Ghi chú đến thành viên
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 20-04-2008, 07:33 AM
ngoctulaa's Avatar
ngoctulaa ngoctulaa is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Mar 2008
Đến từ: Nơi có Tình Yêu em dành cho anh
Bài gởi: 617
Thời gian online: 56 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 27 Times in 16 Posts
Thầy Võ Tại Việt Nam Ngày Xưa

THẦY VÕ TẠI VIỆT NAM NGÀY XƯA

(Mến tặng Võ sư Vũ Đức và Nguyễn Lâm /KiếnAn)

Vì học trường Thày Dòng từ nhỏ đến lớn, nên chuyện tình yêu bị xui luôn. Nhìn những thằng bạn khác trường cứ cuối tuần là có bạn gái đến nhà chơi, hay sánh bước trên vỉa hè đại lộ Lê Lợi . còn mình thì sáng thui thủi, chiều thui thủi một mình. Có lẽ tối ngày tưởng Chúa, nhớ Cha đọc kinh cầu nguyện sớm lên thiên đàng nên không có bạn gái hay chăng?

Dư giờ thì tìm cách giết thì giờ vậy. Mặc dầu học sinh trường Dòng nổi tiếng là không có thời giờ dư để mà quởn. Vì mấy Frères Sư Huynh sáng chế tuyệt chiêu như sau: Cứ 3 tuần thì phát thứ hạng trong lớp, rồi 3 tháng thì thi Tam cá Nguyệt, rồi đến 6 tháng thì Lục cá Nguyệt, rồi cuối năm thì thi lên lớp. Như vậy còn gì mà quởn nữa?

Lòng vòng một mình ên trên vỉa hè đông người qua lại, mình đúng là người lẻ loi đìu hiu phố thị. Cho nên tôi đi học võ chơi. Trường Tea Kwon Do trên đường Trần hưng Đạo, đối diện với Sở cứu hỏa Đô Thành, giám đốc là võ sư Nguyễn Bình. Ngày đầu tiên ghi danh nhập học cũng không hên.

Vì mùa hè nên học trò mới khá đông, có một thằng thuộc dân Xóm Củi thấy cô thư ký quá xinh đẹp như cô gái Bắc Kỳ nho nhỏ vậy, đang viết tên học trò mới trong sổ, vừa viết tên vừa đếm tiền học phí, trán cô lấm tấm mồ hôi, nên thằng Xóm Củi mở một câu vô duyên tệ: "Cô viết không nổi thì mướn tui viết thế cho đi". Cả đám cười cái rần, luôn tui nữa. Rồi có một vị hơi hơi thấp người đứng kế đó cũng mỉm cười luôn. Vị này chính là Võ sư Nguyễn Bình. Học xong tôi bị thấm đòn nhiều nhất thì mới vở lẽ ra cô gái Bắc Kỳ nho nhỏ, ngồi ghi danh từng đứa học trò chính là hiền thê của Thày tôi, có nghĩa là Sư Mẫu đấy. Tại sao bị thấm đòn nhiều nhất, tại vì cười hùn không phải lúc, wrong time, wrong place. Thày cứ khoái đem tôi ra làm ví dụ những món võ mới, có nghĩa là gọi tôi lên, đứng trên bục gỗ rồi chỉ cho học trò những món mới, như khều móc, thoi, xô v.v... Rồi lâu lâu kêu tôi ra cùng với thằng Xóm Củi mà song đấu cho bạn bè ngó chơi, học kinh nghiệm. Thành thử mỗi lần tan lớp võ, là chân cẳng đi xiêu vẹo. Mình mẩy rêm còn hơn làm nghề chả lụa nữa. Nhưng riết rồi quen, số con trâu cù lần nên đâu có sợ da đen?

Mỗi lần trước khi học là cả lớp đứng nghiêm, rồi thày hô một tiếng thì cả lớp cúi đầu chào kính một tấm hình trên cao trên tường, vị đó là Trung tướng Đại Hàn, rồi sau đó cuối đầu chào Thày, rồi tản rộng ra chào bạn kế bên, rồi song đấu. Đôi khi Thày dẫn cả lớp đi thăm xã giao những lò võ bạn, như Võ trường Quang Trung của Thày Thích Tâm Giác (cấp bậc hàm chức trong quân đội là Đại Tá, vì Thày làm trưởng ngành Phật Giáo Tâm lý Chiến. Thày từng du học võ tại Nhật khá lâu. Thày có Tứ đẳng Huyền Đai Judo, Tứ đẳng huyền đai Không thủ Đạo/ Karate và Tam đẳng Kendo/Kiếm thuật. Nhưng ngày kia, sau đó Thày bị một đòn sát thủ trí mệnh của một Thày võ Việt Nam cư ngụ tại Qui Nhơn, trong kỳ song đấu thách thức Thày Thích tâm Giác bị ngón xỉa "phản hồi Thập Dực" xỉa vào sau ót Thày, vì người này tung người ra bay cao, lộn ra ngoài sau dùng 2 ngón tay xỉa mạnh vào ót. Đây là một trong 4 Tử Huyệt mà người võ sư phải bảo vệ luôn luôn khi song đấu với đại cao thủ. Khi biết bị đánh bể Tử Huyệt thì Thày Tâm Giác lật đật ngồi xuống, điều công vận tức rồi sau đó Thày phải cấp tốc bay qua Tokyo nhờ Đại sư phụ cứu. Xin nói rõ, thành thật như sau: Thày Võ tuyệt đối không bao giờ đánh vào 4 Tử Huyệt, vì có lời Thề với Tổ rồi. Tử Huyệt này chạy theo 12 con giáp, có nghĩa là chạy theo giờ trong ngày. Giờ Dần chạy vào huyệt Mang Môn, giờ Ngọ chạy vào huyệt Kỳ Môn, giờ Mùi chạy vào huyệt Đại Thùy. Võ sư Thích tâm Giác bị đánh vào huyệt Ê Phong / nằm sau vành tai khoảng 2 tấc. Huyệt này đánh vào khoảng giờ Tị / 10 giờ sáng thì đối thủ không cứu được. Lúc đó Saigon sôi nổi vì tang lễ của Thày Thích tâm Giác cực kỳ lớn, hình như có một vài Trung tướng trong Hội Đồng Quân Nhân đến phúng điếu).

Lỡ nói đến vụ đánh Tử Huyệt thì nói luôn. Tại Việt Nam rất rất vô cùng hiếm có võ sư nào biết đánh Tử Huyệt. Vì môn này thất truyền từ lâu Tại Quảng Trị, có một thày võ mang tên Phan văn Hoành, ngày xưa thày nổi danh với tên Nam Nhạc, học trò võ của Thày là Bác Sĩ ??? (quên rồi)

Thày nói rằng huyệt này bị đánh tùy theo nặng nhẹ, nhẹ là đối phương sẽ chết trong 3 tháng sau, nặng là đối phương sẽ chết trong vòng 48 tiếng sau. Nặng nhẹ tất cả đều không cứu được, người đánh Tử huyệt cũng không cứu được khi đối phương trúng đòn. Thày Võ Hoành này chính là người rất thân trong gia đình của tác giả. Thày trước đó làm y tá tại nhà thương Phan Rang, rồi sau đó đổi vào Cam Lộ một thời gian thì Thày mất vì bệnh. Hiện giờ con cháu Thày Hoành ở tại California khá nhiều, hay những người dân Quảng trị sanh quán tại làng Kế Môn thì đều biết đến tên Thày.

Thôi trở lại đề tài chánh ở trên!

Trước hết, từ năm 1925 trở đi, vì Pháp sợ dân Việt học võ chống đối họ, nên người Pháp cấm đoán gắt gao chuyện học võ, dạy võ. Có học thì lén lút chỗ xa xôi, hay khi khuya về đêm vắng. Sau đó Chánh quyền vững chắc và vào thời kỳ Thống đốc khuyến khích dân Việt học thể thao, đua xe đạp, đánh bóng rổ, lập hội đá banh khắp nước thì ngành võ mới phục hồi trở lại. Chính trong thời gian này, làng võ Việt nam đã rực sáng tên tuổi của 3 vị võ sư: Hàn Bái, Ba Cát và Bảy Mùa. Đây là những vị võ sư xuất thân từ võ tướng của triều Nguyễn. Họ có Cử nhân Võ do triều đình ban cho, rồi sau đó thêm một số nghề của võ thuật Trung Hoa nhập lại, nên họ tạo cho nghề của họ một sắc thái vô cùng đặc biệt.

1.- Võ sư Bảy Mùa, tên thật là Nguyễn văn Mùa, sinh năm 1879 , người Vĩnh Long, miền Nam. Làm thông phán Sở Công Chánh dưới thời Pháp thuộc.

2.- Võ sư Hàn Bái, tên thật là Lê văn Bái, sanh năm 1889, người Hải Dương, miền Bắc. ông là con lãnh binh triều đình Huế, học nghề của cha và 2 vị ân sư người Trung Hoa.

3.- Võ sư Ba Cát, tên thật là Nguyễn văn Cát, thứ ba trong gia đình toàn là chị gái em gái. Sinh năm 1881 tại Bình Định, miền Trung. Ông là cháu đích tôn của một võ tướng thời Tây Sơn. Môn phái của ông là đại khắc tinh của môn phái võ tướng Lê văn Duyệt, triều Gia Long Minh Mạng.

Giới võ lâm xem 3 vị này là "Tam Nhật" (3 vầng Thái Dướng sáng lòa)

4.- Võ sư Hồ Ngạnh, tên thật là Hồ Nhu, sinh năm 1891 tại Thuận Truyền, tỉnh Bình Định, miền Trung. Mẹ Ông dạy võ cho ông, còn ba ông là thư sinh trói gà không chặt nữa. Nhờ mẹ và một số người thân thuộc võ tướng triều Tây Sơn đang ẩn cư quanh Bình Định. Mẹ ông thuộc nhánh võ tướng của Nữ đại tướng Quân Bùi thị Xuân, sau này bị vua Gia Long cho voi xé xác cùng con gái của Bà Bùi thị Xuân.

Võ sư Hồ Ngạnh là vua về Roi xứ Bình Định, có 26 đường Roi ngắn và nhập Nội do ông sáng tạo. Và tạo cho đường Roi Thuận Triều vang danh thiên hạ, có thể cự ngang tài với "Quyền An Vinh" ở xứ Võ Bình Định này. Xứ võ Bình Định này có rất nhiều đàn bà biết võ mà mình không dè. Kể lại chuyện xưa, lúc tôi còn làm tại Quân Y Viện Pleiku, thì có anh Trung Sĩ I tên Tường, trưởng ban Quân Xa. Anh này cai quản nhiều xe Hồng thập Tự và cũng có 2, 3 bà vợ. Anh cao ráo và khá đẹp trai, tóc hơi quăn. Con người gân guốc, mạnh mẽ, tướng đi dềnh dàng. Mấy tay đàn em tưởng anh biết nghề võ, kể luôn tôi. Mấy tay đàn em trong ban Quân Xa thường năn nỉ anh dạy võ, anh chối từ hoài, làm họ tưởng anh khiêm nhường. Cho tới một ngày kia thiên hạ mới biết rằng anh không biết võ gì ráo trọi. Chuyện thật như sau:

Ngày kia, anh tan sở anh chở vợ bằng xe Vespa đi ngang Cầu Số 3, nơi này có một chợ nhỏ và đông dân cư, xe Lam ba bánh thường hay ngừng tại đây để đón khách lên xuống, lên Quân Y Viện hay xuống chợ Mới Pleiku. Anh và vợ đi đến cầu số 3 thì bị một người đàn bà chận lại. Người đàn bà đó đúng là Vợ Lớn của anh ta. Chuyện to rồi! Thế thì 2 bà nhào vào trước thì gây lộn sau thì thượng cẳng chân, hạ cẳng tay. Hai bà đều biết nghề võ còn anh thì không. Thấy hai cục cưng quyết tử với nhau, sợ hư hao nên anh nóng mặt cứ can đại. Rồi chuyện đến thì phải đến. Anh bị chưởng của hai bà. Tiền bị đá Hậu bị thoi, chịu gì nổi với 2 Thày Võ khi họ nổi cơn tam bành lục tặc. Anh được chở vào nhà thương của anh bằng xe Lam 3 bánh đậu gần đó, đông nghẹt người xem, sợ hãi, tò mò, xúi bảo, la ó... Anh được chở vào Quân Y phòng ngoại chẩn. Mấy đàn em của anh cười quá xá. Thì ra anh không biết võ thiệt tình chớ nào phải nhún nhường khiêm tốn đâu.

Ngực của anh còn đủ gót son của Bà Lớn in vào. Lưng của anh hiện đúng bàn tay mũm mĩm của Bà Nhị in vô. Anh ngồi đó vừa ho vừa thẹn. Bệnh của anh nhà thương không có thuốc trị rồi Imcapable chẳng lẽ bôi thuốc đỏ hay chích cho anh vài mũi thuốc trụ sinh? Mà nhà thương đâu có dầu nóng, hay dầu cù là đâu. Anh năn nỉ chúng tôi là xin được nhập viện. Thì ra anh đã có Thần Cơ Diệu Kế. Anh được chúng tôi cho nằm chung với bệnh nhân trại 5. Trại này thuộc về bệnh Bao Tử, Nội thương như Phổi Phèo Ruột v.v... Hai bà thấy anh không về nhà và nghe nói anh nằm bệnh viện thiệt tình, nên hai bà đau khổ chạy lên chạy xuống vào thăm nom anh. Nào là cam, quít đem đến giường bệnh, bóc múi đưa anh ăn cho lại sức. Mấy ông Bác Sĩ thì nghi anh xạo cho qua ải. Nhưng dân trong nghề, tôi biết anh bị thiệt. Ngực bị gót son in vào huyệt Trung quản, anh không bị bể bao tử là may lắm, lưng bị năm ngón tay in vào huyệt Phế Du, anh không bị nát phổi là phước đức vô cùng. Thành thử anh cứ ho và lâu lâu ói ra chút máu bầm. Tôi chỉ biết khuyên anh xuống phố, đến tiệm thuốc Bắc Vĩnh an Đường gần chợ Pleiku mà hốt vài thang thuốc Bắc cho chắc ăn. Anh cười anh nói mấy thày Tàu chỉ giỏi về sâm nhung bổ thận hoàn chứ vụ này họ biết khỉ gì. Tuần sau thì cha vợ từ An Khê xuống thăm và cho anh uống vài toa thuốc Nam. Tôi không biết cha vợ nào của anh đây. Toa thuốc Nam này đúng câu nói: "Trong thì uống, ngoài thì thoa". Vài hôm sau anh xuất viện làm việc trở lại. Nhưng từ rày về sau, đàn em của anh sợ anh hơn bội phần. Vì anh là chồng của nhị vị võ sư Bình Định thứ thiệt. Quả là danh bất hư truyền.

Trở lại chuyện bỏ dở, tại miền Nam cũng thời gian nói trên, khá nhiều sao Bắc Đẩu Võ Lâm như sau:

5.- Võ sư Đoàn tâm Ảnh, sinh năm 1901, từng học theo phái Côn Luân bên Trung Quốc, ông chu du nhiều năm tại Đông Nam Á, vì gia đình là một đại điền chủ rất giàu vô cùng. Từ môn phái chân truyền, ông tập hợp được 72 đòn căn bản võ thuật. Năm 1969 thì danh vọng lên tột đỉnh, ngoài 72 đòn quyền ông còn có thêm 18 bài La Hán Quyền và 18 bài Xà Quyền. Chính một sư phụ tôi tại Pleiku gọi môn này là Đòn Dưới (dành cho phụ nữ học chuyên cần thì hiệu quả vô cùng).

6.- Võ sư Nguyễn Lộc, sinh năm 1912, tại Hữu Bằng, tỉnh Sơn Tây (nay họ đổi thành Hà Tây). Vốn là một môn võ dân tộc người miền núi, nhưng ông chọn con đường mới mẽ cho môn phái của mình. Sau nhiều năm nghiên cứu, năm 1938, ông cho ra đời môn phái mới gọi là Vovinam. Môn này sở trường về đòn chân, thường bay lên và dùng đôi chân quặt gãy cổ địch thủ, rất nguy hiểm nếu địch thủ biết đòn này mà rùn người, thì người bay tới rất dễ dàng bị đánh gãy sống lưng. Năm 1940 môn Vovinam truyền bá rộng rãi, nay phát triển ra toàn quốc và quốc ngoại, tại vùng Reseda, California có võ đường nổi danh của Vovinam này.

7- Võ sư Nguyễn văn Phát, sanh năm 1914, từng học quyền Anh với võ sĩ Sosa (người Phi Luật Tân). Lúc mới thượng đài ông lấy tên là Văn Phát, nhưng sau đó đổi tên là Kid Dempsey vì tại ngoại quốc có vô địch quyền Anh tên là Jack Dempsey. Năm 1939 võ sĩ Kick Dempsey đoạt chức vô địch quyền Anh toàn cõi Đông Dương. Rồi ông sang Pháp cư ngụ thi đấu gần 250 cuộc chiến với 2 lần huy chương Bạc tại Paris và Marseille. Năm 1968 ông trở lại Vietnam làm huấn luyện viên cho Câu lạc bộ Thể Thao Pháp tại Saigon (Cercle Sportif Saigonnaise) ông có rất nhiều học trò Pháp, Việt nổi danh. Tuyệt chiêu đặc biệt của ông là đánh bằng đầu gọi là Thiết đầu Công.

8.- Võ sư Trần Công, người Hà Nội, sanh năm 1920 tại Nam Định. Ông thu nhập 2 môn phái lớn của Trung Quốc là Sơn Đông và Không Động, đồng thời ông học võ tại Bình Định. Trong cuộc kháng chiến chống Pháp ông dạy cho nhiều thanh niên sắp sửa ra trận. Hiện nay ông sống tại quận Ba Đình Hà Nội. Tuyệt chiêu của ông là đòn tay trái.

9- Võ sư Phạm Lợi, người Quảng Nam, sanh năm 1929. Năm 17 tuổi ông học xong võ Bình Định, rồi sang Pháp, Đức sau cùng học võ tại là Kyoto /Nhật. Ông 2 lần đoạt vô địch tại Madrid (TaybanNha) và Hòa Lan. Ông là người đầu tiên đoạt huy chương vàng về Judo tại hải ngoại. Tuyệt chiêu của võ sư Phạm Lợi là đòn hông số 3, cước pháp của ông rất nhanh vì có võ Bình Đình phụ thêm nên báo chí Pháp gọi ông là "con mèo". Năm 1955 ông góp phần tích cực truyền bá Judo tại Saigon. Năm 1970 ông là người mang đẳng cấp cao nhất với sự thừa nhận của Nhật là Đệ Ngũ Đẳng Huyền Đai. Ngoài ra ông làm trọng tài cho nhiều cuộc thi lên đai Judo tại Việt Nam thuộc Huyền Đai trở lên. Ông ra rất nhiều sách dạy Judo từng tập mỏng. Học trò của ông lên đến số ngàn.

10.- Võ sư Hồ cẩm Ngạc, người Saigon, sanh năm 1923. Học Thiếu Lâm tại Chợ Lớn /Saigon. Học Judo trong thời kỳ Nhật Bản qua xâm chiếm Việt Nam. Sau đó ông sang Nhật bằng phương tiện riêng. Tại Kyoto /Nhật ông lấy bằng Judo (Huyền đai Tam Đẳng) , Aikido (Huyền đai Đệ Nhị Đẳng) và Kiếm Đạo (KenDo, Huyền đai Đệ Nhị đẳng), Karatedo (Huyền đai đệ tam đẳng). Ông mở trường võ thuật và môn sinh rất nhiều trong đó có kẻ viết bài này. Những võ sĩ thành công tại lò của ông thường là Karate (mà tạm gọi là Không thủ đạo) đây là môn võ Nhật tương tự như TeakwonDo của Korea, nhưng không công pha bằng. Có lần chúng tôi còn nhớ lại, trong kỳ thi lên Huyền đai của đàn anh tại sân Tao Đàn, có một anh Trung sĩ người Nam hàn, đang làm huấn luyện viên Võ Thuật cho trường Võ Bị Thủ Đức (nằm trong trường Võ Bị Thủ Đức gần ngoài cổng chánh trường) lên biểu diễn ngoại công cho học trò ngồi hàng hàng lớp lớp ngoài sân cỏ. Anh dùng đầu hớt cao, đánh bể một cục đá xanh dùng để lót lề đường. Cục đá rất nặng hình chữ nhật, rớt là dập chân liền, ông đánh bể làm hai bằng cái trán của ông. Thày khuyên đừng về nhà bắt chước, dĩ nhiên là tất cả đồng ý. Riêng võ sư Hồ cẩm Ngạc mất năm 1965 trong một trường hợp thương tâm. Ông dùng mạng sống cứu 2 người trong một tai nạn giao thông mà có thể giết chết 2 người này trên cầu vì một chiếc xe nhà binh đứt thắng lao xuống. Ông qua đời vì vết thương quá nặng.

Riêng về môn võ Tàu, người ta chú trọng nhất là sức đứng tấn mà người võ Việt gọi là Bộ Ngựa. Khi chân đứng tấn đủ công lực thì họ mới dạy tiếp đòn quyền bằng tay. Muốn giỏi về tấn thì không khó gì, ai ai cũng có thể tập được. Ngồi đàng hoàng trên một cái ghế, hai chân chạm đất, lưng thẳng như thước thợ, hai tay úp vào đầu gối (dễ ợt há). Nhưng từ từ nhấc nhẹ đôi mông lên để người ngoài sau từ từ kéo ghế ra. Rồi bạn trở lại ngồi với tư thế như cũ mà không có ghế. Ngồi như vậy trên 1 tiếng đồng hồ là Thày Tàu đồng ý. O.K! Năm sau tăng cường lên là Thày bắt ngồi kiểu đó.

Rồi Thày cho một anh mập lên đứng trên 2 đùi của bạn như vậy xong thì học đòn tay. Bài quyền đi đúng 8 bài Thiếu Lâm thì được gọi là có học võ 1 năm. Còn vấn đề Huyền đai cấp đẳng là từ khi phong trào Judo bành trướng khắp thế giới thì Nhật mới chính thức ra mắt thế giới về cấp đẳng để phân biệt học trò dày công học tập. Trước đó Nhật chỉ cấp Huyền Đai tại Nhật mà thôi, nay phương tiện di chuyển dễ nên có nhiều giám khảo Nhật bay sang mà chấm thi lên đai đen. Từ khi Nhật thua trận Judo Olympic, chức Judo thế giới bị người Hòa Lan giật mất nên họ không bao giờ dạy võ sinh người ngoại quốc lên đến cấp Ngũ đẳng Huyền Đai. Từ đai trắng không biết gì lên đến đai đen tốn cũng trên 3 năm nếu hàng ngày đến võ đường học 4 tiếng. Từ Huyền đai đệ Nhất lên đệ Nhị thì trên 5 năm trau dồi võ thuật, ngày học 6 tiếng. Có 2 trường võ thuật nổi tiếng tại Nhật và trên thế giới là lò Kyoto, hàng ngày môn sinh hàng trăm người chạy lên đồi xuống đồi từ sáng tinh sương, chạy lên xuống hàng chục ngàn bậc cấp bằng đá lên ngôi chùa rồi xuống đồng bằng, tắm luôn luôn bằng nước lạnh cho dù ngoài trời đổ tuyết vào mùa Đông. Đây là tập khí công nội lực cho người. Dĩ nhiên học ngồi kiểu đó thì học trò đi đứng vô cùng chàng hảng. Đạp xe gắn máy Honda cũng vô cùng khó khăn rồi.

Đây là điều sơ xuất khá lớn khi chỉ kể tên 10 vị này mà thôi. Vì có nhiều vị không mở trường dạy học và cũng không cho học trò thi đấu làm gì, nhưng 10 vị này cũng là một phần góp lên cho sự nghiệp võ thuật mang đặc tính Việt Nam. Tại hải ngoại mà tôi khâm phục là võ sư Vũ Đức và võ sư Nguyễn Lâm. Riêng võ sư Nguyễn Lâm người sáng lập môn phái KienAnDo tại Reseda/ California. Chân truyền từ Thiếu Lâm Bắc Việt / Hải Ninh, Hải Phòng. Hai vị này có rất đông học trò Việt và Mỹ nữa.

Sagant Phan - Theo Văn tuyển



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của ngoctulaa

Chữ ký của ngoctulaa
[SIZE="6"][COLOR="Blue"] nhớ nhà[/COLOR][/SIZE]
Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
thầy võ, võ sư kid dempsey



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™