Ghi chú đến thành viên
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 07-07-2008, 06:45 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Chuyện tình của một anh hùng (SGGP)

Ngày mà ông Hồ Giáo được Nhà nước phong Anh hùng Lao động, thế hệ chúng tôi còn quá nhỏ. Sau này lớn lên, đi học, tôi cũng chỉ được biết tên ông qua sách truyện, thơ ca... Bất ngờ, trong chuyến đi công tác ở thành phố Quảng Ngãi mới đây, chúng tôi lại được gặp ông, bằng xương bằng thịt, như từ trang sách bước ra… Và, tôi đã được nghe kể, về chuyện tình của người anh hùng trên thảo nguyên Ba Vì ngày ấy…

Hoa sen cuối mùa...

Thuở đó chưa xa lắm, cái khắc nghiệt của chiến tranh đã làm cho đời sống của người dân, từ người ra trận đến kẻ ở lại, đều đối mặt với đói khát. Mỗi sản lượng sữa bò lúc ấy làm ra được coi như vàng, vì nó sẽ cứu sống tính mạng của bao thương bệnh binh nơi tiền tuyến và chăm sóc sức khỏe cho người già, con nít ở hậu phương.

Hiểu rõ điều đó, người lính trẻ của thôn Bình Thọ (xã Tịnh Sơn, huyện Sơn Tịnh, tỉnh Quảng Ngãi) đã chấp nhận vào vai chàng chăn bò, đem sức lực, mồ hôi và cả nước mắt để nuôi nguồn sữa ấy. Ai cũng biết, anh là Hồ Giáo, người đã dành trọn đời mình để chăm sóc và gầy dựng từ đàn bò của Nông trường Ba Vì xa xôi, đến đàn trâu trên cánh đồng Sông Bé…

"...Nhìn bóng dáng lẻ loi và chiếc giường đơn của ông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không cầm được lòng, bảo: “Chú lớn tuổi rồi, nhiệm vụ quan trọng lần này là phải lấy vợ gấp đấy nhé”. Nghe thủ tướng dặn vậy, người đàn ông 50 tuổi chỉ biết cười bẽn lẽn..."


Năm tháng qua đi, trách nhiệm thời chiến đã trở thành cái nghiệp của cuộc đời anh. Quay quắt với những đàn bò trên các nông trường, chớp mắt, người lính trẻ của thôn Bình Thọ ngày nào đã là người đàn ông 50 tuổi mà chưa kịp biết đến tình yêu. Ông vẫn sống độc thân và sớm tối cặm cụi bên những đàn bò.

Một lần, trong chuyến công tác đến nông trường Sông Bé, nhìn bóng dáng lẻ loi và chiếc giường đơn của ông, Thủ tướng Phạm Văn Đồng không cầm được lòng, bảo: “Chú lớn tuổi rồi, nhiệm vụ quan trọng lần này là phải lấy vợ gấp đấy nhé”. Nghe thủ tướng dặn vậy, người đàn ông 50 tuổi chỉ biết cười bẽn lẽn…

Nhưng đêm đó, ông đã không ngủ. Ông nhớ lại lời của thủ tướng - người thầy, người đồng hương thân thiết của ông, mà giật mình. Đến tuổi 50, ông mới chợt nhận ra: “Mình chẳng còn trẻ trung nữa, cũng cần phải có nơi nương tựa, một nơi để sớm tối quay về… Mà, biết tìm ở đâu…”.

Tình cờ, trong một dịp ông về quê nghỉ phép, bà con trong làng đã “làm mai” cho ông một người nữ cựu chiến binh, cũng cùng quê ở Quảng Ngãi. Tuổi xuân của chị cũng là những ngày cầm súng để giữ nước, giữ làng. Ngắm người thấy ưng, ông đồng ý với “bà mai” hẹn gặp gỡ với cô gái.

Ông kể, ngày hẹn, ông lúng túng, vụng về, ngại ngùng chẳng biết phải bắt đầu từ đâu và phải nói câu gì trước, câu nào sau. Hết buổi hẹn đầu tiên, ông chưa nói được lời nào, nhưng “tình trong như đã”.

Cuối cùng, trước hôm trở lại nông trường, không thể đi mà chưa nói lời nào, ông đành viết thư. Thư kể về hoàn cảnh, tính tình của ông, và cùng với lời cầu hôn rất… lính: “Nếu cô có ưng tôi thì trả lời, để năm sau về phép tôi sẽ làm đám cưới”. Sau vài ngày suy nghĩ, cô gái cũng viết thư trả lời. Câu trả lời cũng rất… lính: “Em đồng ý làm vợ anh…”. Năm 1981, ông về quê tổ chức đám cưới.

Nhớ lại kỷ niệm ngày cưới, ông nói: “Ngày ấy, tôi đang là Đại biểu Quốc hội, nghe tin tôi sắp cưới vợ, ai cũng mừng, các đại biểu đã dành dụm toàn bộ tiêu chuẩn trà, thuốc lá, bánh kẹo… gom góp và đóng thành mấy bao tải đưa tôi mang về quê làm đám cưới. Tiệc cưới toàn bánh kẹo, trà, thuốc lá, mà vui lắm…”.

Đám cưới ông Hồ Giáo là một đám cưới đặc biệt, không phải vì chú rể đã 53 tuổi, cô dâu đã 36 tuổi, mà cả hai đều… chưa hề yêu ai bao giờ. Đó là mối tình đầu giản dị mà nồng thắm của hai người. Nhìn họ hạnh phúc bên nhau, mọi người đều ví tình yêu đó như “hoa sen cuối mùa”…

Đơn giản như chính cuộc đời mình


Vợ chồng Anh hùng lao động Hồ Giáo hôm nay. Ảnh: M.N.

Cưới vợ xong ít ngày, ông lại trở vào nông trường Sông Bé để tiếp tục công việc của mình. Một năm sau thì vợ ông báo “đã có tin vui”. Biết tin này, bà con, bạn bè ai cũng mừng cho ông.

Còn ông, đã không khỏi xúc động khi biết mình có được mụn con đầu lúc tuổi đã gần xế chiều. Nhưng ngặt nỗi, ngày vợ ông sinh con, cũng là lúc đàn trâu của ông… trở dạ. Nén lòng, ông đành để vợ một mình vượt cạn, còn mình ở lại làm cho xong trách nhiệm được giao.

Biết có lỗi với vợ với con, nhưng cái nghiệp của ông nó vậy. Khi ông ở nông trường vừa đỡ đẻ cho trâu xong, cũng là lúc nghe nhà báo tin vợ con ông đã “mẹ tròn con vuông”! Biết chuyện này, nhiều người trách ông… “hâm”. Còn ông chỉ biết gãi đầu, gãi tai nói rằng: “Ở nhà vợ đẻ đã có bác sĩ trong bệnh viện lo giúp, chứ ở nông trường mà không có người đỡ đẻ cho trâu thì mất tiêu công sức chăm sóc suốt cả năm trời …”.

Nghe kể đến đây, tôi quay sang hỏi vợ ông: “Chị có giận chồng không?”. Bà mỉm cười đôn hậu đáp: “Thật ra, phụ nữ lúc sinh nở ai chẳng muốn có chồng bên cạnh, nhưng vì hiểu anh hết lòng vì công việc chung nên tôi thông cảm chứ giận làm gì…”.

Hai vợ chồng ông đang sống trong một căn nhà cấp 4 ở tổ 10, phường Quảng Phú, TP Quảng Ngãi. Cuộc sống gia đình của người hai lần được phong tặng anh hùng cũng giản dị như bao gia đình lao động nghèo khác.

Ngoài bộ bàn ghế đơn sơ, chiếc giường cũ kỹ, có lẽ, tài sản đáng giá nhất của gia đình ông là chiếc tủ sách… Riêng tác phẩm “Cỏ non” của nhà văn Hồ Phương - mà ông Hồ Giáo là nguyên mẫu của nhân vật Nhẫn trong tác phẩm, luôn được ông gìn giữ như một kỷ niệm đẹp.

Thấy khách đến nhà, vợ chồng ông đon đả tiếp đón. Bà Huỳnh Thị Thành, vợ ông năm nay đã 62 tuổi nhưng vẫn khỏe mạnh và làm lụng luôn tay. Bà vừa dẫn chúng tôi đi thăm nhà, vừa vui vẻ tâm sự: “Lúc anh về quê nghỉ hưu, cũng được nhà nước cấp cho căn hộ trên lầu ngoài mặt phố. Sau vì chỗ ở chật hẹp, trên lầu cao, đi lại hơi bất tiện, hàng tháng phải trả tiền thuê nhà nên anh đã trả lại nhà cho Nhà nước. Không nhà ở, anh chạy vạy ngược xuôi vay mượn bạn bè, anh em mỗi người một ít rồi vào xóm lao động này mua căn nhà nhỏ, cốt là để có nơi thờ cúng ông bà, cha mẹ…”.

Cuộc sống của ông bà giản dị với đồng lương hưu ít ỏi. Ông mua nhà được hơn 10 năm, chỉ với giá chưa tới 2 chỉ vàng, nhưng đến gần đây ông mới trả được hết nợ. Tuổi về chiều, nhưng cả ông lẫn bà đều tiếp tục làm việc. Bà giữ trẻ cho hàng xóm, còn ông, ở tuổi 80, vẫn hàng ngày ra đồng chăm sóc đàn bò của hợp tác xã… Người con gái 26 tuổi của ông đã có gia đình, và năm nay, ông có cháu ngoại…

Ông không nói gì, chỉ cười hiền lành khi nghe bà kể chuyện. Từ chuyện tình đến chuyện đời, có những thăng trầm mà ông bà đã trải qua. Tình yêu của ông, tuy muộn mằn nhưng cũng vừa kịp đến, để ông biết được cuộc đời này mình còn mắc nợ một người. Nước mắt, nụ cười trong từng câu chuyện của hai người đã làm dịu cái nắng hè gay gắt ở xứ sở miền Trung, nơi chúng tôi vừa đi qua...

Minh Ngọc



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™