trái)
Tháng 8 năm 1954, tôi thi đỗ vào Trường Đại học Y khoa Sài Gòn. Tôi học rất tốt, thường đạt điểm cao trong các kỳ thi, được bạn bè rất nể phục.

Lúc này hai miền Nam - Bắc đã sắp bị chia cắt. Tôi học khóa Y khoa Sài Gòn được một năm, thì nhà trường có một kỳ thi tuyển sinh du học. Tôi quyết định nộp đơn xin thi thử, với mục đích để biết trình độ của mình đến đâu. Không ngờ, tôi đã đạt điểm “thủ khoa” và được trúng tuyển xuất ngoại du học. Mừng quá, tôi về báo tin ngay với anh Hai Xô, mà chỉ lo anh phê bình:

- Em chưa báo cáo tổ chức, nhưng cứ thi để biết sức học của mình thôi. Không ngờ dư điểm du học. Anh đừng phê bình em vô kỷ luật nha...

Không ngờ, anh Hai Xô kêu lên:

- Thế thì tốt rồi! Tổ chức đã có nghị quyết về đào tạo cán bộ trí thức, sẵn sàng tạo điều kiện cho cô út qua Pháp học thành tài, để về phục vụ Cách mạng lâu dài.

Tôi muốn hét lên vì sung sướng. Vậy là thi thử mà hoá thật. Trước khi đi du học, tôi được phép về thăm quê ngoại ở Vĩnh Long. Gia đình họ ngoại của tôi thuộc loại “danh gia vọng tộc” quyền thế và giàu có nhất nhì Vĩnh Long hồi đó. Cậu Trương Gia Thành của tôi từng là Đốc phủ sứ, (thường gọi là Đốc phủ Thành), còn cậu Trương Gia Quế (tức Docteur mé décine Quế) thì thường khám chữa bệnh cho cụ Phạm Thị Thân, mẹ của Tổng thống Ngô Đình Diệm(*). Bà ngoại tôi từng cho giám mục Ngô Đình Thục, anh trai của Diệm mượn nhà để ở (thủa ông ta còn hàn vi), nên gia đình nhà ngoại tôi có mối quan hệ khá đặc biệt với gia đình Ngô Đình Diệm. Năm ấy, ngoại tôi đã gần trăm tuổi, nhưng còn rất minh mẫn và thương tôi hết mực, vì mồ côi từ nhỏ.

Hai ông cậu anh của mẹ tôi (miền Bắc gọi là bác, miền Nam gọi là cậu) đều không ngờ một đứa trẻ mồ côi cả cha lẫn mẹ khốn khổ như tôi mà lại còn học giỏi và đỗ đạt cao như vậy. Họ rất tự hào về tôi.

Tại đây, như duyên số trời định, lần đầu tiên tôi đã gặp Trung tá Trần Văn Phước - Tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long, một người đàn ông mà cho tới cuối đời vẫn còn khiến tôi đau khổ, dằn vặt và thương nhớ khôn nguôi.

Anh Phước lớn hơn tôi bảy tuổi. Mãi sau này, qua tìm hiểu tôi mới biết cha mẹ và hai em của Phước đã bị quân Nhật sát hại năm 1944. Anh được đồng chí Phạm Thành, Tổng cục trưởng Hậu cần Khu 9 nhận làm con nuôi, được giác ngộ và kết nạp Đảng từ rất sớm. Trần Văn Phước cùng con trai của đồng chí Phạm Thành là Phạm Thanh đã được ông Ngô Đình Thục đỡ đầu, cho sang Pháp du học. Cả hai người đều học rất giỏi, sau khi tốt nghiệp loại ưu Đại học Luật tại Pháp, Phước và Thanh được Ngô Đình Thục giới thiệu với Ngô Đình Diệm. Trần Văn Phước được bổ nhiệm làm Tỉnh trưởng Vĩnh Long, còn Phạm Thanh là Giang đoàn trưởng Hải quân của “Quân lực Việt Nam Cộng hòa”. Nhưng năm 1957, anh Phạm Thanh bị lộ và đã bị bọn mật vụ của Ngô Đình Nhu thủ tiêu rất dã man.

Tôi không hề nhớ là hồi nhỏ, tôi và anh Phước đã từng gặp nhau. Tôi cũng không hề biết rằng, chúng tôi đã được hai bên gia đình cha mẹ hứa gả cho nhau. Bẵng đi một thời gian dài tuy chưa gặp lại, nhưng anh Phước đã nghe mọi người giới thiệu về tôi rất kỹ. Thậm chí, chỉ mới xem qua hình, anh đã đồng ý cưới tôi làm vợ. Thông qua bà mối, hai gia đình đã tiến hành làm đám hỏi vắng mặt tôi. Nên khi được tin tôi về, anh Phước đã ghé thăm. Gia đình cũng chuẩn bị cho cuộc gặp mặt của chúng tôi khá chu đáo, để tôi không cảm thấy bị đột ngột và ép buộc.

Hồi đó, người như anh Phước - mới ba mươi tuổi mà đã là “quan đầu tỉnh”, lại đẹp trai, có trí thức và đầy quyền thế trong tay - là mơ ước của biết bao thiếu nữ.

Có lẽ cái ấn tượng rất mạnh của lần đầu gặp gỡ ấy, khiến cho tới tận bây giờ tôi vẫn như thấy hình ảnh Phước mặc bộ Complé sẫm màu, sơmi trắng, càvạt thắt đúng mốt, tóc cắt kiểu carê(*) trẻ trung, tươi tắn, điển trai, lịch lãm từ trong chiếc xe hơi sang trọng bước ra. Đi theo anh, ngoài lái xe còn có người lính hầu và thư ký giúp việc. Khi nghe giới thiệu ngài Luật sư, Trung tá Trần Văn Phước, Tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long, tôi rất ngỡ ngàng, không tin vị Tỉnh trưởng lại trẻ đến thế!

Khi người nhà giới thiệu tôi với anh, tôi chợt thấy Phước đỏ mặt, bối rối và lúng túng thực sự. Trái tim con gái mách bảo tôi rằng: Phước đã yêu và thậm chí còn si mê tôi từ cái nhìn đầu tiên.

Nhưng anh đã rất sai lầm, khi quá tự tin, đã tỏ tình và xin cưới tôi ngay trong lần gặp gỡ đầu tiên ấy. Trong thâm tâm, tôi cũng rất có cảm tình với Phước. Trái tim tôi cũng bồi hồi xao xuyến từ cái nhìn đầu tiên. Nhưng để yêu và cưới tức thì như anh muốn, thì tôi chưa hề được chuẩn bị xíu xiu gì về tinh thần.

Bởi thế, nên mặc dù bà ngoại, hai cậu của tôi và một số người trong gia đình ra sức vun vào, gần như ép buộc, nhưng tôi vẫn kiên quyết từ chối lời tỏ tình và cầu hôn của Tỉnh trưởng Trần Văn Phước.

Có lẽ Phước cũng ngạc nhiên, khi thấy tôi từ chối. Nhưng chắc anh cho rằng con gái chỉ vờ “làm cao” vậy thôi. Trước khi tạm biệt, anh nói nhỏ, giọng nài nỉ:

- Tối nay tại Dinh Tỉnh trưởng có tổ chức một tiệc nhỏ, mời rất ít khách, sau tiệc vui có nhảy đầm. Tôi muốn mời Ngọc Diệp tới dự, vì hôm nay là ngày sinh nhật của tôi. Nếu em từ chối, bữa tiệc sẽ chẳng còn ý nghĩa gì nữa.

Tôi đã định từ chối lời mời của Phước thật, nhưng thấy anh nói tới sinh nhật, nên còn đang phân vân thì bà ngoại và các cậu đã giục tôi nhận lời. Tôi đành miễn cưỡng gật đầu.

Chập tối hôm đó, tôi trang điểm nhẹ. Định mặc áo dài trắng kiểu nữ sinh Sài Gòn, nhưng chợt nhớ ra có nhảy đầm, tôi chọn một chiếc váy xanh nhạt. Tôi nhìn mình trong gương và mỉm cười. Quả thật, từ ngày cha mẹ mất, rất ít khi tôi có điều kiện ăn diện như bạn bè cùng trang lứa. Công bằng mà nói, ơn trời và cha mẹ đã cho tôi một nhan sắc không đến nỗi nào.

Gần tám giờ tối, anh Phước cho xe tới đón. Người lái xe đã lớn tuổi, nhưng ông lịch sự gọi tôi là “cô Hai” và luôn miệng “dạ thưa”:

- Dạ thưa, mời cô Hai lên xe, ngài Tỉnh trưởng đang chờ ạ.

Tôi đắn đo, rồi quyết định nói với người lái xe:

- Thưa chú, thực ra ra con hổng muốn đi, nhưng nể ngài Tỉnh trưởng quá. Con chỉ muốn vô chừng mươi phút, trình diện và chào mọi người, rồi chú cho con nhờ xe về nhà luôn nha ?

- Dạ như thế đâu có được. Bữa tiệc tối nay cô Hai là nhân vật chính mà. Làm như thế, ngài Tỉnh trưởng sẽ quở trách, coi chừng tui mất việc, vợ con hết nhờ luôn.

- Sao con lại là “nhân vật chính” được? Bữa nay sinh nhật ngài Tỉnh trưởng mà?

- Mời cô Hai cứ vô trong khắc rõ à.

Tỉnh trưởng Trần Văn Phước ra tận nơi mở cửa xe và đón tôi. Nhìn nét mặt anh tự tin và rất vui, chứ không lúng túng, tội nghiệp như hồi sáng.

Lần đầu tiên bước vô Dinh Tỉnh trưởng, cái gì cũng lạ, cũng khiến tôi tò mò. Tôi càng lạ hơn khi phòng tiệc chỉ có hơn chục người, kể cả ban nhạc, lại không có vẻ gì là một bữa tiệc sinh nhật. Tôi rất ngạc nhiên vì trong số khách mời có cả anh Hai Văn (tức Phan Văn Đáng)(*) và dược sĩ Hà Hồng Lạc (là cháu họ, gọi tôi bằng cô). Họ đều là bạn thân của Tỉnh trưởng Trần Văn Phước ư?

- Xin lỗi Ngọc Diệp - Tiếng anh Phước nói vừa đủ nghe - Tôi phải làm vậy để em không từ chối. Thực ra đây là bữa tiệc nhỏ, tôi muốn dành cho em sự bất ngờ và thật vui trước khi em rời tỉnh lẻ về lại Sài Gòn.

Anh Phước đã không biết rằng tôi sắp sang Pháp du học, tưởng tôi chỉ học Đại học ở Sài Gòn. Và tôi cũng không dám nói thật.

Bây giờ thì đến lượt tôi lúng túng và bối rối.

Tôi không nghe rõ anh đã nói gì với mọi người, chỉ thấy xung quanh mình tiếng vỗ tay ran ran.

Rồi mọi người nổ rượu sâm banh và chạm cốc; rồi tiếng nhạc ru dương cất lên...

Phước mời tôi nhảy. Tôi như người trong mơ. Nhưng tôi vẫn nghe rõ tiếng anh:

- Những điều anh nói với em hồi sáng. Giờ em nghĩ sao?

- Em đã trả lời anh rồi mà.

- Anh không nghĩ vậy. Nếu em đồng ý, chúng ta sẽ làm đám cưới...

- Em còn nhỏ. Em còn phải đi học mà.

- Thì cưới rồi, em vẫn đi học, có sao đâu. Anh sẽ lo cho em tất cả. Anh biết là em đã tự lập từ bé, nhưng giờ có anh giúp, em sẽ đỡ vất vả hơn.

- Em đã hứa với vong linh cha mẹ em là phải học xong đã rồi mới tính chuyện chồng con. Nếu anh còn thương em, thì ráng đợi em học xong. Biết đâu, khi đó anh sẽ chọn được người xứng đáng với anh hơn em?

Phước còn nói thêm nhiều lắm. Nhưng lúc đó tôi thấy anh Hai Văn nhìn tôi cười. Tôi không hiểu ý anh. Đầu óc tôi rối bời.

Thấy tôi im lặng, Phước rất buồn. Anh nói rằng hi vọng tôi sẽ nghĩ lại. Và anh sẽ chờ đợi câu trả lời của tôi sau khi kết thúc khóa học trở về...

-----------

(*) Ngô Đình Diệm (1901 -1963): Tổng thống đầu tiên của Chế độ Việt Nam Cộng hòa tại miền Nam trước đây, có cha là Ngô Đình Khả và mẹ là Phạm Thị Thân.

(*) Care: kiểu tóc cắt như đầu đinh hiện nay.

(*) Phan Văn Đáng (1918 -1997): Nguyên Phó Bí thư Trung ương cục miền Nam.

Sau này, Trần Văn Phước được Chính quyền Sài Gòn điều lên Cao nguyên làm Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức (nay đã nhập vào Lâm Đồng) một năm, thì út Diệp (lúc này đã được gọi là Ba Diệp) cũng được điều lên làm việc ở Bệnh viện Đà Lạt. Hai người bất ngờ, bối rối nhận ra nhau. Nhưng khi đó, Ba Diệp đã có chồng và đang mang thai đứa con đầu lòng.

Thấy người mình yêu đã lấy chồng và có con, Trần Văn Phước chán nản và thất vọng tới mức có lần ông mượn cớ sinh nhật, sau khi uống say, ông đã tự rút súng bắn thủng bụng mình trước mặt Ba Diệp (tức út Diệp), khiến cho chị phải đưa đi cấp cứu, trực tiếp cầm dao phẫu thuật lấy đầu đạn ra... Sau này, để tạo bình phong cho Ba Diệp dễ dàng hoạt động, Trần Văn Phước đã làm thủ tục đăng ký kết hôn để Ba Diệp được gọi là “Tỉnh trưởng phu nhân”. Nhưng hai người chưa bao giờ là vợ chồng thực sự.

Cũng từ đó cho đến cuối đời, “C16” - Trần Văn Phước đã không chịu yêu và cưới một người phụ nữ nào. Năm 1963, ông bị lực lượng đảo chính của Dương Văn Minh bắt giam biệt tích. Năm 1968, như sự sắp đặt của số phận, ông được Ba Diệp cứu thoát tình cờ tại Đà Lạt trong cuộc Tổng tiến công Tết Mậu Thân- 1968. Trần Văn Phước đã trở thành “Thương phế binh có công” và được Chính quyền Sài Gòn thăng hàm tới cấp Trung tướng. Sau ngày giải phóng miền Nam, ông vẫn hoạt động bí mật trên mặt trận Ngoại giao - Kinh tài cho Cách mạng hàng chục năm nữa. Năm 2004, ông mất trong một tai nạn máy bay thảm khốc.

TP - Sau khi học ngành y ở Pháp về, bà Đặng Hoàng Ánh (tên gọi lúc đó là Ngọc Diệp) được phân về một bệnh viện ở Sài Gòn. Bắt đầu tham gia các hoạt động trở lại, bà được tổ chức bố trí, dàn dựng để giết tên ác ôn tỉnh trưởng tỉnh Vĩnh Long Khưu Văn Ba một cách... hợp pháp.

Dưới đây là một đoạn bà Ánh nhớ lại trận đánh này.


Hôn lễ của cô dâu Phạm Ngọc Diệp và chú rể ĐàoTuấn Kiệt tháng 8/1959


Khưu Văn Ba đang ngồi trên ghế bành, trước một cái bàn làm việc rộng, bày biện rất sang trọng, xa hoa. Vừa thấy tôi, mắt ông ta như sáng lên, đứng bật dậy, chạy ra tận ngoài, vồn vã đón khách:

- Ô, chào “ma đam”! Mời “ma đam” ngồi. Tôi có thể giúp gì cho người đẹp đây?

Tôi mỉm cười và nói:

- Thưa Tỉnh trưởng, tôi là Léna Phạm, vừa tốt nghiệp “đốc tờ” ở bên Pháp về. Ông Bộ trưởng Bộ Y tế đã chấp nhận cho tôi ở Sài Gòn, nhưng tôi muốn làm việc ở Vĩnh Long để được gần họ hàng, gia đình...

Nói rồi, tôi mở chiếc ví đầm, lấy ra tấm bằng đưa cho Khưu Văn Ba, ông ta chẳng cần xem, xua tay và bảo:

- Thôi người đẹp cất tấm bằng đi! Tôi hứa sẽ giúp em mà!

Tôi chỉ cười cười, rồi vờ liếc mắt đưa tình...

Chỉ đợi có thế, Khưu Văn Ba buông lời tán tỉnh ngay:

- Nói thật nhé: Tôi chưa có “ma phăm” (vợ) đâu. Hình như Chúa trời xui khiến, đưa em đến làm “ma phăm” tôi phải không? Em đồng ý nha?

Thấy tôi lúng túng, Khưu Văn Ba dời ghế đứng dậy, lại gần, rồi bất ngờ vuốt tóc tôi một cách sàm sỡ:

- Cho tôi... hun em một cái đã nha. Chao ơi, người đâu mà xinh đẹp và dễ thương quá trời vậy!

Tôi giận run người, theo phản xạ bản năng con gái, tôi né tránh ông ta rồi đứng bật dậy, chạy vòng qua bàn. Nhưng vô tình lại đứng trước cánh cửa phòng ngủ khép hờ kế bên của Khưu Văn Ba. Ông ta lao đến, dùng sức đẩy tôi vô trong.

Khi tôi còn đang lúng túng chưa biết thoát thân bằng cách nào, thì “Ngài Tỉnh trưởng” đã lộ diện và biến thành gã “yêu râu xanh”. Ông ta cởi phăng chiếc áo đang mặc, để lộ bộ ngực trần, đầy lông lá như người châu Âu, đôi mắt vằn lên thèm khát. Ông ta từ từ tiến lại, còn tôi thì hoảng hốt lùi dần, lùi dần cho tới khi tôi vướng vào chiếc giường ngủ. Ông ta đẩy tôi ngã ngửa ra giường. Nhưng cũng lúc đó, tôi đã né người lấy được khẩu súng ngắn (1) ra khỏi ví, giơ lên và quát to:

- Nếu ông còn tiến lại, làm bậy, tôi bắn đó nha!

Khưu Văn Ba cười nhăn tụt nốt cái quần dài, trên người chỉ còn độc mỗi cái xilíp nhỏ xíu, có cột dây bên hông. Tôi vừa mắc cỡ, vừa bực mình, ngồi dậy và chạy vòng qua chiếc bàn nước nhỏ trong phòng, tay vẫn lăm lăm khẩu súng nhỏ đã lên đạn.

Khưu Văn Ba giọng năn nỉ tức cười:

- Thôi mà người đẹp! Đằng nào em cũng là vợ anh, không thoát được đâu. Lại đây chiều anh đi mà! Rồi em muốn gì sẽ được đấy.

Nhìn đôi mắt lim dim, khuôn mặt đờ đẫn của Ba, tôi bình tĩnh tiến lại gần. Tưởng tôi đã xiêu lòng, bất ngờ, ông ta túm lấy nòng súng kéo sát vào ngực mình:

- Đây là trái tim anh. Em cứ bắn đi, anh không hề ân hận và oán trách nửa lời. Còn nếu không bắn, thì em hãy chiều anh đi...

Vừa rên rỉ như người lên đồng, Khưu Văn Ba vừa vòng một tay qua eo kéo tôi lại gần hơn. Rồi bất ngờ, một tay ông ta vuốt mông tôi, tay kia thô bạo luồn dưới chiếc váy đầm, định kéo chiếc quần con của tôi...

Những tiếng súng nổ vang. Nòng súng quá gần mục tiêu, khiến cho đôi tai tôi như ù đi, kêu ong ong. Tôi đã bóp cò ba phát liền, mà chẳng nhớ mình đã hành động như thế nào. Khưu Văn Ba đổ gục xuống, máu xối ra đầy ngực, thấm đỏ cả chiếc gối ngủ.

Sau mấy giây đã trấn tĩnh lại, tôi vội vàng giật chiếc quần xilip của Khưu Văn Ba ra khỏi người ông ta, rồi tự cởi cả chiếc quần lót của mình vứt cạnh vũng máu. Tôi nhặt khẩu súng cho vào ví, rồi bình tĩnh đi ra ngoài. Dường như căn phòng tôi vừa hành động quá kín, nên tiếng súng không lọt được ra ngoài, trong dinh Tỉnh trưởng chưa ai biết chuyện gì.

Tôi bình tĩnh ra xe nổ máy, gật đầu chào tên lính gác rồi lái thẳng đến Đồn Cảnh sát gần đó, theo đúng kế hoạch đã được các anh lập ra trước. Vừa vào tới phòng trực ban, tôi vờ hớt hải kêu to:

- Tôi xin gặp ông “Cò”! Tôi có chuyện khẩn cấp trình báo nhà chức trách!

Tiếp tôi là ba người, trong đó có một sĩ quan cảnh sát nhìn quen quen, nhưng tôi không nhớ là mình đã gặp ở đâu. Tôi kể lại toàn bộ sự việc, rồi nhấn mạnh: Ngài tỉnh trưởng đã sàm sỡ, cưỡng bức tôi, súng đã cướp cò và vô tình tôi đã giết ông ta... Biên bản ghi lời khai đã làm xong. Được đọc lại, rồi cùng ký bên dưới.

Ông “Cò” tiễn tôi ra tận cửa, rồi nói nhỏ:

- Cô nhớ phải giữ nguyên lời khai như vừa rồi với bất cứ ai. Mọi việc ở đây đã có chúng tôi lo...

*

Tôi nhận được giấy triệu tập của Tòa án tỉnh Vĩnh Long, với tư cách là người bị kiện vì đã giết người. Mà người đó nguyên là Tỉnh trưởng Vĩnh Long.

Anh Hai Xô động viên tôi:

- Cô Út cứ yên tâm. Tổ chức đã tính toán kĩ và bố trí rồi, kể cả việc thuê “thầy cãi” nữa. Cô cứ bình tĩnh giữ đúng lời khai trước sau như một. Mình bị kiện, nhưng cũng là người bị hại, vì bảo vệ danh dự, phòng vệ chính đáng mà vô tình giết người, lo gì chứ. Nhất định mình sẽ thắng kiện trong vụ này!

Được lời của anh Hai Xô, tôi cũng yên tâm hơn.

Phiên tòa diễn ra khá trật tự. Tôi nhớ người ngồi ghế quan tòa xét xử vụ án của tôi hôm đó là ông Cao Minh Hoàng, dáng vẻ oai vệ, nói năng khúc triết và đầy vẻ quyền uy.

Sau khi lần lượt làm tất cả các thủ tục theo đúng luật, nghe hai bên luật sư trình bày, Tòa nghị án rất nhanh, rồi quan tòa Cao Minh Hoàng dõng dạc tuyên án:

- Xét thấy, bị cáo khi bị cưỡng bức đã phòng vệ chính đáng, vì bảo vệ thân thể mà hành động theo đúng pháp luật, được Tổng thống cho phép... Như vậy, hành động đó là vô tội. Bản chức truyền tha bổng!

Sau này, tôi được biết trong vụ tiêu diệt tên ác ôn “yêu râu xanh” Khưu Văn Ba, tôi đã được tổ chức và gia đình hỗ trợ rất nhiều, từ trước khi vụ án diễn ra, cho đến khi kết thúc.

Thứ nhất, là “Ông Cò” đã lấy lời khai hôm tôi hành động là anh Nguyễn Thế Vĩnh, một người anh họ bên ngoại của tôi, đồng thời cũng là người của ta cài vào trong lực lượng cảnh sát của địch ở Vĩnh Long.

Thứ hai là, trước khi phiên tòa diễn ra, ngoại tôi đã sai cậu Trương Gia Quế đến kêu với mẹ của Tổng thống Ngô Đình Diệm. Bà này cho gọi ngay ông Diệm lại, nói rõ đây là dịp để trả ơn gia đình tôi, trước đây từng giúp đỡ ông Ngô Đình Thục, giờ lại thường xuyên chữa bệnh, chăm lo sức khoẻ cho gia đình bà cụ. Ông Diệm là người bảo thủ, vốn chúa ghét chuyện trai gái, đã chỉ đạo không kết tội tôi.

Thứ ba là, quan toà Cao Minh Hoàng lần lại gốc gác lại là người cháu kêu tôi bằng cô họ, nên ông công khai bênh tôi. Bởi thế, khi xét xử mọi người đều biết là tôi đã cầm chắc phần thắng kiện rồi.

Kết hôn theo... lệnh của

tổ chức

Một lần, sau khi rào trước đón sau chuẩn bị tư tưởng cho tôi, anh Hai Xô nói:

- Hôm nay anh giao nhiệm vụ cho em, vừa là đại diện cho tổ chức, vừa là tình cảm anh em. Chuyện là thế này... Tổ chức muốn em phải lấy chồng. Và kết hôn ngay trong tháng này.

Tôi tròn mắt, tưởng mình vừa nghe nhầm, lắp bắp hỏi lại:

- Em... em... phải lấy chồng hả? Nhưng mà... ai lấy? Và sẽ... lấy ai?

- Chú rể là Giáo sư, Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt. Anh ấy biết em từ lâu và cũng rất mến em. Đây là yêu cầu của Đảng, cũng là nhiệm vụ: Đồng chí phải kết hôn với nhà trí thức yêu nước Đào Tuấn Kiệt! Đó là người cùng nghề y, lại rất có uy tín. Chỉ làm như vậy, tổ chức mới dễ bề nới rộng mạng lưới hoạt động chính trị, xã hội và kinh tài... Cách mạng đang rất cần tranh thủ những trí thức như Đào Tuấn Kiệt. Mà nhiệm vụ này chỉ có đồng chí mới hoàn thành được.

Tôi được 10 ngày để suy nghĩ.

Qua anh Hai Xô, tôi được biết Giáo sư, Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt từng du học tại Pháp và là bạn đồng môn với các Giáo sư nổi tiếng như Hồ Đắc Di, Phạm Ngọc Thạch, Trần Văn Phấn... Đặc biệt, Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt chơi rất thân với anh Ba Nghĩa - tức Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (2); họ là bạn đồng niên, đồng tuế với nhau.

Hai người cũng chơi rất thân với anh Hai Phạm Hùng. Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt từng là Giám đốc các Sở Y tế ở Gia Định, Thủ Đức, Trà Vinh, Long An, Vĩnh Long, Long Xuyên... (Sau này, ông còn là một nhà hoạt động từ thiện xã hội nổi tiếng Sài Gòn, với việc lập nhà tình thương nuôi hàng ngàn lượt trẻ em mồ côi, tật nguyền).

Tuy nhiên, Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt hơn tôi tới hai “giáp”. Nghĩa là khác tôi cả một thế hệ! Tôi cố tưởng tượng, hình dung, gò ép, cố tìm mọi cách tự điều chỉnh bản thân, nhưng vẫn không hề có được một chút tình cảm nào với người mà tổ chức yêu cầu tôi phải lấy làm chồng.

Tôi lo nghĩ nhiều quá tới độ ù cả tai, hoa cả mắt... Thậm chí uất ức quá, không biết làm thế nào, tôi đã cầm súng đặt vào mang tai, với ý định tự sát mà không thành. Tổ chức biết tư tưởng của tôi rất phân vân, nên lúc nào cũng cử người theo dõi sát, đề phòng tôi dại dột, thiệt thân.

Và cuối cùng, cái đám cưới tôi không hề mong đợi ấy vẫn đến với tôi vào ngày 29 tháng 8 năm 1959.

Tôi kết hôn với Giáo sư Bác sĩ Đào Tuấn Kiệt mà không có tình yêu.

Ngay sau lễ cưới, tôi bỏ về nhà mình. 7 ngày sau chú rể chưa được động phòng. Để tránh tai tiếng và cũng để giải quyết tình huống, anh Kiệt bố trí rồi thuyết phục tôi đi tuần trăng mật ở Nhật Bản.

Cho đến giờ, tôi vẫn không quên được “lần đầu tiên” ấy với anh. Sau khi đã hết cách thuyết phục mà tôi không thuận, anh Kiệt đã mở cửa ra đứng ở ban công nhà cao tầng và tuyên bố sẽ tự vẫn nếu tôi vẫn không chịu.

Tôi hiểu là một trí thức Tây học, trọng danh dự và lịch lãm như Đào Tuấn Kiệt, anh không thể nói đùa.

Chúng tôi chính thức làm vợ chồng với nhau từ ngày đó.

Mười lăm ngày sau, chúng tôi trở về Việt Nam.

Cũng trong chuyến đi này, tôi đã có thai. Không biết là nên vui hay nên buồn nữa?

Đặng Vương Hưng

(1) Để thực hiện trận này, Ngọc Diệp đã xin được giấy phép đặc biệt được mang súng.

(2) Luật sư Nguyễn Hữu Thọ (1910 - 1996): Chủ tịch đầu tiên của Mặt trận Dân tộc Giải phóng miền Nam Việt Nam.

Kỳ 5: Đánh Đại sứ quán Mỹ và vào chùa làm ni cô

>> Kỳ trước

TP - Năm 1964, lực lượng biệt động Sài Gòn lên kế hoạch đánh bom Đại sứ quán Mỹ. Sau một năm trời chuẩn bị, được sự hỗ trợ của các đồng chí ta luồn sâu, leo cao trong hàng ngũ địch, Ngọc Diệp, lúc này hóa thân thành ca sĩ - vũ nữ Thu Nga, đã bắt quen và hút hồn Taylor - một cố vấn cao cấp Mỹ, khiến ông ta phải cầu hôn.


Ngọc Diệp trong bộ áo ni cô tại chùa Quang Minh sau khi đánh bom Sứ quán Mỹ


Nhờ mối quan hệ với Taylor, việc đưa bom vào Sứ quán Mỹ trở thành hiện thực. Dưới đây, Ngọc Diệp - Đặng Hoàng Ánh kể về giai đoạn cuối của chiến dịch.

Sài Gòn, 21 giờ đêm ngày 28 tháng 5 năm 1965.

Đang đứng ngồi không yên thì tôi thấy anh Năm Đen bất ngờ xuất hiện. Anh bàn giao cho tôi ba quả bom, trong hình hài ba con búp bê một gái hai trai, rất đẹp.

Kèm thêm là một hộp đựng đồ trang sức cũng dành để đựng những quả bom kia và ba bó hoa tươi để đêm sau ôm vào Tòa Đại sứ Mỹ.

Năm Đen nói nhỏ:

- Cô chỉ cần bấm chiếc nút nhỏ được cài kín đáo dưới rốn búp bê là ngòi nổ hẹn giờ đã được kích hoạt. Có thể để chế độ hẹn giờ: 60 phút, 30 phút, hay 15 phút, hoặc cho nổ tức thì... quả bom sẽ tự phát nổ. Tuỳ theo tình hình cụ thể, mà cô quyết định chọn chế độ nào.

Đúng 8 giờ 30 phút, ngày 29 tháng 5 năm 1965.

Khi Cẩm Vân cùng tôi đến điểm hẹn đã thấy có xe của Jeandy (một người Việt lai Pháp, phiên dịch của Sứ quán Mỹ, người của ta - TG) chờ sẵn. Trong xe còn có hai tướng của Bộ Tổng tham mưu là Đặng Văn Quang và Đỗ Cao Trí, cùng hai ca sĩ Ngọc Hiển và Minh Hiền.

Tôi giao vali xách tay cùng ba bó hoa cho Jeandy. Anh mở vali có ba con búp bê cho mọi người thấy. Đoàn ca nhạc gồm một số ca sĩ và nhạc công của Đài Pháp Á được mời gồm chín người cũng vừa tới đó. Jeandy đỗ xe và mời chúng tôi vào phòng tiếp tân.

Vừa xuống xe thì các sĩ quan phóng viên Hoa Kỳ đua nhau chụp ảnh tôi và Taylor. Chính Taylor đưa đoàn nghệ sĩ vào nên không bị lục soát. Quận trưởng Cảnh sát Kiều Công Bì (Quận trưởng Cảnh sát Quận 1 Sài Gòn, người của ta – TG) nói nhỏ:

- Em hát chừng hai bản thôi nghen. Khoảng 9 giờ 45 phút là nghỉ được rồi, chậm là 10 giờ vì khoảng 10 giờ 15 phút là tiệc sắp tàn rồi.

Sau khi nồng hậu trao bó hoa chúc mừng cho Taylor, tôi xin phép vào phòng trong để thay đồ và trang điểm. Jeandy cũng xách vali bước tiếp theo tôi. Jeandy siết chặt tay tôi như muốn tiếp thêm sức mạnh và giúp tôi bình tĩnh hơn. Lúc này, ba quả bom đã được chuyển vào đúng vị trí.

Tiệc tiếp tân càng về cuối càng tỏ ra sôi động. Sau khi khiêu vũ với Taylor rồi với Đại tướng Đặng Văn Quang, tôi xin phép vào hậu trường thay đổi xiêm y. Lợi dụng lúc nhộn nhịp ca hát, tôi vờ trang điểm lại để cài giờ hẹn bom nổ. Tôi tiếp tục khiêu vũ, hẹn sẽ trả lời với Taylor về lời cầu hôn tại nhà hàng Magestic vào lúc 20 giờ 30 phút hôm sau.

Mười lăm phút sau, chúng tôi chào nhau ra về. Taylor tiễn tôi trong men tình ngây ngất.

Xe của Jeandy chạy đến Bưu điện Sài Gòn thì cho tôi xuống cùng với ông Kiều Công Bì. Tôi vừa bước lên tam cấp nhà Bưu điện thì nghe tiếng nổ long trời lở đất. Mọi người chạy nháo nhào. Xe cảnh sát, nhà binh rú máy, rú còi náo loạn ầm ĩ.

Bên ngoài đã có các đồng đội yểm trợ, tôi vào phòng vệ sinh của Bưu điện Sài Gòn thay bộ đồ khác và gỡ bỏ tóc giả rồi bỏ vào thùng rác. Ra khỏi Bưu điện đã có xe taxi chờ đón đưa tôi về Phú Nhuận.

Lánh vào chùa

Tôi đã vào xin làm việc công quả cho chùa Quang Minh để nghe ngóng tin tức về vụ đánh bom toà Đại sứ Mỹ.

Từ đó cho tới mấy ngày sau, tôi tuyệt đối không bắt được liên lạc với ai. Để có thể ở lại trong chùa được lâu, tôi đến quỳ gối trước mặt Hòa thượng phịa ra lý do: Cha mẹ chết hết, người tình phụ bạc, đã tự vẫn mà không chết, giờ xin phép xuất gia nương nhờ cửa Phật.

Thật may, vị Hòa thượng cũng vui lòng chấp thuận. Thầy đặt cho tôi Pháp danh là Nguyên Dưỡng. Ni cô Nguyên Dưỡng cũng là tên, để từ đó về sau, các phật tử đến chùa đi lễ và quý tăng ni gọi tôi.

Mấy tuần sau, tôi nghe Phật tử đi chùa nói: Bọn cảnh sát mật vụ đang ráo riết lùng sục ca sĩ Thu Nga với một phần thưởng rất hấp dẫn: 5.000 USD cho cái đầu và 15.000 USD nếu là cả người. Thấy tình thế gay go quá, tôi đến xin Hòa thượng cho phép được “vân du học đạo”.

Thầy đã vui lòng chấp thuận cấp năm trăm đồng và một phong thư giới thiệu để tôi đến chùa Giác Thiện thuộc Hội Phật học tỉnh Vĩnh Long. Nơi đây Sư bà trụ trì pháp hiệu là Giác Nhẫn có mở lớp Phật học, dạy tăng ni tam quy thọ ngũ giới. Lúc này, tôi vẫn chưa bắt được liên lạc với đồng đội của mình, đành tự phải tìm lối để đi.

Tôi ngồi ở phòng khách uống nước không lâu thì Sư bà đến, tôi đứng lên vái ba lễ. Sư bà hoan hỉ đáp:

- A di đà phật! Thầy xem thư của hòa thượng ở chùa Quang Minh rồi. Con đến đây học luật Sadini và vào nhập hạ. Ta vui mừng đón con. Ban ngày con chép kinh học đạo, ban đêm con phải tụng kinh tịnh độ.

Tôi đáp: A di đà phật. Con xin nhận Phật sự thầy giao.

Sáng hôm sau, chùa Giác Thiện làm lễ cúng chay siêu độ cho các chiến sỹ Cách mạng vong trận. Sau này tôi mới rõ, nhà chùa này còn là nơi hội họp sinh hoạt của Thành hội Phụ nữ Cộng sản tỉnh Cửu Long.

Tôi ở lại chùa được gần một tháng sau, Sư bà Giác Nhẫn gọi tôi vào, cấp cho năm trăm đồng cùng với hai bộ áo nữ tu. Sư bà bảo nơi này bây giờ đã không yên nữa. Tôi làm lễ kính thầy và được chuyển về chùa Hải Huệ ở Sa Đéc.

(Sau này tôi mới đoán ra lý do tại sao tôi mất liên lạc với tổ chức, mà những người ở ngôi chùa theo cách mạng này và những cơ sở tiếp sau đó nữa lại biết để có ý thức bảo vệ tôi như vậy. Ấy là do các đồng chí ở Vĩnh Long có một số người biết tôi. Và cũng có lẽ các nhà sư nhận ra tôi khi xem hình ca sĩ Thu Nga đăng trên các báo?).

Qua báo chí, tôi được biết Tòa Đại sứ Hoa Kỳ bị đánh bom, làm chết hơn 30 sĩ quan của địch và nhiều người khác bị thương. Bốt cảnh sát bên cạnh Tòa Đại sứ cũng bị sập, làm chết hơn 20 người. Có tờ báo còn đăng cả ảnh chụp toàn cảnh Đại sứ quán Mỹ đổ nát tan hoang.

Những ngày đó, Bộ tổng Tham mưu Quân lực Việt Nam Cộng hòa ra lệnh giới nghiêm 24/24 giờ tại các phòng trà, vũ trường. Báo nào cũng đăng hình bốn vũ nữ: Thu Nga, Cẩm Vân, Ngọc Hiển, Minh Hiền lên trang nhất. Họ viết đại ý rằng: Khi cảnh sát truy tìm, chỉ thấy ba ca sĩ.

Còn ca sĩ Thu Nga - người tình, cũng là vợ chưa cưới của Taylor đã biến mất. Taylor cũng chẳng thấy đâu. Khó tin hơn là không tìm thấy xác của cả hai người. Theo lời kể của các vũ nữ còn sống, họ bảo cô Thu Nga ấy còn kẹt trong đống gạch đổ. Thật buồn cười, vô tình, báo chí đã giúp cho tôi có lý do mất tích.

Chuyển về chùa Hải Huệ ở Sa Đéc được chừng một tháng thì tôi lại phải chuyển qua chùa Từ Quang ở gần đó, vì phát hiện có kẻ lạ mặt tìm đến chùa nhòm ngó rất khả nghi.

Tôi ở chùa Từ Quang được khoảng mười hôm, sư bà trụ trì chùa Từ Quang cho gọi tôi đến và bảo:

- Thầy Giác Nhẫn chùa Giác Thiện có gọi tôi về để gửi Nguyên Dưỡng. Nhưng nay ở đây bất tiện, tôi đưa ni cô về chùa Thanh Lương cũng gần đây thôi. Đó là nơi khách thập phương ít tới lui, vắng vẻ. Nguyên Dưỡng ở đó tạm, rồi chúng tôi tìm nơi gửi gắm cho.

Tôi đến chùa Thanh Lương ở gần ba tháng nữa thì sư bà Như Châu trụ trì chùa Từ Quang lại đến đưa tôi một ngàn đồng, tay nải đựng chuông mõ và mấy quyển kinh, tiễn tôi về Cần Thơ.

Sư bà ân cần nói với tôi: Con cứ đến nhà thầy Minh Tuệ đang tu tại gia, cầm thư này trình, thầy sẽ có cách giúp.

Tôi lên xe về đến điểm hẹn ở Cần Thơ, thì có người đón vào một căn nhà lá. Chẳng thấy thầy hoặc cô nào đi tu cạo đầu như tôi, chỉ có bà cụ tuổi đã bảy mươi mặc áo nhà tu, búi tóc ăn trầu đang bán tương chao.

Cụ đọc thư xong, nhìn tôi và tươi cười nói: Con vô nhà tắm đi. Nếu muốn ở với ta, thì phải lo mà ăn rau dưa và học đạo.

Những ngày sau đó, tôi lo tất bật làm tương cùng với mọi người. Đêm đến, khá đông các bà các chị tới nhận tương chao để mai mang bán ngoài chợ Ninh Kiều.

Khoảng hơn ba tháng, một lần nữa, tôi lại phải chuyển chỗ ở đến Cái Răng. Lúc tôi đi, bà cụ nói:

- Ta là cơ sở có nhiệm vụ lo tìm cho con đường về căn cứ. Nên về Cái Răng gần Phụng Hiệp. Nơi đó tìm bắt liên lạc về cứ dễ hơn. Con cầm một ngàn đồng này, tùy cơ sử dụng. Con Hợi sẽ đưa con đi. Tụi bay cứ đem tương chao vô Cái Răng rồi tính.

Vậy là tôi mặc áo bà ba rách, quần chân què chân đụp, đi xuống Cái Răng bán tương chao cùng với chị Hợi.

Một hôm gặp anh Ba Hưng ra nhận tương chao. Chị Hợi mừng quá giao tôi cho anh dẫn về Phụng Hiệp.

Nói rõ thêm về anh Ba Hưng (tức Đặng Huỳnh Long, hay Đặng Thiết Bản), con trai của mẹ Nguyễn Thị Sương ở xã Long Phú, huyện Bình Đại, Bến Tre. Mẹ Sương có bảy người con trai theo Cách mạng. Anh Bản đánh giặc rất giỏi, xạ thủ đại tài nổi danh đánh giặc Tây ở Cống Bà Dung.

Tôi ở Phụng Hiệp được hai tháng, gặp đúng thời kỳ địch bố ráp liên miên, anh Ba Hưng phải chuyển tôi xuống Sóc Trăng ngồi bán xôi chè. Nơi này khổ sở nhất là chuyện thiếu nước uống và nước tắm.

Nhưng tôi cứ phải ở vậy, hàng ngày đi bán xôi chè và chịu mọi khổ cực, cho tới cuối năm thì bất ngờ gặp được anh Mười Cúc (tức đồng chí Nguyễn Văn Linh, sau này là Tổng Bí thư của Đảng) và sau đó được đưa trở lại R.

Kỳ 6: 100 ngày bị bắt ở Đà Lạt

>> Kỳ trước

TP - Bà Đặng Hoàng Ánh kể: Năm 1968 bà tham gia cuộc Tổng tiến công và nổi dậy Xuân 68 tại Đà Lạt, năm 1969 tham gia trực tiếp vào vụ ám sát không thành Tổng thống Sài Gòn Nguyễn Văn Thiệu và đánh sập rạp Ngọc Lan (Đà Lạt) giết và làm bị thương hàng trăm sĩ quan Mỹ - Ngụy.


Ngọc Diệp – Đặng Hoàng Ánh năm 1972 tại Đà Lạt

Sau đó tham gia một đơn vị đặc biệt chiến đấu ở chiến trường Lào cho đến năm 1972 thì trở về Đà Lạt. Do có kẻ phản bội, bà bị địch bắt.

Tối hôm đó, tôi tìm về ngôi nhà 81A - Đào Duy Từ, thành phố Đà Lạt để nghỉ nhờ.

Đây là nhà riêng của chị Cẩm Vân - một cơ sở của tôi. Chị có chồng là một thiếu tá ngụy, nhưng rất có cảm tình với cách mạng. Chị Cẩm Vân từng làm ca sỹ phòng trà, là một người đẹp có tiếng một thời. Chẳng thế mà Đại uý phi công Nguyễn Cao Kỳ từng mê chị như bị bỏ bùa.

Lâu lắm chúng tôi không gặp lại nhau. Tối hôm đó, dự tính ăn cơm xong, chúng tôi tới một quán bar của thành phố để liên lạc chắp nối với một số cơ sở khác, cùng bàn phương hướng hoạt động trong thời gian tới.

Mâm cơm dọn ra, tôi vừa bưng chén cầm đũa, thì nghe tiếng xe hơi nhà binh dừng đột ngột trước cổng. Tiếng đóng cửa xe vội vã, rồi rất nhiều tiếng giày đinh chạy gấp gáp. Tôi linh tính có chuyện chẳng lành sắp xảy ra. Tôi chưa kịp đứng lên thì đã có hàng chục tên lính mặc sắc phục cảnh sát, cùng một tên Mỹ cao to mặc thường phục xộc vào:

- Chúng tôi được lệnh mời bà về Ty An ninh làm việc!


Bà Đặng Hoàng Ánh nhận kỷ niệm chương chiến sĩ cách mạng bị địch bắt và tù đày

Tôi vừa đứng lên, đã bị hai tên lính xốc nách đi kèm hai bên áp giải ra xe. Bọn địch không xét hỏi giấy tờ gì của tôi cả, mà đưa tôi thẳng vào nhà giam số 11B của Ty An ninh ở đường Trần Hưng Đạo, Đà Lạt.

Đêm đó tôi bị mấy tên điều tra viên thay nhau hỏi cung nhiều lần, nhưng không bị đánh đập. Có lẽ chúng cố tình không cho tôi có thời gian tĩnh tâm suy nghĩ để đối phó, cũng không cho tôi ngủ, dù chỉ là một phút để đầu óc mệt mỏi dễ bị khuất phục chúng.

Sáng hôm sau bọn địch đưa vào phòng giam một sinh viên tên Trương Đình Thành. Chúng phủ đầu anh này:

- Thành, con này đồng đội của mày. Nó đã khai hết rồi.

Đình Thành đáp giọng cứng cỏi:

- Tôi không biết người này. Tôi đang học tại Đại học Đà Lạt, lúc về nhà xin gạo thì bị bắt.

Bọn lính dẫn tiếp một người vào, đó là Giáo sư Nguyễn Thúc Đệ. Chưa bị đánh, ông ta đã khai nhận:

- Thằng Thành theo Việt Cộng. Nó đã về nhà tôi lấy gạo nhiều lần.

Thành phủ nhận:

- Nhà tôi nghèo, không có tiền học thêm phải đi làm trả công cho giáo sư, lui tới nhà ổng là chuyện bình thường. Tôi không theo Việt Cộng.

Bọn điều tra Ty Công an kéo tôi xềnh xệch từ phía trong ra. Tên người Mỹ cùng bọn lính đi bắt tôi tối hôm trước cũng xuất hiện. Trên ngực áo của hắn có đeo một chiếc biển hiệu có dòng chữ SFB. Hắn quay sang hỏi Nguyễn Thúc Đệ:

- Ông có quen biết người phụ nữ này không?

Nguyễn Thúc Đệ lập tức chỉ thẳng vào mặt tôi:

- Con mẹ này đưa gạo để tôi chở giao cho Việt Cộng!

Tên người Mỹ nhìn tôi ra vẻ ái ngại:

- Vậy là đã rõ. Tôi khuyên người đẹp nên thành khẩn khai báo hết, nếu không những người lính này sẽ làm cô mất hết nhan sắc.

Tôi nhìn thẳng vào mặt hắn:

- Tôi chỉ là một người bình thường, bị vô cớ bắt giam, chẳng có gì khai báo với các ông cả.

Tên người Mỹ lắc đầu nhún vai bỏ ra ngoài. Thế là tôi bị hai tên an ninh điều tra cùng xô vào đánh đập rất dã man. Bọn chúng tra tấn đủ kiểu.

- Mày làm gì, ở đâu? Có chịu khai ra mau không?

- Tôi đang làm bác sỹ, là người nhà của Tỉnh trưởng Trần Văn Phước.

- Nói láo! Ngài Tỉnh trưởng làm gì có “người nhà” như mày!

Chưa kịp trả lời thì chúng đã chích điện làm tôi ngất xỉu, tỉnh lại thì chúng đánh tiếp.

Nguyễn Thúc Đệ đã được chúng cho về. Sau này tôi mới biết, ông ta đã chiêu hồi địch từ lâu. Chính Đệ đã chỉ điểm để bọn địch tới bắt tôi.

Tôi và Trương Đình Thành bị đánh liên tiếp. Được biết, năm đó Thành đang là sinh viên Trường Đại học Đà Lạt. Bọn lính đã dùng nhiều cực hình đối với anh.

Một hôm, bọn chúng đưa thêm vào phòng giam một nữ tù tên Nguyễn Thị Dương, rồi cùng lúc tiến hành tra tấn cả ba chúng tôi.

Chị Dương bị chúng đánh đập rất dã man. Đấm đá chán chị vẫn không khai báo, chúng đã châm vào hai đầu vú và vào chỗ kín của chị. Chị Dương ngất đi, tỉnh dậy vẫn rất kiên cường. Biết mình sẽ chết, nên chị Dương liều mình chửi chúng nó để cứu tôi và Thành.

Tên điều tra viên tức tối rút dao lê ra chặt một ngón tay chị Dương rồi chặt cả bàn tay rồi dùng dao lê rạch miệng chị. Máu ra như xối, lênh láng cả nền phòng giam. Thấy chị Dương đã ngất xỉu. Tôi hét lên:

- Lũ ác ôn dã man, quân chó má! Chúng mày giết chị ấy rồi!

Cả mấy tên địch cùng quay sang tôi đấm đá. Chúng hò nhau đè tôi xuống nền nhà. Tôi nghe một thằng nói:

- Cắt gân chân con mẹ này đi, làm cho nó què hẳn, để khỏi đi vào rừng làm Cộng sản nữa!

Rồi tôi thấy mát lạnh và buốt nhói ở sau đầu gối phải. Tôi vùng vẫy, quờ tay xuống chỗ đau, thấy máu ra đầy tay. Tôi gục xuống, trong mơ màng đau đớn, còn nghe tiếng bọn ác ôn cười hô hố...

Tôi không biết mình đã bị bắt giam được bao nhiêu ngày, vì phòng giam chỉ có ánh sáng đèn điện, không biết ngoài kia là sáng, chiều, hay đêm? (1)

Trên nền xi măng của phòng giam, quần áo tôi bết máu, mồ hôi và cả nước tiểu, đã nhàu nát, bốc mùi hôi thối nồng nặc. Khắp người tôi chỗ nào cũng đau nhức và buốt nhói.

Có ngày, tôi và chị Dương đều bị lột trần truồng. Chúng đánh đập đến nỗi không còn nói được, chết đi sống lại mấy lần nhưng vẫn không yên. Có lúc tỉnh lại thì nghe chị Dương rú lên một tiếng hốt hoảng, đau đớn do bị địch chặt bàn tay, tôi lại chết ngất tiếp.

Một lần tỉnh lại thì tôi không thấy chị Dương và sinh viên Trương Đình Thành đâu nữa. Họ đã bị chết cả, hay chúng đưa họ đi giam giữ tại đâu? (1).

Phần tôi, sau mấy ngày bị kiệt sức, sốt mê man do vết thương nhiễm trùng, tôi chỉ còn nhớ có một bác sỹ đến khám. Điều may mắn cho tôi là người bác sĩ này vốn là đồng nghiệp cũ của tôi, đồng thời còn là “đệ tử” của anh Phước. Đợi cho tên lính gác ra ngoài, ông vội lay nhẹ cho tôi tỉnh dậy, nói vừa đủ nghe:

- Chị Diệp! Có phải Docteur Diệp đấy không?

Tôi mở mắt nhìn, thấy người bác sĩ nhìn tôi không có gì là ác ý, liền gật đầu và nhăn mặt vì đau đớn.

- Trời đất ơi! Bọn dã man, chúng đánh chị ra nông nỗi này ư? Ngài Tỉnh trưởng đã biết việc chị bị bắt chưa?

Tôi lắc đầu.

Người bác sĩ động viên:

- Chị hãy gắng lên nhé. Tôi sẽ tìm cách liên hệ với ngài Tỉnh trưởng. Giờ tôi sẽ chích cho chị một liều văcxin ngừa bệnh phong đòn gánh và một liều thuốc trợ lực nữa. Tôi sẽ để lại một số thuốc uống kháng sinh và thuốc bổ, chị nhớ dùng đều đặn...

Người Bác sĩ tiêm thuốc cho tôi xong lại hỏi:

- Chị bị như thế này bao lâu rồi?

Tôi chỉ gật đầu, đưa mấy ngón tay lên ra hiệu, rồi lại ngất đi.

Không lấy được tin tức gì, do tôi không khai báo gì, bọn địch có hôm bỏ đói tôi cả ngày. Chúng cũng không đánh tôi nhiều như những ngày mới bị bắt.

Một buổi sáng sớm, đang nằm sốt mê man li bì thì tôi nghe có tiếng lính coi tù thông báo:

- Nghi phạm Nguyễn Như Diệp (tức Phạm Ngọc Diệp) có người nhà đến thăm.

Tôi mừng rỡ, nghĩ là người của mình tới, cố ngồi lên mà chân tay rã rời, người cứ rũ xuống như tàu lá chuối bị héo.

Nhiều tiếng người nói xôn xao ngoài cửa... Tiếng của anh Phước? (2) Đúng rồi, không thể nhầm được.

Tôi được cứu.

(1) Năm 2005, Mặt trận Tổ quốc huyện Đức Trọng, tỉnh Lâm Đồng có yêu cầu bà Đặng Hoàng Ánh xác nhận cho Trương Đình Thành đã bị địch bắt và tù đày năm 1972. Hiện nay, Thành đang bị tâm thần phân liệt, anh sống với mẹ già ngoài bảy mươi tuổi và một chị gái độc thân. Hoàn cảnh rất khó khăn.

(2) Theo hồi ức của bà Đặng Hoàng Ánh thì Trần Văn Phước là nguyên đại tá, Tỉnh trưởng tỉnh Tuyên Đức, người của ta cài vào hàng ngũ địch, bị phe đảo chính Ngô Đình Diệm bắt biệt giam 5 năm, đến năm 1968 mới ra khỏi tù, được chính quyền Thiệu coi là người có công, đặc cách phong Trung tướng. Ông là người luôn giúp bà trong những cơn hoạn nạn và giữ tình yêu với bà đến trọn đời.



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
quan chua biet dong

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™