Ghi chú đến thành viên
Go Back   4vn.eu > Kiến thức > Thế Giới Muôn Mầu > Sách - Tài liệu > Tủ sách Lịch sử - Địa lý > Lịch Sử
Gởi Ðề Tài Mới Trả lời
 
Ðiều Chỉnh
  #1  
Old 26-08-2008, 01:06 PM
donkihotexuthanh's Avatar
donkihotexuthanh donkihotexuthanh is offline
Phá Quan Hạ Sơn
 
Tham gia: Apr 2008
Bài gởi: 293
Thời gian online: 0 giây
Xu: 0
Thanks: 0
Thanked 11 Times in 5 Posts
Lãnh tụ Xôviết J. Stalin: Vẫn là một biểu tượng

Trong tâm trí không ít người dân Xôviết cũ, Stalin vẫn là một biểu tượng gắn bó với một giai đoạn tuy có nhiều gian khó và mất mát nhưng cũng rất hào hùng của Liên bang Xôviết. Stalin vẫn tiếp tục được tôn vinh là nhà chính trị đã có vai trò rất quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Liên Xô.

Đã hơn 55 năm trôi qua kể từ ngày 5/3/1953, khi lãnh tụ Xôviết Joseph Stalin qua đời, để lại sau lưng mình một di sản đồ sộ và không hẳn lúc nào cũng có thể đánh giá một cách rành rẽ. Tuy nhiên, theo những điều tra xã hội gần đây ở không chỉ riêng nước Nga mà cả trong không gian Xôviết cũ, trong tâm trí không ít người dân ở khu vực này, Stalin vẫn là một biểu tượng gắn bó với một giai đoạn tuy có nhiều gian khó và mất mát nhưng cũng rất hào hùng của Liên bang Xôviết.

Stalin vẫn tiếp tục được tôn vinh là nhà chính trị đã có vai trò rất quan trọng trong lịch sử hình thành và phát triển của Liên Xô. Thậm chí cách đây vài ba năm từng có tới 42% trong số 1.600 người tham gia cuộc điều tra xã hội ở Nga cho rằng, họ ủng hộ hoặc không có gì chống lại việc trên chính trường nước Nga hôm nay lại xuất hiện một nhà lãnh đạo tối cao như Stalin.

Tất nhiên, lịch sử đã sang trang khác và không thể có chuyện lặp lại quá khứ nhưng nếu hiểu đúng hơn về một lãnh tụ như Stalin thì luôn có thể rút ra được những bài học hữu ích cho tương lai.

Sức hấp dẫn của một lãnh tụ ở tầm cỡ như Stalin đôi khi lại nằm trong chính tính cách phức tạp và không bao giờ là một chiều của ông. Trong những tình huống bình thường, có thể một nhân cách như Stalin không thể hiện rõ ràng lắm toàn bộ kích cỡ của mình nhưng mỗi khi lâm sự, đặc biệt là trong những tình huống nghiêm trọng, những tinh hoa trong con người lãnh đạo bẩm sinh như Stalin lại được thăng hoa lên những tầm cao ít ai ngờ tới được.

Chính vì thế nên không chỉ những đối tác mà ngay cả các đối thủ của ông cũng nhiều lúc phải ngả mũ bày tỏ sự thán phục ông.

Tướng Charles de Gaull trong cuốn "Hồi ký chiến tranh" của mình, đã nhận xét: "Stalin có một uy tín to lớn, và không chỉ riêng ở nước Nga. Ông biết "thuần hóa" kẻ thù, không hoảng hốt khi núng thế và không say sưa thắng lợi. Mà ông lại là người có nhiều chiến thắng hơn thất bại...".

Ông tướng nhiều võ công trong chiến tranh thế giới thứ hai từng làm Tổng thống Pháp đã đặc biệt ấn tượng về cách hành xử của J. Stalin trong thời gian tiến hành hội nghị ở Tehran năm 1943, khi lãnh đạo ba quốc gia Đồng minh lớn nhất là Liên Xô, Mỹ và Anh ngồi lại cùng nhau thống nhất kế hoạch kết thúc chiến tranh thế giới lần thứ hai: "Stalin trò chuyện ở Tehran như một người có quyền đòi hỏi người ta phải báo cáo mình. Không bộc lộ kế hoạch của mình cho hai thành viên khác tham gia cuộc họp là Tổng thống Mỹ Franklin Roosevelt và Thủ tướng Anh William Churchill, ông lại đạt được việc buộc họ phải trình bày với ông kế hoạch của họ để ông bổ sung những điều chỉnh.

Roosevelt đã nghiêng về phía ông để bác bỏ ý tưởng của Churchill về việc các lực lượng vũ trang phương Tây tấn công rộng rãi qua Italia, Nam Tư và Hy Lạp tới Vienne, Praha và Budapest. Mặt khác, người Mỹ cũng đồng tình với người Xôviết, bác bỏ, bất chấp những yêu cầu của người Anh, việc xem xét trong cuộc họp những vấn đề chính trị liên quan tới Trung Âu, và đặc biệt là vấn đề về Ba Lan, nơi mà Hồng quân chuẩn bị tấn công...".

Kết quả đạt được tại Tehran năm 1943 với cách hành xử khôn khéo của Stalin đã tạo cho Liên Xô có được những yếu tố thuận lợi hơn trong cuộc hành binh chống lại chủ nghĩa phát xít và xây dựng mô hình mới cho châu Âu sau này…

Chính Thủ tướng Anh Churchill, người thực ra rất có ác cảm với chế độ Xôviết cũng từng phải công nhận: "Một hạnh phúc lớn lao đối với nước Nga là trong những năm thử thách khổng lồ, đất nước này được thiên tài, tướng quân sắt đá Stalin lãnh đạo. Ông ấy là nhân vật kiệt xuất nhất, bao trùm lên cái thời nhiều biến động mà cuộc đời ông ấy đã trôi qua.

Stalin là con người nhiệt huyết phi thường và ý chí không gì bẻ gẫy nổi, cứng rắn, khốc liệt trong trò chuyện, người mà ngay cả tôi, kẻ được giáo dục tại nghị viện Anh, cũng không có gì cưỡng lại được. Stalin trước hết có một óc hài hước phong phú, khả năng thâu nhận những ý tưởng một cách chuẩn xác. Sức mạnh này trở nên vĩ đại ở Stalin đến nỗi ông ấy là người độc nhất vô nhị giữa những nhà lãnh đạo quốc gia mọi thời và mọi nơi.

Stalin đã gây cho chúng tôi một ấn tượng kỳ vĩ. Ông ấy có trí anh minh sâu sắc, tư duy hợp lý, không bao giờ biết hoảng loạn. Ông ấy là một nghệ nhân bất khả chiến bại trong những khoảnh khắc khó khăn kiếm tìm lối thoát từ những tình huống tuyệt vọng nhất. Ông ấy là một nhân vật rất phức tạp.

Ông ấy xây dựng và thuần hoá một đế chế mênh mông. Đó là người biết tiêu diệt kẻ thù của mình bằng chính kẻ thù của mình... Lịch sử, dân tộc không bao giờ quên lãng những người như thế".
Tất nhiên, một cuộc đời có nhiều góc cạnh như của Stalin không bao giờ chỉ để lại những nhận định một chiều. Cho tới ngày hôm nay vẫn còn vô số những "nghi án" về sự đúng sai cách hành xử của vị lãnh tụ này trong những thời điểm khác nhau của lịch sử quốc gia Xôviết. Tuy nhiên, có một điều không thể phủ nhận được là, Stalin quả thực là một lãnh tụ lớn, rất biết cách đối nhân xử thế.

Ở Nga vẫn còn truyền tụng rất nhiều giai thoại thú vị về cách hành xử mẫn tiệp và hóm hỉnh của lãnh tụ Stalin trong những tình huống cực kỳ đa dạng. Trong trường hợp của văn hào Xôviết Mikhail Sholokhov (1905/1984), có thể thấy rằng, Stalin là vị lãnh tụ rất biết trọng nhân tài.

Ngay từ khi "Sông Đông êm đềm" mới ra đời, những kẻ ác ý đã tung tin đồn rằng, đây là bộ tiểu thuyết của một nhà văn khác, chứ không phải của Sholokhov. Điều này khiến nhà văn cảm thấy bị xúc phạm ghê gớm, thậm chí còn gây nhiều khó khăn cho ông. Đến mức, như Sholokhov về sau kể lại, tòa soạn tạp chí "Tháng 10" đã dừng in tập tiếp theo của "Sông Đông êm đềm” vì ngại những tin đồn.

Cực chẳng đã, Sholokhov đành phải cầu cứu ở "ông anh cả" của văn học Xôviết lúc đó là Maxim Gorky. Rồi sau một thời gian có điện thoại hồi âm của Gorky: "Giờ này ngày kia tới. Sẽ có đồng chí Stalin. Đấy mới là người quyết định số phận của anh. Sẽ nói chuyện trong bữa ăn trưa".

Lúc đó, trong thâm tâm Sholokhov cũng ngại lãnh tụ không thích những nhân vật mà ông trong "Sông Đông êm đềm" cho là có lỗi trong việc chống culắc nhưng cũng không còn biết bấu víu vào đâu nên đúng hẹn, Sholokhov cũng liều tới nhà Gorky để gặp Stalin...

Nhà văn kể: "Tất cả cùng ngồi. Gorky im lặng là chính, hút thuốc mù mịt... Stalin ra câu hỏi cho tôi: "Tại sao lại viết về viên tướng Kornilov mềm như vậy?". Tôi trả lời, hình ảnh và hành động của viên tướng Kornilov được tôi miêu tả không nương tay, nhưng thực sự tôi đã dựng nên nhân vật này như một người đã được giáo dục bởi đạo đức danh dự và dũng cảm của một sĩ quan. Ông ta đã chạy khỏi trại tù binh. Ông ta đã yêu Tổ quốc...

Stalin kêu lên: "Sao, thế là danh dự? Ông ta chống lại nhân dân! Một rừng giá treo cổ và một biển máu!". Tôi phải nói rằng, lập luận này đã thuyết phục tôi. Về sau tôi đã điều chỉnh theo hướng đó".

M. Sholokhov kể tiếp: "Stalin ra câu hỏi mới: "Lấy ở đâu ra việc thái quá của Bộ Chính trị sông Đông của Đảng và Ủy ban Cách mạng?" (Đây chính là chủ đề chống culắc). Tôi đáp, mọi việc đã được viết ra rất trung thực theo tài liệu lưu trữ. Nhưng các nhà làm sử đã tránh đi những sự việc này và đã kể chuyện nội chiến không giống như sự thật cuộc đời...

Cuối cuộc gặp, Stalin chậm rãi nói: "Một số người cho rằng bộ tiểu thuyết này sẽ làm vui những kẻ thù của chúng ta, bọn Bạch vệ đang sống lưu vong ở nước ngoài...".

Rồi ông hỏi tôi và Gorky: "Hai đồng chí nói gì về chuyện này?". Gorky trả lời: "Bọn chúng thì ngay cả những cái tốt đẹp, hay ho nhất cũng có thể bóp méo đi mà chống lại chính quyền Xôviết". Tôi cũng đáp: "Đối với bọn Bạch vệ thì ít có điều tốt trong tiểu thuyết này. Chẳng gì thì tôi cũng đã miêu tả sự thất bại hoàn toàn của chúng ở vùng sông Đông và Kuban".

Khi ấy, Stalin mới nói: "Đúng, tôi đồng ý. Việc miêu tả các sự kiện trong tập ba của "Sông Đông êm đềm" hữu ích cho chúng ta, cho cách mạng". Rồi ông hứa là sách sẽ được in...

Quả thực sau đó "Sông Đông êm đềm" tiếp tục được in. Năm 1965, bộ tiểu thuyết này đã được trao giải thưởng Nobel về văn học.

Các giai thoại còn lại tới hôm nay cũng kể rằng, Stalin luôn trân trọng Sholokhov, đến mức gần như "nuông" nhà văn. Sholokhov ngay cả khi đang giữ cương vị chủ đạo ở Hội Nhà văn Liên Xô cũng rất hay cùng bạn đồng nghiệp Alexander Fadeyev "chén anh, chén chú". Thậm chí, có hôm được lãnh tụ mời tới nói chuyện, nhà văn vẫn còn "tây tây".
Những kẻ xấu bụng tưởng như thế thì Sholokhov sẽ bị nhà lãnh đạo tối cao, vốn rất chỉn chu trong thủ tục hành chính, quở mắng. Thế nhưng, Stalin đã có cách hành xử khác.

Một lần, gặp nhà văn lớn, Stalin cười cười hỏi:

- Thế nào, đồng chí nhà văn, một tuần đồng chí cùng đồng chí Fadeyev uống rượu mấy ngày?

Sholokhov đành cười trừ cho qua chuyện. Thấy vậy, Stalin bảo cô thư ký:

- Cô ghi lại đi! Quyết định của Bộ Chính trị. Mỗi tuần đồng chí Sholokhov và đồng chí Fadeyev chỉ uống rượu từ thứ hai tới thứ năm thôi, còn lại ngày thứ sáu phải làm việc! Đừng như bây giờ, bảy ngày rượu say cả bảy!

Nói đoạn, ông dứ dứ ngón tay về phía văn hào. Cả hai bật cười sảng khoái...

Một năm, vào đúng ngày sinh nhật của mình, Sholokhov mời bạn bè thân thiết nhất tới một nhà hàng ở Moskva uống rượu. Bất thình lình, người phục vụ tới nói nhỏ với ông:

- Thưa ông, ông có điện thoại từ Điện Kremli!

Sholokhov cầm lấy ống nghe. Từ đầu dây bên kia vang lên giọng nói đầy uy vũ:

- Thế nào, bạn mình có việc vui mà lại quên mình rồi hả?!

- Dạ, thưa... Tôi... - Sholokhov định biện bạch.

- Không có tôi gì cả, tôi đang chờ anh đây. Cho tôi uống mừng sinh nhật anh với. Xe đang chờ ở ngoài cửa đấy!

Sholokhov ra ngoài. Quả nhiên, một chiếc xe sang trọng đang chờ ngoài cửa. Hóa ra là, Stalin nghe ai đó nói tới sinh nhật của Sholokhov nên đã quyết định là kiểu gì thì ông cũng đích thân chúc mừng nhà văn lớn. Trọng kẻ sĩ không bao giờ là việc vô ích đối với các chính trị gia!
Đông Phương



Các chủ đề khác cùng chuyên mục này:

Tài sản của donkihotexuthanh

Trả Lời Với Trích Dẫn
Trả lời



©2008 - 2014. Bản quyền thuộc về hệ thống vui chơi giải trí 4vn.eu™
Diễn đàn phát triển dựa trên sự đóng góp của tất cả các thành viên
Tất cả các bài viết tại 4vn.eu thuộc quyền sở hữu của người đăng bài
Vui lòng ghi rõ nguồn gốc khi các bạn sử dụng thông tin tại 4vn.eu™