Ghi chú đến thành viên
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #6  
Old 07-04-2008, 08:57 PM
ngoctulaa's Avatar
ngoctulaa ngoctulaa is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Mar 2008
Đến từ: Nơi có Tình Yêu em dành cho anh
Bài gởi: 617
Thời gian online: 56 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 27 Times in 16 Posts
PHẦN I

VÕ ĐẠO PHƯƠNG ĐÔNG

1.

Mới nghe chuyện đem Thiền liên hệ với một việc phàm phu như môn bắn cung, có lẽ người ta nghĩ rằng Thiền bị hạ giá quá đáng, và dù có vui lòng nhân nhượng cho là môn bắn cung mang dáng dấp của một nghệ thuật, người ta cũng khó mà nảy ra ý định tìm xem đàng sau nghệ thuật này có cái gì khác hơn một hình thức điêu luyện thuần túy thể thao, vì vậy chắc bạn đọc mong được nghe kể về những thành tích phi thường của các cao thủ võ lâm Nhật Bản vốn có lợi thế trong việc sử dụng cung tên vì có thể dựa vào một truyền thống đã được tôn sùng lâu đời và liên tục.

Ở Viễn Đông, kể từ khi các vũ khí hiện đại thay thế cho các phương tiện chiến đấu cổ xưa chỉ mới trải qua có vài thế hệ, và những hiểu biết về cách sử dụng các phương tiện này không hề bị bỏ mất, mà vẫn được lưu truyền và nuôi dưỡng trong những nhóm người đồng điệu càng ngày càng lớn rộng thêm. Vậy có lẽ bạn đọc lại mong muốn có được một lời mô tả những phương các đặc biệt để theo đuổi ngành bắn cung hiện đại đang được xem như là một môn thể thao quốc gia ở Nhật Bản.

Thật không có gì sai lầm hơn là sự mong muốn này, vì trong môn bắn cung hiểu theo nghĩa cổ truyền, được dân chúng coi trọng như một nghệ thuật và tôn vinh là di sản quốc gia, người Nhật không thấy gì là thể thao mà chỉ biết đó là một nghi lễ tôn giáo, tuy điều này mới nghe có vẻ lạ lùng. Bởi vậy, cái "nghệ thuật" của môn bắn cung mà người Nhật nói đến không phải là tài nghệ của một vận động viên thể thao mà người ta có thể đạt được ít nhiều nhờ luyện tập thân thể, mà là một tài năng phát xuất từ sự tu tập tinh thần trong đó chính cái tâm nhắm vào cái đích đến nỗi khi nhắm vào đó, cung thủ (người bắn cung) cũng tự nhắm vào chính mình và ngay cả có thể bắn trúng chính bản thân mình.

Chắc hẳn điều này nghe ra có vẻ khó hiểu. Độc giả sẽ hỏi: "Cái gì? Chúng tôi phải tin cái môn bắn cung mà ngày xưa từng được dùng để chiến đấu một mất một còn và cũng chẳng tồn tại như một môn thể thao, lại được nâng lên thành một cách tu tập tinh thần ư? Vậy cung tên và đích nhắm dùng để làm gì? đấy chẳng phải là phủ nhận một ngành võ thuật hùng mạnh của người xưa cùng ý nghĩa đích xác của môn bắn cung, rồi thay vào đó bằng một cái gì mơ hồ, nếu không nói là hoàn toàn kỳ quặc hay sao?".

Tuy nhiên, nên nhớ rằng cái tinh thần đặc thù của môn võ thuật này không phải mới được truyền trở lại cho nghề sử dụng cung tên trong thời gian gần đây mà vốn luôn luôn gắn bó với nó và tự nhiên lộ bày rõ hẳn ra từ khi môn bắn cung không còn xuất hiện trong các đấu tranh đẫm máu. Sẽ không đúng khi cho rằng kỹ thuật bắn cung cổ truyền do không còn vai trò gì trong chiến tranh đã trở thành trò tiêu khiển và vì vậy được biến cải thành ra vô hại. "Đại Giáo Pháp" tức giáo lý tối thượng của thuật bắn cung cho ta biết những điều khác hẳn. Theo giáo lý này, nay cũng như xưa, thuật bắn cung vẫn là một cuộc chiến đấu của cung thủ chống lại chính bản thân mình. Hình thức chiến đấu này không phải là một điều ngụy tạo tầm thường, mà là nền tảng của tất cả các uộc chiến đấu chống lại bên ngoài chẳng hạn như chống lại một đối thủ bằng xương bằng thịt. Trong cuộc chiến đấu của cung thủ chống lại chính mình này, tánh chất huyền diệu (diệu tánh) của kỹ thuật bắn cung mới lộ ra, thành thử cái giáo lý hướng dẫn trong cuộc chiến đấu đó không bỏ qua một chút gì thuộc về cốt lõi, nhưng lại không quan tâm đến những mục đích thực tế cần cho nghề chiến đấu của giới hiệp sĩ ngày xưa.

Do đó, bất cứ ai hiện nay đang tham gia vào môn võ thuật này cũng sẽ thu được lịch sử phát triển của phần lợi ích là không bị những mục đích thực dụng lôi kéo đến độ làm mờ đi hoặc có khi ngăn cản sự thấu hiểu. "Đại Giáo pháp", dù không tự thấy mình đã bị chúng lôi kéo vì sự thấu hiểu này, như các bậc Cung Sư mọi thời đều công nhận, chỉ dành cho những người có tâm "thanh tịnh" (trong sạch) và khó mà đạt được nếu cứ để tâm vấn vương vào những mục tiêu phụ thuộc.

Từ quan điểm này, chúng ta thử xem các bậc thầy cung thuật Nhật Bản hiểu được cuộc chiến đấu của cung thủ với bản thân mình như thế nào và mô tả nó ra sao. Câu trả lời của họ chắc hẳn cực kỳ nguy hiểm, vì theo họ, cuộc chiến đấu nằm trong việc cung thủ tự nhắm vào mình mà lại không nhắm vào mình, và như vậy, cung thủ trở nên đồng thời là người nhắm lẫn cái bị nhắm, là người bắn lẫn với cái bị bắn. Hoặc dùng những lời mô tả gần sát với cái tâm của các bậc thầy thì vấn đề ở chỗ là cung thủ dù có hành động gì đi nữa cũng phải trở thành một trung tâm "tự tại" không xao động lăng xăng và chính lúc đó sẽ xảy ra một hiện tượng cực kỳ huyền bí: võ thuật không còn là võ thuật nữa, sự bắn không còn là bắn, sử dụng cung tên như không có cung tên, thầy trở thành trò, cao thủ trở thành người mới nhập môn, cái kết thúc trở thành cái bắt đầu, và bắt đầu lại là hoàn tất.

Đối với người phương Tây hoặc có đầu óc phương Tây vốn quen với những khái niẹm cụ thể, thì các công thức huyền bí quen thuộc và rõ ràng với người Á Đông như thế sẽ làm cho họ hoang mang. Vì vậy, chúng ta cần phải đi sâu hơn nữa vào vấn đề này.

Như chúng ta đã biết các bộ môn nghệ thuật gọi là "đạo" của Nhật Bản có nội dung bắt nguồn từ một gốc rễ chung là Đạo Phật. Điều này rất đúng với nghệ thuật bắn cung (cung đạo), cũng như nghệ thuật vẽ tranh thủy mạc (họa đạo), nghệ thuật kịch tuồng (kịch đạo), nghệ thuật uống trà (trà đạo), nghệ thuật cắm hoa (hoa đạo) cho đến cả nghệ thuật đánh kiếm (kiếm đạo). Nói chung thì điều này có nghĩa mọi hoạt động nghệ thuật thực sự chỉ là hình phóng chiếu của một thái độ tinh thần được mỗi bộ môn nghệ thuật nuôi dưỡng vun bồi theo cách riêng. Thái độ đó trong hình thức cao cả nhất là đặc điểm của đạo Phật và xác định rõ bản tánh của mẫu người sống đời tu sĩ. Đây không phải Đạo Phật theo nghĩa thông thường, cũng chẳng phải là Đạo Phật luận suy mà người phương Tây hoặc có đầu óc phương Tây có thể hiểu được qua các kinh sách giải bày dường như dễ hiểu. Đạo Phật nói ở đây là Đạo Phật Thiền mà người Nhật gọi là "Zen" và không phải là luận suy mà là thấy biết trực tiếp cái được gọi là gốc nền không đáy của bản thể mà các giác thức thông thường (mắt, tai, mũi, lưỡi, thân, ý) không thể cảm biết, và dù đã có những thấy biết không thể nghĩ bàn tinh tế nhất, người ta cũng không thể hình dung ra hoặc diễn tả được cái đó. Nghĩa là người ta sẽ thấy biết cái đó khi không còn hay biết đến nó. Sự khám phá ra trong tận cùng sâu thẳm của tâm hồn cái bản thể không đáy, không hình, hoặc hơn thế nữa là hợp nhất với nó, là kết quả của một quá trình trầm tư có phương pháp được tiến hành theo những con đường ứng hợp với Thiền tông và dẫn đến những thấy biết tinh tế nhất. Về phần môn bắn cung nếu có thể tạm thời diễn giải bằng một ngôn từ không đúng lắm thì điều này có nghĩa là các bài tu tập tinh thần - có thể làm kỹ thuật bắn cung trở thành một nghệ thuật, và đến mức hoàn thiện tận cùng thì lại trở thành một thứ "nghệ thuật không còn là nghệ thuật" mà người Nhật gọi là "Đạo" - là những bài tập huyền bí mà theo đó, học bắn cung không hoàn toàn có nghĩa là để đạt tới một thành quả bên ngoài với cung tên, mà là để thực hiện một cái gì đó trong chính bản thân mình. Trên con đường dẫn tới mục đích này, chứ không phải cái đích bắn hay tấm bia, cung và tên chỉ là cái cớ cho cái gì đó xảy ra hoàn toàn như là không có chúng, và là phương tiện hổ trợ cho cái nhảy vọt quyết định cuối cùng.
Tài sản của ngoctulaa

Chữ ký của ngoctulaa
[SIZE="6"][COLOR="Blue"] nhớ nhà[/COLOR][/SIZE]
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #7  
Old 07-04-2008, 08:58 PM
ngoctulaa's Avatar
ngoctulaa ngoctulaa is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Mar 2008
Đến từ: Nơi có Tình Yêu em dành cho anh
Bài gởi: 617
Thời gian online: 56 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 27 Times in 16 Posts
Để hiểu được tất cả việc trên một cách sâu hơn, chúng ta nên tham khảo những tác phẩm của các Thiền sư Phật Giáo mà chúng ta không thiếu. Thí dụ như Thiền sư D. T. Suzuki trong tác phẩm Essays in Zen Buddhism (Thiền Luận) đã chứng minh được văn hóa Nhật Bản và Thiền có liên hệ mật thiết với nhau, và cho thấy các bộ môn nghệ thuật Nhật Bản, thái độ tinh thần của giới hiệp sĩ (samurai)), cách sống của người Nhật, đạo đức, thẩm mỹ học và cho đến một mức độ nào đó trong đời sống tri thức của người Nhật đều có những đặc tính bắt nguồn từ cái nền Thiền này; bởi vậy những ai không quen thuộc với Thiền thì khó mà hiểu đúng các đặc tính đó.

Tác phẩm cực kỳ quan trọng của Thiền sư Suzuki cùng các nghiên cứu về Nhật Bản của những học giả khác đã khêu gợi được sự quan tâm rộng rãi. Nhìn chung, người ta chấp nhận Thiền tông Phật Giáo phát sinh ở Ấn Độ và sau khi trải qua những biến đổi sâu sắc đã phát triển tròn đầy ở Trung Hoa, rồi được Nhật Bản thu dụng và vun bồi thành một truyền thống còn sinh động mãi đến ngày nay. Truyền thống đó tạo ra những cách sống bất ngờ mà nếu chúng ta thông hiểu được thì đó là điều đáng mừng.

Mặc dù đã có những chuyên viên Thiền hết lòng diễn giảng, những người quen với nếp sống và suy nghĩ của phương Tây khi bước vào Thiền cũng chỉ thấy phần cốt tủy một cách sơ sài, không đầy đủ. Chỉ mới đi được vài bước, người ta đã vấp phải những chướng ngại khó vượt qua. Được bao bọc trong lớp màn huyền bí khó lòng xuyên thấy. Thiền là một câu đố lạ lùng nhất mà cách sống tinh thần phương Đông đã nêu ra cho những người như thế, câu đố tuy hiểm hóc nhưng lại hấp dẫn không thể nào cưỡng được.

Nguyên do của cái cảm giác bực bội vì không thể thấu hiểu này một phần nào đó trong kiểu trình bày Thiền mà chúng ta có từ trước đến nay. Tất nhiên không có một người biết điều nào mà lại mong muốn các Thiền sư bày tỏ nhiều hơn và nói bóng gió về những kinh nghiệm đã giải thoát và chuyển hóa họ, hoặc muốn họ cố gắng mô tả cái "Chân lý" khó tưởng và khó nói nên lời mà họ đang sống trong đó. Xét theo quan điểm này, Thiền có vẻ như là một môn phái quán tưởng hoàn toàn huyền bí mà nếu không trực tiếp bước vào những chứng ngộ tâm linh, người ta cứ vẫn phải ở bên ngoài và đi loanh quanh lẫn quẫn mãi. Đây là quy luật mà mọi môn phái tâm linh đích thực đều phải tuân theo và không miễn trừ cho ai cả, và dù người ta có nhờ vào vô số kinh điển được xem là thiêng liêng đi nữa cũng không thể nào cải lại quy luật đó được. Vả lại, kinh điển có đặc tính chung chỉ là tiết lộ ý nghĩa hóa sinh cho những ai tỏ ra mình xứng đáng có được những chứng ngộ sinh tử và do đó, có thể rút ra từ các kinh điển này sự xác nhận những gì mà chính mình đã có và đang là của riêng mình. Trái lại, đối với người không trải qua những chứng ngộ, kinh điển lại lặng yên câm nín vì người như vậy không thể nào đọc được ý tưởng giữa hai hàng chữ: tâm trí y chắc chắn sẽ bị hút vào cảnh mê loạn tâm linh dù có nghiên cứu kinh điển một cách thận trọng và hoàn toàn vô tư đi nữa. Giống như mọi môn phái tâm linh khác. Thiền chỉ có thể được hiểu bởi người quyết tâm tu hành tức là người không hề có ý định dùng biện pháp trả giá để đạt được những gì mà chính sự chứng ngộ huyền vi cũng không cho phép có.

Tuy nhiên, cách sống của người đã được thanh tẩy bởi "ngọn lửa chân lý" và đã chuyển hóa nhờ Thiền lại là một chứng cớ hết sức rõ ràng nên không thể thoát được sự chú ý của người khác.

Như vậy, chẳng có gì đáng ngạc nhiên khi có người cảm thấy mình bị một ái lực tâm linh huyền bí cuốn hút và mong muốn tìm một con đường dẫn đến cái sức mạnh vô danh có thể tạo ra những chuyển biến huyền diệu như thế lại mong các Thiền sư ít ra cũng chỉ cho con đường dẫn đến mục đích; còn người tò mò muốn biết cho vui thì không có quyền đòi hỏi điều gì.

Không một người luyện đạo hay tu Thiền nào mới bắt đầu đã là cái người mình có thể trở thành khi tu hành viên mãn, mà phải chiến thắng và vượt qua biết bao trở ngại trước khi chứng ngộ chân lý. Thường trên đường đi, người tu bị dằn vặt bởi cảm giác buồn phiền là mình đang đeo đuổi một điều khó đạt ... Tuy nhiên, đến một ngày nào đó, cái khó đạt lại trở thành đạt được và tự phô ra rõ ràng. Vậy chẳng lẽ chúng ta không hy vọng một sự mô tả cẩn thận về con đường dài đằng đẳng khó khăn này sẽ cho phép ít ra một điều là thử hỏi có nên dấn thân vào đó hay không?

Những lời một tả đường đi như vậy cùng những bến trạm của nó hầu như thiếu hẳn trong các tác phẩm Thiền đã có. Đây một phần là do các Thiền sư rất tối kỵ hình thức giảng dạy cách sống hạnh phúc bằng lý thuyết suông. Theo kinh nghiệm bản thân, các vị biết rằng không ai có thể đeo đuổi được con đường này nếu không có được sự hướng dẫn trực tiếp hoặc sự giúp đỡ tận tâm của một bậc thầy tài đức, còn một điều nữa không kém phần quan trọng là người tu tập cứ phải trải qua trải lại những lần chứng nghiệm, những lần chinh phục, những lần chuyển hóa tâm linh chừng nào mà những sự việc này còn là "của mình" cho đến khi mọi thứ "của mình" đều được dứt bỏ. Chỉ có theo cách này, người tu tập mới tới được cái gốc nền của mọi chứng ngộ tức là cái "chân lý bao dung tất cả" (đại viên dung) và nhờ đó mà bừng tỉnh thấy được một đời sống không còn là của riêng mình hằng ngày nữa. Đến tầng bậc này, người tu tập vẫn sống nhưng cái đang sống không còn là chính anh ta.
Tài sản của ngoctulaa

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #8  
Old 07-04-2008, 08:58 PM
ngoctulaa's Avatar
ngoctulaa ngoctulaa is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Mar 2008
Đến từ: Nơi có Tình Yêu em dành cho anh
Bài gởi: 617
Thời gian online: 56 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 27 Times in 16 Posts
Từ quan điểm này, ta có thể hiểu tại sao các Thiền sư tránh không nói về mình và quá trình tiến hóa của mình. Đó không phải là vì các vị nghĩ là thiếu khiêm tốn khi tự khoe mình, nhưng vì họ xem đó là phản bội lại Thiền. Ngay cả khi chấp nhận nói ra một điều gì đó về Thiền, họ cũng phải suy xét kỹ càng. Trước họ đã có tấm gương răn dạy của một trong số các Đại Thiền sư: khi được hỏi "Thiền là gì?", ông ta vẫn lặng yên bất động như là không nghe câu hỏi. Vậy làm sao mong được các Thiền sư luận giải về những gì mà họ đã vất bỏ và không còn thấy thiếu?

Trong những hoàn cảnh như vậy, tôi chỉ có nước né tránh mọi trách nhiệm nếu cứ trói minh vào vòng dây nghịch lý và chấp nhận nép mình đằng sau rào chắn của những ngôn từ khoa trương, nhưng tôi lại muốn rọi một chút ánh sáng vào bản chất của Thiền qua việc trình bày nét biểu hiện của bản chất đó ở trong các bộ môn nghệ thuật mà Thiền in dấu. Theo nghĩa căn bản của từ ngữ và theo Thiền, ánh sáng này chắc chắn không phải là "nguồn sáng giác ngộ", nhưng ít ra cũng như ánh chớp lóe lên báo trước cơn sấm sét nơi xa, ánh sáng này sẽ cho thấy có cái gì đó lẫn khuất sau lớp màn âm u dày đặc. Nếu hiểu như thế thì thuật bắn cung có phần giống như một khóa học dự bị của Thiền vì nó giúp cho người mới bắt đầu có thể - qua công việc của đôi tay - có được một cái nhìn rõ ràng hơn về những diễn biến mà khó hiểu được nếu đột nhiên lọt vào trong đó.

Khách quan mà nói thì hoàn toàn có thể vạch ra một con đường đi đến Thiền khởi từ bất cứ bộ môn nghệ thuật nào đã được đề cập ở trước. Tuy nhiên, đối với tôi, việc mô tả con đường mà người học bắn cung phải trải qua là phương cách đơn giản nhất để thực hiện được mục đích của mình. Nói rõ hơn, tôi sẽ cố gắng tóm lược quá trình sáu năm theo học một trong số các Đại sư Cung Đạo trong thời gian tôi cư trú tại Nhật Bản. Như vậy chính kinh nghiệm bản thân cho phép tôi thực hiện việc này. Để các bạn có thể hiểu được tận tường, vì ngay cả khóa học dự bị này cũng chẳng thiếu những điều bí ẩn, tôi sẽ không chọn lọc mà nhắc lại tất cả mọi trở ngại mà tôi đã phải vượt qua, mọi ngại ngùng mà tôi phải dẹp bỏ trước khi tiếp tục đi sâu vào tinh thần của "Đại Giáo Pháp". Tôi sẽ chỉ nói về mỗi cá nhân tôi vì không thấy có cách nào khác để đạt được cái mục đích mà tôi đã đặt ra cho mình. Cũng vì lý do đó, tôi sẽ tập trung lời tường thuật của tôi vào những điều căn bản để làm chúng nổi bật lên rõ ràng. Tôi sẽ tự ý kềm mình không mô tả cái môi trường mà tôi thụ giáo, không gợi lại những cảnh tượng khắc sâu trong trí, và cũng không vẽ ra chân dung của Sư phụ dù tất cả điều này rất là hấp dẫn. Mỗi thứ đều chỉ xoay quanh thuật bắn cung, mà đôi khi tôi cảm thấy trình bày khó hơn là học tập. Như vậy, lời trình bày của tôi sẽ dẫn các bạn đến một giới hạn, mà ở đó, chúng ta bắt đầu thấy được những chân trời xa xa có Thiền đang sống.

Để các bạn hiểu được tại sao tôi muốn nghiên cứu Thiền và tại sao để đạt mục đích này, tôi lại phát tâm học thuật bắn cung, tôi thấy cần có đôi lời giải thích.

Ngay thuở còn là sinh viên, tôi như bị một mãnh lực thần bí thôi thúc phải quan tâm đến huyền học, mặc dù tâm trạng đương thời ít ủng hộ cho những quan tâm như thế. Tuy vậy, dù đã cố gắng hết sức, càng ngày tôi càng hiểu rõ mình chỉ có thể tiếp cận được các căn bản huyền học từ bên ngoài; và mặc dù biết cách quy hoạch được cái mà người ta có thể gọi là hiện tượng huyền bí sơ khai, tôi vẫn không thể nhảy qua đường biên giống như một bức tường thành cao ngất bao quanh cái huyền bí đó. Tôi cũng không thấy được những gì mà tôi kiếm; và trong sự thất vọng chán chường tôi dần dần nhận ra chỉ có người giải thoát thật sự mới hiểu được cái gọi là 'giải thoát" và chỉ có người Thiền định tâm tư hoàn toàn vắng lặng và đã dứt lìa "cái tôi" mới sẵn sàng tan hòa vào trong cái gọi là "Thần tánh siêu việt". Vì vậy, tôi nhận thấy rằng không có và không thể có phương cách nào khác đi vào đời sống huyền vi ngoài cách tự mình chứng nghiệm và chịu khó nhẫn nại; nếu thiếu tiền đề này thì mọi lời bàn luận về đời sống đó chỉ là khoa trương vô ích, nhưng, làm thế nào để trở thành một người hành đạo? Làm thế nào để đạt đến trạng thái giải thoát chân thực, không phải là tưởng tượng? Đối với con người hiện đại lớn lên trong những điều kiện hoàn toàn khác biệt và bị một vực sâu hàng bao thế kỷ ngăn cách vói các Đạo sư, thì còn có một con đường nào dẫn đi đến đó hay không? Tôi không tìm được đâu ra câu trả lời thỏa mãn cho những vấn đề này, dù người ta có cho tôi biết về các giai đoạn cùng những bến trạm của một con đưòng hứa hẹn dẫn tới mục đích. Tôi thiếu những lời dạy đúng phương pháp có thể thay thế một vị Thầy dẫn dắt tôi bước đi trên con đường này hoặc ít ra cũng được một phần đường, nhưng những lời dạy như vậy dù có đi nữa là đã đủ chưa? Chẳng lẽ nếu may mắn thì chúng cũng chỉ tạo được bước chuẩn bị để tiếp nhận một cái gì đó mà ngay cả một lý thuyết hoàn hảo nhất cũng không thể đem lại được và do đó, chẳng lẽ không có một thiên hướng nào mà con người đã biết lại không thể dẫn tới sự chứng ngộ huyền vi hay sao? Khi nhìn vào đó, tôi như đụng phải những cách cửa đóng kín, nhưng cũng không thể cầm lòng để đừng vặn xoay các núm cửa mãi, vì nỗi khát khao mãnh liệt vẫn còn, và khi nó giảm sút vì mệt mỏi, tôi vẫn cứ nhớ nhung âm ỉ.
Tài sản của ngoctulaa

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #9  
Old 07-04-2008, 08:59 PM
ngoctulaa's Avatar
ngoctulaa ngoctulaa is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Mar 2008
Đến từ: Nơi có Tình Yêu em dành cho anh
Bài gởi: 617
Thời gian online: 56 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 27 Times in 16 Posts
Do đó, khi trở thành giảng viên đại học, và được hỏi là có muốn qua dạy triết học ở trường Đại học Hoàng gia Tokyo hay không, tôi liền hoan hỷ chụp lấy cái cơ hội giúp mình nghiên cứu đất nước và dân tộc Nhật Bản cũng như có triển vọng tiếp xúc với Phật Giáo và như vậy, có thể học được cách quán chiếu bên trong. Tôi đã nghe nói ở Nhật có một truyền thống Thiền sinh động được gìn giữ cẩn thận, một nghệ thuật giao huấn đã được thử nghiệm qua bao thế kỷ, và quan trọng nhất là có những bậc Thiền sư tinh thông xuất chúng trong nghệ thuật hướng dẫn tâm linh.

Vừa mới quen được phong thổ của môi trường mới, tôi đã bắt tay vào việc thực hiện hoài bảo, lập tức tôi gặp phải những lời từ chối đầy bối rối. Người ta bảo là chưa từng có người Âu Tây nào quan tâm đến Thiền một cách nghiêm túc, và tôi khó mà được như ý nếu chỉ muốn thỏa mãn về mặt lý thuyết vì Thiền không chịu để lộ một dấu vết nào dù nhỏ nhất về cái việc gọi là "giảng dạy". Sau khi bỏ ra rất nhiều thì giờ để làm cho họ hiểu tại sao tôi mong muốn dấn thân vào môn "Thiền không lý luận", tôi mới được cho biết là hoàn toàn vô ích nếu người Âu cố gắng đi vào lãnh vực này của đời sống tâm linh phương Đông, trừ phi người đó bắt đầu học một môn nghệ thuật Nhật Bản có liên hệ với Thiền. Ý tưởng phải trải qua một khóa học dự bị không làm tôi e ngại. Tôi cảm thấy sẵn sàng làm bất cứ điều gì miễn là có chút hy vọng tới được gần Thiền, dù phải đi quanh có thể đến mệt mỏi rã rời còn hơn là không có cách nào nữa cả. Nhưng tôi nên chọn môn nghệ thuật nào đây, vì môn nào cũng có thể dẫn đến cùng một mục đích?

Vợ tôi sau một chút do dự đã chọn nghệ thuật cắm hoa (hoa đạo) và nghệ thuật vẽ tranh thủy mạc (họa đạo); còn tôi thấy bắn cung (cung đạo) dường như thích hợp vì tôi nghĩ rằng - sau đó mới bìết là lầm - kinh nghiệm bắn súng trường và súng ngắn là một lợi thế cho tôi.

Tôi đến gặp một bạn đồng nghiệp là ông Sozo Komachiya, giáo sư luật học, để xin ông giới thiệu tôi theo học thuật bắn cung với Thầy của ông là Đại sư Kenzo Awa nổi tiếng võ lâm. Cũng cần biết là bạn tôi đã giảng dạy về thuật bắn cung hơn hai mươi năm và được tôn xưng là cao thủ thượng thừa về môn này ở trường Đại học.

Thoạt tiên, Đại sư từ chối yêu cầu của tôi, ông bảo rằng ông đã từng sai lầm khi dạy cho một người nước ngoài và hối tiếc mãi về chuyện này. Do đó, ông không thể nhân nhượng lần thứ hai để không làm người học phải khó chịu trước gánh nặng tinh thần kỳ bí của môn võ thuật này. Chỉ sau khi tôi long trọng đoan chắc rằng một Sư phụ coi trọng công việc của mình như vậy sẽ đối xử tốt với tôi chẳng khác gì lo cho một cậu học trò nhỏ nhất và ông sẽ thấy tôi muốn học môn võ thuật này chẳng phải để cho vui mà vì để thấu hiểu "Đại Giáo Pháp". Đại sư Awa mới chịu nhận tôi làm đệ tử; vợ tôi cũng được cho nhập môn, vì theo tục lệ lâu đời ở Nhật Bản, phụ nữ được phép học cung đạo, và chính vợ và hai con gái của Đại sư cũng là những võ sinh cần mẫn.

Và như vậy là bắt đầu một khóa học vất vả lâu dài, trong đó ông bạn Komachiya, người đã biện hộ mạnh mẽ cho mục tiêu của chúng tôi và đứng ra bảo lãnh với Sư phụ, cũng tham gia làm người thông dịch. Đồng thời, tôi cũng may mắn được mời đến nghe các bài giảng về nghệ thuật cắm hoa và vẽ tranh thủy mạc mà vợ tôi đang học. Điều này đã tạo ra một viễn ảnh là tôi sẽ có được một nền tảng hiểu biết rộng rãi hơn qua việc thường xuyên so sánh các bộ môn nghệ thuật bổ túc cho nhau này.
Tài sản của ngoctulaa

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #10  
Old 07-04-2008, 08:59 PM
ngoctulaa's Avatar
ngoctulaa ngoctulaa is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Mar 2008
Đến từ: Nơi có Tình Yêu em dành cho anh
Bài gởi: 617
Thời gian online: 56 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 27 Times in 16 Posts
3.

Ngay từ bài học đầu tiên, chúng tôi mới thật sự biết con đường dẫn tới "Nghệ thuật vô nghệ thuật" không phải dễ theo. Sư phụ khai giảng bằng cách cho chúng tôi xem nhiều loại cung Nhật khác nhau và giải thích chúng có độ dẻo phi thường là nhờ được chế tạo đặc biệt bằng một chất liệu gọi là "tre", nhưng hình như điều quan trọng hơn đối với ông đó là nhắc chúng tôi chú ý đến hình dáng cực kỳ thanh nhã của cây cung dài gần hai thước khi cung được giương lên, và cung càng giương càng có hình dáng tuyệt vời. Sư phụ giải thích khi dã được giương đủ mức, cây cung sẽ ôm gọn "Tất cả" vào lòng, và đó là lý do tại sao học giương cung đúng phép rất là quan trọng, rồi ông nắm lấy một cây cung tốt nhất và mạnh nhất trong đám cung ông có: và với một thái độ lễ nghi trân trọng, ông kéo nhẹ dây cung vài lần rồi buông nó ra. Dây cung bật thành một tiếng sắc bén hòa với tiếng rung đều, một thứ âm thanh mà khi nghe vài lần, người ta sẽ không bao giờ quên được: âm thanh thật lạ lùng khiến tim tự nhiên phải se lại. Từ thuở xa xưa, người ta tin rằng tiếng bật đó có năng lực trừ tà, và tôi cũng tin chắc ý kiến này đã ăn rễ vào trong dân tộc Nhật. Sau màn dạo đầu thanh tẩy và thụ giáo này, Sư phụ bảo chúng tôi đến gần ông để xem. Ông lắp tên vào dây, và giương cung căng đến độ tôi sợ nó không đương nổi sự căng để ôm gọn "Tất cả" vào lòng, cuối cùng, ông buông tên ... Tất cả hành động này không chỉ trông rất đẹp, mà còn chẳng thấy có chút gì cố sức. Bấy giờ ông mới dạy: 'Anh hãy làm y như thế, nhưng nhớ thuật bắn cung không phải để tập luyện cho sức mạnh của cơ thể, mà phải học cách để hai bàn tay làm việc mà thôi, trong khi đó buông lỏng các bắp thịt và hai cánh tay như là chẳng dự gì vào công việc cả. Chỉ khi nào làm được như thế, anh mới hoàn thành được một trong số các điều kiện khiến việc giương và bắn trở thành "có tinh thần". Vừa nói đến đây, ông nắm lấy hai bàn tay của tôi và đưa chúng đi chầm chậm theo những giai đoạn thao tác sẽ được sử dụng trong tương lai, duờng như giúp tôi quen với cảm giác về thao tác đó.

Ngay lần đầu tiên với một cây cung tập có lực trung bình, tôi nhận thấy phải dùng nhiều sức mới kéo cong nó được. Đó là vì cung Nhật khác với cây cung thể thao của Châu Âu, không đưa ngang tầm vai như để tạo thế tựa cho người bắn. Thay vì thế, vừa lắp tên xong, người ta liền đưa cung lên cao, hai cánh tay gần như dang thẳng và hai bàn tay nằm cao hơn đầu một chút, vì vậy cung thủ chỉ còn mỗi việc để làm là cùng kéo đồng thời hai bàn tay trái và phải dang ra hai bên với sức lực tương đương nhau; và càng kéo xa nhau ra, hai bàn tay càng đi vòng xuống thấp cho đến khi bàn tay trái - tay cầm cung - tới ngang tầm mắt với cánh tay dang thẳng ra, trong khi bàn tay phải - kéo dây cung - dừng lại ngang trên vai phải một chút với cánh tay hơi cong. Như vậy sức căng rất lớn đến độ đầu mũi của cây tên dài gần một thước chỉ còn ló ra khỏi mép trước cây cung chút xíu mà thôi. Cung thủ phải giữ tư thế này một lúc mới buông tên. Do phải dùng sức để giữ cung theo cách lạ thường này, nên chỉ sau vài giây hai tay tôi bắt đầu run lên và hơi thở càng lúc càng trở nên nặng nề.

Suốt trong những tuần lễ sau cùng chẳng có gì khá hơn. Giương cung vẫn là một công việc khó nhọc, và dù tôi rất hăng say luyện tập, công việc đó vẫn không chịu trở thành "tinh thần", nhưng tôi tự an ủi bằng cách nghĩ rằng trong bài tập này chắc phải có một kỹ xảo đặc biệt mà Sư phụ vì lý do nào đó không muốn tiết lộ, và tôi tự nhủ chính mình phải tìm ra kỹ xảo đó.

Cương quyết theo đuổi mục đích, tôi tiếp tục tập luyện. Sư phụ chú ý theo dõi những cố gắng của tôi, lặng lẽ sửa sai thái độ căng thẳng của tôi, khen ngợi sự nhiệt tình của tôi, phiền trách tôi đã phí sức lực, nhưng để tôi tự tập thoải mái. Duy có điều làm tôi buồn bực là trong khi tôi giương cung, ông cứ la tôi bằng tiếng mẹ đẻ của tôi: "Buông lỏng! Buông lỏng!" mà ông đã học thuộc từ buổi đầu, mặc dù ông không hề tỏ ra thiếu kiên nhẫn và lịch sự, nhưng rồi đến một ngày tôi mất kiên nhẫn và quyết định thú nhận là tôi hoàn toàn không thể giương cung theo cách đã làm. Su phụ liền giải thích:

"Anh không thể làm việc đó vì anh không thở đúng. Sau khi hít vào, anh phải từ từ ép hơi xuống cho phình bụng dưới ra và giữ hơi thở ở đó một lúc, rồi thở ra càng chậm đều càng tốt và sau khi ngưng thở một lúc thì lại hít nhanh vào. Cứ tiếp tục hít thở như thế, nhịp thở sẽ dần dần ổn định. Nếu hít thở đúng phép anh sẽ thấy việc giương cung càng ngày càng dễ ra, vì qua cách hít thở như vậy, anh không chỉ khám phá ra nguồn sức mạnh tinh thần, mà còn khiến nó chảy sung hơn; và anh càng buông lỏng thì nguồn sức mạnh này đổ vào tay chân càng dễ", và như để chứng minh, ông giương cây cung cứng của ông và bảo tôi bước đến sát bên sờ nắn thử các bắp thịt ở tay ông. Tất cả đều buông lỏng như chẳng có chút sức lực nào cả.
Tài sản của ngoctulaa

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™