Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 10-05-2008, 12:52 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Những điều chưa kể về nhà tình báo Hoàng Minh Đạo

TP - Hoàng Minh Đạo (tên thật là Đào Phúc Lộc, sau này thêm bí danh Năm Thu, Năm Đời) tham gia hoạt động cách mạng ở vùng Đông Bắc từ trước khởi nghĩa.

Ông là thủ trưởng của ngành tình báo ngày đầu lập nước. Năm 1948, là đặc phái viên của Bộ Tổng tham mưu, ông đi kiểm tra, xây dựng mạng lưới tình báo dọc theo đất nước, rồi bám trụ lại Nam Bộ, trở thành một trong những cán bộ chủ chốt của Đảng và Quân đội tại mảnh đất Thành đồng Tổ quốc.

Ba mươi năm sau cái chết thầm lặng của ông trên sông Vàm Cỏ, chuyện về cuộc đời và sự nghiệp của ông mới bắt đầu được báo chí đăng tải. Nhưng vẫn còn nhiều, rất nhiều câu chuyện hấp dẫn về nhà tình báo đã đi vào huyền thoại mà bạn đọc chưa biết đến…

Trong chuyến công tác TP Hồ Chí Minh mới đây, theo yêu cầu tòa soạn, tôi đến gặp một số doanh nghiệp, trong đó có Cty TNHH MV. Giám đốc Cty này là bà Đào Thị Minh Vân.

Hai cô con gái lớn đã lấy chồng nhưng bà Vân vẫn giữ được nhiều nét một thời thiếu nữ duyên dáng. Giọng nói bà nhẹ nhàng mà khúc triết, rất ấn tượng. Và tôi thật bất ngờ, khi được biết bà chính là con gái lớn của nhà tình báo huyền thoại Hoàng Minh Đạo.

Chuyện về anh hùng Hoàng Minh Đạo đã được nhiều tờ báo đăng tải, được in thành sách, dựng thành phim. Sự nghiệp của ông thật vẻ vang, đóng góp của ông cho cách mạng thật đáng tự hào.

Thế nhưng, một thời gian dài, những chiến công thường là thầm lặng của ông ít được ai biết. Thậm chí ở TX Móng Cái quê hương ông, có lời đồn rằng ông vào Nam chiến đấu rồi đầu hàng địch, nên sau ngày toàn thắng, không ai nhắc đến ông nữa...

Từ những hồi ức quý giá

“Trước hết, cô muốn kể cho con nghe tại sao cô cất công đi tìm gặp các đồng đội của cha cô” - khi tôi đề nghị được nghe chuyện về người cha huyền thoại, bà Vân bắt đầu như vậy - “Cô vốn nhiều bạn bè. Những cuộc hội ngộ của gia đình bạn, cô đều được mời dự. Ít ai biết sau những buổi đó cô cảm thấy tủi thân thế nào.

Ngày giỗ cha, bốn chị em cô quy tụ đông đủ, nhưng trong tiệc chẳng ai nói được gì về cha mình. Khi các con cô bắt đầu đi học, chúng hỏi: Má ơi, ông ngoại của con như thế nào?

Cô trả lời: Má cũng chỉ được biết ông ngoại đi bộ đội, đánh Pháp, đánh Mỹ, và đã hy sinh. Chuyện về cha cô, cô còn mơ hồ, làm sao kể cho tụi nhỏ rành rẽ được? Và ý định tìm gặp những người biết cha mình trở thành quyết tâm, thôi thúc cô phải làm bằng được”.

Mồ côi mẹ năm hai tuổi, cũng năm đó cha vào Nam, bà Vân lớn lên ở miền Bắc. Kỷ niệm về cha là những lá thư ít ỏi gửi từ Nam ra. Việc đi tìm những người từng công tác với cha mình trong những năm tháng chiến tranh khốc liệt không dễ dàng.

Bà Vân tìm đến những người ít nhiều có biết cha mình, ghi lại câu chuyện kể, rồi nhờ giới thiệu thêm người khác... Các cụ đều xúc động, đều tự hào khi kể về người đồng đội, người thủ trưởng cũ của mình.

Có cụ nghe đặt vấn đề là đồng ý liền, nhưng hẹn vài hôm sau quay lại, để có thời gian hồi tưởng. Nhiều cụ đồng ý cho ghi âm lời kể, với điều kiện sau khi “dỡ băng”, phải đem đến cho cụ đọc lại, cụ “chỉnh lý” cho thật chính xác.

Để những mẩu chuyện về cha đủ tập hợp thành cuốn sách dày dặn, bà Vân đã gặp khoảng ba trăm người, trong tám năm lặn lội xuôi ngược. “Cũng tại cô không có nhiều thời gian” - vẫn giọng nhỏ nhẹ, bà Vân kể - “Mình phải lo miếng cơm manh áo cho mấy đứa nhỏ, việc đi gặp đồng đội của cha nhiều lúc bị gián đoạn”.

...Tôi cứ ngỡ bà gặp các đồng đội của cha mình mới vừa hôm qua thôi. Bà vẫn nhớ rõ từng người, nhắc lại đầy đủ từng lời nói, cử chỉ của họ. Như cụ Sáu Ninh (tức Đinh Văn Ninh, nguyên Trưởng ban quân báo Khu 8), khi bà Vân tìm gặp được thì mắt cụ đã lòa.

Nghe giới thiệu “Cháu là con gái ông Năm Thu”, cụ đưa tay sờ mặt bà Vân rồi khóc. Rồi cụ yêu cầu đưa cụ đến nghĩa trang liệt sỹ TP (khi ấy bà Vân đã tìm được hài cốt cha) để cụ được sờ lên tấm bia mộ của thủ trưởng. Lần gặp sau, cụ mới kể cho bà Vân nghe câu chuyện cụ giữ im lặng đến tận hôm đó.

Còn cụ Nguyễn Trọng Tuệ (nguyên Trưởng phòng ủy viên quân sự Tòa án quân sự tỉnh Mỹ Tho), gặp bà Vân lần thứ ba, cụ mới kể cho nghe một chuyện mà cụ định “sống để bụng, chết mang theo” (cả hai câu chuyện đặc biệt của cụ Ninh, cụ Tuệ, sẽ được nói đến ở số báo tiếp theo).

Hầu hết những người bà Vân gặp từng công tác trong các ngành tình báo, quân báo, binh vận, biệt động. Nhiều người hoạt động đơn tuyến, giao nhiệm vụ trực tiếp chính là thủ trưởng Hoàng Minh Đạo. Nghe tin thủ trưởng hy sinh, họ đã bật khóc, những giọt nước mắt lặng thầm nuốt vào bụng. Bởi sẽ không còn ai chứng nhận sự đóng góp của họ...

“Ngay cả các cụ hoàn cảnh éo le như vậy, cô nhận thấy họ đều rất trong sáng, rất chịu đựng, một lòng một dạ vì đất nước. Những thiệt thòi cá nhân, họ coi đó cũng là hy sinh cho cuộc kháng chiến chung của dân tộc” - giọng bà Vân chợt trầm lắng.

Khúc bi tráng trên sông Vàm Cỏ


Bà Vân, con gái lớn của người anh hùng
Những thông tin bà Vân mong đợi nhất, chính là hồi ức của những người chứng kiến giờ phút cuối cùng của cha mình. Trong số đó, có cụ Ba Bê, nguyên Thường vụ Tỉnh uỷ Tây Ninh, và Trung tướng Lê Thanh, nguyên Phó Tư lệnh Bộ đội Biên phòng.

Cụ Ba Bê vẫn nhớ rõ những ngày cuối năm 1969, khi đó cụ đang là Huyện đội trưởng huyện Trảng Bàng:

“Tôi nhớ khoảng 22, hoặc 23 tháng 12 năm 1969, tôi nhận lệnh phải tổ chức an toàn tuyệt đối cho chuyến đi của anh Năm Thu về Trung ương Cục họp. Anh Năm lúc đó là Thường vụ Khu ủy kiêm Chính ủy, kiêm Bí thư Phân khu I - Phân khu ác liệt nhất, cửa ngõ quan trọng nhất đánh vào Sài Gòn.

Gặp anh Năm ở điểm hẹn giao liên, anh đưa ra một lịch trình đường đi nước bước, địa hình và giờ giấc rất chi li. Trong các yêu cầu của anh, có việc thăm Trung đoàn 268”.

“Các đồng chí trong ban chỉ huy Trung đoàn cùng các cán bộ đại đội, trung đội và một số chiến sỹ tiêu biểu quây quần dưới những tán cây chờ đón thủ trưởng. Anh Năm Thu hỏi cặn kẽ sức khỏe, cuộc sống, cách đánh, cách ém quân, cách chiến đấu… Sau đó anh còn hỏi thăm hoàn cảnh riêng từng anh em, tâm tình như người cha chú hơn là thủ trưởng cấp cao đến thăm”.

“Giờ chia tay, anh em giữ anh lại, cánh giao liên hối thúc. Sau khi vượt qua mấy con lộ địch hay phục kích, chúng tôi đi dọc con kênh, anh tâm sự: Các chiến sỹ trẻ quá, cỡ tuổi con mình, đói ăn, mất ngủ, sốt rét. Mình xót xa lắm, muốn ôm vào lòng như được ôm các con. Tôi nói đùa: Anh Năm coi vậy mà ướt át quá đó.

Anh nói: Nghe anh em đủ giọng Bắc, Trung, Nam, chỉ ao ước sao chiến thắng đến nhanh, để số anh em này được về quê, gặp lại gia đình, cũng như mình được gặp lại các con của mình…

Hai ngày sau, tôi nghe tin anh bị bao vây bởi thám báo Mỹ ngay trên sông Vàm Cỏ. Cho đến hôm nay, tôi vẫn không thể hiểu tại sao đoàn của anh lại lọt vào ổ phục kích. Tôi vẫn như được nghe giọng nói của anh: Sau chiến thắng, Ba Bê sẽ định làm gì? Còn mình thì phải đi tìm gia đình để đoàn tụ, gia đình mình tứ tán mọi nơi”.

Trung tướng Lê Thanh, nguyên Phó bí thư Phân khu I - người đi cùng chuyến công tác năm nào với Bí thư Năm Thu - nhớ lại:

“Tôi với anh Năm Thu xuất phát từ Củ Chi, qua Trảng Bàng, rồi vượt qua các con lộ số 6, 19, 1... Cơ quan tổ chức rất chu đáo, họ đề nghị chúng tôi không đi chung với nhau, khi qua sông không được đi chung một ghe. Đến Vàm Trảng, có hai chiếc ghe lớn, tôi bảo với anh Năm Thu: Anh cứ ở bên đây, tôi qua trước, khi nào tôi qua được hai phần ba thì anh bắt đầu”.

“Khi tôi qua tới bên kia, thấy ghe chở anh Năm đã qua được nửa sông. Bất ngờ hiện ra ba chiếc tàu Mỹ không nổ máy, thả trôi trên sông. Phát hiện chiếc ghe của anh Năm, súng máy trên cả ba chiếc tàu bắn chụm vào, đạn lửa đỏ rực cả mặt sông Vàm Cỏ.

Mấy phút sau, máy bay trực thăng ập đến, rọi đèn sáng rõ cả một khúc sông lớn. Chúng quần đảo khắp mặt sông và các vùng xung quanh. Theo đúng chiến thuật, bước tiếp theo chúng cho pháo dập khắp vùng. Lúc đó, chúng tôi đã vượt thoát khỏi vòng vây, chạy về Gò Dầu”.

“Trung ương đã chỉ đạo cho nhiều phân đội theo dõi trên trục đường sông, từ ngay bến đò Vàm Trảng đi xuống để tìm xác. Nhưng điều rất buồn là không tìm thấy bất cứ thi hài ai đi trên chiếc ghe của anh Năm Thu”.

Nước xanh biêng biếc chẳng đổi thay dòng

Năm 1998 thật nhiều kỷ niệm đáng nhớ với bà Vân. Ba mươi năm sau sự ra đi của người cha anh hùng, bà Vân cùng một số đồng đội, thuộc cấp cũ của cha mình tìm về khúc sông Vàm Cỏ, nơi năm xưa ông đã hy sinh trong một đêm mặt sông rực đỏ màu đạn lửa.

Bên cạnh những hồi ức, đoàn đi tìm mộ người anh hùng có thêm lời chỉ dẫn của nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên, và tấm sơ đồ do nhà ngoại cảm vẽ.

Đất nước trải qua những cuộc chiến tranh đẫm máu chưa từng có, hàng triệu người đã nằm xuống. Trong những phương cách giúp vợi đi nỗi đau của cả dân tộc, có đóng góp đáng trân trọng của các nhà ngoại cảm.

Trước khi lên đường tìm cha, bà Vân được nhà ngoại cảm Nguyễn Văn Liên khẳng định: Không phải cha bà “chết mất xác”, mà được người ta chôn cất. Người làm việc đó là một cụ già tên là Tê, tuổi ngoại tám mươi, lúc tỉnh lúc mê…

Đoàn lênh đênh trên Vàm Cỏ Đông hơn mười ngày. Sông nước mênh mông, hỏi chuyện bà con hai bên bờ, không ai biết cụ già tên Tê, làm nghề chài lưới, từng là du kích trong kháng chiến chống Mỹ. Đoàn neo thuyền lại ở một quãng sông, lên bờ đào thử một vị trí đã được đánh dấu trong sơ đồ của nhà ngoại cảm.

Những lưỡi xẻng đã xuống sâu hơn một mét đất vẫn chưa phát hiện dấu hiệu gì khả quan… Chợt có cụ già say rượu xiêu vẹo từ trong làng đi ra, nói to: “Hổng phải chỗ này. Trên kia cơ. Chính tay tui chôn ổng nên tui nhớ mà”.

Bà Vân giật mình, xin được chỉ dẫn, nhưng cụ già phẩy tay, rồi lại xiêu vẹo trở vào làng. Dân làng cho biết, ổng tên là Hai Tờ, vốn nghề chài lưới. Mỗi ngày ổng nhậu năm xị rượu đế, đến cuối ngày là ổng say, chỉ có buổi sáng ổng mới tỉnh.

Sáng hôm sau, cụ Hai Tờ tỉnh táo, nhiệt tình chỉ cho bà Vân đúng nơi ba mươi năm trước cụ đã chôn cất thi hài người cán bộ cách mạng bị địch bắn chết trên sông. Đào xuống lớp đất sâu, cận vệ năm xưa của thủ trưởng là người đầu tiên phát hiện ra hài cốt.

Ba chiếc răng bịt bạc - bằng chứng khẳng định hài cốt tìm thấy chính là di hài nhà tình báo Hoàng Minh Đạo. Lúc đó là 10 giờ ngày 4/4/1998, nắng Xuân chan hòa lấp lánh trên mặt nước xanh biếc của dòng Vàm Cỏ Đông.

Ngày 8/8/1998, lễ truy điệu liệt sỹ Hoàng Minh Đạo được tổ chức hết sức long trọng tại TP Hồ Chí Minh. Ngay sau đó, Bộ Quốc phòng tổ chức lễ truy tặng danh hiệu Anh hùng LLVT và Huân chương Hồ Chí Minh cho liệt sỹ Hoàng Minh Đạo.

Những phẩm chất cao quý

TP - Nghề tình báo, đôi khi tình huống khó khăn nhất không phải là lúc giáp mặt quân thù, mà là những giờ phút phải đối mặt với chính đồng chí, đồng đội của mình.

Cuộc đời đầy ắp biến cố hy hữu của anh hùng Hoàng Minh Đạo cho thấy người cán bộ tình báo phải có phương pháp làm việc khoa học để phân biệt thật - giả, trắng - đen, và trên hết, phải có một tấm lòng nhân hậu với đồng đội.


Anh hùng Hoàng Minh Đạo, ảnh chụp năm 1968
Vụ án “gián điệp Miền Đông”

Trong cuốn sách tập hợp các hồi ức, các bài viết về anh hùng Hoàng Minh Đạo bà Vân tặng tôi, có rất nhiều chuyện xúc động, chứa đựng nhiều tư liệu quý về một thời kỳ đau thương và anh dũng của dân tộc, trong đó có hai chuyện càng suy ngẫm tôi càng kính phục những phẩm chất của người anh hùng tình báo.

Chuyện thứ nhất do cụ Sáu Ninh (đã được nói tới ở số báo trước) kể lại.

Khoảng năm 1950, Phân liên khu Miền Đông phải xử lý một vụ án gián điệp gồm 34 bị cáo, nhiều người là Huyện ủy viên, Tỉnh ủy viên. Bản án đã có, chỉ chờ ý kiến của Bộ Tư lệnh Nam Bộ là đem ra xử lý. Trong chiến tranh, tội gián điệp thật khó thoát án tử hình.

Thời gian đó, ông Hoàng Minh Đạo phụ trách tình báo Nam Bộ, thêm nhiệm vụ phản gián. Hồ sơ đã khép, nhưng đọc lại, ông thấy còn nhiều nghi vấn. Ông đề xuất Bộ tư lệnh cho thẩm tra lại toàn bộ các bị cáo một lần nữa, tránh xử lý oan đồng chí của mình.

Được đồng ý, ông Đạo giao nhiệm vụ đặc biệt này cho ông Sáu Ninh, người được ông tin tưởng vì có nhiều kinh nghiệm trong công tác phòng gian bảo mật, đặc biệt là đã từng giải oan thành công cho một số trường hợp đồng chí mình bị nghi oan.

“Đối với tôi, anh Đạo là một nhà tình báo đầy nhân bản, một thủ trưởng có bản lĩnh can trường, dám chịu trách nhiệm trước việc làm của ngành, trước sinh mệnh chính trị của đồng chí, đồng đội” - hồi tưởng lại vụ án “gián điệp Miền Đông”, cụ Sáu Ninh đã dành những lời này để nói về thủ trưởng trực tiếp của mình.

…Ông Ninh có hai tháng để đọc hồ sơ, thẩm vấn lại các bị cáo, xem xét lại các vật chứng. Kết thúc quãng thời gian làm việc căng thẳng cả ngày cả đêm ấy, ông Ninh viết một bản báo cáo, khẳng định 34 người đều bị oan, và người đầu tiên nghe ông trình bày là thủ trưởng Hoàng Minh Đạo.

Đây là việc cực kỳ hệ trọng, không chỉ quyết định sự sống cái chết của 34 bị cáo, mà còn quan hệ đến sinh mệnh chính trị của người viết báo cáo, duyệt báo cáo. Sau khi rà soát từng trường hợp trong số 34 bị cáo, ông Đạo đề xuất Bộ tư lệnh cần trực tiếp nghe ông Sáu Ninh trình bày bản báo cáo thẩm tra.

Cuộc họp ấy, đã có lúc không khí căng như sợi dây đàn, tiếng muỗi bay cũng nghe rõ… Và rồi, các đồng chí lãnh đạo gồm Trần Văn Trà, Mai Chí Thọ, Nguyễn Bình, Cao Đăng Chiếm, và dĩ nhiên cả Hoàng Minh Đạo nữa, đi đến thống nhất: Hủy bản án đã tuyên, tiếp tục bố trí công tác cho các đồng chí bị oan.

“Quyền sinh quyền sát của anh Đạo lúc đó rất lớn. Nếu anh Đạo cho thanh lọc nội bộ một cách máy móc, cả 34 đồng chí đã bị xử lý… Buổi lễ tuyên bố trả lại tự do cho 34 đồng chí, mọi người ôm lấy nhau khóc, họ nói không có anh Năm Thu, anh Sáu Ninh, chúng tôi đã ra pháp trường với tội danh phản bội Tổ quốc, các anh đã sinh ra chúng tôi lần thứ hai” - trích những dòng hồi ức của cụ Sáu Ninh.

Phải nghiêm trị, không tha được!

“Có nhiều thời gian công tác với đồng chí tại chiến khu miền Nam, Căm - pu - chia, Khu ủy Sài Gòn - Gia Định, tôi thấy Hoàng Minh Đạo là đồng chí trung kiên, luôn hoàn thành tốt nhiệm vụ được Đảng phân công, tận tụy với Đảng cho đến ngày hy sinh”.

Nguyễn Văn Linh (nguyên Tổng Bí thư BCH T.Ư Đảng Cộng sản Việt Nam)

“Chú vẫn giữ những ấn tượng sâu sắc về ba cháu, một cán bộ gương mẫu và luôn hoàn thành nhiệm vụ được trao, một người đồng chí chân thành, cởi mở, lạc quan, trong gần mười năm cùng công tác ở Khu ủy Sài Gòn – Gia Định. Chú mong cháu luôn cố gắng, xứng đáng với ba cháu”.

Võ Văn Kiệt (Nguyên Thủ tướng Chính phủ)

“Tôi rất cảm động hôm nay gặp mặt cháu Đào Thị Minh Vân, con gái đồng chí Hoàng Minh Đạo, đã được Quân ủy Trung ương cử đi làm Trưởng ban quân báo Nam Bộ từ năm 1948. Anh đã hoàn thành nhiệm vụ xuất sắc. Nhớ tới anh Đạo, tôi mong rằng con và cháu của anh noi gương của ông, của cha, học tập tốt, lao động tốt, phục vụ nhân dân, phục vụ Tổ quốc, xứng đáng là con cháu của Bác Hồ, đáp ứng lòng mong mỏi của anh Đạo”.

Đại tướng Võ Nguyên Giáp

Và chuyện thứ hai tôi xin được ghi lại trong bài viết này, là những hồi ức của cụ Nguyễn Trọng Tuệ, cũng đã được nói đến ở số báo trước. Chuyện xảy ra khoảng đầu năm 1952. Ngày ấy ông Tuệ được giao nhiệm vụ thụ lý một vụ án gián điệp, người đứng đầu vụ là ông C.V.N. - nguyên Trưởng ban địa hình địa vật Bộ tư lệnh Nam Bộ, ngoài ra còn có 11 bị can khác nữa, đều phạm tội làm gián điệp.

...Hôm ấy, đang chuẩn bị đi hỏi cung bị can, ông Tuệ phải tiếp một người khách lạ. Ông này dáng gầy, mặt vuông, miệng rộng, cặp mắt lanh lợi, mang theo một phong thơ của Trung tướng Nguyễn Bình - Tư lệnh Bộ tư lệnh Nam Bộ. Mời người khách vào nhà, rót nước mời, một vài câu thăm hỏi xã giao xong, ông Tuệ mới bóc phong bì.

Thơ nói đại ý: C.V.N. là cán bộ có năng lực và đạo đức, có bề dày cống hiến, chưa làm gì tổn thương cách mạng. Đề nghị thận trọng trong điều tra xét hỏi, tránh oan sai cho người vô tội. Trung tướng Tư lệnh viết thêm: Người mang thơ là đồng chí Hoàng Minh Đạo sẽ trao đổi trực tiếp thêm với các đồng chí.

Đọc xong thơ, ông Tuệ hỏi: Đồng chí trao đổi gì thêm với chúng tôi? Ông Đạo đáp: Nếu được thì cho tôi xem qua hồ sơ, chứng cớ. Ngay tại phòng làm việc của ông Tuệ, ông Đạo ngồi mải miết đọc hồ sơ vụ án ba tiếng đồng hồ liền.

Khi trời đã nhá nhem tối, ông Đạo mới gấp hồ sơ, đứng lên xin phép ra về.

“Tôi tiễn anh Đạo ra sân. Trước khi chia tay, tôi hỏi: Quan điểm đánh giá vụ án của anh thế nào? Một phút suy nghĩ anh Đạo thẳng thắn trả lời: Theo cá nhân tôi thì phải trị, không trị sẽ mất nước. Tôi hỏi thêm: Vậy còn ý kiến của đồng chí Tư lệnh? Anh đáp: Tôi sẽ có cách trình bày với Trung tướng.

Rồi anh nói thêm: Trung tướng Nguyễn Bình là người rất tốt, rất dễ gần gũi, chỉ tội ông có tính hay thương thuộc cấp nên nhiều khi bị họ lợi dụng mà ông không biết” - hồi tưởng lại vụ việc hết sức nhạy cảm ngày ấy, cụ Tuệ vẫn nhớ rõ từng lời nói của vị thủ trưởng tình báo Nam Bộ.

Trong câu chuyện trên, có lẽ chỉ cần nói thêm một chi tiết: Trung tướng Nguyễn Bình là “sếp” cũ của Hoàng Minh Đạo, từ khi họ ở chiến khu Đông Triều những ngày tiền khởi nghĩa; gặp lại nhau ở Nam Bộ, tình cảm sâu nặng giữa hai người được nhiều cán bộ khác biết rõ.

“Ba luôn khao khát thư các con”

Trong cuốn sách về anh hùng Hoàng Minh Đạo, người biên soạn là nhà văn Nguyễn Kim Thành đã đưa vào những tư liệu quý, những hồi ức chân thành của nhiều người từng gần gũi, ăn cùng mâm, ngủ cùng hầm, cùng bị vây ráp, cùng thoát chết trong gang tấc với nhà tình báo.

Và đặc biệt, cuốn sách có cả những bức thư Hoàng Minh Đạo gửi từ chiến trường về cho những đứa con bé bỏng của ông ở miền Bắc. Những tư liệu ấy giúp hiện ra một Hoàng Minh Đạo chân thực, sống động. Tôi thật sự ấn tượng với bức thư đề ngày 5/7/1969, bức thư dài nhất, và cũng là bức thư cuối cùng Hoàng Minh Đạo viết cho con, trước khi ông ra đi mãi mãi.

Như rất nhiều lá thư viết từ chiến trường, thư ông Đạo không thể thiếu những tin tức, những thông điệp nóng hổi về cuộc chiến của người đang ở tuyến đầu. Thời gian ấy, Mỹ ngụy đang hằng ngày càn đi quét lại vùng ven Sài Gòn sau cuộc Tổng tấn công Mậu Thân, hy sinh mất mát của cách mạng là rất lớn. Nhà tình báo của chúng ta viết:

“Tuy Mỹ ngụy còn ngoan cố nhiều, nhưng Mỹ đã phải xuống thang dần, và chắc còn phải xuống thang nữa. Trước thắng lợi về các mặt quân sự, chính trị, ngoại giao dồn dập của ta, trước thất bại và sự xuống thang của Mỹ, bọn ngụy ở Sài Gòn đang hoang mang, dao động, phân hoá dữ lắm. Ác liệt và phức tạp còn nhiều đấy, các con ạ.

Nhưng Bác Hồ đã dạy: Càng gần thắng lợi, càng nhiều gian nan mà. Thực ra, với tình hình trong nước và trên thế giới hiện nay, Mỹ càng ngoan cố càng bị thất bại nhiều hơn, đau hơn mà thôi. Hình ảnh một thắng lợi rất to lớn của cách mạng miền Nam, một sự sụp đổ rất lớn của ngụy quyền ở miền Nam cũng rất rõ ràng.

Việc chung của cách mạng miền Nam, nói sơ lược và đại khái là như vậy. Nếu nói dài và cụ thể hơn nữa, tình hình không cho phép, và cũng ngại là ba sẽ viết bài giảng về chánh trị cho các con”.

Về người vợ đang tù ở Côn Đảo (người vợ sau, kết hôn ở miền Nam), ông viết:

“Má con bị bắt, chiến đấu rất anh dũng với quân thù. Ba rất tự hào về má con (và ba chắc các con cũng vậy). Nhưng các con biết không, nhiều lúc tình cảm thương yêu má con lại dày vò ba: Tại sao những ngày sống chung, ba không thể giúp đỡ và làm vui lòng má con được hơn nữa? Tại sao ba không chăm sóc tình cảm, dặn dò má con kỹ lưỡng hơn nữa ở buổi chia tay cuối cùng?”.

Sự thương nhớ ông dành cho những đứa con nhiều năm chưa được gặp mặt đã ở độ cháy bỏng:

“Các con cao bao nhiêu, nặng bao nhiêu? Hình dáng bây giờ của các con ra sao? Ưu khuyết điểm cụ thể của các con là gì? Băn khoăn, thắc mắc, vui vẻ phấn khởi hiện nay là thế nào? Dự tính, ước mơ tương lai của các con ra sao? Rất nhiều, to lớn cấp bách và cụ thể đấy!

Nhưng làm sao các con đáp ứng được yêu cầu của ba, trừ phi cha con ta gặp nhau! Lúc nào thuận tiện, các con viết thư cho ba từng mẩu, từng việc, từng lúc cũng được. Muốn viết gì thì viết, miễn sao ba có tin, nhận được thư và chữ của các con”.

*

* *

Hoàng Minh Đạo ra đi trước khi đất nước có ngày toàn thắng. Ông không được chứng kiến giây phút gia đình đoàn tụ, để gặp lại người vợ suốt những năm tháng tù đày luôn một lòng trung kiên với cách mạng, để được thấy những người con đều thành đạt, đều có gia đình riêng hạnh phúc đầm ấm.

Những hồi ức chân thực, những tư liệu quý giá còn lưu giữ được cho chúng ta thấy một nhà tình báo luôn có tác phong làm việc khoa học, luôn tôn trọng sự thật khách quan, không hồ sơ máy móc, càng không qua loa đại khái. Trên hết ở ông là tấm lòng trung kiên với cách mạng, nhân hậu, thương yêu đồng chí, đồng đội của mình.

Và tôi - người viết bài này - dù tiếp xúc chưa được nhiều, cũng đã kịp nhận thấy kịp ghi nhận tấm lòng nhân hậu ấm áp ở bà Vân, con gái của người anh hùng...

Đinh Anh Tuấn



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
hoang minh dao la ai

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™