Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Thể Loại Khác > Võ Thuật
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 05-04-2008, 02:47 PM
ngoctulaa's Avatar
ngoctulaa ngoctulaa is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Mar 2008
Đến từ: Nơi có Tình Yêu em dành cho anh
Bài gởi: 617
Thời gian online: 56 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 27 Times in 16 Posts
Huyền thoại Yoga và nhà Yoga số 1 Việt Nam

Huyền thoại Yoga và nhà Yoga số 1 Việt Nam

Cho đến nay và có lẽ là rất lâu nữa, con người vẫn chưa thể giải thích trọn vẹn được những hiện tượng như ngoại cảm, nhục thân, thôi miên, khinh công, nhảy múa trên lửa... Nhưng với người thấu hiểu được quyền năng của yoga thì chỉ có một lời giải thích duy nhất: do yoga đánh thức tiềm năng trong con người. Cố bác sĩ Nguyễn Khắc Viện và ông Nguyễn Thế Trường là những huyền thoại yoga của Việt Nam.

Phần I: Một ngày đầu năm, tôi tìm đến ngôi nhà cũ kỹ trong một con ngõ nhỏ yên tĩnh trên đường Tây Sơn để gặp huyền thoại yoga từng nổi đình nổi đám những năm 80 của thế kỷ trước. Người đàn bà chỉ tôi lên sân thượng. Bên cây đào xù xì vằn vện thời gian, ông Nguyễn Thế Trường đang... trồng cây chuối. Ông đã “trồng” như thế hơn một giờ. Sau khi vận khí, ông tập các tư thế như: nến, cày, cá, kìm, rắn, chấu, cung, vặn vỏ đỗ... Ông dốc vòi chiếc ấm nước vào trong họng khiến cái bụng trống rỗng phình lên. Ông lắc cái bụng như người ta xúc rửa bình, rồi lại cuộn dạ dày cho nước ộc ra phía miệng. Ông còn vận công dồn khí đẩy nước phía... hậu môn. Trong tư thế ngồi thiền, khuôn mặt ông Trường trở nên hồng hào, giọng ông sang sảng: “Tớ vừa xúc rửa toàn bộ nội tạng cho sạch hết dơ bẩn năm cũ”. Trở về với con người của khoa học, ông kể cho tôi nghe những câu chuyện đậm chất huyền thoại của yoga.

Quyền năng thượng thừa của Yoga

Từ khi sư tổ của Phật giáo Thích Ca Mâu Ni rời tán cây bồ đề, bên bờ sông Ni Liên Tuyền, quay bánh xe chánh pháp giảng đạo, chính là lúc đạo Phật ra đời và đó cũng là lúc con người được biết đến quyền năng thượng thừa của yoga. Bỏ qua những câu chuyện ly kỳ về sự ra đời, tu luyện khổ hạnh của Thích Ca Mâu Ni, thì yoga chính là những bài tập đưa con người tới sự phát triển hài hòa với vũ trụ.

Ông Nguyễn Thế Trường

Những người luyện tập yoga được gọi là các yogi. Kiên trì rèn luyện, các yogi sẽ đạt được những khả năng đặc biệt, như điều hòa các chức năng sinh lý trong cơ thể, tùy ý gây ra cảm giác nóng, lạnh, nặng, nhẹ, tăng giảm nhịp tim, huyết áp, ảnh hưởng đến dòng điện sinh học của não... Tu luyện đến trình độ cao có thể làm chủ được bản thân mình, huy động được những tiềm năng sâu ẩn trong cơ thể mình, nắm được chìa khóa tác động đến những tầng bậc sâu kín của “cái tôi đích thực”, tới được cảnh giới tối cao, hợp nhất cá thể cùng bản thể vũ trụ... Khi con người đã hòa hợp được với vũ trụ thì quyền năng của con người là không thể lường hết. yoga có thể làm sáng tỏ những bí ẩn của con người trong vũ trụ.

Ông Nguyễn Thế Trường giở đống báo nước ngoài vàng ố phủ bụi trong chiếc tủ gỗ. Trong đống báo có rất nhiều bài viết về những câu chuyện kỳ lạ. Ông Trường đọc báo Nga lưu loát như báo tiếng Việt: “Nữ phóng viên Liên Xô (cũ) E. Xaparina tường thuật cảnh chị chứng kiến tại Calcutta, Ấn Độ: Hôm ấy, đám đông diễu hành qua trung tâm thành phố, rồng rắn kéo thẳng tới giữa cánh đồng. Họ dừng lại trước cái huyệt đã đào sẵn. Từ trong đoàn người, một ông già gầy gò, khô đét tiến đến miệng hố lẳng lặng chống tay bước xuống huyệt và nằm yên bất động hệt như một xác chết. Đoàn người lầm rầm cầu khấn rồi nhặt đất xung quanh ném xuống huyệt. Lớp đất cứ cao dần thành nấm mồ thực sự. Đám đông bình thản đợi chờ.

Thời khắc lặng lẽ trôi. Sau 4 giờ, người ta thận trọng đào bới ngôi mộ. Một thân hình bất động hiện ra: mắt nhắm, chân tay mềm nhão, chừng như không còn thở... Một ít phút sau, ông già hít nhẹ, mí mắt động đậy, tay chân co duỗi và chậm rãi đứng dậy đi về phía những người đứng đợi ông... Ông già đó chính là một yogi siêu việt”.

Một bài báo tiếng Nga khác: “Tại tỉnh Pendjab, người ta cũng tiến hành chôn sống yogi Haridas trong 40 ngày. Thí nghiệm được tiến hành trước sự hiện diện của vị đứng đầu tỉnh lúc đó là ông Singh, cùng nhiều nhân vật tầm cỡ là người Anh và Pháp, trong đó có hai bác sĩ là Murray và Mac Gregor. Haridas ngồi theo tư thế “hoa sen”, tai và mũi được bịt kín bằng sáp ong. Sau đấy người ta đặt ông vào hòm gỗ rồi đem chôn. Trên mộ được gieo đại mạch, lính canh gác suốt 40 ngày đêm. Sau khi khai quật, người ta thấy Haridas vẫn ngồi ở tư thế cũ. Những khám nghiệm y học cho thấy mạch ngừng đập và ngừng hơi thở. Tiếp đó, người ta giao Haridas cho các môn đệ của ông và họ đã làm cho nhà yoga này sống lại”...

Năm 1950, người ta lại tiến hành “chôn sống” nhà yoga 52 tuổi B.Ramadi tại thành phố Bombay. Trước đám đông hàng vạn người, nhà yoga bước xuống một cái hố hẹp, đào sâu dưới đất. Người ta đậy nắp hố, trát ximăng. Ramadi ở trong trạng thái “chết giả” đó trong suốt 58 tiếng đồng hồ. Khi đào lên, người ta đổ đầy nước vào hố và nhà yoga lại ở dưới nước thêm 6 tiếng nữa. Lúc đưa lên khỏi hố, Ramadi dần dần hồi tỉnh.

Các khám nghiệm khoa học đã đi đến kết luận, các yogi bị chôn sống đã ở vào một trạng thái hệt như một số loài động vật trong thời gian ngủ đông, đó là trạng thái tiềm sinh. Trong trạng thái này, các quá trình sống như trao đổi chất ngưng chậm hẳn lại nhằm giúp cho cơ thể tiếp tục duy trì trong những điều kiện nhiệt độ, độ ẩm vô cùng bất lợi. Hiện tượng này chỉ phổ biến trong giới động vật, thực vật, vi sinh vật. Thế nhưng, từ ngàn xưa, trong khi đi tìm con đường tu tập, các yogi Ấn Độ và Tây Tạng đã nắm được chìa khóa của trạng thái độc đáo, lạ lùng này dựa vào quá trình tham thiền, nhập định, điều hòa cơ thể, thả lỏng cơ bắp và tiết chế ăn uống...

Chuyện nhục thân của các nhà sư cũng là một bí ẩn khó có thể lý giải nếu đứng ngoài phương diện yoga.

Nhà sư Samatha Kitikhun (sinh năm 1894, tại Thái Lan) có biệt tài ngồi thiền bất động 15 ngày, không cần ăn uống tại nơi hoang vu, vắng vẻ. Ngày 6/5/1973, biết mình không thể sống tiếp, sư truyền lại rằng: sau khi sư chết hãy cho xác vào quan tài rồi trưng bày để thế hệ mai sau noi gương tìm đến Phật giáo để biết cách tự giải thoát mình khỏi mọi sự đau khổ. Xác khô đó đã được gìn giữ suốt 30 năm nay trong lồng kính. Các nhà khoa học đã dày tâm nghiên cứu nhục thể của nhà sư Kitikhun và 11 nhục thể của các nhà sư khác ở Thái Lan, song vẫn chưa lý giải được vì họ không hề tìm thấy hóa chất tẩm ướp nào.

Ngay ở Việt Nam, trong ngôi chùa Đậu (Thường Tín, Hà Tây) cũng có nhục thân của hai vị thiền sư Vũ Khắc Minh và Vũ Khắc Trường tồn tại từ mấy trăm năm nay. Các nhà khảo cứu quốc tế đã nghiên cứu, song cũng không giải thích được. Theo ông Trường, trong Phật giáo nhục thân là hiện tượng đắc đạo của một vị chân tu sau khi nhập diệt. Đó cũng chính là khả năng siêu việt của yoga, mà những thuyết giải tường tận đã bị thất lạc, chứ không phải là ma thuật gì như những người có đầu óc duy tâm thường nói.

Sư tổ Bồ Đề Đạt Ma từ Tây Trúc sang Trung Hoa truyền đạo. Người trụ trì tại chùa Thiếu Lâm trên núi Tung Sơn. Chính tại ngôi chùa này, Người đã dạy cho các thiền sư Trung Quốc phép luyện yoga. Sau 9 năm hoằng dương Đạo pháp, sư tổ phiêu lãng trên mặt nước mênh mông trở về quê hương bằng một... cành lau. Chuyện đó hư hư thực thực thế nào ít ai biết được, chỉ có điều, từ đó, trong các truyền thuyết, tiểu thuyết võ hiệp, phim ảnh dã sử, con người có thể bay lượn như... châu chấu.

Tuy nhiên, chuyện kể về các thiền sư, qua quá trình khổ luyện lâu dài có khả năng đề khí khinh thân, phiêu hành nhẹ như chiếc lá, thì ông Nguyễn Thế Trường khẳng định là có thật.


còn tiếp



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của ngoctulaa

Chữ ký của ngoctulaa
[SIZE="6"][COLOR="Blue"] nhớ nhà[/COLOR][/SIZE]
Trả Lời Với Trích Dẫn
  #2  
Old 05-04-2008, 02:48 PM
ngoctulaa's Avatar
ngoctulaa ngoctulaa is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Mar 2008
Đến từ: Nơi có Tình Yêu em dành cho anh
Bài gởi: 617
Thời gian online: 56 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 27 Times in 16 Posts
Huyền thoại Yoga và nhà Yoga số 1 Việt Nam

Trong tác phẩm “Huyền thuật và các pháp sư Tây Tạng” của nhà thám hiểm người Anh David Neel mà ông Trường dịch một đoạn: “Vào lúc chiều tà, chúng tôi cưỡi ngựa qua miền cao nguyên rộng lớn. Bỗng tôi thấy ở phía xa xa một chấm đen nhỏ xíu. Qua ống nhòm, tôi nhận ra một người đang sải bước hết sức lạ lùng, nhanh khôn tả. Không thể nói rằng vị thiền sư ấy đang chạy. Cứ mỗi sải bước, nhà sư lại bay trong không trung, bồng bềnh về phía trước giống như một quả bóng đàn hồi. Chúng tôi đã nhìn theo gần 3 cây số. Nhưng rồi ông rẽ ngoặt khỏi con đường ngựa chạy, bay vọt lên sườn núi và mất hút trong dãy núi trập trùng bao bọc cao nguyên... Một số minh sư cho tôi hay, sau nhiều năm tu luyện sẽ đạt đến mức: khi chạy chân các vị thiền sư sẽ không chạm đất và họ lướt đi trong không trung với độ nhanh kỳ lạ...”. Theo ông Trường, ở Tây Tạng, bí pháp này có tên là Loung-gom-pas.

Còn ở Trung Quốc, từ xưa đến nay, người ta nói quá nhiều đến thuật khinh thân. Trang Tử, trong “Nội thiên” đã ca ngợi tài khinh thân của Liệt Tử: “Liệt Tử đạp gió phiêu lãng trong không trung, dáng vẻ thanh thản nhẹ nhàng”. Tác giả Trung Ly Quyền cũng lưu lại trong hậu thế “Trung Ly Bát đoạn cẩm” - công pháp luyện khinh thân.

Giới võ lâm Trung Quốc đã bỏ nhiều tâm lực nghiên cứu phương pháp luyện khinh công. Có điều luyện khinh công gian khổ hơn các công phu khác rất nhiều. Vì vậy, người học đã ít, người đạt đến công phu tuyệt kỹ lại càng hiếm hoi, vả lại họ thường mai danh ẩn tích, ở những nơi thâm sơn cùng cốc, nên người đời hiếm khi gặp mặt.

Tuy nhiên, các tu sĩ ở phương Tây lại thường xuyên thể hiện tài nghệ bay trước mặt bàn dân thiên hạ. Người có khả năng khinh thân được nhắc nhiều nhất trong sách báo là Josef Desa. Ông sinh ra trong một gia đình mộ đạo ở miền Nam Italia. Ngay từ bé, Josef đã phải chịu đựng mọi khổ hạnh để luyện đến trạng thái xuất thần theo phương pháp yoga. Và Josef đã luyện được khả năng khinh thân. Giới khoa học đã quan sát Josef khinh thân 100 lần và ghi chép những nhận xét trong tài liệu chính thức. Và cũng chính tài khinh thân đã đẩy cuộc đời ông vào chốn long đong, tuyệt vọng, do một số kẻ cho rằng ông là phù thủy. Ông mất vào năm 1663 ở một tu viện xa xôi.

Ông Trường đang luyện Yoga.

Danil Douglas Hewm cũng là người có thuật khinh thân nổi tiếng nhất thế kỷ XIX. Trong trạng thái nhập thiền, ông có khả năng nhấc mình trôi bồng bềnh lên tận trần nhà. Hewm đã biểu diễn năng lực đặc biệt này trước hàng nghìn khán giả, trong đó có cả những người nổi tiếng như Thackeray, Mark Twain, Napoléon III, cùng những nhà chính trị, bác sĩ, khoa học gia. Người ta không phát hiện ra sự lừa đảo nào cả.

Bản thân tác giả cũng đã từng được nghe rất nhiều người Dao ở bản Thành Công, xã Lãng Công (Lập Thạch, Vĩnh Phúc) kể cho nghe câu chuyện thần bí về ông thầy mo có khả năng bay lơ lửng trên không. Người Dao ở bản này còn lưu giữ nhiều phong tục nguyên sơ, trong đó có tục làm lễ “xưng tội”. Trong khung cảnh thành kính, người “xưng tội” ngồi đối diện với bàn thờ treo trên tường. Thầy mo ngồi ngay dưới bàn thờ, quay mặt về phía người “xưng tội”. Sau khi thực hiện một số nghi lễ, người “xưng tội” sẽ kể hết những điều xấu xa mình đã làm trong năm qua. Nếu người đó kể sai, hoặc không kể hết thì ông thầy mo cứ từ từ lơ lửng bay lên phía bàn thờ. Còn nếu kể thật lòng mình thì ông thầy mo lại từ từ hạ xuống (?!).

Mặc dù hầu hết người Dao ở Thành Công đều kể chuyện này nhưng tôi không tin lắm vì chưa được tận mắt chứng kiến. Tuy nhiên, chuyện người Dao Đỏ ở Xín Thầu (Hoàng Su Phì, Hà Giang) có thể nhảy múa trên đống than đỏ rực thì tôi đã tận mắt chứng kiến. Năm nào cũng vậy, cứ vào dịp tết âm lịch, người Dao Đỏ ở xã Xín Thầu lại tổ chức lễ hội nhảy lửa. Sau khi đọc những câu “thần chú” rất kỳ lạ, cả chục người cứ chân đất nhảy múa trên đống than đỏ rực như không biết nóng là gì. Phải chăng người Dao Đỏ ở Xín Thầu cũng là những yoga thực thụ?

Theo một số nhà nghiên cứu phương Tây, khả năng khinh thân là sản phẩm của trường sinh học, tạo ra bởi một dạng năng lượng tinh thần đặc biệt phát ra từ não người. Trường sinh học được tạo ra một cách có chủ ý bởi người khinh thân, do đó họ có thể kiểm soát và thay đổi hướng khi lơ lửng trên không.

Theo ông Trường thì tập luyện khinh công chủ yếu gồm hai phần: Một phần gồm những công pháp tập luyện nhằm mục đích làm cho cơ thể linh hoạt, nhẹ nhàng, bước đi nhanh nhẹn, thân pháp khinh linh trong giới võ lâm Trung Quốc, người ta luyện tập từ khi 6 tuổi bằng cách bọc mo sắt vào chân, rồi tập nhảy trên những cây cọc. Khi tháo bọc sắt, đi lại thấy nhẹ nhàng như gió. Phần khác gồm các công pháp khơi gợi tiềm năng trong cơ thể, khiến cơ thể sản sinh ra sức nổi hướng lên. Kết hợp hai phần đó, con người sẽ đạt đích khinh thân.

Kinh nghiệm cuộc sống đã từ lâu cho thấy và sau đó đã được khoa học khẳng định là: khi não ở trạng thái thiu thiu, chập chờn, thì nhạy cảm khác thường, tạo cho con người có khả năng ảnh hưởng đến những chức năng cơ thể mà ta không thể nào bắt nó tuân theo trong những lúc bình thường. Những người trong trạng thái mộng du nhìn vẻ ngoài xem chừng như họ vẫn tiếp tục ngủ, mắt họ thậm chí vẫn nhắm, thế mà họ có thể đi đứng, leo trèo thoăn thoắt trên những nóc nhà cao, có thể chuyền từ cành cây này sang cành cây khác rất nhẹ nhàng.

Thì ra, trong trạng thái nửa tỉnh, nửa mê, gần giống như khi thiền định, con người có thể đánh thức những khả năng tâm lý sâu ẩn tiềm tàng. Chính vì lẽ đó mà có những phát minh khoa học, những sáng tác thơ văn bất hủ đã đến với con người trong lúc mơ màng, ngủ gà ngủ gật: Nhà hóa học Đức Kekule đã tìm ra công thức cấu tạo của benzen trong lúc nửa tỉnh nửa mơ. Nhạc sĩ Italia Tartini nằm mơ thấy một con quỷ đang chơi một giai điệu kỳ diệu, tỉnh dậy ông đã ghi lại những nốt nhạc đó...

Ngay như nhà thơ Hoàng Cầm, khi sáng tác bài “Lá diêu bông” cũng ở trong trạng thái nửa ngủ nửa mơ. Ông kể: “Tôi đang ngủ, nhưng cứ như có ai nâng cuốn sách trước mặt. Tôi cầm bút, nhưng cứ như có ai đưa đẩy”. Chuyện đó, người ta giải thích là do ý thức thăng hoa, nhưng theo ông Trường cái ý thức thăng hoa đó là do yoga khơi gợi nên. Ý thức con người như một tảng băng, phần ta nhận ra chỉ là phần nổi, còn tiềm thức là phần chìm. Yoga có những phương pháp khai thác được phần tiềm năng tuyệt diệu còn chìm lặn ở trong mỗi con người.

Chuyện khó tin về nhà Yoga số 1 Việt Nam

73 tuổi, ông Nguyễn Thế Trường vẫn vác bao tải gạo nặng 80kg leo cầu thang băng băng. Mùa đông rét căm căm vẫn tắm nước lạnh và cởi trần ngồi thiền mấy tiếng đồng hồ ngoài ban công. Ông hà hơi vận khí. Đường khí chạy khắp cơ thể như có con chuột chạy dưới lớp da. Những u thịt tròn như quả bóng bàn lằn lên ở ngực, đùi, sống lưng.
Tài sản của ngoctulaa

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #3  
Old 05-04-2008, 02:48 PM
ngoctulaa's Avatar
ngoctulaa ngoctulaa is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Mar 2008
Đến từ: Nơi có Tình Yêu em dành cho anh
Bài gởi: 617
Thời gian online: 56 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 27 Times in 16 Posts
Huyền thoại Yoga và nhà Yoga số 1 Việt Nam

Một số người Hà Nội vẫn còn nhớ một ngày cuối đông năm 1970, chị Mari, phóng viên tờ báo Unita của Italia đã biểu diễn yoga trước hàng ngàn khán giả. Khi nữ phóng viên vừa kết thúc bài biểu diễn trong tiếng vỗ tay ầm ầm, một người đàn ông dáng thư sinh, gương mặt trắng trẻo, tiến đến bục ban tổ chức... xin biểu diễn. Sau khi vận khí chạy rần rần khắp cơ thể, anh từ từ ngồi xuống. Đôi chân mềm như tàu lá vắt chéo qua cổ, dồn khí làm gồ lên ở sống lưng. Những “u thịt” cứ chạy khắp cơ thể trông rất lạ mắt. Sau những bài biểu diễn như cuộn tròn cơ thể, vặn xoắn tay chân, anh trở lại tư thế ngồi thiền và mời mọi người kiểm nghiệm khả năng điều khiển nhịp tim. Điều kỳ lạ chưa từng thấy đã xảy ra, mọi người đếm đi đếm lại chỉ thấy tim đập 28 lần/phút.

Cả hội trường phải sững sờ bởi lần đầu tiên được tận mắt thấy nhà yoga bằng xương bằng thịt giữa đời thường chứ không phải xem qua phim ảnh, báo chí. Riêng nữ phóng viên Mari, người mới tốt nghiệp Khoa Yoga tại Angiêri, do các chuyên gia Ấn Độ hướng dẫn, tiến tới bắt tay anh và trầm trồ thán phục: “Anh là bậc thầy của tôi...”. Người khách “vô danh” hôm đó chính là Nguyễn Thế Trường, một nhà nghiên cứu trẻ của Viện Khoa học giáo dục, người mới chỉ làm quen và tập luyện yoga chưa đầy 4 năm...

Nghị lực phi thường

Nguyễn Thế Trường sinh ra ở Từ Sơn, Bắc Ninh. Hồi nhỏ, Trường học rất giỏi, lại được cha rèn dạy chữ Nho. Tốt nghiệp Trường Hàn Trung, năm 1953 được Nhà nước cử sang Trung Quốc học ở Học viện Bắc Kinh. Hồi học ở trường, trong một buổi nói chuyện về khí công, Thái cực quyền, một người bạn Trung Quốc mang cho cậu mấy cuốn sách cũ kỹ, có cuốn bằng chữ Phạn, có cuốn bằng chữ Hán. Cuốn bằng chữ Hán có tên “Sự kinh dị của yoga”.

Về nước, Nguyễn Thế Trường làm việc ở Ban Tu thư, nơi có những học giả lừng danh như cụ Hoàng Ngọc Phách, Lê Thước, Đỗ Đức Hiểu, Vũ Đình Liên, Lê Trí Viễn, Hoàng Tụy... Ông được vinh dự cùng các soạn giả viết sách giáo khoa từ lớp 1 đến lớp 12 và tham gia soạn cuốn Từ điển Bách khoa Việt Nam.

Con đường tương lai đang xán lạn thì căn bệnh hen quái ác hoành hành dữ dội hơn. Ông Trường kể: “Ngày còn nhỏ tôi khỏe lắm, thổi xì đồng rất cừ. Tôi thổi rụng cả chèo bẻo, sáo sậu trên ngọn cây. Thổi tên có ngạnh chết cá dưới nước. Nhưng rồi một hôm, tôi thấy khó thở, thổi tên không qua được ống xì đồng. Mẹ dắt đi khám, bác sĩ bảo bị hen phế quản”. Càng ngày bệnh hen càng nặng mặc dù gia đình đã chạy chữa đủ đường.

Giữa lúc tưởng như phải từ bỏ con đường công danh vì bệnh tật thì Trường vô tình đọc được bài viết của bác sĩ Nguyễn Khắc Viện đăng trên một tờ báo nói về phương pháp tập thở theo yoga để chữa bệnh. Trường đi tìm bác sĩ Nguyễn Khắc Viện. Tâm sự với bác sĩ, Trường thấy bệnh tình của mình còn nhẹ hơn ông rất nhiều.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện mắc bệnh lao, bị phẫu thuật cắt phổi 7 lần, mất 8 xương sườn, dung tích thở chỉ còn 1 lít (ở người bình thường là 4,5 lít). Bác sĩ điều trị cho biết, ông chỉ có thể sống được thêm 2-3 năm nữa. Không muốn chấp nhận kết cục đó, ông đã tìm đọc các tài liệu về khí công, yoga và tìm thấy con đường sống của mình. Ông tập thở bụng để tận dụng tối đa công năng của phần phổi còn lại.

Trong một lần đi công tác ở Campuchia, bác sĩ bị viêm phế quản nặng, các cơ sở y tế nước bạn không có khả năng cứu chữa. Thế là ông nằm khoanh lại với một tư thế tiêu hao ít năng lượng và ôxy nhất, dặn mọi người cứ để nguyên như vậy mà chuyển ông về Bệnh viện Thống Nhất (Tp.HCM), vì chỉ cần xê dịch một chút là chết ngay. Và lần đó, ông đã qua khỏi.

Bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là người biết quý trọng từng giây, từng phút sự sống để nghiên cứu khoa học, cống hiến cho nền giáo dục nước nhà. Ông đã kiên trì tập luyện yoga và sống đến tuổi 83, đẩy lùi giờ hẹn của thần chết đến 50 năm trời.

Sau khi trò chuyện với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện, ông Trường mới nhớ đến mấy cuốn sách mà người bạn Trung Quốc tặng từ hơn 10 năm trước. Chữ Trung Quốc, Anh, Pháp, Nga thì ông đọc làu làu, nhưng chữ Phạn thì không đọc được. Rất may, ông Lê Trí Viễn, khi đó đang dạy ở Viện Bắc Kinh đại học đã gửi cho ông khá nhiều tài liệu về chữ Phạn để ông tự học, rồi ông cũng nhờ một người bạn ở Nga tìm mua cho cuốn Từ điển Phạn - Nga. Vừa tự học, vừa năng lui tới Ủy ban Quốc tế làm quen với người Ấn Độ để học hỏi thêm, vậy mà ông đọc thông, viết thạo được chữ Phạn mới đáng phục. Bạn bè Ấn Độ lại tặng ông nhiều tài liệu gốc nói về phương pháp luyện tập yoga. Cho đến giờ, nhà nghiên cứu Nguyễn Phúc Giác Hải và một số nhà khoa học vẫn phải nhờ ông dịch những tài liệu bằng chữ Hán cổ, chữ Phạn.

Với ông Trường, bác sĩ Nguyễn Khắc Viện là một người thầy khả kính, là tấm gương để ông noi theo. Ông nhớ mãi lời bác sĩ Nguyễn Khắc Viện nói: “Con hãy nghe hơi thở của con, con sẽ nghe được nhịp của vũ trụ”.
Tuân theo lời dạy đó, ông Trường bắt đầu học thở. Ông bảo: “Thật là sai lầm nếu chúng ta nghĩ rằng chúng ta đều biết thở. Thở là một nghệ thuật. Và, hơn nữa, đó là một nghệ thuật cao siêu, kỳ bí”. Đầu tiên, ông tập thở bằng cơ hoành, hay còn gọi là thở bụng. Ông buộc bản thân phải tuân thủ một kỷ luật thở có chủ định, hết sức nghiêm ngặt.

Kết hợp với việc ngồi tập thở đều đặn hàng ngày, ông tập kiểm soát tâm trí bằng nhãn quan nội tâm, soi trở vào trong. Ông ngồi thiền như tòa sen hàng giờ, toàn bộ tâm trí tập trung đi theo hơi thở vào ra. Cứ ngồi thở như vậy suốt một năm trời, ông đã có thể dẫn luồng khí theo các kinh mạch tác động vào huyệt đạo, mà trong yoga gọi là các luân xa (chakras).

Khi việc tập thở đã nhuần nhuyễn, điều khiển được khí mạch thì ông luyện ý chí để điều khiển các mạch máu của mình, vì theo các minh sư yoga, hệ thống mạch máu trong “vương quốc cơ thể” là mạng lưới giao thông, tiếp phẩm và thanh lọc. Điều khiển được các mạch máu bằng ý chí sẽ có khả năng “giao tiếp” với bất kỳ cơ quan nào trong cơ thể. Để tập luyện kỹ năng này, ông phải ngồi thả lỏng, tưởng tượng hai bàn tay đang nóng lên.

Sau khi đã gây được cảm giác nóng ở bàn tay thì ông tưởng tượng mình là một ngọn lửa, và như vậy, toàn cơ thể nóng ran, mặt đỏ bừng bừng. Tiến thêm bước nữa, ông tập gây ra cảm giác nặng, nhẹ ở tay, chân, ngực, bụng, rồi khắp thân mình. Ông Trường cho hay: “Mỗi khi luyện tăng trọng lượng, tôi thấy mạnh đến nỗi cả người nặng trịch, không tài nào đứng lên được”.

Cứ tập luyện kiên trì, dần dần ông Trường đã làm chủ được thân thể và nội quan. Ông có thể trồng cây chuối hàng giờ và vẫn rèn cơ thể bằng cách dồn hết tạng phủ lên phía ngực, đến mức bụng lép kẹp, chìa rõ xương sống và từng giẻ xương sườn. Ông đã xóa được những biểu hiện căng thẳng về thần kinh, lập lại được thế cân bằng trong cơ thể, giữ được tinh thần thư thái. Ông tự điều khiển hơi thở, tùy ý điều khiển được phế quản, phế nang, động mạch và tĩnh mạch phổi. Nhờ vậy bệnh hen mãn tính đã biến mất tự lúc nào

(còn tiếp)
Tài sản của ngoctulaa

Trả Lời Với Trích Dẫn
  #4  
Old 05-04-2008, 02:49 PM
ngoctulaa's Avatar
ngoctulaa ngoctulaa is offline
Cái Thế Ma Nhân
 
Tham gia: Mar 2008
Đến từ: Nơi có Tình Yêu em dành cho anh
Bài gởi: 617
Thời gian online: 56 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 27 Times in 16 Posts
Huyền thoại Yoga và nhà Yoga số 1 Việt Nam

Ngay sau hôm biểu diễn trước đông đảo người dân Hà Nội, tên tuổi nhà yoga Nguyễn Thế Trường nổi lên như cồn. Người ta nhắc đến ông như một giai thoại: rằng ở Hà Nội có một nhà yoga có thể ngồi nổi trên mặt nước, rằng người ông rắn như thép, có thể nằm trên bàn chông và đặt tảng đá lên bụng cho người khác cầm búa nện vỡ đá, rằng ông có bàn tay sắc như dao, chém vụn cả một chồng gạch... Có lẽ những giai thoại này đã làm cho tướng Vương Thừa Vũ lưu tâm. Ông mời Nguyễn Thế Trường tới Viện Khoa học kỹ thuật quân sự trình diễn. Thành phần đến dự buổi tối hôm đó toàn là bộ đội đặc công, phi công và một số võ sư của các môn phái.

Nhà yoga cởi áo, vận công, dẫn khí rồi mời mọi người kiểm chứng. Năm, sáu đôi tay của các võ sĩ rắn chắc thay nhau đấm vào, nhưng lạ thay, tấm thân mảnh khảnh của nhà yoga vẫn vững như bàn thạch. Một võ sư mình trần, cuồn cuộn cơ bắp gạt đám võ sinh ra ngoài. Vị võ sư này cũng hà hơi, dẫn khí, dồn lực và tung ra liên tiếp những chưởng thép. Tuy nhiên, nhà yoga Thế Trường vẫn bình chân như vại, đôi lông mày không hề lay động. Sau khi vị võ sư nọ dừng đấm, trở về thế bình thường, nhà yoga bắt tay bảo: “Nếu tôi dùng tay mình gạt cú đấm của anh rồi tấn công liệu anh có trụ được không”. Vị võ sư nọ xin bái phục. Tướng Vương Thừa Vũ vui vẻ ôm Thế Trường, thân mật nói: “Thật tuyệt! Phải thế chứ! Mình sẽ mời cậu giúp đỡ Bộ đội Đặc công tập luyện”.

Sau buổi biểu diễn đó, nhà yoga Thế Trường càng nổi tiếng hơn. Ông được rất nhiều báo chí trong và ngoài nước nhắc đến. Nghệ sĩ Lương Đức đã quay một cuốn phim nói về luyện tập dưỡng sinh, trong đó Nguyễn Thế Trường và võ sư Trần Thúc Tiển là người hướng dẫn, phát sóng liên tục cho cả nước cùng học. Cũng từ đó mà ở nước ta có khá nhiều trung tâm luyện tập yoga, luyện tập dưỡng sinh để nâng cao sức khỏe. Ông còn cùng với bác sĩ Nguyễn Khắc Viện viết cuốn sách có tên “Tìm hiểu và tập yoga” và phát hành trên khắp cả nước. Ông và bác sĩ Viện bôn ba khắp trong Nam, ngoài Bắc, vào các nhà trường, bệnh viện, viện dưỡng lão, doanh trại quân đội... để biểu diễn yoga, nói chuyện về yoga, tuyên truyền về yoga để nhân dân cùng tập luyện chữa bệnh, nâng cao sức khoẻ.

Hoàn thiện bản ngã

Các minh sư yoga quan niệm sức khỏe là trạng thái cân bằng giữa cơ thể với môi trường xung quanh. Do vậy, phải rèn luyện cho cơ thể thích ứng với mọi điều kiện, hoàn cảnh như nóng, lạnh, độ ẩm, độ cao, sự tăng tốc, sự thay đổi thành phần không khí... Dựa trên quan điểm đó, ông Trường đã sử dụng những yếu tố tự nhiên để rèn luyện mình.

Vào những dịp xuân hè, ông tập tắm nước nóng, nhiệt độ cứ tăng dần theo khả năng chịu đựng của cơ thể. Sang thu, tập tắm nước lạnh, và cứ thế cho đến hết mùa đông. Ông dùng chiếc ấm nhỏ đổ nước vào lỗ mũi trái, cho chảy qua lỗ mũi phải và ngược lại. Lúc đầu thì dùng nước ấm, sau đó lại dùng nước lạnh và cho thêm muối tinh vào nước để khử trùng khứu giác. Ông đã luyện thành thục đến nỗi, giờ chỉ cần bịt mũi này lại, nhúng mũi kia vào chậu nước, hít mạnh cho nước chảy vào miệng, rồi lại xì ra phía mũi kia được. Cứ vài ngày rửa một lần, miệng mũi lúc nào cũng thông thoáng, dễ chịu.

Bài tập xúc, rửa dạ dày có lẽ là kinh dị nhất. Trước khi rửa dạ dày, ông Trường không ăn gì để dạ dày trống rỗng. Sau khi dẫn khí cho dạ dày nở ra, ông uống nhiều nước vào. Ông lắc bụng thật mạnh, như người ta xúc rửa chai lọ. Ông vận khí, cuộn dạ dày lên ngực, đẩy nước ra ngoài miệng. Sau khi dạ dày sạch bong thì ông lại vận khí đẩy nước ra lối... hậu môn. Nước muối loãng sẽ đi qua ruột già, dọn sạch cặn bã, diệt hết vi khuẩn có hại, chống lại các bệnh viêm loét. Ông cứ tập như vậy đến hết cả xô nước, đến khi nước thải ra trong vắt mới thôi. Mỗi lần tập xong bài này, cơ thể nhẹ bẫng và suốt mấy tháng sau đó, ông có khả năng làm việc dẻo dai, tinh thần luôn thư thái, lạc quan.

Theo ông Nguyễn Thế Trường thì tập yoga phải trải qua ba giai đoạn. Giai đoạn một là rèn luyện sức khỏe. Giai đoạn hai là tập làm chủ bản thân, thích ứng với môi trường. Giai đoạn ba là tu luyện để hoàn thiện chân ngã, hòa đồng với vũ trụ. Nếu con người có thể hoàn thiện được chân ngã thì sẽ hoàn toàn làm chủ được bản thân, nhận thức được quy luật của vũ trụ, trí tuệ thăng hoa dẫn đến giác ngộ. Theo ông Trường thì ông đang tập luyện ở giai đoạn hai. Để hoàn thiện được chân ngã còn là một con đường chông gai, xa xăm trước mắt, hết cuộc đời này ông cũng chưa đạt được, nhưng những gì mà yoga mang lại cho ông thì quả là tuyệt diệu.

Với yoga, ông không những chiến thắng được bệnh tật mà còn khai trí cho mình. Nhờ yoga mà ông có được cơ thể dẻo dai, khỏe mạnh, tinh thần sảng khoái, trí tuệ sáng suốt, minh mẫn, đọc đâu nhớ đấy và năng lực làm việc bền bỉ, cần cù. Nhà văn Lê Bầu có lần đến nhà chơi, nhìn cảnh ông Trường ngồi nghiên cứu phải thốt lên: “Ông ấy cứ ngồi lỳ ra như cục gạch suốt cả ngày được”. Cũng vì trí tuệ được khai ngộ mà ông Trường học gì cũng nhanh, cũng giỏi. Ông đọc thông viết thạo tới 5 ngoại ngữ, Anh, Pháp, Nga, Trung Quốc và chữ Phạn. Ông còn là tác giả, dịch giả của 35 đầu sách, trong đó, những cuốn như: "Đường dẫn đến tài năng", "Lời trối trăng của danh nhân", "Newton con người và các phát minh", "Hành trang thời đại kinh tế tri thức", "Bí pháp trường thọ của Đông phương"... được dư luận chú ý, được các nhà khoa học đánh giá cao. Ngoài ra, ông còn được Nhà nước Campuchia tặng thưởng Huân chương sau khi soạn thảo giúp giới khoa học nước này cuốn “Từ điển tâm lý giáo dục đối chiếu Việt - Pháp - Nga - Khơme”. Mỗi khi đi trò chuyện với các bạn trẻ, ông Trường bao giờ cũng mở màn bằng câu: “Không có người nào bất tài, chỉ có những người không tìm ra sở trường của mình”. Yoga sẽ đánh thức phần chìm của tảng băng ý thức trong mỗi con người.

Phạm Ngọc Dương
Tài sản của ngoctulaa

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời

Từ khóa được google tìm thấy
yoga va vo thuat, yoga và võ thuật, yoga với võ thuật, yoga vs vo thuat

Ðiều Chỉnh


©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™